PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記



tải về 3.07 Mb.
trang8/32
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích3.07 Mb.
#33422
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   32

(Giải) Thường Tịch Quang độ, phần chứng giả uế, cứu cánh mãn chứng giả tịnh. Kim vân Cực Lạc thế giới, chánh chỉ Đồng Cư Tịnh Độ, diệc tức hoành cụ thượng tam Tịnh Độ dã. “Hữu Phật hiệu A Di Đà”, tự chánh báo giáo chủ chi danh dã, phiên dịch như hạ quảng thích. Phật hữu tam thân, các luận đơn, phức. Pháp Thân đơn, chỉ sở chứng Lý tánh. Báo Thân đơn, chỉ năng chứng công đức trí huệ. Hóa Thân đơn, chỉ sở hiện tướng hảo sắc tượng. Pháp Thân phức giả, Tự Tánh Thanh Tịnh Pháp Thân, Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Báo Thân phức giả, Tự Thụ Dụng Báo Thân, Tha Thụ Dụng Báo Thân. Hóa Thân phức giả, Thị Sanh Hóa Thân, Ứng Hiện Hóa Thân. Hựu, Phật Giới Hóa Thân, Tùy Loại Hóa Thân. Tuy biện đơn phức tam thân, thực phi nhất, phi tam, nhi tam, nhi nhất. Bất tung hoành, bất tịnh biệt, ly quá, tuyệt phi, bất khả tư nghị. Kim vân A Di Đà Phật, chánh chỉ Đồng Cư độ trung Thị Sanh Hóa Thân. Nhưng phức tức Báo, tức Pháp dã. Phục thứ, thế giới cập Phật, giai ngôn “hữu” giả, cụ tứ nghĩa, đích tiêu thực cảnh, linh hân cầu cố. Thành ngữ chỉ thị, linh chuyên nhất cố. Giản phi Càn thành, dương diễm, phi quyền hiện khúc thị, phi duyên ảnh hư vọng, phi bảo chân thiên đản, phá ma, tà, quyền, tiểu cố, viên chương tánh cụ, linh thâm chứng cố.
() 常寂光土。分證者穢。究竟滿證者淨。今云極樂世界。正指同居淨土。亦即橫具上三淨土也。有佛號阿彌陀。序正報教主之名也。翻譯如下釋。佛有三身。各論單複。法身單。指所證理性。報身單。指能證功德智慧。化身單。指所現相好色像。法身複者。自性清淨法身。離垢妙極法身。報身複者。自受用報身。他受用報身。化身複者。示生化身。應現化身。又。佛界化身。隨類化身。雖辨單複三身。實非一非三。而三而一。不縱橫。不並別。離過絕非。不可思議。今云阿彌陀佛。正指同居土中。示生化身。仍復即報即法也。復次。世界及佛。皆言有者。具四義。的標實境。令欣求故。誠語指示。令專一故。簡非乾城陽燄。非權現曲示。非緣影虛妄。非保真偏但。破魔邪權小故。圓彰性具。令深證故。
(Giải: Thường Tịch Quang độ, phần chứng là uế, rốt ráo chứng viên mãn là tịnh. “Thế giới Cực Lạc” đang được nói ở đây chính là nói về Đồng Cư Tịnh Độ, mà cũng là cõi Tịnh Độ theo chiều ngang có đủ cả ba cõi Tịnh Độ trên. Câu “có Phật hiệu là A Di Đà” nhằm nêu ra danh hiệu của vị giáo chủ trong chánh báo, sẽ được giải thích rộng rãi trong tiểu đoạn giảng về sự phiên dịch [danh hiệu vị Phật này] trong phần sau. Phật có ba thân, với mỗi thân đều luận thân đơn và thân kép. Pháp Thân đơn chỉ cho Lý tánh được chứng, Báo Thân đơn chỉ trí huệ, công đức có công năng chứng [Lý tánh ấy], Hóa Thân đơn chỉ các hình tượng, tướng hảo đã được hiện [bởi chân tâm]. Pháp Thân kép gồm Tự Tánh Thanh Tịnh Pháp Thân và Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Báo Thân kép gồm Tự Thụ Dụng Báo Thân và Tha Thụ Dụng Báo Thân. Hóa Thân kép gồm Thị Sanh Hóa Thân và Ứng Hiện Hóa Thân. Lại còn có Phật Giới Hóa Thân và Tùy Loại Hóa Thân. Tuy phân biệt ba thân đơn và kép, nhưng thật ra, chúng chẳng phải một, chẳng phải ba, nhưng là ba, là một, chẳng dọc ngang, chẳng cùng tồn tại hay sai khác, lìa lỗi, dứt sai, chẳng thể nghĩ bàn. Nay nói A Di Đà Phật chính là nói về Thị Sanh Hóa thân của A Di Đà Phật trong cõi Đồng Cư, nhưng thân phức cũng chính là Pháp Thân, cũng chính là Báo Thân. Lại nữa, [trong chánh kinh, đối với] thế giới và Phật đều nói là “có”. [Hai chữ Có ấy] gồm đủ bốn nghĩa (Tứ Tất Đàn):

- Nêu ra cảnh thật khiến [cho người nghe] vui thích, mong cầu.

- Lời thành thật chỉ bày khiến cho [người nghe] chuyên nhất.

- Nhằm phân biệt rõ ràng [cõi Cực Lạc] chẳng phải là thành Càn Thát Bà, hay là bóng nước gợn khi trời nắng gắt, chẳng phải là quyền biến thị hiện hay nói phương tiện nhằm thuận theo căn tánh, chẳng phải là bóng dáng hư vọng của các duyên, chẳng phải là khư khư giữ lấy thiên chân Niết Bàn, phá dẹp ma, tà, quyền, tiểu.

- Phô bày trọn vẹn tánh vốn trọn đủ, nhằm làm cho [người nghe] chứng nhập sâu xa).
“Cõi Thường Tịch Quang”: Các kinh Đại Thừa thường nói Thường Tịch Quang Tịnh Độ là cảnh giới nơi quả địa Như Lai. Theo cách nói của tông Thiên Thai thì Tạng Giáo và Thông Giáo chỉ đoạn Kiến Tư phiền não, chưa phá vô minh, đương nhiên không tính tới. Thành Phật trong Biệt Giáo sẽ chứng nhập cõi Thường Tịch Quang; nhưng nếu so sánh giữa Biệt Giáo và Viên Giáo thì hàng Sơ Địa trong Biệt Giáo phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân, được gọi là Pháp Thân đại sĩ, trên [địa vị] Thập Địa Bồ Tát lại có thêm địa vị Đẳng Giác, phá mười một phẩm vô minh [liền chứng địa vị] Diệu Giác tức là thành Phật. [Như vậy] thành Phật [trong Biệt Giáo] là phá cả mười hai phẩm vô minh82. [Thế nhưng] vô minh có tất cả bốn mươi hai phẩm, [vị Bồ Tát thành Phật trong Biệt Giáo] chỉ mới phá được mười hai phẩm, vẫn còn ba mươi phẩm [vô minh] chưa phá. Đấy là quả vị Phật trong Biệt Giáo. Cảnh giới được chứng bởi vị ấy là uế độ của cõi Thường Tịch Quang. [Đức Phật trong] Viên Giáo đã phá sạch bốn mươi hai phẩm vô minh, viên mãn chứng đắc Phật quả; cảnh giới của vị ấy là Thường Tịch Quang Tịnh Độ.

Pháp môn Tịnh Độ hết sức đặc biệt, lạ lùng, dẫu là kẻ đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cũng có thể hưởng thụ cảnh giới Thường Tịch Quang độ, các kinh, luận, pháp môn khác đều không có chuyện này! Bởi lẽ, bọn phàm phu chúng ta trong một đời chẳng thể nào chứng đắc ba cõi phía trên (tức Thường Tịch Quang, Phương Tiện Hữu Dư và Thật Báo Trang Nghiêm). Chúng ta muốn đoạn phiền não quả thật chẳng dễ dàng. Dẫu đoạn được Kiến Tư phiền não thì bất quá cũng chỉ là địa vị A La Hán trong Tiểu Thừa hay địa vị Thất Tín Bồ Tát trong Viên Giáo. Nếu muốn sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, trong một đời khó thể nào đạt được. Đối với cõi Thật Báo và cõi Tịch Quang, khỏi cần phải nhắc tới nữa! Riêng cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chỉ cần có thể chế phục phiền não là được, chế phục dễ hơn đoạn trừ. Nhưng chế phục phiền não cũng cần phải dụng công, phiền não tuy có, nhưng giữ sao cho nó chẳng khởi tác dụng. Theo đường lối thông thường thì dùng Định, Định có thể chế phục phiền não. Pháp môn Tịnh Tông thì dùng một câu Phật hiệu để chế phục [phiền não], so với Thiền Định dễ dàng hơn nhiều. Niệm Phật chỉ cần “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” là được. Chánh niệm là một câu Phật hiệu, cổ đức thường nói: “Buông xuống vạn duyên, đề khởi chánh niệm”. Trừ một câu Phật hiệu ra, tất cả hết thảy ý niệm đều là vọng tưởng, không có gì là chân thật. Kinh Kim Cang dạy: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Pháp hữu vi bao gồm hết thảy ý niệm, kiến giải, tư tưởng của chúng ta.

Chúng ta chỉ có thể sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chứ không thể lên cao hơn, nhưng cả ba cõi trên đều có thể thụ dụng được, thật là chẳng thể nghĩ bàn. Trong các thế giới chư Phật khác, ắt phải đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể hưởng thụ cõi Phương Tiện, phá một phần vô minh thì mới có thể thụ dụng cõi Thật Báo, nhất định phải dựa vào công phu [của chính mình].

Kinh dạy: Sanh về Tây Phương sẽ cùng ở một chỗ với các vị thượng thiện nhân; nếu chẳng thể đồng thời hưởng thụ cảnh giới của ba cõi trên thì làm sao có thể thấy được các vị thượng thiện nhân? Thế giới Sa Bà của chúng ta cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng chúng ta không thấy A La Hán, Bồ Tát, càng chẳng thể thấy Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí. Ở Tây Phương, hằng ngày gặp gỡ các Ngài, vì có chuyện này nên trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật đã dạy, A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (quang minh tôn quý nhất, là vua trong các Phật). Đọc đến chỗ này liền hiểu rõ: Do tín nguyện trì danh, ắt sẽ đạt được công đức và lợi ích thù thắng như trong kinh đã dạy.

Phật có ba thân là Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân. Pháp Thân là Lý, Báo Thân và Hóa Thân là Sự. Lý là chủ thể có công năng biến hiện (Năng Biến), Sự là cái được biến hiện (Sở Biến). Lý chính là Chân Như bổn tánh như trong kinh đã nói. Kinh Hoa Nghiêm nói tới Nhất Chân pháp giới, lại nói “bất khả tư nghị giải thoát cảnh giới” (cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn) đều là nói về sự việc này. Những danh từ, thuật ngữ đồng nghĩa với Nhất Chân pháp giới nhiều đến mấy chục thứ. Vì sao lại nói ra nhiều danh từ? Nhằm mục đích khiến cho chúng ta đừng chấp trước danh tướng, khiến cho chúng ta lìa khỏi tướng danh tự, lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, thì mới có thể thật sự thấu hiểu chân tướng của nó. “Bản thể của vũ trụ vạn hữu” như các nhà triết học đã nói chính là Pháp Thân. Báo Thân là trí huệ. Báo Thân là trí có khả năng chứng đắc (năng chứng trí), Pháp Thân là Lý được chứng (sở chứng lý) [bởi cái trí ấy]. Lý và Trí là một, chẳng phải hai. Trong triết học, Năng và Sở đối lập với nhau, nhưng Phật pháp nói trí năng chứng và lý sở chứng là một, chẳng thể tách rời. Hóa Thân còn gọi là Ứng Thân nhằm lợi ích chúng sanh, nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Chư Phật, Bồ Tát ứng hiện tùy theo từng loại chúng sanh. Tam thân của chư Phật, Bồ Tát rõ ràng, tam thân của chúng ta chẳng rõ ràng, vì tâm của chúng ta bị vọng tưởng, chấp trước, thất tình, ngũ dục mê hoặc. Sự giáo học của đức Phật chỉ nhằm phá mê, khai ngộ. Hễ ngộ sẽ liền chứng đắc Pháp Thân. Cái thân hiện thời của chúng ta là thân nghiệp báo, thuận theo nghiệp mà hứng chịu quả báo. Luân hồi trong lục đạo là vì chính mình mê mất tự tánh, do tạo nghiệp thiện hay ác mà biến hiện ra. Làm thế nào để khôi phục tam thân, làm thế nào mới thụ dụng được tam thân, đấy chính là những chủ đề dạy dỗ chánh yếu của đức Phật.

Từ ngữ “Pháp Thân đơn” chỉ Lý tánh được chứng. Lý và Sự là một, Tánh và Tướng là một. Đấy là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, mà cũng chính là Pháp Thân. “Báo Thân đơn” chính là công đức trí huệ có công năng chứng được Lý Tánh. Hiểu minh bạch, đích xác chân tướng của nhân sinh và vũ trụ thì gọi là trí huệ, đấy là Báo Thân. “Hóa Thân đơn” chỉ tướng hảo, sắc tướng được biến hiện. Đấy là Tha Thụ Dụng. Vì sao có sanh, lão, bệnh, tử? Là vì chúng ta có tự thụ dụng, tức là chính mình mong cầu hưởng thụ. Chư Phật, Bồ Tát chẳng tự thụ dụng, thân cũng không có tướng, những tướng ấy nhằm để cho người khác hưởng dùng (tha thụ dụng). Vì thế, các Ngài không có sanh, lão, bệnh, tử. Phật pháp dạy Vô Ngã, đối với chính mình thì nói là không có Ngã, nhưng đối với người khác thì nói có Ngã. Có Ngã là để cho người khác thụ dụng, [Ngã] là công cụ để giáo hóa chúng sanh giác ngộ. Vì vậy, thân của chư Phật, Bồ Tát tùy theo sự cảm ứng của chúng sanh mà hiện. [Kinh điển kể ra] ba mươi hai ứng thân của Quán Âm Bồ Tát [thì ba mươi hai ứng thân ấy] là những loại tổng quát, hoàn toàn là vô tâm, mà cũng là vô niệm, nên mới có thể cảm ứng. Như gõ chuông, gõ mạnh, chuông ngân to; gõ nhẹ, chuông ngân nhỏ. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, đều là hễ hỏi liền đáp, chẳng phải suy nghĩ. Do vậy, học Phật trong hết thảy thời, trong hết thảy chỗ, trong hết thảy cảnh duyên, chẳng sanh một niệm, chỉ dùng một câu A Di Đà Phật, dùng nhất niệm để dứt hết thảy vọng niệm. Pháp môn này hay khéo, dễ dàng, [bởi lẽ], một niệm dễ tu hơn vô niệm rất nhiều. Trong quá khứ, ta thấy phương pháp tiếp dẫn chúng sanh của nhiều vị đại đức là sử dụng thân giáo (dùng hành vi, ứng xử nơi thân để giáo hóa), không dùng tới ngôn ngữ. Có khi dùng ngôn giáo (dạy dỗ bằng lời nói) nhằm giải nói tường tận. Tùy căn tánh và hoàn cảnh khác biệt của từng người mà đều có thể khiến cho chúng sanh được lợi ích. Pháp môn vô lượng vô biên, nhưng mục tiêu chỉ có một, tuy khác đường nhưng cùng về một nơi!



“Pháp Thân phức”: Loại thứ nhất là Tự Tánh Thanh Tịnh Pháp Thân.

Thân này chỉ về bản thể, cũng chính là Pháp Thân đơn, mọi người chúng ta ai nấy đều có. Loại thứ hai là Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Nói theo phương diện sự tướng, “Cấu” (垢) là vô minh phiền não. Cũng xét theo quả vị Như Lai trong Viên Giáo, bốn mươi mốt phẩm vô minh đều đoạn sạch thì gọi là Ly Cấu Diệu Cực Pháp Thân. Do Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phần sanh tướng vô minh chưa phá nên chẳng thể xưng là Diệu Cực. Khi thành Phật bèn có Diệu Cực Pháp Thân, từ Bồ Tát trở xuống đều không có.



“Báo Thân phức” chia thành Tự Thụ Dụng Báo Thân và Tha Thụ Dụng Báo Thân. Kinh Bát Nhã gọi Thật Trí là Tự Thụ Dụng Báo Thân. Kinh Bát Nhã nói “Bát Nhã vô tri”, Tự Thụ Dụng là vô tri. Phật vì chúng sanh thuyết pháp bèn sử dụng Quyền Trí, [còn trí để] chính Phật tự thọ dụng là Thật Trí. Phật là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Tâm Phật thật sự thanh tịnh.

“Hóa Thân phức” chia thành Thị Sanh Hóa Thân và Ứng Hiện Hóa Thân. Thị Sanh Hóa Thân (thân thị hiện cho chúng sanh) là như Phật trụ trong thế gian, [thị hiện có thân hình] giống hệt như người đời, giảng kinh, thuyết pháp, tám mươi tuổi viên tịch. Ứng Hiện Hóa Thân là thân cảm ứng xuất hiện khi cần thiết. Trong quá khứ, trước thời Kháng Chiến83, vợ của tiên sinh Châu Bang Đạo sang Nam Kinh sống, đã gặp Địa Tạng Vương Bồ Tát hóa duyên. Đấy chính là Ứng Hiện Hóa Thân của Bồ Tát. Họ Châu nhà cửa rất to, có ba lớp cửa. Một hôm, có một vị xuất gia đến nhà họ, hướng về Châu phu nhân hóa duyên, xin bà phát tâm cúng dường năm cân dầu thơm. Thuở ấy, Châu phu nhân còn chưa học Phật, chưa hề gật đầu ưng chịu, tiếp đãi hời hợt khiến vị xuất gia ấy bỏ đi. Sau đấy, Châu phu nhân nghĩ lại, nhà ta có ba lớp cửa, đều chưa mở khóa, làm sao vị xuất gia này lại bước vào được, thật chẳng hiểu nổi! Về sau, đến Đài Loan đem chuyện ấy hỏi thầy Lý. Thầy Lý nói: “Vị xuất gia ấy chính là Địa Tạng Bồ Tát”. Vợ chồng Châu tiên sinh nghe xong hết sức hối tiếc.

“Phật Giới Hóa Thân, Tùy Loại Hóa Thân”. Loại này (Phật Giới Hóa Thân) chỉ riêng cho sự thị hiện dưới thân tướng Phật, [tức là thân có] ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo, còn các thân thị hiện khác chính là Tùy Loại Hóa Thân (hóa thân theo từng loài chúng sanh). “Tuy biện đơn phức tam thân, thực phi nhất, phi tam, nhi tam, nhi nhất, bất tung hoành, bất tịnh biệt, ly quá, tuyệt phi, bất khả tư nghị” (Tuy phân biệt ba thân đơn và kép, nhưng thật ra chẳng phải ba, chẳng phải một, mà là ba, là một, chẳng dọc ngang, chẳng cùng tồn tại hay sai khác, dứt lỗi, tuyệt sai, chẳng thể nghĩ bàn). Đại sư [viết những lời này vì] sợ chúng ta nghe xong bèn chấp trước [vào danh tướng của ba thân] thì hỏng mất. Nói theo mặt Lý thì có Thể, Tướng, Dụng, luận theo Phật Giới thì có ba thân, nhưng ba món này viên dung, chẳng phân biệt là theo chiều dọc (thời gian) hay chiều ngang (không gian), cũng chẳng sai biệt. Nếu chấp trước sẽ sai lầm. Nếu thuyết pháp và nghe pháp đều hiểu nguyên tắc và nguyên lý này, sẽ chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Người thuyết pháp nói pháp thanh tịnh, người nghe pháp chẳng chấp trước ngôn ngữ, danh tướng. Chẳng khởi lên phân biệt và chấp trước thì người nghe và kẻ nói đều có giác, có ngộ.

A Di Đà Phật được nói trong kinh này rốt cuộc thuộc loại thân nào vậy? A Di Đà Phật trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư chính là Thị Sanh Hóa Thân. Ba ngàn năm trước, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trong thế gian cũng là Thị Sanh Hóa Thân. Tuy cùng là Thị Sanh Hóa Thân, nhưng tinh thần hoàn toàn khác nhau. Phật Thích Ca thị hiện giáng sanh có đôi chút ý nghĩa “tùy duyên”. Đức Phật xuất hiện trong thế gian, thuở ấy, người thế gian thọ một trăm tuổi, đức Phật tám mươi tuổi bèn viên tịch. Thứ nhất là vì hóa duyên (duyên hóa độ) đã hết. Thứ hai là vì Ma Vương Ba Tuần khải thỉnh, hắn bạch Phật: “Ngài hóa độ chúng sanh đã nhiều lắm rồi, hãy nên nhập Niết Bàn”. Phật nhận lời hắn cũng là vì tùy thuận duyên thế gian.

A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là Thị Sanh Hóa Thân, Ngài sáng tạo thế giới Cực Lạc do nguyện vọng của hết thảy chúng sanh trong tột cùng hư không trọn khắp pháp giới cảm ứng, nên thân tướng và cõi nước đều là Thị Sanh Hóa Thân, khác hẳn với cách thức hóa độ chúng sanh của hết thảy chư Phật, hết sức đặc biệt, thù thắng. Nhưng xét theo Hóa Thân ấy để nói, thì nó cũng là Báo Thân, mà cũng là Pháp Thân, một chính là ba, ba chính là một. Vì thọ mạng quá dài, dẫu trong tương lai khi hóa duyên đã hết, Phật sẽ nhập Niết Bàn, Quán Thế Âm Bồ Tát liền thành Phật để nối ngôi trong thế giới Cực Lạc, nhưng chuyện ấy xảy ra khi nào, không ai có thể tính ra được! Trong phần trước, tôi đã nói tường tận [điều này]. Chúng ta vãng sanh Tây Phương, thọ mạng, trí huệ, thần thông, đức năng đều giống như A Di Đà Phật, ai nấy đều có phần. Nếu hiểu rõ sự thật này thì mới biết niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là một đại sự bậc nhất trong đời người, những thứ khác hoàn toàn là giả!

“Phục thứ, thế giới cập Phật, giai ngôn hữu giả” (Lại nữa, [trong chánh kinh, đối với] thế giới và Phật, đều nói là “có”). Hai chữ “hữu” (tức hai chữ “hữu” trong câu “hữu thế giới danh viết Cực Lạc”“hữu Phật hiệu A Di Đà”) này hết sức quan trọng. “Cụ tứ nghĩa” (có đủ bốn nghĩa): [Bốn nghĩa ấy] chính là Tứ Tất Đàn.

1) Thứ nhất, Thế Giới Tất Đàn: Phật thí pháp cho hết thảy chúng sanh, “đích tiêu thật cảnh, linh hân cầu cố” (nêu đích xác cảnh thật, khiến cho chúng sanh ưa thích, mong cầu). Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật cũng có thật, khiến cho tâm chúng sanh hâm mộ, hướng về.

2) Thứ hai, Vị Nhân Tất Đàn: “Thành ngữ chỉ thị, linh chuyên nhất cố” (lời thành thật chỉ dạy, khiến cho chúng sanh chuyên nhất). Phật dùng lời nói chân thành, chỉ dạy chúng ta tín, nguyện, trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, tin vào bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nguyện nào cũng thực tiễn, giúp chúng sanh vãng sanh Tịnh Độ, viên thành Phật đạo. Tin tưởng những lời tán thán A Di Đà Phật của hết thảy chư Phật trong mười phương thế giới câu nào cũng chân thành, khiến cho chúng ta sanh khởi tín tâm chân thật, chuyên học pháp môn này. Trong một đời này, nhất định thành tựu viên mãn, được lợi ích vãng sanh.

3) Thứ ba, Đối Trị Tất Đàn: Đại sư nói: “Giản phi Càn thành, dương diệm, phi quyền hiện khúc thị, phi duyên ảnh hư vọng, phi bảo chân thiên đản, phá ma, tà, quyền, tiểu cố” (nhằm phân biệt rõ ràng [cõi Cực Lạc] chẳng phải là thành Càn Thát Bà84, là bóng nước gợn khi trời nắng gắt, chẳng phải là quyền biến thị hiện hay nói phương tiện nhằm thuận

theo căn tánh, chẳng phải là bóng dáng hư vọng của các duyên, chẳng phải là khư khư giữ lấy thiên chân, phá dẹp ma, tà, quyền, tiểu). Đoạn văn này nói Tây Phương Cực Lạc thế giới và A Di Đà Phật chẳng phải là thành Càn Thát Bà. Thành Càn Thát Bà là huyễn hóa. “Dương diệm” cũng chẳng phải là thật, giống như “dã mã” (ngựa hoang) do Trang Tử đã nói (Chuyện “dã mã” xin đọc thiên Tiêu Dao trong sách Trang Tử, ý nói: Mây trôi trên không trung có hình giống như ngựa hoang, hư huyễn, chẳng thật). Tại Đại Lục, trên bình nguyên phương Bắc, hơi đất bốc lên trông xa như có nước, đến gần chẳng có, những con nai khát nước rảo chạy đến uống, rốt cuộc tìm không ra. Câu “phi quyền hiện khúc thị” (chẳng phải là quyền biến thị hiện hay nói phương tiện nhằm thuận theo căn tánh) chính là lời phản bác Lý Trưởng Giả (Lý Thông Huyền). Lý Trưởng Giả là người thời Đường, là một vị đại đức lỗi lạc. Kinh Hoa Nghiêm từ xưa tới nay chỉ có hai bản chú giải nổi danh nhất, một là bộ Hoa Nghiêm Sớ Sao của Thanh Lương đại sư, bộ kia là Hoa Nghiêm Hợp Luận của Lý Trưởng Giả. Trong bộ Hoa Nghiêm Hợp Luận, Lý Trưởng Giả cho rằng Tây Phương Cực Lạc thế giới là quyền biến thị hiện, tức là A Di Đà Phật nhằm tạo phương tiện tiếp dẫn chúng sanh nên bày ra [cõi ấy]. Ở chỗ này, Ngẫu Ích đại sư phản bác cách nói của Lý Trưởng Giả, nên mới nói “phi quyền hiện khúc thị”. Hàng Bồ Tát hiểu lầm thế giới Tây Phương rất nhiều, Lý Trưởng Giả nói mấy câu nói ấy có gì lạ đâu! Tây Phương thế giới chỉ có chư Phật mới có thể hiểu thấu rốt ráo. “Duyên ảnh”: Chúng sanh ngỡ bóng dáng biến hiện của các duyên Lục Trần [trong tâm thức] là cái tâm của chính mình, đó cũng là hư vọng. Ngoài ra, từ ngữ “bảo chân thiên đản” chỉ bậc Tiểu Thừa chứng đắc Thiên Chân Niết Bàn. Đức Thế Tôn nói Niết Bàn của Tiểu Thừa giống như trạm nghỉ giữa đường, chưa phải là mục tiêu rốt ráo. Đây là đả phá những kiến giải sai lầm của ma, tà, quyền giáo, Tiểu Thừa đối với Tịnh Tông.

4) Thứ tư, Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn: Đại sư nói: “Viên chương tánh cụ, linh thâm chứng cố” (phô bày trọn vẹn tánh vốn trọn đủ nhằm làm cho [người nghe] chứng nhập sâu xa) nhằm dạy cho chúng ta biết lợi ích do chứng quả. “Viên” là viên mãn, “chương” (彰) là phơi bày rõ ràng, chẳng có mảy may ẩn giấu nào. “Tánh cụ” là nói rõ y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương thế giới vốn đều có sẵn trong tự tánh, chẳng phải là pháp ở ngoài tâm, hoàn toàn phù hợp với những điều đã được nói trong kinh luận Đại Thừa Viên Giáo, quả thật có căn cứ lý luận, khiến cho chúng ta tin sâu, chẳng nghi. Chính vì tánh ta và người sẵn đủ [y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới], khiến cho chúng ta càng thêm tin tưởng sâu xa chính mình nhất định sẽ có thể vãng sanh chứng quả. Nếu vẫn còn nghi ngờ, ắt sẽ tạo thành chướng ngại lớn nhất cho việc vãng sanh Tịnh Độ. Vì sao Ngẫu Ích đại sư viết Di Đà Yếu Giải, vì sao Liên Trì đại sư viết Di Đà Sớ Sao? Dụng tâm của các Ngài đều nhằm đoạn nghi sanh tín cho chúng ta.


(Giải) “Kim hiện tại thuyết pháp” giả, giản thượng y, chánh nhị hữu, phi quá khứ dĩ diệt, vị lai vị thành. Chánh ưng phát nguyện vãng sanh, thân cận thính pháp, tốc thành Chánh Giác dã. Phục thứ, nhị hữu hiện tại, khuyến tín tự dã. “Thế giới danh Cực Lạc”, khuyến nguyện tự dã. “Phật hiệu A Di Đà”, khuyến trì danh diệu hạnh tự dã. Phục thứ, A Di tự Phật, “thuyết pháp” tự Pháp. Hiện tại hải hội tự Tăng. Phật, Pháp, Tăng đồng nhất Thật Tướng, tự Thể. Tùng thử, khởi Tín Nguyện Hạnh, tự Tông. Tín Nguyện Hạnh thành, tất đắc vãng sanh, kiến Phật văn pháp, tự Dụng. Duy nhất Phật giới vi sở duyên cảnh, bất tạp dư sự, tự Giáo Tướng dã. Ngôn lược, ý châu hỹ. Sơ, Tự Phần cánh.
() 今現在說法者。簡上依正二有。非過去已滅。來未成。正應發願往生。親覲聽法。速成正覺也。復次。二有現在。勸信序也。世界名極樂。勸願序也。佛號阿彌陀。勸持名妙行序也。復次。阿彌序佛。說法序法。現在海會序僧。佛法僧同一實相。序體。從此起信願行。序宗。信願行成。必得往生。見佛聞法。序用。唯一佛界為所緣境。不雜餘事。序教相也。言略意周矣。初序分竟。
(Giải: “Nay hiện đang thuyết pháp” nhằm phân định trong hai thứ y báo và chánh báo đã có như đã nói trong phần trên, chẳng phải là trong quá khứ, đã diệt, chẳng phải là trong vị lai còn chưa thành, đúng là [người nghe kinh] rất nên phát nguyện vãng sanh hòng thân cận, nghe pháp, mau thành Chánh Giác. Lại nữa, hai chữ Hữu và chữ “hiện tại” chính là phần Tựa nhằm khuyến tín. “Thế giới tên là Cực Lạc” là phần Tựa khuyên hãy nên phát nguyện. “Phật hiệu A Di Đà”, chính là phần Tựa nhằm khuyên [thực hành] diệu hạnh Trì Danh. Lại nữa, A Di Đà là lời Tựa giới thiệu Phật, chữ “thuyết pháp” là lời Tựa giới thiệu Pháp, hiện tại hải hội là lời Tựa giới thiệu Tăng. Phật, Pháp, Tăng cùng một Thật Tướng, đó là lời Tựa nói về Thể. Từ đây, khởi lòng tin, phát nguyện, hành trì, là lời Tựa nói về Tông. Tín - Nguyện - Hạnh thành tựu, ắt được vãng sanh, thấy Phật nghe pháp, là lời Tựa nói về Dụng. Chỉ dùng một Phật giới dùng để làm cảnh sở duyên, chẳng xen tạp các sự khác, là lời Tựa nói về Giáo Tướng. Lời lẽ vắn tắt, nhưng ý trọn đủ. Phần thứ nhất là Tự Phần đã giảng xong85).
Đoạn văn chú giải này chỉ rõ tình hình của Phật và đại chúng ở Tây Phương Cực Lạc thế giới là như thế nào. Chữ “kim” chỉ đời này, chứ không phải là quá khứ hay vị lai. Đức Phật quán sát căn cơ của chúng sanh trong thế gian, nói Nhĩ Căn của chúng ta nhạy bén nhất. Trong hội Lăng Nghiêm, Văn Thù Bồ Tát chọn lựa pháp Viên Thông, đã nói: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn” (Giáo thể chân thật của phương này, thanh tịnh ở nơi nghe tiếng). Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay chưa hề có khả năng vượt thoát luân hồi lục đạo. Nhĩ Căn của chúng sanh trong thế giới Sa Bà nhạy bén nhất; do vậy, trong bốn mươi chín năm, đức Phật luôn dùng âm thanh để giảng kinh, thuyết pháp. Chúng sanh sanh về Tây Phương, tập khí vẫn còn, nên A Di Đà Phật cũng thuyết pháp để giáo hóa chúng sanh. Trong các kinh Đại Thừa nói mười phương chúng sanh căn tánh bất đồng, có nơi nhãn căn nhạy bén, cũng có nơi thiệt căn nhạy bén, như trong nước Hương Tích86 dùng cơm thơm để làm Phật sự. Trong Tây Phương thế giới, sáu trần thuyết pháp, bất cứ căn tánh nào cũng đều có thể đạt được lợi ích.

Nhà Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Trong sáu đường, tuổi thọ con người chẳng dài, tuổi thọ của chư thiên lâu dài. Tầng trời thứ nhất là Tứ Vương Thiên. Một ngày trên Tứ Vương Thiên là năm chục năm nhân gian, thọ mạng của cõi trời này là năm trăm năm. Tính toán như vậy thì thọ mạng của chư thiên cõi trời Tứ Vương bằng chín trăm mười hai vạn năm ngàn năm (9.125.000) trong nhân gian. Một ngày trên trời Đao Lợi là một trăm năm trong nhân gian, tuổi thọ của họ là một ngàn năm. Thọ mạng của chư thiên Đao Lợi là ba ngàn sáu trăm năm mươi vạn (36.500.000) năm trong nhân gian. Càng lên cao, thọ mạng của chư thiên càng dài, phước báo cũng càng lớn. Thọ mạng trong địa ngục cũng dài. Trong tác phẩm Phật Học Thập Tứ Giảng do thầy Lý biên soạn tại Từ Quang Giảng Tòa ở Đài Trung cũng từng có nói một ngày trong địa ngục bằng hai ngàn bảy trăm năm (2.700) trong nhân gian. Trung Quốc nổi tiếng là năm ngàn năm lịch sử, nhưng so với địa ngục thì vẫn chưa đầy hai ngày! Kinh Lăng Nghiêm giảng về địa ngục đặc biệt rất tường tận “dễ vào, khó ra” nhằm cảnh tỉnh chúng ta. Thọ mạng trong ngạ quỷ đạo cũng dài, một ngày trong quỷ đạo bằng một tháng trong nhân gian, tuổi thọ của họ là vài ngàn năm. Đầu thời Dân Quốc, bậc đại sư về Quốc Học87 là tiên sinh Chương Thái Viêm từng làm phán quan của Đông Nhạc đại đế88, mỗi tối vào cõi âm để phán án, từng gặp những người thuộc thời Đường, thời Tống, cùng thảo luận văn chương với bọn họ. Chuyện này do con rể của cụ là lão cư sĩ Châu Kính Trụ kể cho tôi biết. Súc sanh ngu si, thọ mạng ngắn ngủi, tâm lượng nhỏ nhoi, hạn cuộc trong phạm vi cuộc sống nhỏ nhoi của chúng, chấp trước thân của chúng là chính mình, chết đi vẫn thụ thân súc sanh y như cũ. Thời đức Phật, khi kiến tạo Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên (tinh xá Kỳ Hoàn), trông thấy một tổ kiến trên đất, Phật mỉm cười nói: “Tổ kiến này đã trải qua bảy đức Phật mà vẫn chưa thoát khỏi thân kiến”. Trong lục đạo, chỉ có nhân đạo có thể tiếp nhận Phật pháp. Cõi trời sung sướng, tam ác đạo quá khổ, đều chẳng dễ học đạo. Trong kinh, đức Phật từng nói: “Thân người đáng quý nhất”. Thị hiện thành Phật độ chúng sanh nhất định phải ở trong nhân đạo. Loài người nghe pháp dễ giác ngộ, ngộ xong liền có thể vượt thoát tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Nếu được làm thân người, mà chưa thể gặp Phật, nghe pháp, hoặc nghe mà chưa thể nghiêm túc tu học, đời người có gì đáng quý nữa? Chúng ta nghe pháp trọn chẳng phải là do đức Phật trực tiếp truyền dạy; vì thế, nghe rồi mà chưa thể khai ngộ. Trong thuở đức Phật giảng kinh, giảng một bộ kinh chưa xong mà đã có nhiều người khai ngộ, chứng quả. Hiện thời nghe nói A Di Đà Phật đang thuyết pháp tại Tây Phương, cơ hội thật khó có.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói thọ mạng của A Di Đà Phật là vô lượng thọ, Ngài thị hiện thành Phật mới chỉ mười kiếp ở Tây Phương. Nếu chúng ta sanh về đó, trong tương lai sẽ thuộc vào bậc nguyên lão. A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Nếu đích thân nghe A Di Đà Phật thuyết pháp, lẽ đâu chẳng khai ngộ? Cổ nhân nói: “Đản đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ?” (Chỉ được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ). Nếu hiểu rõ ràng rồi thì nhất định phải buông xuống vạn duyên, chết lòng sát đất niệm một câu Phật hiệu, chiếu theo phương pháp dạy trong kinh Di Đà để tu học, trong một đời này nhất định thấy Phật, thấy Phật rồi sẽ thường theo học với Phật, lẽ nào chẳng thành tựu?

Hơn nữa, “nhị hữu hiện tại”, bốn chữ này nhằm khuyên nên tin tưởng. “Thế giới danh Cực Lạc” nhằm khuyên nên phát nguyện. Thế gian khổ nạn quá nhiều, chuyện gì cũng chướng ngại trùng trùng, chuyện chẳng như ý [trong mười phần] thường có tới tám chín phần. Trong một đời này, chúng ta chiêm nghiệm, nhất là trong xã hội hiện thời, quả thật đúng như vậy. Nếu nay đã biết Tây Phương Cực Lạc thế giới ở đâu, nơi đó không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui; hơn nữa, đức Phật nói, chỉ cần quý vị chịu về đó, ai nấy đều có thể tới đó, trọn chẳng khó khăn gì. “Phật hiệu A Di Đà, khuyến trì danh diệu hạnh tự dã” (Câu “Phật hiệu là A Di Đà” là lời tựa nhằm khuyên hành diệu hạnh Trì Danh). A Di Đà Phật hằng ngày thuyết pháp bên đó, có thể thành tựu học nghiệp và đạo nghiệp cho chúng ta. Phương pháp chỉ là niệm một

câu Phật hiệu; do vậy, Phật hiệu được xếp vào Hạnh Môn.

Phục thứ, A Di tự Phật, thuyết pháp tự Pháp, hiện tại hải hội tự Tăng” (Lại nữa, A Di Đà là lời tựa giới thiệu Phật, chữ “thuyết pháp” là phần tựa giới thiệu Pháp, hiện tại hải hội là phần tựa giới thiệu Tăng). Trong đoạn này, lời chú giải đã phối hợp kinh văn với Tam Bảo Phật - Pháp - Tăng. Phật, Pháp, Tăng có cùng một Thật Tướng, Thật Tướng là chân tâm bổn tánh. Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do chân tâm biến hiện ra, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Do những sự thực và lý luận trong phần trên mà sanh khởi tín tâm, nguyện tâm, chấp trì danh hiệu, cầu nguyện vãng sanh, đấy là tông chỉ của kinh này, mà cũng dụng ý của Phật khi nói kinh này. Tín, Nguyện, Hạnh thành tựu, hoàn toàn không nghi hoặc sự thật này, có nguyện vọng mạnh mẽ, có thể buông bỏ thân, tâm, thế giới. Trong mười hai thời, Phật hiệu không gián đoạn, nhất định sẽ vãng sanh, thấy Phật, nghe pháp, tâm nguyện liền viên mãn. Đức Thế Tôn giảng hết thảy kinh luận, nội dung sâu rộng, có Sự, Lý, Tánh, Tướng, những thứ để tâm duyên vào rất rộng. Pháp môn này chỉ duyên nơi một vị A Di Đà Phật; trừ Phật ra, hết thảy đều chẳng phan duyên (nắm níu), chẳng xen tạp những chuyện khác, thanh tịnh khôn sánh. Luận trên phương diện giáo học, bất cứ răn dạy nào cũng đều chẳng thể sánh bằng pháp này, lời lẽ tuy không nhiều, nhưng ý nghĩa trọn vẹn, đầy đủ. Đến đây đã nói xong Tự Phần, tiếp theo là Chánh Tông Phần.


Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu
giang-kinh -> Sự Thành Lập Kinh Điển Phật Giáo Daisaku Ikeda (The First Mileage of Buddhism) Nguyên Hảo dịch Nguồn

tải về 3.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương