THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 228.51 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích228.51 Kb.
#31007
  1   2   3   4

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 123/ TKNB-QT-TN Thứ Năm, ngày 3/7/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Xung quanh chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Philippines

Đài BBC (đêm 2/7) - Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đang có chuyến thăm gấp rút Việt Nam trong hai ngày 2-3/7. Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận với BBC chuyến thăm được thực hiện “theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh”.

Chuyến thăm làm việc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu có các động thái “chuẩn bị hồ sơ” kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài quốc tế. Philippines đã mang Trung Quốc ra Tòa này để khiếu nại về tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông và nhiều lần kêu gọi Việt Nam và các nước láng giềng cùng tham gia. Manila cũng nói sẽ đề nghị Tòa Trọng tài phán quyết nhanh vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia vào vụ kiện.

Nguồn tin của BBC cho hay trong 2 ngày làm việc ở Hà Nội, ông Albert del Rosario sẽ có hội đàm với người tương nhiệm Phạm Bình Minh và gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một trong những nội dung thảo luận được cho là căng thẳng chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Cơ hội hợp tác?

Sự kiện giàn khoan Hải Dương-981, theo một số đánh giá, có thể là cơ hội cho Việt Nam “thoát Trung”, tức thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Căng thẳng chủ quyền với Trung Quốc cũng khiến Việt Nam phải đi tìm trợ giúp của quốc tế, nhất là các nước có quyền lợi quốc gia tại Biển Đông.



Đài RFI (đêm 2/7) - Là hai nước bị Trung Quốc chèn ép dữ dội nhất trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Philippines đang tăng tốc độ liên kết với nhau. Dấu hiệu mới nhất là chuyến thăm Việt Nam trong hai ngày của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, khởi sự từ ngày 2/7. Đây là một chuyến viếng thăm cấp tốc và kín đáo, hầu như không thấy báo chí Philippines nói tới, trong lúc mãi đến ngày 1/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới chính thức thông báo sự kiện này. Trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ loan tin ngắn gọn: “Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario sẽ thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 2-3/7”.

Theo một số báo chí, tại Việt Nam, ngoài đồng nhiệm Phạm Bình Minh, ông del Rosario sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Mục tiêu đương nhiên là các phương án tăng cường hợp tác giữa hai bên trước các mối đe dọa ngày càng rõ nét của Trung Quốc. Trong chương trình nghị sự, nổi bật nhất là hồ sơ Biển Đông vào lúc tình hình căng thẳng tăng lên từ sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, và tăng cường công việc xây dựng cơ sở kiên cố trên các bãi đá mà họ chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa. Một cách cụ thể, một trong những hồ sơ mà Philippines muốn thúc đẩy nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Albert del Rosario là sáng kiến từng được Tổng thống Philippines đề xuất ngày 24/6 vừa qua về một cuộc họp giữa 4 nước ASEAN có liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) để “tìm ra tiếng nói chung” trong đối sách chống Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, Hà Nội được cho là muốn tìm hiểu thêm về việc kiện Bắc Kinh trước Tòa án Trọng tài LHQ, điều mà Manila đang xúc tiến. Giới phân tích quốc tế từng cho rằng phương án tốt nhất mà Việt Nam nên dùng để đối phó với thái độ ngày càng không khoan nhượng của Trung Quốc là trực tiếp kiện nước này ra trước quốc tế, hay là cùng tham gia vụ kiện với Philippines. Sau tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Manila hồi tháng 5, theo đó Việt Nam không loại trừ biện pháp nào, kể cả pháp lý để bảo vệ chủ quyền, ngày 26/6 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã xác nhận là Hà Nội đang cân nhắc khả năng khởi kiện. Trong một cuộc họp báo, nhân vật này cho biết: “Chúng tôi cho rằng, biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, văn minh được luật pháp quốc tế và thế giới ủng hộ… Việt Nam vẫn đang nghiên cứu, cân nhắc xem xét kỹ lưỡng về thời điểm thực thi biện pháp này”.
II. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Ảnh hưởng của việc Nhật Bản dỡ bỏ hạn chế hoạt động của quân đội đối với vấn đề Biển Đông

Đài RFA (đêm 2/7) - Nội các Nhật Bản ngày 2/7 vừa thông qua nghị quyết dỡ bỏ hạn chế hoạt động tham chiến của quân đội Nhật tại nước ngoài. Đây là một động thái đã được dự đoán từ lâu do những thách thức về an ninh trong khu vực thời kỳ mới mà Nhật Bản đang phải đương đầu. Thay đổi này từ phía Nhật có ý nghĩa thế nào với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines là những nước đang có những tranh chấp về chủ quyền gay gắt với Trung Quốc trên Biển Đông?

Phản ứng của các nước

Lệnh cấm quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài vốn có hiệu lực kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, cuối cùng cũng đã được dỡ bỏ với nghị quyết mới vừa được nội các Nhật Bản thông qua vào ngày 1/7. Trong khi Nhật Bản coi sự thay đổi này là một bước đi quan trọng giúp gia tăng khả năng phòng vệ tập thể, đối phó với những mối đe dọa từ sự lớn mạnh của Trung Quốc, những nước trong khu vực nhìn nhận vấn đề này khác nhau.

Ngay từ trước khi nội các Nhật Bản ra nghị quyết mới, Tổng thống Philippines Benigno Aquino, trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 24/6 đã lên tiếng ủng hộ những thay đổi này. Trong thông báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Tokyo cùng ngày, ông Aquino nói Philippines tin là các nước có thiện chí sẽ có lợi chỉ khi nào chính phủ Nhật được tăng cường khả năng để giúp các nước khác và được phép trợ giúp những nước cần sự giúp đỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng vệ tập thể.

Thay đổi này từ phía Nhật Bản cũng được coi là sẽ được Hoa Kỳ ủng hộ giữa lúc nước Mỹ đang phải thực hiện những cắt giảm đáng kể trong ngân sách và dư luận trong nước không mấy mặn mà với sự can thiệp sâu về quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Phát biểu trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 4 vừa qua, Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ, Trung tá thủy quân lục chiến Jeff Pool nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ hoan nghênh việc tái xem xét diễn dịch Hiến pháp của Nhật Bản liên quan đến phòng vệ tập thể. Ông nói Mỹ tin là điều này sẽ giúp Nhật Bản và Mỹ có thể hợp tác với nhau làm được nhiều điều hơn nữa vì sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.

Trong khi đó, chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam, học giả Đinh Kim Phúc nhận định, sự thay đổi này chỉ có tác dụng răn đe Trung Quốc mà thôi: “Vấn đề Nhật Bản chuẩn bị Hiến pháp mở rộng vai trò của quân đội trong phòng thủ tập thể thì tôi nghĩ chỉ có giá trị răn đe đối với Trung Quốc trong sự hung hãn của Trung Quốc ngày hôm nay mà thôi. Còn đối với Việt Nam, theo nhìn nhận của một người nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương hơn 60 năm qua, tôi cho rằng đứng về khía cạnh Việt Nam, nếu tin vào một cường quốc nào đó thì chắc chắn Việt Nam sẽ trả giá, vì 60 năm qua, nhiều cường quốc đã mặc cả trên lưng Việt Nam kể cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Và sự mặc cả giữa các cường quốc với nhau là bán rẻ quyền lợi của Việt Nam… Đối với Việt Nam ngày nay, cái quan trọng là phải xây dựng nội lực”.

Sau khi Nội các Nhật thông qua nghị quyết mới, Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối ngay lập tức. Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 1/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói Trung Quốc phản đối sự bịa đặt của Nhật Bản về những đe dọa từ Trung Quốc vì mục đích chính trị nội bộ của Nhật. Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải tôn trọng những quan ngại về an ninh hợp lý của các nước láng giềng châu Á và nên xử lý các vấn đề có liên quan một cách cẩn trọng.



Nhật Bản có thể làm gì?

Nghị quyết mới của Nội các Nhật Bản nói rõ Nhật Bản có thể sử dụng quân đội ở mức tối thiểu cần thiết trong các trường hợp khi một nước có mối quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công và phải đáp ứng 3 điều kiện cần và đủ bao gồm: có một đe dọa thực sự với sự tồn tại của nhà nước Nhật Bản, có mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật, và khi không còn một giải pháp thay thế nào khác. Chuyên gia cao cấp về Nhật Bản thuộc trung tâm Stimson, Hoa Kỳ, bà Yuki Tatsumi, tỏ ra nghi ngờ về khả năng can thiệp sâu hơn của Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á bởi chính những điều kiện ràng buộc này: “Tôi hiểu là có 3 điều kiện kèm theo khi việc diễn dịch lại Hiến pháp được thực hiện. Nó sẽ không cho phép Nhật Bản thực hiện một vai trò lớn hơn nhiều lắm trong thời bình. Việc diễn dịch lại chủ yếu nhằm vào việc Nhật Bản có thể làm gì trong điều kiện khẩn cấp trong các vùng gần Nhật. Cho nên, tôi không chắc lắm về việc Nhật Bản sẽ tham gia tích cực vào gìn giữ hoà bình trong thời kỳ hòa bình. Tôi thực sự không rõ là chính phủ Nhật sẽ làm gì với vấn đề này”.

Cũng cần phải nói thêm là trong khi việc nới lỏng hạn chế, cho phép quân đội Nhật tham gia tích cực hơn vào các hoạt động về gìn giữ hòa bình của LHQ, thì chính phủ Nhật Bản lại không muốn quân đội Nhật thực sự tham chiến trong những cuộc chiến nhiều bên ở nước ngoài. Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Nội các thông qua nghị quyết mới, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết, Nhật Bản sẽ không tham gia vào các cuộc chiến nhiều bên như cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990-1991 hoặc cuộc chiến Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu. Trong khi khả năng tham chiến của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài vẫn đòi hỏi nhiều điều kiện, việc Nhật Bản hợp tác với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã và sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức từ việc cung cấp vũ khí đến đào tạo nhân sự và diễn tập quân sự chung. Nói về khả năng Nhật Bản sẽ gia tăng các hỗ trợ cho những nước như Việt Nam và Philippines trong thời gian tới, bà Yuki Tatsumi cho biết: “Nhật Bản chắc chắn có thể sẽ mở rộng hợp tác an ninh với Philippines hoặc Việt Nam, không nhất thiết là phải thông qua hợp tác quân sự mà có thể qua vốn ODA để cho Philippines và Việt Nam mượn hoặc mua một số vũ khí đã qua sử dụng. Các lực lượng hải quân và tuần duyên của các nước này có thể sử dụng những trang thiết bị này. Trong thời bình, Bộ Quốc phòng có thể đào tạo nhân sự cho hai nước để sử dụng và bảo hành các trang thiết bị này. Những hoạt động này không bao gồm việc phải bắn bất cứ phát súng nào. Những hợp tác này có thể được thực hiện và mở rộng,hy vọng là với hợp tác an ninh ở mức thấp, và hậu cần, Nhật Bản có thể giúp các nước khu vực Đông Nam Á, những nước đang phải chật vật đối phó với một Trung Quốc hung hăng, xây dựng khả năng của mình để có thể đối phó với Trung Quốc”.

Theo bà YukiTatsumi, có thể chính phủ Nhật Bản sẽ nới lỏng những hạn chế trong nguyên tắc về cung cấp vốn ODA cho nước ngoài để có thể cung cấp vũ khí cho các nước. Hiện tại, ODA của Nhật Bản không bao gồm các trợ giúp về lĩnh vực quân sự. Hiện, Nhật Bản là nhà cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam. Riêng năm tài khóa 2012-2013, cam kết ODA của Nhật cho Việt Nam đã là hơn 2 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu. Nhật Bản và Philippines cũng đang trong quá trình đàm phán để Nhật Bản có thể cung cấp các tàu tuần tra cho Philippines. Theo bà Yuki Tatsmumi, có hai khuôn khổ mà hai nước có thể áp dụng trong hợp tác này, hoặc theo dạng ODA, hoặc theo hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước. Dù theo bất cứ dạng nào thì cũng không liên quan đến việc diễn giải lại Hiến pháp của Nhật.

Vào tháng trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal cũng cho biết Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đã trực tiếp đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam những tàu tuần duyên càng sớm càng tốt. Theo bà Yuki Tatsumi, bất kể việc diễn giải lại Hiến pháp của Nhật Bản ra sao, thì điều này cũng không ngăn cản khả năng mở rộng hợp tác quốc phòng an ninh của Nhật với các nước trong khu vực vì nó chỉ có lợi cho Nhật trong việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Hàn Quốc ngầm ủng hộ Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông?

Đài RFI (đêm 2/7) - Đúng vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị công du Hàn Quốc vào ngày 3/7, Philippines - nước bị Bắc Kinh dùng sức mạnh lấn lướt trên Biển Đông - vào ngày 1/7 đã loan báo việc sắp tiếp nhận chiến đấu cơ do Hàn Quốc cung cấp. Sự kiện này nêu bật lập trường rất ít được nói đến của chính quyền Seoul về Biển Đông.

Theo giới phân tích, ngoài mặt chính quyền Seoul đang cố gắng giữ thái độ trung lập trên hồ sơ Biển Đông, nhưng trong thực tế thì có biểu hiện kín đáo ủng hộ Philippines nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Trên bình diện chính thức, Hàn Quốc hầu như luôn luôn thể hiện thái độ thân thiện với Trung Quốc. Có rất nhiều lý do khiến Seoul phải nuôi dưỡng lập trường hữu nghị với Bắc Kinh. Trước hết là lý do kinh tế. Là một quốc gia phát triển nhờ xuất khẩu, đặc biệt là trong thập kỷ vừa qua, Hàn Quốc rất cần đến đối tác khổng lồ ở khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc. Nói chung, xuất khẩu chiếm một nửa tỷ trọng GDP của Hàn Quốc, trong đó xuất khẩu qua Trung Quốc chiếm hơn 1/4. Trong bối cảnh đó, quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh trở thành một ưu tiên của Seoul.

Bên cạnh đó, còn có lý do an ninh. Trung Quốc được cho là đàn anh của Triều Tiên, có một ảnh hưởng nhất định trên người anh em thù nghịch của Hàn Quốc. Duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, do đó có thể giúp Seoul tránh được sự khiêu khích quá đáng từ phía Bình Nhưỡng. Ngoài ra còn có một nguyên nhân thứ ba, có thể gọi nôm na là “kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta”. Bắc Kinh hiện đang căng thẳng với Tokyo, trong lúc quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản lại đang trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”, đặc biệt từ khi nhân vật dân tộc chủ nghĩa là Shinzo Abe lên cầm quyền tại Tokyo.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, Trung Quốc càng lúc càng trở nên quyết đoán trong vấn đề áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ, cả trên biển lẫn trên đất liền, và không ngần ngại dùng sức mạnh để thúc ép các láng giềng chấp nhận đòi hỏi quá trớn của Bắc Kinh. Các nước đang là đối tượng bị Trung Quốc lấn lướt lại chính là hai quốc gia Đông Nam Á hiện có quan hệ chặt chẽ với Hàn Quốc là Việt Nam và nhất là Philippines, và một cường quốc Đông Bắc Á là Nhật Bản, vốn cùng với Hàn Quốc có liên minh quân sự mật thiết với Hoa Kỳ. Tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh đã khiến Seoul phải lo ngại, và riêng trên hồ sơ Biển Đông, một cách vừa công khai, vừa ngấm ngầm, Hàn Quốc đã có những biểu hiện ủng hộ các nước Đông Nam Á.

Theo giới quan sát, tín hiệu làm cho Seoul lo ngại chính là việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông hồi cuối năm ngoái, không chỉ bao trùm quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản, mà còn gộp luôn cả bãi đá ngầm Socotra đang do Seoul kiểm soát dưới tên gọi Ieodo, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền dưới tên Tô Nham). Trong một động thái hiếm hoi nhằm công khai tỏ thái độ bất bình trước quyết định đơn phương đó của Trung Quốc, vào tháng 12/2013, Hàn Quốc đã tuyên bố mở rộng Vùng ADIZ của họ trên Biển Hoa Đông, đặt đá ngầm Socotra vào vòng kiểm soát của quân đội Hàn Quốc. Một cách kín đáo hơn, Seoul đã đáp ứng yêu cầu cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự của Manila cho dù nước này đang trực tiếp đối kháng lại sức ép của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ví dụ điển hình là quyết định mới đây của Hàn Quốc tặng cho Philippines một chiếc tàu tuần tra 1.200 tấn.

Một thỏa thuận mở rộng quan hệ quốc phòng Hàn Quốc-Philippines đã được ký kết vào tháng 10/2013, và ngay sau đó, tháng 3 vừa qua, hợp đồng cung cấp 12 chiến đấu cơ FA-50 do Hàn Quốc chế tạo đã được ký. Việc thực hiện hợp đồng đã được xúc tiến nhanh chóng vì vào ngày 1/7, Tổng thống Philippines cho biết là ngay vào năm tới, nước ông sẽ nhận được 2 chiếc đầu tiên, và số còn lại sẽ lần lượt được giao trong thời hạn 3 năm. Đối với giới phân tích, ý nghĩa các tín hiệu trên đây quả là đã rõ ràng: Việc Hàn Quốc và Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng cho thấy là Seoul âm thầm ủng hộ Manila trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc. Và qua Manila là cả Đông Nam Á!


Ngoại trưởng Singapore: Truyền thông quốc tế có cái nhìn phiến diện đối với lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

TTXVN (Bắc Kinh 2/7) - Trên là tiêu đề bài viết đăng trên tờ Tin tức tham khảo (THX) số ra ngày 2/7. Bài viết này dẫn Báo sớm Singapore đưa tin, Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Luật pháp luật Singapore K.Shanmugam nhận định, truyền thông quốc tế khi đưa tin về tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) đã lơ là một phần “sự thực”.

Nội dung bài viết có đoạn, ngày 30/6 vừa qua, Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Luật pháp luật Singapore K.Shanmugam đã trình bày quan điểm cá nhân về tình hình khu vực trước gần 200 quan chức thuộc Ngoại giao đoàn và học giả tại diễn đàn do Viện nghiên cứu chính sách chiến lược quốc tế tổ chức.

Đối với vấn đề được ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu IISS - Châu Á đưa ra là làm thế nào để điều hòa tranh chấp trên Biển Đông trong khi từ hai ba năm lại đây, Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông, lập trường của Trung Quốc là lấy lịch sử làm căn cứ và các quốc gia ASEAN coi trọng luật phát quốc tế, ông K.Shanmugam “chỉ thẳng” ra rằng “giả thiết” đằng sau vấn đề của ông Tim Huxley cho thấy cái nhìn “phiến diện” đối với Trung Quốc, hơn nữa “không công bằng và chính xác”.

Ông K.Shanmugam nói: “Khi anh cho rằng lập trường của Trung Quốc đối lập với lập trường của các nước ASEAN là ủng hộ luật pháp quốc tế, có nghĩa là Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo tôi, đây không phải là cách nhìn đúng đắn. Không may là, truyền thông quốc tế nghiêng về chống Trung Quốc, khiến chúng ta không thể biết hết được sự thực 100%”.

Ông K.Shanmugam nói: “Tôi không phải muốn biện hộ cho Trung Quốc hoặc ủng hộ các quốc gia khác, Singapore hoàn toàn trung lập. Có điều, ‘sự thực’ là, Trung Quốc tuyên bố ‘chủ quyền’ với nhiều đảo, Công ước LHQ về Luật Biển không bao hàm chủ quyền đảo, những tuyên bố về chủ quyền liên quan được quyết định bởi một vài nhân tố bên ngoài luật pháp quốc tế, bao gồm quyền sở hữu trong lịch sử, căn cứ lịch sử, điều này nên chăng không cần bàn luận thêm”.

Ngược dòng lịch sử, năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố phạm vi lãnh hải của nước này, khi đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng vì nhiều lý do đã thừa nhận và tán thành tuyên bố của chính phủ Trung Quốc. Ông K.Shanmugam cho rằng với sự thay đổi lập trường hiện nay của Việt Nam đối với tranh chấp còn “tinh xảo” hơn cả cách đưa tin của truyền thông quốc tế.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng K.Shanmugam cho rằng, nội dung cụ thể của yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông không rõ ràng, đây là nguyên nhân chính khiến nó chịu sự lên án của dư luận quốc tế.

“Trung Quốc tuyên bố ‘chủ quyền’ đối với tất cả các đảo trong vùng biển 9 đoạn, cũng chính là tuyên bố chủ quyền đối với biển quốc tế, hay chỉ tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo và vùng biển nằm trong đường 9 đoạn? chỉ cần có chỗ không rõ ràng thì Trung Quốc sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề”.

Ông K.Shanmugam không cho rằng có thể đổ lỗi cho bất cứ một bên nào gây ra tình hình căng thẳng gia tăng hiện nay, “liên quan đến tranh chấp đa phương, mọi hành xử đều không tuân theo luật pháp quốc tế một cách nghiêm ngặt”.

Cho dù một lần nữa nhấn mạnh sự quan trọng của việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý, tuy nhiên, Ngoại trưởng K.Shanmugam đã đưa ra một vấn đề rằng: Luật pháp quốc tế do các nước phương Tây, gồm Mỹ, châu Âu xây dựng khi Trung Quốc còn ở thế yếu, vậy Trung Quốc hiện nay có chịu theo những quy tắc này không ?

“Cân bằng quyền lực trong và ngoài nước Trung Quốc sẽ không ngừng thay đổi, nghiêng về lợi ích của Trung Quốc và các nước lớn, song Trung Quốc không phải là trường hợp đặc biệt trong vấn đề này, nước lớn không bao giờ thích bị ràng buộc bởi các quy tắc”.

Ngoài ra, trong hai tháng qua, khi theo dõi tin tức trên trang mạng tiếng Trung của Báo sớm, phần lớn các tin bài bình luận liên quan đến Biển Đông đều sử dụng nguyên văn giọng điệu của Trung Quốc, chứ không phải đứng trên lập trường của một nước là thành viên của ASEAN


III. PHẦN QUỐC TẾ

ĐÔNG NAM Á
Campuchia chịu tác động từ cuộc đảo chính Thái Lan

TTXVN (Sydney 2/7) - Tháng trước, Thái Lan trải qua cuộc đảo chính lần thứ 19 kể từ năm 1932. Nhưng không giống những lần trước, cuộc đảo chính lần này đã tác động đáng kể tới khu vực, đặc biệt đối với nước láng giềng của Thái Lan là Campuchia. Tạp chí Diễn đàn Đông Á mới đây đăng tải bài phân tích của Leng Thearith - nghiên cứu sinh Tiến sỹ về chính trị và quan hệ quốc tế tại Học viện Quốc phòng Australia - về vấn đề trên với nội dung chính như sau:

Từ ngày 6 đến 19/6, chính quyền quân sự Thái Lan đã trục xuất hơn 210.000 người nhập cư Campuchia ở Thái Lan, do lo ngại các lao động Campuchia có thể gia nhập lực lượng thân Thaksin đang tìm cách lật đổ chính quyền. Hành động của chính quyền Thái Lan khiến nền kinh tế Campuchia có thể bị thiệt hại hơn 1 triệu USD/ngày. Ngành du lịch, một trong những mũi nhọn quan trọng của kinh tế Campuchia, cũng bị ảnh hưởng. Theo tờ Cambodian Daily, số lượng du khách Trung Quốc tới Campuchia đã giảm 18,2% trong 4 tháng đầu năm 2014. Nguyên nhân bởi du khách không muốn tới Campuchia qua ngả Thái Lan, vốn được coi là một trung tâm trung chuyển của khu vực. Một số du khách lo ngại về sự an toàn của bản thân, do chính quyền quân sự Thái Lan tự cho mình quyền bắt giữ bất cứ ai trong vòng 1 tuần mà không cần tới lệnh bắt, tội danh cũng như xét xử. Du khách Trung Quốc hiện đang trở thành mục tiêu lớn của nhiều nền kinh tế Đông Nam Á. Tuy nhiên, cuộc đảo chính ở Thái Lan đã hủy hoại mục tiêu của chính phủ Campuchia nhằm thu hút ít nhất 1,3 triệu du khách Trung Quốc vào năm 2018.

Khủng hoảng chính trị Thái Lan không chỉ tác động tiêu cực tới kinh tế Campuchia mà còn ảnh hưởng tới an ninh của nước này. Những người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan gián tiếp gây áp lực lên chính phủ Campuchia qua việc cáo buộc Campuchia bao che cho thủ lĩnh nổi tiếng của phe “áo đỏ” Jakrapob Penkair. Trong khi đó, chính phủ Campuchia luôn mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc. Jakrapob đã thề sẽ tạo dựng một phong trào kháng cự chính quyền quân sự Thái Lan từ bên ngoài. Ý đồ này làm dấy lên những đồn đoán rằng Campuchia có thể trở thành một nơi ẩn náu tiềm tàng cho nhóm thân Thaksin. Chính quyền quân sự Thái Lan còn cáo buộc Campuchia thông qua truyền thông địa phương để bí mật hậu thuẫn phong trào “áo đỏ” muốn lật đổ họ.

Đáng quan ngại hơn, chính quyền quân sự Thái Lan gần đây cho dựng hàng rào dây thép gai tại khu vực trước ngôi đền cổ Preah Vihear, bất chấp việc Tòa án Công lý Quốc tế vào cuối năm 2013 đã ra phán quyết vùng đất xung quanh ngôi đền Preah Vihear thuộc về Campuchia.

Sự can dự của chính quyền Thái Lan lập tức gây ra biểu tình hòa bình tại Phnom Penh. Là một nước nhỏ với năng lực quân sự giới hạn, Campuchia đã tìm cách xoa dịu hành động khiêu khích này do lo ngại một cuộc đối đầu quân sự mới với chính quyền quân sự Thái Lan.

Biến động chính trị gần đây tại Thái Lan còn ảnh hưởng tới chính trị nội bộ Campuchia, gây áp lực lên Đảng cầm quyền tại Campuchia. Chủ tịch Đảng cứu nguy dân tộc Campuchia Sam Rainsy chỉ trích chính phủ bằng cách chỉ ra rằng chính quyền không tạo được việc làm thích đáng ở trong nước cho người dân Campuchia. Hậu quả là nhiều người dân Campuchia phải bất chấp tính mạng để làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan. Trong khi đó, vào lúc sự tín nhiệm bị suy giảm kể từ sau cuộc bầu cử năm ngoái, Đảng Nhân dân Campuchia phải cố gắng giành lại ủng hộ của cử tri qua việc giải quyết vấn đề này.

Bất chấp nỗ lực của chính quyền Campuchia nhằm tạo việc làm cho người lao động, Campuchia nhiều khả năng không thể ngăn chặn làn sóng người lao động nhập cư tiếp tục bị trục xuất khỏi Thái Lan. Campuchia đang đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng trong cung cấp viện trợ nhân đạo và tạo việc làm cho những người vừa trở về từ Thái Lan. Một giải pháp thay thế là tạo các điều kiện thuận lợi cho lao động Campuchia quay lại làm việc ở Thái Lan một cách hợp pháp. Một biện pháp khuyến khích lao động Campuchia tới Thái Lan hợp pháp là giảm phí hộ chiếu từ 114 USD xuống còn 4 USD.

Ảnh hưởng từ cuộc đảo chính tại Thái Lan lan khắp khu vực. Bởi vậy, chính phủ tại Phnom Penh sẽ phải tìm ra những giải pháp để xử lý hàng loạt vấn đề về tăng trưởng, phát triển do sự bất ổn từ hàng xóm Thái Lan của họ gây ra.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 228.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương