Bán nguyệt san – Số 265 – Chúa nhật 03. 01. 2016


GIA ĐÌNH LÀ KIỆT TÁC CỦA THIÊN CHÚA



tải về 425.59 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích425.59 Kb.
#29643
1   2   3   4   5

GIA ĐÌNH LÀ KIỆT TÁC CỦA THIÊN CHÚA



 

Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia



(Lc 2, 41-52)

 

Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, và Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa kết thúc với đề tài “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới”. Mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh cũng là mừng Gia Đình Thánh, nơi Người sinh sống.



 

Gia đình là tác phẩm tuyệt đẹp của Thiên Chúa

Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình. Ađam và Evà sống tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa và với nhau, rất hạnh phúc, không phải đau khổ và không phải chết.

 

Gia đình tan vỡ do Tội Nguyên Tổ

Nhưng rồi con người tự tách ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Hậu quả là từ đó cho đến nay gia đình luôn ở trong tình trang bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, bất hiếu, sống chung, ly dị.

 

Thiên Chúa cứu vớt trong tình thương

Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Thiên Chúa không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa vào những gì chúng ta làm, hay thành quả chúng ta có được, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Con Ngài là Đức Giêsu giáng thế. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt! Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thiết lập.

 

Noi gương Thánh Gia sống Năm Thánh Lòng thương Xót

Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách đối nhân xử thế trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ, kèm theo phần phúc là sống lầu dài (x. Hc 3, 3-7. 14-17a). Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.

Gia đình ngày hôm nay rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và sự thương cảm lẫn nhau trong cách sống trong gia đình nói riêng và gia đình nhân loại cả thể nói chung. Chúng ta thấy ai bị thương một cơ phận nào đó, không phải chỉ một cơ phận mà thôi, nhưng là cả con người bị. Không ai là không bị đau thương về thể lý, tinh thần, tình cảm…dẫn đến hậu quả cũng khác nhau. Tất cả đều chịu ảnh hưởng, và những vết thương đó càng đau khổ khi người thân của chúng ta đau khổ, nhất là những người trong gia đình. Bởi vậy, rất cần sự cảm thông. Nhiều nơi không quan tâm đến tương quan giữa người với người nữa. Nhưng gia đình vẫn là nơi có thể mang lại an ủi, và có thể hàn gắn vết thương.

Có nhiều loại vết thương rất lớn và sâu do thiếu thốn nhu cần cần thiết, thiếu tiền bạc, thiếu giáo dục. Những chính sách không ủng hộ gia đình, kỳ thị tôn giáo, văn hoá, hành hạ trẻ em, bạo động trong gia đình, chiến tranh, xung khắc giữa các chủng tộc, biến đổi khí hậu. Tất cả đều hằn sâu những thương tích.

Đó là những lý do khiến Đức Giêsu Kitô phải thân hành xuống thế để rao giảng, để chữa lành những vết thương, kèm theo nhưng dấu lạ. Người đi vào trong các làng mạc và chữa lành mọi bệnh tật (x. Mt 10, 7-8).

Người không chỉ cứu chúng ta khỏi sự yếu đuối, nhưng Ngài muốn trở nên như chúng ta để cảm nghiệm được những đau khổ, sự thất lạc, vô gia cư, sỉ nhục khi ở trên thánh giá, chết và an táng trong một ngôi mộ không phải của mình. Người mang lấy vào thân những đau khổ của chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, Ngài sống lại vẫn còn vết thương.

Gia đình nào trong chúng ta cũng cần được Chúa thương xót, thì chúng ta phải xót thương nhau trong gia đình. Chúa Giêsu Kitô, người mang thương tích và cầu nguyện với Chúa Cha. Khi sống lại, chan tay và hình hài của Ngài vẫn còn những vết sẹo, những dấu ấn.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta trở thành những ngôn sứ loan báo Niềm Vui Phúc Âm về gia đình, về tình yêu gia đình, trở thành những ngôn sứ như môn đệ của Chúa, và xin Chúa ban cho chúng ta ơn được xứng đáng với con tim thanh khiết, không cảm thấy bị vấp phạm vì Tin Mừng.


 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ



VỀ MỤC LỤC

 HÃY LÀ SAO LẠ DẪN ĐƯỜNG GIỚI THIỆU CHÚA


 

Lễ Hiển Linh

Is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12

Epiphany: manifestation or striking appearance có nghĩa là Lễ Hiển Linh.

Tiếng Hy-lạp cổ dùng chữ Theophaneia (Theophany meaning ‘vision of God’).

Lễ này được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng theo truyền thống xa xưa. Vào Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà Đạo Sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giêsu và sự hiển linh của Con Chúa cho các Dân Ngoại.

Từ năm 1970, Giáo Hội Công Giáo Rôma, nghi thức Latinh đã cử hành Lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng 1 và là Lễ buộc. Các quốc gia khác có thể cử hành vào Chúa Nhật, sau ngày 1 tháng 1.

Lễ Hiển Linh còn được gọi là Lễ Ba Vua. Trong khi các tín hữu Đông Phương tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, được xem là sự hiển linh của Con Chúa cho toàn thế giới.

Lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi người. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng Dân của Ngài mà còn cho muôn dân. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã mở ra cả một viễn tuợng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng quy về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa.

Lời ngôn sứ Isaia đã vang vọng từ 700 năm trước Công Nguyên về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi (Is 60, 1).

Ánh sáng sẽ bừng lên trong đêm tối và con dân sẽ đón nhận vinh quang Thiên Chúa. Đấng Cứu Thế là ánh sáng đến trong thế gian để xua trừ bóng tối của tội lỗi và gian tà. Mọi dân sẽ hướng về nguồn ánh sáng để dõi tìm ơn cứu độ: Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước (Is 60, 3).

Theo truyền thuyết, những nhà chiêm tinh, nhà khôn ngoan, còn gọi là các đạo sĩ hay ba vua, đã chiêm ngắm bầu trời và nhận ra vì sao lạ. Họ đã dõi theo ánh sáng của vì sao lạ để tìm đến bái thờ Đấng đã được sai đến.

Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về việc các bậc quân vương tiến về để thờ lạy Chúa Hài Nhi. Các nhà Đạo Sĩ Phương Đông cùng đến dâng Chúa của lễ là vàng, nhũ hương và mộc dược. Isaia đã có thị kiến về đoàn người từ các phương xa tìm đến bái thờ: Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa (Is 60, 6).

Các nhà Đạo Sĩ đã miệt mài kiếm tìm qua dấu chỉ mà không quản ngại gian khó. Các ngài đã được Thiên Chúa đáp trả như lòng mong ước.

Chúa Giêsu đã dạy : Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt 7, 8). Hồng ân Chúa bao la tuyệt vời, đoàn người dân ngoại đã được chứng kiến tận mắt ơn Cứu Độ đã tỏa sáng: Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến (Mt 2, 11).

Vàng được mệnh danh là vua của mọi kim loại. Vàng thường được coi là của lễ xứng hợp nhất để dâng tiến vua. Chúa Giêsu sinh ra để làm vua. Vị vua này không cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu. Ngài cai quản lòng người không từ ngai vàng mà từ thập tự giá.

Sự có mặt của Ngài đã biến đổi thế giới loài người, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Bệnh tật được chữa lành (Mt 8, 16-17), tang tóc được hân hoan (Lc 7, 11-17), tội lỗi được tha thứ (Mt 2,5), ngay cả sự chết đối với Ngài chỉ là giấc ngủ bình an (Mc 5, 39). Vì vua này xuất hiện luôn ban cho con người một niềm vui, một niềm hy vọng "Phúc cho anh em, là những người nghèo, vì triều đại Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những người đói khát vì anh em sẽ được no nê. Phúc cho anh em là những người đang khóc vì anh em sẽ được vui cười" (Lc 6, 20-21).

Nhũ hương dâng cho Hài nhi là thứ hương liệu có mùi thơm dịu mà thầy tư tế thường dùng trong các nghi thức thờ phượng. Thầy tư tế chính là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vị tư tế cũng chính là người mở đường dẫn lối để con người đến được với Thiên Chúa.

Ánh sao soi đường đến nơi thì đã tắt, bởi lẽ Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật để soi rọi con người tìm ra chân lý. Chân lý con người tìm kiếm là tình yêu và gia nghiệp của Ngài. Chính chúa Giêsu sẽ dẫn đưa con người về với Chúa Cha.Thư gửi Ephêsô, thánh Phaolô đã khẳng định: "Trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cũng được thừa kế gia nghiệp với người do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ban" (Eph 3,6).

Mộc dược là lễ vật dành cho người chết, là hương liệu để xông xác người. Chúa Giêsu đến thế gian để sống cho con người và cuối cùng chết cho con người. Cái chết của Ngài biểu lộ sự trung thành đối với loài người mà Ngài đã yêu thương đến tận cùng (Ep 13, 1). Chúa Giêsu không nghĩ tới mình, vì lẽ đó Ngài có thể đón tiếp mọi người và lắng nghe mọi người đến với Ngài. Cuộc sống Chúa Giêsu là một cuộc tự hiến cho con người để cứu độ con người.

Qua Kinh Thánh và lịch sử của ơn cứu độ, ta biết có nhiều tâm hồn khao khát đi tìm kiếm và mong chờ Chúa. Khi thời gian chuẩn bị đã mãn, dấu chỉ đã tỏ hiện, lòng con người thôi thúc khát mong và mùa hồng ân đã cận kề, các Đạo Sĩ tìm hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."(Mt 2, 2).

Thiên Chúa tỏ mình ra. Chúng ta biết được qua trang Tin Mừng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa nào có ai thấy Ngài bao giờ, và làm sao thấy Ngài được? Nhưng người Con duy nhất của Ngài đã làm người, và cho ta thấy được Thiên Chúa mang bản tính con người, làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta”. Từ khi Ngôi Lời nhập thể, ai tin nhận Đức Kitô là tin nhận Thiên Chúa, ai từ khước Đức Kitô là từ khước Thiên Chúa.

Việc đi theo ngôi sao lạ để đến bái thờ và dâng Chúa những của lễ thật sự chẳng phải là việc giản đơn và cũng không phải ai cũng làm được như 3 nhà đạo sĩ.

Muốn như vậy, trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện đường đi. Thiện chí của các Ngài rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các Ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Chúa đã chúc lành cho thiện chí của các Ngài, nên đã cho các Ngài được gặp Chúa.

Khi người Kitô hữu chỉ đóng khung đời sống đạo của mình trong nhà thờ, giữa những nghi lễ, mà không nhận ra những nhu cầu, những đòi hỏi của xã hội chung quanh; khi một cộng đoàn Kitô hữu quá bám víu vào những thứ gọi là quyền lợi tôn giáo của mình mà làm ngơ trước những đau khổ, bất hạnh của kẻ khác thì chính họ đang làm dập tắt những ánh sáng dẫn đường tới Chúa Kitô.

Đời sống chúng ta là một cuộc đi tìm Chúa. Trong cuộc đi tìm, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách.

Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường.

Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ. Chúa mời gọi ta loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Và như vậy, ta hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những luồng sáng tự nhiên phát ra từ ta ấy, chắc chắn mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.


  Huệ Minh

VỀ MỤC LỤC


MỘT VÌ SAO VÀ MỘT TRÁI TIM TINH TUYỀN


 

(LỄ BA VUA HAY LỄ HIỂN LINH)



(Is 60:1-6;  Ep 3:2-3a,5-6; Mt 2:1-12)

________________________________________________

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD


 


 

LỄ BA VUA HAY LỄ HIỂN LINH

Danh từ Epiphany có nghĩa là “biểu lộ”, “làm cho mọi người biết đến” hoặc “tiết lộ, bày tỏ”. Vì ý nghĩa đó mà ban dịch thuật gọi là Lễ Hiển Linh, nghĩa là Thiên Chúa thể hiện cho mọi người biết. Hồi xưa lúc còn nhỏ tôi thường nghe nói Lễ Ba Vua thì chỉ đơn giản hiểu là lễ kính ba ông vua ở phương Đông đến thờ lạy Chúa Hài Đồng ở hang đá Bethlehem.

Lễ Hiển Linh bắt đầu ở Giáo Hội phương Đông. Tại Jerusalem, nơi gần Bethlehem thì lễ này lại có ý nghĩa đặc biệt ám chỉ lễ Chúa Sinh Ra. Ngày nay nơi các giáo hội chính thống/Orthodox, lễ này nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu Kito biểu lộ cho muôn dân biết Người là đấng Thiên Sai và là Ngôi Hai Thiên Chúa lúc Chúa chịu phép thánh tẫy ở sông Jordan bởi thánh Gioan Tiền Hô. Cũng vì vậy mà có danh từ Theophany, từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Thiên Chúa chiếu sáng”. Đây là một trong những lễ trọng của năm phụng vụ.


 

Ý NGHĨA LỄ HIỂN LINH

Tây Phương đã lấy ngày lễ của phương Đông và giữ lại tất cả những đặc tính chính của nó mặc dù thời gian phôi pha qua đi đã lâu nhưng vẫn không quên những mấu chốt quan trọng như ba vua đến viếng chúa Hài Đồng và tặng lễ vật, chứng tỏ Chúa Giêsu đã “biểu lộ” cho thế giới biết Người là Thiên Chúa và là Vua. Lễ này được mừng có mục đích nói lên sứ mệnh của Giáo Hội là hoành dương cho thế giới biết Chúa Giêsu là đấng Cứu Chuộc muôn dân. Quang cảnh dân Do Thái sau này chối bỏ chúa Giêsu mà dân ngoại lại chấp nhận Người đã đảo ngược lại tình thế như trong câu chuyện Tin Mừng thánh Mathiêu kể.
 

CHI TIẾT CÂU CHUYỆN

Vua Herod trị vì từ năm 37 đến năm 4BC. Ba vị đi tìm hài nhi Giêsu lúc đó gọi là Ba Vua hay ba nhà thông thái, thuộc hàng đạo sĩ / tư tế ở xứ Ba Tư. Danh xưng đó ám chỉ những người có tầm hiều biết hơn người. Thánh sử Mathiêu gọi họ là những nhà thiên văn học. Ngôi sao lạ hiện ra trên trời như trong câu chuyện thánh sử kể, là điềm lạ mà dân chúng thời đó tin rằng có đấng cầm quyền cao trọng, hoặc đấng vua sinh ra. Thánh Mathiêu cũng nhắc lại câu chuyện trong Cựu Ước mà tiên tri Balaam đã nói tới “một ngôi sao sẽ mọc lên từ Jacob” (Ds 24:17). Ngôi sao này không phải là hiện tượng thiên văn mà ám chỉ một vị vua.

Cử chỉ thờ kính của ba vua tương đương với sự chúc phúc của Simeon, có nghĩa là hài nhi Giêsu sẽ là “Ánh sáng dẫn đường cho dân ngoại” (Lc 2:32), một trong những dấu chỉ đầu tiên là Chúa Giêsu đã đến với muôn dân, ở mọi quốc gia, mọi sắc tộc. Việc Thiên Chúa làm cho thế giới thì không giới hạn, riêng biệt cho bất cứ ai hoặc bất cứ nơi nào.

Tại quê hương của các ngài, nơi miền đất ngoại xa xôi, ba vị đang sống trong khung cảnh ấm cúng huy hoàng, đấy đủ tiện nghi, nhưng các ngài cảm thấy bồn chồn, đứng ngồi không yên như thiếu thốn và mất mát cái gì. Các ngài đã bất chấp khó khăn hiểm nguy, liều mình đi tìm  kiếm cho ra sự thật như đã chiêm nghiệm thấy.

Không giống như những mục đồng, ba vua đã làm một cuộc hành trình dài, phải đối dầu với biết bao hiểm nguy gian khổ mới đạt được mục đích. Các mục đồng cũng gặp những nghịch cảnh, nhưng được chuẩn bị để nhận biết chúa Hài Đồng nhờ thiên thần loan báo.

Khi đã vượt qua mọi sợ hãi, các mục đồng chỉ việc đi bộ qua cánh đồng là tới Bethlehem và gặp được hài nhi Giêsu, không phải lặn lội đường xá xa xôi. Quả là một cuộc hành hương tình cảm, đầy thơ mộng mà chúng ta thường thấy nơi máng cỏ chúng ta làm mỗi năm.

Đối với ba nhà thông thái từ phương Đông là những người ngoại quốc  đúng nghĩa, đã được hướng dẫn không phải chỉ do sự khôn ngoan và hiểu biết của mình về ngôi sao lạ, mà còn được soi sáng bởi Kinh Thánh của người Do Thái, bây giờ gọi là Cựu Ước.

Ý nghĩa này rất quan trọng. Chúa Kitô kêu gọi tất cà mọi dân tộc trên khắp thế giới, dân ngoại cũng như dân Do Thái, hãy bước theo Người. Chúng ta có thể nói rằng Jerusalem và Cựu Ước là điểm khởi đầu cuộc hành hương của dân ngoại đi tìm đức tin nơi Chúa Giêsu. Dân chúng trong thị trấn này, ngay cả chính vua Herod, đã là dụng cụ dẫn đường cho ba vua đến gặp Chúa Kito !


 

CÂU CHUYỆN BI THƯƠNG CỦA MỘT NGƯỜI LỚN

Tin Mừng Thánh Mathiêu cho chúng ta thấy ngay từ lúc khởi đầu câu chuyện, chúa Giêsu hài đồng là vua dân Israel đã được một số người hân hoan chào mừng, nhưng đồng thời lại có một số người khác lo sợ. Bởi vì  khi biết tin có vua Do Thái sinh ra, Herod đã cho triệu tập tất cả thân hào nhân sĩ trong dân lại để tham khảo ý kiến, tìm hiểu xem hài nhi sinh ra ở đâu (Mt 2:3-4). Thánh Mathiêu đã gọi “tất cả các thầy cả thượng thẩm và các luật sĩ trong dân lúc đó” là những cố vấn của ông vua thâm hiểm Herod.

Có thể là họ đã hành động nhiều hơn là trả lời những câu hỏi của vua thắc mắc về thần học. Thánh Mathiêu chắc chắn đã có ám chỉ điều gì đó. Lúc đầu, họ tỏ ra bối rối vì lời ba nhà thông thái nói về biến cố đấng thiên sai sinh ra. Dù biết Herod bắt đầu nghi ngại về ngai vàng của mình, ba vua cũng nhận ra là ông vua này xem ra cũng chẳng tử tế gì với con trẻ là “Vua dân Do Thái” vừa mới sinh ra.

Tiết lộ cho Herod nơi đấng thiên sai sinh ra, các cố vấn đã tỏ ra là những cộng sự viên rất tích cực trong ý đồ gây tội ác. Chính họ, không phải là Herod, đã đưa ý kiến giết “Vua dân Do Thái”. Chính “các thầy cả thượng thẩm và các bô lão trong dân” là những người đã âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu (Mt 26:3-5,47; 27:1-2,12,20); Các luật sĩ thì nêu ra luật để có lý do bắt giết Chúa (26:57; 27:41). “Hắn là tên rất nguy hiểm cho ngôi vị của hoàng đế Herod  và cho chúng tôi”, một đế quốc tôn giáo của nhiều người..

Hành động tiêu cực của Herod và các thầy cả thượng thẩm và luật sĩ đã biến câu chuyện Hài Nhi thành một pho sách Tin Mừng thực sự như chúng ta thấy. Nếu chăm chú, để ý đọc, chúng ta sẽ thấy câu chuyện chúa hài đồng Giêsu không còn là câu chuyện thần tiên về trẻ nít mà quả là câu chuyện bi thương của một người lớn. Quan sát khung cảnh ngày Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã thấy một dấu hiệu chết chóc, như ít ngày sau khi Chúa sinh ra thánh Giuse đã phải vội vàng mang chúa Giêsu và mẹ Maria trốn sang Ai Cập để tránh cái chết do vua Herod âm mưu, và lúc cuối đời về cái chết hy sinh khó có thể tránh của “vua mới sinh ra này” do chính các kỳ mục, thượng thẩm, luật sĩ và dân Do Thái giết treo trên thập giá.

Theo thánh Mathiêu, chúng ta thấy ngay từ lúc khởi đầu câu chuyện, đức Giêsu đã được chào đón nồng nhiệt bởi một số người nhưng cũng làm một số người phải lo sợ. Đối với những người  lúc nào cũng để ý đến những dấu chỉ thời gian và không gian, thì sự xuất hiện của chúa Giêsu là bước đầu của  cuộc hành trình đầy mạo hiểm đi tìm đức tin và sự sống.


 

TÌM  KIẾM CHÚA KITO NGÀY NAY: SỰ VUI MỪNG

Một con trẻ vừa sinh ra thì cũng là lúc quyền lực của tử thần xuất hiện. Vua Herod đã làm bộ cộng tác với ba nhà thông thái nhưng trong lòng đầy ác ý phản bội, muốn kết thúc cuộc hành trình đi tìm sự sống vĩnh cửu của họ. Trọng tâm của câu chuyện đầy vẻ trái nghịch này là Hài Nhi, biểu tượng của Vui Mừng. Nhưng Herod lại sợ hãi nỗi “vui mừng của muôn dân”.

Xã hội hiện nay với nền văn hóa sự chết đang càng ngày càng sợ sự sống con người, mà đáng lẽ phải là nỗi vui mừng của mọi người.  Chúng tôi phải tái cam kết giữ và bảo tồn sự sống, khuyến khích, chúc phúc nó và cám ơn Chúa vì đã cho chúng tôi quà tặng quí giá này.

Một số chúng ta chỉ cố gắng đi tìm Hài Nhi Giêsu sau một cuộc hành trình dài gian khổ giống như ba vị vua trong Tin Mừng thánh Mathiêu. Những khôn ngoan của người đời và vẻ hào nhoáng bề ngoài của giáo hội cũng nên dẹp bỏ đi. Chúng ta cần phải chấp nhận hy sinh để tìm cho ra ý nghĩa thâm sâu nhất và bằng an thực là Chúa Kitô. Đa số những vị khôn ngoan đã làm những cuộc hành trình đặc biệt gian khổ để tìm kiếm cho ra một ý nghĩa vĩnh cửu nào đó.

Người dân bình thưòng đi tìm Chúa bằng cách vượt qua cánh đồng như những kẻ chăn chiên làm. Họ mang theo cái nghèo nàn, lòng khiêm tốn và sự cởi mở đơn sơ của họ. Nhưng sự thông thái, khôn ngoan, quyền lực, uy tín và kiêu căng thường đưa tới tuyệt vọng. Những kẻ dựa vào thế quyền và đi theo thế quyền để được yên thân, thoải mái, được trọng vọng vì nghĩ rằng họ khôn ngoan, thông minh, có khi lại nói ‘họ có Chúa Thánh Thần soi sáng’, nhưng có biết đâu họ đã tự dối lòng mình, nghe theo lời đường mật, lừa phỉnh của Herod đã giết Chúa. Những người như vậy, họ tin tưởng mình có thể có ngay lập tức sự thật cuối cùng và có thể làm sáng tỏ về bất cứ điều gì thì lại thường đi vào con đường cùng trống vắng hoặc sẽ bị lạc trong sa mạc cô quạnh, ích kỷ, thiếu thốn đủ thứ và tuyệt vọng.

Cuối cùng, ba vua đã đi theo con đường riêng của họ, vì họ đã từ chối không để cho dối trá mê hoặc. Họ sửng sốt vui mừng vì ngôi sao trên trời mà họ đã tin tưởng lại xuất hiện. Đây không phải chỉ là tả cảnh lúc Chúa sinh ra mà là thời đại của chúng ta. Khi chúng ta tìm ra được sự vui mừng thực sự ở giữa bóng tối ghê rợn bao quanh, giữa thất vọng, dửng dưng và vô nghĩa thì chỉ còn cách duy nhất là “quì gối và thờ lạy”.

Nếu chúng ta khôn ngoan đủ, chúng ta hãy hành sử như ba vua khôn ngoan. Khi chúng ta nghe thấy tiếng nói của tử thần, của sợ hãi và của dối trá, chúng ta hãy bình tâm, lấy can đảm đi theo con đường của mình là Vui Mừng. Ngôi sao trên trời và cuộc hành trình sẽ dẫn đưa chúng ta tiến bước, bằng con đường mới, con đường thật của Chúa để tới gặp Hài Nhi Ánh Sáng và Hoàng Tử Hòa Bình, là đấng hoàn thành niềm hy vọng sâu xa nhất của loài người và ước vọng ánh sáng, công lý, hòa bình và tình thương yêu..


 

ĐÔI LỜI KẾT:  TIẾP TỤC CUỘC HÀNH TRÌNH

Để kết luận bài suy niệm, chúng tôi xin mượn lời của một đại văn hào  Công Giáo, người Pháp Georges Bernanos (1888-1948) đã nói rất bay bướm về ngày đại lễ này ở thời đại chúng ta:

Từ khởi đầu, Giáo Hội của Ta đã là Giáo Hội ngày nay, và nó sẽ như vậy cho đến tận thế, là một gương xấu cho những kẻ mạnh mẽ, một thất vọng cho những kẻ yếu đuối, là thử thách và an ủi cho những ai có đời sống nội tâm dồi dào, biết tìm kiếm nơi mình không gì khác ngoài chính Ta.

Đúng vậy (….) bất cứ ai muốn tìm Ta ở đâu thì sẽ thấy Ta ở đó; nhưng họ sẽ phải tìm, và Ta sẽ ẩn tránh kỹ hơn là người ta tưởng, hơn cả một vài linh mục của ta đã chỉ dạy cho bạn biết. Cũng còn khó khăn mới khám phá ra Ta hơn là Ta đã ở trong hang bò lừa nhỏ bé ở Bethlehem đối với những ai sẽ không đến với Ta một cách khiêm tốn theo bước chân của các mục đồng và của ba nhà thông thái.

Thực sự là những lầu đài đã được xây vì Vinh Dự Ta với những bao lơn và hàng cột bao quanh vô số kể, được chiếu sáng huy hoàng chói lọi suốt ngày đêm, có lính canh gác đứng nghiêm chào. Nhưng nếu bạn muốn tìm Ta ở đó thì việc khôn khéo là phải làm như họ đã làm trên con đường xưa phủ đầy tuyết ở Judea, và chỉ hỏi điều mà bạn cần: Một vì sao và một trái tim tinh tuyền.”


 

Fleming Island, Florida

Dec. 31, 2015

NTC


VỀ MỤC LỤC

ƠN THA THỨ - LÒNG THƯƠNG XÓT


NẾU LINH MỤC KHÔNG CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT
Chúng ta đều là tội nhân. Ai trong chúng ta cũng cần đến lòng Chúa thương xót thứ tha. Chúa Giêsu đến trần gian để kêu gọi người tội lỗi, chứ không phải gọi người công chính. Truyện kể: Có một bà thánh thiện, chiều tối đi dạo quanh làng xóm một vòng, trước khi lên giường đi ngủ. Bầu trời quang đãng, các ngôi sao chập chờn và ánh trăng lưỡi liềm tuyệt đẹp. Bà cảm động sâu thẳm khi nhìn ngắm bầu trời. Bà ngưỡng mộ sự vĩ đại và huyền diệu của Tạo Hóa và các loài thụ tạo của Ngài. Với thân phận con người yếu đuối, bà qùy gối và cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tốt lành và tuyệt mỹ vô song, xin đừng bao giờ để con phạm lỗi với Chúa, dù là một hành vi nhỏ nhất. Và bà đã nghe một giọng nói dịu dàng trong tâm: Hỡi con, nếu Cha chấp nhận nguyện vọng đó đối với mọi người, làm sao Cha có thể bày tỏ lòng thương xót và sự tha thứ vô bờ của Cha, điều này là một trong những cách thế rõ ràng nhất Cha để mọi người biết và cảm nghiệm tình yêu của Cha?

Trái tim yêu thương của Chúa là nguồn suối ân sủng không bao giờ khô cạn. Thiên Chúa luôn yêu thương Dân mà Chúa đã chọn, cho dù đã bao lần Dân bỏ Chúa chạy theo thờ lạy bụt thần dân ngoại. Chúa phạt họ đó, rồi Chúa lại thứ tha. Tác giả Thánh Vịnh đã phải thốt lên: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài (Tv 130, 3-4). Con người yếu đuối vì thân xác nặng nề, ước muốn thấp hèn và có khuynh hướng trở về với bản năng thú tính. Ưa thích những cảm giác mới lạ, những tư tưởng phàm tục và đòi hỏi thỏa mãn những khát vọng lạc thú. Con đường dốc rất dễ xuôi theo. Càng nhẹ bước, chúng ta càng lạc xa. Mọi sự trong cuộc sống đều theo kiểu trước lạ, sau quen. Quen riết rồi nghiền. Sống giữa một xã hội tục hóa, tiêu thụ, hưởng thụ và mọi thứ tạm bợ chóng qua. Sứ réo gọi chạy đua với cuộc sống làm cho chúng ta quay cuồng trôi chảy theo dòng. Cảm giác về tội lỗi không còn bén nhậy. Lương tâm không còn bị áy náy về sự sai trái và lỗi tội. Đây là điều chúng ta cần để tâm suy xét.

Tại sao chúng ta phải xin tha lỗi mình và tha thứ cho tha nhân? Chúng ta nhớ rằng sống là sống chung với người khác, nên chúng ta cần giúp nhau để nên hoàn thiện. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Colossê đã khuyên dạy: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Col 3, 13). Sự tha thứ rất cần thiết để mọi người sống chung được hài hòa và hợp nhất. Nhân gian thường nói: Quá tam ba bận. Ba lần lỗi là tối đa rồi đó, đừng lỗi phạm nữa, nếu phạm thì khó mà tha. Đối với Chúa Giêsu giầu lòng thương xót thì sự tha thứ không có giới hạn: Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."(Mt 18, 21-22).

Như thế, trong bất cứ hoàn cảnh lỗi phạm nào, chúng ta vẫn có thể nhận được ơn tha thứ. Con người có thể không tha cho nhau, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi. Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội rất quý báu, mời gọi chúng ta chạy đến với lòng nhân hậu của Chúa để nhận lãnh ơn tha thứ. Chúa có uy quyền tẩy xóa mọi lỗi lầm và đổi mới chữa lành con người cả hồn lẫn xác. Khi chữa bệnh cho người bị bại liệt, Chúa Giêsu đã phán: Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà! (Mt 9, 6). Hoặc Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.”( Lc 7, 48). Quyền năng của Thiên Chúa vô biên, nhưng Ngài vẫn tôn trọng quyền tự do của con người. Chúa ban ân sủng một cách nhưng không, nhưng Chúa cần sự cộng tác của chúng ta. Mọi người cần ăn năn sám hối để được tha thứ. Chúa mời gọi chúng ta thực hành việc bác ái này để xây dựng tình người. Chúa phán: Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6, 15).

Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự tha thứ. Chúa nài xin Chúa Cha tha cho chính những kẻ đã gây khổ đau, phản bội, chống đối và hành xử Chúa. Trên cây thánh giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lk 23, 34). Chúa Giêsu bênh đỡ những người đã làm hại Chúa. Chúa đã tha thứ cho họ và nại lý do rằng họ không biết việc họ làm. Phần chúng ta, có nhiều lần vô tình hoặc vô ý gây nên lỗi lầm phạm đến anh chị em. Cũng có rất nhiều lần chúng ta hiểu lầm và gây ra biết bao phiền não cho người khác. Chúng ta cũng có thể gây thương đau cho người thân yêu vì sự nghi ngờ, nhẹ dạ và cả nghe. Đôi khi chúng ta cũng đã cố ý phạm tội chia rẽ, gây đổ vỡ, thù óan, phản bội và xúc phạm đến tha nhân. Những tội lỗi này làm cho lòng của chúng ta ra trĩu nặng, u buồn, ai oán và sầu đau. Chúng ta có thể chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa để xưng thú, giãi bầy và xin ơn tha thứ: Lạy Chúa, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con (Tv 25,11).

Đôi khi chúng ta có thể tha thứ cho anh chị em, nhưng lại khó quên. Tha rồi đó, nhưng mỗi lần nghĩ đến hay nhớ lại, lòng chúng ta lại quặn đau và xôi sục. Chúng ta nhớ rằng qua Bí tích Hòa Giải, khi chân thành sám hối và xưng thú tội đã phạm, chúng ta lãnh nhận hồng ân tha thứ và được tẩy sạch các tội lỗi. Chúa tha và Chúa quên luôn. Trong cuộc sống va chạm hằng ngày, vì sự nhỏ nhen, ích kỷ và kiêu căng, chúng ta rất thường xúc phạm đến anh chị em. Chúng ta luôn có thể làm hòa và tha thứ cho nhau: Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em (Mc 11, 25). Đây là liều thuốc rất hiệu nghiệm giúp chúng ta tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn.

Chúa Giêsu đã trao quyền tháo cởi và cầm buộc cho Giáo Hội qua các thánh Tông đồ và những người kế vị: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."(Ga 20, 23). Giáo Hội đã ủy quyền tha tội cho các linh mục là những thừa tác viên sống động để có thể giúp mọi người giao hòa cùng Thiên Chúa và tha nhân. Biết rằng các linh mục cũng là con người và là tội nhân. Các linh mục cũng yếu đuối phạm lỗi lầm như mọi người. Giáo Hội tin tưởng trao ban năng quyền cho các linh mục để tiếp tục phân phát ân sủng của Chúa qua các Bí tích. Các linh mục cũng cần ơn tha thứ và được tha thứ qua Bí tích Hòa Giải. Vì cũng là tội nhân, nên các linh mục cảm thông được những lầm lỗi, thiếu xót, yếu đuối và những cám dỗ thường xuyên trong đời sống. Nơi tòa cáo giải, các linh mục chia sẻ đồng phận với tội nhân và cùng sám hối cho chính tội lỗi của mình.

Chúa Giêsu hiến dâng hy tế trên thánh giá để đền thay tội lỗi cho nhân loại. Chúa phán: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội (Mt 26, 27). Máu châu báu của Chúa Giêsu đã đổ ra để chuộc tội cho chúng ta. Năm Thánh Lòng Thương Xót là thời gian đặc biệt, chúng ta hãy tìm đến lòng từ bi nhân hậu của Chúa để xin ơn tha thứ. Xin Chúa tha thứ cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ đã xúc phạm đến chúng con. Xin nguồn ân sủng của Chúa tràn đổ vào tâm hồn để chúng con tìm được sự bình an đích thực.



Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York


VỀ MỤC LỤC


tải về 425.59 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương