VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 45.37 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích45.37 Kb.
#28568


BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2009


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 03/03/2009

Trong buổi sáng ngày 03/03/2009, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Hà Nội mới phản ánh: Thực hiện chương trình "kích cầu" của Chính phủ, đây là thời điểm thích hợp nhất để Nhà nước đẩy mạnh "nguồn cung" nhà giá rẻ cho đối tượng có thu nhập bình thường trong xã hội. Mặt khác, đó cũng chính là yếu tố thúc đẩy thị trường nhà đất vốn đang trầm lắng trong thời gian qua. Tuy nhiên để có "nguồn cung" phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của DN và người dân thì hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Và điều đó được thể hiện qua những ý kiến xác đáng nêu ra tại Hội thảo "Chương trình nhà ở và các giải pháp thực thi hiệu quả" do Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 28-2.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS ước tính, cả nước đang có gần 600 trường đại học và cao đẳng. Đến 2015, tổng số sinh viên học tại các trường sẽ gần 3 triệu, nếu mục tiêu giải quyết 20% chỗ ở cho sinh viên chính quy dài hạn với bình quân 3m2/người thì tổng số vốn đầu tư cũng lên đến 21.000 tỷ đồng. Trong khi đó, từ năm 2000-2008 diện tích nhà ở cả nước đã tăng 300 triệu mét vuông, riêng năm 2008 tăng 50 triệu mét vuông nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm nhà ở cao cấp. Ông Nam cho rằng, với nhu cầu lớn như vậy, nhà ở giá thấp sẽ là phân khúc có nhiều lợi thế nhất và những "đốm sáng"này sẽ giúp thị trường sôi động trở lại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kiến nghị Nhà nước nên bỏ quy định diện tích căn hộ nhà ở xã hội phải từ 30-60m2, mà để cho DN tự thiết kế căn hộ theo nhu cầu thị trường. Chẳng hạn, những căn hộ 20m2 cho một người ở đang có nhu cầu rất nhiều. Tuy nhiên theo ông Nam, việc cho phép xây những ngôi nhà nhỏ cũng phải cân nhắc kỹ vì lo ngại hình thành những ngôi nhà ổ chuột trên cao.

Theo ông Tống Văn Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, để những khu nhà ở xã hội được hình thành, Nhà nước phải có bước đột phá, đầu tư trực tiếp bằng cách chọn đất, giao cho các đơn vị xây dựng, quản lý, từ đó rút ra những điểm cần khắc phục để hỗ trợ DN làm tiếp.



Báo cũng cho biết: Ngày 2-3, Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Nguyễn Văn Mơ cho biết, Cục Thuế Hà Nội đã công bố 32 số điện thoại đường dây nóng đặt tại 29 chi cục và văn phòng của ngành.

Việc thiết lập đường dây nóng nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Cục Thuế Hà Nội hiện có 3.500 cán bộ, quản lý trên 100.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, chưa kể đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Năm 2008, Cục Thuế Hà Nội đã kỷ luật buộc thôi việc 4 cán bộ vi phạm đạo đức ngành, vi phạm pháp luật.



2. Báo Tiền phong phản ánh: Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ quy định xử phạt tất cả các trường hợp sinh con thứ ba trở lên, chứ không chỉ áp dụng cho cán bộ, đảng viên như hiện nay.

TS.Dương Quốc Trọng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, cho biết, chế tài xử phạt vi phạm về dân số kế hoạch hóa gia đình hiện nay gần như chỉ áp dụng được với trường hợp là cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên, với các hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền. Các trường hợp vi phạm khác rất khó xử lý, dù là khiển trách hay phạt tiền. Do đó, trong nghị định về xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình đang được Bộ Y tế xây dựng trình Chính phủ sẽ có chế tài xử phạt cụ thể đối với tất cả các trường hợp cố ý vi phạm.

Theo dự báo, đến năm 2010, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 88 triệu người, trong đó số phụ nữ trong tuổi sinh sản sẽ tăng lên 24 triệu người và khoảng 1,2 triệu phụ nữ mang thai và sinh con mỗi năm, 1/5 số phụ nữ này là các trường hợp sinh con thứ ba trở lên.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài "Người nước ngoài vướng lý lịch tư pháp". Bài báo phản ánh: Thiếu lý lịch tư pháp có thể không được nhập quốc tịch nước khác, không được bảo lãnh sang Mỹ định cư... Đó là tình cảnh chung của không ít người nước ngoài sang Việt Nam làm việc và không đăng ký tạm trú với công an địa phương hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Bà Jean Ankana (*) (quốc tịch Thụy Điển) được một công ty nước ngoài tại TP.HCM mời làm việc. Trong hợp đồng lao động ghi rõ công ty có trách nhiệm đăng ký với cơ quan nhà nước, lo chỗ ở và điều kiện làm việc cho bà. Tháng 3-2008, bà vào Việt Nam làm việc với visa du lịch, đến tháng 11-2008 thì trở về nước. Trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, bà không hề được công ty yêu cầu cung cấp giấy tờ đăng ký lưu trú, chỉ có hộ chiếu của Thụy Điển cấp, có đóng dấu nhập và xuất cảnh của phía Việt Nam. Nay bà Jean làm hồ sơ xin nhập quốc tịch một nước khác, nước đó yêu cầu bà cung cấp lý lịch tư pháp (LLTP) trong thời gian bà ở Việt Nam. Vì vậy, bà phải trở lại Việt Nam, đến Sở Tư pháp TP.HCM làm thủ tục đề nghị cấp LLTP. Cán bộ Sở cho biết bà còn thiếu giấy xác nhận đăng ký tạm trú của công an phường hoặc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, công an phường cho biết do công ty thuê bà không làm thủ tục đăng ký tạm trú cho bà nên công an không thể xác nhận được. Đến giờ hồ sơ xin cấp LLTP của bà vẫn bị ách.

Tương tự, ông Yang Kun Yin (*) (quốc tịch Trung Quốc) làm việc cho một công ty thuộc da tại TP.HCM, visa nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch. Nay ông Yang được vợ bảo lãnh sang Mỹ, phía Mỹ yêu cầu ông cung cấp phiếu LLTP trong thời gian ông sống tại Việt Nam nhưng ông cũng bị vướng như trường hợp bà Jean.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch-Lý lịch tư pháp-Quốc tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết tại TP.HCM, đa số hồ sơ xin cấp LLTP của người nước ngoài đều thiếu giấy đăng ký tạm trú.

Thượng tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM), cho biết vấn đề quan trọng nhất trong việc cấp LLTP cho người nước ngoài là phải biết người đó đã từng cư trú ở đâu để xác định về tiền án lẫn thẩm quyền cấp LLTP. Nếu không có giấy tờ chứng nhận đăng ký tạm trú thì sẽ khó khăn trong kiểm tra, cấp LLTP cho họ.

2. Báo Thanh niên có bài Hành trình mờ ám của "dự án bệnh viện quốc tế 80 triệu USD": Họp kín để... giải quyết vụ việc!. Bài báo phản ánh: Chiều 2.3, Ban Quản lý khu Nam (TP.HCM) chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Tư pháp và H.Bình Chánh để rà soát, kiểm tra hoạt động của "dự án bệnh viện quốc tế 80 triệu USD", đồng thời đưa ra biện pháp xử lý vụ việc trên.

Phóng viên Thanh Niên cùng phóng viên một số báo đài khác đề nghị được tham dự buổi họp, nhưng đều bị từ chối. "Sau cuộc họp này, Ban quản lý sẽ báo cáo rõ vụ việc và đề xuất hướng xử lý, trình UBND thành phố xem xét, quyết định", ông Hứa Ngọc Thuận, Trưởng ban Quản lý khu Nam, nói với các phóng viên sau khi kết thúc cuộc họp.

Về buổi lễ động thổ "dự án bệnh viện quốc tế 80 triệu USD" Hải Thượng y viện (HTYV) ngày 21.2 diễn ra tại một khu đất trống (gần giao lộ đường Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 1A, H.Bình Chánh, TP.HCM), thuộc khu vực Ban Quản lý khu Nam quản lý, ông Thuận khẳng định Ban Quản lý khu Nam không hay biết gì cả. “Nó có ghi mời Ban Quản lý khu Nam trong thư mời nhưng thực chất là không mời. Rõ ràng đây là lừa đảo!”, ông Thuận bức xúc. Ông Thuận cũng giải thích, theo quy định Ban Quản lý khu Nam chỉ quản lý đầu tư xây dựng (tức đã có hồ sơ, giấy phép đầu tư, xây dựng...), còn đất ở khu vực đó là do chính quyền địa phương, tức H.Bình Chánh quản lý chứ không thuộc quyền của khu Nam, và cho rằng việc diễn ra lễ khởi công rình rang ngày 21.2 huyện biết rất rõ vì "Nếu không biết sao còn cho Công an xã đến giữ trật tự?".

Diễn biến đáng lưu ý khác, trong số tài liệu liên quan đến HTYV do Ban vận động thành lập HTYV gửi tới phóng viên Thanh Niên có kèm theo danh sách của những người ủng hộ xây dựng dự án trên. Danh sách ghi rõ tên, địa chỉ và có chữ ký của người ủng hộ. Phóng viên Thanh Niên đã chọn ngẫu nhiên địa chỉ người ủng hộ là bà Phạm Thị Hồng, ngụ số 100/7 Chiến Thắng, P.9, Q.Phú Nhuận để xác minh. Tại địa chỉ trên, anh Nguyễn Minh Thiên, chủ nhà khẳng định: “Ở khu vực này chỉ có một địa chỉ này là nhà của tôi và không có ai tên Phạm Thị Hồng”. Anh Thiên nói thường xuyên đọc Báo Thanh Niên nên biết thông tin về dự án HTYV, và bức xúc: “Họ bịa tên và lấy địa chỉ nhà tôi đưa vào danh sách những người ủng hộ cho dự án, chắc chắn là có ý đồ mờ ám”. Tương tự, khi nghe chúng tôi hỏi thăm về việc ủng hộ xây dựng HTYV, bà Võ Ngọc Dung, tu sĩ tại Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), khẳng định: “Tên của tôi, số nhà, tên đường đều đúng nhà của tôi. Nhưng tôi không hề biết và chẳng có đóng góp gì cho dự án này”.

Điểm đáng ngờ khác là trong danh sách những người ủng hộ dự án, phần viết tay tên, địa chỉ cùng chữ ký những người ủng hộ đều na ná cùng một nét chữ. Ngoài ra, trong các tài liệu Ban vận động thành lập HTYV gửi tới còn có một công văn được cho là của UBND TP Hà Nội phúc đáp về dự án, nhưng nếu xem kỹ thì thấy văn bản này không chuẩn về hình thức một văn bản hành chính, đồng thời có rất nhiều điểm đáng ngờ khác...

3. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh trên mục Toà soạn và bạn đọc có bài Hết lòng vì dân. Bài báo phản ánh: Do cần thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, ngày 27-2-2009 sau khi làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, tôi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.9 để làm thủ tục đăng ký “giao dịch bảo đảm”. Theo giấy hẹn, ngày 2-3-2009 tôi sẽ đến nhận kết quả.

Thế nhưng, vì cần giải ngân theo lịch đã hẹn với ngân hàng, tôi đã trình bày sự việc với các cán bộ, nhân viên ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và yêu cầu của tôi đã được giải quyết ngay sau đó. Nhờ sự tận tình giúp đỡ của các cán bộ và nhân viên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q9 mà tôi kịp giải ngân số tiền đã vay. Cảm ơn các anh chị công tác tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q9 đã hết lòng vì dân, tận tụy giúp đỡ, linh động giải quyết yêu cầu của dân. Nếu ở cơ quan nào cũng biết thông cảm, lắng nghe tâm trạng của dân, coi việc của dân như công việc của mình, giải quyết với tinh thần trách nhiệm như thế thì trong lòng của mỗi người dân khi đến cơ quan công quyền sẽ vui như Tết.



4. Báo Hà Nội mới có bài "Áp lực". Bài báo phản ánh: Nhập quốc tịch cầu thủ ngoại chẳng phải là chuyện lạ lẫm ở bóng đá thế giới. Ngay ở khu vực Đông Nam Á, Xin-ga-po cũng nổi tiếng về chuyện này nhất là vài năm gần đây. Chỉ có bóng đá Việt Nam là đi sau. Nhưng được cái, bóng đá Việt Nam đi sau nhưng không đi chậm. Nhanh nhất là Đồng Tâm Long An đã kịp nhập quốc tịch cho thủ môn gốc Bra-xin Santos từ năm ngoái để rồi anh này thậm chí có mặt trong màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Thế là Đồng Tâm Long An có cú lách ngoạn mục như bao CLB khác trên thế giới vẫn làm để thoát khỏi vòng cương tỏa của việc giới hạn cầu thủ ngoại mà BTC các giải vô địch quốc gia vẫn làm. Nhìn cảnh Đồng Tâm Long An tiên phong để lúc nào cũng có 4 ngoại binh trên sân, các CLB khác cũng lập tức tìm người. Thế nên chẳng phải ngẫu nhiên mà Hoàng Anh Gia Lai nhắm đến Sakda và Nirut, những người mà nếu chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam chưa chắc có mặt đội bóng này. V.Ninh Bình dù ở hạng nhất cũng kịp nhập quốc tịch cho 2 cầu thủ ngoại Mykola và Maxwel để rồi bao giờ cũng hơn các CLB khác gấp đôi số cầu thủ không phải gốc Việt trên sân. Bình Dương cũng làm vậy với Kesley nhưng anh này còn có lý do nữa là có vợ người Việt Nam.

Ông bầu các CLB bao giờ cũng là những người hài lòng nhất trong việc nhập quốc tịch cho các cầu thủ ngoại. Theo cách tính toán của họ thì đơn giản, cầu thủ ngoại được chọn bao giờ cũng có chuyên môn vượt nhiều cầu thủ nội và ngoại khác. Như thế chất lượng chuyên môn đội bóng đương nhiên tăng theo. Nhưng cũng nhiều người không thích cái kiểu "khôn lỏi", "ăn xổi" ấy cho dù việc ấy không sai với pháp luật Việt Nam. Đối với họ, nhập quốc tịch 1 cầu thủ ngoại, nhất là những người từng khoác áo đội tuyển quốc gia nước khác và không đủ điều kiện khoác áo đội tuyển Việt Nam, sẽ lấy chỗ của 1 cầu thủ nội. Đội tuyển quốc gia vì thế cũng mất nhờ. CLB có nhiều cầu thủ nhập quốc tịch quá khiến cái chất Việt bay đi và khán giả sẽ chẳng có hứng thú theo dõi đội bóng ấy nữa. Và đây sẽ là câu chuyện không hồi kết…

Vấn đề ở đây là áp lực với những người được nhập quốc tịch. Cầu thủ khác bị "soi" 1 thì họ bị "soi" ít nhất gấp vài lần. Tại đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2008, chính thủ thành Santos đã không chịu nổi áp lực, nhất là sau một số bàn thua ngớ ngẩn của anh. Còn bây giờ tất cả những trường hợp được nhập quốc tịch tại giải chuyên nghiệp và hạng nhất đều được soi kỹ. Đã có lời phàn nàn về sự đóng góp chưa tương xứng của họ dành cho đội bóng và chẳng còn cách nào khác là họ phải chứng tỏ giá trị bản thân để làm sao không bị "mất giá" sau khi nhập quốc tịch. Nếu không làm được sẽ mang tiếng về lâu dài. Cả các ông bầu cũng vậy. Âu cũng là cái giá mà những người tham gia cuộc chơi phải chấp nhận.

5. Báo An ninh thủ đô có bài Giải quyết tranh chấp lao động khi người lao động là người nước ngoài: Cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động cho phù hợp thực tế. Bài báo phản ánh: So với các loại tranh chấp khác, tranh chấp lao động có những nét đặc thù riêng. Hiện tại, hệ thống pháp luật lao động còn chưa hoàn thiện và khá cồng kềnh, khó tra cứu nên khi gặp phải những vụ án phức tạp, các Tòa án địa phương thường lúng túng và đưa ra những quan điểm không thống nhất khi giải quyết.

Xin đơn cử một ví dụ: Trong trường hợp người lao động là người nước ngoài ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) làm việc tại Việt Nam nhưng trong quá trình thực hiện HĐLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Vì lý do này mà người lao động khởi kiện đến Tòa án. Khi thụ lý, Tòa án phát hiện được là người lao động là người nước ngoài khi ký kết HĐLĐ chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cấp giấy phép lao động. Vậy trong trường hợp này, Tòa án có tuyên HĐLĐ vô hiệu hay không và giải quyết hậu quả pháp lý như thế nào?

Về vấn đề này, quan điểm của Tòa Lao động - TANDTC cho rằng, hiện tại, vấn đề HĐLĐ vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của HĐLĐ vô hiệu mới chỉ được quy định tại điều 29; khoản 4 điều 166 Bộ luật Lao động và điều 16 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9-5-2003. Những quy định này mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc nên rất khó áp dụng trong thực tiễn. Trước đây, Tòa Lao động - TANDTC cũng đã đưa vấn đề này ra bàn thảo, nay một số điểm không còn phù hợp nên cần thống nhất lại như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại điều 133 Bộ luật Lao động thì người nước ngoài làm việc từ đủ ba tháng trở lên cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp. Do đó, khi ký kết HĐLĐ mà người lao động là người nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động đã hết hạn thì Tòa án cần tuyên HĐLĐ đó vô hiệu.

Thứ hai, khi tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, Tòa án cần căn cứ vào quy định tại điều 16, Nghị định 44/2004/NĐ-CP để giải quyết quyền lợi cho các bên. Theo đó, quyền lợi của người lao động được tính trong khoảng thời gian làm việc thực tế. Vì những lẽ đó, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trong thời gian tới cho phù hợp thực tế là điều hết sức cần thiết. Trước mắt, do pháp luật quy định chưa cụ thể nên khi xét xử các vụ án tương tự, Tòa án cần xét xử theo hướng phân tích trên. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều về HĐLĐ vô hiệu theo 4 nội dung sau:

Bổ sung những quy định về điều kiện và hiệu lực của hợp đồng và những trường hợp nào thì HĐLĐ bị coi là vô hiệu một phần, trường hợp nào bị coi là vô hiệu toàn bộ.

Về giải quyết hậu quả pháp lý của HĐLĐ vô hiệu, cần quy định rõ từng trường hợp trên cơ sở lỗi của các bên dẫn đến việc HĐLĐ bị tuyên vô hiệu.

Nếu HĐLĐ bị tuyên vô hiệu là do lỗi của người lao động hoặc cả người lao động và NSDLĐ cùng có lỗi thì quyền lợi của người lao động được tính trong khoảng thời gian làm việc thực tế.

Nếu HĐLĐ bị tuyên vô hiệu hoàn toàn do lỗi của NSDLĐ thì ngoài quyền lợi được hưởng như trường hợp trên, pháp luật cần quy định buộc NSDLĐ phải bồi thường thêm một khoản tiền có ý nghĩa như là khoản tiền hỗ trợ cho người lao động đi tìm việc làm mới.

Trên đây là điểm báo sáng ngày 03/03/2009, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các thứ trưởng;

- Lưu TH.

VĂN PHÒNG BỘ



Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 45.37 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương