Hiểu thế nào về ‘Tội Tổ Tông’ ? Nguyễn Thùy Lời nói đầu



tải về 101.16 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu28.05.2018
Kích101.16 Kb.
#39072



Hiểu thế nào về Tội Tổ Tông ?
Hiểu thế nào về ‘Tội Tổ Tông’ ?

Nguyễn Thùy


Lời nói đầu : Mấy tháng gần đây, trên các Diễn Đàn, vấn đề Tôn giáo -Ki-Tô giáo, Phật giáo- được nêu ra. Nhiều luận điệu phản bác, nhiều luận điệu đề cao ̀bên nầy bên nọ.

Người viết không muốn tham gia vào các cuộc ‘tranh cãi’ tôn giáo vì nghĩ rằng đây là thủ đoạn của Cộng sản, muốn ‘lùa’ chúng ta vào những vấn đề lý thuyết nầy nọ hầu ‘quên’ đi tội lỗi của chúng, để chúng mặc tình bán nước, buôn dân, đày đọa đồng bào ta vào khốn cùng hầu chúng giữ vững ngôi vị độc tôn, làm giàu nhơ bẩn và hưởng thụ sa đọa, nhất là gần đây bao vấn đề tranh đấu của Dân Oan, của Giáo dân, của tầng lớp trí thức trong và ngoài nước lên án vụ Trung Cộng khai thác Bô-xít vùng Tây nguyên cùng vụ Luật sư Cù Huy Hà Vũ kiện tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng bao chống đối, can thiệp đòi hỏi phải trả tự do tức khắc cho luật sư Lê Công Định đang khiến Cộng sản VN điên đầu. Nhưng vì các Diễn Đàn không ngớt đăng các cuộc ‘tranh luận’ tôn giáo nên nghĩ cũng nên trình bày một dôi suy nghĩ mong phần nào ‘trung hòa hóa’ (neutraliser) một số luận điểm về Tôn giáo, đề không bị rơi vào bẩy của Cộng sản dùng Tôn giáo gây chia rẻ hàng ngũ người Việt chống Cộng mà cao trào càng lúc càng dâng cao trong nước và nơi hải ngoại.

Nhìn chung, người viết nhận thấy mọi điều được nêu ra trên các Diễn Đàn về hai Tôn giáo hầu như không nằm trong một cái ‘nhìn thống quan’ về Kinh Điển cùng giáo lý của Đức Thích Ca và Chúa Jésus. Bài dưới đây chỉ là một đoạn rút ngắn̉ nói về ‘Tội Tổ Tông’ mà người viết nghĩ rằng trước nay chưa mấy được hiểu thấu đáo. Bài nầy, cũng như các bài khác, nhằm ‘trả lời’ cho những kẻ chống đối, phỉ báng Ki-Tô giáo như Trần Chung Ngọc, Vương Vũ,…cho rằng Ki-Tô giáo chỉ nói những điều vu vơ, không có ‘chứng cứ tính’ cùng ‘lý luận tính’ ; đồng thời cũng muốn tỏ bày với người Ki-Tô giáo nhận ra Thánh Kinh và lời Chúa Jésus không chỉ nói về mặt Đức Tin mà bao hàm cả mặt Tri Thức luận (épistémologie). Người viết chỉ trình bày ý mình, không chủ trương ‘tranh luận’ hoặc ‘đối thoại’. Vấn đề Tôn giáo, Tư tưởng quá mênh mông, tranh luận đến mấy cũng khó đưa đến một đồng hợp, hài hòa. Và ‘đối thoại’ về vấn đề nầy, nhiều khi chỉ đưa đến ‘độc thoại’ một chiều thôi, nhất là khi mỗi bên luôn ‘trụ’ mình trong một định kiến có sẵn..
Tội Tổ Tông : Nguồn Gốc và Sự Thể Hiện trong Cuộc Sống, Cuộc Đời
Chủ đề chính yếu trước tiên nơi Ki-Tô giáo và chung cho các Tôn giáo độc thần là vấn đề Sáng Tạo. Riêng Ki-Tô giáo , thêm một chủ đề khác là Tội Tổ Tông. Trước khi tìm hiểu chủ đề Sáng Tạo, xin tìm hiểu chủ đề Tội Tổ Tông, xem trước nay đã được hiểu như thế nào.

Trong 5 sách của Moise nơi Cựu Ước, chỉ riêng Xuất Ê-Díp-Tô ký (Exode) viết : ‘’ Hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời’’ (Ê-Díp-Tô ký : 20-5 ; người viết xin không trích dẫn phần tiếng Pháp, tiếng Anh để tránh dài dòng). Trong ‘Sáng Thế Ký’, Moise không dùng thuật ngữ ‘Tội Tổ Tông’ và Jésus, qua bốn bản Phúc Âm cũng không nói đến Tội nầy. Nhưng căn cứ vào những điều Moise viết trong Sáng Thế Ký, hàng ngũ tu sĩ và tín đồ Ki-Tô giáo cho rằng mọi tội lỗi con người phạm phải đều do sự việc thủy tổ loài người –Adam, Eva- đã trái lời Thượng Đế hái ăn trái Tri thức (trái Cấm) nơi vườn Địa Đàng nên phải bị Thượng Đế đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng vào cõi Thế gian rồi đời đời phạm tội hầu chuộc lại tội lỗi nguyên sơ của Thủy Tổ.

Lối giải thích và tin tưởng nầy, theo ý người viết, đã lệch với ẩn ý của Kinh Thánh và không thỏa mãn óc luận lý cùng tâm lý thông thường của người đời. Lối giải thích nầy khiến Thần Học Ki-Tô giáo không giải thích và giải quyết được vấn đề nhân sinh cùng diễn tiến tiến hóa của vũ trụ hiện tượng. Do hiểu như trên nên nhiều đời Giáo Hoàng đã xem những khám phá của Khoa Học là trái với Kinh Thánh, còn cho rằng mọi bệnh tật mà con người phải gánh chịu là để trả cái tội nguyên sơ của Thủy Tổ loài người (xin xem : ‘Dieu face à la Science’ của Claude Allègre, Librairie Arthème Fayard, Paris 1997. Trong sách nầy, tác giả lược lại những chống đối của Giáo Hội Thiên Chúa giáo trước đây đối với những khám phá của Khoa học). Ngày nay, không mấy ai còn tin tưởng quan điểm nầy, ngay cả một số người Ki-Tô giáo, không kể giới khoa học và lớp người gọi là vô thần. Nhưng, theo người viết, Tội Tổ Tông lại là điều kiện tất yếu của cuộc sống. Tội nầy hằng có trong cuộc sống thường ngày của con người, của chung chủng loại người, ngay cả với cây cỏ, thú vật, chim chóc, cá tôm, nhưng không hẳn là những cái tội thường nói (trộm cắp, nói dối, phản bội, bất hiếu, tà dâm,…) mà là nguyên nhân gây ra bao tội lỗi trong cuộc sống thường ngày.

I.- Tội Tổ Tông theo lối hiểu trước nay :

1) Biến Thượng Đế thành vị thần tàn ác : Kẻ chủ động gây cho con người ‘trái lời Thượng Đế’ là Sa-tăng đã̉ quyên rủ Eva. Adam và Eva chỉ vì nhẹ dạ, cả tin chứ không cố ý phạm tội, thế mà đời đời con cháu, chắt chít phải bị trừng phạt, thì quả Thượng Đế hẹp hòi, cố chấp quá đáng. Pháp luật trần gian không bao giờ ấn định một trừng phạt vô hạn định suốt dòng dõi kẻ phạm tội. Như thế, so ra, con người chẳng đã rộng lượng, bao dung hơn Thượng Đế sao ?

2) Hiểu lệch lời Moise, biến Thượng Đế thành ‘hữu nga’̃ như con người : Chỉ chú ý đoạn đầu của lời Moise (Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài –STK :1-27), không để ý đến đoạn sau (Song có hơi nước dưới đất bay lên khắp cùng mặt đất, Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lổ mũi ; thì người trở nên một loài sinh linh – STK : 2-6,7). Cũng không chú ý lời ĐCT nói với Moise tại đồi Sinai : ĐCT không xưng tên mà chỉ nói lên trạng thái hiện hữu của mình : ‘Ta là Tự Hữu, Hằng Hữu’. Do hiểu lệch lời Moise nên tạo nên một ‘Định mệnh thuyết siêu hình’ có thể có lợi cho Đức Tin tôn giáo mà không giải thích được diễn tiến thế gian.

Đọc lại Sáng Thế Ký, ta thấy Thượng Đế dựng nên mọi thứ trong 6 ngày, trước tiên là các dạng tồn tại không cấu trúc hình thể : ánh sáng, trời (khoảng không), nước, đất, biển rồi đến ngày thứ 5 mới các dạng tồn tại có sự sống tức các vật sống rồi đến ngày thứ sáu mới ‘sáng tạo’ nên con người. Với dạng tồn tại người, Thượng Đế kông tạo ra bằng một lời ‘phán’ mà ‘lấy đất có thấm hơi nước nặn nên hình con người giống hình Ngài rồi hà sinh khí vào mũi nên loài người trở nên một loài sinh linh’. Như thế, loài người được tạo bằng cách kêt hợp ba dạng tồn tại : đất, nước và khí. Có thể các dạng tồn tại sinh vật khác cũng được Thượng Đế tạo ra theo cách kết tập những dạng tồn tại khác nhưng Kinh Thánh không nói. Tiến trình sáng tạo của Thượng Đế, như thế, đã đi từ các dạng tồn tại vô cơ (không có sự sống) sang Hữu cơ (có sự sống) và mỗi ‘buớc sáng tạo’ phải qua từng thời gian dài (mỗi ngày trong STK không nhất thiết là 24 giờ mà có thể rất nhiều nhiều năm). Khoa học từ lâu phân biệt ba giới loại trên mặt đất : khoáng vật, thực vật, động vật. Loài người thuộc dạng động vật sau cùng và cao cấp nhất trong hàng ngũ động vật. Sau loài người, không có dạng tồn tại nào khác (ngoài những thứ do con nguời tạo tác : nhà cửa, bàn ghế, máy móc, thuốc men,…). Và mỗi dạng tồn tại hữu cơ là do tác động kết hợp của các dạng tồn tại vô cơ (vi tử kết hợp thành nguyên tử, phân tử, đại phân tử, tế bào rồi vật sống) nhưng Khoa học chưa xác định được tiến trình từ vô cơ sang hữu cơ. Nếu hiểu sự sáng tạo của Thượng Đế là do công trình Ngài kết hợp một số dạng tồn tại để tạo nên một dạng tồn tại mới thì không trái với khoa học bao nhiêu.

Vì không để ý sự việc Thượng Đế sáng tạo nên con người do kết hợp ba dạng tồn tại Đất, Nước, Khí và vì hiểu như hình ảnh Thượng Đế’ (à l’image de Dieu) hoặc tương đồng với chúng ta’ (selon notre image, selon notre ressemblance) nên đã xem Thượng Đế có hình dung, tướng mạo, cá tính như con người, do đó đã ‘nhân ảnh hóa, hữu ngã hóa’ Thượng Đế.

3) Không giải thích được ẩn dụ ‘Cây Sự Sống và Trái Tri Thức’ : Cây Sự Sống và Trái Tri Thức là ẩn dụ đầu tiên nơi Kinh Thánh Cựu Ước, hiểu được ẩn dụ nầy là hiểu được nguồn gốc đau khổ và dòng tiến hóa của vạn hữu, đặc biệt của nhân sinh. Thần học Ki-Tô giáo chưa để ý đến ẩn dụ nầy. (Xin chưa đề cập nơi đây. )

4) Hiểu Tội Tổ Tông chỉ dành riêng cho loài người, biến Thượng Đế chỉ riêng cho loài người chứ không cho toàn thể muôn vật. Các loài sinh vật khác –cây cối, thú vật- có phải chịu Tội Tổ Tông như loài người không ? Satan không dụ dỗ các loài cây cối, chim muông, thú vật, tại sao ? Xét cho cùng, các loài đó cũng tội lỗi, đau khổ khác gì con người, cho dù không giống với con người. Chúng chẳng đã tác động, tàn phá, hủy hoại, sát hại nhau, cũng ‘phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn’ theo cách của chúng và cũng phải chết cả sao ? Thế chúng có gánh một Tội Tổ Tông nào khác với Tội Tổ Tông dành cho loài người ? Những loại đó hiện hữu trước loài người và cũng do Thượng Đế tạo nên cả. Cây Sự Sống và Trái Tri Thức có vào lúc nào ? Cả Satan nữa ? Hay chỉ lúc Thượng Đế dựng nên con người mới có Cây Sự Sống cùng trái Tri Thức và Satan ? Những câu hỏi đó, Kinh Thánh không đề cập. Có thể vì chỉ nói về con người nên Moise không nói đến Tội Tổ Tông của các loài khác. Thực ra, theo người viết, Tội Tổ Tông áp dụng cho tất cả mọi loài dù vô cơ hay hữu cơ. Điều nầy liên hệ đến cuộc Tiến hóa của vạn hữu.

5) Tạo nên một ‘Định mệnh thuyết siêu hình’ cùng một ‘Sử quan thần học’ nghiêm nhặt và huyền hoặc. ‘Hữu ngã hóa Thượng Đế’ theo hình ảnh con người, quan niệm Tội Tổ Tông là trừng phạt suốt đời, suốt kiếp ; cuộc sống, cuộc đời của mỗi người cũng như của chủng loại người chỉ là chuổi dài ‘phạm tội’, chỉ được ‘cứu rỗi’ do ân điển của Thượng Đế trong giờ phút Ngài tái lâm, làm cuộc ‘phán xét cuối cùng’, chọn lựa ai vào nước Thiên Đàng, ai vào lò địa ngục ; hiểu như thế, ta thấy Do-Thái giáo và Ki-Tô giáo đã dựng nên một ‘Định Mệnh thuyết’ (fatalisme) vô cùng khe khắt. Tất cả từ diễn tiến của vũ trụ, xã hội đến sinh mạng, cuộc sống từng hiện thể vật và ngưòi đều tuân theo ‘định mệnh’ đó, bất khả cải sửa dù cố gắng ăn ở thiện lành, lương hảo đến đâu. Sự chọn lựa của Thượng Đế vào cõi vĩnh hằng hoàn toàn do ý muốn của Ngài vì thánh ý của Thượng Đế hoàn toàn khác với ý tưởng con người. Định mệnh thuyết siêu hình nầy phũ nhận ý chí tự do của con người. Con nguời phải khuất phục Thượng Đế bằng Đức Tin tuyệt đối vào Ngài, phải sống đúng theo cái ‘Thánh Linh’ của Ngài đã phú cho. Nhưng biết thế nào là sống đúng theo Thánh Linh ? (Người Phật giáo cũng bảo phải sống theo cái ‘Tâm’ nhưng thế nào là sống đúng theo cái Tâm ? Cả hai bên bảo là phải tuân theo mười điều răn, phải giữ giới,… ; lối nói đó nặng về phần Đức Tin hay Đạo đức, Luân lý, chưa hẳn đúng theo lời Chúa, lời Phật. Xin nói trong những bài khác). Sử quan thần học cho rằng : ‘’Lịch sử là tấn kịch diễn xuất thánh ý của Thượng Đế và mỗi biến cố là một bài học dạy ta từ trên trời’ ’(Bossuet, trích dẫn bỡi Lê Tôn Nghiêm trong ‘Những vấn đề triết học hiện dại’, nxb Ra Khơi, Sài-Gòn 1971 – câu nầy có thể hiểu một cách khác) . Chính dựa theo ‘Định mệnh thuyết siêu hình’ và ‘Sử quan thần học’ nầy mà một số triều đại Giáo Hoàng đã trở thành ‘giáo phiệt’, gây bao oan khiên cho con người và xã hội.

May sao, Định mệnh thuyết siêu hình và Sử quan thần học nầy đã được Chúa Jésus cải sửa để Thượng Đế không còn là vị thần tàn bạo mà đầy Ân Điển và Lẽ Thật, rất mực nhân từ và gọi Đức Chúa Trời một cách thân mật là ‘Cha ta ở trên trời’. Jésus không nhắc gì đến Tội Tổ Tông. Và tuy nhìn nhận ‘sự phạm tội phải có’, nhưng Jésus dùng đấy để giải thích cõi hiện hữu chứ không ám chỉ cái Tội Tổ Tông mà thủy tổ loài người đã phạm phải.

Thực ra, Tội Tổ Tông chỉ là một ẩn dụ. Giải thích ẩn dụ nầy liên hệ với vấn đề Sáng Tạo cùng ẩn dụ Cây Sự Sống. (Xin chưa nói nơi đây vì rất dài dòng).


II.- Nguồn Gốc Tội Tổ Tông : Tội Tổ Tông chỉ là ẩn dụ nói lên sự việc con người rời bỏ cảnh sống nơi vườn Địa Đàng không có phân biệt Thiện Ác, không có sự Chết để sang cảnh sống thế gian dẫy đầ̀y đau khổ, tội lỗi do cái Biết phân biệ̣t và phải lo cho sự Sống cho đến ngày trở về với cát bụi. Tất cả khởi đi từ sự việc Thượng Đế tạo nên vũ trụ hiện tượng. Thượng Đế từ trạng thái ‘Không’, trạng thái ‘phi hiện tượng’ đã tự ‘sắc tướng hóa’, tự ‘đối tượng hóa’ mình, nói theo lối khoa học là tự ‘vật chất hóa’ mình để sinh thành mọi thứ. Nói theo La Cabale (hay Talmud) Do Thái giáo là ‘Thượng Đế tự thu mình lại từ Vô hạn đi vào Hữu hạn để̉ hiện hữu với mình qua các dạng tồn tại nơi thế gian’’. Hành động đó của Thượng Đế được xem là hành động ‘tự vong thân’ (s’aliéner), tự ‘phân thân để tạo nên sự Sống của thế gian. [vấn đề khá rắc rối, được nói rõ trong Chương Sáng Tạo – Hégel gọi sự việc nầy là ‘sự Vong Thân nguyên khởi (alinéation première)]. Chính do sự ‘phân thân’, sự tự ‘vong thân’ nầy để tạo nên sự Sống là nguồn gốc tạo nên Tội Tổ Tông cho tất cả những gì Thượng Đế đã tạo nên.

Tội Tổ Tông, như thế, được hiểu là điều kiện cần thiết buộc mỗi người phải vong thân, có nghĩa phải phóng xả một phần năng lượng tự thân để lo cho sự sống sao cho được đầy đủ, phát triển sung mãn, phong phú, tốt đẹp hơn. Trên bình diện Đạo Học hay Hữu Thể Học (Ontologie, Philosophie de l’Être), Tội Tổ Tông có Nguồn gốc nơi sự vong thân nguyên khởi của Thượng Đế từ Tự Hữu đi vào Hiện Hữu, từ Không đi vào Sắc, từ Chân Đế đi vào Tục Đế, từ Tính Thể đi vào Hiện Tượng, từ Tâm Linh đi vào Cơ Năng (từ Tâm đi vào Vật), từ Đạo Thể đi vào Lịch Sử để tạo nên Sự Sống rồi trầm luân theo luật Nhân Quả của Thế gian. Do Sự Sống mà Thượng Đế buộc con người cùng mọi sinh vật phải chịu đựng Tội Tổ Tông.

Em giả từ nguyên sơ

Vào nằm dòng Sử máu

Gieo linh hồn nghiệp báo

Sầu nhân quả bơ vơ !

N.T.(Em lên đường buổi đó)

Tội Tổ Tông, do đó, là cái Tội nguyên sơ không riêng cho loài người mà cho chung tất cả mọi loài trong cuộc tranh đấu lo cho sự Sống. Một khi đã sinh ra, nghĩa là bắt đầu hiện hữu, dù với hình thức, cấu trúc nào thì đã mang lấy Tội Tổ Tông vì luôn luôn bị chi phối, bị vong thân bỡi Không gian, Thời gian bên trong và bên ngoài do trường tương tác bất tận giữa các dạng tồn tại phát sinh từ các yếu tính và yêu cầu của cuộc sống, cuộc đời. (Phật giáo, theo người viết cũng cùng quan điểm nầy, khi ta hiểu rốt ráo lời Đức Thích Ca).

Gọi là ‘Tội’ thực ra không phải là những thứ tội ta hiểu thường ngày như ‘tội bất hiếu, tội ngoại tình, tội tà dâm, tội ăn gian nói dối, tội tham nhũng, cướp đoạt của người, tội bán nước, tội sát nhân, ;; những tội thuộc giới răn giới cấm nơi Kinh Thánh, Kinh Phật. Tất cả những tội vừa kể không là Tội Tổ Tông nhưng tất cả phát sinh từ Tội Tổ Tông. Thực sự, theo người viết, đấy không là cái Tội mà là một thiết yếu, một nhu cầu của cuộc sống thế gian và do thiết yếu, nhu cầu nầy mà phát sinh mọi thứ tội lỗi. Chúa Jésus bảo : ‘’Khôn nạn cho thế gian vì sự phạm tội phải có’’, lời nầy có thể ám chỉ Tội Tổ Tông nhưng không quan niệm là sự trừng phạt đời đời của Thượng Đế mà chỉ nói lên thực chất của cõi hiện hữu. Sự vong thân nguyên khởi của Thượng Đế tiếp diễn mãi nơi cõi thế gian qua cuộc sống, cuộc đời của từng dạng tồn tại và qua từng hiện thể của từng dạng tồn tại theo từng cách thế khác nhau. Cuộc sống bắt buộc phải hoạt động nghĩa là phải vận dụng mọi năng lực, khả năng tác động với mình và với môi trường để tạo điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Mỗi hoạt động như thế là một ‘vong thân’ của ta. Đấy là cuộc tranh đấu mưu sinh hàng ngày của mọi người cũng như của mọi loài sinh vật. Vì thế ‘Sống là vong thân’.

Vong thân’ là tự đánh mất mình đi (do tự nguyện hay bị bắt buộc) để tìm lại được mình phong phú hơn (Se perdre pour mieux se retrouver). có nghĩa phải tốn hao khả năng, công sức mình để thu về một thứ gì đó cần thiết, có lợi cho mình. Sách Sáng Thế đã viết : ‘Ngươi phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn’’.Làm đổ mồ hôi trán’ là vong thân năng lượng về mặt thể xác ; ‘mới có’ tức mới tư hữu được luơng thực, của cải ; ‘mà ăn’ là ‘mới nuôi dưỡng thân xác để kéo dài sự sống’.

Không Sống, không lo cho Sự Sống thì chẳng có Tội Tổ Tông cũng như chẳng có vấn đề nào được đặt ra cả. Nhưng Sống và lo cho sự Sống như thế nào, mang ý nghĩa gì, diễn tiến ra sao, dẫn về đâu, đấy là điều thiết cốt mà Phật Chúa đã nói qua cách lập ngôn u mật. Không chú ý tìm hiểu điều nầy thì mọi diệ̃n giảng về lời Phật, lời Chúa thường trong vòng lẩn quẩn thôi.
III.- Thể hiện Tội Tổ Tông nơi cõi hiện tượng :

Mỗi lần vong thân, dù bằng hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ, tình cảm, công sức, của cải, thì giờ, tiền bạc là một mất mát đau thương ít hay nhiều một khi không được bù trừ thỏa đáng. Hạnh phúc thường nhật của mỗi người, ngoài vấn đề sức khỏe, là do phần bù trừ thừa thải cho mỗi vong thân. Xã hội an lạc, con người thoải mái, sung sướng là do phần bù trừ được nhiều hơn phần đã vong thân.. Về mặt Kinh tế, Chính trị, Xã hội cũng thế. Nói theo Kinh tế, phần bù trừ là cái lợi hay lợi tức thu về nhiều hơn cái vốn tức phần đã mất mát, đã vong thân.

Nhưng trong cuộc sống, phần bù trừ rất ít khi cân xứng với phần đã vong thân và đến với ta rất nhiều lúc không tức thì, không trực tiếp. Bao vong thân của nhiều bậc thiên tài về mọi lãnh vực chỉ đươc bù trừ sau bao năm dài họ đã mất. Những vong thân của Thích Ca, Jésus,.. đến nay, cách mấy nghìn năm vẫn chưa được bù trừ vì sự vong thân của quí Ngài không thể được bù trừ bỡi một cá nhân hay một nhóm người mà bằng cả sự thức tĩnh của toàn thể nhân loại về cái Lẽ Đạo hoằng viễn vì các Ngài vong thân cho Sự Sống nơi cõi hiện hữu, cho cái Tội Tổ Tông, cho cái Cộng nghiệp của cả chủng loại người và cho chung vạn hữu.

Trong cuộc sống thường nhật, mỗi người tự ý hay do hoàn cảnh phải lao động tức vong thân môṭ phần sức khỏe, năng lượng để lảnh một số lương của hảng xưởng. Nếu hảng xưởng trả ta một số lương quá thấp, không cân xứng với những vong thân của ta, ta tranh đấu đòi hoi số lương cao hơn để được bù trừ cân xứng. Cái ‘thặng dư giá trị’ (la plus-value) mà nhà tư bản bóc lột công nhân do lợi tức thành phẫm quá nhiều mà không trả về bù trừ cho thời gian lao động của công nhân, đã được K Marx nêu ra để tố cáo tính cách bóc lột của tư bản.

Trong tình yêu, khi người yêu hất hủi, lạnh nhạ̣t ta thì phần vong thân tình cảm của ta không được bù trừ, ta đâm ra thất tình, tức tối, buồn đau,…Nguời mẹ vất vả, khổ nhọc nuôi con, mong con nên người nhưng người con lêu lổng, hư hỏng thì̀ sự vong thân của người mẹ chẳng được chút bù trừ nào ; ta bảo người mẹ bất hạnh, người con bất hiếu. Người chiến sĩ Cách mạng cống hiến đời mình cho lý tưởng nhưng Cách mạng không thành và phải chịu hy sinh thì sự vong thân của ông không được bù trừ trong cuộc sống. Tuy nhiên, lúc được người sau ghi nhớ công đức và lý tưởng Cách Mạng được người sau kế tiếp đến thành công thì người chiến sĩ đã mất đó đã được phần nào bù trừ về những vong thân trước đây.

Những kẻ vong thân vì ý đồ xấu (trộm cướp, hiếp dâm, lừa gạt, hối lộ, tham nhũng,…) cho dù có được bù trừ phần nào ngay sau đó thì lại mãi mãi bị vong thân vì cuộc đời (bị lên án, trừng phạt bỡi dư luận, pháp luật, đạo đức xã hội, bỡi lịch sử).

Cũng nhiều trường hợp phần vong thân chẳng là bao mà phần bù trừ lại quá nhiều như những kẻ đi buôn vốn một lời mười, những nhà tư bản kếch xù, những kẻ thành công trong một thứ ‘nghề chơi’ nào đó, phù hợp với thị hiếu ‘làng chơi’ thời đại, phù hợp với yêu cầu, sở thích của số đông, đáp ứng được một mốt thời trang hay một nhu cầu phát triển cuộc sống như một số ca sĩ, diễn viên kịch nghệ, một số nhà nghệ thuật thời trang, một số đấu thủ trong các bộ môn thể thao và nhất là một số phát kiến, phát minh tân kỳ về mặt kỹ thuật,…Tuy nhiên, nhìn chung, phâǹ vong thân của họ không phải là quá ít.

Cũng nên kể những trường hợp chịu vong thân và được bù trừ thật lớn lao trong nhất thời, trong hiện tại nhưng lại hoàn toàn bị vong thân miên viễn về sau vì nguyền rủa của thế nhân, vì kết án của lịch sử. Những tên bạo chúa, bạo quyền, những tên độc tài gian ác, những chủ trương, chủ nghĩa, chế độ bóc lột dã man. Những Hitler, Staline, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Pol Pot, Hồ Chí Minh, và bao bao nữa. Tập đoàn Cộng sản VN và Trung Hoa hiện nay đang trên con đường đó.


Nhưng nhiều khi, phần bù trừ chẳng có gì, chẳng đáng là bao, nhiều khi không có nữa trong hiện tại mà vẫn chịu vong thân một cách thoải mái, vui vẻ, cảm thấy sung sướng và được bao bù trừ lớn lao sau nầy. Đấy là những trường hợp xả kỷ, vị tha, những vong thân vì lý tưởng, vì đạo đức, vì tình người, vì trách nhiệm với nhân sinh. Những kẻ tự nguyện rời bỏ cuộc sống khỏe khoắn đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, chịu sống khốn khổ để chữa bệnh hay đem ánh sáng văn minh đến những nơi còn mông muội, bán khai. Những vong thân tự nguyện của các tu sĩ, bà phước, tình nguyện hiến dâng đời mình chăm sóc người nghèo, người cùi,…Những vong thân của các nhà khoa học, triết gia, nghệ sĩ, tu sĩ,…tận tụy tìm tòi, nghiên cứu, phát minh mọi công trình phục vụ đời, phục vụ người,…Bao nhiêu vong thân khác : những nhà đấu tranh Cách mạng giải phóng dân tộc thoát ách thống trị của ngoại bang hay một chế độ độc tài tàn ác; những người chấp nhận vong thân để bảo toàn danh dự, tiết trinh, khí tiết và trách nhiệm cao cả của mình,…Sự bù trừ cho họ không ngay lúc đó và nhiều khi không do từ bên ngoài (cuộc đời) mà phát xuất từ tự thân những kẻ đó do từ cái ‘Ngã Vô Ngã’, cái ‘Thánh Linh’, cái ‘Tâm không’ nơi họ. Những bậc đó ít nhiều, có thể xem là anh hùng, đại trượng phu, quân tử, thánh nhân, bồ tát đã cứu khổ cứu nạn cuộc đời và họ được bù trừ bỡi bao lớp người sau, bỡi lịch sử, nhớ ơn, ca tụng công đức của họ.
IV.- Tội Tổ Tông và vấn đề Năng lượng :

Khoa học Kỹ thuật, qua những sáng chế, phát minh đã giúp hạn chế, giải trừ mọi vong thân của con người về nhiều phương diện. Những loại xe, tàu thủy, máy bay,…giúp ta bớt vong thân trong việc di chuyển. Những dụng cụ như nồi cơm điện, máy giặt, lò gaz, tủ lạnh, …giúp chúng ta bớt vong thân về công sức, thời gian. Những máy tính, máy điện toán,…giúp chúng ta bớt mệt mõi trong tính toán, tìm tòi, sáng tác,…



Mỗi chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày, luôn vận dụng cái ‘Biết’ để tiết giảm mọi vong thân năng lượng của mình. Chính do nhu cầu tiết giảm sự vong thân trong lao động, trong mọi hoạt động nói chung mà ta thấy sự tiến bộ và phát triển về mặt năng lượng. Năng luợng trí tuệ (énergie intellectuelle) qua sự vận dụng năng lượng bên ngoài (nước, gió, súc vật,…) cùng chế tạo ra máy móc đã giải trừ dần sự vất vả vong thân của năng lượng thể chất (énergie physique, énergie musculaire). Rồi lúc phát minh các bộ nhớ như các máy tính, máy điện toán,…con người đang tìm cách giải trừ dần sự vong thân của năng lượng trí tuệ. Rồi những con người máy biết hoạt động không cần đến sự can thiệp của con người, những bộ óc nhân tạo đang được nghiên cứu, chế tạo, sẽ đưa đến tình trạng ‘người và máy cộng sinh’ (cyborg) có nghĩa thể năng và trí năng của con người được trao cho máy, con người chỉ cần bấm nút quan sát, theo dõi, điều khiển. Lúc đó, phần năng lượng của con người sẽ tiến đến một dạng năng lượng cao hơn năng lượng thể năng và trí năng vì sẽ hoàn toàn do phần Vô Thức phát sinh [theo người viết, nơi sinh vật, đặc biệt là nơi con người, sự Sống hữu cơ (vie organique) gồm ba phần : phần sống thân xác (vie corporelle), phần sống ý thức (vie consciente, vie intellectuelle) và phần sống vô thức (vie inconsciente – vô thức nơi đây không hiểu theo quan điểm của S. Freud) ; ba phần sống nầy được nói qua ẩn dụ ‘Cây Sự Sống’ và ‘Sự Sáng tạo’ của Thượng Đế nơi sách Sáng Thế Ký . Chúng ta cũng biết rằng, chỉ riêng Sinh vật, nhất là con người mới tự mình sản sinh ra năng lượng và vận dụng năng lượng bên ngoài vào cuộc sống ; trong lúc mọi dạng tồn tại vô cơ, cả những máy móc con người chế tạo không thể tự thân hoạt động vì không tự tạo ra được năng lượng. Máy móc, ngay cả mọi bộ nhớ chỉ hoạt động lúc ta cho vào nó một dạng ‘điện tích’ (charge électrique) qua những thỏi pin hay bình điện hoặc một dụng cụ nào khác để thu hút ánh sáng mặt trời chuyển thành năng lượng]. Dạng năng lượng Vô thức nầy, người viết dự đoán là Tâm năng (énergie psychique) rồi tiến lên Thần năng, Thiên năng, (énergie divine, énergie angélique,)…hay cao hơn nữa để tiến đến ‘nhất niệm toàn triệt, nhất giác toàn tri’ vì lúc bấy giờ, con người không còn dạng tồn tại như hiện nay mà tiến sang dạng tồn tại cao hơn. (Con người chúng ta hiện nay thuộc dạng ‘con người động vật’ (homme animal) vì phần ‘động vật tính’ (animalité) tức phần sống thể chất (vie corporelle) còn chi phối quá nhiều. Con người động vật đó, hiện nay, nếu không gây ra chiến tranh tiêu diệt hoặc nền văn minh hiện nay không bị sa đọa để đưa đến dạng ‘con người hạ đẵng’ (homme dégénéré, sous-homme) hay ‘con người-không-con-người’ (le non-homme), thì trên diễn trình tiến hóa, đang tiến đến dạng ‘con người nhân tính’ (homme humain) theo người viết để rồi, cũng theo dòng tiến hóa tiến đến ‘con người ngoại hạng’, ‘con người siêu đẵng’ (supra-homme, surhomme) rồi ‘con người thần linh’ (homme divin), ‘con người thiên sứ’ (homme-ange) rồi cao hơn nữa. Điều nầy Kinh điển Ki-Tô giáo và Phật giáo đã nói đến nhưng trước nay không được mấy để ý).

Sự khám phá và khai thác năng lượng định ra mức độ tiến bộ về mặt trí tuệ thì sự sử dụng và tiêu thụ năng lượng cho thấy mức độ tiến bộ trong cuộc sống tức mức độ văn minh của con người và chủng loại. Sự diễn tiến thay đổi năng lượng từ thấp lên cao, từ thể năng sang trí năng rồi tâm năng và tiếp theo là do tác động của phần Sống Vô Thức vào hai cái Sống Thân Xác và Ý Thức để đến giai đoạn nào đó trên dòng tiến hóa có thể làm biến dạng cơ thể con người hiện nay. Tuy nhiên, khi sự việc đó chưa xảy ra và không biết lúc nào xảy ra, trong cấu trúc thân xác và ý thức hiện nay và trong môi trường đồng loại, do cạnh tranh nhau để tiến bộ, buộc con người lại phải tiếp tục vong thân theo bao nhiêu hình thức hoạt động khác : vong thân đuổi bắt phương tiện, vong thân để làm giàu, để tạo quyền uy, danh lợi, tiếng tăm,…nói chung là để ‘tư hữư, chiếm hữu’ thật nhiều, trội vượt hơn kẻ khác, hơn bao nhiêu dân tộc, quốc gia khác. Sự vong thân luôn tiếp diễn cho đến lúc ta chết nghĩa là không còn tồn tại. Ta chết nhưng chủng loại vẫn tồn tại và sự vong thân vẫn tiếp diễn cho đến cuối dòng tiến hóa mới chấm dứt vì lúc đó hai cái Sống Thân Xác và Ý Thức không còn bị chi phối bỡi qui luật ‘nhân duyên sanh’, có nghĩa thoát được vòng ‘sinh tử luân hồi’.


Nhìn chung, Sống là phải Vong thân dù với cách thế nào, dù về phương diện nào. Cuộc đấu tranh mưu sinh thường nhật của mỗi người, cuộc cạnh tranh nhau giữa các dân tộc, quốc gia để tìm lợi thế, ưu thế cho mình về mặt nầy mặt nọ là những thể hiện của sự việc vong thân nơi cõi thế. Do sự Vong thân đó mà con người, chủng loại gây ra bao nhiêu tội lỗi : cướp giựt, lật lường, tráo trở, áp bức, bóc lột, ly loạn, chiến tranh,v.v…Vì thế, Tội Tổ Tông được hiểu là sự Vong thân năng lượng, là động lực của Tiến bộ, Văn minh dẫn về Tiến hóa, là điều kiện phải có, tất nhiên phải có trong cuộc sống, cuộc đời nơi cõi hiện tượng do bắt buộc của cuộc ‘Cạnh tranh sinh tồn’ như Darwin đã nói. Nếu không vì cạnh tranh sinh tồn, nếu không vì lo cho cuộc sống của mình và cuộc đời chung của chủng loại (hay của cộng đồng mà mình gia nhập) thì ta đâu cần thiết phải phát huy năng lực của ta về mặt nầy mặt nọ và đâu cần được bù trừ về những năng lượng đã vong thân. Nhưng Vong thân là để xây dựng cuộc sống càng ngày càng đầy đủ, thoải mái hơn chứ không phải để giết chết sự sống mình cùng hủy diệt Sự Sống của kẻ khác. Chế độ nô lệ và tất cả mọi chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ Cộng sản nắm hết mọi tư liệu sản xuất, quản lý hết mọi phương thức sản xuất để tự định ra một quan hệ sản xuất theo ý họ (diễn giảng theo lý thuyết Marx) , đã bắt buộc người dân hoàn toàn vong thân để phục vụ họ mà chẳng được một bù trừ nào cả.

Karl Marx, trước đây lên án chủ nghĩa tư bản, lên án tôn giáo vì theo ông, một bên đưa con người vong thân hoàn toàn vào lao động, vào máy móc, một bên đem Đức Tin vào Thượng Đế, vào kiếp sống mai sau buộc con người phải mãi mãi vong thân vào Thượng Đế, vào định mệnh, vào tôn giáo để cam chịu cuộc sống trầm luân, không thể giải phóng mình khỏi mọi áp bức, bất công của xã hội. Và ông chủ trương xây dựng một xã hội ‘không người bóc lột người’ để con người không bị vong thân vào bất cứ thứ gì. Phần nào ông có lý nhưng, khốn nỗi, chế độ Cộng sản, theo lý thuyết của ông, đã không xóa được những vong thân nói trên mà còn tạo bao thứ vong thân càng ghê khiếp hơn : vong thân vào chủ nghĩa, vào chế độ, vào đảng, vào lãnh tụ, vào quyền lực xã hội trong tay tập đoàn thống trị,…để ca ba mặt sống ‘Thân xác, Ý thức và Vô thức’ hoàn toàn tiêu vong. Các tập đoàn Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên,….hiện nay đang trên đường triệt tiêu sự sống con người và chủng loại vì chúng bắt buộc con người, dân tộc, nhân loại phải vong thân suốt mặt, vong thân cùng cực mà không được đòi hỏi bù trư, để phục vụ cho quyền lực và quyền lợi của chúng. Ý nghĩa và cứu cánh của Vong thân là để mưu cầu Sự Sống, để đưa cuộc Sống tiến bộ, văn minh chứ không phải để hủy diệt Sự Sống của mình, của kẻ khác và của cả chủng loại.

Sự Vong Thân thường trực đó là cái Tội Tổ Tông mà mọi loài phải gánh chịu, bắt ngưồn tử sự việc Thượng Đế đã phân thân, đã tự xẻ chia mình từ Tự Hữu chuyển sang Hiện hữu, từ trạng thái ‘phi hiện tượng’ chuyển sang ‘hiện tượng’ để tạo nên cõi thế gian rồi tồn thân phần nào nơi mỗi hiện thể vật và người. Phần tồn thân của Thượng Đế nơi mỗi người chúng ta được gọi là Thánh Linh tức phần Sống Vô Thức nơi ta đã tác động vào hai phần Sống Thân Xác và Ý Thức để đưa dẫn con người tiến bộ, văn minh, dẫn về Tiến hóa. Thường ngày, ta không để ý điều nầy vì chẳng cần thiết gì cho cuộc sống thực tiễn mà chỉ chú y những tội lỗi thông thường mà ta và mọi người thường gây ra. Vì nói đến Tội Tổ Tông là điều khó hiểu, khó tin nên Chúa Jésus không nhắc đến mà chỉ nói đến những tội lỗi thường ngày con người hay vấp phải. Chúa Jésus không nhắc đến Tội Tổ Tông, một phần để tránh cho nhân gian khỏi bị ám ảnh bỡi một thứ ‘Định mệnh siêu hình’ cay nghiệt, phần khác để khỏi biến Thượng Đế thành một hung thần tàn bạo như trong Cựu Ước..

Đến lúc nào con người mới hết vong thân, mới chấm dứt được Tội Tổ Tông ? Điều nầy chỉ xảy đến cho toàn thể loài người khi Trái Tri Thức trở về với nguyên sơ Cây Sự Sống, lúc không còn cái Tâm phân biệt, lúc ta đoạn diệt cả Vật Chướng và Lý Chướng theo Phật giáo. Muốn hiểu rõ điều nầy, ta phải lên hệ đến những ẩn dụ về Cây Sự Sống, vế Sáng Tạo, về Thánh Linh, về các chủ đề ‘Không – Sắc’, ‘Chân Không - Diệu Hữu’, ‘Thể - Dụng - Tướng’, ‘Nhân Duyên Sanh’ để vượt qua phạm trù ‘Tứ Cú’ nơi Kinh điển Phật giáo mà cái ‘Tri Thứ Luận siêu hình’ (épistémologie métaphysique) , lẩn quẩn mãi về từ ‘Vô Ngã’ theo các luận giảng lâu nay đã đưa giáo lý của đức Thích Ca thành rắc rối, tối tăm, khó hiểu.



Nguyễn Thùy
Каталог: groups -> 3849536
groups -> PHẦn chuyển tiếp kính thưa quý vị và các bạn trẻ, giữa những ngưới Việt chúng ta, tôi nói
groups -> Ý Nga sưu tầm và cập nhật hóa ngày 21-4-2013, với nhạc của nhạc sĩ: TừYên, Hà Thúc Sinh vừa thêm vào
groups -> BÁo cáo môn: RÈn luyện nghiệp vụ SƯ phạM 3
groups -> Phản Bội hay Tự Do cho Việt Nam ?
groups -> Tin khoa hoc december 31, 2010 Những vụ phóng vệ tinh thất bại trong 2010 Trong năm 2010, một số quốc gia đã vấp phải các sự cố trong việc phóng vệ tinh vào không gian
groups -> Một Thời Bạn Học Revised 8/4/10 việt nam
3849536 -> VIỆt nam cộng hòA 10 ngày cuối cùNG
3849536 -> VIỆt nam cộng hòA 10 ngày cuối cùNG
3849536 -> Van. Phong. Lien. Doi. Xa. Hoi [B. E. S]

tải về 101.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương