CÁc từ, CỤm từ viết tắT 4



tải về 1.18 Mb.
trang7/18
Chuyển đổi dữ liệu18.07.2016
Kích1.18 Mb.
#1939
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   18

2.3 Các yếu tố nhân sinh:


Vùng ven biển Quảng Bình là nơi tập trung trên 60% dân cư nông thôn của cả tỉnh, điều này đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng nước cũng rất lớn. Các công trình khai thác nước thường là giếng đào và giếng khoan UNICEF. Một số cụm dân cư mấy năm gần đây đã được đầu tư sử dụng các trạm cấp nước tập trung quy mô vừa và nhỏ với nguồn khai thác chủ yếu là nước trong cát.

2.3.1 Khai thác nước


+ Cấp nước sinh hoạt:

Khối lượng nước bị khai thác vào mùa hè thường lớn do nhu cầu sử dụng nhiều, trong khi nguồn bổ cập bị hạn chế, khiến mực nước ngầm bị hạ thấp đáng kể, thêm vào đó là chế độ khai thác nước không được giám sát và điều chế thích hợp đã tác động đến trữ lượng NDĐ của khu vực. Đối với việc khai thác nước của các giếng khoan phục vụ dân sinh chỉ theo nhu cầu, thiếu quản lý và hiểu biết, độ sâu các giếng khoan biến đổi từ 5 đến 22 m, không phụ thuộc bề dày tầng chứa nước và khoảng cách đến biên mặn, là nguyên nhân làm tăng sự khuếch tán của nước mặn từ biển vào NDĐ, dẫn đến giảm trữ lượng nước nhạt hoặc tăng độ khoáng hoá của NDĐ.



+ Cấp nước cho các hoạt động du lịch - dịch vụ:

Quảng Bình có tới 9 bãi tắm và nhiều điểm nghỉ mát nổi tiếng như Nhật Lệ, Hòn La, Đá Nhảy, Lệ Thủy,...hàng năm đón tiếp nhiều lượt khách du lịch. Lượng nước cung cấp cho các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phần lớn được khai thác tại chỗ từ nguồn NDĐ.



+ Phát triển công nghiệp:

Vùng cát ven biển là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án nuôi tôm trên cát. Ngành kinh tế này cần một lượng nước rất lớn, cả nước biển lẫn nước nhạt. Nguy cơ gây sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn NDĐ, ảnh hưởng trực tiếp đến trữ lượng và chất lượng các nguồn nước.

Ngoài ra, các hoạt động kinh tế - xã hội khác cũng đang ngày càng phát triển. Điển hình là các dự án phát triển khu chế biến thủy hải sản, sản xuất xi măng, cảng biển,... sẽ tiêu tốn một lượng khá lớn NDĐ góp phần tăng gradient thủy lực, tăng tốc độ vận động dòng ngầm đồng nghĩa với việc suy giảm trữ lượng động tự nhiên.

2.3.2 Phát triển nông - lâm nghiệp:


Là khu vực phát triển ngành nông lâm nghiệp chiếm ưu thế, chủng loại sản phẩm hàng năm là lúa, màu, cây lâu năm, chăn nuôi và trồng rừng,... Các công trình thủy lợi phục vụ tưới nông - lâm nghiệp được bố trí phía thượng nguồn. Chính các công trình này gây ảnh hưởng đến nguồn bổ cập cho tầng chứa nước đồng thời tạo điều kiện xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền làm thu hẹp thể tích chứa của các tầng chứa nước trong khu vực.

2.3.3 Công nghiệp khai khoáng:


Vùng cát ven biển có tiềm năng khoáng sản đa dạng, điển hình có trữ lượng thuộc nhóm khoáng sản kim loại và quý hiếm như titan (phân bố ở Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy), nhóm phi kim như cát thạch anh (phân bố ở Quảng Trạch) và một số khoáng sản khác đang được khai thác.

Hình thức khai thác và sử dụng nước cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng NDĐ. Khi mực áp lực bị hạ thấp, động lực dòng ngầm lớn sẽ phá vỡ kết cấu tự nhiên của đất cát dẫn đến gia tăng điều kiện xâm nhập các chất bẩn, đẩy nhanh quá trình rửa lũa, hòa tan các chất hữu cơ trên bề mặt vào nguồn NDĐ, đặc biệt là khi có mưa lớn kéo dài.



Kết luận chương 2

Các yếu tố tự nhiên cơ bản ảnh hưởng đến NDĐ gồm có điều kiện địa chất, đặc điểm địa hình, khí hậu, lớp phủ thực vật,...Mức độ ảnh hưởng lớn nhất cho thấy từ lượng mưa - nguồn bổ cập chính cho NDĐ, làm tăng trữ lượng và giảm độ khoáng hoá của nước. Lượng bốc hơi lại có vai trò ngược lại, làm giảm trữ lượng NDĐ và tăng độ khoáng hoá của nước (nhất là tăng độ khuếch tán của nước mặn từ biển). Yếu tố địa hình có tác động làm thay đổi động thái NDĐ, dẫn đến thay đổi trữ lượng, chất lượng của NDĐ.

Trong những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, hạn hán kéo dài trong mùa khô làm cho dòng chảy trên các sông xuống thấp, vấn đề nuôi trồng thủy sản, tác động của thiên tai bão lũ, vỡ đê, vỡ đập và một số hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, nhất là ở các vùng ven biển... là những điều kiện thuận lợi cho nước biển xâm nhập sâu và trong sông, đầm, hồ, gây ra sự nhiễm mặn, nhiễm bẩn nguồn nước sông và một số tầng nước nhạt ven biển.

Nguồn nước trên các lưu vực có sự phân phối bất hợp lý giữa 2 mùa lũ và cạn, thêm vào đó tình trạng nhiễm mặn và nhiễm bẩn nguồn nước như đã nêu trên, đã và đang là mối nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư vùng ven biển Quảng Bình, đặc biệt là việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và vệ sinh môi trường.

Đất cát thường có độ cố kết yếu và dễ thẩm thấu nên việc lạm dụng quá mức NDĐ sẽ dẫn đến hiện trạng sụt lún địa tầng khu vực, NDĐ bị cạn kiệt gây mất cân bằng áp lực tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập từ biển vào, gây mặn hóa môi trường đất và nước. Việc thiếu nước sẽ làm cho độ ẩm của đất giảm ảnh hưởng tới việc phát triển cây trồng và một số hoạt động khác.

CHƯƠNG 3

ĐẶC ĐIỂM NƯỚC DƯỚI ĐẤT VÙNG NGHIÊN CỨU





3.1 Lịch sử phát triển địa chất trong mối tương quan hình thành các tầng chứa nước trong kỷ Đệ tứ


Mặc dù không nằm trong khu vực băng hà, nhưng quá trình hình thành và phát triển của đồng bằng ven biển Quảng Bình gắn liền với các hoạt động tân kiến tạo và sự thay đổi mực nước biển, liên quan đến các kỳ băng hà, gian băng.

Quá trình thành tạo mỗi tập cát diễn ra cơ bản mở đầu chu kỳ, khi biển thoái, đường bờ biển lùi xa về phía đông, hệ thống sông, suối vươn xa theo đường bờ biển góp phần chuyển tải một lượng lớn bồi tích từ miền núi cao phía tây ra biển và lắng đọng, tích tụ tạo thành các bãi bồi chủ yếu ở vùng nội cửa sông hoặc các bờ, đê cát ngầm hẹp dọc bờ phía nam cửa sông. Khi biển tiến, mực nước dâng cao và đường bờ dịch chuyển dần về phía tây, đồng thời các đê cát hình thành từ thời kỳ biển thoái thấp nhất cũng dịch chuyển theo. Trong quá trình di chuyển, đê cát lớn dần do được bổ sung vật liệu vụn gồm sản phẩm phong hóa tại chỗ và vật liệu do sông tiếp tục chuyển tải ra. Khi tới vùng địa hình nâng dạng địa lũy, đê cát "cố định", tồn tại và phát triển.

Lịch sử tiến hóa các trầm tích Đệ tứ ở vùng đồng bằng Quảng Bình diễn ra qua năm giai đoạn như sau [...]:

+ Giai đoạn cuối Pleistocen sớm:

Đường bờ biển biển tiến Pleistocen sớm đạt cao nhất ở vị trí mà hiện nay có độ cao 60-80 m (do hoạt động cục bộ, địa phương không lớn nâng ở miền núi phía tây và lún, hạ ở các trũng rìa núi trong Đệ tứ) ven vùng núi phía tây Quảng Trạch (từ đèo Ngang qua chân núi Động Bạc đến bắc sông Gianh), 50 -70 m ven vùng núi phía tây Đồng Hới, 30-50 m rìa miền núi phía tây Lệ Ninh. Biển tiến thời kỳ này tạo ra ở vùng rìa núi Quảng Bình 3 vũng biển: Quảng Trạch, Bố Trạch và Lệ Ninh. Tại đó đê cát thế hệ thứ nhất bắt đầu sinh thành, nhưng kích thước không lớn (thế hệ đê cát này, hiện tại mới phát hiện được các dấu hiệu là cát hạt nhỏ, màu xám trắng - xám vàng, mài tròn và chọn lọc tốt), có thể do chúng bị xâm thực, bào mòn rất nhiều khi nổi trên cạn trong thời kỳ biển thoái sau đó hoặc do chúng phân bố lệch về phía biển so với đường bờ hiện đại.



+ Giai đoạn Pleistocen giữa - đầu Pleistocen muộn:

Biển thoái, đường bờ lùi xa hơn lần trước. Trong thời gian này, thế hệ đê cát thứ nhất bị bào mòn, bóc mòn mạnh. Biển tiến (do gian băng Riss -Wurm 1) trong kỳ đầu Pleistocen muộn và đạt cực đại với đường bờ ở vị trí ven rìa núi phía tây, tạo nên các vũng vịnh gần như lần biển tiến trước, nhưng kích thước nhỏ hơn. Đường bờ khi biển tiến cực đại thời gian này đạt tới vị trí hiện tại có độ cao 25-40 m từ nam đèo Ngang qua chân núi Mũi Ôm đến Phương Vấp, Đông Ban (Quảng Trạch), 30-50 m vùng núi tây Bố Trạch đến Đồng Hới, 20-30 m vùng rìa núi tây Lệ Ninh. Thời kỳ này, đê cát thế hệ thứ 2 hình thành, phát triển chồng phủ (có dịch chuyển chút ít về phía tây) lên hệ thống đê cát thứ nhất. Tại vũng Lệ Ninh, thế hệ đê cát thứ 2 phủ kín gần hết và san bằng bề mặt lõm khối nâng địa lũy Nhật Lệ - Sen Thủy.



+ Giai đoạn cuối Pleistocen muộn:

Sau biển tiến đầu Pleistocen muộn, biển lùi kém hơn so với 2 lần trước. Đến cuối Pleistocen muộn, biển tiến (Wurm 1-Wurm 2) và khi đạt cực đại, đường bờ ở vị trí ven rìa núi phía tây, tạo nên các vũng biển tương tự các vũng biển của 2 lần biển tiến trước. Đường bờ biển khi đó có thể đạt tới vị trí có độ cao hiện nay 10-20 m ở vùng Lệ Thủy; 10-25 m ở vùng Quảng Trạch và Bố Trạch; 10-30 m ở Đồng Hới. Biển tiến thời kỳ này tạo nên đê cát thế hệ thứ 3 chồng phủ lên thế hệ đê cát trước. Ở Sen Thủy và Hương Thủy (Lệ Thủy), đê cát thế hệ thứ 3 tạo nên địa hình có độ cao hiện tại là 10-20 m.



+ Thời kỳ Holocen giữa:

Biển tiến Flandri (cách đây 6000 - 4500 năm). Khi đạt cực đại, biển dâng cao hơn hiện nay 4 - 10 m, đường bờ biển ở gần rìa tây đồng bằng với độ cao hiện tại 4 - 7 m từ Hoà Bình đến Phù Lưu, Đông Giương, Pháp Kệ (Quảng Trạch); 4 - 6 m từ Lộc Đại đến Diêm Điền (Đồng Hới), dọc chân núi phía tây đến cuối Lệ Thủy.



+ Giai đoạn cuối Holocen giữa - đầu Holocen muộn:

Biển lùi mức độ không lớn, đường bờ ở vị trí không xa về phía biển so với đường bờ hiện tại. Cuối Holocen muộn (2000 năm trước) biển bắt đầu lấn và đạt mức cao hơn mực nước biển hiện tại 2 - 4 m, sau đó biển rút hạ thấp hơn nay một chút; sau một thời gian, biển lại lấn (biển tiến hiện đại) cho đến nay. Thời gian này, tại vùng nghiên cứu, một số đê cát nhỏ dọc bờ với độ cao 1-2 m nối tiếp bãi triều cát hiện đại được sinh thành. Bên trong, các đê cát thế hệ trước lộ trên bề mặt do tác động của gió, dòng chảy....bị bào mòn, biến cải, tái lắng đọng, tôn cao và làm phức tạp hóa địa hình (có bổ sung ít nhiều vật liệu từ biển) tạo thành các cồn, đụn cát biển - gió Holocen muộn có độ cao 10-30 m (một số nơi cao đến 60 m).

Giữa các thời kỳ biển tiến là giai đoạn biển thoái. Trong thời gian biển thoái, đường bờ chuyển dịch ra xa về phía đông, các đê cát được thành tạo trước đó lộ trên cạn và chịu tác động của các yếu tố trên cạn (có ảnh hưởng của biển) chủ yếu gió, dòng chảy, nhiệt độ..., tạo ra các quá trình bào mòn - tích tụ bề mặt cát (cát bay, cát chảy...). Kết quả, phần bề mặt các đê cát bị biến cải về hình thái địa hình, độ cao, đồng thời mở rộng diện tích lấn tiến về phía lục địa. Ngoài ra, ở thành tạo cát (chủ yếu phần bề mặt), vật liệu bị biến đổi về màu (chuyển dần sang màu oxy hóa - màu vàng), độ mài tròn gia tăng, phức tạp hóa bề mặt hạt cát. Trong các thời gian này, một phần vật liệu cát được đưa trở lại biển, sau đó một phần được đưa trở lại vùng đê cát và tái lắng đọng tham gia tạo đê cát thế hệ mới.

Các thành tạo biển - đầm lầy hình thành trong Holocen liên quan đến thời gian giao thời trước các pha biển tiến, biểu hiện rõ sau đợt biển tiến cực đại - Holocen giữa, pha biển lùi thứ 5 đã xảy ra vào Holocen muộn mà sản phẩm của nó là các thành tạo có nguồn gốc sông, sông - biển [12,13].




tải về 1.18 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương