THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 266.13 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích266.13 Kb.
#3696
  1   2   3   4

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 179/ TKNB-QT-TN Thứ Hai, ngày 22/9/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)
I. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM
Quan hệ Mỹ-Việt sau 20 năm bình thường hóa và những khuyến nghị

TTXVN (Washington 21/9) - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington ngày 18/9 đăng bài phân tích của hai tác giả Ernest Bower, Giám đốc và Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của CSIS với nội dung đề cập đến quan hệ Mỹ-Việt sau 20 năm bình thường hóa và đưa ra khuyến nghị nhân chuyến đi sắp tới của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Mỹ dự kiến vào đầu tháng 10 tới. Các tác giả đã đưa ra 8 khuyến nghị thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới. Dưới đây là nội dung của bài viết:

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm Washington vào đầu tháng 10 để tham vấn với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Các cuộc họp của họ sẽ cung cấp một kênh bổ sung thêm các thành tố cụ thể hơn và mức độ sâu sắc đối với mối quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7/2013.

Trong năm tới, Mỹ và Việt Nam sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995, sau khi kết thúc một cuộc chiến lâu dài và nhiều năm thù địch. Các điều kiện hiện tại là thích hợp cho các nhà lãnh đạo ở cả hai nước có những bước đi cụ thể để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ. Để làm được điều này đòi hỏi sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác như vậy đã được thiết lập.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Mỹ và Việt Nam đã thiết lập các đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước và ký một Hiệp định thương mại song phương. Washington đã ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lãnh đạo hai nước đã thực hiện các chuyến viếng thăm lẫn nhau và quân đội hai nước đã mở rộng hợp tác an ninh.

Mỹ đã ủng hộ Việt Nam tham gia đàm phán thương mại Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia. Hai chính phủ đã đàm phán về Hiệp định hợp tác năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, được biết đến với tên gọi Hiệp định Hạt nhân Dân sự 123.

Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách Mỹ coi Việt Nam là một đối tác đầy triển vọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại một khu vực năng động và đang chuyển đổi nhanh chóng, Washington và Hà Nội ngày càng chia sẻ các lợi ích chung về địa chính trị, an ninh và kinh tế. Chính phủ hai nước có mối quan tâm chung về việc đảm bảo tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông, ngăn chặn việc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ, bảo đảm việc giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải.

Các mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước đã nở rộ kể từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại năm 1994. Năm 2013, thương mại hai chiều đã đạt 25 tỷ USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Việt Nam.

Hai nước đã tổ chức hai cuộc đối thoại thường niên cấp Thứ trưởng nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh. Các quan chức thường xuyên gặp nhau để thảo luận về vấn đề nhân quyền, một trong những vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ song phương. Washington và Hà Nội đã bắt đầu phối hợp giải quyết các di sản của cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có hậu quả ô nhiễm dioxin từ việc sử dụng chất độc da cam và việc dỡ bỏ các vật liệu chưa nổ vẫn còn nằm trong lòng đất ở Việt Nam.

Có thể thấy chắc chắn một điều rằng các quan ngại của Hà Nội về nước láng giềng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong tính toán của Việt Nam về mức độ cải thiện quan hệ với Washington đi xa và nhanh tới đâu. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm gần đây đã thuyết phục một số lãnh đạo Việt Nam rằng họ cần phải tăng cường các mối quan hệ của họ với Mỹ nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược. Đồng thời, sự băn khoăn của Việt Nam về mức độ sâu và nghiêm túc của chiến lược tái cân bằng của Mỹ với châu Á đã giữ Hà Nội không di chuyển quá nhanh về phía Washington, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quân sự.

Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ đang đầy hứa hẹn, mặc dù nó vẫn còn non trẻ và không phải không có thách thức. Bằng cách phối hợp cùng nhau trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu thiết lập một mức độ tin cậy và hiểu biết nhất định, tạo tiền đề cho hai nước có thể vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai.

Cả Mỹ và Việt Nam có các lợi ích quốc gia mạnh mẽ trong việc đưa mối quan hệ của họ lên một cấp độ mới và sâu sắc hơn khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Các nhà lãnh đạo cao nhất của cả hai nước sẽ cần phải định hướng cho các chính phủ mỗi nước thực hiện các bước đi cần thiết để hiện thực hóa các khuyến nghị chính được đề xuất dưới đây, trong đó có sự tham gia của các lực lượng chính ở mỗi nước và xây dựng sự hậu thuẫn trong các cơ cấu quản trị tương ứng của mỗi nước.

Mỹ và Việt Nam cần tiến hành các bước đi sau:

Một là: Đưa ra cam kết về việc Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Việt Nam vào năm 2015 nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, có lẽ vào dịp ông đến Đông Nam Á dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế và an ninh thường niên vào tháng 11 ở Malaysia hay Philippines.

Hai là: Thảo luận về những bước đi nào mà chính phủ Mỹ kỳ vọng từ Việt Nam nhằm nới lỏng và cuối cùng loại bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam.

Ba là: Mở rộng phạm vi trao đổi của lực lượng hải quân Mỹ-Việt, trong đó có các cuộc diễn tập chung về cứu trợ nhân đạo và thảm họa, nhấn mạnh đến sự tương tác và việc cập cảng của các tàu Mỹ cho hoạt động bảo trì và sửa chữa.

Bốn là: Tăng cường cuộc đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan chính phủ Mỹ và Bộ Công an Việt Nam về vấn đề nhân quyền trong nỗ lực nhằm tìm cách đảm bảo việc thả các tù nhân chính trị. Hà Nội nên cho phép thêm các chuyến thăm của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Năm là: Phối hợp với các đối tác để kết thúc và phê chuẩn Hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao - TPP và cùng hợp tác tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á nhằm đưa ra các bước đi kế tiếp đối với việc hội nhập kinh tế khu vực thông qua một khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.

Sáu là: Phối hợp loại bỏ việc xác định Việt Nam như là một nền kinh tế phi thị trường trên tinh thần của việc cải thiện quan hệ song phương.

Bảy là: Hoàn tất việc làm sạch ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng vào năm 2016 và cam kết thời gian biểu khả thi trong việc làm sạch dioxin tại sân bay Biên Hòa cũ.

Tám là: Thiết lập Đối thoại Chiến lược Mỹ-Việt thường niên kênh 1.5 (P.viên: nằm giữa kênh 1 là ngoại giao chính thức của chính phủ và kênh 2 là ngoại giao không chính thức nhằm thúc đẩy đối thoại) để phát triển các ý tưởng cho việc làm sâu sắc quan hệ song phương hai nước.

Thời gian biểu cho việc thực hiện các sáng kiến ​​này có thể được bàn thảo khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm Mỹ vào tháng 10 tới với mục tiêu đạt được hầu hết các khuyến nghị trên vào thời điểm Tổng thống Barack Obama thăm Hà Nội, hy vọng diễn ra vào năm tới.


II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Xung quanh bài viết của nhà bình luận Paul Leaf đề nghị Mỹ nên hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

Đài VOA (đêm 19/9) – “Washington đang cần một đối tác mạnh tại Việt Nam để chống lại hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông” - đó là tựa đề của một bài viết của nhà bình luận Paul Leaf đăng trên báo The Diplomat ngày 18/9. Ông lập luận rằng giữa lúc Mỹ đang cắt giảm ngân sách quốc phòng và cùng lúc phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới, Washington đang cần những nước đối tác có sức mạnh, đặc biệt tại châu Á, nơi mà các hành động xâm nhập của Trung Quốc đang đe dọa thay đổi hiện trạng khu vực.

Theo tác giả bài báo, đó là lý do Mỹ nên hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, bởi vì làm như vậy không chỉ tăng sức mạnh cho Việt Nam và đưa Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn, mà còn có thể cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, nếu như Mỹ đặt ra những điều kiện thích đáng trước khi bán các vũ khí ấy.

Lệnh cấm vũ khí sát thương đã được ban hành vào năm 1984 vì tình trạng nhân quyền tệ hại của nước này. Đến năm 1987, chính phủ của Tổng thống Bush nới lỏng lệnh cấm đôi chút, và cho phép xuất khẩu một số vũ khí không sát thương cho Việt Nam. Mặc dù vậy, các hành động vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục tại Việt Nam, và sự thể này đã cầm chân Mỹ, không cho phép Washington xích lại gần hơn nữa với Hà Nội.

Bình luận gia Paul Leaf liệt kê một số yếu tố đã cản trở việc hai nước thắt chặt quan hệ với nhau gồm có: những hạn chế đối với quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, quyền của các thiểu số sắc tộc và quyền của người lao động, cũng như tình trạng thiếu các cơ sở pháp lý và một hệ thống tư pháp độc lập.

Nhưng ông lập luận rằng, sự thay đổi trong môi trường an ninh đòi hỏi Mỹ phải tái xét việc hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Ông cho rằng, giữa lúc Mỹ đang giảm chi phí quốc phòng, trong khi lại bị lôi kéo vào các cuộc xung đột mới ở Đông Âu và Trung Đông, Washington đang cần có những đối tác mạnh để tiếp tay đối phó với sự trỗi dậy không mấy hòa bình của Trung Quốc.

Nhà bình luận này nhận định rằng Trung Quốc là một mối đe dọa đang ngày càng tăng. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là ngân sách lớn thứ nhì thế giới, và hầu như vượt qua mặt tổng chi phí quốc phòng gộp chung lại của 24 quốc gia ở Đông Nam Á.

Với ngân sách khổng lồ đó, Trung Quốc đã tài trợ cho một kho vũ khí đáng gờm để biểu dương lực lượng, nhắm mục đích giới hạn sự tiếp cận của Mỹ đối với các vùng biển và không phận quanh khu vực.

Nhà bình luận này nêu bật những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam trong năm 2014 ở Biển Đông, nơi hai nước có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo và tranh giành những quyền lợi kể cả tài nguyên dầu khí và hải sản, và cũng là nơi có các tuyến hàng hải quốc tế hết sức quan trọng.

Đầu năm nay, Trung Quốc khởi sự đòi hỏi các tàu nước ngoài phải xin phép của Bắc Kinh trước khi đánh bắt cá trong một vùng biển chiếm tới 90% diện tích Biển Đông mà họ tuyên bố thuộc chủ quyền của họ. Thế rồi từ tháng 5-7/2014, Trung Quốc điều giàn khoan dầu nước sâu vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đâm va tàu cá và tàu hải ngư Việt Nam, đâm chìm một chiếc tàu.

Ông Leaf cho rằng Hà Nội có thể là một lực đối trọng chống lại Bắc Kinh. Ông nêu rằng Việt Nam có dân số đông thứ 13 thế giới, gần 100 triệu người, và có một lực lượng quân đội năng động lớn thứ 11 trên thế giới, và dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới trước năm 2025. Chi phí quốc phòng của Việt Nam, theo nhà bình luận này đã tăng vọt 130% từ năm 2003 tới năm 2012, khiến Việt Nam trở thành quốc gia thứ nhì (tính trên GDP) chi tiêu nhiều nhất vào lĩnh vực quốc phòng ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông không bảo đảm Washington và Hà Nội sẽ chính thức liên minh chống lại Bắc Kinh. Ông nêu lý do là vì tại Việt Nam có một phe thân Trung Quốc rất có thế lực, ngay cả sau vụ giàn khoan, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam mô tả đó là một mối bất hòa không đáng kể giữa “hai nước anh em”. Thứ hai, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và thứ ba, Việt Nam không có hiệp định quốc phòng với Mỹ.

Theo ông, Việt Nam có phần chắc sẽ vẫn tiếp tục chính sách đi hàng hai giữa Mỹ và Trung Quốc để có thể hưởng lợi từ cả đôi bên. Nhưng dù cho có như vậy, ông lập luận rằng bằng cách hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Mỹ có thể chống lại một cách hữu hiệu hơn quyết tâm của Trung Quốc bằng cách tăng sức mạnh cho Việt Nam, và thuyết phục Hà Nội xích lại gần Washington và các đối tác của Mỹ hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ đi thăm Washington vào đầu tháng 10, để tham khảo ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington (CSIS) cho rằng những cuộc họp giữa hai vị ngoại trưởng là một diễn đàn để đưa ra những bước cụ thể hơn và đào sâu hơn quan hệ đối tác toàn diện đã được loan báo, khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Phòng Bầu dục vào tháng 7/2013.

Năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau. CSIS cũng cho rằng các điều kiện hiện nay đã chín muồi, để lãnh đạo hai nước đề ra những bước cụ thể để hoàn toàn bình thường hóa quan hệ song phương, dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.



Đài BBC (đêm 21/9) - Trích dẫn bài viết trên, BBC cũng dẫn nhận định của tác giả Paul J. Leaf cho rằng việc Hoa Kỳ cắt bớt ngân sách quân sự và phải đối diện với những cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng trên toàn thế giới khiến cho nước này cần có những đối tác mạnh mẽ, đặc biệt là ở vùng châu Á, nơi mà Trung Quốc đang ngày càng đe dọa làm thay đổi tình trạng hiện thời. Với mối quan hệ hai bên đang trở nên nồng ấm hơn, chủ đề cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã được bàn tới nhiều kể từ đầu mùa Hè tới nay, với việc một số quan chức chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi xem xét lại lệnh cấm. Trong số những người ủng hộ có Thượng nghị sỹ John McCain, và tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius.

Vào giữa tháng 8, trong chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ đã tỏ ý Washington có thể dỡ bỏ lệnh cấm này. Tướng Dempsey được trang mạng www.wsws.org dẫn lời: “Đã có những thảo luận ngày càng tăng về vấn đề này, và tôi thấy rằng ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm”. Trước đó một tuần, vào ngày 8/8, Thượng nghị sỹ McCain nói với các phóng viên tại Hà Nội rằng ông tin tưởng vào sự ủng hộ từ Lưỡng viện Hoa Kỳ.

Đại sứ tân cử Ted Osius trước khi chính thức được bổ nhiệm vào tháng 6 cũng nói rằng đã tới lúc Washington cần xem lại với điều kiện tình hình nhân quyền phải được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, chính quyền ông Obama cho tới nay vẫn chưa chính thức có tuyên bố gì.

Lệnh cấm và nhân quyền

Vào năm 1984, Hoa Kỳ áp lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vì đánh giá tình hình nhân quyền ở Việt Nam là yếu kém. Tới 2007, chính quyền ông Bush nới lỏng lệnh cấm với việc cho phép xuất khẩu sang Việt Nam các thiết bị không gây sát thương.

Việc mở ra một cách rất giới hạn như vậy là do Washington đánh giá Hà Nội chưa mấy cải thiện được vấn đề nhân quyền, nhất là trong các lĩnh vực hạn chế tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, hạn chế quyền của các sắc tộc thiểu số và của người lao động, và thiếu trình tự tố tụng và hệ thống tư pháp độc lập, chuyên gia Leaf điểm lại tình hình. Tuy nhiên, tác giả Leaf thúc giục rằng sự thay đổi trong môi trường an ninh khiến Hoa Kỳ nay cần tái cân nhắc tới việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, nhất là trước việc Trung Quốc đang ngày càng trở nên một mối đe dọa lớn ở khu vực Biển Đông.

Vùng biển này là nơi có tuyến hải hành quan trọng cho hơn một nửa thương mại thế giới, có nguồn cá dồi dào và có trữ lượng dầu, khí lớn. Nhà nghiên cứu chuyên về quốc phòng, đồng thời là luật sư của một hãng luật quốc tế nhận định: “Hà Nội có thể sẽ là một đối trọng mạnh trước Bắc Kinh”.

Điều này không chỉ do Việt Nam có dân số lớn, có lực lượng quân đội thường trực chiếm vào hàng thứ 11 trên thế giới hay việc mạnh tay chi cho ngân sách quốc phòng ở mức cao thứ hai tại khối Đông Nam Á nếu tính theo tỷ lệ so với tổng GDP và một số những lý do khác, mà còn bởi Việt Nam có thái độ rất cứng rắn trước đội tàu đông gấp nhiều lần, hiện đại gấp nhiều lần của Trung Quốc trong cuộc đương đầu 75 ngày trong mùa Hè vừa rồi quanh vụ giàn khoan Hải Dương-981, theo ông Leaf. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xấu đi nhiều kể từ cuối tháng 10/2013, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) tới thăm Hà Nội và ký nhiều thỏa thuận thương mại và một thỏa thuận khai thác chung về các nguồn tài nguyên thiên nhiên chung như dầu, khí và nguồn cá tại Vịnh Bắc Bộ, một trong những khu vực hai bên đang tranh chấp. Việt Nam coi việc Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan Hải Dương-981 hồi tháng 5 là vi phạm các hiểu biết chung, nhưng Bắc Kinh nói họ chỉ thực hiện trong phạm vi quyền của mình bởi giàn khoan đó được đặt gần với quần đảo Hoàng Sa nơi Trung Quốc đang kiểm soát.

Việt Nam có sẵn sàng chọn đồng minh thay cho “đồng chí”?

Mặt khác, tác giả bài viết cũng thừa nhận tất cả những điều trên chưa đủ đảm bảo để Washington và Hà Nội chính thức trở thành đồng minh chống Trung Quốc. Lý do đầu tiên, theo ông Leaf, là tại Việt Nam có một phe ủng hộ Trung Quốc rất mạnh. Thậm chí tác giả còn dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói cuộc đối đầu về giàn khoan Hải Dương-981 chỉ là sự bất đồng nhỏ giữa “những người anh em”.

Lý do thứ hai, là Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, dư sức tạo đòn bẩy kinh tế đối với Việt Nam. Và lý do thứ ba, theo tác giả, Việt Nam chưa có hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ và đã chứng kiến những phản ứng của Washington trước những cuộc hung hăng trên thế giới, trong đó có cả việc Bắc Kinh chiếm đảo của Philippines, một đồng minh của Hoa Kỳ. Do đó, Hà Nội sẽ nghi ngờ về mức độ ủng hộ của Washington trong việc chống lại Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhìn lại những lý do của mỗi bên cũng như phân tích tình hình thực tế, chuyên gia quân sự nói việc chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ là cách hiệu quả để Hoa Kỳ kiềm chế thái độ của Trung Quốc và đưa Việt Nam xích lại gần hơn với Washington và các đồng minh.

Trước khả năng phe phản đối sẽ lập luận việc cần tiếp tục duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương nhằm tạo áp lực để Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền, tác giả nói Hoa Kỳ không cần phải lựa chọn giữa các giá trị và các lợi ích của mình. Washington, theo tác giả, có thể cơ cấu sao cho các giao dịch vũ khí với Hà Nội sẽ giảm thiểu các vụ vi phạm nhân quyền và khuyến khích Hà Nội đối xử tử tế hơn đối với các công dân Việt Nam. Đây cũng là điều mà Thượng nghị sỹ John McCain từng đề cập. Hãng tin AP dẫn lời ông nói trong cuộc họp báo tại Hà Nội: “Việc đó phải được giới hạn đầu tiên là trong khả năng quốc phòng, chẳng hạn như cho các hệ thống tuần duyên, hàng hải, thuần túy phục vụ cho đối phó an ninh với bên ngoài”.


III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Philippines không tin Trung Quốc sẽ tấn công

Đài RFI (đêm 19/9) - Trong khuôn khổ chuyến công du Pháp hai ngày, tối 18/9, khi đến thăm Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) ở Paris, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố ông không cho rằng Trung Quốc sẽ tăng lên đến mức tấn công Philippines, tuy vẫn coi Bắc Kinh là “mô hình xâm lược mới trỗi dậy” tại Biển Đông.

Bị tràn ngập những câu hỏi về tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh ngay sau bài phát biểu của ông tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, Tổng thống Philippines nói rằng“Nếu họ quyết định tấn công chúng tôi, tôi không nhìn thấy logic nào để Bắc Kinh làm như vậy. Tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra và họ không thể có đủ cơ sở để biện minh cho một hành động như trên”.

Khi được hỏi về việc Trung Quốc đang tìm kiếm trở thành “một cường quốc biển chủ chốt”, ông Aquino nói: “Theo tôi, hiện nay không ai nghĩ rằng Trung Quốc đang trên đường thống trị thế giới”.

Tuy nhiên, Tổng thống Philippines cảnh báo “nguy cơ mang tính hiện thực hơn của một sự tính toán sai lầm về lực lượng”, vì các “diễn tiến khó lường” khi Trung Quốc tự tiện đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Ông Aquino tuyên bố: “Các hành động và phản ứng của đôi bên đều không lường trước, nhưng có thể tóm lại như phía Mỹ nói, là đều lên gân, với quá nhiều người chơi cùng lúc.



Philippines đã liên tục bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Như các hãng thông tấn trên toàn thế giới đã đề cập, đang có một mô hình tấn công mới trỗi dậy, hướng về việc thiết lập các thực tế mới trên biển và trên không”.

Tổng thống Aquino giải thích, chiến lược của Philippines là thúc đẩy việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc, và đạt được giải pháp hòa bình thông qua cơ quan trọng tài. Ông kêu gọi các nước có tranh chấp cùng hợp sức với Philippines, để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời cảm ơn Liên minh châu Âu (EU) và các nhà lãnh đạo thế giới đã “bày tỏ sự ủng hộ cho một giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, trên cơ sở luật pháp”.


Cạnh tranh năng lượng ở Biển Đông gia tăng?

TTXVN (Singapore 22/9) - Nhà nghiên cứu cấp cao Euan Graham thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) mới đây cho rằng sự kiện đối đầu gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan nước sâu trong vùng biển tranh chấp, đã một lần nữa nêu bật vấn đề năng lượng ở Biển Đông. Theo đó, vấn đề này có tầm quan trọng thế nào với tư cách một động lực trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc? Hay trong bối cảnh nào việc cạnh tranh khai thác nguồn dầu khí dưới đáy biển biến thành sự căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Đông Nam Á?

Thực tế cho thấy các động cơ chính trị và chiến lược gần như chắc chắn được đặt lên trên những cân nhắc về năng lượng trong quyết định hạ đặt giàn khoan nước sâu của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) ở vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa hồi đầu tháng 5. Dù vậy, nhu cầu khai thác nguồn năng lượng này đã nhận được sự chú ý lớn hơn trong chính sách Biển Đông nói chung của Trung Quốc những năm gần đây.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - một thực tế khiến nước này ngày càng đối mặt với nguy cơ chính trị ở Trung Đông và châu Phi, với khả năng bị gián đoạn vận chuyển, cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng để đảm bảo nguồn cung mới. Trung Quốc được cho là bất lợi về địa hình khi khai thác các tầng khí đá phiến của mình. Khai thác năng lượng ngoài khơi trong “vùng biển gần” của Trung Quốc vì thế được xem là lựa chọn hấp dẫn dựa trên quan điểm nguồn cung-an ninh trước viễn cảnh cầu gia tăng trong tương lai.

Sự quan tâm mạnh mẽ đến khai thác năng lượng và đảm bảo có được nguồn dầu khí lớn hơn ở Biển Đông, kể cả đơn phương nếu cần thiết, đã xuất hiện trong các cuộc tranh luận chính sách nội bộ của Trung Quốc suốt 5 năm qua. Điều này dẫn đến việc nâng cấp năng lực cho các tập đoàn năng lượng nhà nước của Trung Quốc, như mua giàn khoan biển sâu, triển khai tàu thăm dò địa chất và tàu hỗ trợ ở thực địa. Cùng với việc mở rộng đội tàu, hạ tầng cảng và hiện đại hóa hải quân, việc phát triển ngành năng lượng ngoài khơi có thể được xem là một trụ cột quan trọng khác trong sự theo đuổi mục tiêu “cường quốc biển” toàn diện của ban lãnh đạo Trung Quốc.

Năm 2009, CNOOC đã lần đầu tiên công bố kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD cho các dự án biển sâu trong 2 thập kỉ. Một giàn khoan biển sâu thứ hai dự kiến đóng xong vào năm 2016 và được thiết kế riêng để hoạt động ở Biển Đông. Với CNOOC và các tập đoàn năng lượng nhà nước của Trung Quốc, điều này đã là một bước thay đổi trong hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, sự kiện bế tắc với Việt Nam dường như giống việc tập dượt hơn là một sự cố riêng lẻ.

Với số lượng giàn khoan biển sâu tăng lên, việc Trung Quốc triển khai chúng ra thực địa dường như sẽ là bình thường, dù các thách thức hậu cần và an ninh cho hoạt động E&P xa bờ ở phía Nam của Biển Đông là vẫn đáng kể. Điều này giúp giải thích việc lựa chọn Hoàng Sa là nơi hạt đặt giàn khoan đầu tiên, do vị trí tương đối gần đảo Hải Nam.

Việc năng lực E&P ngoài khơi của Trung Quốc tăng gắn liền với việc mở rộng và tập trung hóa năng lực của lực lượng hành pháp trên biển của nước này, với nhiệm vụ bảo vệ các tài sản có giá trị lớn đó khi tiến sâu hơn vào vùng biển tranh chấp. Sự phối hợp chặt chẽ đã được thể hiện trong cuộc quãng thời gian 6 tuần hạ đặt giàn khoan vừa qua của CNOOC, theo đó các tàu hành pháp tạo ra hành lang an ninh vòng ngoài quanh các tàu hỗ trợ với giàn khoan ở trung tâm.

Biển Đông là vùng nhiều nguồn năng lượng là điều không phải bàn cãi, với các mỏ dầu khí ngoài khơi châu thổ Châu Giang và đảo Hải Nam. Tuy nhiên, nơi tập trung các mỏ dầu khí lại ở ngoại vi, đặc biệt là vùng biển phía Nam, mang lại lợi thế kinh tế cho Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Hiện giới phân tích đang đặt câu hỏi về tiềm năng năng lượng ở Trường Sa và Hoàng Sa cũng như vùng biển lận cận. Điều này có thể đẩy hoạt động E&P của Trung Quốc xuôi về phía Nam theo thời gian, gia tăng khả năng đối đầu và bế tắc hơn nữa trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á, vốn chồng lấn với tuyên bố 9 đoạn mơ hồ của Trung Quốc.

Malaysia, Brunei và Indonesia đã khai thác năng lượng ở phía Nam Biển Đông trong nhiều thập kỷ, trong khi Việt Nam và Philippines gần đây mới tham gia. Việt Nam nhanh chóng đẩy mạnh khai thác năng lượng ngoài khơi trong phạm vi EEZ của mình. Nhờ những phát hiện lớn trong bể Nam Côn Sơn và Cửu Long, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phải nhập khẩu dầu tinh. Philippines đang khai thác khí đốt từ mỏ Malampaya và có những phát hiện mới ở Reed Bank.

Hầu hết các nước Đông Nam Á có liên doanh với đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các công ty năng lượng của Trung Quốc cũng hoạt động trên toàn thế giới trên cơ sở lợi nhuận, vì thế việc họ trở thành các nhà đầu tư ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, những đòi hỏi mang tính chính trị và chiến lược có thể được ưu tiên đặc biệt ở "vùng biển gần", như trường hợp hạ đặt giàn khoan nước sâu của CNOOC hồi tháng 5. Tương tự, quyết định rút giàn khoan sớm, vào tháng 7, cho thấy có động cơ chính trị - dù tín hiệu này có thể là suy đoán.

Việt Nam hiện tìm kiếm đối tác liên doanh đa dạng, dành nhiều lô thăm dò cho các công ty năng lượng của Nga, Ấn Độ, Malaysia, Mỹ, và châu Âu, với mục đích quốc tế hóa tuyên bố chủ quyền biển của mình. Việt Nam mới đây đã đề nghị tập đoàn ONGC-OVL của Ấn Độ thăm dò 5 lô dầu khí trên Biển Đông, bất chấp các lô thăm dò ở vùng biển Việt Nam hiện tại của công ty này cho thấy kết quả đáng thất vọng. Một động thái phản ứng do đó có thể được nhận thấy ở Biển Đông, khi việc khai thác năng lượng của Việt Nam và Philippines đã thổi bùng những lo ngại về sự "mất mát" của Trung Quốc, thúc đẩy sự thay đổi chính sách quan trọng vào năm 2009 khi Bắc Kinh rút khỏi mô hình cùng khai thác để đơn phương thăm dò và khai thác, kể cả trong vùng biển tranh chấp.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 266.13 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương