Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang129/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   126   127   128   129   130   131   132   133   134

UỔNG SÁT 枉 殺

Uổng: Bị oan khuất. Sát: Giết.

Không đáng chết mà chết, chết một cách oan uổng, gọi là uổng sát.



Ký danh chẳng khứng hợp đoàn,

Phải chưng uổng sát hoạ mang vào mình.

(Hạnh Thục Ca).



ỨNG CƠ 應 機

Ứng: Đáp lại, trả lại. : Căn cơ.

Ứng cơ là tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh có thể tiếp nhận được mà mình làm.

Ý muốn nói tuỳ căn cơ chúng sinh mà thuyết minh hay giải thích, vì không phải ai cũng có căn cơ như nhau, tâm đạo tùy theo duyên phận mỗi người với căn duyên về tri thức, về trình độ giác ngộ.

Chơn Tông Tam Tạng truyền ghi,

Dự phần giải thuyết tùy thì ứng cơ

(Hứa Sử Tân Truyện).



ỨNG KỲ 應 期

Ứng: Đáp lại. Kỳ: Thời hạn ấn định, ở đây như chữ “Thí kỳ”, tức là thời kỳ thi cử.

Ứng kỳ là thời kỳ ứng thí, tức thời kỳ thi cử.



Vân Tiên từ ấy lân la,

Ôn nhuần kinh sử chờ khoa ứng kỳ.

(Lục Vân Tiên).



ỨNG TIẾP 應 接

Ứng: Đáp lại. Tiếp: giúp sức thêm vào.

Đáp lại lời cầu cứu, đến tiếp sức, gọi là ứng tiếp.



Bởi vì ứng tiếp không ai,

Uổng lâm hoành tử thương người oan thay.

(Hạnh Thục Ca).



ƯU ÁI 憂 愛

Ưu: Lo lắng. Ái: Yêu mến.

Bởi chữ “Ưu quốc ái dân 憂 國 愛 民”, tức là lo lắng việc nước, thương yêu nhân dân.

Trong bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm có câu: Cư miếu đường chi cao tắc ưu kỳ dân, xử giang hồ chi viễn, tắc ưu kỳ quân 居 廟 堂 之 高 則 憂 其 民, 處 江 湖 之 遠 則 憂 其 君, nghĩa là khi ở ngôi cao chốn triều đình thì lo về nhân dân, khi ở chốn giang hồ xa xôi thì lo cho vua.

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Quốc Âm Thi Tập).



ƯU QUÂN ÁI QUỐC 憂 君 愛 國

Ưu quân: Lo cho vua. Ái quốc: Yêu nước.

Ưu quân ái quốc tức là vì lòng yêu nước mà lo cho vua và lo cho đất nước.



Học cho đúng bậc tài thần,

Ưu quân ái quốc vua cần dân nghinh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



V

VÁ TRỜI

Bởi chữ “Bổ thiên 補 天”, do điển bà Nữ Oa, con gái vua Phục Hy, thường luyện đá ngũ sắc để vá trời. Ý nói người có chí lớn, làm những việc to lớn, phi thường.

Xem: Bổ thiên.

Vá trời gặp hội mây năm vẻ,

Lấp bể ra công đặt một hòn.

(Thơ Trần Tế Xương).



VẠ GIÓ TAI BAY

Vạ gió tai bay là nói tai vạ từ đâu như gió bay đến một cách thình lình.



Thương lòng con trẻ thơ ngây,

Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ!

(Truyện Kiều).



Thực là vạ gió tai bay,

Bỗng dưng gắp lửa bàn tay tội đời.

(Quan Âm Thị Kính).



VẠC MAI

Vạc nấu canh mơ, chỉ tài giúp nước.

Điển tích do câu nói của vua Cao Tông nhà Thương bảo với Phó Duyệt: Nhược tác hoà canh, nhĩ duy diêm mai 若 作 和 羹, 爾 惟 鹽 梅, nghĩa là nếu nêm canh thì nhà ngươi là muối và mơ, ý nói muối mặn mơ chua hoà vị với nhau.

Vạc mai chán nếm tràng danh,

Rau thuần chạnh nhớ mùi canh ngọt ngào.

(Hoa Tiên Truyện).



Đền Thương cùng nếm vạc mai,

Cũng trong Y Phó, cũng ngoài Tôn Ngô.

(Mai Đình Mộng Ký).



VÁCH QUẾ

Vách bằng gỗ quế, chỉ chung tường nhà các cung điện, lâu đài nơi cung nữ ở.

Sách Nam Bộ Yên Hoa Ký chép: Trần Hậu Chủ xây một cung điện cho cung phi Trương Lệ Hoa ở sau điện Quang Chiêu, cửa là một vòng tròn lớn, khảm tấm pha lê như hình mặt trăng, giữa sân rộng, trước cửa ấy có trồng cây quế, tượng hình cây quế trong mặt trăng.

Trải vách quế gió vàng hiu hắt,

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Đêm năm canh lần nương vách quế,

Cái buồn này ai dễ giết nhau.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



VẠCH MẮT

Tức là khoét mắt hay móc mắt, nói việc thủ tiết thờ chồng.

Do tích nàng Lữ Thị, vợ của Phòng Huyền Linh, là người đàn bà đẹp đẽ, lại có tiết hạnh. Lúc Huyền Linh bịnh sắp chết, bèn bảo vợ tái giá. Nàng Lữ Thị khóc, rồi vào buồng khoét hết một con mắt, để tỏ cho chồng biết rằng nàng luôn thủ tiết thờ chồng. Nhưng chẳng bao lâu Huyền Linh hết bịnh, sau đó ông thi đỗ làm quan lớn đầu triều, ông vẫn một mực thương yêu nàng Lữ Thị, không bao giờ cưới hầu thiếp.

Tìm trong vạch mắt cắt tai,

Trăm nghìn chửa được một hai đâu là.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



VẢY RỒNG

Bởi chữ “Nghịch lân 逆 鱗”, nghĩa là vuốt ngược vảy rồng.

Truyện Hàn Phi chép: Rồng là vật có thể vuốt ve cho quen mà cỡi được, nhưng dưới cổ có cái vảy ngược, nếu động chạm phải sẽ chết với nó. Ông vua cũng có cái vảy ngược như thế, mấy ai dám vuốt. Nên ai can vua thì gọi là vuốt ngược vảy rồng.

Sau cho sắt đá một lòng,

Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê.

(Nhị Độ Mai).



VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN

Ván đã đóng thuyền có ý chỉ việc đã xong rồi, không còn hy vọng thay đổi được nữa.

Trong cổ thi có câu: Mộc dĩ thành chu nhân dĩ khứ 木 已 成 舟 人 已 去, nghĩa là ván đã đóng thuyền, người đã đi rồi.

Bao giờ ván đã đóng thuyền,

Đã đành phận bạc không đền tình chung.

(Truyện Kiều).



VẠN CẢNH GIAI KHÔNG 萬 境 皆 空

Theo triết lý của Phật giáo, tất cả những pháp tướng bày ra trước mắt ta đều là không có thật, hư ảo, là giả tạo.



Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,

Có chữ rằng: Vạn cảnh giai không.

(Thập Loại Chúng Sanh).



VẠN CƠ DƯ HẠ 萬 機 餘 暇

Vạn cơ: Vua trị lý muôn việc trong nước. Dư hạ: Rảnh rang, nhàn hạ.

Vạn cơ dư hạ là nói vua khi được rảnh rang nhàn hạ việc nước.



Tư trời học ít hay nhiều,

Vạn cơ dư hạ chăm điều bút nghiên.

(Hạnh Thục Ca).



VẠN CHUNG 萬 鍾

Vạn: Mười ngàn, ở đây chỉ số nhiều. Chung: Một thứ đồ dùng để đo lường.

Vạn chung dùng để chỉ bổng lộc nhiều.

Mạnh Tử có nói: Vạn chung ư ngã hà gia yên 萬 鍾 於 我 何 加 焉? Vạn chung đối với ta có thêm gì?

Lọ là thiên tứ vạn chung.

(Thơ Cao Bá Quát).



VẠN DIỆP THIÊN CHI 萬 葉 千 枝

Vạn diệp: Muôn lá cây, chỉ nhiều lá. Thiên chi: Ngàn cành, nói nhiều cành.

Vạn diệp thiên chi ý nói cây có một gốc mà sanh ra ngàn cành muôn lá, ví với người có một cha mà sanh con cháu đầy nhà.



Có tông có tộc mạ sơ thay,

Vạn diệp thiên chi bởi một cây.

(Quốc Âm Thi Tập).



VẠN GIA SINH PHẬT 萬 家 生 佛

Phật sống của muôn nhà.

Do tích: Ông Tư Mã Quang đời Tống, công kích tân pháp của Vương An Thạch, nên khi Triết Tông lên ngôi, bà Thái Hậu Tuyên Nhơn nhiếp chính, dùng ông làm Tể Tướng được tám tháng thì ông mất. Trong tám tháng ấy, ông bãi bỏ tân pháp của Vương An Thạch, cải đổi triều chính, trong nước được thái bình. Ông lại là người nhân đức, rất thương dân, làm quan thi ân khắp mọi nhà, cho nên mọi người đều cho rằng: Tư Mã Ôn Công, chân thị vạn gia sinh Phật 司 馬 溫 公 真 是 萬 家 生 佛, nghĩa là ông Tư Mã Quang mới thật là “Vạn gia sinh Phật” (Phật sống muôn nhà).

Dầu chẳng “Vạn gia sanh Phật”,

Cũng là “Nhất lộ phước tinh”.

(Sãi Vãi).



VẠN LÝ TRƯỜNG ĐỒ 萬 里 長 途

Vạn lý: Muôn dặm. Trường đồ: Đường dài.

Vạn lý trường đồ là đường dài muôn dặm.

Nghĩa bóng: Chỉ đường xa.

Hỏi rằng vạn lý trường đồ,

Sao chưa cất gánh trở vô việc gì?

(Lục Vân Tiên).



VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH 萬 里 長 城

Đời Chiến Quốc, rợ Hồ thường hay sang quấy nhiễu các nước Yên, Triệu và Tần nên những nước nầy mới xây một cái thành dài ở phía Bắc để ngăn giữ. Sau Tần Thuỷ Hoàng tóm thâu được các nước, thống nhứt thiên hạ. Thời đó dân gian có câu: Vong Tần giả, Hồ dã 亡 秦 者 胡 也, tức là làm mất nhà Tần, Hồ vậy. Ở đây, ý chỉ người làm mất nhà Tần là Hồ Hợi, con của vua Tần Thuỷ Hoàng. Nhưng vua Tần cho câu nầy có nghĩa làm mất nhà Tần là rợ Hồ. Vì vậy, vua Tần mới sai Mông Điềm đem binh đắp thêm và nối những bức thành ấy làm thành một dãy dài từ Lâm Thao đến Liêu Đông, gọi là Vạn Lý Trường Thành.



Tiểu thư bái biệt khuê đình,

Dạy rằng: Vạn lý trường thành biết sao.

(Lưu Nữ Tướng).



VẠN LINH 萬 靈

Vạn linh là muôn chơn linh, tức là tất cả các chơn linh trong Càn khôn vũ trụ, bao gồm bát phẩm chơn hồn là kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn, nói chung là chúng sanh.



Phụ kỳ tam bảo chứng minh,

Cửu thiên ủng hộ, vạn linh phò trì.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Vẹn toàn đủ xác đủ hồn,

Xây cơ chuyển thế bảo tồn vạn linh.

(Kinh Tận Độ).



Vạn linh đã hiệp Chí Linh,

Hội xong cậy sức công bình Thiêng Liêng.

(Kinh Thế Đạo).



Thần thông trói chặt Ma vương quái,

Dìu bước vạn linh đến cảnh nhàn.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Hiệp Tạo hóa cầm quyền chuyển thế,

Dạy vạn linh dụng thế từ bi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VẠN PHÚC 萬 福

Muôn điều phước đức.

Tâm lý con người ai cũng mong muốn được nhiều may mắn, phúc đức, vì thế ngày xưa khi gặp nhau người ta thường hay chúc nhau được “Vạn phúc”.

Mặt nhìn mặt càng thêm tươi,

Bên lời vạn phúc bên lời hàn huyên.

(Truyện Kiều).



VẠN SỰ GIAI THÀNH 萬 事 皆 成

Vạn sự: Muôn việc. Giai thành: Đều nên.

Vạn sự giai thành là muôn việc đều nên.



Nguyện cho vạn sự giai thành,

Thì tôi sẽ biện vấn danh lễ thường.

(Nữ Tú Tài).



VẠN TUẾ 萬 歲

Muôn tuổi. Đây là lời cầu chúc rất thông dụng, ở Việt Nam đặc biệt chỉ dùng để chúc tụng cho vua chúa mà thôi.

Theo Hán Thư chép, ngày xưa Đậu Mật là một vị Đại Tướng quân, oai danh lừng lẫy. Khi ông trở về Trường An, các quan từ Thượng Thư trở xuống đều bàn với nhau là chúc câu “Vạn tuế” cho Đậu Mật, Hàn Lăng không chịu nói rằng: Theo nghi lễ là người bề tôi không bao giờ được dùng chữ vạn tuế. Từ đó cho đến cuối nhà Thanh, chữ vạn tuế chỉ dùng cho vua mà thôi.

Lạy rồi ren rén tâu lên,

Chúc câu vạn tuế dâng lên Cửu Trùng.

(Nhị Độ Mai).



VẠN VẬT 萬 物

Vạn: Muôn, tức mười ngàn. Vật: Những thứ vật chất, các loài như người và côn trùng thảo mộc.

Vạn vật tức muôn loài, ý chỉ các thứ vật chất chung quanh ta, con người và loài vật.



Những vạn vật Âm Dương tạo hóa,

Dầu cỏ cây hoa quả biến sanh,

(Kinh Tận Độ).



Giữa vạn vật con người một giống,

Phải uống ăn nuôi sống thây phàm.

(Kinh Thế Đạo).



Day mặt Hồng Quân ngó địa hoàn,

Rưới chan vạn vật khối sinh quang.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Ngó vạn vật cũng kỳ lẽ chết,

Nghe non sông như hết khí sinh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VÀNG ĐÁ

Dịch từ chữ “Kim thạch 金 石” tức vàng đá, là hai vật cứng rắn dùng đúc chuông và tạc bia, gọi là chuông đồng bia đá để khắc ghi công đức lưu truyền mãi mãi. Vàng đá còn dùng để chỉ sự kiên trinh, trung thành giữa tình vợ chồng và bè bạn.

Xem: Kim thạch.

Xem nàng vàng đá chẳng sai,

Vội vàng lại đến thư trai trình chàng.

(Truyện Phan Trần).



Ví dù giải kết đến điều,

Thì đem vàng đá mà liều với thân.

(Truyện Kiều).



Chẳng ra tài sao biết thạch kim,

Có thử sức mới tường vàng đá.

(Nhạc Hoa Linh).



Chia gương căn dặn buổi trường đình,

Vàng đá trăm năm tạc tấm tình.

(Đạo Sử).



VÀNG GIEO NGẤN NƯỚC

Ánh trăng vàng chiếu xuống, gió gợn làm những ngấn nước màu vàng chạy lăn tăn trên mặt nước.



Gương nga chênh chếch dòm song,

Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.

(Truyện Kiều).



VÀNG KHÔNG THẸN LỬA

Bởi câu “Chân kim bất phạ hoả 真 金 不 怕 火”, tức là vàng thiệt không sợ lửa.

Vàng là một thứ kim loại quý được thử bằng lửa, độ nóng chảy của vàng rất cao, nên ta có thể nói vàng thật gặp lửa không thẹn.

Nghĩa bóng: Người anh hùng, gái tiết liệt không sợ thử thách.



Miễn nàng tiết sạch giá trong,

Vàng không thẹn lửa sen không nệ bùn.

(Truyện Phan Trần).



VÀNG THAU NGỌC ĐÁ

Vàng thau là hai thứ kim loại giống nhau, nhưng vàng quý thau rẻ, nên hai thứ lẫn lộn, khó phân biệt được (Có thể định bằng tuổi vàng) bằng mắt thường. Ngọc đá cũng vậy, nhiều loại đá cũng như ngọc, nhưng không có giá trị.

Vàng thau ngọc đá chỉ người đạo đức, kẻ hung tàn hay kẻ quý, người tiện lẫn lộn nhau khó phân biệt, như câu: “Vàng thau lẫn lộn”.

Vàng thau ngọc đá mơ màng,

Làm cho ố thắm, phai vàng thế thôi.

(Hoa Tiên Truyện).



VÃNG SANH 往 生

Vãng: Đi qua. Sanh: Sống.

1.- Vãng sanh là chết ở thế giới này để chuyển sanh qua thế giới khác tốt đẹp hơn, nghĩa là bỏ thế giới trần tục để vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.



Khổ bệnh thấy trêu người đã quá,

Buổi vãng sanh giục giã kêu hồn.

(Nữ Trung Tùng Phận).

2.- Vãng Sanh còn là tên một bài chú của Phật A Di Đà, gọi là “Vãng Sanh Thần Chú” hay “Vãng Sanh” dùng để tụng cầu cho chúng sinh khi chết được thoát sanh về cõi Cực Lạc.

Những thảng mảng tháng thâu năm lụn,

Sớm công phu, tối tụng Vãng sanh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VĂN BAN VÕ BÁ 文 班 武 百

Văn ban: Hàng thứ bực của quan văn, tức là những vị quan lớn nhỏ coi về chính trị, văn hóa, giáo dục... Võ bá: Trăm quan võ, tức là các quan lo về võ bị , quốc phòng, an ninh trật tự.

Văn ban võ bá là tiếng chỉ chung các quan văn võ trong triều đình.



Giúp dân hưởng chữ thái bình,

Văn ban võ bá triều đình đặc an.

(Kinh Thế Đạo).



VĂN CÔNG 文 公

Tức là Châu Công hay Châu Công Đán, con vua Văn Vương, em của vua Võ Vương, chú của vua Thành Vương. Lúc Võ Vương mất, Thành Vương nối ngôi, vì còn nhỏ nên Châu Công (Văn Công) nắm quyền nhiếp chính. Châu Công sửa sang công việc trong nước, định chế độ và lễ nhạc, đặt các thể thức về quan, hôn, tang, tế. Khi chết thuỵ là Văn Công.



Dây rơm, mũ bạc, áo thùng,

Cứ theo trong lễ Văn Công mà làm.

(Lục Vân Tiên).



VĂN CUNG THUẤN MỘ 文 恭 舜 慕

Văn cung: Vua Văn Vương cung kính phụ mẫu. Thuấn mộ: Vua Thuấn yêu mến cha mẹ.

Văn cung Thuấn mộ tức là Văn Vương và vua Thuấn yêu mến và cung kính cha mẹ, chỉ sự hiếu kính.



Văn cung Thuấn mộ vẹn mười,

Những mong lọn đạo, vâng vui ngày dài.

(Hạnh Thục Ca).



VĂN CHÍNH 文 正

Tên thuỵ do vua Tống Nhân Tông ban cho ông Phạm Trọng Yêm. Ông tự là Hy Văn, là dòng dõi một vị Tể tướng đời Đường, sinh ở Ngô Huyện, Tô Châu. Đến đời ông thì gia đình sa sút, mới hai tuổi mồ côi, nhà nghèo, nhưng rất siêng học, đậu Tiến sĩ, làm chức Tư lý Tham quân.

Tính ông ngay thẳng, cương nghị, rất có hiếu và nhân từ. Khi ông được giàu sang rồi vẫn giữ lối sống cần kiệm, thanh bạch, tiền dư ông giúp đỡ bà con bạn bè, nhất là kẻ sĩ nghèo. Ông lấy việc thiên hạ làm trách nhiệm của mình, ông nói: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先 天 下 之 憂 而 憂, 後 天 下 之 樂 而 樂, nghĩa là lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Xem: Phạm Trọng Yêm.



Ta ắt lòng bằng Văn Chính nữa,

Vui xưa chẳng quản đeo âu.

(Quốc Âm Thi Tập)



VĂN ĐẾ 文 帝

Văn Đế là vua nhà Hán, tên Hằng, con thứ của vua Hán Cao Tổ, em của vua Huệ Đế. Huệ Đế mất, không con, đình thần mới rước Văn Đế về nối ngôi. Mẹ Văn Đế là Bạc Hậu, vợ lẻ của vua Hán Cao Tổ, bị bịnh trong ba năm trời, Văn Đế lúc nào cũng mũ áo đai cân đứng hầu mẹ, thức suốt đêm không dám ngủ, thuốc thang dâng đến, Ngài tự nếm trước, rồi mới dâng cho mẹ uống, vì sợ có thuốc độc. Văn Đế là một trong hai mươi bốn người con hiếu thảo.



Kìa Văn Đế vua hiền Hán đại,

Vâng ấn phong ngoài cõi Phiên vương.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



VĂN HIẾN 文 獻

Văn: Chỉ sách sử. Hiến: Chỉ người hiền tài.

Một quốc gia có nhiều bậc hiền tài và có nhiều sử sách thì được gọi là nước văn hiến.

Đức Khổng Tử có nói trong Luận Ngư rằng: Lễ của nhà Hạ, ta có thể nói được nước Kỷ không đủ làm chứng. Đó là vì văn hiến không đủ.

Văn Hiến bốn ngàn năm có sẵn,

Chi cần dị chủng đến dâng công.

(Đạo Sử).



VĂN HOÁ 文 化

Văn: Vẻ đẹp. Hoá: Biến đổi.

Văn hoá là tất cả những công trình vật chất và tinh thần của con người đã sáng tạo ra để phục vụ cho con người có cuộc sống tốt đẹp hơn.



Dụng văn hóa trau tria nữ phách,

Lấy kinh luân thúc thách quần hồng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VĂN LANG 文 郎

Tên cổ sơ của nước ta từ đời vua Hùng Vương.

Theo sử, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra trăm người con. Bà Âu Cơ đem năm mươi người con lên núi sống, còn Lạc Long Quân mang năm mươi người con xuống biển Nam hải.

Lạc Long Quân mới truyền ngôi lại cho người con trưởng, làm vua nước Văn Lang, tức là nước Việt đời Hồng Bàng, xưng hiệu là Hùng Vương. Lúc ấy nước Văn Lang chia làm 15 bộ.

Xem: Hùng Vương.

Đặt tên là nước Văn Lang,

Chia mười lăm bộ, bản chương cũng liền.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Khôn hay ách vận ở trời,

Nước Văn Lang bỗng bời bời đao binh.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



Con là Lạc Long,

Cháu là Hùng Vương,

Từ ấy hiệu nước,

Gọi rằng Văn Lang.

(Việt Sử Tứ Tự Ca).



VĂN MINH 文 明

Văn minh, theo nghĩa đen là cái tia sáng do đạo đức, lễ nhạc, giáo hóa mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt, gọi là văn minh. Theo nghĩa bóng, văn minh là trình độ phát triển văn hóa về vật chất và tinh thần của một quốc gia hay một dân tộc.



Giúp xã tắc tôi trung ra mặt,

Dẫy xe thơ trổi nhặt văn minh.

(Kinh Thế Đạo).



VĂN NHÂN TÀI TỬ 文 人 才 子

Văn nhân: Người văn học. Tài tử: Người có tài.

Văn nhân tài tử là nói những người tài ba, có tài văn chương, học thuật.



Hễ phải mặt văn nhân tài tử,

Dạy con nên vẹn giữ nhơn luân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VĂN QUÂN 文 君

Văn Quân là con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Ngang. Văn Quân là một quả phụ, hiểu về âm nhạc, nên sau khi nghe được bản “Phụng Cầu Hoàng” của Tư Mã Tương Như gảy lên để trêu ghẹo, nàng liền bỏ nhà theo Tương Như. Trác Vương Tôn tức giận không nhìn Văn Quân nữa.

Về với Tương Như, vợ chồng sống hòa hợp, nhưng sau Tương Như đòi cưới vợ bé, Văn Quân buồn, làm bài Bạch Đầu Ngâm tự huỷ đời mình, Tương Như hối hận liền thôi.

Cầu Hoàng tay lựa nên vần,

Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Tràng Khanh tư ả Văn Quân,

Tống sinh dùng gái chủ nhân cũng vì.

(Truyện Trinh Thử).



Kìa Văn Quân mỹ miều thuở trước,

E đến khi đầu bạc mà thương.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Dầu ai gieo tiếng ngọc,

Dầu ai bọc lời vàng,

Trớ trêu khúc phụng khúc hoàng,

Lòng em không giống như nàng Văn Quân.

(Ca Dao Việt Nam).



VĂN TUYÊN 文 宣

Tên thụy của Đức Khổng Tử do các vị vua Trung Hoa đời trước truy tặng cho

- Năm Khai Nguyên thứ 27 (739), vua Đường Huyền Tông truy phong làm “Văn Tuyên Vương 文 宣 王”.

- Năm Đại Trung Tường Phù nguyên niên (1008), vua Tống Chân Tông gia thụy là “Đại Thánh Văn Tuyên Vương 大 聖 文 宣 王”.

- Năm Đại Đức thứ 10 (1306), vua Nguyên Thành Tông gia hiệu “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương 大 成 至 聖 文 宣 王”.

- Năm Gia Tĩnh thứ 9 (1530), Minh Thế Tông phong làm “Chí Thánh Tiên Sư 至 聖 先 師”.

- Năm Thuận Trị thứ 2 (1645), Thanh Thế Tổ phong làm “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Tiên Thánh Sư 大 成 至 聖 文 宣 王 先 聖 師”

Xem: Khổng Thánh.



Đạo Nho truyền dạy nghĩa nhơn,

Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời.

(Xưng Tụng Công Đức).



VĂN THÂN 文 紳

Văn: Văn chương, chữ nghĩa. Thân: Đến để được trọng dụng.

Văn thân là những người học thức, những kẻ sĩ ra làm quan, nói chung là các người văn học, sĩ phu.



Giận Tây dân chẳng phục tình,

Văn thân mấy đạo tranh hành giết nhau.

(Hạnh Thục Ca).



VĂN THÙ BỒ TÁT 文 殊 菩 薩

Văn Thù Bồ Tát theo Phật giáo Đại thừa là biểu trưng cho trí tuệ, nên còn gọi là “Đại trí Văn Thù”, bởi vì Ngài đã chứng được thực trí, liễu ngộ Phật tánh. Ngài còn có tên là Diệu Âm Bồ Tát.

Trong các chùa thường thờ Ngài ngồi trên bảo toà liên hoa, cỡi con sư tử xanh, tay mặt cầm gươm trí tuệ đoạn trừ phiền não, tay trái cầm hoa sen xanh, mình mang chiếc giáp nhẫn nhục. Ngài đứng bên trái tượng Phật Thích Ca, Bồ Tát Phổ Hiền đứng bên phải.

Tu cho tinh chuyên là La Thập Cưu Ma,

Tu cho khổ não là Văn Thù Bồ Tát.

(Sãi Vãi).



VĂN VƯƠNG 文 王

Văn Vương họ Cơ tên Xương, nguyên là chư hầu của nhà Ân (Tức vua Trụ). Sau Võ Vương đem binh diệt nhà Ân, rồi lên ngôi mới tôn là Văn Vương.

Lúc còn là chư hầu, Văn Vương thi hành nhân chính nên các chư hầu khác theo về rất đông. Văn Vương bị vua Trụ bắt giam tại ngục Dũ Lý 7 năm, vì bị Sùng Hầu Hổ gièm pha. Tán Nghi Sanh đem gái đẹp, ngọc ngà châu báu dâng cho vua Trụ để xin tha cho Văn Vương, vua Trụ chấp thuận. Khi thiên đô về đất Phong, hai phần ba thiên hạ theo về với Văn Vương.

Gương đạo noi theo đời Thuấn Ðế,

Ðế dân vẹn giữ lối Văn Vương.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Non sanh vắng gót anh hùng,

Rõ cơn Võ Kiết lánh vòng Văn Vương.

(Ngụ Đời).



Ăn hẩm hút, thương vua Võ,

thương càng chí thiết,

Ở lao tù, thương vua Văn,

thương rất xót xa.

(Sãi Vãi).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   126   127   128   129   130   131   132   133   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương