Ủy ban nhân dân tỉnh quảng ngãi trưỜng đẠi học phạm văN ĐỒng báo cáo tự ĐÁnh giá



tải về 4.14 Mb.
trang2/30
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích4.14 Mb.
#17731
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   30

Nhà trường đã xây dựng một hệ thống chương trình đào tạo (CTĐT) hoàn chỉnh và có hệ thống cho tất cả các ngành, bậc, hệ đào tạo tương ứng với từng phương thức đào tạo khác nhau. Hiện tại, nhà trường đã xây dựng và ban hành 47 CTĐT hệ chính quy, trong đó có 07 CTĐT bậc đại học, 24 CTĐT bậc cao đẳng và 16 CTĐT bậc trung cấp chuyên nghiệp; 05 CTĐT giáo dục thường xuyên theo hình thức vừa làm vừa học.

CTĐT được thiết kế theo cấu trúc hợp lý, có mục tiêu cụ thể, rõ ràng; các kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành được phân bổ từ thấp đến cao, đảm bảo tính tiên quyết các học phần. Nhìn chung, CTĐT chú trọng đúng mức cả nội dung chuyên môn, nghiệp vụ và tư tưởng chính trị.


CTĐT của trường được xây dựng khá mềm dẻo và hiện đại, đáp ứng tương đối linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động ở địa phương và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Các CTĐT của trường được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung với sự tham gia của các cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm trong trường theo chuyên môn từng ngành đào tạo; sự tham gia đóng góp ý kiến của cựu sinh viên (SV) và SV sắp tốt nghiệp. Tuy nhiên, chưa có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà tuyển dụng, các tổ chức, hội nghề nghiệp,... trong việc xây dựng CTĐT.

Trong thời gian tới, nhà trường tiến hành lấy ý kiến phản hồi của các tổ chức, hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng về CTĐT nhằm điều chỉnh, cải tiến chương trình đáp ứng nhu cầu xã hội.

Về hoạt động đào tạo

Nhà trường đã thực hiện đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của cộng đồng, xã hội. Mối quan hệ giữa nhà trường với các cơ sở liên kết đào tạo trong và ngoài tỉnh được củng cố và phát triển.

Nhà trường đã từng bước chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ cho các ngành, bậc cao đẳng và đại học theo chủ trương của Bộ GD&ĐT. Trong quá trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, trên cơ sở Quy chế 43 của Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng đã ban hành quy định cụ thể về quy trình tổ chức các kỳ thi, tạo ra sự thống nhất và chuẩn hóa công tác này trong trường. Quy trình thi, đánh giá kết quả học tập của SV được thực hiện nghiêm túc, khách quan và công bằng. Đề thi thực hiện theo quy trình khép kín, bảo đảm tính bảo mật cao. Hình thức thi đa dạng, phù hợp với các yêu cầu và mục tiêu của các môn học.

Từ năm học 2012 - 2013, nhà trường đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý đào tạo, giúp việc quản lý đào tạo dễ dàng và hiệu quả hơn.

Trường rất chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời nhà trường cũng đã hợp tác với Tổ chức hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng Vương Quốc Bỉ (VVOB) về chương trình đổi mới phương pháp giảng dạy và dạy học tích cực. Thông qua chương trình, nhiều buổi tập huấn, hội thảo đã được tổ chức, thu hút nhiều cán bộ giảng viên và SV tham gia.

Nhà trường đã chú trọng đến công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, phản hồi của SV sắp tốt nghiệp về chất lượng khóa học, khảo sát tình hình việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. Qua đó giúp nhà trường từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng của CTĐT, chất lượng giảng dạy của giảng viên và chất lượng phục vụ hoạt động đào tạo.

Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần giải quyết. Nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị về phương thức đào tạo tín chỉ cho cán bộ giảng viên và SV nhằm rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi.

Về tổ chức và quản lý

Cơ cấu tổ chức của nhà trường được xây dựng theo đúng quy định của Điều lệ trường đại học và được cụ thể hóa trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã thực hiện việc bổ nhiệm đội ngũ cán bộ chủ chốt của các khoa, phòng, ban, trung tâm theo đúng quy định; thành lập các hội đồng và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng đơn vị, của cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên. Đồng thời, nhà trường cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm của trường.

Nhà trường đã chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ viên chức được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đối với cán bộ quản lý và giảng viên, nhà trường đã thực hiện quy trình bổ nhiệm, tuyển dụng chặt chẽ và nghiêm ngặt. Cán bộ quản lý của trường có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác đang đảm trách. Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn của nhà giáo theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về người học

Người học được hướng dẫn đầy đủ về mục tiêu đào tạo; CTĐT; quy chế thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện; quy chế công tác học sinh sinh viên (HSSV) ngay từ khi nhập trường bằng nhiều kênh thông tin khác nhau.

Nhà trường luôn quan tâm, đảm bảo các chế độ chính sách xã hội, chăm sóc sức khỏe theo quy định y tế học đường cho HSSV; tạo điều kiện cho HSSV tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, rèn luyện về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống; mọi quyền lợi của HSSV được đảm bảo trên nguyên tắc công bằng, công khai minh bạch. Đồng thời, nhà trường đã ký kết giao ước và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công an, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho người học.

Người học được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học và sau khi hoàn thành khóa học.

Tuy nhiên, nhà trường chưa có bộ phận chuyên trách để hỗ trợ SV nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Năm học 2014 - 2015, nhà trường thành lập Trung tâm hỗ trợ HSSV và Quan hệ doanh nghiệp.

Điều kiện để tổ chức cho SV tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa còn hạn chế, chưa đáp ứng được phần lớn yêu cầu người học. Nhà trường tiến hành nâng cấp, mở rộng khu vực thể thao, vui chơi giải trí của trường, đáp ứng nhu cầu cho HSSV vào giai đoạn 2015 - 2020.



Về nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ

Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ của trường đã đạt được những yêu cầu cơ bản, bước đầu đã khẳng định được uy tín của trường. Nhà trường đã ban hành Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong trường. Nhờ đó, trường luôn chủ động trong việc lập kế hoạch, xây dựng và triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ một cách hiệu quả, phù hợp với sứ mạng nghiên cứu của trường.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của trường luôn gắn kết với hoạt động đào tạo. Các đề tài luôn bám sát các lĩnh vực đào tạo tại trường. Kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật đã có những đóng góp nhất định cho khoa học, đặc biệt là áp dụng hiệu quả cho đổi mới phương pháp dạy học, thực hành bộ môn, rèn luyện nghiệp vụ, tay nghề của giảng viên, góp phần chuyển biến tích cực trong giảng dạy của giảng viên và học tập của SV.

Tuy nhiên hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thực sự thu hút đông đảo cán bộ giảng viên tham gia. Hiện tại, đội ngũ cán bộ giảng viên phải đảm đương một khối lượng giảng dạy khá nhiều nên thời gian dành cho nghiên cứu khoa học chưa nhiều. Số cán bộ có năng lực, uy tín khoa học còn ít; khả năng thực hiện các đề tài lớn, có tính khoa học và ứng dụng cao còn hạn chế. Nhà trường xây dựng văn bản quy định, chính sách khuyến khích đối với các đề tài/dự án có đóng góp mới cho khoa học, đáp ứng công tác đào tạo của trường.

Trường chưa có những quy định, chính sách khuyến khích việc mở rộng và liên kết thực hiện các đề tài/dự án khoa học công nghệ cùng với các đối tác trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, trường tìm kiếm, phối hợp thực hiện các đề tài, các hoạt động khoa học và phát triển công nghệ gắn với các trường đại học trong và ngoài nước, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tập trung đổi mới phương thức tổ chức nghiên cứu khoa học, hướng tới việc hình thành các nhóm nghiên cứu, khai thác mọi nguồn lực để đa dạng hóa và tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học.



Về hoạt động hợp tác quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế của trường được thực hiện đúng theo quy định của nhà nước về công tác hợp tác quốc tế. Nhà trường đã xây dựng và ban hành Quy định quy trình hợp tác quốc tế; thông qua quy trình này, nhà trường xây dựng, thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế ban đầu và tổ chức thành công, có hiệu quả một số hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua.

Trường đã chủ động khai thác các mối quan hệ hợp tác quốc tế và vận dụng linh hoạt các chính sách nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật và tổ chức cho cán bộ, giảng viên tham quan khảo sát thực tế ở nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm về chuyên môn cũng như công tác tổ chức, quản lý đào tạo.

Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan trong tỉnh, thực hiện tốt công tác quản lý người nước ngoài đến làm việc và học tập tại trường.

Bên cạnh kết quả đạt được thì hoạt động hợp tác quốc tế của trường về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đem lại hiệu quả chưa cao, nguyên do trường còn non trẻ, số lượng các chuyên gia đầu ngành còn ít, trình độ ngoại ngữ của một số cán bộ, giảng viên, SV còn hạn chế. Ngoài ra, việc khai thác các biên bản ghi nhớ, các chương trình liên kết với các đối tác nước ngoài chưa đạt yêu cầu đề ra do khả năng tài chính của trường theo từng giai đoạn.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhà trường xây dựng kế hoạch hợp tác phù hợp để đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước trong khối Asean, các nước trong khu vực Châu Á và các nước phát triển qua các hình thức như trao đổi giảng viên và SV; đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.



Về cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất của nhà trường về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đào tạo của trường. Với tổng diện tích đất của trường là 29,19 ha, gồm 93 phòng học với 4.650 chỗ ngồi; 13 giảng đường với diện tích sử dụng 1.410m2; 61 phòng thực hành, thí nghiệm với diện tích sử dụng là 7.484m2, được trang bị máy móc, thiết bị phù hợp với từng ngành đào tạo; khu liên hợp thể dục thể thao với tổng diện tích sử dụng là 8.400m2; nhà Đa chức năng diện tích là 1.016 m2; Trung tâm Thông tin tư liệu với diện tích 1.330m2, được lắp đặt máy tính kết nối mạng Internet tạo điều kiện cho HSSV truy cập tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu; Ký túc xá có 176 phòng với tổng diện tích sàn sử dụng 10.042m2, được trang bị các điều kiện cần thiết, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhà trường đã phủ sóng Wifi rộng khắp trong khuôn viên trường với tốc độ truy cập nhanh chóng, giảng viên và HSSV sử dụng hoàn toàn miễn phí.

Phòng làm việc cho cán bộ công chức, viên chức trong trường đảm bảo theo quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước.

Cơ sở vật chất của nhà trường được kế thừa từ hai trường cao đẳng Sư phạm và Trường Cao đẳng Cộng đồng, đồng thời nhà trường được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao đất và đầu tư xây dựng, trường không thuê đất hoặc mượn mặt bằng của các tổ chức, cơ quan doanh nghiệp để dạy học. Điều này tạo sự ổn định lâu dài trong quá trình đào tạo của trường.

Tuy nhiên, nhà trường chưa thực hiện việc khảo sát, đánh giá hàng năm về mức độ đáp ứng số lượng phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học với đối tượng cán bộ giảng dạy và HSSV; nhu cầu và hiệu quả sử dụng phòng học, giảng đường, phòng thực hành, thí nghiệm của các khoa, trung tâm trong trường. Trong năm học 2014 - 2015, trường thực hiện vấn đề trên để đánh giá mức độ hài lòng của cán bộ, giảng viên, HSSV về cơ sở vật chất của trường.

Về tài chính và quản lý tài chính

Trường Đại học Phạm Văn Đồng là đơn vị sự nghiệp thực hiện quy chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Nhà trường đã xây dựng phương án tự chủ tài chính và được UBND tỉnh phê duyệt cho thực hiện tự chủ về tài chính.

Trường điều hành tập trung các nguồn thu, điều tiết sử dụng hợp lý, đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường, tăng thu nhập cho người lao động. Mọi hoạt động tài chính được chuẩn hóa, công khai hóa, minh bạch theo đúng quy định. Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của trường không đáng kể.

Nhà trường chưa đánh giá hiệu quả việc phân bổ và sử dụng tài chính chi cho các hoạt động thực tế, việc tổ chức các câu lạc bộ,... của HSSV trong trường.

Kinh phí đầu tư cho công tác biên soạn giáo trình nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy còn hạn chế.

Từ năm 2014 - 2015 và các năm tiếp theo, trường tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế như Tổ chức hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng Vương Quốc Bỉ (VVOB); Tổ chức tình nguyện Úc (AVI); dự án mở rộng cơ hội học tập cho thanh niên dân tộc thiểu số của Hàn Quốc; hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào nhằm tăng nguồn thu cho nhà trường; tổ chức đánh giá lại việc sử dụng nguồn tài chính cho các đơn vị trong trường; tập trung đầu tư kinh phí cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.




PHẦN III. TỰ ĐÁNH GIÁ CỦA NHÀ TRƯỜNG

Tiêu chuẩn 1: Sứ mạng và mục tiêu trường Đại học Phạm Văn Đồng (2 tiêu chí)

Mở đầu

Trường Đại học Phạm Văn Đồng là trường công lập, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp hai trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi và Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi. Sau khi thành lập, nhà trường đã xây dựng và công bố sứ mạng, mục tiêu, đồng thời công khai sứ mạng, mục tiêu trên website của nhà trường.

Sứ mạng của Trường Đại học Phạm Văn Đồng được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường, dựa trên cơ sở các nguồn lực hiện có và phù hợp với định hướng phát triển được xác định trong mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Sứ mạng của nhà trường cũng được xây dựng phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Mục tiêu của nhà trường được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo trình độ đại học và sứ mạng đã được tuyên bố. Mục tiêu được cụ thể hóa thành kế hoạch hành động, phương hướng, nhiệm vụ của trường cũng như của các đơn vị trực thuộc và được triển khai thực hiện.



Tiêu chí 1.1. Sứ mạng của trường đại học được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực và định hướng phát triển của nhà trường; phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước.

1. Mô tả

Sứ mạng của Trường Đại học Phạm Văn Đồng được xác định bằng văn bản do Hiệu trưởng phê duyệt tại Quyết định số 63/QĐ-ĐHPVĐ ngày 29/01/2010 và được công bố trên website của trường (http://www.pdu.edu.vn) vào ngày 30 tháng 01 năm 2010:

Trường Đại học Phạm Văn Đồng là cơ sở đào tạo đa ngành, đa cấp, đa phương thức; là cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cung cấp nguồn lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên” [H1.1.1.1].

Sứ mạng của Trường Đại học Phạm Văn Đồng được hình thành trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ viên chức của nhà trường thông qua các cuộc họp, thảo luận, thống nhất của lãnh đạo và cán bộ viên chức trường [H1.1.1.2].

Trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng đã xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Chức năng của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ và nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn theo yêu cầu công tác; nghiên cứu phát triển và thực hiện các dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; phối hợp với các trường đại học trong nước và nước ngoài về đào tạo, nghiên cứu, trao đổi khoa học và chuyển giao công nghệ; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ của nhà trường tổ chức đào tạo trình độ đại học và các trình độ thấp hơn gồm các ngành mà địa phương, khu vực có nhu cầu lớn như sư phạm, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ,...; tổ chức các phương thức đào tạo không chính quy như bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuẩn hóa cán bộ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động trong tỉnh, khu vực; tổ chức các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật; các hoạt động văn hóa góp phần phát triển cộng đồng; thực hiện sự liên kết hợp tác với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học trong cả nước và khu vực, các cơ sở đào tạo và các tổ chức quốc tế [H1.1.1.3].

Chức năng, nhiệm vụ được xác định như trên là hoàn toàn phù hợp với sứ mạng và các nguồn lực của nhà trường (vật lực, tài lực, nhân lực), được thể hiện trong nội dung “Ba công khai” đăng trên website của trường. Nội dung sứ mạng cũng phù hợp với định hướng phát triển của trường, thể hiện trong mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của trường [H1.1.1.4].

Hiện nay Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có những chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết 06 ngày 07/5/2007 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến 2015, trong đó có nội dung “Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động về đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích phát triển thị trường lao động; mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường đại học trên địa bàn tỉnh” [H1.1.1.5]; Quyết định số 04/2005/QĐ-TTg ngày 06/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 nêu rõ “Tập trung đầu tư, đẩy nhanh sự hình thành và phát triển khu kinh tế Dung Quất nhằm tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành các khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú; hình thành các khu công nghiệp vừa và nhỏ...” [H1.1.1.6]; Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 có các nội dung “Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) và khu khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế), quy hoạch xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) để sau năm 2010 các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân, trung tâm phát triển của vùng; từng bước nâng cấp các trường đại học của vùng theo quy hoạch mạng lưới các trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) vào năm 2010” [H1.1.1.7].

Như vậy, nội dung “Cung cấp nguồn lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên” trong sứ mạng của nhà trường là phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực miền Trung và cả nước.

Sứ mạng của trường được phổ biến và quán triệt cho tất cả cán bộ viên chức và HSSV của trường cũng như các đối tượng có liên quan ngoài trường bằng văn bản, thông qua việc đăng tải trên website trường, trên các trang thông tin tuyển sinh, các tờ rơi, video clip giới thiệu về trường được phát trên Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi...[H1.1.1.8]. Cán bộ viên chức và HSSV nhà trường đều nhận thức rõ và chấp nhận nội dung sứ mạng mà nhà trường đã tuyên bố.

Sứ mạng được nhà trường tuyên bố từ năm 2010, cho đến nay trường chưa xây dựng quy trình cũng như chưa lấy ý kiến phản hồi của các đối tượng có liên quan ngoài trường.



2. Điểm mạnh

Sứ mạng của nhà trường được hình thành từ trí tuệ của tập thể nên có tính đồng thuận cao. Nội dung sứ mạng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của trường, phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường; phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Sứ mạng của trường được phổ biến rộng rãi cho các đối tượng liên quan trong và ngoài trường, được tập thể nhà trường nắm rõ và chấp thuận.

3. Tồn tại

Nhà trường chưa xây dựng quy trình cũng như chưa lấy ý kiến phản hồi của các đối tượng có liên quan ngoài trường về sứ mạng của trường.



4. Kế hoạch hành động

Trong năm 2015, nhà trường tiến hành tổ chức các buổi tọa đàm, hội nghị với các doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan trong tỉnh, trong khu vực để trao đổi nhằm gắn kết quá trình đào tạo và sử dụng nhân lực. Trên cơ sở các ý kiến phản hồi, góp ý của các đối tượng trên để nhà trường từng bước điều chỉnh sứ mạng cho phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.



5. Tự đánh giá: Đạt

Tiêu chí 1.2. Mục tiêu của trường đại học được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo trình độ đại học quy định tại Luật Giáo dục và sứ mạng đã tuyên bố của nhà trường; được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và được triển khai thực hiện.

1. Mô tả

Với tầm nhìn được đặt ra là xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhà trường đã công bố mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể trong định hướng phát triển của trường:

Mục tiêu ngắn hạn (hình thành thương hiệu): Đến năm 2012, Trường Đại học Phạm Văn Đồng được biết đến là một trường đại học có tầm nhìn và quyết tâm phát triển cao.

Mục tiêu trung hạn: Đến năm 2017, xây dựng nhà trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất và nguồn lực.

Mục tiêu dài hạn (phát triển thương hiệu): Đến năm 2022, Trường Đại học Phạm Văn Đồng trở thành cơ sở giáo dục - đào tạo có uy tín trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Mục tiêu cụ thể của trường bao gồm mục tiêu về xây dựng đội ngũ, mục tiêu về đào tạo, mục tiêu về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, mục tiêu về hợp tác quốc tế với các nội dung chủ yếu: xây dựng trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất và nguồn lực; tăng quy mô đào tạo; đưa trường trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; mở rộng đào tạo sau đại học và hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước về trao đổi giảng viên, SV và nghiên cứu khoa học [H1.1.2.1].

Mục tiêu của Trường Đại học Phạm Văn Đồng được xác định như trên hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đào tạo đại học quy định tại điều 39 của Luật Giáo dục [H1.1.2.2]. Mục tiêu của trường cũng hoàn toàn phù hợp với sứ mạng mà nhà trường đã tuyên bố [H1.1.2.3].

Mục tiêu của nhà trường được đăng trên website của trường, các trang thông tin tuyển sinh, các tờ rơi giới thiệu về trường, tập hình ảnh, video clip giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của trường nhằm phổ biến rộng rãi đến các đơn vị, đến toàn thể cán bộ công chức trong trường và các đối tượng liên quan ngoài trường [H1.1.2.4].

Mục tiêu của trường được đưa vào Nghị quyết, chương trình hành động của Đảng ủy trường, được cụ thể hóa thành phương hướng, nhiệm vụ hàng năm của trường nhằm định hướng trong công tác chỉ đạo và đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng năm học. Tại các hội nghị của trường về công tác đào tạo, mục tiêu đào tạo được xem xét, cụ thể hóa để xác định quy mô đào tạo, định hướng phát triển nhà trường cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nguồn lực của trường [H1.1.2.5].

Trên cơ sở mục tiêu của trường, các đơn vị trong trường đã cụ thể hóa thành các mục tiêu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Nhiệm vụ của đơn vị được đăng trên website của các đơn vị trực thuộc [H1.1.2.6].

Để triển khai thực hiện mục tiêu của trường có hiệu quả, đầu mỗi năm học, các đơn vị trực thuộc trường tổ chức hội nghị cán bộ công chức, thông qua đó sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học trước và xác định phương hướng, nhiệm vụ năm học mới của từng đơn vị trực thuộc. Thông qua Hội nghị cán bộ công chức hàng năm của trường, phương hướng, nhiệm vụ của nhà trường được cán bộ, viên chức trong toàn trường xem xét, thảo luận, góp ý và được nhà trường điều chỉnh trước khi triển khai thực hiện [H1.1.2.7].

Từ khi công bố mục tiêu (tháng 02/2010) cho đến nay, nhà trường chưa tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu của trường.



tải về 4.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   30




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương