VIỆt nam cộng hòA 10 ngày cuối cùNG



tải về 1.71 Mb.
trang15/20
Chuyển đổi dữ liệu12.05.2018
Kích1.71 Mb.
#38155
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20

Trước hết là người Mỹ.

Bác Sĩ Đỗ nói rằng vị Phó Trưởng Phái Đoàn Hoa Kỳ lúc đó là Đại Sứ Phillip Habib, trước đó là Phụ Tá của Đại Sứ Ellsworth Bunker trong chức vụ Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Ông nói rằng ông Habib là bạn thân của ông, vào năm 1965 chính ông Habib đã thuyết phục ông nên nhận lời giữ chức vụ Ngoại Trưởng trong chính phủ Quân Nhân của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ vì ông Habib nói rằng ‘’nếu có Bác Sĩ trong chính phủ thì ít ra người Mỹ chúng tôi cũng biết còn có một người có thể nói chuyện được’’. Vậy mà sau khi ông gặp Xuân Thủy, dù đã kể lại cho ông Habib nghe những gì đã xẩy ra mà ông ta vẫn không chịu tin vì người Mỹ nghi rằng Bác Sĩ Đỗ gặp Xuân Thủy để trao một đề nghị gì đó của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho Hà Nội. Bác Sĩ Đỗ nói rằng sau đó thì ông đi đâu cũng có người của CIA theo dõi.

Có lẽ vào lúc đó Bác Sĩ Trần Văn Đỗ không được biết chủ trương của Tiến Sĩ Henry Kissinger là tất cả mọi sự thương thuyết về Việt Nam phải do chính người Mỹ hay nói rõ hơn là do chính Kissinger với Bắc Việt mà thôi. Trong cuốn sách ‘’Khi Đồng Minh Tháo Chạy, ông Nguyễn Tiến Hưng có tìm thấy một tài liệu nói rõ vấn đề này:

‘’Cho đến thời điển cuối cùng trước khi Miền Nam sụp đổ ngày 26 tháng 4 năm 1975, Kissinger còn đánh điện cho Đại Sứ Martin nói rằng: Bất cứ  điều đình nào cũng phải là giữa Hoa Kỳ và phía Bắc Việt chứ không phải giữa Sài Gòn và Hà Nội. Ông còn nói thêm rằng ‘’bất cứ cuộc thảo luận nào cũng phải diễn ra tại Paris’’. Nguyễn Tiến H­ưng: Sách đã dẫn, trang 453-454.



Sau đó Bác Sĩ Trần Văn Đỗ cũng gặp một vài sự phiền phức ở Sài Gòn.

Bác Sĩ Trần Văn Đỗ cho biết thêm rằng sau khi về đến Sài Gòn thì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại mời ông vào Dinh Độc Lập để tường trình về cuộc gặp gỡ này. Ông cũng thực tình kể lại như vậy, chỉ có nói chuyện suông mà thôi chứ cũng chẳng có gì quan trọng cả, ông Xuân Thủy không hề đưa ra một đề nghị nào, không có một điều gì nhắn gửi gì đến chính quyền Miền Nam, tuy nhiên ông Thiệu cũng không tin như­ vậy và sau đó thì mối liên lạc giữa Tổng ThốngThiệu với ông trở nên lạnh nhạt hơn.

Bác Sĩ Trần Văn Đỗ nói rằng cho đến khi về Sài Gòn, ông suy nghĩ thật nhiều mà cũng không thể nào hiểu được nguyên nhân lại sao ông lại được Xuân Thủy mời đến gặp tại Paris. Bác Sĩ Đỗ nói với ng­ười viết rằng nếu Xuân Thủy hay các nhà lãnh đạo cộng sản muốn mua chuộc hay thuyết phục ông thì đó cũng là một điều thật vô cùng buồn cười vì tại Sài Gòn thì ai cũng đều biết rằng từ năm 1968, Bác Sĩ Tần Văn Đỗ là Phó Chủ Tịch Chi Hội Việt Nam Liên Minh Thế Giới Chống Cộng (Worl's Anti-communist League), vị Chủ Tịch Chi Hội là Bác Sĩ Phan Huy Quát và Tổng Thơ Ký là Luật Sư Nguyễn Lâm Sanh, bạn thân của Luật Sư Nguyễn hữu Thọ, lúc đó đang làm Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Sau năm 1975, Bác Sĩ Phan Huy Quát bị giam tại Chí Hòa rồi bị cộng sản đầu độc và chết ở trong tù, Luật Sư Nguyễn Lâm Sanh, dù là bạn thân của Nguyễn hữu Thọ cũng bị đi tù ‘’cải tạo’’ ở Bắc Việt gần 10 năm trời và sau khi được trả tự do thì sang sống ở Pháp rồi từ trần tại Paris.

Mấy năm sau thì chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại yêu cầu Bác Sĩ Trần Văn Đỗ tiếp xúc với các đại diện của Mặt Trận Giải Phóng tại Paris. Theo ông Nguyễn Tiến Hưng thì ‘’vào cuối năm 1974 Thiệu ‘’cho phép’’ (authorized) cựu Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ bí mật thương thuyết với đại diện của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Paris. Ông Đỗ, một ng­ười Miền Nam đã được sự tin cậy của các đại diện của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời mà ông đã từng quen biết từ trước khi cuộc chiến tranh xảy ra. Người Mỹ không chấp thuận việc ông Đỗ tiếp xúc với phái đoàn việt cộng, tuy nhiên nỗ lực của ông Đỗ cũng chẳng đi đến đâu vì Hà Nội không muốn chính phủ Cách Mạng Lâm Thời thương thuyết trực tiếp với Sài Gòn, cũng cùng một lý do mà người Mỹ không muốn Sài Gòn trực tiếp gặp gỡ chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Cả hai phe Bắc Việt và Hoa Kỳ đều muốn kiểm soát mọi hành động cũng như là kết quả’’. Nguyễn Tiến Hưng & Jerrold Schecter: Sách đã dẫn, trang 314.

Vào năm 1974, theo tinh thần của Điều 12 Hiệp Định Paris l973, một hội nghị giữa Việt Nam Cộng Hòa và việt cộng đã được triệu tập tại La Celle St Cloud ở Pháp để làm hết sức mình để trực hiện việc ký kết một hiệp định về các vấn đề nội bộ của Miền Nam Việt Nam, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ đã được mời tham dự vào Phái Đoàn này cùng với các ông Trần Văn Ân, Nguyễn Quốc Định, Nguyên Đắc Khê, Nguyễn Ngọc An, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Luật Sư Trần Văn Tuyên và Luật Sư Nguyễn Thị Vui, Trưởng Phái Đoàn là Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên và Phó Trưởng Phái Đoàn là ông Nguyễn Xuân Phong. Phía việt cộng, người cầm đầu phái đoàn là Nguyễn văn Hiếu. Hội nghị này diễn ra hằng tuần, mỗi phía đọc một bài diễn văn soạn sẵn rồi sau đó ai về nhà nấy chờ đến tuần sau, không khí vô cùng tẻ nhạt và chẳng có đi đến đâu, báo chí Sài Gòn hồi đó gọi hội nghị này là ‘’chuyện dài nhân dân tự vệ’’. Hội nghị kéo dài cho đến ngày 15 tháng 5 năm 1974 thì cả hai bên đồng ý ngưng hẳn mọi sự thương thuyết vì tất cả mọi người đều biết rõ rằng vấn đề Việt Nam sẽ chỉ được giải quyết trên chiến trường mà mọi lực lượng quân sự đều do cộng sản Bắc Việt lãnh đạo.

Trong một cuốn sách tên là ‘’Hồi Ức Về Hội Nghị Paris’’ do nhà xuất bản chính trị quốc gia ở Hà Nội xuất bản vào năm 2001 thì Nguyễn văn Hiếu cho biết rằng Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, Trưởng Phái Đoàn Việt Nam Cộng Hòa có một lần ngỏ lời mời phái đoàn của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đến dùng cơm nhưng họ đã từ chối. Trong một bài phỏng vấn dành cho Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh cách đây mấy năm, Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên xác nhận chuyện đó. Ông cho biết rằng: ‘’Tôi có đề nghị phái đoàn của Nguyễn văn Hiếu dùng cơm chung vì cùng là dân Miền Nam cả, nhưng họ tránh né’’.

Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1945, ông từng làm Quân Y Sĩ Trưởng của sư đoàn 320 hồi năm 1949 và người chính ủy đại đơn vị này là Văn tiến Dũng do đó trong thời kháng chiến ông quen biết với cả Võ nguyên Giáp và Văn tiến Dũng. Ông rời bỏ hàng ngũ kháng chiến sau khi đảng cộng sản chính thức lãnh đạo cuộc kháng chiến và trở về sống trong vùng quốc gia vào Nam 1951 và sau này đã giữ chức vụ Phó Thủ Tướng trong ba chính phủ: Trần Văn Hương năm 1964, Nguyễn Cao Kỳ năm 1965 và Trần Thiện Khiêm vào năm 1969. Ông cho biết rằng có lẽ vì nguyên nhân ông có tham gia kháng chiến cho nên đã được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chọn làm Trưởng Phái Đoàn ở Hội Nghị La Celle Saint Cloud để dễ bề nói chuyện với việt cộng chứ ông không có tài ăn nói giỏi.

Một người có thành tích kháng chiến trên 5 năm như Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên ngỏ lời mời phái đoàn việt cộng dùng cơm mà họ cũng không dám nhận lời thì việc Bác Sĩ Trần Văn Đỗ được các nhà lãnh đạo cộng sản cao cấp hơn như Phạm văn Đồng và Xuân Thủy mời đến gặp hai lần đủ cho thấy rằng ông cũng có nhiều uy tín đối với những người cộng sản Bắc Việt.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Bác Sĩ Trần Văn Đỗ tuy từng đảm nhận chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao của Miền Nam nhiều lần nhưng ông là người có đầu óc rất phóng khoáng, được cảm tình của nhiều người, nhiều phe phái và họ đều cho rằng ông ta có tinh thần ‘’quân tử’’, hiểu theo tiếng quân tử của người Tàu hay là tiếng ‘’gentleman’’ của ngư­ời Anh. Về phương diện chính trị, tuy rằng ông là người có tinh thần chống cộng sản nhưng ông cũng tôn trọng chính kiến của những người khác, dù rằng họ theo cộng sản. Ông là con rể của Kỹ Sư Lưu Văn Lang, người đã được Cụ Trần Trọng Kim mời làm Bộ Trưởng Công Chánh trong chính phủ đầu tiên vào năm 1945. Vào tháng 4 năm 1954, trước khi Hội Nghị Genève khai mạc, có một nhóm trí thức tại Sài Gòn thành lập một hội mang tên là ‘’Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình’’.

Chủ Tịch Phong Trào này là Dược Sĩ Trần Kim Quan và trong số các Ủy Viên có Luật Sư Trịnh đình Thảo, Luật Sư Nguyễn hữu Thọ, Hòa Thượng Thích Huệ Quang, Thạc Sĩ Phạm huy Thông, Giáo Sư Nguyễn Văn Dưỡng, chuyên viên ngân hàng Nguyễn Văn Vi và Kỹ Sư Huỳnh Văn Lang.

Vào khoảng tháng 11 năm 1954, phong trào này tổ chức một cuộc biểu tình tại Chợ Bến Thành và sau đó thì chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam 26 người trong phong trào này. Tuy những ngư­ời như Luật Sư Nguyễn hữu Thọ, Luật Sư Trịnh đình Thảo, Tiến Sĩ Phạm huy Thông v.v...sau này theo cộng sản nhưng vào thời điểm đó thì họ chỉ hoạt động cho hòa bình mà thôi, do đó người đứng ra can thiệp với chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trả tự do cho một số người chính là Ngoại Trư­ởng Trần Văn Đỗ. Nhờ sự can thiệp của ông, có một số người được trả tự do, trong đó có Kỹ Sư­ Huỳnh Văn Lang, nhạc phụ của ông, Luật Sư Nguyễn hữu Thọ, sau này là Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào năm 1961 và Luật Sư Trịnh đình Thảo, sau vụ Tết Mậu Thân là Chủ Tịch Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ Phụng Sự Hòa Bình, một tổ chức thân cộng sản.

Bác Sĩ Trần Văn Đỗ được người Mỹ di tản vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 rồi sang sống tại Pháp. Cho đến ngày ông từ trần, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ vẫn hăng say hoạt động, tuy tuổi đã cao nhưng ông đã đi nhiều nơi kêu gọi người tỵ nạn tích cực chống lại bạo quyền cộng sản Việt Nam.

Người viết có dịp hỏi Bác Sĩ Trần Văn Đỗ hồi tháng 4 năm l975 ông có được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tham khảo mời làm Thủ Tướng theo đề nghị của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm hay không thì ông trả lời rằng ông không hề gặp hay nói chuyện gì với ông Thiệu vào tháng 3 hay tháng 4 năm 1975.

Theo cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn thì Tổng Thống Thiệu và Thủ Tướng Khiêm, theo lời Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên, cũng đã nghĩ đến các ông Trần Văn Đỗ, Nguyễn Ngọc Huy và Trần Văn Lắm. Tôi đốc thúc khéo để Tổng Thống Thiệu mời ông Lắm như đã trình bày ở đoạn trên nhưng có nhiều lý do, và nhất là những suy tính chính trị tế nhị làm cho Tổng Thống không mời họ mà lại ‘’nhắm’’ vào tôi’’. Nguyễn Bá Cẩn: Sách đã dẫn, trang 376.

Khi được hỏi rằng nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có ngỏ lời mời ông làm Thủ Tướng thay thế Đại Tướng Trần Thiện Khiêm thì ông có nhận lời hay không, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ nói rằng chức vụ Thủ Tướng chính phủ là thi hành đường lối chính sách của Tổng Thống và dù rằng vào đầu tháng 4 năm 1975, tình hình đã trở nên vô vọng nhưng ông không rõ đường lối và chính sách của ông Thiệu như thế nào, vẫn giữ nguyên ‘’4 không’’ như cũ hay là có thay đổi. Nếu Tổng Thống Thiệu vẫn giữ nguyên chính sách ‘’4 không’’, vẫn mong muốn làm Tổng Thống một phần ba nước Việt Nam v.v...thì ông không bao giờ nhận lời. Tuy nhiên nếu ông Thiệu muốn cứu vãn một vài phần còn lại cho nhân dân Miền Nam, Miền Nam đây là xứ Nam Kỳ cũ vì miền Trung và miền Cao Nguyên đã hoàn toàn rơi vào tay cộng sản Bắc Việt rồi, nếu ông Thiệu muốn cho phần còn lại của Nước Việt Nam Cộng Hòa có thể tránh được chết chóc, đau thương và đổ nát như tại Miền Trung thì ông ta phải nghĩ đến việc ‘’nói chuyện’’ với cộng sản. Tuy nhiên họ có muốn ‘’nói chuyện’’ với chúng ta hay không là một vấn đề khác, một vấn đề mà chúng ta cũng chưa biết được. Nếu Tổng Thống Thiệu muốn lập một chính phủ để ‘’nói chuyện’’ với cộng sản ngỏ hầu làm chậm bước tiến của đoàn quân xâm lược của họ, ngỏ hầu chuẩn bị cho Miền Nam thích ứng với tình thế mới để phải sống trong vòng thỏa hiệp với phe Mặt Trận Giải Phóng và cộng sản Bắc Việt, để ít ra Miền Nam cũng còn giữ được phần nào danh dự và phẩm giá của họ thì trong trường hợp đó, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ nói tiếp rằng nếu được yêu cầu thì ông có thể nhận lời.

Theo cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn thì khi ông nhận lời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để đứng ra thành lập Nội Các, ông ‘’cũng đưa ra điều kiện chính trị mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải miễn cưỡng chấp nhận là trong công cuộc thương thuyết sắp tới sẽ không còn lập trường ‘’4 không’’ nữa. Tôi hình dung một thứ liên hiệp với Mặt Trận Giải Phóng để mua thời gian...’’ Nguyễn Bá Cẩn: Sách đã dẫn, trang 370.

Như vậy thì khi thành lập chính phủ Nguyễn Bá Cẩn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có nghĩ đến việc nói chuyện trong tương lai với Mặt Trận và đã đồng ý bỏ lập trường 4 không, tuy nhiên nhân vật mà ông chọn lựa để đảm nhận vai trò đó là ông Nguyễn Bá Cẩn.

Người viết có hỏi Bác Sĩ Trần Văn Đỗ rằng hồi đó, ai là người đã nghĩ đến việc đưa tên của Bác Sĩ vào trong danh sách những ng­ười được đề nghị làm Thủ Tướng thì ông trả lời rằng ông không được biết, tuy nhiên ông cho biết trong khi nói chuyện với một vài nhà ngoại giao Nhật Bản thì họ là những người đã đưa ra ý kiến là nếu cần phải th­ương thuyết hay nói chuyện một cách nghiêm chỉnh với cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì nhân vật thích hợp nhất là ông. Người viết đã từng được tháp tùng Bác Sĩ Trần Văn Đỗ sang thăm Nhật Bản nhiều lần và có biết rõ ràng ông có nhiều liên hệ rất thân thiết với cựu Thủ Tướng Nhật Nebusuki Kishi lãnh tụ Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Liberal Demoratic Party) cầm quyền tại Nhật Bản từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cho đến tận bây giờ.

Ông Kishi là vị Thủ Tướng Nhật đã đưa nư­ớc Nhật phục hồi sau sự bại trận vào năm 1945 để trở thành một quốc gia cường thịnh nhất trên thế giới về phương diện kinh tế. Do đó ông Kishi sau này tuy không còn làm Thủ Tướng nhưng vẫn còn có rất nhiều ảnh hưởng trong giới chính trị tại Nhật Bản, nhất là trong giới lãnh đạo của Đảng Dân Chủ Tiến Bộ đang cầm quyền tại Nhật từ thập niên 1940 cho đến tận bây giờ.

Người viết có hỏi Bác Sĩ Trần Văn Đỗ rằng trong quá khứ, ông là người Miền Nam duy nhất đã được những người trong giới lãnh đạo cộng sản Bắc Việt mời đến nói chuyện với họ đến hai lần, giả thử như ông được mời và nhận lời làm Thủ Tướng vào tháng 4 năm 1975, liệu phe cộng sản có chấp nhận ‘’nói chuyện’’ với ông hay không ?

Sau vài giây suy nghĩ, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ nói rằng ông không tin rằng họ sẽ nói chuyện với ông vì đến cuối tháng 3 năm 1975 thì mình có còn gì nữa đâu để mà họ cần phải nói chuyện với mình!

Chuyện Bác Sĩ Trần Văn Đỗ hồi năm 1975 có thể được mời đứng ra thành lập một chính phủ với đại diện của nhiều thành phần đối lập để nói chuyện với cộng sản vẫn còn được nhắc nhở đến gần 10 năm sau. Trong cuốn The Final Collapse được xuất bản vào năm 1983 tại Hoa Kỳ, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng: ‘’Ngày 2 tháng 4 năm 1975, trong một cuộc họp thường lệ ở Quốc Hội, Thượng Viện Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ 42 phiếu thuận và 10 phiếu chống, kết tội Tổng Thống Thiệu về những thất bại đang xảy ra và yêu cầu ông thành lập một Nội Các mới với đại diện của nhiều thành phần chính trị đối lập. Có nhiều tiếng đồn  chính phủ có thể có một Nội Các liên hiệp với sự lãnh đạo của hai ông Trần Văn Đỗ và Trần Văn Lắm. Ba ngày sau, ngày 5 tháng 4, Chủ Tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn được chỉ định làm Thủ Tướng’’. Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 218.

Trong cuộc đời chính trị, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ đã giữ chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao trong ba Nội Các khác nhau: Nội Các của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vào năm 1954 Nội Các của Bác Sĩ Phan Huy Quát vào năm 1965 và Nội Các của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ từ năm 1965 cho đến 1968. Tuy nhiên có lẽ số mệnh đã an bài, dù rằng ông có thể được mời làm Thủ Tướng đến hai lần nhưng ông không bao giờ có cơ hội được giữ chức vụ này.

Cách đó chừng 10 năm, vào tháng 2 năm 1965, sau khi Tướng Nguyễn Khánh tuyên bố Hội Đồng Tướng Lãnh dưới sự lãnh đạo của ông đã ‘’bất tín nhiệm’’ Thủ Tướng Trần Văn Hương, Tướng Nguyễn Khánh đã dự định mời Bác Sĩ Trần Văn Đỗ ra làm Thủ Tướng. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Lý Kiến Trúc trên Đài Truyền Hình Little Saigon TV vào ngày 20 tháng 2 năm 2004, cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh cho biết: ‘’Tôi chỉ định ông Phan Huy Quát làm Thủ Tướng. Một cái chi tiết nữa là tôi có hai người lựa chọn, trong lúc đó ngoài ông Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ không bằng lòng (nhận lời  làm Thủ Tướng), là cái ông gì làm Bộ Ngoại Giao của mình, đó là Bác Sĩ Trần Văn Đỗ. Trần Văn Đỗ với tôi có liên hệ chút nào đó, ông Trần Văn Đỗ lúc đó cũng được ng­ười ta để ý lắm. Tôi mời ông Trần Văn Đỗ lại, ông đang đi đánh tennis. Trời ơi! Quốc gia hữu sự như thế này mà mời ổng, ổng đang đi đánh tennis thì thôi, thì cho ổng đi luôn đi. Tôi đưa ông Quát thế thôi’’. Lý Kiến Trúc: Phỏng vấn Đại Tướng Nguyễn Khánh, Nguyệt San Văn Hóa số 86. Tháng Ba năm 2004.

Bác Sĩ Trần Văn Đỗ, dù là một trong những người trong sạch, có tài đức và uy tín nhất tại Miền Nam nhưng chưa bao giờ nắm giữ chức vụ Thủ Tướng, chắc có lẽ đó cũng là cái số của ông. Sau khi đọc bài phỏng vấn cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh vào năm 2004, người viết không thể nào hỏi Bác Sĩ Trần Văn Đỗ về vấn đề này được nữa vì ông đã qua đời tại Pháp.
NGÀY THƯ SÁU

25 THÁNG 1975

Ông Thiệu Ra Đi

Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21 tháng 4 năm 1975, tuy nhiên ông vẫn còn trú ngụ trong Dinh Độc Lập cho đến ngày 25 tháng 4. Theo bản cáo trạng của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng Để Cứu Nước và Kiến Tạo Hòa Bình phổ biến vào ngày 8 tháng 9 năm 1974 tại Huế thì ‘’Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có mua một căn nhà ở trên đường Công Lý trị giá khoảng 98 triệu đồng và một ngôi nhà ba căn trong Cư Xá Sĩ Quan cao cấp trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu mà ông đã dùng 30 triệu đồng của ngân sách quốc gia để sửa chữa và tân trang từ khi còn là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia năm 1965’’, Nguyễn Khắc Ngữ: Sách đã dẫn, phần Phụ Lục.

Tuy nhiên ông Thiệu không muốn dọn ra khỏi Dinh Độc Lập vì ‘’lý do an ninh’’.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, tác giả cuốn ‘’The Palace Fale’’,thì chính Tân Tổng Thống Trần Văn Hương đã yêu cầu Đại Sứ Graham Martin thuyết phục ông Thiệu nên rời khỏi Việt Nam và sắp xếp phương tiện để đưa ông ta ra đi vì chừng nào ông Thiệu còn ở lại Việt Nam thì ông ta cứ tìm cách can thiệp vào công việc của tân chính phủ. Đại Sứ Martin đồng ý. Ông Nguyễn Tiến Hưng nói rằng Tổng Thống Trần Văn Hương đã gọi ông Thiệu và đề nghị ông Thiệu nên ra đi vì nếu ông Thiệu còn ở lại thì phe cộng sản sẽ có cớ để tố cáo rằng chính quyền của Tổng Thống Hương là một ‘’chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mà không có Thiệu’’. Đề cho việc ra đi của ông Thiệu có vẻ hợp pháp, Tổng Thống Trần Văn Hương đã ký một Sắc Lệnh cử cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu làm đại diện đặc biệt cho Việt Nam Cộng Hòa đến Đài Loan để phân ưu về việc Tổng Thống T­ưởng Giới Thạch từ trần ngày 5 tháng 4 năm 75. Thật ra thì đây là một chuyện khôi hài vì tang lễ của Cố Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã diễn ra tại Taipei cách đó ba tuần lễ và người đã đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa chính là Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.

Theo Frank Snepp, người đã lái xe đưa ông Thiệu ra Phi Trường Tân Sơn Nhất, thì Cụ Hương cũng không mấy vui vẻ cho lắm khi ông Thiệu tuy đã từ chức nhưng vẫn còn muốn đóng vai ‘’thái thượng hoàng’’ và vẫn còn ngồi trong Dinh Độc Lập gọi điện thoại can thiệp hết chuyện này đến chuyện kia, tuy nhiên nếu Cụ ép buộc ông Thiệu phải ra đi thì sẽ làm phật lòng những kẻ vẫn còn ủng hộ ông Thiệu, do đó Cụ yêu cầu Đại Sứ Martin tìm một giải pháp cho vấn đề này. Đại Sứ Martin chẳng mấy tha thiết về việc này vì cho đến giờ phút đó, ông vẫn còn muốn cho mọi người mang cái cảm tưởng là Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ không hề dính dáng gì đến việc ông Thiệu từ chức. Tuy nhiên, Tướng Dương Văn Minh thì lại nghĩ rằng việc ông Thiệu còn tiếp tục ở lại Sài Gòn sẽ là một chướng ngại vật cho việc ông ta vận động lên thay thế Cụ Hương để điều đình với cộng sản, do đó ông Minh đã yêu cầu bạn của ông và cũng là nhân vật số hai của CIA ở Sài Gòn là cựu Thiếu Tướng Charles Timmes phải tìm mọi cách đề đẩy ông Thiệu ra đi. Khi có thêm áp lực của CIA, Đại Sứ Martin phải bỏ thái độ dè dặt và đành phải sắp xếp đ­ể ông Thiệu ra khỏi Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Đôn trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng thì vào buổi sáng ngày 25 tháng 4, ông Thiệu mời ông Đôn vào Dinh Độc Lập để ‘’nhờ tôi lấy cho bạn ông ấy một chiếu khán đi ngoại quốc’’. Ông Trần Văn Đôn kể lại rằng trước khi từ giã, ông nhìn thẳng vào ông Thiệu và nói với ông ta rằng: ‘’còn phần ông, chừng nào ông đi ? Tôi biết Mỹ không muốn xảy ra chuyện như ông Diệm. Xung quanh ông đang bỏ ông, nhất là khi nghe có tân Thủ Tướng và chính phủ mới. Nếu tôi lên làm Thủ Tướng, Nội Các của tôi cũng sẽ đòi bắt ông và tôi phải làm theo’’. Trần Văn Đôn: Sách đã dẫn, trang 467-468.

Frank Snepp nói thêm trong phần phụ chú rằng ông Đôn là người đóng vai trò quyết định trong việc ông Thiệu sớm ra đi khi ông Đôn nói thêm với ông Thiệu rằng ‘’Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Không Quân muốn ông Thiệu ở lại để họ có thể giết ông’’. Frank Snepp: Sách đã dẫn, trang 434.

Như vậy thì việc cựu Tổng Thống Thiệu ra đi là do ý của Tân Tổng Thống Trần Văn H­ương và Tướng Dương Văn Minh, ông Trần Văn Đôn hù dọa thêm và Đại Sứ Martin sắp xếp để ông Thiệu ra đi càng sớm càng tốt.

Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp kể lại rằng vào hồi 5 giờ 30 chiều ngày 25 tháng 4 năm 75, trùm CIA Thomas Polgar gọi Tướng Charles Timmes và Frank Snepp vào văn phòng của ông ta và ra lệnh cho họ phải giúp cho ông ta đưa ông Thiệu và ông Khiêm đi Đài Loan vào tối hôm đó.

Khoảng 8 giờ rưỡi tối, Tướng Timmes, Frank Snepp cùng 2 nhân viên CIA khác lái ba chiếc xe đến tư gia của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trong Bộ Tổng Tham M­ưu và khoảng 9 giờ tối thì trùm Polgar cũng đến nơi. Ít lâu sau thì một chiếc xe Mercedes chạy đến đậu ngay trước nhà ông Khiêm và ông Thiệu vội vã bước vào nhà. Frank Snepp nói rằng ông Thiệu có mái tóc bạc chải bóng loáng, quần áo ủi thẳng nếp và trong lúc trời còn tranh tối tranh sáng, ông ta có vẻ giống như là ‘’một người mẫu trong tạp chí Gentleman’s Quartery’’ hơn là một vị cựu Tổng Thống’’. Đoàn tùy tùng của ông Thiệu người nào người nấy đều to con vạm vỡ tay xách những chiếc va-li quá khổ đến những chiếc xe của Tòa Đại Sứ Mỹ và họ đòi phải để cho họ đích thân đặt những chiếc va li đó vào thùng sau xe. Frank Snepp nói ông ta không biết trong những va-li đó đựng gì, tuy nhiên có vẻ rất nặng vì khi những hành lý đó được đặt xuống xe thì nghe như có tiếng kim loại chạm vào kim loại.

Trong một bài nhan đề Từ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà Đến Dinh Độc Lập, Những Ngày Cuối, một cựu Thiếu Úy Công Binh đã từng chỉ huy Đại Đội 541 Công Binh Kiến Tạo vào sửa chữa Dinh Độc Lập sau ngày bị Nguyễn Thành Trung dội bom vào tháng 4 năm 1975 có cho biết rằng: ‘’Ngày 25 tháng 4 năm 1975, vị Trung Úy trong Dinh đến bắt tay thăm hỏi. Ánh mắt có vẻ không vui. Ngỏ ý mượn 6 anh em binh sĩ. Khoảng 25 phút, anh Công Binh trong toán trở lại đưa cho tôi 10.000 đồng và nói ông Trung Úy nhắn là đưa cho tôi 4.000 còn mỗi anh em binh sĩ 1.000 đồng. Nghe xong tôi đưa bết cho anh em binh sĩ để họ chia nhau. Tôi thắc mắc hỏi xem họ đã làm công việc gì thì họ trả lời: Lên trên lầu vào phòng khiêng một cái tủ sắt nhỏ xuống dưới thềm Dinh thì thấy có xe hiệu Scout, loại Cảnh Sát dã chiến sử dụng, che bạt kín bịt bùng đậu sẵn. Đẩy tủ sắt vào sàn xe bên trong có 4 người mặc thường phục áp tải đi với viên Trung Úy. Theo tôi suy nghĩ, đây là tài sản riêng của Tổng Thống Thiệu mang đi vào phút cuối. Tôi không biết trong tủ sắt nhỏ đó có những gì’’. Nhật báo Người Việt ngày Chủ nhật 20 tháng 4 năm 2003.

Như vậy, ông cựu Thiếu Úy Công Binh này cho biết là lính của ông đã di chuyển tủ sắt nhỏ vào ngày 25.4 tức là ngày ông Thiệu ra đi thì việc này cũng có thể bổ túc cho nhận xét của Frank Snepp nói rằng ‘’hành lý rất nặng’’.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ông Nguyễn Tiến Hưng ngày 6 tháng 3 năm 1986, ông Thomas Polgar, cựu Giám Đốc CIA tại Sài Gòn đã phủ nhận điều này. Ông ta nói rằng ông Thiệu ra đi không có mang theo nhiều hành lý vì ông Polgar muốn rằng việc ra đi này phải thật lẹ làng và êm thấm chừng nào tốt chừng đó. Frank Snepp cũng cho biết thêm rằng ông Thiệu đã cho gởi đi nhiều thùng tài sản, đồ đạc sang Đài Loan và Canada từ ngày 2 và 3 tháng 4, tức là mấy tuần lễ trước khi ông từ chức.

Theo Frank Snepp thì sau khi đưa hành lý vào thùng xe, Polgar, Tướng Timmes cùng nhiều nhân viên người Việt ra khỏi nhà và bước lên xe. Ông Thiệu lên ngồi đằng sau xe của Frank Snepp, ông ta ngồi giữa Tướng Timmes và một nhân viên người Việt, (có lẽ là Đại Tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng của ông Thiệu). Tướng Timmes đã từng quen biết với ông Thiệu khi ông ta làm Tư Lệnh Sư Đoàn I tại Vùng I hồi năm 1961 và khi ông Thiệu làm Tổng Thống, Tướng Timmes vẫn thường thuyết trình cho ông Thiệu về các tiến bộ trong lãnh vực bình định. Trên xe, Tướng Timmes nói với ông Thiệu: ‘’Xin Tổng Thống cúi đầu xuống’’ và khi xe đi vào cổng Phi Trường Tân Sơn Nhất, ông ta lại vội vã nhắc ông Thiệu cúi đầu xuống vì lính gác có thể nhìn mặt người trong xe, nhất là lúc đó đã sau giờ giới nghiêm. May thay, khi thấy xe mang bảng số ngoại giao đoàn, lính gác vẫy tay cho đoàn xe chạy thẳng.

Khi đoàn xe chạy qua khỏi văn phòng của hãng hàng không Air America, người lái xe trước tắt đèn và Frank Snepp chở ông Thiệu trên xe sau cũng phải vội vã tắt đèn theo. Bên ngoài trời quá tối, bỗng Frank Snepp chợt nhìn thấy trùm Polgar chạy ra cách xe chỉ chừng mấy thước, anh ta đạp thắng thật gấp và những người ngồi băng sau kể cả ông Thiệu đều bị dội vào băng ghế trước, tuy nhiên chẳng có ai bị thương tích gì. Polgar mở cửa xe và dẫn ông Thiệu đến phi cơ đậu cách đấy không xa. Ông Thiệu quay lại vỗ vai và cám ơn Frank Snepp, mắt ông ta long lanh và nắm tay người tài xế Mỹ khá lâu, nói mấy lời cám ơn rồi bước vội đến phi cơ. Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và đoàn tùy tùng cũng theo chân ông Thiệu. Đại Sứ Graham Martin và đoàn vệ sĩ của ông đang đứng dưới một chiếc phi cơ vận tải C-118 bốn động cơ của Không Lực Hoa Kỳ, ông ta cùng Polgar tiễn đưa ông Thiệu và phái đoàn lên phi cơ rồi sau đó cất cánh rời Phi Trường Tân Sơn Nhất bay đi Đài Bắc. Frank Snepp nói rằng vì có sự sơ sót của Văn Phòng CIA Sài Gòn, Polgar quên không mang theo hồ sơ tạm dung (parole documents) lên Phi Trường cho nên cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi Việt Nam mà không có giấy tờ gì cho phép ông được nhập cảnh vào Hoa Kỳ và cũng không hề có chiếu khán xuất cảnh của chính phủ Việt Nam. Frank Snepp: Sách đã dẫn, trang 434-436.

Việc cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam vào năm 1975 đến hơn 30 năm sau thì lại được một nguồn tin xuất phát từ London nói rằng ông Thiệu đã được người Mỹ đưa bằng phi cơ ra Đệ Thất Hạm Đội ngoài khơi hải phận Việt Nam rồi từ đó ông được đưa sang tỵ nạn tại nước Anh. Nguồn tin này hoàn toàn không đúng sự thật vì khi ông Thiệu rời khỏi Việt Nam vào ngày 25 tháng 4 thì các tàu chiến của Hoa Kỳ chưa nhận được lệnh cho phép đón tiếp ng­ười tỵ nạn Việt Nam và hơn nữa, ông Thiệu được di tản bằng phi cơ C-118 tức là một loại phi cơ vận tải 4 động cơ, loại phi cơ này không thể nào đáp xuống Hàng Không Mẫu Hạm được. Ông Thiệu được đưa sang Đài Loan rồi sau đó ông và gia đình được sang tỵ nạn tại Anh Quốc, mãi cho đến thập niên 1980 mới di chuyển sang Hoa Kỳ.

Cũng trong ngày 25 tháng 4 khi cựu Tổng Thống Thiệu ra đi, theo Pierre Darcourt thì Tổng Thống Trần Văn Hương đã tiếp kiến Đại Sứ Pháp Mérillon trong 80 phút và sau khi ông Mérillon ra về thì lại đến lượt Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martinvào Dinh Độc Lập gặp Tổng Thống Trần Văn Hương. Darcourt nói rằng cả hai ông Đại Sứ đều cố thuyết phục Tổng Thống Trần Văn Hương nên tìm ngay một công thức để thương thuyết với phe cộng sản. Tuy nhiên Cụ Trần Văn Hương vẫn giữ vững lập trường của ông, đó là ông không thể giao quyền cho ai ngoài khuôn khổ Hiến Pháp.

Trong khi đó, cũng trong ngày 25 tháng 4, Thường Vụ Trung Ư­ơng Cục đã gửi bức điện văn số 481/TV cho ‘’Anh Sáu Dân’’ (Võ văn Kiệt) anh Năm Xuân ?  Và P.10 tức là Đảng Ủy Sài Gòn-Gia Định nói rằng ‘’Theo đài BBC thì Hương đã gặp Minh nhường quyền Tổng Thống cho Minh. Trước đây ta dự kiến Thiệu đổ thì phải làm gái. Nay Thiệu đổ trong một tình hình ta đang thắng lớn, địch đang thất bại và bối rối, nhưng lại đưa con bài mới này ra và sẽ đặt vần đề thương lượng để hạn chế thắng lôi của ta và làm lạc hướng đấu tranh của quần chúng. Cần lãnh đạo tư tưởng cho nòng cốt ta tuyên truyền trong những người tích cực ở lực lượng thứ ba đừng mắc mưu bọn đế quốc và phản động đang có âm mưu dùng con bài mới để ngăn ta giành thắng lợi hoàn toàn. Ta vẫn khẳng định phải giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để’’. Văn Kiện Đảng: Trang 307-308.

Như vậy thì theo tinh thần điện văn này, dù Cụ Trần Văn Hương có trao quyền cho ‘’con bài mới’’ là Dương Văn Minh đi nữa thì cộng sản vẫn quyết tâm không thương lượng và ‘’khẳng định phải dành thắng lợi hoàn tòan và triệt để’’ tức là đi đến chiến thắng toàn diện, đó là chiếm Sài Gòn.


Каталог: groups -> 3849536 -> 989380657 -> name
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
groups -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam
name -> VIỆt nam cộng hòA 10 ngày cuối cùNG
3849536 -> Van. Phong. Lien. Doi. Xa. Hoi [B. E. S]
3849536 -> Hiểu thế nào về ‘Tội Tổ Tông’ ? Nguyễn Thùy Lời nói đầu

tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương