SỞ giáo dục và ĐÀo tạO – HỘi tâm lý giáo dục tỉnh phú YÊN


Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề



tải về 1.38 Mb.
trang10/16
Chuyển đổi dữ liệu12.07.2016
Kích1.38 Mb.
#1669
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   16


Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề

Ngoài Trường trung học sư phạm Phú Khánh, còn có trường Trung cấp Nông nghiệp, trường Trung cấp lao động-tiền lương (nay là Phân viện Ngân hàng), trường Trung cấp Xây dựng số 6 (nay là Cao đẳng xây dựng số 3), trường Trung cấp Thuỷ lợi (đã giải thể), trường Trung học Địa chất (nay là Cao đẳng Công nghiệp), trường Trung học Y tế (lập năm 1989). Qui mô giáo dục chuyên nghiệp chưa được mở rộng và nâng cấp, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và duyên hải nam Trung bộ. Tháng 6-1986, lớp Đại học tại chức Khoa xây dựng đầu tiên được trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức tại trường Trung học Xây dựng số 6 ở thị xã Tuy Hòa.

Thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng, giáo dục lao động được quán triệt sâu rộng trong tất cả các cấp học, trong nội dung giảng dạy và cả hoạt động thực tiễn của nhà trường. Coi giáo dục lao động như một thước đo, một yếu tố cơ bản để phân biệt giữa nhà trường mới với nhà trường cũ. Trong lãnh đạo nhà trường có một Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác giáo dục lao động. Hầu hết các trường đều có vườn trường, ruộng thí nghiệm, xưởng trường để học sinh thực hành lao động sản xuất. Lao động được tiến hành toàn diện với các loại hình như lao động phục vụ sinh hoạt học tập, lao động công ích xã hội, lao động sản xuất nông, công nghiệp chủ yếu là thực hành nông nghiệp. Bước đầu đem lại kết quả thiết thực, nhất là giáo dục và nâng cao ý thức lao động cho thầy giáo và học sinh, xóa bỏ tư tưởng coi thường, tách rời lao động sản xuất của nhà trường cũ.

Tính riêng trong quý 1 năm 1981, các trường ở huyện Tuy Hòa đã tham gia sản xuất lúa nước và thu hoạch được hàng chục tấn, đi đầu là các trường cấp 2 Hòa Bình, cấp 2 Hòa Trị….hoặc tham gia trồng cây tạo rừng phòng hộ ven biển như trường cấp 3 Ngô Gia Tự, cấp 2 Hòa Hiệp Trung…trồng được 1.200.000 cây phi lao..

Thực hiện Chỉ thị 126/CP ngày 19/3/1981 của Hội đồng Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ V, loại hình trường “Vừa học vừa làm” được thành lập ở Phú Khánh. Cùng với “Trường vừa học vừa làm Suối Dầu” (Khánh Hòa), “Trường vừa học vừa làm Sơn Thành” (Phú Yên) được xây dựng trên cơ sở Nông trường Sơn Thành. Chất lượng giáo dục khá tốt, đạt yêu cầu giáo dục văn hóa và lao động, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, sản xuất tự túc được một phần. Năm học 1982-1983, kết quả kỳ thi PTTH toàn tỉnh Phú Khánh : Trường PTTH Trần Phú (Tuy An), trường VHVL Sơn Thành (Tuy Hòa) đạt tỷ lệ cao nhất : 90%, học sinh tốt nghiệp cấp 3. Một số học sinh đã trúng tuyển vào ĐHSP Quy Nhơn và trường ĐH Nông nghiệp 4, một số tham gia nghĩa vụ quân sự.

Công tác giáo dục hướng nghiệp được đẩy mạnh, nhiều trường ở huyện Tuy Hòa, Tuy An đã phối hợp với Ban lâm nghiệp soạn và giảng dạy một số kỹ thuật nông nghiệp: Cây lúa, cây bông, cây mía, cây dừa… trong đó cây bông cũng đã được hướng nghiệp và đưa vào trồng ở nhiều trường trong tỉnh như trường PTTH Nguyễn Huệ, trường tiểu học Phú Lâm 3...

Năm học 1984 – 1985 tại thị xã Tuy Hòa một “Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp và dạy nghề” đã được thành lập. Trung tâm dạy các nghề mộc, kỹ thuật cơ khí ô tô, giâm cành, cây mô tế bào, đã tạo được giống cây mới, và có cây giống để bán như chanh Ơ-ri-Ka, mít không hột, nuôi và bán “con trun quế” … do thầy Nguyễn Tài Sum làm Giám đốc và Tiến sĩ Nguyễn Văn Uyển – Viện Khoa học sinh học nhiệt đới giúp đỡ. Cũng vào thời điểm này, một trường BTTH VHVL huyện Tuy Hoà (Hoà Bình) thành lập, Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Tấn Hào, Phó trưởng phòng giáo dục huyện làm kiêm nhiệm, thầy Võ Văn Nhâm làm Phó hiệu trưởng thường trực, trường được HTXNN Hoà Bình 2 chuyển giao 2 mẫu ruộng ở Phước Mỹ làm thực nghiệm trồng lúa nước. Để tăng cường hơn nữa chức năng đào tạo và dạy nghề, nhiều trường dạy nghề huyện, thị cũng được thành lập vào thời gian này như trường dạy nghề huyện Tuy Hòa do Ông Nguyễn Đình Luôn làm Giám đốc, trường đã tổ chức dạy nghề may, mộc cho một số lượng đáng kể thanh niên trong huyện.

Cùng với dạy học và giáo dục lao động, giáo dục quốc phòng và an ninh được chú trọng đúng mức. Trình độ giác ngộ cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, nếp sống lành mạnh, trật tự văn minh trong nhà trường, tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước… luôn đươc nâng cao và thường xuyên củng cố. Kế thừa được truyền thống cách mạng trên vùng đất Phú Yên, nhiều trường cấp 3 ở Bắc Phú Khánh được Bộ tư lệnh quân khu V và Bộ Quốc phòng nhiều lần khen thưởng về mặt giáo dục quốc phòng.

Hoạt động văn nghệ – thể dục thể thao trong các trường học Phú Khánh nói chung và Phú Yên nói riêng cũng là một mặt hoạt động sôi nổi, phong phú, có tác dụng góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, gây một sinh hoạt, một lối sống tươi vui tập thể lành mạnh, đẩy lùi lối sống ích kỷ, cá nhân, đồi trụy của nền giáo dục Mỹ ngụy, xây dựng đời sống mới trong xã hội miền Nam sau ngày giải phóng.

Các cuộc hội diễn văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, đội văn nghệ của giáo dục thị xã Tuy Hòa, thị trấn Sông Cầu đều vượt trội so với các đội thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh và thường đạt giải nhất toàn Ngành.

Học sinh Phú Yên không những có truyền thống học giỏi mà còn có phong trào thể dục thể thao rất tốt. Hàng năm Phú Khánh có hơn 2 triệu lượt học sinh tham gia thể dục thể thao. Hè năm 1982, đội nam điền kinh trường PTCS Phường 4, TX Tuy Hòa được cử đại diện cho học sinh cấp 2 Việt Nam đi dự Đại hội điền kinh học sinh quốc tế ở Mông Cổ.

Hội khỏe Phù Đổng năm 1984, hàng ngàn vận động viên của 20 trường PTCS, 2 trường PTTH và 4 trường THCN tham gia. Về cờ quốc tế, giải nhất thuộc học sinh Nguyễn Như Ý (PTTH); nghi thức Đội, giải nhất thuộc thị xã Tuy Hòa; Bóng chuyển Giải nhất thuộc về trường PTTH Lê Lợi (Đồng Xuân)…



III. TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ

Công tác Đảng

Đường lối quan điểm giáo dục của Đảng không chỉ được thấm nhuần trong chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, mà còn được quán triệt trong hệ thống tổ chức, trong hoạt động các đoàn thể chính trị quần chúng trong trường học. Tổ chức Đảng được hình thành ở cơ sở nhiều trường học. Thời gian mới giải phóng, số đảng viên trong ngành giáo dục ít, tập trung ở cơ quan Sở giáo dục, Phòng giáo dục và các trường chuyên nghiệp. Hầu hết các đảng viên được tín nhiệm bổ sung vào cán bộ cốt cán, quản lý của ngành. Chất lượng chính trị trong nhà trường được cải thiện. Số lượng đảng viên của giáo dục Phú Yên đến năm 1988 trên 800 người, chiếm 9-10% tổng số giáo viên. Những trường học chưa có chi bộ Đảng hoặc đảng viên thì nhà trường phải gắn chặt hoạt động của mình dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng địa phương và vẫn đảm bảo việc thực hiện đúng theo đường lối giáo dục của Đảng.



Hoạt động Công đoàn

Công đoàn giáo dục là nơi tập hợp các nguồn giáo viên từ vùng căn cứ, vùng mới giải phóng, từ miền Bắc XHCN vào đại gia đình nhà giáo cách mạng. Công đoàn giáo dục trong tỉnh tổ chức thành 4 cấp. Sau khi thành lập CĐCS ở trường, hầu hết các thầy giáo, cô giáo tiên tiến đều được kết nạp vào tổ chức công đoàn. Công đoàn hoạt động sôi nổi, có khí thế, đảm bảo là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, là cầu nối giữa CB, CNVC, giáo viên và chính quyền Nhà nước và Đảng. Trong những ngày đầu giải phóng, kinh tế xã hội còn gặp rất nhiều thiếu thốn khó khăn, Công đoàn đã tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần, giúp đỡ nhau mọi mặt, xóa bỏ những khoảng cách của lịch sử để lại, xây dựng được khối đoàn kết nhất trí trong tổ ấm nghề nghiệp, trong tình yêu người, yêu nghề để cùng hợp lực xây dựng nhà trường mới.

Ở cấp huyện, thị, Công đoàn giáo dục luôn gắn với Phòng giáo dục. Từ Đồng Xuân, Tây Sơn, Tuy An, Tuy Hòa, Thị xã… mỗi Phòng đều có một Thư ký công đoàn làm cán bộ chuyên trách. Các đoàn viên nhiệt tình có uy tín trong chuyên môn được cử làm thư ký công đoàn trường, huyện, thị và sau này số đông đều trở thành cán bộ cốt cán của ngành.

Công đoàn giáo dục tỉnh cùng với Sở giáo dục tổ chức và đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” xây dựng “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa” kết hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn TNCS HCM) triển khai các phong trào thi đua “Xây dựng tập thể học sinh XHCN”, phong trào xây dựng “Chi đội mạnh”. Nhờ sức mạnh tổng hợp của đoàn thể mà xây dựng được nhiều điển hình nhà trường tiên tiến, tổ đội LĐXHCN, các chiến sĩ thi đua ngành giáo dục và đông đảo đoàn viên công đoàn xuất sắc, tiên tiến và cũng là nơi giới thiệu kết nạp nhiều đảng viên bổ sung cho tổ chức Đảng trong nhà trường.



Đoàn TNCS HCM

Đoàn là tổ chức chính trị, nơi tập hợp, sinh hoạt chính trị của giáo viên trẻ và học sinh ở các trường trung học phổ thông và chuyên nghiệp. Các hoạt động của Đoàn thanh niên sinh động, phong phú, hấp dẫn thu hút nhiều thanh niên giáo viên, học sinh hứng thú tham gia sinh hoạt. Tất cả các trường cấp 3 đều có đoàn trường, các trường cấp 2 đều có chi đoàn hay liên chi đoàn và liên đội TNTP HCM. Hoạt động của Đoàn, Đội gắn chặt với các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục, chính trị, xã hội thực tiễn lao động xuất sắc, với các chủ đề thi đua. Với thanh niên có phong trào “Xây dựng tập thể học sinh XHCN” ; “Phong trào lao động sản xuất” … với Đội thiếu niên Tiền phong có phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “chiến sĩ nhỏ Điện Biên học tập thông minh dũng cảm” phong trào “Bảo vệ đường sắt quê em” ; “Phong trào học giỏi, điểm 10 làm hoa dâng Bác” và bao trùm lên là công cuộc thi đua trở thành “Cháu ngoan Bác Hồ”. Một điển hình tiêu biểu là em Cao Thị Bảo Linh, học sinh THCS Lương Văn Chánh Tx Tuy Hòa được đại diện học sinh toàn tỉnh tham gia Festival thanh niên thế giới tổ chức năm 1988 tại Bình Nhưỡng.

Công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trở thành một yêu cầu chính trị xã hội rộng lớn, trở thành một khoa học và nghệ thuật giáo dục. Từ năm 1986 – 1987 Hiệu trưởng trường CĐSP Nha Trang đã có sáng kiến xin đề xuất với Bộ giáo dục, TW đoàn TNCS HCM, Hội đồng Đội TN đề nghị ra một khoa mới “Khoa giáo dục Đoàn Đội”. Đây là trường CĐSP đầu tiên trong cả nước có mã số của Khoa đào tạo giáo viên Đoàn Đội (sau này gọi là giáo dục viên) có khả năng dạy 2 môn (như Văn – Đoàn Đội, Sử – Đoàn Đội, Thể Dục – Đoàn Đội …). Vừa xây dựng nội dung chương trình, vừa đào tạo giáo viên chuyên ngành, trường SPCĐNT đã đào tạo được hàng trăm giáo viên phụ trách công tác Đoàn Đội cho tỉnh Phú Khánh và sau này cho 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Khoa đào tạo mới này được rút kinh nghiệm và phổ biến thành lập trong hầu hết các trường CĐSP trong nước. Công tác Đoàn, Đội cũng là một mặt mạnh của tỉnh Phú Khánh trong toàn ngành giáo dục.

IV. XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT

Cơ sở vật chất của hầu hết các trường rất nghèo nàn, lạc hậu, để đáp ứng yêu cầu học tập rộng lớn của nhân dân sau ngày giải phóng, ngoài việc chăm lo đầu tư của Nhà nước, nhân dân các nơi trong tỉnh nhất là các hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần rất nhiều của cải, sức lực để xây dựng nhà trường, mua sắm bàn ghế để củng cố trường học từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 và cấp 3.

Chỉ riêng năm học 1984 -1985, nhân dân huyện Tuy Hòa đã mua sắm 400 bộ bàn ghế học sinh, 200 bộ bàn ghế giáo viên, xây dựng 85 phòng học. Thị xã Tuy Hoà xây dựng 35 phòng học mới, tu sửa 41 phòng học cũ. UBND huyện Tuy Hòa và Tx Tuy Hoà còn huy động các hợp tác xã góp sức xây dựng cơ sở vật chất trường cấp 3 Lê Trung Kiên, trường cấp 3 Trần Quốc Tuấn. Cũng trên cơ sở phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều huyện đã vận động nhân dân, xã viên HTX vxây dựng rất nhiều phòng học và trang bị bàn ghế. Có thể nói phong trào thi đua xây dựng trường học vào những năm 1982-1986 trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nó hiện thực hoá rất rõ nét quan điểm của Đảng về giáo dục, đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Nhìn lại sau ngày giải phóng và trong 15 năm hợp nhất trong tỉnh Phú Khánh, nhân dân Phú Yên nói chung và đội ngũ thầy giáo và học sinh nói riêng đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ, hăng hái tham gia vào công cuộc hàn gắn lại vết thương chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống mới trên quê hương mình, mà sự phát triển mạnh mẽ của Ngành giáo dục như là biểu hiện tính ưu việt, bộ mặt tốt đẹp của chế độ mới.



Sự phát triển GD phổ thông Phú Yên 1975 – 1989


Số lượng HS

Đơn vị 10.000










Nhìn vào biểu đồ ta thấy sau 15 năm giải phóng giáo dục Phú Yên có sự phát triển tốt. Nhất là cấp tiểu học (cấp 1), cấp trung học cơ sở phát triển mạnh, thu hút được nhiều con em vào học, đáp ứng được nhu cầu học tập của em sau ngày giải phóng. Về trung học phổ thông cũng có sự phát triển khá, nhưng quy mô hãy còn nhỏ so với các cấp học khác.



Tình hình phát triển giáo dục phổ thông cả 3 cấp I + II + III trong 15 năm hợp nhất từ 1975 đến 1989.

Năm học

Tổng số trường học

Số lớp

Tổng số

học sinh

Tổng số

giáo viên

NH 1975 - 1976

33

1.462

69.902

1.162

NH 1985 – 1986

169

3.703

144.442

4.611

NH 1988 – 1989

188

4.255

150.863

4.971

So sánh sự phát triển 1975 ->1989

Số trường

tăng lên 6 lần



Số lớp tăng gần 3 lần

Tổng số HS tăng gần 2 lần

Tổng số GV tăng trên 4 lần

*

* * *


15 năm sau ngày giải phóng, trong tình hình một tỉnh hợp nhất, đây là một thời kỳ chuyển biến cách mạng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Thời kỳ chuyển từ chiến tranh sang xây dựng hòa bình, dưới sự lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền, với truyền thống tốt đẹp của mình, nhân dân Phú Yên đã vượt lên mọi sự tàn phá nặng nề của chiến tranh để xây dựng lại cuộc sống mới trên quê hương mình. Một nền kinh tế bước đầu dần được phục hồi và phát triển, xã hội ổn định và tiến bộ trong đó nổi bật lên là một nền giáo dục cách mạng được phát triển mạnh mẽ và lành mạnh. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho tính ưu việt của chế độ mới.

Ở đây, nền giáo dục nô dịch của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bị xóa bỏ, một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, khoa học tiên tiến thống nhất trong cả nước đã được xây dựng và phát triển ngày càng tốt đẹp.

Bộ máy quản lí giáo dục từ cấp tỉnh đến huyện được hình thành, tăng cường và củng cố ngày càng vững vàng đủ sức đưa Ngành giáo dục vững bước tiến lên thực

hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo cùng với cả nước.

Trong những năm 1975-1989, tuy cơ sở vật chất các trường học phía bắc Phú Khánh chưa được quan tâm đầu tư ngang bằng các trường học phía nam nhưng cũng đã tạo ra được những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng đào tạo.

Việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mới được đặc biệt chú ý. Hệ thống các trường sư phạm mẫu giáo, Trung cấp, Cao đẳng được thành lập và phát triển đã nhanh chóng đào tạo cho Ngành hàng ngàn giáo viên, đầy năng lực và sức phấn đấu mới. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí các cấp tăng lên gấp 4 lần so với ngày đầu giải phóng. (Năm 1975 có 1.162 người đến năm 1989 tăng lên 4.971 người).

Đời sống nhân dân tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần hiếu học và trong niềm vui giải phóng, nhân dân Phú Yên đã góp phần xây dựng nhiều trường lớp mới, số trường tăng gấp 6 lần với 188 trường, số lớp tăng gấp 3 lần với 4.255 lớp đủ sức thu hút 150.863 học sinh phổ thông và 21.000 học sinh mẫu giáo, đông gấp 3 lần so với ngày đầu giải phóng.

Thành tựu của Ngành giáo dục Phú Yên trong 15 năm hợp nhất của Phú Khánh thật có ý nghĩa quan trọng. Nó tạo cơ sở cho sự phát triển giáo dục trên quy mô lớn trong thời kỳ tái lập tỉnh từ năm 1989 đến sau này.

CHƯƠNG VI

GIÁO DỤC PHÚ YÊN THỜI KỲ TÁI LẬP TỈNH

VÀ TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1989-2000)
I. THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC

Hội nghị lần thứ II của Ban chấp hành TW Đảng khóa VIII đã xác định: “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”51 là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sang, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Phát triển Giáo dục-đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, những tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả là vấn đề ngành giáo dục quan tâm nhất. Thực hiện giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội. Nghị quyết Trung ương II đã xác định nhiệm vụ và mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo từ 1996-2000 và đề ra những biện pháp chủ yếu để thực hiện những nhiệm vụ mục tiêu trên.

Với mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí, đảm bảo tri thức cần thiết để mọi người gia nhập cuộc sống xã hội và kinh tế theo kịp tiến trình đổi mới và phát triển đất nước. Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là công việc hàng đầu, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ vững mạnh đủ sức để giải quyết những vấn đề được đặt ra trong bối cảnh mới của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì ngành giáo dục phải đảm đương. Trước hết là phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài bằng nhiều giải pháp cụ thể: phát triển giáo dục mầm non, thanh toán nạn mù chữ cho những người lao động ở lứa tuổi 15-35, hoàn thành cơ bản phổ cập tiểu học trong cả nước và có chính sách giúp đỡ con em người dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, người tàn tật có điều kiện học tập, củng cố tăng cường trường chuyên, lớp chọn, mở thêm trường bán công, dân lập. Mở rộng và nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, tin học từ cấp phổ thông. Bên cạnh đó đã tạo điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở đào tạo nghề. Hoàn chỉnh và củng cố các trường sư phạm để khắc phục nhanh tình trạng thiếu giáo viên. Nâng cao chất lượng giáo viên các cấp, tăng cường nghiên cứu khoa học giáo dục, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học.

II. GIÁO DỤC PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 1989-2000

Năm 1989 theo Nghị quyết số 83-QĐ/TW, ngày 4 tháng 3 năm 1989 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VI và Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 5, từ ngày 01 tháng 7 năm 1989 tỉnh Phú Khánh được tách ra và tái lập hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà theo địa giới cũ.

Sau ngày tỉnh Phú Yên được tái lập, Tỉnh ủy Phú Yên đã xác định “Nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh là vừa phải nhanh chóng ổn định sự lãnh đạo và chỉ đạo, vừa đảm bảo thực hiện công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực theo Nghị quyết 6 của TW”. Đối với lĩnh vực giáo dục “nâng cao chất lượng dạy học và hiệu quả đào tạo của ngành giáo dục, nâng Trường trung học sư phạm lên thành Trường cao đẳng sư phạm; củng cố và mở rộng Trung tâm hướng nghiệp; mở rộng các hình thức phổ cập nghề nghiệp cho thanh niên, chú ý đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, xúc tiến lập trường THPT chuyên Lương Văn Chánh dạy số học sinh giỏi toán, văn, ngoại ngữ; chăm lo đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên”52.

Để chuẩn bị cho cơ quan Sở GD-ĐT Phú Yên ra đời, đầu tháng 6/1989, Sở GD-ĐT Phú Khánh ra Quyết định thành lập Văn phòng Sở GD-ĐT Phú Yên ở 221-223 Trần Hưng Đạo, thị xã Tuy Hòa và điều động một số cán bộ cốt cán của các đơn vị Trường THSP Phú Khánh, Trường SP nuôi dạy trẻ, các Phòng Giáo dục về làm nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất và tiếp nhận tài sản được chia ra từ Sở GD-ĐT Phú Khánh. Những cán bộ từ Phú Yên được điều động về Văn phòng Sở GD-ĐT trước ngày 01/7/1989 là Huỳnh Văn Sí, Phạm Ngọc Anh, Trần Văn Liên, Trần Thị Sâm, Đặng Quang Dưỡng và Nguyễn Tấn Hào.

Ngày 12-7-1989, UBND tỉnh ra quyết định số 105/UB thành lập Sở Giáo dục Phú Yên. Cơ quan văn phòng Sở Giáo dục lúc bấy giờ có thêm 9 người chuyển về từ Sở Giáo dục Phú Khánh và Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang. Để sớm ổn định tình hình và tổ chức hoạt động, Sở Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục điều động và bổ nhiệm một số cán bộ cốt cán từ các Phòng Giáo dục và các đơn vị trường học để bổ sung và tổ chức biên chế bộ máy cơ quan văn phòng Sở Giáo dục. Thầy Nguyễn Cách làm Giám đốc Sở GD, thầy Nguyễn Xuân Đàm làm phó Giám đốc kiêm Hiệu trưởng cơ sở Cao đẳng Sư phạm Phú Yên. Đến tháng 9 năm 1991, thầy Nguyễn Xuân Đàm làm Giám đốc thay thầy Nguyễn Cách nghỉ hưu; các phó Giám đốc: thầy Lê Đức Công, thầy Trần Văn Chương (kiêm Giám đốc Trung tâm kỹ thuật-hướng nghiệp tỉnh). Cán bộ nhân viên toàn cơ quan lúc bấy giờ khoảng 30 người. Tổ chức cơ gồm: Phòng hành chính, Phòng thanh tra tổng hợp, Phòng giáo dục phổ thông, Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Phòng tài vụ, Phòng tổ chức cán bộ, Ban quản lý dự án và Công đoàn ngành.

Để ngành Giáo dục có sự thống nhất và tập trung trong công tác quản lý đáp ứng với yêu cầu phát triển giáo dục, ngày 27 tháng 5 năm 1993 Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết số 10/NQ-TU, ghi rõ: “Thực hiện cơ chế quản lý mới trong toàn ngành giáo dục theo tinh thần Chỉ thị 287/HĐBT và Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 9 khoá XI, UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng chu đáo đề án thực hiện quản lý tập trung, thống nhất trong toàn ngành giáo dục, đồng thời phát huy vai trò tích cực chủ động của địa phương và cơ sở đối với sự nghiệp giáo dục trong toàn tỉnh”.

Ngày 25 tháng 5 năm 1993 UBND tỉnh ra Quyết định số 637/QĐ-UB, giao cho Sở giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý sự nghiệp giáo dục trong toàn tỉnh. Tại Điều 1 của Quyết định ghi rõ: quản lý toàn ngành, bao gồm:

- Quản lý công tác chuyên môn.

- Quản lý công tác tổ chức cán bộ và biên chế.

- Quản lý kinh phí sự nghiệp giáo dục - đào tạo.

Quyết định số 637/QĐ-UB của UBND tỉnh ra đời đúng lúc, phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của ngành giáo dục, đã đem lại một niềm phấn khởi cho toàn ngành, tạo điều kiện phát triển giáo dục trên quy mô rộng lớn, đa dạng, phong phú hơn.

Giai đoạn thực hiện cơ chế quản lý toàn ngành, lãnh đạo Sở vẫn là thầy Nguyễn Xuân Đàm làm Giám đốc; thầy Lê Đức Công, thầy Trần Văn Chương và thầy Hồ Văn Tùng làm phó Giám đốc. Đầu năm 1998 thầy Nguyễn Xuân Đàm nghỉ hưu. Từ tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 1998 thầy Hồ Văn Tùng làm Giám đốc; từ tháng 6 năm 1998 thầy Trần Văn Chương làm Giám đốc (đến năm 2010), thầy Lê Đức Công, phó Giám đốc trực tiếp làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Phú Yên, cô Nguyễn Thị Hoàng Lan và thầy Lê Nhường bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo.

Quá trình phát triển tổ chức bộ máy cơ quan Sở đến năm 2000 được bổ sung hoàn chỉnh và vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của ngành. Cán bộ, nhân viên cơ quan văn phòng Sở cũng lần lượt được luân chuyển và bổ sung, đến năm 2000 toàn cơ quan có 53 người.

Thực hiện mô hình quản lý toàn ngành đã tỏ ra có hiệu quả cao, ngành giáo dục đạt những thành tựu mới, khắc phục được những nhược điểm của cơ chế quản lý cũ, đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho việc đổi mới nền kinh tế - xã hội. Về mặt quản lý tổ chức, nhân sự có những bước tiến rõ rệt. Sở Giáo dục đã nắm chắc được số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, cán bộ quản lý trong toàn ngành, đã lập được kế hoạch bồi dưỡng và đến năm 1998, 100% giáo viên các cấp đạt được chuẩn đào tạo. Sở Giáo dục đánh giá xếp loại 417 cán bộ quản lý GD trong tỉnh. Năm học 1994-1995 đánh giá và bổ nhiệm lại toàn bộ Hiệu trưởng các trường cấp 1, cấp 2 và một số trường cấp 3 và giải quyết thuyên chuyển 97 giáo viên hoàn thành nghĩa vụ ở miền núi trở về miền xuôi và 135 giáo viên lên miền núi. Về cơ bản, Sở Giáo dục đã giải quyết được tình hình thiếu giáo viên ở miền núi, hải đảo. Cơ cấu tổ chức của các cơ quan chỉ đạo giáo dục của Sở, các Phòng giáo dục được củng cố, nâng cao. Mối quan hệ giữa Sở, Phòng và trường học được chặt chẽ, thông suốt có tác dụng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong toàn ngành.

Công tác quản lý ngân sách giáo dục cả tỉnh được đổi mới, Sở Giáo dục quản lý toàn bộ kinh phí của ngành đã phục vụ tốt cho sự phát triển ngành. (Trước tháng 7/1993, Sở Giáo dục chỉ quản lý được ngân sách hành chánh của cơ quan Sở và các trường trực thuộc, ngân sách phòng giáo dục do UBND cấp huyện quản lý).

Cơ sở vật chất của ngành, xây dựng sửa chữa trường lớp được điều hành có kế hoạch, công bằng hợp lý giữa các huyện, giải quyết có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho miền núi, hải đảo. Năm học 1993-1994, nhân dân đã góp hàng tỷ đồng cùng với tỉnh xây dựng 297 phòng học mới, một số xã xây dựng được trường tầng. Đến những năm 1994-1995, cơ bản toàn tỉnh đã chấm dứt được tình trạng học ca 3. Sau hai năm vận hành theo mô hình quản lý toàn ngành, trong báo cáo tổng kết của Tỉnh uỷ năm 1994 đã khẳng định: “Trong năm qua, theo phương thức quản lý toàn ngành chúng ta đã duy trì, phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo, đã chú trọng hơn việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ bằng hình thức tại chức, kết thúc năm học 1993-1994 thắng lợi”53.

Tổng kết năm học 1995-1996, Bộ giáo dục và Đào tạo khen thưởng giáo dục Phú Yên (7/11 chỉ tiêu) đứng thứ 3 trong toàn quốc. Những kinh nghiệm tốt trong quản lý toàn ngành của Phú Yên cùng các Sở Giáo dục ở phía Nam đã đóng góp vào những bài học lý luận và thực tiễn về công tác quản lý giáo dục và đến năm 1998 trên toàn quốc đã có đến 46/61 tỉnh áp dụng mô hình này.

Đây là giai đoạn toàn ngành đã nỗ lực phát triển nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tập trung xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; coi trọng công tác tư tưởng chính trị đối với đội ngũ giáo viên và công nhân viên ngành giáo dục. Mở rộng loại hình trường bán công, trường dân lập cấp THPT, các hình thức học ngoài giờ, vừa học, vừa làm, học tập trung định kỳ, ngắn hạn nhằm nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông. Đẩy mạnh hướng nghiệp và dạy nghề PT cho học sinh, nâng cao chất lượng trường chuyên lớp chọn, quy hoạch đào tạo gắn với sử dụng, đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu của các thành phần kinh tế, huy động sự đóng góp của nhân dân với sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư cho miền núi, mở rộng các trường nội trú, chăm lo tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc.

Coi trọng nâng cao chất lượng, duy trì phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, quản lý tốt các trường chuyên, lớp chọn để đào tạo năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục Phú Yên luôn quan tâm giáo dục ở miền núi, xóa mù chữ để chấm dứt nạn mù chữ vào cuối năm 1995, tổ chức lớp bổ túc văn hóa ban đêm cho nhiều đối tượng cần nâng cao trình độ văn hoá; chỉ đạo sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa, cải tiến thi cử, mở rộng mạng lưới trường ngoài công lập từ đầu những năm 90. Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề bằng nhiều phương thức năng động thiết thực, tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề.

Chủ trương đổi mới giáo dục là phát triển các loại hình đào tạo, củng cố và sắp xếp lại hệ thống trường học. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng của các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), các Quyết định của Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ giáo dục và Đào tạo, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, ngành giáo dục Phú Yên với tinh thần tự lực, tự cường đã vượt lên mọi khó khăn thử thách của thiên tai, của nền kinh tế thấp kém trong suốt 10 năm tái lập tỉnh (1989-2000). Ngành đã xây dựng được một hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ về cơ cấu. Tốc độ phát triển nhanh về số lượng, với quy mô lớn rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, từ hải đảo đến miền núi; đa dạng hóa các loại trường lớp: công lập, bán công, dân lập, tư thục; các hình thức học tập: tại chức, từ xa… Ngoài hệ thống giáo dục phổ thông còn có hệ thống giáo dục thường xuyên, phong trào xóa nạn mù chữ, hệ thống các lớp bổ túc văn hóa; các nhà trường giáo dục đặc biệt như trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật, trung tâm giáo dục trẻ mồ côi; hệ thống các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, các trung tâm kỹ thuật, hướng nghiệp; hệ thống các trường dân tộc nội trú. Trên cơ sở đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục, các nguồn lực huy động cho giáo dục được tăng cường và sử dụng có hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra là một khâu quan trọng trong quá trình quản lý giáo dục. Năm 1997, Sở giáo dục mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh tra tập trung 6 tuần cho tất cả thanh tra chuyên nghiệp và kiêm nhiệm. Chất lượng công tác thanh, kiểm tra được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở giáo dục ở địa phương cũng như lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo điều chỉnh các hoạt động quản lý, chấn chỉnh tổ chức, nâng cao chất lượng giảng dạy, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ cán bộ nhân viên ngành giáo dục, góp phần đề cao vị thế ngành giáo dục trong toàn xã hội.

Tổ chức thanh tra Sở, thanh tra viên và thanh tra kiêm nhiệm được củng cố và tăng cường, có lúc lên đến 186 người (năm 1995) và trên 200 người vào những năm sau. Thanh tra được huấn luyện nghiệp vụ, công tác thanh tra xây dựng được nền nếp, kỷ cương, kỷ luật đồng thời đảm bảo chuyên môn, dân chủ công bằng và đoàn kết thống nhất trong toàn ngành.

Phong trào thi đua được cụ thể hoá thành các cuộc vận động với những nội dung thiết thực thể hiện các nhiệm vụ trọng tâm từng năm học. Đó là cuộc vận động dân chủ hoá trong nhà trường, xã hội hoá giáo dục, thực hiện “kỷ cương-tình thương-trách nhiệm”, “giỏi việc nước-đảm việc nhà”. “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”… Các đơn vị trường học đã triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, đạt hiệu quả và tác dụng cao. Hằng năm, ngành đều tổ chức các Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp khuyến khích phong trào tự học, tự nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng giáo dục. Phong trào đã xuất hiện hàng trăm giáo viên dạy giỏi, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý giá trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, nhiều đơn vị, trường học được công nhận trường tiên tiến xuất sắc và đề nghị các cấp tặng Bằng khen, Cờ thi đua. Các đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đó là: trường Cao đẳng Sư phạm, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, THPT Nguyễn Huệ và THPT Phan Đình Phùng.

Phong trào thi đua trong 10 năm (1990-2000), toàn ngành giáo dục đã góp phần tạo ra những chuyển biến tốt đẹp trong việc mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả. Riêng năm học 1999-2000, toàn ngành đã bình chọn các danh hiệu thi đua, các cấp khen thưởng: Lao động giỏi có 5.720 người, Chiến sĩ thi đua cơ sở có 341 người, giáo viên giỏi – giáo viên tổng phụ trách giỏi 496 người, có 419 tổ Lao động giỏi, 214 tổ Lao động xuất sắc, 108 trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Nhiều cá nhân và tập thể khác được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Bộ Giáo dục-đào tạo tặng bằng khen. Sở Giáo dục-Đào tạo Phú Yên được Bộ Giáo dục-đào tạo tặng cờ thi đua cho đơn vị khá trong Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc 1996 (toàn đoàn xếp thứ 14/63, đội bóng đá nam THPT đoạt huy chương bạc toàn quốc sau khi thua đội chủ nhà Hải Phòng 0-1), Đội điền kinh học sinh THPT của Phú Yên được đại diện HS cả nước tham dự giải điền kinh học sinh ASEN vào năm 1999 tại Singapore. Phú Yên cũng được Bộ GD-ĐT chọn là nơi đăng cai tổ chức giải điền kinh HKPĐ toàn quốc và giải bóng đá khu vực III vào năm 2000 của cấp tiểu học và THCS (2 đội bóng đá nam Phú Yên đều vô địch khu vực), được Uỷ ban Thể dục thể thao TW cũng đã tặng cờ thi đua xuất sắc phong trào giáo dục thể chất trường học giai đoạn 1996-2000.

Ngân sách tài chính được quản lý thống nhất toàn ngành, thực sự là đòn bẩy cho phát triển giáo dục. Việc phân bổ ngân sách trong hệ thống giáo dục, cho đào tạo bồi dưỡng, cho xây dựng cơ bản được thực hiện theo đúng nguyên tắc tài chính.

Tuy nguồn lực vẫn còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển ngành nhưng công tác tài chính đã phục vụ hết sức có hiệu quả cho công cuộc phát triển giáo dục tỉnh nhà.


Каталог: vanban -> vb thongbao
vanban -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
vanban -> Sè: 90/2003/Q§-ub
vanban -> Bch đOÀn tỉnh thanh hóa số: 381 bc/TĐtn-btg đOÀn tncs hồ chí minh
vanban -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 35/2008/NĐ-cp ngàY 25 tháng 03 NĂM 2008
vanban -> BỘ NÔng nghiệP & phát triển nông thôn cục trồng trọt giới Thiệu
vanban -> 10tcn tiêu chuẩn ngành 10tcn 1011 : 2006 giống cà RỐt-quy phạm khảo nghiệm tính khác biệT, TÍnh đỒng nhấT
vanban -> TIÊu chuẩn ngành 10tcn 683 : 2006 giống dưa chuột-quy phạm khảo nghiệM
vanban -> QuyếT ĐỊnh của bộ trưỞng bộ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số 41/2004/QĐ-bnn ngàY 30 tháng 8 NĂM 2004
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO
vb thongbao -> Ubnd tỉnh phú YÊn sở giáo dục và ĐÀo tạO

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương