Chương 1: Lý luận chung về tỷ giá hối đoái và tác động của tỷ giá tới ngoại thương


Cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu



tải về 0.89 Mb.
trang5/11
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích0.89 Mb.
#3959
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

2.1.2.Cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu:

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nhập siêu như đã đề cập ở trên chính là yếu tố cơ cấu trong hoạt động ngoại thương. Xét một cách tổng thể thì cơ cấu ngoại thương Việt Nam trong suốt thập kỉ 90 thế kỉ trước đến nay đã có một số biến chuyển nhất định, song sự thay đổi đó còn chậm và chưa phù hợp với xu thế hội nhập ngày nay. Ông Haward Mc. Kneal (Mỹ), nhân viên được cử sang làm việc tại WB (Việt Nam) khi được hỏi đã nhận định “cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam còn chuyển dịch chậm, năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu Việt Nam còn kém. Tốc độ hội nhập về ngoại thương được đánh giá ở mức trung bình và cần thiết phải có một bước đột phá về cơ cấu mới có thể cải thiện được tình hình ngoại thương Việt Nam…”. Việc nghiên cứu cơ cấu ngoại thương dưới đây sẽ thông qua đánh giá về cơ cấu cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu.



*Cơ cấu xuất khẩu:

Cơ cấu xuất khẩu Việt Nam chia làm 3 nhóm xuất khẩu chính: nhóm I: công nghiệp nặng-khoáng sản (than, quặng, dầu thô…) nhóm II: công nghiệp nhẹ-tiểu thủ công nghiệp (mây tre đan, giày dép…), nhóm III: nông lâm thủy sản (lạc, gạo, tôm, cao su…). Nhìn chung, nhóm xuất khẩu công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp có tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm thể hiện việc chuyển dịch tích cực trong cơ cấu xuất khẩu. Mặc dầu vậy, nhóm xuất khẩu nông lâm thủy sản tuy có giảm giai đoạn 1995-1999, song bước sang giai đoạn 2000-2002 lại có xu hướng tăng lên. Cùng với việc tỷ trọng xuất khẩu nhóm mặt hàng công nghiệp nặng, khoáng sản không có sự gia tăng đột biến cho thấy cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam còn chuyển dịch chậm. Bên cạnh đó, trong khi nông lâm nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 GDP nhưng lại chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thì công nghiệp chế biến đóng góp tới gần 20% GDP lại chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.



Bảng 2: Cơ cấu xuất khẩu giai đoạn 1995-2002

Năm

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

Nhóm I (%)

25,3

27,6

24,1

24,0

24,6

25,0

34,91

29,00

Nhóm II(%)

28,4

30,1

35,8

35,6

36,5

35,5

35,72

41,00

Nhóm III(%)

46,3

42,3

40,1

39,4

38,9

39,5

29,37

30,00

Nguồn: Tính toán theo số liệu Bộ Thương Mại



Biểu đồ 1:Cơ cấu xuất khẩu giai đoạn 1995-2002.

Đơn vị: %



Nguồn: TCTK

Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là thô, sơ chế ví như gạo, cà phê, cao su, than đá, dầu thô…mà một nền xuất khẩu dựa vào nguyên liệu thô sẽ chẳng bao giờ tạo ra được sự tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động ngoại thương. Theo con số tính toán đưa ra từ Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tháng 10/2003, cơ cấu xuất khẩu của ta còn bất hợp lý, trung bình cứ 7 USD kim ngạch xuất khẩu mới có 1 USD là hàng gia công, trong khi đó tại Trung Quốc năm 1994, xuất khẩu nguyên liệu thô chỉ chiếm 16,3%. Mọi nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vẫn chỉ dừng ở việc xuất khẩu những gì sẵn có, thiếu một chiến lược chủ động xuất khẩu phát triển những ngành, những lĩnh vực sản xuất, những nhóm hàng phục vụ xuất khẩu dựa trên việc tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường và lợi thế so sánh của Việt Nam. Các mục tiêu đặt ra còn xa vời, thường chạy theo thành tích hơn căn cứ vào thực lực nền kinh tế. Đơn cử là chiến lược xuất khẩu từ nay đến năm 2005 đặt ra 500 triệu đô la cho xuất khẩu phần mềm, một công việc không tưởng khi đến nay phần mềm của chúng ta mới chỉ xuất khẩu được gần 100 triệu.

Xét cụ thể về các mặt hàng đầu tầu, tính đến tháng 8 năm 2003, các sản phẩm chủ lực của ta bao gồm những mặt hàng thường xuyên đạt kim ngạch trên 1 tỷ đô la ngoài dầu thô là thủy sản, dệt may, da giầy cũng đã đạt mức tăng trưởng khá trong đó dệt may đạt cao nhất 2,921 tỷ USD, dự kiến đạt 3,11 tháng 12/2003. Danh mục mặt hàng chủ lực đã dài thêm do xuất hiện những mặt hàng có kim ngạch khá như sản phẩm gỗ: 393 triệu USD, dây điện và dây cáp điện 204 triệu USD…Tuy nhiên sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của đa số mặt hàng chủ lực là chưa vững chắc do hàng xuất khẩu Việt Nam còn đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ nhiều quốc gia đặc biệt là Trung Quốc và các quốc gia trong ASEAN.

Bên cạnh đó, cơ cấu thiên về xuất khẩu nông sản với sự sụt giảm về giá của các mặt hàng rau quả, cà phê, cao su, hạt tiêu, chè…đang đặt ngoại thương Việt Nam trước thách thức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong một vài năm tới. Với độ co giãn cao hay chịu áp lực của “giá cánh kéo”, cơ cấu xuất khẩu Việt Nam nếu không được cải thiện sẽ gây bất lợi không chỉ cho hoạt động ngoại thương Việt Nam mà còn cho cả nền kinh tế, tác động lên đầu tư, tiết kiệm, tiêu dùng và vô hiệu hóa tỷ giá hối đoái. Bộ Thương Mại cũng như các ngành các cấp có liên quan khác cần nhanh chóng tìm ra những sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới nhằm chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm I, giảm dần tỷ trọng nhóm III.



*Cơ cấu nhập khẩu:

Trái với cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam thiên về nhóm hàng tư liệu sản xuất, nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu cũng diễn ra khá chậm, tỷ trọng nhập khẩu hàng tiêu dùng diễn biến thất thường, thể hiện sự bấp bênh, yếu kém trong điều hành, quản lý nhập khẩu nhóm hàng này. Nguyên nhân chủ đạo có thể do lượng hàng nhập lậu, gian lận thương mại khá lớn khiến việc xác định cầu tiêu thụ của người dân không chính xác dẫn đến hiện tượng thường xuyên phải nhập khẩu bổ sung hàng tiêu dùng.(xem 1.1 phụ lục 1)





Nguồn: Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Thương Mại.

Trong cơ cấu nhập khẩu (biểu đồ 2), việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và ngày càng tăng, từ 61,6% năm 2001 đến 62,9% năm 2002, ước tính đến cuối năm 2003 tỷ trọng này sẽ lên tới 67,2%. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu càng lớn chứng tỏ cơ cấu sản xuất của ta càng phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác triển khai sản xuất hàng hóa, nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu.

Tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị trong tổng cơ cấu nhập khẩu từ năm 1995 đến nay cũng có thay đổi, song không đáng kể. Việc giảm tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị năm trước lại đi kèm với mức tăng trong năm sau, nguyên nhân chủ yếu vẫn do nhu cầu đầu tư lớn, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nghiên cứu tăng mạnh. Nhập siêu đứng ở mức cao do cầu nhập khẩu máy móc thiết bị cho cả mục đích nghiên cứu lẫn tiêu dùng có độ co giãn thấp nên việc giảm kim ngạch nhập khẩu thông qua giảm lượng nhập khẩu là công việc vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, với chiến lược đi tắt, đón đầu công nghệ, các công nghệ tiên tiến được nhập về trong khi ta chưa chuẩn bị kỹ nguồn nhân lực để có thể đủ trí lực tiếp quản, vận hành dẫn đến hiện tượng máy móc nhập về để đấy, gây tốn kém hàng triệu đô la. Chưa hết, tiếp theo đó, một công nghệ khác với trình độ vừa phải phù hợp với trình độ sẽ được nhập khẩu tiếp tục phục vụ sản xuất dẫn đến nhập siêu bị đội lên rất cao. Thậm chí có những hàng hóa mà Việt Nam có thể sản xuất đủ tiêu dùng vẫn được nhập khẩu tràn lan, ví như năm 2002 trong khi giá đường trong nước ở mức thấp, số lượng đường tồn kho ở mức cao thì đường ngoại quốc vẫn tiếp tục được nhập khẩu. Hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” hay “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thường xuyên diễn ra trong hoạt động nhập khẩu của Việt Nam. Chính vì thế, hiệu quả nhập khẩu không cao và đến thời điểm này, sau gần 20 năm đổi mới, có thể kết luận chiến lược thay thế nhập khẩu áp dụng những năm trở lại đây chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong số 38 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu chỉ có 5 mặt hàng là bột mỳ, xi măng đen, kính xây dựng, bột ngọt, tivi, video biểu hiện được khả năng thay thế nhập khẩu. Dự báo trong tương lai, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, máy móc thiết bị vẫn sẽ tiếp tục tăng do khả năng sản xuất trong nội bộ nền kinh tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Nói tóm lại, cơ cấu xuất nhập khẩu còn chứa đựng nhiều điểm bất hợp lý, sự chuyển dịch cơ cấu quá chậm sẽ xói mòn ngoại thương, làm cạn kiệt nguồn ngoại tệ, hủy hoại xuất khẩu và rất có thể sẽ dẫn đến sự “phá sản” của chiến lược ngoại thương Việt Nam.



2.1.3. Thị trường xuất nhập khẩu:

Thị trường và mở rộng thị trường luôn là vấn đề quan tâm của cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Trong xu thế hội nhập ngày nay khi cạnh tranh trở nên gay gắt hơn thì vấn đề thị trường lại đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Sau công cuộc đổi mới 86, đặc biệt là sau khi Liên Xô sụp đổ, cơ cấu thị trường Việt Nam có những thay đổi rõ rệt. Nếu năm 1990, xuất khẩu sang Liên xô chiếm đến 38,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả Việt Nam (tương đương 1 tỷ rúp) thì sang năm 1991 chỉ còn chiếm 10,3%. Trước thực tế thị trường Nga và các nước Đông Âu không còn trở nên hấp dẫn, ngoại thương Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện chính sách đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa các quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, mở cửa thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu, tiến tới hoàn thiện chủ trương làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Xét riêng thị trường xuất khẩu, quán triệt chủ trương “tích cực và chủ động thâm nhập, mở rộng thị trường quốc tế”, ngoài các thị trường truyền thống, chủ chốt như Mỹ, Nhật, ASEAN (đạt mức xuất khẩu 2,4 tỷ USD năm 2002), EU (đạt 3,1 tỷ USD năm 2002) với sức mua lớn, Việt Nam còn tích cực tìm kiếm các thị trường ở Châu Phi, Mỹ la tinh như Nam Phi, Zimbabwe, Namibia, Brazil… Về cơ cấu các thị trường xuất khẩu phân theo châu lục, xuất khẩu sang Châu Á vẫn là chủ yếu với mức tỷ trọng bình quân 65% (cao nhất thời kỳ 1991-1995 đạt 73,4%). Tuy nhiên xu thế xuât khẩu sang Châu Á giảm dần, xuống 70,9% năm 1996; 63,8% năm 1997; 60,3% năm 2000 và khoảng 50% năm 2002 (40). Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Châu Á giảm dần đi đôi với tăng dần trong xuất khẩu trên các thị trường khác như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Đại Dương. Xu thế chuyển hướng thị trường từ Châu Á sang Châu Âu, Mỹ phản ánh biến chuyển tích cực và hiệu quả trong công tác xúc tiến thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và của Việt Nam nói chung (xem 1.2 phụ lục 1)

Tuy nhiên, xét một cách cụ thể hơn, ba năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực bắt đầu có những thay đổi đáng ngại. Thị trường xuất khẩu gạo sang Châu Âu và Bắc Mỹ đang có xu hướng giảm sút do các thị trường này đang giảm dần lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là nguy cơ thể hiện việc gạo Việt Nam đang mất dần thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt là Thái Lan, Trung Quốc.(xem 1.4 phụ lục 1). Mặt hàng thủy sản vẫn tỏ ra ưu thế vượt trội với việc lượng xuất khẩu tăng liên tiếp vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU đến mức một số chuyên gia kinh tế đã tỏ ra hoài nghi rằng liệu con số xuất khẩu sang các thị trường đó là có thực, liệu một số doanh nghiệp có thực hiện việc “xuất khẩu không hàng” để chiếm đoạt tiền từ ngân sách thông qua hoàn thuế ? Chưa hết, xuất khẩu linh kiện máy tính, niềm hy vọng của xuất khẩu Việt Nam lại phần lớn xuất khẩu theo kiểu ăn theo, thầu lại hợp đồng của các công ty mẹ chủ yếu từ các thị trường Thái Lan, Philipin, Nhật Bản. Đa số các lần chào hàng trên thị trường mới như châu Âu, Trung Mỹ, Trung Đông, châu Phi đều không dẫn đến hợp đồng cho những năm sau, điều này cho thấy sản phẩm của ta thực sự chưa được các thị trường này chấp nhận.

Đối với thị trường nhập khẩu, ngược lại với thị trường xuất khẩu, tỷ trọng nhập khẩu từ Châu Á lại tăng dần qua các năm và chiếm vai trò chủ đạo trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Từ 37% năm 1990 lên đến 77,6% năm 1995 rồi 80,4 % năm 1999 và 82,21% năm 2002 (40). Các thiết bị, máy móc chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường có nền công nghệ trung gian như Thái Lan, Xinhgapo, Đài Loan, Hàn Quốc…thể hiện mô hình “đàn sếu bay” được áp dụng trung thành đối với nhập khẩu Việt Nam. Cùng với sự tăng mạnh từ thị trường Châu Á, tỷ trọng thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là thị trường Châu Âu lại có xu hướng giảm dần, mức giảm trung bình giai đoạn 1991-2002 khoảng 5%/năm. (xem 1.3 phụ lục 1) Nguyên nhân chủ đạo trong sự tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Châu Á, giảm dần thị trường Châu Âu chính là do đầu tư nước ngoài từ các quốc gia Châu Á tăng mạnh mẽ. Đa số các doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và các quốc gia Châu Á sử dụng công nghệ nhập khẩu từ nước họ. Tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị riêng đối với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay đã lên đến gần 30% tồng giá trị nhập khẩu, cao nhất là năm 1999 với 33,4%. Mặt khác, cũng có thể thấy rằng nước nào hỗ trợ ODA cho Việt Nam càng nhiều thì máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu…của nước họ càng được xuất nhiều sang Việt Nam. Ví như giai đoạn 1998-2001, Đài Loan, Singapore vừa là các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam (lần lượt ở mức 4,32 tỷ USD; 5,3 tỷ USD) lại vừa là các thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất (6,78 tỷ USD; 9,42 tỷ USD).

Một cách khái quát, thị trường nhập khẩu Việt Nam đã ít nhiều có được định hướng chuyên sâu, từng bước vận động phù hợp với chính sách mặt hàng và chiến lược thay thế nhập khẩu của ta. Tuy nhiên, việc nhập khẩu không đơn giản chỉ phụ thuộc vào cầu trong nược mà còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác đặc biệt là đầu tư nước ngoài nên thị trường nhập khẩu trước mắt vẫn tiếp tục đi theo chiều hướng tăng tỷ trọng nhập khẩu từ Châu Á, giảm tỷ trọng từ Châu Âu và các châu lục khác.

Cuộc chiến hội nhập thực sự đem lại cho ngoại thương Việt Nam nhiều trăn trở, trăn trở trong tìm kiếm thị trường, trong hoạch định chiến lược phát triển cũng như trong vấn đề thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu. Có người cho rằng xu thế khu vực hóa kinh tế với sự tham gia khu mậu dịch tự do AFTA hoặc sắp tới năm 2004 sẽ tham gia khu mậu dịch Trung Quốc-ASEAN (ACFTA) là một lợi thế mỹ mãn cho ngoại thương Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hàng hóa của Việt Nam sẽ được giảm thuế, việc giảm thuế sẽ dẫn đến tăng kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường này từ đó sẽ góp phần cải thiện ngoại thương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ý tưởng này chỉ đúng được phần nào. Trước hết phải hiểu rằng nếu Việt Nam được lợi thế cạnh tranh về thuế thì các quốc gia khác trong nội bộ khối cũng sẽ được lợi thế đó. Trong khi hàng hóa các nước ASEAN, đặc biệt là ASEAN6 có tính cạnh tranh cao, giá rẻ, chất lượng tốt thì hàng hóa Việt Nam lại liên tục bị trả về phần vì lỗi, phần vì không phù hợp với mẫu mã hàng hóa đưa ra.

Mặt khác, do cùng một điều kiện khí hậu, cùng chiến lược phát triển và cùng cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, chính các quốc gia ASEAN lại là những đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của Việt Nam. Thái Lan vội vã tìm cho mình con đường riêng thông qua đàm phán kí kết hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Ấn Độ, Úc, Tây Ban Nha. Cămpuchia âm thầm bắt tay với Mỹ; Malayxia thì ra sức phấn đấu kí kết Hiệp định tự do hóa thương mại với khu vực Bắc Âu…Trong khi đó, công tác tự do hóa thương mại của Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc thâm nhập thị trường chứ chưa đi đến kí kết hiệp định thương mại song phương, trừ Hiệp định thương mại Việt Mỹ. Hiện chúng ta đang trong quá trình gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, một chặng đường đầy khó khăn với sự phản đối của không ít các quốc gia, thời gian gia nhập dự tính sẽ còn 2 năm, trong khoảng thời gian đó, Việt Nam cần tích cực chủ động hơn trong công tác xúc tiến thương mại của mình để có thể cạnh tranh và cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.

Xét một cách vi mô hơn, sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, chính vì thế mà chúng ta đã bỏ qua không biết bao nhiêu cơ hội xuất khẩu hàng hóa với khối lượng lớn. Xét riêng bánh đậu xanh Rồng Vàng, một loại hàng xuất khẩu được ưa chuộng trên các thị trường Tiệp, Đức năm 2001 đã bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu trong hợp đồng 300.000 hộp do khả năng sản xuất còn giới hạn. Việc dự báo cầu xuất khẩu trên thị trường thế giới còn chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng thiếu hàng để xuất. Theo Bộ Thương Mại thì cuối năm 2003 cầu về gạo sẽ gia tăng đột biến song gạo đã được xuất gần hết trong vòng 6 tháng đầu năm nên việc tìm nguồn hàng tăng cường thêm lượng gạo xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.

Hoạt động xúc tiến thương mại diễn ra còn mang tính chất đối phó; có những trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động ngoại thương. Trong đa số trường hợp quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào tình trạng không được bảo vệ hoặc không thể bảo vệ do việc tìm hiểu luật các quốc gia đối tác chưa được nhà nước quan tâm phổ biến cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động ngoại thương. Bên cạnh đó, chiến lược thị trường tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ, đặc biệt là chiến lược thị trường xuất khẩu. Một thực tế là nếu hàng hóa của ta tập trung quá nhiều vào thị trường Mỹ, tất yếu sẽ gây sự chú ý và những kết cục bất lợi cho ta. Bài học phá giá cá tra, cá basa chưa kịp lắng xuống thì tôm Việt Nam lại tiếp tục rơi vào tình cảnh tương tự. Khi hàng hóa của Việt Nam chưa có tiếng tăm thì chắc chắn sẽ chẳng ai dòm ngó tới song “bất hạnh” ở chỗ là ta đã xuất khẩu được một lượng kha khá thủy sản, một lượng đáng kể dệt may và cũng không ít lần ta xuất khẩu giầy da sang thị trường Mỹ, EU. Thế giới khâm phục ta hơn, nể sợ ta hơn song cũng dùng những thủ đoạn thâm hiểm hơn để đối phó với ta. Đã qua rồi cái thời bấu víu vào đâu đó để tồn tại, trong trận chiến mà các quốc gia đều muốn giành cho mình phần thắng thì sự vui sướng ở nơi này đồng nghĩa với sự đau khổ ở nơi kia. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, ngoại thương Việt Nam phải tự đứng lên bảo vệ chính mình, song có làm được điều đó hay không thì còn phải trông vào sự sáng suốt và công bằng của chính các nhà quản lý hoạt động này.



2.2. Thực tiễn điều hành tỷ giá hối đoái và tác động tỷ giá tới ngoại thương Việt Nam:

2.2.1. Giai đoạn trước đổi mới 1986:

Đã từ lâu, tỷ giá hối đoái luôn là người bạn song hành của hoạt động ngoại thương Việt Nam. Thời kì phong kiến, tỷ giá được hình thành dựa trên cơ sở ngang giá vàng, bạc, tiền nội địa với tiền của các thương nhân nước ngoài, do hoạt động mua bán diễn ra tự do nên tỷ giá hối đoái cũng được hình thành một cách tự do giữa các thương nhân với nhau. Năm 1858, sau khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, ngoại thương bị đặt dưới sự quản lý khe khắt của chế độ thực dân, tỷ giá giữa đồng tiền Đông Dương do Ngân hàng Đông Dương phát hành với đồng France Pháp cũng như việc qui đổi ra đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh, đồng Yên đều do chính quyền thực dân qui định. Bước sang 1954 cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ là sự trở về của chính quyền cộng sản Việt Nam, thực hiện quản lý mọi hoạt động kinh tế đất nước.

Suốt giai đoạn 1955 đến 1986, về cơ bản nước ta tồn tại chế độ đa tỷ giá, không phản ánh thực sự sức mua thực tế của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa nước ngoài. Người ta nhắc nhiều tới tỷ giá chính thức, một loại tỷ giá được chính phủ hai bên tự ý xác lập, tự ý qui định quan hệ so sánh giữa đồng tiền hai nước trên cơ sở xem xét rất khiêm tốn các nhân tố ảnh hưởng. Tỷ giá chính thức đầu tiên được chính phủ thành lập với Trung Quốc năm 1955 trên cơ sở căn cứ vào 34 mặt hàng tiêu dùng, chủ yếu tại Hà Nội và Bắc Kinh, đứng ở mức 1CNY= 1470 VND. Thời gian này, tỷ giá đồng Rúp (Liên Xô) được xác định trên cơ sở tính chéo; 1Rúp Liên Xô = 0,5 Nhân dân tệ, tỷ giá chéo là 735 VND = 1 Rup(31). Và tỷ giá tính chéo với đồng Rúp này lại được xem là cơ sở để xác định tỷ giá hối đoái với các nước tư bản khác như Anh, Mỹ…đồng Nhân dân tệ cùng đồng Rúp bỗng nhiên trở thành đồng tiền trụ cột của tỷ giá Việt Nam. Rõ ràng nhận thấy cách tính tỷ giá như trên bộc lộ rất nhiều nhược điểm, trong đó nhược điểm lớn nhất là tỷ giá bị cố định cứng nhắc do đó không phản ánh được cung cầu thị trường, khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thực doãng ra, các chức năng của tỷ giá như thúc đẩy hoạt động ngoại thương bị hủy hoại, cán cân thanh toán mất cân đối nghiêm trọng khiến nền kinh tế lâm vào tình trạng đói kém triền miên. Thế nhưng cách ấn định tỷ giá này vẫn tiếp tục đeo bám dai dẳng nền kinh tế của chúng ta trong một thời gian dài.

Sau đổi tiền 1959, đặc biệt là sau chiến tranh biên giới 1979, đồng Rúp lên ngôi và nhanh chóng được coi là chuẩn mực cho việc ấn định tỷ giá của Việt Nam. Tỷ giá chính thức (tỷ giá mậu dịch) lúc này được xác lập giữa đồng Việt Nam và Rúp chuyển nhượng thông qua thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng quốc tế về hợp tác kinh tế (một ngân hàng có trách nhiệm thực hiện thanh toán thương mại, viện trợ song biên giữa các nước thành viên trong Hội đồng tương trợ kinh tế trước đây: SEV). Trong suốt thời kỳ 70, 80 thế kỷ trước, tỷ giá này cố định và được sử dụng để ghi sổ cân bằng thanh toán giữa Việt Nam và các nước thành viên khối SEV. Song song với tỷ giá mậu dịch là tỷ giá phi mậu dịch, qui định cho các hoạt động khác như ngoại giao, ngoại kiều, học sinh, sinh viên…được xác lập trên mức giá bán lẻ một số hàng tiêu dùng, xem ra có vẻ gần “thực tế hơn” bởi đã phản ánh chút ít đến sức mua thực tế đồng nội tệ song vẫn bị cố định trong từng khoảng thời gian nhất định.

Cũng thời kì này, do nền kinh tế kiểu tập trung, mệnh lệnh nên các thành phần kinh tế tư nhân bị ruồng rẫy, khinh rẻ . Các doanh nghiệp tồn tại chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, bởi thế các chủ thể tham gia kinh doanh cũng chính là các doanh nghiệp này. Chính sự tồn tại trên đã tạo điều kiện cho một loại tỷ giá nữa tồn tại đó là tỷ giá kết toán nội bộ “sử dụng trong các giao dịch nội bộ giữa ngân hàng với các tổ chức ngoại thương, giữa các tổ chức ngoại thương với ngân sách nhà nước có liên quan theo cơ chế giá nội địa”(29), được thực hiện thông qua cơ chế thu, bù chênh lệch ngoại thương. Một cơ chế hết sức vô lý với quan niệm phần lãi trong hoạt động ngoại thương sẽ được góp vào ngân quỹ nhà nước, nếu hoạt động các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Nhà nước chẳng may lỗ thì nhà nước sẽ rút ruột bù lỗ. Những tưởng cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động ngoại thương do rủi ro lỗ đã được nhà nước gánh chịu, song thực tế hoạt động ngoại thương tại các doanh nghiệp được phép xuất nhập khẩu ngày càng trở nên ảm đạm. Việc tỷ giá kết toán nội bộ luôn được ấn định nhỏ hơn tỷ giá thị trường cộng với việc kết hối 100% ngoại tệ đã khiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam luôn trong tình cảnh eo hẹp. Ví như có thời kì tỷ giá thị trường là 2000đ ăn 1 đôla thì tỷ giá do NHNNVN quy định để kết hối chỉ có 200 VND/USD. Lợi nhuận thu được từ các hợp đồng xuất, nhập khẩu không đáng kể, thêm vào đó là việc chi phí đầu vào bị nâng cao hơn, vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu khiến họ buộc phải bấu víu vào ngân sách nhà nước như là một phương kế cuối cùng để tồn tại; nền kinh tế đã nghèo, càng nghèo.

Bên cạnh những tác động đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã trình bày ở trên, thời kỳ này do tỷ giá được ấn định cố định cộng với sự tiêu điều bởi họa chiến tranh liên miên đã khiến tỷ giá không phát huy được vai trò cơ bản của nó. Tỷ giá với cách ấn định chủ quan duy ý chí dường như chỉ là cái bóng mờ nhạt đứng bên cạnh người bạn lạm phát. Song nếu nói tỷ giá hoàn toàn không có tác động gì đến hoạt động ngoại thương thời kỳ này là không chính xác, chính sự hạn chế, tù túng của tỷ giá cũng đã khiến hoạt động ngoại thương trở nên ngột ngạt, bế tắc. Việc áp dụng tỷ giá kết toán nội bộ đã làm cho việc bù lỗ nhập khẩu vượt quá mức chịu đựng của ngân sách, thủ tiêu động lực xuất khẩu, càng xuất càng lỗ, ấy là chưa kể đến hàng loạt tỷ giá mặt hàng riêng lẻ thuộc tỷ giá kết toán nội bộ như tỷ giá bông, tỷ giá sắt, tỷ giá xăng dầu…áp đặt theo tư duy chủ quan duy ý chí khiến hoạt động ngoại thương bị xé lẻ, manh mún, lâm vào tình cảnh nhập siêu trầm trọng.



Bảng 3: Tỷ giá hối đoái trong mối quan hệ với xuất nhập khẩu giai đoạn

1958-1985

Каталог: luanvan -> 19123
luanvan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
luanvan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
luanvan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
luanvan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
luanvan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
luanvan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
luanvan -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Hà Linh
luanvan -> ĐÁnh giá Đa dạng di truyền một số MẪu giống lúa thu thập tại làO
luanvan -> TRƯỜng đẠi học khoa học tự nhiêN
19123 -> Bảng danh mục các ký hiệu viết tắt

tải về 0.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương