CÁc từ, CỤm từ viết tắT 4


Đặc điểm các tầng chứa nước



tải về 1.18 Mb.
trang8/18
Chuyển đổi dữ liệu18.07.2016
Kích1.18 Mb.
#1939
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18

3.2 Đặc điểm các tầng chứa nước


Trong khu vực tồn tại các tầng chứa nước sau [...]:

  • Các tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Holocen (aQIV3, mvQIV3, amQIV1-2), kí hiệu là tầng qh:

Các trầm tích aQIV3 phân bố chủ yếu dọc theo các bờ sông phía hạ lưu giáp với biển, còn amQIV2 lại phân bố thành dải song song với đường bờ biển từ Quảng Đông - Quảng Trạch đến cửa biển Nhật Lệ và liên tục từ Bảo Ninh đến Quảng Trị. Tầng chứa nước qh được giới hạn: Phía Bắc giáp với Đèo Ngang, phía Tây là Quốc lộ 1A, phía Nam là sông Kiến Giang và phía Đông giáp với biển Đông.

Mực nước ngầm trong các trầm tích này thường sâu không quá 5 m. Riêng đối với những đụn cát, đồi cát ven biển, độ sâu mực nước ngầm có thể đạt 5 - 10 m, thậm chí có nơi tới 25 - 30 m. Độ nghiêng của gương nước ngầm (građient thủy lực) thường nhỏ, khoảng 0,005 - 0,01. Bề dày của các tầng chứa nước thường khoảng 5 - 15 m, đôi chỗ đạt đến 30 - 40m.

Nguồn bổ sung cho hệ thống thủy lực ngầm nói trên là nước mưa và nước sông. Các đứt gãy kiến tạo khu vực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nước cho các tầng chứa nước này. Quá trình thoát nước khỏi các tầng chứa nước xảy ra dọc theo các đoạn hạ lưu của các sông về mùa khô và dọc theo bờ biển.

Nước lỗ hổng thuộc kiểu động thái biến đổi theo mùa và động thái ven bờ, mực NDĐ dao động theo mùa rất rõ rệt và các cực trị của mực nước đạt chậm hơn so với nước mưa và nước trên mặt.

Nước ngầm trong tầng qh thuộc loại không áp, được thành tạo do nước mưa thấm trực tiếp từ trên xuống. Do có liên hệ thuỷ lực trực tiếp với nước biển, tầng qh có dạng thấu kính. Đây là tầng chứa nước nhạt duy nhất trong cồn cát ven biển có thể khai thác cung cấp cho dân sinh, du lịch - dịch vụ, tưới và nuôi trồng thuỷ sản [6,7].


  • Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Pleistocen (qp):

Tầng chứa nước qp trùng với thể địa chất Pleistocen (amQIII), diện phân bố rộng tạo thành dải kéo dài dọc đồng bằng ven biển Quảng Bình. Phần lớn diện tích của tầng qp bị phủ bởi tầng qh, chúng chỉ lộ ra ở phía tây Đồng Hới và trên diện hẹp ven vùng chuyển tiếp giữa đồi núi và đồng bằng khu vực huyện Quảng Trạch.

Thành phần thạch học gồm có cát màu xám trắng, sét lẫn sạn sỏi. Riêng phần lộ trên mặt thường bị phong hóa. Nước có áp lực yếu thuộc phần diện tích bị phủ bởi các thành tạo địa chất khác.

NDĐ trong tầng qp phía giáp biển (phía đông) bị nhiễm mặn với độ tổng khoáng hóa M = 1,0  5,5g/l. Ở phía tây, do một phần diện tích lộ ra trên mặt, trực tiếp được bổ cập của nước mưa và một phần tiếp xúc với các đơn vị chứa nước khác nên NDĐ được rửa nhạt, độ tổng khoáng hóa thấp hơn M < 1,0 g/l.


  • Tầng chứa nước vỉa khe nứt trong trầm tích Neogen (Nđh):

Các trầm tích Neogen phân bố chủ yếu ở phía tây bắc của thành phố Đồng Hới, diện lộ khoảng 60km2, tạo thành tầng chứa nước có áp cục bộ, còn ở Lệ Ninh và Ba Đồn chúng bị trầm tích Đệ tứ phủ lên ở độ sâu 50 - 150m, tạo nên tầng chứa nước có áp lực. Theo thành phần thạch học có thể chia ra thành hai phần: phần phía trên (dày trung bình 71m) mức độ chứa nước kém do thành phần chủ yếu là cát kết, sạn kết, sét kết, cát bột kết, lẫn ít sạn sỏi, cuội, sỏi kết; phần dưới khả năng chứa nước tốt, đất đá là các trầm tích hạt thô, thành phần gồm cuội tảng kết, sét chứa cuội, sỏi, cát, độ gắn kết yếu, caolin, cuội, sỏi.

Tính thấm nước của các trầm tích này ở mức trung bình, hệ số thấm k đạt 4 - 15 m/ngày, hệ số dẫn nước km đạt 200 - 300 m2/ngày, tỷ lưu lượng đạt từ 0,04 - 2,4 l/s.m (thường gặp ở mức 1,0 l/s.m). Độ khoáng hóa tăng dần theo chiều sâu: phần trên <1,0 g/l, phần dưới đạt từ 3,8 - 5,5 g/l ở độ sâu 25m (LK222). Dao động mực nước theo mùa trung bình là 0,8m.



Trong điều kiện hình thành trữ lượng NDĐ, chúng có vai trò như những máng thu gom nước từ bên sườn, đồng thời chúng làm hạn chế khả năng thấm xuyên của NDĐ từ tầng trên sang các tầng bên cạnh hoặc xuống sâu hơn.

  • Tầng chứa nước khe nứt hệ tầng Đồng Trầu (T2ađt)

Diện tích phân bố của tầng chứa nước khoảng 360 km2 ở phía tây huyện Quảng Trạch. Thành phần đất đá chủ yếu bột kết, cát kết, cuội kết cơ sở. Đá có cấu tạo phân lớp vừa, phong hoá nứt nẻ ít, đá cứng chắc khó đập vỡ. Khả năng thấm và lưu thông nước kém, tại các điểm lộ nhỏ xuất lộ thấm rỉ dưới dạng mạch nước chảy xuôi với lưu lượng thay đổi từ 0,01 l/s đến 0,04 l/s, nguồn cung cấp chủ yếu là nước mưa ít có ý nghĩa cấp nước cho dân sinh. Các giếng đào có mực nước tĩnh từ 1,1 đến 2,0 mét. Độ pH từ 7,16 đến 8,48. Tổng độ khoáng hoá từ 0,003 g/l đến 0,055 g/l. Nước chủ yếu thuộc loại hình hoá học Clorur, Magie - Canxi; Clorur - Sulfat, Magie - Canxi.

  • Tầng chứa nước khe nứt hệ tầng Đông Thọ (D3frđt)

Phân bố thành dải hẹp phía đông nam tờ bản đồ Thôn 4 và phía phía tây nam tờ bản đồ Quyết Thắng với diện tích khoảng 10 km2, đất đá gặp chủ yếu là đá vôi màu xám, cát kết, cát kết dạng quarzit. Đá cứng chắc mức độ nứt nẻ vỡ vụn trung bình, có khả năng thấm và lưu thông nước trung bình các điểm xuất lộ thường gặp có lưu lượng từ 0,02 - 0,053 l/s. Nước xuất lộ thấm rỉ dưới dạng mạch nước chảy xuôi, nước xuất lộ quanh năm. Nguồn cung cấp chủ yế là nước mưa và thuộc loại hình hoá học Clorur - Bicacbonat, Magie - Canxi; Sulfat ,Magie -Canxi; Clorur, Magie - Canxi. Độ pH từ 7,91 đến 8,38. Tổng khoáng hoá 0,003 g/l đến 0,017 g/l.

  • Tầng chứa nước khe nứt, hệ tầng Mục Bài (D2gmb) và hệ tầng Bến Giằng(D2ebg)

Phân bố chủ yếu ở tờ bản đồ Thôn 4 và phía Tây Bắc tờ bản đồ Quyết Thắng. Thành phần đất đá chủ yếu là đá vôi màu xám, cát kết dạng quarzit, cát bột kết. Đá cứng chắc nứt nẻ vừa đến kém, khả năng chứa và lưu thông nước từ trung bình đến kém. Qua khảo sát các điểm lộ trong hai hệ tầng này chúng tôi thấy nước xuất lộ thấm rỉ từ khe nứt dưới dạng mạch nước chảy xuôi. Chất lượng nước khá tốt, nước xuất lộ quanh năm, nguồn cung cấp chủ yếu là nước mưa. Lưu lượng các điểm lộ từ 0,029 l/s đến 0,157 l/s. Độ pH từ 7,14 đến 8,43. Tổng độ khoáng hoá từ 0,01 g/l đến 0,31 g/l.

  • Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm tích lục nguyên Devon hệ tầng Tân Lâm (D1tl)

Phân bố chủ yếu ở phía Tây Nông Trường Lệ Ninh thuộc tờ bản đồ Mỹ Đức và một ít ở phía Bắc tờ bản đồ Kiến Giang. Riêng hệ tầng Rào Chan phân bố thành dải ở phía Đông Bắc tờ bản đồ Thôn 4 và phía Tây tờ Quyết Thắng. Thành phần đất đá chủ yếu là bột kết, cát kết màu xám nâu. Đá cứng chắc phong hoá nứt nẻ ít, khả năng thấm và lưu thông nước kém. Qua khảo sát điểm xuất lộ nước gặp trong các địa tầng trên chúng tôi thấy. Nước xuất lộ thấm rĩ trong đới phong hoá nứt nẻ dưới dạng mạch nước chảy xuôi. Nước xuất lộ quanh năm nguồn cung cấp chủ yế là nước mưa, lưu lượng đo được tại các nguồn lộ 0,018 l/s đến 0,5 l/s.Độ pH từ 6,06 đến 8,24. Tổng độ khoáng hoá từ 0,004 g/l đến 0,022 g/l.

  • Tầng chứa nước khe nứt trong đá trầm tích - biến chất Ordovic - Silur hệ tầng Long Đại (O3-S1lđ)

Phân bố chủ yếu về phía Tây của huyện Lệ Thuỷ và huyện Quảng Ninh và phía nam của huyện Bố Trạch với diện tích 1.800 km2. Hệ tầng Long Đại chủ yếu gồm các đá lục nguyên xen Carbonat, cấu tạo xen nhịp biến chất yếu, những nơi gần khối xâm nhập đá bị biến chất nhiệt mạnh, chiều dày của hệ tầng khoảng 2.380m. Đất đá chủ yếu lộ ra là phiến sét, phiến sericit, phiến thạch anh sericit. Đá có cấu tạo phân lớp mỏng, phong hoá nứt nẻ trung bình, khả năng chứa và lưu thông nước kém. Điểm xuất lộ thấm rĩ từ đới phong hoá nứt nẻ của đá dưới dạng mạch nước chảy xuôi. Mùa khô lưu lượng nước giảm mạnh không có ý nghĩa cung cấp nước. Lưu lượng nước thay đổi từ 0,031 l/s đến 0,14 l/s. Độ pH từ 6,40 đến 8,84. Tổng độ khoáng hoá từ 0,003 - 0,21 g/l. Nước chủ yếu thuộc loại hình hoá học Clorur - Sulfat, Magie - Canxi, Clorur, Magie - Canxi.

Qua tài liệu khảo sát các giếng và các lỗ khoan cho thấy, nước trong trầm tích hệ tầng này chủ yếu lưu thông qua các khe nứt. Mực nước tĩnh của các lỗ khoan và giếng từ 0,45m đến 8,51m. Lưu lượng các giếng và các lỗ khoan từ 0,02l/s đến 3,75l/s. Các lỗ khoan hầu hết là nghiên cứu trong đới nứt nẻ của đất đá.

Nước có loại hình hoá học là Clorur natri hoặc Bicarbonat natri. Độ khoáng hoá của nước 0,073 - 0,353g/l. Hàm lượng các vi nguyên tố đều thấp cho phép sử dụng cấp nước sinh hoạt.

Nguồn cung cấp nước cho hệ tầng chủ yếu là nước mưa, miền thoát là các hệ thống sông suối.



  • Nước trong đới phong hoá nứt nẻ của Macma xâm nhập (γaC1ts); (γδPZ3bgqs2):

  • Phân bố phía Nam tờ bản đồ Quyết Thắng, tờ Mỹ Đức, tờ Kiến Giang, tờ Đồng Hới với diện tích khoảng 480 km2 đá gặp chủ yếu là Grranođiorit, Granit hai mica. Đá bị phong hoá nứt nẻ mạnh vỡ vụn nhiều. Quan sát một số giếng và điểm xuất lộ nước, lưu lượng tại các điểm lộ thay đổi từ 0,1 l/s đến 0,137 l/s. Độ pH từ 6,66 đến 8,02. Tổng độ khoáng hoá từ 0,003g/l đến 0,013 g/l . Nước thuộc loại hình hoá học Clorur - Sulfat, Magie - Canxi; Clorur, Magie - Canxi.

  • Nước trong các đứt gãy kiến tạo

Khi tìm nước trong đá gốc, các đứt gãy được đặc biệt chú ý. Dọc theo các đứt gãy đất đá bị cà nát, vỡ vụn, biến chất… để trở nên chứa nước, dẫn nước tốt hơn nhiều so với đất đá cùng địa tầng ở nơi bình ổn. Hệ thống đứt gãy trong các địa tầng hình thành nên một mạng thu nước từ vô số các khe nứt nhỏ từ mọi phương dẫn đến. Tương tự ở ranh giới tiếp xúc giữa các đá trầm tích và đá magma, ở đó đá trầm tích bị biến chất, trở thành cứng hơn, dòn hơn và khi vỡ vụn nó cũng trở nên chứa nước và dẫn nước tốt hơn.

Tuy nhiên cho đến nay chiều rộng chứa nước và chiều sâu chứa nước của đứt gãy vẫn chưa hoàn toàn được xác định. Chiều rộng chứa nước của đứt gãy không trùng với chiều rộng của đứt gãy. Trên thiết diện ngang của một đứt gãy, có chỗ chứa nước, thậm chí chứa nước rất tốt, song có chỗ lại không có nước.

Về chiều sâu chứa nước của đứt gãy cũng rất khó đoán định. Dọc theo chiều sâu mức độ chứa nước cũng rất khác nhau. Nơi này thì phần trên chứa nước tốt hơn, nhưng nơi khác thì ngược lại. Và câu hỏi: chiều sâu chứa nước trong đứt gãy phát triển đến đâu vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Dọc theo chiều dài của đứt gãy cũng vậy, cùng một đứt gãy cắt qua nhiều địa tầng khác nhau, mức độ chứa nước cũng rất khác nhau. Do vậy cũng không thể nói đứt gãy chứa nước chung chung được mà bao giờ cũng phải gắn với địa tầng.



  • Các thành tạo địa chất rất nghèo nước hoặc không chứa nước

Trầm tích sét, sét pha thống Holocen, phụ thống hạ trung (amQIV1-2)

Phân bố khá rộng rãi ở cả phần lộ và phần bị phủ bởi các trầm tích trẻ hơn. Vùng ven biển nó bị phủ bởi tầng mQIV3, mvQIV3. Chiều dày thay đổi từ 1 - 5m. Thành phần thạch học chủ yếu là sét, sét pha màu xám vàng, xám trắng, đôi chỗ xám đen có lẫn các hòn sạn laterit màu đỏ, đỏ nâu.



  • Trầm tích sét pha, sét thống Pleistocen, phụ thống thượng (amQ13)

Tầng amQ13 phân bố rộng khắp, nhưng phần lớn nó bị phủ bởi trầm tích Holocen, nó chỉ lộ ra ở rìa đồng bằng, ven các dải núi. Diện tích khoảng 200km2.

Theo tài liệu ở các lỗ khoan, chiều dày lớn nhất đạt trên 10m.

Vùng bị phủ, thành phần đất đá thường gặp là sét, sét pha màu xám trắng, xám nâu, đỏ, vàng loang lổ có lẫn sạn laterit màu đen, có nơi gặp sét rất dẻo mịn. Tuy nhiên ở vùng lộ ven rìa các dãy núi, thành phần thạch học chủ yếu là sét, sét pha có lẫn nhiều sạn laterit và dăm sạn, nhiều nơi bề mặt đã hoá thành đá ong rất cứng chắc. Chính vì có thành phần đất đá như vậy, nên nó cũng chứa nước ở một mức độ nào đấy. Nước có thành phần đa dạng: clorur sulfat natri Canxi, clorur bicarbonat sulfat natri Canxi, bicarbonat sulfat clorur natri Canxi, clorur bicarbonat, …
Hình 7: Bản đồ địa chất thủy văn vùng cát ven biển Quảng Bình



tải về 1.18 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương