UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII



tải về 3.4 Mb.
trang32/43
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích3.4 Mb.
#1536
1   ...   28   29   30   31   32   33   34   35   ...   43

4. Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị:

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng hoàn thành Đề án điều chỉnh Quy hoạch bảo tồn và phát huy 2 di sản văn hoá thế giới của Cố đô Huế, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù để huy động và bố trí nguồn vốn tập trung đầu tư.

Trả lời: (Tại công văn số 2906/BVHTTDL-VP ngày 31/8/2009)

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mới nhận được hồ sơ đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị điều chỉnh Đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể quần thể di tích Cố đô Huế. Hiện nay, Bộ đang lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... Sau khi nhận được ý kiến góp ý, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cố đô Huế là một tổng thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục công trình. Trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá, nhiều công trình bị hư hại nặng. Giai đoạn từ năm 1996 tới nay, mặc dù mới đầu tư khoảng 185 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước, nhưng đã cứu vãn di tích khỏi bị sụp đổ, được ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp quốc (UNESCO) đánh giá cao và rút khỏi danh sách tình trạng cứu nguy khẩn cấp. Đây cũng là sự ghi nhận nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Tu bổ, tôn tạo di tích là một hoạt động khoa học, đòi hỏi phải nghiên cứu tỷ mỷ, kỹ lưỡng từ khâu lập dự án, phê duyệt, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn vật liệu và thi công. Bên cạnh nhu cầu tài chính, các căn cứ khoa học phục vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích mới là hết sức quan trọng. Hơn nữa, tu bổ di tích là một công việc lâu dài, kinh phí chỉ là một yếu tố giúp cho việc tu bổ di tích được kịp thời.

Tới đây, khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án, điều chỉnh quy hoạch tổng thể quần thể di tích Cố đô Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất để tập trung nguồn vốn cho việc bảo tồn di tích Cố đô Huế.

5. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị:

Trên lĩnh vực văn hoá, tín ngưỡng cử tri kiến nghị công tác quản lý nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng có khuynh hướng khôi phục các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng mang tính chất hủ tục, gây tốn kém, lãng phí, không phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc; kiên quyết xử lý đối với một số hoạt động mê tín dị đoan (như chữa bệnh bằng bùa ngải, nước thần...) gây phản cảm trong dư luận nhân dân.

Trả lời: (Tại Công văn số 2904/BVHTTDL-VP ngày 31/8/2009)

Về công tác tổ chức và quản lý lễ hội, Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ban hành theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25-11-2005 và các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội. Nội dung các văn bản đó đã định hướng về việc bảo tồn và chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là công tác sưu tầm, nghiên cứu khôi phục lại các lễ hội truyền thống trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, các địa phương đã chú trọng bảo tồn các lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội sau nhiều năm bị mai một nay đã được phục dựng lại theo như nguyên gốc, đáp ứng hài hoà nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá trong nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên thành lập đoàn công tác kiểm tra trước và sau mùa lễ hội, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hiện tượng hoạt động mê tín dị đoan, những hủ tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại. Qua công tác kiểm tra, báo cáo của các đơn vị và phản ánh của công luận, có thể thấy các địa phương đều quán triệt và chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức các hoạt động lễ hội, cá biệt ở một vài nơi đã diễn ra một số hành vi tín ngưỡng không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, thậm chí mang tính hủ tục, gây phản cảm trong dư luận nhân dân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoan nghênh, trân trọng tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê các lễ hội dân gian, đánh giá và phân loại những lễ hội có nghi lễ, hủ tục không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại để có biện pháp điều chỉnh. Đồng thời, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận kiểm tra những vấn đề mà cử tri đã nêu, rà soát để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, bất cập trong các hoạt động lễ hội diễn ra trên địa bàn.

6. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị:

1) Việc tạm đình chỉ cấp phép hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường thời gian vừa qua đã tạo ra nhiều tiêu cực trong công tác quản lý, kiểm tra. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ. Nếu trong quá trình hoạt động có các vi phạm thì đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, không nên tạm dừng cấp giấy phép hoạt động như hiện nay.

2) Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bổ sung công nhận thêm danh hiệu “phường, xã văn hoá” vào Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23/6/2006 của Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ban hành Quy chế công nhận danh hiệu “gia đình văn hoá”, “tổ dân phố văn hoá”...

Trả lời: (Tại công văn số 2902/BVHTTDL-VP ngày 31/8/2009)

1) Về đề nghị tiếp tục cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường

Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 25/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường có quy định tạm ngừng việc cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà hàng karaoke, vũ trường trên phạm vi cả nước để các cấp, các ngành tiến hành rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ sở hiện có, từ đó xây dựng quy hoạch và tăng cường các biện pháp quản lý các loại hình dịch vụ này. Thực hiện quy định trên, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi.

Đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành việc quy hoạch karaoke, vũ trường. Bộ Văn hoá-Thông tin đã có Công văn số 2674/BVHTT-PC ngày 03/7/2006, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có Báo cáo số 03/BC-BVHTTDL ngày 11/01/2008 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường theo quy hoạch đã được phê duyệt, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân ở cơ sở và một phần nhu cầu của khách du lịch. Ngày 04/8/2009, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình số 137/TTr-BVHTTDL trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng để thay thế Nghị định số 11/2006/NĐ-CP, trong đó Bộ đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương đã xây dựng quy hoạch karaoke, vũ trường được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh như kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh.

2) Về đề nghị bổ sung công nhận thêm danh hiệu “phường, xã văn hoá”

Việc xem xét, công nhân danh hiệu “xã, phường văn hóa” đã được Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần kiến nghị xem xét, bổ sung vào Luật Thi đua, khen thưởng nhưng chưa được chấp thuận. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có căn cứ để ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Trong khi chờ đợi thông tư hướng dẫn về danh hiệu “xã, phường văn hóa” được ban hành, để duy trì và động viên phong trào, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương tổ chức tốt Chương trình số 670/CTr-BVHTT ngày 6/3/2006 của Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tại mục 5 ghi rõ: “Tiếp tục xây dựng thí điểm xã, phường đạt chuẩn văn hóa, trước mắt đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng theo thành tích đạt được, 2 năm một lần”.

7. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị

1) Tình trạng hiện nay nhiều di tích lịch sử, văn hoá bị đập phá, xây dựng mới mất đi giá trị. Đề nghị Ngành văn hoá chấn chỉnh, xem xét khắc phục tình trạng này tái diễn.

2) Cử trị huyện Vĩnh Phú (Thoại Sơn) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấm các cơ sở sản xuất tiền giả có in hình Bác Hồ làm đồ chơi trẻ em, để trong bánh kẹo, đây là hành vi thiếu tôn trọng Bác, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở khi tái phạm.

Trả lời: (Tại Công văn số 2897/BVHTTDL-VP ngày 31/8/2009)

1) Về đề nghị chấn chỉnh, khắc phục tình trạng di tích lịch sử, văn hoá bị đập phá, xây dựng mới mất đi giá trị

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm tra công tác tu bổ di tích trên địa bàn một số tỉnh, thành thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam. Kết quả kiểm tra cho thấy, đối với các di tích được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, cơ bản quy trình, thủ tục triển khai dự án được thực hiện nghiêm ngặt. Các tổ chức, cá nhân lập dự án, thiết kế tu bổ di tích đều có chức năng hành nghề và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều dự án được chủ đầu tư tham khảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành hoặc được hội thảo, lấy ý kiến nhiều lần trước khi triển khai… Các đơn vị thi công là đơn vị có nghề, được lựa chọn theo các quy định của Nhà nước. Các đơn vị thi công tổ chức công trường thi công bài bản, khoa học. Các hiện vật, đồ thờ được bảo quản an toàn, có người trông coi, có nhà bảo vệ công trình, nhà kho bảo quản hiện vật trong suốt quá trình thi công tu bổ. Quy trình tư liệu hóa, tháo dỡ hạ giải di tích, đến thành lập hội đồng, tổ chức đánh giá phân loại hiện trạng các bộ phận di tích… được thực hiện bài bản, trình tự. Thợ thi công đa phần có tay nghề và kinh nghiệm tu bổ di tích. Vật liệu đưa vào tu bổ đều có xuất xứ, chất lượng vật liệu được đơn vị chức năng kiểm định. Đơn vị giám sát thi công có chức năng và kinh nghiệm giám sát thi công tu bổ di tích, hiểu biết pháp luật và những quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của Ngành văn hóa trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Đối với các di tích sau khi được tu bổ bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, cơ bản vẫn giữ nguyên được giá trị, yếu tố gốc của di tích được bảo vệ, giữ gìn tối đa, công trình sau tu bổ đảm bảo ổn định lâu dài, công trình xây dựng mới có quy mô và hình thức phù hợp với tính chất di tích.

Đối với các di tích được đầu tư bằng nguồn vốn công đức, xã hội hóa, quy trình thủ tục triển khai dự án nhiều nơi chưa đảm bảo, có dự án, thiết kế được lập bởi các tổ chức, cá nhân không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nên chất lượng dự án, thiết kế không cao. Yếu tố gốc của di tích không được đánh giá, nhận diện toàn diện. Có hạng mục công trình được xây mới trong khu vực bảo vệ di tích không đúng mục tiêu hoặc không phù hợp tính chất và hiện trạng di tích. Thợ thi công nhiều khi là thợ tại chỗ, ít được tham gia vào hoạt động tu bổ di tích nên kinh nghiệm tu bổ di tích còn hạn chế. Giám sát thi công cũng nằm trong tình trạng tương tự, nhiều đơn vị giám sát tuy có chức năng giám sát tu bổ di tích nhưng thiếu kinh nghiệm, nên khi gặp các vấn đề mới phát sinh hầu như không đề xuất được phương án hợp lý. Vật liệu đưa vào tu bổ nhiều khi được công đức nên chất lượng không được giám sát chặt chẽ hoặc có những vật liệu không phù hợp nhu cầu sử dụng. Đối với các di tích được tu bổ bằng nguồn vốn xã hội hóa, do chính quyền cơ sở hoặc người trông nom di tích thực hiện không đúng quy trình, vì vậy giá trị của di tích bị giảm sút do yếu tố gốc của di tích bị mất mát, thành phần mới được đưa vào di tích xuất hiện nhiều, trong đó nhiều yếu tố làm mới không theo quy cách, quy định truyền thống hoặc không bám sát giá trị của di tích nên không làm tôn giá trị di tích.

Với thực trạng việc thi hành các quy định của Luật Di sản văn hóa và thực trạng công tác tu bổ và quản lý di tích thời gian vừa qua, để tăng cường công tác quản lý di tích và nâng cao chất lượng các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị số 73/CT-BVHTTDL ngày 19 tháng 5 năm 2009 yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng của Bộ tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, không tiếp nhận các đồ thờ trái với tính chất của di tích. Tăng cường giám sát chuyên môn để nâng cao chất lượng các dự án tu bổ di tích. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý, trông nom trực tiếp tại di tích. Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích của Bộ Văn hóa-Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản khi triển khai các dự án tu bổ di tích (bất kể các dự án được triển khai bằng nguồn vốn đầu tư nào). Tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cũng như phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục dựng di tích và nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến. Tổ chức tập huấn về quản lý di tích, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích đến các đối tượng là cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông nom di tích. Đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về di sản văn hóa trên địa bàn để rút kinh nghiệm. Xây dựng kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cấp tỉnh đến năm 2015.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; tăng cường kiểm tra công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích và hoạt động tu bổ di tích trên cả nước.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về lập, triển khai các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục về di sản văn hóa và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân.

- Theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch di tích, xây dựng cơ chế chính sách tài chính mang tính chuyên ngành liên quan đến lập dự án, thiết kế, giám sát thi công tu bổ di tích để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

- Tăng cường tổ chức thanh tra công tác quản lý và tu bổ di tích, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.



2) Về đề nghị cấm sản xuất tiền giả có in hình Bác Hồ

Ngày 08/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1000/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản sang Bộ Thông tin và Truyền thông. Các hoạt động in, kể cả việc in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong phạm vi trách nhiệm được phân công, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tích cực phối hợp, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

8. Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị:

Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn chi cho các hoạt động hội thi, hội diễn trong hoạt động nghệ thuật quần chúng, để có cơ sở triển khai các hoạt động tại địa phương.

Trả lời: (Tại Công văn số 2905/BVHTTDL-VP ngày 31/8/2009)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoan nghênh sự quan tâm và trân trọng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi các quy định về chế độ chính sách và hướng dẫn chế độ, quản lý chi tiêu cho các hoạt động hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng.

Khi văn bản được ban hành, các cơ quan chức năng của Bộ sẽ sớm triển khai, hướng dẫn, giúp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, tích cực góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân.



9. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị:

1) Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn về việc xây dựng quy hoạch di sản phố cổ, làng cổ để địa phương có căn cứ lập quy hoạch, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2) Cử tri cho rằng một số quy định giữa hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các bước lập dự án chưa có sự thông nhất. Hệ thống pháp luật về di sản văn hoá quy định các công trình tu bổ, tôn tạo di tích phải lập dự án (từ 2 đến 3 bước) (Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 của Bộ Văn hoá-Thông tin). Trong khi đó, các văn bản pháp luật về xây dựng cơ bản quy định về tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng thì dự án chỉ phải làm báo cáo kinh tế kỹ thuật (bước 1) (Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ đã được thay thế bởi Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ). Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, thống nhất các quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện.

3) Cử tri cho rằng hiện nay các quy định của pháp luật mới điều chỉnh việc trùng tu, tạo “lớp vỏ” cho các di tích mà chưa quan tâm đến các hiện vật cần được bảo tồn trong di tích. Đề nghị Nhà nước nghiên cứu, bổ sung quy định về vấn đề này.

4) Đề nghị Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tăng cường hơn nữa đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia trên địa bàn Hà Nội để thành phố Hà Nội có thêm nguồn đầu tư bảo tồn các di tích này xứng tầm với vị trí đã được Nhà nước xếp hạng; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách để động viên, khuyến khích hoạt động xã hội hoá và quản lý đối với nguồn xã hội hoá tu bổ di tích để công tác bảo tồn di sản văn hoá được thực hiện theo đúng Luật Di sản văn hoá và các quy định của pháp luật hiện hành. Có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư bảo tồn di sản văn hoá đối với các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

5) Cử tri cho rằng, để đảm bảo hiệu quả việc thi hành Luật Di sản văn hoá, đề nghị Nhà nước quy định khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tập thể liền kề di tích hoặc trong khu vực liên quan đến cảnh quan di tích cần có ý kiến của cơ quan quản lý di tích.

6) Cử tri cho rằng hiện nay nhiều di tích lịch sử văn hoá bị xâm phạm, lấn chiếm và biến dạng. Có di tích hoàn toàn không còn dấu vết vật chất mà chỉ được lưu trong danh mục. Trong khi đó, Nhà nước chưa có thủ tục hướng dẫn về việc xác định “phế tích” đối với loại hình này. Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể.

7) Một số cử tri cho rằng chế độ, chính sách đối với các nghệ sĩ, cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hoá hiện nay còn thấp, không đảm bảo cuộc sống. Đề nghị Chính phủ có chính sách quan tâm, ưu đãi phù hợp.

8) Cử tri cho rằng danh hiệu “Vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá” có giá trị cao quý đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người tham gia bảo tồn di sản văn hoá. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, khôi phục danh hiện này.

9) Cử tri cho rằng hiện nay tại các địa phương người được cử ra “trông coi” di tích lịch sử thường là những người đã cao tuổi nên việc quản lý các hiện vật trong di tích gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp đã xảy ra mất mát các hiện vật trong di tích. Hiện nay, chưa có quy chế để ràng buộc trách nhiệm đối với người “trông coi” di tích và chế tài đối với người làm mất hiện vật trong di tích. Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, có hướng dẫn về vấn đề này.

Trả lời: (Tại Công văn số 2901/BVHTTDL-VP ngày 31/8/2009)

1) Về việc hướng dẫn xây dựng quy hoạch di sản phố cổ, làng cổ

Điều 28 Luật Di sản văn hoá năm 2001 đã quy định di tích lịch sử-văn hoá và danh lam thắng cảnh bao gồm “quần thể các công trình kiến trúc” và “khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất”. Quy định này bao quát được các đối tượng như nhà vườn, phố cổ, làng cổ, di sản đô thị, công viên địa chất và trên thực tế đã được vận dụng để xếp hạng những di tích này. Tuy nhiên, để thể hiện được đầy đủ hơn các loại hình di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá đã sửa đổi Điều 28 như sau: “công trình kiến trúc-nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn lịch sử phát triển kiến trúc - nghệ thuật”.

Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá để các địa phương thống nhất trong việc triển khai thực hiện.

Trong thời gian qua, một số khu phố cổ, làng cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia, tiêu biểu như: Phố cổ Hội An, Phố cổ Hà Nội, Làng cổ ở Đường Lâm (Hà Nội), Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế). Tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục khảo sát lựa chọn những quần thể kiến trúc tiêu biểu ở từng vùng, miền để lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia, như: Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang)…



2) Về một số quy định giữa hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự thông nhất, gây khó khăn cho việc thực hiện trùng tu di tích

Tu bổ, tôn tạo di tích là một hoạt động xây dựng cơ bản nhưng có nhiều đặc thù nhằm bảo tồn cao nhất các yếu tố gốc của di tích, khác hẳn với xây dựng cơ bản là xây dựng các công trình mới. Vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo di tích phải khảo sát kỹ lưỡng công trình trước khi lập dự án để lựa chọn, đưa ra phương án tốt nhất nhằm giữ gìn tối đa yếu tố gốc nhưng cũng vẫn phải bảo đảm độ bền vững của di tích đó. Trong quá trình thực hiện liên tục phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Khoản 3, Điều 34, đã giao Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Hiện nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá trình Chính phủ quyết định, làm căn cứ hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, đảm bảo nâng cao công tác trùng tu, tôn tạo các di tích.



3) Về đề nghị bổ sung quy định bảo tồn hiện vật trong di tích

Tại Điểm e, Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP quy định về thành phần hồ sơ di tích xếp hạng, quy định rõ Bản thống kê di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích. Như vậy khi di tích được xếp hạng, số lượng các hiện vật tại di tích đó đã được thống kê.

Trong những năm qua, nhiều bảo tàng hoặc ban quản lý di tích một số địa phương đã tổ chức kiểm kê di vật trong di tích, mời các chuyên gia giúp giám định, xác định niên đại. Hiện vật ở di tích là một bộ phận của di tích, khi lập dự án tu bổ di tích bao giờ cũng có nội dung bảo quản, tu bổ hiện vật. Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương về vấn đề này.

4) Về đề nghị tăng đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia trên địa bàn Hà Nội đồng thời tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách để động viên khuyến khích và quản lý đối với nguồn xã hội hóa

Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, có bề dầy lịch sử, đồng thời là địa phương có số lượng di tích lịch sử-văn hóa lớn nhất trong cả nước, nhất là sau khi mở rộng địa bàn.

Trong những năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đầu tư tu bổ cho các di tích của Hà Nội cụ thể như sau: năm 2006 là 21,2 tỷ; năm 2007 là 24,5 tỷ; năm 2008 là 29,2 tỷ; năm 2009: 18,5 tỉ. Đây là tỷ lệ đầu tư cao so với các địa phương khác.

Hà Nội có nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, hiện đang lập quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị, như Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội... Khi được phê duyệt, các dự án này sẽ có nguồn kinh phí thực hiện công tác tu bổ tôn tạo. Trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhiều di tích ở Hà Nội đã và đang được tu bổ, tôn tạo như: Tứ trấn Thăng Long, Thành cổ Sơn Tây...

Hà Nội vừa là nơi có nguồn thu cao, vừa là nơi thu hút được nhiều nguồn xã hội hóa cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. So với các địa phương khác, nguồn kinh phí dành cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích của Hà Nội luôn đứng đầu. Theo số liệu báo cáo của Hà Nội, từ năm 2002 đến năm 2008, ngân sách nhà nước dành 335 tỷ đồng (Hà Nội cũ khoảng 256 tỷ, Hà Tây cũ, từ năm 2005 đến năm 2008, dành khoảng 80 tỷ), huy động xã hội hóa khoảng 450 tỷ đồng để chống xuống cấp, tu bổ trên 900 di tích.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành để ban hành các chính sách nhằm huy động tốt hơn sự tham gia của các nguồn lực xã hội cho công tác tu bổ di tích.



5) Về đề nghị quy định khi cấp giấy chứng quyền sử dụng đất liền kề di tích hoặc trong khu vực liên quan đến cảnh quan di tích cần có ý kiến thỏa thuận của cơ quan quản lý di tích

Đối với các khu vực (nhà, đất) liền kề di tích hoặc trong khu vực liên quan đến cảnh quan di tích chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, cải tạo, xây mới các công trình cần phải thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 32 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, cụ thể:

“Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Khoản 1, Điều 36 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định:

“Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin”.



6) Việc nhiều di tích bị lấn chiếm, biến dạng. Có di tích hoàn toàn không còn dấu vết vật chất mà chỉ được lưu trong danh mục. Trong khi đó nhà nước chưa có thủ tục hướng dẫn xác định phế tích

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ và phát huy tác dụng di sản văn hoá đã nhận được sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, hầu hết các giá trị đều phát huy giá trị tốt, nhất là các di sản văn hoá đã trở thành những điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương do nhận thức của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân chưa thực sự sâu sắc và toàn diện nên di sản văn hoá chưa được quan tâm đúng mức, thiếu các biện pháp, kế hoạch và chương trình cụ thể để bảo vệ… nên còn nhiều di tích bị xâm hại.

Giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng xâm hại di tích, danh thắng là:

- Tăng cường nâng cao nhận thức pháp luật về di sản văn hoá của các ngành, các cấp và toàn thể cộng đồng.

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động bảo vệ và phát huy di sản văn hoá ở các địa phương; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi xâm hại di tích, danh thắng.

- Tăng cường phân cấp quản lý di sản văn hoá cho địa phương, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực di sản văn hoá cho các địa phương.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo tồn di tích, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng chặt chẽ hơn nữa trong việc lên án các hành vi vi phạm di tích cũng như ngăn chặn và giải quyết vi phạm di tích.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá đã bổ sung đối tượng được bảo vệ theo Luật bao gồm cả những di tích kiểm kê và đang trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ. Đối với các di tích đã được kiểm kê, xếp hạng, bị huỷ hoại (do thiên tai, hoả hoạn…) theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 Luật Di sản văn hoá năm 2001: “Trong trường hợp di tích đã được xếp hạng mà sau đó có đủ căn cứ xác định là không đủ tiêu chuẩn hoặc bị huỷ hoại không có khả năng phục hồi thì người có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích nào có quyền ra quyết định huỷ bỏ xếp hạng đối với di tích đó”.



7) Về chế độ, chính sách đối với các nghệ sĩ, cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hoá hiện nay còn thấp, không đảm bảo cuộc sống

Quản lý di sản văn hóa được hiểu là quản lý di sản văn hóa phi vật thể và quản lý di sản vật thể.

Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và làm công tác quản lý di sản văn hóa nói riêng tại các đơn vị công lập được áp dụng một số chế độ chính sách của Nhà nước quy định bao gồm: chế độ tiền lương và chế độ phụ cấp.


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học
files -> ĐỀ ÁN ĐỔi mới cơ chế TÀi chính giáo dục giai đOẠN 2009-2014

tải về 3.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   28   29   30   31   32   33   34   35   ...   43




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương