Chiếc xe lexus và CÂy oliu


Quan điểm ủng hộ toàn cầu hoá



tải về 2.25 Mb.
trang17/24
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích2.25 Mb.
#11655
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   24

Quan điểm ủng hộ toàn cầu hoá
Mùa đông năm 1995, tôi đến thăm Hà nội. Mỗi sáng thức dậy, tôi thường tập thể dục bằng việc đi dạo quanh những ngôi chùa ở hồ Hoàn kiếm, nơi đây chính là trái tim của thủ đô Hà nội. Và cứ mỗi buổi sáng tôi lại dừng chân nơi một phụ nữ Việt Nam nhỏ bé ngồi khom mình trên vỉa hè với chiếc cân sức khoẻ. Cô ngồi đây để cân sức khoẻ cho mọi người với phí rất rẻ. Như thế mỗi lần dừng chân tôi lại trả cho cô ta 1 đô la và bước lên bàn cân. Không phải tôi muốn biết trọng lượng của mình, trên thực tế tôi quá biết rõ trọng lượng của mình (thậm chí tôi nhớ là cân của người phụ nữ đó không chính xác). Mà không, kinh doanh mà lại và người phụ nữ đó đã làm tôi đóng góp cho toàn cầu hoá Việt nam. Với tôi người phụ nữ đó có một phương châm không nói ra: “Bất kể thứ gì bạn có, dù lớn hay nhỏ - hãy bán, trao đổi, hay bất cứ làm gì miễn là có lợi nhuận để cải thiện mức sống cơ bản của mình và hãy mạnh dạn tham gia vào cuộc chơi đó.”

Người phụ nữ và chiếc cân này đã thể hiện rõ chân lý cơ bản về toàn cầu hoá nơi mà người ta chỉ đề cập đến những nhà quản lý tiền tệ, những nhà tài trợ và những nhà sản xuất chíp siêu tốc. Còn ở đây: toàn cầu hoá đã thể hiện từ một nơi rất thấp kém, chỉ ở ngoài lề đường, với những con người khát khao cháy bỏng. Đúng, toàn cầu hoá là dân chủ hoá tài chính, công nghệ và thông tin nhưng liệu cả ba vấn đề này có thể giúp những con người bình thường có cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống với nhiều thứ để ăn, để mặc hơn, nhiều nơi để sống, để du lịch, để làm việc hơn, nhiều cái để đọc, để viết và để học hơn. Cuộc sống đó bắt đầu từ hành vi của người phụ nữ ở đây, ngồi khom mình trên vỉa hè với chiếc cân sức khoẻ và đóng góp vào toàn cầu hoá.

Giữa trung tâm Hà Nội ngày nay, trên các vỉa hè nhiều mặt hàng được bày bán la liệt. Người bán hàng chỉ cần dùng một cái chiếu, hay cái rương hoặc thậm chí một cái giá sách miễn sao họ thấy phù hợp là có thể bán được hàng. Đường phố lúc nào cũng chật cứng người. Họ trao đổi, buôn bán mọi thứ từ những thứ rất nhỏ như dép xăng đan cho đến những vật có giá trị lớn như ô tô Camry, thậm chí cả chiếc xe của hãng nổi tiếng Lexus. Bởi chúng ta chỉ nghĩ tới toàn cầu hoá như là những việc phải thực hiện giữa các quốc gia hay chỉ diễn ra những nơi cao sang và có tính chất vĩ mô, nên chúng ta quên đi chính ngay tại đây, giữa trung tâm bé nhỏ này cũng diễn ra quá trình toàn cấu hoá.

Đây chính là lý do tại sao chúng ta thường có ý nghĩ rằng đi bất kỳ điều gì đều có tính hai mặt, song song với nhóm người phản đối toàn cầu hoá bởi tính hung tàn, áp bức và thách thức của nó, vẫn tồn tại một nhóm người nhìn thấy lợi ích của toàn cầu hoá. Nhóm người này thuộc tầng lớp công nhân lao động. Họ chính là những người phải chịu những mặt trái của toàn cầu hoá. Nhưng họ đã mạnh dạn đứng lên, đối mặt với toàn cầu hoá và tham gia vào hệ thống này. Bởi rằng dù chỉ còn một nửa cơ hội, họ cũng không muốn tuột mất. Bất kỳ một người kém nào cũng đều không muốn mình sẽ thua kém mãi; hay bất kỳ một ai không hiểu biết cũng muốn biết thêm một điều gì đó mới lạ. Họ muốn trở thành sử tử hay linh dương, trinh phục được hệ thống này chứ không muốn phá huỷ nó đi.

Tôi tình cờ sinh sống ở Rio de Janeiro và chứng kiến chính phủ Brazil tư nhân hoá công ty viễn thông Telebras. Đã có đông người biểu tình phản đối quyết định này. Nhưng điều gây ngạc nhiên cho tôi nhất chính là tờ báo O Globo ngày hôm sau đã đưa tin về cuộc phỏng vấn một thanh niên biểu tình. “Tại sao anh tham gia cuộc biểu tình? Anh ta trả lời “Tôi nghĩ rằng tôi cần có việc làm”. Chàng trai nghèo này không phản đổi về quyết định tư nhân hoá mà đơn giản là anh ta muốn được chia phần.

Con người có thể chấp nhận nhiều vấn đề căng thẳng của toàn cầu hoá hơn là họ nghĩ - một phần vì những người thợ mỏ ở Nga, những nông dân Mehico và những người lao động ở Indonesia hiểu rằng ở một mức độ nào đó họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đứng dạy để theo kịp sự toàn cầu hoá, và một phần vì rất nhiều trong số họ không muốn tham gia thêm một tý nào nữa. Hiển nhiên là nếu ảnh hưởng thị trường lấy hết đi của họ- tức là nếu họ cảm thấy đây chỉ là một hệ thống phi lý, mọi nỗ lực của họ không thể đem lại mức sống tốt hơn và những hi sinh của họ cũng không đem lại cho họ lợi ích nào, thì hệ thống sẽ trở thành mối đe doạ. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạn đó.

Một anh bạn của tôi, một nhà kinh tế người Nga kể cho tôi một câu chuyện khá gây ấn tượng. Câu chuyện kể về một người lái xe tăng ở một thị trấn phía sau Urals, Nga. Anh ta lái xe tăng đến toà thị chính thành phố để thanh toán khoản séc quá hạn. Khi những người dân thành phố vây quanh chiếc xe tăng và hỏi anh ta “Anh có ý định san lấp cả thành phố này chăng?” anh ta đã trả lời “Không, lý do duy nhất mà tôi lái xe tăng là vì tôi không có một phương tiện nào khác. Tôi không có đủ tiền để đi taxi mà tôi lại đang cần được thanh toán”.

Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản đã nâng cao đời sống cho người dân hơn bất kỳ chế độ nào trong lịch sử. Nhưng số người nghèo ở những tầng lớp trung lưu cũng tăng nhanh, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt hơn. Số lượng người nghèo ở khắp mọi nơi càng gia tăng. Nói một cách khác là nghèo đói đã và đang tồn tại ở rất nhiều quốc gia và có xu hướng lan rộng ra nhiều các quốc gia khác. Theo báo cáo của chương trình Phát triển con người Mỹ, năm 1997, tỷ lệ đói nghèo trong 50 năm qua đã tăng nhanh hơn so với 500 năm trước đó. Hơn 30 năm qua một số quốc gia đang phát triển đã tiến hành công nghiệp hoá rất nhanh. Từ năm 1960, tỷ lệ trẻ em tử vong, tỷ lệ suy dinh dưỡng và nạn mù chữ đã giảm nhưng đồng nghĩa với vấn đề nước sạch cũng đang dần trở nên bức xúc. Chỉ trong một thời gian ngắn, một số quốc gia như Đài Loan, Singapo, Ixaren, Chile và Thuỵ Điển đã thực hiện chính sách mở cửa theo hướng toàn cầu hoá, đồng thời đem lại mức thu nhập cao có thể sánh cùng các quốc gia phát triển như Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu ở Thái Lan, Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc đang ngày một tăng lên cũng bởi toàn cầu hoá.

Đây là lý do tại sao mặc dù vẫn còn tồn tại một số quan điểm chống lại toàn cầu hoá nhưng họ vẫn phải theo những ý tưởng mới để toàn cầu hoá tốt hơn - điều đó thể chứng minh số lượng tham gia vào hệ thống này càng gia tăng. Không nhất thiết bạn phải trở thành một nhà chính trị gia thì bạn mơi hiểu được vấn đề này. Bạn chỉ cần đi dạo và quan sát mọi thứ đang diẽn ra quanh phố phường tại các nước đang phát triển:

Bạn sẽ gặp Chanokphat Phitakwannokoon, một phụ nữ 40 tuổi người Thái Lan đứng bán thuốc lá và bánh bao trên đường Wireless thuộc trung tâm buôn bán Bangkok. Vào tháng 12 năm 1997, tôi đến đây và ở tại một khách sạn gần đó. Lúc này là tuần lễ chính phủ yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ quan tài chính. Tôi rủ một người phiên dịch cho tạp chí New York Times đi dạo cùng tôi và quan sát mọi họat động buôn bán diễn ra trên đường phố. Người đầu tiên mà tôi nói chuyện chính là Chanokphat. Tôi bắt đầu hỏi: “Chị bán được nhiều không?”

“Mới được 40 đến 50%”, Chanok rầu rĩ trả lời.

Tôi hỏi cô ấy đã bao giờ nghe nói đến Soros, tỷ phú quản lý quỹ tổng hợp, người đã bị buộc tội đầu cơ tiền tệ Châu Á và dẫn đến sự phá giá.

Chanok liền lắc đầu và trả lời: “Không”. Cô chưa bao giờ nghe đến cái tên Soros.

“Được, vậy chị có biết gì về thị trường cổ phần không”. Tôi hỏi.

“Biết chứ”, cô trả lời không một chút do dự. “Tôi sở hữu nhiều cổ phẩn của Ngân hàng Châu Á và Ngân hàng Bangkok”

“Điều gì đã khiến chị mua cổ phần”

“Tất cả họ hàng của tôi đều mua, do vậy tôi cũng mua”. Cô trả lời “Tôi gửi vào ngân hàng và bây giờ thì nó chẳng đáng là bao.”

Lúc này tôi chợt nhìn xuống và vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô đi chân đất. Có thể cô để dép ở đâu đó, nhưng tại sao cô không đi. Tôi không thể nghĩ tiếp được :”Một người không giầy dép, bằng cấp mới chỉ hết lớp năm mà lại sở hữu cổ phần ngân hàng ở Thái Lan”. Điều này làm tôi chợt nghĩ: “Cô ấy đang quan tâm đến cái gì?”. Liệu có phải cô ta đang dẫn đầu một cuộc hành quân nhằm thiêu huỷ khối văn phòng IMF đang lợi dụng tất cả những điều kiện ở Thái Lan để cải tổ nền kinh tế. Hay bởi cô ta chính là một phần nào đó của hệ thống và liệu cô ta có làm việc chăm chỉ hơn, tiết kiệm và hy sinh nhiều hơn, thậm chí cả IMF nếu những thứ đó làm vực dậy nền kinh tế Thái Lan. Và thời gian sẽ trả lời. Đó là quan điểm ủng hộ toàn cầu hoá.

Bạn sẽ gặp Tecra, người đứng đầu một trong những quỹ chung lớn nhất tại Thái Lan. Tôi đã phỏng vấn anh về liệu có một một nhóm người không ủng hộ những chủ ngân hàng tại phương Tây và Châu Mỹ không, vì họ đang cố gắng mua lại những doanh nghiệp và ngân hàng của Thái Lan. Giờ đây giá trị đồng Bath của Thái Lan đang rất thấp và một số doanh nghiệp đang xuống dốc. Tecra nghĩ một lúc rồi trả lời bằng cách kể một câu chuyện: “Mấy tuần trước một anh bạn của tôi bị mất ví. Trong ví có rất nhiều giấy tờ bao gồm cả một số thẻ tín dụng của ngân hàng ở Mỹ và Thái Lan. Tất nhiên sau đó anh ta gọi điện và thông báo mất thẻ tới các ngân hàng đó. Ngay lập tức, ngân hàng ở Mỹ liền hỏi anh ta liệu có muốn họ gửi luôn thẻ mới trong ngày. Trong khi đó, anh ta chẳng nhận được một thông điệp gì từ phiá các ngân hàng Thái Lan”.

“Vậy anh nghĩ sao”, Tacra nói tiếp. “Liệu bạn tôi có sẵn sàng quan tâm hơn nếu như ba ngân hàng Thái Lan này hoàn toàn trực thuộc ngân hàng Citibank và có đủ những chuẩn mực giống những ngân hàng American Express không? Và liệu anh ta cảm thấy đây là sự xấu hổ thay cho quốc gia mình không?” Có lẽ điều này không thể kéo dài nếu những ngân hàng Thái Lan bắt đầu sắp xếp lại tổ chức và hoạt động có hiệu quả như những ngân hành ở Mỹ. Đây hoàn toàn là những ý tưởng ủng hộ toàn cầu.

Bạn sẽ gặp Lilian, một công nhân 32 tuổi, người Brazil sống tại Rocinha favela, Rio và làm việc cho chính quyền thành phố. Cô ta vừa đưa tôi đi dạo quanh trung tâm favela vừa bàn luận đến vấn đề cô ấy đã phải tiết kiệm nhiều năm trời để có thể chuyển gia đình ra sinh sống ở bên ngoài. Giờ đây họ đang sống ngoài favela. Điều cuối cùng cô muốn cho thế giới đó là hoà nhập vào toàn cầu hoá. Cô nói với tôi: “Khi tôi còn nhỏ, mọi người ở làng tôi đều tập trung xem ti vi trong một căn nhà. Giờ đây tôi đã chuyển đến tới một chỗ cách chỗ làm của tôi một quãng đường 1h 20 phút, thay vì trước đây là 20 phút. Tuy nhiên nơi này nằm ngoài favela, hầu như không có tệ nạn xảy ra. Tôi chuyển đến đây vì lũ trẻ để chúng tránh xa những kẻ buôn bán ma tuý. Mỗi tháng tôi kiếm được 900 Real. Giờ đây tôi đã có thể mua được điện thoại, xây nhà gạch chứ không phải nhà gỗ như trước đây và cuối tháng tôi còn tiết kiệm được một khoản tiền. Khi lạm phát xảy ra, không ai mua thẻ tín dụng vì người ta không thể đáp ứng được tỷ lệ lãi suất lạm phát. Ngày nay, những người nghèo ở đây đều có điện thoại, truyền hình cáp và điện. Tôi có tất cả những thứ cơ bản mà những người giàu có. Giờ đây chúng tôi có thể phàn nàn về dịch vụ mà trước đây không hề có.” Đó chính là những ý tưởng ủng hộ toàn cầu.

Bạn sẽ gặp Fatima, một nhà khoa học về sức khoẻ môi trường, cô sở hữu hầu hết những quán cà phê Internet ở thành phô Kuwait, “thung lũng cà phê”. Ở đây bạn vừa có thể nhấm nháp từng ngụm cà phê vừa truy cập Internet. Tốt nghiệp tại Mỹ, Al-Abdali đeo mạng che mặt, biểu hiện rõ người theo đạo Hồi. Tôi đưa cho cô một bài giảng về toàn cầu hoá ở Kuwait và cô đóng vai trò như một khán giả. Sau đó cô mời tôi đến một quán cà phê và gặp gỡ một số sinh viên ở đó. Quán cà phê này nằm giữa một khu buôn bán sầm uất của thành phố. Tôi ngồi xuống bàn và nói: “Tôi có một chút thắc mắc rằng rõ ràng cô là một người theo đạo Hồi và có vị trí tương đối cao trong xã hội. Hơn nữa, cô lại tu nghiệp ở Mỹ và giờ đây cô đang mang Internet đến cho vùng Kuwait. Điều gì đã khiến cô làm vậy?”

Câu trả lời của cô đơn giản là Ả Rập bị tác động bởi thế giới bên ngoài, đặc biệt là công nghệ mới lạ. Đây chỉ là hiện tượng xâm nhập, nhưng tại thời điểm này cô muốn là người kiểm soát sự xâm nhập đó, chứ không để xảy ra tình trạng ngược lại. Và giờ đây cô đang kiểm soát Internet và đảm bảo cho lớp trẻ, những người hay lui tới quán cà phê của cô. Tôi thực sự cảm thấy tự hào về nỗ lực của mình. Đừng bao giờ chống lại mà hãy tìm cách kiểm soát nó bằng khả năng của mình!

“Tôi đã có ý tưởng về cà phê Internet từ ba năm trước đây”. Fatima nói với tôi vào năm 1997. “Tôi biết rằng nếu tôi không làm thì rồi một ai đó cũng làm. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể kiểm soát được và hướng mọi người theo chiều hướng tốt hơn là cứ ngồi yên một chỗ để nó tự xuất hiện. Tôi chấp nhận và áp dụng nó. Và giờ đây chúng tôi đang dần giới thiệu những vấn đề về quyền lợi của phụ nữ trên trang Web của riêng mình”.

Fatima đã mời một số sinh viên của trường Đại học Kuwait tham dự. Một trong số họ ngẫu nhiên đề cập đến những cuộc bầu cử sinh viên ở trường và những ứng cử Đạo Hồi đều bị tiêu diệt bởi các bên Độc lập, Tự do và Thế tục. Những cuộc bầu cử sinh viên là hết sức quan trọng ở A Rập vì hầu hết đều hướng tới tự do và vấn đề chung, đặc biệt là đối với giới trẻ. Tôi hỏi Sahli, một sinh viên 21 tuổi, khoa Thông tin liên lạc tại sao những người theo đạo Hồi Đạo Hồi thường thất bại. “Đạo Hồi không gây được ấn tượng tốt một chút nào cả.” Anh ta trả lời. “Hơn nữa Đảng thế tục đang giúp đỡ sinh viên từ những thứ nhỏ nhất mà họ quan tâm như sao chụp, Email, sách thư viện, nơi đỗ xe… Xã hội giờ đây đã thực tế hơn và chúng tôi cần phải kiếm việc làm”. Đó chính là những ý tưởng dẫn đến ủng hộ toàn cầu.

Bạn sẽ gặp hai người bạn Úc của tôi, hai nhà khoa học xã hội là Anne và Henderson. Tôi gặp gia đình Henderson ở Washington. Họ nói với tôi về cô con gái đang học Đại học ở Úc: “Một hôm, đứa con gái tôi và cô bạn cùng phòng của nó nhận được một lá thư của một công ty điện thoại của Úc, Telstra, thông báo về một phần ba công ty sẽ tư nhân hoá và mỗi một cổ đông của công ty đều được mua một đợt cổ phiếu. Nó gọi cho chúng tôi và hỏi liệu có nên mua không và chúng tôi đã đồng ý. Sau đó nó đã đề nghị với công ty. Nó không có nhiều tiền mà mệnh giá của mỗi cổ phiếu là 300 đô la Úc và nó chỉ mua được ba trăm cổ phiếu. Giờ nó vẫn chưa có khả năng kiếm tiền được. Nó có thể trở thành một thủ thư, hay một giáo viên hoặc một vị trí nào đó có thu nhập cao. Nhưng chỉ mình nó có thể mua duy nhất có nó có thể đứng ra mua cổ phiếu của Telstra. Thông thường những công nhân của Telstra mua khoảng 90% số cổ phiếu có thể được mua và sau đó họ sẽ ít phải cạnh tranh hơn. Người ta chỉ biết rằng đây là một thứ rất quan trọng. Vào năm 1996 thì vấn đề này luôn bị đè bẹp bởi đảng bảo thủ và họ hoàn toàn đi theo ý tưởng đấy. Cách đây 10 năm, con gái tôi cũng tham gia chống lại toàn cầu hoá nhưng giờ đây những cổ phần của Telstra đã làm thay đổi quan điểm đó của nó. Nó phải quan tâm thường xuyên hơn đến Wall Street vì những cổ phiếu này giờ đây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nó”. Đó chính là những ý tưởng dẫn đến ủng hộ toàn cầu.

Những ý tưởng mới trên không chỉ đang phát triển rộng hơn mà càng ngày càng nhiều người muốn tham gia vào hệ thống này. Nó cũng ngày càng lớn mạnh hơn bởi tính quán triệt trong việc nâng cao khả năng của con người và nói rõ những gì được và mất khi làm những việc liên quan. Nhờ có Internet mà mọi người giờ đây có thể nói chuyện với nhau một cách dễ dàng và nhanh gọn.

Tôi học được điều này từ Chandra, chủ tịch Tổ chức Nhân quyền Malayxia hay còn gọi là tổ chức hoạt động quốc tế cho toàn cầu. Tôi đã gặp ông tại văn phòng ở một vùng ngoại ô của Kula Lampura. Tôi đến để nghe ông bày tỏ về quan điểm về toàn cầu hoá và thật bất ngờ tôi đã nhận được rất nhiều quan điểm lý thú từ ông.

“Tôi nghĩ toàn cầu hoá không phải cuộc chạy đua lại của chủ nghĩa thực dân”. Ông nói. “Mọi người đang tranh luận về tính đúng đắn của vấn đề này. Nhưng chắc chắn, nó sẽ phức tạp hơn nhiều. Nhờ có toàn cầu hoá, nhiều nét văn hoá mới đã thâm nhập vào đời sống của người dân miền Bắc. Giờ đây món ăn được ưa thích không chỉ còn dừng lại ở món cá và khoai tây mà còn có thêm món cà ri. Hơn nữa, các món ăn này không còn chủ yếu là nhập ngoại nữa. Nhưng ý tôi ở đây không phải chỉ nói về cà ri. Mỗi khu vực đều có những ý tưởng và quan tâm khác nhau. Bất kỳ ai có thế lực thống trị ở nơi này thì chắc chắn sẽ phải chịu phụ thuộc ở nơi khác... Ngày nay, nhờ có Internet, các nước có thể biết thông tin của nhau. Iran là một trong số các quốc gia sử dụng Internet nhiều. Người dân nước này coi Internet như một công cụ để thực hiện mục đích của mình. Sự kiện bộ phim "Mùi vị của trái Sherry" (phim Iran) đạt giải trong liên hoan phim Cannes là một ví dụ điển hình. Ở Malaixia, Mahathir cập nhật thông tin qua CNN. Nhiều cuộc vận động qua Internet đã thành công. Đấy là một phần mà toàn cầu hoá đem lại. Nếu cho rằng toàn cầu hoá chỉ giống như con đường một chiều, thì quả là không đúng mà thực sự nó rất phức tạp. Mọi người hoạt động ở rất nhiều cấp độ khác nhau. Tại mỗi cấp độ lại xuất hiện sự bất công bằng do Mỹ hoá"

Đó là quan điểm mà phe ủng hộ toàn cầu hoá đồng ý với phe đối lập.

Điều này hoàn toàn đúng thậm chí tại các quốc gia phát triển. Tạp chí Forbes đã tiến hành một chiến dịch thông minh vào tháng 7 năm 1998 sau cuộc thất bại của Time Warner- CNN vào 7/6/1998. Tạp chí này đã đưa ra thông tin về sự kiện Green Berels có kẻ phản bội ở Lào vào năm 1970. Lập tức ngay sau đó, các cựu chiến binh đã khẳng định rằng đó là thông tin hoàn toàn sai lệch. Tuy nhiên, hãng thông tin nổi tiếng toàn cầu CNN lại không chịu đính chính sự kiện đó (thậm chí không xin lỗi bất kỳ khán thính giả nào, đặc biệt là các cựu chiến binh).

“Time Warner chắc hẳn phát điên mất khi bị thất bại trong chiến này”. Các nhà cựu chiến binh Việt Nam đã sử dụng Internet-phương tiện hữu hiệu duy nhất để tham gia cuộc chiến. Nếu không có Internet, để xới tung sự kiện đó lên phải mất hàng tháng. "Nó giúp tôi thực hiện trong ba ngày trong khi (nhà sản xuất CNN) April Oliver phải mất 8 tháng”. Đại tướng không quân (đã về hưu) Perry Smith, tư vấn quân sự của CNN, người đã phản đối hệ thông tin tranh luận của các nhà cựu chiến binh, sau đó ông đã chỉnh sửa lại thông tin. Smith cho biết, vào hôm diễn ra sự kiện đó, ông đã ghi chép nhanh toàn bộ câu hỏi về mọi vấn đề thực sự đã xảy ra như thế nào ở Lào. Chỉ cần nhấn vào một nút, ông đã gửi toàn bộ số câu hỏi đến hơn 800 nguồn khác nhau, lập tức thư điện tử đến khắp mọi nơi và Tailwind được coi là có độ bí mật cao, sau đó các cựu chiến binh Việt Nam đã phải đợi quyết định từ phía Lầu Năm Góc về việc quyết định liệu họ có nên lộ thông tin bác bỏ phía CNN hay không. Bằng cách sử dụng hệ thống mạng thư điện tử, gần như không mất chi phí gì, họ có thể xây dựng toàn bộ hệ thống thông tin mà họ có được từ các cựu chiến binh mà đang có mặt trên màn hình, sau đó mới đưa thông tin.

Cuối cùng, các cựu chiến binh với hòm thư điện tử riêng mà chủ yếu sống nhờ vào tiền trợ cấp, đã buộc giám đốc CNN, Rick Kaplan, phải xin lỗi để cứu giúp công việc của mình và cố gắng khôi phục danh tiếng của mạng thông tin. Cuối cùng tỉ số của trận chiến giữa các cựu chiến binh Việt Nam và hãng thông tin nổi tiếng thế giới CNN là 1-0.

Các câu chuyện trên đã gợi cho chúng ta thấy một ý tưởng chung về toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá có thể tạo ra sự phân biệt rõ rệt giữa các tầng lớp trong xã hội. Song, nó cũng có thể đem đến cho những người tầng lớp thấp hơn nhiều của cải và tài nguyên hơn bao giờ hết.

Tất các câu chuyện cũng giúp cho chúng ta hiểu được tại sao cho đến nay vẫn tồn tại một phe phái chống phá toàn cầu hoá và tôi muốn nhấn mạnh ở đây là từ “cho đến nay”, nhưng không có đủ luận chứng để phá huỷ hệ thống mới này. Đông Nam Á là một trường hợp điển hình. Đôi khi tin tức được quảng bá khắp nơi trên đường phố, trên các biến quảng cáo…Nhưng cũng có nơi còn thiếu thông tin. Một sự kiện quan trọng ở Châu Á vào năm 1998 cho thấy các tầng lớp thấp ở các nước như Thái Lan, Triều Tiên, Malaysia, và thậm chí ở Indonesia chấp nhận một hình phạt và bây giờ cố gắng sửa đổi do thông tin không được cập nhật.

Khó có thể biết được toàn cầu hoá sẽ kéo dài trong bao nhiêu lâu, song người ta vẫn cố gắng tiên đoán điều gì sẽ xảy ra với quá trình toàn cầu hoá. Sau một số sự kiện kinh tế xảy ra, hay cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ, một nhà học giả cho biết quá trình toàn cầu đã “kết thúc”, hệ thống này đang nổ tung và không lâu sẽ trở thành một đống tàn tro. Đối với những người không hiểu biết về nó, thì họ sẽ cho rằng toàn cầu hoá đang bị chôn vùi. Họ là những người chưa bao giờ biết đến Lilian hay Tecra, Chandra hay Chanokphat, con gái của Henderson hay những người thợ mỏ ở Nga, huống chi là một phụ nữ có tuổi với cái cân sức khoẻ sinh sống tại thủ đô Hà Nội. Nếu như những người này từ bỏ nỗ lực hoà nhập vào hệ thống toàn cầu hoá, và tuyên bố rằng quay trở lại hệ thống đóng cửa, cổ điển và từ bỏ cố gắng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì tôi sẽ thừa nhận rằng toàn cầu hoá đã “kết thúc”.

Mãi đến sau này, tôi mới biết một bí mật từ các câu chuyện. Theo quan điểm của một số các nhà lý luận cách mạng, những người bần cùng mong muốn có một Thế giới Disney, chứ không còn muốn cuộc sống bần cùng nữa. Họ mong muốn Vương quốc Magie, chứ không phải Những người khốn khổ. Nếu bạn thực hiện một hệ thống chính trị và kinh tế đồng nghĩa với chăm chỉ hi sinh họ sẽ thâm nhập vào Thế giới Disney và tham gia vào Magie Kingdom.

PHẦN IV: NƯỚC MỸ VÀ HỆ THỐNG TOÀN CẦU HOÁ

Sự phồn thịnh hợp lý

Khi giám đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Alan Greenspan đưa ra lời bình luận nổi tiếng vào đầu năm 1997 cảnh báo các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ về “sự phồn thịnh bất hợp lý”, theo cái cách mà họ đang đẩy giá cổ phiếu vượt quá ngưỡng của bất kỳ sự tính toán tỷ giá giữa thị giá và doanh lợi hợp lý nào, tôi đã viết một bài báo dưới dạng 1 bức thư cho Greenspan, như thể ông ta phụ trách mục tư vấn trên báo vậy. Bài báo bắt đầu như sau: “Tiến sĩ Greenspan thân mến, tôi đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Tôi cảm thấy thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đang phồn thịnh một cách hợp lý và tôi không thể rũ bỏ ý nghĩ đó. Tôi biết ngài nói rằng “sự phồn thịnh bất hợp lý” không tốt cho sức khoẻ của tôi, và tôi đã thử đủ mọi phương pháp: thôi miên, Valium, bán khống chứng khoán, thậm chí đọc lại những bài diễn văn của ngài từ năm 1987. Nhưng chẳng cái nào có hiệu quả. Cứ sau mỗi lần sang châu Âu hoặc đến Nhật Bản, tôi về nước khao khát muốn đầu tư thêm nữa vào thị trường chứng khoán Mỹ. Hãy làm ơn giúp tôi. Người bạn trung thành của ngài. Full E.Invested.”

Tôi tiếp tục bằng cách nói rằng tôi không biết liệu thị trường chứng khoán Hoa Kỳ nên ở mức nào là vừa phải, và tin rằng nếu nước Mỹ không tiếp tục hoạt động dựa trên nền tảng tăng năng suất và kìm lãi suất và mức lạm phát xuống, thị trường chứng khoán sẽ xuống dốc như khi nó đã từng đi lên. Nhưng cái mà tôi muốn nói là nếu trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ có thêm đôi chút động lực, thì không phải chỉ do vô vàn “sự phồn thịnh bất hợp lý” trong nền kinh tế Hoa Kỳ, mà còn do sự phồn thịnh hợp lý gây nên.

Do ở nước ngoài nhiều năm và cách xa phố Wall, nhìn nước Mỹ từ bên ngoài, cái mà tôi luôn nhìn thấy là sự phồn thịnh hợp lý của nước Mỹ đối với phần còn lại của thế giới. Sự phồn thịnh hợp lý này dựa trên logic sau: nếu bạn coi toàn cầu hoá như là một hệ thống kế toán quốc tế chủ đạo ngày nay, và bạn xem xét các thuộc tính mà các công ty và các quốc gia cần để trở nên phồn vinh trong hệ thống này, bạn đi đến kết luận là nước Mỹ có nhiều tài khoản có, và ít tài khoản nợ trong mục tài khoản hơn bất kỳ cường quốc nào khác. Đây là cái mà tôi gọi là sự phồn thịnh hợp lý. Trực giác đã mách bảo các nhà đầu tư toàn cầu rằng trong khi vẫn còn nhiều nước châu Âu và Châu Á đang cố thích nghi với toàn cầu hoá, và một số mới chỉ đang ở vạch xuất phát, thì chú Sam đã chạy hết vòng đua đầu tiên và đang bước vào giai đoạn nước rút.

Một phương cách hữu hiệu để phân tích sự phồn thịnh hợp lý này là đặt ra câu hỏi sau: nếu 100 năm trước đây, bạn đến gặp một kiến trúc sư địa lý nhìn xa trông rộng và nói rằng thế giới năm 2000 sẽ được định nghĩa bởi một hệ thống kế toán có tên gọi “toàn cầu hoá”, vậy ông ta cho rằng quốc gia nào sẽ cạnh tranh và chiến thắng trong thế giới đó? Câu trả lời là mô hình ông ta vạch ra giống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ một cách lạ lùng. Tôi sẽ cho các bạn thấy điều đó:

Thứ nhất, quốc gia đó sẽ phải có vị trí địa lý lý tưởng. Vậy là vị kiến trúc sư sẽ phải phác hoạ một cường quốc nằm giữa hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, đồng thời nối Canada với châu Mỹ Latinh bằng một dải đất rộng lớn, và do đó có thể dễ dàng tương tác với cả ba thị trường chủ yếu của thế giới: Á, Âu, Mỹ. Điều đó sẽ rất hữu dụng.

Ông ta sẽ phải phác họa một quốc gia đa dạng, đa sắc tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ, có mối liên hệ tự nhiên với tất cả các châu lục, nhưng cùng chung một thứ ngôn ngữ duy nhất – tiếng Anh – cũng là thứ tiếng phổ biến trên Internet. Quốc gia này cũng cần có ít nhất 5 khu vực kinh tế khác nhau với một đồng tiền chung, đồng đôla, cũng là đồng tiền dự trữ đối với phần còn lại của thế giới. Một quốc gia với nhiều khu vực kinh tế là một lợi thế to lớn bởi vì khi vùng này suy thoái thì vùng khác lại tăng trưởng, và điều đó sẽ làm bằng phẳng những đỉnh điểm cũng như đáy của chu kỳ kinh doanh. Tất cả những điều đó đều có ích.

Ông ta sẽ phải phác họa một quốc gia với những thị trường tài chính cực kỳ phân tán, sáng tạo và hiệu quả, nơi đầu cơ tài chính được coi là một nghệ thuật can đảm và cao qúy, để cho bất kỳ ai sáng chế ra một thứ gì đó hợp lý (hay thậm chí lố bịch) trong tầng hầm hay gara đều có thể tìm được một nhà tư bản đầu cơ ở đâu đó để tài trợ cho phát minh của mình. Thế cũng tốt. Bởi vì về mặt tốc độ, việc ném tiền vào những ý tưởng mới trên thị trường vốn Hoa Kỳ nhanh hơn bất kỳ nơi đâu. Nếu bạn so sánh danh sách 25 công ty lớn nhất châu Âu trong 25 năm trước đây và 25 công ty lớn nhất châu Âu ngày nay, cơ bản không có sự thay đổi. Trong khi đó, 25 công ty lớn nhất của Mỹ lại gồm toàn những gương mặt mới. Đúng vậy, thị trường tài chính nước Mỹ, với những đòi hỏi không ngừng về lợi nhuận ngắn hạn và thu nhập từng qúy, thường không để cho các các công ty “lãng phí” tiền của vào những mục tiêu tăng trưởng dài hạn. Điều đó là đúng. Nhưng chính những thị trường đó sẽ mua những ý tưởng chưa chín với giá 50.000 đôla với hy vọng biến nó thành một Apple thứ hai chỉ sau một đêm. Ngành đầu cơ tài chính bang Massachusetts lớn hơn tất cả châu Âu gộp lại. Những nhà đầu cơ tài chính là những nhân vật cực kỳ quan trọng trong thời đại này, và không phải chỉ vì chuyện tiền bạc. Những người giỏi nhất là nguồn tri thức chuyên môn của các công ty mạng. Có rất nhiều những công ty như vậy và họ thấu hiểu những giai đoạn mà các công ty phải trải qua trong quá trình phát triển, và họ có thể giúp các công ty vượt qua những lúc khó khăn, thường việc đó cũng quan trọng như tiền vậy.

Vị kiến trúc sư địa lý này chắc chắn sẽ phác họa một quốc gia có môi trường pháp lý trung thực nhất thế giới. Với quốc gia này, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có thể trông cậy vào một sân chơi ngang tài ngang sức, với mức độ tham nhũng tương đối ít, những người nước ngoài muốn đầu tư và đem lợi nhuận đi đều được pháp luật che chở, luật pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường hoạt động và các giao kèo được thực hiện đầy đủ, cũng như bảo vệ và khuyến khích phát minh sáng chế thông qua luật bản quyền. Thị trường vốn nước Mỹ ngày nay không những hiệu quả hơn, mà còn minh bạch hơn thị trường vốn của bất kỳ quốc gia nào khác. Đơn giản là thị trường chứng khoán Mỹ không chấp nhận sự che đậy, cho nên tất cả những công ty được niêm yết trên thị trường đều phải đệ trình báo cáo doanh lợi đúng kỳ hạn, kèm theo quyết toán tài chính được kiểm toán thường niên, khiến cho việc quản lý tồi hay biển thủ công qũy rất dễ dàng bị phát hiện và từ đó có hình thức trừng phạt hợp lý.

Ông ta sẽ phác họa một quốc gia có hệ thống luật phá sản thực sự khuyến khích những người thất bại trong kinh doanh tuyên bố phá sản và làm lại từ đầu, có lẽ để rồi lại thất bại, lại tuyên bố phá sản, rồi lại làm lại từ đầu, cho đến khi thành công và dựng lên một Amazon.com thứ hai – mà không hề mang theo mình trọn đời vết nhơ của lần phá sản đầu tiên. Theo John Doerr, một nhà đầu cơ tài chính nổi tiếng, ở thung lũng Silicon, “thất bại là bình thường và thậm chí thất bại còn là cần thiết nếu như bạn đã từng thất bại với tiền đầu tư của ai đó.” Tại thung lũng Silicon, phá sản được coi là cần thiết và là chi phí không thể thiếu cho đổi mới, và thái độ này khuyến khích người ta mạo hiểm. Không thất bại có nghĩa là bạn chưa bắt đầu. Harry Saal, người sáng lập ra một trong những chương trình chẩn đoán phần mềm thành công nhất thung lũng Silicon, sau khi đã vài lần phá sản khi đầu tư vào các công ty mạng, từng tâm sự với tôi bên cốc cà phê ở Palo Aho: “Quan niệm ở đây là anh sẽ trở nên khôn ngoan hơn sau mỗi lần thất bại. Đó là lý do tại sao nếu người ta thất bại nhứng vẫn cố gắng làm lại thì lần sau họ thường kêu gọi vốn dễ dàng hơn. Mọi người nói: “Anh ta phá sản trong vụ đầu tiên à? Tôi cuộc rằng anh ta đã học được nhiều từ đó, cho nên tôi sẽ tiếp tục tài trợ cho anh ta.”

Ở Châu Âu, phá sản có nghĩa là ô nhục trọn đời. Dù có làm bất cứ việc gì miễn sao đừng có tuyên bố phá sản ở Đức: bạn, và con cháu bạn sẽ vĩnh viễn mang theo dấu ấn tội lỗi đối với cộng đồng người Đức. Nếu bắt buộc phải tuyên bố phá sản, tốt hơn cả là bạn nên ra đi (và sẽ được người ta dang tay chào đón ở Palo Alto).

Về vấn đề này, nhà địa-kiến trúc sư sẽ phác họa một quốc gia luôn sẵn sàng đón nhận người nhập cư, khiến cho bất kỳ ai cũng có thể cập bến nơi đây và tất cả được đối xử bình đẳng về mặt hiến pháp, điều đó cho phép quốc gia này không ngừng thu hút những bộ óc siêu việt nhất thế giới và tập hợp họ lại làm việc trong những công ty, bệnh viện và trường đại học của mình. Gần 1/3 số khoa học gia và kỹ sư ở thung lũng Silicon hiện nay được sinh ra ở ngoài nước Mỹ, những người này đến lượt mình lại đưa những giá trị và sản phẩm của thung lũng Silicon ra khắp thế giới. Theo Anna Lee Saxenian, một chuyên gia vấn đề đô thị của trường Đại học tổng hợp California ở Berkeley, nghiên cứu của Học viện Chính sách công California đã chỉ ra rằng năm 1996, 1786 công ty tin học ở thung lũng Silicon, với tổng doanh thu là 12,6 tỷ đô la và có 46000 lao động biên chế, có các giám đốc điều hành người nhập cư gốc Án hay Hoa. Donald Rice, cựu chủ tịch tập đoàn Teledyne, thành lập công ty công nghệ sinh học UroGenesys năm 1997 chuyên nghiên cứu việc chữa trị tuyến tiền liệt. Công ty này đặt trụ sở ở Santa Monica, California. Một hôm, ông ta cho tôi biết cơ cấu nhân sự của công ty: “chúng tôi có 19 nhân viên. 2 nhà khoa học và 1 nhà quản lý người Việt, 2 nhà khoa học người Canada, 1 nhà khoa học người Đức, 1 nhà khoa học người Pêru, 1 nhà khoa học người Malaysia, 1 nhà khoa học gốc Hoa, 1 nhà khoa học người Iran, 1 nhà khoa học gốc ấn. Số còn lại là người Mỹ bản địa. Tôi không biết liệu có quốc gia nào trên thế giới có thể lập nên một đội ngũ như thế hay không.” Quả vậy. Trong số các bạn ở đây có ai đã từng cố xin quốc tịch Nhật Bản chưa? Hay Thụy Sĩ? Để làm một người Nhật bạn phải sinh ra là một người Nhật. Để làm một người Thụy Sĩ bạn phải sinh ra là một người Thụy Sĩ. Để làm một người Mỹ bạn chỉ cần muốn làm một người Mỹ. Điều đó không có nghĩa là bất kỳ ai nếu muốn đều có thể trở thành người Mỹ, nhưng một khi chuyện quốc tịch chỉ là một vấn đề thuần túy pháp lý thay vì sắc tộc, chủng tộc hay dân tộc, một quốc gia sẽ thu hút tài năng mới dễ dàng hơn nhiều. Như một người bạn của tôi ở thung lũng Silicon thường hay nói: “Tôi không sợ Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia Châu Á nào khác. Châu Á của tôi sé đánh bại Châu Á của họ.”

Càng thu hút được nhiều nhân tài thì bạn càng chóng thành công. Nói về nước Mỹ, tôi bảo: đem họ tới đây, không chỉ những doanh nhân nhiều tiền, có học. Tôi không bao giờ từ chối bất kỳ một thuyền nhân Haiti nào. Bất kỳ ai có đủ trí tuệ và năng lực làm một cái bè từ những thùng các tông đựng sữa và chèo qua Đại Tây Dương tới bờ biển nước Mỹ đều được hoan nghênh. Như T.J.Rodgers, tổng giám đốc điều hành công ty bán dẫn Cypress, nhận xét trong lúc đang phàn nàn về hạn ngạch thị thực lao động tạm thời mà Quốc hội phân bố cho các kỹ sư nước ngoài: “trong kỷ nguyên tin học, thắng hay thua khác nhau ở năng lực trí tuệ. Nhưng các ông nghị không nhận thấy điều đó. Các vị muốn trả lại trí thức cho nước ngoài và thế là chúng tôi phải cạnh tranh với họ ngay trên đất nước họ. Trong số 10 phó chủ tịch của chúng tôi thì có 4 là người nhập cư. Khoảng 35% kỹ sư là người nhập cư. Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu -người đã thiết kế những con chíp tiên tiến nhất- là người Cuba.” Bạn muốn công việc của nước bạn chỉ phụ thuộc vào những kỹ sư mà nước bạn tạo nên, hay là bạn muốn có trong tay 10% tinh hoa của giới kỹ sư trên thế giới? Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất hiện nay làm được điều đó. Nhật, Đức, Thụy Sĩ không có truyền thống nhập cư thực sự, và đây là một bất lợi khổng lồ của họ.

Nhà địa lý- kiến trúc của chúng ta hiển nhiên sẽ vạch ra một quốc gia với hệ thống chính trị liên bang linh hoạt và dân chủ, với quyết định chính sách được phân quyền ở mức cao độ, khiến cho những khu vực và lãnh thổ khác nhau có thể tự điều chỉnh theo trào lưu thế giới mà không cần đợi trung ương bật đèn xanh. Trong thực tế, một hệ thống liên bang –với 50 bang luôn có động cơ để cạnh tranh và có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nan giải như giáo dục, phúc lợi và y tế- là một tài sản lớn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi mà những vấn đề như vậy là rất phức tạp và bạn khó có thể tìm ra giải pháp đúng đắn mà không phải trải qua vài ba lần thử nghiệm.

Nhà địa-kiến trúc của chúng ta chắc chắn sẽ vạch ra một mô hình quốc gia có thị trường lao động linh hoạt nhất thế giới –nơi mà công nhân dễ dàng di chuyển tự do từ vùng kinh tế này sang vùng kinh tế khác, và người chủ có thể dễ dàng thuê và sa thải công nhân. Càng dễ đuổi việc thợ thì chủ càng có nhiều động cơ để thuê họ. So sánh hàng triệu người mất việc và hàng triệu người tìm được việc làm mới những năm 1990 ở Mỹ với tốc độ thay thế công nhân gần như bằng 0 ở Tây Âu. Ở Mỹ, hôm trước bạn mất việc ở Maine, nếu bạn muốn, hôm sau bạn sẽ nhận việc mới ở San Diego. Hôm trước bạn mất việc ở Tokyo thì tôi khuyên bạn hôm sau đừng mất công tìm việc làm ở Seoul làm gì. Hôm trước bạn mất việc ở Munich, và cho dù với một thị trường chung và một đồng tiền chung, không dễ gì bạn có ngay việc làm ở Milan vào hôm sau.

Nhà địa-kiến trúc của chúng ta sẽ vạch ra một đất nước chấp nhận sự lập dị, một anh chàng tóc đuôi ngựa hay một cô nàng đeo vòng trên mũi rất có thể là một thiên tài toán học hay một thần đồng vi tính. Mỹ là nơi mà khi một người đứng dậy và nói: “điều đó là không thể”, một người khác sẽ bước ra cửa và tuyên bố: “Chúng tôi đã làm được điều đó.” Avram Miller, Phó chủ tịch hãng Intel nói: “Người Nhật không hiểu được điều này, vì họ tập trung vào sự thuần nhất. Khi sản xuất hàng tỷ cái gì đó rập khuôn, họ là những chuyên gia số một, và chúng ta lầm tưởng rằng đấy là thiên tài. Nhưng ngày nay thế giới không còn cần những thứ giống hệt nhau, và trong một thế giới mà người ta cần những thứ khác biệt –công nghệ sẽ đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của từng cá nhân một cách hoàn hảo- thì Mỹ có lợi thế thực sự.

Vị địa lý kiến trúc sư nói trên sẽ vạch ra một đất nước nơi khu vực doanh nghiệp, khác với châu Âu và Nhật Bản, hầu hết đã trải qua việc tinh giản, tư nhân hóa, hòa mạng Internet, bung ra tự do, tái cơ cấu, hợp lý hóa, tái tổ chức… ngay từ giữa những năm 90 nhằm hoàn toàn thích nghi với, và triệt để khai thác, sự dân chủ hóa về tài chính, công nghệ, thông tin, và khắc phục sự lạc hậu về công nghệ thông tin do đặt trong môi trường ít cạnh tranh. Như đã từng chiến thắng trong cuộc đua vào vũ trụ trước kia, nước Mỹ ngày nay đang chiến thắng trong cuộc đua vào không gian mạng. Các công ty Mỹ chi tiêu cho công nghệ thông tin trên đầu người lớn hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Ông ta sẽ vạch ra một đất nước có nền văn hóa kinh doanh ăn sâu vào trong máu và một hệ thống thuế cho phép những nhà đầu tư hay nhà phát minh thành đạt giữ lại trong tay phần lớn lợi nhuận, do vậy làm giàu luôn là động lực lớn. Ở đất nước lý tưởng của chúng ta, Horatio Alger không phải là một nhân vật thần thoại mà đôi khi chính là người hàng xóm của bạn, tình cờ được thuê vào làm kỹ sư cho Intel hay AOL khi nó mới đi vào hoạt động và được hưởng phần chia bằng cổ phiếu có tổng trị giá 10 triệu đô la vào thời điểm hiện nay.

Ông ta sẽ vạch ra một đất nước vẫn còn có những thị trấn nhỏ, khoảng không gian rộng lớn, hấp dẫn về mặt môi trường, và do đó hấp dẫn các nhân tài. Bởi vì ngày nay, nhờ có Internet, máy fax, và chuyển phát nhanh, các kỹ thuật viên công nghệ cao có thể trốn khỏi đô thành ồn ào và thực sự sống ở bất cứ đâu họ muốn. Do vậy việc có những thung lũng xanh mướt gần biển hay bên núi thực sự là một tài sản. Đó là lý do tại sao các bang Idaho, Washington, Oregon, Minesota và Bắc Carolina đều có ngành công nghệ cao phát triển nhanh chóng.

Ông ta sẽ vạch ra một đất nước đánh giá cao giá trị của tự do thông tin, nơi sẵn sàng cho phép của những kẻ làm phim con heo bẩn thỉu nhất cũng như những tên phân biệt chủng tộc cực đoan nhất làm bất cứ gì họ muốn. Đó là một lợi thế. Bởi lẽ trong một thế giới mà thông tin, tri thức, hàng hóa và dịch vụ được truyền đi với tốc độ chóng mặt trên mạng, những quốc gia chấp nhận sự công khai, thậm chí với cả những tạp âm đôi khi lẫn vào, những quốc gia chấp nhận cạnh tranh dựa trên khả năng sáng tạo thay vì ẩn nấp đằng sau bức tường bảo vệ, sẽ có lợi thế thực sự. Nước Mỹ, với Luật tự do thông tin, hiếm khi cho phép chính phủ giữ bi mật được lâu, đã nuôi dưỡng nền văn hóa của sự công khai từ nền móng.

Và, quan trọng nhất, nhà địa-kiến trúc sư của chúng ta sẽ vạch ra một quốc gia nơi các công ty đa quốc gia cũng như những doanh nhân bé nhỏ đang không ngừng mơ ước lớn và suy nghĩ hướng về toàn cầu, và thực sự vượt trội trong những ngành cần nhiều tri thức, hoạt động trên mạng, nhanh chóng và gọn nhẹ. Nước Mỹ hiện nay vượt trội trong thiết kế phần mềm, máy tính, thiết kế mạng, marketing mạng, ngân hàng thương mại, thư điện tử, bảo hiểm, chất dẫn xuất, công nghệ biến đổi gen, trí tuệ nhân tạo, ngân hàng đầu tư, dịch vụ y tế công nghệ cao, đào tạo sau đại học, chuyển phát nhanh, tư vấn, thức ăn nhanh, quảng cáo, công nghệ sinh học, truyền thông đại chúng, giải trí, khách sạn, quản lý chất thải, dịch vụ tài chính, môi trường, và viễn thông. Đây là thế giới hậu công nghiệp, và nước Mỹ ngày nay vượt trội trong tất cả các ngành hậu công nghiệp.

Trong một thế giới “người chiến thắng luôn được cả”, nước Mỹ, ít nhất cho tới hiện giờ, có một hệ thống cho phép người thắng cuộc ăn trọn. Điều này đã đưa nước Mỹ trở thành siêu cường duy nhất. Nước Mỹ vượt trội về những nguồn lực truyền thống. Mỹ có một đội quân thường trực lớn, được trang bị tàu sân bay, máy bay tiêm kích tối tân, máy bay chuyển quân, và vũ khí hạt nhân nhiều hơn bao giờ hết, cho nên Mỹ có thể biểu dương sức mạnh lớn hơn và tinh nhuệ hơnbất cứ quốc gia nào trên thế giới. Thực tế Mỹ có cả máy bay ném bom tàng hình tầm xa B2 và chiến đấu cơ tàng hình tầm gần F22 đang được triển khai, điều đó có nghĩa là Không lực Hoa Kỳ có thể xâm nhập hệ thống phòng không của bất cứ quốc gia nào mà không bị phát hiện. Mặt khác, như đã trình bày bên trên, nước Mỹ vượt trội trong tất cả những thước đo sức mạnh mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Nhưng hãy nhớ rằng chỉ 1 thập kỷ trước đây Châu Á và Châu Âu dường như đang thống trị, và chủ nghĩa bi quan cho rằng nước Mỹ đang trên đà xuống dốc. Giờ đây, như John Neuffer, nhà phân tích người Mỹ của Học viện Nghiên cứu Hàng hải Mitsui ở Tokyo, phát biểu trong Thời báo NewYork, mọi thứ đột ngột xoay chiều: “Người Nhật không thấy có ánh sáng cuối đường hầm, và người Mỹ không thấy vách đá nơi họ có thể ngã.”

Như vậy không có nghĩa là không có vách đá nào cả. Có chứ. Cho dù nước Mỹ đang nắm trong tay những lợi thế so sánh có hệ thống trong thời điểm hiện tại của lịch sử, nó vẫn phải bắt đầu cạnh tranh từ những cái cơ bản. Nước Mỹ phải đảm bảo rằng năng suất -khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ với chi phí ngày càng hạ, khiến cho lương có thể tăng mà không kèm lạm phát- ngày càng được cải thiện. Hiện tại, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, tài khoản nợ của Nhật Bản có vẻ lớn hơn tài khoản có, nhưng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng, Nhật Bản vẫn là một nhà sản xuất vô cùng hiệu quả, với tỷ lệ tiết kiệm cao luôn hữu ích và một lực lượng lao động cần cù. Nhật vẫn là đầu tàu phát minh trong các lĩnh vực như kỹ thuật cao, quản lý hàng tồn kho, và điện tử. Có rất nhiều doanh nhân giỏi người Nhật bị hệ thống của chính họ ngăn trở. Do vậy sự tụt dốc kinh tế vĩ mô của Nhật những năm 90 không phải là một sự đổ vỡ hoàn toàn, đơn giản là họ cần điều chỉnh lại. Chừng nào mà người Nhật và Tây Âu còn bám lầy hệ thống phúc lợi khô cứng được Nhà nước bảo hộ của mình, khiến cho chủ nghĩa tư bản trở nên ít tiêu cực đồng thời ít sáng tạo và ít phong phú, họ sẽ không thể là mối thách thức đối với nước Mỹ. Nhưng Mỹ càng tiến sâu vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, thì tôi càng hy vọng các nước kia sẽ theo gương và học tập Mỹ. Sự điều chỉnh không thể tránh khỏi này sẽ rất đau đớn, nhưng là điều cần thiết để duy trì mức sống như hiện tại.

Không phải những quốc gia đó không tạo nên tư tưởng kinh doanh nào phù hợp với thời đại mới. Những bộ óc Pháp hoạt động y như bộ óc Mỹ vậy. Câu hỏi duy nhất là, hoàn cảnh xã hội và kinh tế nào có thể nuôi dưỡng và phát huy những bộ óc đó. Nguyên nhân rất nhiều kỹ sư phần mềm giỏi nhất nước Pháp đổ xô về thung lũng Silicon đơn giản là do họ cảm thấy không thể phát huy hết tài năng trong hệ thống của Pháp. Ngày 21/3/1998, tờ Bưu điện Washington đăng bài từ Paris về sự chảy máu chất xám từ Pháp tới thung lũng Silicon do sự linh hoạt của hệ thống Mỹ: Reza Malekzadeh, một cử nhân 24 tuổi tốt nghiệp tại một trong những trường đại học kinh doanh danh giá nhất nước Pháp, chuyển đến sống ở Mỹ, trong 3 năm đổi việc làm 3 lần, trở thành giám đốc chi nhánh nước Mỹ của tập đoàn công ty mạng Softway International, Inc. ở San Francisco. “Những gì làm ở đây, tôi không thể thực hiện tại Pháp”, anh nói. “ở Pháp, cả khi anh đã ngoài 50, họ nói về anh như thể về một sản phẩm của cái trường đã đào tạo ra anh. ở đây người ta chỉ quan tâm đến việc anh làm được gì, chứ không phải anh bao nhiêu tuổi hay 15 năm trước anh học ở đâu.” Anh là một trong số 40000 công dân Pháp sống ở Bắc California. Nếu tình hình ở Pháp thay đổi, chắc chắn rất nhiều người sẽ quay về cũng như số người đổ xô đến thung lũng Silicon sẽ ít hơn.

Nước Mỹ cần tận dụng thời khắc này, khi nó có nhiều tài khoản có hơn, để đối phó với những tài khoản nợ vẫn còn hiện hữu: tội ác ở các thành phố lớn, không có sự kiểm soát súng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, các trường công lập thiếu tiền tài trợ, một nền văn hóa thích kiện tụng làm suy yếu bất cứ ai từ các doanh nhân nhỏ cho đến những tập đoàn lớn, hệ thống an sinh xã hội quặt quẹo, nền văn hóa thẻ tín dụng kích thích người ta mua sắm quá mức cần thiết và dựng lên một quả núi nợ tiêu dùng mà trong thời kỳ suy thoái có thể đe dọa toàn bộ cơ cấu tài chính, và hệ thống chính trị ngày càng đồi bại và thối nát do luật tài trợ tranh cử không nghiêm. Tập trung vào những vấn đề này cũng sẽ có ích trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Dù sao tôi vẫn hy vọng rằng nước Mỹ sẽ sử dụng tài khoản có của mình một cách thông minh, và tôi không cho rằng tôi đơn độc trong sự phồn thịnh hợp lý này. Nhưng nếu chúng ta trở nên tự mãn, suy thoái sẽ theo sau tăng trưởng chắc chắn như hoàng hôn theo sau bình minh vậy. Đó là lý do tại sao tôi luôn chú ý đến câu nói của Thứ trưởng bộ Tài chính Larry Summers, về nước Mỹ những năm 90: “Thứ duy nhất đáng sợ đối với chúng ta là việc chúng ta không biết sợ.”


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 2.25 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương