THẾ thân bồ TÁt câu xá luận tụng lưỢc thích I


Tiết 5: Phế và lập danh từ



tải về 0.86 Mb.
trang14/19
Chuyển đổi dữ liệu13.03.2018
Kích0.86 Mb.
#36476
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

Tiết 5: Phế và lập danh từ

Trong 12 xứ, 5 căn, 5 cảnh, đều thuộc về sắc pháp nên lẽ ra cũng được gọi là sắc, nhưng tại sao sắc cảnh, đối tượng của nhãn căn, một trong năm cảnh, lại đặc biệt được mệnh danh là sắc xứ? Và tất cả 12 xứ đều có nghĩa là “nhậm trì tự tánh” thì đúng ra phải được gọi chung một tên là “pháp, ở đây tại sao lại đặc biệt chỉ gọi đối tượng của ý là pháp xứ?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Vị sai biệt, tối thắng,
Nhiếp đa, tăng thượng pháp,
Cố nhất xứ danh sắc,
Nhất danh vi pháp xứ (21)

Dịch nghĩa:

Vì sai biệt, tối thắng,
Nhiếp đa, và tăng thượng pháp,
Cho nên một xứ gọi là sắc,
Và một xứ gọi là pháp. (tụng 21)

Trong 10 xứ, sở dĩ chỉ gọi đối tượng của nhãn căn là sắc xứ, vì hai lý do sau đây:

1. Sai biệt: mặc dù 5 căn, 5 cảnh đều thuộc về sắc pháp, nhưng nếu chúng được gọi chung là sắc thì không thể hiển lộ được tính cách sai biệt. Cho nên, đối với 9 xứ kia mỗi xứ đều có tên riêng. Còn ở đây chỉ gọi sắc cảnh là sắc xứ để nói lên sự sai biệt trong 10 xứ.

2. Tối thắng: tất cả sắc cảnh mà nhãn căn thấy được đều có tính chất “làm đối tượng” và “bị thấy”, do đó thế gian cũng gọi là sắc. Vì các tính chất thù thắng đó, cho nên 9 xứ kia không được gọi là sắc mà chỉ gọi cảnh của nhãn căn là sắc mà thôi.

Trong 12 xứ, sở dĩ chỉ gọi đối tượng của ý căn là pháp xứ bởi ba lý do sau:

1. Sai biệt: mặc dù 12 xứ đều là pháp, nhưng nếu gọi tất cả như thế thì không hiển lộ được tính cách sai biệt của chúng. Cho nên với 11 xứ kia mỗi xứ đều có tên riêng, còn ở đây chỉ gọi đối tượng của ý căn là pháp xứ chính để nói lên sự sai biệt trong 12 xứ.

2. Nhiếp đa, bao gồm nhiều pháp, mặc dù pháp xứ chỉ là một trong 12 xứ, nhưng nó bao gồm 64 pháp khác. Đó là: 46 tâm sở, 14 bất tương ưng hành, 3 vô vi và vô biểu sắc. Vì thế gọi là pháp xứ.

3. Nhiếp pháp tăng thượng: pháp tăng thượng là Niết-bàn. Pháp xứ bao gồm cả pháp tăng thượng Niết-bàn, cho nên đặc biệt gọi là pháp. Ba chữ “vị sai biệt” trong tụng văn là chỉ chung cho sắc xứ và pháp xứ.

---o0o---

Tiết 6: Nhiếp dị danh


Đoạn 1: Lược nhiếp pháp uẩn.

Trong các kinh, uẩn, xứ và giới có nhiều tên khác nhau. Trong đó, như tám vạn bốn ngàn pháp uẩn, chúng thuộc về uẩn nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Mâu Ni thuyết pháp uẩn,
Số hữu bát thập thiên,
Bỉ thể ngữ hoặc danh,
Thử sắc, hành uẩn nhiếp. (23)

Dịch nghĩa:

Đức Mâu Ni nói pháp uẩn,
Số có tám mươi ngàn;
Thể của chúng, hoặc ngữ hoặc danh,
Do đó, hoặc thuộc sắc uẩn, hoặc thuộc hành uẩn.

Mâu-ni, tiếng Phạn gọi là Mâu-ni (muni), Trung hoa dịch là tịch mặc. Đó chính là đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni.

Bát thập thiên: tức 8 vạn 4 ngàn được nói gọn.

Bỉ thể ngữ hoặc danh: thể của pháp uẩn mà đức Thế Tôn đã nói, có thuyết cho là ngôn ngữ, có thuyết cho là danh, cú, văn. Nếu lấy ngôn ngữ làm thể, mà ngôn ngữ chính là âm thanh, thì tám vạn bốn ngàn pháp uẩn đều thuộc về sắc uẩn trong 5 uẩn. Nếu lấy danh cú văn làm thể, mà danh cú văn thuộc bất tương ưng hành, thì 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn chắc chắn thuộc về hành uẩn trong năm uẩn. Do đó, tụng văn nói: Thử sắc, hành uẩn nhiếp. Hai thuyết trên, căn cứ vào luận Tì-bà-sa, quyển 126. Ở đây, thuyết đầu được coi là đúng.

Lượng của pháp uẩn như thế nào?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Hữu ngôn chư pháp uẩn,


Lượng như bỉ luận thuyết;
Hoặc tuỳ uẩn đẳng ngôn;
Như thật hành đối trị. (23)

Dịch nghĩa:

Có người nói lượng của các pháp uẩn,
Như lượng được nói trong luận kia;
Hoặc tùy theo uẩn,... mà nói ;
Hoặc như thật hành đối trị. (tụng 23)

Nói về lượng của pháp uẩn, ở đây có ba thuyết theo ba tiêu chuẩn khác nhau.

1. Định lượng theo văn năng thuyên (2 câu đầu của bài tụng): mỗi một pháp uẩn trong 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn, lượng của nó bằng lượng của một bộ Pháp uẩn túc luận (Dharmaskandha-śāstra) gồm 6 ngàn bài tụng.

2. Định lượng theo nghĩa sở thuyên (câu tụng thứ 3): lượng của pháp uẩn không thể căn cứ vào con số nhiều ít của văn năng thuyên để phân định. Mà văn cú dù ít đến đâu nếu có thể trình bày rõ được cái nghĩa đệ nhất thì đó chính là lượng của một pháp uẩn. Chẳng hạn như 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 12 nhơn duyên, 4 đế, bốn thức ăn v.v… Cho nên tụng văn nói: “Hoặc tùy uẩn đẳng ngôn.”

3. Định lượng theo công dụng (câu thứ 4): loài hữu tình mà đức Phật giáo hóa có 8 vạn 4 ngàn phiền não. Để đối trị số phiền não nhiều như thế, Ngài nói 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn. Cho nên, lượng của tất cả pháp uẩn căn cứ vào công năng đoạn trừ tất cả vọng hoặc mà định.

Trong ba thuyết này, ở đây lấy thuyết thứ ba làm chính. Cho nên đặc biệt thêm vào hai chữ “như thật.”

Con số 8 vạn 4 ngàn phiền não này được thành lập như thế nào? Khảo sát các kinh luận, có 4 thuyết:

1. Thuyết của kinh Hiền Kiếp, quyển 2, được nhắc đến trong Duy thức thuật ký quyển 5, Bảo sớ quyển 1.

2. Thuyết của luận Đại trí độ quyển 25 và quyển 29, được nhắc đến trong Bảo sớ quyển 

3. Thuyết của ngài Chân Đế, được nhắc đến trong Quang ký và Bảo sớ 1.

4. Thuyết của Hoa nghiêm Khổng mục chương quyển 3 và Đại tạng pháp số quyển 69.

Ở đây không thể trình bày đầy đủ, xin tham khảo trong các kinh luận đã dẫn trên.

Đoạn 2: Xếp loại các uẩn khác.
Tám vạn bốn ngàn pháp uẩn được xếp vào sắc uẩn hoặc hành uẩn; song trong kinh luận khác cũng nói đến 5 loại uẩn khác như giới v.v… hoặc 10 biến xứ, hoặc 62 giới; chúng được xếp vào đâu?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Như thị dư uẩn đẳng,


Các tùy kỳ sở ứng,
Nhiếp tại tiền thuyết trung,
Ưng thẩm quán tự tướng. (24)

Dịch nghĩa:

Các uẩn trong các kinh khác, v.v… như vậy,
Mỗi loại tùy theo sự thích ứng của chúng,
Được xếp vào các uẩn đã nói trên,
Cần quán sát kỹ tự tướng của chúng. (tụng 24)

Uẩn (skandha), ở đây là 5 uẩn gồm giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Đẳng, v.v… nghĩa là bao gồm mười biến xứ (kṛṣna-āyatana) tức đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, không và thức. Các giới (dhātu) như địa, thủy, hỏa, phong, không và thức; chúng tùy theo sự thích ứng của mỗi loại và xếp vào trong các trường hợp đã nói ở trên. Tức là, uẩn, xứ và giới được nói ở trong các kinh khác, mỗi loại tùy theo sự thích ứng mà xếp vào uẩn, hay xứ, hay giới của luận Cu-xá. Như 5 uẩn giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến được xếp theo 5 uẩn của Cu-xá. 10 biến xứ xếp vào 12 xứ và các giới kia được xếp theo 18 giới của luận này.

Ưng thẩm quán tự tướng, nếu luận bàn về cọng tướng thì vạn pháp nhiếp thuộc lẫn nhau. Nay cần phải quán sát kỹ tự tướng của từng loại để thấy rõ sự tương nhiếp của chúng.

Vì sao, ở đây, 5 pháp uẩn cũng được xếp vào 5 uẩn của luận này?

Giới uẩn (śīlā-skandha) là vô biểu của đạo cọng giới, nên thuộc về sắc uẩn (rūpa-skandha). Thể tánh của định uẩn (samādhi-skandha) là tâm sở định; Thể tánh của huệ uẩn (prajñā), giải thoát tri kiến uẩn (vinuktijñānadarśana) đều là huệ tâm sở; và giải thoát uẩn (vimukti) là thắng giải tâm sở. Vậy, tất cả đều thuộc về hành uẩn (saṃskāra).

Trong 10 biến xứ, 8 loại gồm đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ và trắng lấy vô tham làm thể tánh nên được xếp vào pháp xứ (dharma-āyatana); còn không và thức vì không có hình sắc nên thuộc về ý xứ và pháp xứ.

Về các giới (dhātu), nếu nói đủ thì có 62 giới, ở đây chỉ nói đến 6 giới mà thôi. Trong 6 giới này, 4 thứ gồm địa, thủy, hỏa và phong thuộc về xúc giới; không thì được xếp vào sắc giới và thức thì được xếp vào ý giới 6 thức giới tức 7 tâm giới tất cả.



Đoạn 3: Nói riêng về sáu giới.

Trong 6 giới, không giới (ākāśa-dhātu) phải chăng là hư không (ākāśa)? Thức giới hữu lậu hay vô lậu?

Tụng đáp.

Âm Hán Việt:

Không giới vị khiếu khích;
Truyền thuyết thị minh, ám.
Thức giới hữu lậu thức,
Hữu tình sanh sở y. (25)

Dịch nghĩa:

Không giới là lỗ hổng,
Truyền thuyết cho là tối và sáng.
Thức giới là hữu lậu thức,
Vì là sở y của chúng sanh hữu tình. (tụng 25)

Trong bài tụng trên đây, 2 câu đầu giải đáp vấn đề thứ nhất; 2 câu sau giải đáp vấn đề thứ hai.

Không giới, trong vấn đề thứ nhất được giải thích đó là những lỗ hổng ở ngoài thân như cửa sổ chẳng hạn và những lỗ hổng ở trong thân như miệng, mũi, v.v... Những lỗ hổng đó, nếu tách rời sự tối và sự sáng thì không thể có được; cho nên Tát-bà-đa bộ nói sáng và tối là thể của không giới. Còn Kinh bộ thì lại cho rằng không giới chỉ là hiện tượng giả lập nên không có thực thể riêng biệt. Ở đây, Luận chủ căn cứ theo thuyết của Kinh bộ nên không chấp nhận không giới có thực như Hữu bộ, vì thế ngài dùng 2 chữ “truyền thuyết” trong tụng.

Luận Tì-bà-sa, quyển 19, có vạch ra 5 điểm dị biệt giữa hư không và không giới như sau:

1. Sắc và phi sắc. Thể tính của không giới là tối và sáng, nên nó thuộc về sắc pháp. Hư không không phải là sắc pháp.

2. Hữu kiến và vô kiến. Với không giới, con mắt thịt có thể nhìn thấy được (hữu kiến), nhưng với hư không thì không thể (vô kiến).

3. Hữu đối và vô đối. Không giới bị chi phối bởi sự chướng ngại nên có đặc tính hữu đối. Hư không thì ngược lại, nên là vô đối.

4. Hữu lậu và vô lậu. Nói về tính chất, không giới làm cho phiền não tùy thuận tăng trưởng nên nó là hữu lậu. Với hư không, mặc dù phiền não có thể duyên đến nhưng nó không làm cho phiền não tùy thuận tăng trưởng nên thuộc về vô lậu.

5. Hữu vi và vô vi. Không giới là pháp hữu vi, có sinh diệt Hư không là pháp vô vi nên thường trụ, bất biến.

Có điều nên nói là, danh từ “hư không” mà thế tục thường dùng là chỉ cho hư không mắt có thể thấy được và làm chướng ngại mọi vật nên nó cũng thuộc về không giới trong đây. Và từ ngữ “hư không” (ākāśa) ở đây lại chỉ cho hư không vô vi trong 3 pháp vô vi. Đó là điều không thể không lưu ý.

Tiếp theo, từ ngữ “thức giới” trong 2 câu tụng sau, nếu đem so về hữu lậu và vô lậu thì nó thuộc hữu lậu. Vì tất cả sáu giới tất cả 6 giới đều là nơi y cứ cho chúng sanh hữu tình được kiến lập căn cứ trên một chu kỳ đời sống của chúng.

Tì-bà-sa quyển 75 nói: “Nếu có pháp nào làm trưởng dưỡng các hữu (ở đây chỉ cho 4 đại chủng), nhiêu ích các hữu (tức không giới) và duy trì các hữu (thức giới) thì đó được thiết lập trong 6 giới.”

Chính lý quyển 3 nói: “Sáu giới là sinh nhân, trưởng nhân và dưỡng nhân cho chúng sinh hữu tình, tạo ra sự sai biệt của chúng, nên làm sở y cho chúng sinh hữu tình. Sanh nhân chỉ cho thức giới, vì là nguyên nhân cho sự tiếp nối của đời sống. Dưỡng nhân, chỉ cho 4 đại chủng, là y báo và chánh báo của chúng sinh. Trưởng nhân, chỉ cho không giới, vì là khả năng dung nạp chúng sinh v.v…”

Vì có khả năng gây tổn hại, phá hoại và tiêu diệt các hữu, cho nên pháp vô lậu không phải là sở y cho chúng sanh, do đó, thức giới ở đây chắc chắn chỉ nằm trong giới hạn của hữu lậu mà thôi, và không liên hệ gì đến pháp vô lậu.


 

---o0o---




tải về 0.86 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương