Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1500 (cmktnn 1500)



tải về 98.23 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích98.23 Kb.
#8443


CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 1500 (CMKTNN 1500)

BẰNG CHỨNG KIỂM TOÁN TRONG KIỂM TOÁN TÀI CHÍNH




  1. QUY ĐỊNH CHUNG

Cơ sở xây dựng

  1. Chuẩn mực này được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, CMKTNN 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính và ISSAI 1500 của INTOSAI - Bằng chứng kiểm toán.

Mục đích và phạm vi áp dụng

  1. Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn các yếu tố của bằng chứng kiểm toán trong một cuộc kiểm toán tài chính, đồng thời quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước trong việc thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán, nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra các kết luận hợp lý làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán.

  2. Chuẩn mực này áp dụng đối với việc thu thập và đánh giá tất cả các bằng chứng kiểm toán trong một cuộc kiểm toán tài chính.

  3. Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết nhất định về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc và xử lý các mối quan hệ liên quan đến quá trình cung cấp và thu thập bằng chứng kiểm toán.

Giải thích thuật ngữ

  1. Tài liệu, sổ kế toán: Là các ghi chép ban đầu và chứng từ, tài liệu đi kèm như séc, chứng từ chuyển khoản điện tử; hóa đơn; hợp đồng; sổ cái và sổ chi tiết, chứng từ ghi sổ hàng ngày và các điều chỉnh khác cho báo cáo tài chính không được phản ánh trong chứng từ ghi sổ hàng ngày; và các tài liệu như bảng phân bổ chi phí, bảng tính toán, đối chiếu, thuyết minh.

  2. Bằng chứng kiểm toán: Là tất cả các tài liệu, thông tin do kiểm toán viên nhà nước thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các tài liệu, thông tin này, kiểm toán viên nhà nước đưa ra các kết luận và từ đó hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm những tài liệu, thông tin chứa đựng trong các tài liệu, sổ kế toán, kể cả báo cáo tài chính và những tài liệu, thông tin khác.

  3. Tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán: Là tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng của các bằng chứng kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán phải đảm bảo phù hợp và đáng tin cậy để hỗ trợ kiểm toán viên nhà nước đưa ra các kết luận làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán.

  4. Tính đầy đủ của bằng chứng kiểm toán: Là tiêu chuẩn đánh giá về số lượng bằng chứng kiểm toán. Số lượng bằng chứng kiểm toán cần thu thập chịu ảnh hưởng bởi đánh giá của kiểm toán viên nhà nước về rủi ro có sai sót trọng yếu và chất lượng của những bằng chứng kiểm toán đó.

  5. Các thuật ngữ khác sử dụng trong Chuẩn mực này được định nghĩa như trong các chuẩn mực kiểm toán do Kiểm toán nhà nước ban hành.

II. NỘI DUNG CHUẨN MỰC

Bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp

  1. Kiểm toán viên nhà nước phải thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể nhằm thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp

  2. Bằng chứng kiểm toán giúp kiểm toán viên nhà nước đưa ra ý kiến và lập báo cáo kiểm toán. Bản chất của bằng chứng kiểm toán là mang tính tích lũy và được thu thập chủ yếu từ việc thực hiện các thủ tục kiểm toán trong suốt cuộc kiểm toán. Các ghi chép về kế toán (chứng từ, sổ kế toán, báo cáo kế toán…) của đơn vị được kiểm toán là một nguồn bằng chứng kiểm toán quan trọng. Bằng chứng kiểm toán cũng có thể bao gồm các tài liệu, thông tin có được từ các nguồn khác, như từ cuộc kiểm toán trước hoặc từ kết quảkiểm soát chất lượng củacác cuộc kiểm toán có liên quan đến đối tượng được kiểm toán. Tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán có thể do cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán lập hoặc chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê ngoài lập. Bằng chứng kiểm toán còn bao gồm tài liệu, thông tin hỗ trợ, chứng minh cho cơ sở dẫn liệu của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán và cả những tài liệu, thông tintrái chiều với những cơ sở dẫn liệu đó. Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc thiếu tài liệu, thông tin cũng chính là bằng chứng kiểm toán(như khi lãnh đạo đơn vị được kiểm toán từ chối giải trình các vấn đề mà kiểm toán viên yêu cầu).

  3. Phần lớn công việc mà kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện để hình thành ý kiến kiểm toán là thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán. Các phương pháp để thu thập bằng chứng kiểm toán gồm: Phỏng vấn, kiểm tra, quan sát, xác nhận từ bên ngoài, tính toán lại, thực hiện lại, và các thủ tục phân tích. Các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán thường được thực hiện kết hợp với nhau. Mặc dù phương pháp phỏng vấn có thể cung cấp bằng chứng kiểm toán quan trọng, kể cả cung cấp bằng chứng về sai sót, nhưng nếu chỉ phỏng vấn thì chưa đủ để cung cấp bằng chứng kiểm toán về việc không có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu hoặc về tính hữu hiệu của các thủ tục kiểm soát. Kiểm toán viên nhà nước cũng có thể xem xét các bằng chứng thu thập được từ các cuộc kiểm toán hoạt động hoặc các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khác liên quan đến đơn vị được kiểm toán.

  4. Kiểm toán viên nhà nước phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đạt được sự đảm bảo hợp lý nhằm giảm rủi ro kiểm toán xuống một mức độ thấp có thể chấp nhận được.

  5. Bằng chứng kiểm toán phải đảm bảo tính đầy đủ và thích hợp. Tính đầy đủ là tiêu chuẩn đánh giá về số lượng của bằng chứng kiểm toán, còn tính thích hợp là tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng của bằng chứng kiểm toán. Tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán có mối liên hệ tương quan với nhau. Số lượng của bằng chứng kiểm toán cần thu thập chịu ảnh hưởng bởi đánh giá của kiểm toán viên nhà nước đối với rủi ro có sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính và chất lượng của mỗi bằng chứng kiểm toán. Rủi ro được đánh giá ở mức độ càng cao thì thường cần càng nhiều bằng chứng kiểm toán và đồng thời chịu ảnh hưởng bởi chất lượng của bằng chứng kiểm toán, chất lượng của mỗi bằng chứng kiểm toán càng cao thì có thể cần ít bằng chứng kiểm toán hơn. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng kiểm toán được thu thập không có nghĩa là chất lượng bằng chứng kiểm toán được đảm bảo.

  6. Kiểm toán viên nhà nước khi xác định tính đầy đủ và thích hợp của bằng chứng kiểm toán phải sử dụng xét đoán chuyên môn để từ đó đưa ra kết luận hợp lý làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán.

Nguồn gốc của bằng chứng kiểm toán

  1. Nguồn gốc của bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính được thu thập từ các nguồn tài liệu, thông tin sau:

    1. Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán do Kiểm toán viên nhà nước trực tiếp khai thác và phát hiện;

    2. Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán do đơn vị được kiểm toán cung cấp;

    3. Tài liệu, thông tin làm bằng chứng được thu thập từ bên ngoài.

  2. Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán do kiểm toán viên nhà nước trực tiếp khai thác và phát hiện, được thu thập bằng cách thực hiện các thủ tục kiểm toán để kiểm tra tài liệu, sổ kế toán, như phân tích, soát xét và thực hiện lại các thủ tục đã được đơn vị thực hiện trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính; đối chiếu các loại tài liệu, thông tin liên quan và việc sử dụng các tài liệu, thông tin đó. Qua việc thực hiện các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước có thể xác định tính nhất quán và thống nhất của các tài liệu, sổ kế toán với báo cáo tài chính.

  3. Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán do đơn vị được kiểm toán cung cấp là những bằng chứng kiểm toán do đơn vị được kiểm toán phát hành và luân chuyển nội bộ hoặc do các đối tượng khác phát hành được lưu trữ tại đơn vị được kiểm toán như: Sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết, chứng từ kế toán, hóa đơn, hợp đồng...

  4. Tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán được thu thập từ bên ngoài là những tài liệu, thông tin do bên ngoài phát hành và lưu trữ hoặc do chính đơn vị được kiểm toán phát hành nhưng được lưu trữ ở bên ngoài như: Xác nhận từ bên thứ ba; báo cáo của các chuyên gia; dữ liệu có thể so sánh giữa các đơn vị trong cùng ngành nghề, lĩnh vực...

  5. Nguồn gốc của bằng chứng kiểm toán cũng phản ánh mức độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán. Việc xem xét các bằng chứng kiểm toán một cách nhất quán được thu thập từ các nguồn khác nhau hoặc dưới các dạng khác nhau thường giúp kiểm toán viên nhà nước đạt được sự đảm bảo cao hơn so với việc xem xét riêng lẻ các bằng chứng kiểm toán.

  6. Khi đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm đối với các khoản cấp phát hoặc hỗ trợ tài chính cho các đối tượng khác, sự tuân thủ các quy định sẽ phụ thuộc một phần vào các đối tượng khác trong việc đáp ứng các điều kiện của việc nhận cấp phát hoặc hỗ trợ. Do đó bằng chứng kiểm toán có thể là sự thực thi trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán nhằm đảm bảo các giao dịch đó với các đối tượng khác được tuân thủ đúng quy định.

Các phương pháp, thủ tục kiểm toán nhằmthu thập bằng chứng kiểm toán

  1. Bằng chứng kiểm toán được thu thập bằng cách:

    1. Thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro;

    2. Thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo, bao gồm:

  • Thử nghiệm kiểm soát theo yêu cầu của các chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, hoặc theo lựa chọn của kiểm toán viên nhà nước;

  • Thử nghiệm cơ bản, bao gồm các kiểm tra chi tiết và các thủ tục phân tích cơ bản.

Các phương pháp, thủ tục kiểm toán nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán được mô tả trong các đoạn 23 - 31 dưới đây có thể được sử dụng như các thủ tục đánh giá rủi ro, thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà kiểm toán viên nhà nước áp dụng các thủ tục này.

Kiểm tra

23. Việc kiểm tra bao gồm kiểm tra tài liệu, sổ kế toán, chứng từ, hiện vật có thể từ trong hoặc ngoài đơn vị. Việc kiểm tra tài liệu, sổ kế toán và chứng từ cung cấp các bằng chứng kiểm toán có độ tin cậy khác nhau, tùy thuộc vào nội dung, nguồn gốc của bằng chứng kiểm toán và tùy thuộc vào tính hữu hiệu của các kiểm soát của đơn vị đối với quá trình tạo lập tài liệu, sổ kế toán, chứng từ thuộc nội bộ đơn vị. Chẳng hạn, về thủ tục kiểm tra trong thử nghiệm kiểm soát là kiểm tra tài liệu, sổ kế toán và chứng từ để thu thập bằng chứng về việc phê duyệt. Việc kiểm tra các tài sản hữu hình có thể cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về sự hiện hữu của tài sản, nhưng không hẳn là bằng chứng đủ tin cậy về quyền sở hữu và giá trị của tài sản.



Quan sát

24. Quan sát là việc theo dõi một quy trình hoặc thủ tục do người khác thực hiện, như kiểm toán viên nhà nước quan sát việc kiểm kê, hoặc quan sát việc thực hiện các hoạt động kiểm soát của các đơn vị được kiểm tra. Việc quan sát cung cấp bằng chứng kiểm toán về việc thực hiện một quy trình hoặc thủ tục, nhưng chỉ giới hạn ở thời điểm quan sát.



Xác nhận từ bên ngoài

25. Xác nhận từ bên ngoài là bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên nhà nước thu thập được dưới hình thức phúc đáp trực tiếp của bên thứ ba (bên xác nhận) ở dạng văn bản giấy, văn bản điện tử hoặc một dạng khác. Thủ tục xác nhận từ bên ngoài thường được sử dụng để xác minh các cơ sở dẫn liệu liên quan đến các số dư tài khoản, các điều khoản của hợp đồng, hoặc các giao dịch của đơn vị với bên thứ bavà các thông tin có liên quan khác.



Tính toán lại

26. Tính toán lại là việc kiểm toán viên nhà nước kiểm tra độ chính xác về mặt toán học của các số liệu. Tính toán lại có thể được thực hiện thủ công hoặc tự động.



Thực hiện lại

27. Thực hiện lại là việc kiểm toán viên nhà nước thực hiện một cách độc lập các thủ tục hoặc các kiểm soát đã được đơn vị thực hiện trước đó như một phần kiểm soát nội bộ của đơn vị.



Thủ tục phân tích

28. Thủ tục phân tích bao gồm đánh giá thông tin tài chính qua việc phân tích các mối quan hệ các dữ liệu tài chính, phi tài chính. Khi cần thiết, thủ tục phân tích cũng bao gồm việc phân tích các biến động và các mối quan hệ được xác định là không nhất quán với các tài liệu, thông tin liên quan khác hoặc có sự chênh lệch lớn so với các giá trị dự kiến.



Phỏng vấn

29. Phỏng vấn là việc tìm kiếm thông tin tài chính và phi tài chính từ những người có hiểu biết trong nội bộ đơn vị được kiểm toán hoặc từ bên ngoài. Phỏng vấn được sử dụng rộng rãi trong suốt quá trình kiểm toán cùng với các thủ tục kiểm toán khác. Phỏng vấn có nhiều hình thức, phỏng vấn bằng văn bản hoặc phỏng vấn bằng lời. Việc đánh giá các câu trả lời phỏng vấn là một phần không thể tách rời của quá trình phỏng vấn.

30. Các câu trả lời phỏng vấn có thể cung cấp cho kiểm toán viên nhà nước những thông tin hoặc những bằng chứng chứng thực những thông tin mà trước đây kiểm toán viên nhà nước chưa có. Ngoài ra, các câu trả lời phỏng vấn có thể cung cấp thông tin khác biệt đáng kể với các tài liệu, thông tin khác mà kiểm toán viên nhà nước đã thu thập được.

31. Trong một số trường hợp, kiểm toán viên nhà nước cần yêu cầu lãnh đạo của đơn vị được kiểm toán phải có giải trình bằng văn bản để xác nhận những câu trả lời phỏng vấn bằng lời.



Tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán

32. Khi thiết kế và thực hiện các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên nhà nướcphải xem xét tính phù hợp và độ tin cậy của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán.

33. Bằng chứng kiểm toán chủ yếu được thu thập từ các thủ tục kiểm toán được thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán. Chất lượng của bằng chứng kiểm toán chịu ảnh hưởng của tính phù hợp và độ tin cậy của tài liệu, thông tin làm cơ sở cho bằng chứng kiểm toán.

Tính phù hợp

34. Tính phù hợp đề cập đến mối quan hệ logic, hoặc liên quan tới mục đích của thủ tục kiểm toán và trong một số trường hợp là cơ sở dẫn liệu được xem xét. Tính phù hợp của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán có thể chịu ảnh hưởng của mục đính kiểm tra của kiểm toán viên nhà nước. Chẳng hạn, nếu mục đích của một thủ tục kiểm toán là nhằm kiểm tra giá trị hoặc sự hiện hữu của các khoản phải trả có bị phản ánh cao hơn thực tế hay không, thì thủ tục kiểm toán phù hợp có thể là kiểm tra các khoản phải trả đã được ghi nhận trên sổ kế toán; còn khi mục đích của thủ tục kiểm toán là nhằm kiểm tra giá trị hoặc sự hiện hữu của các khoản phải trả có bị phản ánh thấp hơn thực tế hay không thì việc kiểm tra các khoản phải trả đã được ghi nhận trên sổ kế toán sẽ là không phù hợp, mà thủ tục kiểm toán phù hợp có thể là kiểm tra các tài liệu, thông tin như các khoản chi sau ngày khoá sổ lập báo cáo tài chính, các hóa đơn chưa thanh toán, báo cáo của nhà cung cấp, báo cáo về các hàng hóa đã nhận nhưng chưa đối chiếu khớp về số liệu với đơn đặt hàng.

35. Một số thủ tục kiểm toán có thể cung cấp bằng chứng kiểm toán phù hợp cho một cơ sở dẫn liệu nhất định, song không hoàn toàn phù hợp với các cơ sở dẫn liệu khác. Chẳng hạn như việc kiểm tra các tài liệu liên quan đến việc thu tiền của các khoản phải thu sau ngày kết thúc kỳ kế toán có thể cung cấp bằng chứng kiểm toán về sự hiện hữu và giá trị, nhưng không hẳn là bằng chứng về tính đúng kỳ. Tương tự, việc thu thập bằng chứng kiểm toán về một cơ sở dẫn liệu cụ thể (như sự hiện hữu của hàng tồn kho), không thay thế cho việc thu thập bằng chứng kiểm toán về một cơ sở dẫn liệu khác (như giá trị của hàng tồn kho đó). Mặt khác, bằng chứng kiểm toán từ các nguồn khác nhau,dưới các dạng khác nhau có thể cũng phù hợp cho cùng một cơ sở dẫn liệu.

36. Thử nghiệm kiểm soát được thiết kế để đánh giá tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát trong việc ngăn chặn hoặc phát hiện và sửa chữa các sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Việc thiết kế các thử nghiệm kiểm soát nhằm thu thập bằng chứng kiểm toán phù hợp để xác địnhcông tác kiểm soát đã đúng hoặc không được thực hiện đúng như thiết kế của công tác kiểm soát.

37. Thử nghiệm cơ bản bao gồm thủ tục phân tích cơ bản và kiểm tra chi tiết. Việc thiết kế các thử nghiệm cơ bản nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán phù hợp về các vấn đề sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu.

Độ tin cậy

38. Độ tin cậy của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toánphụ thuộc vào nguồn gốc, nội dung và hoàn cảnh mà tài liệu, thông tin được thu thập, bao gồm cả sự kiểm soát việc tạo lập và lưu trữ tài liệu, thông tin. Việc đánh giá về độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán có thể dựa trên các nguyên tắc sau:



  1. Bằng chứng kiểm toán được thu thập từ các nguồn độc lập bên ngoài đơn vị có độ tin cậy cao hơn bằng chứng kiểm toán do đơn vị cung cấp;

  2. Bằng chứng kiểm toán được tạo ra trong nội bộ đơn vị có độ tin cậy cao hơn khi các kiểm soát liên quan (kể cả các kiểm soát đối với việc tạo lập và lưu trữ các bằng chứng) được thực hiện hiệu quả;

  3. Bằng chứng kiểm toán do kiểm toán viên nhà nước trực tiếp thu thập đáng tin cậy hơn so với bằng chứng kiểm toán được thu thập gián tiếp hoặc do suy luận;

  4. Bằng chứng kiểm toán dạng văn bản (có thể là trên giấy tờ, phương tiện điện tử, hoặc các dạng khác) đáng tin cậy hơn bằng chứng được thu thập bằng lời;

  5. Bằng chứng kiểm toán là các chứng từ, tài liệu gốc đáng tin cậy hơn bằng chứng kiểm toán là bản copy, bản fax hoặc các tài liệu được quay phim, số hóa hoặc được chuyển thành bản điện tử mà độ tin cậy của các tài liệu này có thể phụ thuộc vào các kiểm soát đối với việc tạo lập và lưu trữ tài liệu, thông tin.

Các nguyên tắc trên được áp dụng hữu hiệu để đánh giá độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như: Tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán được thu thập từ các nguồn độc lập ngoài đơn vị có thể không đáng tin cậy nếu nguồn gốc tài liệu, thông tin đó không rõ ràng.

39. Nếu tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán được tạo lập trên cơ sở sử dụng kết quả công việc của cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán hoặc chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê, tùy thuộc vào tầm quan trọng của công việc đó đối với mục đích kiểm toán, trong phạm vi cần thiết, kiểm toán viên nhà nước cần:

  1. Đánh giá năng lực, khả năng và tính khách quan củacán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán hoặc chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê;

(ii) Tìm hiểu về công việc của cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán hoặc chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê;

(iii) Đánh giá tính thích hợp của công việc được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán cho cơ sở dẫn liệu có liên quan.

40. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán có thể cần đến chuyên môn trong một lĩnh vực khác ngoài kế toán, kiểm toán, như việc tính toán thống kê bảo hiểm, định giá, hoặc dữ liệu kỹ thuật... Đơn vị được kiểm toán có thể sử dụng cán bộ chuyên môn của đơn vị hoặc thuê chuyên gia trong các lĩnh vực này để có đủ chuyên môn cần thiết cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính, nếu không sẽ làm tăng rủi ro có sai sót trọng yếu.

Đánh giá năng lực chuyên môn, khả năng thực hiện nhiệm vụ và tính khách quan của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê

41. Năng lực chuyên môn, khả năng thực hiện nhiệm vụ và tính khách quan của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê ảnh hưởng quan trọng đến độ tin cậy của tài liệu, thông tin do họ tạo ra. Kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện đánh năng lực chuyên môn, khả năng thực hiện nhiệm vụ và tính khách quan của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê thông qua sự hiểu biết, trình độ chuyên môn, việc sử dụng năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ, các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thực hiện nhiệm vụ và tính khách quan trong việc xét đoán chuyên môn.

42. Khi đánh giá tính khách quan của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê, kiểm toán viên nhà nước phải lưu ý đến những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính khách quan đó, như: nguy cơ do tư lợi, nguy cơ về sự bào chữa, nguy cơ về sự quen thuộc, nguy cơ tự kiểm tra và nguy cơ bị đe dọa...

Tìm hiểu về công việc của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê

43. Kiểm toán viên nhà nước phải hiểu biết về công việc của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuênhư hiểu biết về lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Trong trường hợp kiểm toán viên nhà nước không có đủ chuyên môn cần thiết để đánh giá công việc của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê thì cần phải yêu cầu sử dụng đến chuyên gia của Kiểm toán nhà nước để thực hiện việc đánh giá.

44. Khi tìm hiểu về công việc của chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê, kiểm toán viên nhà nước có thể dựa trên việc đánh giá hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa đơn vị được kiểm toán với chuyên gia đó. Khi tìm hiểu về công việc của cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước có thể phỏng vấn cán bộ chuyên môn đó, cũng như các thành viên ban quản lý, quản trị của đơn vị để có những hiểu biết cần thiết.

Đánh giá tính thích hợp của kết quả công việc của cán bộ chuyên môn của đơn vị được kiểm toán, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê

45. Khi đánh giá tính thích hợp của kết quả công việc của cán bộ chuyên môn, chuyên gia do đơn vị được kiểm toán thuê được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán cho cơ sở dẫn liệu liên quan, kiểm toán viên nhà nước cần lưu ý các vấn đề như: Tính phù hợp, hợp lý của các phát hiện, kết luận, tính nhất quán của các phát hiện, kết luận này với các bằng chứng kiểm toán khác; Tính phù hợp, hợp lý của các giả định và phương pháp quan trọng cũng như tính phù hợp, đầy đủ và chính xác của các nguồn dữ liệu đã được sử dụng.

46. Khi sử dụng tài liệu, thông tin do đơn vị được kiểm toán tạo lập, kiểm toán viên nhà nước phải đánh giá độ tin cậy của tài liệu, thông tin đó cho mục đích kiểm toán bằng cách thu thập bằng chứng về tính chính xác và tính đầy đủ của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán và đánh giá mức độ chính xác và chi tiết của tài liệu, thông tin đó cho mục đích kiểm toán.

47. Để thu thập được bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy, tài liệu, thông tin do đơn vị được kiểm toán tạo lập được sử dụng khi tiến hành các thủ tục kiểm toán cần phải đầy đủ và chính xác. Chẳng hạn, tính hữu hiệu của việc kiểm toán doanh thu bằng cách nhân giá niêm yết với khối lượng hàng bán sẽ chịu ảnh hưởng của tính chính xác của thông tin về giá và tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu về khối lượng hàng bán; nếu kiểm toán viên nhà nước dự định kiểm tra các khoản chi để tìm bằng chứng về việc phê duyệt các khoản chi, kết quả kiểm tra sẽ có độ tin cậy thấp hơn nếu tổng thể được lựa chọn để kiểm tra không đầy đủ.

48. Việc thu thập bằng chứng chứng minh tính chính xác và đầy đủ của tài liệu, thông tin có thể được thực hiện đồng thời với thủ tục kiểm toán để thu thập tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước có thể thu thập được bằng chứng về tính chính xác và đầy đủ của tài liệu, thông tin bằng cách áp dụng thử nghiệm kiểm soát đối với việc tạo lập và lưu trữ tài liệu, thông tin đó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kiểm toán viên nhà nước có thể quyết định cần phải có các thủ tục kiểm toán bổ sung.

Lựa chọn các phần tử kiểm tra để thu thập bằng chứng kiểm toán

49. Khi thiết kế các thủ tục thử nghiệm kiểm soát và thử nghiệm cơ bản, kiểm toán viên nhà nước phải xác định cách thức lựa chọn các phần tử để tiến hành các thử nghiệm một cách hiệu quả nhằm đạt được mục đích của thủ tục kiểm toán.

50. Một thử nghiệm hiệu quả sẽ cung cấp bằng chứng kiểm toán thích hợp, nếu được sử dụng cùng với các bằng chứng kiểm toán khác thu thập được sẽ đầy đủ cho mục đích kiểm toán. Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải lựa chọn các phần tử để kiểm tra. Khi lựa chọn các phần tử để kiểm tra, phải xác định tính phù hợp và độ tin cậy của tài liệu, thông tin được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán. Các phương pháp sử dụng để lựa chọn phần tử kiểm tra gồm:



    1. Chọn tất cả các phần tử (kiểm tra 100%);

    2. Lựa chọn các phần tử cụ thể;

    3. Chọn mẫu kiểm toán.

Việc áp dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp này có thể phù hợp tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Chọn tất cả các phần tử

51. Chọn tất cả các phần tử là việc chọn 100% các phần tử trong tổng thể để kiểm tra nhằm thu thập tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước có thể quyết định việc chọn tất cả các phần tử để kiểm tra. Việc kiểm tra tất cả các phần tử thường không áp dụng đối với thử nghiệm kiểm soát nhưng thường được áp dụng đối với kiểm tra chi tiết. Chọn tất cảcác phần tử có thể thích hợp khi:



  1. Tổng thể được cấu thành từ một số ít các phần tử có giá trị lớn;

  2. Có rủi ro đáng kể mà các phương pháp khác không cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp; hoặc

  3. Tính chất lặp đi lặp lại của việc tính toán hoặc quy trình khác được thực hiện tự động bởi một hệ thống thông tin giúp việc kiểm tra tất cả các phần tử sẽ tiết kiệm chi phí hơn.

Lựa chọn các phần tử cụ thể

52. Lựa chọn các phần tử cụ thể là việc lựa chọn một số phần tử cụ thể trong tổng thể để kiểm tra nhằm thu thập tài liệu, thông tin làm bằng chứng kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước có thể quyết định lựa chọn các phần tử cụ thể từ một tổng thể. Khi lựa chọn các phần tử cụ thể để kiểm tra, kiểm toán viên nhà nước dựa trên sự hiểu biết về đơn vị được kiểm toán, các rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá và đặc điểm của tổng thể được kiểm tra. Việc lựa chọn các phần tử cụ thể theo xét đoán của kiểm toán viên nhà nước phải xem xét ảnh hưởng rủi ro của các phần tử không được lựa chọn. Các phần tử cụ thể được chọn có thể bao gồm:



  1. Các phần tử có giá trị lớn hoặc các phần tử đặc biệt: Kiểm toán viên nhà nước có thể quyết định lựa chọn một sốphần tử cụ thể trong một tổng thể do các phần tử này có giá trị lớn hoặc có một số tính chất khác, như các phần tử có nghi ngờ, bất thường, có nguy cơ rủi ro cao hoặc đã từng bị nhầm lẫn;

  2. Tất cả các phần tử có giá trị cao hơn một giá trị nhất định: Kiểm toán viên nhà nước có thể quyết định kiểm tra tất cả các phần tử có giá trị được ghi nhận cao hơn một giá trị nhất định nhằm xác minh một phần lớn trong tổng giá trị của một nhóm giao dịch hoặc số dư tài khoản;

  3. Các phần tử theo mục đích cụ thể: Kiểm toán viên nhà nước có thể kiểm tra các phần tử để thu thập tài liệu, thông tin về các vấn đề như đặc điểm hoạt động của đơn vị hoặc bản chất của các giao dịch.

53. Mặc dù việc lựa chọn các phần tử nhất định để kiểm tra thường là một phương pháp hiệu quả để thu thập bằng chứng kiểm toán, nhưng đây không phải là phương pháp chọn mẫu kiểm toán. Kết quả của các thủ tục kiểm toán được áp dụng cho các phần tử được lựa chọn theo cách này không thể được suy rộng cho toàn bộ tổng thể; do đó, việc lựa chọn các phần tử cụ thể để kiểm tra không cung cấp bằng chứng kiểm toán về phần còn lại của tổng thể.

Chọn mẫu kiểm toán

54. Chọn mẫu kiểm toán là áp dụng các thủ tục kiểm toán trên số phần tử ít hơn 100% tổng số phần tử của một số d­ư tài khoản hay một loại nghiệp vụ, sao cho mọi phần tử đều có cơ hội để đ­ược chọn. Việc chọn mẫu kiểm toán được thiết kế để giúp đưa ra kết luận về toàn bộ tổng thể dựa trên kết quả kiểm tra mẫu được rút ra từ tổng thể đó. Chọn mẫu kiểm toán được quy định và hướng dẫn cụ thể trong Chuẩn mực kiểm toán nhà nước số 1530.



Tính không nhất quán, hoặc những hoài nghi về độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán

55. Khi bằng chứng kiểm toán thu thập từ các nguồn khác nhau không nhất quán hoặc kiểm toán viên nhà nước nghi ngờ về độ tin cậy của thông tin, tài liệu được sử dụng làm bằng chứng kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước cần điều chỉnh hoặc bổ sung các thủ tục kiểm toán cần thiết để giải quyết và đồng thời xem xét ảnh hưởng (nếu có) của các vấn đề này đến các khía cạnh khác của cuộc kiểm toán.



Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

58. Bằng chứng kiểm toán được lưu trữ trong tài liệu, hồ sơ kiểm toán theo quy định tại Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1230./.





Каталог: Data -> hant -> File
File -> C dự thảO ĐĂng website huẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1230 (cmktnn 1230)
File -> DỰ thảo huẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1320 (cmktnn 1320) XÁC ĐỊnh và VẬn dụng trọng yếu kiểm toán I. Quy đỊnh chung
File -> Chuẩn mực kiểm toán nưỚc số 1330 (cmktnn 1330) biện pháp xử LÝ RỦi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính quy đỊnh chung
File -> Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1510 (cmktnn 1510) kiểm toán số DƯ ĐẦu kỳ TRONG kiểm toán tài chính quy đỊnh chung
File -> Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1520 (cmktnn 1520) thủ TỤc phân tích trong kiểm toán tài chính quy đỊnh chung
File -> Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1560 (cmktnn 1560) CÁc sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ KẾ toán quy đỊnh chung
File -> Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1620 (cmktnn 1620) SỬ DỤng công việc của chuyên gia trong kiểm toán tài chính quy đỊnh chung
File -> Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 1705 (cmktnn 1705) Ý kiến kiểm toán không phảI Ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán tài chính quy đỊnh chung
File -> KIỂm toán nhà NƯỚc cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
File -> Chuẩn mực kiểm toán nhà NƯỚc số 400 (cmktnn 400) CÁc nguyên tắc cơ BẢn của kiểm toán tuân thủ giới thiệu chung

tải về 98.23 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương