THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


ĐÔNG BẮC Á Những tác động từ sự thay đổi Hiến pháp của Nhật Bản đối với Trung Quốc



tải về 228.51 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích228.51 Kb.
#31007
1   2   3   4

ĐÔNG BẮC Á
Những tác động từ sự thay đổi Hiến pháp của Nhật Bản đối với Trung Quốc

TTXVN (Hong Kong 3/7) - Theo báo mạng Wantchinatimes của Đài Loan ngày 2/7, trang tin Đa Chiều, một cổng thông tin điện tử của người Trung Quốc ở hải ngoại vừa đăng bài viết nhận định rằng quyết định của Nhật Bản về việc diễn giải lại Hiến pháp hòa bình của nước này thành việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với “phòng vệ tập thể” có những tác động lớn đối với Trung Quốc.

Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã tuyên bố hôm 2/7 rằng quyết định diễn giải lại Hiến pháp đã được Nội các Nhật Bản thông qua, có 4 kịch bản mà qua đó Nhật Bản có thể áp dụng “phòng vệ tập thể” theo sự diễn giải mới đối với Hiến pháp của nước này.

Kịch bản đầu tiên là việc sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa đã nhằm mục tiêu vào Mỹ. Kịch bản thứ hai là triển khai Lực lượng Phòng vệ trên Biển (JPSDF) của Nhật Bản nếu như một tàu Mỹ bị tấn công ở các vùng biển xa. Kịch bản thứ ba là sử dụng Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) để tiến hành một cuộc phản công nếu một phái bộ có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia nước ngoài tấn công tại lãnh thổ của nước ngoài. Kịch bản thứ tư là sử dụng vũ lực để xóa bỏ những trở ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Trang tin Đa Chiều nói rằng, 4 kịch bản trên được cho là được nêu ra trong bối cảnh có mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, bảo vệ sự hiệu quả của liên minh giữa Nhật Bản với Mỹ, và vì lợi ích an ninh của Nhật Bản, mặc dù việc đóng khung sự diễn giải lại Hiến pháp theo cách này cũng tránh được việc nó bị coi là một hành động khiêu khích chống Trung Quốc trong cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, người đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe ở Tokyo hồi tháng 4 vừa qua, đã hoan nghênh quyết định của Nhật Bản diễn giải lại Hiến pháp của nước này. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Chuck Hagel nói: “Quyết định này là một bước đi quan trọng đối với Nhật Bản khi họ tìm cách thực hiện phần đóng góp lớn hơn vào hòa bình và ổn định khu vực cũng như toàn cầu. Chính sách mới cũng bổ sung những nỗ lực đang diễn ra nhằm hiện đại hóa liên minh của chúng tôi thông qua việc sửa lại những nguyên tắc chỉ đạo song phương về hợp tác phòng thủ”.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối sự thay đổi này, cáo buộc Nhật Bản tái quân phiệt hóa dưới thời chính quyền Abe. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng chính sách mới của Nhật Bản “làm dấy lên những nghi ngờ về cách tiếp cận của Nhật Bản đối với sự phát triển hòa bình”, đồng thời cáo buộc Nhật Bản “thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc”. Ông Hồng Lỗi nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản tôn trọng những quan ngại đúng đắn của các nước láng giềng châu Á, tận lực giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan, và không gây ảnh hưởng đến các quyền lợi của Trung Quốc cũng như là sự ổn định của khu vực”.

Theo trang tin Đa Chiều, nếu như việc diễn giải lại Hiến pháp được phê chuẩn bởi Quốc hội Nhật Bản như dự kiến, các lực lượng vũ trang của Nhật Bản sẽ từ bỏ trọng tâm tập trung vào phòng thủ của họ và chuyển sang các chiến lược quân sự mang tính tấn công nhiều hơn. Trang tin này nói thêm rằng điều đó sẽ cho phép Nhật Bản tấn công các bên thứ ba, những bên không trực tiếp tấn công Nhật Bản. Một động thái như vậy tất yếu sẽ phá hủy sự ổn định và sự cân bằng chiến lược ở biển Hoa Đông và có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

Những nhân vật theo đường lối bảo thủ từ lâu đã nói rằng sự diễn giải hiện đang tồn tại đối với Hiến pháp của Nhật Bản đã hạn chế quá mức khả năng tự bảo vệ mình của nước này. Họ cũng cho rằng các chính sách an ninh của Nhật Bản cần linh hoạt hơn trước một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nhiều chuyên gia nói rằng việc này chỉ là bước đi mới nhất của Nhật Bản trong việc trở thành một “quốc gia bình thường”, theo đó sở hữu một quân đội với những sự lựa chọn tương tự như quân đội của các quốc gia tiên tiến khác.

Trang tin Đa Chiều nhận định, là một đối tác quân sự không bị hạn chế của Mỹ, Nhật Bản có thể tìm cách tham gia vào các sứ mệnh quân sự của Mỹ mà không bị kiềm chế về mặt địa lý, để gia tăng những khả năng quân sự của họ, trong khi cũng thể hiện liên minh Mỹ - Nhật là chìa khóa cho an ninh và an toàn để gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo trang tin Đa Chiều, lý do giải thích tại sao Mỹ cho phép Nhật Bản thực hiện những biện pháp này là bởi vì chính quyền Obama quá bận bịu với các vấn đề ở Syria, Crimea và Iraq. Trang mạng này cũng cho rằng chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ đến nay vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Do vậy, Washington quan ngại rằng nếu như họ không tăng cường các mối quan hệ với Nhật Bản thì khả năng của họ trong việc kiềm chế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong tương lai.

Trang tin Đa Chiều nhận định, đối với Trung Quốc, quyết định lần này của Nhật Bản sẽ có một vài hậu quả lớn. Hậu quả lớn đầu tiên là Nhật Bản giờ đây có thể giao thiệp gần gũi hơn với Australia, Ấn Độ và ASEAN trong các vấn đề an ninh nhằm tạo ra một hệ thống những sự kiểm soát và cân bằng chống Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc vướng vào một cuộc xung đột quân sự ở vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) tranh chấp, thì Nhật Bản cũng sẽ có thể tham gia nếu như Mỹ quyết định can thiệp.

Hậu quả lớn thứ hai là, quyết định của Nhật Bản sẽ đẩy nhanh tốc độ hội nhập của các lực lượng quân sự hai nước Mỹ và Nhật Bản, tạo ra khả năng Mỹ can thiệp với Trung Quốc về mặt riêng lẻ hoặc tập thể nếu như Trung Quốc nỗ lực thống nhất Đài Loan.

Hậu quả lớn thứ ba là việc thành lập một lực lượng quân sự chung Mỹ - Nhật sẽ cho phép Nhật Bản thể hiện ảnh hưởng trực tiếp trong các vấn đề quốc tế chủ chốt, cho dù đó là vấn đề Eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên hay là biển Hoa Đông, thì tất cả đều tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Trong khi đó, một bài bình luận của Viện Khoa học Quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cáo buộc Thủ tướng Abe “cố tình tẩy xóa lịch sử xâm lược” của Nhật Bản để nước này có thể giành lại được “danh tiếng cũ” của mình. Bài bình luận được đăng trên nhật báo Quân Giải phóng của PLA ngày 2/7, nói rằng có một ý nghĩa tượng trưng đằng sau việc Thủ tướng Abe công bố quyết định diễn giải lại Hiến pháp hòa bình vào ngày 1/7, mốc thời gian đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Các Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Bài bình luận nhấn mạnh, rõ ràng là Nhật Bản đang cố gắng tìm cách giải phóng bản thân họ khỏi những gông xiềng của lịch sử, đồng thời nói thêm rằng sự diễn giải lại hiến pháp này chỉ đơn thuần là hành động mở đường cho một sự sửa đổi nhanh chóng Hiến pháp Nhật Bản.

Bài bình luận cũng cáo buộc Mỹ bí mật thúc đẩy Nhật Bản đi cùng trên con đường vì những lợi ích của chiến lược “trở lại châu Á” của Washington, đồng thời tuyên bố rằng mục đích cuối cùng của Thủ tướng Abe là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Bài viết này khẳng định, Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất đang bận rộn với việc tăng cường sức mạnh quân sự và cố tình tiến hành các cuộc tập trận quân sự với các kịch bản liên quan Trung Quốc, mà Tokyo cũng đang cố gắng tìm cách lôi kéo các quốc gia khác liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, ví dụ như Việt Nam và Philippines, để cùng nhau đối đầu tập thể với Trung Quốc.

Xung quanh chuyến thăm Hàn Quốc của Tập Cận Bình

TTXVN (Singapore 2/7) - Nhân dịp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) chuẩn bị sang thăm chính thức Hàn Quốc, tờ Liên hợp Buổi sáng đã có bài phân tích với tiêu đề “Trung Quốc đi nước cờ cao tay ở Đông Bắc Á”, với nội dung cơ bản như sau:

Ngày 3/7, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Hàn Quốc. Trong bối cảnh toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có những biến động mạnh mẽ, chuyến thăm cho thấyTrung Quốc vẫn giữ được cái đầu tỉnh táo để dấn thêm một nước cờ quan trọng.

Đông Bắc Á luôn là một trong những "động cơ" cho sự phát triển ở châu Á, đồng thời nó cũng là một trong những "thùng thuốc súng" có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang bất cứ khi nào. Từ trước tới nay, hòa bình ổn định ở Đông Bắc Á luôn giữ vị trí quan trọng cho sự phát triển bền vững của Trung Quốc.

Tình hình hiện nay ở Đông Bắc Á, quan hệ Trung-Nhật tiếp tục đi xuống, chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày càng cứng rắn; về đối nội, chú trọng phục hồi nền kinh tế; về đối ngoại, chủ động tấn công và kiên quyết ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong ngắn và trung hạn, việc hai nước Trung Quốc và Nhật Bản có thể tránh tránh một cuộc xung đột đã là tốt, chứ chưa kể đến việc cải thiện và nâng cao mối quan hệ này.

Ngoài ra, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, kể từ khi Kim Jong Un, thế hệ thứ ba gia đình họ Kim lên nắm quyền, về đối nội tăng cường chế độ độc tài, thậm chí ngăn chặn lực lượng thân Trung Quốc; về đối ngoại, tăng cường sức mạnh quân sự, làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Gần đây còn ngầm hùa với Nhật Bản, gián tiếp phối hợp với Tokyo kiềm chế Trung Quốc.

Trung Quốc và Triều Tiên về mặt truyền thống có hai điểm lớn có thể kết nối với nhau: một là hệ tư tưởng "huyết thống"; hai là lợi ích an ninh địa chính trị. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, phát triển kinh tế, thì Triều Tiên lại đi theo hướng ngược lại, ngày càng khép kín và nghèo đói, điều này cũng dẫn đến khoảng cách về ý thức hệ giữa hai bên ngày càng lớn. Về mặt địa chiến lược, chính quyền Triều Tiên không chỉ thách thức Trung Quốc mà còn thách thức toàn bộ khu vực Đông Bắc Á, ngang nhiên phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, làm tổn hại nghiêm trọng đến nền tảng hợp tác và niềm tin địa chính trị trong quan hệ song phương Trung Quốc - Triều Tiên.

Vì vậy, thực chất mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên hiện đang được gọi là "Tâm hữu dư, nhi lực bất túc” (mong muốn có thừa, song không có khả năng thực hiện), tức là về mặt mong muốn hai bên có thể vẫn còn những tình cảm nồng ấm, song về việc thực hiện cả hai bên đều thiếu thiện chí và không sẵn sàng để làm. Chính quyền Triều Tiên ngày càng trở nên cô lập ở châu Á.

Vì vậy, trọng tâm ngoại giao của Trung Quốc ở Đông Bắc Á sẽ ngày càng phải hướng đến Hàn Quốc nhiều hơn. Có người cho rằng Hàn Quốc về lĩnh vực kinh tế thì thân Trung Quốc, song về mặt chính trị và chiến lược lại thân Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, lập luận này chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Trên thực tế, Hàn Quốc cũng biết rất rõ việc chỉ dựa vào cái gọi là "liên minh Mỹ-Hàn-Nhật", sẽ không thể đảm bảo an ninh, thậm chí là sự thống nhất hai miền Triều Tiên sau này, chính vì vậy cần phải có sự giúp đỡ của Trung Quốc, bởi vì từ xưa đến nay Trung Quốc luôn có ảnh hưởng đáng kể đối với tình hình bán đảo Triều Tiên.

Một số nhà phân tích cũng nhận định rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình phá bỏ thông lệ, tiến hành thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên cho thấy Trung Quốc bày tỏ không hài lòng đối với Bình Nhưỡng, sau khi nước này vẫn tiến hành thử hạt nhân vào năm ngoái bất chấp các lời cảnh cáo của Bắc Kinh, đồng thời cũng phản ánh việc Trung Quốc muốn lôi kéo Hàn Quốc để vây ép Nhật Bản.

Trong bối cảnh địa chính trị ở Đông Bắc Á hiện nay, việc Trung Quốc-Hàn Quốc bắt tay nhau đồng nghĩa với việc kiềm chế việc Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng, cảnh báo Triều Tiên nên biết điều hơn, cân bằng lực lượng với Mỹ và Nga. Như vậy có thể gọi là một mũi tên trúng nhiều đích.



TTXVN (Hong Kong 3/7) - Trang tin Đa chiều cuối tuần dẫn nguồn của tờ Đông phương Nhật báo (Đài Loan) cho biết, từ ngày 3 - 4/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên từ sau thời kỳ của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, một Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc trước khi thăm Triều Tiên, đồng thời cũng là lần đầu tiên kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chỉ tiến hành chuyến thăm chính thức đến một quốc gia. Cộng thêm tình hình khu vực Đông Bắc Á trong mấy năm gần đây, bề ngoài có vẻ yên ả nhưng bên trong lại “dậy sóng” và biến hóa không ngừng. Do vậy, chuyến công du lần này của ông Tập Cận Bình đến Hàn Quốc chắc chắn thu hút sự chú ý của dư luận, đồng thời cũng khiến một số chính quyền cảm thấy bất an.

Thứ nhất phải kể đến chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Với tư cách là một quốc gia láng giềng của Trung Quốc, từng có nhân duyên lịch sử đặc biệt và hình thái ý thức tương đồng cũng như các cuộc giao lưu, tiếp xúc thường xuyên giữa hai đảng, Chính phủ và Đảng Lao động Triều Tiên chắc chắn không muốn chứng kiến cục diện này. Trên thực tế, trong nội bộ Triều Tiên đã xuất hiện quan điểm cho rằng chuyến công du Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình có ý nghĩa đả kích không thua kém gì so với sự đả kích chính quyền cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) do việc thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Trung Quốc – Triều Tiên vào năm 1992 dưới sự chỉ đạo của cố Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Mặc dù trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành “an ủi” tâm lý đối với Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao, đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẽ “coi trọng như nhau và duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên”. Song, đối với Triều Tiên, đất nước ngày càng bị cô lập trong cộng đồng quốc tế, chỉ có Trung Quốc mới là người bạn có thể dựa vào. Trong khi, nhà lãnh đạo mới của một quốc gia vốn là chỗ gẫn gũi nhất với Triều Tiên lại thay đổi thông lệ, đi thành thăm Hàn Quốc trước khi đến nước này, đồng thời trong 2 năm vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện toàn diện Nghị quyết của LHQ về việc tăng cường mức độ trừng phạt đối với Triều Tiên. Như vậy, chúng ta có thể tưởng tượng động thái này đã đả kích tâm lý như thế nào đối với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un.

Đối mặt với tình thế khó xử này, có lẽ Triều Tiên nên tìm cách kiểm tra lại hành động của mình, suy nghĩ xem rốt cuộc nguyên nhân gì đã gây ra cục diện ngày hôm nay. Mấy chục năm qua, Trung Quốc đã hi sinh to lớn cho Triều Tiên, cung cấp cho nước này những khoản viện trợ khổng lồ, không gì có thể đong đếm nổi, thậm chí Trung Quốc đã vì Triều Tiên mà không ngại trở thành kẻ thù của thế giới, cam chịu tiếng xấu trong cộng đồng quốc tế suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, không những chính phủ Triều Tiên chưa từng suy nghĩ đến lợi ích và cảm nhận của Trung Quốc, để ngoài tai những lời đề nghị của nước này, mà còn lợi dụng vị trí đặc biệt của Trung Quốc trong quan hệ song phương, hễ có cơ hội là gây ra sự lúng túng cho Trung Quốc. Hơn nữa, trước khi chuẩn bị khởi động chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ Hàn Quốc đã công khai hình ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện tại buổi phóng thử tên lửa tầm trung. Điều này thể hiện tâm lý phức tạp cũng như sự bất bình gay gắt của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đối với những tiến triển mang tính đột phá trong mối quan hệ Trung - Hàn. Rõ ràng, trong bối cảnh đang phải chịu sự trừng phạt mạnh mẽ của LHQ vì vấn đề hạt nhân cũng như bận rộn với việc trừ bỏ các thế lực đối lập trong nước, Triều Tiên chỉ dùng phương thức này mới có thể truyền đi sự bất an của chính mình.

Chính quyền thứ hai cảm thấy bất an trước chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình là chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đối với chính quyền Abe, liên minh Trung – Hàn được coi là “một đồng minh chống Nhật”, nhất là trong vấn đề lịch sử xâm lược của Nhật Bản, đã đủ khiến nước này đau đầu. Nếu lần này hai nước Trung, Hàn lại mượn cớ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình để áp dụng lập trường thống nhất trong tranh chấp quần đảo và liên kết xác nhận lo ngại Nhật Bản có thể quay lại con đường chủ nghĩa phát xít của phe cánh hữu mới, thì đây quả thực là một cơn ác mộng đối với chính quyền của Thủ tướng Abe.

Ngoài ra, quan hệ thương mại Trung - Hàn phát triển mạnh mẽ là nguyên nhân chính khiến giới doanh nghiệp Nhật Bản gây áp lực lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Abe. Theo dự báo, giao dịch thương mại Trung - Hàn trong 2 năm tới có khả năng vượt qua giao dịch thương mại Trung - Nhật. Đây không phải là tin tốt đối với chính quyền của ông Abe, nhất là khi Nhật Bản đang trông chờ vào học thuyết “Kinh tế học Abe” để trấn hưng đất nước. Có thể nói chất lượng sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc đều rất tốt, tuy nhiên hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản đang hình thành cục diện bế tắc về chính trị, do đó quan hệ Bắc Kinh - Seoul không ngừng thân thiết chắc chắn tạo ra cơ hội cho Hàn Quốc mở rộng thị trường ở Trung Quốc, từ đó ăn mòn nỗ lực của giới doanh nghiệp Nhật Bản trong việc mở rộng thị trường ở Trung Quốc.

Tâm lý lo ngại và thiếu tự tin của chính quyền Abe trong vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ và quan hệ thương mại đã bị giới truyền thông Nhật Bản vạch trần. Sau khi tin tức về chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình được công bố, giới truyền thông Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc dự định thông qua việc tăng cường liên kết giữa nước này với Hàn Quốc để kiềm chế Nhật Bản và mục tiêu tiếp theo là kiềm chế Mỹ. Một bài báo được đăng tải mới đây trên trang mạng Nhà ngoại giao của Nhật Bản cho biết, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có lòng tư tôn dân tộc rất cao, nên chắc chắn sẽ mượn chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận bình để rêu rao, thổi phồng vấn đề lịch sử, đặc biệt là thể hiện lo ngại chung của hai nước trước việc “Nhật Bản bắt đầu tiến hành vũ trang lại, âm mưu một lần nữa xâm lược châu Á”.

Chủ thể thứ ba cảm thấy bất an đối với chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình là Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Obama và phái bảo thủ của Đảng Cộng hòa nằm trong Quốc hội và tổ chức Think Tank, Mỹ (một tổ chức, hoặc nhóm các cá nhân hoạt động nghiên cứu đưa ra các tư vấn về chính sách, chiến lược trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học - kĩ thuật…). Mặc dù Tổng thống Obama và đông đảo thành viên thuộc phái bảo thủ của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội và Think Tank có quan điểm hoàn toàn khác nhau về chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, song hai bên lại không có sự khác biệt nhiều trong vấn đề phòng bị, nhận thức đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đều hi vọng thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và duy trì tình hình chính trị ổn định ở khu vực Đông Bắc Á, đồng thời hi vọng các bên có liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể đạt được nghị quyết chung về vấn đề này. Tuy nhiên, Mỹ, với tư cách là đồng minh truyền thống và “quốc gia bảo vệ” của Hàn Quốc, nhất định không muốn nhìn thấy Bắc Kinh và Seoul xích lại gần nhau, thậm chí vượt qua mối quan hệ Trung-Mỹ. Trước tình hình quan hệ Trung – Hàn ngày càng trở nên thân thiết, chính phủ Mỹ bề ngoài hi vọng chứng kiến quan hệ qua lại giữa hai quốc gia này, song khi bày tỏ quan điểm lại không có cảm giác “xuất phát từ đáy lòng”. Trên thực tế, bất kỳ nhà quan sát hiểu rõ về chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đều biết rằng, trái ngược việc nhìn thấy quan hệ Trung - Hàn thân thiết, thực ra người Mỹ muốn nhìn thấy Trung Quốc và Hàn Quốc duy trì khoảng cách hợp lý, đồng thời hi vọng Hàn Quốc cũng giống như Nhật Bản, tự nguyện làm tốt thí, trở thành điểm tựa chiến lược ở bán đảo Triều Tiên trong sách lược “tái cân bằng khu vực châu Á Thái Bình Dương” của Mỹ, từ đó góp phần kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Người Mỹ không muốn Hàn Quốc giống như hiện nay, giữ vai trò tích cực trong quá trình trỗi dậy chung cùng Trung Quốc. Khi bày tỏ quan điểm về vấn đề này, phái bảo thủ thuộc Đảng Cộng hòa trong Quốc hội và Think tank thể hiện thái độ thẳng thắn hơn nhiều so với Nhà Trắng của Tổng thống Obama.

Ngoài ra, có một số nhóm người, tập trung chính ở Trung Quốc, cảm thấy bất an đối với chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó chủ yếu là các phần tử “khuynh tả thời kỳ Mao Trạch Đông”. Những người này không nhận thức được sự thay đổi của “thời cuộc” và “xu thế của tình hình chung”, bảo thủ về hình thái ý thức, luôn hi vọng đánh đổi việc hi sinh quan hệ Trung - Hàn để giữ gìn quan hệ Trung - Triều, một mực cho rằng ít nhất sau khi lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Triều Tiên gặp gỡ, Chủ tịch Trung Quốc mới có thể tiến hành chuyến thăm chính thức tới Hàn Quốc. Những người có nhận thức cứng nhắc này chỉ là thiểu số, không thể trở thành xu thế chung ở Trung Quốc, song cho dù thế nào, điều này cũng được coi là chuyện ngoài lề hấp dẫn trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình.

TTXVN (Hong Kong 2/7) - Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh, chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tới bán đảo Triều Tiên trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc với điểm đến là Hàn Quốc chứ không phải Triều Tiên đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng rằng nước này cần phải kiềm chế các hành động khiêu khích của mình nếu không muốn Bắc Kinh nghiêng về phía Seoul.

Ngày 3/7, ông Tập Cận Bình sẽ phá vỡ một truyền thống đã tồn tại từ lâu giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên bằng việc đến thăm Seoul thay vì Bình Nhưỡng trong chuyến công du đầu tiên của mình tới bán đảo nóng bỏng này trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc, qua đó báo hiệu tầm quan trọng đang ngày càng gia tăng của Seoul đối với ngoại giao của Trung Quốc.

Mặc dù các quan chức đã nhấn mạnh rằng công du hai ngày của ông Tập Cận Bình tới Seoul không nhằm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào khác, nhưng các chuyên gia quan sát nói rằng chuyến thăm này sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng phải hạn chế hành động khiêu khích của họ.

Sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp nước chủ nhà, Tổng thống Park Geun Hye, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ ký kết 12 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực thương mại và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 1/7 cho biết, một vấn đề cũng nằm trong số các chủ đề chính chương trình nghị sự chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ là an ninh ở khu vực Đông Á, trong đó gồm có việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải pháp cho các cuộc xung đột thông qua đối thoại hòa bình. Theo Thứ trưởng Lưu Chấn Dân, hai bên cũng sẽ thảo luận về lịch sử thời chiến tranh, và những nỗ lực gần đây của Nhật Bản nhằm giảm bớt những sự tàn bạo của họ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Tuy nhiên, ông Lưu Chấn Dân nhấn mạnh rằng “sẽ không có bất kỳ biện pháp nào nhằm vào Nhật Bản trong chuyến công du này”.

Trung Quốc từ lâu đã được coi là đồng minh đáng tin cậy nhất của Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã ủng hộ Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, và hai nước đã ký hiệp ước hữu nghị vào năm 1961, theo đó Trung Quốc cam kết cung cấp cho Bình Nhưỡng sự hỗ trợ chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài. Trong khi đó, Bắc Kinh mới chỉ thiết lập các mối quan hệ ngoại giao với Seoul từ năm 1992. Hai người tiền nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình là các ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đã đến thăm Triều Tiên trước Hàn Quốc trong các chuyến công du của họ tới bán đảo Triều Tiên.

Nhận định về mục đích nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tiến hành chuyến thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên, một sự đảo ngược truyền thống lâu nay, Phó Giáo sư John Delury, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul nhấn mạnh: “Thông điệp ở đây là nếu như Triều Tiên tiếp tục giữ một thái độ xa cách và không làm việc chăm chỉ hơn để làm cho Trung Quốc hài lòng, thì khi đó Trung Quốc sẽ nghiêng về phía Hàn Quốc”.

Trong khi đó, ông Kim Chul Woo, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc nhận định rằng chuyến công du này của ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ khiến cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thấy khó chịu.

Trung Quốc chưa có chuyến thăm cấp cao nào tới Triều Tiên kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền ở nước này vào năm 2012. Bắc Kinh đã liên tục bị yêu cầu phải gây sức ép đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên vào năm ngoái.

Theo các chuyên gia quan sát, sự khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng có thể dẫn đến việc Mỹ tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực, điều đã khiến Bắc Kinh phiền lòng. Ông Đặng Dục Văn, một cựu Phó Tổng Biên tập của Thời báo Học tập, một tờ báo của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nhận định: “Thường thì Trung Quốc sẽ xem Bình Nhưỡng cảm thấy như thế nào khi họ giao thiệp với Seoul, nhưng tác động của Bình Nhưỡng đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đang giảm bớt. Kim Jong Un đã không có sự thỏa hiệp nào về những tham vọng hạt nhân của ông ta. Nếu như Tập Cận Bình đến thăm Bình Nhưỡng thì điều đó sẽ phát đi một tín hiệu sai lầm rằng những tham vọng như vậy được ủng hộ”.

Trong phát biểu ngày 1/7, Thứ trưởng Lưu Chấn Dân còn nói rằng ngoài Bình Nhưỡng, vai trò của Mỹ trong an ninh khu vực cũng sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tới Hàn Quốc. Quan chức này nêu rõ: “Chúng tôi hi vọng rằng Mỹ có thể giúp thúc đẩy sự tin tưởng song phương giữa các quốc gia trong khu vực”. Phát biểu này của ông Lưu Chấn Dân là một sự đề cập đến những lời kêu gọi Seoul tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ông Lưu Chấn Dân nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn thấy một tình huống căng thẳng và một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực”.

Nhận định về vấn đề này, Phó Giáo sư John Delury cho rằng Bắc Kinh sẽ ngăn cản Seoul tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và tăng cường các hoạt động cứu hộ cứu nạn chung trên biển với Seoul. Phó Giáo sư John Delury cho rằng “điều đó gây ra sự phức tạp đối với chiến lược của Mỹ về việc sử dụng các liên minh để tạo nên một kiểu mặt trận đoàn kết chống Trung Quốc”.



TTXVN (London 2/7) - Theo Thời báo Tài chính (Anh), Bắc Kinh có thể coi Triều Tiên là đồng minh duy nhất của nước này, nhưng việc Chủ tịch nước Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên tới thăm Seoul trước Bình Nhưỡng đã cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Bắc Kinh đối với bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Seoul từ ngày 3/7 nhằm đáp lại chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tới Trung Quốc hồi năm ngoái, đánh dấu lần gặp nhau thứ năm giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ khi họ lên nắm quyền. Ngược lại, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có cuộc gặp nào giữa ông Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un. Nhiều nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình phản ánh mối quan hệ kinh tế ngày càng quan trọng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời cho thấy sự không hài lòng của Bắc Kinh đối với chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 1/7 cho biết chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ là một "chủ đề quan trọng" trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng đang có những bước chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ tư. Ngày 29/6 và ngày 2/7, Triều Tiên đã tiến hành các vụ phóng đạn đạo tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này, một động thái mà các nhà phân tích cho là thể hiện sự không hài lòng của Bình Nhưỡng đối với chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình.

Mặc dù Trung Quốc đã từng bỏ phiếu thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh cũng tìm cách để hạn chế phạm vi của những biện pháp này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2/2013. Các ngân hàng Trung Quốc đã hạn chế giao dịch với các khách hàng Triều Tiên và tháng 9 năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã công bố danh sách dày 236 trang liệt kê các sản phẩm cấm xuất khẩu sang nước này.

Ông Moon Chung In, Giáo sư thuộc Đại học Yonsei ở Seoul và từng làm cố vấn tổng thống, nhận định Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Park Geun-hye nhiều khả năng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán mới với Triều Tiên. Bình Nhưỡng mới đây đã kêu gọi nối lại cuộc đàm phán sáu bên (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Triều Tiên) đang rơi vào bế tắc, nhưng chấp nhận các điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố Triều Tiên phải cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa trước khi cuộc đàm phán có thể được nối lại. Ông Moon Chung-in phát biểu: "Ông Tập Cận Bình sẽ hối thúc bà Park Geun Hye thực hiện tiến trình xây dựng lòng tin ở bán đảo Triều Tiên" (ám chỉ tới chính sách của bà Park Geun Hye nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên). Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ hy vọng tìm ra cách thức thúc đẩy đàm phán về về hiệp định thương mại tự do, dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay hoặc năm tới. Trung Quốc và Hàn Quốc hiện là hai đối tác thương mại lớn của nhau, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 274 tỷ USD trong năm 2013.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Park Geun Hye cũng dự kiến sẽ thảo luận những mối lo ngại chung về Nhật Bản. Quan hệ giữa Tokyo với cả hai nước này đang trở nên xấu đi do những vấn đề liên quan tới quá khứ thực dân của Nhật Bản từ hồi đầu thế kỷ XX cũng như những tranh chấp lãnh thổ. Ngày 1/7 vừa qua, Nội các Nhật Bản đã nhất trí "diễn giải" lại Hiến pháp, một động thái cho phép Nhật Bản hỗ trợ nước đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết: "Bất cứ khi nào các nhà lãnh đạo của hai nước hội đàm với nhau, họ đều đề cập đến lịch sử quân phiệt của Nhật Bản, đặc biệt là trong bối cảnh các lực lượng cánh hữu ở Nhật Bản đang tìm cách đảo ngược lại lịch sử".

Trong khi Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố của Nội các Nhật Bản bằng việc lên án Tokyo "thêu dệt cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc để phục vụ những mục đích chính trị trong nước" thì Seoul chỉ phản ứng một cách ôn hòa. Ông Kim Han Kwon, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chính sách châu Á (AIPS), cho rằng điều này cho thấy sự khác biệt giữa những ưu tiên chiến lược của hai nước. Ông nói: "Đối với Hàn Quốc, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là vấn đề quan trọng nhất, trong khi đối với Trung Quốc, đó lại là việc Nhật Bản thay đổi chính sách phòng vệ. Hàn Quốc luôn nhấn mạnh tới quan hệ đồng minh với Mỹ và Mỹ cũng tuyên bố rõ ràng rằng nước này ủng hộ quan điểm của Nhật Bản. Do vậy, quan điểm của Hàn Quốc phản đối sự thay đổi về chính sách phòng vệ của Nhật Bản sẽ có giới hạn".


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 228.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương