1. Báo Thanh niên phản ánh: Trưa 5, dòng sản phẩm xăng Reformate (có chỉ số octan cao 102 Ron) đã ra lò tại phân xưởng công nghệ số 13 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất



tải về 44.97 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu12.01.2018
Kích44.97 Kb.
#35980

BỘ TƯ PHÁP

VĂN PHÒNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2009


ĐIỂM TIN BÁO CHÍ SÁNG NGÀY 07/5/2009

Trong buổi sáng ngày 07/5/2009, một số báo chí đã có bài phản ánh những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề liên quan đến công tác tư pháp như sau:



I- THÔNG TIN VỀ NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Báo Thanh niên phản ánh: Trưa 6.5, dòng sản phẩm xăng Reformate (có chỉ số octan cao 102 Ron) đã ra lò tại phân xưởng công nghệ số 13 - Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tổng giám đốc Công ty TNHH lọc -hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang cho biết, đây là một trong những cấu tử quan trọng nhất để pha trộn tạo ra sản phẩm xăng thương mại đưa ra thị trường tiêu thụ. Hiện các phân xưởng Cracking xúc tác - phân xưởng chính sản xuất ra sản phẩm xăng và các phân xưởng bản quyền công nghệ UOP (Mỹ) đang chuẩn bị khởi động để chính thức đưa mẻ sản phẩm xăng đầu tiên của VN ra thị trường vào đầu tháng 6 tới.



Báo cũng phản ánh: Ngày 6.5, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội ở TP.HCM, Bộ Tài chính đã gửi dự thảo Tờ trình Quốc hội về việc miễn giảm thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2009 để Ủy ban cho ý kiến.

Theo dự thảo tờ trình, số thuế TNCN giãn thời hạn nộp cho các đối tượng trong 5 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỉ đồng. Phương án miễn, giảm, giãn thuế TNCN như sau: miễn toàn bộ số thuế TNCN đã được giãn trong 6 tháng đầu năm 2009. Từ ngày 1.7, thực hiện miễn thuế TNCN đến hết năm 2010 đối với cá nhân có thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại). Từ ngày 1.7.2009 đến hết năm 2010, giảm thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công theo mức thống nhất là 200.000 đồng/tháng, cá nhân có số thuế TNCN nộp cao hơn 200.000 đồng/tháng sẽ chỉ nộp phần thuế cao hơn. Thực hiện thu thuế đối với các cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, nhận thừa kế, quà tặng; và cá nhân không cư trú đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, nhận thừa kế, quà tặng.

Do miễn giảm, giãn thuế TNCN, dự kiến số thu ngân sách năm 2009 sẽ giảm khoảng 6.500 - 6.800 tỉ đồng.

2. Báo Sài Gòn giải phóng phản ánh: Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 5/5, trong một diễn tiến được coi là biểu hiện về mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, Chính phủ Hoa Kỳ đã mở rộng hạn thị thực cho nhiều công dân Việt Nam.

Theo quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/4/2009, Chính phủ Hoa Kỳ mở rộng hạn từ một lần nhập cảnh trong ba tháng thành nhiều lần nhập cảnh trong 12 tháng đối với những người mang quốc tịch Việt Nam thuộc 9 diện: ngoại kiều quá cảnh, thủy thủ, người lao động tạm thời, đại diện cơ quan thông tin báo chí, người được điều chuyển giữa các công ty, học sinh phổ thông, người nước ngoài có khả năng xuất chúng, vận động viên thể thao, nghệ sĩ cùng những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, và người nước ngoài làm việc về lĩnh vực tôn giáo.



3. Báo Hà Nội mới phản ánh: Nguồn tin báo "Tấm gương hàng ngày" ngày 6-5 cho biết, hàng nghìn người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức đang nằm trong "tầm ngắm" của Sở Ngoại kiều Đức khi nước này có kế hoạch trục xuất hàng loạt người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp. Đây là lần đầu tiên Đức trục xuất số đông người Việt Nam kể từ hơn 10 năm qua. Bốn năm qua đã có 4.000 người Việt nhập cảnh bất hợp pháp bị buộc hồi hương.

Một phát ngôn viên cảnh sát liên bang cho biết, vào đầu tháng tới, những người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp từ các tiểu bang ở Đức sẽ được đưa tới sân bay Béc-lin để về Hà Nội. Các báo "Quảng cáo chung", "Báo người Béc-lin", mạng tin "Sao Thủy"... nói rằng cơ quan chức năng Đức sẽ trục xuất hơn 100 người Việt Nam vào ngày 8-6 tới trên chuyến bay đặc biệt của Hãng hàng không Đức "Air Berlin".



Báo cũng cho biết: Ngày 6-5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 160 triệu USD vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) cho dự án Nâng cấp đô thị Việt Nam.

Theo đó, các tiểu dự án nâng cấp đô thị của 4 tỉnh, TP được bổ sung vốn gồm: Nam Định bổ sung thêm 9,147 triệu USD; Hải Phòng thêm 10,45 triệu USD; Cần Thơ thêm 11,6 triệu USD và TP Hồ Chí Minh thêm 128,8 triệu USD. Phần vốn đối ứng cho các tiểu dự án sau khi điều chỉnh do UBND các tỉnh và TP trên tự bố trí. Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam được thực hiện trong giai đoạn 2004-2012 nhằm giúp cho khoảng trên 1 triệu người có thu nhập thấp ở 4 TP trên cải thiện đời sống thông qua các công trình nước sạch, hệ thống vệ sinh, thoát nước và lưới điện.



Báo cũng phản ánh: Ngày 6-5, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, Ban Bí thư TƯ Đảng đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Báo cáo của Ban Chấp hành TƯ Đảng nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 27, tình hình tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội ở nhiều ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nói riêng, phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Theo điều tra dư luận xã hội, hiện tượng lãng phí, phô trương, gây phiền nhiễu trong việc cưới giảm hơn 60%; hủ tục ép hôn, tảo hôn, thách cưới cao, đánh bạc trong đám cưới giảm hơn 70%. Mô hình cưới theo nếp sống mới (NSM) do Đoàn Thanh niên, đơn vị, công đoàn đứng ra tổ chức ngày càng nhiều. Hủ tục tổ chức đám tang linh đình, chôn chung… Hiện tượng mê tín, dị đoan, ăn xin, trộm cắp trong lễ hội từng bước được khắc phục. Từ kinh nghiệm địa phương, Ban Chấp hành TƯ đề xuất 5 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc nêu cao tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước và coi đây là tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu thi đua cho tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức cưới, tang, lễ hội theo NSVM, giúp nhân dân nắm bắt một cách dễ dàng. Phó Thủ tướng yêu cầu các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo tinh thần Chỉ thị 27.

4. Báo Lao động phản ánh: Ngày 5.5, ông Trần Quang Quý, Chánh Văn phòng Bộ GDĐT, cho biết lãnh đạo Bộ đã đồng ý để VN tham gia Chương trình quốc tế Đánh giá kết quả học tập của học sinh (PISA) năm 2012 và công bố kết quả vào năm 2013.

Theo lãnh đạo Bộ, tham gia PISA là một việc làm tất yếu của VN để hội nhập với khu vực và quốc tế. Để chuẩn bị cho VN tham gia PISA năm 2012 và để đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong đánh giá, Bộ yêu cầu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cùng các đơn vị liên quan cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu về HS trong độ tuổi 15 tại thời điểm VN tham gia PISA. Bộ cũng đồng ý để thử nghiệm PISA với lộ trình năm đầu tiên có thể thử nghiệm ở một vài tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Năm tiếp theo triển khai ở quy mô rộng hơn tại khoảng 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sau đó triển khai trên phạm vi cả nước theo đúng quy trình chọn mẫu của Chương trình PISA.



5. Báo Tiền phong phản ánh: Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế Việt Nam đang có sự tăng trưởng tốt so với các nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam đang thể hiện sức mạnh trong các lĩnh vực xây dựng và tiêu thụ nội địa. Dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á trong năm nay. IMF đã dự báo như trên dù hồi tháng 4 vừa qua, chính tổ chức này đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2009 từ 4,8% xuống còn 3,3%.

Đại diện IMF tại Việt Nam, Benedict Bingham cho biết, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi nhẹ trong thời gian còn lại của năm nay, điều này cùng tình hình khả quan của lĩnh vực xây dựng và tiêu thụ nội địa sẽ hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế, dù ngành chế biến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài còn tiếp tục yếu.



II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài "Mua nhà hợp pháp vẫn bị dính nợ". Bài báo phản ánh: Thường thì người mua nhà chưa có giấy tờ hợp lệ hoặc mua giấy tay dễ đối mặt với nhiều rủi ro do bị “bẻ” hợp đồng hoặc vướng tranh chấp. Nhưng trong một số trường hợp, ngay cả khi đã chọn mua nhà có giấy chủ quyền, nhiều người vẫn gặp phải những rắc rối không thể lường trước.

Tháng 11-2008, bà Lê Yến Phượng hỏi mua căn nhà 454/1A Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM. Thấy căn nhà đã có giấy chủ quyền hợp lệ, bà Phượng rất yên tâm trao đổi việc mua bán với chủ sở hữu. Đầu tháng 12-2008, sau khi công chứng hợp đồng mua bán nhà và đóng xong lệ phí trước bạ, bà Phượng đã đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 6 để hoàn tất thủ tục sang tên. Nơi đây hẹn bà 15 ngày sau đến nhận kết quả. Đến hẹn, bà Phượng quay lại thì được văn phòng cho biết: “Hồ sơ của bà bị tạm ngừng giải quyết vì có đơn ngăn chặn của bà Trần Thị Thu Vân...”.

Bà Phượng hết sức ngạc nhiên với thông tin này vì bản thân bà không hề quen biết với bà Vân. Sau khi cất công tìm hiểu, bà mới biết người bán nhà cho bà còn nợ bà Vân hơn 130 triệu đồng và bà Vân đang khởi kiện ra tòa để đòi nợ. Ngày 6-1-2009, TAND quận 6 đã ra quyết định công nhận nội dung thỏa thuận trả nợ giữa con nợ với bà Vân. Ngay sau khi thấy lý do ngăn chặn đã không còn, bà Phượng liền nộp lại hồ sơ đăng bộ nhà và đã được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận giải quyết vào ngày 22-1.

Tưởng vậy là yên chuyện nhưng không phải. Chừng hai tháng sau, Thi hành án dân sự quận 6 đã mời bà Phượng đến làm việc. Cơ quan này cho biết sẽ kê biên căn nhà của bà Phượng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị đơn. Thì ra sau khi có quyết định hòa giải thành của tòa án, người chủ trước của căn nhà chưa tự nguyện thi hành án và ngoài căn nhà trên thì đương sự không còn tài sản nào khác. Tại thời điểm này, Thi hành án quận 6 đã áp dụng biện pháp ngăn chặn không cho bà Phượng mua bán, chuyển nhượng... căn nhà.

Khác với trường hợp nêu trên (đã sang tên xong), việc mua nhà của ông Nguyễn Giang Sơn bị ách lại khi ông chưa kịp hoàn tất thủ tục đăng bộ. Đầu tháng 7-2007, ông Sơn mua căn nhà 33/12 Đặng Nhữ Lâm, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè. Sau khi được công chứng hợp đồng mua bán nhà, ông đã nộp xong lệ phí trước bạ, còn người bán thì nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Giữa tháng 7-2007, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện cũng đã tiếp nhận hồ sơ xin đăng bộ nhà của ông. Đầu tháng 8-2007, khi đến văn phòng để nhận kết quả theo lịch hẹn, ông Sơn rất bất ngờ khi bị nơi đây tạm giữ “giấy đỏ” của ông theo yêu cầu của Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè. Cũng tương tự như trường hợp của bà Phượng, người bán nhà cho ông Sơn đang mắc nợ người khác hơn 100 triệu đồng. Án phúc thẩm ngày 24-5-2007 của TAND TP.HCM xử buộc bà này phải trả nợ. Vì thế, căn nhà trên đã bị ngăn chặn để đảm bảo cho việc thi hành án. Ngày 26-7-2007, Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè đã ra quyết định kê biên căn nhà.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp của bà Phượng, bà Lê Thị Mỹ Duyên, chấp hành viên Thi hành án dân sự quận 6, cho biết: “Đúng là chủ căn nhà trên đã làm hợp đồng bán nhà trước khi có quyết định hòa giải thành của tòa án. Tuy nhiên, việc sang tên cho người mua lại được hoàn thành sau khi có quyết định của tòa án. Theo điểm a khoản 1 mục IV Thông tư liên tịch số 12 ngày 26-2-2001 của Bộ Tư pháp và VKSND tối cao, “đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của tòa án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ giao dịch đó”. Căn cứ vào quy định này, chúng tôi đã kê biên căn nhà của bà Phượng. Nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại, bà Phượng có quyền khởi kiện yêu cầu TAND quận xem xét, giải quyết”.

Ở trường hợp của ông Sơn, ông Tô Bá Nhân, Trưởng Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè, cũng cho biết: “Do ông Sơn chưa làm xong thủ tục sang tên nên chúng tôi vẫn có quyền kê biên. Khi nào chủ cũ thực hiện nghĩa vụ trả nợ, chúng tôi sẽ giải tỏa ngay. Phía ông Sơn có quyền khởi kiện chủ cũ về hợp đồng mua bán nhà đã ký kết”. Theo khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở (có hiệu lực vào ngày 1-7-2007), quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hợp đồng mua bán được công chứng. Như vậy, dù đã sang tên hay chưa thì với việc đã được công chứng hợp đồng mua nhà trước thời điểm bị ngăn chặn, kê biên, bà Phượng hay ông Sơn đều là chủ sở hữu nhà hiện hữu. Pháp luật có nên can thiệp, hạn chế quyền sở hữu nhà của họ để cưỡng chế người chủ cũ thi hành án?

2. Báo Thanh niên có bài Quyền tiếp cận thông tin. Bài báo phản ánh: Thay vì coi những thông tin mà họ nắm giữ là những “đặc quyền”, các công chức cần nhận thức được vai trò phục vụ, trách nhiệm cung cấp thông tin khi được yêu cầu. Đây là ý kiến được TS Nguyễn Thị Kim Thoa (Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp) đưa ra tại Hội thảo quốc tế về xây dựng Luật Tiếp cận thông tin tại VN được tổ chức hôm qua (6.5) tại Hà Nội.

Theo TS Thoa, do hệ thống pháp luật VN còn những điểm chưa rõ ràng nên đã xảy ra tình trạng người dân đến các cơ quan nhà nước để yêu cầu được cung cấp thông tin nhưng thường bị gây khó dễ khi các cơ quan này không muốn cung cấp với lý do đó là “thông tin mật”. "Kể cả khi muốn cung cấp, các công chức nhà nước cũng không dám vì không biết rõ liệu họ có được phép đưa ra thông tin đó hay không. Nếu pháp luật quy định rõ về trách nhiệm cung cấp thông tin thì tình trạng không cung cấp thông tin kịp thời hoặc từ chối công cấp thông tin sẽ bớt đi", TS Thoa nhận định. Cũng theo bà Thoa, trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước hiện vẫn tồn tại những quy định rất dễ bị lạm dụng như quy định thông tin mật được coi là thông tin của các bộ, ngành khi chưa công bố. Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp các bộ, ngành khi không muốn chia sẻ thông tin thường vịn vào cớ này để nói rằng đây là quy định của pháp luật. Nếu không sửa đổi sẽ dẫn đến hạn chế rất nhiều quyền tiếp cận thông tin của người dân. Bà Thoa dẫn chứng, từng có trường hợp một văn bản quy định về tổ chức bộ máy nhà nước trong một lĩnh vực chẳng "mật" tý nào cũng bị cơ quan soạn thảo đóng dấu "mật".

Ông Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN cho rằng, Luật Tiếp cận thông tin đồng nghĩa với sự cởi mở và minh bạch. Điều này sẽ giúp tăng cường lòng tin của người dân vào Chính phủ và cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" của VN.

Còn ông Toby Mendel, một chuyên gia quốc tế về tiếp cận thông tin thuộc tổ chức Article 19, các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin không vì bản thân họ mà với tư cách người bảo vệ lợi ích cho công chúng và đây là lý do chính cần có quyền tiếp cận thông tin của người dân. Theo thông tin ông Toby cung cấp, nếu như năm 1990 mới chỉ có 13 quốc gia thông qua Luật Tiếp cận thông tin thì hiện nay con số này đã là 80 và có khoảng 30 quốc gia khác đang trong quá trình xây dựng luật, mà VN là một trong số đó. Chuyên gia của Article 19 khẳng định, công chúng đã nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng và sức mạnh của thông tin do vậy họ cần được tiếp cận chúng... Quyền tiếp cận thông tin cũng là một công cụ quan trọng chống tham nhũng và những hành vi sai trái tại cơ quan công quyền. Kênh báo chí, truyền thông thực hiện chức năng giám sát có thể sử dụng quyền tiếp cận thông tin nhằm vạch trần những sai trái và giúp triệt tiêu những sai trái đó.

Theo các chuyên gia, việc chuẩn bị kỹ càng cho Luật Tiếp cận thông tin ở VN là rất cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng nhất và cũng là thách thức mà VN phải xử lý trước khi luật này chính thức được thông qua là việc làm thay đổi nhận thức của các công chức nhà nước về vấn đề này

Trên đây là điểm báo sáng ngày 07/5/2009, Văn phòng xin báo cáo Lãnh đạo Bộ./.



Nơi nhận:

- Bộ trưởng;

- Các thứ trưởng;

- Lưu TH.

VĂN PHÒNG BỘ






Каталог: cacchuyenmuc -> ttdh -> Lists -> DiemTinBaoChi -> Attachments
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> VĂn phòng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 44.97 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương