Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA


TRƯƠNG LƯƠNG DÂNG DÉP BA LẦN



tải về 15.16 Mb.
trang128/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   124   125   126   127   128   129   130   131   ...   134

TRƯƠNG LƯƠNG DÂNG DÉP BA LẦN

Bởi chữ “Tấn lý chi khiêm 進 履 之 謙” tức là tỏ lòng kỉnh khi dâng dép.

Sử Ký chép: Trương Lương đi chơi vùng Hạ Bì, gặp một cụ già làm rớt chiếc dép của ông xuống dưới cầu. Ông ngó Trương Lương mà bảo: Thằng bé hãy lượm dép cho ta! Trương Lương ngạc nhiên, nhưng vẫn lẳng lặng xuống cầu lượm lấy. Ông già nói: Hãy mang cho ta. Trương Lương quỳ dâng dép cho ông. Hai lần sau, ông cũng làm rơi dép, Trương Lương vẫn nhẫn nhục lượm và mang vào cho ông. Ông nói: Thằng nhỏ này dạy được, năm ngày sau dậy thật sớm đến gặp ta tại nơi nầy. Đến ngày hẹn, Trương Lương vừa tới, thì ông lão giận nói: Hẹn với người già mà đến trễ, năm ngày sau thật sớm đến gặp ta. Sang ngày thứ năm, trời chưa sáng Trương Lương đã ra đi, đến nơi ông lão đã có mặt rồi. Ông lại hẹn năm ngày sau nữa. Lần này nửa đêm, Trương Lương đã đi rồi, đến nơi một lát sau ông lão mới đến. Ông trao cho Trương một cuốn sách, lại nói: Đọc sách nầy sẽ làm được thầy của các bậc Đế Vương.

Trương Lương dâng dép ba lần,

Chút công ấy định Hớn Tần nên hư.

(Nữ Trung Tùng Phận).



TRƯƠNG PHI 張 飛

Trương Phi tự là Dục Đức, người đời Tam Quốc. Lúc chưa gặp thời, kết nghĩa anh em với Lưu Bị và Quan Võ. Khi Lưu Bị bị Tào Tháo đánh bại ở Đương Dương, rút quân hết qua cầu Trường Bản, chỉ còn Trương Phi cùng hai mươi kỵ binh đứng chận cầu, khiến quân Tào Tháo không dám đến gần. Trương Phi là người hữu dõng vô mưu, tính tình lại nóng nảy, vì vậy sau này bị chết về tay kẻ bộ hạ.



Có người họ Hớn tên Minh,

Sức đương Hạng Võ mạnh kình Trương Phi.

(Lục Vân Tiên).



Chính làm đầu lão Nghiêm Nhan,

Thua thời chịu chém, chẳng hàng Trương Phi.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



TRƯƠNG TỬ 張 子

Hay “Trương Tử Phòng 張 子 房”.

Tên tự của Trương Lương, người nước Hàn. Khi nhà Tần diệt nước Hàn, Trương Lương mưu giết Tần Thuỷ Hoàng để trả ơn cho Hàn, nhưng không thành, bèn sang giúp Lưu Bang (Nhà Hán) để diệt Tần.

Xem: Đánh xa Tần Hoàng.



Nhờ lộc nước phải lo cho nước,

Đòi phen Trương Tử trả ơn Hàn.

(Hịch Tây Sơn).



TRƯỚNG GẤM

Bởi chữ “Cẩm trướng 錦 帳”.

Trướng gấm là nơi vua ngự, vì nơi đó có treo màn trướng bằng gấm vóc thêu lộng lẫy.

Kẻ ra nương bánh xe mây,

Người vào trướng gấm vui vầy bạn loan.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ,

Mặt chinh phu ai vẽ cho nên?

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Trên trướng gấm chí tôn vòi vọi,

Những khi nào gần gũi quân vương.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Trăng tỏ đài gương người thẹn bóng,

Hoa đưa trướng gấm khách tô hồng.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



TRƯỚNG HÙM

Dịch từ chữ “Hổ trướng 虎 帳”, tức là nơi làm việc của các tướng soái. Hùm hay hổ là biểu hiện con nhà võ, nên nơi vị tướng soái đóng quân gọi là trướng hùm hay hổ trướng.

Do tích Từ Tri Ngạc khi trấn đất Nhuận Châu, thường lên núi Mạt Sơn dọn đất trống, kết da hổ làm màn che, rồi cùng các thuộc hạ họp ở dưới gọi là Hổ trướng.

Trướng hùm mở giữa trung quân,

Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.

(Truyện Kiều).



TRƯỚNG HUỲNH 帳 螢

Trướng: Màn trướng. Huỳnh: Đom đóm.

Ngày xưa Trác Dận nhà nghèo, không có đèn, bắt nhiều con đom đóm bỏ chung một cụm để làm đèn mà học, cho nên về sau người ta lấy chữ “Trướng huỳnh” là màn đom đóm mà gọi cái buồng học.



Nhặt thưa, gương giọi đầu cành,

Ngọn đèn trong lọt trướng huỳnh hắt hiu.

(Truyện Kiều).



TRƯỚNG LIỄU 帳 柳

Trướng: Màn trướng, chỉ cái buồng. Liễu: Cây liễu, thường ví với người đàn bà con gái.

Trướng liễu chỉ buồng riêng của người đàn bà con gái ở.



Đường mây cười tớ ham rong ruổi,

Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.

(Thơ Phan Thanh Giản).



TRƯỚNG LOAN 帳 鸞

Trướng: Bức màn. Loan: Chim loan.

Trướng loan là bức màn có thêu chim loan, dùng để chỉ nơi đàn bà con gái ở.

Ngày xưa, Trương Di Chí làm một cái màn có thêu chim loan đem dâng cho bà Võ Hậu. Võ Hậu đem treo ở buồng ngủ, nên người ta sau này hay dùng trướng loan để chỉ buồng phụ nữ.

Giọng Kiều rền rỉ trướng loan,

Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì.

(Truyện Kiều).



Gặp Hương mới kể sự tình,

Xin nhờ dì gió đệ trình trướng loan.

(Hoa Tiên Truyện).



Đuốc hoa chén ngọc song song,

Trướng loan gối phụng động phòng thêm xuân.

(Dương Từ Hà Mậu).



Trướng loan lạnh lẽo hồn hồ vẩn,

Cầu thước bơ vơ chiếc nhạn bay.

(Truyện Vương Tường).



TRƯỚNG SA

Trướng: Cái màn. Sa: Lụa mỏng.

Trướng sa là nói nơi treo màn trướng bằng lụa mỏng, để chỉ chỗ ở của người quý hiển.



Gương loan phảng phất hồn cung quế,

Giấc bướm mơ màng khách trướng sa.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



TRƯỜNG AN 長 安

Hay “Tràng An”.

Trường An là Kinh Đô nước Tàu về các đời nhà Chu, Tần, Hán, Đường thuộc huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây.

Người đời sau nhân đó mới gọi chung “Trường An” là Kinh Đô nhà vua.



Lần hồi ngày tháng tới gần,

Đem nhau cất gánh trông chừng Trường An.

(Dương Từ Hà Mậu).



Mấy tuần gióng giả vó câu,

Tràng An trông đã thoắt đâu tới gần.

(Nhị Độ Mai).



TRƯỜNG CANH 長 庚

Trường Canh là một tên khác của Kim Tinh, hay sao Thái Bạch Kim Tinh. Dùng để chỉ Đức Lý Đại Tiên, tức Lý Thái Bạch.



Nguyên Lý Đại Tiên Trưởng giáng linh nơi nước Trung Hoa là Lý Thái Bạch vào năm 702 đời vua Trần Huyền Tông nhà Đường. Mẹ Ngài nằm mộng thấy sao Trường Canh (Kim Tinh), hay sao Thái Bạch sa xuống mình Bà, nên đặt tên là Lý Thái Bạch, gọi tắt là Lý Bạch.

Xem: Kim Tinh.



Linh Tiêu Thái Bạch Trường Canh,

Truyền tâu Đế Khuyết dữ lành nhơn gian.

(Xưng Tụng Công Đức).



Trường Canh chói rạng lòa Kim Khuyết,

Xin ban ơn giải nghiệt cho đời.

(Giới Tâm Kinh).



Thái Bạch Kim Tinh đương trị thế,

Trường Canh Trích Tử đến thăm trần.

(Đạo Sử).



TRƯỜNG ĐÌNH 長 亭

Theo sách Hán Thư Trung Quốc, trên các con đường, cứ năm dặm có cất một cái quán trạm, gọi là đoản đình, cứ mười dặm có một cái quán gọi là trường đình, để làm nơi nghỉ chân cho khách bộ hành.



Bề ngoài mười dặm trường đình,

Vương ông mở tiệc tiễn hành đưa theo.

(Truyện Kiều).



Đoản đình thôi lại trường đình,

Bến xe Mai Bích xuân Sinh hai chàng.

(Nhị Độ Mai).



Huyện dân chực sẵn tiễn hành.

Hương đăng bày án, trường đình dọn nơi.

(Nhị Độ Mai).



Chia gương căn dặn buổi trường đình,

Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.

(Đạo Sử).



Trường đình giục thảm canh thâu,

Gối còn nửa nguyệt đỡ đầu phòng thu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



TRƯỜNG MÔN 長 門

Tên một cung trong thời nhà Hán.

Đời Hán Võ Đế, Hoàng Hậu họ Trần vì tính hay ghen, nên bị vua cho ở cung Trường Môn. Nghe tiếng Tư Mã Tương Như giỏi làm phú, bà Hoàng hậu họ Trần nhờ người đem 100 cân vàng đến tặng, Tương Như bèn làm bài phú “Trường Môn”, diễn tả nỗi u sầu của bà để dâng vua. Nhờ đó Hoàng hậu được trở lại nội cung.

TRƯỜNG PHONG NGUYỆT

Trường 場: Nơi tụ họp. Phong nguyệt 風 月: Gió trăng, chỉ chơi bời.

Trường phong nguyệt tức là làng chơi, xóm điếm.



Liếc mắt ngó vào trường phong nguyệt,

Mua trận cười nào tiếc ngàn vàng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



TRƯỜNG PHỔ TẾ

Phổ 普: Rộng, khắp. Tế 濟: Đưa qua đò, cứu giúp.

Phổ tế là cứu giúp tất cả chúng sanh khắp mọi nơi, đồng nghĩa với Phổ độ 普 度.

Trường phổ tế: Hay cơ quan phổ tế hay cơ quan phổ độ là một cơ quan của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có nhiệm vụ phổ hóa chúng sanh, lo phần Đạo của Đạo, hay nói cách khác là đem Đạo vào đời để dìu dắt sanh linh nương về với Đạo đặng siêu rỗi tội tình hầu tiến đến phẩm vị trọn lành.

Trường phổ tế khó khăn lắm nỗi,

Cậy Thánh tâm sửa đổi tánh phàm.

(Kinh Thế Đạo).



TRƯỜNG SANH

Hay “Trường sinh 長 生”.



Trường: Lâu dài. Sinh (Sanh): Sống.

Trường sanh là sống lâu dài, sống mãi mãi, không bao giờ chết.

Theo quy luật tự nhiên của Trời đất, hễ có sanh tất phải có diệt, có sống thì phải có chết, vì đó là luật tiến hoá của Càn khôn Vũ trụ. Còn nói trường sanh bất tử là với những Chơn linh nơi các cõi giới khác, không có hình hài xác thịt như cõi thế gian, bởi hữu hình tất hữu hoại, tức có thân xác hữu hình tất phải chết.

Phép giải oan độ hồn khỏi tội,

Phướn tiêu diêu nắm mối trường sanh.

(Kinh Tận Độ).



Trên đường Thánh đức lần dò,

Trường sanh mầu nhiệm nơi lò Hóa công.

(Kinh Thế Đạo).



Sương nồng nhánh liễu chim bay liệng,

Luyện đặng trường sanh thoát thế thường.

(Đạo Sử).



TRƯỜNG SANH ĐỊA 長 生 地

Trường sanh: Sống lâu dài, sống mãi. Địa: Cõi.

Trường sanh địa là cõi mà con người đến đó được sống mãi, tức trường sanh bất tử. như vậy, Trường sanh địa chỉ cõi Thiêng liêng Hằng sống.



Muốn đi cho tận trường sanh địa,

Phải đổi giày sen lấy thảo hài.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



TRƯỜNG THÀNH 長 城

Đời Chiến Quốc, các nước chư hầu ở tiếp giáp với rợ Hồ, sợ Hồ vào xâm lấn bờ cõi, mới đắp một cái thành dài để ngăn giữ. Đến đời Tần Thuỷ Hoàng, Mông Điềm được lệnh đem tám mươi muôn binh đắp thêm để nối bức thành nói trên dài từ Lâm Thao đến Liêu Đông, gọi là Vạn Lý Trường Thành.



Thần hôn luống những khát khao,

Trường Thành thiên lý âm hao khôn lường.

(Lưu Nữ Tướng).



Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



TRƯỢNG PHU 丈 夫

1.- Chỉ người có chí khí, tài giỏi hơn người.

Mạnh Tử định nghĩa người trượng phu như sau: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất thử chi vị đại trượng phu 富 貴 不 能 淫, 貧 賤 不 能 移, 威 武 不 能 屈. 此 之 謂 大 丈 夫, nghĩa là giàu sang không thể làm loạn tâm, nghèo hèn không thể làm đổi dời, oai võ không làm cho khiếp sợ, ấy mới gọi là trượng phu.

Thôi thì ta lại vì ta,

Nhẹ mình nặng nghĩa mới là trượng phu.

(Nhị Độ Mai).



Tiễn rồi lại dặn Mục Vinh:

Trượng phu xin chớ quản tình biệt ly.

(Nhị Độ Mai).

2.- Vợ gọi chồng là trượng phu.

Một năm một nhạt mùi son phấn,

Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Phép xưa tùng phụ đã rằng,

Dựa thân cội tử đợi hàng trượng phu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Tay trượng phu cầm mảnh má đào,

Tranh vai kép vai đào chi cho rộn.

(Phương Tu Đại Đạo).



TRỬU DỊCH 肘 腋

Trửu: Khuỷu tay, cùi tây. Dịch: Nách.

Nách liền với vai và cánh tay, cho nên sự gì thiết cận gọi là trửu dịch.

Tấn thư có câu: Khấu phát tâm phúc, hại khởi trửu dịch 寇 發 心 腹, 害 起 肘 腋, nghĩa là giặc nổi lên ở tim ruột, hại dấy lên từ trửu dịch.

Nghĩa bóng: Tai hoạ không phải từ ngoài mà từ trong ruột rà thân thích.



Biến đâu trửu dịch lạ đời!

Nửa đêm mở lũy cho người tiến sang.

(Quốc Sử Diễn Ca).



U Ư

U GIAM 幽 監

U: Tối tăm. Giam: Giam giữ trong nhà ngục.

U giam tức là bị giam giữ trong ngục tối.



Vu cho bè đảng phỉ nhân,

U giam cấm cố nghiêm răn canh giờ.

(Hạnh Thục Ca).



U HIỂN 幽 顯

U: Tối tăm, chỉ cõi Âm phủ. Hiển: Sáng sủa rõ ràng, chỉ cõi Dương gian.

U hiển tức là chỉ người chết và người sống.



Hữu tình ta lại gặp ta,

Chớ nề u hiển mới là chị em.

(Truyện Kiều).



Có thiêng chăng nhẽ Mai huynh,

Chớ nề u hiển thấu tình anh em.

(Nhị Độ Mai).



Cho hay thành hẳn nên thần,

Há rằng u hiển mà phân vong tồn.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



U hiển không từ nhơn nghĩa cũ,

Gặp nhau xin phó bóng thiều quang.

(Đạo Sử).



U LỆ 幽 厲

Tức là U Vương và Lệ Vương.

U Vương thuộc đời nhà Châu, là con của Tuyên Vương, tên là Cung Niết, vì đam mê tửu sắc, sủng ái Bao Tự, lại phế bà Khương Hoàng hậu, và Thái tử Nghi Cữu, nên Thân Hầu, là cha Khương hậu, cầu viện rợ khuyển nhung đem binh đánh giết Châu U Vương. U Vương làm vua được 11 năm.

Lệ Vương, cũng thuộc nhà Châu, cháu bốn đời của Mục Vương, tên là Hồ, tính bạo ngược, tin dùng kẻ sàm nịnh, xa lánh tôi hiền, thi hành chính sách tàn bạo, bắt giết những kẻ nói xấu nhà vua. Dân chúng oán ghét nổi lên đánh đuổi Lệ Vương vào đất Phệ và mất ở đấy, tại vị được 51 năm.



Ghét đời U, Lệ đa đoan,

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

(Lục Vân Tiên).



U MINH 幽 暝

U: Tối tăm. Minh: mờ tối.

U minh là cõi u tối, chỉ cõi âm phủ.

Ngoài ra “Tiếng u minh” còn dùng gọi một loại chuông lớn gọi là Đại hồng chung, vì loại chuông này miệng quay xuống đất, ý muốn nói tiếng ngân vang tận địa phủ.

1.- Chỉ cõi Âm phủ:



Những lâm công toại danh thành,

Nào hay từ mẫu u minh sớm dời.

(Lục Vân Tiên).



Môn rằng: Trong cuộc u minh,

Người cùng thần quỷ yêu tinh khác đường.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



U minh đôi ngả khơi chừng,

Một niềm sắt đá biết nàng thấu không?

(Hoa Tiên Truyện).



Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,

Nghĩ đòi phen nông nả đòi phen.

(Ai Tư Vãn).

2.- Chỉ Hồng chung:

Tiếng u minh tía lia gợi thảm,

Giọng kình khua cửa phạm dập dồn.

(Nữ Trung Tùng Phận).



U XÙ

Chỉ sự bề bộn rối tung, nhiều việc đan xen, chưa giải quyết xong.

Chỉ hình dáng lôi thôi, lếch thết. Đồng nghĩa với chữ bù xù.

Họ Dương lại thấy dẫn tù,

Mụ bà một lũ u xù đi ra.

(Dương Từ Hà Mậu).



Ủ LIỄU PHAI ĐÀO

Liễu, đào thường được ví với dáng vẻ và gương mặt của người con gái.

Ủ liễu phai đào chỉ dáng người con gái héo rũ, khuôn mặt buồn rầu nhợt nhạt.

Nàng càng ủ liễu phai đào,

Trăm phần nào có phần nào phần tươi?

(Truyện Kiều).



UẤT TRÌ 鬱 持

Tức là Uất Trì Cung, tự là Kính Đức, người đất Thiện Dương, một danh tướng đời nhà Đường. Ông giữ chức Hữu phủ Tham quân, thường một mình một ngựa xông vào chiến trận, lập nhiều công to.



Trợ nàn nhiều phút vua khen,

Khôn bằng Trương Tử, mạnh trên Uất Trì.

(Thiên Nam Minh Giám).



UY GIA 威 加

Uy: Oai quyền. Gia: Tăng thêm.

Uy gia tức là làm tăng thêm oai quyền.



Mười năm chuyên mặt phiên ly,

Uy gia bốn cõi, ân thùy một châu.

(Quốc Sử Diễn Ca).



UY LINH 威 靈

Uy: Oai lực có vẻ tôn nghiêm, khiến người phải nể sợ. Linh: Linh thiêng.

Uy linh là cái oai đức có vẻ tôn nghiêm, khiến người phải sợ như kiêng thần thánh linh thiêng.



Bỗng đâu lại gặp một người,

Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh.

(Truyện Kiều).



Ai ai khóa miệng bịt hơi,

Ngang vua phú quý, nghiêng trời uy linh.

(Nhị Độ Mai).



Quốc bộ gặp đương cơn binh cách,

Phép nhung bào từng lắm trận uy linh.

(Văn Tế Tướng Sĩ).



UY NGHI 威 儀

Uy: Oai quyền. Nghi: Hình dáng bên ngoài.

Uy nghi là hình dáng bên ngoài có vẻ trang nghiêm, lẩm liệt.



Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.

(Truyện Kiều).



UY PHONG 威 風

Hay “Oai phong”.



Uy: Oai, vẻ tôn nghiêm khiến người ta phải sợ. Phong: Bộ dạng bên ngoài.

Uy phong chỉ người có bộ dạng oai nghiêm, khiến người ta phải kinh sợ.



Uy phong lừng lẫy tam quân,

Cõi Hồ bụi đục ải Tần quấy tanh.

(Cai Vàng Tân Truyện).



Khí võ hùng hào mang mảo giáp,

Oai phong lẫm liệt xách qua mâu.

(Thiên Thai Kiến Diện).



UY PHONG LẪM LIỆT 威 風 凜 冽

Hay “Oai phong lẫm liệt”.

Oai phong (Uy phong): Bộ dạng oai nghiêm. Lẫm kiệt: Dáng bộ làm cho kẻ khác trông thấy vừa run sợ, vừa kính trọng.

Oai phong lẫm liệt tức là người có dáng bộ oai nghiêm, khiến người khác sợ sệt mà kính trọng.

Xem: Lẫm liệt oai phong.

Khí võ hùng hào mang mảo giáp,

Oai phong lẫm liệt xách qua mâu.

(Thiên Thai Kiến Diện).



UY PHÚC 威 福

Uy: Oai quyền. Phúc: Những điều tốt lành như sang giàu, sống lâu…

Uy phúc do chữ “Tác uy tác phúc 作 威 作 福”, tức là vừa có thể ra oai, vừa có thể ra phúc.



Lại đòi bảo hộ mới kỳ,

Dám làm uy phúc, khinh khi quá chừng.

(Hạnh Thục Ca).



UY QUYỀN 威 權

Uy: Oai, có thế lực khiến người ta phải sợ. Quyền: Được phép làm.

Uy quyền là người vừa có quyền hành lại vừa có oai làm cho người khác phải sợ.



Làm cho rõ mặt uy quyền,

Hẳn tình hiếp chế không kiêng đã rồi.

(Hạnh Thục Ca).



UY THANH 威 聲

Uy: Oai, có thế lực khiến người ta phải sợ. Thanh: Tiếng tăm.

Uy thanh là tiếng tăm vang khắp, khiến người khác phải kinh sợ.



Uy thanh động đến Bắc phương.

Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.

(Quốc Sử Diễn Ca).



UÝ TỬ THAM SANH 畏 死 貪 生

Uý tử: Sợ chết. Tham sanh: Ham sống.

Uý tử tham sanh là sợ chết tham sống.



Chẳng như ai mà úy tử tham sanh,

Chẳng giống kẻ cố quyền thực lộc.

(Nhạc Hoa Linh).



UYÊN MINH 淵 明

Uyên Minh tức là Đào Tiềm người đời Tấn, tự là Nguyên Lượng, quê ở Tầm Dương, tính người thanh cao, học thức rộng, thơ văn lỗi lạc.

Lúc làm tri huyện Bành Trạch, không vì mấy đấu gạo mà khom lưng cúi đầu với viên Đốc Bưu, nên ông bỏ quan về nhà để sống cảnh an nhàn. Ông có bài “Quy khứ lai từ” rất nổi tiếng, được người đời truyền tụng.

Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ,

Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh.

(Quốc Âm Thi Tập).



UYÊN ƯƠNG 鴛 鴦

Còn đọc là “Oan ương”.

Tên một loài chim sống ở dưới nước, con trống gọi là Uyên, con mái gọi là ương, lúc nào cũng đi thành đôi, không hề rời nhau. Tương truyền, cặp uyên ương nếu có một con chết thì con kia cũng chết theo.

Uyên ương dùng để ví vợ chồng thương yêu, hoà hợp nhau.



Nặng nề hai chữ uyên ương,

Chuỗi sâu ai khéo vấn vương vào lòng.

(Lục Vân Tiên).



Nửa chăn để bụi đã dày,

Uyên ương ước lại sum vầy hơn duyên.

(Quan Âm Thị Kính).



Đẹp duyên cầm sắt kính yêu,

Uyên ương phu phụ dập dìu đoàn viên.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



Trông chim càng dễ đoạn trường,

Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

(Ai Tư Vãn).



Kìa oan ương ấp nhau chẳng hở,

Nọ én anh rỉ rả kêu thương.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Tiếng oan ương bên tai dan díu,

Gió đẩy đưa bờ liễu lao xao.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ỦNG LẬP 擁 立

Ủng: Giúp đỡ. Lập: Đưa lên làm vua.

Ủng lập mọi người đồng giúp đỡ trong việc đặt lên ngôi vua, tức ủng hộ việc lập ngôi vua.



Đồng lòng ủng lập ấu quân,

Toan mưu phế trí, sớ văn tâu bày.

(Hạnh Thục Ca).



ỦNG PHÙ 擁 扶

Ủng: Vây quanh giúp. Phù: Nâng đỡ.

Ủng phù tức là cùng vây quanh giúp đỡ.



Gia hưng tác lớn đức hiền,

Chưng nay sửa trị lý nên ủng phù.

(Hạnh thục Ca).



Êm tay Tây mới lấp ngơ,

Ủng phù triều yết như xưa vỗ về.

(Hạnh Thục Ca).



UỐN LƯỠI VẠY GHÉT NGƯỜI NƯỚC SỞ

Ý nói Lục Thông, tên là Tiếp Dư, người nước Sở, theo thuyết vô vi của đạo Lão, chủ trương xuất thế, thấy Đức Khổng Tử bôn ba khắp các nước chư hầu du thuyết, mong vua quan thi hành vương đạo, ông buông lời tà vạy chỉ trích Đức Khổng Tử.

Khi Đức Khổng Tử sang nước Sở, Tiếp Dư làm bài “Phụng Hoàng” để kích bát Ngài không biết cái lẽ lánh đời: “Phượng hề! Phượng hề! Hà kỳ đức tuy suy? Vãng giả bất khả gián, Lai giả bất khả huy! 鳳 兮! 鳳 兮! 何 其 德 綏 衰. 往 者 不 可 諫, 來 者 不 可 揮, nghĩa là phượng ôi! Phượng ôi! Sao đức suy đến thế? Cái gì đã qua rồi thì không thể ngăn được nữa, cái gì sẽ tới thì chẳng đuổi được nào.

Người đời sau vì tôn sùng Đức Khổng Tử cho Lục Thông là kẻ nói bậy và đặt cho hắn một cái tên hiệu là “Sở Cuồng 楚 狂”, tức là thằng điên nước Sở.



Uốn lưỡi vạy, ghét người nước Sở;

Dạ tham sang, ghét kẻ nước Tề.

(Sãi Vãi).



UỐNG NƯỚC ĂN RAU

Uống nước, ăn rau: Do chữ: “Phạn xơ tự ẩm thủy 飯 蔬 食 飲 水” tức là ăn cơm rau, uống nước lã, ý nói vì nghèo hèn, cam chịu đạm bạc.



Tiếng thanh bạch để về sau,

Dẫu rằng uống nước, ăn rau chớ nài.

(Nhị Độ Mai).



UỔNG LÂM HOÀNH TỬ 枉 臨 橫 死

Uổng: Tốn công vô ích. Lâm: Gặp phải. Hoành tử: Cái chết không ngờ trước.

Uổng lâm hoành tử tức là cái chết không ngờ trước, hay cái chết bất đắc kỳ tử. Đây cũng có nghĩa là cái chết do đánh trận.



Bởi vì ứng tiếp không ai,

Uổng lâm hoành tử thương người oan thay.

(Hạnh Thục Ca).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   124   125   126   127   128   129   130   131   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương