Chương 1: Lý luận chung về tỷ giá hối đoái và tác động của tỷ giá tới ngoại thương



tải về 0.89 Mb.
trang2/11
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích0.89 Mb.
#3959
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

1.2.2. Lãi suất:

Lãi suất là một trong những công cụ hữu hiệu của chính sách tiền tệ, lãi suất đóng một vai trò quan trọng trong việc ấn định mức tỷ giá hối đoái một cách hợp lý. Xét về định nghĩa, lãi suất được xem là “mối tương quan giữa khoản tiền lãi mà một người cho vay nhận được với khoản tiền vốn mà người đó cho vay, được biểu thị bằng một số phần trăm trong một thời gian nào đó”(5) hay nói một cách đơn giản, lãi suất chính là giá cả của đồng tiền. Lãi suất được xem là công cụ của NHTW trong việc điều chỉnh tỷ giá, một sự gia tăng lãi suất nội tệ thường được sử dụng như một bảo bối kinh điển để bảo vệ tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn. Năm 1989, Chính phủ Việt Nam đã có những nhận thức cơ bản trong chính sách lãi suất, lần đầu tiên đã phân biệt được lãi suất thực tế và lãi suất danh nghĩa (lãi suất thực tế = lãi suất danh nghĩa – tỷ lệ lạm phát; nếu lãi suất danh nghĩa = tỷ lệ lạm phát thì lãi suất thực tế = 0, điều này đồng nghĩa với việc gửi tiền không được lãi ), lãi suất tiền gửi nội tệ đã được nâng rất cao vào tháng 3 năm 1989 (12%/tháng) và đã thu hút được một lượng tiền mặt lớn vào ngân hàng, sự sụt giá tiền đồng Việt Nam được chặn đứng cho đến tận đầu năm 1990(27). Còn đối với lãi suất ngoại tệ, một khi lãi suất ngắn hạn ở một nước cao hơn mức lãi suất quốc tế, vốn ngắn hạn sẽ chảy vào với mục đích thu lãi dựa trên những khoản chênh lệch đó và kết quả là cung ngoại hối tăng lên, cầu ngoại hối giảm xuống kéo theo tỷ giá giảm. (35)

Mối quan hệ giữa tỷ giá và lãi suất cũng đã được nhiều nhà kinh tế học quan tâm. Theo lý thuyết ngang giá lãi suất, đồng tiền của một quốc gia nào có lãi suất thấp hơn thì nhất định sẽ bù kì hạn cho hợp đồng kỳ hạn đối với đồng tiền của một quốc gia nọ có lãi suất cao hơn hay nói đơn giản hơn là sự cân bằng thị trường hối đoái đòi hỏi sự ngang bằng về tiền lãi, lợi tức của hai loại tiền gửi bất kỳ là tương đương nhau khi cùng quy về một đồng tiền. Và khi tất cả các lãi suất dự kiến bằng nhau tức có sự xuất hiện ngang giá lãi suất thì thị trường hối đoái sẽ cân bằng do không thể có dư cung hoặc dư cầu. Tuy nhiên lý thuyết ngang giá lãi suất này lại được xây dựng dựa trên nguyên tắc cố định các nhân tố khác (cetacis paribas) nên độ chính xác chỉ có tính tương đối, tỷ giá hối đoái tương lai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ có riêng lãi suất, song xét cho cùng đây cũng là lý thuyết đầu tiên mô phỏng khái quát ảnh hưởng của lãi suất lên tỷ giá và cũng đã gặt hái được nhiều thành công nhất định (34).

Bên cạnh lý thuyết cân bằng lãi suất, thực tế đã chứng minh sự chênh lệch lãi suất là căn nguyên cơ bản dẫn đến những biến động của tỷ giá hối đoái. Lãi suất cao sẽ hấp dẫn các luồng vốn nước ngoài chảy vào trong nước, nếu lãi suất nội tệ cao hơn lãi suất ngoại tệ ở nước ngoài thì dòng vốn ngắn hạn chảy vào chủ yếu làm chuyển hóa lượng ngoại tệ sang nội tệ để được hưởng lãi cao hơn, điều này dẫn đến cung ngoại tệ tăng (cầu nội tệ tăng) từ đó đồng ngoại tệ sẽ giảm giá còn nội tệ sẽ tăng giá. Trường hợp ngược lại sẽ cho hiệu ứng ngược lại. Nói một cách tổng quát, nếu lãi suất trong nước cao hơn lãi suất nước ngoài thì sẽ dẫn đến nhập khẩu tiền tệ, còn lãi suất nước ngoài cao hơn, sẽ xuất hiện xuất khẩu tiền tệ với điều kiện lãi suất xem xét phải được cân nhắc dựa trên lãi suất thực tế và chỉ có lãi suất thực mới tạo nên sự nhập hoặc xuất khẩu vốn, từ đó mới gây tác động thực đến tỷ giá hối đoái. Năm 2003, USD mất giá nghiêm trọng, bên cạnh các nguyên nhân mất lòng tin từ phía các nhà đầu tư Mỹ, cuộc chiến tại Irắc khiến chính quyền Bush tiêu tốn hàng tỷ đô la thì vấn đề chênh lệch lãi suất cũng được xem là yếu tố khiến đồng đô la mất giá nghiêm trọng so với Euro. Trước tháng 10 năm 2003, trong khi Mỹ vẫn duy trì lãi suất cơ bản đối với đồng USD ở mức 1,25% thì ngân hàng trung ương Châu Âu ECB lại duy trì lãi suất cơ bản đối với đồng Euro ở mức 2,5% (gấp đôi mức lãi suất của Mỹ), chính khoảng cách chênh lệch này đã khiến các tài sản định giá bằng đồng EUR trở nên hấp dẫn hơn đồng USD, cầu Euro tăng mạnh, đồng đôla sụt giá nghiêm trọng, tính đến tháng 11 năm 2003, sau khi cả FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) và ECB đồng loạt cắt giảm lãi suất xuống mức tương ứng là 1% (mức thấp kỉ lục trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay) và 1,75%, đồng USD đã mất giá gần 30% so với đồng Euro (24).

Mặt khác, bên cạnh việc nâng hoặc giảm lãi suất danh nghĩa, ngân hàng trung ương còn có thể tác động vào lãi suất chiết khấu, điều chỉnh mức độ tăng giảm cung tiền, gián tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái. Cung tiền giảm đồng nghĩa với tỷ giá hối đoái tăng, cung tiền tăng đi đôi với tỷ giá hối đoái giảm…

Xét riêng thị trường Việt Nam, vấn đề lãi suất nóng lên cũng gây tác động xấu tới tỷ giá hối đoái. Nếu xu hướng chung năm 2003 trên thế giới là duy trì lãi suất ở mức thấp thì Việt Nam lại đi theo chiều hướng mức lãi suất cao, tính trung bình 11 tháng đầu năm 2003, lãi suất VND cao hơn lãi suất USD tới khoảng 6% điểm (17), việc VND đang bị định giá cao so với giá trị thực là 20% cộng với sự sụt giảm chỉ số giá tiêu dùng, vô hình chung cho thấy tỷ giá hối đoái thực tế có xu hướng tăng, gây tổn hại đến các hoạt động xuất khẩu, du lịch, đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên cũng có trường hợp tác động tăng hoặc giảm của lãi suất không hề gây ra biến động nào cho tỷ giá hối đoái, đó là trường hợp nền kinh tế đang trong tình trạng bất ổn có nguy cơ khủng hoảng, khi ấy cho dù lãi suất có tăng đến mấy cũng không có một nhà đầu tư nào làm cái việc dại dột là chuyển vốn của mình vào nơi nước sôi lửa bỏng để ăn chênh lệch lãi suất cả. Điển hình là trong khủng hoảng kinh tế năm 1971-1973 mặc dù lãi suất trên thị trường Newyork cao gấp rưỡi thị trường London, gấp ba lần thị trường Frankfurk nhưng vốn ngắn hạn vẫn không được chuyển vào Mỹ mà lại đưa đến Tây Đức và Nhật Bản (21).

Song dù thế nào đi nữa thì trong điều kiện kinh tế bình thường, lãi suất và tỷ giá luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, việc điều hành chính sách lãi suất không hiệu quả có thể gây ra những bất lợi như nội tệ bị mất giá gây nguy cơ lạm phát chảy máu ngoại tệ, đầu cơ tiền tệ… Mặc dù có thể xem lãi suất luôn như là một công cụ hữu hiệu để chuyển hướng tỷ giá theo mục tiêu các nhà quản lý song lãi suất chỉ phát huy hiệu quả của nó trong ngắn hạn. Về lâu dài, giải pháp này có thể gây ra những tác động tai hại lên toàn bộ nền kinh tế, tăng sức ép lên tỷ giá hối đoái bởi bản chất của vấn đề chính là sức mua thực sự của đồng tiền chứ không phải một sự lên giá tạm thời.



1.2.3. Lạm phát:

Lạm phát được xem là sự biểu thị của mức tăng giá chung, lịch sử ra đời lạm phát gắn liền với sự xuất hiện của kinh tế thị trường. Lạm phát thường bị coi là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế, nếu lạm phát ở mức vừa phải tức chỉ số giá tiêu dùng CPI(ii) nằm trong khoảng 1,01-1,06 (lạm phát khoảng từ 1% đến 6%) thì nền kinh tế được xem là vận động có hiệu quả. Lạm phát vừa phải và ổn định sẽ kích thích cầu đầu tư, tiêu dùng, nhờ đó thúc đẩy sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, tỷ giá có xu hướng giảm giá nhẹ. Trong trường hợp lạm phát cao hoặc siêu lạm phát, đồng tiền sẽ mất giá mạnh, một sự gia tăng lạm phát lớn hơn mức tăng tỷ giá có thể sẽ dẫn đến một sự “phá giá”, bóp méo cơ chế truyền dẫn vốn có giữa lạm phát và tỷ giá, sự vận động của lạm phát sẽ trở nên độc lập với tỷ giá hối đoái và rất khó kiểm soát.


(ii) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI: Consumer Price Index) là thước đo lạm phát được sử dụng rộng rãi nhất. CPI đo lường chi phí mua một lô hàng chuẩn tại những thời điểm khác nhau và được xây dựng dựa trên việc gắn quyền số cho những lô hàng khác nhau của một giỏ hàng hóa kiểu mẫu.(23)
Trong trường hợp lạm phát chỉ xảy ra ở một nước, mức giảm tỷ giá đối với tiền tệ các nước bất kỳ sẽ được xem bằng với mức lạm phát ở quốc gia đó. Cụ thể hơn, nếu mức lạm phát tại nước A là 6%/năm thì đồng tiền nước A sẽ bị giảm giá 6% tương ứng so với đồng tiền nước B trong trường hợp nước B không có lạm phát. Nếu lạm phát xảy ra đồng thời ở cả hai quốc gia A và B với mức lạm phát lần lượt là 3% và 4% thì đồng tiền nước A được xem là tăng giá 1% so với đồng tiền nước B. Tức nước nào có mức độ lạm phát cao hơn, sức mua đồng tiền nước đó sẽ thấp hơn và đồng tiền nước đó sẽ giảm giá tương ứng đúng bằng mức chênh lệch lạm phát giữa hai nước.

Lạm phát càng tăng, sức mua thực tế đồng nội tệ càng giảm, dân chúng sẽ tìm mọi cách “vứt” đồng tiền của mình đi càng nhanh càng tốt, họ tích trữ vàng, động sản thay vì cầm trong tay một đống giấy lộn và thế là đồng nội tệ bị cuốn trong vòng xoáy giảm giá. Các nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng lạm phát càng cao thì tốc độ mất giá đồng tiền càng nhanh. Năm 1920, nước Cộng hòa Weimar (hiện nay thuộc Đức) đã in tiền với mục đích trang trải cho các chi tiêu chính phủ, kết quả là giá cả tăng vọt, nếu tỷ số lạm phát năm 1923 so với 1922 mới ở mức 140% thì tỷ số năm 1924 so với 1923 đã lên đến 6666666,7%, đồng Mác Đức bị sụt giá thấp chưa từng có trong lịch sử (49).

Tuy nhiên một mức lạm phát liên tục giảm sẽ dẫn đến tỷ giá hối đoái tăng, nếu giảm xuống mức thấp hơn 1% thì cũng có nghĩa là nền kinh tế đã rơi vào tình trạng giảm phát, một căn bệnh nguy hiểm không kém gì lạm phát phi mã. Những yếu tố thiểu phát sẽ tác động mạnh hơn những yếu tố làm lạm phát, thiểu phát sẽ làm cho các nhà sản xuất phải bán hàng với giá hạ đi trong khi chi phí đầu vào không giảm tương ứng, dẫn đến thu hẹp đầu tư, giảm thu nhập, giảm cầu nền kinh tế. Với tâm lý giá hàng hóa sẽ còn giảm trong tương lai, người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu kích thích tỷ giá tăng mạnh hơn nữa. Việt Nam hiện nay cũng đang có nguy cơ phải trải qua tình trạng giảm phát, chỉ số giá tiêu dùng sụt giảm, tính đến tháng 9 năm 2003, trung bình lạm phát mới chỉ ở mức 1,5% cùng với việc đồng Việt Nam bị định giá cao hơn giá trị thực thì nguy cơ tăng tỷ giá có thể xem là rất gần.

Lạm phát rõ ràng là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái, đặc biệt là tỷ giá hối đoái thực tế do tỷ giá này được xây dựng trên cơ sở tính toán lạm phát (công thức phần 1.1.3). Chính vì vậy, khi điều hành công cụ tỷ giá, cần phân tích kĩ động thái lạm phát nhằm tránh những tình huống xấu có thể xảy ra gây tổn hại nền kinh tế quốc gia.



1.2.4.Cán cân thanh toán:

Ngày nay trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, người ta thường nghe đến thuật ngữ cán cân thanh toán, với định nghĩa “là sự ghi chép các luồng giao dịch của một nước với phần còn lại của thế giới trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm) (40), thuật ngữ này luôn được xem là trọng tâm chú ý của các nhà kinh tế cũng như chính trị học trên toàn thế giới. Những gì xảy ra đối với cán cân thanh toán quốc gia hay đúng hơn là trạng thái cán cân thanh toán luôn được chính phủ để mắt bởi nó có ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ giá hối đoái và tình hình kinh tế trong nước. Cán cân thanh toán ghi chép mọi khoản thu ngoại tệ (+) và chi ngoại tệ (-) của một nước đối với nước ngoài. Thặng dư cán cân thanh toán có nghĩa là các khoản thu ngoại tệ lớn hơn các khoản chi ngoại tệ và thâm hụt đồng nghĩa với chi ngoại tệ lớn hơn thu ngoại tệ. Với tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán, chính phủ có thể tăng lãi suất, giảm nhu cầu nhập khẩu, tiến hành kiểm soát xuất nhập khẩu, ngoại hối cũng như sự chu chuyển các luồng vốn nhằm mục đích ổn định tỷ giá.

Cán cân thanh toán bao gồm các khoản mục chủ yếu là: Tài khoản (cán cân) vãng lai, tài khoản vốn và tài khoản dự trữ chính thức (trong cán cân vãng lai có sự góp mặt của cán cân thương mại, ghi chép mọi hoạt động ra vào của ngoại tệ thông qua xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình). Việc cân bằng cán cân thanh toán không có nghĩa là các tài khoản vãng lai và vốn phải đồng thời cân bằng, mà tài khoản vãng lai có thể thâm hụt, trong khi tài khoản vốn thặng dư. Tuy nhiên do những biến động của các luồng vốn ngắn hạn, dài hạn, của thương mại quốc tế mà hiếm khi cán cân thanh toán được cân bằng, đây là nguyên nhân trực tiếp và tổng quát dẫn đến sự thay đổi của tỷ giá. Cần lưu ý là khái niệm không cân bằng trong cán cân thanh toán hiện nay không phải là cán cân thanh toán với ý nghĩa đầy đủ của nó mà thường được sử dụng để chỉ tổng cán cân vãng lai và cán cân vốn. Điều đó có nghĩa là một sự thâm hụt trong cán cân thanh toán có nghĩa là cán cân dự trữ chính thức tăng lên, trái lại, một sự thặng dư trong cán cân thanh toán đồng nghĩa với việc cán cân dự trữ sẽ giảm xuống. Với cấu trúc cán cân thanh toán như vậy, ảnh hưởng của cán cân thanh toán đến tỷ giá hối đoái sẽ được phân tích qua cán cân vãng lai và cán cân vốn.

1.2.4.1.Ảnh hưởng của cán cân vãng lai đến tỷ giá hối đoái:

Cán cân vãng lai bao gồm các yếu tố thể hiện việc mua bán hàng hóa dịch vụ giữa một nước với các nước khác, nó bao gồm các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình, các khoản mục thu nhập từ đầu tư và các khoản chuyển giao tiền tệ, song tác động chủ yếu lên tỷ giá vẫn thuộc các yếu tố nằm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình, gọi là cán cân thương mại. Cán cân thương mại là một phần cấu thành cán cân vãng lai, với hai hạng mục chủ yếu là xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa hữu hình. Sự di chuyển các luồng ngoại tệ ra, vào một đất nước thông qua quá trình xuất nhập khẩu này là nhân tố cơ bản và tiên quyết dẫn đến biến động tăng giảm của tỷ giá hối đoái. Nếu cán cân thương mại thâm hụt, đồng nghĩa với việc nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, cung nội tệ để nhập hàng sẽ tăng lên vượt quá cầu nội tệ, phá vỡ mức cân bằng ngắn hạn, nếu các biến số vĩ mô khác là không đổi, thì đồng nội tệ sẽ bị đặt trước sức ép giảm giá, ngược lại nếu xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu tức cán cân thương mại thặng dư thì đồng nội tệ sẽ đứng trước sức ép tăng giá, nếu trong cơ chế thả nổi tỷ giá, hiệu ứng này sẽ xảy ra, tức thì, đồng nội tệ tăng giá kéo theo nhập khẩu tăng…Chúng ta có thể khái quát tác động của cán cân thương mại lên tỷ giá là như sau



Sơ đồ 2: Tác động của cán cân thương mại lên tỷ giá
(Tỷ giá tăng)

Sức ép tăng giá nội tệ



Thặng dư cán cân thương mại Thâm hụt cán cân thương mại

(+) (-)


Sức ép giảm giá nội tệ

(Tỷ giá giảm)

Hãy lấy một ví dụ cụ thể đó là nếu ở Mỹ, lượng ngoại tệ bỏ ra để nhập khẩu vượt lượng ngoại tệ thu về từ xuất khẩu thì cung đô la sẽ vượt cầu đô la trên thị trường ngoại hối, và kết quả là đồng đô la có thể bị sụt giá so với các đồng tiền khác. Và thực tế cho thấy tính đến tháng 6 năm 2003, cán cân thương mại Mỹ đã thâm hụt gần 200 tỷ USD (7) (tức là hơn 1 tỷ USD/ngày) tạo nên nguồn cung đô la rất lớn trên thị trường hối đoái toàn cầu, mặc dù cố duy trì chính sách đồng đô la mạnh song thâm hụt quá lớn từ phía cán cân thương mại đã khiến Mỹ buộc phải giảm giá đồng đô la hồi đầu tháng 10 năm 2003. Mô hình trên có thể coi là đúng đắn trong cả chế độ tỷ giá thả nổi lẫn cố định, mặc dù trong chế độ tỷ giá cố định, độ trễ của mô hình lớn hơn do có sự can thiệp của nhà nước trong ấn định tỷ giá song tất yếu qui luật trên sẽ xảy ra và vấn đề còn lại chỉ nằm ở yếu tố thời gian mà thôi.

Bên cạnh yếu tố kim ngạch xuất nhập khẩu, các yếu tố tác động lên cầu xuất nhập khẩu cũng được xem là gián tiếp gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái ví dụ như mức giá cả tương đối, chính sách bảo hộ, sở thích người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng nội và hàng ngoại…Những năm 1970, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Nhật của những người dân Mỹ tăng mạnh, cán cân thương mại Nhật Bản thặng dư, chính quyền Nhật Bản đã buộc phải tăng tỷ giá đồng Yên so với đô la Mỹ lên 5% trong vòng 2 năm từ 1976 đến 1978 (52). Từ đó có thể kết luận những thay đổi về cầu xuất nhập khẩu nếu làm cho cán cân thương mại thặng dư thì nước đó sẽ có điều kiện tăng dự trữ ngoại tệ đồng nội tệ cũng sẽ tăng giá (hoàn toàn ngược lại trong trường hợp thâm hụt cán cân thương mại).

1.2.4.2. Tác động của tài khoản vốn lên tỷ giá hối đoái:

Tài khoản vốn ghi chép sự vận động các luồng vốn: đầu tư trực tiếp, gián tiếp, vốn tín dụng dài hạn, ngắn hạn, các khoản tiền gửi dài hạn ngân hàng. Việc xem xét tác động của mỗi nhân tố trong cán cân vốn lên tỷ giá phải được đặt trong mối tương quan giữa sự vận động của các nhân tố khác trong tổng thể cán cân vốn. Song xét một cách tổng quát, có thể nói mọi lượng vốn chảy vào một nước sẽ làm tăng tài sản ngoại tệ của nước đó và ngược lại, bất kì lượng vốn nào chảy ra cũng làm suy giảm tài sản ngoại tệ. Các nhân tố làm thay đổi luồng di chuyển các dòng vốn sẽ làm thay đổi cán cân tài khoản vốn và làm thay đổi quan hệ cung cầu trên thị trường tài sản, quan hệ cung cầu đó đến lượt nó lại làm thay đổi tỷ giá hối đoái và giá trị đồng tiền trong ngắn hạn.

Không giống như các tác động của cán cân vãng lai, tác động của cán cân vốn lên tỷ giá vận động một cách phức tạp hơn, sự vận động các luồng vốn vào ra này chịu sự chi phối của rất nhiều các biến sô khác như lãi suất, lạm phát… thay đổi của lãi suất, lạm phát dẫn đến sự di chuyển các luồng vốn giữa các quốc gia và tác động đến tỷ giá hối đoái, điều này đã đề cập ở phần trên.(1.2.2; 1.2.3)

1.2.5.Cung, cầu ngoại hối:

Cũng giống như các hàng hóa khác, giá cả của tiền tệ (tỷ giá hối đoái) cũng được hình thành dựa trên quan hệ cung cầu. Tỷ giá thay đổi hàng ngày, hàng giờ do những biến động tương tác giữa hai lực lượng chính: cung, cầu ngoại hối trên thị trường ngoại hối, nơi diễn ra sự trao đổi giữa đồng tiền quốc gia này với đồng tiền quốc gia khác. Các thị trường ngoại hối lớn trên thế giới như thị trường ngoại hối Tokyo, London, Zurich thường xuyên tiến hành buôn bán hàng trăm tỷ ngoại tệ mỗi ngày. Việc nghiên cứu tác động của cung, cầu ngoại hối đến tỷ giá hối đoái sẽ được xem xét qua việc sử dụng những đường cầu và cung trong mô hình cân bằng cung-cầu quen thuộc nhằm minh họa rõ việc thị trường sẽ quyết định giá cả tiền tệ như thế nào.

Trước hết, cầu ngoại tệ sẽ nảy sinh khi nào ? Đó là khi một nước có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ cũng như các tài sản khác ở nước ngoài (23). Đường cầu ngoại tệ thông thường có độ dốc xuống từ trái sang phải giống đường cầu hàng hóa, điều này đồng nghĩa với việc tỷ giá hối đoái và cầu ngoại tệ vận động ngược chiều nhau. Cụ thể hơn, đường cầu ngoại tệ biểu hiện mối liên hệ giữa tỷ giá hối đoái và lượng cầu ngoại tệ. Khi cầu đồng tiền A giảm xuống (Q1 xuống Q2), giá ngoại tệ A giảm, giá nội tệ C tăng, tỷ giá giữa ngoại tệ A và nội tệ C theo phương pháp yết giá trực tiếp tăng (từ E1 đến E2). (Hình 2)

Hình 2: Đường cầu ngoại tệ


E1 : Mức tỷ giá ban đầu

E2: Mức tỷ giá A sau khi cầu A giảm.

Q1: Cầu ngoại tệ A gốc

Q2: Lượng ngoại tệ A sau khi giảm cầu

Q(A): Lượng ngoại tệ A

E(A/C) : tỷ giá ngoại tệ trên nội tệ theo phương pháp yết giá trực tiếp

D : Đường cầu ngoại tệ

B’
E(A/C)



B


E2
E1







D



0 Q2 Q1 Q(A)

(Với phương pháp yết giá trực tiếp, sự tăng lên của tỷ giá trên chính là sự tăng lên của giá đồng nội tệ)

Trong thương mại quốc tế, với giả thiết việc mua sắm sẽ được thanh toán bằng đồng tiền của nước bán thì một sự giảm đi trong nhu cầu người tiêu dùng sẽ khiến nhu cầu mua ngoại tệ giảm, trên thị trường ngoại hối, cầu ngoại tệ giảm, trong khi trong ngắn hạn cung ngoại tệ không đổi, đồng ngoại tệ có xu hướng giảm giá. Nhà kinh tế học Paul Samuelson (Mỹ) cho rằng một sự giảm trong cầu ngoại tệ sẽ khiến đường cầu ngoại tệ dịch chuyển xuống dưới, gây tác động giảm giá đồng ngoại tệ.

Một ví dụ cụ thể: Giả sử dịch bệnh SARS khiến người dân Mỹ đi du lịch sang Trung Quốc ít đi, có nghĩa là số người dân Mỹ phải đổi USD lấy CNY (Nhân dân tệ) giảm xuống, điều này sẽ làm giảm cầu CNY trên thị trường ngoại hối, khiến đường cầu nhân dân tệ dịch sang trái, đồng nhân dân tệ xuống giá trong khi đồng đô la Mỹ lên giá (giả sử nếu trước kia người Mỹ cần 0,15 USD mới đổi đước 1 CNY, thì nay chỉ cần 0,125 USD). Sở dĩ biết được sự lên giá của đồng đô la là do chúng ta đã đảo ngược diễn biến mối quan hệ cung cầu bằng cách phân tích cung cầu USD trên cơ sở cung cầu CNY và điều này là chấp nhận được. Trong thế giới buôn bán ngày nay, việc trao đổi các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư… dù dưới vỏ bọc nào vẫn có thể coi đó là quan hệ song phương, khi ấy, cầu nhân dân tệ của Mỹ được chuyển thành cung đô la và cung về nhân dân tệ của người Trung Hoa cũng sẽ được chuyển thành cầu về đồng đô la.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa cầu ngoại tệ và các yếu tố cấu thành nên cầu ngoại tệ cũng được xem là cơ sở cho việc tạo nên những biến đổi cầu ngoại tệ gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Xét riêng trong phạm vi một quốc gia, nếu nhu cầu mua sắm hàng hóa dịch vụ từ nước ngoài tăng lên thì cầu ngoại tệ cũng tăng lên, cầu nội tệ giảm và kết quả là tỷ giá nội tệ giảm. Điều đó cho thấy cầu ngoại tệ vận động ngược chiều với các yếu tố tạo ra nó. Sự tương quan nghịch giữa cầu ngoại tệ và các yếu tố cấu thành cầu ngoại tệ được mô hình hóa dưới dạng sau:

DNgT = f(cầu của dân chúng một nước về hàng hóa, dịch vụ, tài sản của nước ngoài;γ)

(trong đó γ là biểu thị tác động các yếu tố ngẫu nhiên lên cầu ngoại tệ.)

Yếu tố còn lại quyết định tỷ giá hối đoái chính là cung ngoại hối. Đường cung ngoại hối có chiều hướng lên trên, từ trái sang phải, thể hiện quan hệ khi cung ngoại hối tăng lên (Q đến Q’), giá cả ngoại hối giảm xuống, giá cả nội tệ tăng và tỷ giá tăng lên (E đến E’)(trường hợp ngược lại sẽ cho hiệu ứng ngược lại) (Hình 3).

Hình 3: Đường cung ngoại tệ



Một ví dụ tiêu biểu cho tác động của cung ngoại tệ lên giá cả nội tệ chính là “Dịch bệnh Hà Lan”. Sau khi phát hiện ra nguồn khí ga thiên nhiên ở Hà Lan, ngoại tệ từ việc bán dầu như nước đổ dồn về vùng đất trũng này đã làm tăng nhanh giá trị đồng nội tệ, giá cả ngoại tệ giảm mạnh, kéo theo sự suy giảm xuất khẩu.

Về mặt lý thuyết, cung ngoại hối phát sinh cùng với sự xuất hiện của cầu ngoại hối. Trên thị trường ngoại hối, một nhu cầu về ngoại tệ thường đi kèm với nguồn cung nội tệ. Cung nội tệ của nước A sẽ trở thành cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, một nhà đầu tư Brazil muốn đầu tư vào Việt Nam sẽ phải đổi đồng Real nước họ ra VND, cùng lúc, nhà đầu tư thực hiện hai vấn đề, cung đồng Real và cầu đồng Việt Nam. Do đó hàm biểu thị mối liên hệ giữa cung và các nhân tố ảnh hưởng đến cung ngoại hối, gián tiếp gây nên biến động tỷ giá hối đóai sẽ có dạng:

SNgT = f(cầu của dân chúng nước ngoài về hàng hóa dịch vụ , tài sản một nước; ζ)

(trong đó ζ cũng được xem là biểu thị sự vận động của cung ngoại hối bởi các biến ngẫu nhiên)

Một cách tổng quát, cung cầu ngoại hối trên thị trường cùng nhau xác lập một mức tỷ giá ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Khi tỷ giá hối đoái cân bằng cũng là lúc cung ngoại hối bằng cầu ngoại hối, ví như nếu lượng bảng Anh bán ra đúng bằng lượng bảng Anh mua vào thì tỷ giá sẽ trong trạng thái cân bằng tối ưu. Tuy nhiên, trong thực tế, sự cân bằng đó chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, sự vận động liên tục giữa các luồng vốn xuyên quốc gia nhằm mục đích đầu tư, đầu cơ, thương mại… đã khiến cho thị trường ngoại hối liên tiếp lâm vào tình trạng dư cung hoặc dư cầu. Trước tình trạng này, các nước theo chế độ tỷ giá cố định thường can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm mục đích ổn định tỷ giá. Giữa năm 2001, thị trường ngoại hối tại Việt Nam liên tiếp rơi vào tình trạng căng thẳng, cầu đô la tăng mạnh khiến NHTW phải tung đô gần 800 triệu đô la ra bán (55).

Tác động của cung cầu ngoại hối lên tỷ giá hối đoái dựa chủ yếu vào các yếu tố cấu thành nên nó, tuy nhiên ngoài các tác nhân tác động trực tiếp lên cung cầu ngoại hối thì các nhân tố gián tiếp như thu nhập, chi tiêu chính phủ, sản lượng… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ lên tỷ giá hối đoái. Thu nhập tăng lên đồng nghĩa với chi tiêu tăng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài tăng lên, cầu ngoại tệ tăng lên và cuối cùng kéo theo một sự lên giá đồng ngoại tệ. Chi tiêu cũng vậy, nếu chi tiêu chính phủ vượt quá mức cho phép dẫn đến thâm hụt ngân sách trầm trọng thì một sự cắt giảm chi tiêu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ tất yếu dẫn đến qui luật giảm cầu ngoại tệ, cuối cùng là đồng ngoại tệ giảm giá. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, chính phủ buộc phải cắt giảm lực lượng lao động, sản lượng sụt giảm làm tăng nguy cơ lạm phát và giảm giá tỷ giá hối đoái thực tế …Có thể nói, cung cầu ngoại hối là hai yếu tố vô cùng nhạy cảm, quyết định trực tiếp mức độ tăng giảm của tỷ giá hối đoái. Những tín hiệu bất bình thường về cung cầu ngoại hối sẽ luôn là công cụ hữu hiệu để ngân hàng trung ương có những giải pháp đối phó kịp thời với những rủi ro tiềm ẩn xảy ra do biến động của tỷ giá hối đoái .


Каталог: luanvan -> 19123
luanvan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
luanvan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
luanvan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
luanvan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
luanvan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
luanvan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
luanvan -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Hà Linh
luanvan -> ĐÁnh giá Đa dạng di truyền một số MẪu giống lúa thu thập tại làO
luanvan -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiêN
19123 -> Bảng danh mục các ký hiệu viết tắt

tải về 0.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương