THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 165.8 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích165.8 Kb.
#28948
  1   2   3

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 153/ TKNB-QT-TN Thứ Năm, ngày 14/8/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)


  1. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM


KKK thề sẽ tiếp tục biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam

TTXVN (Phnom Penh 13/8) - Những người biểu tình ủng hộ Hội Khmer Kampuchea Krom (KKK) trước Đại sứ quán Việt Nam, đòi người phát ngôn Sứ quán phải xin lỗi vì đã phát biểu Nam Bộ Việt Nam thuộc về Việt Nam từ lâu đời trong lịch sử, đã kết thúc 3 ngày biểu tình liên tục từ 11-13/8 bằng tuyên bố sẽ quay trở lại trong vòng 2 tuần nếu phía Việt Nam không đáp ứng những đòi hỏi của họ.

Kết thúc biểu tình vào khoảng 4h30 phút ngày 13/8, Giám đốc điều hành KKK Thach Setha nói “Chúng tôi để cho Chính phủ của chúng tôi giải quyết vấn đề này với Chính phủ Yuon (Việt Nam) trong vòng 2 tuần. Nếu trong thời gian đó không có giải pháp nào, chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình và sẽ không rút lui”.

Sự kiện đáng chú ý nhất trong 3 ngày biểu tình là vào khoảng 3 giờ chiều 12/8, những kẻ quá khích do sư Seung Hai dẫn đầu đã đốt cờ Việt Nam sau khi hô vang nhiều khẩu hiệu quá khích như “Yuon chiếm đất Khmer”, “Kampuchea Krom thuộc về Campuchia”, “Đuổi Yuon về nước”.

Hàng trăm cảnh sát đứng trong rào chắn bảo vệ không cho những người biểu tình tiếp cận Đại sứ quán đã không can thiệp những hành động của phe biểu tình.



Đài BBC (đêm 13/8) - Báo chí Campuchia cho hay hàng trăm người Khmer Krom (người xuất xứ từ khu vực Nam Bộ, Việt Nam) đã tổ chức tuần hành tới Đại sứ quán Việt Nam hôm 11/8 với nội dung giống các cuộc biểu tình trong tháng 7 trước đó là phản đối và đòi quan chức sứ quán, tham tán Trần Văn Thông, phải xin lỗi vì phát biểu rằng vùng đất mà họ gọi là Kampuchea Krom, từ lâu đã thuộc về Việt Nam.

Ông Thông nhiều lần khẳng định Nam Bộ là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, “được quốc tế và chính Vương quốc Campuchia công nhận”.

Những người biểu tình từ hồi đầu tháng 7 đã giao tối hậu thư với thời hạn hai tuần, đòi ông Trần Văn Thông và Đại sứ quán Việt Nam phải có phản hồi nhưng cho tới nay họ nói chưa nhận được phúc đáp.

Về phần mình, đại diện Sứ quán Việt Nam từng tuyên bố các cuộc biểu tình đòi xin lỗi là “trái pháp luật”.

Ông Thach Setha, Giám đốc điều hành của tổ chức Cộng đồng Kampuchea Krom, được báo Phnom Penh Post dẫn lời nói người biểu tình tức giận vì không được Đại sứ quán Việt Nam phản hồi.

“Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không trả lời gì, có nghĩa Việt Nam coi thường Campuchia đến nỗi không tiếp nhận đơn”.

Ông cũng cảnh báo sẽ tiếp tục có biểu tình và đe dọa kêu gọi tẩy chay hàng Việt Nam.

Trong một diễn biến leo thang gây quan ngại khác, một nhóm người mới tụ tập trước tòa Đại sứ quán Việt Nam chiều 12/8 đã đốt một lá cờ đỏ sao vàng.

Báo Cambodia Daily tường thuật rằng thoạt tiên, cuộc biểu tình diễn ra hòa bình, cho tới khoảng 2h30 chiều, khi đám đông đưa ra lá cờ Việt Nam và châm lửa đốt.

Tiếng nói can ngăn và kêu gọi hòa bình đã bị một nhà sư có tên là Seung Hai, vốn dẫn đầu cuộc biểu tình, bác bỏ.

Ông này được dẫn lời nói: “Chúng ta có thể bất bạo động được bao lâu? Đây là việc của Việt Nam”.

Theo Cambodia Daily, người biểu tình còn giẫm đạp và nhổ nước bọt lên lá cờ.

Báo này dẫn lời phát ngôn viên cho Tòa Thị chính Phnom Penh Long Dimanche nói rằng những kẻ đốt cờ sẽ bị trừng trị.

“Đây là một nhóm vô chính phủ... chúng tôi chưa quyết định sẽ trừng phạt họ như thế nào mà phải chờ xem đã”.

Sư Seung Hai thì đe dọa sẽ tiếp tục hành động đốt cờ này.

BBC đã tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam để xin phản ứng nhưng không được.
EU hi vọng sớm kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam

Đài VOA (đêm 13/8) - Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết các cuộc thương lượng về tự do thương mại EU-Việt Nam đang có tiến bộ nhưng cần một lực đẩy phối hợp để đôi bên có thể đạt được thỏa thuận chung cuộc trong năm nay.

AP dẫn phát biểu của bà Catherine Ashton hôm 12/8, khi ghé thăm Hà Nội nói rằng các cuộc đàm phán này sẽ có thêm xung lực mới khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông José Manuel Barroso, công du Việt Nam trong tháng này. Bà Ashton bày tỏ hy vọng EU sẽ sớm chung quyết một thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam trước cuối năm.

Truyền thông trong nước thuật lời Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị EU sớm thông qua Hiệp định Hợp tác và Đối tác Toàn diện (PCA) và đúc kết các cuộc thương lượng về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU.

Các cuộc đàm phán về thỏa thuận PCA kết thúc hồi giữa năm 2012 nhưng chưa được EU phê chuẩn. Các vòng thảo luận về FTA đang được tiến hành và giới hoạt động nhân quyền cho biết có thể sẽ chung quyết vào tháng 10 tới đây.

Thủ tướng Dũng nói, giữa những tiềm năng hợp tác to lớn của đôi bên, việc phê chuẩn PCA và ký kết FTA sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam-EU phát triển thịnh vượng.

Trước chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi châu Âu nên cân nhắc các điều kiện nhân quyền khi thảo luận về thương mại với Hà Nội, giữa bối cảnh vi phạm nhân quyền trầm trọng vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam.

Mới hôm 8/8, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) gồm trên 100 tổ chức thành viên đã đệ đơn khiếu nại lên Thanh tra của EU, yêu cầu xem xét việc EC từ chối không đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong các cuộc thương lượng về Thỏa thuận Tự do Thương mại giữa EU với Hà Nội.

Đơn khiếu nại nhắc tới chiến dịch đàn áp khốc liệt quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam với ít nhất 65 blogger bị cầm tù hồi năm ngoái và thêm 14 người nữa bị bắt trong nửa đầu năm nay.

FIDH lên án việc EC đề nghị giao thương ‘bình thường’ với Việt Nam, trong lúc các giới chức hàng đầu của EU thời gian gần đây liên tục đả kích thành tích nhân quyền của Hà Nội.

Chính bà Catherine Ashton, đại diện tối cao của EU về Chính sách An ninh và Ðối ngoại, cũng đã từng lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các vi phạm về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Thư khiếu nại của FIDH được đưa ra sau khi EC hồi giữa năm nay bác yêu cầu của họ về việc tiến hành đánh giá về tác động nhân quyền, viện dẫn rằng việc này đã có các cơ chế và chính sách hữu hiệu khác của EU đảm trách, chẳng hạn như Đối thoại Nhân quyền thường kỳ giữa hai bên.

Đại diện FIDH tại châu Âu nói với VOA Việt ngữ rằng nhân quyền phải có vị trí trọng tâm trong các mối quan hệ với Việt Nam, cần phải được ưu tiên trên tất cả các lợi ích về kinh tế.

Bà Gaelle Dusepulchre: "Đánh giá tác động nhân quyền sẽ giúp soi rọi cho tất cả những sự cải tổ cần thiết trong các thỏa thuận quốc tế và đồng thời cũng có ảnh hưởng rộng lớn hơn đối với các nước vi phạm nhân quyền khác trong khu vực ASEAN mà EU đang tiến hành thương lượng các thỏa thuận”.

Ngoài thỏa thuận FTA với EU, Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu.

Hà Nội cũng đang đối mặt với những lời kêu gọi từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ và giới bảo vệ nhân quyền, yêu cầu không cho Việt Nam làm thành viên TPP, chừng nào thành tích nhân quyền trong nước chưa được cải thiện một cách cụ thể như phóng thích tù nhân lương tâm hay sửa đổi các điều luật dùng để trấn áp quyền tự do ngôn luận và bỏ tù những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Các áp lực về nhân quyền Việt Nam đặc biệt trỗi dậy mạnh mẽ mỗi khi Hà Nội sắp bước vào các sân chơi quốc tế như đã từng thấy trong quá khứ, khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Chính phủ Việt Nam khẳng định tuy vẫn còn những điều cần khắc phục, nhưng nhân quyền trong nước luôn được tôn trọng. Hà Nội cho rằng các cáo buộc về vi phạm nhân quyền là ‘xuyên tạc’ và ‘thiếu thiện chí’.

EU là thị trường lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam, đạt 21 tỷ Euro trong năm ngoái.

Thỏa thuận FTA với châu Âu sẽ giúp Việt Nam mở rộng hơn nữa cánh cửa xuất hàng hóa sang 28 nước thành viên EU với tổng số dân hơn 500 triệu người.


II. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Mỹ sẽ giám sát các đảo đá, đảo san hô và bãi cạn ở Biển Đông

Đài VOA (đêm 13/8) - Mỹ cho biết sẽ giám sát những vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông để xem căng thẳng có giảm đi hay không, sau khi Trung Quốc bác bỏ một đề nghị mà Washington đưa ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Myanmar nhằm ngừng các hành động gây hấn.

Các giới chức Mỹ cho biết họ sẽ giám sát “các đảo đá, các đảo san hô và các bãi cạn” ở Biển Đông để tìm kiếm những dấu hiệu của sự giảm thiểu căng thẳng ở những vùng biển mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong thời gian qua đã đối đầu với tàu bè của Việt Nam và Philippines. Brunei, Malaysia và khu vực Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau, khiến vùng này trở thành một điểm nóng có thể gây ra những vụ xung đột với những hậu quả tai hại cho thương mại toàn cầu.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng hy vọng hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Myanmar sẽ tán đồng đề nghị ngừng mọi hành vi gây hấn ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã tạo áp lực, đưa tới chỗ ASEAN chấp nhận một thỏa thuận có tính chất hòa hoãn hơn và không có tính chất cưỡng ép.

Khi được hỏi về thỏa thuận đó, Ngoại trưởng Kerry nói rằng “ngôn từ trong đó quả thật đã đủ mạnh” để đạt được một số tiến bộ. Ông nói: “Chúng tôi không tìm cách thông qua một điều gì đó cho có lệ. Chúng tôi tìm cách đưa ra bàn hội nghị những điều mà các nước có thể ủng hộ. Một số nước đã quyết định rằng đó là những điều mà họ sẽ làm. Đây là một tiến trình tự nguyện”.

Theo nhận xét của nhà phân tích Michael Auslin của Viện Doanh nghiệp Mỹ, thông cáo của ASEAN không hề trực tiếp nói rằng Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế. Nhà phân tích này nói: “Nếu chúng ta tiếp tục nói 'Chúng tôi không muốn thấy những hành vi cưỡng ép', Trung Quốc sẽ nói 'Vâng, chúng tôi không hề cưỡng ép, họ mới chính là những kẻ cưỡng ép'. Do đó, chúng ta phải dùng những cách khác”.

Ông Auslin cho rằng nếu không như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục định nghĩa lại quyền kiểm soát hành chính đối với những lãnh thổ có tranh chấp. Ông Auslin nói: “Điều mà Trung Quốc muốn làm là tuyên bố rằng không hề có tranh chấp. Không có tranh chấp đối với quần đảo Senkaku. Không có tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa. Không có tranh chấp gì ở phần lớn khu vực Biển Đông. Không có tranh chấp gì đối với không phận ở Biển Đông”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị tiến hành điều mà ông gọi là “hiệp thương hữu nghị” với ASEAN, nhưng khẳng định mạnh mẽ rằng Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình trước điều mà ông gọi là “những sự khiêu khích vô lý”.

Sau khi hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc nêu lên nghi vấn về điều mà họ gọi là “ý đồ thật sự” của Mỹ ở Biển Đông, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói rằng Washington không hề gây bất ổn ở Biển Đông. Phát ngôn viên Marie Harf nói: “Chính những hành vi hung hãn của Trung Quốc đã gây ra bất ổn. Tất cả những gì mà chúng tôi làm đều nhắm tới mục tiêu giảm thiểu căng thẳng, giúp cho các nước giải quyết những bất đồng của họ bằng đường lối ngoại giao, chứ không bằng những biện pháp cưỡng ép hay khiêu khích như chúng ta đã thấy Trung Quốc thực hiện ngày một nhiều trong những tháng vừa qua”.

Ngoại trưởng Myanmar Wunna Muang Lwin, người đã chủ tọa cuộc họp ngoại trưởng của ASEAN, nói rằng “Không phải là một bên tìm cách ảnh hưởng những bên khác” để chống lại một nước”, mà “Toàn thể ASEAN, không phải ASEAN đối kháng với Trung Quốc”, sẽ giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hòa bình.

Đài Tiếng nói nước Nga (đêm 13/8) - Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện của lực lượng không quân và hải quân ở Bắc Australia. Quyết định này đã được thực hiện theo kết quả đàm phán tại Australia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry trong khuôn khổ "2+2". Washington tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh trong khu vực, mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Liên quan với chính sách Mỹ trở lại châu Á của chính quyền Obama, những cuộc gặp Australia-Mỹ ngày càng trở nên mang tính thực tế hơn. Trong chương trình nghị sự của cuộc gặp "2+2" đã đề cập đến vấn đề triển khai quân nhân, kế hoạch tập trận, phát triển các thiết bị quân sự mới, v.v… Người Mỹ giải thích tất cả những điều này là xuất phát bởi nhu cầu đối phó với sự gia tăng tiềm năng quân sự của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Trong thực tế, Australia sở hữu lực lượng vũ trang khá khiêm tốn. Với sự phát triển các hệ thống vũ khí mới của Trung Quốc, chẳng hạn như tàu ngầm và thế hệ tên lửa hành trình mới trên biển, Australia không có khả năng tự đảm bảo quốc phòng. Trong vòng tư vấn tiếp theo, Chuck Hagel đã ngụ ý rõ ràng rằng Washington có ý định hỗ trợ các đồng minh và theo đuổi chính sách tích cực hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về một vài phương diện, tình hình hợp tác Hoa Kỳ và Australia gợi cho người ta nhớ lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Hoa Kỳ tích cực sử dụng liên minh quân sự ANZUS trong khu vực. Chuyên gia quân sự Nga, Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada, thiếu tướng về hưu Pavel Zolotarev cho biết:

“Hiện nay một số cơ chế được tạo ra từ hồi "Chiến tranh Lạnh" đang hồi sinh trở lại. Mục tiêu của nó một mặt là giảm thiểu sự phát triển chi phí quân sự của Mỹ. Mặt khác là để gia tăng khả năng triển khai lực lượng thông qua việc sử dụng lãnh thổ các nước đồng minh. Hoa Kỳ không còn tìm cách chạy theo các nhóm lớn vì quá tốn kém, nhưng họ tìm cách tăng cường sức mạnh, nếu tình hình như vậy đòi hỏi”.

Mỹ đang có kế hoạch tăng hơn gấp đôi số lượng nhân viên quân sự Mỹ tại căn cứ gần thành phố Darwin, lên đến 2.500 người. Đại diện của Hoa Kỳ và Australia cũng đã thỏa thuận về khả năng tăng quân số Hoa Kỳ trong khu vực dân cư thưa thớt ở miền Bắc Australia. Đây là nói về tăng tần suất các chuyến máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Mỹ. Ngoài ra, Canberra sẽ hợp tác với Washington về phòng thủ tên lửa, an ninh mạng và an ninh trên biển. Tất cả điều này sẽ ràng buộc mạnh mẽ hơn nữa Australia với kế hoạch quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và làm phức tạp hơn mối quan hệ của nước này với Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trung Quốc chiếm khoảng 20% xuất khẩu của nước này. Nhờ vậy, nền kinh tế Australia tránh được ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện tại Canberra đang có điều kiện vừa không phản bội nước Mỹ mà vẫn duy trì được liên hệ thương mại và xây dựng quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, Australia có thể sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn – hoặc phải xem xét lại liên minh với Hoa Kỳ để đổi lấy quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, hoặc hoàn toàn đi theo chính sách của Mỹ trong các vấn đề an ninh châu Á.
Xung quanh đề xuất lập nhóm chuyên trách giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

TTXVN (Hong Kong 14/8) - Báo mạng Asia Sentinel xuất bản ở Hong Kong và Thái Lan mới đây đã đăng một bài viết về vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN với nhan đề “Dũng cảm đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông”. Trong bài viết này, tác giả Philip Bowring, một chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng về các vấn đề khu vực Đông Nam Á, cho rằng các quốc gia ven biển cần phải thành lập các nhóm riêng chỉ phục vụ cho việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Cuộc họp tuần trước của các nước thuộc ASEAN ở Naypyidaw, Myanmar, đã một lần nữa chứng tỏ sự bất lực của tổ chức 47 năm tuổi này, khi nó dẫn đến việc bảo vệ những lợi ích của các nước thành viên liên quan xung quanh những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sẽ luôn là như vậy, bởi vì những lợi ích của các quốc gia trên đất liền, đặc biệt là các nước nhỏ và dễ bị tổn thương như Campuchia và Lào. Họ sẽ luôn luôn phản đối bất kỳ sự phản ứng quá mức nào đối với Trung Quốc. Myanmar và Thái Lan không có phần dính líu trực tiếp trong vấn đề này, cho dù là thỉnh thoảng họ có thể muốn thấy sức ép từ các nước khác đối với Trung Quốc.

Nếu như những quốc gia trực tiếp liên quan - Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia và Brunei – muốn đi đến bất kỳ nơi đâu cùng với Trung Quốc, thì họ phải thành lập một nhóm riêng rẽ, một nhóm chỉ dành để giải quyết các vấn đề ở Biển Đông. Họ phải chấm dứt việc giả vờ với bản thân họ rằng Hiệp hội ASEAN với 10 quốc gia thành viên có thể thực hiện bất kỳ điều gì hữu ích. Điều đó không có nghĩa là hạ cấp ASEAN, mà chỉ là điều chỉnh tổ chức này tập trung vào các vấn đề mà nó có thể thực hiện trên thực tế, đặc biệt là về kinh tế.

Năm quốc gia này cần tạo ra một Nhóm Biển đảo chính thức. Nếu họ có thể hợp tác với nhau và thiết lập được một lập trường chung mạnh mẽ, thì Trung Quốc sẽ khó có thể phá hoại. Thật vậy, họ có thể tuyên bố rằng họ đang hành động phù hợp với yêu cầu của Trung Quốc về việc tiến hành các cuộc đàm phán song phương. Nếu tất cả các nước này cùng có thể ngồi vào bàn làm việc và nhất trí với các nguyên tắc rằng toàn bộ bọn họ sẽ tuân theo - ví dụ như - Vùng Đặc quyền Kinh tế 200 hải lý và những nguyên tắc khác được quy định trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), thì họ có thể có một lập trường cả đa phương và song phương trong việc đối phó với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở Naypyidaw, các bộ trưởng ASEAN đã ngồi im lặng khi vị Ngoại trưởng Vương Nghị vô cùng kiêu căng của Trung Quốc đã xúc phạm người đồng cấp Philippines Albert del Rosario bằng việc bỏ ra ngoài trong khi ông Rosario đang có bài phát biểu. Một số bộ trưởng dường như hành xử như thể tất cả bọn họ đều đã là các chư hầu của vị Hoàng đế ở Bắc Kinh, các bộ phận hợp thành giấc mơ của Trung Quốc về Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á của riêng họ.

Những nỗ lực của Philippines và Việt Nam nhằm nêu đích danh Trung Quốc là kẻ chủ mưu gây ra những vụ việc bạo lực gần đây ở Biển Đông, và những hành động hung hăng như đưa một giàn khoan vào các vùng nước ngoài khơi bờ biển Việt Nam, đã không đạt được tiến triển. Cuộc họp này đã kết thúc với một bản tuyên bố nhạt nhẽo về Biển Đông, điều không có nghĩa lý gì đối với bất kỳ ai.

Vì thế, Trung Quốc đã có thể rời khỏi cuộc họp một cách bình thản không hề lo sợ, trong khi các Bộ trưởng ASEAN dông dài về thứ được cho là một “bộ quy tắc ứng xử” ở Biển Đông, vốn đã được thảo luận trong nhiều năm và không có tiến triển bởi vì những người bạn của Trung Quốc sẽ không bao giờ tạo cho nó bất kỳ sức mạnh nào, trong khi những nước như Indonesia sử dụng việc thảo luận “bộ quy tắc ứng xử” này làm một sự che đậy cho việc không có một chính sách mạnh mẽ.

Trung Quốc tiếp tục tham gia thảo luận về bộ quy tắc ứng xử, nhưng trong khi đó họ vẫn đang tạo ra “những thực tế” mới bằng việc sử dụng tàu chiến hỗ trợ các tàu đánh bắt cá và các giàn khoan dầu. Indonesia dường như bị vướng giữa những lợi ích quốc gia thực sự của riêng họ và ý niệm phù du rằng, là quốc gia lớn nhất ASEAN bằng cách này hay cách khác họ cũng là lãnh đạo ASEAN và phải cố gắng tìm cách để có được một sự đồng thuận, cho dù đó có thể là điều nhạt nhẽo và phản tác dụng.

Malaysia và Indonesia dường như cũng tưởng tượng rằng điều duy nhất có ý nghĩa quan trọng đang nằm trong những cuốn sách hay về Trung Quốc để thu hút đầu tư, thương mại – và những khoản phần trăm chi cho những chính trị gia dễ mua chuộc. Trung Quốc có một chính sách thúc đẩy được xác định rõ và liên tục về việc yêu cầu và giành quyền kiểm soát một cách từ từ đối với ngày càng nhiều phần của một vùng biển mà họ có tuyên bố chủ quyền bị hạn chế bởi lịch sử, địa lý hay sắc tộc và danh tính dân tộc của những cộng đồng dân cư ở các quốc gia ven biển.

Ngoài Việt Nam và Philippines, các quốc gia Đông Nam Á ven biển tuân theo các chính sách hoàn toàn phù hợp với các chính sách của Trung Quốc. Họ có một vài nỗ lực để duy trì những tuyên bố chủ quyền của riêng họ đối với các hòn đảo và khu vực đáy biển xung đột với những tuyên bố của Trung Quốc, nhưng không có nỗ lực nào để đoàn kết với các nước khác nhằm theo đuổi một mục đích chung.

Hiện nay, Trung Quốc mặc kệ họ bởi vì điều đó làm cho chính sách chia để trị được duy trì liên tục. Dĩ nhiên họ nhận thấy rằng về lâu dài điều đó sẽ không hiệu quả và nếu như Trung Quốc thành công trong việc nuốt chửng những vùng biển của Việt Nam và Philippines thì họ sẽ là những nước tiếp theo bị Trung Quốc nuốt mất biển.

Tuy nhiên, các chính trị gia ở Jakarta và Kualar Lumpur ít quan tâm đến tương lai xa hơn, và các nhà ngoại giao của họ ưa thích việc tin tưởng những lời lẽ vô nghĩa của riêng họ về hòa bình và hợp tác khu vực.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang ngả về phe thiểu số, đứng về phía Việt Nam và Philippines trong những nỗ lực nhằm chỉ trích Trung Quốc. Có lẽ đứng ở vị trí trung lập trong bất kỳ cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu nào giữa Trung Quốc và Mỹ là điều rất tốt cho Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, việc giữ vị trí trung lập khi mà những vùng biển của riêng họ đang gặp nguy hiểm không là điều gì khác ngoài sự hèn nhát. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nên nói thẳng như vậy. Xét cho cùng những nước này lặng lẽ trông chờ Mỹ (và Nhật Bản) ngăn chặn sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc, nhưng lại không làm gì để tự giúp chính bản thân họ.
Viện Lowy: Các nước cần liên minh để đối phó với Trung Quốc

Đài VOA (đêm 13/8) - Sự hung hãn của Trung Quốc và cảm giác chưa an tâm về cách ứng phó của Mỹ khiến các cường quốc hạng trung ở khu vực Ấn Độ - Châu Á Thái Bình Dương hướng tới các phương thức vượt ra ngoài những biện pháp truyền thống để đảm bảo an ninh.

Đó là kết luận của cuộc khảo sát do Viện Lowy, tổ chức nghiên cứu và cố vấn chiến lược tại Australia, thực hiện vừa công bố ngày 13/8. Các tác giả cuộc nghiên cứu nhận xét sự trỗi dậy của Trung Quốc có phần chắc sẽ không ôn hòa và rằng cam kết của Mỹ với khu vực chưa mấy đáng trông cậy vì dù có chính sách xoay trục về châu Á, nhưng Mỹ vẫn bị chi phối bởi tình hình bất ổn ở Trung Đông và các thách thức mới từ Nga.

Vì vậy, vẫn theo cuộc nghiên cứu, thay vì chờ xem mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ đi về đâu, các nước trong khu vực nên áp dụng chính sách gọi là ‘liên minh các cường quốc hạng trung’.

Viện Lowy nhận định sự hợp tác giữa liên minh các cường quốc hạng trung sẽ giúp gây dựng một sức bật trong khu vực trước những thay đổi bất thường trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Nghiên cứu nói Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và các nước khác nên chủ động và tự vạch ra tương lai an ninh của mình bằng cách siết chặt quan hệ quốc phòng và chiến lược với nhau để đối phó với một Trung Quốc ‘giương oai diễu võ’, góp phần bảo vệ an ninh khu vực.

Các nghiên cứu gia ở Viện Lowy chỉ ra rằng Ấn Độ và Australia có thể là những thành tố cốt lõi trong việc xây dựng liên minh các cường quốc hạng trung này.



Đằng sau "sự bình thường" mới tại châu Á

TTXVN (New York 13/8) - Trong bài phân tích trên tờ Wall Street Journal ngày 13/8, ông Michael Auslin, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Nhật Bản và quan hệ Mỹ-châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) trụ sở tại thủ đô Washington DC, cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tự hành động một cách cương quyết trong các tranh chấp lãnh thổ, trong khi đó các nước láng giềng sẽ không làm gì được nhiều để đối phó với Bắc Kinh, và sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực có thể sẽ ngày càng yếu đi.

Chuyên gia Michael Auslin nhận định, so với những bất ổn tại Iraq và Ukraine, Đông Á có vẻ tương đối bình yên. Tuy nhiên, ẩn dưới sự ổn định đó của châu Á là một xu hướng chính trị cường quyền đáng lo ngại, mà cuối cùng nó sẽ tái định hình bộ mặt của khu vực. Các sự kiện diễn ra trong tuần qua cho thấy rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền tại vùng lãnh thổ đang trong tình trạng tranh chấp theo những cách thức sẽ ngày càng khó để phản đối. Đồng thời, sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực có thể sẽ dần yếu đi.

Chất thêm củi vào những ngọn lửa tranh chấp kéo dài, Bắc Kinh hồi tuần trước tuyên bố sẽ xây dựng 5 ngọn hải đăng tại 5 hòn đảo đang trong tình trạng tranh chấp trên biển Hoa Nam (Biển Đông). Các hòn đảo này nằm cả ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có nghĩa sự leo thang này là nhằm hủy hoại các tuyên bố chủ quyền đối địch của Việt Nam, Philippines và Đài Loan đối với các vùng lãnh thổ này.

Bất chấp sự khó chịu ngày càng tăng của các quốc gia Đông Nam Á, sự ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn ngày càng tăng. Tuần trước, tại diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Trung Quốc và một số quốc gia thành viên khác nhìn chung đã gạt bỏ đề xuất do Mỹ hậu thuẫn rằng không quốc gia nào có những thành động gây hấn trên biển. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận được ít sự ủng hộ, ngoại trừ từ Manila, đối với đề xuất của mình. Thay vào đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lập luận rằng chỉ có "tuyên bố về các hành xử", vốn không có hiệu lực, của ASEAN mới là định hướng giải quyết các tranh chấp trên biển.

Gần như cùng thời điểm này, Trung Quốc cử một đội tàu hải giám trở lại các vùng nước ngoài khơi quần đảo Senkaku, do Nhật Bản quản lý nhưng cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Việc này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tokyo công bố Sách Trắng quốc phòng mới nhất, chỉ trích cụ thể Trung Quốc đã có những "hành động nguy hiểm" gần quần đảo này. Nếu Nhật Bản hy vọng rằng những lời nói mạnh mẽ của mình có thể ngăn chặn được các hành động quấy rối của Trung Quốc, nước này đã sai lầm. Thay vì đó, Bắc Kinh có vẻ cương quyết thách thức ý chí của Nhật Bản.

Những tháng ngày Nhật Bản lưỡng lự công khai chỉ trích Trung Quốc là nhân tố gây rối đã qua. Thay vào đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã đề xuất Nhật Bản trở thành đối tác an ninh của các quốc gia châu Á vốn lo ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Tháng này, Tokyo đã công bố kế hoạch bán cho Việt Nam 6 tàu hải giám để giúp Hà Nội giám sát vùng biển của mình tốt hơn. Nhật Bản cũng bán 10 tàu tuần tra cho Philippines theo một thỏa thuận vay chính thức từ Tokyo. Tháng 7, Nhật Bản và Australia công bố kế hoạch cùng phát triển công nghệ tàu ngầm tân tiến. Tăng cường hợp tác giữa Tokyo và New Delhi cũng là một ưu tiên đối với giới lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, các mối quan hệ chiến lược mới này cũng không làm cho Bắc Kinh suy nghĩ lại về thái độ của mình tại vùng lãnh thổ đang trong tình trạng tranh chấp.

Đông Á vì thế đang ở trong giai đoạn hết sức bất ổn bởi lập trường ngày càng cứng rắn của mỗi bên. Sức mạnh và độ lớn của Trung Quốc giúp nước này trở thành nhân tố chiếm ưu thế so với bất kỳ quốc gia nào khác. Những sự liên kết chính trị mới còn lâu mới có thể trở thành một hình thức tổ chức an ninh nào đó có thể giúp đối phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc. Và có vẻ như rõ ràng là các địch thủ của Trung Quốc thậm chí cũng không muốn đảm nhiệm vai trò đối kháng với Trung Quốc. Trong thế tiễn thoái lưỡng nan đó, các quốc gia châu Á chỉ đơn thuần phản ứng với các sáng kiến của Bắc Kinh.

Cả Washington và Tokyo đang hy vọng về một sự tái thiết lập cán cân chính trị chậm rãi tại châu Á. Mỹ và Nhật Bản có vẻ đánh cược rằng Bắc Kinh sẽ dung hòa cách hành xử của mình nếu nước này ngày cảng cảm thấy bị cô lập. Các nỗ lực đầu tiên của Mỹ và Nhật Bản trong việc cô lập Bắc Kinh vẫn chưa mang lại kết quả mà họ từng hy vọng. Áp lực lớn hơn có mang lại kết quả mong muốn hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Thay vào đó, Trung Quốc có thể cảm thấy bị dồn vào chân tường, và vì thế quan điểm sẽ ngày càng cứng rắn hơn.

Nhiều khả năng điều đó sẽ là đặc trưng của nền chính trị cường quyền trong tương lai tại châu Á. Một nhóm nhỏ các nước sẽ tăng cường hợp tác, nhưng sẽ có ít hành động để trực tiếp thách thức những tiến triển vững chắc của Trung Quốc. Mỗi khi Bắc Kinh thực hiện một sáng kiến nào đó của mình, cán cân an ninh tại châu Á sẽ chậm rãi được tái định hình theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Chỉ có một nỗ lực đoàn kết và táo bạo của các cường quốc có thực lực về quân sự trong khu vực, chẳng hạn như sử dụng lực lượng ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng các ngọn hải đăng, thì mới có thể đưa ra một tín hiệu rằng thái độ của Bắc Kinh cần phải thay đổi. Với khả năng đó là rất thấp, "sự bình thường mới" tại châu Á sẽ chứng kiến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại các vùng nước tranh chấp.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 165.8 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương