PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記


III. Giải thích huyền nghĩa của kinh



tải về 3.07 Mb.
trang2/32
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích3.07 Mb.
#33422
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   32

III. Giải thích huyền nghĩa của kinh

3.1. Thích danh

(Giải) Đệ nhất, thích danh. Thử kinh dĩ năng thuyết, sở thuyết nhân vi danh. Phật giả, thử độ năng thuyết chi giáo chủ, tức Thích Ca Mâu Ni. Thừa đại bi nguyện lực, sanh ngũ trược ác thế, dĩ tiên giác giác hậu giác. Vô pháp bất tri, vô pháp bất kiến giả dã. Thuyết giả, duyệt sở hoài dã. Phật dĩ độ sanh vi hoài, chúng sanh thành Phật cơ thục, vị thuyết nan tín pháp, linh cứu cánh thoát, cố duyệt dã. A Di Đà, sở thuyết bỉ độ chi đạo sư. Dĩ tứ thập bát nguyện, tiếp tín nguyện niệm Phật chúng sanh, sanh Cực Lạc thế giới, vĩnh giai bất thoái giả dã. Phạn ngữ A Di Đà, thử vân Vô Lượng Thọ, diệc vân Vô Lượng Quang. Yếu chi, công đức, trí huệ, thần thông, đạo lực, y chánh, trang nghiêm, thuyết pháp, hóa độ, nhất nhất vô lượng dã. Nhất thiết kim khẩu, thông danh vi Kinh. Đối thượng ngũ tự, thị thông biệt hiệp vi đề dã. Giáo, Hạnh, Lý tam, các luận thông biệt. Quảng như Thai tạng sở minh.
() 第一。釋名。此經以能說所說人為名。佛者。此土能說之教主。即釋迦牟尼。乘大悲願力。生五濁惡世。以先覺覺後覺。無法不知。無法不見者也。說者。悅所懷也。佛以度生為懷。眾生成佛機熟。為說難信法。令究竟脫。故悅也。阿彌陀。所說彼土之導師。以四十八願。接信願念佛眾生。生極樂世界。永階不退者也。梵語阿彌陀。此云無量壽。亦云無量光。要之。功德。智慧。神通。道力。依正。莊嚴。說法。化度。一一無量也。一切金口。通名為經。對上五字。是通別合為題也。教行理三。各論通別。廣如台藏所明。
(Giải19: Thứ nhất là giải thích tên kinh. Kinh này dùng người nói và người được nói để đặt tên. Phật là đức giáo chủ nói kinh trong cõi này, tức Thích Ca Mâu Ni Phật. Do đại bi nguyện lực, sanh trong đời ác ngũ trược, dùng tiên giác để giác ngộ kẻ hậu giác, không pháp nào chẳng biết, không pháp nào chẳng thấy. Thuyết là thỏa lòng mong mỏi20. Phật mang chí nguyện độ sanh, căn cơ thành Phật của chúng sanh đã chín muồi, bèn giảng cho họ biết pháp khó tin, khiến họ được giải thoát rốt ráo, cho nên Phật vui sướng. A Di Đà, là đấng đạo sư của cõi đang được nói đến. Ngài dùng bốn mươi tám nguyện tiếp độ chúng sanh tín nguyện niệm Phật sanh về thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn đạt đến địa vị Bất Thoái. Tiếng Phạn là A Di Đà, cõi này dịch là Vô Lượng Thọ, còn dịch là Vô Lượng Quang. Nói tới những điểm trọng yếu thì công đức, trí huệ, thần thông đạo lực, sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo, thuyết pháp, hóa độ, mỗi mỗi đều vô lượng. Hết thảy những gì do kim khẩu [của đức Phật] nói ra đều gọi chung là Kinh. Chữ Kinh đem phối hợp với năm chữ trước (tức Phật Thuyết A Di Đà) là đem ghép cả Thông lẫn Biệt21 thành tựa đề kinh. Ba món Giáo, Hạnh, Lý mỗi thứ đều luận định Thông và Biệt, giảng giải chi tiết thì như trong kinh sách của tông Thiên Thai đã giảng).

Thích Ca Mâu Ni Phật nương theo đại bi nguyện lực, sanh trong đời ác năm trược, rộng độ hữu tình. Vì sao con người phải sanh vào thế gian? Lúc tôi mười ba, mười bốn tuổi thường nghĩ đến vấn đề này, có lúc nghĩ cả mấy tháng, nhưng chẳng tìm được câu trả lời. Phật dạy: “Nhân sanh vi thù nghiệp nhi lai” (Đời người là do đền trả cái nghiệp mà sanh ra). Trong quá khứ làm lành thì đời này hưởng phước. Nếu không, chuyện gì cũng trái ý, nhân quả báo ứng chính là chân tướng sự thật. Nếu hiểu rõ sự thật này thì sẽ tâm an lý đắc, chẳng còn oán trời trách người, tâm liền an ổn. Tâm an, ắt định, Định sanh ra Huệ; từ đấy, bỏ ác, hướng lành, thay đổi tương lai. Tiên sinh Viên Liễu Phàm viết Liễu Phàm Tứ Huấn nhằm xiển minh [phương pháp] “sửa đổi vận mạng” hết sức tường tận. Ông ta cả đời sửa lỗi, đổi mới, đoạn ác, tu thiện. Ông ta đã thay đổi vận mạng của đời mình khác với lời dự đoán của Khổng lão tiên sinh từ Vân Nam tới, [cụ Khổng] là một người đắc chánh truyền phép bói Hoàng Cực Số22 của Thiệu Tử (Thiệu Khang Tiết). Trong nhà Phật, “hữu cầu tất ứng”. “Cầu” là mong cầu đúng lý, đúng pháp thì đều có thể cầu được. Nếu cầu chẳng được thì là do [chính bản thân ta] có chướng ngại. Điều mong cầu trong sách Di Đà Yếu Giải này chính là cầu thành Phật. Ai cầu thành Phật thì cũng đều có thể đạt được, chứ tiếng tăm, lợi dưỡng, công danh, phú quý trong thế gian thì có khác gì lông gà, vỏ tỏi? Cầu đúng lý, đúng pháp thì sẽ có thể chuyển biến cái thân nghiệp báo thành cái thân nguyện lực. Trước kia, thân nghiệp báo trong mỗi niệm đều tính toán vì bản thân, từ nay trở đi, mỗi niệm đều vì hết thảy chúng sanh, niệm niệm vì Phật pháp. Phật pháp là nền giáo dục viên mãn chí thiện trong thế gian. Nếu chúng sanh có cơ duyên tiếp nhận Phật pháp thì sẽ đều có thể chuyển biến nghiệp lực thành nguyện lực.

Vào ba ngàn năm trước, khi đức Phật giảng kinh này, nếu chẳng phải là bậc đại trí huệ sẽ rất khó thể thấu hiểu được. Ngày nay, giảng bộ kinh này, đại đa số mọi người đều nhận thấy giống như vậy. Đức Phật nói cõi này là “ngũ trược ác thế”, hiện thời nhìn lại, chẳng sai chút nào! “Trược” (濁) là ô nhiễm. Hiện thời, tình hình ô nhiễm nghiêm trọng, các nước đều đề xướng bảo vệ môi trường. “Ác” là ác nghiệp, tâm con người chẳng lành: Thân phạm giết, trộm, dâm; miệng phạm nói dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt; ý phạm tham, sân, si. Xã hội hiện tại tràn ngập mười điều ác, đức Phật do đại từ đại bi nguyện lực mà sanh vào thời đại này, nhằm cứu vớt chúng ta thoát lìa biển khổ.

Phật là tiên giác (người đã giác ngộ trước), triệt để hiểu rõ chân tướng của nhân sinh và vũ trụ, không pháp nào chẳng biết, không pháp nào chẳng thấy, dùng tiên giác để giác ngộ hậu giác (kẻ sẽ giác ngộ sau này); Bồ Tát là hậu giác. Nếu ai có thể thật sự nương theo Phật pháp để tu hành thì là Bồ Tát, nhất là đối với pháp môn này. Trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ đã ghi “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ”, cho thấy pháp môn Niệm Phật là pháp môn tu hành của hàng Đại Thừa Bồ Tát. Phật ôm ấp chí nguyện độ sanh, niệm niệm giúp đỡ chúng sanh mau chóng thành Phật hòng thỏa mãn tâm nguyện. Nếu nguyện lực của chúng ta và nguyện lực của Phật giống nhau thì sẽ có thể chuyển nghiệp lực thành nguyện lực. Ý niệm vừa xoay chuyển thì trước kia là chúng sanh trong lục đạo, ngay lập tức liền biến thành Pháp Thân đại sĩ. Chúng ta học Phật cũng phải giữ tấm lòng vì chúng sanh, đề cao, giới thiệu nền giáo dục viên mãn này cho hết thảy chúng sanh. Có như vậy thì mới đồng nguyện, đồng đức, đồng tâm với chư Phật.

Cơ duyên của chúng sanh chín muồi, nên đức Phật giới thiệu với chúng sanh pháp môn này. Trong phần Phát Khởi Tự của kinh Vô Lượng Thọ, vừa mở đầu, vẻ mặt đức Phật rạng rỡ, tôn giả A Nan từ trước đến nay chưa hề trông thấy như thế, là vì cơ duyên thành Phật của chúng sanh đã đến rồi, Phật đặc biệt hoan hỷ. Nói “cơ duyên chín muồi” nghĩa là họ vừa nghe liền hiểu ngay, vừa nghe liền tin ngay, vừa nghe liền khai ngộ. Người này trong đời này sẽ liền có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, đạt được giải thoát rốt ráo, cái thân trong hiện tại sẽ gọi là “tối hậu thân” (thân sau cùng). Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì đều là đi ngay trong lúc sống, chứ không phải chết rồi mới đi về đó. Đây là pháp môn bất tử, còn gọi là “pháp môn thành tựu ngay trong khi còn sống”. Người công phu giỏi sẽ biết trước lúc mất, chính mình tự biết, vui vẻ ra đi.

Trong lời khai thị cho Phật thất, pháp sư Đàm Hư có nói trong đời Ngài đích thân thấy hai mươi mấy người vãng sanh, còn nghe kể lại thì chẳng thể kể xiết. Người cơ duyên chín muồi là thiện căn đã tu trong quá khứ vô lượng kiếp [tới nay] chín muồi, hiện thời được mười phương hết thảy chư Phật Như Lai ngấm ngầm gia trì, khiến cho người ấy tiếp xúc pháp môn này liền có thể lập tức hiểu, tin, nguyện, hành. Chúng ta nhất định phải quý tiếc cơ hội được nghe pháp trong thời khắc này, hạ quyết tâm niệm Phật, chớ nên bỏ uổng cuộc đời này.

Trong kinh A Di Đà, đức Phật đã dạy: “Ngã ư ngũ trược ác thế, hành thử nan sự, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vị nhất thiết thế gian thuyết thử nan tín chi pháp, thị vi thậm nan” (Ta trong đời ác ngũ trược, làm chuyện khó khăn này, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì hết thảy thế gian nói pháp khó tin này, thật là rất khó). Phật Thích Ca chính là vị Phật do tu pháp môn Niệm Phật mà thành Phật, Ngẫu Ích đại sư nhắc nhở chúng ta điều này, chúng ta mới đột nhiên liễu giải.

A Di Đà Phật là bậc đạo sư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tây Phương Cực Lạc thế giới được hết thảy chư Phật Như Lai trong mười phương thế giới ca ngợi. Chư Phật có cùng một đại nguyện, tức là “độ chúng sanh thành Phật đạo”. Phật Phật đạo đồng, đều nhận thấy chúng sanh khó độ, đồng thời biết Tây Phương A Di Đà Phật có pháp môn thuận tiện là Niệm Phật, thích hợp khắp ba căn, thâu tóm độn căn lẫn lợi căn. Do vậy, chư Phật đều đề cao, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới của A Di Đà Phật với những chúng sanh đang được các Ngài hóa độ. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chẳng ra ngoài thông lệ ấy, nói ba kinh Tịnh Độ nhằm khuyên chúng ta sanh về Tây Phương. Đã thế, pháp môn sanh về Tây Phương lại cực đơn giản, chỉ cần tín nguyện niệm Phật là được, thật thà niệm một câu A Di Đà Phật là được rồi. Khi lâm chung, Phật nhất định đến tiếp dẫn, đấy là bổn nguyện của Ngài. Trong hết thảy cõi nước, hết thảy các pháp môn đều là khi tiến, khi lùi, chỉ riêng pháp môn Niệm Phật là sau khi sanh về Tây Phương, chỉ có lên lớp, chứ không sụt xuống, bất quá là tiến nhanh hay chậm mà thôi!

Có ba thứ Bất Thoái Chuyển:

1. Vị Bất Thoái: Thánh nhân Tiểu Thừa chứng đến Sơ Quả, chẳng lui sụt trở lại địa vị phàm phu, nhưng thời gian vượt lên những địa vị cao hơn rất dài.

2. Hạnh Bất Thoái: Bồ Tát đại từ đại bi giáo hóa chúng sanh, chẳng còn lui sụt xuống Tiểu Thừa.

3. Niệm Bất Thoái: Niệm niệm hướng đến Vô Thượng Bồ Đề, chính là Pháp Thân đại sĩ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân.

Niệm Phật sanh về Tây Phương liền chứng trọn vẹn ba thứ Bất Thoái, đúng là pháp khó tin!

Phải hiểu rõ ràng hai chữ “công đức”. Công (功) là công phu tu hành, Đức (德) là quả báo. Cày bừa một phần thì thâu hoạch một phần, cày bừa là Công, thâu hoạch là Đức. Lợi ích chúng sanh là Công, trưởng dưỡng Bồ Đề là Đức. Chữ Đức có cùng ý nghĩa với chữ Đắc (得) trong “đắc thất” (得失: được, mất). Ví dụ như: Trì giới là Công, nhất định sanh ra Định, Định là Đức. Tu Định là Công, nhất định khai Huệ, khai trí huệ là Đức. Trí huệ đã mở mang sẽ phá vô minh, đoạn phiền não, thành tựu vô thượng Bồ Đề Niết Bàn. Công đức khác phước đức, phước đức chỉ có thể đạt được phước báo trong cõi trời, cõi người, chẳng thể vượt thoát luân hồi. Lương Vũ Đế là đệ tử kiền thành của nhà Phật, trong thời gian làm vua, ông ta đã dựng bốn trăm tám mươi tòa tự viện, độ mấy chục vạn người xuất gia. Đạt Ma Tổ Sư của Thiền Tông đến Trung Quốc gặp mặt Lương Vũ Đế, vua có ý khoe khoang, nói: “Trẫm dựng chừng đó chùa miếu, độ bao nhiêu Tăng chúng, công đức có to lớn hay không?” Tổ Đạt Ma nói: “Trọn chẳng có công đức gì!” Kết quả, nói năng không hợp ý, Tổ Đạt Ma lánh xa, sang chùa Thiếu Lâm nhìn vách suốt chín năm. Nếu thuở ấy, Lương Vũ Đế hỏi Tổ Đạt Ma, “phước đức của trẫm lớn hay nhỏ”, Tổ Đạt Ma nhất định nói “phước đức vô lượng vô biên”. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư cũng có nói: “Sanh tử đại sự, phước chẳng thể cứu được”. Không có cách nào ban công đức cho người khác, còn phước đức có thể trao cho người khác.

Thần thông là năng lực. Thông (通) là thông đạt, Thần (神) là thần kỳ chẳng thể lường. Chữ “đạo lực” chỉ công phu tu dưỡng, trong Phật pháp gọi nó là Giới - Định - Huệ.

Y báo” là sự thụ hưởng trong hoàn cảnh sống, “chánh báo” là thân thể của chính mình. “Trang nghiêm” là chân, thiện, mỹ, huệ. Người giỏi thuyết pháp có phương pháp dạy học rất khéo léo, khiến cho người nghe vui vẻ tiếp nhận. “Hóa độ” là giúp cho chúng sanh biến đổi khí chất, hóa phàm thành thánh. Những thứ vừa nói trên đây đều là mục tiêu tối cao trong sự tu học Phật pháp.

Phàm những pháp do chính miệng đức Phật nói ra đều được gọi là Kinh. Thật ra, kinh Phật do năm loại người nói ra23. Những điều do người khác nói ra, nếu phù hợp khít khao với chân tướng sự thật, được Phật chấp nhận, thì cũng được coi là giống như Phật nói. Trong nhà Phật nói tới “pháp ấn” thì Ấn biểu thị cho sự tin tưởng. Công văn của quan phủ có đóng cái ấn to lên, sẽ được công nhận là có hiệu lực. Hết thảy pháp Đại Thừa dùng Thật Tướng làm Pháp Ấn. Chẳng phải do Phật nói, nhưng nội dung [những lời nói ấy] cũng là chân tướng sự thật thì cũng giống như do đức Phật nói.

Giáo, Hạnh, Lý tam, các luận thông biệt, quảng như Thai Tạng sở minh”: Đối với Giáo, Hạnh, Lý, Ngẫu Ích đại sư không giảng tường tận, là vì trong bộ Sớ Sao của ngài Liên Trì và bộ Viên Trung Sao của ngài U Khê đã giảng rất tường tận. Ngoài ra, những kinh sách của tông Thiên Thai cũng đều có thể dùng để tham khảo. Giáo là tài liệu dạy học, hết thảy kinh điển nhà Phật chính là sách giáo khoa. Nội dung kinh Phật ắt có đạo lý thích hợp cho từng tầng cấp, từng địa phương, thích hợp với nhu cầu của chúng sanh trong từng thời đại [đó gọi là Lý]. Ngoài Lý ra, ắt phải có phương pháp để nương theo Lý mà tu hành, nhằm chứng tỏ: Hễ nương theo đó để hành thì trong tương lai nhất định có thể đạt được, [đó gọi là Hạnh].


3.2. Biện Thể
(Giải) Đệ nhị, biện Thể. Đại Thừa kinh giai dĩ Thật Tướng vi chánh thể. Ngô nhân hiện tiền nhất niệm tâm tánh, bất tại nội, bất tại ngoại, bất tại trung gian, phi quá khứ, phi hiện tại, phi vị lai, phi thanh, hoàng, xích, bạch, trường, đoản, phương, viên, phi hương, phi vị, phi xúc, phi pháp, mịch chi liễu bất khả đắc, nhi bất khả ngôn kỳ vô. Cụ tạo bách giới thiên như, nhi bất khả ngôn kỳ hữu. Ly nhất thiết duyên lự, phân biệt, ngữ ngôn văn tự tướng, nhi duyên lự, phân biệt, ngữ ngôn, văn tự, phi ly thử, biệt hữu tự tánh. Yếu chi, ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp. Ly cố, vô tướng. Tức cố, vô bất tướng. Bất đắc dĩ, cưỡng danh Thật Tướng. Thật Tướng chi Thể, phi tịch, phi chiếu, nhi phục tịch, nhi hằng chiếu, chiếu nhi hằng tịch. Chiếu nhi tịch, cưỡng danh Thường Tịch Quang độ. Tịch nhi chiếu, cưỡng danh Thanh Tịnh Pháp Thân. Hựu, chiếu tịch, cưỡng danh Pháp Thân. Tịch chiếu, cưỡng danh Báo Thân. Hựu, tánh đức tịch chiếu, danh Pháp Thân. Tu đức chiếu tịch, danh Báo Thân. Hựu tu đức chiếu tịch, danh Thụ Dụng Thân. Tu đức tịch chiếu, danh Ứng Hóa Thân. Tịch chiếu bất nhị, thân độ bất nhị. Tánh tu bất nhị, chân ứng bất nhị, vô phi Thật Tướng. Thật Tướng vô nhị, diệc vô bất nhị. Thị cố, cử Thể tác y, tác chánh, tác pháp, tác báo, tác tự, tác tha. Nãi chí năng thuyết, sở thuyết, năng độ, sở độ, năng tín, sở tín, năng nguyện, sở nguyện, năng trì, sở trì, năng sanh, sở sanh, năng tán, sở tán, vô phi Thật Tướng chánh ấn chi sở ấn dã.
() 第二。辨體。大乘經皆以實相為正體。吾人現前一念心性。不在內。不在外。不在中間。非過去。非現在。非未來。非青黃赤白。長短方圓。非香。非味。非觸。非法。覓之了不可得。而不可言其無。具造百界千如。而不可言其有。離一切緣慮分別。語言文字相。而緣慮分別。語言文字。非離此別有自性。要之。離一切相。即一切法。離故無相。即故無不相。不得已強名實相。實相之體。非寂非照。而復寂而恆照。照而恆寂。照而寂。強名常寂光土。寂而照。強名清淨法身。又。照寂強名法身。寂照強名報身。又。性德寂照。名法身。修德照寂。名報身。又。修德照寂。名受用身。修德寂照。名應化身。寂照不二。身土不二。性修不二。真應不二。無非實相。實相無二。亦無不二。是故舉體作依作正。作法作報。作自作他。乃至能說所說。能度所度。能信所信。能願所願。能持所持。能生所生。能讚所讚。無非實相正印之所印也。

(Giải: Thứ hai, biện định cái Thể. Các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Chánh Thể. Một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là hiện tại, chẳng phải là tương lai, chẳng phải là xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, chẳng phải Hương, chẳng phải Vị, chẳng phải Xúc, chẳng phải Pháp. Tìm thì trọn chẳng thể được, nhưng chẳng thể nói là Không. Tạo đầy đủ bách giới thiên như, nhưng chẳng thể nói là Có. Lìa hết thảy duyên lự24, phân biệt và tướng ngôn ngữ, văn tự, nhưng duyên lự, phân biệt và tướng ngôn ngữ, văn tự chẳng lìa khỏi điều này mà có tự tánh riêng biệt. Nói tóm gọn thì lìa hết thảy tướng chính là hết thảy pháp. Do “lìa” nên không có tướng, do “chính là” nên chẳng phải là không có tướng. Bất đắc dĩ, cưỡng gọi là Thật Tướng. Thể của Thật Tướng chẳng Tịch, chẳng Chiếu, nhưng lại Tịch và luôn luôn Chiếu, tuy Chiếu nhưng luôn Tịch. Tuy Chiếu mà vẫn Tịch nên cưỡng gọi là Thường Tịch Quang Độ. Tuy Tịch nhưng vẫn Chiếu, nên cưỡng gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân. Lại nữa, do Chiếu mà Tịch nên cưỡng gọi là Pháp Thân. Tuy Tịch nhưng lại Chiếu nên cưỡng gọi là Báo Thân. Hơn nữa, do Tánh Đức tuy Tịch mà Chiếu nên gọi là Pháp Thân. Do Tu Đức tuy Chiếu mà Tịch nên gọi là Báo Thân. Lại nữa, Tu Đức tuy Chiếu nhưng vẫn Tịch nên gọi là Thụ Dụng Thân, Tu Đức tuy Tịch nhưng có thể Chiếu nên gọi là Ứng Hóa Thân. Tịch và Chiếu chẳng hai, thân và cõi nước chẳng hai, Tánh và Tu không hai, Chân và Ứng không hai, không gì chẳng phải là Thật Tướng. Thật Tướng không hai, mà cũng chẳng không hai. Vì thế, toàn bộ cái Thể có thể làm thành y báo, làm thành chánh báo, tạo thành Pháp Thân, tạo thành Báo Thân, tạo thành Tự, tạo thành Tha, cho đến người nói, đối tượng được nói, người hóa độ, kẻ được hóa độ, người tin, pháp được tin, người phát nguyện, điều được phát nguyện, người trì, pháp được trì, người sanh về, cõi để sanh về, người khen ngợi, đối tượng được khen ngợi, không gì chẳng được Thật Tướng Chánh Ấn in vào).
Phật giảng kinh này dựa theo lý luận và sự thật nào để nói? Phải hiểu rõ điều này trước rồi mới có thể thật sự sanh khởi tín tâm, y giáo phụng hành. Các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Thể25. Thật Tướng là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Nhân sinh là chính mình, vũ trụ là hoàn cảnh sống. Đối với chúng ta, kinh Đại Thừa trọng yếu như thế, chẳng thể không hiểu rõ hoàn cảnh sống của chính mình. Nếu không hiểu, sẽ mê hoặc. Hễ mê, ắt điên đảo, coi thật là giả, tưởng tà là chánh, xem ác là thiện; bởi đó, xử thế, đãi người, tiếp vật và tư tưởng, quan niệm đều nẩy sanh sai lầm. Kinh Đại Thừa chỉ dạy chúng ta một con đường tu hành chánh xác, đó là chỗ thù thắng của kinh điển Đại Thừa vậy.

“Ngô nhân hiện tiền nhất niệm tâm tánh, bất tại nội, bất tại ngoại” (một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta chẳng ở trong, chẳng ở ngoài): Đoạn này rất khó hiểu, nhưng đúng là chân tướng sự thật được nói một cách đơn giản, ách yếu. Triết học gọi Thật Tướng là Bản Thể. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật giải thích, nói theo mặt Thể thì Thật Tướng là “vô tướng”. Muôn pháp trong vũ trụ sanh ra như thế nào? Thế giới hình thành như thế nào? Động vật, thực vật tồn tại như thế nào? Đều là do một căn nguyên mà sanh ra. Căn nguyên ấy chính là Bản Thể. Những nhà triết học và tôn giáo trong ngoài nước xưa nay đều tìm tòi [lời giải đáp] cho vấn đề Bản Thể nhưng chưa đạt được kết luận, nên mới có những thuyết gọi là Nhất Nguyên Luận, Nhị Nguyên Luận, Đa Nguyên Luận26, Duy Tâm, Duy Thức. Từ ba ngàn năm trước, qua các kinh Đại Thừa đức Phật đã nói rồi. Đức Phật nói bản thể của vạn hữu là tâm.

Muôn vật trong trời đất đều do tâm biến hiện ra. Chủ thể biến hiện là một, còn những cái được biến hiện thì vô lượng vô biên. Kinh Đại Thừa gọi nó là Chân Như Bổn Tánh. Trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan kiếm chân tâm ở bảy chỗ, Phật đều bảo chẳng đúng. Chân tâm ấy không có hình tượng, không có màu sắc, không phải là quá khứ, hiện tại, vị lai, không phải là Hương, Vị, Xúc, Pháp; nhưng nó là Có, chẳng phải là Không! Phật pháp thường dùng chữ Không để hình dung nó. “Không” chẳng phải là cái gì cũng chẳng có! Tâm Kinh dạy: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Sắc chẳng khác Không. Không chẳng khác Sắc”. Sắc là nói về hiện tượng, Không là nói về Bản Thể. Không là chủ thể biến hiện (Năng Biến), Sắc là cái được biến hiện (Sở Biến). Quý vị đều có kinh nghiệm nằm mộng, cảnh giới trong mộng nhất định phải có một thứ gì đó biến hiện cảnh mộng, đem so với tâm tánh thì cảnh giới hiện ra trong mộng là sắc tướng, là do cái Thể có khả năng biến hiện đã biến hiện ra chúng. Sắc tướng là giả, Năng Biến (cái có khả năng biến hiện) là chân. Do vậy, tâm gọi là Chân Tâm, tánh được gọi là Bổn Tánh. Tướng là giả, bị biến đổi, nhưng Thể của những tướng được biến hiện thì là chân. Sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong mười pháp giới đều do nó biến hiện ra. Do vậy, Thiền gia có một câu nói: “Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ” (Nếu ai hiểu được tâm, đại địa không còn một tấc đất).

Chúng ta hiện đang mê, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, tạo nghiệp, chịu báo, cảm nhận lục đạo luân hồi, hoàn toàn là do tự tâm biến hiện ra. Nếu rời khỏi tâm tánh thì chẳng có một pháp nào để có thể đạt được! Một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta và một niệm tâm tánh chư Phật Như Lai chẳng hai, chẳng khác, nhưng có ý niệm thứ hai là sai rồi. Niệm thứ nhất là bổn tánh, niệm thứ hai là vọng tưởng, chấp trước. Nếu giữ được nhất niệm thì sẽ thành Phật. Niệm thứ nhất không có phân biệt, chấp trước, bình đẳng đối với muôn pháp bên ngoài, chẳng có thiện hay ác, đúng hay sai, tà hay chánh, chân hay vọng, lợi hay hại, đó gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Cái niệm thứ hai là phân biệt, chấp trước đã dấy lên. Ví như tôi cầm một vật nào đó trong tay, quý vị vừa trông thấy thì rất rõ ràng, nhưng qua ý niệm thứ hai liền suy nghĩ vật này có tên là gì. Nó vốn không có tên gọi, tên gọi là do người ngoài đặt cho nó, là giả danh. Gọi nó là một trang giấy, màu trắng, tức là khởi lên phân biệt, chấp trước. Từ đấy, dẫn khởi tham, sân, si, mạn. Chúng ta chẳng thể giữ cho niệm thứ nhất không biến đổi, hễ gặp bất cứ cảnh giới nào liền lập tức mê. Đã mê lại càng thêm mê, luân chuyển trong sáu nẻo, chẳng có thuở thoát ra. Đấy chính là lý luận căn bản trong Phật pháp, chẳng thể không biết. Dùng vàng chế ra đồ vật, món nào cũng là vàng. Đồ vật có thể biến đổi, chứ vàng chẳng thay đổi. Tướng có thể biến đổi, chứ Thể chẳng biến đổi. Tâm tánh bất biến nhưng tùy duyên, tùy duyên nhưng bất biến. Đáng tiếc là chúng ta vọng niệm này tiếp nối vọng niệm khác, vĩnh viễn không ngưng nghỉ. Do đây, tướng mà mình thấy được là vọng tưởng. Nếu có một ngày nào đó, thật sự đạt được nhất tâm thì sẽ thật sự thấy được Thật Tướng. Thật Tướng là hết thảy pháp bất sanh bất diệt, trong kinh Phật gọi đó là Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Chúng ta sử dụng cái tâm sanh diệt, nên thấy hết thảy pháp đều có sanh, có diệt. Con người có sanh, lão, bệnh, tử, thế giới có thành, trụ, hoại, không. Chư Phật, Bồ Tát dùng tâm bất sanh bất diệt, thấy hết thảy pháp bất sanh bất diệt. Học Phật tức là muốn công phu đạt đến mức nhất tâm, sự tu học trong Đại Thừa Phật pháp xoay quanh điều này. Thiền Tông gọi nó là Thiền Định, còn pháp môn Niệm Phật gọi nó là Nhất Tâm. Nhất Tâm là Thiền Định, mà cũng là Thật Tướng, Chân Như, Bổn Tánh. Niệm Phật đến mức nhất tâm bất loạn thì sẽ có cùng một cảnh giới với minh tâm kiến tánh trong nhà Thiền. Trong phương diện Giáo Học, ắt cần phải lập ra thuật ngữ danh tướng để tiện cho con người thấu hiểu. Danh từ là giả lập, chớ nên chấp trước. Căn bệnh lớn nhất trong các pháp thế gian là chấp trước. Chúng ta nghiên cứu tâm tánh, nói đến các thứ danh tướng của Chân Như Bổn Tánh, tự mình đừng nên chấp trước, mà cũng đừng khiến cho người khác chấp trước. Tu học Phật pháp khó nhất là ở chỗ này. Đức Phật thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, nhưng kinh Kim Cang lại chép Ngài chẳng nói một pháp nào cả! Đức Phật nói: “Tu Bồ Đề! Nhữ vật vị Như Lai tác thị niệm, ngã đương hữu sở thuyết pháp, mạc tác thị niệm. Hà dĩ cố? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp, tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố” (Này Tu Bồ Đề! Ông đừng nói: Như Lai nghĩ như thế này, ta sẽ có pháp để nói, đừng nghĩ như vậy. Vì sao? Nếu có ai nói Như Lai có thuyết pháp thì chính là báng Phật vì chẳng thể hiểu lời ta nói). Chúng ta chớ nên chấp trước pháp do đức Phật đã nói, phải thấu hiểu sâu xa điều này. Hễ chấp sẽ mê!

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ, đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Chỉ một câu này đã nói toạc ra cái gốc bệnh của chúng ta chính là phân biệt, chấp trước. Không có phân biệt, chấp trước thì chính là Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới là cuộc sống ở ngay trước mắt chúng ta. Phật pháp không có gì khác, chỉ là phá chấp mà thôi. Phá trừ Ngã Chấp, chứng quả vị A La Hán trong Tiểu Thừa; Đại Thừa phá trừ Pháp Chấp, sẽ viên mãn thành Phật. Thành Phật chỉ là phá được cả hai chấp mà thôi! Ngã Chấp là cội nguồn của Phiền Não Chướng, phá được Ngã Chấp thì đoạn được Kiến Tư phiền não. Phá được Kiến Tư phiền não sẽ thoát khỏi lục đạo luân hồi. Pháp Chấp là cội nguồn của vô minh, phá được Pháp Chấp sẽ đoạn vô minh. Kinh điển dù Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều giảng như vậy. Do đó, có rất nhiều tông phái, vô lượng pháp môn, nhưng phương pháp, lý luận đều nhằm giúp cho người học phá chấp và minh tâm kiến tánh. Nay chúng ta chọn lựa pháp môn Niệm Phật, niệm một câu A Di Đà Phật, dùng công phu chân thật của chính mình lại thêm bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, người căn tánh lanh lợi chịu buông phân biệt, chấp trước xuống sẽ khai ngộ dễ dàng.

“Mịch chi liễu bất khả đắc” (tìm kiếm thì trọn chẳng thể được) là nói về tâm tánh. Đạt Ma Tổ Sư lúc diện bích (nhìn vào vách) chín năm tại chùa Thiếu Lâm, tìm chẳng được một ai để truyền pháp. Về sau, có Huệ Khả đến cầu pháp, chân thành, cung kính Tổ Đạt Ma. Tổ Đạt Ma ngồi yên, chẳng đếm xỉa gì tới. Nhằm biểu thị lòng thành, Huệ Khả dùng đao chặt tay trái, dâng lên cúng dường. Tổ Đạt Ma cảm động, chấp nhận. Huệ Khả liền hướng về Tổ Đạt Ma, thưa: “Tâm con chẳng an, cầu đại sư an cái tâm cho con”. Tổ Đạt Ma bảo: “Ông đem cái tâm lại đây, ta sẽ an nó cho ông”. Huệ Khả thưa: “Con tìm tâm trọn chẳng thể được!” Đạt Ma nói: “Ta đã an cái tâm cho ông rồi!” Huệ Khả vừa nghe liền đại ngộ. Trong cuộc đối thoại của hai vị, Tổ Đạt Ma nói mà chẳng nói, Huệ Khả nghe mà chẳng nghe.

Tâm là có, chẳng thể bảo là không có, tận hư không, trọn pháp giới, muôn pháp, bách giới, thiên như trong vũ trụ đều do nó biến hiện, nhưng chẳng thể nói muôn pháp trong vũ trụ là thật sự có. Chúng ta thấy chúng thật sự có, vì dùng cái tâm phân biệt để nhìn. Chân tướng là “đương Thể tức Không” (ngay nơi bản thể của chúng là Không). Kinh Lăng Nghiêm khai huệ nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”27. Vẫn phải nói tới sanh diệt, vì không nói sanh diệt, chúng ta sẽ không có cách gì thấu hiểu được. Sanh và diệt là một, chẳng phải hai. Tướng của nó là giả tướng, kinh gọi là Diệu Hữu: “Chân Không bất không, Diệu Hữu phi hữu” (Chân Không chẳng phải là không mà Diệu Hữu chẳng phải là hữu). Nếu tâm đạt đến mức thanh tịnh kha khá thì mới có thể phần nào lãnh ngộ được ý nghĩa này. Ví như coi phim, cuốn phim là do từng tấm phim ghép lại, nhưng khi chiếu phim với tốc độ rất nhanh, chỉ thấy hình tướng liên tục, mỗi một giây [ống kính của máy chiếu phim] đóng mở hai mươi bốn lần, kẻ tâm thô, thiếu công phu định lực sẽ chẳng thể nào phân biệt được! Đức Phật nói giả tướng của vạn hữu trong vũ trụ sanh diệt chỉ trong khoảng khảy ngón tay. Trong một giây có thể khảy ngón tay bốn lần. Trong một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Do vậy, trong một giây vừa vặn có hai cái mười tám ngàn lần sanh diệt28. Quý vị có thể nào nhận biết nó là giả hay chăng? Bậc Đại Thừa Bát Địa Bồ Tát công phu định lực sâu dầy mới có thể thấy được rõ ràng!

Niệm Phật niệm đến mức “công phu thành phiến” là bước thứ nhất, tiến hơn một bước nữa là “Sự nhất tâm bất loạn”. Tiến thêm bước nữa là niệm đến mức “Lý nhất tâm bất loạn” sẽ thấy được cảnh giới sanh diệt ấy. Tướng đều là huyễn tướng, chẳng phải là chân tướng. Nếu quả thật có thể thấu hiểu hoặc có thể khẳng định thì sẽ hiểu thấu đáo câu kinh Kim Cang sau đây: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng). Kinh Kim Cang còn dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh” (Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng). Ấy là lời chân thật. Pháp hữu vi: Theo như Bách Pháp Minh Môn Luận thì tất cả hết thảy pháp quy nạp thành một trăm pháp, trong ấy chia thành năm loại lớn: Tâm pháp, tâm sở hữu pháp, sắc pháp, bất tương ứng hành pháp, vô vi pháp. Trừ sáu pháp vô vi ra, chín mươi bốn pháp kia đều gọi là hữu vi pháp. Hữu vi pháp đều là mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như ánh chớp, đấy là sự thật. Nếu có thể thật sự tin tưởng thì liền đạt được thanh lương tự tại. Đấy chính là sự thụ dụng thật sự trong Đại Thừa Phật pháp.

Bách giới” chính là mười pháp giới được mở rộng ra, trong mỗi một pháp giới lại có đủ mười pháp giới, nên [10x10] thành một trăm giới. “Thiên như”: Trong mỗi một giới đều có mười như thị, [khái niệm] này xuất phát từ kinh Pháp Hoa. “Thập như thị” là như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh đẳng. Mỗi một pháp giới có mười như thị, nên một trăm pháp giới có một ngàn như thị; vì vậy gọi là “bách giới thiên như”29.

Đại Thừa Bồ Tát chẳng chấp trước Có, mà cũng chẳng chấp trước Không. Thấp hơn Đại Thừa thì phàm phu chấp Có, Nhị Thừa chấp Không, chấp lệch vào một bên là sai. Chấp Có thì luân hồi trong lục đạo; chấp không sẽ chẳng thể thấy được tánh. Chỉ có Đại Thừa Bồ Tát biết chân tướng sự thật, chẳng chấp bên nào hết. Tâm tánh chẳng thể được, cảnh giới cũng chẳng thể được. “Chẳng thể được” là thật; nếu nghĩ là “có thể được” thì đã hiểu sai rồi! Thân thể của chúng ta và hết thảy muôn pháp đều biến hóa sanh diệt trong từng sát-na, không có một pháp nào có thể được. Nếu thật sự hiểu rõ sâu xa sự thật này thì ý niệm được - mất sẽ nhạt bớt, phiền não, ưu lự có thể giảm thiểu tới tám chín chục phần trăm! Đây là cảnh giới chẳng thể được, sự cũng chẳng thể được. Tâm kinh dạy: “Vô trí, diệc vô đắc”, không chỉ Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Bát Giới chẳng thể được, ngay trí Năng Chứng và pháp được chứng là Bồ Đề Niết Bàn cũng chẳng thể được. Do tâm tánh là Không, Năng Biến (chủ thể biến đổi, tức tâm) đã chẳng thể được, thì Sở Biến (đối tượng bị biến hóa, tức hết thảy vạn pháp trong vũ trụ) làm sao có thể được? Nhập cảnh giới này thì chân tướng sẽ thấu hiểu rành rành, ngộ nhập Thật Tướng thì sẽ tận tình hưởng thụ hết thảy sự vật. Đừng nghĩ chúng là thật sự có, rồi mong chiếm hữu thì cuộc sống trên thế gian sẽ là du hý thần thông.

Bổn tánh tuyệt đối chẳng có tướng hư vọng, “duyên lự” là tư tưởng, “phân biệt” là kiến giải. Trong tâm tánh không có duyên lự, phân biệt. Cổ đức dạy kẻ sơ học phải khởi sự từ Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là vô tri, cầu đạt tâm thanh tịnh, chứ không chấp thuận quý vị có kiến giải, có tư tưởng. Lìa hết thảy ngôn ngữ, văn tự, ở mãi trong cảnh giới Định. Người học Phật hiện thời dồn công sức vào nơi “có hiểu biết, có tư tưởng, có kiến giải”, sai lầm quá đỗi! Dẫu học Phật giỏi đến mấy, cũng chỉ có thể gọi là nhà nghiên cứu Phật học lớn, chứ chẳng thể đoạn phiền não, đắc thanh tịnh tâm, liễu sanh tử, thoát tam giới, siêu phàm nhập thánh. Tu học Tịnh Tông khá đặc biệt, ai nấy đều có thể học, môn này không dạy người học trụ tâm nơi Định mà trụ nơi danh hiệu A Di Đà Phật. Trong tâm, trừ A Di Đà Phật ra, chẳng có một chút gì khác. Đấy gọi là “có Tịnh Độ”, hễ có Tịnh Độ, ắt sẽ sanh về Tịnh Độ.



Trong lúc học Phật thì vẫn có những chuyện thế gian cần phải làm, mà lại càng phải sốt sắng làm. Phật pháp nằm trong thế gian, chẳng hoại tướng thế gian. Kinh Hoa Nghiêm nói “sự lý vô ngại, sự sự vô ngại”. Lý là tâm tánh, vĩnh viễn thanh tịnh. Sự là muôn hình tượng, làm chuyện thế gian đến mức viên mãn. Hoằng pháp trong hiện thời ắt phải dùng phương pháp cởi mở. Trước mắt, bất luận nam, nữ, già, trẻ, ai nấy đều cầu danh vọng, lợi dưỡng. Nếu quý vị nói học Phật phải buông bỏ tiếng tăm, lợi dưỡng, sẽ chẳng có ai học. Phải kềm cặp chúng sanh, dùng phương pháp chánh xác để cầu tiếng tăm, lợi dưỡng vừa lòng thỏa ý họ. Điều này hoàn toàn chẳng trái nghịch Phật pháp. Phật pháp vốn dạy con người lìa khổ được vui mà! Hiểu rõ rệt đạo lý sau đây: “Trong cửa Phật, có cầu ắt ứng. Cầu phú quý, đắc phú quý. Cầu công danh, đắc công danh”. Gia đình mỹ mãn, xã hội an định, thiên hạ thái bình, điều gì cũng cầu được. Đọc kỹ và làm theo những chỉ dạy trong ba kinh Tịnh Độ thì sẽ đạt được những mục đích ấy.

“Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp. Ly cố, vô tướng. Tức cố, vô bất tướng. Bất đắc dĩ, cưỡng danh Thật Tướng” (Lìa hết thảy tướng chính là hết thảy pháp. Do “lìa”, nên vô tướng. Do “chính là”, nên chẳng phải không có tướng. Bất đắc dĩ, cưỡng gọi là Thật Tướng). Thật Tướng cũng là một danh từ giả danh. Tách lìa tướng danh tự liền thấy được chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Khi chẳng khởi một niệm sẽ thấy được chân tướng, phải dùng nhất tâm thì mới được. Còn dùng ý niệm sẽ là nhị tâm, rồi lại có phân biệt, liền trở thành tam tâm! “Vô tướng” là không có phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, chẳng có tướng hư vọng, chẳng có ý niệm. Chữ “tức” ý nói sống ngay trong thế gian này, chẳng tách rời thế gian, chẳng tách lìa, chỉ có thể thụ dụng nó. Hết thảy muôn sự muôn pháp đều tồn tại, là có tướng, nhưng chẳng chấp trước vào những tướng ấy, chúng sẽ chẳng khởi tác dụng phụ, nhưng cũng chẳng thể buông bỏ nó. Hễ buông bỏ thì lại là chấp vào Không.

“Thật Tướng chi Thể, phi tịch, phi chiếu, nhi phục tịch, nhi hằng chiếu, chiếu nhi hằng tịch” (Thể của Thật Tướng chẳng tịch, chẳng chiếu, nhưng lại vừa tịch vừa luôn chiếu, tuy chiếu nhưng luôn tịch): Câu này giảng rõ “không rớt vào hai bên”. Tịch và Chiếu có thể lần lượt làm Thể và Dụng cho nhau. Thật Tướng tức là tâm tánh, bản thể của tâm tánh là Tịch, khởi tác dụng là Chiếu. Cũng có thể nói: Thể của tâm tánh là Chiếu, khởi tác dụng là Tịch. Tịch là vắng lặng30, chẳng sanh một niệm, tức là như Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật”. “Chiếu” là hiểu rõ, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều hiểu rõ ràng. Thể chẳng phải là Tịch, chẳng phải là Chiếu. Nó vốn chẳng thể nói là Tịch hay Chiếu. Hễ rớt vào Tịch hay Chiếu sẽ khởi lên phân biệt. Thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian thường dạy chúng ta hãy dùng Trung, tuyệt đối đừng thiên chấp một bên. Tiểu Thừa thiên chấp Không, phàm phu thiên chấp Có. “Trung” là “tịch nhi hằng chiếu, chiếu nhi hằng tịch” (là tịch nhưng luôn chiếu, tuy chiếu nhưng luôn tịch)31. “Như như bất động” là Tịch, “rõ rệt rành rành” là Chiếu. Lý luận này hết sức trọng yếu. Khó thể hình dung Thật Tướng, lìa ngôn thuyết, lìa văn tự, lìa tâm duyên32. Ngôn ngữ nói chẳng được, suy nghĩ, tưởng tượng cũng chẳng dò lường được. Cổ đức thường nói: “Khai khẩu tiện thác, động niệm tức quai” (Mở miệng liền sai, động niệm liền trật). Khởi tâm động niệm đã chẳng phải là Thể của Thật Tướng, đem Tịch và Chiếu áp dụng vào Thật Tướng cũng chẳng được, nhưng quả thật tồn tại ý nghĩa Tịch và Chiếu. Lặng trong như nước, mặt nước giống như một tấm gương [đó là Tịch], có thể soi bóng những thứ bên ngoài rõ ràng, rành rẽ. Tâm địa thanh tịnh, thông suốt khắp mười phương tam thế, được gọi là Chiếu, còn gọi là “thần thông”, phàm phu chẳng thể thấu hiểu được. Loại năng lực này chẳng phải riêng chư Phật mới có, mà hết thảy chúng sanh đều có, đáng tiếc là đã chôn vùi phần lớn. Hiện thời, mắt có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, đều thuộc về “thần thông”, nhưng năng lực nhỏ nhoi đến mức mắt bị ngăn cách bởi một tờ giấy sẽ không thể thấy được, khả năng nghe của tai cũng giống như vậy. Năng lực ấy vì sao bị chôn vùi? Chính là do một niệm bất giác mà có vô minh. Vô minh vừa khởi lên, năng lực của Chiếu bị mất đi. Có một niệm khởi, liền bị chướng ngại thành mê, càng mê, càng sâu. Những đạo lý “mê như thế nào, phương cách đả phá sự mê hoặc ấy hòng khôi phục cái tâm thanh tịnh” được sáu kinh, mười một luận33 của tông Hoa Nghiêm và tông Duy Thức giảng tường tận nhất. Mê là tác dụng của cảm tình, tình càng sâu, mê càng nặng. Tình do mê vọng sanh ra, chính là hư tình giả ý [chắc chắn] sẽ biến đổi. Chiếu là Lý Trí, do Lý Trí sanh ra, vĩnh viễn chẳng biến đổi, Chiếu là chân tình. Phật pháp chẳng dùng chữ Tình, mà dùng một danh từ khác là Từ Bi. Từ Bi sanh từ Tịch và Chiếu, chẳng bị biến đổi.

Trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ có năm chữ “thanh tịnh bình đẳng giác”, “thanh tịnh bình đẳng” là Tịch, “giác” là Chiếu, từ đây, sanh ra đại từ, đại bi. Phải như thế nào thì mới có thể khế nhập cảnh giới ấy? Thực hiện từ “thấy thấu suốt, buông xuống”. “Thấy thấu suốt” là trí huệ, “buông xuống” là công phu. Phân biệt, chấp trước, ưu lự, vướng mắc thảy đều buông xuống. Trong cuộc sống thường nhật, sống tùy duyên, được đại tự tại. Đấy chính là hạnh phúc chân chánh.



“Chiếu nhi tịch, cưỡng danh Thường Tịch Quang độ. Tịch nhi Chiếu, cưỡng danh Thanh Tịnh Pháp Thân” (Tuy tịch mà chiếu nên cưỡng gọi là cõi Thường Tịch Quang. Tuy Chiếu mà Tịch, cưỡng gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân). Hai câu này ý nói: Một niệm tâm tánh nơi bổn tánh của chúng ta cũng chính là thân và cõi nước của chư Phật Như Lai. Thân và cõi nước chẳng hai, do Tịch và Chiếu chẳng hai, Tịch và Chiếu có thể dùng làm Thể và Dụng lẫn cho nhau, đấy là chỗ dựa nguyên thủy để lập luận. Cõi Thường Tịch Quang và Thanh Tịnh Pháp Thân đều thuộc vào bản thể của tâm tánh. Ba thân của Phật, tức Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Thân là từ Thể mà khởi Dụng, [nói như vậy] dễ thấu hiểu hơn. “Pháp” là hết thảy vạn pháp, hết thảy vạn pháp là chính mình. Thân cũng là một pháp trong vạn pháp. Nghĩa này hết sức khó hiểu. Đức Phật thường dùng mộng huyễn để sánh ví: Trong mộng có các hình tượng biến hiện, mà trong mộng cũng có chính mình. Trừ chính mình ra, có sơn hà, đại địa, lầu, đài, điện, gác, rất nhiều nhân vật. Cảnh giới trong mộng từ đâu mà có? Mộng do tâm tánh biến hiện ra. Tâm tánh chia ra thành chân và vọng. Mộng là do vọng tâm biến hiện. Những cảnh tượng khác cũng đều do vọng tâm ấy biến hiện. Do đây, có thể lãnh ngộ “toàn bộ giấc mộng ấy vốn là do chính mình [biến hiện]”, toàn thể mộng chính là tâm, đây là điều có thể khẳng định được. Hiện tại, chúng ta đang nằm mộng, y báo, chánh báo trang nghiêm, núi, sông, đại địa trong mười pháp giới đều do tự tâm biến hiện. Trừ chân tâm bổn tánh ra, không có một pháp nào để có thể được. Phật và các đại Bồ Tát hiểu biết rõ ràng sự thật này, chứng đắc Pháp Thân, nên các Ngài nhất loạt đối đãi bình đẳng với chúng sanh. Bởi lẽ, hư không pháp giới và chính mình có cùng một Thể, há còn nói tới điều kiện nào nữa ư? Phật, Bồ Tát đối xử chúng sanh là chính mình đối xử chính mình, vì thế mới “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Người đời không biết, La Hán, Bích Chi Phật và Quyền Giáo Bồ Tát đều chẳng hiểu rõ. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đích thân chứng được chân tướng sự thật mới hiểu rõ. Tư tưởng, kiến giải, cách nghĩ, cách nhìn của họ chẳng khác chư Phật Như Lai. Đấy gọi là “nhập Phật tri kiến”.

“Tịch chiếu cưỡng danh Báo Thân” (Tuy tịch mà chiếu nên cưỡng gọi là Báo Thân). Tịch mà chiếu, đấy là công phu, tức tâm thanh tịnh khởi tác dụng, tràn đầy trí huệ, trở thành Báo Thân trí huệ, thấy tột cùng trọn khắp hư không pháp giới đều là hiện tượng tịch diệt.

“Tánh Đức tịch chiếu, danh Pháp Thân. Tu Đức chiếu tịch, danh Báo Thân” (Tánh Đức tịch mà chiếu, gọi là Pháp Thân. Tu Đức chiếu mà tịch, gọi là Báo Thân). Đây là dựa theo Tánh và Tu để nói. Tánh là bổn tánh, Chân Như bổn tánh tịch chiếu ai nấy đều có, phàm và thánh giống nhau, nơi Phật chẳng tăng, tại phàm chẳng giảm. Nhưng Tu Đức thì khác nhau, Phật, Bồ Tát có tu hành, hiểu rõ chân tướng của sự thật. Phật, Bồ Tát dạy chúng ta thì chúng ta nửa tin, nửa ngờ, thậm chí chẳng thể tiếp nhận. “Chiếu” là hiểu rành rẽ, rõ ràng, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng. “Tịch” là như như bất động, đối với cảnh giới chẳng khởi tâm động niệm. Đấy gọi là Tự Thụ Dụng Thân. Như như bất động, trọn chẳng có phiền não, thứ gì cũng rõ ràng, đầy ắp trí huệ, đấy là tự thụ dụng, mà cũng chính là sự hưởng thụ chân chánh của chính mình.

Chúng ta sống rất khổ, phiền não nhiều như vậy, chẳng có Tịch. Trong tâm suy nghĩ lung tung, thứ gì ở bên ngoài cũng chẳng hiểu biết, nên không có Chiếu. Để giúp đỡ người khác thì chính mình phải Tịch Chiếu, chính mình phải như bất động. Hiểu rõ ràng, rành rẽ cảnh giới bên ngoài thì mới có thể chỉ dạy người khác. Chính mình như như bất động thì mới chẳng bị người khác lôi kéo, cho nên được đại tự tại. Chỉ có Chiếu không có Tịch mà độ chúng sanh và tiếp xúc chúng sanh, hễ tiếng tăm, lợi dưỡng đưa tới thì tham, sân, si, mạn nẩy sanh, sẽ bị chúng sanh lôi kéo. Ứng Hóa Thân là Tha Thụ Dụng Thân nhằm giúp đỡ người khác.

Thật Tướng vô nhị, diệc vô bất nhị” (Thật Tướng không hai, mà cũng chẳng không hai). Vũ trụ vạn hữu, vốn là bình đẳng nhất tướng, trong ấy không có sai biệt. Kinh Kim Cang nói đại thiên thế giới là “nhất hiệp tướng”34. Vật chất cơ bản của vạn vật chỉ là một, chỉ là công thức cấu tạo khác nhau. Vì vậy, muôn pháp trong vũ trụ là bình đẳng, đều là một hiệp tướng, không sai biệt. Nếu các nhà khoa học đọc kinh Phật, nhất định họ sẽ bội phục Thích Ca Mâu Ni năm vóc sát đất.

Trông thấy chân tướng của sự thật bình đẳng vô nhị, mà nếu vẫn khởi phân biệt, chấp trước, thị phi, thiện ác thì lầm lẫn quá đỗi rồi! Có kẻ hoài nghi: “Nếu vạn pháp đã là bình đẳng, chẳng hai, cớ sao Phật nói chân tâm và vọng tâm?” Hãy nên biết: Phật nói chân tâm và vọng tâm chính là nói phương tiện. Nếu nói chân thật, sẽ chẳng mở miệng. Những điều Ngài đã nói trong suốt bốn mươi chín năm đều là nói phương tiện. Phải từ lời nói phương tiện mà ngộ nhập chân thật, chớ nên chấp vào những danh tướng đức Phật đã nói. Nghe kinh phải nghe bằng cái tâm thanh tịnh, chớ nên suy tưởng. Hễ suy tưởng thì ngộ môn (sự ngộ giải của người nghe) liền bị đóng lại. Nếu học tập Phật pháp giống như học pháp thế gian thì sẽ biến thành “Phật học”, chứ không phải là “học Phật”. Học Phật phải khai ngộ, phải học cái tâm thanh tịnh, phải học Tịch Chiếu. Trước hết, nói ra nguyên lý, sau đấy mới thực hiện trên phương diện sự tướng.

Thể” là Thật Tướng, tức tâm tánh. “Y” là y báo, “chánh” là thân thể. Pháp là Pháp Thân, Báo là Báo Thân, cũng do tự tánh biến hiện. Tự là chính mình, Tha là người khác. Tự Tha bất nhị. Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. “Năng thuyết” (người nói kinh này) là Thích Ca Mâu Ni Phật, “sở thuyết” (những điều được nói đến) là A Di Đà Phật, tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. “Năng độ” (người hóa độ) là chư Phật, “sở độ” (kẻ được hóa độ) là chúng sanh. “Năng tín” là cái tâm của ta, “sở tín” là pháp môn này. “Năng nguyện” là sự hâm mộ, mong mỏi của chính mình, “sở nguyện” là Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Năng trì” là thân, khẩu, ý, thân lễ Phật, miệng niệm Phật, tâm tưởng Phật, “sở trì” là một câu Phật hiệu “nam-mô A Di Đà Phật”. “Năng sanh” là điều kiện để có thể vãng sanh, tức Tín - Nguyện - Hạnh; “sở sanh” là Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ở Tây Phương có bốn loại Tịnh Độ, nhưng bốn loại này dung hợp thành một. Đã sanh về một cõi thì sẽ sanh trong hết thảy cõi, chỉ có Tây Phương thù thắng như vậy! “Năng tán” là mười phương chư Phật Như Lai, “sở tán” là Tây Phương Tịnh Độ. Những điều này đều là Thật Tướng, đức Phật thuyết pháp cho chúng ta đã dựa vào một điều duy nhất, tức là Thật Tướng.

Ở đây, tôi lại nói rõ cùng các vị đồng tu. Lý này thông với hết thảy tất cả các kinh Đại Thừa, đó gọi là “một kinh thông, hết thảy các kinh thông”. Chẳng phải chỉ như vậy, hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian cũng đều có thể thông đạt; bởi lẽ, không có một pháp nào chẳng do tâm tánh biến hiện ra. Bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo có trí huệ viên mãn, không gì chẳng biết, không gì chẳng thể. Hiểu rõ lý này, cái tâm tu học sẽ ổn định, chẳng còn suy nghĩ Thiên Thai cũng rất hay, hoặc là Thiền Tông cũng khá lắm, đều muốn học hết. Tông Môn, Giáo Hạ, bất cứ tông phái nào nếu có khế nhập thì đều có thể thành tựu, nhưng ắt cần phải chuyên tu. Chuyên tu sẽ dễ thành tựu! Từ xưa, những bậc đại đức tuy tu những pháp môn khác nhau, nhưng phương hướng, mục tiêu giống nhau, đôi bên khen ngợi lẫn nhau. Con người học Phật hiện thời thường là khen ngợi bản thân, hủy báng người khác35.


Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu
giang-kinh -> Sự Thành Lập Kinh Điển Phật Giáo Daisaku Ikeda (The First Mileage of Buddhism) Nguyên Hảo dịch Nguồn

tải về 3.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương