THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 164.22 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích164.22 Kb.
#28493
  1   2   3

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 129/ TKNB-QT-TN Thứ Sáu, ngày 11/7/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Bộ trưởng Singapore: VSIP là biểu tượng của hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa Singapore và Việt Nam

TTXVN (Singapore 10/7) – Tại phiên họp của Quốc hội Singapore ngày 9/7, bà Grace Fu, Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao, khẳng định “Các khu công nghiệp Việt Nam -Singapore (VSIP) đã từ lâu là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa Singapore và Việt Nam và các dự án này được cả hai chính phủ chấp thuận”.

Trả lời chất vấn của ông R Dhinakaran, đại biểu quốc hội, về các biện pháp mà các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành để bảo vệ các công ty Singapore hoạt động tại hai khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương và chịu ảnh hưởng của các hoạt động quá khích vào đầu tháng 5 vừa qua, bà Fu nói: “Hầu hết các công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại” và “Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp để ổn định tình hình tại các khu công nghiệp đó”.

Theo bà Fu, “Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết sẽ điều tra đầy đủ và tiến hành các biện pháp cần thiết đối với những người phạm tội”.

Bà Bộ trưởng khẳng định với các đại biểu Quốc hội Singapore rằng chính phủ Singapore “sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng quyền lợi của các nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam được bảo vệ”.


II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Mỹ và Việt Nam lật sang một trang mới trong quan hệ song phương

Đài Tiếng nói nước Nga (đêm 10/7) - Ngày 11/7, kỷ niệm 19 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ (11/7/1995). Tuy nhiên, một năm trước đó, vào tháng 2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã công bố việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và bình thường hóa các mối quan hệ giữa hai nước, vì thế, Washington và Hà Nội đều cho rằng, quan hệ mới giữa hai kẻ thù cũ đã bắt đầu 20 năm trước đây.

Trong thời gian này đã đạt được những kết quả đáng kể. Khối lượng trao đổi hàng hóa đã tăng gấp 130 lần và đạt gần 30 tỷ USD, trong khi đó, khối lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn gấp hai lần so với khối lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam. Khối lượng đầu tư trực tiếp của Mỹ vào nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên; hơn 15 nghìn thanh niên Việt Nam đang học tại Mỹ.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư Phạm Quang Minh lưu ý rằng, trang đen bị khép lại. Vị giáo sư nói, chiến tranh ở Việt Nam là khoảng tối trong lịch sử Chiến tranh Lạnh giữa hai khối. Hiện nay, hậu quả nghiêm trọng nhất của thời kỳ đó là những quan điểm khác nhau về tình trạng bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng, các bên đang làm việc để xích gần lập trường với mục đích ưu tiên là đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Giáo sư Minh cũng cho rằng, mối quan hệ Mỹ-Việt hướng tới tương lai tốt đẹp.

Giáo sư Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Khoa Đông phương học Đại học Quốc gia Saint Pererburg, không thể chia sẻ sự lạc quan của giáo sư Việt Nam: “Bây giờ, tình hình địa chính trị là phức tạp đối với Việt Nam. Một mặt, trong nước có chế độ ổn định, nền kinh tế đang phát triển vững vàng. Mặt khác, Việt Nam đang trong tình cảnh “trên đe dưới búa”: giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh, Trung Quốc đang tạo ra một khu vực thống trị của mình ở Đông Á và Đông Nam Á mà điều đó không phù hợp với lợi ích địa chính trị của Mỹ. Việt Nam đang ở trung tâm sự đối đầu giữa hai cầu thủ giàu kinh nghiệm trên vũ đài địa chính trị. Mỹ đang cố gắng lợi dụng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc, còn Trung Quốc thì chỉ đơn giản cố gắng lấy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Có một mối đe dọa nữa: ở nhiều quốc gia, nơi Mỹ coi cần thiết thúc đẩy lợi ích của họ, Washington cố gắng tạo ra cái gọi là “cuộc cách mạng màu”, hành động công khai hoặc ngấm ngầm để đưa lên chính quyền những chế độ, chính phủ và tổng thống bù nhìn. Điều đó phục vụ lợi ích của Mỹ, nhưng chắc là không phục vụ lợi ích của các quốc gia đó bởi vì các nước này trong nhiều năm dài lâm vào tình trạng bất ổn do Mỹ kiểm soát. Các quốc gia đó bị bần cùng hóa, người dân chạy khỏi nước, lòng tin vào đồng tiền xuống đến tận đáy, điều đó gây lạm phát phi mã, kết quả là cuộc khủng hoảng và nạn lạm phát được xuất khẩu sang các quốc gia khác còn Mỹ thì tránh các cú đánh”.

Chuyên gia Nga cho biết thêm, ở Việt Nam, một số lực lượng tin rằng, nếu dựa vào Mỹ thì bằng cách này hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, dù sự hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển tích cưc, nhưng, trên trường quốc tế Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của Việt Nam chỉ trong phạm vi mà các lợi ích đó trùng với lợi ích của chính nước Mỹ.
III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông

Đài RFI (đêm 10/7) - Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 6 giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở ra ngày 9/7 tại Bắc Kinh, với những tuyên bố hòa dịu từ phía lãnh đạo hai nước. Các tuyên bố đó tuy nhiên đã không ngăn cản Mỹ nêu bật quan điểm bất đồng của mình trước hành động của Bắc Kinh trên nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông.

Theo AFP, trong buổi họp kín với phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã “mạnh mẽ” gây sức ép trên Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp biển đảo khi cảnh báo đối tác Trung Quốc là Washington “không thể chấp nhận” các mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Đây là hai nơi mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Theo một quan chức Mỹ cấp cao xin giấu tên thì ông Kerry đã nói thẳng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao Dương Khiết Trì bất kỳ quốc gia nào cũng đều không có quyền “hành động đơn phương để đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền hay lợi ích của minh”.

Theo nguồn tin trên, phía Mỹ đã tái khẳng định sự cần thiết của “một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và yêu cầu Trung Quốc “đóng góp và tham gia vào trật tự đó, thay vì chống lại các chuẩn mực khu vực và toàn cầu”.

Quan chức cao cấp Mỹ tiết lộ tiếp là phía Mỹ đã nói rõ với đối tác Trung Quốc rằng: “Tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một hiện trạng mới bất kể sự ổn định của khu vực, sự hài hòa của khu vực, là điều không thể chấp nhận được”.
Mỹ triển khai chiến thuật mới để răn đe Trung Quốc tại Biển Đông

Đài RFI (đêm 10/7) - Vào lúc tàu Việt Nam và Trung Quốc đối đầu nhau trên Biển Đông tại khu vực giàn khoan Trung Quốc, trong thời gian gần đây, phi cơ trinh sát Mỹ bắt đầu xuất hiện trên khu vực. Sự kiện khác lạ này phải chăng là một chiến thuật bắt đầu được Mỹ áp dụng để đối phó với các hành động của Bắc Kinh bị đánh giá là “khiêu khích”, “gây bất ổn định” trong vùng?

Theo nhật báo Anh Financial Times ngày 10/7, sự kiện đó có thể được xem là chiến thuật mới đang được Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng để răn de Trung Quốc.

Theo tờ báo, chiến thuật mới được Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai bao gồm nhiều thành tố, trong đó có việc sử dụng một cách thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn các loại phi cơ trinh sát cũng như tàu hải quân ngay tại khu vực có tranh chấp.

Sự kiện đầu tiên phản ánh chiến thuật mới đó diễn ra vào tháng 3 vừa qua khi Mỹ cho một chiếc phi cơ trinh sát P-8A bay ngang qua bãi Second Thomas Shoal ở khu vực Trường Sa. Tại nơi đó, tàu Trung Quốc đang phong tỏa đường tiếp tế cho một toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi mà Manila tuyên bố chủ quyền nhưng bị Bắc Kinh tranh chấp. Phi cơ Mỹ đã bay rất thấp, sao cho phía Trung Quốc có thể nhìn thấy được.

Cũng như vậy, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mới đây đã cho biết ngày 30/6, một chiếc máy bay EP3 của Mỹ cũng đã bay qua khu vực có giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, và ở độ cao rất thấp, chỉ khoảng 200m. Sau đó, có thêm một chiếc trinh sát cơ RC135 của Mỹ bay ở độ cao 3.000m. Đây là một khu vực dày đặc tàu Trung Quốc được phái tới để bảo vệ giàn khoan của họ.

Trả lời báo Financial Times, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ quen thuộc với những hoạt động kể trên xác nhận đó là một chiến thuật mới của Hải quân Mỹ: “Thông điệp là ‘chúng tôi biết những gì quý vị đang làm, hành động của quý vị sẽ có hậu quả, chúng tôi vừa có khả năng vừa có quyết tâm và chúng tôi đang hiện diện ở đây’”.

Đối với Mỹ, thách thức hiện nay là làm sao có được phương cách hữu hiệu nhằm đối phó với chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc tại Biển Đông, tức bành trướng từ từ nhưng một cách vững chắc trên các khu vực mà họ đòi chủ quyền. Khó khăn đối với quân đội Mỹ là làm sao ngăn chặn được các hành động gặm nhấm của Trung Quốc trên quy mô nhỏ, sao cho tình hình không leo thang thành xung đột quân sự trên bình diện rộng.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, ngành ngoại giao Mỹ đã cực lực lên tiếng đả kích các hành động của Trung Quốc bị cho là nhằm thiết lập một hiện trạng mới trong vùng. Đó là những việc như đưa giàn khoan xuống hoạt động tại những vùng tranh chấp với Việt Nam, cho xây dựng hạ tầng cơ sở kiên cố trên những thực thể địa dư mà họ từng dùng vũ lực đánh chiếm của Việt Nam hay Philippines, ban bố những luật lệ gọi là quốc gia nhưng lại áp dụng trên những khu vực mà Trung Quốc đơn phương cho là của mình.

Ngoài việc tích cực sử dụng máy bay do thám và đưa tàu đến hoạt động gần khu vực các tranh chấp, Mỹ cũng nghĩ đến khả năng công bố rộng rãi hình ảnh hoặc video về các hành vi thái quá của Trung Quốc trên biển. Một số quan chức Mỹ cho rằng nếu hình ảnh tàu Trung Quốc sách nhiễu ngư dân Việt Nam hay Philippines được loan truyền rộng rãi, điều đó có thể khiến Bắc Kinh chùn tay.

Sau cùng, trong các chiến thuật mới đó, Mỹ cũng sẽ giúp các nước trong vùng có thông tin nhanh chóng và kịp thời về vị trí các con tàu trong khu vực. Mỹ đã cung cấp cho Philippines, Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực các thiết bị radar và hệ thống giám sát và hiện đang tìm cách để tích hợp thông tin thu thập được vào một mạng lưới khu vực rộng lớn hơn, có chức năng chia sẻ dữ liệu.



Đài TNHK (đêm 10/7) - Mỹ đang đề ra những chiến thuật quân sự mới để răn đe âm mưu của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Những chiến thuật mới gồm sử dụng máy bay trinh thám và điều tàu hải quân tới gần các vùng biển có tranh chấp.

Báo The Financial Times nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã tái xét các chiến thuật của Mỹ, tiếp theo sau một loạt hành động xâm nhập và những bước tuần tự của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, hướng tới kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới trong vùng biển này. Hàng năm, hàng hóa vận chuyển bằng tàu qua khu vực có tổng trị giá lên tới 5.300 tỉ USD.

Thách thức đối với quân đội Mỹ là tìm ra những chiến thuật răn đe những động thái kiểu 'tằm ăn dâu' của Trung Quốc, mà không leo thang bất cứ cuộc tranh chấp riêng lẻ nào thành xung đột quân sự.

Một số yếu tố trong chiến lược mới của Mỹ đã xuất hiện từ hồi tháng 3/2014, khi Washington điều 2 máy bay thám thính bay vào không phận trên bãi Cỏ Mây, một bãi cạn không có người ở trong Biển Đông hiện đang do Philippines kiểm soát. Máy bay của Mỹ bay ở cao độ thấp để bảo đảm phía Trung Quốc trông thấy họ. Theo lời một giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ, thì thông điệp Mỹ muốn đánh đi là 'Mỹ biết Trung Quốc đang làm gì, rằng các hành động của Bắc Kinh chắc chắn sẽ có hậu quả, và Mỹ có khả năng, cũng như quyết tâm ngăn cản Trung Quốc thực hiện ý định'.

Tình hình căng thẳng tại Biển Đông, kể cả Việt Nam và Trung Quốc quanh giàn khoan Hải Dương 981, đã làm lu mờ cuộc Đối thoại Mỹ-Trung về Chiến lược và Kinh tế tại Bắc Kinh.

Phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew dẫn đầu, một mặt tìm cách cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã mong manh, trong khi cùng lúc, nêu lên những quan tâm của Mỹ về chính sách bành trướng của Trung Quốc và các hoạt động tin tặc mà chính phủ Mỹ quy cho một số giới chức quân sự Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc bày tỏ sự bất bình về việc Mỹ tiến hành truy tố các giới chức quân sự Trung Quốc về các hoạt động tin tặc và quan hệ liên minh giữa Mỹ với các nước châu Á. Bắc Kinh cho rằng đây là một cách để kiềm chế Trung Quốc.

IV. PHẦN QUỐC TẾ
Xung quanh cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 6

Đài BBC (đêm 10/7) - Ngày 10/7, trong các cuộc thảo luận cấp cao thường niên tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý thúc đẩy các quan hệ quân sự và hợp tác chống khủng bố.

Hãng tin Reuters tường thuật, không có tín hiệu cho thấy hai bên sẽ có ngay những tiến độ về các chủ đề gai góc trong lĩnh vực an ninh mạng và hàng hải. Chúng ta không trông đợi rằng các cuộc đàm phán kéo dài trong hai ngày có thể đưa lại bước đột phá to lớn. Phái đoàn đàm phán Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính, Jack Lew dẫn đầu, trong lúc người lãnh đạo của phái đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng Uông Dương (Wang Yang). Trong Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên lần thứ 5, sau khi thảo luận về các chủ đề từ giá trị đồng Nhân dân tệ tới chuyện Triều Tiên, ông Uông nói hai bên đồng ý tăng cường hợp tác trong việc chống khủng bố, thực thi pháp luật và các quan hệ quân sự.



Chủ đề Biển Đông

Trong các chủ đề nhạy cảm nhất giữa hai bên, gồm tranh chấp trên biển và gián điệp mạng, ông Uông nhìn chung chỉ lặp lại quan điểm của Trung Quốc. Ông Uông nói với các phóng viên khi kết thúc cuộc thảo luận: “Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình” ở các vùng biển Nam Hải (tức Biển Đông) và biển Hoa Đông. Trung Quốc thúc giục phía Mỹ hãy có quan điểm khách quan, công bằng và tuân thủ cam kết không bênh vực bên nào, và giữ vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Washington nói, Mỹ không bênh bên nào nhưng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc tại vùng biển giàu trữ lượng dầu khí, nơi Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh coi Mỹ đang khuyến khích Việt Nam và Philippines trở nên quyết đoán hơn trong cuộc tranh chấp, đồng thời hậu thuẫn cho đồng minh an ninh Nhật Bản trong cuộc tranh cãi với Bắc Kinh về vùng quần đảo không có người ở thuộc biển Hoa Đông, nơi phía Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Trong vấn đề an ninh mạng, ông Kerry nói với các phóng viên rằng, hai bên đã thảo luận một cách thẳng thắn, và cùng đồng ý cần tiếp tục trao đổi. Hiện chưa rõ đã có tiến triển gì trong việc nhóm công tác mạng hoạt động trở lại sau khi bị Bắc Kinh tạm ngừng vào tháng 5/2014, sau khi Mỹ cáo buộc 5 sỹ quan quân sự Trung Quốc về tội tin tặc. Trung Quốc coi Mỹ là đạo đức giả trong vấn đề trên sau khi có những hoạt động gián điệp của chính Mỹ bị cựu nhà thầu tình báo Mỹ, Edward Snowden tiết lộ.



Đài RFI (đêm 10/7) - Ngày 10/7, ngày thứ hai của cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 6, Ngoại trưởng John Kerry lên án các cuộc tấn công tin học từ Trung Quốc nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, đe dọa khả năng cạnh tranh của kinh tế Mỹ.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh và Washington không đạt được bước tiến đáng kể nào trong vấn đề gián điệp tin học, hồ sơ hàng đầu của cuộc đối thoại chiến lược lần này. Trong khi đó, báo New York Times ngày 10/7 cho biết, tin tin tặc Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập được vào kho dữ liệu tin học quốc gia, có chứa thông tin về tất cả các viên chức của chính quyền liên bang.

Trong phát biểu sau một phiên họp với đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jie Zhi), Ngoại trưởng Mỹ khẳng định “việc đánh cắp sở hữu trí tuệ do tin tặc giống như dội nước lạnh vào khả năng cách tân và đầu tư”, “các hoạt động tin tặc gây thiệt hại cho nền kinh tế và đe dọa khả năng cạnh tranh của Mỹ”.

Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi hồi tháng 5/2014, sau khi tư pháp Mỹ truy tố 5 sĩ quan Trung Quốc vì tội tin tặc và gián điệp kinh tế. Bắc Kinh trả đũa bằng cách rút khỏi nhóm làm việc chung về an toàn tin học. Chính quyền Bắc Kinh liên tục chỉ trích Washington “đạo đức giả” và khẳng định bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân của tin tặc, đồng thời lên án mạng lưới gián điệp mạng rộng lớn của tình báo Mỹ.

Về thông tin, các tin tặc Trung Quốc xâm nhập vào cơ sở dữ liệu của chính quyền trung ương Mỹ, tờ New York Times hôm nay nhận định, từ lâu nay, tin tặc Trung Quốc đã nhiều lần mưu toan xâm nhập vào các máy tính của chính quyền Mỹ, nhưng không thành công. Đây là lần đầu tiên, các tin tặc đã mở được một cánh cửa, truy cập được các tập tin do cơ quan quản lý nhân sự Mỹ (The Office of Personnel Management) lưu trữ.

Tờ New York Times cho biết rõ các tập tin nói trên có chứa nhiều thông tin cá nhân và riêng tư của các viên chức, như công việc làm trước đây, các tiếp xúc với nước ngoài, thông tin về sử dụng ma túy. Theo một viên chức giấu tên, cuộc thâm nhập này được xác định là có thể đến từ Trung Quốc, nhưng hiện tại không làm rõ được các gián điệp mạng này có làm việc cho chính quyền Bắc Kinh hay không.



Mỹ hối thúc Bắc Kinh nhanh chóng giảm can thiệp vào kinh doanh

Thúc đẩy các hợp tác kinh tế là một trọng tâm khác trong cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong cuộc đối thoại lần này, hàng loạt chủ doanh nghiệp lớn của Mỹ (như General Electric, Boeing, Fedex, Goldman Sachs và Silicon Valley Bank) và Trung Quốc (China State Construction Engineering Corporation, Wanxiang Group, Dalian Wanda Group và Shuanghui Group) đã có buổi ăn sáng làm việc, với sự có mặt của giới chức lãnh đạo hai nước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ghi nhận đã có những tiến bộ trong hai ngày làm việc này trong việc thúc đẩy tinh thần cạnh tranh trong kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng nhấn mạnh đến việc Trung Quốc cần nhanh chóng, một khi các điều kiện cho phép, thực thi một sự minh bạch lớn hơn trong các biện pháp điều hành kinh tế, cụ thể là việc để giá đồng Nhân dân tệ biến đổi theo thị trường. Trung Quốc phải minh bạch hơn trong các chính sách kinh tế cũng là đòi hỏi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đầu tháng này.

Đài VOA (đêm 10/7) - Vào lúc các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất nhiều hàng hóa hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, Trung Quốc đồng ý bớt can thiệp vào thị trường tiền tệ của mình. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiao Chuan) phát biểu: “Chúng tôi sẽ để liên hệ cung-cầu của thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc ấn định tỷ giá hối đoái, mở rộng biên độ thả nổi và tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói rằng đây là một thắng lợi cho cả hai nước. Ông nhận định: “Điều này cơ bản là về sự công bằng của hệ thống mậu dịch và cơ hội để người lao động và các công ty Mỹ cạnh tranh công bằng, và sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc được phản ánh trong đồng nội tệ được định giá công bằng”.



Đài RFA (đêm 10/7) -

Những lời ngọt ngào

Khai mạc hội nghị Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc 2014, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jin Ping), nói rằng sự hợp tác của hai nước mang ý nghĩa sống còn, kêu gọi Mỹ đối xử bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của hai bên, tôn trọng cách lựa chọn đường hướng phát triển của nhau. Chủ tịch Tập kêu gọi: “Thái Bình Dương rộng lớn, bao la không thiếu chỗ cho cả hai quốc gia vĩ đại chúng ta”. Và ông nhấn mạnh: “Một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ chắc chắn sẽ là thảm họa cho hai nước và cả thế giới”.

Thông điệp của Tổng thống Obama gửi cho hội nghị viết rằng, hai nước không thể không có mâu thuẫn, nhưng phải tận dụng những đồng thuận để cùng nhau giải quyết những khác biệt, tăng cường niềm tin và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Ngoại trưởng John Kerry, trưởng đoàn phía Mỹ, tuyên bố Washington không hề tìm cách kiềm chế Bắc Kinh, Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc phát triển bền vững trong hòa bình, thịnh vượng, để góp phần vào ổn định và phát triển của toàn khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có trách nhiệm của một cường quốc trong các vấn đề mang tính toàn cầu.

Bên trong những viên kẹo

Lắng nghe từ bên trong những lời hoa mỹ đó, chúng ta có thể tìm được những gì ẩn chứa đằng sau cuộc đối thoại trên. Ông Tập Cận Bình nói ngay tới vấn đề tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nhắm vào mối mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, trước khi hai bên đề cập tới những mâu thuẫn kinh tế, tài chính, thương mại. Những lời lẽ ngọt ngào hàm chứa những điều cảnh cáo hơn những hứa hẹn. Lời cảnh cáo đó là “tôi sẽ gây thảm họa cho anh khi nào anh muốn gây thảm họa cho tôi bằng chính sách đối đầu và ngăn cản tôi bành trướng lãnh hải, lãnh thổ trên Biển Đông, Thái Bình Dương bao la không thiếu chỗ tung hoành cho cả hai”.

Trong khi đó, thông điệp của Tổng thống Mỹ nêu ra là nguyên tắc dựa trên những đồng thuận để giải quyết những khác biệt. Ngoại trưởng Kerry nói Mỹ hoan nghênh công cuộc phát triển bền vững của Trung Quốc. Ý của người Mỹ là gì? Ý của người Mỹ nằm ngay trong câu nói của Ngoại trưởng Kerry. Ông Kerry muốn nhắc nhở, Trung Quốc cần tìm một đường lối phát triển để góp phần vào nền ổn định và phát triển của toàn khu vực. Điều ông ngụ ý khá rõ, Trung Quốc không nên phát triển theo lối bành trướng hiện nay để gây mất ổn định cho Đông Nam Á và Đông Á. Ông nói ngay: “Vì thế Trung Quốc phải nghĩ tới trách nhiệm của một cường quốc trong các vấn đề toàn cầu”.

Vấn đề toàn cầu gần gũi nhất là gì? Đó là thủy lộ huyết mạch qua Biển Đông, biển Hoa Đông, đặc biệt là những hỏa tiễn của Triều Tiên đang phóng ra biển Hoa Đông trong ngày họp hội nghị Mỹ-Trung, và mối tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, hai nước Triều Tiên, Hàn Quốc và Liên Bang Nga. Ngoại trưởng Kerry cũng nói lên tâm ý thực sự của Mỹ khi ông tuyên bố rằng, thành công của nước này chính là lợi ích cho nước kia, hai nước tuy phải cạnh tranh với nhau nhưng không phải là xung đột vì Washington xây dựng quan hệ với Bắc Kinh dựa vào các tiêu chuẩn hòa bình, thịnh vượng và hợp tác.



Tâm ý của người Mỹ?

Điều đó đích thực là tâm ý của người Mỹ từ sau Thế chiến thứ Hai, với Nhật Bản và Đức là hai nước thù địch vừa thua trận, cùng một tâm ý như vậy trong cách giải quyết chiến tranh Việt Nam và cuộc Chiến tranh Lạnh. Người Mỹ tuy lúc nào cũng phải thủ sẵn cây gậy vũ khí hạt nhân cùng những hạm đội trấn ngự hoàn cầu, nhưng Mỹ luôn đem cả bó cà rốt ra để đòi dâng tặng cho kẻ thù địch nào muốn buông súng, cầm cày. Đó là hành động của Mỹ với Trung Quốc và Liên Xô vào giai đoạn gần cuối chiến tranh Việt Nam, và chính sách với Liên Xô để kết thúc Chiến tranh Lạnh. Năm 1973, Mỹ còn hứa hẹn với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1 tỉ USD viện trợ hậu chiến, nhưng Việt Nam đã xé hiệp định Paris để chiếm miền Nam, nên không lấy được món viện trợ đó và đã đưa cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam vào cùng quẫn rồi phải mở cửa và đổi mới.

Khó lòng phủ nhận tâm ý của người Mỹ là thực sự mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình, thịnh vượng và hợp tác, chứ không muốn đối đầu bằng súng đạn, hay hỏa tiễn hạt nhân. Tuy nhiên, với ý hướng hợp tác hòa bình khá rõ, Mỹ đã chỉ đưa ra những bó cà rốt sau khi đã tung ra hàng nghìn tấn bom đạn, hay giương cao cả kho vũ khí không gian trong giả định “chiến tranh giữa các vì sao” để Liên Xô chạy đua đến kiệt sức. Những bó cà rốt đó chỉ mọc lên sau khi Mỹ đã khuất phục được, hay không khuất phục được đối phương. Mỹ đã hao tổn biết bao nhiêu vào cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 với Trung Quốc, để đưa đến hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc gầm ghè nhau đến tận nay. Mỹ càng hao tổn nhiều hơn vào chiến tranh Việt Nam nhưng không hoàn thành được mục đích giữ vững miền Nam tự do. Khi đó Mỹ mới đem mối hợp tác kinh tế, thịnh vượng, cùng phát triển ổn định ra để móc nối Trung Quốc vào quỹ đạo gọi là hợp tác phát triển thịnh vượng, và rút quân khỏi Việt Nam. Lúc đó Washington đã hiểu rõ Sài Gòn không thể nào chống lại Hà Nội với cả khối Cộng sản hỗ trợ sau lưng.

Thực tâm của nhà tư bản?

Phải chăng người Mỹ chỉ tỏ ra thành tâm hợp tác sau khi đã không khuất phục được đối phương, chỉ đem mối lợi hòa bình thịnh vượng ra nhử mồi để rút khỏi một cuộc chiến? Thành tâm hợp tác hòa bình vẫn có từ đầu, bởi bản chất của người Mỹ là những nhà tư bản. Giới tư bản chỉ muốn bình ổn để đầu tư, kinh doanh, làm ăn. Tư bản Mỹ từ lâu đã hiểu ra nguyên tắc cộng đồng đồng tiến, không thể bóc lột các nước khác để vấp phải những thế lực thù nghịch và những bạn hàng cùng khách hàng nghèo đói, không có sức tiêu thụ trên thị trường đầu tư kinh doanh kiếm lợi nhuận của mình. Cộng đồng đồng tiến là khái niệm được truyền bá ở Việt Nam từ giữa thập niên 1950. Người Mỹ vốn không cần cai trị hay đô hộ một ai, chỉ trừ một ngoại lệ trong lịch sử là thuộc địa Philippines mua lại của Tây Ban Nha năm 1898 với 20 triệu USD. Nhưng quần đảo trọng yếu ở Thái Bình Dương đã trở thành quốc gia tự trị với quy chế thịnh vượng chung từ năm 1935, sau Thế chiến II đã trở nên một quốc gia hoàn toàn độc lập.

Người Mỹ không cần lãnh thổ hay đất đai thuộc địa, nhưng cần những vùng trọng yếu về địa lý chiến lược và phải có một chính phủ đồng minh ở đó. Nhưng khi gặp những trở lực quân sự đánh vào phe tư bản của mình, như trong Thế chiến Hai và chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, Mỹ phải sử dụng sức mạnh quân sự sẵn có, sử dụng tận tình để chiến thắng. Tiếp sau đó là mối hợp tác hòa bình, thịnh vượng được đem ra chiêu dụ để chấm dứt một cuộc chiến không thể thắng, hay để đem một đối phương, dù thất trận hay thắng thế, vào thị trường tư bản của mình.

Mâu thuẫn quyền lợi

Mối quan hệ tốt đẹp giữa Washington-Bắc Kinh ngày nay là một thành quả của chính sách ngoại giao của tư bản Mỹ. Trong Hội nghị Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần này, lập trường của Mỹ, vẫn như xưa nay, hoàn toàn dựa trên quyền lợi của họ, trong đó có quyền lợi của những đồng minh chiến lược chí cốt. Nói đến quyền lợi của Mỹ và đồng minh, hiển nhiên vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông phải nằm trong nghị trình thương lượng giữa Washington với Bắc Kinh. Ngày 10/7, ngày thứ hai của hội nghị thường niên năm 2014, cuộc họp báo chung cho thấy, hai bên không đạt được thỏa thuận về những cuộc tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, về vấn đề an ninh mạng. Sau khi hẹn nhau “khó khăn nào cũng vượt qua”, hiện nay hai nước đành hành xử theo cách “khó khăn nào cũng bỏ qua”! Quả thật những viên kẹo bọc đường được hai bên đưa ra cho nhau trong buổi khai mạc hội nghị Đối thoại Chiến lược và Kinh tế 2014 đã chứa đựng những mũi kim nhọn và chỉ mở bọc ngửi mùi thơm đã không ai dám nếm.



Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 164.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương