Thuyết minh tỉnh Quảng Nam



tải về 247.71 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích247.71 Kb.
#36667
  1   2   3   4
Thuyết minh tỉnh Quảng Nam

TỈNH QUẢNG NAM

Sau khi qua khỏi tỉnh Quảng Ngãi, chúng ta đến huyện Núi Thành, là huyện cực Nam của tỉnh Quảng Nam. Huyện Núi Thành có thị trấn là Núi Thành. Từ đây đến Đà Nẵng ta đi qua các huyện: Núi Thành, thị xã Tam Kỳ, Thăng Bình (có thị trấn là Hà Lam), Duy Xuyên, Điện Bàn của Quảng Nam và huyện Hòa Vang của Đà Nẵng.

“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”

Tên đất Quảng Nam được vua Lê Thánh Tông đặt ra từ năm Hồng Đức thứ 2 (1471) gọi là đạo Quảng Nam sau đổi thành xứ Quảng Nam. Đến năm 1833, triều Nguyễn đổi thành tỉnh Quảng Nam. Đại đa số người Quảng Nam hiện nay có nguồn gốc lâu đời từ đất Bắc, nhất là từ hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Ngày từ đầu thế kỷ 15 nhà Hồ đã bắt đầu công cuộc di dân, bắt buộc những người tù bị kết án lưu đày phải cùng gia đình họ di cư vào đất Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam). Đất Quảng Nam là đất “Địa linh nhân kiệt” là nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như: Hoàng Diệu, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng….

Tỉnh Quảng Nam có diện tích là 10.406 km2, dân số 1.372.424 người (1/4/1999). Vị trí địa lý: phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, Nam giáp Quảng Ngãi, Tây giáp Kon Tum và Lào, Đông giáp biển Đông. Tỉnh Quảng Nam có hai thị xã là Tam Kỳ và Hội An, các huyện gồm: Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức. Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa mưa lũ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, lượng mưa trung bình ở đồng bằng là 2200 - 2500 mm, ở miền núi là 4000 mm. Nhiệt độ hàng năm thấp nhất 220C, cao nhất 300C. Quảng Nam có núi Ngọc Linh cao nhất 2598 m. Sông ngòi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía Tây và đổ ra biển Đông. Các sông lớn ở Quảng Nam là: Thủy Tú, Yên, Vinh Điện, Trường Giang, Tam Kỳ, Vĩnh An, Cây Trâm, Trầu, Vu Gia…. Quảng Nam có các dân tộc: Cà Tu, Xê Đăng, Giơ Triêng, Cor và người Hoa. Quảng Nam có một bệnh viện cấp tỉnh là bệnh viện Tam Kỳ. Rừng chiếm khoảng 450000 ha với các loại cây, tre nứa, mây, quế, sa nhân, sâm trầm, hồ tiêu. Hàng năm tỉnh khai thác hơn 10000 tấn song mây nguyên liệu, 500-1000 tấn cây dược liệu, 200-400 tấn quế. Kinh tế biển có thế mạnh, Quảng Nam là một ngư trường lớn, nuôi tôm, rong câu, yến sào (tập trung ở Hội An, Cù Lao Chàm, hàng năm khai thác 600-700 kg). Tỉnh có truyền thống trồng lúa nhưng vẫn có thể trồng các loại cây có giá trị khác như: vùng trồng dâu nuôi tằm trên 10000 ha có thể xuất khẩu mỗi năm 60-80 tấn tơ, bạc hà, thuốc lá, khoai sắn, ngô, lạc, dừa, dứa. Chăn nuôi cũng phát triển mạnh. Về khoáng sản, Quảng Nam là tỉnh miền Trung có nhiều khoáng sản quý đạt tiêu chuẩn về trữ lượng lẫn chất lượng công nghiệp như: cát trắng với hàm lượng 99,6% silic (100-120 triệu tấn); than đá-10 triệu tấn; đá vôi-1000 triệu tấn; cao lanh-100000-150000 tấn; đá Granit và nhiều loại vật liệu xây dựng tự nhiên có đến hàng tỉ tấn; ba mỏ vàng quy mô vừa và nhỏ đang được khai thác, trong đó có mỏ Bồng Miêu đang liên doanh với một công ty nước ngoài; mỏ cát đen; thiếc; nước khoáng Phú Ninh….

Về du lịch, tỉnh Quảng Nam có Cù Lao Chàm còn gọi là đảo Yến, cách bờ biển Hội An chừng10 km. Đây là đảo lớn nhất tỉnh, gồm 3 ngọn núi đá: Ngọa Long, Tiên Bút, Bát Lao và một số rừng già. Cù Lao Chàm là nơi sinh tu của ngư dân chuyên nghề chài lưới, bắt cua, câu mực, săn tôm hùm và đặc biệt là nghề khai thác tổ yến.



Đặc sản: Quảng Nam có quế Trà My rất nổi tiếng. Trà My là một huyện miền núi, cách thành phố Đà Nẵng 120 km. Quế Trà My rất dày, hàm lượng tinh dầu cao hàng năm xuất khẩu trên 250 tấn-300 tấn.

Tiêu Tiên Phước là giống tiêu có chất lượng cao, diện tích trồng tiêu Tiên Phước là 120 ha, hàng năm có thể xuất khẩu trên 50 tấn tiêu khô. Chủ yếu mặt hàng này xuất sang HongKong. Trong tương lai tiêu Tiên Phước có thể đạt sản lượng 80-90 tấn/năm.

Ngoài ra Quảng Nam còn có tơ lụa Mã Châu. Mã Châu là một thôn thuộc xã Duy An, huyện Duy Xuyên nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.
Chiếu hoa Bàn Thạch nổi tiếng bởi chất lượng bền, chắc, đẹp.
Trái Loòng Boong là trái của một loại cây thân mốc có ở một số rừng trung du và miền núi phía Tây Quảng Nam. Trái có vỏ mỏng, màu vàng nhạt, ruột trắng nhiều múi thơm và ngọt đậm đà.

Yến sào Cù Lao Chàm rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng và là một loại thực phẩm quý từ ngàn xưa.


Mì Quảng là món ăn đặc sản của dân đất Quảng và rất được mọi người ưa chuộng.

Cao Lầu Hội An là một đặc sản của phố cổ Hội An là một đặc sản của phố cổ Hội An. Món ăn này được làm bằng những sợi mì vàng có hương vị ngon, ăn chung với giá, thịt xá xíu, bánh tráng cắt nhỏ, rất ngon.


Ngay khi qua khỏi huyện Hòa Vang, thuộc thành phố Đà Nẵng chúng ta vào đường Núi Thành, đường Trưng Nữ Vương và thành phố Đà Nẵng.

Huyện Núi Thành

Núi Thành là một huyện ven biển thuộc phía nam của tỉnh Quảng Nam (Việt Nam), giáp với Thị xã Tam Kỳ về phía bắc và Quảng Ngãi về phía nam. Nó có diện tích là 528,2 kilômét vuông và dân số là 131.2000 người (1997). Là nơi đã diễn ra trận đụng độ đầu tiên giữa quân đội viễn chinh Mỹ và quân đội Việt Nam, thời chiến tranh.

Huyện này có đồi núi ở phía tây và đồng bằng ở phía đông. Hai sông Trường Giang và Tam Kỳ chảy qua huyện này. Bờ biển ở huyện này dài 37 kilômét, có cảng Kỳ Hà và căn cứ Chu Lai, chạy dài hơn 10km, là khu quân sự của Mỹ hồi xưa, có phi trường. Ngày nay là sân bay phục vụ dân sự và khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất. Hồ Phú Ninh nằm thuộc tỉnh này, có diện tích mặt nước 4.500 hecta. Vùng đồi núi ở đây có vàng và chì. Quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất chạy qua huyện này.

Huyện này được thành lập ngày 3 tháng 12 năm 1983 khi huyện Tam Kỳ được chia thành huyện Núi Thành và Thị xã Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Từ ngày 26 tháng 11 năm 1996 nó thuộc tỉnh Quảng Nam, gồm Thị trấn Núi Thành là huyện lị và 14 xã.



Căn cứ Chu Lai: Từ ngoài vào, bên phải chúng ta là sân bay. Căn cứ này không cho du khách vào tham quan. Năm 1965, khi được giao chỉ huy cuộc đổ bộ của thủy quân lục chiến lên vùng một chiến thuật, tướng ba sao thủy quân lục chiến Victo Krulak (chỉ huy trưởng lực lượng đổ bộ thủy quân lục chiến ở Thái Bình Dương), đã nhận thấy rằng vùng đổ bộ ở khu vực này quá trống trải, chỉ toàn là cát biển, không có căn cứ hậu cần tiếp liệu, sân bay yểm trợ gì. Nên ngay lập tức Krulak đã cho xây dựng một căn cứ trong đó có sân bay ơ đấy. Krulak đã lấy tên của mình đọc theo tiếng Trung Quốc trong thời gian ông còn làm trung úy tại Thượng Hải mà tên đó phiên âm Hán Việt là Chu Lai để đặt tên cho căn cứ này. Sau này khi thủy quân lục chiến dồn ra phía DMZ (vùng phi quân sự) thì Chu Lai được giao lại cho sư đoàn bộ binh Americal (lính của sư đoàn này đã gây ra cuộc thảm sát ở Mỹ Lai). Ngày nay, Chu Lai là doanh trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Khu công nghiệp Bắc Chu Lai
Nằm tiếp giáp với khu công nghiệp hóa dầu Dung Quất, cách sân bay Chu Lai khoảng 5km, cách KCN Dung Quất khoảng 2km, nằm cạnh quốc lộ1A và đường sắt Bắc – Nam, diện tích toàn bộ KCN 291ha. Trong đó, giai đoạn 1: tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng 108 ha với trạm cấp nước 9.000 m3/ ngày đêm lấy từ nguồn nước hồ Phú Ninh. Từ trạm biến áp Dốc Sỏi 220KV/ 110KV, xây dựng nhánh đường dây 110KV dài 14km và trạm biến áp 110KV/ 220KV, công suất 24.000 KVA (64.000 KVA). Trong KCN sẽ xây dựng khu hồ nước dự trữ, khu xử lý chất thải rắn và xây dựng khu công viên cây xanh đảm bảo cho môi trường trong sạch mát mẻ.

Khu nhà ở cho CBCNV làm việc ở KCN sẽ bố trí xây dựng tại thị trấn Núi Thành theo quy hoạch chung 45ha. Dự kiến KCN Bắc Chu Lai xây dựng 51 lô nhà máy bao gồm các ngành công nghiệp chế biến nông lâm hải sản; cơ khí dân dụng phục vụ công nghiệp hóa dầu khí, công nghiệp hóa chất liên quan với công nghiệp hóa dầu Dung Quất. Các ngành công nghiệp nhẹ, gia công lấp ráp máy móc thiết bị các loại, các dịch vụ và kho tàng phục vụ cho Khu Công nghiệp hóa dầu Dung Quất.

Nhà nước Việt Nam đã quyết định khởi công xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, tháng 3/1998 vừa qua, thủ tướng Chính phủ đã quyết định kế hoạch tiến hành khôi phục, cải tạo, nâng cấp sân bay Chu Lai, cảng biển nước sâu Kỳ Hà. Trong vài năm tới đây thì sân bay Chu Lai sẽ trở thành một cụm cảng hàng không lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương, bởi vì trong vòng bán kính 2.000km gồm có nhiều thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, các trung tâm kinh tế, thương mại lớn… của các nước trong khu vực Châu Âu, tương đương như một số cụm cảng hàng không lớn trên thế giới (như sân bay New York, Frankjurt, Paris…).

Ngoài vị trí đặc biệt như trên, KCN Bắc Chu Lai là phụ cận, là vệ tinh chuần bị đón những dự án đầu tư phục vụ cho Khu Công Nghiệp lớn Dung Quất – Chu Lai – Kỳ Hà, cùng với các dự án công nghiệp trong quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Trong tương lai không xa, khi cảng biển Kỳ Hà với toàn bộ kho tàng bến bãi, các cơ sở phục vụ, dịch vụ khác được khôi phục đồng thời với sân bay Chu Lai là sân bay quốc tế hiện đại đi vào hoạt động thì cả một vùng các KCN Dung Quất – Chu Lai – Kỳ Hà, KCN Bắc Chu Lai sẽ chuyển động mạnh mẽ, hoạt động nhộn nhịp và sôi động suốt ngày đêm.

Giá cho thuêsử dụng đất tại các KCN Điện Nam – Điện Ngọc và Bắc Chu Lai thấp hơn nhiều so với giá thuê đất ở các KCN trên toàn quốc. So với Hà Nội, TpHCM và Tp Đà Nẵng thì giá thuê sử dụng đất trong các KCN của Quảng Nam chỉ khoảng bằng 50%.



Hồ Phú Ninh

Nằm cách thị xã Tam Kỳ 7km về phía Tây. Là một công trình thủy lợi có quy mô với 3.400 ha mặt nước và 6.000ha rừng trong khu vực hô cùng 30 hòn đảo, bán đảo xinh đẹp. Công trình được khởi công vào năm 1977 và hoàn thành sau 10 năm xây dựng đã đáp ứng mơ ước ngàn đời của nhân dân Tam Kỳ và các vùng phụ cận về nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho đồng ruộng.


Ngoài các ưu thế để phát triển thủy lợi, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và có tác dụng điều hòa hệ sinh thái – môi trường, hồ Phú Ninh còn là vùng trọng điểm để phát triển kinh tế du lịch.

Vào mùa hè nóng bức, trong lúc nhiệt độ ở thị xã Tam Kỳ lên đến trên 300C thì khí hậu ở hồ Phú Ninh vẫn luôn mát mẻ bởi mặt hồ rộng lại chứa nhiều “ốc đảo xanh” với hệ thực vật vô cùng phong phú gồm 621 loài thuộc 438 chi học khác nhau. Trong đó, có nhiều loại quý hiếm như: lim xẹt, trắc Nam bộ, đinh và 170 loài dược liệu…. Hệ động vật ở hồ Phú Ninh cũng rất đa dạng; theo thống kê tại đây có 80 loài chim, 34 loài thú, 26 loài bò sát và có những loài động vật rất hiếm hoi tìm thấy ở Việt Nam như: khỉ mặt đỏ, sơn dương, sóc đỏ gấu ngựa, khứu đầu trắng, hươu sao, gà lôi… rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái nghiên cứu. Từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ như một chảo nước khổng lồ, lấp lánh. Du khách có thể dùng thuyền máy dạo chơi quanh các ốc đảo chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ nhưng cũng thật hùng vĩ của trời nước mênh mông, lồng lộng giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trong lòng thung lũng Chấp Trà, giữa mặt hồ yên tĩnh có một mạch nguồn nước khoáng “lộ thiên” dòng nước tinh khiết này có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm sảng khoái thần kinh và điều trị một số căn bệnh cơ khớp, gan mật.


Một khu du lịch mới đang được hình thành ở đây với các loại hình hấp dẫn: dã ngoại – tham quan, câu cá bơi lội, lướt vác và tắm nước khoáng chữa bệnh.

Thành phố Tam Kỳ

Ngày 6-11-1996 đảng và nhà nước đã tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và Đà Nẵng thành thành phố đô thị loại 1 trực thuộc trung ương. Quảng Nam lấy Tam Kỳ và Hội An.

Là trung tâm hành chính-chính trị (tỉnh lị) của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay Tam Kỳ là đô thị loại 3 và phấn đấu trở thành đô thị loại 2 vào năm 2010.

Tam Kỳ từ một thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo Nghị định số 113/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006.

Thành phố Tam Kỳ có 9.263,56 ha diện tích tự nhiên và 123.662 nhân khẩu (tháng 9 năm 2006). Thành phố chỉ có 1 con đường phố chính, cũng là QL.1, tên gọi Phan Chu Trinh, khi trước chỉ có ngã ba, không có ngã tư (vì vậy nó là 1 trong 3 điểm kỳ lạ mà người ta gọi là tam kỳ). Ngày nay phố phường đã xây dựng khá nhiều và quy mô, nhất là khu hành chánh, quảng trường...

Thành phố Tam Kỳ có 13 đơn vị hành chính, gồm các phường: An Mỹ, An Sơn, Hoà Hương, Phước Hoà, An Xuân, An Phú, Trường Xuân, Tân Thạnh, Hoà Thuận và các xã: Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú, Tam Ngọc. Địa giới hành chính thành phố Tam Kỳ: phía bắc giáp huyện Thăng Bình phía nam giáp huyện Núi Thành, phía tây giáp huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông.



Huyện Thăng Bình
Là một huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam, huyện lỵ là thị trấn Hà Lam.

Huyện Duy Xuyên
Là một huyện thuộc tỉnh Quảng Nam. Về hành chính, Duy Xuyên gồm thị trấn Nam Phước, các xã Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Phú...

Duy Xuyên nổi tiếng với di sản thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm. Ngoài ra, Duy Xuyên còn có kinh thành Trà Kiệu, có thủy điện Duy Sơn, đập Duy Trinh.Về nông nghiệp, Duy Xuyên nổi tiếng với nghề tơ tằm.

Ngã ba Nông Sơn, rẽ trái đi Thánh địa Mỹ Sơn (27km), kinh đô Trà Kiệu, nhà thờ Trà Kiệu.

Kinh thành Trà Kiệu (Sibapura)

Kinh thành Sư Tử ngày nay đã bị tàn phá nặng nề. Theo những ghi chép trong Thủy Kinh Chú (thế kỷ XV) chúng ta biết rằng kinh thành này được bao bọc bởi hệ thống thành quách, hào lũy đồ sộ xây dựng theo kỹ thuật Trung Hoa. Tại đây cũng có một số đền thờ lớn thờ thần linh (một phần lớn tác phẩm điêu khắc quan trọng hiện trưng bày tại bảo tàng điêu khắc Chămpa- Đà Nẵng).

Trong những năm 80 nhân dân trong vùng đã tìm thấy một số lượng lớn những hiện vật bằng vàng. Đó là những đồ trang sức được chế tác rất tinh xảo. Những cứ liệu trên phần nào cho thấy sự phồn vinh của kinh đô này, mà tiếng tăm của nó đã có thời lừng lẫy trong vùng Đông Nam Á .

Trà kiệu
Amaravarti là tên người Chămpa được dùng để gọi miền đất Quảng Nam xưa. Một vị vua Chămpa có tên là Sri Mara khi lập quốc lấy tên Lâm Ấp dựng kinh đô tại Trà Kiệu, bên dòng sông Thu Bồn, ở phía Đông Mỹ Sơn.

Vương quốc Lâm Ấp trong thời gian thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13 chỉ có hai thành phố chính: TP. Khu Túc nằm về phía Bắc Tp. Huế, gần 2100 căn nhà, chung quanh có vòng thành bằng gạch, thành phố lớn hơn là Thành Sinhapura, có nghĩa là kinh thành sư tử.

Trong thời kỳ hoàng kim của mình Sinhapura đã tồn tại một tổng thể thành quách cung điện và đền tháp lộng lẫy mà các sử sách Trung Quốc khi nhắc đến nơi này đã không ngớt lời ca tụng. Các nhà kiến trúc tài hoa của Chăm pa đã sử dụng nhiều nếp xếp tinh vi thay cho việc phải làm nhiều tầng, bệ. Lợi dụng đỉnh đồi cao để thay cho nền đá lớn tượng trưng cho chân núi thần thánh. Họ đã sử dụng những biện pháp đơn giản, ít tốn kém hơn nhưng vẫn đạt được những quan niệm nghệ thuật Ấn giáo.

Ở Trà Kiệu còn khoảng 10 công trình kiến trúc và hàng trăm tượng, phù điêu, cũng giống như ở Mỹ Sơn, tháp và bệ ở Trà Kiệu còn có nhiều hình trang trí. Mô típ phổ biến nhất là hình cành lá, cành lá uốn cong thân và hai đầu, xoắn quýt trông tươi tắn và tràn đầy sức sống.

Người Pháp đã đào thành Trà Kiệu lấy đi nhiều vật quý bằng vàng, ngọc, tượng đá. Sau bao lâu chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, đến Trà Kiệu du khách chỉ còn có thể bước chân lên một nền tháp lớn, nơi từng đặt một đền thờ tuyệt đẹp tiêu biểu cho tinh hoa của phong cách Trà Kiệu trong nghệ thuật Chăm pa. Muốn hiểu rõ hơn du khách có thể tìm hiểu trong Viện Bảo Tàng Chăm ở trung tâm TP.Đà Nẵng.

Nhà thờ Trà Kiệu

Nhà thờ nằm ở khu vực Thành Cổ Trà Kiệu, cách Đà Nẵng 37km về hướng Nam. Nhà Thờ Trà Kiệu được xây dựng vào năm 1722, đến 1865 nhà thờ được di chuyển đến địa diểm hiện nay. Thánh đường hiện tại do linh mục PhêRô Lê Như Hảo xây vào năm 1971 với kiến trúc nhà thờ phương Tây thời kỳ ánh sáng kết hợp những nét hoa văn mang đậm tính dân tộc.

Trước cổng vào thánh đường là hai con rồng dài 20m uốn lượn theo đường lên hành lang tầng trên vào chính điện nhà thờ .

Bên cạnh nhà thờ còn có tu viện Mến Thánh Giá (xây dựng năm 1867), nhà truyền thống và Nhà Thờ Đức Mẹ (xây năm 1898) trên đồi cao 60m.

Huyện Điện Bàn

Điện Bàn có 1 thị trấn (Vĩnh Điện) và 15 xã gồm các xã Điện Dương, Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Hòa, Điện Thắng, Điện An, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến, Điện Minh, Điện Phương, Điện Trung, Điện Quang và Điện Phong.

Điện Bàn là huyện phát triển nhất hiện nay của tỉnh Quảng Nam, với các khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, với khu thị trấn Vĩnh Điện sầm uất.

Huyện Điện Bàn có nhiều làng nghề nổi tiếng. Xã Điện Phương có nghề đúc đồng Phước Kiều, gồm có các xã Điên Nghề trồng dâu nuôi tằm cùng với việc trồng thuốc lá ở các xã thuộc khu vực Gò Nổi vì đất bồi rất phì nhiêu do lũ lụt đem đến. Huyện Điện Bàn còn có tháp Bằng An, một di tích văn hóa Chăm. Điện Bàn là quê hương của nhiều chiến sĩ yêu nước: Cụ Hoàng Diệu quê ở Điện Quang, anh Nguyễn Văn Trỗi quê ở Điện Thắng, chị Trần Thị Lý và cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình quê ở Điện Quang, Giáo sư Lê Trí Viễn quê ở Điện Hồng.



Bãi biển Cửa Đại
Cửa Đại còn gọi là Đại Chiêm, cách Hội An 4km, đi thẳng theo đường Trần Hưng Đạo, đường Cửa Đại. Đây là một bãi biển đẹp thu hút nhiều khách. Xa xa ngoài khơi là 7 hòn đảo của cù lao Chàm. Trên đảo có 2.500 dân sinh sống bằng nghề biển và khai thác tổ yến.

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Huyện Hòa Vang
Huyện Hòa Vang, là huyện ngoại thành duy nhất của thành phố Đà Nẵng. Các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 14B đều chạy qua địa bàn huyện, tạo điều kiện rất tốt để cho huyện phát triển. Với quỹ đất ngày càng khan hiếm, các xã giáp với các quận của huyện Hòa Vang là nơi thích hợp nhất để hình thành nên các đô thị mới. Nền nông nghiệp đang chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với các sản phẩm có chất lượng cao, giá trị thương mại lớn. Với các làng đồng bào dân tộc Cơtu, các khu du lịch nổi tiếng như Bà Nà - Suối Mơ, các hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ, các dòng sông đẹp... huyện Hòa Vang còn có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch sinh thái và văn hóa. Đặc biệt, với trên 60% diện tích là rừng núi, ngoài nhiệm vụ là lá phổi của thành phố Đà Nẵng, Hòa Vang còn là bức bình phong bảo vệ thành phố Đà Nẵng khỏi sự tàn phá của thiên nhiên

Hòa Vang là một huyện nằm bao bọc quanh phía tây thành phố Đà Nẵng. Diện tích 737.5 km2. Dân số 106.746 - năm 2005. Huyện có diện tích bằng hơn 80% diện tích của thành phố Đà Nẵng (không kể đảo Hoàng Sa).

Hòa Vang giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế (phía bắc), quận Liên Chiểu (đông bắc), quận Thanh Khê, quận Ngũ Hành Sơn (phía đông), tỉnh Quảng Nam (phía nam và phía tây).

Kinh tế huyện Hòa Vang phát triển đa dạng với đủ loại ngành nghề. Phần lớn người dân sinh sống bằng nghề nông, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dệt lụa, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, một bộ phận nhỏ tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch...

Hòa Vang bao gồm các đơn vị hành chính cấp xã sau: Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Châu, Hòa Khương, Hòa Phước và Hòa Tiến, Hòa Nhơn...
Hòa Vang có các trường trung học phổ thông Phạm Phú Thứ ở Hòa Sơn, Ông Ích Khiêm ở Hòa Thọ, Phan Thành Tài ở Hòa Châu.

Hòa Vang là địa danh nổi tiếng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.


Đây là địa phương có nhiều địa danh đẹp thơ mộng như khu du lịch sinh thái rừng Bà Nà, hồ thủy lợi Hòa Trung, sông Thu Bồn hai bờ bạt ngàn xanh lá dâu tằm, sông Cu Đê tấp nập ghe đò ngược xuôi mang tôm cá vùng biển lên với đồng bào thượng nguồn và sản vật vùng cao như gỗ, nông sản về đồng bằng.
Nam Ô - vạch nối vào quá khứ .
''Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi''. Hang Dơi là một ghềnh đá dưới chân Hải Vân, nơi giao nhau của các dòng nước và gió Bắc Nam. Điều đó có nghĩa rằng cho dù đi vào hay đi ra, bằng đường biển hay đường bộ thì Bắc và Nam Hải Vân đều cần một trạm nghỉ. Vì vị trí yết hầu và độc đạo nên suốt hàng nghìn năm qua trạm nghỉ này không thay đổi. Ở Nam Hải Vân đó chính là Nam Ô!
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, ngày xưa có đến hai con đèo qua Hải Vân. Đường đèo hiện nay gọi là Hải Vân Hạ đạo. Hải Vân Thượng đạo băng qua U Bò, xuống Quán Sảng (khu vực Bầu Bàng, Trường Định hiện nay), đi dọc sông Cu Đê ra Nam Ô rồi về Thanh Khê. Nam Ô nằm ngay cửa sông Cu Đê. Ngay từ thời vùng đất này còn thuộc vương quốc Chămpa hay thuộc Đại Việt sau này thì Nam Ô cũng có đủ yếu tố địa lý để con người phải dừng lại và cư trú đông đúc ở đó.

Trước Đồn Biên phòng Nam Ô là một sân bóng đá, giữa sân bóng đá vẫn còn dấu vết của một ngôi tháp Chàm cổ với những viên gạch vồ to khổ đặc trưng của các công trình kiến trúc Chămpa. Trong hồ sơ của bảo tàng điêu khắc Chăm pa có nhiều bức tượng mà các nhà nghiên cứu Pháp đã đem từ Nam Ô về. Từ Nam Ô lên Trường Định có ít nhất ba nơi được gọi là miếu Bà Giàng và đều còn dấu vết kiến trúc Chăm pa cổ, rất nhiều mả vôi được dân làng gọi là mả Hời. Ngay giữa làng Nam Ô, giữa những lối đi ngoằn ngoèo của một xóm dân làng chài điển hình là hai cái giếng vuông nước quanh năm trong vắt và ngọt nhất làng. Người Chàm giỏi đi biển, với một cửa sông Cu Đê nhiều lâm sản, lại dưới chân một ngọn núi lớn, nơi có một con đường đèo hình thành từ thời cổ đại như Hải Vân, thì việc người Chàm cư trú ở Hải Vân không phải là chuyện lạ. Chỉ tiếc rằng, giới khoa học nghiên cứu ở đây chưa nhiều. Điều lý thú là ở Nam Ô hiện nay vẫn còn lưu giữ một di tích của ngôi Việt ngay năm đầu tiên (1306) vùng đất này thuộc về Đại Việt. Đó là ngôi mộ mà dân làng Nam Ô gọi là Mả Tiền Hiền nằm ngay bên hông Đồn Biên phòng Nam Ô, nhìn thẳng ra hướng núi Sơn Trà. Ngôi mộ thật to và đã được làm mới bằng xi-măng. Cụ Sáu Hào, tên thật là Đinh Như Hào, năm nay 86 tuổi cho biết là mộ của một vị tướng theo Trần Khắc Chung vào Nam cứu Công chúa Huyền Trân năm 1307.

Khắp làng Nam Ô vẫn còn rất nhiều những di tích xưa cũ. Đó là những ngôi miếu hoang đổ nát mà nét kiến trúc còn lại vẫn toát lên vẻ đẹp hài hòa, cổ kính. Chợt nhớ trong Ô Châu Cận lục được viết năm 1553, Dương Văn An chép rằng: ''Đến Tùng Giang, ở cửa biển Tư Khách thuộc huyện Tư Vinh, tại cửa biển Đà Nẵng có đền thờ thần họ Nguyễn tên Phục...''. Đây là lần đầu tiên tên gọi Đà Nẵng được ghi chép vào sử sách. Nếu tìm lại được ngôi đền này, thì Đà Nẵng sẽ có được một vạch nối vào quá khứ thật xa, niềm tự hào mà bất cứ địa phương nào cũng muốn. Đó là ngôi đình Xuân Dương mà tấm hoành không ghi chữ thần hoành hay địa linh như thường gặp mà là hai chữ Tổ quốc được treo ngay gian giữa. Ngôi đình tựa lưng vào vách núi, kiến trúc bằng gỗ nhiều hoa văn chạm khắc thật đẹp, xứng đáng được ngành văn hóa chú ý đến và xếp hạng di tích chứ không phải vô danh như hiện nay.

Bãi biển Nam Ô

Bãi tắm Nam Ô cách trung tâm thành phố 17km về phía Tây Bắc. Bãi tắm Nam Ô thuộc địa phận phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu. Tên gọi Nam Ô, theo người địa phương, có nghĩa là ở phía Nam của châu Ô xưa.

Bãi tắm Nam Ô có độ dốc vừa phải, ven theo chân núi, phong cảnh sơn thủy rất hữu tình. Tại đây, bạn có thể nô đùa cùng với sóng biển, vừa có thể làm một chuyến du lịch nhỏ lên lưng chừng núi về bán đảo Sơn Trà và thành phố Đà Nẵng từ xa.

Từ bãi tắm Nam Ô, du khách có thể dùng thuyền ngược về hướng Tây theo dòng sông Cu Đê, thực hiện một tour du lịch sinh thái, thăm một làng dân tộc Kà-Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Bãi tắm Nam Ô có từ những năm đầu thập kỷ 60, chủ yếu thỏa mãn nhu cầu của người dân địa phương. Bãi tắm có một số hàng quán xây dựng theo kiểu nhà sàn phục vụ du khách.

Hiện nay, quận Liên Chiểu đã có dự án tôn tạo cảnh quan và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường tại bãi tắm này, đồng thời lập dự án xây dựng một con đường dài 800 mét từ cầu Nam Ô đi ra bãi tắm.



Thánh địa Mỹ Sơn

Cách kinh đô Trà Kiệu 30 km về phía Tây, cách Đà Nẵng 69 km về phía Tây- Tây Nam. Quần thể kiến trúc nằm gọn trong thung lũng hẹp, có núi bao bọc bốn bề, thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Mỹ Sơn là đỉnh cao của nghệ thuật Chămpa với quá trình phát triển liên tục gần 9 thế kỷ. Dù bị thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, Mỹ Sơn vẫn còn dấu vết nền móng của 70 tòa thánh lâu đài và đền tháp. Trong đó còn khoảng 20 đền tháp còn nhận ra phần nào hình dạng, kiến trúc của nó. Tháng 12/1999 tại Marốc Thánh Địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ngày xưa, lãnh thổ Vương quốc Chămpa trải dài từ Đèo Ngang- Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay. Chămpa có 2 bộ lạc: bộ lạc Dừa ở phía Bắc, từ Thừa Thiên đến đèo Cù Mông. Còn bộ lạc Cau từ Cù Mông vào đến Bình Thuận. Từ hai bộ lạc này đã hình thành đã hình thành những tiểu quốc đầu tiên rồi sau đó vương quốc Chămpa ra đời. Về kinh tế, người Chăm sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Họ còn biết cách khai thác hương liệu, trầm hương, hồ tiêu, quế để xuất khẩu ra nuớc ngoài. Qua biết bao thăng trầm của lịch sử, vào thế kỷ thứ IV, dưới triều vua Bhahadravarman, đã cho xây dựng kinh đô ở Trà Kiệu, cách đây khoảng 28 km về phía Đông. Sau khi kinh đô đã được xây dựng xong, ông nghĩ ngay đến việc thành lập trung tâm tôn giáo phục vụ cho kinh đô đó. Mỹ Sơn từng chứng kiến những thời kỳ hưng thịnh, rực rỡ cũng như những biến động của vương quốc Chămpa cổ đại. Mỹ Sơn không phải là kinh đô mà là thánh địa của Chămpa , thờ đấng linh thiêng tối cao. Theo quan niệm Ấn Độ giáo, nơi thờ cúng phải là nơi thâm nghiêm. Vì lẽ đó mà thánh địa Mỹ Sơn đã được xây dựng giữa một thung lũng được bao bọc bởi núi non hiểm trở. Amaravati, tên gọi xưa của vùng Quảng Nam- Đà Nẵng được văn bia nhắc đến như trái tim của vương quốc Chămpa trong nhiều thế kỷ. Mỹ Sơn là một thung lũng rất thâm nghiêm, người Chăm cho đây là mảnh đất thiêng, ngọn núi Đại Sơn (Mahabavata) cũng là một ngọn núi thiêng. Con suối Mỹ Sơn cũng được xem là con suối thiêng mà dòng suối này là nhánh đổ ra sông Thu Bồn.

Kinh đô Trà Kiệu thất thủ khi người Chăm sử dụng nơi đây làm nơi trấn ngự. Từ những yếu tố này người Chăm cho xây dựng đền thờ đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ IV bằng gỗ ở Mỹ Sơn để thờ thần Sisana Bhahadravana. Tên thần là sự kết hợp của tên các vị vua lúc bấy giờ là Bhahadravaman và thần Siva. Sau vị vua này, các vị vua khác lên ngôi và tiếp tục cho xây dựng đền tháp. Trước hết là thờ cúng thần linh, thứ hai là muốn tỏ uy quyền của mình. Dần dần từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII Mỹ Sơn trở thành một quần thể gồm khoảng 70 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Sau này các nhà nghiên cứu đã phân thành 12 nhóm. Cuối thế kỷ thứ XIII, do 2 bộ lạc Cau và Dừa không thống nhất với nhau về quyền lợi cũng như phong tục tập quán. Trong nước đã xảy ra nội chiến. Cũng thời điểm này, các nước láng giềng như Trung Hoa, Việt Nam, Khmer đã tiến hành các cuộc chiến tranh với Chămpa. Chính vì những lý do đó người Chăm đã dời kinh đô xuống phía Nam ở vùng Bình Thuận ngày nay. Sau thế kỉ thứ XIII, Mỹ Sơn hầu như bị bỏ hoang, không ai xây dựng đền đài cũng như tiếp tục thờ cúng ở Mỹ Sơn.

Mãi đến sau 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20 này, 2 nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Lúc bấy giờ vào khoảng 50 công trình kiến trúc, nhưng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Mỹ Sơn lại nằm trong địa bàn ném bom, cho nên bom đã phá huỷ phần lớn các kiến trúc. Hiện còn khoảng 20 di tích trong tình trạng không còn nguyên vẹn. Tiền thân của quần thể kiến trúc Mỹ Sơn cổ kính này, theo văn bia để lại là một ngôi đền làm bằng gỗ để thờ thần Siva Bhadravarman. Nhưng đến khoảng cuối thế kỷ 6, một cơn hoả hoạn đã thiêu cháy ngôi đền gỗ. Bức màn lịch sử đã được các nhà khoa học vén dần lên thông qua những bia ký và lịch sử nhiều triều đại xưa cho ta thấy Mỹ Sơn là khu thánh địa quan trọng nhất của dân tộc Chăm suốt từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 15. Bằng vật kiệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Đền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất.

Mỹ Sơn đã được trùng tu bởi E.F.E.O (Ecole Francaise d’Extreme Orient) trong thời gian từ 1937 đến 1944, nhưng khu vực này đã bị bom Mỹ tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Đến năm 1975 , trong số 32 di tích còn lại, chỉ có khoảng 20 đền, tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Vào năm 1980-1981, Việt Nam đã hợp tác với Ba Lan trong việc trùng tu Mỹ Sơn. Qua những công trình nghiên cứu của Pháp, Ba Lan và Việt Nam cho rằng: thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa vì ngày xưa người Chăm đã có quan hệ buôn bán với các nước như: Ả Rập, Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Ấn Độ. Chúng ta đang đứng tại khu Chămpa, kế bên là khu B, bố cục các tháp như sau:

Một tháp chính, một tháp cổng và một nhà đón khách hành hương gọi là nhà tịnh tâm. Tháp chính luôn ở vị trí trung tâm (C1), bởi nó là biểu tượng của trung tâm vũ trụ- nơi hội tụ thần linh. Những tháp phụ biểu tượng cho các lục địa, những châu lục. Ở Ấn Độ, người ta đào chung quanh những công trình này những rãnh sâu biểu tượng cho đại dương. Ở đây chúng ta không thấy chi tiết đó. Ảnh hưởng thứ hai là các tháp xây 3 tầng, biểu hiện cho 3 thế giới: dưới là thế giới trần tục, tầng giữa là thế giới tâm linh, tầng trên cùng là thế giới thần linh. Hướng các tháp mang các ý nghĩa như sau: phần lớn các tháp có cửa quay về hướng Đông, người Chăm quan niệm hướng Đông là hướng tốt nhất hướng của thần linh. Nhưng cũng có nhiều tháp quay về hướng Tây như khu A, E, F là để thờ ông bà tổ tiên. Hướng Bắc đem đến của cải vật chất cho vương quốc Chămpa. Tháp hướng Bắc để thờ thần tài lộc. Riêng hướng Nam các nhà nghiên cứu chưa tìm được ý nghĩa của nó.
Việc xây dựng tháp Chàm bằng những viên gạch đỏ chồng khít lên nhau không thấy mạch hồ khiến hình thành nên những huyền thoại cho rằng:

Người Chăm xây tháp bằng gạch mộc, dẻo gọt nó lên, rồi nung một khối tháp trong ngọn lửa khổng lồ.

Các chuyên gia Ba Lan khẳng định rằng người Chăm đã dùng gạch nung sẵn gắn với nhau bằng vữa đất sét và sau đó toàn bộ tháp được nung lại.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm đã dùng keo chiết từ thực vật (nhựa xương rồng và mật mía hoặc nhựa cây dầu rái) để dán những viên gạch với nhau.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy người Chăm đã sử dụng kết hợp một số biện pháp kĩ thuật khác nhau để xây tháp: dùng các viên gạch có độ lõm ở mặt tiếp xúc, khi xây lên không thấy vữa ở giữa các viên gạch còn ở giữa có lớp vữa dày; mài các viên gạch trong nước cho thật khít nhau rồi xếp lại cho bột gạch tự kết dính nhau trong sức nặng của trọng lực của phần trên tháp; dùng các viên gạch có mặt lõm mặt lồi theo kiểu âm dương, khi xếp lên tự thân nó liên kết với nhau. Sự tinh tế của tháp Chàm còn thể hiện ở vô số hình chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt do nghệ nhân đục đẽo trên tường tháp. Việc đục đẽo phải thực hiện chính xác tuyệt đối, tường gạch đã xây sẵn không thể vì một lỗi nhỏ mà phải phá đi xây lại. Hoàn toàn chính xác khi H.Parmetier nhận xét rằng người Chăm chạm gạch như chạm gỗ, đẽo đá như đẽo gỗ.




tải về 247.71 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương