Bán nguyệt san – Số 265 – Chúa nhật 03. 01. 2016



tải về 425.59 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích425.59 Kb.
#29643
  1   2   3   4   5


Bán nguyệt san – Số 265 – Chúa nhật 03.01.2016


Giáo sĩ: ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI VÀ CHO LOÀI NGƯỜI (x. Dt, 5.1)

www.conggiaovietnam.net giaosivietnam@gmail.com



MỤC LỤC
CÁC BÍ TÍCH KHÁC VÀ CÁC Á BÍ TÍCH ………………………………………… Vatican 2

DẤU CHỈ LÒNG THƯƠNG XÓT …………………………… TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

GIÁNG SINH CỦA HAI NĂM THÁNH …………………... Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

GIA ĐÌNH LÀ KIỆT TÁC CỦA THIÊN CHÚA ……………….. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

HÃY LÀ SAO LẠ DẪN ĐƯỜNG GIỚI THIỆU CHÚA …………………………... Huệ Minh

MỘT VÌ SAO VÀ MỘT TRÁI TIM TINH TUYỀN ……….. Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD.

ƠN THA THỨ - LÒNG THƯƠNG XÓT ………………………. Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Ba Vua đến thờ lạy Chúa Bé Thơ ……………………………. Luật Sư Nguyễn Công Bình

KITÔ GIÁO TẠI HÀN QUỐC …………………………………… Phan Vĩnh Tâm lược dịch

SỐNG DƯỚI SỰ CHE CHỞ CỦA MẸ MARIA ... Lm. Micae Phaolo Trần Minh Huy, pss.


ĐẠO ĐỨC HỌC CÔNG GIÁO ROMA: BA CÁCH TIẾP CẬN………………………. ……………………………………………Chuyển ngữ do Linh mục Trần Mạnh Hùng, STD

Tiêu - Nước tiểu - Vitamin ……………………………………. Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức, MD

CÁC BÍ TÍCH KHÁC VÀ CÁC Á BÍ TÍCH


Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II 

Bản dịch của Ủy Ban Gíao Lý Đức Tin, HĐGMVN

LTS: BBT CGVN và Đặc San GSVN hân hạnh giới thiệu trọn bộ 16 Văn Kiện Công Đồng Vatican 2, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN, ấn bản mới nhất, giá bán lẻ tại các Nhà Sách Công Giáo 120.000VN.
Suốt hơn 10 năm qua trên Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam chúng con đã trung thành phổ biến bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện PIO X Đà Lạt; Nay với trọn tấm lòng biết ơn các dịch giả qua các thời kỳ, chúng con xin tiếp tục công việc tối cần thiết này nhưng với một bản dịch hoàn chỉnh hơn - Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN. Rất mong được mọi người đón nhận, hỗ trợ việc phổ biến tài liệu quí này như KIM CHỈ NAM đích thực, đầy đủ và hoàn hảo cho mọi thành phần Dân Chúa. Chúng ta đang sống trong thời điểm kỷ niệm 50 năm Thánh Công Đồng Chung Vatican 2; Dân Chúa Việt Nam khi dành thời gian đọc lại các Hiến Chế, Sắc Lệnh, Tuyên Ngôn sẽ luôn nhận ra điều mới mẻ và hữu ích cho từng cá nhân cũng như cộng đoàn.
Chúng con xin chân thành cám ơn Quí Đức Cha, Quí Cha Ủy Ban GLĐT đã sẵn lòng cho phép chúng con giới thiệu bản văn quí giá này qua internet. Quí Cha và Quí Vị có thể yêu cầu nhận trọn bộ hay từng Văn Kiện cụ thể trên một file word qua email, hoặc cũng có thể tải về máy tại địa chỉ: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=subject&is=31
Xin chân thành cám ơn
BBT CGVN & Đặc San GSVN




HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ THÁNH

SACROSANCTUM CONCILIUM

Ngày 4 tháng 12 năm 1963

CHƯƠNG III

CÁC BÍ TÍCH KHÁC VÀ CÁC Á BÍ TÍCH


59. Các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa; vì là những dấu chỉ, các bí tích còn có mục đích giáo huấn. Các bí tích không những giả thiết phải có đức tin, mà còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin bằng các lời đọc và nghi thức, vì thế, được gọi là các bí tích của đức tin. Thật vậy, các bí tích ban ân sủng, còn việc cử hành các bí tích sẽ giúp các tín hữu sẵn sàng đón nhận ân sủng đó cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức ái.

Do đó, điều rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các bí tích, và siêng năng lãnh nhận các bí tích đã được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.



60. Ngoài ra, Mẹ thánh Giáo Hội còn thiết lập những á bí tích. Đó là những dấu chỉ thánh thiêng, phần nào phỏng theo những bí tích, qua đó những năng lực, nhất là những năng lực thiêng liêng được biểu thị và thông ban nhờ sự chuyển cầu của Giáo Hội. Các á bí tích giúp con người sẵn sàng lãnh nhận hiệu năng chính yếu của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống.

61. Vì thế, nơi các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, Phụng vụ các bí tích và á bí tích sẽ thánh hóa hầu hết những biến cố trong đời sống nhờ nguồn ân sủng siêu nhiên xuất phát từ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại, Đấng chính là nguồn phát sinh năng lực cho tất cả các bí tích và á bí tích; và kể như mọi việc sử dụng chính đáng các chất thể hữu hình đều có thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa.

62. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, một số yếu tố đã được đưa vào các nghi thức khiến cho con người thời nay không còn nhận ra rõ ràng bản chất và mục đích của các bí tích và á bí tích, vì thế, cần phải thích nghi những yếu tố đó cho hợp với nhu cầu của thời đại, từ đó trong việc duyệt xét lại các nghi thức, thánh Công Đồng quyết định các điều sau đây.

63. Vì việc dùng tiếng bản địa trong khi cử hành bí tích và á bí tích, có thể rất ích lợi cho giáo dân, nên có thể sử dụng rộng rãi ngôn ngữ địa phương theo những qui tắc sau đây:

a) Tiếng bản địa có thể được sử dụng trong khi cử hành các bí tích và á bí tích theo qui tắc đã nêu lên trong số 36.

b) Dựa theo ấn bản mới của quyển Nghi Lễ Rôma, các sách Nghi thức riêng thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về phương diện ngôn ngữ, phải được soạn thảo càng sớm càng tốt bởi thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, và sau khi đã được Tòa Thánh chuẩn y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền liên quan. Trong việc soạn thảo các sách Nghi thức, hay những tập sách đặc biệt về các nghi thức, không được bỏ qua những huấn thị ghi ở đầu từng nghi thức trong sách Nghi Lễ Rôma, dù là huấn thị về mục vụ, về phần chữ đỏ, hay những huấn thị có giá trị xã hội đặc biệt.

64. Phải phục hồi chương trình giáo lý dự tòng cho người trưởng thành, tiến hành qua nhiều giai đoạn tách biệt, và việc thực hiện phải tùy theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương; nhờ đó, thời gian dự tòng dành cho việc huấn giáo tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh, được cử hành vào những thời điểm nối tiếp nhau.

65. Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng được phép công nhận những yếu tố của việc khai tâm đang được thực hiện nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo, theo qui tắc đã nêu trong các số 37-40 của Hiến chế này.

66. Phải duyệt lại cả hai nghi thức Rửa tội cho người trưởng thành, một nghi thức đơn giản và một nghi thức trọng thể dựa trên chương trình mới của giáo lý dự tòng; và sẽ đưa vào Sách lễ Rôma một lễ đặc biệt trong dịp “ban bí tích Thánh tẩy”.

67. Phải duyệt lại nghi thức Rửa tội cho trẻ em, và thích nghi với trường hợp các trẻ sơ sinh; nghi thức phải làm nổi bật hơn nữa vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu.

68. Khi có đông người chịu bí tích Thánh tẩy, trong nghi lễ nên có những thích ứng tùy theo phán quyết của Đấng Bản Quyền địa phương. Cũng phải soạn thảo một “nghi thức vắn tắt”, để các giáo lý viên, đặc biệt trong các xứ truyền giáo, và cách chung các tín hữu, có thể sử dụng trong trường hợp nguy tử khi không có linh mục hay phó tế.

69. Thay vì nghi thức vẫn được gọi là “nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã Rửa tội”, phải soạn thảo một nghi thức mới, trong đó nói lên rõ ràng và thích hợp hơn về việc em bé được rửa tội theo nghi thức vắn tắt cũng đã được nhận vào Giáo Hội rồi.

Cũng thế, đối với những người trước kia đã được rửa tội thành sự, nay trở về với Giáo Hội Công Giáo, phải soạn thảo một nghi thức mới trong đó nêu lên ý nghĩa việc họ được chấp nhận, được hiệp thông với Giáo Hội.



70. Ngoài mùa Phục sinh, có thể làm phép nước Rửa tội ngay trong nghi thức Thánh tẩy, theo một công thức vắn tắt đã được chuẩn nhận.

71. Cũng phải duyệt lại nghi thức Thêm sức để làm sáng tỏ hơn mối tương quan mật thiết của bí tích này với toàn thể nghi lễ gia nhập Kitô giáo. Vì thế, nên lập lại lời hứa Rửa tội ngay trước khi nhận lãnh bí tích Thêm sức.

Nếu thuận tiện, có thể cử hành bí tích Thêm sức trong thánh lễ. Còn khi cử hành ngoài thánh lễ, phải soạn thảo một công thức để mở đầu nghi lễ.



72. Nghi lễ và công thức bí tích Giải tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của bí tích này.

73. “Bí tích Xức dầu sau cùng” hay đúng hơn phải gọi là “bí tích Xức dầu bệnh nhân” không phải là bí tích dành riêng cho những người hấp hối. Dĩ nhiên, thời gian thuận tiện để lãnh nhận bí tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.

74. Ngoài hai nghi thức tách biệt nhau là Xức dầu bệnh nhân và trao Của Ăn Đàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó bệnh nhân sẽ được xức dầu sau khi xưng tội và trước khi nhận Của Ăn Đàng.

75. Số lần xức dầu sẽ tùy nghi thực hiện, và các lời nguyện đọc trong nghi thức xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích ứng với từng trường hợp của bệnh nhân khi nhận lãnh bí tích này.

76. Các Nghi lễ Phong chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản văn. Những lời huấn dụ của Đức Giám mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn phong có thể dùng tiếng bản địa.

Trong Nghi lễ Tấn phong Giám mục, tất cả các Giám mục hiện diện đều có thể đặt tay.



77. Nghi lễ cử hành Hôn phối, hiện có trong sách Nghi lễ Rôma, phải được duyệt lại và làm cho phong phú hơn, để ân sủng của bí tích này được biểu hiện rõ ràng hơn và nhấn mạnh nhiều hơn về bổn phận của hai vợ chồng.

“Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành bí tích Hôn phối, thì thánh Công Đồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó”1.

Ngoài ra, thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã nói trong số 22 §2 của Hiến chế này, có quyền soạn thảo, theo qui tắc trong số 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc, nhưng phải duy trì việc linh mục chủ sự phải hỏi và nhận lời ưng thuận của hai người kết ước.

78. Theo thường lệ, Hôn phối phải cử hành trong thánh lễ, sau bài Phúc Âm và bài giảng và trước “lời nguyện giáo dân”. Lời nguyện cho người vợ phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh đến việc cả hai vợ chồng cùng có bổn phận phải trung tín với nhau, lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản địa.

Nhưng nếu bí tích Hôn phối cử hành ngoài thánh lễ, thì phải đọc bài Thánh Thư và Tin Mừng của Lễ Hôn phối trước khi bắt đầu nghi lễ và luôn luôn phải chúc lành cho đôi tân hôn.



79. Phải duyệt lại các á bí tích, chú ý tới các qui tắc căn bản này, là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự cách ý thức và tích cực, và cũng phải lưu tâm tới những nhu cầu của thời đại hiện nay. Trong khi duyệt lại các nghi thức theo qui tắc trong số 63, cũng có thể thêm các á bí tích mới tùy theo nhu cầu đòi hỏi.

Sẽ có rất ít các nghi thức làm phép dành riêng, và khi đó chỉ ưu tiên cho các Giám mục và các Đấng Bản Quyền.

Phải dự liệu để những giáo dân nào có đủ các đức tính thích hợp, có thể cử hành một vài á bí tích, ít là trong những hoàn cảnh đặc biệt và tùy theo sự xét định của Đấng Bản Quyền.

80. Phải duyệt lại Nghi lễ Thánh hiến các Trinh nữ, đã có trong Sách Nghi lễ Giám mục Rôma.

Ngoài ra, phải soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn sao cho có tính cách duy nhất hơn, đơn giản hơn và trang trọng hơn. Những ai tuyên khấn hay lập lại lời khấn trong thánh lễ, phải dùng nghi thức này, trừ khi có đặc quyền riêng.

Nên cử hành nghi thức khấn dòng trong thánh lễ.

81. Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách vượt qua của cái chết Kitô giáo, và phải đáp ứng hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, ngay cả về màu sắc Phụng vụ.

82. Phải duyệt lại nghi lễ an táng trẻ em và lập một thánh lễ riêng.

VỀ MỤC LỤC
 DẤU CHỈ LÒNG THƯƠNG XÓT

Thánh lễ Đêm Giáng Sinh

Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14

Thiên sứ bảo các mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Thật lạ lùng. Thiên Chúa giáng trần cứu nhân độ thế không tỏ mình qua một dấu chỉ ngoạn mục, cao cả, lẫy lừng. Nhưng tỏ mình qua một dấu chỉ nhỏ bé, yếu ớt, tầm thường. Đó là dấu chỉ của Lòng Thương Xót.

Vì Lòng Thương Xót Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người. Thiên Chúa yêu thương đã tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng quá yếu đuối, tội lỗi, con người không giữ được hình ảnh cao đẹp ấy. Vẫn trung tín với dự định ban đầu, Thiên Chúa đành phải mặc lấy thân phận con người. Con người không thể mang hình ảnh Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã mang lấy hình ảnh con người. Đó là kết quả của Lòng Thương Xót

Lòng Thương Xót nói lên tình yêu vượt quá sức tưởng tượng của con người. Con người bỏ Chúa đi xa lạc. Dù xa lạc đến đâu con người vẫn ở trong trái tim của Chúa. Nên Chúa đi đến tận chân trời góc biển để tìm kiếm. Logo của Năm Thánh Lòng Thương Xót là một minh hoạ tuyệt vời. Chúa đã trở nên giống hệt con người. Mặt Chúa và mặt người giống hệt nhau. Hướng về nhau. Đến nỗi có chung một con mắt. Để từ nay Thiên Chúa nhìn con người bằng chính mắt của con người. Để cảm thông với con người. Để yêu thương con người. Để hoán cải con người. Để từ nay con người nhìn vũ trụ bằng đôi mắt của Thiên Chúa. Để hiểu được Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Để sống trong vũ trụ theo chương trình ban đầu của Thiên Chúa. Đó chính là chương trình đem lại hạnh phúc cho con người và cho thế giới.

Lòng Thương Xót là sự tha thứ vô cùng. Vì con người bỏ Chúa mà đi. Đã lầm đường lạc lối. Đã rơi vào ngõ cụt. Đã bị thương tích. Đã không tìm được lối về. Chúa vẫn yêu thương. Băng rừng vượt suối để đi tìm con người. Tìm được rồi. Vác lên vai mang về. Hãy chiêm ngắm logo Năm Thánh. Chúa đã vất vả lắm. Chân thấp chân cao. Tay vẫn còn mang thương tích vì bị con người đóng đinh. Nhưng Chúa không quan tâm đến thương tích của mình. Quên đau đớn của mình. Để vác con người trên vai. Tìm được con người rồi Chúa không lên án lỗi lầm. Nhưng mở tiệc ăn mừng. Đó là tình yêu thương vô biên. Yêu thương đến tha thứ những phản bội. Yêu thương đến quên mình. Dám chết vì người mình yêu. Lòng Thương Xót của Chúa thật vô biên. Không ai hiểu thấu. Không lý luận nào có thể cắt nghĩa.

Lòng Thương Xót lại nói lên sức mạnh vô biên của Thiên Chúa. Sức mạnh trần gian bộc lộ trong sự giận dữ. Đó là sức mạnh không tự kềm chế. Sức mạnh của Thiên Chúa biểu lộ trong sự yêu thương. Đó là sức mạnh vô biên, thắng được sự giận dữ. Làm chủ được sức mạnh của mình. Sức mạnh trần gian thích trừng phạt. Sức mạnh của Thiên Chúa yêu tha thứ. Sức mạnh của trần gian dùng để ức hiếp. Sức mạnh của Thiên Chúa dùng để phục vụ. Sức mạnh của trần gian kiêu căng. Sức mạnh của Thiên Chúa khiêm nhường. Sức mạnh của trần gian tàn nhẫn. Sức mạnh của Thiên Chúa thương xót. Sức mạnh của trần gian tìm bành trướng. Sức mạnh của Thiên Chúa tự trở nên bé nhỏ. Như một em bé sơ sinh. Chính trong sự bé nhỏ, yếu ớt, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ, Chúa biểu lộ sức mạnh vô biên. Đó là sức mạnh của Lòng Thương Xót

Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mở một triều đại mới. Triều đại của Lòng Thương Xót. Hài nhi Giê-su sinh làm em nhỏ sơ sinh để sống đời phó thác. Phó thác cho Lòng Thương Xót. Phó thác trong bàn tay của Chúa Cha. Phó thác cho cả nhân loại. Đó là món quà trọng đại Thiên Chúa tặng ban cho con người. Để con người sử dụng theo ý mình. Và trẻ thơ Giê-su cần đến Lòng Thương Xót để tồn tại, để hiện diện, để yêu thương. Vì thế trẻ thơ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ kêu gọi Lòng Thương Xót của thế giới, của con người.

Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mạc một thế giới mới. Thế giới sống chung hoà bình. Trẻ thơ không có sức mạnh. Không có khí giới. Chỉ có tâm hồn trong trắng. Ánh mắt ngây thơ. Vòng tay giang rộng. Nằm giữa anh em mục đồng nghèo khổ. Giữa bầy súc vật hiền lành. Trên cỏ khô dân dã. Tất cả là một cảnh hoà bình. Con người sống hài hoà với Thiên Chúa. Với nhau. Với thiên nhiên vạn vật. Đó chính là Lòng Thương XótThương xót chính Thiên Chúa đang chịu đau khổ vì tội lỗi nhân loại. Thương xót anh em đồng loại. Để tránh cảnh máu đổ đầu rơi. Thương xót thiên nhiên vạn vật. Đừng gây nên những vết thương cho thân thể vũ trụ. Phá hoại thiên nhiên là giết chính mình. Là tàn phá ngôi nhà khiến chính mình không còn nơi trú ngụ.  

Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ khai mạc một nhân loại mới. Như hài nhi Giê-su mới sinh. Nhân loại mới không sinh ra trong tội lỗi để tàn sát lẫn nhau. Nhưng sinh ra trong ân sủng của Chúa để yêu thương nhau. Không sinh ra theo xác thịt để sống theo thú tính. Nhưng sinh ra trong Thần Khí để làm chủ dục vọng. Không sống theo ý riêng với tính ích kỷ chỉ biết cá nhân. Nhưng sống theo ý Chúa biết mở lòng ra với tha nhân. Không chỉ sống cho mình. Nhưng quên mình để sống cho mọi người. Vì Chúa Giê-su nằm trên máng cỏ đã trở thành lương thực nuôi đoàn chiên. 

Một triều đại mới như thế sẽ kiến tạo một nền “hoà bình vô tận” như I-sa-i-a loan báo từ ngàn xưa. Và mọi người trở thành nhân loại mới như thư Ti-tô hướng dẫn để “được thanh luyện, khiến ta trở thành Dân Riêng của Người, một dân riêng hăng say làm việc thiện”.

Mừng lễ Chúa Giáng Sinh, ta hãy nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong “Hài nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Để hân hoan đón nhận món quà cao quí Thiên Chúa tặng ban. Để tâm hồn ta được biến đổi theo Lòng Thương Xót. Đó là ánh sáng soi đêm tối. Là hi vọng cho những bế tắc. Là phương thuốc chữa lành vết thương. Là nhịp cầu xây dựng tình người. Là phương án cho thế giới mới. Thế giới chan hoà sức sống và tình yêu.

Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa, vì Lòng Thương Xót của Chúa tồn tại đến muôn ngàn đời. Amen.

+ TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

Đan viện Châu Sơn

Thánh lễ Đêm Giáng Sinh, 24-12-2015 

VỀ MỤC LỤC

GIÁNG SINH CỦA HAI NĂM THÁNH

  


Thánh Vịnh 136 từng khẳng định: “Muôn Ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Đấng “Muôn Ngàn đời vẫn trọn tình thương” nay đã giáng thế. Năm nay, năm Thánh Lòng Chúa xót thương. Bên cạnh đó, chúng ta vui mừng cử hành năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Phú Cường. Đó là lý do chúng ta càng hỷ hoan, vì càng được sống trong tình yêu đậm đặc của Thiên Chúa.

Mừng lễ Giáng Sinh của năm Thánh lòng Chúa thương xót, và năm Thánh Kim khánh giáo phận, chúng ta càng được dịp chiêm ngưỡng hình ảnh cụ thể của lòng Thiên Chúa xót thương nơi Chúa Hài Nhi. Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa Giàu lòng thương xót đã trở nên người phàm. Vì thế, càng đúng với tên gọi của đêm nay. Đó là Đêm mà từ nay, Đấng “Emmanuel”, trở thành Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

1. Đã từng có một đêm như thế, một đêm mà mãi mãi Đấng Emmanuel không bao giờ rời xa chúng ta. Đó chính là đêm đã đưa Con Thên Chúa đến trần gian. Người sống như con người, ở giữa con người, chia sẻ kiếp người của chúng ta.

2. Khởi đi từ đêm nguồn của mọi đêm ấy, chúng ta lại được Lòng Chúa xót thương quy tụ để hợp cùng nhau dâng thánh lễ, cất cao lời ca – điệu múa – tiếng nhạc ca tụng Thiên Chúa, và hết lòng yêu thương nhau.

3. Đêm nay, đêm Tình Trời ngự giữa lòng người. Đó là đêm Thiên Chúa vinh danh, loài người an bình.

4. Đêm Thiên Chúa Giàu lòng thương xót hạ cố chính mình để nối kết muôn lòng người. Vì thế, chúng ta hãnh diện, từ nay được làm con Thiên Chúa.

5. Đêm nay, Thiên Chúa Giàu lòng thương xót đã đi bước trước để ban phát lòng thương xót và dạy từng người chúng ta cũng hãy xót thương nhau, sớt chia, giúp đỡ, quan tâm đến nhau.

6. Được nhận lãnh Lòng thương xót của Chúa, vì thế, đêm nay chúng ta ý thức mình có nhiệm vụ chia sẻ cho mọi người bất hạnh, để mọi nơi có bình an, mọi lòng người được nếm trải hạnh phúc.

7. Đêm nay, đêm đầy màu sắc, đêm đầy thanh âm. Vì thế, đêm nay chính là đêm hồng phúc. Bởi Thiên Chúa giàu lòng xót thương đã xóa khoảng cách, để chính Người, cũng trở thành một người như chúng ta là người.

Giữa dòng lịch sử nhân loại, đã có một đêm như thế! Một đêm như  bao đêm, nhưng lại là đêm linh thiêng trọng đại, đêm mang dấu ấn huyền diệu ngàn  đời có một không hai.

Đó chính là đêm mà nhân loại không ngần ngại gọi là “Đêm Thánh Vô cùng”, đêm của “Trời Đất giao duyên”, đêm của “Tình Yêu giao ước”. Bởi lẽ đó chính là đêm từ nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, Ngôi Hai Thiên Chúa lên đường đi vào lịch sử nhân loại, Người lên đường để thi hành sứ mệnh cứu độ của Chúa Cha dành cho mọi người chúng ta.

Bởi đêm thánh vô cùng này diễn ra trong năm Thánh Lòng Chúa thương xót và năm Thánh mừng Kim khánh giáo phận Phú Cường, Vì thế, đêm của lễ Giáng Sinh vốn đã là đêm của ánh sáng, càng thêm tràn ngập Ánh Sáng.

Ánh sáng của đêm nay không chỉ là ánh sáng của đèn, sao, nến, nhưng là Ánh Sáng Thần Linh của Tình yêu thương xót xuất phát từ lòng xót thương vô bờ bến của Thiên Chúa đổ ngập tràn tâm hồn mỗi tín hữu.

Ánh Sáng xuất phát từ tình yêu thương xót của Thiên Chúa xé tan màn đêm u tối của lòng ta còn đang bị thế gian, sự dữ, cám dỗ và những yếu đuối của bản thân gây ra.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa đem niềm vui cho tâm hồn những ai mang nặng sầu thương.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa ủi an và sớt chia tất cả những ốm đau, bệnh tật, cô đơn, giá rét, tủi nhục, bị hàm oan, bị ruồng bỏ, bị hiểu lầm.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào trần thế chữa lành tất cả, đỡ nâng tất cả, chan hòa tất cả.

Ánh Sáng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa nâng chúng ta lên, đến nỗi cùng với Chúa Kitô, Thiên Chúa thật là Cha của từng người chúng ta.

Vây cho nên, cử hành đêm thánh này, anh chị em hãy chạy đến cùng Chúa, hãy thiết tha xin Chúa Hài Nhi luôn ở cùng chúng ta, như chính tên gọi mà suốt dòng lịch sử, Người đã trao tặng chúng ta: Emmanuel.

Hãy chúc tụng Thiên Chúa. Hãy đón lấy tình yêu thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa.

Hãy ngả vào vòng tay của lòng xót thương, Thiên Chúa từ nhân dành cho từng người, không thiếu một ai.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

VỀ MỤC LỤC



tải về 425.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương