Chương 1: Lý luận chung về tỷ giá hối đoái và tác động của tỷ giá tới ngoại thương


Chương 3: Một số giải pháp tăng cường tác động tích cực của tỷ giá hối đoái lên hoạt động ngoại thương Việt Nam



tải về 0.89 Mb.
trang8/11
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích0.89 Mb.
#3959
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

Chương 3: Một số giải pháp tăng cường tác động tích cực của tỷ giá hối đoái lên hoạt động ngoại thương Việt Nam.

Suy thoái kinh tế dần qua, nhân loại đang cùng nhau bước vào thế giới đa sắc của thương mại toàn cầu, các quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu đều có thể thử sức mình trong cái thế giới thương mại phù hoa ấy. Thế nhưng, trong vòng xoáy nghiệt ngã của sự cạnh tranh, của những chiếc hố do các quốc gia vốn lọc lõi trên thương trường âm thầm tạo ra thì thành công đối với các quốc gia nhỏ bé hơn, ít kinh nghiệm hơn sẽ rất mong manh. Tuy nhiên nếu các quốc gia nhỏ bé này biết cách hội nhập, biết cách học hỏi, tận dụng thời cơ và tạo được lợi thế cho mình trên thị trường thế giới thì mọi việc thực sự đổi khác. Vậy lợi thế của các quốc gia nhỏ bé này là gì ? Theo T.S John T.Barkoulas, giảng viên khoa kinh tế trường Đại học Tenesse (Mỹ) thì lợi thế trong hoạt động thương mại của các nước đang và kém phát triển chính là lợi thế về giá, một mức giá cạnh tranh sẽ giúp cho việc thâm nhập cũng như củng cố thị trường trở nên nhanh chóng hơn, vững chắc hơn. Điều này thậm chí đúng với cả các nước phát triển, do các nước phát triển có trình độ công nghệ như nhau, sản phẩm làm ra tương đồng nhau nên giá cả cạnh tranh hơn sẽ thôi thúc quyết định mua hàng hơn.

Thực sự phát triển hoạt động ngoại thương, tham gia thương mại quốc tế hai thập kỷ trở lại đây, Việt Nam cũng đã tạo cho mình được những thành tựu nổi bật. Song yếu tố mức giá cạnh tranh dường như không được đáp ứng theo đúng nghĩa của nó. Trong tương quan với chất lượng thực, hàng hóa của Việt Nam luôn bị xem là đắt tương đối so với hàng hóa thế giới. Người ta dường như chỉ quan tâm đến vấn đề sản xuất thật nhiều hàng hóa, giảm thấp nhất chi phí thu mua hàng hóa từ đó tiến đến giảm giá thành sản phẩm, giảm giá bán ra mà đã bỏ qua một yếu tố quan trọng nhất quyết định trực tiếp khả năng cạnh tranh về giá trong hoạt động ngoại thương đó là tỷ giá. Tỷ giá có thể đẩy mạnh hoạt động ngoại thương, giúp giá cả hàng hóa đứng ở mức cạnh tranh mà không cần phải giảm giá bán sản phẩm. Đối với một nước đang phát triển ở mức thấp, đang từng bước phải đổi mới công nghệ như Việt Nam thì việc giảm giá bán sản phẩm không phải là chuyện một sớm, một chiều. Thế nhưng tỷ giá của Việt Nam lại chưa được vận động trong một môi trường thuận lợi để có thể làm cái sứ mệnh cao cả của mình. Chương 3 do đó sẽ tập trung đưa ra một số giải pháp nhằm tạo được môi trường thuận lợi ấy, giúp tăng cường tác động tích cực của tỷ giá lên hoạt động ngoại thương. Để các giải pháp này có tính thực tế và mang lại hiệu quả cao, trước hết ta hãy cùng xem xét căn cứ lựa chọn các giải pháp.

3.1. Căn cứ lựa chọn các giải pháp:

*Căn cứ đầu tiên chính là các giải pháp về tỷ giá hối đoái phải được xây dựng phù hợp với mọi biến động tiền tệ trong hệ thống tiền tệ thế giới. Đây là một căn cứ rất quan trọng nhất là trong xu thế hội nhập ngày nay, khi hiện tượng nhất thể hóa tiền tệ được nhiều quốc gia ủng hộ. Lịch sử đã từng chứng kiến những sự kiện đau lòng khi các biện pháp điều hành tỷ giá của một quốc gia bị tách biệt gần như hoàn toàn với mức biến thiên của các đồng tiền mạnh trên thế giới. Đó là bài học của Chile những năm 70 thế kỷ trước. Trong tình cảnh thâm hụt trầm trọng cán cân thanh toán, tăng trưởng xuất khẩu ở mức âm, lạm phát leo thang, Chile đã quyết định neo đồng nội tệ của mình vào đô la Mỹ với hy vọng tìm kiếm sự ổn định tỷ giá mà không hề bận tâm đến việc đồng đô la lúc đó đang suy yếu. Khi hệ thống Bretton Wood sụp đổ, USD chỉ còn là một mớ giấy lộn thì Chile lâm vào tình cảnh khủng hoảng nợ nghiêm trọng, hệ thống ngân hàng bị tê liệt, mất hoàn toàn khả năng kiểm soát vốn. Khủng hoảng tài chính-tiền tệ lan sang khủng hoảng chính trị và rốt cuộc, tổng thống Chile đã phải đệ đơn từ chức. Do đó, tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ phải được xây dựng dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng những biến động về tỷ giá, về xu thế tỷ giá thế giới.

*Thứ hai, sự lựa chọn và điều hành hoạt động tiền tệ cũng như hoạt động thương mại phải hướng tới việc nâng cao uy tín của VND, từng bước đưa VND thành đồng tiền chuyển đổi. Bởi nếu uy tín VND được nâng cao, VND trở thành đồng tiền chuyển đổi thì rủi ro về tỷ giá cũng sẽ giảm bớt, các doanh nghiệp tham gia ngoại thương cũng sẽ ít phải lo lắng hơn về vấn đề chi phí phát sinh do biến động tỷ giá

*Thứ ba, các giải pháp đưa ra phải tạo được một môi trường thuận lợi để tỷ giá có thể phát huy được vai trò của nó. Môi trường thuận lợi chính là môi trường kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định về chính trị, hàng hóa được tự do tham gia thương mại, các rào cản thuế quan, phi thuế được hạn chế ở mức tối đa; tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, các luồng vốn được phép tự do vận động và quan trọng nhất là tỷ giá phải được thực sự hình thành dựa trên quan hệ cung cầu tiền tệ.

*Thứ tư, các giải pháp phải phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, tuân thủ tuyệt đối các chiến lược Đảng, Nhà nước đề ra và phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các lĩnh vực kinh tế một cách toàn diện. Không thể vì mục đích chú trọng hoạt động ngoại thương mà điều hành tỷ giá theo hướng triệt tiêu hoàn toàn lợi ích các hoạt động khác. Ví như giải pháp nâng giá tiền tệ sẽ giúp kích thích nhập khẩu song về mặt dài hạn lại hủy hoại đầu tư, gây xói mòn cán cân thanh toán.

*Thứ năm, các giải pháp cần mang tính ứng dụng thực tế cao, phù hợp với trình độ quản lý của các cơ quan chức năng bởi có như vậy, mới không dẫn đến tình trạng “quá sức” trong quá trình thực thi giải pháp. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều quốc gia rơi vào tình trạng này khi thực thi chính sách tài chính-tiền tệ. Trường hợp thả nổi đồng bạt năm 1998 là môt minh chứng cho vấn đề này. Xuất phát từ chủ trương cố định tỷ giá với đô la nhằm tăng tính ổn định của đồng bạt, yên tâm với lượng dự trữ ngoại hối được xem là cao thứ hai Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan đã nâng dần giá trị đồng bạt so với đô la và kết quả là NHTW Thái Lan đã không thể kiểm soát được hiện tượng đầu cơ đồng bạt một cách ồ ạt. Thêm nữa, việc can thiệp trên thị trường ngoại hối liên tiếp nhằm giữ vững giá trị đồng nội tệ đã làm cạn kiệt toàn bộ khoản ngoại hối dự trữ mà Thái Lan vốn tự hào. Giải pháp cố định tỷ giá giúp tăng trưởng kinh tế sụp đổ, ngân hàng kiệt sức trên thị trường ngoại hối và tỷ giá đồng bạt bị thả nối ngoài ý muốn của Thái Lan. Rõ ràng tình cảnh này thể hiện việc Chính phủ Thái Lan đã quá tin tưởng vào trình độ quản lý tiền tệ của mình mà xa rời thực tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế quốc gia.

*Thứ sáu, các giải pháp phải được hình thành trên cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế của Việt Nam, tuyệt đối tránh tình trạng theo đuôi các chính sách, giải pháp của các quốc gia khác. Kinh nghiệm cho thấy việc dập khuôn nguyên si không những không giải quyết được gì mà còn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tháng 9/1992, Brazil phá giá đồng Real 10% với mục đích cải thiện hoạt động ngoại thương, chỉ trong vòng 6 tháng, xuất khẩu Brazil đã đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng lên đến 28%, cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt sang thặng dư (8). Thấy tình hình Brazil có vẻ khả quan, cuối năm 1994, Mêhico cũng bắt đầu giảm giá 10% đồng Peso và kết quả là hoạt động đầu cơ leo thang, xuất khẩu không hề thấy tăng trưởng, thay vào đó là tình trạng thâm hụt nặng cán cân thương mại, khủng hoảng đồng Peso nổ ra.

*Việc tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế chính là căn cứ thứ bẩy trong quá trình xây dựng các giải pháp. Khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam không chỉ phụ thuộc đơn lẻ vào yếu tố tỷ giá mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác trải dài từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào, sản xuất, thử nghiệm, xúc tiến thị trường cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm; tất cả phải được tạo mọi điều kiện và quan tâm tuyệt đối. Ngoài ra, xét một cách vĩ mô, các quy tắc, luật lệ do các cơ quan chức năng đưa ra cũng được xem là yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, do đó cũng cần được cân nhắc.

*Thứ tám, các giải pháp tăng cường tác động tích cực của tỷ giá lên hoạt động ngoại thương Việt Nam phải được hình thành trên cơ sở kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Bởi nếu các giải pháp chỉ đảm bảo lợi ích kinh tế riêng cho Việt Nam, tất yếu sẽ nảy sinh phản kháng từ phía nước ngoài, trong đa số trường hợp đó là những phản kháng rất bất lợi. Chúng ta đã chứng kiến các cuộc trả đũa trong việc bảo hộ nông sản giữa Châu Âu và Mỹ, nay chúng ta lại chứng kiến sự trả đũa của Mỹ đối với Nhật Bản bằng hiện tượng đồng Yên tăng giá. Do đó, căn cứ trên là vô cùng quan trọng nếu chúng ta muốn tồn tại lâu dài trên trường quốc tế.

*Căn cứ thứ chín là các giải pháp phải được xây dựng không chỉ dựa vào định tính mà còn phải tính đến cả các yếu tố định lượng nếu cần thiết. Bởi giải pháp đưa ra nếu được chứng minh qua những yếu tố định lượng sẽ trở nên rõ ràng hơn, tạo dựng được niềm tin và sự kiên trì trong việc tiếp tục thực thi giải pháp.

Cuối cùng, các giải pháp tất yếu phải vừa phát huy được ảnh hưởng tích cực của tỷ giá đến quá trình vận động của hoạt động xuất- nhập khẩu vừa hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của biến động tỷ giá lên lợi nhuận các doanh nghiệp tham gia ngoại thương. Có làm được điều này thì hoạt động ngoại thương mới thực sự tiến lên phía trước.

Nói tóm lại, có rất nhiều căn cứ lựa chọn các giải pháp, song căn cứ chủ đạo vẫn là các giải pháp phải được xây dựng phù hợp với thực tiễn cũng như các chính sách của Việt Nam, phù hợp với sự vận động trong lĩnh vực thương mại, tiền tệ thế giới và nhất là phải có tính áp dụng thực tiễn cao.



3.2. Một số giải pháp cụ thể:

3.2.1. Giải pháp vĩ mô:

3.2.1.1. Nhóm giải pháp đối với hoạt động của NHNN:

NHNN là cơ quan chức năng tối cao trong việc điều hành, quản lý tỷ giá. NHNN được giao trọng trách quyết định chế độ, ấn định khuôn khổ vận động của tỷ giá sao cho có lợi nhất đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong những năm trở lại đây, báo chí liên tiếp ca ngợi rằng công cuộc điều hành tỷ giá của NHNN là rất có hiệu quả, rằng đã đảm bảo được nhập khẩu, giảm bớt gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế, hài hòa được lợi ích giữa tỷ giá và hoạt động thương song nếu nhìn nhận một cách khách quan thì vận động của tỷ giá lại cho chiều hướng ngược lại. Với mục tiêu ổn định tỷ giá, NHTW đã liên tiếp can thiệp trên thị trường ngoại hối, gây ra tình trạng căng thẳng kéo dài suốt tháng 4 đến tháng 8 năm 2001. Sự can thiệp giữ giá VND ở mức cao đã khiến đồng Việt Nam ngày càng ra rời giá trị thực của nó.



Đồ thị 3: Chênh lệch giữa tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực

(x đồng/1 đô la Mỹ) giai đoạn 1993-2003



Nguồn: Phòng hối đoái, ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam

Đồ thị 3 cho thấy mức chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái danh nghĩa do NHNN kiểm soát và tỷ giá thực đang có xu hướng leo thang, mức tăng rất nhanh do độ dốc lớn đang gây hậu quả xấu cho hoạt động ngoại thương Việt Nam. Có người cho rằng con số nhập siêu dự tính trên dưới 5 tỷ đô la năm 2003 không phải do yếu tố tỷ giá, rằng trong bối cảnh cơ cấu xuất-nhập khẩu còn bị điều tiết theo ý muốn chủ quan, động lực tỷ giá bị kìm hãm thì tỷ giá chưa thể có khả năng tác động mạnh mẽ đến xuất-nhập khẩu như vậy được. Thế nhưng hình như người ta đã quên mất một điều rằng năm 2003 chính là năm mà các hoạt động xúc tiến thương mại diễn ra rầm rộ nhất, các hội chợ giới thiệu hàng xuất khẩu liên tiếp diễn ra ở hầu hết tất cả các châu lục, mới đây nhất ngày 10/11/2003, hai thị trường Látvia và Lítvia cũng được liệt vào danh sách các thị trường mục tiêu trong năm tới. Trong khi đó Bộ Thương Mại cũng như các cơ quan chức năng khác đâu có khuyến khích, xúc tiến thị trường nhập khẩu mà kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng mạnh, tốc độ tăng nhập khẩu gần gấp đôi tốc độ tăng xuất khẩu, tỷ trọng nhập khẩu trong tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng lên nhanh chóng. Phải chăng ở đây có sự xuất hiện của tỷ giá ? Quả thật đúng như vậy bởi với thực tế giá đồng Việt Nam bị định cao hơn giá trị thực thì vấn đề hỗ trợ nhập khẩu, kìm hãm xuất khẩu, xói mòn cán cân thương mại, gây tổn hại đến hoạt động ngoại thương là điều tất yếu.Vậy theo lý thuyết, NHNN có nên phá giá tiền tệ để lập lại được trạng thái cân bằng xuất nhập khẩu cho hoạt động ngoại thương Việt Nam ngay lúc này không ?

Câu là lời sẽ là không bởi những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, phá giá VND theo đúng nghĩa thực của nó là việc đánh tụt sức mua tiền tệ xuống dưới sức mua thực tế của VND tức hạ thấp tỷ giá danh nghĩa xuống dưới mức tỷ giá thực. Hiện nay đồng Việt Nam bị định giá cao hơn giá trị thực 20%, nếu lấy mức tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày 10/11/2003 là 15629 đồng/đôla thì khi phá giá, đồng Việt Nam sẽ dừng ở con số 18755 đồng/ đôla và khi đó các nhà đầu cơ sẽ lao vào canh bạc đỏ đen với hi vọng kiếm chác dựa trên mức chênh lệch 3126 đồng/đô la. Với sự hỗ trợ của thị trường chứng khoán; hàng loạt cổ phiếu, trái phiếu bằng tiền đồng Việt Nam sẽ liên tiếp bị bán ra, gây xáo trộn thị trường vốn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tiền tệ. Với lượng dự trữ ngoại tệ chính thức quá ít ỏi 3,5 tỷ đô la hiện nay thì NHNN sẽ không đủ khả năng để có thể đối phó được với những tình huống đầu cơ tiền tệ với khối lượng lớn như canh bạc mà tỷ phú Soros đã đặt ra cho Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ trước đây.

Thứ hai, việc đồng Việt Nam bị xuống giá quá mạnh trong một thời gian ngắn sẽ gây tâm lý mất lòng tin vào đồng nội tệ, người ta sẽ đến ngân hàng, rút tiền Việt Nam, đổi thành đô la Mỹ. Theo quy luật đám đông, số người rút tiền đồng Việt Nam chuyển thành USD càng ngày sẽ càng tăng, các NHTM sẽ lâm vào tình cảnh khan hiếm tiền đồng cho vay trong khi lại quá thừa thãi USD, cán cân vốn mất cân đối nghiêm trọng, dễ gặp rủi ro trước những biến động tiền tệ thế giới. Bên cạnh đó việc khan hiếm tiền đồng sẽ dẫn đến việc các NHTM hạn chế đầu tư, cho vay, gây tổn thất đến hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng cũng như toàn bộ hoạt động ngoại thương nói chung.

Chưa hết, đa số các NHTM của chúng ta hiện nay lại đang trong tình trạng thừa vốn ngắn hạn, thiếu vốn trung-dài hạn, trung bình tỷ trọng vốn ngắn hạn/ tổng tiền gửi xấp xỉ 80%. Do nhu cầu vốn trung dài hạn tăng cao, các ngân hàng đã mạo hiểm hoạt động theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, tức lấy vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung-dài hạn; có ngân hàng tỷ trọng vốn ngắn hạn trong các khoản cho vay trung-dài hạn đã lên đến 40% thể hiện nguy cơ “sai lệch kép” (sai lệch về cơ cấu và thời hạn). Thêm vào đó, tình trạng nợ xấu trong hệ thống các NHTM ngày một tăng cao, chỉ tính riêng nợ xấu cho đẩu tư xây dựng cơ bản tính đến hết năm nay đã là 10.000 tỷ đồng. Nếu mức an toàn cho vay là 12 đồng/ 1 đồng vốn thì tỷ lệ này tại các ngân hàng của ta đã là 25 đồng/ 1 đồng vốn (25). Điều này có nghĩa là sự tồn tại của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong tình cảnh phá giá tiền tệ là rất mong manh. Trong tình huống giả định phá giá tiền tệ như trên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu đa số dân chúng đến rút tiền trong hệ thống ngân hàng thương mại? Các NHTM sẽ phải huy động đến cả các khoản dự trữ bắt buộc, cầu cứu NHTW và khi dự trữ cạn kiệt thì tiền đồng Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thả nổi, không thể kiểm soát.

Cuối cùng, do bản chất nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường thuở sơ khai nên xuất khẩu chủ yếu vẫn là nông sản, nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu nên một sự phá giá để cải thiện tình hình ngoại thương sẽ làm tình cảnh trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Xét một cách cụ thể hơn, nông sản là loại hàng hóa có thể thay thế, trong khi máy móc thiết bị, nguyên vật liệu thường là những mặt hàng thiết yếu, không thể thay thế. Với sự kiện phá giá đồng Việt Nam, theo cách hiểu thông thường, đồng Việt Nam sẽ trở nên rẻ tương đối, kéo theo hàng nhập khẩu đắt lên từ đó mà hạn chế được lượng nhập khẩu, cải thiện tình hình ngoại thương. Tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy, bởi đối với mặt hàng thiết yếu như xăng-dầu thì dù có muốn hay không vẫn phải nhập khẩu, ấy là chưa kể giá máy móc thiết bị cao hơn giá nông sản rất nhiều lần khiến mức tăng kim ngạch xuất khẩu không thể theo kịp mức tăng kim ngạch nhập khẩu trong một thời gian ngắn, việc phá giá ngay lập tức sẽ gây hiện tượng nhập siêu nặng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu tác động của tỷ giá lên hoạt động ngoại thương Việt Nam của T.S Ngô Quốc Tạo, Viện kinh tế thế giới, trên cơ sở mô hình Marshall- Lerner càng minh chứng rõ cho điều này. Với tổng độ co giãn xuất-nhập khẩu so với tỷ giá trong suốt giai đoạn 1990-2003 nhỏ hơn 1 (1,33 + (-1,28) = 0,05 <1 ), phá giá sẽ thực sự không đem lại kết quả gì.

Vậy liệu pháp nào có thể áp dụng với tỷ giá để cải thiện tình hình ngoại thương Việt Nam hiện nay ? Đó là biện pháp điều chỉnh tỷ giá từ từ, giảm dần tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, tránh liệu pháp sốc đột ngột. NHNN cần mạnh dạn hơn trong việc giảm tỷ giá, cần quy định mức giảm tỷ giá cao hơn hiện tại 2,2%, có thể giảm khoảng 6% năm 2004 và giảm nốt mức chênh lệch giữa tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực trong hai năm tiếp theo. Việc giảm như vậy sẽ khiến người dân quen với việc giảm giá đồng đô la, ngoài ra, do có độ trễ nên việc tốc độ tăng xuất khẩu có thể theo kịp tốc độ tăng nhập khẩu, xuất khẩu sẽ trở nên sôi động hơn. Giảm tỷ giá đồng thời sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh đồng loạt của hàng nhập khẩu mà không quốc gia nào phê phán Việt Nam vi phạm nguyên tắc WTO (tổ chức thương mại thế giới). Nhờ đó có thể hạ thấp hàng rào thuế quan xuống mức như WTO yêu cầu mà không hề gây hại gì đến sản xuất trong nước. Trung Quốc đã hạ giá đồng CNY 40% năm 1994, nhờ vậy mà việc giảm thuế nhập khẩu trung bình từ 40% xuống 12% hiện nay không hề ảnh hưởng gì đến tính cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc (49). Đối với Việt Nam, theo nghiên cứu của nhóm tác giả Đinh Hiền Minh, Đỗ Thu Hương, Hoàng Văn Thành (Bộ Kế hoạch và Đẩu tư) tiến hành năm 2003 thì bước sang năm 2004, với kịch bản tỷ giá hối đoái tăng trên 5%; GDP tăng 7,5%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%/năm, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng 4,4%, dịch vụ tăng 8%/năm thì tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng ở mức 18%, thâm hụt cán cân thương mại sẽ giảm xuống 16%. Điều này có nghĩa là mức giảm tỷ giá 6% trong năm 2003 có khả năng cải thiện được tình hình ngoại thương Việt Nam.

* Song song với biện pháp tăng mức độ giảm giá đồng nội tệ, tránh phá giá nội tê như đã đề cập ở trên, một số giải pháp sau cần được thực hiện:

_ Xác lập tỷ giá Forward (kỳ hạn) dựa trên cơ sở lãi suất của hai đồng tiền hoán đổi: Về mặt nguyên tắc, tỷ giá kỳ hạn được xem là tổng của tỷ giá giao ngay với mức chênh lệch lãi suất cho vay của hai đồng tiền định giá và yết giá. Song đối với Việt Nam, cách ấn định tỷ giá kỳ hạn lại có phần khác, chính sự khác biệt này đã gây thiệt thòi cho rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia mua, bán ngoại tệ kỳ hạn.

Giả sử doanh nghiệp A tiến hành nghiệp vụ kì hạn 1 tháng mua ngoại tệ nhập khẩu. Với mức tỷ giá giao ngay là 15629 VND = 1 USD, theo quyết định số 679/2002/QĐ – NHNN, tỷ giá kì hạn bằng tỷ giá giao ngay cộng với từng mức tỷ lệ phần trăm gia tăng tương ứng với từng kì hạn giao dịch cụ thể (kỳ hạn từ 7-30 ngày: 0,5%; từ 31-60 ngày: 1,2%...). Như vậy tỷ giá kỳ hạn trong giao dịch của doanh nghiệp A với ngân hàng sẽ là:

F = 15629 (1 + 0,5%) = 15707 VND/ 1 đô la

và điểm tăng kỳ hạn = 15629* 0,5% = 15707 – 15629 = 78 (VND) (a)

Tuy nhiên nếu tính tỷ giá kỳ hạn trên cơ sở chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thì ta sẽ có kết quả khác:

Với công thức RF = R+ RS* (IV – IU)

Trong đó : RF : Tỷ giá kì hạn

RS : Tỷ giá giao ngay = 15629 VND/ 1đô la

N : Thời hạn cho vay (tháng) = 1

IV : Lãi suất cho vay VND = 7,6%/năm

IU : Lãi suất cho vay USD = 2,4%/năm

(theo các số liệu giao dịch của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam ngày 10/8/2003)

ta có tỷ giá giao ngay:

RF = 15629 + 15629* *(7,6% - 2,4%) = 15696 VND/ 1 đô la

ở điểm gia tăng kỳ hạn thực tế là : 15696 – 15629 = 68 (VND) (b)

(a) và (b) cho thấy điểm bất hợp lý của nghiệp vụ kỳ hạn tại Việt Nam. Để có được 1 USD, sau 1 tháng, nhà nhập khẩu phải trả thêm 78 đồng (theo cách tính của Việt Nam); trong khi đó nếu áp dụng cách tính dựa trên chênh lệch lãi suất thì con số này chỉ là 67 đồng. Tức theo cách tính NHNN, với mỗi đô la, nhà nhập khẩu A phải mua đắt hơn 11 đồng so với cách tính quốc tế . Điều này chứng tỏ cách cộng thêm vào từng kỳ hạn giao dịch cụ thể kể trên có phần hạn chế và rất không phù hợp với thực tiễn. Với tình trạng thị trường tiền tệ thế giới luôn luôn biến động, lãi suất luôn luôn thay đổi thì một giải pháp xây dựng tỷ giá kỳ hạn dựa trên mức chênh lệch lãi suất là rất cần thiết. Và đã đến lúc NHNN phải đưa việc tính tỷ giá kỳ hạn trở về đúng với bản chất khoa học của nó.

_Tiếp theo, để khuyến khích xuất khẩu, NHNN cần nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND, lên trên +/-0,5%, khoảng +/-5% đến +/-10%. Một vấn đề tồn tại là nhà nước chỉ quy định biên độ giao dịch giữa tỷ giá đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ, còn tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ khác lại được tính chéo dựa trên tương quan tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và các đồng tiền khác trên thế giới. Với mức biên độ chật hẹp, tỷ giá USD/VND được coi là hầu như cố định, trong khi tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ khác lại gần như được thả nổi. Cách quản lý nửa vời với việc xoay sở sao cho vừa giữ ổn định tỷ giá VND với đô la, vừa theo dõi diến biến vận động của các đồng tiền khác trên thị trường ngoại hối đã làm cho nguồn lực quản lý bị phân tán. Thêm vào đó, một mức tỷ giá cố định không thể phản ánh được hoàn hảo những biến động trong cung cầu tiền tệ cũng như sự di chuyển của các luồng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và đặc biệt rất dễ gây tình trạng ngộ nhận về sức mạnh đồng nội tệ. Ngoài ra, với một mức biên độ quá hẹp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, các NHTM luôn phải bằng mọi cách giao dịch ở mức kịch trần. Nới rộng biên độ giao dịch vì vậy sẽ khiến tỷ giá hối đoái của Việt Nam bám sát với tỷ giá thực tế hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vấn đề quản lý cũng như phát triển hơn hoạt động ngoại thương.

_ Tiếp tục xây dựng phương pháp tính tỷ giá theo “rổ tiền tệ”: Để giảm thiểu rủi ro tỷ giá vào một đồng tiền duy nhất, việc tính tỷ giá theo rổ tiền tệ nên thường xuyên được cân nhắc. Điểm cốt yếu ở đây là phải xác định rổ tiền tệ bao gồm những loại tiền tệ nào cũng như việc cân nhắc trọng số của từng loại tiền tệ trong rổ. Đồng EUR và USD thường là những đồng tiền có trọng số cao nhất do đây là các đồng tiền có khả năng chuyển đổi và được hậu thuẫn bởi các cường quốc mạnh nhất về kinh tế. Tuy nhiên theo Nhật báo Trung Hoa số ra ngày 27/9/2003 thì giữa năm 2004, Trung Quốc sẽ nâng giá đồng CNY và đưa CNY thành đồng tiền chuyển đổi trên tài khoản vãng lai.Với một quốc gia có tiềm lực tài chính như Trung Quốc, tổng GDP > 1000 tỷ thì chúng ta sẽ phải cần có thêm CNY trong rổ tiền tệ của mình.

_Tăng cường hơn nữa công tác bảo hiểm rủi ro hối đoái bằng cách mở rộng các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, cho phép triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm biến động tỷ giá trong mọi NHTM . Hiện nay, các công cụ phòng chống, trợ giúp cũng như bảo hiểm rủi ro hối đoái ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Các nghiệp vụ trợ giúp phòng chống rủi ro hối đoái vẫn là nghiệp vụ kỳ hạn, hay nghiệp vụ hoán đổi (SWAP), theo thống kê từ NHNN thì hai loại nghiệp vụ này hầu như rất ít được thực hiện. Phần vì các doanh nghiệp hiểu biết sâu lĩnh vực này không nhiều, phần vì khi áp dụng sinh ra rất nhiều bất cập như bất cập ví như vấn đề về chênh lệch điểm gia tăng trong nghiệp vụ kì hạn đã đề cập ở trên. Tháng 4/2003, NHNN đã cho phép ngân hàng thương mại cổ phần Xuất-nhập khẩu (EXIMBANK) tiến hành nghiệp vụ quyền lựa chọn (option) đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động ngoại thương (38), bên cạnh đó ngân hàng còn thực hiện bảo hiểm rủi ro tỷ giá bằng cách cam kết mua lại toàn bộ ngoại tệ hoặc nội tệ của doanh nghiệp ở mức tỷ giá khi chưa có biến động tăng, giảm đột ngột. Đa số các doanh nghiệp xuất- nhập khẩu khi tham gia bảo hiểm rủi ro tỷ giá tại EXIMBANK đều rất phấn khởi vì giờ họ không phải lo nghĩ nhiều đến vấn đề lỗ phát sinh từ các biến động ngoại tệ nữa. Thiết nghĩ NHNN nên mở rộng thêm các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ như nghiệp vụ tương lai (future), nghiệp vụ option...và cho phép nhiều ngân hàng thương mại thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm tỷ giá hơn nữa.

_Giải pháp thứ năm: NHNN nên tiến hành thiết lập các mối quan hệ hợp tác tiền tệ với các quốc gia trên thế giới, trước hết là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Một điều dễ hiểu là những biến động tiền tệ dù mạnh hay yếu đều kéo theo những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế, tác động trực tiếp đến hoạt động ngoại thương, do đó việc hợp tác tiền tệ này sẽ giúp cho NHNN có thể đứng vững được trước những sóng gió bất ngờ xảy ra do tranh thủ được sự giúp sức của các quốc gia bên ngoài. NHNN có thể thực hiện nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới ở một mức ngoại tệ nhất định, điều này cho phép NHNN được quyền mượn tạm dự trữ ngoại tệ từ các quốc gia khác để ổn định tỷ giá trong tình trạng nguy cấp hoặc giải quyết các vấn đề nợ nần cũng như cân bằng cán cân thanh toán trong một thời gian nhất định. Với lượng dự trữ ngoại tệ ít ỏi 3,5 tỷ USD của NHNN hiện nay thì việc áp dụng vấn đề hoán đổi ngoại tệ kể trên trở nên vô cùng bức thiết. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, NHNN cần được sự trợ giúp của Chính phủ trong việc kí kết thỏa thuận song phương về hoán đổi ngoại tệ giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

_ Đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ chính thức chính là giải pháp thứ sáu. Dự trữ ngoại tệ luôn được xem là công cụ đắc lực cho phép NHNN can thiệp trên thị trường ngoại hối nhằm điều tiết tỷ giá theo hướng có lơi cho kinh tế đất nước. Song trong tình trạng hiện nay, dự trữ ngoại tệ chủ yếu dưới dạng USD (khoảng 80%), dự trữ bằng EUR chỉ chiếm trên 10% (khoảng 200 triệu USD, trong khi trung bình giao dịch trên thị trường ngoại tệ 1 ngày là 900 triệu USD) (30), 10% còn lại là một số đồng tiền khác như GBP, DEM... Điều này cho thấy nếu tỷ giá giữa VND và các đồng tiền khác ngoài Mỹ biến động lớn thì việc duy trì một mức tỷ giá hợp lý là rất khó khăn.

_ NHNN nên xem xét việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ. Hiện nay, tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng thương mại là 15%, một mức dự trữ được xem là cao hơn so với mức trung bình 10% của thế giới. Dự trữ bắt buộc cao như vậy sẽ hạn chế các NHTM trong việc bán ngoại tệ và cho vay tiền gửi ngoại tệ, giảm lợi nhuận kinh doanh của các NHTM do tiền gửi bằng ngoại tệ ra nước ngoài giảm, từ đó hạn chế khả năng mở rộng vốn, khả năng cho vay của NHTM đối với các doanh nghiệp trong nước, gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động đầu tư, xuất-nhập khẩu.

_ Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại thương, NHNN cần đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng ở nước ngoài. Theo điều 9 nghị định 63/1998/NĐ-CP ban hành ngày 17/8/1998 về quản lý ngoại hối thì những người được phép mở và sử dụng tài khoản ở nước ngoài là những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, bưu điện, bảo hiểm, xuất khẩu lao động. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình không được phép mở tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng ngoại quốc. Trong khi đó, chính những doanh nghiệp này lại là những doanh nghiệp mà nhu cầu mở tài khoản ở ngoại quốc trở nên bức thiết nhất. Do bản chất kinh doanh của các doanh nghiệp là làm ăn với các đối tác nước ngoài, thường xuyên phải tìm kiếm, xúc tiến thương mại thậm chí ký kết hợp đồng ngoại thương ngoài lãnh thổ quốc gia nên việc không có tài khoản ngoại tệ để thanh toán cho bạn hàng nước ngoài sẽ khiến rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Bên cạnh đó, việc rút cùng một lúc một số tiền lớn tại các ngân hàng trong nước để phục vụ các hợp đồng xuất-nhập khẩu lại gặp rất nhiều khó khăn, mức rút tối đa hiện nay mà Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có thể đáp ứng chỉ là 3 triệu đô la/ 1 hợp đồng xuất khẩu (28). Chính vì thế, để hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngoại thương có hiệu quả thì việc cho phép mở tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng nước ngoài rất cần được nhanh chóng thực thi.

_Giải pháp thứ chín là hạ lãi suất nội tệ. Vấn đề lãi suất hiện nay đang là đề tài nóng bỏng và gây nhiều tranh cãi nhất. Lãi suất ngoại tệ đã được tự do hóa, song lãi suất nội tệ hầu như vẫn do NHNN ấn định. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện một sự chênh lệch lớn giữa lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ. Nếu xu hướng chung của kinh tế thế giới năm 2003 là duy trì mức lãi suất thấp thì nước ta lại duy trì mức lãi suất cao. Lãi suất VND cao hơn USD đến hơn 5%. Việc lãi suất tiền đồng tăng cao như vậy đã đặt các doanh nghiệp Việt Nam vào một tình thế kinh doanh bất lợi – phải vay vốn đầu tư sản xuất với lãi suất cao hơn nước ngoài khoảng 5% điểm. Với mức lãi suất đi vay 8- 10%, một số doanh nghiệp đã phải giảm vay, hạn chế kinh doanh nhằm đảm bảo cân bằng giữa chi phí đi vay với tỷ suất lợi nhuận bình quân, thậm chí có doanh nghiệp còn rút vốn ra khỏi kinh doanh mua trái phiếu để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Và kết quả là tiêu dùng sụt giảm, đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu bị thu hẹp, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích toàn nền kinh tế. Giải pháp hạ lãi suất sẽ kích cầu tiêu dùng, tăng cầu đầu tư, tạo điều kiện cho tái sản xuất mở rộng, tạo môi trường thuận lợi cho giá VND vận động phù hợp với xu thế chung về tỷ giá trên thế giới hiện nay.

_Thứ mười chính là giải pháp trong vấn đề đào tạo cán bộ hoạt động trong hệ thống ngân hàng, nâng cao hiểu biết về nghiệp vụ đồng thời biết kết hợp hài hòa các yếu tố chiến thuật, chiến lược, đặc biệt là tiến tới xóa bỏ dần tư tưởng thích lên giá tiền ta, đồng tiền mạnh là đồng tiền có giá định cao hơn các đồng tiền khác; triển khai hiệu quả công tác dự báo biến động tỷ giá trong tương quan với các tiền tệ khác trên thế giới...Việc thực hiện giải pháp này có thể sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc; song nếu thực hiện tốt, đây sẽ là giải pháp mang lại nhiều kết quả tốt đẹp nhất cho nền kinh tế.



Каталог: luanvan -> 19123
luanvan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
luanvan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
luanvan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
luanvan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
luanvan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
luanvan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
luanvan -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Hà Linh
luanvan -> ĐÁnh giá Đa dạng di truyền một số MẪu giống lúa thu thập tại làO
luanvan -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiêN
19123 -> Bảng danh mục các ký hiệu viết tắt

tải về 0.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương