THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 179.46 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích179.46 Kb.
#14298
  1   2   3

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 176/ TKNB-QT-TN Thứ Tư, ngày 17/9/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Dư luận về quan hệ Ấn-Việt qua chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee

TTXVN (New Delhi 16/9) - Các báo và hãng tin Ấn Độ ngày 16/9 tiếp tục đưa tin đẫm nét về quan hệ Ấn-Việt qua chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee.

Báo the Economic Times đăng bài của tác giả Aman Sharma cho biết, trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) tới Ấn Độ vào ngày 17/9, Việt Nam và Ấn Độ ngày 15/9 đã nhất trí rằng “tự do hàng hải trên Biển Đông không được cản trở, đồng thời kêu gọi các bên hữu quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tất cả các tranh chấp một cách hòa bình.

Sau khi nhắc lại căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 5, tác giả cho biết vấn đề Biển Đông đã được Tổng thống Mukherjee và Chủ tịch Trương Tấn Sang thảo luận kỹ trong cuộc hội đàm tại Hà Nội hôm 15/9. Ấn Độ đã ký thoả thuận cấp 100 triệu USD tín dụng cho Việt Nam mua sắm các tàu tuần tra trên biển hiện đại. Hai bên cũng ký thỏa thuận, theo đó, PetroVietnam trao thêm 2 lô dầu mới tại Biển Đông cho ONGC Videsh Limited Ấn Độ thăm dò và khai thác dầu khí.

Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, phụ trách về phương Đông Anil Wadhwa coi đây là một “phát triển quan trọng” và nói rằng Ấn Độ vui lòng chấp nhận thăm dò 2 lô dầu trên. Tuy nhiên, khi được hỏi vị trí 2 lô dầu, ông Wadhwa nói rằng điều đó chỉ được biết một khi các lô dầu được trao. Thứ trưởng Wadhwa cho biết thêm tập đoàn Tata Power của Ấn Độ sẽ xây dựng nhà máy nhiệt điện tại miền Nam Việt Nam với vốn đầu tư 1,8 tỷ USD, khoản đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam. Chủ tịch nước Việt Nam đã dành nhiều thời gian cho chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới thăm Ấn Độ trong tháng 10 tới.

Cùng ngày, báo the Indian Express cho rằng Ấn Độ và Việt Nam đã gửi một “thông điệp nghiêm khắc” tới các bên hữu quan bằng việc tái khẳng định “tự do hàng hải trên Biển Đông không được cản trở. Mặc dù trong Tuyên bố chung, Tổng thống Mukherjee và Chủ tịch Trương Tấn Sang không chỉ đích danh bất kỳ nước nào, nhưng đây là lần thứ hai trong vòng những tuần gần đây, Ấn Độ đã chọn cách gửi thông điệp ngầm tới Trung Quốc từ nước ngoài.

Mạng tin của India Writes nhận định chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mukherjee từ ngày 17-19/9 sẽ phát đi xu hướng liên kết đa phương trong chính sách ngoại giao của Ấn Độ nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia. Điều quan trọng là chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee diễn ra ngay trước chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, song mới đây Việt Nam vừa phải chứng kiến những hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông. Ấn Độ đã thể hiện tài năng trong sắp đặt quan hệ của mình với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc.

Trong bài viết trên báo the Indian Express số ra ngày 16/9, Tiến sĩ Raja Mohan, chuyên viên đặc biệt của Viện nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) có trụ sở tại New Delhi cũng cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mukherjee ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có thể được xem như một “cuộc diễn tập ngoại giao được dàn dựng cẩn thận” của Ấn Độ. Thực ra, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mukherjee đã được lên lịch trình trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới các nước Nam Á. Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng sự trùng hợp lịch trình này đã nhấn mạnh những cơ hội địa chính trị đang được mở rộng của New Delhi đối với cả Bắc Kinh và Hà Nội ở thời điểm quan hệ Việt-Trung nhiều căng thẳng.

Đài RFI (đêm 16/9) - Trước lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi công du vùng Nam Á, Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng và hợp tác năng lượng với Việt Nam, quốc gia mà New Delhi xem là có vai trò trọng yếu trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ.

Ngày 15/9, nhân chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee, New Delhi đã loan báo cấp cho Việt Nam 100 triệu USD tín dụng xuất khẩu để Hà Nội mua vũ khí của Ấn Độ.

Trong bản thông cáo chung, hai nước cho biết là khoản tín dụng nói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác quốc phòng Việt - Ấn và chi tiết của những hợp đồng vũ khí sẽ được thông báo sau. Trong bản thông cáo, Tổng thống Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hợp tác quốc phòng và an ninh là “cột trụ quan trọng của khối đối tác chiến lược giữa hai nước”. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý sẽ củng cố hợp tác dầu khí song phương, tiếp theo sau thỏa thuận năm 2013, giữa Petro Vietnam với tập đoàn ONGC của Ấn Độ.

Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc phòng từ một thập niên qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của tân Thủ tướng Narendra Modi, New Dehli đang thi hành một chiến lược mới, đó là cấp tín dụng cho các nước khác để có thể gia tăng xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ.

Riêng đối với Việt Nam, khoản tín dụng 100 triệu USD sẽ giúp đẩy nhanh cuộc đàm phán về việc bán tên lửa Brahmos của Ấn Độ, hiện đang tiến triển rất chậm. Việt Nam hiện đang cố xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh để có thể đối đầu với Trung Quốc, qua việc mua các tàu ngầm hạng Kilo của Nga và đã tỏ ý muốn tiếp nhận công nghệ tên lửa của Ấn Độ để nâng cao khả năng phòng thủ.

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ quân sự của Nga, đồng minh thời chiến tranh lạnh của Hà Nội và New Delhi. Tên lửa Bhramos đã được phát triển chính là với sự trợ giúp của Nga.

Ông Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra, cho rằng Hà Nội đang muốn mua các tên lửa của Ấn Độ để trang bị cho chiến hạm. Theo chuyên gia này, nếu hải quân Việt Nam được trang bị những tên lửa như vậy, hải quân Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn khi hoạt động ngoài khơi Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam Biển Đông. Ông Carl Thayer nói: “Việt Nam không muốn bị rơi vào tình huống mà sáng mở mắt ra đã thấy chiến hạm Trung Quốc bao vây căn cứ ở Trường Sa”.

Ấn Độ hiện cũng đang tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng cả hai cường quốc châu Á này lại đang tranh giành nguồn năng lượng và ảnh hưởng khu vực, đồng thời vẫn còn tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cho dù chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee ở Việt Nam không phải là đã được dự trù cho trùng hợp với chuyến công du Nam Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng chuyến đi này làm nổi rõ chiến lược mới của New Delhi.

Theo nhận định của Raja Mohan, một nhà phân tích chính sách ngoại giao của Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Modi dường như tin rằng họ có thể thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam mà chẳng cần quan tâm Trung Quốc nghĩ gì.
Phản ứng với bài viết “Việt Nam News luôn đến từ hôm qua” của tác giả Robert Banks

Đài BBC (đêm 16/9) - Hoàng Trung Hiếu, gửi BBC Tiếng Việt từ Hà Nội. Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một phóng viên làm việc cho Việt Nam News tại Hà Nội.

Mới đây, tôi đọc trên trang BBC tiếng Việt bài viết “Việt Nam News luôn đến từ hôm qua” của tác giả Robert Banks. Cá nhân tôi có đôi lời xin góp ý như sau:

Bài viết có nhiều thông tin phiến diện, thiếu khách quan và phản ánh không đúng sự thật về qui trình hoạt động tòa soạn, nội dung thông tin và tài chính của báo Việt Nam News. Có thể lấy ví dụ sau về các thông tin không chính xác đó. Tác giả Robert Banks viết: “Báo cũng thu được một khoản nhỏ từ quảng cáo nhưng phần lớn là vốn nhà nước”. Nhưng sự thật là báo Việt Nam News đã và đang thực hiện tự chủ tài chính từ nhiều năm qua. Tôi là người làm việc trực tiếp trong bộ máy tòa soạn Việt Nam News.

Hàng ngày, chúng tôi đều phân công trực đêm và ca trực đêm thường kết thúc trước 12h đêm nên không có chuyện “Tổng biên tập… thường phải làm việc qua đêm để kiểm tra chế bản cuối từng trang một trước khi xuất bản”. Những thông tin sau là rất phiến diện và có cái nhìn thiếu thiện cảm với cách viết báo của phóng viên Việt Nam News: “Kế hoạch đưa tin tức thuộc thẩm quyền các ban của Bộ Nội vụ và Ban Tuyên giáo. Với toàn bộ sự chỉ đạo xuất bản báo đến từ cấp cao nhất, phóng viên bị hạn chế những gì họ được viết. Rất nhiều người làm việc như một biên dịch viên, chuyển ngữ các bài báo tiếng Việt - đã được duyệt bởi thế lực vô hình - sang tiếng Anh”.

Kế hoạch đưa tin tức là do Ban Biên tập báo chủ động xây dựng và chịu trách nhiệm. Đương nhiên thông tin cần được kiểm tra, xác minh với cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính chính xác khi cần, một yêu cầu nghiệp vụ mà báo chí các nước cũng thực hiện. Tác giả bài viết lại tiếp tục có những nhận xét tiêu cực, không đúng sự thật, rằng tại báo Việt Nam News: “Cách viết mới mẻ, sáng tạo không được tán thành. Nếu nhất nhất nghe lời, bảo sao làm vậy thì đảm bảo họ sẽ hưởng lương khá thoải mái, có công việc tốt và nhiều cơ hội thăng tiến. Các bài báo thì được khuyến khích sao cho viết càng khô khốc càng tốt. Chủ nghĩa bảo thủ này đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách của phòng tin, từ người chụp ảnh tới hiệu đính viên người nước ngoài được thuê để soát lỗi ấn bản - những người mà ý kiến của họ không được màng đến”.

Những thông tin sai sự thật này đã gây bức xúc cho nhiều anh chị em phóng viên, biên tập viên tại tòa soạn Việt Nam News, hơn nữa có thể dẫn đến sự hiểu lầm của bạn đọc đối với chúng tôi.

Những thông tin sai sự thật trên và nhiều nhận định chủ quan hời hợt khác trong bài cho thấy tác giả đã không hề cố gắng tìm hiểu thấu đáo về những vấn đề được nêu, rất thiếu chuyên nghiệp trong thu thập và đánh giá thông tin.
Về việc Việt Nam cấp giấy phép cho 2 tổ chức con nuôi Hoa Kỳ

Đài VOA (đêm 16/9) - Ngày 16/9, Việt Nam đã trao giấy phép cho đại diện của hai tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ, chính thức nối lại hoạt động cho nhận con nuôi giữa hai nước sau 6 năm đình trệ.

Hai tổ chức Dillon InternationalHotlt International Childer’s Services đã được cấp phép hoạt động trong chương trình “Con nuôi đặc biệt”, bao gồm trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ từ năm tuổi trở lên và nhóm trẻ em là anh chị em ruột.



VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục con nuôi, Bộ Tư pháp Việt Nam, ngay sau buổi lễ tại Hà Nội, với sự tham dự của Đại biện Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ. Trước hết, ông Bình cho biết ý nghĩa của việc cấp phép này:

“Việc này là hoạt động bình thường thôi. Việt Nam là thành viên của Công ước La Hay và Hoa Kỳ cũng là thành viên của công ước La Hay, nên phải hợp tác với nhau và theo luật chơi chung của Công ước La Hay (về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế). Hai tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ được cấp phép ngày hôm nay là tổ chức thứ 33 và 34 của 11 nước, 12 nước có mặt ở Việt Nam. Chuyện này là hoàn toàn bình thường”.

- Hai tổ chức của Hoa Kỳ trên phải đáp ứng các điều kiện gì, thưa ông?

+ Họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo pháp luật của Hoa Kỳ cũng như các điều kiện theo pháp luật của Việt Nam và Công ước La Hay, có nghĩa là họ phải có những hoạt động nhân đạo, hoạt động phi lợi nhuận, giúp cho các gia đình cha mẹ nuôi ở Hoa Kỳ muốn nhận trẻ em ở Việt Nam. Họ đâu có tự vào Việt Nam được. Công ước qui định như vậy và luật Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đều qui định như vậy.

Hai tổ chức này là hai trong số hơn 200 tổ chức của Hoa Kỳ có đủ điều kiện. Qua một quá trình kiểm tra, thẩm định, Việt Nam chọn hai tổ chức này cấp phép đầu tiên.

- Việt Nam từng bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã để xảy ra những sai phạm trong việc nhận con nuôi. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo những chuyện đó không xảy ra?

+ Nói cáo buộc thì cũng không hẳn là vậy. Câu chuyện năm 2007 - 2008, đến nay là bao nhiêu năm rồi? Chừng ấy năm thì Việt Nam đã làm ra luật mới. Việt Nam đã tham gia Công ước La Hay và Việt Nam đã cho nhận con nuôi theo Công ước La Hay với 11 nước trên thế giới, Hoa Kỳ là nước thứ 12. Ở các nước khác họ cũng thực hiện những quy chuẩn theo Công ước La Hay, không riêng gì Hoa Kỳ. Về phía Hoa Kỳ, họ đã có những chuẩn bị ở trong nước và đến bây giờ đủ để hợp tác với Việt Nam. Tất nhiên ở Việt Nam, khi có những khó khăn trở ngại, có những vướng mắc thì hai bên sẽ điều chỉnh.

Hồi năm 2008, Washington và Hà Nội đã ngưng gia hạn một thỏa thuận cho nhận con nuôi sau khi phía Hoa Kỳ phát hiện các ‘sai phạm’ mà Việt Nam cho là ‘không xác đáng’.

Viện Báo chí Điều tra Schuster của Hoa Kỳ từng cho VOA Việt Ngữ biết rằng, qua các thông tin bà thu nhận được từ yêu tiếp cận thông tin theo Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act) của Hoa Kỳ, nhiều người từ cơ quan quản lý vấn đề giao nhận con nuôi, các trung tâm trẻ mồ côi, bệnh viện, giới chức Chính phủ Việt Nam đã ‘hưởng lợi’ từ các vụ giao nhận con nuôi ‘không minh bạch’ cho các công dân Hoa Kỳ vốn không mảy may nghi ngờ về các tiêu cực. Sau khi phía Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc, Việt Nam đã tăng cường cam kết cải thiện hệ thống cho nhận con nuôi.

Luật Con nuôi, Nghị định thi hành và các thông tư liên quan đã lần lượt được thông qua và đang được triển khai. Dù việc nhận cho nhận con nuôi một cách giới hạn đã được tái tục, phía Hoa Kỳ cho biết ‘vẫn tiếp tục theo dõi chương trình phúc lợi trẻ em của Việt Nam, nhằm xác định việc mở rộng chương trình con nuôi nước ngoài’.

Theo Viện Báo chí Điều tra Schuster, trong khoảng thời gian từ 2006 - 2009, các công dân Hoa Kỳ đã nhận nuôi tổng cộng hơn 2.200 em nhỏ từ Việt Nam.
II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Nguy cơ từ các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước

Đài RFI (đêm 16/9) - Đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm. Việt Nam phải vay thêm 6 tỉ USD một năm, 5 trong số đó là để trả nợ nước ngoài, chỉ còn 1 tỉ để sử dụng. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước cao gần gấp ba lần so với nợ công của chính phủ. Trên đây là nhận định của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia về thống kê của LHQ về tình hình nợ công của Việt Nam hiện tại.

Hồ sơ nợ công lại nổi lên trong nước, tuy không phải là một vấn đề mới của Việt Nam, nhưng tại sao lại gây chú ý trong thời điểm này. Khái niệm nợ công trên lý thuyết và thực tế của Việt Nam? Khi nào thì nợ công đạt mức báo động nói chung và trong trường hợp của Việt Nam nói riêng? Đâu là những giải pháp cho Việt Nam?

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam tuyên bố, tỉ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam năm 2013, tương đương với 53,4% GDP, tức là vẫn ở dưỡi ngưỡng an toàn. Các chuyên gia trong và ngoài nước không mấy tin tưởng vào nhận xét nói trên.

Theo báo cáo về chỉ tiêu giám sát nợ công do Viện kiểm toán nhà nước Việt Nam công bố hồi tháng 4/2014, tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ theo Luật Quản lý nợ công tương đương với 55,7% GDP. Báo cáo này đã đưa vào thống kê nợ của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

Chuyên gia thống kê, từng làm việc tại LHQ, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, đưa ra hai nhận xét như sau:

Thứ nhất, nợ công nước ngoài theo định nghĩa của Việt Nam là 59 tỉ USD năm 2012, tăng với tốc độ rất nhanh - dù mới đây mức tăng có giảm - năm 2009 là 24%, năm 2010 là 35,8%, năm 2011 là 18,2% và năm 2012 là 11,4%.

Nợ công theo định nghĩa này thường dựa vào các khoản mượn nước ngoài hay các tổ chức quốc tế, với lãi suất thấp và thời hạn phải trả dài nên không phải là thật đáng lo. Theo tỷ lệ nợ như vậy là khoảng 40% GDP. Thường tỉ lệ vượt 50% là phải lo. Vấn đề của Việt Nam là tốc độ tăng nợ công cao hơn tốc độ tăng GDP rất nhiều.



Thứ hai, thống kê về nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, con số này là 62 tỉ USD. Nhưng nếu tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ công theo số liệu báo cáo và định nghĩa đúng ra phải là 121 tỉ USD.

Nói cách khác, chính nợ của các doanh nghiệp nhà nước mới thật là đáng lo. Nợ xấu hiện nay là do nợ loại này chứ không phải nợ công theo định nghĩa của chính phủ.

- Vì sao lo ngại nợ công lại nổi lên vào thời điểm này?

+ Cho đến nay, thật ra không rõ nợ công của Việt Nam là thế nào. Trong thời gian vừa qua, mức vay nợ của Việt Nam tăng khiến người ta lo ngại về vấn đề này. Có một khác biệt giữa điều mà chính phủ báo cáo với hiểu biết về mặt kinh tế. Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam, nợ công chỉ gồm những khoản chính phủ vay. Trong đó, không kể nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã đi vay. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước mới là một vấn đề lớn. Ngay cả nợ của chính phủ, thường thống kê Việt Nam bỏ qua nợ của các chính phủ địa phương và chỉ tập trung nói về nợ của trung ương mà thôi.

Chỉ đến mới đây, tức là năm vừa qua, tôi mới thấy bản báo cáo có nhắc đến hai loại nợ: nợ của trung ương và nợ của chính quyền địa phương. Như vậy, trong năm 2012, nợ công của chính phủ trung ương và ở cấp địa phương của Việt Nam đã lên tới 77 tỉ USD. Còn nếu như chỉ quan tâm tới nợ của trung ương, thì khoản nợ đó là 66 tỉ. Đó là năm 2012. Còn dựa vào những mức tăng nợ hiện tại đang được báo chí Việt Nam nói tới, tôi ước tính, nợ công của Việt Nam không còn là 77 tỉ nữa mà đã tăng lên tới 95 tỉ USD rồi. Đó là chưa tính tới nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Cộng thêm cả khoản này, nợ công của Việt Nam sẽ là rất lớn.

- Nói cánh khác, theo ông, hiện nay, nợ của các doanh nghiệp nhà nước cao gấp đôi so với nợ của chính quyền trung ương và địa phương gộp lại. Các thống kê chính thức của Việt Nam không tính đến khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong phần nợ công ?

+ Theo định nghĩa về nợ công của LHQ và của các tổ chức quốc tế, thì nợ công gồm nợ của chính phủ trung ương và địa phương, cộng thêm vào đó là nợ tư mà chính phủ bảo lãnh, cộng với nợ của doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương. Thế nhưng, tại đa số các nước trên thế giới, họ chỉ có rất ít các các doanh nghiệp nhà nước và nếu có, thì nợ của các doanh nghiệp này nằm trong ngân sách của nhà nước.

Vì thế mà nợ công đồng nghĩa với nợ của chính phủ. Nhưng Việt Nam là một trường hợp khác: khu vực kinh tế quốc doanh rất lớn trong nền kinh tế. Như đã biết, các tập đoàn như Vinashin hay các tập đoàn ngân hàng nhà nước, trong trường hợp họ bị phá sản, nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm. Do đó, nếu muốn phân tích đúng về trách nhiệm của nhà nước đối với nợ công, phải cộng luôn cả khoản nợ công của các doanh nghiệp nhà nước vào thống kê. Theo tôi, nợ của các doanh nghiệp nhà nước ít nhất cũng lớn bằng nợ công của chính phủ hiện tại.

- Tổng nợ công của Việt Nam theo định nghĩa quốc tế tương đương với ít nhất là 200 tỉ USD?

+ Vâng, như vậy tỉ lệ nợ của Việt Nam, nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước, có thể tương đương với hơn 200% GDP. Cho đến bây giờ, có sự khác biệt rất lớn giữa các báo cáo với thực tế. Trong năm 2012, Bộ Tài chính báo cáo nợ của các doanh nghiệp là hơn khoảng hơn 60 tỉ USD. Thế nhưng, theo điều tra hàng năm của các doanh nghiệp từ tổng cục thống kê, tổng nợ công của các doanh nghiệp nhà nước cao gấp ba lần so với các con số được Bộ Tài Chính đưa ra. Như vậy, khoản này lên tới khoảng 200 tỉ USD.

- Vậy nợ công của Việt Nam đã đạt tới mức báo động hay chưa?

+ Dĩ nhiên, nếu chỉ nói tới nợ của chính phủ, theo như định nghĩa về nợ công của Việt Nam, tôi nghĩ là nó đã tới mức cần phải tính toán rất kỹ. Bởi vì, Việt Nam đang có vấn đề khi trả nợ. Nói chung, Việt Nam đi vay nợ với lãi suất thấp, và nhất là nếu như vay của các tổ chức quốc tế thì thời hạn vay là rất dài, có thể tới 30 đến 50 năm. Do vậy, khoản vay này không đáng ngại.

Điều cần quan tâm là các tổ chức quốc tế bắt đầu cho vay ít hơn. Việt Nam phải đi vay trên thị trường công, trái phiếu của thế giới. Mà ở đây, lãi suất cao hơn nhiều. Đó là một điều đáng lo ngại. Theo các thống kê có được, tôi thấy, hàng năm, Việt Nam phải huy động khoảng 5 tỉ USD để trả nợ cũ.

Vài ba năm trước, Việt Nam chỉ phải trả cho các chủ nợ có 1 tỉ USD mà thôi. Tức là chi phí tài chính để thanh toán cho các chủ nợ đã tăng rất nhanh trong một thời gian tương đối ngắn. Mà 5 tỉ vừa nói chỉ là để thanh toán nợ cho nước ngoài thôi. Chưa kể nợ trong nước. Trong khi đó, mỗi năm, Việt Nam vay thêm nợ mới là 6 tỉ, nhưng lại phải trả nợ hết 5 tỉ và chỉ còn lại 1 tỉ để sử dụng. Đây là tôi mới chỉ nói tới nợ phải trả nước ngoài chứ chưa tính đến nợ phải trả cho trong nước. Nợ trong nước lại là một vấn đề khác.

- Khi Việt Nam chỉ còn có 1 tỉ USD để sử dụng như ông vừa nói thì khả năng đầu tư để phát triển của Việt Nam có bị giảm mạnh?

+ Tôi thấy như năm 2012-2013, Việt Nam đi vay 6 tỉ USD, trong đó 5 tỉ là để trả nợ nước ngoài. Vậy còn có 1 tỉ để sử dụng. Điều đó có nghĩa là đầu tư của Việt Nam phải dựa vào tiềm lực của trong nước và đầu tư nước ngoà FDI. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đã liên tục giảm và đây cũng là một vấn đề, chứ không phải như báo chí nói.

Nếu tính về đầu tư hàng năm của nước ngoài được thực hiện, thì trước đạt được 8-9 tỉ, bây giờ chỉ còn 7 tỉ USD. Chỉ có một điểm son đáng ghi nhận là kiều hối mà người Việt ở hải ngoại gửi về đã tăng, và đây là một nguồn lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

- Như vừa nói, Việt Nam giờ đây phải huy động tiết kiệm của người dân trong nước để đầu tư. Vậy thưa ông, khả năng tiết kiệm của người dân trong nước có lớn không?

+ Như vậy, tức là làm sao để vay của dân. Trong thời gian vừa qua, có một số chương trình huy động vốn của dân qua việc phát hành công trái. Trung ương cho phép các chính phủ địa phương phát hành công trái. Nhưng ở đây, lại đặt ra nguy cơ phát hành công trái bừa bãi. Các giới chức chính quyền sẵn sàng trả lãi suất cao, đem vốn đi đầu tư bừa bãi. Trong tương lai, ai sẽ kiểm soát được những vấn đề đó? Đây lại là một mối nguy khác và mối nguy này đã xảy ra tại Trung Quốc.

Vấn đề của Việt Nam là tìm kiếm số liệu (về nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước) và hệ thống kiểm soát số liệu rất là kém. Không nắm được số liệu chính xác thì khó lòng theo dõi được tình hình. Cũng nên để ý thêm một yếu tố nữa, đó là Việt Nam hiện đang đi vay với lãi suất rất cao. So với Nhật Bản, nước này không bị lạm phát mà thậm chí là bị giảm phát. Vì vậy, lãi suất trả nợ đối với Nhật Bản không thành vấn đề. Trong khi đó, Việt Nam bị lạm phát và trong một thời gian, đã phải đi vay với lãi suất cao - hiện tại là 4%, nhưng trước kia có lúc lãi suất lên tới 15-20%, hay cao hơn thế nữa. Thanh toán nợ quá cao như vậy khiến một số phá sản, hay gây ra nợ xấu không trả được.

- Câu hỏi cuối cùng, vậy đâu là giải pháp cho nợ công Việt Nam?

+ Tôi chỉ có nhận định thôi. Chứ còn nói về giải pháp, phải có nhiều vấn đề cần giải quyết đồng thời với nhau. Giải quyết nợ công, liên quan đến vấn đề phát triển, liên quan đến việc kìm hãm lạm phát. Thời gian vừa qua, phải nói là, Việt Nam đã ý thức được điều đó. Cho nên, vấn đề kiểm soát lạm phát là khá thành công. Tức là đang từ hơn 20% xuống còn khoảng 4-5%, theo tính toán của tôi. Mà 4-5% trong một quốc gia cũng là cao chứ không phải là thấp.

Kiểm soát lạm phát như vậy, đương nhiên là phải giảm tốc độ tăng tín dụng. Trong năm 2013, tín dụng đã tăng chậm lại. Đó là điều tốt. Nhưng đồng thời, cũng phải sử dụng những biện pháp khác, chẳng hạn như, phát hành trái phiếu, khuyến khích tư nhân đầu tư, bán doanh nghiệp nhà nước để Việt Nam có vốn phát triển thay vì cấp tín dụng, bơm tiền vào các hoạt động kinh tế. Bơm tiền như vậy sẽ tạo ra lạm phát, và kèm theo đó là cả một vòng xoáy cùng với rất nhiều vấn đề. Nói chung, Việt Nam đang kiểm soát được phần nào lạm phát, và tôi nghĩ là nên tiếp tục như vậy. Nếu như quay lại với mục đích phải phát triển cao, có nghĩa là lại bơm tiền ra và lại bị lạm phát trở lại. Theo tôi, thách thức đặt ra đối với Việt Nam là nâng cao năng suất lao động. Mà năng suất thấp nhất là ở khu vực kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước sử dụng tư bản rất nhiều để sản xuất ra cùng một món hàng. Có thể nói, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước là những ổ tham nhũng. Các cơ quan đó mượn được nhiều vốn, rồi không có khả năng chi trả, tạo ra nợ xấu, gây khó khăn cho ngân hàng.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 179.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương