Thánh Thể Hy Tế tuyệt vời giới thiệU


HÃY LÀM NHƯ NGƯỜI ĐẦY TỚ MẮC NỢ CHỦ ĐÃ LÀM



tải về 1.6 Mb.
trang14/23
Chuyển đổi dữ liệu17.11.2017
Kích1.6 Mb.
#34398
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   23

HÃY LÀM NHƯ NGƯỜI ĐẦY TỚ MẮC NỢ CHỦ ĐÃ LÀM

Chúng ta phải làm giống như người đầy tớ trong câu truyện của Chúa Giêsu trong tin Mừng Matthêu 18:23-27: Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin Ngài rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.

Hẳn ta phải kinh ngạc trước sự bạo dạn của người đầy tớ tự tin này, anh ta không ao ước được tha món nợ khổng lồ mình mắc phải, hay chỉ một phần món nợ ấy, nhưng chỉ xin được khất nợ mà thôi. Trong hoàn cảnh của anh ta, không một ai có thể trả một món nợ to lớn như thế, dù có sống thêm cả một trăm năm nữa.

Đương nhiên câu truyện Chúa Giêsu kể không có trong thực tế, nhưng là một dụ ngôn trong đó người đầy tớ biểu trưng cho một người đã phạm nhiều tội trọng và mắc một món nợ khổng lồ với Thiên Chúa. Hỡi bạn là tội nhân, bạn là người mà Chúa Giêsu đã nói: Ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng (Kh 3:17). Bạn không thể hình dung nổi món nợ của bạn lớn như thế nào đâu. Làm sao bạn có khả năng trả được mười ngàn nén vàng, khi mà dù sống bao nhiêu, bạn cũng không thể kiếm được dù chỉ một nén. Hình phạt do một tội trọng quá lớn khiến tự mình bạn không thể nào đền bù cho đến đời đời. Thế nhưng có một phương thế bạn có thể được xóa món nợ khổng lồ ấy. Cùng với người đầy tớ trong Tin Mừng, bạn hãy phục xuống chân Chúa và nài xin Người lắng nghe lời cầu xin của bạn: “Chúa đã kiên nhẫn với con. Xin cho con có thời giờ để con làm việc đền tội và trả hết món nợ của con. Nếu con không thể xin cử hành một lễ cho con, con sẽ hết sức siêng năng tham dự Thánh Lễ và dâng lên Chúa để đền trả món nợ nặng nề của con.”

CHA SANCHEZ cũng cho cùng một lời khuyên như thế: “khi bạn dự Thánh Lễ, hãy hình dung Thánh Lễ là của bạn, được Chúa Cha và Chúa Con ban cho bạn. Đây là một thực tế, đúng như lời tuyên bố của Chủ Tế: “Anh chị em hãy cầu nguyện, để hy tế của tôi và của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận” Linh mục tuyên bố với mọi người hiện diện rằng hy tế này không chỉ là của ngài mà là của mọi người, vì thế cũng là hy tế của bạn. Khi suy nghĩ về điều này, bạn hãy thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con mắc nợ Chúa bao nhiêu? Một trăm, một ngàn, hay có thể mười ngàn nén vàng? Lạy Chúa, con nhìn nhận mắc nợ Chúa nhiều lắm. Con đã sẵn sàng trả nợ. Con biết tự mình không đủ khả năng trả nợ, nhưng con có thể trả được nhờ vào công nghiệp Con Chí Thánh Chúa, Đấng hiện diện trên Bàn Thờ và được trao ban cho con. Con đặt đĩa thánh và chén thánh này trước mặt Chúa: xin Chúa hãy lấy đủ để trả phần nợ của con,” Hãy suy gẫm điều này với đức tin và bạn sẽ được an ủi khi biết rằng các món nợ của chúng ta có thể được thanh toán.

SỨC MẠNH VÔ SONG CỦA THÁNH LỄ

Bây giờ chúng ta hãy xét xem sức mạnh của Thánh Lễ lớn lao như thế nào để chúng ta có thể đặt hết tin tưởng vào đó. Các nhà thần học dạy chúng ta rằng Thánh Lễ, dù là cho chủ tế, cho người dâng tiền xin lễ, hay cho những người dự lễ, sẽ luôn luôn mang lại ơn tha thứ các hình phạt tạm của tội, ex opere operato, nhờ chính hành động của Thánh Lễ, nghĩa là sức mạnh và hiệu quả của Hy Tế Thánh Lễ không gia tăng vì chủ tế sốt sắng đạo đức hay giảm đi vì chủ tế tội lỗi; nhưng bất cứ khi nào Thánh Lễ được cử hành đúng đắn và hợp lệ, thì nhờ khả năng nội tại của Thánh Lễ, tự nó có giá trị vô hạn và hiệu quả kỳ diệu. Thánh Lễ có giá trị tự thân chứ không phải nhờ sự cộng tác của chúng ta hay linh mục, để ban ơn tha thứ các hình phạt tạm của tội.

Sự thật này có thể làm cho mọi người tội lỗi thêm tin tưởng, vì nhờ đó họ được bảo đảm rằng nếu họ dự lễ với lòng sám hối chân thành, họ chắc chắn nhận được ơn tha một phần hình phạt của tội, nhờ công nghiệp của Đức Kitô được chuyển cho chúng ta trong Thánh Lễ. CHA MARCHANTIUS nói về Thánh Lễ như là việc chiếm được thực sự những công nghiệp của Đức Kitô, mở ra Kho Tàng của Người để chúng ta có thể lấy những của cải trong đó và trả được món nợ của mình.

Kho tàng này quá lớn và quá đầy khiến cho giả sử như Đức Kitô phân phát cho mọi người tội lỗi trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, đủ để xóa hết các hình phạt của tội, thì vẫn còn dư dật cho vô vàn thế giới khác. Đức Kitô thường ban cho chúng ta một phần của kho tàng này: Khi chúng ta chịu Phép Rửa thì chúng ta dốc lòng ăn năn thực sự, khi đi xưng tội và rước lễ, khi làm các việc lành, nhưng không khi nào Người ban một cách hào phóng bằng trong Thánh Lễ. Hội Thánh dạy chúng ta điều này khi tuyên bố: Chúng ta nhận được những hoa quả của hiến tế đổ máu này một cách dồi dào nhất trong hiến tế không đổ máu này (Công Đồng Trent, Khóa 22, Chương 2). Lý do Thánh Lễ là hành vi cao nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất, và có ích nhất cho phần rỗi loài người; bởi vì trong Thánh Lễ, Đức Kitô vừa là Thượng Tế vừa đồng thời là Tế Vật. Chính là để tín hữu có thể được hân hoan vui sướng vì Thánh Lễ mà Đức Kitô ban những ân huệ của Người một cách hào phóng như thế.

Việc phân phát các của cải trong kho tàng của Đức Kitô cũng hầu như là chính Chúa Cứu Thế ngự xuống trên Bàn Thờ trong Thánh Lễ, và đi qua từ người này đến người khác đang tham dự. Người đặt tay vào từng người một thỏi vàng làm phần thưởng cho việc họ tham dự Thánh Lễ. Không ai tham dự mà không nhận được, trừ những ai tham dự trong tình trạng tội trọng, hay cố tình chia trí khi tham dự. Mọi người đều nhận được phần của mình, nhưng với số lượng khác nhau tùy theo tình trạng sẵn sàng đón nhận của mỗi người. Các đồng tiền trời này sẽ được tiêu như thế nào? Chúng có thể và phải được dâng lên Chúa Cha để trả các món nợ của chúng ta, tăng mức ân sủng và hạnh phúc tương lai của chúng ta. Chớ gì mọi người tội lỗi ghi tạc điều này vào lòng, và nếu có sa ngã phạm tội, họ hãy mau mắn đến nhà thờ, dự Thánh Lễ sốt sắng và dâng lên Thiên Chúa để được ơn tha tội, tha các hình phạt của tội và sửa đổi đời sống. Đây là cách tốt nhất và chắc chắn nhất để nhận được các Ân Sủng này và được gìn giữ để khỏi sa ngã phạm tội lại.

SỐ LƯỢNG HÌNH PHẠT TẠM CÓ THỂ ĐƯỢC THA NHỜ MỘT THÁNH LỄ

Từ những điều nói trên, độc giả nào đã nhận thấy rằng hình phạt tạm của tội có thể được tha thứ nhờ Thánh Lễ, có lẽ sẽ muốn biết Thánh Lễ có khả năng tha được bao nhiêu hình phạt tạm. Trước khi trả lời câu hỏi này, trước hết ta cần xét đến giá trị siêu vời của Thánh Lễ. CHA LUNCICIUS nói: “Thánh Lễ có giá trị vô hạn. Khi được cử hành bởi linh mục, Thánh Lễ tự bản chất thần linh của Tế Vật và Lễ Dâng, có giá trị không thua kém khi được dâng bởi chính Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly. Khi ấy Thánh Lễ là một hành vi có giá trị vô hạn, cũng như mọi việc làm khác. Người đã thực hiện ở trần gian, vì Ngôi Vị Thiên Chúa của Người có giá trị vô hạn. Do đó Hy Tế Thánh Lễ có giá trị vô hạn.

Cùng tác giả này tiếp tục cắt nghĩa chi tiết hơn rằng, mặc dù giá trị của Thánh Lễ là vô hạn, nhưng mức độ lợi ích mỗi người nhận được từ Thánh Lễ thì có hạn. Đó là vì con người tự bản chất là hữu hạn trong mọi việc họ làm cũng như trong mọi điều họ nhận được. Nhưng chắc chắn rằng giá trị vô hạn của Thánh Lễ làm cho Thánh Lễ trở thành một phương thế để đền bù vô số những lỗi phạm của chúng ta, cho nên nếu ai tham dự Thánh Lễ với lòng sốt sắng hoàn hảo, thì một Thánh Lễ mà thôi cũng đủ để xóa hết cho họ mọi tội lỗi và hình phạt của tội. Chúng ta phải sốt sắng tạ ơn Chúa biết bao vì đã đặt trong tầm tay chúng ta một phương thế dễ dàng như thế để được tha các món nợ nặng nề của chúng ta. Vì Thánh Lễ có giá trị siêu vời như thế, việc tham dự Thánh Lễ đem lại ơn ích cho chúng ta nhiều hơn là việc hãm mình đền tội vất vả.

THÁNH LORENSÔ GIÚSTINIANÔ xác nhận điều này khi nói: “Bạn hãy lấy một cái cân; hãy đặt lên một đĩa cân mọi thứ việc lành, cầu nguyện, ăn chay, phạt xác, hành hương và đủ thứ khác nữa; trên đĩa cân bên kia, bạn đặt một Thánh Lễ mà thôi. Hãy cầm cân và bạn sẽ thấy cán cân lệch hẳn về phía đĩa cân thứ hai này; lý do là vì trong Thánh Lễ, Đức Kitô được dâng lên, và nơi Người có sự sung mãn Thần Tính và Nhân Tính, như lời Thánh Phaolô nói: (Cl 2:9) nơi Người chứa đựng kho tàng công nghiệp vô hạn, và lời chuyển cầu của Người có sức mạnh vô biên.” Nói thế cũng như nói rằng: nếu bạn đã làm mọi thứ việc đền tội và sốt sắng dâng lên Thiên Chúa, bạn mới chỉ dâng những công việc của con người mà thôi, chẳng đáng kể là gì so với uy danh vô biên của Thiên Chúa, nhưng khi dự Thánh Lễ, bạn dâng các món quà Thần Linh, các công nghiệp của Đức Kitô, các vết thương, Mình Chúa Kitô, Máu Chúa Kitô, Cuộc khổ Nạn của Chúa Kitô, các Nhân Tính của Chúa Kitô, nhờ đó bạn dâng lên Thiên Chúa vô vàn vinh dự, lời ngợi khen, phục vụ và làm đẹp lòng Thiên Chúa vô cùng. Vì vậy chúng ta có thể kết luận một Thánh Lễ có thể xóa bỏ biết bao hình phạt của tội, vì trong cán cân Công Lý Thần Linh này, Thánh Lễ có sức mạnh hơn hẳn mọi việc đền tội của chúng ta. Và vì những việc đền tội này khi được làm trong tình trạng Ân Sủng thì đủ để tha các hình phạt tạm của một tội trọng, nên một Thánh Lễ mà chúng ta tham dự sốt sắng thì chắc chắn tha cho chúng ta nhiều tội trọng.

Còn nếu ai muốn tìm hiểu thêm nữa để biết chính xác số lượng hinh phạt trong Luyện Ngục được tha hay giảm nhẹ nhờ một Thánh Lễ, chúng tôi xin trả lời rằng Thiên Chúa không mặc khải cho Hội Thánh biết mức độ nặng nề hay thời gian chịu hình phạt bởi một tội trọng hay tội nhẹ.

Tuy nhiên có thể hỏi: “Nếu tham dự một Thánh Lễ mà được tha quá nhiều hình phạt bởi tội như thế, thì khi xin cử hành Thánh Lễ, chúng ta có thể hy vọng được những gì?” Tôi xin trả lời: xin dâng lễ cho mình khi còn sống thì được ơn nhiều hơn là chỉ dự lễ, vì khi ấy tất cả sự đền bù hay công nghiệp của Thánh Lễ thuộc về người ấy và được ban riêng cho người ấy. Thiên Chúa không cho ta biết số lượng hình phạt được tha, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng việc đền bù này có giá trị và hiệu quả rất lớn. Hiệu quả gia tăng khi cá nhân người xin dâng lễ thực sự tham dự. CHA MARCHANTIUS nói: “Thánh lễ ban ơn ích cho người xin dâng lễ khi người ấy hiện diện hơn là khi họ không hiện diện. Bởi vì mặc dù khi vắng mặt họ cũng được hưởng các ơn ích mà linh mục dành riêng cho họ, nhưng họ không rút ra được những ơn ích mà họ có thể nhận được khi hiện diện.

[ Ở đây cũng cần nhắc tới một sự kiện ít khi được biết đến. Khi ai xin cử hành một Thánh Lễ để tôn vinh một vị Thánh, hay để xin một ơn hay tránh một tai họa, người ấy xin lễ ‘theo một ý chỉ riêng’ của mình, nhưng quên không nghĩ đến việc lãnh lấy cho mình hay một ai khác sự đền bù hay công nghiệp của Thánh Lễ. Nếu linh mục cử hành Thánh Lễ cũng quên và không dành ý chỉ này riêng cho một ai, thì các công nghiệp ấy sẽ đi vào kho chung của Hội Thánh, trừ khi Thiên Chúa vì nhân từ mà cũng ban ơn ấy cho những ai vì không biết mà quên việc lãnh ơn ấy cho mình.

Khi một người ‘xin lễ’, người ấy thường có ý xin cho một ai đó còn sống hay đã chết. Chủ tế ít là phải có ý ‘làm theo ý chỉ của người dâng tiền xin lễ…’- (Biên tập)]

Vì vậy, bạn đọc thân mến, khi bạn xin lễ kính một vị Thánh hay theo ý chỉ riêng của bạn, bạn hãy nhớ lãnh lấy cho mình ơn ích hay công nghiệp của Thánh Lễ ấy. Bằng cách này bạn sẽ được hai ơn ích: bạn tôn vinh vị Thánh và được tha một phần hình phạt bạn còn mắc vì các tội của bạn. Hãy nhớ điều này mỗi khi bạn xin lễ.

Tất cả những điều trên đây phải khơi dậy nơi chúng ta lòng sốt sắng sống động và siêng năng tham dự Thánh Lễ hằng ngày; vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, hãy tham dự nhiều hơn một Thánh Lễ để nhờ đó được tha những hình phạt tạm ngay ở đời này – thay vì ở trong Luyện Ngục – Câu truyện sau đây sẽ cho thấy rõ việc thực hành này ích lợi cho chúng ta và đẹp lòng Chúa như thế nào.



CÂU TRUYỆN VỀ PASCAL VIVES

Trong quyển Lịch Sử Tây Ban Nha của tác giả Mariana có kể câu truyện về một chiến binh Tây Ban Nha có tên là Pascal Vives, một người có lòng tôn sùng đặc biệt đối với Thánh Lễ và dự Thánh Lễ hằng ngày, thậm chí nhiều lần mỗi ngày. Truyện xảy ra khi ông đang phục vụ dưới cờ của Bá Tước Castile, lúc ấy đã chinh phục được hầu hết nước Tây Ban Nha, và một đạo quân Moor rất đông đảo đã đến vây hãm lâu đài của Bá Tước. Quân phòng thủ lâu đài bị đánh bất ngờ nên thất bại thảm hại. Bá Tước bèn quyết định một trận liều chết cùng với quân của mình để đẩy lui quân Moor. Sáng hôm sau ông dự lễ cùng quân lính, và với lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của Chúa, quân ông xông thẳng vào quân địch. Nhưng Pascal Vives vẫn ở lại trong nhà thờ và dự liên tiếp tám Thánh Lễ liền, cầu nguyện sốt sắng để Chúa ban chiến thắng cho Bá Tước. Trong khi ông cầu nguyện trong nhà thờ còn các đồng đội đang ác chiến với quân địch, những người này bỗng trông thấy Pascal Vives thắng con ngựa chiến rồi xông thẳng vào quân Moor tả xông hữu đột chém giết quân Moor tơi tả. Trong khi hô hào quân lính dũng cảm tiến lên theo ông, ông phá vỡ hàng ngũ quân địch, cướp cờ của chúng và làm chúng tan tác. Trận đánh kéo dài gần bốn tiếng đồng hồ và chỉ kết thúc sau Thánh Lễ thứ tám khi ông dự xong. Quân Moor đại bại. Mọi người đều cho rằng chiến thắng này là do sự dũng cảm anh hùng của Pascal Vives và Bá Tước đã truyền lệnh tuyên dương ông với mọi tước hiệu. Nhưng khi trận đánh kết thúc, Pascal đã biến mất, họ đi tìm khắp chiến trường nhưng không thấy ông đâu cả.

Sự thật là ông vẫn ở trong nhà thờ và đã ở đó gần như suốt cả ngày hôm ấy, vì ông xấu hổ không dám ra ngoài, sợ bị quân lính chê cười là hèn nhát và bị Bá Tước đuổi khỏi quân ngũ. Ông không nghe được tin tức gì về trận đánh và cũng không biết bên nào đã chiến thắng. Bấy giờ Bá Tước mới sực nghĩ ra rằng có lẽ Pascal đã vào nhà thờ để tạ ơn Chúa vì chiến thắng này. Ông bảo quân lính vào nhà thờ tìm Pascal. Họ tìm thấy Pascal và đưa ông tới trình diện Bá Tước và các sĩ quan. Khi mọi người bắt đầu ca ngợi ông vì lòng dũng cảm và nói rằng chính nhờ ông mà Thiên Chúa đã ban chiến thắng cho họ, ông hoàn toàn sửng sốt không biết nói gì. Một lúc sau, được Chúa soi sáng, ông thú nhận là ông đã không tham dự trận đánh, nhưng đã ở lại trong nhà thờ và dự tám Thánh Lễ liền. Quân lính không tin những gì ông nói, vì chính mắt họ đã nhìn thấy ông tả xung hữu đột ngoài mặt trận và còn hô hào họ dũng cảm chiến đấu.

Bấy giờ Pascal trả lời: “Nếu quả thật như các bạn nói, thì vị hiệp sĩ dũng mãnh mà các bạn thấy giống hệt tôi chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tội, vì tôi quả quyết tôi không hề ra khỏi nhà thờ trong suốt cả ngày. Hãy cùng tôi tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa đã sai một Thiên Thần đến giúp các bạn chiến thắng quân thù. Từ sự kiện này, các bạn hãy rút ra bài học là Thiên Chúa vô cùng hài lòng khi chúng ta tham dự Thánh Lễ và Thánh Lễ quả vô cùng ích lợi cho chúng ta, vì tôi tin chắc rằng nếu tôi không dự các Thánh Lễ ấy, hẳn Thiên Thần Bản Mệnh của tôi đã không xuất hiện và dẫn đưa các bạn tới chiến thắng hiển hách này.” Với những lời như thế, ông khích lệ các bạn đồng đội thêm lòng sốt sắng khi tham dự Thánh Lễ.

Hi vọng sự kiện này cũng có một hiệu quả giống như thế nơi những nơi nghe kể câu truyện này và giúp họ siêng năng tham dự Thánh Lễ hơn trong tương lai. Trên hết, những người tội lỗi nặng nề mà ít làm việc đền tội thì phải siêng năng tham dự Thánh Lễ. Chúng ta biết Thiên Chúa Chí Công không thể để cho một tội nào không bị trừng trị. Mọi tội đều phải được đền bù ở đời này hay đời sau. Tự nguyện đền tội của bạn ngay đời này thì tốt hơn là để Thiên Chúa trừng phạt bạn ở đời sau. Và nếu bạn không thể làm các việc đền tội khó khăn, hãy chọn việc dễ dàng là tham dự Thánh Lễ, nhờ đó bạn có thể trả hết các món nợ của bạn.

CHƯƠNG 17: THÁNH LỄ: CÔNG TRÌNH TUYỆT VỜI CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Trong hầu hết các chương trước của sách này, chúng ta đã nói nhiều về Chúa Cha và Chúa Con, nhưng ít nói về Chúa Thánh thần. Để chứng minh mức độ hợp tác của Ba Ngôi Thiên Chúa trong Thánh Lễ, bây giờ chúng ta sẽ xét đến hành động của Người trong hành vi thờ phượng tâm điểm này. Không thể nào đánh giá đúng mức, càng không thể diễn tả bằng lời những ơn ích người Kitô hữu nhận được nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và Người luôn luôn lo việc làm dịu Công Lý của Thiên Chúa và cứu người tội lỗi khỏi án phạt đời đời. Chúa Thánh Thần đã hình thành Nhân Tính Đức Giêsu từ lòng Đức Mẹ Maria đồng trinh; Người đã tạo nên linh hồn nhân loại của Đức Kitô và kết hiệp với linh hồn ấy với Thiên Tính trong một ngôi vị duy nhất một cách không thể nào hiểu được. Người là Đấng đã hoàn thành tốt đẹp công trình cứu chuộc loài người vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi Người hiện xuống trên các tín hữu dưới hình lưỡi lửa, đốt cháy nơi họ Tình Yêu Thiên Chúa, và ban Ân Sủng của Người để cải hóa những người tội lỗi cứng lòng không bị đánh động bởi các phép lạ hay Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Người luôn luôn ở lại với người tín hữu đích thực, và mặc dù bị nhiều tín hữu xúc phạm và lăng nhục, song Người không bao giờ từ bỏ họ, trái lại Người gõ cửa lòng họ và xin họ mở cho Người vào.

Tất cả là những hành vi thần linh cao cả khiến chúng ta có thể nói đúng rằng Thánh Lễ là công trình chính yếu và siêu vời nhất của Chúa Thánh Thần, vì lý do sau đây: Tất cả các nhà thần học đều nhất trí là Mầu Nhiệm Nhập Thể là kỳ công vĩ đại nhất của kế hoạch Thiên Chúa, vì chính trong Mầu Nhiệm này, Thiên Chúa vô hạn được kết hợp với Nhân Tính hữu hạn của Đức Kitô trong một Ngôi Vị duy nhất. Công trình này được hoàn tất nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần.” Công trình này đã đáng kinh ngạc rồi, nhưng phép lạ thực hiện trong Thánh Lễ còn đáng kinh ngạc hơn, bởi vì trong Thánh Lễ, Thiên Tính Toàn Năng và Nhân Tính Hoàn Hảo của Đức Kitô đã hạ mình xuống thấp tới mức hiện diện trong từng vụn Bánh Thánh nhỏ bé nhất.

Chúa Thánh Thần là tác nhân trong mầu nhiệm này, như chúng ta được biết trong Phụng Vụ của Thánh Giacôbê Tông Đồ. Ngay trước lúc Truyền Phép, chúng ta có lời nguyện này: “Lạy Chúa, con khẩn khoản nài xin Chúa sai Thánh Thần Chúa ngự xuống những của lễ này bằng sự hiện diện thánh thiện và vinh hiển của Người, để thánh hóa các của lễ này và làm cho bánh này trở thành Mình Thánh, và chén rượu này trở thành Máu Thánh Đức Kitô Con Chúa.” Trong Phụng Vụ của Thánh Clêmentê, giáo hoàng tử đạo, cũng có những lời gần y hệt: “Lạy Chúa, chúng con khẩn khoản nài xin Chúa sai Thánh Thần Chúa ngự xuống của lễ này, để làm cho bánh này trở thành Mình Thánh, và chén rượu này trở thành Máu Thánh Đức Kitô của Chúa.” Cả hai vị đại thánh này sống cùng thời đều cho rằng công việc Biến Đổi Bản Thể của bánh và rượu này không phải là do tác động của Chúa Kitô, mà là Chúa Thánh Thần. Và các ngài cầu xin Chúa Thánh Thần hoàn thành công việc này. Bởi vì, cũng như Chúa Thánh Thần đã tác động việc nhập thể của Con Thiên Chúa theo lời chứng của Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con sinh ra sẽ là Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1:35), thì cũng thế, chính Chúa Thánh Thần làm cho mầu nhiệm này tái hiện trong mọi Thánh Lễ.

Sự kiện này cũng được biểu thị bằng hành động của linh mục: trước khi làm dấu Thánh Giá trên bánh và rượu sau khi được dâng lên, linh mục ngước mắt lên Trời, giang hai tay ra rồi chấp lại trước ngực, và cầu khẩn Chúa Thánh Thần bằng những lời này: “Lạy Đấng thánh hóa là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu, xin ngự đến và chúc phúc cho Hy Tế này được dâng lên nhân danh Chúa.” Lời nguyện này chứng tỏ một cách hiển nhiên rằng Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống để chúc phúc và thánh hóa hy tế thánh. Thánh Ambrôsiô cũng nói trong Phụng Vụ của ngài: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Uy Nghi vô hình ngự xuống, như Người đã ngự xuống trên các lễ vật toàn thiêu của các Tổ Phụ xưa.”

CÂU TRUYỆN VỀ THỊ KIẾN CỦA THÁNH HILDEGARDE

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu xem Chúa Thánh Thần thực hiện việc Biến Đổi Bản Thể như thế nào. Nữ Tu Viện Trưởng Hildegarde nói: “Có một lẩn khi chủ tế mặc phẩm phục bước lên Bàn Thờ, tôi thấy một ánh sáng chói lòa từ trời xuống chiếu sáng cả Bàn Thờ. Ánh sáng này chỉ biến đi khi chủ tế rời cung thánh sau khi hết lễ. Tôi nhận thấy khi chủ tế đọc đến câu Thánh Thánh Thánh và bắt đầu đọc đến phần Lễ Qui, một ngọn lửa sáng rực chiếu xuống soi sáng bánh và rượu, với một thứ ánh sánh giống như những tia mặt trời chiếu vào gương. Dưới luồng ánh sáng này, bánh thánh và rượu thánh bay lên trời và khi rơi xuống thì được biến đổi thành Thịt và Máu Thật, mặc dù mắt trần vẫn thấy đó là bánh và rượu. Khi tôi chăm chú nhìn vào Thịt và Máu này, tôi thấy các dấu hiệu của Nhập Thể, Giáng Sinh, Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế phản chiếu trong đó giống như trong gương, y hệt những gì chúng ta biết về những sự kiện đã hoàn tất khi Con Thiên Chúa xuống trần.”

Thị kiến này của Thánh Hildegarde cho chúng ta thấy việc biến đổi bản thể của bánh và rượu được thực hiện một cách kỳ diệu như thế nào bởi sức mạnh sâu xa của Lửa Thần Linh, tựa như gỗ được biến thành than hồng dưới sức lửa tự nhiên. Điều mà vị Tu Viện Trưởng thánh thiện này được đặc ân nhìn thấy khi xảy ra trong mỗi Thánh Lễ: một ánh sáng thiên thai bao quanh bàn thờ từ đầu đến cuối Thánh Lễ, và đến lúc Truyền Phép, một ngọn lửa sáng rực từ trời đi xuống biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu thật sự của Đức Kitô.

Chúng ta có một biểu trưng rất đẹp về sự thật này trong Cựu Ước. Sách Thánh ghi lại rằng lần đầu tiên ông Aharon dâng lễ tế: “Vinh quang Đức Chúa xuất hiện giữa toàn dân. Lửa phát ra từ trước nhan Đức Chúa đốt sạch lễ toàn thiêu và mỡ trên bàn thờ. Thấy thế toàn dân reo mừng và cúi rạp xuống” (Lv 9:23-24).

Một cảnh giống như thế cũng xảy ra trong lúc cung hiến Đền Thờ Salômôn: “Vua Salômô cầu nguyện xong, thì có lửa từ trời xuống đốt hết lễ toàn thiêu và các lễ vật, và vinh quang của Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ. Các tư tế không thể vào Đền thờ vì vinh quang của Đúc Chua tràn ngập Đền Thờ. Toàn thể con cái Israel thấy lửa tràn xuống và vinh quang của Đức Chúa ngự trên Đền Thờ, thì phủ phục xuống đất, mặt sát nền nhà: họ thờ lạy và tôn vinh Đức Chúa (2 Sbn 7:1-3)

Cả hai trường hợp sau đây đều biểu trưng cho Hy Tế Thánh Lễ, trong đó Chúa Thánh Thần là lửa từ trời xuống biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô.



SỰ KIỆN 1

Người ta kể về Thánh Clêmentê, Giám Mục Tử Đạo, rằng khi ngài bị Hoàng Đế Điôclêtianô đày ra đảo Rhodes, tại đây theo yêu cầu của Đức Giám Mục, ngài dâng Thánh Lễ và đến lúc Truyền Phép, Bánh Thánh biến thành một cái gì giống như một miếng than hồng trước mặt mọi người. Người ta cũng thấy vô số Thiên Thần bay lượn trên Bánh Thánh trong sự thờ lạy hân hoan vui sướng. Miếng Than Hồng sáng rực lên chói lòa khiến cộng đoàn không ai có thể nhìn thẳng vào, họ sấp mặt xuống đất cho tới sau rước lễ. Mãi đến khi Thánh Clêmentê hết sức cung kính chuẩn bị rước Mình Thánh, miếng Than Hồng ấy mới trở lại hình dạng ban đầu.



SỰ KIỆN 2

Baronius kể rằng một phép lạ giống như thế cũng xảy ra nhiều lần khi Thánh Inhaxiô, Giáo chủ của Constantinope cử hành Thánh Lễ một cách đặc biệt sốt sắng và chăm chú. Trong Giáo Hội Hi Lạp, người ta có thói quen dùng bánh lễ màu vàng chứ không phải bánh lễ màu trắng để làm lễ. Tất cả những người dự lễ đều hết sức kinh ngạc khi thấy bánh sáng rực lên một ánh sáng thiên thai, là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần. Vì Chúa Thánh Thần là Lửa cháy bừng và Người đã hiện xuống với các Tông Đồ như thế vào ngày lễ Ngũ Tuần, để cho thấy Người là Lửa Đức Ái nóng bỏng kết hợp Chúa Cha và Chúa con.



SỰ KIỆN 3

Baronius cũng kể câu truyện sau đây, cho thấy bằng chứng hiển nhiên về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Thánh Lễ. Xưa kia ở Formello, gần Rôma, có một giám mục rất chuyên cần chu toàn các bổn phận chức vụ mình và hết sức kính cẩn khi dâng Thánh Lễ. Vậy mà ngài bị một số kẻ xấu tố cáo lên Giáo Hoàng Agapetus là gây gương mù cho con chiên bằng cách dùng các Bình Thánh ở bữa ăn. Đức Giáo Hoàng tin vào lời tố cáo và đã triệu giám mục này về Rôma và giam trong tù.

Sáng ngày thứ ba sau khi ngài bị ngồi tù, một Thiên Thần hiện ra với Đức Giáo Hoàng trog giấc mơ và bảo: “Chúa Nhật này con hay bất cứ Hồng Y nào khác đều không được làm lễ; chỉ có Giám Mục mà con đã bắt ngồi tù.” Đức Giáo Hoàng tỉnh giấc và tự nhủ: “Mình có nên cho phép vị giám mục đã phạm thánh được dâng lễ không?”Trước khi tự trả lời, ngài lại ngủ thiếp đi và lại nghe cũng một giọng nói lúc trước: “Ta nói cho con biết, không ai ngoài vị Giám Mục kia sẽ cử hành Thánh Lễ.” Trong khi Đức Giáo Hoàng con đang phân vân không biết phải xử lý thế nào, thì giọng nói kia lại nói lần thứ ba: “Hãy liệu hồn nếu con cho phép một giám mục nào khác cử hành Thánh Lễ trước mặt con hôm nay ngoài vị giám mục đang ngồi tù.”

Bị cảnh cáo, Đức Giáo Hoàng sai người đưa giám mục kia đến trình diện và điều tra về cung cách sống của ngài và buộc ngài giải trình các hành vi của ngài. Đức Giám Mục chỉ đáp vắn gọn: “Con là kẻ có tội”. Đức Giáo Hoàng hỏi: “Có thực con có dùng bình thánh cùa bàn thờ để uống rượu tại bữa ăn không?” Đức Giám Mục vẫn đáp như lần trước: “Con là kẻ có tội.” Vì không nhận được câu trả lời nào khác, Đức Giáo Hoàng truyền lệnh: “Con phải cử hành Thánh Lễ trước mặt ta hôm nay.” Khi Đức Giám Mục khiêm tốn xin kiếu, Giáo Hoàng lập lại lệnh: “Con phải cử hành Thánh Lễ Đại Triều hôm nay trước mặt Ta và tất cả các Hồng Y.” Nghe lệnh rõ ràng này, vị Giám Mục tốt lành không còn từ chối được nữa.

Cùng với nhiều thầy giúp lễ, ngài bước lên bàn thờ và bắt đầu dâng Thánh Lễ. Khi đọc đến lời nguyện trước khi làm dấu Thánh Giá trên Bánh và Chén Thánh, “Lạy Đấng Thánh Hóa là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu, xin ngự đến và chúc phúc cho hy tế này được dâng lên nhân danh Chúa.” Ngài lập lại lời này bốn lần rồi dừng lại. Mọi người tỏ ra mất kiên nhẫn và Đức Giáo Hoàng hỏi: “Tại sao con dừng lại và lập lại kinh này bốn lần?” “Tâu Đức Thánh Cha, ngài đáp, xin tha lỗi cho con, con lặp lại kinh này vì con chưa nhìn thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Bàn Thờ. Con có thể xin Đức Thánh Cha bảo thầy phó tế đứng xa con ra không? Con không dám bảo thầy ấy.”

Bấy giờ Đức Thánh Cha bảo thầy phó tế đứng xa vị giám mục một quãng. Vừa khi thầy bước ra xa thì cả Đức Giáo Hoàng và vị Giám mục này đều nhìn thấy Chúa Thánh thần từ Trời ngự xuống, trong khi chủ tế, thầy phó tế và các thầy giúp lễ được bao bọc trong một đám mây sáng láng. Phép lạ này đã thuyết phục Đức Giáo Hoàng Agapetus về sự vô tội và thánh thiện của vị Giám Mục; ngài rất ân hận vì đã bắt Giám Mục ngồi tù, và quyết tâm sẽ không còn hành động một cách thiếu suy xét như thế trong tương lai nữa và sẽ điều tra kỹ lưỡng trước khi tin vào một sự kiện cáo nào.



Каталог: uploads -> Files -> pub dir
pub dir -> Nghị định số 79/2006/NĐ-cp, ngày 09/8/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược
pub dir -> Nghị quyết củA Ủy ban thưỜng vụ quốc hộI
pub dir -> Bm-hapi-13-09 Dïng trong tr­êng hîp dù ¸n ®Çu t­ g¾n víi thµnh lËp Chi nh¸nh Céng hoµ x· héi chñ nghÜa ViÖt Nam
pub dir -> BỘ TÀi chính số: 11660 /btc-tct v/v chính sách thuế tndn đối với lĩnh vực xã hội hoá. CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
pub dir -> QuyếT ĐỊnh của thống đỐc ngân hàng nhà NƯỚc việt nam số 03/2006/QĐ-nhnn ngàY 18 tháng 01 NĂM 2006 VỀ việc kinh doanh vàng trên tài khoảN Ở NƯỚc ngoàI
pub dir -> BỘ TÀi chính cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
pub dir -> Quy đỊnh chung điều Phạm VI điều chỉnh
pub dir -> Thực hiện Nghị định số 08/2001/NĐ-cp ngày 22/02/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện
pub dir -> CỦa ngưỜi làm ngàNH, nghề kinh doanh có ĐIỀu kiệN
pub dir -> SỔ liên lạC ĐIỆn tử-vnpt school-sms

tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương