THẾ thân bồ TÁt câu xá luận tụng lưỢc thích I



tải về 0.86 Mb.
trang2/19
Chuyển đổi dữ liệu13.03.2018
Kích0.86 Mb.
#36476
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19

Chương dẫn nhập


Những bậc cổ đức giảng thuật giáo điển, trước khi giải thích chánh văn đều có nêu bày ý nghĩa tổng quát để giới thiệu giáo nghĩa u huyền.

Riêng luận Cu-xá này, các nhà chú giải danh tiếng thường dùng nhiều phương pháp khác nhau. Như Pháp sư Phổ Quang thì lập ba môn phân biệt : 

1. Minh luận duyên khởi; 
2. Thích luận đề mục; 
3. Tùy văn biệt thích. 

Pháp sư Pháp Bảo  thì lập thành năm môn : 

1. Sơ chuyển pháp luân thời; 
2. Học hành thứ đệ; 
3. Khởi giáo nhân duyên; 
4. Bộ chấp tiền hậu; 
5. Y văn giải thích. 

Pháp sư Viên Huy  thì lập thành sáu môn : 

1. Minh luận duyên khởi; 
2. Thắng luận tôn chỉ; 
3. Minh tạng sở nhiếp; 
4. Phiên dịch bất đồng; 
5. Lược giải phẩm đề; 
6. Quảng thích văn nghĩa.

Ngoài ra, những nhà chú giải khác, như ngài Trạm Huệ  thì lập thành sáu môn, ngài Lâm Thường lập tám môn, v.v… Phương cách tuy nhiều, chẳng khác nào lan huệ đua nhau phô trương vẻ đẹp, nhưng tất cả cùng nhắm mục đích xiển dương lý giáo u huyền.

Cách giải thích của tôi ở đây là trước hết tìm hiểu bộ luận này do ai trước tác, và trước tác vào thời gian nào. Vì thế nên nêu phần tác giả và thời gian lên đầu để làm lời dẫn nhập.

I. Tác giả và thời gian


Một cách khái quát, luận này do luận sư Bà-tẩu-bàn-đậu (Vasubandhu; cựu dịch là Thiên Thân, tân dịch là Thế Thân ), người Ấn Độ, sinh hoạt trong khoảng thời gian sau Phật diệt độ 900 năm.

Về tiểu sử tác giả, các tài liệu trong Đại tạng như Bà Tẩu Bàn Đậu pháp sư truyện, 1 quyển, và Phó pháp tạng nhân duyên truyện, 1 quyển, chép rằng: Luận sư người Bắc Thiên Trúc, sanh quán tại đại đô thành Bố-lâu-sa-bố-la (Puruṣapura) thuộc nước Kiền-đà-la (Gandhāra), họ Kiều-thi-ca, chủng tộc Bà-la-môn (một trong bốn giai cấp xã hội Ấn độ). Ngài có ba anh em, tất cả đều xuất gia theo bộ phái Tát-bà-đa (Sarvāstivāda: Nhất Thiết Hữu Bộ, hay nói tắt: Hữu Bộ), một trong 20 bộ phái Tiểu thừa .

Anh ngài là Vô Trước (Asaṅga), sớm đã tỏ ngộ Không lý (śūnyatā của Tiểu thừa, không còn bị bế tắc.) Từ đó mà thông suốt thật tướng, trở về chuyên hoằng dương giáo nghĩa Đại thừa.

Em ngài là Tỉ-lân-đặc-bạt-bà  thì chỉ theo giáo nghĩa Tiểu thừa mà thôi.

Riêng ngài là một bậc thông tuệ tuyệt vời. Khi còn theo Tiểu thừa, Ngài viết 500 bộ luận để xiển dương giáo nghĩa này. Về sau, được sự khuyến dẫn của anh là Vô Trước, Ngài trở về với Đại thừa và cũng viết 500 bộ luận để hoằng truyền giáo nghĩa này. Vì thế, đương thời Ngài được tôn xưng là “Thiên bộ luận sư .” Cu-xá là một trong số 500 bộ luận thuộc Tiểu thừa do Ngài trước tác.

Về địa điểm tạo luận. Theo Tây vực ký, quyển 2, cách thành Bố-lâu-sa-bố-la, nước Kiền-đà-la, 8 hay 9 dặm về phía đông có một cây Tất-bát-la; phía nam của cây này có một ngôi tháp do vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka) dựng lên khoảng sau Phật diệt độ 400 năm. Phía tây của ngôi tháp có một ngôi chùa cao và rộng lớn với nhiều tầng, tên là Quỳnh Lâm, cũng do vua Ca-nị-sắc-ca kiến lập. Tầng thứ ba của chùa là một tăng phòng nơi mà trước kia ngài Hiếp Tôn giả ở. Phía đông tăng phòng đó có một gian nhà, chính là nơi Luận sư viết luận Cu-xá.

Về thời gian trước tác luận Cu-xá, không thấy có sách nào ghi chép. Tuy nhiên, trên đại thể, có thể căn cứ vào các điều sau đây để suy đoán:

Ngài Thế Thân lúc 80 tuổi mới viết bộ Duy thức tam thập tụng. Đây là tác phẩm sau cùng của Ngài.

Cu-xá được viết trong thời gian Ngài chưa theo Đại thừa.

Và nếu như chấp nhận năm 900 năm sau Phật diệt độ là năm luận sư ra đời thì có thể ước định rằng, Cu-xá được viết khoảng trước hay sau 940-950 sau Phật diệt độ.

Tuy nhiên, năm sanh của luận sư có nhiều thuyết sai khác:

Các tác phẩm như Duy thức thuật ký, Trung biên sớ, thì nói Ngài ra đời sau Phật diệt độ 900 năm.

Tây vực ký và Từ Ân truyện  thì cho rằng ngài ra đời sau Phật diệt độ 1.000 năm.

Bài tựa của Huệ Khởi  pháp sư viết cho luận Cu-xá thì chép Ngài ra đời sau Phật diệt độ 1.100 năm.

Nhưng theo các nhà Cu-xá, như Quang ký quyển 8, hay Bảo ký quyển 8, đều chấp nhận thuyết 900 năm. Vì thế, nay cũng căn cứ vào thuyết 900 năm đó để xác định thời gian tạo luận.

Tóm lại, luận Cu-xá  này do luận sư Thế Thân, người Bắc Thiên Trúc, nước Kiền-đà-la, ra đời trong khoảng thời gian sau Phật diệt độ 900 năm, trước tác tại một tăng phòng không xa đại đô thành Bố-lâu-sa-bố-la (Puruṣapura) bao nhiêu.


II. Ý hướng tạo luận


Chúng ta đã biết Luận sư viết luận này. Nhưng với ý hướng nào mà Ngài viết ra nó? Trước tiên, xin nói lên sự thật về nguồn gốc của luận, sau đó sẽ nói về ý hướng ấy.

Về nguyên do viết luận, các tác phẩm như Quang ký, Bảo sớ, Tụng sớ, đều ghi chép khá rõ. Ở đây chỉ nhắc lại, khỏi phải giảng giải thêm.

Bảo sớ quyển 1 chép: Bồ tát Thế Thân , người nước Kiền-đà-la. Ban đầu, Ngài xuất gia theo Hữu bộ, do đó học hỏi nghiên cứu Tam tạng của Hữu bộ. Sau ngài học giáo điển của Kinh bộ (Sautrāntika) và cho rằng nghĩa lý của bộ phái này chánh đáng hơn. Bấy giờ, đối với giáo nghĩa của Hữu bộ, có chỗ ngài đồng ý, có chỗ ngài phủ nhận. Ngài muốn đến Ca-thấp-di-la (Kaśmira) nghiên cứu thêm giáo nghĩa của Hữu bộ để khảo định lẽ thị phi. Nhưng sợ chúng Tăng ở đó đem lòng đố kỵ, nên Ngài đổi tên, âm thầm đến tham học. Trải qua bốn năm, Ngài thông suốt tất cả giáo nghĩa trong Tam tạng của Hữu bộ, và thường đem nghĩa lý của Kinh bộ đả phá Hữu bộ. Bấy giờ có vị A la hán tên là Tắc-kiền-đà, Tàu dịch là Ngộ Nhập, là bổn sư của ngài Chúng Hiền (Saṅghabhadra). Vị La hán này thường bị Ngài chất vấn, rất lấy làm lạ về tư cách của Ngài, bèn nhập định quán sát, mới biết đó là Thế Thân, và âm thầm đến bảo: “Chúng tăng ở đây có người chưa ly dục, e rằng sẽ gây hại. Trưởng lão hãy mau trở về nước.”

Nhân đó, Ngài trở về và viết luận tụng.

Tụng sớ quyển 1 chép: Bấy giờ, ngài Thế Thân sau khi về nước, giảng Tì-bà-sa. Cứ sau mỗi ngày giảng xong, Ngài đúc kết viết thành một bài kệ tóm tắt tinh nghĩa đã giảng trong ngày ấy, rồi cho khắc lên lá đồng đỏ. Lần hồi như thế, tổng cộng hết thảy được 600 bài tụng, tóm thâu trọn vẹn yếu nghĩa của Đại-tì-bà-sa . Ngài cho voi chở số lá đồng đỏ có khắc các bài tụng ấy, gióng trống tuyên bố: “Ai đả phá được ý nghĩa của những bài kệ này, tôi xin bái tạ.” Cuối cùng không một ai phá nổi. Rồi Ngài cho người mang qua tặng nước Ca-thấp-di-la. Bấy giờ, quốc vương và chúng Tăng ở đó nghe thế, ai nấy đều vui mừng. Họ trang hoàng những phướn, những lọng, cờ xí, đi nghinh đón. Đàn voi chở kệ tụng đi trước, đoàn người nghinh đón theo sau. Về đến Ca-thấp-di-la, mọi người cùng nghiên cứu học hỏi. Phần lớn ai cũng cho rằng Luận chủ đã xiển dương giáo nghĩa của bộ phái mình. Bấy giờ, ngài Ngộ Nhập bảo đồ chúng rằng: “không phải chỉ cốt hoằng truyền tông nghĩa của Hữu bộ đâu. Bởi lẽ đọc đến chữ ‘truyền thuyết’ thì thấy hình như Luận chủ không tin. Nếu như các ông nghi ngờ thì hãy xin Luận chủ giải thích ắt rõ.”

Nghe thế, quốc vương và chúng Tăng mới cử người mang lễ vật đến xin Luận chủ giải thích bản văn. Nhân đó, Ngài làm thêm khoảng tám ngàn bài tụng nữa để giải thích, rồi cho sứ giả mang về. Nhờ thế, mọi người ở Ca-thấp-di-la mới thấy đúng như lời ngài Ngộ Nhập đã nói. Quả thật, chủ ý của ngài Thế Thân không nghiêng hẳn về Hữu bộ.

Căn cứ vào các đoạn văn trên đây, ta có thể biết nguyên do sáng tác bộ luận này, là ngài Thế Thân muốn khảo định lẽ thị phi về tôn nghĩa của Hữu bộ. Do đó, Ngài giảng Đại-tì-bà-sa, ban đầu viết 600 bài tụng căn bản; sau đó, thể theo lời thỉnh cầu của đồ chúng Hữu bộ, Ngài viết thêm văn trường hàng. Sự kiện đó đã quá rõ ràng. Nhưng bằng vào ý hướng nào mà Ngài sáng tác luận Cu-xá? Căn cứ đoạn văn đã dẫn trên đây, ta có thể suy luận mà biết được một cách đại khái. Nhưng không phải chỉ có vậy.

Nếu căn cứ Tụng sớ, quyển 1, có ba ý hướng tạo luận:

1. Vì muốn cho chúng sanh đoạn trừ phiền não;
2. Vì muốn làm phát sinh trí tuệ sáng suốt của hàng trí giả;
3. Vì muốn hoằng truyền và bảo tồn Chánh Pháp được lâu dài.

Các điều này có thể trích dẫn luận văn để xác chứng. Tuy nhiên ba ý hướng ấy, tạng Luận nào của Phật giáo cũng đều có cả. Vì cả ba đều là ý hướng chung của các luận gia.

Khảo sát duyên khởi của bộ luận này, ta thấy ý hướng đặc thù của nó chính là phá trừ sự thiên chấp của Hữu bộ để hiển bày chánh lý của lời Phật dạy. Dựa vào đâu để chúng ta có thể nói như vậy ? Chúng ta biết rằng ngài Thế Thân vốn xuất gia theo Hữu bộ. Tất nhiên đối với giáo nghĩa của bộ phái này Ngài phải tôn trọng phụng trì. Nhưng lúc ấy, tại Ấn độ, Hữu bộ không chỉ thịnh hành ở Kiền-đà-la (Gandhāra) là sanh quán của ngài Thế Thân, mà còn rất thịnh hành ở Ca-thấp-di-la (Kaśmira, là một lân bang). Tình trạng đồ chúng Hữu bộ tại Ca-thấp-di-la thực sự như thế nào? 

Sau khi đức Phật diệt độ khoảng 400 năm, vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniṣka tập họp Thánh chúng gồm 500 vị A-la-hán biên tập luận Đại tì-bà-sa (Mahāvibhāsa). Về sau, đối với Đại tì-bà-sa cũng như đối với Lục túc  và Phát trí , các luận điển được coi là nền tảng, họ tôn trọng hơn kinh do đức Phật nói ra. Còn đối với kinh luận được các bộ phái khác sử dụng, họ một mực bài bác. Thái độ khen mình chê người đến cực điểm, không kể gì lẽ phải, cứ khư khư chấp chặt danh tướng, như cho rằng “Tam thế thật hữu”, “Tam khoa cu thật”, v.v... mà ở đây không cần nói chi tiết.

Ngài Thế Thân muốn loại bỏ tư tưởng thiên vị bè phái đó. Nếu nghĩa lý nào đúng đắn, thì dù của bộ phái khác Ngài cũng chấp nhận; còn nếu phi lý thì dù là của tôn phái mình Ngài cũng gạt bỏ. Mục đích của Ngài cốt phá trừ các tình chấp ngoan cố hẹp hòi từ trước đến nay của các bộ phái mà phát huy chơn lý của pháp Phật. Cho nên, Tây vực ký, quyển 4, nói rằng: “Bấy giờ có Bồ tát Thế Thân một lòng tôn sùng đạo lý huyền diệu, cầu sự hiểu biết ngoài ngôn từ, đả phá chỗ chấp trước của Tì-bà-sa mà viết luận A-tì-đạt-ma Cu-xá. Ngôn từ và nghĩa lý đều tinh tường, lý trí cao siêu thần nhã.” Đây là một bằng chứng. Một chứng cứ khác là trong luận Cu-xá, quyển 29, ngài Thế Thân cũng nói rằng: “Nghĩa lý của Ca-thấp-di-la đã hoàn bị. Phần lớn tôi nương vào đó để giải thích đối pháp. Có một ít điều chê bai, đó là lỗi ở nơi tôi. Nhưng phê phán đâu là Chánh lý thì chỉ có đức Mâu-ni.” Độc giả cũng nên để ý.



tải về 0.86 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương