Thiên vân quách văn hòa trong thi văn năM 2011 LỜi tựA



tải về 15.16 Mb.
trang130/134
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích15.16 Mb.
#30102
1   ...   126   127   128   129   130   131   132   133   134

VÂY CÁNH

Bởi chữ “Vũ dực 羽 翼” tức là vây cánh, do câu: Thiên sanh vũ dực, vị huynh đệ chi tương thân 天 生 羽 翼, 謂 兄 弟 之 相 親, nghĩa là trời sinh vây cánh, là nói anh em thân thiết nhau.

Vây cánh nghĩa rộng dùng để chỉ sức mạnh, hay sự đoàn kết. Xem: Vũ dực.

Đổng Hầu chiêu nạp vuốt nanh,

Góp thâu làm tăng vây cánh.

(Nhạc Hoa Linh).



VÂN CẨU 雲 狗

Vân: Mây. Cẩu: Chó.

Do câu “Bạch vân thương cẩu 白 雲 蒼 狗”, mây trắng chó xanh.

Theo câu thơ của Đỗ Phủ: Thiên thượng phù vân như bạch y, tu du hốt biến vi thương cẩu 天 上 浮 雲 如 白 衣, 須 庾 忽 變 為 蒼 狗, nghĩa là mây nổi trên trời như áo trắng, chốc lát rồi lại hoá chó xanh.

Vân cẩu dùng để chỉ cuộc đời biến đổi.

Xem: Bạch vân thương cẩu.

Lò cừ nung nấu sự đời,

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Soi biết bao lợi tẩu danh trường,

Kìa vân cẩu mảnh gương còn mãi đó.

(Thơ Hoàng Cảnh Tuân).



VÂN CÙ 雲 衢

Vân: Mây. : Con đường. Trình: Đường đi.

Vân cù là đường mây, dùng để ví với con đường công danh, khoa cử. Đồng nghĩa với “Vân lộ”, “Vân thê” (Thang mây). Xem: Vân trình.



Lạ gì cho trọng hơn ru,

Mà coi muôn dặm vân cù làm chơi.

(Hoa Tiên Truyện).



Nẩy sương vẹn bước vân cù,

Dẫn nhà riêng chiếm thú hồ sơn đây.

(Mai Đình Mộng Ký).



VÂN DU 雲 遊

Đám mây bay nay đây mai đó. Dùng để nói những kẻ lữ hành đi không nhất định, rày đay mai đó.

Vân du thường dùng cho các thầy tu đi từ chùa này qua chùa khác, hay truyền giáo, khất thực không có chỗ nhất định.

Giác Duyên từ độ giã nàng,

Đeo bầu quải níp rộng đường vân du.

(Truyện Kiều).



Từ đây theo thú vân du,

Kìa non nọ nước mặc dầu rong chơi.

(Dương Từ Hà Mậu).



Vân du thế giái vui mùi Ðạo,

Mơi viếng kỳ sơn tối cẩm san

(Đạo Sử).



VÂN ĐÀI 雲 臺

Tên một cái cung đời nhà Hán được xây rất cao, nên gọi là vân đài, tức là đài mây.

Đời vua Hiền Tông, vua nghĩ đến công ân của những kẻ đời trước mới truyền cho vẽ tượng của 28 công thần vào vách ở phía nam cung vân đài.

Trong văn học, chữ Vân đài, Đài vân, Đài mây, Gác mây dùng để chỉ những bậc trung thần của đất nước. Đối với Tôn giáo, Vân đài dùng để chỉ người đạt được phẩm cao trọng nơi cõi thiêng liêng hay đắc đạo.

1.- Chỉ bậc công thần:

Mênh mông biển rộng trời dài,

Hải tần còn dấu vân đài còn danh.

(Tư Dung Vãn).

2.- Chỉ người đạt đạo:

Vân đài có thuở đặng nêu tên,

Nghèo khổ hiền lương giữ dạ bền.

(Đạo Sử).



VÂN HƯƠNG 雲 鄉

Vân: Mây. Hương: Làng.

Từ câu “Thuỷ quốc vân hương 水 國 雲 鄉”, tức là quán nước làng mây, dùng với nghĩa đen để chỉ ao, hồ...

Nghĩa bóng: Chỉ những kẻ thích phóng khoáng phiêu lưu chốn sông hồ.

Người còn đôi mặt sờ sờ,

Bên mê thuỷ quốc, bên ngờ vân hương.

(Hoa Tiên Truyện).



VÂN YÊN 雲 煙

Vân: Mây. Yên: Khói.

Vân yên là mây và khói, dùng để chỉ nơi cao tít hay xa xôi.



Gió xuân rút cánh buồm duyên,

Thiều quang chín chục, vân yên một chèo.

(Mai Đình Mộng Ký).



VÂN TRÌNH 雲 程

Vân: Mây. Trình: Con đường.

Vân trình là đường mây, đường công danh, thi cử, tức nói cái tiền đồ rộng rãi bằng phẳng, chỉ sự thi đỗ, hiển đạt. Xem: Vân cù.



Đường vân trình dù sau dù trước,

Chữ công danh ai khác chi ai.

(Gia Huấn Ca).



Gót chân coi nhẹ vân trình,

Văn chương dốc túi công danh dật cờ.

(Tự Tình Khúc).



VÂN VŨ 雲 雨

Vân vũ là mây mưa trích từ điển Sở Tương Vương đi chơi ở đầm Vân Mộng, gần núi Vu Sơn, chiêm bao thấy một người con gái đẹp đến hầu vua và tự xưng Vu Sơn Thần nữ, có nhiệm vụ sáng làm mây, tối làm mưa. Sau vua lập đền thờ ở dưới chân núi Dương Đài.

Do vậy, người đời sau lấy hai chữ “Vân vũ” hay “Mây mưa” để chỉ việc ân ái của đôi nam nữ.

Lại có những người buồn quê quán xa xôi,

Chơi cùng ngươi cho khuây niềm vân vũ.

(Văn Tế Thuốc Phiện).



VẤN AN 問 安

Vấn: Hỏi thăm. An: Bình yên.

Vấn an là đến thăm hỏi người lớn khi vừa mới thức dậy.

Vua Văn Vương là người con hiếu thảo, khi còn là thế tử, mỗi buổi sáng, ăn mặc áo quần chỉnh tề để vào chầu, hễ nghe thái giám nói vua yên giấc thì Văn Vương mừng rỡ, hễ nói vua không yên thì lòng Văn Vương rất lo lắng.

Những là ngậm nhớ nuốt than,

Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà.

(Truyện Kiều).



VẤN DANH 問 名

Vấn: Hỏi. Danh: Tên. Vấn danh là hỏi tên họ.

Vấn danh là một trong sáu lễ của hôn nhân. Lễ này được tiến hành trước nhất trong hôn lễ, gọi là lễ dạm hỏi: Người nhà trai đem lễ vật đến hỏi tên tuổi của người con gái.



Gần miền có một mụ nào,

Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.

(Truyện Kiều).



Nguyện cho vạn sự giai thành,

Thì tôi sẽ biện vấn danh lễ thường.

(Nữ Tú Tài).



VẬN CHUYỂN 運 轉

Vận: Xoay động. Chuyển: Lay động, không đứng yên một chỗ.

Vận chuyển là xê dịch, xoay vần, không đứng yên một chỗ.

Vận chuyển còn có nghĩa là chuyên chở đồ vật từ nơi này đến nơi khác, bằng phương tiện hay bằng sức loài vật.

Càn Khôn sản xuất hữu hình,

Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sinh.

(Phật Mẫu Chơn Kinh).



Ngũ hành vận chuyển đoạt huyền Thiên,

Nương níu đôi năm khỏe tự nhiên.

(Đạo Sử).



VẬN SÔNG VÀNG

Nói gặp thời kỳ sông Hoàng Hà trong, chỉ Thánh nhân ra đời.

Sông Vàng tức sông Hoàng Hà, con sông lớn, bắt nguồn từ tỉnh Thanh hải, nước thường đục. Theo truyền thuyết, khi nước sông Hoàng Hà trong thì có thánh nhân ra đời.

Xem: Hà thanh.



Nửa nghìn chưa gặp vận sông Vàng,

Năm nhạc, hơi che một chữ quang.

( Ngư Tiều Vấn Đáp).



VẬN THỚI LUNG LĂNG

Vận thới: Vận mạng gặp lúc hanh thông, tức vận tốt. Lung lăng: Hung dữ càn bậy, không biết đến lẽ phải điều quấy.

Vận thới lung lăng, ý chỉ người có vận mạng hanh thông, được hưởng điều phước đức mà lòng lại lung lăng hung dữ.



Khi vận thới lung lăng chẳng kể,

Lúc suy vi bày lễ khẩn cầu.

(Kinh Sám Hối).



VẬN TRÙ 運 籌

Vận: Vận dụng. Trù: Tính toán.

Vận trù là tính toán trù liệu để hành động cho có kết quả.



Khuyên người đừng có ngao du,

Một năm no ấm vận trù từ đây.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Hiệp vạn chủng nhứt môn đồng mạch,

Qui thiên lương quyết sách vận trù.

(Phật Mẫu Chơn Kinh).



Con cũng đứng mày râu dưới thế,

Nếu kém phương thiếu thế vận trù,

(Nữ Trung Tùng Phận).



Tiền căn đã có sẵn công tu,

Biết đạo lý cao khá vận trù.

(Đạo Sử).



VẬT CHẤT 物 質

A.- Những vật ở thế gian có hình thể, sờ mó được gọi là vật chất. Vật chất thiên tạo như đất, đá..., vật chất nhân tạo như các thứ vật dụng.



Khối vật chất vô hồn viết tử,

Đất biến hình tự thử qui căn,

(Kinh Tận Độ).

B.- Vật chất trái với tinh thần, chỉ các thứ tạm bợ, không bền vững ở thế gian.

Vợ tốt rượu ngon và thịt béo,

Ham ưa vật chất chẳng hề kiêng.

(Đạo Sử).



Khuyên con ưa trân trọng tinh thần,

Khinh vật chất ắt thân bền giữ.

(Phương Tu Đại Đạo).



VẬT DỤC 物 欲

Vật dục là lòng ham muốn về vật chất. Lòng ham muốn này nằm trong năm thứ dục vọng, gọi ngũ dục: Tài 財 là tiền của và tài sản, Sắc 色 là sắc đẹp, thuộc về ái dục, tình dục, Danh 名 là danh vọng, địa vị, Thực 食 là ăn uống, ham thích cao lương mỹ vị, Thụy 睡 là ngủ nhiều, ham ngủ.

Ngoài ra, ngũ dục còn được hiểu là năm đối tượng ham muốn của con người ở thế gian này:

a.- Sắc 色: Sắc đẹp. Đối tượng tham dục của mắt, gọi là sắc dục.

b.- Thanh 聲: Âm thanh êm ái. Đối tượng tham dục của tai, gọi là thanh dục.

c.- Hương 香: Mùi hương thơm. Đối tượng tham dục của mũi, gọi là hương dục.

d.- Vị 味: Mùi vị thơm ngon. Đối tượng tham dục của lưỡi, gọi là vị dục.

e.- Xúc 觸: Đụng chạm của da thịt. Đối tượng tham dục của thân, gọi là xúc dục.

Ngũ dục hay vật dục là sợi dây trói buộc bản thân con người. Để dứt trừ được tâm tham nhiễm vật dục, người tu phải nhìn sâu vào thân, tâm, cảnh đều là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã. Người chưa biết Đạo thì buông lung năm căn, chạy theo mê đắm ngũ dục, còn người biết Đạo rồi thì cố tìm cách xa lìa khỏi nó.

Các vật dục xảy qua một buổi,

Cả hành vi lầm lỗi khôn ngừa.

(Kinh Thế Đạo).



VẬT ĐỔI SAO DỜI

Dịch từ chữ “Vật hoán tinh di 物 換 星 移”.

Vật đổi sao dời dùng để chỉ vạn vật trong vũ trụ hay việc đời thường đổi thay.

Vương Bột nhà Đường có câu thơ: Nhàn vân đàm ảnh nhật du du, Vật hoán tinh di kỷ độ thu 閒 雲 潭 影 日 悠 悠, 物 換 星 移 幾 度 秋, nghĩa là mây lơ lửng đầm nước lồng bóng, ngày tháng dằng dặc trôi, vật đổi sao dời qua mấy độ.



Dẫu rằng vật đổi sao dời,

Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh.

(Truyện Kiều).



Nguyệt rằng : Vật đổi sao dời,

Thân này trời để cho người soi chung.

(Nhân Nguyệt Vấn Đáp).



Cuộc đời thúc quý đua bơi,

Mấy thu vật đổi sao dời than ôi!

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Bởi đâu vật đổi sao dời,

Tấc tình chẳng toại, mệnh trời vậy vay!

(Hạnh Thục Ca).



VẼ HÙM RA CHÓ

Dịch nghĩa từ câu trong Hậu Hán Thư viết: Hoạ hổ bất thành phản loại cẩu 畫 虎 不 成 反 類 狗, nghĩa là vẽ hổ không nên, lại giống chó.

Vẽ hùm ra chó ý chê người hay làm càn, muốn việc hay mà hoá ra dở.

Trộm nghề tay khéo vẽ theo,

Vẽ hùm ra chó, để treo chúng cười.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



VÉN MÂY BẮN NHẠN

Vén mây lấy ý từ hội rồng mây để chỉ sự thi đỗ, thành công. Bắn nhạn lấy ý từ chữ nhạn tháp đề danh để chỉ sự đỗ đạt.

Ven mây bắn nhạn dùng để chỉ sự quyết tâm làm chuyện khó khăn đạt thành công, như thi đỗ.

Xem: Bắn nhạn ven mây.



Phỉ chí vén mây bắn nhạn,

Bõ công sửa túi nâng khăn.

(Tiễn Chồng Đánh Giặc).



VÉN MÂY NHẢY SÓNG

Bởi câu “Phi vân khoá lãng 披 雲 跨 浪” nghĩa là vạch mây cỡi sóng.

Vén mây nhảy sóng dùng để chỉ sự quyết tâm bay nhảy trong việc thi cử.

Biết đâu miệng thế khôn lừa,

Vén mây nhảy sóng bây giờ sẽ hay.

(Truyện Phan Trần).



VÉN QUẦN VUA TỐNG

Do câu trong Tống Sử: Kiến dân cơ hàn tắc kiển thường nhu túc dĩ cứu chi 見 民 饑 寒, 則 蹇 裳 濡 足 以 救 之, nghĩa là thấy dân đói rét thì xắn quần ngâm chân xuống nước để cứu lấy. Ý nói vua Tống Thái Tổ thấy dân đói thì cứu giúp dân.



Trên lọ phải vén quần vua Tống,

ra sức anh uy;

Dưới cũng vui vỗ bụng trời nghiêu,

dắng ca canh tạc.

(Ngã Ba Hạc Phú).



VỆ CÔNG

Tức là Vệ Thanh 衛 青.

Hán Sử chép: Ông Vệ Thanh mồ côi mẹ từ lúc nhỏ, nhà nghèo, cha sai chăn heo và dê hằng ngày. Một hôm có ông Kềm Đồ xem tướng Vệ Thanh rồi nói rằng: Anh sau này sẽ làm quan đến chức Hầu. Lớn lên, Vệ Thanh tùng quân, lần hồi được Võ Đế phong làm Đại Tướng quân, sai đi chinh phạt nước Hung Nô.

Anh hùng mấy kẻ so tài,

Sánh bằng Hàn Tín dự tày Vệ Công.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



VI CAO NGỌC TIÊU 韋 高 玉 蕭

Vi Cao đời nhà Đường, lúc còn trẻ đến trọ tại nhà một người họ Khương ở Giang Hạ. Họ Khương luôn hậu đãi Vi Cao, lo từ miếng ăn chỗ ở, lại đưa cho một người thị tỳ tên Ngọc Tiêu, theo hầu bên cạnh. Nàng con gái này mới mười tuổi, nhưng thông minh, nhanh nhẹn, nên Vi Cao rất yêu quý. Ba năm sau, Vi Cao bận việc phải về quê, đến cáo biệt, họ Khương ngỏ ý gả Ngọc Tiêu cho chàng. Vi Cao mừng rỡ cảm tạ tấm lòng tốt của nhà họ Khương, hẹn bảy năm sau trở lại đón Ngọc Tiêu và tặng cho nàng chiếc nhẫn ngọc làm tin. Ngọc Tiêu ngày đêm trông chờ, đã qua hơn bảy năm rồi mà không thấy Vi Cao trở lại. Nàng đau đớn khổ sở rồi sinh bịnh tương tư mà chết.

Bấy giờ, Vi Cao đang làm quan tại đất Thục, thương nhớ đến Ngọc Tiêu, cho người đi thăm dò tin tức. Người đi mang về một bức thư và cho biết nàng tương tư mà chết. Bức thư viết: Hoàng tước hàm hoàn dĩ sổ xuân, Biệt thời lưu giải tặng giai nhân. Trường nhai bất kiến ngư thư chí, vi khiến tương tư nhập mộng tần 黃 雀 銜 環 已 數 春, 別 時 留 解 贈 佳 人. 長 街 不 見 魚 書 至, 為 遣 相 思 入 夢 頻, nghĩa là chim sẻ vàng ngậm vòng đã mấy xuân, khi từ biệt gửi lại tặng cho giai nhân. Đường dài xa thẳm không thấy thơ tới, cho nỗi thương nhớ nhập vào giấc mộng.

Vi Cao thương cảm vô cùng, bèn nhờ đạo sĩ chiêu hồn nàng. Khi về nàng cho biết mười ba năm sau sẽ tái sinh đến hầu hạ để đền ân. Mười ba năm sau, nhân ngày sinh nhựt, Vi Cao mở tiệc ăn mừng, bạn bè thân hữu đều đến tặng quà chúc tụng, trong đó có một người ở Đông Xuyên tên là Cư Bát Toạ đem dâng một người con hát, nhỏ tuổi có sắc đẹp tên là Ngọc Tiêu. Đó là người con gái nhà họ Khương lúc trước.



Vi Cao lòng vẫn liền liền,

Ngọc Tiêu phỏng độ mấy niên tái hoàn.

(Quan Âm Thị Kính).



VI LÔ 葦 蘆

Vi lô là cây bông lau.



Vi lô san sát hơi may,

Một trời thu để riêng ai một người.

(Truyện Kiều).



VI NHÂN BẤT PHÚ 為 仁 不 富

Vi nhân: Làm điều nhân nghĩa. Bất phú: Không giàu có.

Vi nhân bất phú tức là làm điều nhơn nghĩa thì không sao giàu có được.

Theo sách Mạnh Tử, Dương Hổ nói: Vi phú bất nhân hỹ, vi nhân bất phú hỹ 為 富 不 仁 矣, 為 仁 不 富 矣, tức là lo làm giàu không thể có lòng nhân ái, lo làm nhân nghĩa thì không thể làm giàu.

Sãi muốn nói một chuyện:

Vi nhân bất phú”,

Sãi lai e thầy Nhan Tử mắng rằng:

“Khéo mở miệng mà tấn ơn”.

(Sãi Vãi).



Gặp anh em khi bàn bạc sự đời,

Lại đọc chữ “Vi nhân bất phú”.

(Hàn Nho Phong Vị Phú).



VI PHÚ BẤT NHÂN 為 富 不 仁

Vi phú: Làm giàu. Bất nhân: Chẳng có nhân nghĩa.

Vi phú bất nhân tức là làm giàu thì không làm sao giữ được điều nhân nghĩa.



Sãi muốn nói một chuyện:

Vi phú bất nhân”,

Sãi lại sợ anh Thạch Sùng trách rằng:

“Khéo thổi lông tìm vít”.

(Sãi Vãi).



Này là vi phú bất nhân,

Bông non lúa nát, năm phân tính lời.

(Huấn Nữ Ca).



VĨ NHÂN 偉 人

: To lớn. Nhân: Người.

Vĩ nhân là người có tài đức và làm nên sự nghiệp to lớn.



Xem lịch sử vĩ nhân mấy mặt,

Đại trượng phu trước giặc vong thân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VỊ BÀI

Tức là “Bài vị 牌 位”, là một tấm giấy hoặc gỗ dày, có đế đặt đứng được. Trên mặt giấy hoặc gỗ có viết tên họ, ngày sinh, ngày mất của người chết…Bài vị còn được gọi là Thần chủ, Mộc chủ, Linh vị… Người xưa quan niệm là đặt bài vị trên bàn thờ để linh hồn người quá cố nương tựa vào đó.

Xem: Bài vị.

Hương thề để trước vị bài,

Châm đề thấy rõ những ngày biệt phu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VỊ TÂN SẰN DÃ 渭 津 莘 野

Vị tân: Bến sông Vị. Sằng dã: Cánh đồng Hữu sằn.

Vị tân sằn dã là bến sông Vị, nơi Lữ Vọng ngồi câu, cánh đồng Hữu Sằn, nơi Y Doãn cày ruộng. Ý muốn nói đến cảnh bậc hiền tài còn ở ẩn, chưa gặp được thời để xuất chính.



Lúc vị ngộ Vị tân Sằn dã,

Lấy bút nghiên mà trả với non sông.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



VỊ THUỶ 渭 水

Vị thuỷ là sông Vị, nơi ngồi câu cá của ông Lữ Vọng, một danh thần của nhà Châu. Khi vua Châu Văn Vương đi săn, gặp ông ở mé bắc sông Vị, rước về phong làm Thừa Tướng. Ông giúp Văn Vương và Võ Vương dựng nên nghiệp lớn nhà Châu.



Thiên thai hái thuốc duyên gặp,

Vị Thuỷ gieo câu tuổi già.

(Quốc Âm Thi Tập)



Khát nước sông,

trong giòng đục không vơ,

phao Vị Thuỷ lênh đênh,

bạc đầu Lữ ngồi dai ho lụ khụ.

(Tài Tử Đa Cùng Phú).



VIÊM ĐẾ 炎 帝

Hiệu của Thần Nông, một vị vua thứ ba trong thời Tam Hoàng, đó là Toại Nhân, Phục Hy và Thần Nông (Thượng Thư Đại Truyện).

Thần Nông là vị vua thời Thượng cổ, trị vì sau vua Phục Hy. Ngài có công dạy dân đẽo gỗ chế ra cày bừa để làm ruộng, hợp chợ búa để dân trao đổi hoá vật, nếm các thứ cây cỏ để làm vị thuốc cho dân trị bịnh.

Đến thời vua Thần Nông con người mới biết định cư, sống hợp quần theo nông nghiệp. Ngài có công lớn trong việc tìm các loại ngũ cốc, khoai củ để làm lương thực cho dân chúng thời bấy giờ và mãi mãi sau này.

Xem: Thần Nông.

Cháu đời Viêm đế thứ ba,

Nối dòng Hỏa đức gọi là Đế minh.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Nhờ Viêm Đế đức cao ơn nặng,

Tìm lúa khoai người đặng no lòng.

(Sám Hối Kinh).



VIÊM LƯƠNG 炎 涼

Viêm: Nóng. Lương: Mát.

Nói về khí hậu nóng nhiệt hay mát mẽ.

Viêm lương còn dùng để chỉ nhân tình thế thái hay thay đổi, khi thì nồng nàn, khi thì lạnh nhạt.

Lý Bạch có câu: Nhất biệt cách thiên lý, Vinh khô dị viêm lương 一 別 隔 千 里, 榮 枯 易 炎 涼, nghĩa là khi cách xa nghìn dặm, viêm lương đã khác rồi.



Đêm khuya ghé lại rỉ lời:

Lòng người nham hiểm, thói đời viêm lương.

(Nhị Độ Mai).



VIÊN HẠC 猿 鶴

Con vượn và con chim hạc.

Đời nhà Tống, có Dương Hựu là người có phong độ, tâm tính phóng dật, thường chỉ vui cùng vượn và hạc, và đọc sách ngâm thơ. Lúc trò chuyện với người đời không hề nói đến việc triều đình.

Trúc mai chẳng phụ lòng quân tử,

Viên hạc đà quen bạn dật dân.

(Quốc Âm Thi Tập).



VIÊN LỮ 轅 旅

Viên: Nha môn. Lữ: Thuộc quân đội.

Viên lữ là chỗ quân lính đóng. Người xưa nhìn nơi viên lữ thì đoán biết được viên tướng cầm binh có thông hiểu các binh thư đồ trận hay không.



Từ thuở ở hàng viên lữ,

Pháp binh trăm trận đã lầu.

(Văn Tế Trương Định).



VIÊN MÔN 轅 門

Viên: Cửa ngoài của nha môn. Môn: Cửa.

Viên môn là cửa bên ngoài của các quan thự, hay nha môn.



Viên môn vẻ hổ tước bình,

Giáo thăm thẳm đóng quân sình sịch hơi.

(Nhị Độ Mai).



VIÊN NGOẠI 員 外

Ngày xưa, viên ngoại là một chức quan ngoại ngạch. Chức này ngày trước có thể bỏ tiền ra mua được.

Ở Việt Nam, viên ngoại là một chức quan trong triều, không lớn mà cũng không phải nhỏ, nếu so thì ngang hàng với Tri phủ.

Có nhà viên ngoại họ Vương,

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung.

(Truyện Kiều).



VIỆN HOA 院 花

Viện: Nhà hoặc cung thất, chung quanh có tường bao bọc. Hoa: Bông hoa.

Viện hoa là vườn trồng hoa, chung quanh có xây tường vây bọc.



Sửa làm một chốn phòng văn,

Viện hoa bắc mở, đình xuân nam bầy.

(Hoa Tiên Truyện).



VIỆN SÁCH 院 冊

Nhà riêng để chứa sách vở (Phải có nhiều loại sách), hoặc phòng để học hành gọi là viện sách.



Vực ngay lên ngựa tức thì,

Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong.

(Truyện Kiều).



Gác kinh viện sách đôi nơi,

Trong gang tấc lại gấp mười quan san.

(Truyện Kiều).



VIỄN ĐỒ 遠 途

Viễn: Xa xuôi. Đồ: Con đường.

Viễn đồ là con đường xa xuôi.



Viễn đồ trước mới liệu phương,

Lập nơi Tân sở tính đường vững chân.

(Hạnh Thục Ca).



VIỄN HOÀI 遠 懷

Viễn: Xa. Hoài: Nhớ.

Viễn hoài là tưởng nhớ đến người ở xa.



Bâng khuâng một mối viễn hoài,

Khi trong sân tuyết, khi ngoài trời tây.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



VIỄN PHỐ 遠 浦

Viễn: Xa. Phố: Bến đò.

Viễn phố bến đò xa.



Gác mái ngư ông về viễn phố,

Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

(Thơ Bà Huyện Thanh Quan).



VIỄN THÚ 遠 戍

Viễn: Xa xôi. Thú: Quân lính đóng giữ ở miền biên giới. Viễn thú tức là quân lính được đưa đi đóng giữ ở vùng biên giới xa xôi.

Hoạ là may nhẽ nào chăng,

Kẻo người viễn thú trông chừng còn khơi.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Bản chức nay:

Vâng lệnh biên phòng,

Chạnh niềm viễn thú.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



VIẾNG SỚM THĂM HÔM

Viếng sớm thăm hôm, nói bổn phận của người con hiếu thảo, tối vào hầu hạ cha mẹ cho định giấc ngủ, sáng thăm cha mẹ xem có yên không.

Xem: Viếng thăm hôm sớm.

Kiến thân viếng sớm thăm hôm,

Chua cay rõ miếng cơm ngon cá bùi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



VIẾNG THĂM HÔM SỚM

Bởi câu “Hôn định thần tỉnh 昏 定 辰 省”, hay “Thần hôn định tỉnh 晨 昏 定 省”.

Theo sách Lễ Ký viết: Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh 凡 為 人 子 之 禮, 冬 溫 而 夏 凊, 昏 定 而 晨 省, nghĩa là phàm theo lễ của người làm con, mùa đông lo cho cha mẹ ấm, mùa hè lo cho cha mẹ mát, buổi tối lo mền chiếu, buổi sáng thăm hỏi cha mẹ có mạnh giỏi không.

Như vậy, bổn phận người con hiếu, buổi tối trải mền chiếu, hầu hạ cha mẹ cho được yên giấc ngủ, gọi là hôn định; buổi sáng phải thăm cha mẹ xem có được yên không, đó là thần tỉnh.

Viếng thăm hôm sớm ý nói sáng chiều con cái thăm viếng và hầu hạ cha mẹ.

Xem: Thần tỉnh.



Viếng thăm hôm sớm song thân,

Trọn câu thần tỉnh ân cần cung Tiên.

(Kinh Thế Đạo).



VIỆT HỒ 越 胡

Việt: Một nước ở phương nam. Hồ: Rợ Hồ ở phương bắc, chỉ Hung Nô.

Đất Việt và xứ Hung Nô là hai nơi rất xa nhau, vì vậy người ta dùng chữ “Việt Hồ” hay “Hồ Việt”để chỉ sự cách xa nhau.



Lòng tôi trăm mối tơ vò,

Nghĩ rằng xa cách Việt Hồ đôi nơi.

(Tây Sương).




tải về 15.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   126   127   128   129   130   131   132   133   134




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương