Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang126/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   122   123   124   125   126   127   128   129   ...   134

TRIÊM NHU 霑 濡

Triêm: Thấm vào. Nhu: Ướt.

Triêm nhu tức là nước ướt một cách đầm thấm. Ý chỉ ơn trên ban khắp như mưa móc thấm nhuần cây cỏ.



Qua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ,

cỏ cây đều đội đức triêm nhu.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



TRIỀN BƯNG

Triền: Đất có bờ dốc thoai thoải xuống. Bưng: Vùng đồng lầy ngập nước có nhiều cỏ lác.

Triền bưng là chỉ những đám ruộng đất cao hay đầm lầy mà người nông dân gọi là ruộng triền hoặc ruộng bưng.



Kìa nhịp cầu bên đầu khe nhỏ,

Đông chòm cây, Tây có triền bưng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



TRIÊU MỘ 朝 暮

Triêu: Buổi mai. Mộ: Buổi tối.

Buổi mai và buổi tối.

Trong các ngôi chùa, khi công phu thường đánh chuông vào buổi sáng và buổi tối mỗi ngày.

Ba hồi triêu mộ chuông gầm sống,

Một vũng tang thương nước lộn trời.

(Thơ bà Huyện Thanh Quan).



TRIÊU TAM MỘ TỨ 朝 三 暮 四

Sáng ba chiều bốn.

Ông Liệt Tử cho rằng những kẻ có nhiều mưu trí thường hay dối gạt người. Ông gọi đó là “Dĩ thuật ngu nhân” 以 術 愚 人, tức là mưu chước để dối gạt người.

Trong sách ông kể lại câu chuyện ông Thư Công, người đời Tống, có nuôi một bầy vượn. Mỗi ngày khẩu phần ăn là sáng ba chiều bốn. Các con vượn giận, làm reo không ăn. Ông đến nói: Nếu các ngươi không chịu khẩu phần là sáng ba chiều bốn, thôi thì ta tăng khẩu phần ăn cho là sáng bốn chiều ba, các ngươi chịu không? Bấy giờ vượn vui vẻ ưng thuận.



TRIÊU VÂN 朝 雲

Bởi câu “Triêu vân mộ vũ 朝 雲 暮 雨” tức buổi mai làm mây, buổi tối làm mưa.

Do điển: Núi Vu Giáp tiếp liền với núi Vu Sơn. Dưới chân núi Vu Giáp có miếu Thần nữ.

Vua Sở Tương Vương đến chơi ở Cao Đường, nằm mộng thấy một thiếu nữ cùng vua chăn gối. Vua hỏi thì nàng ấy nói: Thiếp là Thần nữ núi Vu Sơn có nhiệm vụ sáng làm mây, tối làm mưa (Triêu vân mộ vũ). Nghĩa bóng: Chỉ việc trai gái chung chạ nhau.



Xa so Phi Yến triêu vân,

Biện Cầm nhường lửa Thái Tần kém đôi.

(Sơ Kính Tân Trang).



TRIỆU BÍCH VỀ TẦN

Triệu bích là viên ngọc bích nước Triệu, tức là ngọc Biện hoà.

Vua Chiêu Vương nước Tần nghe Triệu có một viên ngọc quý, xin đem mười lăm thành đổi lấy viên ngọc bích ấy. Vua Triệu bằng lòng, bèn sai Lạn Tương Như mang ngọc bích sang Tần.

Tương Như thấy vua Chiêu Vương không có thiện chí giao thành, nên lập mưu lừa vua Tần, lấy viên ngọc trở lại, không để cho Triệu bích về Tần.



Một hai ngăn đón hành trần,

Để cho Triệu bích về Tần sao nên.

(Quốc Sử diễn Ca).



TRIỆU BIỆN 趙 卞

Triệu Biện, tự là Duyệt Đạo, là người Tây An, đời nhà Tống, đỗ Tiến sĩ, làm đến chức quan Ngự sử. Tánh cương trực, mỗi khi đàn hặc không sợ kẻ quyền thế, nên người đương thời gọi ông là Thiết diện Ngự sử (Ngự sử mặt sắt). Lúc làm quan đất Ích Châu, đất Thành Đô, ở đâu, ông chỉ đem theo một cây đàn và một con chim hạc. Ông rất được dân chúng yêu mến.



Giá cầm hạc so vào Triệu Biện,

Thơ phụng hoàng đưa đến Mao Khanh.

(Tự Tình Khúc).



TRIỆU PHI YẾN 趙 飛 燕

Triệu Phi Yến là vợ vua Hán Thành Đế, có sắc đẹp và giỏi về ca vũ từ ngày còn nhỏ. Khi vua vi hành gặp được nàng, lấy làm ưa thích, đòi cả hai chị em vào cung, đều phong làm Tiếp dư. Phi Yến được vua sủng ái, phế Hứa Hoàng hậu để phong Phi Yến thế vào địa vị ấy. Hai chi em Phi Yến nắm quyền hành trong cung hơn mười năm, đêm ngày mê hoặc nhà vua, khiến vua bị bạo bịnh mà chết.

Ai Đế lên ngôi tôn Triệu Phi Yến lên làm Hoàng Thái hậu. Sau, Bình Đế lên ngôi, phế Phi Yến làm thứ dân, bà buồn rầu rồi tự sát.

TRIỆU QUANG PHỤC 趙 光 復

Triệu Quang Phục là con của quan Thái phó Triệu Túc, người ở Châu Diên , Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, theo cha giúp Lý Nam Đế lập được nhiều công, nay đem quân chống cự với nhà Lương (Trung Quốc) được ít lâu, rồi thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ Trạch. Dạ Trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà ở được.Triệu Quang Phục vào ở đất này núp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc mộc ra đánh quân của Trần Bá Tiên, cướp lấy lương thực về nuôi quân sĩ. Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Người thời bấy giờ gọi Triệu Quang Phục là “Dạ Trạch Vương”.



Lý vương phút trở xe rồng,

Triệu Quang Phục mới chuyên lòng kinh doanh.

(Quốc Sử Diễn Ca).



TRIỆU TỬ 趙 子

Triệu Tử hay Triệu Tử Long tên là Vân, người đời Tam Quốc, theo phò Lưu Bị nhà Thục. Ông là một trong năm tướng tài của Lưu Bị, lập được nhiều công lớn. Xem: Triệu Vân.



Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.

(Lục Vân Tiên).



TRIỆU VÂN 趙 雲

Triệu Vân tự là Tử Long, người đất Thường Sơn nhà Thục, là một dũng tướng đời Tam Quốc, theo phò Lưu Bị. Ông đạt được đầu công trong việc phò ấu chúa A Đẩu, đánh phá vòng vây tại trận Đương Dương.

Xem: Triệu Tử.

Ðạt đầu công có gã Triệu Vân,

Tá Thục trong khi lớn sức Thần.

(Đạo Sử).



TRINH BẠCH 貞 白

Trinh: Trinh tiết. Bạch: Trắng.

Trinh bạch là chỉ người đàn bà con gái giữ gìn trinh tiết trong trắng.



Thân lươn bao quản lấm đầu,

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!

(Truyện Kiều).



Luân thường quyết gánh lấy mình,

Treo gương trinh bạch rành rành cho coi.

(Hoa Tiên Truyện).



TRINH LIỆT 貞 烈

Trinh: Trung trinh, lòng ngay thẳng. Liệt: Cứng cỏi, không khuất phục.

Trinh liệt là một lòng ngay thẳng, trung thành với vua với nước, hoặc đàn bà giữ lòng trong trắng, ngay thẳng với chồng.



Giá trong sạch nữ nhi trượng tiết,

Giữ cho tròn trinh liệt mới mầu.

(Kinh Sám Hối).



TRINH TIẾT 貞 節

Trinh: Con gái còn trong trắng, hoặc người đàn bà chỉ theo một người chồng cho đến trọn đời. Tiết: Giữ vững lòng ngay thẳng.

Trinh tiết là sự giữ gìn trong trắng của người đàn bà và con gái.



Vì chưng trinh tiết chẳng gìn,

Có chồng còn lại ngoại tình với trai.

(Kinh Sám Hối).



Mây gió đành thân đem chứa giọt,

Ngàn năm trinh tiết phận yêu đào.

(Đạo Sử).



Đóng chặt cửa giữ nguyên trinh tiết,

Trọng thân danh bền nét đào yêu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Chữ trinh tiết dạy đừng để thiếu,

Phải phận dâu phải điệu vợ chồng.

(Phương Tu Đại Đạo).



TRÌNH CHU 程 朱

Trình: Hai anh em nhà họ Trình, là Trình Hạo và Trình Di. Chu: Chu Đôn Hy.

Ba danh Nho đời Tống là anh em Trình Hạo, Trình Di cùng với thầy là Chu Đôn Hy được người đương thời gọi chung là “Trình Chu”.



Cựa đuôi kình vượt bể Trình Chu,

tài bay nhảy ngại chi lao khổ.

(Tài Tử Đa Cùng Phú).



TRÌNH MÔN 程 門

Trình: Họ Trình, chỉ hai anh em Trình Di, Trình Hạo đời nhà Tống. Môn: Cửa.

Trình môn là cửa Trình, đồng nghĩa với “Sân Trình”, chỉ trường học Nho thời xưa.

Xem: Sân Trình.

Trình môn đã muốn ít câu văn,

Chải chuốt mép môi cũng gọi rằng.

(Đạo Sử).



TRONG DÂU HẸN HÒ

Hẹn hò trong bãi dâu, chỉ thói dâm bôn.

Do Kinh Thi nói về nước Trịnh có phong tục xấu, trai gái thường hay dâm loạn nơi ruộng dâu hay bên bờ sông Bộc. Xem: Thói Trịnh.

Sắt cầm bỗng dở dang nhau,

Say đâu với đứa trong dâu hẹn hò.

(Quan Âm Thị Kính).



TRONG DƯA DƯỚI MẬN

Trong dưa dưới mận dùng để chỉ sự hiềm nghi, khiến người ta ngờ vực.

Do câu: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan 瓜 田 不 納 履, 李 下 不 整 冠, nghĩa là ruộng dưa không xỏ giầy, dưới mận không sửa mũ, để phòng sự ngờ vực bẻ trộm dưa, hái trộm mận.

Tuyên phi học thói buông mành,

Trong dưa dưới mận nhân tình đều nghi.

(Quốc Sử Diễn Ca).



TRONG GIÁ TRẮNG NGẦN

Trong như băng giá, trắng như màu bạc. Dịch từ câu: Thanh như băng tuyết, bạch như ngân 清 如 冰 雪, 白 如 銀, dùng để chỉ sự trong trắng như băng tuyết.



Tiếc thay trong giá trắng ngần,

Đến phong trần cũng phong trần như ai.

(Truyện Kiều).



TRONG HANG VẮNG TIẾNG

Trong hang vắng tiếng tức là trong hang vắng vẻ không có âm thanh. Ý nói đừng nghĩ rằng nơi kín đáo không ai hay biết.



Chớ lầm tưởng trong hang vắng tiếng.

Mà dể duôi sanh biến lăng loàn,

(Kinh Sám Hối).



TRONG SÁCH LÀ DUYÊN

Bởi lấy ý trong câu chữ “Thú thê mạc hận vô lương môi, thư trung hữu nữ nhan như ngọc 娶 妻 莫 恨 無 良 媒, 書 中 有 女 顏 如 玉, nghĩa là lấy vợ đừng lo sợ không mối tốt, trong sách có gái đẹp như ngọc.

Trong sách là duyên ý muốn khuyên cố gắng đọc sách, học hành, khi nên danh phận thì duyên lành chẳng thiếu chi.

Đã người trong sách là duyên,

Mấy thu hạt ngọc Lam Điền chưa giâm.

(Bích Câu Kỳ ngộ).



TRỌNG DO 仲 由

Tức là Tử Lộ, họ Trọng, tên Do, người đời Xuân Thu, học trò Đức Khổng Tử. Ông là người nghèo, nhưng rất có hiếu, thường đổi gạo để kiếm tiền nuôi mẹ. Tử Lộ được xếp vào một trong nhị thập tứ hiếu (Tức hai mươi bốn người con hiếu thảo).

Xem: Tử Lộ.

Áo Trọng Do bạc thếch,

giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao,

(Tài Tử Đa Cùng Phú).



TRỌNG NI 仲 尼

Trọng: Bậc con thứ nhì (Mạnh, trọng, quý). Ni: Tức núi Ni Sơn ở nước Lỗ, tỉnh Sơn Đông, mà mẹ Khổng Tử đã lên cầu tự trên núi ấy.

Khổng Tử tên là Khưu, tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, đời nhà Châu. Ngài là tổ của Nho giáo, soạn ngũ kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu và Kinh Dịch, học trò có hơn ba ngàn người.

Ngài là người có đức độ, nên được người đời gọi là Tố Vương.

Ngỡ là chuông vua Hạ Võ chiêu hiền;

Ngỡ là đạc đức Trọng Ni thiết giáo.

(Sãi Vãi).



TRỌNG NI NHẬN VI SƯ HẠNG THÁC

Tức Khổng Tử nhận Hạng Thác là thầy.

Quốc Sách cho rằng Hạng Thác 項 橐 là một thần đồng trong thời Xuân Thu, mới bảy tuổi đã làm thầy Đức Khổng Tử.

Khi Khổng Tử qua nước Trần, gặp Hạng Thác đang ngồi đắp một cái thành bằng đất ở giữa đường. Xe Khổng Tử đến vẫn không tránh, Khổng Tử bảo: Sao cậu không tránh xe? Cậu bé thản nhiên đáp: Xưa nay xe tránh thành chứ thành nào có tránh xe.

Nghe xong Khổng Tử phục đứa bé, bèn xuống xe, cùng cậu bé đàm luận. Hạng Thác đặt nhiều điều hỏi Khổng Tử, khiến ông chịu thua, phải nhận Hạng thác làm thầy.

Trọng Ni nhận vi sư Hạng Thác,

Học tinh thần khai phát Nho tông.

(Nữ Trung Tùng Phận).



TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI 重 義 輕 財

Trọng nghĩa: Coi trọng việc làm phải. Khinh tài: Xem nhẹ tiền của.

Trọng nghĩa khinh tài là quý trọng đường nghĩa, xem nhẹ tiền tài.

Sách Ngự Loại có câu: Quân tử sở trọng giả đạo nghĩa, cố thị kim ngọc như hồng mao 君 子 所 重 者 道 義, 故 視 金 玉 如 紅 毛, nghĩa là người quân tử trọng điều đạo nghĩa, nên xem vàng ngọc nhẹ như lông hồng.

Chiếc thoa nào của mấy mươi,

Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao?

(Truyện Kiều).



Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài,

Nào ai chịu lấy của ai làm gì?

(Lục Vân Tiên).



TRỌNG TÀI KHINH NGHĨA 重 財 輕 義

Hay “Trượng tài khinh nghĩa”.



Trọng tài: Coi trọng tiền bạc. Khinh nghĩa: Khinh khi việc làm phải.

Trọng tài khinh nghĩa là nói hạng người chỉ biết tiền tài, coi nhẹ về hành vi nhơn nghĩa.

Xem: Trọng nghĩa khinh tài.

Trượng tài khinh nghĩa đã bao phen,

Làm mất số sang chịu khó hèn.

(Đạo Sử).



TRỌNG TIẾT 重 節

Hay “Trượng tiết”.



Trọng: Coi trọng, coi nặng. Tiết: Khí tiết, lòng dạ ngay thẳng cứng cỏi.

Trọng tiết hay trượng tiết là coi trọng cái khí tiết hay tiết hạnh của con người.



Giá trong sạch nữ nhi trượng tiết,

Giữ cho tròn trinh liệt mới mầu.

(Kinh Sám Hối).



TRỌNG TƯƠNG 仲 襄

Trọng Tương là tên một nhân vật trong tác phẩm “Trọng Tương Vấn Hớn 仲 襄 問 漢”, một quyển sách khuyết danh, nói về tiền căn báo hậu kiếp kể từ thời Tây Hớn cho đến đời Tam Quốc.

Sách kể rằng: Trọng Tương, họ là Tư Mã, ở tại quận Ích Châu, đời vua Hớn Linh Đế, nhà tuy nghèo nhưng là người thông minh, học giỏi, có lên kinh ứng thí chẳng may bị đánh rớt, khi trở về quê nhà cha mẹ lại mất. Ông là người con có hiếu, nên rất xót thương cha mẹ, bèn cất một cái lều bên phần mộ để cư tang.

Thường ngày vì nỗi thương nhớ cha mẹ, uất ức vì học tài thi mạng, cùng chứng kiến những cảnh khổ sở, oan ức mà bọn gian thần trong triều đình gây ra khiến người dân phải gánh chịu, làm cho Trọng Tương u uất, bèn làm một bài thơ có ý trách trời đất không công bình. Vì vậy, mắc tội phạm thượng với Thiên đình, bị bắt hồn về cõi Diêm cung vấn tội. Khi xuống Phong Đô, Trọng Tương xin ngồi ghế Diêm Vương xử tội. Vua Thập Điên bằng lòng.

Trọng Tương bèn xử: Tiền căn báo hậu kiếp, như Bành Việt cho đầu thai làm Lưu Bị, Hạng Võ làm Quan Công, Phàn Khoái làm Trương Phi, Anh Bố làm Ngô Tôn Quyền, Hàn Tín làm Tào Tháo, Lưu Bang làm Hán Đế, Hạng Sư làm Nhan Lương, Hạng Bá làm Văn Xủ…

Ta thấy Hàn Tín có công lớn với nhà Thục, đã không được hưởng, thế mà Lưu Bang còn buộc tội tru di tam tộc, nên kiếp sau, vào đời Tam Quốc, Hàn Tín đầu kiếp làm Tào Tháo, Lưu Bang làm Hán Đế để Tào Tháo bức hiếp, rồi soán ngôi nhà Hán, báo thù cho kiếp trước.

Tác phẩm “Trọng Tương vấn Hớn” tuy do trí tưởng tượng đặt ra, nhưng khéo liên kết để thành một câu chuyện giống như thật, nói về luân hồi quả báo để khuyên người làm lành, Phạt kẻ hung ác.

Trọng Tương thuở trước chết đi,

Hoàn hồn thuật lại sự thì phân minh.

(Hứa Sử Tân Truyện).



TRỌNG THUỶ MỴ CHÂU

Do điển “Trọng Thuỷ Mỵ Châu”.

Thục Phán chiếm được Văn Lang rồi lên ngôi, đổi tên là Âu Lạc, xưng hiệu An Dương Vương, chọn đất Phong Khê, nay là Phúc Yên để xây thành Cổ Loa. Khi xây Cổ Loa thành, An Dương Vương nhờ thần Kim Quy giúp đỡ và cho một cái móng chân để làm chiếc nỏ thần, lúc nào có giặc đem ra bắn, một phát có thể giết hàng vạn quân.

Tướng nhà Tần là Triệu Đà sang đánh Âu Lạc, nhờ chiếc nỏ thần nên không thắng được, phải giao hoà và xin cầu hôn Mỵ Châu, con gái An Dương Vương cho con là Trọng Thuỷ.

Trọng Thuỷ tuy yêu thương vợ, nhưng theo lệnh cha, dỗ dành Mỵ Châu để lén tráo lấy nỏ thần. Sau đó chàng xin phép An Dương Vương về thăm nhà và đem nỏ thần về nước, chàng đến từ giả vợ nói: Tôi về thăm nhà, nếu chẳng may có chiến tranh thì làm thế nào để tìm nhau. Mỵ Châu đáp: Nếu có giặc, khi ra khỏi Loa Thành thiếp sẽ mặc theo chiếc áo lông ngỗng, hễ chạy về đâu, sẽ lấy lông ngỗng ấy mà rắc dọc đường, chàng sẽ theo dấu lông ngỗng mà tìm nhau.

Lấy được nỏ thần, Triệu Đà bèn phát binh đánh thắng được Âu Lạc. An Dương Vương mới chở Mỵ Châu chạy về phương nam, đến núi Mộ Dạ, bây giờ thuộc tỉnh Nghệ An, sát bờ biển, thấy sau lưng quân giặc đuổi theo rất gấp. Đang lúc lo lắng thì thần Kim Quy hiện lên khỏi mặt nước và nói: Giặc ngồi sau lưng đấy. Bấy giờ An Dương Vương mới hiểu sự tình, tức là biết Mỵ Châu rải lông ngỗng dọc đường để quân Trọng Thuỷ đuổi theo, ông tức giận rút gươm ra chém chết Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển mà tự tận.



Rằng: Xưa Trọng Thủy, Mỵ Châu,

Hôn nhân là giả, khấu thù là chân.

(Quốc Sử diễn Ca).



TRỌNG THƯ 仲 舒

Tức là Đổng Trọng Thư, người Quảng Xuyên đời Hán. Lúc tuổi trẻ chuyên học kinh Xuân Thu. Đời Cảnh Đế, ông làm chức Bác sĩ, buông màn ngồi đọc sách và giảng sách, học trò ngồi ngoài rèm học tập, có thể không bao giờ thấy mặt. Ông học rất tinh cần, có khi ba năm không ra vườn ngắm. Ông thực tiễn những điều lễ nghĩa. Vì vậy, học giả đương thời đều tôn kính ông là thầy. Xem: Đổng Tử.



Đèn Mông Chính canh khuya một ngọn,

Màn Trọng Thư năm trọn nửa vây.

(Tự Tình Khúc).



TRÔI HOA GIẠT BÈO

Hoa bị nước cuốn trôi, bèo bị sóng đưa giạt. Ý chỉ thân phận người đàn bà con gái bị lưu lạc, lênh đênh, không biết đâu mà dừng lại.



Rằng: Tôi trót quá chân ra,

Để cho đến nỗi trôi hoa giạt bèo.

(Truyện Kiều).



Tiếc thay trong ngọc trắng ngà,

Nỡ hoài chi để trôi hoa, giạt bèo.

(Hoa Tiên Truyện).



Lục ông nói lại cùng cha,

Duyên con rày đã trôi hoa giạt bèo.

(Lục Vân Tiên).



TRỘM HƯƠNG CẮP PHẤN

Dịch từ câu “Thâu hương thiết phấn 偷 香 竊 粉”, tức là ăn cắp hương phấn cho người. Ý muốn nói hành động bất chính, vụng trộm của trai gái, tư tình với người ngoài.

Do điển: Con gái của Giả Sùng đời nhà Tần mê một chàng đẹp trai là Hàn Thọ, rồi lén trộm hương phấn quý hiếm của nhà vua ban, đem cho người tình ấy.

Xem: Thâu Hương.



Công cô rằng: Bảo cho hay,

Trộm hương cắp phấn cũng đầy chan chan.

(Quan Âm Thị Kính).



TRỘM NÉN HƯƠNG

Như thành ngữ “Trộm hương cắp phấn”, ý nói việc trai gái thầm lén, vụng trộm yêu nhau.

Do điển Hàn Thọ và người con gái của Giả Sung vụng trộm yêu nhau. Con gái Giả Sung trộm nén hương do vua ban cho cha, để lén tặng Hàn Thọ.

Xem: Thâu hương.



Không lẽ nói mến anh quên én,

Không lẽ rằng trộm nén hương thừa.

(Nữ Trung Tùng Phận).



TRỐNG GÔNG

Trống: Cái cùm để khóa chơn người có tội. Gông: Một tấm gỗ nặng có khoét lỗ dùng để tròng vào cổ và tay người có tội.

Trống gông là những thứ hình cụ dùng để xiềng xích, trăn trói tội nhân thời xưa.

Xem: Gông trống.

Trống gông nô lệ sao ham muốn?

Hình bóng quan viên xúm giựt giành.

(Đạo Sử).



TRỐNG THÔI HOA

Bởi chữ “Thôi hoa cổ 催 花 鼓”.

Trống thúc giục cho hoa nở.

Sách Khai Nguyên Dị Sự chép: Vua Đường Minh Hoàng vào buổi sáng tháng hai, dạo vườn Thượng uyển, bảo Cao Lực Sĩ lấy cái trống Yết cổ (Trống có một mặt), vua ngự vào Bình Đài nổi trống lên, tấu một khúc nhạc, gọi là bài “Xuân Quang hảo” (Ánh xuân đẹp). Tấu xong, bảo Cao Lực sĩ đi xem hoa kiểng, thì thấy cây liễu hạnh đều nức hoa. Vua cười bảo mọi người “Các ngươi chẳng đáng gọi ta là Thiên tử ư!”.



Chòm cỏ mọc lơ thơ bên nọ miếu,

Trống thôi hoa chia rẽ Lan Do.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



TRỞ ĐẬU QUÂN CƠ 阻 逗 軍 機

Trở Đậu: Ngăn trở cho dừng lại. Quân cơ: Guồng máy của quân đội.

Trở đậu quân cơ là ngăn trở trong mọi hoạt động của quân đội hay chậm trễ việc quân.



Bá Cao với lại Đông Sơ,

Tội làm trở đậu quân cơ bấy giờ.

(Nhị Độ Mai).

TRỞ GÓT GIẦY

Bởi chữ “Đảo lý xuất nghinh 倒 履 出 迎” tức đi ngược giầy ra đón.

Do tích: Thái Ung, tự là Bá Hài, đời Đông Hán là người có danh vọng trong triều đình, nhà lúc nào cũng đông tân khách. Một hôm có người bạn là Vương Xán đến chơi, Thái Ung vội vàng mang ngược giầy ra tiếp đón. Ý nói cử chỉ ân cần, niềm nở, vội vàng ra tiếp đón khách quý.

Vội vàng bèn trở gót giầy,

Mối rằng nương tử vào ngay trong phòng.

(Nữ Tú Tài).



TRỢ LỊNH 助 令

Trợ: Giúp đỡ. Lịnh: Mệnh lệnh.

Trợ lịnh là giúp đỡ thi hành các mệnh lệnh.



Cầu các Trấn Thần linh trợ lịnh,

Giữ Chơn hồn xa lánh xác trần.

(Kinh Tận Độ).



TRỢ NGUY TẾ HIỂM 助 危 濟 險

Trợ nguy: Phò trợ việc nguy cho người. Tế hiểm: Giúp đỡ người thoát điều hiểm.

Trợ nguy tế hiểm là phò trợ, giúp đỡ người gặp điều nguy hiểm.



Trợ nguy tế hiểm con ra sức,

Ðạo đức chung lo trọn tấc lòng.

(Đạo Sử).



TRỢ NHƯỢC PHÒ NGUY 助 弱 扶 危

Trợ nhược: Giúp cho kẻ yếu đuối. Phò nguy: Cứu kẻ gặp cơn nguy.

Trợ nhược phò nguy ý nói cứu giúp người yếu đuối, cô thế thoát khỏi cơn nguy.



Tưởng cơn trợ nhược phò nguy

Việc trong nhà nước bỏ đi sao đành!

(Hứa Sử Tân Truyện).



TRỜI CAO BỂ RỘNG

Bởi câu “Thiên cao hải khoát 天 高 海 闊”.

Trời cao bể rộng là trời biển bao la, còn dùng để ví với những gì to lớn, cao rộng

Trời cao bể rộng bao la,

Việc gì mà chẳng phải là việc ta.

(Thanh Hoá Quan Phong).



TRỜI CŨNG CÓ TA

Sung sướng hay khổ đau đều do từ phước hoạ, tức là điều may mắn hay sự rủi ro mà ra. Phước hoạ, người ta thường đổ cho trời, hay mạng số, nhưng theo triết lý các tôn giáo phước hoạ đó cũng do lòng người mà ra. Tức là mọi sự việc xảy ra cho con người, trong đó có trời (Mạng số) mà cũng có ta (Lòng người).



trờicũng ta,

Tu là cõi phúc tình là dây oan.

(Truyện Kiều)

Rồi đây trời cũng có ta,

Làm bao giờ, biết bấy giờ, mới cao

(Nhị Độ Mai).



TRỜI CHE ĐẤT CHỞ

Bởi chữ “Thiên phú địa tải 天 賦 地 載”.



Thiên phú: Trời che. Địa tải: Đất chở. Kinh Thi có câu: Thiên chi sở phú, địa chi sở tái 天 之 所 覆, 地 之 所 載, tức là trời che đất chở.

Theo quan niệm của người xưa, con người cùng với trời đất thuộc tam tài là thiên, địa, nhân. Con người đứng giữa trên thì trời che, dưới thì đất chở.

Trời che đất chở còn ví với công ơn cao dày của cha mẹ che chở cho con cái như trời đất.

Ai lớn bằng đất bằng trời,

Trời che đất chở, già đời không quên.

(Huấn Nữ Ca).



Trời che đất chở rộng thinh,

Lò âm dương đúc nên hình người ra.

(Thanh Hoá Quan Phong).



TRỜI NGHIÊU NGÀY THUẤN

Bởi chữ “Nghiêu thiên Thuấn nhật 堯 天 舜 日”.

Trời Nghiêu ngày Thuấn ý muốn nói ngày tháng của đời vua Nghiêu Thuấn, chỉ đời thánh bình thịnh trị.

Xem: Nghiêu Thuấn.



Bốn phương đầm ấm dân an,

Trời Nghiêu ngày Thuấn lưỡng gian thái hoà.

(Thanh Hoá Quan Phong).



TRỜI Ở CHO VỪA

Trời thật là công bình, thế mà khi làm việc gì cũng chẳng vừa lòng hết mọi người. Như nắng mưa trong ngày, người thì mong mỏi, kẻ thì sợ sệt, nên không bao giờ Trời làm vừa lòng hết trong thiên hạ được.



Một ngày cũng khó làm ơn,

Người kêu rằng nắng, kẻ hờn rằng mưa.

Biết sao Trời ở cho vừa,

Thay Trời nên phải trước ngừa việc dân.

(Thanh Hoá Quan Phong).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   122   123   124   125   126   127   128   129   ...   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương