Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên hiện nay thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc



tải về 171.91 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích171.91 Kb.
#30667
  1   2


Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên hiện nay thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ thành phố Vĩnh Yên theo quốc lộ 2C để đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên. Tới đền Thõng là tới di tích. Khoảng cách từ Vĩnh Yên tới Tây Thiên là 30km.



Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích; căn cứ Điểm a, b Khoản 3, Điều 29 Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; căn cứ Điều 11 Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên thuộc loại hình: di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.

Về mặt địa lý tự nhiên, Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 (dài 11km, rộng 1km) với cảnh quan hết sức nên thơ, hùng vĩ. Trên nền cảnh ấy, cách đây ngót nghìn năm, nhiều di tích gắn với những vấn đề của lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc đã được cha ông ta dựng nên, như: chùa Chân Tiên, chùa Thiên Ân, chùa Phù Nghì, chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên, đền Tây Thiên, đền Thõng, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền, thang Bộ Vân, cầu Đái Tuyết…



Tam Đảo và thắng cảnh Tây Thiên

Tam Đảo dùng để chỉ 3 ngọn (trong dãy núi) liền nhau đột ngột nổi lên, bồng bềnh trong mây, lấy hình tượng như 3 hòn đảo trong biển mây phủ. Ba ngọn ấy có địa danh chép trong các sách địa chí đời cổ là:

- Phù Nghì - cao 1250 m.

- Thiên Thị (hoặc Kim Thiên) - cao 1585 m.

- Thạch Bàn - cao 1585 m.

Mục “núi sông” tỉnh Sơn Tây trong sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Núi Tam Đảo cách huyện Tam Dương 24 dặm về phía Bắc, giáp địa giới huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên ba ngọn cao vót. Ngọn giữa là Thạch Bàn, ngọn phía tả là Thiên Thị, ngọn phía hữu là Phù Nghì nên gọi là Tam Đảo”.

Dưới độ cao ấy là hệ thống các đồi gò liên tiếp, như bát úp trước núi, trải xuyên suốt từ phía bắc, qua miền tây bắc, tây nam dọc theo đứt gãy sông Đáy, từ địa phận các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo đến thành phố Vĩnh Yên tận cùng bởi vùng trũng địa chất chưa bị lấp đầy là đầm Vạc. Trong đó cũng đột ngột nổi lên là ngọn núi Đanh (Đinh Sơn), tạo nên một tiểu vùng non nước Vĩnh Yên, điểm hội tụ linh khí núi sông trung tâm thủ phủ tỉnh Vĩnh Phúc.

Về cảnh quan núi Tam Đảo, một tác giả người đời Minh (Trung Quốc) là Dương Thận đã từng mô tả: “…sông Tây Nhị Hà ở phía đông thành (tức là thành Đông Quan, nay là thủ đô Hà Nội) là sông Diệp Du ngày xưa (tức là sông Hồng ngày nay). Sông này phát nguyên từ Đặng Châu hợp với 18 con sông ở núi Điểm Thương mà rót vào sông ấy, hình thành như cái tai người, vòng quanh hơn 200 dặm, trong đó có nhiều thắng cảnh như Tam Đảo…”. Đó là thư tịch nước ngoài ở đầu thế kỷ XV viết về Tam Đảo.

Tác giả Lê Quý Đôn, mô tả ở thế kỉ XVIII: “Núi Tam Đảo ở địa phận 2 xã Lan Đình và Sơn Đình huyện Tam Dương. Mạch núi từ các xã Ki Phú, Huân Chu và Cát Nê các huyện Phú Lương và Đại Từ trấn Thái Nguyên từ cao kéo đến đây, nổi lên 3 ngọn cao vọt đến tầng mây”.

Thế kỉ XIX, trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, một tác giả Việt Nam khác là Phan Huy Chú viết về địa thế núi Tam Đảo: “…Huyện Tam Dương thế núi cao hiểm, núi Tam Đảo có nhiều ngọn liền nhau, ngoằn ngoèo bao la tiếp với Thái Nguyên”.

Trước thế núi bao la như vậy, nhà thơ Cao Bá Quát bằng cảm nhận của một thi nhân mặc khách, đã mô tả về quang cảnh non xanh nước biếc nơi ấy: Địa khống tam biên hoành nhất đái; Sơn liên thất huyện uất thiên bàn. (Đất chặn ba bề, ngang một dải; Núi liền bẩy huyện ngổn ngang trông).

Tam Đảo, do vậy được nhận xét là một dãy núi đẹp, là thắng cảnh bậc nhất của huyện Tam Dương (cũ), là núi chủ về phương đông bắc của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Cảnh đẹp Tam Đảo được tạo thành do cấu tạo địa chất miền này. Đó là miền núi cao trung bình, có lịch sử hình thành và trải qua quá trình kiến tạo địa chất cách nay vài chục triệu năm, mang tính chất bình nguyên được nâng lên và rửa xói mãnh liệt, là nguyên nhân của sự phân cắt bề mặt địa hình ở độ cao trung bình từ 1200 mét - 1400 mét. Hình thành các bậc thế bào mòn, lộ rõ là miền nền có nhân là các trầm tích phong phú gồm các loại đá dạng khối như các đá sét phiến, cuội kết, sỏi kết, các đá granít (đá hoa cương) và đá vôi dọc theo các triền núi và các vực suối, Các nếp uốn bị cắt xẻ do bị bào mòn, rửa xói đã lộ ra các nhân đá này, làm nên những tên đất cực kì hấp dẫn và nên thơ về đá như Thạch Bàn (Bàn Đá); Thiên Thị (Chợ Tiên) gồm những đá khối cao thấp lô nhô như chợ họp; suối Đá liền, Thác Bạc (suối nước chảy ra từ khe đá, đổ theo vách đá cao chừng 40 mét, tiếng nước ầm ầm vang khắp núi rừng, vọng vào vách đá), khe Tràng Sinh, suối Bát Nhã…

Tác giả Lê Quý Đôn từng có nhận xét: “…Phía sau núi vách đá dựng đứng, đỉnh núi thì đất đá lẫn lộn, cây cối rậm rạp xanh tươi… Chân núi về đằng trước ở phía tả có khe Giải Oan… ngọn núi giữa gọi là núi Kim Thiên cao chót vót, khe thác nhiều không kể xiết, bên dưới sắc nước như chàm, sâu không thấy đáy… Từ phía khe Giải Oan lên núi đến Hồ Sen sắc nước xanh biếc, trong có đá lạ và sen đỏ, hoa nở 4 mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn đá chảy ra, bên tả gọi là Suối Bạc; nguồn từ khe đá đỉnh núi chảy xuống, trông như tấm lụa, bên hữu gọi là suối Vàng. Từ chùa đá chảy ra… suối Bạc và suối Vàng hợp nhau ở trước hồ Sen, dòng nước quanh co chảy xuống, rồi hợp với khe Giải Oan”. Cảnh trí ấy khiến danh sĩ Cao Bá Quát cảm hứng thành thơ: Cửu khúc hồi khê sơn bách chuyển (Chín khúc suối về, trăm núi lượn).

Ngày nay còn 7 tên suối từ sau khu đền Thõng Tây Thiên lên đến khu vực đền Cô, trên quãng đường dài 3 cây số, gồm: Suối Giải Oan, suối Tràng Sinh, suối Tối, suối Đôi, suối Đá Liền, là những tên cổ và 2 suối có tên mới là suối Chổ Rọ, suối Đập Tràn. Cùng với 2 suối thuộc phạm vi xã Tam Quan từ đền Đầm Cả trở vào là đủ 9 suối trong khu vực ảnh hưởng của Tây Thiên mà tác giả họ Cao vượt qua để lên đến chùa và đền Tây Thiên.

Trong không gian núi rừng thâm u như thế, không rõ từ đời nào, xuất hiện ngôi chùa và đền Tây Thiên trong cùng một khuôn viên ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn, khiến cho cảnh trí nơi đây như có hồn: Hồn thần, hồn người và hồn non nước cùng hoà quyện, cộng cảm. Bài kí bia chùa Tây Thiên, lập năm Long Đức thứ 2 nhà Lê (1733), có đoạn ghi lại sắc thái đó:

Phiên âm:

....Việt quan cổ tích danh lam, mạc nhược Tây Thiên thắng cảnh. Thiền nguyệt đình đình thiên lí chiếu, y nhiên đâu suất càn khôn. Tâm hoa chước chước tứ thời khai, hoảng nhĩ bồng lai nhật nguyệt. Thu thập nhất hồ thế giới, hồn vô bán điểm trần ai, cảnh thanh u vật diệc thanh u, thản thản đồ thông vũ khách. Số huyền diệu đạo đồng huyền diệu, lăng lăng tích tuyệt phàm gian thị hoàn lâm tiên tích, tắc Tây Thiên kì đệ nhất lâm dã. Thực nãi chung linh tiêu dị, quốc đảo dân kì chi sở...”

Dịch nghĩa:

Trải xem cổ tích danh lam, chỉ có Tây Thiên là nơi cảnh đẹp. Trăng thiền thửng thửng nghìn dặm chiếu, như xưa cung của đất trời, lòng kia rộn rã bốn mùa vui, gấp gáp chốn quần Tiên ngày tháng. Thu nhặt một bầu thế giới, hồn không bám bụi trần ai, cảnh thanh u, vật cũng thanh u, rộng rãi đường thông hồn đạo. Lòng sâu kín, đạo càng sâu kín, dứt xa thói tục trần gian, xem khắp vườn Tiên ghi dấu. Chỉ thấy rừng ở Tây Thiên là nơi bậc nhất. Rõ ràng là nơi thiêng liêng khác lạ. Quốc đảo, dân cầu, đều cùng ở nơi đó.



Các vị thần được thờ

- Thần núi Tam Đảo (Thanh Sơn đại vương)

Chữ Thanh Sơn là danh hiệu, Đại vương là tước hiệu. Về danh hiệu, thần núi Tam Đảo là vị thần núi. Đó là chức năng thần câu mang, thuộc về “Hạo khí anh linh”, nghĩa là phần khí thiêng liêng trong bầu trời - Thần là vị “nhiên thần”.

Thần núi, hiểu theo vật linh giáo nguyên thuỷ, con người tồn tại tin rằng ở đâu cũng có một vị thần. Những nơi như đồi, gò, núi cao như Tản Viên, Tam Đảo, Hồng Lĩnh, núi Ngự, núi Sam, núi Bà Đen … là nơi có những vị thần lớn trú ngụ, đều quy về thuật ngữ: Sơn thần. Vị thần núi được nhiều nơi thờ nhất là thần núi Tản Viên, đứng đầu danh sách các vị “Sơn thần” của Đại Việt. Thần là một vị “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian. Vị thứ hai là thần núi Tam Đảo.

Thần núi, trong các danh sách “thần lục” liệt kê vào mục “Sơn thần”, đối mục với các thần sông nước gọi là “thuỷ thần”. Ở Việt Nam tục thờ thần núi có từ rất lâu đời, nơi thờ thần núi gọi là “Sơn thần từ”.

Kể về thư tịch cổ ghi chép về vị thần núi sớm nhất, là tác giả Nguyễn Văn Chất, trong phần “tục biên” sách Việt Điện U Linh. Trong 4 truyện có truyện số 3 tên là Thanh Sơn đại vương, chép về thần núi Tam Đảo. Nội dung như sau:

Vương là thần núi Tam Đảo. Từ xưa chưa có sắc phong. Đến đời Trần Nhân Tông (1279-1293), nhân vì năm ấy gặp hạn hán lớn. Đã có cầu đảo khắp các thần mà chưa được mưa. Kịp khi cầu đảo đến thần núi Tam Đảo thì được mưa. Nhà vua mới phong cho thần là Thanh Sơn Đại Vương. Từ đó dân chúng nơi ấy cầu đảo được linh ứng, mới tôn lên làm phúc thần một phương”.

Qua nội dung kể trên, Nguyễn Văn Chất đã xác nhận:Thần núi Tam Đảo trước đời vua Trần Thái Tông. Điểm thờ tự (đền hoặc miếu) tuy có thể có tự lâu đời, nhưng chưa được triều đình liệt kê vào từ điển thờ cúng, Danh tính vị thần chưa được quy tụ vào hệ thần linh quốc gia do triều đình Nho giáo quản lí. Vị trí của vị thần thuộc tín ngưỡng của mọi tầng lớp dân chúng.

Qua lần cầu đảo năm Tân Mão (1291) của vua quan triều Trần, vị thần núi Tam Đảo đã có chức năng là vị thần làm mưa. Đó chính là chức năng của vị thần nông nghiệp.

Trang số 8 bản Việt điện u linh trong kho sách Viện Hán nôm Hà Nội, mang kí hiệu sách A.751 cũng chép phần “tăng bổ” của Nguyễn Văn Chất. Nội dung văn bản như sau:

Núi Tam Đảo là một danh sơn ở nước ta, dãy núi vòng quanh phương Bắc, dài tới nghìn dặm. Đời Lí, Trần về trước có ghi tên núi vào trong tự điển, nhưng chưa được rõ rệt, sau gặp nhiều lần binh lửa bỏ mất. Đến đời vua Nhân Tông nhà Lê, trong 2 năm Kỉ Tị và Canh Ngọ (1450) bị đại hạn luôn, cầu đảo khắp các thần, đều không thấy mưa. Triều đình họp bàn: Tam Đảo là núi có tiếng mà việc thờ cúng lại quá chểnh mảng, nay nên cho lên sửa sang để tế lễ cầu đảo. Vua liền sai soạn văn, phong thần núi là Thanh Sơn Đại Vương và cho lên làm lễ cầu mưa. Hôm ấy mây nổi, khắp trời tối tăm, sáng hôm sau mưa xuống như trút, rồi năm ấy được mùa. Từ đấy về sau, hễ gặp đại hạn, lên đền cầu mưa đều ứng nghiệm. Thần núi được tôn là phúc thần một phương và núi được ghi vào tự điển từ đấy”.

Danh hiệu Thanh Sơn Đại Vương trong văn bản này là do vua Lê Nhân Tông phong sau năm 1450. Về lần cầu đảo lần thứ nhất (năm 1449), sử “Toàn thư” chép vào tháng 4 (Kỉ Tị): “Sai Tham tri Bùi Cầm Hồ, Lễ bộ Lang trung Nguyễn Cảnh đi cầu đảo ở núi Tản Viên và Tam Đảo đều không ứng nghiệm”. Còn đợt tế thần năm 1450 (Canh ngọ) không thấy sách sử chép đến. Bù lại, nay còn tấm bia ở khu vực “Đá chữ” do Lê Khắc Phục viết bài kí ghi lại sự kiện này. Lần cầu đảo được mưa như văn bản kể trên, cũng không thấy sử sách chép đến. Trong 8 năm cuối của vua Lê Nhân Tông, chỉ thấy sách sử ghi các năm Tân Mùi (1451), năm Nhâm Thân (1452), trong nước có nhiều biến cố liên tiếp:

Mấy năm nay, hạn hán sâu trùng liên tiếp xảy ra; tai dị luôn luôn xuất hiện. Năm nay (năm Tân Mùi - 1451) đương mùa xuân lại có mưa đá...”.

Mấy năm nay tai dị liên tiếp xảy ra, mùa màng liền năm mất mùa. Nhân dân vạn vật không sao sống nổi. Trẫm rất lo sợ điều đó”.

Rõ ràng là sau năm 1451, vua Lê Nhân Tông lại sai đoàn triều thần lên núi Tam Đảo cầu đảo. Được mưa, được mùa để đến tháng 2 năm Quý Dậu (1453), nhà vua đủ thực lực “đại xá thiên hạ”.

Đến đây, thần núi Tam Đảo trở thành vị thần bảo hộ rất quan trọng trong ý thức triều đình Nho giáo Lê sơ dựa vào hạ tầng cơ sở là nền nông nghiệp lúa nước. Thanh Sơn Đại Vương chính là hình tượng của các “thiên thần”, trong hệ thống thần linh thời Trần – Lê nước Đại Việt.

- Quốc mẫu Tây Thiên

Khi nói đến Quốc Mẫu Tây Thiên là đã để chỉ tính chất đặc thù theo địa bàn hành chính hiện thời về vị Quốc Mẫu chỉ riêng có ở vùng núi Tam Đảo và một số xã xung quanh chân núi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, tức cùng một sơn hệ của Tam Đảo. Sự hiện diện của Quốc Mẫu chỉ có ở khu vực Tây Thiên trên núi Thạch Bàn xã Đại Đình, nên có đề danh là Quốc Mẫu Tây Thiên. Đồng thời sự hiện diện còn lan toả tới địa bàn 3 huyện là Bình Xuyên, Tam Dương và Lập Thạch. Chữ ghi trong các dòng thánh tâm bài vị hiện đang được thờ tại đền Thõng Tây Thiên là: Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương (gọi tắt là Quốc Mẫu Tây Thiên).

Truyền thuyết về vị Quốc Mẫu anh linh ở xã Đại Đình đã có từ lâu, trên cơ sở các nguồn tài liệu, tóm lược về Quốc Mẫu như sau:

Ở xã Đông Lộ huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng thuộc vùng Tây Thiên Tam Đảo có nhà vị tù trưởng rất nổi tiếng họ tên là Lăng Phiêu, tuổi đã gần 40 mà chưa sinh con. Trong một lần cùng với vợ họ Đào lên Tây Thiên cầu tự, trong giấc mộng vào lúc nửa đêm, Bà mơ thấy trong đám mây vàng có một quần tiên nữ khoảng 7-8 người đang chơi vui, người thì hát, người thì múa, người thì đàn, người thì thơ, cho đến mờ sáng thì bay về phương Tây. Bà họ Đào từ đó thấy cảm động trong người rồi có thai. 10 tháng sau, vào ngày mùng 10 tháng 5 năm Giáp Thân thì sinh được một người con gái, sắc đẹp “chim sa cá lặn”. Lên bốn tuổi biết đàn hát. Sáu tuổi hiểu thông văn võ, mới đặt tên là Thẩm, tên hiệu là Nhược Cẩm, đến năm 11-12 tuổi, đã “nữ công”, “nữ tắc” (khuôn phép của người con gái) không gì là không tường tận. Trở thành một trang “nữ kiệt” ở vùng Đông Lộ và số huyện lân cận. Khi trong nước có loạn giặc Thục, bà tuyển mộ ở xã Đông Lộ được 50 tráng đinh, xã Quan Nội 150 tráng đinh, xã Sơn Đình 100 tráng đinh, xã Quan Ngoại 150 tráng đinh, xã Khuyết Trung (sau đổi là Định Trung) 10 tráng đinh, cùng tuyển mộ ở các huyện lân cận cộng được 3.000 người, đến thành Phong Châu Việt Trì giúp nước, lại được vua Hùng giao thêm cho 10 vạn quân tinh nhuệ, ngưa chiến 3.000 con, đi đánh Thục. Dẹp xong giặc Thục, bà được phong là “Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Đại Vương”. Đất nước hoà bình, bà trở về Đông Lộ, lập ra các cung sở để du ngoạn. Tả cung ở xã Quan Nội; Hữu cung ở 2 xã Quan Đình, Nhân Lí; Hạ cung ở xã Khuyết Trung; Nơi ở là Tây Thiên trên núi Tam Đảo. Trời sai 1000 vị sứ giả xuống đòi bà về triều. Bà tắm gội rồi ra đi. Trong tâm thức nhân dân vùng xã Đại Đình cổ xưa, bà Quốc Mẫu là nhân vật có thật, xuất thân từ vùng nông thôn hẻo lánh, dân dã. Do tài năng và uy tín tập hợp được lực lượng, giúp nước đánh giặc, trở thành một vị tướng tài ba, ở thời đại vua Hùng Duệ Vương triều Hùng; trong hàng các tướng lĩnh danh tiếng một thời như: Tản Viên Sơn tam vị Quốc chúa đại vương (Tản Viên - Cao Sơn - Quý Minh),... hiện còn đang được thờ cúng ở nhiều làng xã ở Vĩnh Phúc.



Khảo cổ học ở khu vực Tây Thiên

- Mộ các thiền sư:

Khu mộ các thiền sư gồm 3 mộ còn dấu tích, nằm dưới chân ngọn Thạch Bàn, chếch về phía đông đền Hoàng Thiên Địa Mẫu. Các mộ đều quay theo hướng tây, được người thời sau xếp đá ráp và đá tự nhiên màu xám nhạt theo hình tháp có 4 mặt, mặt trước cắm các bia mộ.

Phía trước là mộ Cương Sơn Thiền Sư, bia mộ làm bằng đá ráp màu nâu xám. Theo cụ Từ giữ đền: trước đây khu mộ bị cây cối rậm rạp che phủ kín. Khi phát quang, người ta thấy có 3 mô đất hình nấm (giống như nấm mộ). Bia mộ Cương Sơn Thiền Sư bị đổ, mặt có chữ úp xuống đất, bên trên có một hòn đá bị đổ đè lên. Sau đó, mộ này được đào, khi thấy tiểu (thực ra là tháp đất nung 4 mặt, lòng rỗng) người ta đã cho lấp lại và dùng đá xếp thành hình tháp.

Cách mộ Cương Sơn Thiền Sư khoảng 5 - 6m về phía bắc là mộ Cúc Khê Thiền Sư. Mộ còn một tấm bia chôn đứng cũng bằng đá ráp, trên khắc dòng chữ Hán “Cúc Khê Thiền Sư”. Mặt bia quay về hướng tây chếch nam. Theo cụ từ Nguyễn Văn Kỳ (thôn Đồng Thõng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo): Tấm bia của mộ này từng bị đem về lát sân, sau đó mới được tìm kiếm và đem cắm lại ở mộ. Khi đào sâu khoảng 50-60cm, phát hiện được một “tiểu” bằng đất nung có 8 mái (thực ra là thân tháp đất nung còn lại 2 tầng, mỗi tầng có 4 mái), xung quanh “tiểu” kè đá.

Năm 2003, cuộc đào thám sát để kiểm tra ngôi mộ Cúc Khê Thiền Sư tại vị trí cắm bia mộ được tiến hành. Kết quả khai quật cho thấy bia mộ đã bị dịch chuyển không còn ở vị trí ban đầu nữa. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng ở phía tây ngọn Thạch Bàn có khu mộ của các vị thiền sư.

Những mảnh tháp đất nung vốn là của cây tháp đặt trên mộ các thiền sư. Tháp có nhiều tầng bằng đất nung mang phong cách Lý - Trần. Những mảnh tháp phát hiện được thuộc bộ phận thân tháp. Tháp có 4 mặt, mỗi mặt đều có các mái có góc đao cong, mái làm mô phỏng theo kiểu ngói ống, các tường tháp khắc nổi hình hoa chanh có 4 cánh. Hiện tại, chúng ta chưa tìm thấy các bộ phận đỉnh tháp, bệ tháp và đế tháp cùng hầu hết phần thân tháp. Những bộ phận này chắc hẳn còn đang nằm trong lòng đất.

- Thám sát của Bảo tàng lịch sử Việt Nam

Từ ngày 16/3/2004 đến ngày 20/3/2004, Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã tiến hành đợt khảo sát khảo cổ học ở Tây Thiên. Trong hệ thống di tích Tây Thiên, đoàn công tác đã khảo sát và thám sát ở hai khu vực là đền Thõng và chùa Phù Nghì. Một số kết quả khảo sát như sau:

+ Khu vực đền Thõng:

Địa điểm khảo sát nằm trên một khoảng đất trống giữa hai sườn núi, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 96, phân khu đền Thõng, cách đền Thõng khoảng 200m về hướng đông nam, ở độ cao khoảng 250m so với mực nước biển. Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), nơi đây đã từng tồn tại ngôi Thiên Ân Thiền Tự. Qua khảo sát thực địa và các hố đào sâu thám sát nhận thấy:

Về mặt phong thuỷ, di tích tọa lạc trên một địa thế khá lý tưởng. Mặt trước hướng về phía tây nam nơi có thung lũng cánh đồng Thõng, hai bên là hai sườn núi tạo thế tay ngai, phía sau dựa vào dãy núi Tây Thiên, trước mặt là một khe nước do hai khe nước nhỏ ở hai bên đổ vào rồi chảy xuống cánh đồng Thõng.

Mặt bằng di tích được phân thành ba cấp nền rõ rệt. Các cấp nền đều được kè bằng đá núi lấy tại chỗ, một số đoạn kè còn nguyên vẹn, một số đoạn đã được những người làm nương rẫy xếp lại. Trên cấp nền thứ nhất và cấp nền thứ hai có dấu tích của các công trình kiến trúc. Đó đều là các viên đá núi xếp thành hàng tương đối thẳng, có thể là dấu tích bó nền, bó móng.

Di vật kèm theo là vật liệu kiến trúc và các mảnh gốm sứ Việt Nam từ thời Trần đến thời Nguyễn, trong đó nổi bật là gốm sứ Trần. Điều đó cho thấy quá trình tồn tại của di tích kéo dài từ các thế kỷ XIII - XIV đến các thế kỷ XIX - XX, nhưng tập trung nhất là thời Trần. Có thể vào thời Lê Sơ, ngôi chùa đã bị đổ nát. Vào thời Lê Trung Hưng, di tích đã được xây dựng nhỏ với việc phát hiện được một số mảnh ốp trang trí kiến trúc màu xanh xám rất đặc trưng của giai đoạn này. Đến thời Nguyễn, di tích mới được xây dựng lại. Điều này thể hiện ở trên bề mặt di tích cũng như trong địa tầng hố đào phát hiện được rất nhiều mảnh ngói lợp có niên đại khoảng các thế kỷ XIX - XX.

Các kết cấu kiến trúc của chùa có lẽ đều được làm bằng tre gỗ, lợp ngói vì hầu như không phát hiện được gạch và chân tảng.

Ngoài ra, trong quá trình phát quang khảo sát, còn phát hiện được con đường dẫn lên di tích, men theo khe nước chảy. Dựa vào địa hình tự nhiên mà người xưa đã xếp những thanh đá để tạo bậc. Những bậc này không liên tục mà nằm ngắt quãng tuỳ vào địa hình của sườn núi. Con đường khi gặp cấp nền thứ ba thì rẽ phải vòng lên cấp nền vào di tích. Do cây rừng quá rậm rạp nên chỉ tìm thấy một đoạn đường dài khoảng 50m. Rất có thể con đường này được sử dụng trong quá trình tồn tại của di tích.

+ Khu vực chùa Phù Nghì:

Chùa Phù Nghì nằm bên hữu ngạn suối Tây Thiên, cách đền Cô Bé khoảng 500m về phía đông, cách Ban Quản lý di tích Danh thắng Tây Thiên khoảng 5 km về phía tây nam. Di tích này đã bị hoang phế từ lâu và được nhân dân phát hiện ra khi đi rừng. Theo lời kể của các cụ già trong vùng, nơi đây vốn tồn tại một ngôi chùa cổ.

Qua khảo sát thực địa, nhận thấy đây là một di tích tôn giáo có quy mô rất lớn, khoảng gần 5.000m, được phân thành 5 cấp nền rõ rệt. Trên mỗi cấp nền tồn tại các kiến trúc với quy mô kích thước khác nhau. Ở các hố thám sát, đã tìm thấy dấu tích bó nền kiến trúc bằng đá, các vật liệu kiến trúc như gạch ngói và đồ gia dụng như sành, gốm men có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn, trong đó đậm đặc nhất là gốm sứ thời Trần.

Thực tế đó cho thấy đã từng có sự tồn tại của ngôi chùa thời Trần, tuy chưa khẳng định được quy mô và mặt bằng kiến trúc. Nhiều khả năng ngôi chùa được khởi dựng từ thời Trần và tiếp tục được sử dụng vào thời Lê Sơ nhưng hầu như không xây dựng hay sửa chữa thêm. Đến thời Lê Trung Hưng, chùa được sửa sang, xây dựng nhỏ. Đã phát hiện được một số mảnh ốp trang trí màu nâu xám đặc trưng của thời kỳ này. Sang đến thời Nguyễn, mặt bằng di tích được mở rộng lên phía trên. Trên các cấp nền, thấy ngói lợp thời Nguyễn hầu như phân bố trên khắp bề mặt.

Cũng giống như ở di tích đền Thõng, kiến trúc chùa Phù Nghì được làm bằng tre gỗ và lợp ngói, vì trong quá trình khảo sát chỉ tìm được một vài mảnh gạch thời Nguyễn và hầu hết vật liệu bó nền đều bằng đá.

+ Một vài nhận xét và kiến nghị:

Qua khảo sát hai địa điểm đền Thõng và chùa Phù Nghì, có một số nhận định như sau:

Trước hết, cả đền Thõng và chùa Phù Nghì đều tìm thấy di tích và di vật có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ XIII - XIV đến thế kỷ XIX. Điều đó cho thấy, các công trình kiến trúc ở đây có thể bắt đầu xuất hiện vào thời Trần, tiếp tục được sử dụng vào thời Lê Sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng và được trùng tu xây dựng lớn vào thời Nguyễn. Do thời gian có hạn nên chưa xác định được quy mô kích thước của các đơn nguyên kiến trúc. Dù vậy, việc tìm ra di tích chùa Phù Nghì cũng là một điểm đáng chú ý, bởi vì, như chúng ta đã biết, trong Kiến Văn Tiểu Lục Đại Nam Nhất Thống Chí không hề nhắc đến địa điểm này.

Trong đợt khảo sát trước (2003), Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện ra 3 bia mộ ở ngôi Tây Thiên thiền tự (khu vực đền - chùa Thượng) của các vị thiền sư: Cúc Khê thiền sư, Cương Sơn thiền sư và Giác Nghĩa, cùng với các phế tích tháp mộ có niên đại thời Trần thế kỷ XIII -XIV tương đồng với niên đại sớm nhất của hai địa điểm đã khảo sát. Điều này cho thấy, đền Thõng và chùa Phù Nghì là hai di tích nằm trong hệ thống các di tích thời Trần ở Tây Thiên.

Từ những kết quả trên, dưới góc độ khảo sát thực địa, nhận thấy di tích Thiên Ân thiền tự (tục gọi là chùa Thõng) nói riêng và Tây Thiên nói chung có thể là một trong những trung tâm Phật giáo thời Trần.



Tây Thiên – cái nôi của Phật giáo Việt Nam

Học giả người Pháp Jean Filliozat, trong Présence du Bouddhisme, Asoka et LExpansion Bouddhique, cho rằng: “Ngay sau đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba, tại thành phố Pataliputra (Hoa Thị) - ấn Độ, trước Tây lịch 300 năm, vua Asoka (A Dục) cùng với Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu) đã cử và đẩy mạnh các phái đoàn Như Lai sứ giả trên đường truyền bá Phật pháp tới các nước Viễn Đông, Trung Đông, Đông bộ Địa Trung Hải, Tích Lan và toàn cõi bán đảo Đông Dương, trong đó có Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam do hai vị cao tăng Sona và Uttara truyền tới. Hầu hết các nơi đều có dấu ấn bằng chùa tháp, cột đá hay bia đá để ghi lại công đức của vua Asoka”.

Học giả người Anh Edward Conze, trong Le Bouddhisme dans son essence et son développement, trang 70, đã ghi lại tên các vị cao tăng của các đoàn Như Lai sứ giả và địa điểm mà các vị đến truyền giáo sau đại hội kết tập kinh điển lần III: “1- Ngài Majjhantika được gửi đến Kasmir và Gandhara, thuộc vùng Tây Bắc ấn Độ. 2- Ngài Mahadeva đến Mahisamandala, thuộc miền Nam ấn Độ. 3- Ngài Rakkhita đến Vanavasa, vùng Đa Lâm cũng thuộc miền Nam ấn Độ, nhưng ở phía bắc của xứ Kamada. 4- Ngài Dhammarakkhita (người Hy Lạp) tới Aparantaka, ở phía tây miền Gujrat. 5- Ngài Mahadhammarakkhita đến xứ Marathe ở miền Tây Nam ấn Độ. 6- Ngài Maharakkhita đến nước Hy Lạp. 7- Ngài Kajjhima tới vùng Hy Mã Lạp Sơn. 8- Ngài Sona và Ngài Uttara đến vùng Kim Địa (Suvanabhumi) bao gồm các nước Miến Điện, toàn cõi bán đảo Đông Dương (trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia) và một phần bán đảo Mã Lai. 9- Ngài Mahinda, con trai Hoàng đế Asoka, đến Tích Lan (Sri Lanka ngày nay).

Học giả Maurice Durant, Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp), trong bài viết Đạo Phật truyền vào Việt Nam, in trong cuốn Presence du Bouddhisme, trang 798, có viết: “Đạo Phật truyền vào Việt Nam bằng hai con đường: Con đường thứ nhất bằng đường biển phía nam, từ ấn Độ và từ các nước có ảnh hưởng ấn Độ như bờ biển vịnh Bengale, hải cảng Bombay và Calcutta. Con đường thứ hai từ Trung Quốc truyền sang...”.

Theo chúng tôi, còn có con đường thứ ba, rất quan trọng cho việc truyền bá đạo Phật vào Việt Nam, đó là con đường (từ ấn Độ) qua Miến Điện, Vân Nam… tới vùng thung lũng sông Hồng (vùng trung du Bắc Bộ, vào thời Hùng Vương là trung tâm văn hoá của Nhà nước Văn Lang). Đây là con đường mà hai ngài Sona và Uttara đã đi để đến Việt Nam.

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, trong sách Đạo Phật Việt Nam do Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh ấn hành 1995, trang 28 viết: “Biết rằng: Đồ Sơn là một địa danh, chỉ cách thành phố Hải Phòng chừng 12 km thì chắc chắn, vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, hai ngài Sona và Uttara, đã tới đây thuyết pháp, và cùng với nhân dân địa phương, đã xây bảo tháp Asoka...”.

Hoà thượng còn trích dẫn lời của vị coi chùa Hang (Cốc Tự) cho rằng: “Vào cuối thời vua Hùng Vương có một nhà sư tên là Sư Bần (Bần Tăng), người ấn Độ, lập bàn thờ Phật và tu ở trong hang núi này và sau đó, cũng viên tịch tại hang núi này. Bởi vậy, dân địa phương gọi là chùa Hang hay Cốc Tự. Biết rằng khi còn bình sinh, Sư Bần có giảng đạo Phật cho Chử Đồng Tử. Theo sách Lĩnh Nam Trích Quái, Chử Đồng Tử có ghé thuyền vào núi Quỳnh Viên... Vậy, ngày xưa gọi là Quỳnh Viên Sơn và sư Phật Quang, thì nay gọi là Mẫu Sơn và Sư Bần...”.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, trong sách Phật giáo và văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1990, trang 12 cho rằng: “Vùng Đồ Sơn mà có nhà nghiên cứu khẳng định chính là Thành Nê Lê, nơi có bảo tháp của vua Asoka, nếu quả vậy thì từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch, Đạo Phật đã được trực tiếp truyền vào nước ta”.

Truyện Nhất Dạ Trạch, trong Lĩnh Nam Trích Quái đã ghi lại việc công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 3 lấy Chử Đồng Tử. Việc học đạo của Chử Đồng Tử được ghi chép như sau: “...Thương nhân nước ngoài tới lui buôn bán kính thờ Tiên Dung và Đồng Tử làm chúa. Có một khách buôn lớn đến bảo Tiên Dung rằng: “Quý nhân hãy bỏ ra một dật vàng, năm nay cùng thương nhân ra nước ngoài mua vật quý, đến sang năm được lãi mười dật”... Đồng Tử cùng thương nhân đi buôn bán lênh đênh ra khắp nước ngoài. Có núi Quỳnh Viên (Quỳnh Vi) trên núi có am nhỏ. Thương nhân ghé thuyền vào lấy nước. Đồng Tử lên am dạo chơi. Trong am có một nhà sư tên Phật Quang truyền pháp cho Đồng Tử. Đồng Tử ở lại để nghe pháp, đưa vàng cho thương nhân đi mua hàng. Đến lúc thương nhân trở về lại tới am đó chở Đồng Tử trở về nhà. Nhà sư bèn tặng cho Đồng Tử một cây gậy và một cái nón và bảo: “Các việc linh thông đều ở đó rồi”. Đồng Tử trở về, đem đạo Phật nói hết với Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ cả quán chợ nghề buôn để cùng Đồng Tử du phương tìm thầy học đạo”.

Học giả Lê Mạnh Thát, trong cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập I (Từ khởi nguồn đến thời Lý Nam Đế), Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1999, trang 31, viết: “Trước đây, Claude Madrolle căn cứ vào tên thành Nê Lê, tức là thành Bùn Đen, để giả thiết thành Nê Lê ở chính vùng Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng. Nê Lê hiểu như nghĩa bùn đen tất nhiên không phù hợp với văn phạm chữ Hán. Bởi vì nếu hiểu Nê là bùn và Lê là màu đen, thì thành này phải có tên là Lê Nê, chứ không phải là Nê Lê. Hơn nữa cụm từ Nê Lê trong Hán văn thường được dùng như một phiên âm của chữ Naraka của tiếng Phạn. Và Naraka lại có nghĩa là Địa Ngục. Tại vùng núi Tam Đảo có ba ngọn cao nhất là Thạch Bàn, Phù Nghĩa và Thiên Thị, trong đó, giữa chân ngọn Thạch Bàn, tại làng Sơn Đình, có ngôi chùa Tây Thiên. Chùa này tương truyền là có liên hệ với vua Hùng và có một bản ngọc phả về vua Hùng thờ tại đây. Điểm lôi cuốn là chùa Tây Thiên này lại có tên nôm na là chùa Địa Ngục. Đã là chùa thì thiếu gì tên tại sao lại có tên Địa Ngục, phải chăng là do từ chữ Naraka mà ra. Huyện An Định do thế có khả năng nằm tại vùng núi Tam Đảo này chăng? Muốn trả lời dứt khoát câu hỏi này, ta phải đợi một cuộc điều tra khảo cổ thực địa”.

Lưu Hân Kỳ viết trong cuốn Giao Châu Ký: “Thành Nê Lê ở phía Nam huyện Định An, cách sông bảy dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn. Những người đốn hái củi gọi là kim tượng” (Nê Lê thành tại An Định huyện, đông nam cách thủy thất lý, A Dục vương sở tạo tháp giảng đường thượng tại hữu, thái tân giả vân thị kim tượng).

Lệ Đạo Nguyên viết trong Thủy Kinh Chú (Quyển 37, tờ 6b4-6): “Bến đò Quan Tắc xuất phát từ đó, song nó từ phía đông huyện đi qua huyện An Định và Trường Giang của Bắc Đái. Trong sông có nơi vua Việt Vương đúc thuyền đồng. Khi nước triều rút, người ta còn thấy dấu vết. Sông lại chảy về phía đông, cách sông có thành Nê Lê, người ta bảo là vua A Dục dựng”.

Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1, trang 30-31, học giả Lê Mạnh Thát cho biết: “Tên huyện An Định xuất hiện sớm nhất trong Tiền Hán Thư 28 hạ, tờ 10b9-11a25; ở đấy nó là một trong mười huyện thuộc quận Giao Chỉ mà ngoài nó ra, gồm có Luy Lâu, Liên Lâu, Phú Lầu, Mê Linh, Khúc Dương, Khúc Bắc Đái, Khể Từ, Tây Vu, Long Biên và Chu Diên…”. Nhưng đến đời Tam Quốc đổi thành Định An (Hậu Hán Thư 33 tờ 21a8-b5), đến đời Tấn đổi thành An Định (Tấn Thư 15 tờ 8b 13-9a2), qua đời Lưu Tống, An Định được đổi thành Định An (Tống Thư 38 tờ 40b1). Vậy trong vòng 5 thế kỷ, danh xưng Định An hay An Định cứ thay đổi nhau để chỉ cho một vùng đất, một huyện của Giao Chỉ”.

Tăng Chiêu, người đã biên tập lại Giao Châu Ký từ những đoạn trích dẫn rải rác trong các tác phẩm Trung Hoa như Hậu Hán Thư, Thuỷ Kinh Chú, Tế Dân Yếu Thuật, Bắc Đường Thư Sao, Nghệ Văn Loại Tụ, Sơ Học Ký, Thái Bình Ngự Lãm,... đã kết luận: “Giao Châu Ký viết vào thời nhà Tấn và Lưu Hân Kỳ là người Đông Tấn, như vậy Lưu Hân Kỳ phải sống và viết vào những năm 360 - 420”.

Như vậy, cho tới những năm 380 - 420, những người đi hái củi ở nước ta vẫn còn thấy được Thành Nê Lê và tháp vua Asoka ở huyện Định An.

Nhà bác học Lê Quý Đôn, ở thế kỷ XVIII, trong Kiến Văn Tiểu Lục đã mô tả về cảnh chùa ở Tây Thiên như sau: “...Sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày. Từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ Sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa, hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên trái gọi là suối Bạc, phát nguyên từ khe đá đỉnh núi chảy xuống, trông như tấm lụa; bên phải gọi là suối Vàng, từ chùa bên phải chảy ra. Chùa bên phải này vuông vắn phỏng hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, hai bên cánh cửa khoá chặt lại bằng khoá sắt lớn, trên viên đá khắc chữ Triện là “Địa Ngục Tự” không biết dựng từ đời nào. Suối ở đây từ trong khe cửa chảy ra, sắc nước trông như vàng. Suối Bạc và suối Vàng hợp lưu ở trước hồ sen, quanh co chảy xuống rồi hợp lưu với khe Giải Oan...”.

Ngọc phả Hùng Vương ghi: “Có lần vua Hùng Vương thứ 7 là Chiêu Vương lên núi Tam Đảo cầu tự thì nghiễm nhiên đã thấy có chùa thờ Phật”.

Cũng theo sử liệu cổ còn lại thì “từ thời các vua Hùng tại Tây Thiên đã có ba ngôi chùa cổ tên là: Hoa Long Thiền Tự, Thiên Quang Thiền Tự, Thiên Ân Thiền Tự...”.

Qua các dữ liệu nêu trên, chúng ta thấy có ba vấn đề cần làm sáng tỏ: Một là, niên điểm Phật giáo truyền vào nước ta? Hai là, người đầu tiên truyền đạo Phật vào nước ta? Ba là, địa điểm đầu tiên Phật giáo truyền vào nước ta?

- Niên điểm Phật giáo truyền vào nước ta:

Theo ngọc phả Hùng Vương, vào thời Hùng Vương thứ bảy (Chiêu Vương), trên núi Tam Đảo đã có chùa thờ Phật.

Theo truyện Nhất Dạ Trạch trong Lĩnh Nam Trích Quái, Chử Đồng Tử, chồng công chúa Tiên Dung, là một Phật tử thời Hùng Vương thứ ba.

Theo sách Đại Sử Ký (Mahavamsa) của Tích Lan, năm 325 trước Công nguyên, đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba diễn ra tại thành Pataliputta (Hoa Thị), nước Maghada (Ma Kiệt Đà), do Hoàng đế Asoka (A Dục) đề xướng bảo trợ, Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu) làm chủ tọa. Sau đại hội này, có cử 9 phái đoàn đi hoằng pháp khắp các nơi trong nước ấn Độ và các nước bên ngoài ấn Độ.

Sự hoằng dương Phật pháp thời vua A Dục trong và ngoài ấn Độ diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 325 đến năm 258 trước Công nguyên, tương ứng với thời Hùng Vương ở nước ta và trùng hợp với các sử liệu về Phật giáo ghi trong ngọc phả Hùng Vương, chuyện Chử Đồng Tử, Giao Châu Ký của Lưu Hân Kỳ và Thuỷ Kinh Chú của Lệ Đạo Nguyên. Như vậy, có thể khẳng định, Phật giáo truyền vào nước ta vào thời Hùng Vương.

- Người đầu tiên truyền đạo Phật vào nước ta:

Sách Đại Sử Ký (Mahavamsa) của Tích Lan cho biết: Vào năm 325 trước Công nguyên, trong 9 phái đoàn Như Lai sứ giả do vua A Dục và Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa cử đi, có phái đoàn thứ 8 do hai ngài Sona và Uttara đến Việt Nam và các nước Đông Dương hoằng dương Phật pháp. Trách nhiệm các đoàn là hoằng dương Phật pháp, xây chùa tháp, dựng bia ghi lại những thánh tích hay đánh dấu việc làm của từng đoàn do vua A Dục phái đi. Nhờ đó, sau này các nhà khảo cổ nước Anh đã tìm thấy những trụ đá có chữ viết do vua A Dục dựng lập tại các thánh tích Phật giáo ở ấn Độ, và tháp A Dục ở những nước do các đoàn hoằng pháp của vua A Dục thực hiện. Điều này trùng hợp với sử liệu Giao Châu Ký Thủy Kinh Chú đã ghi “ở An Định có thành Nê Lê và tháp A Dục”.

Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 1, của học giả Lê Mạnh Thát, trang 35 ghi: “Đặc biệt khi ta nghiên cứu tư liệu lịch sử Phật giáo Trung Quốc, ta thấy vào khoảng hai thế kỷ thứ IV và thứ V sau Dương lịch, tức là gần cùng thời niên đại của Lưu Hân Kỳ, nổi bật một phong trào đi tìm chùa của vua A Dục ở Trung Quốc. Thí dụ việc tìm chùa vua A Dục ở Bành Thành, Thạch Lặc và Thạch Hổ, đào chùa của vua A Dục ở Lâm Tri và Đào Khản, tìm cách nghinh tượng Phật của vua A Dục từ chùa Hàn Khê, v.v… Cả một thời đại đi tìm chùa ở Trung Quốc như thế ắt không thể nào không ảnh hưởng đến việc tìm chùa vua A Dục ở nước ta...”.

Các tư liệu đã trích dẫn ở trên đều khá thống nhất khi đề cập đến việc có Thành Nê Lê và tháp A Dục do các đoàn hoằng pháp của vua A Dục phái đến nước ta dựng lập. Thành Nê Lê và tháp A Dục chắc hẳn do hai ngài Sona và Uttara dựng lập để đánh dấu việc làm, chủ trương của vua A Dục, và cũng để ghi lại công đức của vua A Dục. Do vậy, chúng ta có thể nói, hai ngài Sona và Uttara là những người đầu tiên truyền Phật giáo vào nước Văn Lang thời Hùng Vương.

- Địa điểm đầu tiên Phật giáo truyền vào nước ta:

Những sử liệu trích dẫn ở trên cho thấy có 3 địa điểm Phật giáo truyền vào đầu tiên ở nước ta cần được làm sáng tỏ: Đồ Sơn (Hải Phòng), núi Quỳnh Viên (núi Quỳnh Vi) và Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc).

Đồ Sơn (Hải Phòng):

Claude Madrolle, tác giả sách Le Tokin Ancien (Bắc Bộ xưa) hiểu thuật ngữ Nê Lê theo nghĩa là bùn đen (Nê: bùn; Lê: đen), từ đó đưa ra giả thiết Nê Lê là vùng Đồ Sơn (Hải Phòng), vì từ Móng Cái đến Bắc Trung Bộ thì bãi biển cát vàng, riêng chỉ có bãi biển Đồ Sơn có bùn đen. Từ đó, nhiều nhà viết lịch sử Phật giáo như Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, nhà nghiên cứu Ngô Đăng Lợi,... đều nghiêng về Đồ Sơn là nơi phái đoàn truyền bá Phật giáo đầu tiên đến Việt Nam.

Và cho rằng “trên núi Mẫu Sơn có bảo tháp A Dục Vương dựng lên vào khoảng 300 năm trước Tây lịch; sau khi tháp này tàn phế, tiếp đến tháp Tường Long do vua Lý Thánh Tông xây trên nền tháp cũ”.

Chúng ta thấy ý kiến cho rằng Đồ Sơn là thành Nê Lê và tháp Tường Long chính là tháp A Dục là không hợp lý. Bởi vì:

Thứ nhất, Đồ Sơn là vùng bãi biển có núi nên không thể là thành Nê Lê.

Thứ hai, Tháp Sơn Hoài Cổ cũng chưa đủ để gọi là chứng cứ sử liệu, vì bài thơ này không rõ tên tác giả và niên đại ra đời. Nếu bài thơ là của một thi nhân ở thời cận đại nghe truyền thuyết rồi làm thì sao? Sách Đạo Phật Việt Nam, trang 29 dựa theo bài thơ này ghi: “Chính tôi đã trèo lên ngọn Mẫu Sơn (núi Mẹ), cao chừng 168 mét so với mặt bể; trên đỉnh núi này, trước hết có một bảo tháp Dục Vương dựng lên vào khoảng 300 năm trước Tây lịch; sau khi tháp này tàn phế, tiếp đến tháp Tường Long do vua Lý Thánh Tông xây trên nền tháp cũ, vào khoảng giữa thế kỷ XI sau Tây lịch...”.

Theo chúng tôi, truyền thuyết cho rằng tháp Tường Long xây trên nền tháp A Dục là không ổn, vì khi xây tháp mới trên nền tháp có di tích lớn như tháp A Dục thì không ai dám xoá tên tháp cũ. Việc xây tháp mới, nếu có, phải để tên di tích cũ là tháp A Dục. Do vậy, tháp Tường Long không phải là tháp A Dục. Nói cách khác, tháp A Dục phải ở vị trí khác, ở nơi khác, chứ không phải là ở Đồ Sơn.

Núi Quỳnh Viên:

Sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, của học giả Lê Mạnh Thát, trang 14-15 viết: “... đọc Minh Lương Cẩm Tú do Lê Thánh Tông viết về 13 cửa biển của đất nước ta trong khi tiến quân chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1470, thì ta gặp bài thơ thứ 7 nói về Nam Giới Hải Môn Lữ Thứ, trong đó có hai câu thơ: Di miếu man truyền kim Vũ Mục; Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên (Di miếu còn truyền nay Vũ Mục Danh sơn vẫn nhắc cổ Quỳnh Viên).

Vũ Mục đây tức chỉ tướng Lê Khôi, cháu ruột của Lê Lợi, năm Thái Hoà thứ 2 (1444) đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Bí Cai, khi trở về tới cửa biển Nam giới thì mất. Dân thương nhớ lập đền thờ tại cửa biển này. Cửa biển này còn được gọi nôm na là cửa Sót. Còn núi Quỳnh Viên thì nằm ở phía Nam cửa biển này và từ thời Lê Thánh Tông đã được xác nhận là một danh sơn... Nói thẳng ra, vào thế kỷ thứ XV, khi Kiều Phú và Vũ Quỳnh hiệu đính cho ra đời hai bản Lĩnh Nam Trích Quái khác nhau, thì Quỳnh Viên thật sự là một danh sơn, một ngọn núi nổi tiếng đối với dân ta thời đó và trước kia. Nó dứt khoát không phải là một ngọn núi thần thoại, càng không phải là một ngọn núi không có địa điểm cụ thể trên đất nước ta...”.

Hơn nữa, trong Lĩnh Nam Trích Quái còn ghi: “... Đồng Tử cùng thương nhân đi buôn bán lênh đênh ra khắp nước ngoài (TKN nhấn mạnh). Có núi Quỳnh Viên (Quỳnh Vi) trên núi có am nhỏ”. Có thể vào thời Hùng Vương, phần đất này chưa sáp nhập vào đất nước ta mà vẫn còn thuộc Chiêm Thành, nên nói nó thuộc cửa biển Nam giới (cửa biển ở biên giới phía Nam). Do đó, vị trông chùa Hang nói: “... xưa gọi là Quỳnh Viên và sư Phật Quang, thì ngày nay gọi là Mẫu Sơn và sư Bần” là không hợp lý, vì không có cơ sở. Nếu cho rằng núi Quỳnh Viên là nơi các nhà truyền giáo đạo Phật đến đầu tiên trên đất nước ta cũng không đúng. Chuyện Chử Đồng Tử chỉ cho chúng ta cứ liệu rằng Chử Đồng Tử là Phật tử đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước ta mà thôi.

Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Việt Nam:

Muốn được gọi là cái nôi của Phật giáo thì đó phải là nơi đầu tiên Phật pháp được truyền bá đến, có nhiều chùa chiền, nhiều Tăng ni tu hành…

Như chúng ta đã biết, kinh đô là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, quân sự của một quốc gia; thường là nơi có mật độ dân cư đông nhất, là nơi giao lưu văn hoá kinh tế với nước ngoài. Do đó, các nhà truyền giáo muốn đạt được mục đích hoằng pháp, thì tất yếu phải đến kinh đô quốc gia để tìm hiểu phong tục, tập quán, căn cơ của nhân dân, từ đó tìm người hữu duyên để gieo duyên, giáo hoá và ngược lại, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của nhân dân tìm nơi tu hành và hành đạo.

Tuy nhiên, với những bậc chân tu theo đạo Phật thường tìm chốn “sơn lâm cùng cốc” để tĩnh tu, để buông xả thân tâm, sống đời “thiểu dục tri túc” và giải thoát… Trong vùng Bắc Bộ, chỉ có vùng Tam Đảo núi non liên hoàn hùng vĩ, cảnh trí u nhã, có suối chảy nước trong, thác ghềnh, non cao, rừng rậm, thâm u tịch tĩnh, thích hợp cho người tu Thiền. Hơn nữa, vào thời Hùng Vương, Tam Đảo ở gần kinh đô nước Văn Lang, nên có thể nơi đây được đoàn hoằng pháp của hai ngài Sona và Uttara lựa chọn để hoằng dương Phật pháp. Đầu tiên các ngài cất am Thiền, thỉnh thoảng đến kinh đô khất thực hoá duyên. Khi số lượng Phật tử đã đông đảo, các ngài xây thành Nê Lê (cũng có nghĩa tương đương với chùa Địa Ngục) và dựng tháp A Dục.

Một câu hỏi được đặt ra tại sao gọi là thành Nê Lê mà không gọi là chùa Nê Lê? Theo chúng tôi, có lẽ vì thời bấy giờ từ ngữ còn nghèo nàn, lại thêm đạo Phật mới truyền sang, người dân chưa biết đặt tên gọi nơi tu hành thờ Phật, chỉ thấy chùa xây bằng đá giống thành trì nên gọi là thành Nê Lê? Về sau quen miệng, nên người dân địa phương vẫn gọi là thành Nê Lê. Sau này, khi Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang, nhờ giao lưu văn hoá chúng ta có thêm những từ ngữ mới để gọi nơi thờ Phật là Tự. Thế nên, thành Nê Lê đổi thành “Địa Ngục Tự” mà Lê Quý Đôn đã mô tả trong Kiến Văn Tiểu Lục.

Tiếp nối Sona và Uttara là những đệ tử của các ngài mở mang Phật pháp, từ đó chùa chiền ở Tây Thiên phát triển, dần dần lan toả đi các nơi. Điều này trùng hợp với sử liệu cổ đã ghi vào thời Hùng Vương ở Tây Thiên có 3 ngôi chùa: Hoa Long Thiền Tự, Thiên Quang Thiền Tự, Thiên ân Thiền Tự.

Khi An Dương Vương dời kinh đô về thành Cổ Loa, Phật giáo đã theo tín đồ và nhân dân phát triển xuống vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung tâm Luy Lâu được hình thành và phát triển. Đến thế kỷ thứ II, Khương Tăng Hội từ Tây Thiên đến đó thuyết giảng Phật pháp, trước khi ngài sang Trung Hoa giảng đạo và lập chùa Kiến Sơ. Từ đó, Luy Lâu trở thành trung tâm lớn mạnh của Phật giáo.

Đến thế kỷ thứ IX, núi non hùng vĩ liên hoàn, cảnh trí thâm u, suối chảy nước trong,…của dãy núi Đông Triều (Quảng Ninh) giống như cảnh trí Tây Thiên, nên các bậc chân tu tìm đến tu hành trên núi Yên Tử. Đạo hạnh các ngài lan toả khắp nơi, chư tăng ni kéo về, vua quan tìm đến, từ đó Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo đời Trần ở thế kỷ XIII.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, thuật ngữ “Tây Thiên” phát xuất từ ý nghĩa “nơi các nhà sư Tây Thiên (sư ấn Độ) tu hành”. Vì theo trong kinh sách, thuật ngữ “Tây Thiên” để chỉ nước ấn Độ, cũng như thuật ngữ “Đông Độ” để chỉ nước Trung Hoa. Do đó, trong khi chờ đợi sự phát hiện mới về khảo cổ học ở Tây Thiên, qua sử liệu và lịch sử phát triển của dân tộc, chúng tôi nghiêng về hướng suy nghĩ, Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Viêt Nam.

Từ các sử liệu đã dẫn ở trên, cho phép chúng ta đưa ra nhận định: Đạo Phật truyền bá vào đất nước ta từ thời Hùng Vương. Đoàn hoằng pháp đầu tiên ở nước ta là hai ngài Sona và Uttara do vua A Dục và Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa phái đi. Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Lễ hội về Quốc Mẫu Tây Thiên chủ điểm là các hình thái lễ hội làng theo trình tự: Lễ rước, lễ tế và mở hội theo hèm tục. Hình bóng các lễ hội xưa (Di sản văn hoá phi vật thể) chỉ được hình dung mô tả trong một số văn bản thống kê còn lại. Điểm một số lễ hội sau đây:

Ở đền Thượng Tây Thiên, một năm có 4 ngày lễ và lễ hội (qua kê khai năm 1938, tư liệu lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm):

- Ngày 15 tháng 2. Lễ hội chính cả năm.

- Ngày 28 tháng 2

- Ngày 01 tháng 3

- Ngày 14 tháng 5

Tất cả đều là tiệc lệ sự thần. Nội dung chỉ có tế lễ (tế quan viên, bài tế “thập bái”, chưa có tế nữ quan).

Đền Thõng là “Hữu thần cung” thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, toạ lạc nơi chân núi. Trong tiềm thức thời săn bắt hái lượm, là ngôi đền “cửa rừng” gắn với tín ngưỡng và lễ hội “mở cửa rừng” vào mùa xuân của năm mới. Bởi vậy, những lễ hội lớn thường diễn ra ở nơi đây. Các hình thức “ma thuật” vốn vẫn cần có nơi thoáng đãng, rộng rãi để tổ chức các trò diễn lễ. Các nghi thức tiến hành sát sinh con trâu hiến tế (người đời sau gọi là “đâm trâu”) có số đông người thực hiện và đông đảo dân chúng đến xem. Với tất cả mọi tầng lớp nhân dân, ngôi đền Thõng như là nơi cửa ngõ, để cho các tín khách có lễ “trình” trước khi lên núi, vào với thế giới thiêng liêng Mẫu ngự, nên trong tâm thức dân gian, đó thực sự là ngôi “Đền Trình”.

Lễ hội Tây Thiên những năm gần đây:

Năm 1991, khu Di tích - danh thắng Tây Thiên được xếp hạng di tích Quốc gia. Từ đó, lễ hội Tây Thiên hàng năm do cấp huyện tổ chức, chức vị trưởng lễ đều do chủ tịch UBND huyện đảm nhận. Ngày lễ hội chính là ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm theo truyền thống. Trung tâm lễ hội tại đền Thõng xã Đại Đình. Gọi là “Lễ hội Tây Thiên”.

Tiến trình lễ hội:

Ngày 14 tháng 2: Đoàn đại biểu các ban ngành của huyện lên đền Thượng Tây Thiên dâng hương cáo lễ trước Quốc Mẫu về lễ hội năm nay.

Ngày 15 tháng 2, tổ chức nghi thức, lễ dâng hương tại đền Thõng Tây Thiên.

Sau phần nghi thức là lễ tế truyền thống của nhân dân xã Đại Đình, và một số đoàn tế của các xã lân cận. Cũng từ năm 2000, có đoàn tế nữ (tế nữ quan) của xã Hồ Sơn lên tế, mở đầu nghi thức tế nữ quan nơi đây.

Trước nhu cầu phát triển văn hoá tâm linh trong thời kì đổi mới và hội nhập, tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương khơi dậy mạch nguồn lễ hội Tây Thiên vừa mang sắc thái truyền thống, vừa đáp ứng ước vọng tâm linh trước những thay đổi mới, hiện đại, phát triển mà vẫn giữ đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Bởi vậy, từ năm 2008, kế hoạch tổ chức lễ hội Tây Thiên đã được UBND huyện Tam Đảo đề xuất và được các cơ quan ban ngành chủ quản của tỉnh tham gia góp ý, chỉnh lí; một chương trình lễ hội Tây Thiên mới được sắp xếp phù hợp, với tiêu chí:

- Lễ hội tương xứng với vị thế Quốc Mẫu và tiềm năng du lịch của khu di tích danh thắng Tây Thiên.

- Bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đậm đà bản sắc dân tộc, mang sắc thái văn hoá vùng núi Tam Đảo.

Không gian lễ hội rất rộng: lễ hội chính tại đền Thõng xã Đại Đình. Đồng thời tổ chức một số nghi thức hoạt động văn hoá ở các xã Tam Quan, Hồ Sơn nơi có các di tích liên quan trực tiếp đến Quốc Mẫu Tây Thiên.

- Các xã vùng chân núi Tam Đảo có di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, tổ chức lễ hội theo nghi lễ truyền thống của địa phương mình.

Thời gian lễ hội 3 ngày: từ 14 đến 16 tháng 2.

Chương trình lễ hội gồm:

Phần lễ:

Lễ cáo: Tổ chức sáng ngày 14 tháng 2 tại đền Thượng Tây Thiên. Buổi chiều: Chồng kiệu tại sân đình Sơn Đình (đình Ngò) xã Đại Đình. Lễ chính ngày 15 tháng 2. Lễ rước kiệu (kiệu “bát cống”) của nhân dân xã Đại Đình. Rước lễ vào đền Thõng. Dâng lễ vật tại đền Thõng. Nghi lễ “quốc tế” ở đền Thõng. Chủ lễ (Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo) tuyên đọc chúc văn. Rồi đến phần lễ dâng hương của các đoàn đại biểu. Các đoàn tế truyền thống vào thực hiện việc tế lễ.

Phần hội: Tổ chức trong 4 ngày từ 14 đến 17 tháng 2.

Trong khu vực sân đền Thõng, tổ chức các trò diễn cổ truyền của vùng huyện Tam Đảo. Các làn điệu dân ca cổ của dân tộc Việt, dân tộc Sán Dìu định cư ở vùng chân núi Tam Đảo. Các môn thể thao truyền thống và hiện đại có ở Vĩnh Phúc. Các địa phương có di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên trong địa bàn huyện Tam Đảo, tổ chức hội truyền thống theo địa phương.




tải về 171.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương