Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang132/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   126   127   128   129   130   131   132   133   134

VỢ TÔI CHỒNG CHÚA

Quan niệm của người xưa là trọng nam khinh nữ, nên người đàn bà ngày xưa không có quyền hành, người chồng thì có quyền quyết định mọi việc trong gia đình, ví dụ như chồng có quyền năm thê bảy thiếp, mà vợ thì chính chuyên một chồng.

Quan niệm đó được gọi là “Vợ tôi chồng chúa”.

Thân lòn cúi, vợ tôi chồng chúa,

Đạo phu thê như đũa nên đôi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VU GIÁP 巫 甲

Tức là núi “Vu Sơn”.

Do con sông Trường Giang chảy qua ngăn dãy núi Vu Sơn ra làm hai, nên còn có tên là “Vu Giáp”. có miếu Thần Nữ, mà Sở Vương nằm mộng thấy cùng Thần nữ trên núi Vu Sơn chăn gối, nên chữ Vu Giáp dùng chỉ trai gái giao hoan với nhau.

Xem: Vu Sơn.



Thảo mà cánh điệp lá đào,

Đi về Vu giáp ra vào Vũ Lăng.

(Mai Đình Mộng Ký).



Bắc thông Vu giáp non cao,

Phía nam suối chảy ào ào: Tiêu tương.

(Thơ Lãng Nhân).



VU PHONG 巫 峰

Vu phong tức là non Vu, chỉ núi Vu Sơn.

Do điển Sở Vương chiêm bao thấy cùng Thần nữ trên núi Vu Sơn giao hoan, nên chữ “Vu phong” dùng để chỉ trai gái tình tự với nhau.

Xem: Non Vu.



Con hưu bách nhị lạc loài đâu,

ba cỏ ủ ê vườn thượng uyển,

Cái én tam thiên ngơ ngẩn đó,

mây mưa bát ngát đỉnh vu phong.

(Tần Cung Nữ).



Non nước mơ màng chừng Lữ đế,

Mây mưa phảng phất đỉnh Vu Phong.

(Sơ Kinh Tân Trang).



VU QUY 于 歸

Vu quy, chỉ người con gái về nhà chống.

Do thiên “Đào yêu 桃 妖” trong Kinh Thi có câu: Đào chi yêu yêu, Chước chước kỳ hoa. Chi tử vu quy, Nghi kỳ thất gia 桃 之 夭 夭, 灼 灼 其 華. 之 子 于 歸, 宜 其 室 家, Dịch vần: Đào tơ mơn mởn xinh tươi, Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong. Hôm nay nàng đã theo chồng, Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui (Tạ Quang Phát dịch).

Vu quy núi chỉ non thề,

Tấc lòng đá tạc vàng ghi dám rời.

(Truyện Trinh thử).



Định ngày nạp thái vu quy,

Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong.

(Truyện Kiều).



Nàng đi từ dở bước vu quy,

Nhân duyên thôi có nghĩ gì như ai.

(Quan Âm Thị Kính).



Mai sau đặng chữ vu quy,

Đã đành phận gái phải đi theo chồng.

(Dương Từ Hà Mậu).



VU SƠN 巫 山

Hay “Vu san”.

Vu Sơn là tên dãy núi ở phía nam huyện Vu Sơn tỉnh Tứ Xuyên, thế núi giống hình chữ “巫”(Vu), nên gọi là Vu Sơn. Dãy vu Sơn bị sông Trường giang chảy ngăn dãy núi ra làm hai, nên còn có tên là “Vu Giáp”, trên có miếu Thần Nữ.

Vu Sơn, do điển vua Sở nằm mộng giao hoan cùng Thần nữ, nên dùng để chỉ trai giái gặp gỡ ân ái với nhau, như chữ “Mây mưa”.

1.- Vu Sơn:

Hiện làm con gái hồng nhan,

Vu sơn kết bạn Quảng Hàn sánh đôi.

(Thiên Nam Ngữ Lục).

2.- Vu San:

Chày kình gióng tỉnh giấc Vu san,

Mái tóc kim sinh nữa trắng vàng.

(Thơ Tôn Thọ Tường).



VU THÁC 誣 託

Vu: Đặt điều nói kẻ khác. Thác: Gởi.

Vu thác, nói vu cho một người nào, tức là bịa đặt đổ tội cho người ta.



Trời làm chi cực bấy trời,

Này ai vu thác cho người hợp tan.

(Truyện Kiều).



VŨ DỰC 羽 翼

Vây cánh.

Bởi câu: Thiên sanh vũ dực, vị huynh đệ chi tương thân 天 生 羽 翼, 謂 兄 弟 之 相 親, nghĩa là trời sinh vây cánh, là nói anh em thân thiết nhau.

Đường Thư ghi: Vua Huyền Tông ban thơ cho năm vị Vương và nói vua Văn Đế có làm bài thi: Tây sơn nhất hà cao, Cao cao thù vô cực. Thượng hữu lưỡng tiên đồng, Bất ngôn diệc bất thực. Tứ ngã nhất hoàn dược, Quang huy hữu ngũ sắc. Phục chi tam ngũ nguyệt, Thân thể sanh vũ dực 西 山 一 河 高, 高 高 殊 無 極. 上 有 兩 仙 童, 不 言 亦 不 食. 賜 我 一 丸 葯, 光 輝 有 五 色. 服 之 三 五 月, 身 體 生 羽 翼.

Trẫm thường nói, đâu bằng năm anh em ta, trời sanh cánh lông làm chi?

Vũ dực tam thiên nhân khủng khiếp,

Trảo nha bách vạn quỷ thần kinh.

(Nhạc Hoa Linh).



VŨ Y 羽 衣

: Lông chim. Y: Áo.

Áo dệt bằng lông chim, con hát mặc để múa hát.

Do tích Đường Minh Hoàng cùng với đạo sĩ La Công Viễn, vào đêm trung thu, lên chơi trên mặt trăng, Hằng Nga mang ra một đội con hát, mình mặc áo lông chim ngũ sắc như màu sắc mống trời, người ta gọi là nghê thường (Nghê: Mống trời. Thường:Ao xiêm).

Trải vách quế gió vàng hiu hắt,

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.

(Cung Oán ngâm Khúc).



VŨ KIẾM 舞 劍

: Múa. Kiếm: Gươm.

Vũ kiếm là một lối chữ nét sắc như gươm múa, cho nên người ta gọi là Vũ kiếm



Sư rằng: Này bút thiên nhiên,

Lọ tìm Vũ kiếm, lọ khen Lan đình.

(Nhị Độ Mai).



VŨ LỘ 雨 露

Hay “Võ lộ”.



: Mưa. Lộ: Móc.

Võ lộ là hạt mưa móc, dùng để chỉ ân trạch.

Bạch Cư Dị có câu: Võ lộ thi ân vô hậu bạc, Bồng cao tuỳ phận hữu vinh khô 雨 露 施 恩 無 簿 厚, 蓬 蒿 隨 分 有 榮 枯, nghĩa là ơn mưa móc không nhiều không ít, Cỏ bồng cao tuỳ phận vinh khô.

Nhờ ơn vũ lộ đà no hết,

Đông đổi dù đông hãy một đường.

(Quốc Âm Thi Tập).



Tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng,

kiếp đã về cõi suối làng mây,

nào kịp thấy ít nhiều ơn vũ lộ.

(Trận Vong Tướng Sĩ).
VŨ TẠ 舞 榭

: Nhảy múa. Tạ: Cái đài.

Vũ tạ là cái đài, nơi đó các vũ công đến nhảy múa.



Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc,

Thú ca lâu dế khóc canh dài.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



VŨ TRỤ 宇 宙

Hay “Võ trụ”.



: Không gian gồm bốn phương trên dưới. Trụ: Thời gian xưa nay qua lại.

Vũ trụ là khoảng không gian bốn phương trên dưới và thời gian suốt xưa nay. Vũ trụ theo nghĩa hẹp chỉ thế giới của loài người.

1.- Vũ trụ:

Vũ trụ chi gian giai phận sự,

Nam nhi đáo thử thị hào hùng.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



Trong vũ trụ hiệp hào là mạnh,

Phận đồ thơ phải gánh non sông.

(Nữ Trung Tùng Phận).

2.- Võ trụ:

Trong võ trụ mình người sanh đứng đợt,

Ai hiểu mình phòng sang bớt gánh đồ thơ.

(Phương Tu Đại Đạo).



VUA BẾP

Tức “Vua Táo”, hay “Táo Quân 灶 君”.

Theo truyền thuyết của ta thì thần Táo quân có ba người: Hai ông một bà, truyện kể như sau:

Ngày xưa có hai vợ chồng nọ bị thất lạc nhau, mỗi người một nơi, người vợ mới có chồng khác. Một hôm, có người hành khất đến xin ăn, người đàn bà nọ nhận ra là chồng mình, liền đem cơm ra cho ăn. Sợ chồng sau biết được, người đàn bà nọ bèn giấu chồng cũ vào cây rơm. Không ngờ người chồng sau về, vô tình làm cháy cây rơm, thiêu chết người chồng cũ. Chị vợ nghĩ đến tình nghĩa xưa, đau đớn mà nhảy vào đống lửa để chết theo chồng. Người chồng sau thấy cảnh đó cũng thương tâm, cũng nhảy vào lửa để chết theo. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy vậy, thương tình cho làm táo quân.

Xem: Ông Táo.

Thế gian một vợ một chồng,

Nào như vua bếp hai ông một bà.

(Ca Dao Việt Nam).



VUA THÍCH

Tức là Đế Thích 帝 釋, một vị thần tiên, tục danh là Lý Chế. Theo Truyền thuyết dân gian, người ta cho rằng Đế Thích đánh cờ rất cao và nổi tiếng về uống rượu, không ai sánh kịp.

Xem: Đế Thích.

Đem cờ vua Thích vui bè bạn,

Mượn chén ông Lưu học tỉnh say.

(Thơ Nguyễn Khuyến).



VUA VÕ

Tức vua Hạ Võ (Hay Hạ Vũ), một vị vua theo truyền thuyết Trung Hoa có tài trị thuỷ, khai sáng nên triều đại nhà Hạ.

1.- Vua Võ:

Ăn hẩm hút, thương vua Võ,

thương càng chí thiết;

ở lao tù, thương vua Văn,

thương rất xót xa.

(Sãi Vãi).

2.- Vua Vũ:

Từ xưa vua Vũ làm đầu,

Phép bày địa lý để âu trị đời.

(Dương Từ Hà Mậu).



VÙA HƯƠNG BÁT NƯỚC

Vùa: Một vật dùng để đựng cát cắm hương, có hình giống cái bát. Hương: Nhang. Bát nước: Chén nước.

Vùa hương bát nước tức là lư hương bát nước là những vật dùng để cúng kính hằng ngày.



Thương vì đôi lứa chưa thành,

Vùa hương bát nước ai dành ngày sau.

(Lục Vân Tiên).



Tổ tiên chút đã đền chi,

Vùa hương bát nước, nào khi phụng thờ?

(Dương Từ Hà Mậu).



VUI HẠC CẦM

Hạc cầm là cây đàn và con hạc, nói cảnh thanh nhàn. Do tích Triệu Thanh Hiến, không vợ, không con, khi đi phó nhậm làm quan, ông chỉ đem theo con hạc và cây đàn.

Vui hạc cầm ý nói sống vui vẻ với đàn và hạc, không bận tâm đến cuộc đời.

Túi gió trăng thinh thinh rộng mở,

Vui hạc cầm hay dở thú riêng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VÙI LIỄU DẬP HOA

Vùi dập: Bị làm cho bầm dập không sao gượng dậy nổi. Liễu hoa: Ví người đàn bà con gái.

Vùi liễu dập hoa tức là đánh đập người con gái đẹp một cách tàn nhẫn, không gượng dậy nổi.



Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,

Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.

(Truyện Kiều).



VUỐT NANH

Bởi chữ “Trảo nha” là móng vuốt và răng nanh, ý nói những loài mãnh thú nhờ có nha trảo (Vuốt nanh) để tự bảo vệ.

Vuốt nanh dùng để chỉ những tay chân bộ hạ.

Đổng Hầu chiêu nạp vuốt nanh,

Góp thâu làm tăng vây cánh.

(Nhạc Hoa Linh).



Giấu vuốt nanh chờ vận Võ Thang,

Nuôi vây cánh cướp người thương khách.

(Kim Thạch Kỳ Duyên).



VUỐT RÙA ĐỔI MÁY

Tức móng vuốt của kim quy, làm thành chiếc nỏ thần, bị Trọng Thuỷ tráo đổi.

Do tích An Dương Vương khi xây Loa thành được thần Kim quy giúp đỡ, rồi ban cho một cái vuốt chân rùa, làm nên chiếc nỏ thần để giữ gìn đất nước. Sau Trọng Thuỷ cưới được Công chúa Mỵ Châu, rồi tìm cách đánh tráo chiếc nỏ thần.

Xem: Trọng Thuỷ Mỵ Châu.



Vuốt rùa chàng đổi máy,

Lông ngỗng thiếp đưa đường.

(Thơ Tản Đà).



VUỐT THIÊNG

Tức là móng vuốt linh thiêng của Thần Kim quy.

Theo Việt sử, Thần kim quy giúp Thục An Dương Vương xây xong Cổ loa thành, rồi ban cho một cái móng vuốt để làm cây nỏ Thần.

Xem: Vuốt rùa đổi máy.



Lại bàn đến sự chiến tranh,

Vuốt thiêng để lại tạ tình quân vương.

(Quốc Sử Diễn Ca).



VỰA VÀNG

Bởi chữ “Tích kim 積 金” là vựa chứa vàng bạc trong câu nói của Tư Mã Ôn Công: Tích kim dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ 積 金 以 遺 子 孫, 子 孫 未 必 能 守, nghĩa là chứa vàng để lại cho con cháu, con cháu chưa ắt đã giữ được.

Theo ông, vàng chưa ắt giữ được là ý muốn nói không giữ được bền vững, chỉ có để lại âm đức mới là vĩnh viễn cho con cháu mà thôi.

Xem: Tích kim.



Vựa vàng chưa ắt để cho con,

Chứa đức muôn năm hưởng cũng còn.

(Đạo Sử).



VỰC SÂU GIÁ MỎNG

Bởi chữ “Lâm thâm lý bạc 臨 深 履 薄” tức là đi đến vực sâu, bước lên băng, giá mỏng.

Thành ngữ dùng để chỉ sự nguy hiểm cũng như đi đến chỗ vực sâu có thể bị ngã, bước lên băng giá mỏng có thể bị chôn vùi. Kinh thi có câu: Như lâm thâm uyên, như lý bạc băng 如 臨 深 淵, 如 履 薄 冰, tức là đi đến vực sâu, bước lên băng mỏng.

Do điển: Vua Cao Tông nhà Thương khi vận nước suy vi, thường hay lo sợ, như đi vào chỗ vực sâu, hoặc đi trên giá mỏng (Sắp tan).

Xem: Giá mỏng vực sâu.

Cứu bạn khỏi vực sâu giá mỏng,

Dễ bao nài lặn suối trèo non.

(Nhạc Hoa Linh).



VƯỜN DÂU TƯ TÌNH

Bởi chữ “Bộc thượng tang gian 濮 上 桑 間”, tức là trai gái hẹn hò nhau trong vườn dâu để tư tình nhau, nói thói dâm tà.

Thời Xuân Thu, trên bãi sông Bộc, trong ruộng dâu đều là nơi trai gái nước Trịnh, nước Vệ hẹn hò nhau làm thói dâm bôn.

Xem: Trên bộc trong dâu.



Chẳng phen thói nước Trịnh đâu,

Hẹn người tới cửa vườn dâu tư tình.

(Lục Vân Tiên).



VƯỜN ĐÀO

1.- Bởi chữ “Đào viên 桃 園” là vườn đào, nơi Lưu Bị, Quan Võ và Trương Phi uống máu ăn thề để kết nghĩa anh em, gọi là “Vườn đào kết nghĩa”.

2.- Vườn Đào là vườn trồng cây Đào Tiên nơi Dao Trì Cung của bà Tây Vương Mẫu. Tương truyền Đào Tiên là một loại cây có trái rất quí, chín ngàn năm mới có trái chín một lần, nên khi ăn được trái Đào Tiên thì được trường sanh bất tử.

Xem: Đào viên.



Tây Vương Mẫu vườn Đào ướm chín,

Chén trường sanh có lịnh ngự ban,

(Kinh Tận Độ).



VƯỜN LÃNG

Dịch từ chữ “Lãng uyển 閬 苑”, tức là vườn tiên, chỉ cảnh tiên ở.

Thơ Nguyên Hiếu Vấn có câu: Lãng uyển tiên nhân bạch cẩm bào, Hải sơn cung khuyết tuý bàn đào 閬 苑 仙 人 白 錦 袍, 海 山 宮 闕 醉 蟠 桃, nghĩa là tiên nhân ở Lãng uyển mặc áo cẩm bào trắng, Hải Sơn cung khuyết say tiệc Bàn đào.

Xem: Lãng uyển.



Bỗng dưng vướng lấy tơ tình,

Này đồ vườn Lãng này tranh non Bồng.

(Hoa Tiên Truyện).



VƯỢN SỞ CÂY RỪNG

Bởi câu “Sở quốc vong viên, hoạ diên lâm mộc 楚 國 亡 猿, 禍 延 林 木, nghĩa là vua nước Sở bị mất một con vượn trong rừng, vua bèn ra lịnh đốt cả cánh rừng để tìm, vì thế hoạ luỵ đến cây rừng. Có ý nói việc vô cớ bị vạ lây.

Xem: Lửa thành ao cá.

Chỉn e vượn Sở lạc chừng,

Bận lòng đến cả cây rừng chẳng sinh.

(Truyện Phan Trần).



VƯƠNG CHẤT 王 質

Thuật Dị Ký: Vương Chất là một tiều phu, vào núi Thạch Thất đốn củi, dọc đường thấy hai đồng tử ngồi đánh cờ, bèn đứng lại chống rìu đứng coi. Một đồng tử mời Chất ăn một trái như quả táo, Chất ăn thấy hết đói. Hai vị đồng tử đánh ván cờ xong, một người bảo Chất: Cái rìu của anh mục nát cán rồi đấy!

Vương Chất trở về làng, thì mới biết đã trải qua mấy trăm năm, làng xóm đã đổi thay hết, thân thuộc không còn ai. Sau Chất vào núi tu tiên, được đắc đạo. Núi Thạch Thất vì vậy mà có tên Lạn Kha Sơn (Lạn kha: Cán rìu mục nát).

Xem: Lạn Kha Sơn.



Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi,

Lèo phơi phới thấy tiên đâu.

(Quốc Âm Thi Tập).



VƯƠNG BÁ 王 霸

Vương bá là vua theo vương đạo và bá đạo. Vương đạo thì dùng nhơn nghĩa ra cai trị, bá đạo thì lấy sức mạnh để củng cố uy quyền.

Vương bá dùng để chỉ chung về vua chúa.

Mê tân là chốn đoạ con người,

Vương bá công hầu luỵ mấy mươi.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Trăm đắng ngàn cay đành một kiếp,

Công hầu vương bá dám đâu hơn.

(Đạo Sử).



VƯƠNG ĐẠO 王 道

Vương Đạo người đời Tấn, dạy nhiều học trò giỏi, trong số có Vương Hy Chi là người tài hoa hơn cả, giỏi về thơ văn, nhất là viết chữ rất đẹp, sau có viết “Lan Đình Tập Tự” mà người đời gọi là Thiếp lan đình.

Vương Hy Chi được quan Thái úy Khước Giám sai người đến nhà Vương Đạo kén làm rể đông sàng.

Xem: Đông sàng.



Gồm trong tứ đức vẹn mười.

Cửa Vương Đạo dễ mấy người sàng đông.

(Quan Âm Thị Kính).



VƯƠNG GIẢ 王 者

Vương giả là tiếng dùng để chỉ hoa lan, một thứ hoa có mùi thơm vua chúa.

Đức Khổng Tử đi chu du các nước, lúc Ngài đi từ nước Vệ về nước Lỗ thấy trong núi cao, hang sâu có nhiều hoa lan. Ngài mới than rằng: Lan vi vương giả hương, kim dữ chúng thảo ngụ 蘭 為 王 者 香, 今 與 眾 草 寓, nghĩa là lan có mùi thơm của vua chúa, nay lại làm bạn với loài cỏ.

Lan mấy đoá lạc loài sơn dã,

Uống mùi hương vương giả lắm thay.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



VƯƠNG KHẢI 王 愷

Vương Khải đời Tấn, ở đất Đông Hải, làm quan đến chức Hậu quân Tướng quân, có người chị làm Hoàng Hậu, nổi tiếng là giàu có, xa xỉ cũng vào bậc nhứt, thường cùng Thạch Sùng bày trò thi của. Hai người trang sức nhà cửa rất sang trọng và ăn mặc cực kỳ xài phí.



Đôi ba quan em nghĩ là giàu,

Thạch Sùng, Vương Khải còn đâu đến giờ.

(Ca Dao Việt Nam).



Anh tỷ cái phận anh,

Chẳng thà ở lều tranh.

Như thầy Tăng, thầy Lộ,

Cũng không ham mộ,

Như Vương Khải Thạch Sùng,

Đạo người giữ vẹn bần cùng sá bao.

(Ca Dao Việt Nam).



VƯƠNG LƯƠNG 王 良

Vương Lương là một người nổi tiếng có tài về đánh xe ngựa của nước Tấn thời Xuân Thu. Ông còn có tên là Bưu Vô Tuất, là người đánh xe ngựa cho Tạo Phụ. Khi ông cầm cương, thì trăm con như một, ngựa tề chỉnh cất vó.



Lỡ thời ai biết anh hùng,

Bận chân Kỳ ký đau lòng Vương Lương.

(Hoài Nam Ca Khúc).



VƯƠNG MÃNG 王 莽

Vương Mãng người đời Hán, tự là Cự Quân, hiệu An Hớn Công, làm Đại Tư Mã. Thời vua Hớn Bình Đế ông được nắm về quyền chính. Năm Bình Đế thứ tư, ông giết vua, lập Nhũ Tử Anh, tự xưng Nhiếp Hoàng Đế. Sau Mãng cướp luôn ngôi vua nhà Hán, đổi quốc hiệu là Tân. Mãng đặt ra nhiều pháp lệnh làm loạn thiên hạ, trộm cướp khắp nơi. Cuối cùng Mãng bị Lưu Tú (Tức vua Quang Võ), cùng với anh là Bá Thăng khởi binh trừ dẹp. Vương Mãng làm vua được mười lăm năm.



Tội Võ đà xấp xỉ Lộc Sơn,

Tội Lữ cũng rắp ranh Vương Mãng.

(Sãi Vãi).



VƯƠNG MẪU 王 母

Tức bà Tây Vương Mẫu, một bà chúa Tiên ở cung Dao Trì, nơi có vườn đào tiên.

Xưa vua Hán Võ Đế có sở nguyện muốn cầu bà Tây Vương Mẫu đến, nên nhờ vị Tiên là Đông Phương Sóc đến triều bái Vương Mẫu để tỏ mọi điều. Vương Mẫu hẹn đêm Trung thu sẽ giáng lâm xuống Hoa Điện, là ngôi đền do vua Võ Đế lập ra.

Vào nửa đêm Trung thu, bổng có chim thanh loan bay đậu trước sân, ông Đông Phương Sóc cho biết đó là tin của bà Tây Vương Mẫu sắp đến, rồi sau đó bà giáng lâm xuống Hoa Điện và ban cho vua Võ Đế bốn quả Đào Tiên.



Nhớ xưa ở chốn Đào viên,

Vương Mẫu mở thọ diên vui mừng.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



Đương khi lốt trắng điểm vàng,

Tỉnh say Vương Mẫu, mơ màng Lão quân.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Tây Vương Mẫu vườn Đào ướm chín,

Chén trường sanh có lịnh ngự ban,

(Kinh Tận Độ).



VƯƠNG PHẦN HÀ

Tức là Vương Thông, tự là Trọng Yêm, người đời Tùy, quê ở Long Môn. Ông lúc nhỏ rất ham đọc sách, lớn lên là người học rộng, nên sau khi tới Trường an dâng bài “Thái bình thập nhị sách”, không được dùng, bèn lui về ẩn, dạy học ở Hà Phần. Sau này, nhiều lần được mời ra làm quan, nhưng ông đều từ chối.



Họ Vương dạy học Phần Hà,

Buổi Tuỳ không đạo, ở nhà cũng hay.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



VƯƠNG TẠ 王 謝

Hai họ giàu có đời nhà Tấn, đời đời kế nhau làm quan to trong triều.

Đường Thi có câu: Tích thì Vương Tạ đường tiền yến, Phi nhập tầm thường bách tính gia 昔 時 王 謝 堂 前 燕, 飛 入 尋 常 百 姓 家, nghĩa là ngày xưa chim én đậu ở nhà hai họ Vương, Tạ, ngày nay bay đậu ở nhà thường dân. Ý nói cuộc đời thay đổi.

Yến từ nẻo lạc nhà Vương, Tạ,

Quạt để hầu thu lòng Tiệp Dư.

(Quốc Âm Thi Tập).



VƯƠNG TÔN 王 孫

Vương: Bậc vương hầu. Tôn: cháu.

Vương tôn là tiếng dùng để gọi con cháu các nhà quý tộc, quyền quý, chữ dùng như chữ công tử.

Trong Sử Ký lời bà Phiếu mẫu giận nói với Hàn Tín như sau: Đại trượng phu bất năng tự thực, ngô ai vương tôn nhi tiến thực, khởi vọng báo hồ? 大 丈 夫 不 能 自 食, 吾 哀 王 孫 而 進 食, 豈 望 報 乎?, nghĩa là đại trượng phu không kiếm đủ miếng ăn, tôi thương tình cấp dưỡng, chứ đâu phải tôi mong đền đáp.

Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ,

Chàng há từng học lũ vương tôn.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Về đây nước trước bẻ hoa,

Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.

(Truyện Kiều).



Mình dầu nên đáng mặt vương tôn,

Cũng nhớ mẹ mủng trôn vai gánh.

(Phương Tu Đại Đạo).



VƯƠNG TƠ

Vương tơ tức là con tằm kéo tơ, ý chỉ tình nghĩa.

Do câu thơ của Lý Thường Ẩn đời nhà Đường: Xuân tàm đáo tử ty phương tận 春 蠶 到 死 絲 方 盡, nghĩa là con tằm đến chết cũng còn kéo tơ.

Dẫu rằng sông cạn đá mòn,

Con tằm đến thác cũng còn ơng tơ!

(Truyện Kiều).



Ấy ai chấp mối xích thằng,

Biết mà dứt chỉ, thà đừng vương tơ.

(Nhị Độ Mai).



VƯƠNG TƯỜNG 王 祥

Vương Tường là người đời nhà Tấn, mồ côi mẹ, ở với cha, bị mẹ kế cay nghiệt, ngày thường xui giục làm cho cha ghét bỏ ông, nhưng ông vẫn một lòng hiếu kính. Mùa đông nước đóng băng, mẹ ghẻ muốn ăn cá tươi, ông cổi trần nằm trên giá để tìm bắt cá. Bỗng mảnh băng nứt làm đôi, từ dưới nước nhảy lên hai con cá, ông bắt đem về cho mẹ kế ăn. Thấy ông hiếu thảo như vậy, sau cha và mẹ kế ông cảm động, sinh ra yêu mến ông lắm.



Ngươi Vương Tường cũng là đời Tấn,

Tủi huyên đường sớm lẩn bóng xa.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



VƯƠNG THẦN LOẠN NGÔI

Vương thần 王 臣: Vua và bề tôi. Loạn ngôi: Đảo lộn về ngôi thứ, mất trật tự.

Vương thần loạn ngôi là làm đảo lộn ngôi thứ vua tôi, tức là làm đảo lộn phép tắc triều đình.



Lại e lỗi đạo nhơn luân,

Dỡ dang gia pháp, vương thần loạn ngôi.

(Nư Trung Tùng Phận).



VƯƠNG THÔI 王 衰

Vương Thôi là người nước Nguỵ, đời Tam Quốc. Lúc Tây Tấn diệt Nguỵ, để thống nhất thiên hạ, cha ông bị Tây Tấn giết hại, ông thương xót ngồi bên mộ mà khóc thảm thiết, đến đổi nước mắt chảy xuống làm cây trắc bên mồ tươi tốt lại. Suốt đời ông chẳng chịu ngoảnh mặt về tây, vì Tây Tấn ở vào hướng ấy, để tỏ ý không thần phục Tây Tấn. Mẹ ông lúc sinh thời hay sợ sấm sét, mỗi khi nghe có sấm, ông chạy đến mồ của mẹ khấn: Có con đây rồi, để vong hồn mẹ khỏi sợ.

Vương Thôi là người tài, Vua Tây Tấn mời ra làm quan, ông nhất định từ khước, ở nhà mở trường dạy học. Khi giảng về thiên Lục Nga trong Kinh Thi, ông nhớ cha chảy nước mắt.

Nguỵ Vương Thôi gặp đời Tây Tấn,

Vì thù cha lánh ẩn cao bay.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



VƯƠNG XÁN 王 粲

Vương Xán là người nước Nguỵ, ở Cao Bình đời Tam Quốc, tự là Trọng Tuyên, học rộng biết nhiều. Thái Ung phục tài ông, mỗi khi ông đến, đã xỏ ngược giầy ra cửa đón tiếp. Lúc trẻ ông tỵ nạn, đến nương nhờ Lưu Biểu ở đất Kinh Châu. Ông có làm bài phú “Đăng lâu” để bày tỏ nỗi nhớ quê của mình.



Mắt trông Vương Xán đã mòn,

Tay đề Hướng Tú vẫn còn ngẩn ngơ.

(Tự Tình Khúc).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   126   127   128   129   130   131   132   133   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương