PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記



tải về 3.07 Mb.
trang4/32
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích3.07 Mb.
#33422
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   32

3.4. Minh Lực Dụng (giảng về lực dụng)
(Giải) Đệ tứ, minh lực dụng. Thử kinh dĩ “vãng sanh bất thoái” vi lực dụng. Vãng sanh hữu tứ độ, các luận cửu phẩm. Thả lược minh đắc sanh tứ độ chi tướng. Nhược chấp trì danh hiệu, vị đoạn Kiến Tư, tùy kỳ hoặc tán hoặc định, ư Đồng Cư độ phân tam bối cửu phẩm. Nhược trì chí Sự nhất tâm bất loạn, Kiến Tư nhậm vận tiên lạc, tắc sanh Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ. Nhược chí Lý nhất tâm bất loạn, khoát phá vô minh nhất phẩm, nãi chí tứ thập nhất phẩm, tắc sanh Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ, diệc phần chứng Thường Tịch Quang độ. Nhược vô minh đoạn tận, tắc thị thượng thượng Thật Báo, cứu cánh Tịch Quang dã. Bất Thoái hữu tứ nghĩa, nhất Niệm Bất Thoái, phá vô minh, hiển Phật tánh, kính sanh Thật Báo, phần chứng Tịch Quang. Nhị Hạnh Bất Thoái, Kiến Tư ký lạc, Trần Sa diệc phá, sanh Phương Tiện độ, tiến xu cực quả. Tam Vị Bất Thoái, đới nghiệp vãng sanh, tại Đồng Cư độ, liên hoa thác chất, vĩnh ly thoái duyên. Tứ Tất Cánh Bất Thoái, bất luận chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hoặc giải, bất giải, đản Di Đà danh hiệu, hoặc lục phương Phật danh, thử kinh danh tự nhất kinh ư nhĩ, giả sử thiên vạn kiếp hậu, tất cánh nhân tư độ thoát. Như văn đồ độc cổ, viễn cận giai táng. Thực thiểu kim cang, quyết định bất tiêu dã. Phục thứ, chỉ đới nghiệp sanh Đồng Cư tịnh, chứng Vị Bất Thoái giả, giai dữ Bổ Xứ câu, diệc giai nhất sanh tất bổ Phật vị. Phù thượng thiện nhất xứ, thị sanh Đồng Cư. Tức dĩ hoành sanh thượng tam độ, nhất sanh bổ Phật. Thị Vị Bất Thoái. Tức dĩ viên chứng Tam Bất Thoái. Như tư lực dụng, nãi thiên kinh vạn luận sở vị tằng hữu. Giảo bỉ đốn ngộ chánh nhân, cẩn vi xuất trần giai tiệm. Sanh sanh bất thoái, thủy khả kỳ ư Phật giai giả, bất khả đồng nhật ngữ hỹ. Tông giáo chi sĩ, như hà vật tư.
()第四。明力用。此經以往生不退為力用。往生有四

土。各論九品。且略明得生四土之相。若執持名號。未斷見思。隨其或散或定。於同居土。分三輩九品。若持至事一心不亂。見思任運先落。則生方便有餘淨土。若至理一心不亂。豁破無明一品。乃至四十一品。則生實報莊嚴淨土。亦分證常寂光土。若無明斷盡。則是上上實報。究竟寂光也。不退有四義。一念不退。破無明。顯佛性。生實報。分證寂光。二行不退。見思既落。塵沙亦破。生方便土。進趨極果。三位不退。帶業往生。在同居土。蓮華託質。永離退緣。四畢竟不退。不論至心散心。有心無心。或解不解。但彌陀名號。或六方佛名。此經名字。一經於耳。假使千萬劫後。畢竟因斯度脫。如聞塗毒鼓。遠近皆喪。食少金剛。決定不消也。復次祇帶業生同居淨。證位不退者。皆與補處俱。亦皆一生。必補佛位。夫上善一處。是生同居。即已橫生上三土一生補佛。是位不退。即已圓證三不退。如斯力用。乃千經萬論所未曾有。較彼頓悟正因。僅為出塵階漸。生生不退。始可期於佛階者。不可同日語矣。宗教之士。如何勿思。
(Giải: Thứ tư, nói về lực dụng. Kinh này lấy “vãng sanh bất thoái” làm lực dụng. Vãng sanh có bốn cõi, trong mỗi cõi đều luận định chín phẩm, nên bèn giảng đại lược về tướng trạng của bốn cõi. Nếu chấp trì danh hiệu mà chưa đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc, tùy theo tán tâm hay định tâm, sẽ sanh vào cõi Đồng Cư, chia ra thành ba bậc, chín phẩm. Nếu trì đến mức Sự nhất tâm bất loạn, giữa Kiến Hoặc và Tư Hoặc, tùy ý đoạn trước một thứ, sẽ sanh về Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ. Nếu trì đến mức Lý nhất tâm bất loạn, phá rỗng toang từ một phẩm vô minh cho đến bốn mươi mốt phẩm vô minh, sẽ sanh vào Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ và cũng chứng một phần cõi Thường Tịch Quang. Nếu đoạn sạch vô minh, sẽ là thượng thượng Thật Báo, rốt ráo Tịch Quang. Bất Thoái có bốn nghĩa:

1. Niệm Bất Thoái: Phá vô minh, hiển Phật tánh, mau chóng sanh về cõi Thật Báo, chứng một phần cõi Tịch Quang.

2. Hạnh Bất Thoái: Đã trừ được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, cũng phá được Trần Sa Hoặc, sanh về cõi Phương Tiện, tiến hướng cực quả.

3. Vị Bất Thoái: Đới nghiệp vãng sanh, ở trong cõi Đồng Cư, gởi thân nơi hoa sen, vĩnh viễn lìa khỏi duyên thoái thất.

4. Tất Cánh Bất Thoái: Chẳng cần biết là chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần danh hiệu Di Đà, hoặc danh hiệu của chư Phật trong sáu phương và tên gọi kinh này, vừa nghe thoảng qua tai, giả sử ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do điều này mà được độ thoát. Như nghe tiếng cái trống có bôi chất độc, xa hay gần đều

bị chết. Ăn một chút kim cang, quyết định mãi mãi chẳng tiêu.

Hơn nữa, những kẻ chỉ cần đới nghiệp vãng sanh Đồng Cư Tịnh Độ, chứng Vị Bất Thoái, đều cùng ở chung với các vị Bổ Xứ, cũng sẽ đều trong một đời ắt dự vào địa vị Bổ Xứ làm Phật. Phàm ở chung với các bậc thượng thiện, tức là sanh vào cõi Đồng Cư thì là đã sanh ngang sang ba cõi trên, trong một đời được bổ xứ thành Phật. Đấy là [hễ dự vào] Vị Bất Thoái thì là đã chứng trọn vẹn ba món Bất Thoái. Lực dụng như vậy chính là điều chưa hề có trong ngàn kinh vạn luận. So với những chánh nhân đốn ngộ khác thì chúng đều chỉ là thoát khỏi cõi trần dần dần theo thứ tự, phải đời đời bất thoái thì mới có thể mong thành Phật được. Dẫu nói suốt ngày cũng chẳng thể nói trọn hết [lực dụng của kinh này]. Những bậc tu hành bên Tông, bên Giáo cớ sao chẳng suy nghĩ?)
Phần thứ tư là giảng về Lực Dụng, [tức là] phần này nói rõ công đức tu hành, lợi ích do học tập, mà cũng có nghĩa là cái hay của niệm Phật nằm ở chỗ nào? Cổ đức nói: “Kinh này lấy vãng sanh làm Công, lấy bất thoái làm Dụng”. Trong kinh cũng dạy: “Chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí” (Những chúng sanh sanh về đó đều là Bất Thoái Chuyển Bồ Tát). Thân nghiệp báo [trong cõi Sa Bà] này là thân tối hậu (thân cuối cùng). Thân của những vị tái lai đến thế gian này để độ người chính là Ứng Hóa Thân. Hiện thời, người chân chánh phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, lòng tin chân thật, phát nguyện chân chánh, tuân theo lời giáo huấn của Phật. Cái tâm ấy vừa phát ra thì Tây Phương đã ghi danh, chứng được thân tối hậu trong hiện tại, trong khoảng một niệm liền đến được cõi ấy.

Vãng sanh [Tịnh Độ] có bốn cõi:

a) Một là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Thế giới Sa Bà cũng là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Tuy [trong cõi Sa Bà] có thánh nhân, nhưng thiếu duyên sẽ chẳng gặp được. Trong truyện ký xa xưa có chép: Pháp Chiếu đại sư (tổ sư đời thứ tư của Tịnh Độ Tông), là người đời Đường, gặp Văn Thù Bồ Tát ở núi Ngũ Đài, đạo tràng của Bồ Tát là Đại Thánh Trúc Lâm Tự, đẹp đẽ, cao rộng. Tổ nghe Văn Thù Bồ Tát giảng kinh, thưa hỏi Bồ Tát: “Trong thời kỳ Mạt Pháp, tu pháp môn nào sẽ dễ thành tựu?” Văn Thù Bồ Tát dạy Tổ tu pháp môn Niệm Phật, lại còn niệm cho Tổ nghe mấy câu thánh hiệu A Di Đà Phật. Cách niệm ấy sau này được gọi là Ngũ Hội Niệm Phật. Phép Ngũ Hội Niệm Phật này đã thất truyền. Năm 1977, tôi giảng kinh tại Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán (thư viện Phật Giáo Trung Hoa) do lão pháp sư Đàm Hư sáng lập ở Hương Cảng. Trong thư viện ấy có tập sách nhỏ mang tựa đề Ngũ Hội Niệm Phật, có ghi chép nhạc phổ, âm điệu, tôi đem về Đài Loan. Cuốn sách ấy được biên soạn vào đầu thời Dân Quốc, rất cũ, sợ đã thất truyền, nên tôi in ra mấy ngàn bản ở Đài Loan. Trong số những vị xuất gia tại Đài Loan có người thông hiểu âm nhạc bèn đem sang Viên Quang Phật Học Viện ở Trung Lịch kiếm những vị đồng học, dựa theo nhạc phổ để luyện tập. Sau đấy lại thâu vào băng ghi âm. Nghe cuốn băng ấy, cảm thấy rất dễ nghe, rất náo nhiệt, nhưng hoàn toàn chẳng thanh tịnh. Đủ thấy rằng, nó hoàn toàn chẳng phù hợp với âm điệu do ngài Pháp Chiếu truyền lại. Ngài Pháp Chiếu gặp Văn Thù Bồ Tát xong, sợ trong tương lai sẽ tìm [Bồ Tát] chẳng được, nên trên đường trở về đã đánh dấu dọc theo lối đi. Mải miết đi, quay đầu nhìn lại thì đã là một giải núi hoang, thứ gì cũng chẳng có!

Phi hành gia Mỹ sau khi đáp xuống mặt trăng, chỉ thấy một vùng hoang vu. Có người hỏi tôi, trong tương lai, khi tụng công khóa sáng tối, có còn niệm Nguyệt Quang Bồ Tát hay không? Tôi nói: “Vẫn phải niệm!” Vì Nguyệt Quang Bồ Tát ở trong nguyệt cung, phi hành gia đến đó, không thấy được Ngài, cũng giống như đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát được lập tại núi Ngũ Đài, nhưng chúng ta cũng chẳng tìm được!

Trong Tam Muội Thủy Sám, Ngộ Đạt quốc sư tìm kiếm đạo tràng của tôn giả Ca Nặc Ca tại Tây Thục, đạo tràng của tôn giả cũng là vàng ngọc chói ngời. Sáng hôm sau, [Sư dùng nước] rửa vết ghẻ hình mặt người xong thì trong nháy mắt, chẳng thấy đạo tràng đâu nữa. Do đây có thể biết rằng: Phàm phu gặp được thánh giả thì phải có duyên phận đặc biệt thù thắng. Đâu Suất Thiên là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, chia thành hai viện nội và ngoại. Ngoại viện là chỗ phàm phu cư trụ, Di Lặc Bồ Tát trụ trong nội viện. Đệ Tứ Thiền cũng là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, trong ấy có Ngũ Bất Hoàn Thiên, phàm phu cũng chẳng thấy được. Trong lục đạo có ba chỗ là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Phàm Thánh Đồng Cư Độ trong thế giới Cực Lạc khác hẳn, toàn là người niệm Phật vãng sanh tu Tịnh nghiệp, đôi bên chẳng bị ngăn ngại. Đây chính là chỗ thù thắng của cõi Đồng Cư bên Tây Phương.

Kiến Hoặc và Tư Hoặc chẳng dễ diệt trừ, bước đầu tiên chỉ là “phục đoạn” (khuất phục, chế ngự). Đoạn được Kiến Hoặc và Tư Hoặc liền chứng quả A La Hán, sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Hễ có ý niệm thì là phiền não, bất luận ý niệm nào, thiện hay ác đều chẳng màng, ý niệm thứ nhất vừa khởi lên thì ngay lập tức dùng một câu A Di Đà Phật để đè nó xuống. Cổ nhân ví von: “Dùng đá đè cỏ”, chỉ cần đè xuống được thì niệm Phật dễ thành phiến. Trong thực tế, lúc bình thường, vọng niệm rất nhiều, nhưng ta hoàn toàn chẳng nhận biết, tốt nhất là đừng quan tâm tới nó. Nếu chú ý tới vọng tưởng, đâm ra càng nhiều vọng tưởng hơn! Hãy mặc kệ nó, dốc sự chú ý vào Phật hiệu. Đại khái là trong thời gian tàn một cây hương, tức là trong một tiếng rưỡi, có dăm ba vọng tưởng thì coi như công phu đã khá lắm. Niệm năm năm mới được như thế. Nếu trong vòng một cây hương mà không có vọng tưởng thì cũng phải tốn công phu tám năm hay mười năm. Công khóa sáng tối mỗi ngày nhất định không được thiếu sót, còn tán niệm (ở đây có nghĩa là niệm Phật ngoài thời khóa nhất định) có thể niệm nhiều hơn hay ít hơn. Tại Mỹ, công việc bận bịu, áp lực nặng nề, khóa tối khóa sáng hạn định thời gian càng ít càng hay. Tốt nhất là dùng cách Thập Niệm. Cứ hết một hơi là một niệm, mặt hướng về phương Tây, mười hơi mất chừng năm phút là đủ rồi, chẳng trở ngại công việc. Người niệm Phật biết trước lúc mất, không bệnh tật mà qua đời, chỉ cần chế phục phiền não là có thể đạt được điều ấy. Nhưng chúng ta khó đạt được Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ, nhất tâm nhất ý muốn thấy A Di Đà Phật. Ý chí hết sức mạnh mẽ, ắt sẽ có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Ra đi nghiêm túc, đẹp đẽ, ra đi tự tại, đấy chính là phước báo lớn nhất.

b) “Trì chí Sự nhất tâm bất loạn, Kiến Tư nhậm vận tiên lạc, tắc sanh Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ” (Trì đến mức Sự nhất tâm bất loạn, Kiến Hoặc và Tư Hoặc tùy ý đoạn trước một thứ nào, sẽ sanh về Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ). Điều kiện để sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư là phải đoạn được Kiến Tư Hoặc. Trong phần trước, tôi đã có nói: Kiến Hoặc là ác kiến do mê Lý, do phân biệt khởi lên, là tác dụng tâm lý thuộc phương diện tri thức, căn nguyên chủ yếu là Ngã Kiến. Tư Hoặc là ác kiến do mê Sự, tự nhiên khởi lên45, thuộc về tác dụng tâm lý trên mặt sinh hoạt, căn nguyên chủ yếu là ba độc Tham, Sân, Si. Kiến Hoặc và Tư Hoặc là căn bản phiền não, còn gọi là Phiền Não Chướng.

Trong cõi Phương Tiện Hữu Dư của các thế giới trong mười phương chư Phật có chín loại người cùng sống. Theo cách giảng giải của tông Thiên Thai, Thanh Văn và Duyên Giác trong Tạng Giáo; Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát thuộc Thông Giáo, cộng chung là năm loại người, những người thuộc Tam Hiền, tức Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng trong Biệt Giáo, thêm vào Thập Tín của Viên Giáo [thành chín loại người trong cõi Phương Tiện Hữu Dư]. Những vị ấy đều đã đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc, sanh vào Phương Tiện Hữu Dư Độ. Người niệm Phật chẳng cần nghĩ tới những danh tướng và các cách giảng giải trong kinh giáo. Bốn cõi, ba bậc [vãng sanh] đều chẳng cần nghĩ tới, chỉ nên thật thà niệm một câu Phật hiệu. Công phu sâu sẽ tự nhiên đoạn được phiền não, đó gọi là “nhậm vận” (tùy ý). Đừng suy tưởng mình có thể đạt được nhất tâm hay không, càng nghĩ sẽ càng xen tạp.

Sự nhất tâm bất loạn: Sự (事) là hoàn toàn luận theo sự tướng, Nhất (一) là thuần nhất, Loạn (亂) là tạp loạn. Vọng niệm sanh khởi do vô ý, chính mình chẳng thể khống chế được thì hoàn toàn chẳng quan trọng chi cả. Nếu hữu ý [sanh khởi vọng niệm] như tu pháp môn Niệm Phật mà lại tính tham Thiền, lại toan học Mật, nhất định sẽ nẩy sanh chướng ngại. Do vậy, niệm Phật phải có ý chí kiên định, bất cứ ai khuyên đổi sang học pháp môn nào khác đều chẳng nghe theo. Niệm Phật sao cho từng câu rõ ràng, từng chữ phân minh, tâm chẳng lìa Phật, Phật chẳng lìa tâm, tâm liền biến thành Phật. Tâm này là Phật, tâm này làm Phật, duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà, không chỉ đoạn được Kiến Hoặc, Tư Hoặc, mà Trần Sa hay vô minh cũng tùy ý đoạn được.

Lý nhất tâm bất loạn, khoát phá vô minh nhất phẩm, nãi chí tứ thập nhất phẩm, tắc sanh Thật Báo Trang Nghiêm” (Lý nhất tâm bất loạn là phá rỗng toang từ một phẩm vô minh cho đến bốn mươi mốt phẩm vô minh, sẽ sanh vào Thật Báo Trang Nghiêm): Cõi Thật Báo Trang Nghiêm còn gọi là cõi Thật Báo Vô Chướng Ngại. Lý là tâm tánh, tức là như Thiền Tông gọi là “minh tâm kiến tánh”. Thiền Tông dùng phương pháp tham cứu, chúng ta dùng một câu Phật hiệu cũng có thể đạt đến cảnh giới ấy. So ra, Niệm Phật thuận tiện, đơn giản hơn. Niệm Phật có Sự Niệm và Lý Niệm. Người thượng căn lợi trí có cơ sở lý luận là Lý Niệm. Kẻ hạ ngu chuyện gì cũng chẳng hiểu thuộc về Sự Niệm. Nếu là Sự Niệm mà niệm đến mức phá một phẩm vô minh thì cũng là do Sự Niệm mà đạt đến Lý Niệm, cảnh giới ấy và minh tâm kiến tánh chẳng hai, chẳng khác. Lý nhất tâm bất loạn có bốn mươi mốt tầng bậc khác nhau, mức độ đoạn vô minh trong mỗi tầng cấp cao thấp khác nhau. Đoạn sạch bốn mươi mốt phẩm vô minh sẽ thành Phật trong Viên Giáo, rốt ráo viên mãn vô thượng Bồ Đề. Thường Tịch Quang là Lý Thể, vô tướng. Ba cõi kia là sự tướng.

Thường (常) là Pháp Thân, Tịch (寂) là Định, tức Giải Thoát, Quang (光) là trí huệ, tức Bát Nhã. Bổn tánh chân tâm của chúng ta trọn đủ ba thứ đức viên mãn này:

- Pháp Thân có thể hiện hết thảy cõi nước, hữu tình và vô tình trong mười phương thế giới đều do tâm tánh biến hiện ra. Đấy gọi là Pháp Thân Đức.

- Tịch là giải thoát tự tại, tâm tánh vốn tự tại. Chúng ta tợ hồ bị phiền não trói buộc, chứ thật ra phiền não ở chỗ nào? Tìm phiền não chẳng thể được! Phàm tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng. Tâm tánh vốn tự tại, đấy là Giải Thoát Đức.

- Quang là trí huệ, thế gian và xuất thế gian đều do tự tánh biến hiện, lẽ ra là “không gì chẳng biết”, nhưng lại biến thành sự hiểu biết hữu hạn, lỗi là do Sở Tri Chướng. Đức Phật giảng Bát Nhã trong một khoảng thời gian dài nhất, giảng đến hai mươi hai năm. Bát Nhã là nói vô tri. Chân trí huệ là vô tri, vô tri chính là vô sở bất tri (không gì chẳng biết). Chỉ sợ hữu tri, hữu tri chính là hữu sở bất tri (có cái không biết). Nếu có sở tri (có cái để biết) thì chỉ là biết một tí ti mà thôi! Trí huệ viên mãn vốn sẵn có trong bổn tánh của chính mình, chẳng phải do từ bên ngoài đưa tới.

Các tông, các phái trong Phật giáo đều tu Định, trong Định quyết chẳng thể có một vọng niệm nào! Hễ có, sẽ trở thành chướng ngại. Khi đạt đến mức “một niệm chẳng sanh” thì hết thảy đức năng trong tâm tánh sẽ hoàn toàn khôi phục. Câu kết luận cuối cùng trong Tâm Kinh là “vô trí, diệc vô đắc” (vô trí nên cũng vô đắc). Đắc là do phiền não mà có, Sở Tri Chướng là do hiểu biết mà có. Vô tri thì Sở Tri Chướng bị gạt bỏ, vô đắc thì Phiền Não Chướng bị dẹp trừ. Hằng ngày niệm Tâm Kinh, mà nếu chẳng thể đề cao cảnh tỉnh, hiểu thấu chân nghĩa của kinh ấy thì đã uổng công niệm mất rồi!

Bất Thoái có bốn nghĩa:

1. Niệm Bất Thoái: “Phá vô minh, hiển Phật tánh, kính sanh Thật Báo, phần chứng Tịch Quang” (Phá vô minh, hiển Phật tánh, mau chóng sanh sang cõi Thật Báo, chứng một phần Tịch Quang). Trong pháp Đại Thừa, bậc chứng Niệm Bất Thoái là Pháp Thân Bồ Tát, trong Viên Giáo là từ Sơ Trụ trở lên, trong Biệt Giáo là từ Sơ Địa Bồ Tát trở lên, đều là Niệm Bất Thoái. Xét theo công phu đoạn chứng46, các vị Bồ Tát này đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Trong bốn cõi Tây Phương Tịnh Độ, họ sanh vào Thật Báo Trang Nghiêm độ. Thường Tịch Quang là Lý Thể, ba cõi trước đó là sự tướng. Lý không đâu chẳng tồn tại, nhưng trong cõi Đồng Cư và cõi Phương Tiện, không có cách nào nhận thức Lý Thể, mà cũng chẳng thể cảm nhận được. Sanh về cõi Thật Báo mới có thể cảm nhận Lý Thể, đó gọi là “Lý - Sự viên dung, Tánh - Tướng bất nhị”. Trong kinh Đại Thừa gọi là “thân và cõi chẳng hai” (thân độ bất nhị). Nghe đã quen tai, nhưng không có cách nào thấu hiểu được. Đạt đến cõi Thật Báo sẽ đích thân chứng đắc. Chữ Niệm trong Niệm Bất Thoái nghĩa là chánh niệm, niệm niệm đều tiến hướng Vô Thượng Bồ Đề. Hiện thời, nếu chúng ta hữu niệm thì cũng là vọng niệm, mà nếu vô niệm thì lại là vô minh.

2. Hạnh Bất Thoái: “Kiến Tư ký lạc, Trần Sa dĩ phá, sanh Phương Tiện độ, tấn xu cực quả” (Kiến Hoặc và Tư Hoặc đã đoạn, Trần Sa đã phá, sanh vào cõi Phương Tiện, tiến hướng quả tột cùng). Bồ Tát tu Lục Độ vạn hạnh, chẳng bị lui sụt xuống Nhị Thừa. Quyền Giáo Bồ Tát47 vẫn có thể lui sụt xuống Nhị Thừa, do vì thấy chúng sanh khó độ, hạng Bồ Tát ấy không có tánh nhẫn nại, thường hay ngã lòng. Đại Thừa Bồ Tát trọn đủ Định - Huệ, chẳng bị lui sụt xuống Nhị Thừa. Đức Phật bảo chúng ta: Nhị Thừa chẳng thể thành Phật! Để thành Phật thì nhất định phải là “Lý Sự viên dung, Sự Sự vô ngại”. Nhị Thừa có chướng ngại, chẳng viên dung, tự mình tu rất khá, nhưng chẳng thể cùng đại chúng tiếp xúc, họ cảm thấy chẳng thể chịu đựng phiền rộn được. Do vậy, muốn thành Bồ Đề thì phải chứng vô chướng ngại pháp giới như trong kinh Hoa Nghiêm đã giảng, ắt phải tiếp xúc chúng sanh trong chín pháp giới. Tiếp xúc chúng sanh là tu hành, phải tu sao cho những điều mình không vừa ý trở thành vừa ý. Phải trừ cho sạch phiền não, phải diệt trừ cho hết. Bồ Tát tu Lục Độ, độ chúng sanh cũng là độ chính mình. Bất luận trong hoàn cảnh nào thì chính mình cũng đều có lợi. Quán sát trên sự thật, điều cần thiết trước nhất là phải tu khổ hạnh48, đối với hết thảy những gì chẳng vừa ý, hãy nên tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, tu Thiền Định Ba La Mật. Cuối cùng, lại phải tu trong thuận cảnh, nếu chuyện gì cũng vừa lòng toại ý sẽ dễ dàng giải đãi. Thuận cảnh còn làm cho con người bị lui sụt dữ dội hơn, do thỏa mãn với tình cảnh hiện thời, cái tâm dũng mãnh hướng thượng không còn nữa. Trong các vị đệ tử Phật tham dự hội Bát Nhã, tôn giả Tu Bồ Đề tượng trưng cho khổ hạnh, Sơ Tổ Thiền Tông là tôn giả Đại Ca Diếp cũng tượng trưng cho khổ hạnh, đều là được rèn luyện trong nghịch cảnh. Trong hội Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử được rèn luyện trong thuận cảnh. Trong nghịch cảnh tu nhẫn nhục, phá trừ tâm nóng giận, trong thuận cảnh đoạn tham ái. Khi Thiện Tài đồng tử sanh ra, trong nhà bảy báu trồi lên. Trong thuận cảnh, tu trì khó khăn hơn trong nghịch cảnh. Bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều phải dùng những cảnh đó để đoạn tham, sân, si.

3. Vị Bất Thoái: “Đới nghiệp vãng sanh, tại Đồng Cư độ, liên hoa thác chất, vĩnh đoạn thoái duyên” (Đới nghiệp vãng sanh trong cõi Đồng Cư, gởi thân nơi hoa sen, vĩnh viễn đoạn trừ duyên gây lui sụt). Từ ngữ Vị Bất Thoái chỉ quả vị của thánh nhân. Bậc Sơ Quả trong Tiểu Thừa đã chứng Vị Bất Thoái, chẳng còn lui sụt xuống hàng phàm phu. Sau khi chứng được Sơ Quả, sẽ sanh trở lại trong nhân gian hay trên cõi trời bảy lần, liền chứng quả A La Hán. Kinh Phật nói để thành Phật phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, tính từ lúc nào? Phải tính từ lúc đắc Sơ Quả. Nếu không như vậy thì có thể là người tu hành lại lui sụt xuống lục đạo luân hồi. Trong các kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm, Vô Lượng Thọ, đức Phật đều nói chúng ta có duyên phận với Phật chính là do thiện căn đã tu tập trong đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp đến nay. Vì sao vẫn chưa thành Phật? Vì từ trước đến nay chưa hề chứng được Sơ Quả. Kinh Hoa Nghiêm nói để thành Phật phải tốn vô lượng kiếp, cũng là vì chẳng tính từ Vị Bất Thoái. Chứng đắc Vị Bất Thoái hoàn toàn chưa lìa khỏi tam giới, nhưng chẳng còn là phàm phu, chỉ qua lại trong đường trời người, trọn chẳng đọa trong tam đồ. Làm thế nào mới có thể chứng được địa vị Vị Bất Thoái? Phật dạy đối với Kiến Tư Hoặc, phải đoạn được tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới49.

Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện thứ mười tám là “mười niệm ắt sanh” là nói về mười niệm lúc lâm chung. Lâm chung mà có thể niệm Phật cũng chẳng đơn giản, ắt phải hội đủ ba điều kiện:

1) Thần trí tỉnh táo.

2) Có thiện tri thức nhắc nhở đúng lúc.

3) Nghe xong có thể thật sự làm theo.

Chẳng phải ai cũng có đủ ba điều kiện trên đây, nhất định lúc bình thường phải nỗ lực, đừng mang tâm cầu may. Hễ mê hoặc liền đọa vào tam ác đạo. Nếu thần trí tỉnh táo, sẽ chẳng đọa trong tam đồ. Vì thế, lúc bình thường phải giữ lòng làm lợi chúng sanh, tu phước làm đầu.

Chúng ta quá nửa có thể sanh về cõi Đồng Cư, chứng Vị Bất Thoái. Thế giới Sa Bà này cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng chúng ta chưa chứng được Vị Bất Thoái. Sau khi sanh về cõi Đồng Cư của Tây Phương, liền chứng Vị Bất Thoái. Đủ thấy Tây Phương thù thắng hơn Sa Bà. Càng thù thắng hơn nữa là trong Tây Phương, sanh về một cõi liền sanh hết thảy cõi, chứng được một thứ, liền chứng hết thảy, đồng thời chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái. Tây Phương thù thắng như thế là vì ba lý do lớn:

1) Sanh về Tây Phương sẽ hằng ngày gặp Phật.

2) Luôn luôn nghe pháp, chẳng riêng gì Phật, Bồ Tát thuyết pháp, mà sáu trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) đều thuyết pháp.

3) Thường cùng các vị đại Bồ Tát ở chung một chỗ.

Ở trong hoàn cảnh như vậy, sẽ không có nhân duyên gây thoái chuyển. Trong thế giới Sa Bà, rất khó được nghe chánh pháp, ác tri thức đông đảo, thiện tri thức ít ỏi. Vì thế, dễ bị thoái chuyển.

4. Tất Cánh Bất Thoái: “Bất luận chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hoặc giải, bất giải, đản Di Đà danh hiệu, hoặc lục phương Phật danh, thử kinh danh tự, nhất kinh ư nhĩ, giả sử thiên vạn kiếp hậu, tất cánh nhân tư độ thoát” (Bất luận chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần danh hiệu Di Đà, hoặc danh hiệu của chư Phật trong sáu phương và tên gọi kinh này, vừa nghe thoảng qua tai, giả sử ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do điều này mà được độ thoát). “Chí tâm” là nhất tâm, chân thành tâm. “Tán tâm” là có xen tạp. Bất luận hữu tâm hay vô tâm, hiểu hoặc chẳng hiểu, chỉ cần nghe được một tiếng Phật hiệu hoặc tựa đề kinh, liền gieo được hạt giống thành Phật, trong tương lai sớm muộn gì cũng có thể bước vào cửa Phật, tu hành, chứng quả. Kinh Pháp Hoa chép: Khi đức Phật tại thế, có một cụ già muốn theo Phật xuất gia. Những đệ tử Phật đã chứng A La Hán, có Túc Mạng Thông biết được quá khứ, vị lai, quán sát thấy cụ già ấy trong năm trăm đời chẳng có thiện căn nên không chịu thu nhận. Cụ già buồn khóc, chẳng chịu bỏ đi. Đức Phật trông thấy, liền kêu cụ già lại, cho cụ xuống tóc. Đức Phật bảo các đệ tử: Trong vô lượng kiếp trước, cụ già này làm tiều phu, lên núi đẵn củi, gặp một con mãnh hổ, bí quá, trèo lên cây, vô tình kêu lên một tiếng “nam-mô Phật”. Có nhân duyên như vậy, đời này cơ duyên chín muồi, phát tâm xuất gia. Cụ già ấy về sau chứng quả A La Hán.



“Nhất sanh bổ Phật, thị Vị Bất Thoái, tức dĩ viên chứng tam Bất Thoái” (trong một đời được bổ xứ thành Phật, là Vị Bất Thoái, tức là đã chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái). Mấy câu này hết sức trọng yếu, ắt phải ghi nhớ thật kỹ. Không những chính mình sẽ có thể thật sự phát khởi nguyện vọng cầu sanh Tịnh Độ, mà còn có thể giải đáp cho không ít người nghi hoặc. Những điều này là sự thù thắng tối cực, các pháp môn khác không có sự nhanh chóng như thế này. Như các kinh Đại Thừa, Tiểu Thừa thường giảng, sau khi chứng được quả Tu Đà Hoàn phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp hoặc vô lượng kiếp mới có thể thành Phật, chẳng thể nào thành tựu ngay trong một đời. Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật, trong một đời sanh về thế giới Cực Lạc, liền ở cùng một chỗ với các vị Bổ Xứ Đẳng Giác Bồ Tát, cũng đồng thời chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái. Trong thế giới Sa Bà, chứng Vị Bất Thoái là Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn, chứng Hạnh Bất Thoái là Đại Thừa Bồ Tát, chứng Niệm Bất Thoái là Pháp Thân đại sĩ, phân định rất rành mạch. Hễ sanh về Tây Phương thế giới liền hoàn toàn chứng được [cả ba thứ Bất Thoái này].

Cuối cùng, Ngẫu Ích đại sư khích lệ chúng ta. Trong hết thảy kinh luận được đức Phật giảng trong bốn mươi chín năm đều không có thuyết “chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái”, trong mười phương thế giới của chư Phật cũng không có tình trạng này. Ngài lại dùng Thiền Tông để so sánh. Thiền Tông là đốn ngộ, nhưng chẳng thể đoạn sạch tập khí phiền não ngay trong một đời, phải đời đời kiếp kiếp chẳng lui sụt [thì mới hòng đoạn sạch]. Trong Thiền Tông, sau khi triệt ngộ, đời đời chẳng lui sụt chẳng phải là chuyện dễ dàng. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, những vị đại triệt đại ngộ bên Thiền Tông, đến đời sau bị thoái chuyển rất nhiều. Có một câu chuyện rất nổi tiếng là Tam Sanh Thạch (hòn đá ba đời) kể về thiền sư Viên Trạch. Sư có thể biết quá khứ và vị lai, vẫn chẳng thể tránh khỏi đời sau đầu thai. May mắn là Sư chẳng bị mê khi cách ấm, nhớ được chuyện đời trước, nhưng vẫn phải luân hồi để tiếp tục tu. Khi thay đổi thân thể này, Sư chẳng có cơ hội ở cùng một chỗ với các vị đại Bồ Tát, mà cũng chẳng thể viên chứng ba thứ Bất Thoái. Bởi lẽ, trong Thiền Tông, hễ có tu trì thì trong đời thứ hai sẽ có phước, có huệ, có thể sẽ là đại phú, đại quý, rồi lại đầu thai, càng đầu thai, càng mê, tình cảnh mỗi ngày một tệ hơn. Đấy chính là nguyên nhân vì sao để thành Phật phải mất vô lượng kiếp50.


Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu
giang-kinh -> Sự Thành Lập Kinh Điển Phật Giáo Daisaku Ikeda (The First Mileage of Buddhism) Nguyên Hảo dịch Nguồn

tải về 3.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương