THÔng tư Quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 02/2010/NĐ-cp ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông



tải về 1.66 Mb.
trang16/17
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.66 Mb.
#29146
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

1.2. Thiết kế ao nuôi

Ao nuôi có diện tích 1.000-20.000 m2, tốt nhất là từ 2.000-5.000 m2.

Độ sâu mực nước từ 1,2-1,5 m, ao có cống cấp và thoát nước riêng, đáy cát hoặc cát bùn và hơi dốc về phía cống thoát.

Gần vùng nuôi có biên độ dao động thủy triều lớn càng tốt để tiện thay nước và thu hoạch, cũng có thể sử dụng các ao nuôi không hiệu quả để nuôi cá.



1.3. Chuẩn bị ao nuôi

a) Đối với ao cũ

Tháo cạn nước, bắt hết cá cũ, cá dữ và phát quang bụi rậm quanh ao, thu dọn hết rác thải nếu có.

Vét lớp bùn ở đáy ao, lấp hết các hang hốc quanh bờ và tiến hành gia cố bờ đê chắc chắn.

Bón vôi với liều lượng 10-20 kg cho 100 m2.

Cày lật, bừa san phẳng nền đáy ao.

Phơi nắng 5-7 ngày để phân huỷ mùn bã hữu cơ ở đáy ao, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Đối với hệ thống nuôi ghép, cần bón lót đáy ao nhằm tăng cường nguồn dinh dưỡng cho đáy ao, làm tăng nguồn thức ăn tự nhiên trong ao bằng phân chuồng đã ủ hoai với lượng 30 - 40 kg/100 m2.

b) Đối với ao mới đào

Cấp nước vào đầy ao, ngâm ao 3-5 ngày, sau đó tháo nước ra. Làm như vậy vài lần để rửa phèn trong ao.

Tiến hành bón vôi, cày lật,… và bón lót đáy ao với liều lượng như trên.

Lắp lưới chắn lấy nước vào ao.



1.4. Lấy nước

Nước khi đưa vào ao nuôi phải qua lưới chắn nhằm ngăn cá dữ, cá tạp, rác thải theo vào trong ao.



1.5. Chọn và thả cá giống

Cá giống thả vào ao nuôi thịt phải đồng đều về kích thước (10-12 cm) không bị bệnh tật, không bị xây xát, bơi lội hoạt bát, có màu trắng xám nhạt.

Thả cá giống: nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không nên thả lúc trời mưa, trước khi thả ta nên ngâm các bao cá trong ao khoảng 20 - 30 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó từ từ mở miệng bao cho nước ao và nước trong bao hòa vào nhau thì thả cá ra.

Đối với hai hình thức nuôi đơn và nuôi ghép hình thức thả giống khác nhau.



Nuôi đơn

Sau khi cải tạo ao, lấy nước vào có thể thả giống nuôi ngay, giống thả với mật độ 2-3 con/m2.



Nuôi ghép

Sau khi chuẩn bị ao, gây màu nước bằng phân chuồng từ 5-7 ngày thì ta tiến hành thả cá rô phi trưởng thành vào ao với mật độ 1-2 con/m2 (tỷ lệ đực/cái là 1/3). Nuôi sau hai tháng khi cá rô phi con xuất hiện thì thả giống với mật độ 05,-1 con/m2.



1.6. Thức ăn và cách cho ăn

Đối với thức ăn cá tạp

Thức ăn hiện nay là vấn đề lớn mà nghề nuôi cá Chẽm đang phải đương đầu. Hiên tại, cá tạp vẫn là nguồn thức ăn được dùng nhiều nhất cho nuôi cá Chẽm. Cá tạp được băm nhỏ cho ăn hai lần mỗi ngày vào buổi sáng (8 giờ), buổi chiều (5 giờ) với tỷ lệ 10-15% tổng khối lượng cá trong ao trong 2 tháng đầu. Sau 2 tháng chỉ cho ăn một lần/ngày vào buổi chiều với tỷ lệ 5-10% trọng lượng cá. Chỉ cho cá ăn khi cá bơi lội gần mặt nước. Khi cho ăn, tạo tiếng động để cá tập trung thành đàn. Thời điểm và vị trí cho ăn nên cố định. Cho cá ăn từ từ, khi cá ăn no và tản đi thì ngừng cho ăn.

Sau khi cho ăn khoảng 30 phút, ta nên kiểm tra thức ăn dưới đáy ao để biết lượng thức ăn còn thừa hay thiếu.

Thức ăn chế biến

Do nguồn cá tạp ở một số nơi khan hiếm đặc biệt vào mùa mưa bão, nên có thể dùng thêm các loại nguyên liệu khác phối trộn để giảm lượng cá tạp sử dụng.

Bảng 2: Phối hợp thành phần thức ăn của cá Chẽm


Thành phần

Phần trăm (%)

Bột cá

35

Cám

20

Bột đậu nành

15

Bột bắp

10

Dầu mực (hoặc dầu cá)

7

Tinh bột khuấy hồ

8

Hỗn hợp Vitamine

2

Đối với thức ăn công nghiệp

Hiện nay trên thị trường đã có một số công ty sản xuất thức ăn dạng viên chuyên dùng cho nuôi cá Chẽm như Harvest, Uni-President,...

Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên nổi hay viên khô ép đùn có khả năng chìm chậm chứa ≥40% protein. Cho ăn 2 lần/ngày với tỉ lệ theo chỉ dẫn trên bao bì.

Đối với cách nuôi ghép

Liều lượng cho ăn bằng 1/2 so với ao nuôi đơn và điều chỉnh lượng thức ăn tùy theo lượng cá rô phi sinh sản trong ao.



1.7. Chăm sóc và quản lý

Hàng ngày, vào sáng sớm hoặc chiều mát phải ra thăm ao, nếu thấy ao có dấu hiệu ô nhiễm thì tiến hành thay nước ao 20 - 30 %, định kỳ thay nước 1 tuần/lần (lợi dụng được nước thủy triều thay nước thì càng tốt).

Đối với ao nuôi ghép thì hạn chế thay nước để giữ thức ăn tự nhiên cho cá rô phi, nếu thay thì chỉ thay khoảng 30% lượng nước trong ao, 3 - 5 ngày thay một lần

Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo sức ăn của cá. Hàng tuần chài hoặc lưới để kiểm tra dịch bệnh, sức tăng trọng của cá và tính toán lượng thức ăn và có biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt là kiểm tra sự phân đàn để tránh tình trạng cá lớn ăn cá bé làm giảm tỷ lệ sống ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch

Nếu cá có hiện tượng bỏ ăn, bơi lội lờ đờ trên mặt nước thì nên bắt tách riêng cá để điều trị bệnh.

Thường xuyên kiểm tra và vớt bỏ rong nhớt dưới đáy ao, nâng cao mực nước ao tối đa có thể để hạn chế tảo đáy phát triển và làm bẩn đáy ao gây thiếu oxy.

Yếu tố oxy hòa tan rất quan trọng trong nuôi cá Chẽm thương phẩm. Khi cá đạt trọng lượng thân từ 400g/con trở lên thì ao nuôi cần phải được tăng cường thêm dàn quạt nước để đảm bảo đầy đủ oxy cho cá. Tuyệt đối không để cá nổi đầu, vì cá Chẽm khi nổi đầu do thiếu oxy sẽ không có khả năng phục hồi và sẽ bị chết.

1.8. Thu hoạch

Tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường. Thông thường sau thời gian nuôi 6-8 tháng, khi cá đạt kích cỡ 600-800 g/con thì có thể tiến hành thu hoạch.

Nên thu cá vào lúc sáng sớm. Trước khi thu hoạch, tháo bớt nước ao còn lại 0,5-0,6 m. Dùng lưới kéo thu phần lớn cá trong ao. Sau đó tháo cạn nước, bắt hết toàn bộ cá còn lại.

Khi thu hoạch nên mang bao tay để tránh bị xước do các vây của cá Chẽm.



2- Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chẽm bằng lồng bè:

2.1. Lựa chọn vị trí đặt lồng

Tránh những nơi sóng to, gió lớn, chất lượng nước tốt, tránh xa vùng nước bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, sinh hoạt cũng như những độc tố môi trường khác.

Nơi ít bị ảnh hưởng của thủy triều, tránh đặt lồng ở những nơi nước chảy mạnh.

Độ sâu đảm bảo, đáy lồng cách đáy biển ít nhất là 2-3 m đối với lồng nổi và 0,5 m đối với lồng cố định.

Giao thông thuận tiện.

2.2. Kỹ thuật thiết kế lồng

a) Lồng nổi (lồng bè)

Lồng nuôi cá biển có dạng hình chữ nhật hay vuông có thể tích 20-100 m3 là thích hợp vì dễ làm, dễ quản lý và bảo trì. Lồng nuôi làm bằng lưới nylon với kích thước mắt lưới thay đổi 1-4 cm tùy theo kích cỡ cá.

Bảng 3: Kích thước mắt lưới và cỡ cá thả


Kích thước mắt lưới

Cỡ cá (cm)

1

5 – 10

2

20 – 30

3

Lớn hơn 25

Thiết kế lồng

Thông thường một cơ sở nuôi cá có nhiều lồng (4-20 lồng) ghép lại thành bè nổi. Mỗi bè nhỏ trong hệ thống bè nuôi thường có 4 lồng, kích thước 6 x 6 x 4 m hoặc 4 x 4 x 5 m.



Hệ thống phao nổi

Nhiệm vụ nâng toàn bộ hệ thống lồng, có thể dùng thùng xốp hay thùng nhựa 200 lít. Ngoài ra có thể sử dụng thùng phi sắt, thùng xốp, can nhựa.

Số lượng phao phụ thuộc vào sức nâng của mỗi phao và độ lớn của lồng. Thông thường mỗi bè 4 lồng cần 18-30 phi nhựa 200 lít.

b) Lồng cố định

Lồng được thiết kế nuôi ở khu vực gần bờ, độ sâu thấp dưới 3m, cấu tạo lồng thường đơn giản, đầu tư ít. Lồng cố định có thể sử dụng để nuôi cá hoặc nuôi tôm hùm.



Thiết kế xây dựng lồng

Vật liệu: dùng gỗ tròn có chiều dài 4,0-4,5 m. Số lượng tùy theo diện tích đáy lồng. Lưới nylon kích thước mắt lưới 2a bằng 1,0-1,5 cm.

Bảng 4: So sánh một số đặt tính của lồng nổi và lồng cố định


Đặc điểm

Lồng bè nổi

Lồng cố định

Ưu điểm

- Dễ di chuyển khi gặp điều kiện bất lợi

- Không phụ thuộc vào độ sâu mực nước



- Lồng làm đơn giản

- Vốn cố định không cao



Nhược điểm

- Làm lồng phức tạp

- Vốn cố định cao



- Không di chuyển khi gặp điều kiện bất lợi

- Phụ thuộc vào độ sâu mực nước



2.3. Kỹ thuật chọn và thả giống

Cá giống được tuyển chọn là những con khỏe mạnh không bị thương tật, có kích thước 10-12 cm, đồng đều (như nuôi trong ao đất). Nếu điều kiện môi trường chênh lệch, cần thuần hóa cá trước khi thả, tránh hiện tượng cá bị sốc.

Mật độ cá thả ban đầu khoảng 40-50 con/m3. Sau 2-3 tháng nuôi cá đạt cỡ 100 g/con giảm mật độ xuống còn 25-30 con/m3, cỡ 200-300 g/con lúc này san thưa giảm mật độ xuống còn 10-20 con/m3.

Thường thả cá giống vào sáng sớm hoặc chiều mát.



2.4. Kỹ thuật chăm sóc và quản lý

Thức ăn dùng cho cá là cá tạp tươi hoặc thức ăn công nghiệp dạng viên.

Thức ăn, liều lượng và cách cho ăn tiến hành giống như trong ao đất.

Cần thường xuyên theo dõi lồng do luôn ngập trong nước, lồng có thể bị phá hoại bởi các động vật thủy sinh như cua, rái cá,…

Nếu lồng bị hư hỏng phải lập tức sửa chữa hoặc thay mới.

Vệ sinh lồng lưới bằng phương pháp cơ học là phương pháp đơn giản và hiệu quả. Ở những vùng có nhiếu sinh vật bám cần tăng cường chà rửa lồng hoặc luân phiên thay đổi lồng lưới.

Ngoài việc vệ sinh lồng còn định kì theo dõi các yếu tố môi trường, kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá, để có kế hoạch điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời cũng như xác định sớm mầm bệnh để kịp thời xử lý.

2.5. Thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch

Sau thời gian nuôi từ 6-8 tháng cá đạt cỡ 600-1.000 g/con tiến hành thu hoạch, trước khi thu hoạch khoảng 1-2 ngày ngừng không cho cá ăn. Khi thu kéo lưới lên gần mặt nước dùng vợt bắt từng con nhằm giữ cho cá không bị xây xát làm giảm giá trị.

Các nuôi trong lồng quy mô nhỏ: nâng dần lưới lồng, dồn cá vào một gốc trước khi thu.

Cá nuôi trong lồng quy mô lớn: dùng cần cẩu nâng lưới lồng lên và thu cá.



III/ PHÒNG VÀ TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ CHẼM

1- Phòng bệnh:

Phòng bệnh là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi cá biển nói riêng.

Đối với ao nuôi cần chọn địa điểm thích hợp, nguồn nước không bị ô nhiễm bởi các nguồn độc hại, đảm bảo các yếu tố môi trường thuận lợi, ao phải được cải tạo triệt để, lớp bùn đáy không nên quá dày. Dùng vôi liều lượng cao kết hợp với chlorin A, sapomin diệt tạp, diệt mầm bệnh. Nếu có điều kiện nên phơi đáy ao trước khi nuôi vụ tiếp theo.

Đối với lồng nuôi nên đặt ở những vị trí ít sóng gió, nguồn nước trong sạch, ít sinh vật bám. Lồng nuôi phải được vệ sinh thường xuyên, khi chuyển lồng, hoặc sau khi thu hoạch cần phải vệ sinh lưới lồng thật kỹ, lưới được giặt bằng nước ngọt ngâm trong dung dịch formol 100 - 200 ppm, phơi nắng 2 - 3 ngày, nên thay lưới mới khi cần thiết. Nếu không có điều kiện nên phơi nắng lưới ngay trên bè, dùng vòi nước áp lực mạnh để xịt rữa sinh vật bám.

Nếu sử dụng thức ăn cá tạp thì nên sử dụng thức ăn tươi, mới, không nên sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối hoặc ẩm mốc, cho ăn đúng liều lượng và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cá.

2- Một số bệnh thường gặp ở cá Chẽm và cách điều trị:

2.1. Bệnh đốm đỏ, xung huyết

Tác nhân: do vi khuẩn (vibrio spp, aeromonas spp, pseudomonas spp)

Dấu hiệu bệnh: thân, gốc vảy ngực, dây lưng, đuôi có nhiều đốm đỏ, lở loét, hậu môn xưng đỏ, con bị nặng rụng vảy, lở loét toàn thân và chết.

Chữa trị:

Tắm cho cá trong dung dịch oxytraxyeline nồng độ 10ppm trong 5-10 phút.

Dùng dung dịch KMnO4 (thuốc tím) nồng độ 10ppm rửa sạch vết thương cho cá, sau đó bôi thuốc mỡ tetracyline. Điều trị liên tục 3 ngày.

Trộn thuốc oxytetracyline với liều lượng 0,5 g/kg thức ăn cho cá ăn trong 5-7 ngày.

2.2. Bệnh hoại cơ

Do nhiễm trùng vết thương xây sát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.

Dấu hiệu bệnh: vết thương có mủ trắng, thịt bị loét, lan rộng ra toàn thân. Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ rồi chết, con bị nặng có thể bị sứt vây, mất đuôi.

Chữa trị:

Tắm trong dung dịch oxytetracyline 5-10 phút mỗi ngày 1 lần.

Tắm trong dung dịch furacin 3-5 phút cách 1 ngày tắm một lần.

Rửa vết thương bằng dung dịch KMnO4 5ppm, sau đó lau khô và bôi mỡ tetracyline vào vết thương.

Trộn sulfamid vào thức ăn 100-200 mg/kg thức ăn cho cá ăn 7-10 ngày oxytetracyline, chlorin,…)



2.3. Bệnh vi khuẩn trùng ruột

Do vi khuẩn aeromonas gây nên.

Dấu hiệu: cá bỏ ăn, bơi lờ đờ, ruột sưng to, cá bị nặng chảy máu ruột rồi chết.

Chữa trị:

Trộn sulfamid 100-200 mg/kg thức ăn hoặc oxytetracyline 20-25 mg/kg thức ăn cho cá ăn liên tục trong vòng 5-7 ngày.

2.4. Bệnh đốm trắng

Do tiêm mao trường ciliata gây nên.

Dấu hiệu: đầu và mang cá có nhiều nhớt, cá khó thở, bơi lờ đờ trên mặt nước, bệnh lây lan nhanh và gây chết nhiều.

Chữa trị:

Tắm cá bằng dung dịch CuSO4 với liều lượng 2 ppm (pha nước ngọt) trong 5-10 phút.

Tắm cá bằng dung dịch KMnO4 với liều lượng 5-8 ppm trong 2-3 phút, cách một ngày tắm một lần.



2.5. Bệnh do nguyên sinh động vật (protozoa) gây ra

Dấu hiệu: trên thân, mang cá có nhiều nguyên sinh động vật bám dạng sơi. Nếu bị nặng trên các gôc vây, đuôi có nhiều sợi như bông gòn. Cá khó thở, bỏ ăn, bơi chậm chạp.

Chữa trị:

Sử dụng formol nồng độ thích hợp là 15-25 ppm khi trị trong ao hoặc trong dung dịch formol 50-100 ppm trong 5 giờ, theo dõi cá nếu thấy cá bị sốc mạnh, chuyển sang nước mới, trị bệnh 2-3 lần, cách một ngày trị 1 lần.





PHƯƠNG PHÁP KHUYẾN NÔNG

I/ KHÁI NIỆM VỀ KHUYẾN NÔNG

1- Khái niệm khuyến nông:

Khuyến nông là một thuật ngữ khó định nghĩa một cách chính xác vì khuyến nông được tổ chức bằng nhiều cách khác nhau, để phục vụ nhiều mục đích rộng rãi. Có nhiều quan niệm và định nghĩa về khuyến nông như sau:

- Khuyến nông là khuyên mở mang phát triển trong nông nghiệp.

- Khuyến nông là phương pháp động, nhận thông tin có lợi tới người dân và giúp họ thu được những kiến thức, kỹ năng và những quan điểm cần thiết nhằm sử dụng có hiệu quả thông tin hoặc kỹ thuật này.

- Khuyến nông là sự giao tiếp thông tin tỉnh táo nhằm giúp nông dân hình thành các ý kiến hợp lý và tạo ra các quyết định đúng đắn.

- Khuyến nông được xem như một tiến trình của việc hòa nhập các kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, các quan điểm, kỹ năng để quyết định việc gì cần làm, cách thức làm trên cơ sở cộng đồng địa phương sử dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ với sự trợ giúp bên ngoài để vượt qua những trở ngại.

- Khuyến nông là làm việc với nông dân, lắng nghe những khó khăn, nhu cầu và giúp họ tự quyết định giải quyết vấn đề chính của họ.

Tóm tắt và hiểu khuyến nông theo 2 nghĩa:

+ Theo nghĩa rộng, khuyến nông là khái niệm chung để chỉ tất cả những hoạt động hỗ trợ sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn. Nghĩa là hướng dẫn cho nông dân tiến bộ kỹ thuật mới, giúp họ liên kết với nhau để chống thiên tai, tiêu thụ sản phẩm, hiểu biết các chính sách pháp luật, giúp nông dân phát triển khả năng tự quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động xã hội cho ngày càng tốt hơn.

+ Theo nghĩa hẹp, khuyến nông là một tiến trình giáo dục không chính thức mà đối tượng của nó là nông dân, nhằm đem đến những thông tin và lời khuyên cho nông dân, giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Khuyến nông hỗ trợ phát triển các hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác, cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân. Khuyến nông giúp phổ biến, mở rộng các kết quả nghiên cứu tới nông dân để họ có thể áp dụng nhằm thu được nhiều sản phẩm hơn.

Trên cơ sở đúc kết hoạt động khuyến nông ở Việt Nam, chúng ta có thể định nghĩa về khuyến nông như sau:

Khuyến nông là cách đào tạo và rèn luyện tay nghề cho nông dân, đồng thời giúp cho họ hiểu được những chủ trương, chính sách về nông nghiệp, những kiến thức về kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, những thông tin thị trường, để họ có đủ khả năng giải quyết được các vấn đề của gia đình và cộng đồng nhằm đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn.



2- Nguyên tắc hoạt động của khuyến nông:

Theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông, nguyên tắc hoạt động khuyến nông như sau:



  1. Xuất phát từ nhu cầu của nông dân và yêu cầu phát triển nông nghiệp của Nhà nước.

  2. Phát huy vai trò chủ động, tích cực và sự tham gia tự nguyện của nông dân trong hoạt động khuyến nông.

  3. Liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp với nông dân và giữa nông dân với nông dân.

  4. Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động khuyến nông.

  5. Dân chủ, công khai, có sự giám sát của cộng đồng.

  6. Nội dung, phương pháp khuyến nông phù hợp với từng vùng, miền, địa bàn và nhóm đối tượng nông dân, cộng đồng dân tộc khác nhau.

Như vậy, để hoạt động có hiệu quả, cần chú ý một số nguyên tắc chung:

2.1. Khuyến nông là cùng làm với dân, không làm thay cho dân, không áp đặt, không mệnh lệnh

Chỉ có bản thân người nông dân mới có thể quyết định được phương thức canh tác trên mảnh đất của họ, cán bộ khuyến nông không thể quyết định thay cho nông dân. Cán bộ khuyến nông cần cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, hướng dẫn, bàn bạc với nông dân trên cơ sở điều kiện cụ thể của nông trại, từ đó khuyến khích họ tự đưa ra quyết định cho mình. Cán bộ khuyến nông cần tìm hiểu cặn kẽ những yêu cầu, nguyện vọng của người dân trong sản xuất nông nghiệp, đưa ra những kỹ thuật, phương pháp canh tác phù hợp để họ tự cân nhắc, lựa chọn. Vụ này chưa áp dụng vì họ thấy chưa đủ điều kiện, chưa thật tin tưởng nhưng đến vụ sau, thông qua một số hộ đã áp dụng mô hình khuyến nông thành công, lúc đó họ sẽ tự áp dụng.



2.2. Khuyến nông là một công việc đầy trách nhiệm

Một mặt, khuyến nông phải tuân theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong khi thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, khuyến nông phải có trách nhiệm với dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, là người phục vụ tận tụy của nông dân. Nông dân có quyền đánh giá hiệu quả của hoạt động khuyến nông. Tính hiệu quả của hoạt động khuyến nông trước hết được đánh giá trên cơ sở đường lối, chính sách phát triển nông thôn hoặc chương trình khuyến nông của nhà nước có được thực hiện tốt hay không, thu nhập và cuộc sống của nông dân có phải nhờ công tác khuyến nông mà được cải thiện hay không? Do đó, các chương trình khuyến nông phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân nói riêng và nhu cầu phát triển nền kinh tế nông thôn nói chung. nhiệm vụ của người cán bộ khuyến nông là thỏa mãn hài hòa hai nhu cầu đó.

Ví dụ: mục tiêu của nhà nước là tăng sản lượng lương thực hàng năm, đồng thời nhu cầu của nông dân là phải đủ lương thực cho gia đình sinh sống và thức ăn cho chăn nuôi. Như vậy, khi khuyến khích nông dân sử dụng giống mới và hướng dẫn các biện pháp canh tác mới để nâng cao năng suất, khuyến nông sẽ đồng thời thỏa mãn được cả mục tiêu của nhà nước lẫn nhu cầu của nông dân.

2.3. Khuyến nông là nhịp cầu cho thông tin hai chiều

Khuyến nông là nhịp cầu vừa chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu đến cho nông dân, vừa tiếp nhận thông tin của nông dân chuyển đến các cơ quan nghiên cứu.

Thông tin hai chiều sẽ xảy ra trong những trường hợp sau:

- Do tiếp xúc thường xuyên với nông dân, cán bộ khuyến nông có thể hiểu rõ hơn những vấn đề canh tác và những khó khăn của nông dân. Vì vậy có thể giúp những người làm nghiên cứu tiếp xúc trực tiếp với nông dân để đảm bảo chắc chắn đề xuất của những người làm nghiên cứu luôn phù hợp với nhu cầu của nông dân.

- Khuyến nông giúp những người làm nghiên cứu tiến hành các thực nghiệm trên đất đai của nông dân để có thể đánh giá đúng hiệu quả của nó, một khuyến cáo mới có thể tốt trong khu vực thí nghiệm nhưng chưa chắc đã có hiệu quả trên đất đai của nông dân.

- Đôi khi người nông dân có thể phát hiện ra những vấn đề còn bỏ sót trong quá trình nghiên cứu. Những phát hiện này rất có ích nếu như được cán bộ khuyến nông phản ánh kịp thời cho người làm nghiên cứu để điều chỉnh hoặc bổ sung.



2.4. Khuyến nông hợp tác với những tổ chức phát triển nông thôn khác

Khuyến nông chỉ là một trong nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của sự nghiệp phát triển nông thôn. Khuyến nông phải phối hợp với các tổ chức khác với mục đích hỗ trợ nông dân. Đó là những tổ chức:

- Chính quyền địa phương: chính quyền và lãnh đạo địa phương rất nhiệt tình với công tác khuyến nông. Do đó, khuyến nông cần hợp tác để dễ dàng tiếp cận nông dân và đạt được hiệu quả cao hơn.

- Các tổ chức dịch vụ: khuyến nông cần phối hợp các tổ chức dịch vụ nông nghiệp để tạo điều kiện cho những dịch vụ đó được cung cấp đầy đủ, đúng lúc, đúng chỗ theo nhu cầu của nông dân.

- Các cơ quan y tế: mục đích làm cho các chương trình khuyến nông luôn phù hợp với nhu cầu y tế của địa phương.

- Các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên,... và các tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoặc quốc tế đang hoạt động tại địa bàn. Đây là những tổ chức có cùng mục tiêu giáo dục với khuyến nông. Khi phối hợp với họ, khuyến nông có thể giúp đỡ họ phát triển những chương trình hành động mang tính cộng đồng. Hai bên cần biết được việc làm của nhau trong công đồng để tránh hiện tượng lặp lại những việc người khác đang làm và phối hợp hài hòa các chương trình phát triển nông thôn khác nhau.



2.5. Khuyến nông làm việc với các đối tượng khác nhau

Ở nông thôn, không phải mọi hộ nông dân đều có những vấn đề như nhau. Vì vậy không thể có một chương trình khuyến nông duy nhất cho tất cả mọi người. Cần xác định những nhóm nông dân có tiềm năng và lợi ích khác nhau để phát triển những chương trình khuyến nông phù hợp với điều kiện của từng nhóm.



Каталог: img
img -> KẾ hoạch xây dựng tcvn năM 2015
img -> Trường th phú Mỹ 2 Gián án lớp 4 Tuần 29 LỊch báo giảng lớP: 4/1 Tuần: 29
img -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
img -> TRƯỜng mầm non vinh phú khối mẫu giáo nhỡ
img -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
img -> Tập đọc chuyện một khu vưỜn nhỏ
img -> KẾ hoạch chuyên môn tháng 03/ 2016 Thi đua lập thành tích chào mừng ngày 8/3 26/3 Nội dung công việc
img -> Số: 100 /pgd&Đt v/v Tham gia cuộc thi giáo dục kỹ năng sống “Đi đường an toàn – Cho bạn cho tôi”
img -> KẾ hoạch chuyên môn tháng 04/ 2016 Thi đua lập thành tích chào mừng ngày 30/4 – 01/5 Nội dung công việc

tải về 1.66 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương