Thuyết minh tỉnh Quảng Nam



tải về 247.71 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích247.71 Kb.
#36667
1   2   3   4

Nhóm tháp B:

Tháp B1: biểu tượng của núi Mêru, là trung tâm vũ trụ, nơi tập trung các vị thần. Tháp có thờ thần Siva. Có một cửa ra vào, các ô quanh tường là nơi thắp đèn cầy.


Tháp B3: thờ thần Skanda-thần chiến tranh.
Tháp B4: thờ thần Ganesa- con thần siva, có đầu voi mình người. Đây là thần may mắn và hạnh phúc.
Tháp B5: quay về hướng Bắc, thờ thần Kover, thần tài lộc. Tháp cũng là nơi giữ đồ hành lễ.
Tháp B6: bên trong có một hồ nước thánh dùng trong các nghi lễ.
Tháp B2: là tháp cổng đối diện với tháp chính.

Kế nữa là nhà tĩnh tâm, nơi các người đi hành lễ tĩnh tâm, chuẩn bị cho nghi lễ.

Xung quanh B1 có nhiều miếu phụ. Mỗi miếu phụ thờ một vị thần: thần mặt trời, Kubera...mỗi vị thần giữ một hướng bảo vệ tháp chính. Những tháp đó ngày nay không còn, chỉ còn lại B7.

Nhóm tháp A:
Tháp A1: Đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa vào thế kỉ thứ V, sau thế kỉ thứ X thì nghệ thuật Chămpa càng bị mai một. Tháp A1 cao 24m, cao nhất ở Mỹ Sơn đá xây tháp được lấy cách đó khoảng 15km. Người ta cho rằng người Chăm đã dùng sức vật để kéo đá dọc theo bờ suối. Tháp A1 có hai cửa Đông và cửa Tây. Ở trung tâm tháp có Linga lớn nhất Mỹ Sơn, không biết lí do gì mà Linga bị khiêng ra ngoài.
Linga có ba phần: phần trụ ở trên cùng tương ứng với thần Siva- huỷ diệt chưa hoàn thiện để sáng tạo cái mới. Phần bát giác ở giữa tượng trưng cho thần Vishnus- thần bảo tồn. Phần hình vuông ở dưới tượng trưng cho Brahma- thần sáng tạo. Linga nay tượng trưng cho tam vị nhất thể. Trong các văn bia người ta thấy nhắc đến Siva nhiều hơn cả.

Nhóm tháp G:

Nhóm G này được xây dựng vào thế kỉ thứ XIII. Ở nhóm tháp này người Chămpa đã dùng chất liệu mới để xây tháp là đá ong. Xung quanh tháp có trang trí những mặt nạ thần Kala- thần thời gian. Bốn góc tháp có hình bốn con sư tử bảo vệ cho tháp.



Nhóm tháp E và F:

Là nhóm tháp muộn nhất. Hiện không còn gì nhiều, có hai pho tượng; giữ thần cửa – hộ pháp Dravabala, thần bò Nandin. Nhóm tháp này hiện nay chỉ còn hai tháp và một cái Mukha Linga.



Cuộc hành hương của người chăm

Ngày xưa người ta xây dựng đền thờ Chăm không phải phục vụ cho mọi đối tượng mà chủ yếu là phục vụ cho tầng lớp vương quyền, quý tộc Chăm lớp tu sĩ Bàlamôn. Những người này đi từ kinh đô Trà Kiệu đến đây trong những nhà tịnh tâm, chuẩn bị cho nghi lễ. Để chính thức vào buổi lễ, họ phải đi ngang qua tháp cổng. Tháp có chức năng như biên giới giữa cuộc đời và thế giới ảo, giữa tâm linh và trần tục. Sau khi qua tháp cổng, đoàn hành hương ghé vào tháp B6 để lấy nước thánh rồi đến tháp B1. đi một vòng từ trái sang phải cầu cho quốc thái dân an và tưới một ít nước thánh lên Linga, nước sẽ qua khe rãnh của Yoni chảy xuống đất. Người Chăm cho rằng nước này xuống đất sẽ làm cho đất đai phì nhiêu thêm. Văn bia được người Chăm viết bằng chữ Sankrit. Đây là những tài liệu vô cùng quý giá cho các nhà nghiên cứu văn hoá Chămpa. Ngày nay người Chăm cũng có chữ viết nhưng đã hoàn toàn khác xưa và những người có thể đọc văn bia này không còn ai nữa.

Cách nhận biết Siva: vai đeo rắn, ngồi trên Yoni hay cưỡi thần bò Nandin.
Góc tháp có những con sư tử bảo vệ tháp.

Phố cổ Hội An

Hội An, Haifo, Faifo hay Đô Thị - Thương cảng, từ lâu đã đi vào lịch sử Việt Nam và đã được nhắc đến trong tư liệu nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á và một số nước phương Tây.

Cách Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam, Đô thị - Thương cảng Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nối với biển Đông qua cửa Đại. Đến nay đã được khoảng 400 tuổi. Phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Tây giáp huyện Điện Bàn. Vào các thế kỷ trước, Hội An còn thông thương với Đà Nẵng bằng con sông Cổ Cờ. Thông qua sông Thu Bồn, Đô thị cổ Hội An nối với Kinh đô Trà Kiệu, với khu thờ tự Mỹ Sơn ở thượng lưu, và thông qua các đường sông, đường bộ nối với núi rừng giầu lâm thổ sản miền Tây, cũng như với Kinh đô Phú Xuân - Huế ở phía Bắc và các Dinh trấn phía Nam. Hội An ở giữa vùng đồng bằng giầu của xứ Quảng và giữ một vị trí đầu mối giao thông thuận lợi với các thị trường trong nước và với hệ thống hàng hải quốc tế.
Hội An hầu như còn nguyên vẹn trên diện tích 2km2, gồm các phố Nhật Bản, phố Khách, phố Minh Hương xen lẫn với các nhà cửa phố xá của người Việt. Hội An có khoảng 50 ngôi chùa, miếu, hội quán còn lại đến bây giờ như chùa Triều Châu, Phúc Kiến, Dương Thương Hội Quán…có lối kiến trúc rất độc đáo, điêu khắc sinh động, màu sắc lộng lẫy thể hiện khả năng khéo léo một cách tuyệt vời của các nghệ nhân. Miếu thờ Quan Công dựng từ thế kỷ XVII, ngoài những nét chạm khắc, màu sắc của người Trung Quốc trên các hoành phi, câu đối là khẩu khí của các danh sĩ người Việt. Nổi lên trong kiến trúc Nhật Bản là chùa Cầu, chùa dài 28m, rộng 3m, giữa lòng cầu về phía Bắc có miếu thờ Bắc Đế cưỡi Cẩu Long, hai bên đầu cầu có tượng khỉ và chó. Chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1719 đã đặt tên cho chùa là Lai Viễn Kiều, ngày nay còn ghi rõ trên bức hoành phi treo trên chùa Cầu, ngoài ra còn có chùa Bà Mụ – dấu vết xưa của Chămpa.

Hội An là một đô thị cổ cách thành phố Đà Nẵng 32km về phía Đông Nam đường xe đi lại thuận tiện. Hội An tọa lạc bên dòng sông Thu Bồn từ lâu đã là địa danh nổi tiếng trong lịch sử nước ta và được nhiều tài liệu nước ngoài nhắc đến như một đô thị, một thương cảng cổ xưa. Hội An trước mắt du khách với những đường phố nhỏ hẹp đan xen kiểu bàn cờ, nhà cửa cao một hoặc hai tầng san sát bên lối đi. Những mái ngói rêu phong cổ kính và cuộc sống lúc nào cũng bình lặng, thanh thản trôi qua, lạ thay đất nước trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhưng Hội An như vẫn nguyên vẹn những gì của một thời cổ kính xưa từ đường phố, mái nhà đến nếp sống…

Thời xa xưa Hội An có những tên gọi khác nhau như: Hải Phố, Hoài Phố, Hai Phố… Trên bản đồ các thương nhân nước ngoài gọi là Haipho hay Faifo, đã có nhiều tác giả, nhiều nhà nghiên cứu cố gắng giải thích nguyên nghĩa của các địa danh trên.

Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thịnh đạt trong thế kỷ 17-18, nhưng trước đó rất lâu (từ thế kỷ 2 SCN trở về trước), vùng đất Hội An đã nằm trong địa bàn phân bố của văn hoá tiền Sa Huỳnh - đến Sa Huỳnh và còn là một cảng thị trọng yếu của Champa (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15). Cửa Đại Chiêm, Cù Lao Chàm cùng nhiều di tích văn hoá Champa cổ được phát hiện trong thời gian gần đây đã chứng minh về giai đoạn tiền đề trong lịch sử phát triển của đô thị - Thương cảng Hội An.


Trong thời thịnh đạt, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 17, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á. Trung tâm hoạt động của thương cảng là vùng bến cảng cùng phố chợ buôn bán nằm trên bờ biển Bắc sông Thu Bồn, nay là vùng nội thị của Thị xã Hội An gồm các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Nhưng phạm vi thương cảng lúc đó còn mở rộng ra cả hai bên bờ Bắc, bờ Nam dòng sông bao gồm những nơi neo đậu tầu thuyền như đầm Trà Nhiêu, Trung Phường, Trà Quế…Cảng Sông Hàn ở phía Bắc và có thể coi đó chính là các vệ tinh của Đô thị - Thương cảng Hội An. Phía trên sông Thu Bồn là Dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam, nơi các tàu thuyền ngoại quốc muốn hoạt động buôn bán ở Hội An phải đến trình báo, là các thủ tục hải quan. Có thể hình dung Đô thị Hội An với không gian hoạt động rộng lớn như vậy.

Cửa biển Đại Chiêm cách Hội An 5km, sông Thu Bồn sâu rộng chảy phía Nam Hội An, đã hình thành một đô thị – thương cảng trên bến dưới thuyền buôn bán sầm uất. Nơi đây thuyền buôn nhiều nước Châu Á, Châu Âu đến buôn bán, sinh cơ lập nghiệp xây dựng phố phường, mở thương điếm. Các thương thuyền từ Nhật Bản, Ba Tư, Trung Quốc, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh Quốc thường xuyên cập bến để trao đổi hàng hóa, mua các sản vật như trầm hương, quế, ngọc trai, đồi mồi, xà cừ, tơ lụa, vải vóc… dân cư Hội An ngày một đông đúc, phố xá mở mang rộng đến 2km2. Đến thế kỷ XIX, điều kiện tự nhiên biến động nhiều, các con sông đổi dòng chảy, cửa Đại Chiêm bị phù sa bồi đắp và cạn dần, thuyền bè ra vào khó khăn, cảng mới hình thành ở Đà Nẵng, Hội An không còn là nơi buôn bán phồn vinh nữa, nhịp đập như dừng lại trong dĩ vãng. Nhờ thế mà cho đến nay Hội An được bảo tồn khá nguyên vẹn với tổng thể kiến trúc khá phong phú đa dạng gồm bến cảng, nhà dân, đình chùa, hội quán, lăng mộ.

Khu di tích đô thị cổ nằm phía Nam thị xã Hội An phố Lê Lợi hiện nay (Rue Hội An) được xây dựng đầu tiên sau người Nhật mới xây tiếp dãy phố Trần Phú (Rue des Cantanais) tức phố Nguyễn Thái Học hiện nay. Tiếp đến là dãy phố Nam Chu Trinh (Rue Minh Hương), Trần Quý Cáp (tức phố chợ cũ-Place du marchè), Nguyễn Thị Minh Khai (Khải Định) và một vài phố khác ven sông Hội An. Những phố trên đây với sông Rạch, cầu đường, đình, hội quán, nhà thờ tộc, miếu đền, nhà ở… tạo thành một tổng thể không gian đô thị cổ xưa gần như nguyên vẹn.

Về mặt kiến trúc của Hội An, nhà cửa mang đậm nét dáng vẻ truyền thống ở các đô thị cổ ở nước ta, đó là kiểu nhà gỗ hình ống dài 40-60m thông suốt hai mặt phố, nội dung và hình thức rất đặc sắc đã tồn tại trên 200 năm. Phần lớn nhà ở mặt tiền tiếp giáp với đường phố dùng để buôn bán, mặt nam hướng về bến sông có cầu cảng riêng, vẻ đẹp không kém phần hấp dẫn, dành làm nơi chứa hàng hoá và các công trình phụ. Khu ở, sinh hoạt và gia tiên đặt ở giữa kế sân trời (thiên tĩnh) sáng sủa và thông thoáng cạnh sân nhà có cầu nối các gian nhà với nhau để đi lại không bị mưa nắng, trong khu thường được chú ý trang trí làm đẹp không gian trên các cấu kiện kiến trúc thường được trạm khắc rất tinh xảo về các đề tài hoa lá, cá, chim muông.

Hội An có nhiều chùa to đẹp thờ phật, thờ thánh chùa thờ cũng là Hội Quán, nơi tụ họp đồng hương, đồng nghiệp. Đáng chú ý là các chùa Phúc Kiến-Mẫn Thương Hội Quán khởi dựng năm 1678; chùa Ngũ Bang-Dương Thượng Hội Quán có từ trước năm 1740; chùa Quảng Triệu-Quảng Đông Hội Quán xây dựng năm 1885; Triều Châu Hội Quán xây dựng trong suốt 40 năm 1845-1885.

Đặc sắc của Hội An là ngôi chùa Cầu ở cuối phố Trần Phú (xây dựng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII), còn gọi là cầu Nhật Bản, tên chữ là “Lai Viễn Kiều” do chúa Nguyễn ban tạ (Lai = đến, Kiều = cầu-cầu do những người phương đến xây dựng) mặt cầu cong vòng lên ở giữa, mái cũng uốn cong mềm mại được lợp ngói âm dương che kín cây cầu 12m, chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm chổ rất công phu, mặt chùa quay về hướng bờ sông. Hai đầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự cổ xưa, phần gian chính giữa gọi là chùa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ (thần trấn giữ phương Bắc) mặt hình vuông. Không gian kiến trúc nhẹ nhàng, không những đi lại lễ bái thuận tiện mà có chỗ tựa lan can ngắm cảnh, chỗ ngồi bán hương hoa.


Đến thăm Hội An, du khách có thể xuống thuyền dọc sông ngắm những xóm, làng xanh biếc vườn cây trái. Tới vùng cửa Đại Chiêm và cù lao Chàm để thăm 6 hòn đảo lớn nhỏ có diện tích 6.000ha với khu rừng cấm có nhiều thú quý như trâu, khỉ và 7 hang yến, ở đây biển lặng, không khí trong lành cửa Đại Chiêm là nơi tắm biển, nghỉ mát lý tưởng.
Đến Hội An vào dịp từ mồng 2-7 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh du thuyền ở cửa Đại Chiêm và tham gia các lễ hội dân gian do các ngư dân địa phương tổ chức.

Đến những năm 80 của thế kỷ này, giới hâm mộ nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc trong và ngoài nước phát hiện ở Hội An một vẻ đẹp độc đáo của đô thị quý hiếm có độ tuổi khoảng 400 năm, được tổ chức của Liên Hiệp Quốc về giáo dục khoa học và văn hóa, UNESCO đưa vào chương trình hoạt động.

Ở Hội An 55% số tiền bán vé dành cho việc trùng tu các kiến trúc cổ.

Tháng 12/1999 tại Marốc UNESCO đã chính thức công nhận phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới. Để giữ gìn hồn của phố cổ, chính phủ địa phương không cải tạo các di tích còn lại một việc làm được mọi du khách ủng hộ là đêm rằm phố cổ – được tổ chức vào ngày 14 âm lịch hàng tháng. Lúc đó hồn phố cổ được tái hiện: không xe máy, không đèn điện, chỉ còn áo the, guốc mộc, tiếng rao lanh lãnh vang lên khắp phố cổ, đèn lồng giăng giăng khắp lối, du khách sẽ được đắm mình trong ánh trăng huyền hoặc ánh nến lung linh của đêm rằm phố cổ.

Tháng 11/2000 tại Hội Nghị thường niên của UNESCO được tổ chức tại Malaysia đã trao tặng giải thưởng xuất sắc về quản lí, bảo tồn di sản văn hóa thế giới năm 2000 cho Hội An với 3 lý do: Đô thị cổ Hội An được đáng giá là công trình được bảo tồn xuất sắc, được xem là mẫu hình cho công tác nghiên cứu – bảo tồn; Hội An là di sản văn hoá tiêu biểu cho chiến lược bảo tồn di sản của UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương.

Chùa Cầu Nhật Bản

Nằm tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú - Hội An, Chùa Cầu (hay còn gọi chùa Nhật Bản) là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Do ảnh hưởng của thiên tai địch hoạ, chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt, Trung.

Chùa Nhật Bản là nơi ngăn cách khu phố người Hoa và khu phố Nhật Bản. Khi xưa, nơi đây là dòng nước mang tên “Khe Ao Ao”. Khe dẫn nước từ trong làng ra sông. Người Nhật làm cầu này vào năm 1593 và hoàn thành năm 1596. Cầu có các tên:

Cầu Nhật Bản
Vì cầu do người Nhật xây dựng. Nhìn rường nhà, rường này chồng lên rường kia, loại hình này người ta gọi là “Chồng rường giả Thủ”. “Thủ” nghĩa là bàn tay. Các rường chồng lên nhau, úp xuống như bàn tay. Ở hai đầu cầu có tượng hai con khỉ và hai con chó. Có người giải thích rằng người Nhật làm hai con khỉ ở đầu cầu này và hai con chó ở đầu cầu kia là để đánh dấu công việc xây dựng cầu bắt đầu vào năm Thân và kết thúc vào năm Tuất. Nhưng cách giải thích đó không đúng vì ở Nhật cũng có nhiều công trình kiến trúc được trang trí bằng hình ảnh của khỉ và chó. Có người lại cho rằng đó là một cách chỉ phương hướng trên địa bàn, Thân chỉ "Tây Nam" còn Tuất chỉ "Tây Bắc" (?). Đặc biệt, hình ảnh con khỉ này cũng đi vào thơ như một hình ảnh không thể thiếu của chùa Cầu. Phương ngữ ở Quảng Nam có câu "Chầu hầu như khỉ chùa Cầu". Còn nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

"Anh là khỉ chùa Cầu


Mắng xong anh, em khóc
Hương chùa hay hương tóc
Mắng khỉ mà người đau”.

Chùa Cầu

Vì ngay trên cầu có một chùa do người Hoa xây dựng sau khi cầu hoàn thành 50 năm. Về việc người Nhật Bản xây dựng cầu này, có truyền thuyết cho rằng có con cù vĩ đại đang khuấy động khắp năm châu, cái đầu ở tận Ấn Độ còn cái đuôi của nó nằm tại xứ Phù Tang. Vậy để kiềm chế nó thì phải làm chùa ếm lại, người Nhật chọn vị trí trên vì Hội An nằm trên lưng con cù này. Do đó, trên Chùa Cầu có thờ Huyền Thiên Đại Đế tức Bắc Đế Trấn Vũ, một nhân vật lẫy lừng của đạo Lão có tài trị con cù kia. Còn đối với người Hoa tại Hội An thì chùa là nơi giải quyết tranh chấp giữa người dân của hai khu phố Nhật Bản và Trung Hoa.

Lai Viễn Kiều
Ở đầu cầu có tấm biển để chữ “Lai Viễn Kiều”. Vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu nhân chuyến tuần du ở thương cảng Hội An biết rằng cầu này do người Nhật xây dựng nên đã tặng cho cầu cái tên “Lai Viễn Kiều”-lấy từ câu của Khổng Tử trong luận ngữ "Hữu bằng tự viễn lai, bất duyệt lạc hồ" nghĩa là: có người bạn từ xa xôi đến, há không vui sao? Nhưng đối với người dân địa phương thì họ vẫn gọi bằng cái tên thân mật, dân dã "Chùa Cầu". Thật khó có thể tưởng tượng nếu Hội An không còn chùa Cầu. Nó nằm trong tiềm thức của mọi người như vị trí Hồ Gươm của Hà Nội, cầu Tràng Tiền của Huế… ca dao địa phương có câu:

"Ai xa phố Hội, Chùa Cầu


Để thương, để nhớ, để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương, để nhớ cho ai chịu sầu".

Hiện sàn gỗ đã được làm lại, còn tất cả mái và rường cầu còn nguyên vẹn sau thời gian 400 do được làm bằng gỗ lim. Hiện ở cầu còn hai tấm bia, một của người Pháp, một của người Việt và Trung Quốc ghi lại công đóng góp xây dựng và tu sửa cầu.

Nhận xét: Chùa Cầu cách sông Hoài 40m, đến mùa nước lũ mực nước dâng cao. Do vậy sàn cầu thường xuyên bị ngập trong mưa lũ, dòng chảy có lưu tốc lớn làm cho ván sàn có nguy cơ bị trôi nên thường phải tháo dỡ lúc có lũ lớn. Khu vực xây dựng có điều kiện tự nhiên phức tạp, cấu trúc địa chấn của sông, ven biển, các lớp đất phân bố không đồng đều và bị xói ngầm do có dòng chảy ngầm làm trôi cát, nhiều đoạn bị dân lấn chiếm làm hẹp dòng và có độ dốc không đồng đều… Sát góc phía Đông Bắc của chùa Cầu còn bị nhà dân lấn chiếm làm lệch dòng chảy gây xói lở phần móng phía Tây Bắc. Bên cạnh đó ý thức vệ sinh của du khách chưa cao.

Văn hóa du lịch: Con mắt “tâm linh” của người Hội An

"Mắt cửa là con mắt để nhìn vào tâm linh, nó dõi theo bóng anh khi anh ra đi và lúc trở về, nó xem anh có còn là chính anh nữa hay không". Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND thị xã Hội An (Quảng Nam) khi nói với chúng tôi về con mắt cửa ở Hội An - một biểu tượng văn hóa du lịch đặc sắc của vùng đất phố cổ này, cũng là một biểu tượng đời sống tâm linh của con người Hội An.

Việt Nam xưa nay đã quen với hình ảnh mắt thuyền. Là một nước có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bờ biển dài nên từ xưa, loại hình giao thông phổ biến là đường thủy. Các phương tiện ghe thuyền được xem là bạn, đặc biệt là đối với thương nhân và ngư phủ. Họ xem chúng có linh hồn như con người. Vì vậy mà có tục vẽ mắt thuyền, với niềm tin mãnh liệt rằng: "con mắt ấy sẽ giúp cho thuyền tránh khỏi bị thủy quái làm hại, giúp cho ngư phủ tìm được nơi nhiều cá, giúp cho bạn hàng tìm được bến bờ nhiều tài lộc..." (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam-tr.213). Ngày nay, hình ảnh mắt thuyền đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, mắt cửa thì không phải ở đâu cũng có. Nó dường như đã trở thành dấu ấn riêng, rất riêng của những ngôi nhà cổ Hội An, của mảnh đất Hội An.

Mắt cửa được làm bằng gỗ tròn, có đường kính khoảng 20cm, dày 8 đến 10cm, được đặt trên các khung cửa chính thành từng cặp đối xứng ở hai bên phải trái, thể hiện rõ nét tư tưởng âm dương của người phương Đông. Đuôi mắt có tác dụng như một cái bản lề, được kéo xuyên qua xà ngang giúp cho cánh cửa có thể đóng mở dễ dàng. Các con mắt cửa được chạm khắc rất tinh xảo. Ở Hội An hiện nay có gần 30 loại mắt cửa với các kiểu chạm khắc khác nhau. Song, đa số các mắt cửa đều chạm hình âm dương lưỡng cực, các vạch bát quái. Họa tiết trang trí bên ngoài có thể đơn giản là một hình bát giác, hoặc cầu kỳ hơn là tám cánh hoa cúc. Có những đôi mắt cửa được chạm hình 5 con dơi (theo quan niệm Trung Hoa: trong tiếng Hán, chữ "dơi" phát âm giống chữ "Phúc". Người Trung Hoa quan niệm hạnh phúc trọn vẹn phải là hạnh phúc được tạo thành từ "ngũ tứ" của loài dơi (Trường sinh thọ, Phong phú lộc, Kiện khang minh, Du bảo đức, Khảo chung mệnh), cho nên 5 hình tượng con dơi tượng trưng cho "ngũ phúc lâm môn"), cũng có những cửa là hình vuông hay hình chữ Thọ. Ở Hội quán Phúc Kiến, mắt cửa có hình đôi Rồng chầu mặt trời và đôi Giao long chầu mặt trăng; ở miếu Quan Công mắt cửa lại có hình mặt hổ phù...

Con mắt cửa Hội An còn được trang trí bằng lụa điều treo rủ. Hình ảnh này làm cho ngôi nhà trở nên sang trọng, đồng thời lại như có nét cổ kính. Theo người dân ở đây cho biết: trước kia cứ khoảng nửa năm hoặc nhiều nhất là một năm chủ nhà sẽ hạ tấm vải điều xuống giặt hoặc thay để thay đổi thần sắc, sinh khí cho ngôi nhà. Nhưng hiện nay vì phục vụ khách tham quan du lịch nên người ta ít hạ vải điều xuống hơn.

Đến với phố cổ Hội An, điều khiến du khách ấn tượng và cảm thấy ám ảnh chính là những con mắt cửa. Những đôi mắt ấy như có hồn, đăm đắm nhìn theo du khách, lưu luyến níu bước chân, khiến cho người ta có cảm giác như là "tìm về chứ không phải đi đến" (lời ông Nguyễn Sự). Hai con mắt cửa chính là điểm nhấn của những ngôi nhà Hội An.

Không chỉ là một phần trong trang trí kiến trúc, mắt cửa Hội An còn là một nét văn hóa đặc sắc trong tâm linh của con người đô thị cổ này. Hai con mắt cửa được người Hội An coi như hai ông thần đề giữ cửa và trừ tà. Họ thường thắp hương thờ cúng các ông thần. Hơn nữa, hai con mắt không chỉ là linh hồn của ngôi nhà mà còn để phân biệt người qua lại xem đó là người chính hay kẻ tà, người tốt hay kẻ xấu. Nó giống như gương bát quái, gương chiếu tà thường được treo ở trước cửa những ngôi nhà miền Bắc.

Ông Cảnh - chủ tiệm Cao Lầu 65 Trần Phú cho biết: "Nhà cũng như người. Đôi mắt là linh hồn, nơi hội tụ những trăn trở buồn vui, chứng kiến những biến động của cuộc sống hay sự hiếu khách của chủ nhà. Chính những đôi mắt đã nhắc chúng tôi đang sống, đang là chủ nhân trong một di sản sống đầy nhân văn".

Về nguồn gốc của những đôi mắt cửa này, có người cho rằng những ngư dân, những thương nhân thường đi thuyền lâu ngày, tin ở tác dụng của những đôi mắt thuyền, khi lên bờ đã vẽ mắt cho ngôi nhà của mình. Về sau, họ không vẽ nữa mà làm bằng gỗ vừa đẹp vừa bền hơn. Cứ thế lâu dần, họ truyền cho nhau, trở thành tập quán ở đây - ấy là làm cửa phải có mắt. Cũng có quan niệm lại cho rằng mắt cửa được du nhập từ Trung Quốc khi các thương nhân của họ sang đây giao thương, buôn bán. Đây là biến thể từ tay nắm cửa của người Trung Quốc xưa... Dù là bắt đầu từ đâu, những đôi mắt cửa đã được người Hội An làm thành của riêng mình, mang theo ý niệm tâm linh và niềm tin của mình trở thành dấu ấn những ngôi nhà của mình - nhà cổ Hội An. Những con mắt cứ dõi theo, để bước chân người chủ nhà khi ra đi mau quay về, để khách đến rồi vương vấn mãi không muốn rời...

Hội quán Phúc Kiến
(Số 46. Trần Phú - thị xã Hội An)

Là nơi hội họp của những người đồng hương vốn đến Hội An từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Người Việt Nam ta gọi là chùa nhưng những người Trung Hoa ở đây gọi là Hội Quán. Hội quán này được xây dựng vào năm 1697. Lúc đầu người ta chỉ xây hội quán bằng những thanh tre. Chức năng thứ nhất của hội quán là thờ Thánh Mẫu-vị thần của những người đi biển. Chức năng thứ hai là để thờ sáu vị quan Phúc Kiến phò Minh chống lại triều Mãn Thanh và đã hy sinh ở Trung Quốc. Chức năng thứ ba là nơi hội họp của cộng đồng người Phúc Kiến.

Nhìn lên cao trên cổng ta thấy có ba chữ đỏ: ”Kim Sơn Tự”-chính là tên của ngôi chùa xưa ở tỉnh Phúc Kiến. Bên hông cổng nhìn lên cao có ba chữ đỏ: “Thiên Hậu Cung”, bốn chữ đen bên dưới là “Huệ Ngã Đồng Nhân” nghĩa là người bốn phương đều là anh em cả. Họ luôn luôn kêu gọi đoàn kết, sống hòa bình với nhau.

Căn nhà phía trước là tiền đình. Gian giữa là bái đình, là nơi làm lễ. Gian trong là chính điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đằng sau chánh điện là hậu cung thờ sáu vị quan Phúc Kiến.

Bây giờ chúng ta thăm chính điện, nơi thờ Thiên Hậu. Trên bàn thờ bức tượng nhỏ là pho tượng cũ trước đây. Bây giờ khi kinh tế dồi dào phồn thịnh, người ta trở về Trung Quốc đã thỉnh về một pho tượng mới lớn hơn.

Thiên Hậu là người con gái quê ở Phúc Kiến. Thuở nhỏ bà đã thuộc nhiều kinh kệ và có tài chữa bệnh cho nhiều người. Năm 29 tuổi bà mất. Vua nhà Minh phong cho bà chức Thiên Hậu Thánh Mẫu. Sau khi chết bà thường hay xuất hiện cứu những người đi biển gặp nạn. Thiên Hậu có hai vị tướng giúp đỡ. Người bên phải là Thiên Lý Nhãn, bên trái Thuận Phong Nhĩ. Hai vị này thường báo cho bà biết những người đang gặp nạn trên biển để bà kịp thời cứu giúp.

Trong chùa có mô hình chiếc thuyền buồm của dân Phúc Kiến vào thế kỷ XVI-XVII. Con cháu làm mô hình chiếc thuyền này và đặt ở đây là để nhớ ơn đến ông bà tổ tiên. Một điều đáng chú ý là tất cả những hội quán của người Trung Hoa đều được xây mặt quay về hướng cảng.

Con rồng phía sau là Tiểu Bạch Long lo công việc mưa gió ở biển Đông.




• Nhà tổ:
Vào giữa thế kỷ XVII nhà Minh ở Trung Quốc bị nhà Mãn Thanh lật đổ. Sau vị quan trung thành với nhà Minh này trở thành sáu vị tướng trừ Thanh phục Minh. Nhưng cố gắng của họ đã thất bại và họ đã hy sinh. Những người Hoa sang sinh sống ở Việt Nam đa số là những người trung thành với nhà Minh, nên cộng đồng người Phúc Kiến đã thờ sáu vị tướng đó như: “Lục tánh vương gia”, xem họ như những vị tổ tiên. Hàng năm họ tổ chức ngày giỗ của họ vào ngày 16/2 âm lịch. Nhìn kỹ khuôn mặt của các pho tượng ta thấy có ba màu rõ rệt: màu đỏ tượng trưng cho người có tánh nóng nảy, màu xanh tượng trưng cho người tánh điềm đạm, màu hồng tượng trưng cho tánh ôn hòa.
Bên trái là bàn thờ Thần Tài. Có hai vị thần trái là Phúc Thần-vị thần ban phát của cải, phúc lộc; phải là Pháp Thần-vị thần giáo dục và trừng phạt những người sử dụng tiền bạc không phù hợp với đạo lý.

Bàn thờ bên phải: Tượng lớn là bà chúa sinh thai, bà nắn ra hình hài của những hài nhi. Hai bên là hai bà hầu. Một bà lo về khai sinh, một bà lo về khai tử. Ở dưới thấp có mười hai tượng nhỏ là tượng của mười hai bà mụ. Mỗi bà mụ chăm sóc và dạy dỗ đứa trẻ một tháng trong mười hai tháng đầu tiên. Vì thế khi đứa trẻ chưa đầy năm cười hay nói gì đó, người ta nói bà dạy, hoặc khi chúng bị té ngã nhưng không bị thương gì, người ta lại nói bà mụ đỡ. Chính vì vậy người ta chuẩn bị 12 miếng trầu, 12 miếng cau để dâng cúng cho 12 bà mụ và có riêng một là trầu, một quả cau cho bà chúa sinh thai.

Gian bên hông thờ những người dân Phúc Kiến mất tại Hội An. Ở gian này đặc biệt có bài vị của những vị bang trưởng, tức là những vị có công xây dựng hội quán. Có tất cả 24 vị. Bên phải là bài vị của con cháu phái nữ. Bên trái bài vị của con cháu phái nam. Trên một số bài vị người ta có dán ảnh.

Gian nhà Đông và Tây phía trước chính điện dùng làm nơi hội họp và ăn uống của cộng đồng. Gian nhà Đông có chữ phúc, đối diện là gian có chữ thọ. Người ta chúc cho cộng đồng phồn thịnh, sinh nhiều con cháu.

Trên bức phù điêu vẽ cảnh Thiên Hậu Thánh Mẫu đang cứu người mắc nạn trên biển. Bên kia là phù điêu mô tả Lục Tánh Vương Gia đang chiến đấu với quân Mãn Thanh. Góc trái của phù điêu có một người lính nhà Thanh bị bắt làm tù binh.

Nói qua về lối kiến trúc, mái nhỏ hình mai cua nên người ta gọi là mái vỏ cua. Một kiến trúc thuần túy của người Trung Hoa.




tải về 247.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương