THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)



tải về 196.42 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích196.42 Kb.
#15514
  1   2

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 190/ TKNB-QT-TN Thứ Ba, ngày 07/10/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Đánh giá quan hệ Việt-Hàn qua chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đài BBC (đêm 6/10) - Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc

Mấy ngày qua, báo chí Việt Nam đều đề cập chuyện Hàn Quốc bắn 21 phát đại bác chào mừng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi ông tới Seoul để tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tại đây.

Chuyện ‘21 phát đại bác rền vang chào mừng’ ông Trọng ‘ngay khi ông bước xuống sân bay Seongnam ở thủ đô Seoul’ như một trong những tờ báo lớn của Việt Nam mô tả, ít hay nhiều cho thấy ông Trọng và phái đoàn của Việt Nam được chính phủ Hàn Quốc trọng thị tiếp đón trong chuyến đi này.

Quan hệ thân thiện, tốt đẹp

Không phải lãnh đạo Việt Nam nào cũng được nhận được sự đón tiếp trọng thể như thế khi công du nước ngoài. Vậy đâu là lý do Hàn Quốc dành cho ông Trọng sự tiếp đón như vậy?

Đối với cả Seoul và Hà Nội, quan hệ giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp và có nhiều yếu tố thuận lợi để củng cố hơn nữa quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Trong diễn văn chào mừng ông Trọng và phái đoàn Việt Nam tại buổi chiêu đãi vào tối 2/10, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã nói rằng hai nước ‘có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và tinh thần’ và coi đó ‘là nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ hai nước’. Dù không nêu ra, có thể một trong những tương đồng ấy là cả Việt Nam và Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo.

Về kinh tế, cả hai nước đều coi nhau là đối tác quan trọng. Là một quốc gia có nhiều tập đoàn, công ty lớn, Hàn Quốc cần thị trường đầu tư cho các công ty của mình. Với nguồn nhân công khá trẻ và rẻ, Việt Nam là thị trường tốt cho các công ty Hàn Quốc. Trong khi đó, để phát triển, Việt Nam rất cần vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Theo Tổng Cục thống kê Việt Nam, năm 2013, với vốn đầu tư gần tới 3,8 tỷ USD, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Với vốn đầu tư hơn 534 triệu USD, quốc gia này vẫn đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2014. Việc hai bên ký kết bản ghi nhớ hợp tác tài chính trị giá 12 tỷ USD trong ngày thứ hai của chuyến thăm chứng tỏ quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ được phát triển mạnh hơn nữa trong những năm tới.

Hàn Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ chiến lược và mối quan hệ này cũng đang lớn mạnh. Xem ra hai bên rất coi trọng, tin tưởng lẫn nhau và đánh giá cao sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh, chiến lược.

Chuyện ông Trọng cùng chia sẻ quan điểm của Hàn Quốc cho rằng việc Bình Nhưỡng ‘sở hữu vũ khí hạt nhân là điều không thể dung thứ’ chắc chắn làm Seoul hài lòng. Việc một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong số ít ỏi đồng minh còn lại của Triều Tiên cùng với Hàn Quốc gửi một thông điệp khá mạnh và cứng rắn như vậy tới Triều Tiên cũng là một chỉ dấu cho thấy Hà Nội rất coi trọng quan hệ với Seoul.

Có thể nói, đối với Việt Nam, dù không cùng ý thức hệ hay chung mô hình kinh tế, thiết lập và duy trì mối quan hệ chiến lược với Hàn Quốc dễ dàng hơn nhiều so với thiết lập, duy trì quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Vì khác với quan hệ nhiều sóng gió, đầy căng thẳng với Trung Quốc, Việt Nam không có những bất đồng, hiềm khích, tranh chấp quá khứ hay hiện tại với Hàn Quốc. Dù luôn coi Việt Nam là ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’, chắc Bắc Kinh không dành cho ông Trọng hay một lãnh đạo hiện tại nào của Việt Nam một sự tiếp đón thân thiện, cởi mở và trọng thể như Hàn Quốc dành cho ông và phái đoàn Việt Nam trong chuyến đi này.

Vì những lý do trên, chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng và những người tháp tùng ông rất vui mừng sang thăm Hàn Quốc và hài lòng về tất cả những gì họ diễn ra và đạt được trong chuyến đi này.



Học được gì từ chuyến thăm?

Nhưng một câu hỏi khác quan trọng, thiết thực hơn được đặt ra là liệu ông Trọng và phái đoàn khá hùng hậu của ông học được gì từ chuyến đi Hàn Quốc lần này?

Trong diễn văn đáp từ Tổng thống Park Geun Hye tại buổi chiêu đãi, ông Trọng nói rằng qua chuyến thăm, ông đã ‘tận mắt được chứng kiến những thành tựu to lớn’ mà Hàn Quốc đã đạt được trong những năm qua và chân thành chúc mừng nước này ‘về những thành tựu đó’. Bài nói chuyện của ông tại Trường Đại học Nghiên cứu quốc tế Hàn Quốc ở Seoul ngày 2/10, được báo chí Việt Nam đăng tải, cũng khen ngợi ‘những thành tựu phát triển vượt bậc’ của Hàn Quốc trong nửa thế kỷ qua vì ‘từ một nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh, Hàn Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu’.

Đúng vậy, không ai có thể phủ nhận được những thành công của Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, trong những thập niên vừa qua. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Hàn Quốc năm 2013 là hơn 25.000 USD. Trong khi con số đó của Việt Nam chỉ là 1.900 USD. Cũng vì mức sống quá khác nhau như vậy, người Hàn Quốc và Việt Nam sống trong hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau.

Phát biểu vào tháng 8 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng đã cho rằng Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Nhưng theo ông Hoàng, trong khi ‘hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng’.

Càng đau lòng, ray rứt hơn như chính vị Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương này chỉ ra cách đây khoảng 50 năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Tại sao Hàn Quốc lại phát triển vượt bậc, trong khi Việt Nam lại tụt hậu như thế?

Trong bài nói chuyện của mình ở Trường Đại học Nghiên cứu quốc tế Hàn Quốc, ông Trọng, một Giáo sư và Tiến sỹ Chính trị học cho rằng ‘Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, một phần là do xuất phát điểm của chúng tôi quá thấp, do tác động của những diễn biến khách quan và quan trọng nhất là những hạn chế chủ quan’.

Ông cũng nêu ra nhiều lý do khác như ‘chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, khoảng cách về trình độ phát triển so với nhiều nước trong khu vực còn lớn’.

Nếu chỉ cần so sánh hệ thống chính trị, mô hình kinh tế, cách điều hành, quản lý của Hàn Quốc với những gì đang diễn ra tại Triều Tiên hay thậm chí tại Việt Nam, ông Trọng hay bất cứ ai trong phái đoàn của ông đều có thể dễ dàng nhận ra đâu là nguyên nhân sâu xa, chính yếu dẫn đến sự tụt hậu của Triều Tiên và sự thua kém của Việt Nam so với Hàn Quốc.

Vì khi đã ‘tận mắt chứng kiến’ những thành tựu của người ta trong 40 hay 50 năm qua và biết nhìn lại thời gian đó ‘để soi rọi chính mình ’như ông Hoàng đã làm, chắc chắn ông Trọng và đoàn của ông rút ra được những bài học quý giá cho Việt Nam qua chuyến thăm Hàn Quốc. Đây mới là kết quả thiết thực nhất, điều ý nghĩa nhất mà chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trọng và phái đoàn của ông mang đến cho Việt Nam từ chuyến đi này.


EIU: Việt Nam ngày càng quan trọng đối với Mỹ

TTXVN (London 6/10) - Bình luận về việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) trực thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) ngày 6/10 cho rằng quyết định này có thể góp phần tăng cường an ninh biển của Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với Mỹ.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí nhằm mục đích chủ yếu là tạo điều kiện để Việt Nam có thể sở hữu các trang thiết bị tuần tra - giám sát tiên tiến. Bấy lâu nay, Việt Nam vẫn muốn có máy bay tuần tra biển P-3 Orion để tăng cường hoạt động tuần tra tại khu vực biển thuộc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Được mệnh danh là "sát thủ săn ngầm", P-3 Orion có 4 động cơ tuốcbin cánh quạt cho phép đạt tốc độ khoảng 750 km/h và tầm bay hơn 4.000 km. Với phi hành đoàn 11 người, P-3 Orion có thể hoạt động liên tục trên không 16 tiếng đồng hồ.

Việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tăng cường hơn nữa tiềm lực quốc phòng với nhiều loại vũ khí trang thiết bị, trong đó có tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo. Xét ở góc độ rộng hơn, động thái này là một dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng đối với Mỹ. Trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam và Mỹ đã triển khai nhiều bước đi nhằm tăng cường quan hệ quân sự song phương. Hai nước cũng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại. Việt Nam hiện là một trong những nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng nhằm thiết lập một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn.

Tuy nhiên, quyết định của Mỹ không gây bất ngờ cho giới quan sát. Gần đây, giới chức Nhà Trắng, Lầu năm góc cũng như các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đồng loạt đề cập đến việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí. Điều này cũng phản ánh chiến lược của Mỹ nhằm tăng cường can dự với các nước châu Á, ví dụ như với Philippines, trong bối cảnh mối quan ngại về tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng. Căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có nguy cơ leo thang. Hồi tháng 5/2014, khẩu chiến đã nổ ra gay gắt giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan dầu Hải Dương-981 vào vùng biển mà EIU cho rằng "cả hai nước đều có tuyên bố chủ quyền".

Quyết định nới lỏng từng phần lệnh cấm vận không đồng nghĩa với việc Việt Nam ngay lập tức có thể tiếp cận toàn diện với các loại vũ khí do Mỹ sản xuất. Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các yêu cầu mua trang thiết bị quân sự của Việt Nam sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá từng trường hợp. Vào thời điểm hiện nay, dường như Mỹ sẽ đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra ở Biển Đông. Giới chức Mỹ hy vọng rằng động thái của họ sẽ không chọc giận Trung Quốc. Theo lập luận của Washington, họ chỉ giúp Việt Nam cải thiện khả năng phòng thủ. Tuy nhiên, EIU cho rằng việc Mỹ nới lỏng từng phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam có thể khiến căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc gia tăng.

Theo dự báo của EIU, trong một vài năm tới, Mỹ sẽ tính đến khả năng dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.


Dư luận Vatican trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Tòa thánh (18/10/2014)

TTXVN (Roma 6/10) - "Giáo hoàng rất muốn sang thăm Việt Nam" và "Vatican luôn coi Việt Nam là một điển hình, một tấm gương tốt nhờ sự cởi mở, thẳng thắn trong cách tiếp xúc và thương lượng với Tòa thánh".

Đó là hai thông điệp mà ông Gerrard O'Connell, nhà phân tích Vatican hàng đầu và rất có uy tín trong giới, về quan hệ Việt Nam-Vatican trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Tòa thánh vào ngày 18/10 tới. Là người rất gần gũi với Giáo hoàng về mặt công tác cũng như gia đình (gia đình ông có quan hệ thân thiết nhiều năm với Đức cha Jose Bergoglio trước khi ngài được bầu làm người đứng đầu nhà thờ Công giáo vào tháng 3/2013), vì thế, ông rất hiểu Giáo hoàng, và những gì mà ông nói với phóng viên TTXVN trong một cuộc gặp tuần trước được ông khẳng định là những thông điệp từ chính Giáo hoàng chuyển cho phóng viên TTXVN như một kênh không chính thức để chuyển về cho lãnh đạo Việt Nam.

Theo ông O'Connell, Giáo hoàng rất mong đợi một sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam-Vatican để cuối cùng tiến tới việc bình thường hóa bang giao giữa hai bên, vì mục đích tốt đẹp của cả hai phía, đặc biệt là sự tham gia của các tín đồ Công giáo trong các lĩnh vực của cuộc sống, như giáo dục, y tế và các hoạt động nâng cao chất lượng sống. Ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thương lượng trước kia với các chế độ cộng sản, vấn đề đất đai và tài sản mà Giáo hội bị tịch thu, sung công trong các quá trình lịch sử của đất nước, giờ đã tạm thời được gạt sang bên để không "đụng chạm" đến vấn đề nhạy cảm này nữa, nhất là ở một đất nước như Việt Nam, để nhường chỗ cho những chủ đề khác mà Toà thánh đang hướng tới, như đã nói ở trên. Đất đai có thể là một vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam hết sức lưu ý. Việc tiếp tục siết chặt quản lí đất đai trước đây thuộc về nhà thờ cũng như các báo cáo về những tranh chấp đất đai với nhà thờ trước đây đã từng gây ra những tranh luận bên trong Tòa thánh về việc phải đối xử như thế nào với Việt Nam, thậm chí gây chia rẽ trong Thánh Bộ về truyền bá giáo lí đức tin. Tuy nhiên, Vatican, đứng đầu là Giáo hoàng, đã thuyết phục được rằng, để đối thoại được với Việt Nam, cần gạt vấn đề này sang bên. Nhưng điều đó không có nghĩa là Tòa thánh không còn quan tâm đến việc lấy lại các tài sản đã bị cộng sản tịch thu trong quá khứ.

Liên quan đến vấn đề thương lượng với Việt Nam, Vatican cho rằng, dù băng đã tan trong quan hệ giữa hai bên và từ 7 năm qua, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu gặp một Giáo hoàng ở Vatican (tháng 1/2007), đã có nhiều chuyển biến lớn. Tuy nhiên, họ nhận thấy, trong thời gian này, các cuộc thương lượng không có những tiến triển đáng kể, không có bước đột phá lớn nào và dường như đang giậm chân tại chỗ. Theo ông O'Connell, Tòa thánh nghĩ rằng, Hà Nội có vẻ chưa muốn Vatican có khâm sứ chính thức và điều khiến Tòa thánh lo ngại, là họ cho rằng, chính phủ Việt Nam chỉ muốn quan hệ giữa hai bên dừng lại ở mức hiện tại, không chính thức và cũng không phải không chính thức. Vatican đang đặt ra những câu hỏi về các trở ngại thực tế của việc lừng chừng trong quan hệ hiện tại. Hà Nội mô tả quan hệ của họ với Vatican là tốt, nhưng không chủ động trong việc thương lượng là vì lí do gì:

1) Việt Nam thực sự không muốn bình thường hóa bang giao mà chỉ dùng Vatican như là một con bài để làm hình ảnh với các giáo dân, buộc họ phải "ngoan"?

2) Sự mâu thuẫn về ý thức hệ và tư tưởng cộng sản và nhà thờ là kẻ thù không đội trời trung vẫn đang tồn tại và ngăn cản các lãnh đạo cộng sản đi đến việc dứt khoát trong quan hệ hai bên?

3) Việt Nam cho rằng, chưa đủ độ chín muồi cho việc thiết lập chính thức bang giao. Vậy, để chín muồi, cần phải có những điều kiện gì nữa và Vatican phải làm gì để thuyết phục Hà Nội trong việc này?

4) Việt Nam vẫn sợ sẽ rơi vào sự sụp đổ như ở Đông Âu 25 năm trước, với sự can dự của nhà thờ, trong chiến dịch "Hướng đông" (Ostpolitik), trong khi hoàn cảnh hiện tại không giống như lúc đó nữa?

5) Bắc Kinh ngăn cản Hà Nội bình thường hóa bang giao với Vatican?

Tuy nhiên, ông O'Connell cũng cho rằng, dù thế nào đi chăng nữa, Tòa thánh mong đợi sẽ có những tiến triển trong thương lượng với Việt Nam, và hy vọng cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Vatican tới đây sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là một hành động mang tính xã giao. Ông nói rằng, Giáo hoàng Francis I là người không chịu ngồi yên bao giờ. Lúc nào ông cũng suy nghĩ để tìm ra một con đường tiếp cận với các nước chưa có bang giao chính thức với Tòa thánh, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Giáo hoàng, do đó, rất mong đợi hình ảnh đẹp mà Việt Nam tạo lập được trong quan hệ với Vatican (sự cởi mở, thân thiện và thẳng thắn đã thể hiện trong các năm gần đây) sẽ là một tấm gương tốt cho các nước khác noi theo, trong đó có cả Trung Quốc, trong thời điểm Vatican đang hướng mạnh về châu Á, coi đó là đích đến quan trọng của Công giáo trong thế kỉ mới. Đầu năm 2015, Giáo hoàng sẽ thăm Sri Lanka và Philippines và ông hy vọng sẽ làm tăng thêm hình ảnh cũng như ảnh hưởng của mình đối với châu lục này. Sau chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 8/2014, Giáo hoàng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc, với hy vọng sẽ mở ra kênh đối thoại với Bắc Kinh như họ đã làm được với Việt Nam. Tuy nhiên, Tòa thánh cũng nhận thức được sự khác biệt trong cách đối xử với họ của các chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, và do đó, rất hy vọng quan hệ với Việt Nam sẽ giúp họ mở ra một cánh cửa đến với thế giới cộng sản và buộc Trung Quốc phải nhìn sang Việt Nam để xem cách hành xử của Hà Nội như thế nào.

Năm 2007, cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedict XVI được cho là bước đột phá trong quan hệ Việt Nam-Vatican. Hai năm sau, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế tăng cao sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Giáo hoàng Benedict XVI trong một cuộc gặp được cho là lịch sử. Đầu năm 2013, cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Benedict XVI được ông O'Connell khẳng định là dấu mốc cho thấy "cộng sản rất cởi mở trong quan hệ với Công giáo". Ông cho rằng, sau cuộc gặp sắp tới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam nên tiếp tục phát huy hình ảnh tốt đẹp của mình. Ông cũng nói thêm rằng, dư luận rất quan tâm đến thông điệp mà Thủ tướng đem đến Tòa thánh lần này là gì, nhưng suy đoán rằng, trước Đại hội Đảng, có lẽ Thủ tướng sẽ "chơi" một cách thận trọng trong chuyến đi này, và tận dụng cơ hội đến Vatican để làm hình ảnh cho mình nhiều hơn là đem đến một lời mời Giáo hoàng sang Việt Nam. "Tôi không cho là sẽ có lời mời Giáo hoàng sang Việt Nam trước năm 2016. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm cho cả hai phía", ông O'Connell kết luận.

II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Việt Nam đẩy mạnh nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Đài BBC (đêm 6/10) - Ngày 1/10, tạp chí tài chính ngân hàng The Banker đã đăng bài viết của tác giả Peter Janseen, nói về khủng hoảng nợ xấu tại Việt Nam và nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Hà Nội.

Sau khi bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực ngân hàng của Việt Nam đang bước sang một thời kỳ mới, với việc chính phủ ưu tiên tái cơ cấu khối ngân hàng quốc doanh nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu và ổn định nền kinh tế. Ban đầu, tại Việt Nam chỉ có một ngân hàng duy nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV). Ngày nay, ở nước này đã có khoảng 40 ngân hàng do nhà nước sở hữu toàn phần hoặc một phần và ngân hàng tư nhân.

Bước ngoặt quan trọng nhất đối với khu vực ngân hàng Việt Nam là vào năm 1988, khi SBV cho ra đời 4 ngân hàng từ các chi nhánh cũ: AgriBank (nông nghiệp), VietinBank (công nghiệp), VietcomBank (thương mại) và BIDV (cho cơ sở hạ tầng), tương tự với mô hình ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc.

Chọn sai thời điểm

Đầu những năm 90, SBV bắt đầu cung cấp giấy phép cho những ngân hàng có vốn phần lớn là tư nhân. Ngay trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, một loạt các ngân hàng cấp quốc gia đã ra đời sau khi nhiều doanh nghiệp mua lại và sáp nhập các ngân hàng cấp địa phương với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, thay vì chứng kiến phép màu kinh tế, thời điểm gia nhập WTO của Việt Nam lại trùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nóng, với mức vay bình quân tăng khoảng 33% giữa năm 2004 đến 2011, Việt Nam đã chứng kiến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào năm 2010, vỡ bong bóng bất động sản vào năm 2011 và khủng hoảng nợ xấu vào năm 2012. Tỷ lệ nợ xấu, theo thống kê từ các ngân hàng thương mại trong nước, hiện nay là 5%, trong khi SBV ước tính con số này là gần 9%. Nhiều ý kiến từ giới quan sát lại cho rằng tỷ lệ nợ xấu hiện nay lên đến 15%. Khoảng cách trong thống kê một phần là do sự khác biệt trong cách phân loại nợ xấu. Trong một báo cáo mới nhất về khu vực tài chính của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đã bày tỏ quan ngại về "chất lượng thống kê tài chính" và cho rằng cách đánh giá nợ xấu hiện này là "không đáng tin cậy".

Tái cơ cấu

Năm 2011, cơ quan này thông báo sẽ giảm số lượng các ngân hàng trong nước từ 40 xuống còn 15 hay 17 trước năm 2016, mặc dù giới quan sát cho rằng mục tiêu khả thi hơn là giảm xuống còn 20 ngân hàng vào trước năm 2020.

Tháng 7/2013, SBV lập công ty quản lý tài sản VAMC, với khoản vốn ban đầu là 24 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng), nhằm giúp mua lại nợ xấu từ các ngân hàng để đổi lại trái phiếu chính phủ. Chỉ trong 7 tháng đầu tiên, VAMC đã mua lại khoảng 2,5 triệu USD nợ xấu, nhưng sau đó hoạt động của công ty này đã chậm lại.

Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên Cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: "VAMC muốn bán nợ xấu trên thị trường nợ, nếu không chúng ta không thể giải quyết vấn đề nợ xấu".

Bốn ngân hàng quốc doanh lớn của Việt Nam: Agribank, ViettinBank, BIDV và VietcomBank, chiếm khoảng 50% nợ và 38% tổng số vốn điều lệ (theo khảo sát của KPMG). Những ngân hàng này chiếm đa phần nợ xấu, theo giới quan sát.

Việc nới giới hạn vốn góp cho khối ngoại tại các ngân hàng này một phần trong quá trình tái cơ cấu, ví dụ như ngân hàng Mizuho Corporate chiếm 15% cổ phần ngân hàng VietcomBank hay như ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ chiếm 19,73%.

Ông Trần Phương, Phó Chủ tịch của BIDV cũng cho biết, ngân hàng này đang có kế hoạch giảm cổ phần nhà nước trong những năm tới: "Các nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm tối đa là 30% cổ phần của BIDV, đồng nghĩa với việc đến cuối năm 2015, nhà nước chỉ còn sở hữu khoảng 65% cổ phần tại đây". Ông Phương nói thêm: "Chúng tôi còn có kế hoạch, tất nhiên là với sự cho phép của Thủ tướng để đẩy cổ phần nhà nước xuống còn 51% trong 5 năm tới".

Trong lúc 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất vẫn được cho là sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, 8 ngân hàng tư nhân quy mô vừa hiện nay được cho là các định chế tài chính với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn. Một ví dụ cho thấy Techcombank, với 19,41% cổ phần nằm trong tay HSBC đã dẫn đầu mảng ngân hàng bán lẻ. Tính đến ngày 30/6, Techcombank có khoảng 315 chi nhánh trên toàn quốc, với tăng trưởng tín dụng đạt 5,3% so với mức trung bình 3,52% của toàn ngành và lãi ròng tăng 45%. Tuy nhiên, ông Tareq Muhmood, Giám đốc đại diện của ngân hàng ANZ tại Việt Nam cho biết, một nửa khách hàng vay vốn của ngân hàng này là các nhà đầu tư nước ngoài và một nửa là các tập đoàn trong nước, trong đó có nhiều tập đoàn nhà nước. Ông nói: "Các tập đoàn nhà nước vẫn là một phần rất lớn của nền kinh tế”.



III. PHẦN QUỐC TẾ
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN
Về những thông tin xung quanh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

TTXVN (Pretoria 6/10) - Theo mạng tin Daily Beast ngày 5/10, do không xuất hiện trước công chúng từ kể từ tháng 3 năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho là bị bệnh. Tuy nhiên, các tin đồn đang tập trung vào khả năng ông ta đã bị lật đổ, khiến nhân vật thứ hai của Triều Tiên giờ đây cảm thấy đủ tự tin để công du miền Nam.

Tại cuộc họp mới nhất của Hội đồng Nhân dân Tối cao, ông Hwang Pyong So đã được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Điều này diễn ra sau khi ông được đề bạt vào chức vụ Giám đốc Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên, khiến ông trở thành sĩ quan chính trị hàng đầu trong quân đội. Trong một đất nước không có người thứ hai chính thức, ông ta được gọi là người đứng đầu trong số những người thứ hai.

Mới đây, ông Hwang đã thực hiện chuyến thăm Hàn Quốc một ngày, mở ra hy vọng hòa giải giữa hai miền đối địch và củng cố dự đoán về số phận của ông Kim Jong Un. Chuyến đi của ông Hwang tới Hàn Quốc vào ngày 4/10 diễn ra giữa lúc có tin nói ông Kim đã bị lật đổ. Jang Jin Sung, một cựu quan chức phản gián và tuyên truyền của Triều Tiên, tuyên bố rằng Ban Tổ chức và Chỉ đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, đã tiếp nhận quyền lãnh đạo đất nước. Theo ông Jang, ông Kim hiện chỉ là một "con rối".

Tuy nhiên, các nhà quan sát hàng đầu về Triều Tiên, lại nói rằng họ nghi ngờ ông Kim đã mất vị trí của mình tại trung tâm quyền lực của một nhà nước được thành lập bởi ông nội của ông rồi truyền lại cho cha ông và cha ông lại truyền tiếp cho ông. "Tôi không nghĩ rằng đó là dấu hiệu của một cuộc đảo chính", John Delury từ Đại học Yonsei ở Seoul nói với tờ Bưu điện Washington về chuyến đi của Hwang tới Incheon, gần thủ đô Seoul. Trong khi đó, ông Andrei Lankov từ Đại học Kookmin miêu tả chuyến thăm bất ngờ này chỉ là một phần của cuộc "tấn công duyên dáng" gần đây của Bình Nhưỡng. Ông nói với tờ báo này: "Ngoại giao Triều Tiên đã tham gia vào các nỗ lực nhịp nhàng và được tổ chức tốt nhằm cải thiện quan hệ với khá nhiều quốc gia. Và bạn đừng mong đợi tình trạng không có người kiểm soát ở đất nước này".

Trong khi các ông Lankov và Delury có cùng quan điểm như vậy thì ông Jang, một nhân vật đào ngũ sang Hàn Quốc, cho rằng ông Kim đã bị hạ bệ vào năm ngoái. Điều đó có nghĩa là ông Hwang có thể củng cố vị trí của mình trong một thời gian và nay cảm thấy đã đủ an toàn để công du Hàn Quốc một ngày.

Thật vậy, đang có những dấu hiệu cho thấy không chỉ ông Hwang nổi lên, mà còn còn có dấu hiệu cho thấy ông Kim chìm xuống. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đã không chủ trì cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao vào tháng trước - lần đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền sau cái chết của cha mình vào tháng 12/2011. Ông ta có thể lâm bệnh, nhưng nếu ông khỏe mạnh về chính trị, thì hội nghị hẳn sẽ được hoãn lại cho đến khi ông ta có thể xuất hiện.

Ngoài ra, còn có một điểm cực kỳ bất thường: Các thông tin của Thông tấn xã Trung ương Triều tiên về cuộc họp nói trên chỉ đề cập đến ông Kim - Bí thư thứ nhất của Đảng Lao động, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân, tất cả các vị trí cao nhất trong bộ máy nhà nước và trong đảng - một cách sơ sài và chỉ đưa vào phần cuối. Trong một chế độ như Triều Tiên, thông tin như vậy của hãng thông nhà nước thể hiện một sự bất ổn về mặt chính trị.

Liệu có phải ông Kim Jong Un thực sự bị bệnh? Trong lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng, ông đã tập tễnh bước đi. Có thể ông bị bệnh gút và truyền thông nhà nước nói ông không được khỏe, nhưng điều đó khác với tuyên bố của một trong phái đoàn gồm 11 thành viên của ông Hwang với Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl Jae vào ngày 4/10 rằng "không có vấn đề gì" đối với sức khỏe của ông Kim. Nếu Kim không gặp vấn đề gì về sức khỏe thì sẽ có không có lý do gì để ông ta không có mặt trong cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Tối cao.

Có quá nhiều tin đồn để có thể đi đến kết luận rằng tất cả mọi chuyện ở Bình Nhưỡng đều ổn. Các cuộc thanh trừng liên tục trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của ông Kim, trong đó có cả việc hành quyết người thân của ông, không thể là một dấu hiệu tốt. Trong khoảng 15 tháng, ông đã thay chỉ huy quân đội ba lần, và dường như đã thay thế khoảng một nửa trong số 218 quan chức cấp cao trong bộ máy hành chính và quân đội. Theo tờ Thời báo Tài chính, chưa bao giờ xảy ra tình trạng hỗn loạn như vậy kể từ cuối những năm 1950, khi ông nội Kim Il Sung loại bỏ những người phản đối sau thất bại trong Chiến tranh Triều Tiên. Nhà quan sát Bruce Bechtol từng nhận xét rằng những cuộc thanh trừng liên tục trong vài năm qua là bằng chứng cho thấy ông Kim không có khả năng củng cố vị trí tối cao của mình trong hệ thống chính trị.

Cuối tháng 7 năm nay, Chosun Ilbo, tờ báo được nhiều người đọc nhất ở Hàn Quốc, từng viết: "Các quan chức cao cấp trong Đảng Lao động và trong quân đội Triều Tiên đang ngày càng phản đối các chính sách hoặc phớt lờ các mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, dẫn đến tin đồn rằng quyền lực của ông ta đang suy yếu.

Tại một quốc gia như Triều Tiên thì hầu như mọi kịch bản đều có lý. Chúng ta sẽ biết nhiều hơn khi quan sát nhân vật sẽ nổi lên trong lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào 10/10 tới.
Chiến lược "ngoại giao chủ động" của Triều Tiên

TTXVN (Seoul 6/10) - Trong bài viết được đăng trên nhật báo Beijing News (Trung Quốc) số ra ngày 6/10, ông Wang Junsheng - nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - đưa ra nhận định rằng chuyến thăm bất ngờ tới Hàn Quốc của các "trợ lý hàng đầu" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cho thấy "cuộc tấn công ngoại giao" của Bình Nhưỡng dường như đạt đỉnh điểm. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn sẽ gặp khó khăn để phá vỡ sự cô lập ngoại giao vốn có của mình trừ khi có sự thay đổi về chương trình hạt nhân đang theo đuổi.

Bộ ba quan chức cấp cao Triều Tiên, dẫn đầu là tân Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hwang Pyong So, nhân vật được xem là người có quyền lực thứ 2 ở Bình Nhưỡng (sau nhà lãnh đạo Kim Jong Un), đã bất ngờ đến thành phố Incheon (Hàn Quốc) sáng ngày 4/10 để tham dự lễ bế mạc Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 17 (ASIAD-17). Theo nhà nghiên cứu Wang Junsheng, chuyến thăm này "không ngẫu nhiên" và phần nào cho thấy chiến lược "ngoại giao chủ động" của Triều Tiên đã tiến hành thời gian gần đây.

Tháng trước, Kang Sok Ju - Bí thư phụ trách đối ngoại của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) cầm quyền - đã thực hiện chuyến công du tới 5 nước châu Âu và Mông Cổ. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su Yong cũng đã thăm Nga sau khi có buổi tham dự hiếm hoi tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Ông Wang nói: "Chuyến thăm ngoạn mục (Hàn Quốc) này đã gây rất nhiều suy đoán, nhưng chuyến thăm bất ngờ này không phải ngẫu nhiên. Về cơ bản, nó phản ánh sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Triều Tiên". Cuộc hội đàm của phái đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên với Thủ tướng nước chủ nhà Chung Hong Won, Bộ trưởng Thống nhất Ryoo Kihl Jae và Cố vấn An ninh Quốc gia Kim Kwan Jin tại thành phố Incheon hôm 4/10 trở thành cuộc thảo luận cấp cao nhất giữa hai miền Triều Tiên trong những năm gần đây.

Mặc dù hai bên đã nhất trí tiếp tục cuộc đối thoại liên Triều Tiên cấp cao vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới, nhưng nhà nghiên cứu Wang Junsheng cũng cảnh báo đề phòng sự lạc quan quá mức về mối quan hệ liên Triều mà không có một bước đột phá lớn về vấn đề hạt nhân. Ông Wang nói: "Nếu Triều Tiên không thể hiện sự chân thành về vấn đề hạt nhân, các hoạt động ngoại giao cường độ cao sẽ rất khó để Bình Nhưỡng đạt được mong muốn của mình là phá vỡ sự cô lập quốc tế".

Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã kêu gọi tiến hành đối thoại thường xuyên với Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao Hàn Quốc ở thủ đô Seoul ngày 6/10, bà Park Geun Hye bày tỏ hy vọng thông qua chuyến thăm Hàn Quốc của đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên do Tướng Hwang Pyong So dẫn đầu sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy các cuộc hội đàm song phương.

Bà Park Geun Hye nhấn mạnh việc Seoul và Bình Nhưỡng đi đến nhất trí tiến hành vòng đối thoại cấp cao thứ hai đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc cải thiện quan hệ liên Triều. Bà cho rằng các bên cần tiếp tục những nỗ lực nhằm mở đường cho việc tái thống nhất hai miền thông qua các cuộc đàm phán cấp cao và hy vọng cuộc đối thoại cấp cao sắp tới sẽ không chỉ là một sự kiện duy nhất diễn ra trong thời gian tới. Cùng ngày, chính phủ Nhật Bản tuyên bố đang "theo dõi sát sao" những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên sau khi Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí tiếp tục tiến hành đối thoại cấp cao. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga, cho biết Tokyo sẽ "tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc và Mỹ trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến Triều Tiên", trong đó có các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên được cho là có dấu hiệu hòa dịu khi tổ chức thành công cuộc đối thoại cấp thứ trưởng hồi giữa tháng 2 vừa qua - cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai miền kể từ khi bà Park Geun Hye lên cầm quyền vào tháng 2/2013. Tuy nhiên, sau đối thoại, Bình Nhưỡng đã bất ngờ tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo và đe dọa tiến hành một vụ thử hạt nhân "kiểu mới" nhằm phản đối các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.
TRUNG QUỐC
Báo chí Trung Quốc tìm cách xoa dịu tình hình tại Hong kong?

Đài RFI (đêm 6/10) - Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc trong suốt tuần qua không đề cập gì đến phong trào phản kháng tại Hong Kong. Nhưng sáng 6/10 đã dành 10 phút để nói về các sinh hoạt tại Hong Kong đang trở lại bình thường. Sau một loạt bài báo lên án mạnh mẽ phong trào dân chủ Hong Kong, báo chí Trung Quốc bắt đầu dịu giọng, không chỉ riêng với trường hợp của Hong Kong, mà ngay cả với khu tự trị Tân Cương. Thông tín viên đài RFI Caroline Puel từ Bắc Kinh ghi nhận một sự thay đổi trong chính sách tuyên truyền của Trung Quốc lần này:

“Sau khi đã lên gân và tỏ thái độ không khoan nhượng trong suốt tuần lễ vừa qua, trong vài giờ gần đây, Bắc Kinh tỏ dấu hiệu cởi mở hơn. Tất cả các bài báo mới nhất, đều tìm cách làm ‘hạ nhiệt’ tình hình ở Hong Kong. Tân Hoa xã đi đầu theo hướng này khi nhấn mạnh: Người biểu tình đang giải tán, các trường học và công sở hoạt động trở lại bình thường, các trục đường giao thông cũng vậy. Thay đổi trong thái độ đó của các phương tiện truyền thông Trung Quốc không chỉ giới hạn trên hồ sơ Hong Kong. Cả một chiến dịch tuyên truyền liên quan đến Tân Cương cũng được mở ra. Tân Cương là một tỉnh ở miền Tây Bắc Trung Quốc vốn được cai trị với một bàn tay sắt. Gần đây hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu đã diễn ra tại khu vực này.

Nhiều bài báo trong ngày dành để nói về cộng đồng Hồi giáo ở Tân Cương một cách tích cực. Những bài viết đó đề cao phong tục tập quán và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ. Bên cạnh đó, Trung Quốc hôm nay cũng cho phát hành nhiều cuốn Sách Trắng với xu hướng mở rộng vòng tay đối với các sắc tộc thiểu số. Rõ ràng đây là đường lối chung ở Bắc Kinh hiện nay. Trong khi đó mọi người đều biết có hai phe trong hàng ngũ các nhà cầm quyền Trung Quốc. Một bên có lập trường cứng rắn, còn bên kia thì ý thức được rằng giải pháp đối thoại là cần thiết. Hy vọng là phe thứ nhì này đang chiếm thế áp đảo, nhất là trong việc xử lý vấn đề Hong Kong. Có như vậy mới mong mở ra đối thoại với người biểu tình Hong Kong, để rồi mọi chuyện sẽ lắng xuống. Ít ra là vào thời điểm này”.

Vì sao Trung Quốc sợ Hong Kong?

Đài RFI (đêm 6/10) - Phong trào phản kháng tại Hong Kong bước vào tuần lễ thứ hai với nhiều ẩn số. Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến tình trạng người làm ăn buôn bán bất bình vì vắng khách. Một bộ phận “người lớn” thông hiểu tại sao cần phải tranh đấu nhưng một số khác tỏ ra hung bạo đánh mắng sinh viên. Bị tấn công, một sinh viên phản ứng “tôi là người được thuê mướn để phá hoại”? Theo La Croix, giới trẻ Hong Kong “lấy làm tiếc vì sự hy sinh của họ bảo vệ quyền lợi chung không được giới buôn bán chia sẻ”. Nhật báo công giáo đặt câu hỏi không rõ cảnh sát Hong Kong có tiếp tục giữ thái độ chừng mực hay sẽ thay đổi sau khi chính quyền ra tối hậu thư buộc sinh viên học sinh phải giải tán?

Le Figaro chạy tựa: Tối hậu thư cho “cuộc cách mạng hoa dù”. Lời đe dọa của lãnh đạo đặc khu hành chính Lương Chấn Anh không làm sinh viên, học sinh lo sợ. Một số về nhà nghỉ ngơi để trở lại hiện trường trong tuần. Một số cứng rắn hơn từ chối nhượng bộ cảnh sát với lập luận “cuộc cách mạng nào cũng đổ máu”. Nhưng điều làm nhật báo cánh hữu Pháp cảm phục nhất là “cuộc cách mạng tự quản lý”, tựa của bài báo thứ hai. Trong cuộc chiến của thời đại Facebook, sinh viên, học sinh Hong Kong tận dụng triệt để kỹ thuật truyền thông để thành lập một mạng lưới hậu cần 21 địa điểm để yễm trợ nhau và cung cấp “thiết bị” biểu tình. Họ cũng không quên dự báo đường thoát hiểm nếu bị đàn áp bằng bạo lực như ở Thiên An Môn.

Quốc tế khâm phục Hong Kong nhưng Hong Kong lại làm Trung Quốc lo sợ

Trong bài bình luận “Hong Kong là mối lo lớn của Trung Quốc”, chuyên gia chính trị quốc tế Dominique Moisi nhận định Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ có hai sự lựa chọn: một là để yên cho tình hình lắng dịu, hai là đàn áp như Thiên An Môn.

Giới trẻ Hong Kong ngày nay, theo Dominique Moisi, không suy nghĩ như lãnh đạo hành pháp Lương Chấn Anh mà ông có dịp tiếp xúc cách nay 30 năm vào lúc nhân vật này còn là một công chức nổi bật của chính quyền thuộc địa Anh. Nếu Lương Chấn Anh hãnh diện là người Hán dù tốt nghiệp đại học Mỹ, dù công nhận nền giáo dục phương Tây cho ông kiến thức sâu rộng, thì thế hệ tranh đấu ngày nay Hong Kong có bản sắc riêng. Hong Kong và Hoa lục ngày càng có quan điểm khác biệt nhau nhưng quyền lợi thiết thực của Trung Quốc là hãy để Hong Kong duy trì bản sắc của mình. Tập Cận Bình nắm nhiều quyền hơn tất cả mọi lãnh đạo Trung Quốc nào khác từ thời hậu Mao. Tuy nhiên, ông Tập không thể muốn làm gì thì làm. Cách chức Lương Chấn Anh như sinh viên yêu cầu thì mất mặt, còn đàn áp bằng bạo lực thì quyền lực mềm của Trung Quốc tan nát và làm thị trường tài chính Hong Kong mất sức thu hút.

Ngược lại, Trung Quốc sẽ được nhiều quyền lợi nếu để Hong Kong tồn tại với các quyền tự do báo chí. Chỉ có tự do báo chí, Bắc Kinh mới tiêu diệt được tham nhũng và thiết lập nhà nước thượng tôn pháp luật. Giáo sư Dominique Moisi đã không chủ quan chút nào với nhận định trên, ông kết luận: vấn đề cốt lõi của Hong Kong là ở chỗ quyền lợi của nước Trung Hoa và quyền lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc không giống nhau. Do vậy, làm cách nào có thể thuyết phục được chế độ Bắc Kinh là chấp nhận cải cách chính trị tại Hong Kong “ít nguy hiểm” hơn là xét lại định chế.



Le Monde, do phát hành từ chiều thứ Bảy nên tập trung phân tích nhiều hơn về ý nghĩa cuộc biểu tình của phong trào chống hôn nhân đồng tính tại Pháp ngày chủ nhật. Trang châu Á, nhật báo độc lập nhấn mạnh thủ đoạn của phe cực đoan thân Bắc Kinh thuê côn đồ tấn công sinh viên học sinh Hong Kong. Hành động này có thể tạo ra hai hệ quả: một là phong trào phản kháng thêm được cảm tình của công luận nhưng hệ quả thứ hai có thể làm cha mẹ học sinh ngần ngại cho con đi biểu tình.


Hong Kong: Công cụ đỏ, liên kết xã hội đen?

Đài RFA (đêm 6/10) - Cuộc biểu tình của người dân Hong Kong đòi dân chủ thật sự, chống lại sự áp chế của chế độ Cộng sản Bắc Kinh lên môi trường tự do dân chủ ở phần lãnh thổ này đã bước sang những ngày khốc liệt. Ở đó, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã thi thố những trò bẩn, những ngón đòn làm cả thế giới ngỡ ngàng: Côn đồ thay nhà nước để tấn công những người biểu tình ôn hòa.

Những cuộc biểu tình vĩ đại

Lần đầu tiên, người ta thấy dưới bàn tay của Cộng sản Bắc Kinh, những người dân bất đồng đã tập hợp nhau lại với con số đông đúc lớn lao như vậy để thể hiện sự phản kháng đã được phơi bày rõ ràng trước con mắt toàn thế giới. Sở dĩ có điều đó, chính vì mạng Internet đã góp phần lớn trong việc loan tải các thông tin. Nếu như cuộc phản kháng năm 1989 tại Thiên An Môn đã tập trung một lượng người khổng lồ làm hoảng hốt Chính quyền Cộng sản Trung Quốc và họ đã không ngần ngại một cuộc tắm máu dân mình để bảo vệ sự độc tài. Kết quả là hàng ngàn sinh mạng người dân bị tiêu diệt nhưng thế giới bị bịt mắt, không ai được biết. Ngày nay, ở Hong Kong, chỉ một hành động bẩn thỉu, một sự mờ ám đã bị cả thế giới lên án và vạch mặt. Những sự thao thức, những tiếng kêu, những sự đồng cảm và chia sẻ đối với người dân Hong Kong suốt đêm qua phải đối diện với những trò bẩn thỉu của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc. Những người dân Việt Nam yêu dân chủ, tự do đã thức suốt đêm qua để cùng hồi hộp, lo lắng, hiệp thông và chia sẻ với những người dân Hong Kong đã cho thấy rằng: Quả là thế giới không rộng lắm.

Những cuộc biểu tình liên tục ngày đêm dâng cao ở Hong Kong để đòi tự do, dân chủ đã làm nức lòng cả thế giới. Và hẳn nhiên, ai cũng biết là cầm quyền Cộng sản Bắc Kinh chẳng bao giờ muốn điều đó xảy ra. Bởi nó đe dọa trực tiếp đến “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản” đối với người dân ở đây - điều mà không một chế độ độc tài toàn trị nào muốn đối diện. Không chỉ có thế, Hong Kong đang là tuyến đầu cho những vùng, những khu vực khác mà Cộng sản Trung Quốc đang cố tình áp đặt lên đầu họ một chế độ nô lệ mới, chế độ thực dân mới như Ma Cao, Tây Tạng, Tân Cương, các khu vực “tự trị” khác nhau trên đất nước Trung Hoa rộng lớn cũng đang chờ có dịp để lật nhào cái ách trên cổ mình.

Cuộc biểu tình đã không chỉ huy động lực lượng xã hội mà bất cứ chế độ nào cũng phải sợ hãi: sinh viên, mà đó là sự tổng hợp của mọi thành phần trong xã hội Hong Kong vốn đã được hưởng nền tự do dân chủ cả trăm năm khi đã là “địa ngục loài người” dưới thời kỳ là “thuộc địa” của Thực dân Anh. Những người biểu tình đã thể hiện sự ôn hòa, lịch sự và ứng xử văn minh đã đẩy nhà cầm quyền Hong Kong vào thế bí trước con mắt của cả thế giới. Đặc biệt là đẩy nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc vào sự bế tắc. Bởi không dễ dàng gì có thể lặp lại một Thiên An Môn ở Hong Kong.

Những cuộc “thương lượng”, những trò câu giờ, lừa bịp dần dần được thực hiện, thể hiện bản chất xảo trá cộng sản. Điều mà người ta nhận thức ngày càng rõ là: Bất cứ ở đâu có bàn tay của người Cộng sản thò vào, thì ở đó đừng mong có sự chân thành và trung thực. Điều làm cho Trưởng Đặc khu Hong Kong, một công cụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc hết sức bối rối và khó khăn trong việc đáp ứng, là những người biểu tình yêu cầu ông ta phải từ chức. Việc từ chức của ông ta, đồng nghĩa với việc xác định quyền tự chủ, tự do của người dân Hong Kong được chọn lựa người đại diện cho mình trong vai trò người quản lý nhà nước. Có nghĩa cũng chính là sự phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối bằng trò hề “Đảng cử, dân bầu” mà ta thường thấy trong các chế độ cộng sản và độc tài.

Trò bẩn

Khi những con bài trấn áp bằng hơi cay, xịt nước, dùi cui đã được sử dụng xem chừng không có hiệu quả trước bức tường vững vàng của hàng vạn người bất bạo động, có kỷ luật và văn hóa, được phơi bày trước cộng đồng quốc tế, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã tính con bài khác. Đêm qua, những con bài bẩn đã được sử dụng ở Hong Kong. Ở đó, đám côn đồ, xã hội đen đã được sử dụng để gây bạo loạn, để đàn áp, dằn mặt và nhất là vô cớ đánh đập người dân ôn hòa. Những hành động mà trước con mắt thế giới văn minh, nhà cầm quyền có muốn cũng không dám dùng lực lượng có sắc phục ra tay. Và điều oái oăm nhất, là lực lượng cảnh sát dày đặc đã mặc nhiên để kệ những phần tử này hoành hành và tấn công người biểu tình ôn hòa ngay trước mắt mình. Nhiều người biểu tình đã bị trọng thương, máu đã đổ và sự hỗn loạn nhất thời đã được tạo ra. Những cuộc đụng độ đã xuất hiện. Qua đó, người ta thấy nhiều điều. Nhưng, rõ nhất là hành động không chính danh, không đàng hoàng mà nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đang sử dụng ở Hong Kong với dân chúng của mình. Những hành động đó, đã không thể giấu giếm, đã không thể bưng bít trước con mắt của toàn thế giới đang hướng về Hong Kong bé nhỏ nhưng anh dũng trước con sói nham hiểm và man rợ là Cộng sản Trung Quốc.



Hành vi quen thuộc?

Nhìn những hành động ở Hong Kong hôm qua của nhà cầm quyền đối với công dân mình, tôi chợt liên tưởng đến những hành động đã xảy ra ở Hà Nội và nhiều nơi khác ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đêm 31/8/2008, tại Nhà thờ Thái Hà, khi đoàn phụ nữ, trẻ em đang cầu nguyện, một nhóm công an bao vây xung quanh họ, và một kẻ đứng trong đám đông đã dùng hơi cay xịt vào mặt trẻ em và phụ nữ. Điều trớ trêu là kẻ này xịt hơi cay xong đã xin lỗi bà con và biến mất. Trong khi đó, công an Quận, Phường và hàng loạt lực lượng an ninh ở đó đã nhất định không chịu lập biên bản, và khi giáo dân lập biên bản, yêu cầu họ ký thì họ nhất định... không ký. Điều này được giải thích đầy đủ khi người ta đưa ra những tấm ảnh, trong đó, tên cầm bình xịt hơi cay đứng và cười nói với Công an lúc trước.

Trước đó, vào tối ngày 28/8, khi bóng đêm đổ xuống, Công an Hà Nội đã dùng dùi cui điện tấn công giáo dân Thái Hà ngay trên đường phố khi họ đi đòi người bị bắt trái pháp luật. Đêm 21/9/2008, hàng trăm người được huy động đến bao vây Nhà thờ Thái Hà, kêu gào đòi giết người, làm náo động cả khu vực nhà thờ, tu viện, bệnh viện... Thậm chí, họ còn kéo đổ cả cánh cửa đền Thánh Gieerrado của giáo xứ. Lực lượng công an dày đặc đã bảo vệ họ, và họ được trả tiền cho những việc làm đó. Thậm chí, người ta còn cáo buộc là nhà nước đã dùng cả những con nghiện trong một trại cai nghiện để tấn công nhà thờ đêm ấy. Mấy hôm sau, khi bị báo chí nước ngoài chất vấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra khái niệm mới, ông này gọi đó là “quần chúng tự phát” và cho rằng đó là việc bình thường, tức là không hề đếm xỉa đến luật pháp. Và khái niệm đó đã tồn tại cùng năm tháng cho đến ngày hôm nay, mỗi khi người ta muốn ám chỉ đám người được thuê tiền để “ném đá giấu tay” cho nhà nước. Cách này ngay lập tức đã bị báo chí, dư luận trong nước và quốc tế lên án kịch liệt, họ cho đó là hành động bất lương và bất chính của nhà nước. Đêm 15/11/2008, lần thứ 2, Nhà thờ Thái Hà lại bị tấn công bởi đám “quần chúng tự phát” được nhà nước tổ chức và thuê đến. Suốt đêm, họ hò hét, chửi bới, phá phách và đe dọa khu vực nhà thờ. Hôm sau, trước sự lên tiếng của dư luận quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hoàn toàn phủ nhận rằng: “Không có chuyện đó”. Tuy nhiên, ông này không hiểu rằng hình ảnh và tin tức về vụ việc này đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin quốc tế.

Ngày 3/11/2011, lại một đám người vừa già, vừa trẻ được nhà cầm quyền tổ chức, đột nhập vào Nhà thờ Thái Hà. Họ chửi bới, hò hét bằng loa, leo lên sân khấu và làm náo loạn nơi Thánh địa. Đi kèm đó là lực lượng an ninh, quay phim, công an bảo vệ xung quanh... Họ được coi là “những người dân bức xúc” đến trừng trị nhà thờ vì đã không im lặng để cho họ cướp bằng được tu viện của mình. Ngày 2/12/2011, khi những giáo dân Thái Hà đi nộp đơn khiếu nại từ UBND Thành phố Hà Nội trở về, họ liền bị đám côn đồ kết hợp với công an tấn công ngay giữa Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Không chỉ có ở Thái Hà mà còn có những sự kiện khác diễn ra ở các giáo xứ như Tam Tòa (Quảng Bình), Mỹ Lộc (Hà Tĩnh), Mỹ Yên (Nghệ An)... cũng với những kịch bản tương tự. Nghĩa là nhà nước và côn đồ kết hợp để đàn áp người dân tay không. Không chỉ được sử dụng trong các vụ việc tôn giáo mà chiêu bài này còn được sử dụng trong những vụ cướp đất của nông dân và đã bị chống trả và tố cáo. Người dân Văn Giang đã kiên trì đấu tranh nhiều năm chống việc cướp đất đai. Sau khi đã triển khai hàng nghìn công an, cùng với phương tiện thuốc nổ, xe cộ để cướp đất đai của họ và đã bị họ chống trả. Một đám côn đồ đã xông vào tận làng, chém người dân trọng thương. Nhưng nguyên nhân của vụ việc này là gì và ai đứng đằng sau hành động côn đồ đó, về pháp lý, vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp. Lời giải đáp đó chỉ rõ ràng trong sự hiểu biết của người dân và xã hội, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “công cụ đỏ” và xã hội đen.

Ngay cả đối với những người yêu nước, chống lại hành động xâm lược lãnh thổ của Tổ quốc của nhà cầm quyền Bắc Kinh, đám xã hội đen cũng được huy động. Bất cứ lúc nào, đám người không sắc phục, không rõ tung tích... đều có thể tấn công những người mà nhà nước không ủng hộ. Đó là những giáo dân, dân oan, người yêu nước, trí thức, nhân sĩ... đủ cả. Thậm chí, một đám dư luận viên, tập hợp của những kẻ cuồng tín và thiếu thông tin về sự thật đã được huy động để chống lại những đòi hỏi chính đáng của người dân về lãnh thổ và quyền con người...với lý do là bảo vệ Đảng. Nhưng thực ra, họ chỉ là nạn nhân của chính Đảng mà họ đang bảo vệ.

Chính nghĩa sáng ngời trong bóng đêm!

Trên thực tế, với cách hành động này, Chính quyền Cộng sản Việt Nam và nhà cầm quyền Trung Quốc đã và đang thể hiện điều gì? Hầu hết các vụ đàn áp, phá rối, sử dụng xã hội đen và “quần chúng tự phát” đều được sử dụng vào ban đêm, vì sao lại như vậy?

Tại sao lực lượng công an Việt Nam lại có mặt nhan nhản, dày đặc và chắc chắn, Trung Quốc cũng chẳng thiếu những thủ đoạn như vậy, họ vẫn sử dụng cả đám xã hội đen? Thực tế, đó là sự bí bách không lối giải quyết của nhà cầm quyền. Bởi trước mặt bàn dân thiên hạ, với tình hình cả thế giới chỉ được gói gọn trong một cái bấm chuột máy tính, thì việc dùng một đội quân hùng hậu đàn áp thẳng thừng như Thiên An Môn trước đây là điều không hề dễ dàng và đơn giản. Hoặc những hành động tàn sát dân lành ngang nhiên, trắng trợn như nhóm Hồi giáo cực đoan quá khích bất chấp dư luận kia sẽ bị cả thế giới lên án. Trong khi đó, bất cứ nhà cầm quyền Cộng sản nào, dù là Việt Nam hay Trung Quốc, dù là Liên Xô trước đây hay Triều Tiên ngày nay, đều luôn muốn tạo cho mình một bộ mặt trong sạch trước cộng đồng quốc tế. Và dù đó có là chủ mưu hay không, thì bàn tay nhuốm máu đó chỉ có thể là bàn tay của một đám tiện dân nào đó. Điều đó không khó khăn để nhận ra. Nhưng, thế giới ngày nay không còn là thế giới của những năm đầu thế kỷ trước, thế giới để mặc cho hệ thống tuyên truyền Cộng sản làm mưa làm gió, xuyên tạc sự thật. Loài người đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương về những thủ đoạn tàn ác, bẩn thỉu này. Những hành động tội ác sẽ bị vạch trần nhanh chóng. Bởi, cho dù bóng đêm có che lấp tội ác của họ khi đó, thì cuối cùng, ánh sáng mặt trời lại sẽ chiếu sáng nhân gian.
TÌNH HÌNH SINGAPORE QUÝ III/2014

TTXVN (Singapore 5/10)-

I. Tình hình Singapore

1. Chính trị-kinh tế-xã hội

Nhằm từng bước kiện toàn bộ máy lãnh đạo chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử vào năm 2016, Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền bổ nhiệm mới 2 bộ trưởng và hoán đổi 5 vị trí cấp bộ khác. Tháng 8 vừa qua, Quốc hội đã chọn 9 trong tổng số 36 ứng cử viên không thuộc đảng phái chính trị nào để Tổng thống phê chuẩn làm đại biểu Quốc hội được chỉ định với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi.

Trong quý III, Chính phủ Singapore tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của tầng lớp người dân có thu nhập thấp và người già. Để đạt được những định hướng nói trên, chính phủ đã thành lập một ủy ban gồm đại diện của Chính phủ, giới chủ lao động và người lao động, do Phó Thủ tướng Tharman Shanmugaratnam đứng đầu. Ủy ban này có nhiệm vụ thúc đẩy hỗ trợ nghề nghiệp, tạo thêm cơ hội cho những người lao động chưa có bằng cấp và yêu cầu giới chủ lao động đánh giá người lao động dựa vào kĩ năng của họ chứ không phải bằng cấp.

Các biện pháp mà Chính phủ tiến hành để tăng năng suất lao động và giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài đã nhận được đánh giá tích cực từ các nhà kinh tế trong và ngoài nước. Tuy nhiên, xuất khẩu, ngành đem lại nguồn thu lớn cho “Đảo quốc Sư tử”, lại liên tục giảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore giảm 4,7% trong tháng 8/2014 so với mức giảm 2,5% của cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ giảm 3,3% trong tháng 7, 4,6% trong tháng 6 và 6,6% trong tháng 5 và chỉ tăng nhẹ trong tháng 8 vừa qua.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2014 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2013 và thấp hơn mức giảm 1,2% trong tháng 7. Dự kiến CPI sẽ tăng nhẹ trong các tháng cuối năm do chi phí giao thông giảm và số lượng lớn nhà ở được tung ra thị trường vào những tháng cuối năm.

2. Quan hệ đối ngoại

Trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn biến phức tạp và có nhiều bất ổn, Singapore tiếp tục triển khai chính sách ngoại giao cân bằng với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong khi kêu gọi Mỹ tăng cường sự hiện hiện cả về quân sự và kinh tế tại khu vực, Singapore tiếp tục đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc.



Với Trung Quốc: Trong vòng 2 tháng, cả Thủ tướng và Phó Thủ tướng của Singapore đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 11-18/9, Thủ tướng Lee Hsien Loong đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông, thành phố Thâm Quyến, Hong Kong và Quế Lâm; dự và phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 11, được tổ chức tại thành phố Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng trung ương của hai nước gần đây đã đồng ý thực hiện chính sách thí điểm giao dịch đồng nhân dân tệ qua biên giới tại Khu công nghiệp Tô Châu và thành phố sinh thái Thiên Tân. Trong khi đó, Singapore cũng chấp nhận lời mời của Trung Quốc để trở thành một thành viên sáng lập của ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc khởi xướng.

Cũng trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nhằm tránh để vấn đề duy nhất ảnh hưởng đến một loạt lợi ích chung giữa Trung Quốc và ASEAN.

Với ASEAN: Chủ quyền trên Biển Đông cũng là một trong những vấn đề được tập trung thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen với người đồng cấp Philippines Voltaire T Gazmin, khi ở thăm nước này trong quý III vừa qua. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nói: “Chúng tôi không phải một bên có tuyên bố chủ quyền. Chúng tôi không có lợi ích trong việc ai giành được cái gì, song chúng tôi có lợi ích trong việc duy trì ổn định khu vực và chúng tôi ghi nhận vấn đề Biển Đông có thể gây bất ổn cho khu vực. Chúng tôi cũng nhất trí rằng giải pháp cho vấn đề Biển Đông phải thông qua các sáng kiến ngoại giao, chứ không phải quân sự”.

Singapore cũng tiếp tục củng cố quan hệ với các nước láng giềng như Malaysia và Indonesia. Tại buổi làm việc ngày 27/8, nhân chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Thủ tướng Lee Hsien Loong tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác song phương trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung. Singapore và Malaysia đang chờ phán quyết của phiên tòa kín đang diễn ra tại London (Anh), về việc Malaysia có phải trả cho Singapore khoản phí 1,4 tỷ SGD (gần 1,2 tỷ USD), cho việc khai thác các lô đất trao đổi nằm trên “Đảo quốc Sư tử” hay không. Hai bên thỏa thuận phán quyết của tòa án là kết luận cuối cùng, không có kháng nghị và phải được tuân thủ nghiêm.



Với Indonesia, hai nước đã ký Hiệp ước phân định biên giới trên biển ở phía Đông của Eo biển Singapore, nhân chuyến thăm chính thức Singapore từ ngày 2-4/9 của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Hiệp định bao trùm đường biên giới trên biển dài 9,45 km từ Changi (Singapore) tới đảo Batam của Indonesia, đảm bảo ngăn chặn tranh chấp lãnh thổ tiềm tàng trong tương lai. Trước đó, năm 2009, Singapore và Indonesia đã ký thỏa thuận phân định biên giới tại các phần phía Tây của Eo biển Singapore.

Singapore đồng thời đóng vai trò tích cực trong các hoạt động liên quan tới ASEAN, nhằm nâng cao vị thế của mình. Trong hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Arun Jaitley tại Thủ đô New Delhi ngày 19/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho rằng Singapore và Ấn Độ có thể đóng vai trò tích cực đối với an ninh khu vực.



II. Quan hệ Singapore-Việt Nam

Quan hệ Singapore - Việt Nam tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục…, nhất là trong bối cảnh năm đầu tiên hai nước triển khai mối Quan hệ Đối tác Chiến lược đã được lãnh đạo cấp cao hai nước ký vào tháng 9/2013.

Quan chức cấp cao hai nước tiếp tục thăm viếng lẫn nhau, nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và hiện thực hoá mối quan hệ này bằng những dự án cụ thể. Hai bên bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác để thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm Singapore của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam từ ngày 19-22/9, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Bộ Nội vụ Singapore và Bộ Công an Việt Nam trong thời gian qua; thống nhất các biện pháp nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần tích cực vào việc củng cố, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Quan hệ thương mại giữa Singapore và Việt Nam tiếp tục phát triển. Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Singapore, tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt gần 13,54 tỷ SGD (tương đương 10,83 tỷ USD), tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,57 tỷ SGD (tương đương gần 2,06 tỷ USD), tăng 22,4%, nhập khẩu hơn 10,96 tỷ SGD (tương đương 8,77 tỷ USD), tăng 22,2%.
TÌNH HÌNH PHÁP QUÝ III/2014
TTXVN (Paris 5/10) -

I.Tình hình nước Pháp:

1. Chính trị: Ngay sau kỳ nghỉ Hè, vào tuần cuối cùng của tháng 8, chính trường nước Pháp đã rơi vào khủng hoảng khi chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls bất ngờ từ chức. Nguyên nhân là do một số thành viên của chính phủ, trong đó đứng đầu là Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg đã có những phát biểu công khai cho rằng nước Pháp và châu Âu đã có những lựa chọn sai lầm khi theo đuổi chính sách khắc khổ, đồng thời kêu gọi “thay đổi đường lối”. Các động thái trên đã đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Chính phủ mới của Pháp đã được thành lập với sự xuất hiện của ông Emmanuel Macron, cựu giám đốc Ngân hàng Rothschild nhiều tiếng tăm và cũng là đồng minh thân cận của Tổng thống Pháp François Hollande ở vị trí bộ trưởng Kinh tế.



Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 196.42 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương