THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


TRUNG QUỐC PLA siết chặt kỷ luật sau vụ Từ Tài Hậu



tải về 228.51 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích228.51 Kb.
#31007
1   2   3   4

TRUNG QUỐC
PLA siết chặt kỷ luật sau vụ Từ Tài Hậu

TTXVN (Hong Kong 3/7) - Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) chiều 2/7, toàn bộ các sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được yêu cầu phải nắm vững những tin tức về vụ án tham nhũng của nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (Xu Cai Hou) và các quân khu của nước này đã cam kết sẽ làm trong sạch hàng ngũ lãnh đạo của mình.

Quân đội Trung Quốc đã siết chặt kỷ luật trong giới lãnh đạo và tập hợp đằng sau Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) cũng như là chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo này, tuyên bố rõ ràng về sự trung thành của họ trong những trang nhất của một loạt tờ báo chính thức ở Trung Quốc Đại lục sau sự sụp đổ của Thượng tướng về hưu Từ Tài Hậu.

Các cơ quan quân sự cấp cao và toàn bộ các Bộ Tư lệnh của 7 Đại quân khu của quân đội Trung Quốc đã cam kết ủng hộ cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào Tướng Từ Tài Hậu và đã tuyên thệ hoàn toàn trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình – người hiện cũng đang là Tổng Tư lệnh của họ trên cương vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương – trong một bài viết đăng trên trang nhất của nhật báo Quân Giải phóng số ra ngày 2/7. Tiêu đề của bài báo được thể hiện bằng khổ chữ lớn chạy hết trang báo mang nội dung rằng PLA và Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP) “kiên quyết ủng hộ” chiến dịch truy quét tham nhũng và nói rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc khai trừ Tướng Từ Tài Hậu là “quyết định đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Nhật báo Quân Giải phóng cho biết, các quan chức PLA thuộc tất cả các cấp bậc đã được yêu cầu đọc hoặc xem những tin tức báo chí về cuộc điều tra Tướng Từ Tài Hậu, trong khi các bộ tư lệnh quân khu đã cam kết tăng cường đẩy mạnh các biện pháp chống tham nhũng.

Tướng Từ Tài Hậu, 71 tuổi, sẽ là quan chức quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc phải ra tòa vì tội tham nhũng kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Nếu bị kết tội, ông này có thể phải đối mặt với bản án tử hình.

Cũng trong ngày 2/7, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng trên trang nhất một bài bình luận về vụ “ngã ngựa” của Từ Tài Hậu. Bài báo này viết: “Không có khu hành chính đặc biệt nào cho nạn tham nhũng và không có vùng cấm đối với chiến dịch chống tham nhũng của Đảng”. Bài viết này cũng nói thêm rằng các vị trí cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc không tự nhiên là một “chiếc hộp an toàn” cho các quan chức tham nhũng.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố được chờ đợi từ lâu về một cuộc điều tra đối với Tướng Từ Tài Hậu chỉ vài giờ trước lễ kỷ niệm 93 năm ngày thành lập đảng này (1/7/1921-1/7/2014). Nhân vật từng là quân nhân chuyên nghiệp có vị trí cao thứ hai trong PLA đã bị cáo buộc bỏ túi nhiều triệu Nhân dân tệ tiền ăn hối lộ và bán chức tước trong quân đội cho nhiều sĩ quan. Ngoài ra, ông này còn bị cáo buộc phạm nhiều tội khác.

Theo nhật báo Quân Giải phóng, một quan chức cấp cao từ Lực lượng Pháo binh 2 (đơn vị tên lửa chiến lược và vũ khí hạt nhân) của PLA nói rằng các binh sĩ sẽ “thực hiện những mệnh lệnh chính trị (của Đảng Cộng sản Trung Quốc) để trở thành một lực lượng “tuyệt đối trung thành, trong sạch và đáng tin cậy”.

Các quan chức cấp cao thuộc lực lượng không quân Trung Quốc cũng nói rằng toàn bộ lực lượng này một lòng một dạ đứng đằng sau “sự lãnh đạo chính trị” của ông Tập Cận Bình và kiên quyết bài trừ sạch nạn quan liêu.

Nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội từ lâu đã được coi là một bí mật công khai ở Trung Quốc Đại lục. Mức độ và quy mô tham nhũng của quân đội Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của công chúng trong vụ án của cựu Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần PLA, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn (Gu Jun Shan). Trong vụ án này, các nhà điều tra đã làm rõ về sự giàu có và lối sống xa hoa của viên tướng này – trong đó có việc quan tham này đã cất giấu những món đồ trang trí bằng vàng và các loại rượu đắt tiền như thế nào trong tầng hầm của một trong những ngôi nhà của ông ta.

Ngay sau khi Cốc Tuấn Sơn bị buộc tội hối lộ vào cuối tháng 3 vừa qua, 18 tướng lĩnh cao cấp của PLA đã tuyên thệ trung thành với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình bằng cách đưa ra những phát biểu cam kết thực hiện các tư tưởng của ông Tập Cận Bình về chiến lược quốc phòng và quân sự. Vài tháng sau đó có thêm 35 quan chức quân sự cấp cao, trong đó có cả Tướng Lưu Nguyên – người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của PLA – đã đưa ra những cam kết tương tự.

Sau vụ sụp đổ của Tướng Từ Tài Hậu, Chính ủy Tổng Cục Hậu cần Lưu Nguyên (Liu Yuan) cũng đã viết một bài bình luật trên tạp chí Cầu Thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó nói rằng các Đảng viên nên duy trì cảnh giác cao đối với “các nhóm lợi ích nhỏ,” hoặc các phe phái ở bên trong đảng này.

Sự sụp đổ của Tướng Từ Tài Hậu một lần nữa làm dấy lên những đồn đoán rằng chiến dịch chống tham nhũng thẳng tay nhằm vào các quan chức sâu mọt cũng sẽ giăng bẫy các nhà cựu lãnh đạo quân đội và Nhà nước Trung Quốc cùng với những nhân vật được họ bảo trợ.

Vụ truy tố Tướng Từ Tài Hậu cùng với một số quan chức cấp cao khác cũng đã làm dấy lên những đồn đoán rằng cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang (Zhou Yong Kang) có thể là “hổ lớn” tiếp theo bị đưa ra truy tố. Một loạt đồng minh và cựu trợ lý cấp cao của Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khoảng thời gian xung quanh thời điểm đảng này khai trừ Tướng Từ Tài Hậu.

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 2/7 cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa khai trừ thêm 3 cựu trợ lý của Chu Vĩnh Khang vì tội tham nhũng. 3 nhân vật này là Ký Văn Lâm, Dư Cương và Đàm Hồng. Theo báo này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của đảng này, nói rằng Ký Văn Lâm và Dư Cương cũng bị tình nghi đã ăn ở thiếu chung thủy với vợ. Các quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ rằng các đảng viên có thể bị trừng phạt vì cái gọi là hành vi phi đạo đức, ví dụ như ngoại tình. Nếu như sự vi phạm là nghiêm trọng, các đảng viên có thể bị khai trừ. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thường sử dụng lối nói uyển ngữ như “lối sống tha hóa” hoặc gán mác “xuống cấp về đạo đức” để ám chỉ những vụ ngoại tình của các quan chức và đảng viên.

Ký Văn Lâm là một trợ lý thân cận của Chu Vĩnh Khang và là một Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Hải Nam, trong khi Dư Cương là cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ban Chính pháp Trung ương. Nhân vật thứ ba bị khai trừ, Đàm Hồng, là một thành viên cấp cao của Cục Bảo vệ An ninh thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Cục này quản lý lực lượng cảnh sát bán quân sự Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP) của Trung Quốc. Ký Văn Lâm cũng là một trong những người tiền nhiệm của Dư Cương ở Ban Chính pháp Trung ương trước khi chuyển tới công tác ở tỉnh Hải Nam. Ông này đã bị cách chức Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam ở miền Nam Trung Quốc vào hôm 27/3 vừa qua. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã thông báo hồi tháng 2 vừa qua rằng Ký Văn Lâm đang bị điều tra vì đã có “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Cơ quan chống tham nhũng này thường sử dụng cụm từ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” trong lối nói uyển ngữ ám chỉ tội tham nhũng của các quan chức và Đảng viên.

Chu Vĩnh Khang đã giữ chức Bí thư Chính pháp Trung ương trong khoảng thời gian từ năm 2007-2013. Ông này hiện cũng đang bị điều tra kỷ luật. Các căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang trải dài từ các cơ quan an ninh nội địa, lĩnh vực dầu khí Nhà nước Trung Quốc, cho tới tỉnh Tứ Xuyên ở khu vực Tây Nam nước này, nơi Chu Vĩnh Khang từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 30/6 vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố khai trừ 3 trợ thủ khác của Chu Vĩnh Khang, gồm Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Ze Min), cựu Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước - cơ quan quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – đồng thời là một cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC); Vương Vĩnh Xuân (Wang Yong Chun), một cựu Phó Tổng Giám đốc CNPC; và Lý Đông Sinh (Li Dong Sheng), cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Tướng Từ Tài Hậu bị cho là một đồng minh của Chu Vĩnh Khang và là một người ủng hộ cựu Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai (Bo Xi Lai), người hiện đang phải thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng. Bản thân Chu Vĩnh Khang là một quan chức bảo trợ cho Bạc Hi Lai. Chu Vĩnh Khang là quan chức từng giám sát PAP, toàn bộ lực lượng ngày 2/7 đã cam kết ủng hộ những nỗ lực chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Thời báo Tài chính: Tập Cận Bình đang nỗ lực cải tổ lại quân đội

TTXVN (London 2/7) - Theo Thời báo Tài chính (Anh), cải tổ lại quân đội đang bị trì trệ là một mục tiêu của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 11/2012. Sau một năm rưỡi của nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập Cận Bình đã giành được thành công lớn nhất cho tới thời điểm này, đó là hạ bệ Thượng tướng Từ Tài Hậu, người từng là sỹ quan chỉ huy cao cấp của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và mới rút khỏi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hồi năm ngoái.

Ngày 23/6, Từ Tài Hậu đã bị khai trừ khỏi Đảng và hồ sơ vụ việc của ông đã được chuyển cho các công tố viên điều tra với cáo buộc nhận hối lộ để giúp nhiều sĩ quan thăng chức. Xử lý căn bệnh tham nhũng chỉ là một khía cạnh trong những nỗ lực cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo này hiện cũng đang tìm cách chuyển đổi PLA từ một quân đội được chính trị hóa và dựa vào nông dân, vốn là di sản truyền lại từ kỷ nguyên Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong), thành lực lượng chuyên nghiệp có khả năng tấn công tới bờ Tây Thái Bình Dương, tấn công qua Internet và thậm chí cả trong không gian. Tập Cận Bình đưa ra cam kết cải tổ PLA theo cách khác thường, đó là tại Hội nghị lần thứ ba của CPC diễn ra tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2013. Tại hội nghị này, ông Tập Cận Bình cam kết cải cách PLA bằng cách xóa bỏ những vị trí phi chiến đấu, phân bổ lại ngân sách theo hướng giảm bớt của lực lượng lục quân và hướng tới một hệ thống chỉ huy chung. Thông cáo của hội nghị cũng nêu rõ mục đích là nhằm "xây dựng một quân đội nhân dân mạnh, trung thành với CPC [Đảng Cộng sản]".

Cải tổ lại quân đội sẽ không hề dễ dàng chút nào. Các sỹ quan cấp cao của PLA từng chống đối lại những thay đổi trong gần hai thập kỷ qua. Lần cải tổ gần đây nhất được thực hiện từ năm 1985, khi đó Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping) đã xóa bỏ 4 trong 11 quân khu của Trung Quốc. Mang lại cho hải quân và không quân tiếng nói ngang bằng và nhiều nguồn lực hơn sẽ khiến cho nhiều sĩ quan lục quân bất bình. Ông Tai Ming Cheung, Giám đốc Viện Nghiên cứu Xung đột và Hợp tác toàn cầu thuộc Đại học California, cho biết: "PLA luôn là một quân đội do lục quân chi phối. Nếu ông Tập Cận Bình tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình thì đây sẽ là những cải cách rất ý nghĩa, làm thay đổi bản chất và trọng tâm của quân đội nước này".

Trong khi đó, ông Christopher Johnson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, cho rằng quyết định của ông Tập Cận Bình công bố việc cải cách hồi tháng 11/2013 đã đặt những vấn đề này vào trọng tâm của chương trình nghị sự chính trị. Ông nói: "Ông Tập Cận Bình đã đề cập trực tiếp đến quân đội bằng cách kêu gọi thiết lập một hệ thống chỉ huy chung trong tài liệu của hội nghị. Cách thức duy nhất có sức mạnh hơn đó là đưa vào trong các báo cáo của Đại hội Đảng chỉ diễn ra 5 năm một lần".

Ngay từ thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jin Tao), PLA đã bắt đầu hướng tới xây dựng một lực lượng hải quân mạnh, với việc hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này vào năm 2010. Tuy nhiên, những cải cách cơ cấu mà ông Tập Cận Bình đề ra nhằm kiểm soát sự thống trị của quân đội và đã tạo ra sự bất bình trong số các sĩ quan cấp cao. Rõ ràng một số sĩ quan cấp cao của PLA cảm thấy những biện pháp cải cách này gây tranh cãi sâu sắc khi Bộ Quốc phòng mô tả trong một bài báo đăng trên tờ Trung Hoa Nhật báo hồi tháng 12/2013 là "vô căn cứ" và "những tin đồn trên mạng". Bài báo này cũng nhắc đến những thông tin mà truyền thông Nhật Bản đưa ra đó là các kế hoạch cải cách sẽ bao gồm cả việc xóa bỏ 2 trong số 7 quân khu và cắt giảm tới 300.000 quân nhân ở vị trí phi chiến đấu vào năm 2022. Ông Johnson cho rằng "Cơ quan ngôn luận của Đảng và Bộ Quốc phòng thực sự không nên bất đồng với nhau, đó không phải là cách mà hệ thống ở nước này hoạt động". Tuy nhiên, ông Johnson nhận định quân đội có rất ít lựa chọn và sẽ buộc phải tuân theo các biện pháp cải cách của ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại thông điệp về quyền kiểm soát của Đảng vào ngày 15/3 vừa qua khi ông quyết định thành lập một ủy ban giám sát việc cải cách này. Đó cũng là ngày ông Từ Tài Hậu bị bắt chờ điều tra, một sự trùng hợp mà một số nhà phân tích cho là nhằm gửi tín hiệu đến các sỹ quan cao cấp của PLA. Khi tuyên bố thành lập ủy ban này, ông Tập Cận Bình một lần nữa đưa ra những ưu tiên hàng đầu trong việc cải tổ lại quân đội, trong đó việc "tuân thủ mệnh lệnh của Đảng" là ưu tiên đầu tiên. Ông Johnson phát biểu: "Thông điệp đã rõ ràng. Chúng ta đang di chuyển theo hướng này và bạn sẽ được chào đón lên boong. Và nếu bạn không theo, bạn sẽ được đưa vào căn phòng bịt kín và không có cửa sổ".



Tập Cận Bình chống tham nhũng và giữ Đảng

Đài BBC (đêm 2/7) - Frank N. Pieke gửi cho BBC từ Hà Lan. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, Giáo sư ngành Nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Leiden, Hà Lan. Ông hiện đang viết một cuốn sách về chính trị và xã hội Trung Quốc, sẽ do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành vào năm 2015.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã mang lại gương mặt mới cho chính trị Trung Quốc. Ăn há cảo cùng dân thường, lên truyền hình giải thích chính sách bằng ngôn ngữ mà ai ai cũng hiểu, và gây ấn tượng với lãnh đạo các nước trên thế giới bằng phong cách thân thiện mà lại tự tin đầy quyền lực; ông Tập khác người tiền nhiệm lạnh lùng và nhạt nhẽo Hồ Cẩm Đào một trời một vực.

Thế nhưng điều này có làm thay đổi bản chất của nền chính trị Trung Quốc hay không? Tập Cận Bình không phải lúc nào cũng cười. Chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tiền lệ mà ông khởi xướng đang lôi hết nhân vật cấp cao này tới nhân vật cấp cao khác, phơi bày không chỉ tham nhũng vặt mà cả những khối tài sản khổng lồ của các lãnh đạo Trung Quốc.

Vụ nhà tài phiệt Lưu Hán bị tử hình hồi tháng 5 vừa qua vì tội “tổ chức và chỉ đạo tội phạm và giết người kiểu mafia” cũng cho thấy một điều khác: đó là sự xâm nhập của các mạng lưới tội phạm hùng mạnh vào bên trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập cũng không hẳn là bước ngoặt như người ta tưởng.



Bình cũ rượu mới?

Mục tiêu của chiến dịch này đúng là đã lên tới các cấp cao [của hệ thống chính trị] nhưng dường như chỉ hạn chế trong số các đối thủ của ông Tập và tay chân của những người này, thí dụ như cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Nói cho cùng thì đây cũng chỉ là chuyện chính trị nội bộ, mà vụ Bạc Hi Lai đã gây chia rẽ nặng.

Việc ông Bạc bị thanh trừng, cùng các nỗ lực hạ bệ Chu Vĩnh Khang cùng vây cánh cho thấy một điều cũ như trái đất. Chia rẽ bên trong tầng lớp chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là nguồn gốc của sự bất ổn của thể chế và đối với lãnh đạo Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là các đe dọa từ bên ngoài như lực lượng ly khai, bất đồng chính kiến hay tôn giáo cực đoan. Cạnh tranh của các phe nhóm đang phá hoại sự đoàn kết trong Đảng và làm tan vỡ vỏ huyền bí của điều được cho là quyền lãnh đạo thiêng liêng của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý rằng đang có những thay đổi trong hệ thống chính trị Trung Quốc mà thoạt tiên tỏ ra không mấy choáng ngợp nhưng về lâu về dài có thể trở nên vô cùng quan trọng.

Sự phát triển của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã thay đổi hệ thống xã hội Trung Quốc, làm nảy sinh các mâu thuẫn và xung đột quyền lợi mới. Các tập đoàn nội địa và ngoại quốc, các tập hợp người trung lưu, nông dân bị mất đất, nạn nhân của tình trạng thiếu an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường hay lao động nhập cư... nay đều có thể gây ảnh hưởng về chính trị. Nói chung, Đảng Cộng sản Trung Quốc không tìm cách trấn áp mà quản lý và điều phối ảnh hưởng của các nhóm lợi ích lên hệ thống chính trị, cách tiếp cận này thường được gọi là “quản trị xã hội”. Thế nhưng nay Đảng không còn hoàn toàn ở vị trí chủ động nữa.

Đảng quản trị xã hội càng tốt thì xã hội lại càng có nhiều không gian và đòn bẩy để ‘quản lý’ lại Đảng và chính phủ. Hệ thống đơn từ khiếu nại hay hệ thống luật pháp cho phép người dân được thưa kiện đòi bồi thường, và ý kiến của họ phải được giới chức tiếp thu khi soạn thảo hay thực thi chính sách. Còn có những phương cách ít biết đến hơn, mà qua chúng các nhóm xã hội khác nhau để dấu ấn lên hệ thống chính trị. Để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách, các tổ chức NGO, hội đoàn kinh doanh cả trong và ngoài nước đã và đang tổ chức nhiều hội nghị, viết bài, cung cấp tư liệu phân tích và trực tiếp tiếp xúc với các lãnh đạo.

Về phần mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ đã phát triển cách thức riêng để ra quyết đị́nh chính sách, như nghiên cứu, thu thập ý kiến chuyên gia và trưng cầu dân ý. Các viện nghiên cứu (think-tank) đã bắt đầu được thành lập trong những năm 1980 và nay mỗi bộ ngành đều có các viện nghiên cứu riêng của mình. Các trường Đảng cũng như các trường đại học đều thường xuyên thực hiện các dự án liên quan chính sách. Bản thân Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có những khóa nghiên cứu tập thể.

Kể từ đầu thập kỷ 1990, ngày càng nhiều người Trung Quốc có học vấn làm việc trong bộ máy Đảng và chính quyền. Những người này cho rằng tìm cách ảnh hưởng từ bên trong thì sẽ hiệu quả hơn là chống chính quyền từ bên ngoài như các nhân vật bất đồng chính kiến hay giới vận động lưu vong. Bắc Kinh đang ngày càng trở nên giống các trung tâm chính trị lớn của phương Tây như Washington hay Brussels, nơi đầy các viện nghiên cứu, nhóm vận động, tổ chức và các quỹ nhầm gây ảnh hưởng lên bộ máy quyền lực. Tất nhiên quá trình ra chính sách vẫn được thực hiện một cách nội bộ nhưng nay không hoàn toàn tách biệt với bên ngoài nữa. Chính sách đã được ảnh hưởng thông qua nhiều kênh khác nhau, các kênh này phát sinh tự nhiên hay có dàn xếp.

Giảm bớt kiềm tỏa về quyền lực

Điều này dẫn đến câu hỏi về tham nhũng. Nếu như chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhằm để làm sạch hệ thống chính trị Trung Quốc thì cũng phải hỏi là tham nhũng đã thanh đổi thực chất tiến trình chính trị ở Trung Quốc như thế nào. Thí dụ việc ăn hối lộ hay lợi ích kinh doanh của các ông tỷ phú đỏ ảnh hưởng thế nào tới quá trình hoạch định và thực thi chính sách? Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có trở thành phương tiện của một bộ phận quyền lực để họ cai trị đất nước vì lợi ích riêng của mình hay không? Trả lời được các câu hỏi này, chúng ta sẽ biết được mức độ giao quyện của quyền lực, tài chính và tội phạm có tổ chức, mức độ ảnh hưởng của nó tới Đảng Cộng sản Trung Quốc và cả hệ thống chính trị, cũng như sự chênh lệch giữa lý thuyết Đảng và thực tế ở trong nền chính trị Trung Quốc.

Hệ thống chính trị Trung Quốc tiếp tục phát triển về các hướng mà chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ: chắc chắn là không phải về hướng dân chủ đa đảng của phương Tây nhưng cũng không phải một chính thể độc tài chuyên quyền. Có lẽ là có các yếu tố của cả hai hệ thống, cộng thêm vài yếu tố mới. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đi một con đường chưa có người qua. Không có ai, kể cả bản thân các nhà lãnh đạo Đảng, biết được tương lai sẽ như thế nào. Có rất nhiều thách thức ở phía trước về kinh tế, chính sách, xã hội và chính trị. Trước khi giải quyết các vấn đề này thì vai trò của đảng phải thay đổi.

Thứ nhất, phải tăng cường sự minh bạch và vai trò trách nhiệm. Hệ thống hiện hành còn nhiều mập mờ trong quá trình làm chính sách trong đảng. Tất nhiên lãnh đạo đảng có thể tiếp tục các hình thức đấu tranh chống tham nhũng xưa nay vẫn làm, thanh trừng và bí mật nội bộ. Thế nhưng Đảng cũng có thể tìm cách thay đổi cuộc chơi bằng cách đưa vào các quy trình và nguyên tắc minh bạch trong cạnh tranh chính trị, thảo luận và quyết định chính sách. Tiến trình này cần được công khai cho người dân theo dõi kiểm tra một cách chặt chẽ hơn là nguyên tắc “dân chủ tham khảo” hiện nay. Để đấu tranh chống tham nhũng, lãnh đạo đảng cần công khai với dân các lợi ích của mình. Quy tắc và quy trình cần được thiết lập để làm sao các nhân vật lãnh đạo không tham gia các quyết định có thể mang lại lợi ích cho bản thân họ.

Thứ hai, cần tách bạch Đảng và xã hội. Hiện các quyền tự do của người dân, công ty, hội đoàn và tổ chức đều phụ thuộc phần nào vào Đảng. Nếu người dân tự cho mình là trẻ con cần người lớn cầm tay dạy dỗ thì không sao, nhưng tình trạng hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy tình hình không như thế nữa. Đảng Cộng sản Trung Quốc cần bớt ám ảnh về ổn định xã hội và tin tưởng hơn vào chính xã hội mà Đảng đã tạo ra. Các sự khác biệt về tư tưởng và tôn giáo, xung đột hay cạnh tranh, đều không hẳn là xấu hay đe dọa ổn định xã hội. Ngược lại, chúng là dấu hiệu cho một xã hội ổn định, chín chắn và mạnh mẽ. Đảng Cộng sản sẽ còn lãnh đạo Trung Quốc, có lẽ là rất nhiều năm nữa. Có lẽ đây là điều tốt cho người dân, đất nước Trung Quốc, và thậm chí cả toàn thế giới, nhưng đã đến lúc nới lỏng vòng kiềm tỏa quyền lực. Trung Hoa đã trưởng thành.

Bài viết của Giáo sư ngành Nghiên cứu Trung Quốc hiện đại tại Đại học Leiden, Hà Lan đã phản ánh quan điểm và văn phong riêng của mình. Ông hiện đang viết một cuốn sách về chính trị, xã hội Trung Quốc, và cuốn này do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành vào năm 2015.


NGA
Cuộc chiến của Nga chống lại đồng USD

TTXVN (Ottawa 2/7) - Theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu ngày 2/7, trong lúc Mỹ và phương Tây áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, Tổng thống Vladimir Putin lại khuyến khích một chiến dịch "phi USD hóa" toàn cầu.

Nga đang tiến hành một cuộc tấn công có phối hợp chống lại quy chế đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD và đang trong tiến trình từ bỏ "USD dầu mỏ" trong buôn bán dầu khí. Các công ty năng lượng của Nga đã được lệnh từ bỏ đồng USD và ký các hợp đồng bằng đồng ruble và nội tệ của các nước đối tác. Mong muốn giảm sử dụng đồng USD của Nga phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc là nhằm tăng cường việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT). Các quốc gia thị trường đang nổi khác cũng muốn giảm quyền bá chủ của Mỹ.

Theo lý thuyết, một cuộc tấn công của Nga vào đồng USD có sức tàn phá và có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ. Tuy nhiên, quy chế của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu chưa bị đe dọa nhiều vì một lý do đơn giản là các phương án thay thế đều kém hơn. Nhưng cuộc tấn công của Nga có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tiến thêm một bước trên con đường hướng tới một hệ thống không có một đồng tiền dự trữ được chỉ định.

Nếu các Ngân hàng Trung ương khắp thế giới bán tháo số trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ, khi ấy, nền kinh tế Mỹ sẽ tràn ngập đồng USD, khiến đồng tiền này giảm giá mạnh, lạm phát tăng lên và lãi suất tăng vọt. Việc số tiền trả lãi cho các khoản nợ chính phủ Mỹ tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến cán cân tài chính, khiến Mỹ bị buộc phải đóng cửa nhiều chương trình chi tiêu xã hội, có thể dẫn đến tình trạng bạo loạn trên đường phố. Mặc dù kịch bản này dường như sẽ không xảy ra, nhưng nó cung cấp một bối cảnh nghiêm túc cho ván bài mà Nga đang thực hiện, và cuối cùng có thể diễn ra nếu Washington khăng khăng từ chối phục hồi trật tự trong nền kinh tế Mỹ.

Trong những thập kỷ qua, thế giới đã quen coi đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu đến mức những cảnh báo về khả năng kết thúc cách tài trợ rẻ tiền này cho khoản thâm hụt của Mỹ thường bị bỏ qua. Các biện pháp nhằm chuẩn bị cho vai trò suy giảm của đồng USD vẫn chưa được thực hiện. Sau cuộc khủng hoảng thế chấp thứ cấp tại Mỹ, gây ra suy thoái toàn cầu năm 2009 và sau khi Mỹ bị hạ xếp hạng tín dụng năm 2011, những nước nắm nhiều trái phiếu chính phủ của Mỹ nhất, chủ yếu là các thành viên BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã bắt đầu tìm cách chuyển khỏi đồng USD.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương Nga có khả năng ổn định hóa đồng ruble và vai trò của đồng USD tại Nga bắt đầu suy giảm nhờ giá dầu thô bắt đầu tăng từ năm 2001, nhưng nền kinh tế Nga vẫn gắn bó với sự lưu thông đồng USD, từ số lượng đồng USD lớn trong dự trữ ngoại tệ, đến các khoản vay của ngân hàng và các doanh nghiệp bằng đồng USD và quan trọng nhất là việc xuất khẩu năng lượng được giao dịch bằng USD. Khi nguy cơ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây tăng lên, Điện Kremlin thực sự cảm thấy dễ bị tổn thương và họ đang hành động để giảm bớt sự dễ bị tổn thương này.

Các chuyên gia ngân hàng và năng lượng Nga đang thảo luận với các quan chức chính phủ về cách thức loại bỏ đồng USD khỏi hoạt động xuất khẩu năng lượng. Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukaev đang kêu gọi các công ty năng lượng Nga "dũng cảm hơn trong việc ký kết các hợp đồng bằng đồng ruble và nội tệ của các nước đối tác". Người ta đã nói đến một sắc lệnh chuyển đổi tiền tệ, quy định các công ty phải thực hiện giao dịch một tỷ lệ nhất định các hoạt động của họ bằng đồng ruble và NDT.

Rosneft đã hoàn tất thỏa thuận "đổi hàng lấy dầu" với Iran, trong đó Iran cung cấp cho Rosneft mỗi ngày 500.000 thùng dầu thô để công ty này bán trên thị trường toàn cầu. Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD gần đây của Gazprom với Trung Quốc cũng được hai bên coi là một cách để tránh sự chi phối của đồng USD.

Điều cứu vãn cho đồng USD trong thời gian sắp tới là các phương án lựa chọn đều không khả quan. Một đồng tiền dự trữ toàn cầu hoạt động là phải có khả năng được bán một cách nhanh chóng với số lượng lớn mà không ảnh hưởng nhiều đến giá cả. Bất chấp sự quản lý yếu kém lâu nay của nền kinh tế Mỹ, đồng USD vẫn phù hợp với yêu cầu trên. Mặc dù đồng euro còn xa mới đạt được những tầm nhìn ban đầu, nhưng vẫn là phương án tốt thứ hai, trong khi đồng bảng Anh và đồng yen Nhật còn tụt sau khá xa.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 228.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương