PHÁc thảo tình hình sản xuất nông nghiệP…



tải về 9.17 Mb.
trang26/26
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích9.17 Mb.
#37785
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   26



NH÷NG BI£N GIíI §¤ THÞ MíI:
QU¸ TR×NH §¤ THÞ Ho¸ VïNG VEN §¤
Vµ (T¸I) L·NH THæ Ho¸ ë §¤NG NAM ¸

M



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIEÅU BAN ÑOÂ THÒ VAØ ÑOÂ THÒ HOAÙÙ





ichael Leaf*


1. Giấc mơ ven đô

Từ ngữ rất quan trọng. Những thuật ngữ cụ thể được dùng khi phân tích một tình huống có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt lý thuyết, vì chúng liên quan đến những tài liệu cụ thể, chúng cung cấp đường dẫn tới những nguồn tư liệu khác, những trường hợp khác, những tình huống khác. Trong bài viết này, với mục đích tìm hiểu khái niệm ven đô như là một địa giới, cụ thể trong trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, trước hết tôi muốn bắt đầu với thắc mắc về cách dùng thuật ngữ “ven đô” (periurban). Tôi muốn biết từ này đã xuất hiện như thế nào trong những năm gần đây, cụ thể là trong tài liệu học thuật về cái mà trước đây gọi là “sự đô thị hoá thế giới thứ ba” hoặc để chỉ quá trình biến đổi và tăng trưởng của đô thị ở “các nước thế giới thứ ba” (theo lối nói ngày xưa) của thế giới hôm nay. Tôi đã tham khảo nhiều từ điển trực tuyến nhưng không tìm thấy định nghĩa nào về từ này, ngoại trừ một ngoại lệ403, và chắc chắn là không có từ điển bản in nào có từ này. Thế nhưng từ này, có lẽ rút gọn từ các từ “peripheral” (ngoại vi) và “urban” (đô thị), được sử dụng nhiều trong tài liệu học thuật thời gian gần đây. Rõ ràng đây là một từ được những người dùng nó định nghĩa, chứ không phải được định nghĩa bởi các chuyên gia ngôn ngữ tiếng Anh.

Công cuộc tìm kiếm cái gọi là “định nghĩa trên mạng” (tức là tra cứu từ các nguồn học thuật hay tài liệu chính sách trên mạng và do đó từ được định nghĩa bởi những người sử dụng từ đó) cho chúng ta một vài kết quả như sau: “Sự phát triển nhà cửa và đường sá ở mật độ thấp tại vùng ngoại vi của khu vực đô thị, vẫn còn lại những khu đất nông thôn nhỏ trong mạng lưới các toà nhà vùng ngoại ô” (theo bảng chú giải thuật ngữ của Bộ Môi trường Úc, “Thông cáo về Môi trường” 2001). Hoặc “khu vực quá độ, hoặc giao thoa, là nơi các hoạt động vùng đô thị và nông thôn diễn ra đan xen nhau, và những nét đặc trưng của khu vực biến đổi nhanh chóng do tác động của con người” (Trích từ dự án Thay đổi môi trường ven đô (PUECH), 2005). Hoặc “vùng ven đô nằm ngoài ranh giới và phạm vi đô thị chính thức đang trong quá trình đô thị hoá, do đó ngày càng tiếp nhận nhiều đặc điểm của khu vực đô thị” (theo Chính sách tăng trưởng vùng ven đô Swaziland 1997). Ở đây có sự tương phản với từ “ngoại ô” (suburban) đã có từ lâu và rất phổ biến. Vậy đâu là sự khác nhau giữa ngoại ô và ven đô, tại sao là ngoại ô chứ không phải là ven đô? Nếu chúng ta tìm hiểu về lịch sử quá trình sử dụng từ “ngoại ô” như là “khu vực dân cư thường xuyên ở quanh một thành phố chính” (Từ điển Di sản tiếng Anh của Mỹ, 2000), thì câu chuyện hoá ra đơn giản với việc loại trừ “nông thôn”. “Ngoại ô” không cần thiết phải là khu vực dành riêng cho chức năng đô thị.Và thế tiến thoái lưỡng nan của những mâu thuẫn có tính pháp lý (như đã thấy trong những định nghĩa của người sử dụng trên đây) đã được thảo luận và phân tích khi bàn về tình trạng đô thị hoá ngoại ô. Tuy nhiên, một định nghĩa cần phải chỉ ra điều gì đó về tình trạng đô thị hoá ngoại ô nảy sinh từ sự mở rộng lãnh thổ của một thành phố ra xung quanh, theo những cách thức mà có thế quá trình đô thị hoá ven đô không làm.

Mặc dù vậy, điều mà tôi quan tâm ở đây là liệu có hay không một sự tách rời có tính lý thuyết hoặc thậm chí là tính chuyên môn giữa việc nghiên cứu quá trình ven đô hoá với việc nghiên cứu quá trình ngoại ô hoá, và liệu điều này có thể hiện sự phân tách trong cách hiểu tương đối của chúng ta về quá trình đô thị hoá hay không. Trong những năm gần đây, những nguy cơ và trở ngại của tình trạng hạ cấp về chuyên môn đã được Jennifer Robinson nhấn mạnh khi bà nghiên cứu sự phát triển của lý thuyết đô thị. Trong bài viết “Các thành phố toàn cầu và thế giới: Quan điểm bên ngoài bản đồ” (2002) và sau đó trong cuốn sách Những thành phố bình thường (2006), Robinson tập trung tìm hiểu sự chia nhánh các quan điểm lý thuyết nảy sinh qua vài thập niên trong lĩnh vực nghiên cứu đô thị, với một nhánh là lý thuyết nghiên cứu các thành phố thuộc thế giới giàu có được dẫn dắt bởi những công trình lý tưởng hoá mà bà gọi là “những thành phố toàn cầu và thế giới”, còn nhánh kia là lý thuyết nghiên cứu thế giới “đang phát triển” nghèo khó được nhìn nhận qua lăng kính của các nhà nghiên cứu phát triển. Điều cần chú ý ở đây là, những quan điểm nhìn nhận khác nhau về các thành phố có thể gây ra ảnh hưởng thực sự đối với cách tiếp cận và phân tích vấn đề của chúng ta. Thuật ngữ được sử dụng để miêu tả sơ lược cái gì đó rất có thể lại định hình trước việc tìm hiểu của chúng ta, vì những từ cụ thể sẽ liên kết với những ý nghĩa cụ thể trong các chuyên luận học thuật, do vậy định dạng sự phát triển có tính lý thuyết sau đó. Như vậy, những tham số so sánh lồng trong thuật ngữ “thành phố thế giới” sẽ có tính cộng hưởng khác nhau khi từ này được dùng cho London chứ không phải cho thành phố khác, chẳng hạn Kampala.

Với quan niệm như vậy, khi xem xét cặp đôi ven đô/ngoại ô, tôi cho rằng vấn đề căn bản có lẽ không phải là cái gì được xem xét mà là ai là người xem xét. Về điều này chúng ta có thể nhận thấy một loạt các công trình nghiên cứu lấy-Mỹ-làm-trung tâm có khuynh hướng nghiên cứu tình trạng đô thị hoá ngoại ô phổ biến trên toàn cầu theo kiểu văn hoá phương Tây, như trong bài viết có tiêu đề “Nhập khẩu giấc mơ Mỹ” (Leichenko và Solecki 2005). Khuynh hướng này không chỉ nhấn mạnh đến những hình thức cụ thể của ngoại ô, cũng không bàn tới những vấn đề nảy sinh do sự khác biệt xã hội từng địa phương đi cùng với sự cấy ghép “giấc mơ Mỹ” trong đời sống ngoại ô (mặc dù điều này quan trọng), mà còn chú ý tới việc nhận diện một quá trình đang phổ biến trên toàn cầu (trong trường hợp này là chủ nghĩa tân tự do), âm thầm luồn lách vào các bối cảnh kinh tế/chính trị/xã hội khác nhau, dù là trong các thành phố “MDC” hay các thành phố “LDC”. Như vậy, chúng ta có thể thấy ở đây sự tương đương với phạm trù “các thành phố toàn cầu và thế giới” của Robinson: một quan điểm lý thuyết xuất hiện trong môi trường đô thị được sử dụng như một cách thức thuyết giải về những hiện tượng nảy sinh trên phạm vi toàn cầu.

Khi tìm kiếm những bài nghiên cứu về chủ đề ven đô ở Mỹ, chúng tôi tìm thấy một quan điểm trái ngược. Cho đến giờ tôi mới chỉ tìm thấy một bài báo trên tạp chí chuyên ngành sử dụng thuật ngữ ven đô trong ngữ cảnh này: “Việc tự ý dựng nhà và cấp đất không chính thức ở vùng ven đô Hoa Kỳ” (Ward and Peters 2007). Từ những từ quan trọng khác trong tiêu đề bài báo - “không chính thức”, “tự ý” - chúng ta có thể biết rằng đây không phải là một vấn đề thông thường thuộc một chủ đề tiêu biểu của chính sách nhà ở Mỹ. Thay vào đó, bài báo nêu lên những vấn đề có tính khái niệm và phương pháp luận để khảo sát một hiện tượng mà các tác giả cho là không chỉ xảy ra ở những vùng sát biên giới Mỹ - Mexico, là nơi định cư của dân nhập cư Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Các tác giả cũng cho rằng hiện tượng mà họ gọi là “sự phân chia đất ở không chính thức” (IFHS) có thể hiểu khái quát hơn, đó là sự gia tăng tình trạng bần cùng hoá của lực lượng lao động Mỹ, và hệ quả là những thách thức về nhà ở mà người dân đang gặp phải ở vùng nông thôn, và ngày càng tăng lên ở vùng ven đô. Do đó, có thể thấy chủ đề này cùng loại với khái niệm “thế giới thứ ba” ở Mỹ. Thật vậy, theo tác giả “có sự tương đồng rõ ràng với những hoạt động tự lực cánh sinh ở các thành phố thuộc Mỹ Latinh và những nước đang phát triển khác, mặc dù các cơ chế về đất đai và nhà ở có thể khác nhau căn bản” (tr.206). Bài báo cung cấp một phản ví dụ tốt đối với những giả định tường minh của Leichenko và Solecki, mặc dù không phủ nhận hoàn toàn những khía cạnh về cấu trúc trong lý luận của các tác giả này. Điều đáng chú ý là cách dùng thuật ngữ và cơ sở lý thuyết họ sử dụng dựa trên nguồn tài liệu không lấy-Mỹ-làm- trung-tâm, do đó đề cập tới khía cạnh khác của sự phân tách ngoại ô/ven đô.

Mặc dù tôi vẫn nghi ngờ về cách dùng hai thuật ngữ ngoại ô và ven đô (tôi cho rằng “ven đô” có lẽ mang tính ngoại vi nhiều hơn “ngoại ô”), tôi cho rằng với sự gia tăng các công trình nghiên cứu về tình trạng đô thị hoá, hai từ này có thể sẽ được dùng để chỉ ra những sự khác biệt nào đó của các quá trình. Trái với quan điểm cho rằng đô thị hoá ngoại ô là hiện tượng đơn hướng, na ná giống với khái niệm “sự bành trướng đô thị” (“urban sprawl”), vốn bắt nguồn từ khái niệm “sự dư thừa nguồn cung đất dịch vụ” (“oversupply of serviced land”), chúng ta có thể sử dụng từ “đô thị hoá vùng ven đô” một cách chính xác hơn để chỉ sự song hành và trộn lẫn giữa đô thị và nông thôn,404hàm chỉ tiềm năng xuất hiện các hình thức hoàn toàn mới của sự tương tác xã hội, kinh tế và môi trường.

2. Vùng ven đô với tư cách là ranh giới đô thị ở Đông Nam Á

Đặc trưng của khung cảnh vùng ven đô là sự biến đổi liên tục không ngừng nghỉ. Bản chất biến đổi của nó là một trong những đặc điểm quan trọng nhất để định nghĩa về ven đô, và đó cũng là điều được chú ý nhất khi bàn về tương lai của quá trình đô thị hoá tại khu vực Đông Nam Á. Sự biến chuyển được nói đến ở đây không chỉ là giữa các khu vực hay các không gian được quy định là nông thôn và thành thị; nói một cách chặt chẽ hơn, đó là sự biến chuyển xuyên thời gian. Việc xem xét tốc độ và quy mô thay đổi, cũng như những hệ quả sau này (và thậm chí cả bây giờ nữa) đều trở thành trọng tâm nghiên cứu. Ở đây, một lần nữa chúng ta lại gặp sự rẽ đôi trong lý thuyết.

Trong phần trước tôi đã chỉ ra sự đứt đoạn về khái niệm giữa hướng tiếp cận có tính phổ quát về sự lý thuyết hoá bắt nguồn từ những kinh nghiệm của “các xã hội biến chuyển trong thời kỳ hậu đô thị” (theo tôi thuật ngữ này tốt hơn “các nước đã phát triển” vì nó nắm bắt được những thay đổi quan yếu), với hướng tiếp cận dựa trên việc phân tích những đặc trưng riêng biệt (và do đó khác biệt) của những địa điểm cụ thể. Ở đây tôi quan tâm tới tính mục đích của học thuyết, vì người ta cũng có thể nhận thấy sự chia rẽ căn bản giữa quan điểm về sự hội tụ của những mô hình đô thị hoá toàn cầu xuyên thời gian và quan điểm nhấn mạnh những trường hợp đặc biệt, nếu không muốn nói là độc đáo, của những quá trình và những hình mẫu đô thị hoá trong khu vực. Liệu những thành phố Đông Nam Á có trở nên giống với các thành phố thuộc thế giới đã phát triển hay không, hay chúng vẫn giữ những nét đặc trưng địa phương riêng biệt như sự hình thành và duy trì của những khu vực “desakota” đem tới những hình thức mới của chủ nghĩa đô thị, không giống với những thành phố đã phát triển? Và nếu như khả năng sau xảy ra, thì những đặc điểm gì xác định hình thức mới này của chủ nghĩa đô thị?

Đóng góp vào cuộc tranh luận này, Mc Gee405 nhấn mạnh những nhân tố như mật độ dân số nông thôn cao thuộc những khu vực nông nghiệp lúa nước xung quanh các thành phố, làn sóng lao động nông thôn rời bỏ sản xuất nông nghiệp tiếp theo những thay đổi về thể chế và công nghệ của cuộc cách mạng xanh, và sự mở rộng nhanh chóng các phương tiện truyền thông và công nghệ giao thông trên khắp vùng như là cơ sở của những thay đổi thúc đẩy sự đa dạng hoá nhanh chóng các loại nghề nghiệp - tóm lại, một loạt những biến đổi giao thoa về nhân khẩu, kỹ thuật, kinh tế và văn hoá đang thật sự là những thử thách căn bản đối với sự khác biệt dễ nhận thấy, mặc dù có gốc rễ lịch sử, giữa nông thôn và thành thị, và đặt nền móng cho các hình thức biến đổi nhanh chóng và có tính khu vực của đô thị. Trái với mong đợi của tư duy hội tụ, có thể cho rằng những hình thức mới của chủ nghĩa đô thị bắt nguồn từ những quá trình này cũng liên quan nhiều tới sự duy trì những đặc điểm và quan hệ nông thôn không kém gì những biến chuyển liên tục hướng tới các xã hội đô thị.

Một thuộc tính cụ thể thường được chỉ ra trong các hình mẫu thay đổi vùng ven đô là sự phân cắt ngày càng tăng của nó.406 Một điều rõ ràng là, thuộc tính này được coi như hậu quả của sự chuyển đổi quyền sử dụng đất phi thể thức và không đồng đều ở nhiều cấp độ phạm vi, từ những khu dân cư và khu phát triển công nghiệp lớn nhỏ có ranh giới cửa ngõ rõ ràng, đến những địa điểm công nghiệp và dân cư quy mô nhỏ hơn, phát triển theo kiểu chia cắt từng miếng một mang tính cá nhân hoá. Việc sử dụng từ “phân cắt” (hay “vỡ vụn” - fragmentation) để miêu tả những khu vực nhảy cóc và đa quy mô cho thấy sự quan tâm có tính quy chuẩn, với hàm ý rằng “sự quy hoạch” tốt hơn (tức là, phân tích những ý nghĩa của sự biến đổi và cung cấp những thể chế và cơ sở hạ tầng phù hợp hướng đến sự phát triển, dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của nhà nước) có thể làm mất tác dụng của những ảnh hưởng độc hại về môi trường và xã hội đối với các khu vực ven đô bị phân cắt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả nhiều bộ phận “được quy hoạch” ở các khu vực ven đô Đông Nam Á - những khu vực dân cư và công nghiệp quy mô lớn, có ranh giới rõ ràng - cũng rất lộn xộn, tức là trong nhiều trường hợp chúng xuất hiện bất chấp những quy định về quản lý quyền sử dụng đất của chính phủ, chứ không phải là tuân theo những quy định này.407

Có thể cho rằng, sự phân cắt của khung cảnh vật lý cũng thể hiện sự phân cách của khung cảnh thể chế. Đối với những sự phát triển quy mô lớn hơn ở các khu vực ven đô, lý thuyết chế độ đô thị có thể là một phương thức để tìm hiểu xem điều này diễn ra như thế nào, vì lý thuyết này cho rằng khả năng thực hiện những việc nào đó để chuyển đổi môi trường là khả thi thông qua sự đan xen những lợi ích của nhà nước và thủ đô khi không có riêng bên nào đủ quyền lực. Những ý kiến về tính phi chính thức có thể là một nguồn phân tích và lý giải khác.

Một khuynh hướng khác là nhìn nhận vấn đề này theo quan điểm nhà nước yếu, tức là cần phải củng cố thể chế hoặc “xây dựng năng lực” để “chính thức hoá sự phi chính thức”, hoặc để xử lý những thay đổi không gian xã hội kiểu phân cắt dường như không thể kiểm soát được. Như vậy, về căn bản, điều này liên quan đến sự quy hoạch hoặc đến việc những quan hệ thể chế nền tảng (cả chính thức trên bề mặt và phi chính thức) tương tác (hay nói theo quy chuẩn là nên tương tác) như thế nào trong việc định hình những tác động đến đô thị (ven đô). Để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này, tôi xin nói đến khái niệm ranh giới, với quan điểm cho rằng ở các khu vực ven đô Đông Nam Á chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của ranh giới (địa giới) đô thị, hay trên thực tế là những ranh giới đa dạng, khi chúng ta tìm hiểu phạm vi những tương tác định hình các tác động tới ven đô.

Thông thường, địa giới được xem là một kiểu phân giới, và thường là một “không gian trống”. Đó cũng là nơi diễn ra sự chạm trán, tương tác và tranh cãi giữa các nhóm khác hẳn nhau, với tiềm năng hình thành những hình thái hỗn hợp xã hội, một nơi diễn ra sự hỗn tạp.408 Nhưng địa giới cũng là nơi hàm chứa cái mới và sự thay đổi. Theo nghĩa này đó là một nơi đầy niềm hy vọng, tính bất ngờ, cũng đầy lo lắng và bất ổn - nó là một ẩn dụ phong phú về sự phát triển. Trong nhiều bài viết về các địa giới trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, người ta cũng có thể bắt gặp quan điểm cho rằng địa giới là nơi lộn xộn, ở đó việc cầu viện đến các thế lực hung ác giống như một cách thức có tính nguyên tắc để thể hiện quyền lực, từ đó có thể hiểu rằng sự yếu kém về thể chế và luật định là đặc trưng căn bản của địa giới. Những kẽ hở xuất hiện, và việc lấp chúng đi như thế nào vẫn còn là điều mơ hồ. Trong tình trạng lộn xộn của địa giới, chúng ta có thể nhận diện vị trí của nó như là một chiến lược địa chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích của nhà nước và được quy định bởi những quan hệ thị trường. Như vậy các quá trình hình thành địa giới là các hình thức của sự lãnh thổ hoá, tức là thể hiện ý định hoạch định lãnh thổ của nhà nước.409 Trong trường hợp có sự đối đầu nông thôn/ thành thị, người ta có thể cho rằng đây là tình trạng tái lãnh thổ hoá, hình thành nên các mối quan hệ nhà nước - xã hội khi các khu vực nông thôn xưa kia được tái xếp loại và trở thành đô thị.

Ở đây tôi cho rằng các khu vực ven đô Đông Nam Á có thể coi là những địa giới theo ít nhất là 3 nghĩa. Trước hết, chúng là những địa giới của sự đô thị hoá theo nghĩa rộng nhất của từ này, bắt nguồn từ sự mở rộng ra bên ngoài của cái thường được gọi là những chức năng đô thị trên khắp các khu vực với đà gia tăng không ngừng. Người ta cần phải phân tách đô thị thành các bộ phận nhỏ hơn để hiểu được những hàm ý của vùng ven đô với tư cách là địa giới của đô thị. Ví dụ, người ta có thể thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số ở những nơi đó (kiến thức nhân khẩu học về đô thị) với sự gia tăng những mối liên hệ gần gũi giữa những cư dân thị thành đang ngoại ô hoá, những người dân làng trước kia với những người nhập cư hậu - nông dân từ các vùng xa xôi di cư đến.410 Người ta cũng có thể thấy sự gia tăng nhanh chóng những hoạt động phi nông nghiệp và những mối tương quan có tính chức năng của chúng, những thành tố cốt lõi của cái được coi là đô thị xét theo khía cạnh kinh tế. Và người ta cũng có thể cho rằng các khu vực ven đô đang trải qua những biến đổi văn hoá xã hội,411 mặc dù điều này có thể kém rõ ràng hơn nếu quan sát từ bên ngoài.

Vùng ven đô cũng có thể là biên giới của sự toàn cầu hoá, ý kiến này thường được nhắc đi nhắc lại trong các tài liệu nhấn mạnh ảnh hưởng của dòng chảy toàn cầu đến các khu vực này, nhất là dòng chảy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.412 Với đường lối chính sách của nhà nước định hướng phát triển quốc nội thông qua sản xuất hàng xuất khẩu, những vùng đất từng là đất trồng trọt ở các thành phố lớn giờ đây đã chuyển thành các khu đất dành cho công nghiệp. Và khi các thành phố này trở thành những đầu mối liên kết toàn cầu cho dòng chảy xuất khẩu, những vùng đất đó cũng trở thành những khu công nghiệp thật sự hoặc tiềm năng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, toàn cầu hoá không chỉ thể hiện thông qua các dòng chảy hàng hoá và tiền tệ. Nó còn tràn ngập các khu vực này thông qua những dòng chảy biểu tượng và tư tưởng, từ những hình ảnh mới mẻ và hiện đại lan truyền qua mạng viễn thông khơi gợi niềm khao khát của những cư dân nhập cư từ các vùng đồng quê xa xôi hẻo lánh, đến những nhân vật nghệ thuật và những chiến lược tiếp thị đi kèm mà các công ty đóng đô ở đô thị nhưng đang muốn mở rộng thị trường về các khu vực hậu nông thôn (và hậu truyền thống ?) như thế này. Theo một nghĩa nào đó, sự mở rộng nhanh chóng của kinh tế không gian đô thị, thường làm cho các hoạt động đầu cơ tích trữ đất đai trở nên khốc liệt và ma quỷ hơn mặc dù đây chỉ là một bộ phận của tiến trình hội nhập, và đây cũng là một khía cạnh của vùng ven đô với tư cách là biên giới của toàn cầu hoá, vì ở đây người ta có thể thấy uy lực của logic thị trường như là cơ chế quy định sự phân bố, là sự tân tự do hoá của các khu vực thành thị. Cho đến khi nào các khu vực này, gồm các khu dân cư, các khu công nghiệp, thậm chí cả các khu đất mới, thực sự liên kết trực tiếp với thị trường bất động sản có tính hội nhập toàn cầu, thì chúng trở thành những lãnh thổ mới của sự liên kết toàn cầu.

Còn có một khía cạnh thứ ba nữa của quan điểm vùng ven đô là đường ranh giới, mà tôi gọi là địa giới hành chính. Đây là kết quả của quá trình tái lãnh thổ hoá do nhà nước thực hiện, thường là thông qua chính quyền địa phương. Ở cấp độ các thể chế chính thống, khuynh hướng này có lúc rất rõ ràng, thuộc quá trình thành lập và củng cố của các chương trình quy hoạch khu vực, như Jabotabek (hiện nay là Jabodetabek) ở Jakarta, hoặc Calabarzon ở Manila, hay Khu vực thủ đô Bankok. Theo cách nói kiểu hành chính công khai hơn, đây là quá trình xác định lại ranh giới đô thị hạt nhân, hoặc được tiến hành theo kiểu tăng thêm, như trường hợp các quận mới vốn thuộc vùng nông thôn ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây, hoặc theo kiểu sáp nhập các tỉnh phụ cận như chính quyền thành phố Hà Nội đã thực hiện vào tháng 8 năm 2008.413 Tuy nhiên, quan điểm cho rằng vùng ven đô là địa giới hành chính thể hiện qua quá trình tái lãnh thổ hoá không chỉ đơn thuần là việc vẽ lại đường ranh giới. Ẩn bên trong các khuynh hướng này còn là sự biểu thị nội tại của quyền lực điều chỉnh, rất có thể bao hàm sự tranh cãi ở các cấp độ cư dân khu vực,414 cũng như định hình những trụ cột có vai trò ra quyết định của “tình trạng đô thị hoá hàng ngày.”415 Như vậy, sự tái lãnh thổ hoá được nói đến ở đây không đơn thuần chỉ là vấn đề hành chính, mà nó còn là vấn đề quyền lợi bất động sản có được bảo đảm thông qua các cấp quản lý của nhà nước hay không, và thậm chí còn là vấn đề nhà nước có khả năng sử dụng thích đáng quyền lực điều chỉnh của mình hay không để vượt qua những áp lực hoặc từ những hoạt động phân phối đất địa phương hoặc từ sự phát triển công nghiệp từ đô thị. Những vấn đề như thế tồn tại ở bất kỳ bối cảnh nào, và sẽ được xác định bằng những trường hợp cụ thể của nền kinh tế chính trị địa phương trong quá trình đô thị hoá; trong phần sau đây, tôi sẽ đi sâu phân tích bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh để minh hoạ cho quan điểm của mình.

3. Bối cảnh vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là địa giới

Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất416 và trung tâm thương mại chính của Việt Nam, đã trải qua những thay đổi to lớn trong vài thập niên gần đây. Nếu xem xét thành phố từ góc độ nhân khẩu học, chúng ta thấy dân số thành phố đã gia tăng nhanh chóng kể từ những ngày đầu của thời kỳ đổi mới. Theo các con số thống kê, tổng dân số (bao gồm các quận nội thành và các huyện ngoại thành) đã tăng từ 4,1 triệu người năm 1990 đến gần 6,7 triệu người năm 2007, tức là tăng hơn 61% chỉ trong 17 năm.417 Nhưng số liệu thống kê nổi tiếng là không chính xác. Ví dụ, người ta ước tính tổng dân số năm 1997 là 7,5 triệu người, ở thời điểm đó số liệu thống kê chính thức là gần 5,1 triệu418, như vậy sai số đến gần 50%. Rõ ràng là, sự không nhất quán nảy sinh từ quy cách của hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam, theo đó bộ phận chủ yếu của hơn hai triệu người nhập cư trong thành phố được coi là “người không có hộ khẩu thường trú”, những người nhập cư từ các vùng nông thôn bên ngoài thành phố không có tên trong sổ theo dõi của chính quyền, ít nhất là cho tới chừng nào những con số này khớp vói cấp thành phố.419

Sự không ăn khớp về số liệu thống kê vượt xa dự đoán thông thường của người ta, nó không khỏi khiến người ta phải đặt câu hỏi: vậy thì ai kiểm soát tình trạng này, hoặc ít nhất là kiểm soát thông tin, và ở cấp độ nào của tôn ti chính phủ. Rõ ràng là hơn 2,4 triệu dân cư của thành phố (thời điểm năm 1998, bây giờ chắc chắn cao hơn) không bị mất tích hay trốn đi đâu. Đến thăm bất kỳ ủy ban nhân dân phường nào trong thành phố, bạn cũng thấy ngay là các quan chức của phường biết rõ những người này là ai, và quả thực, hệ thống quản lý hành chính áp dụng trên cả nước dường như được tạo ra để tổ chức và duy trì kiểu di chuyển dân số như thế này. Theo hệ thống này, tất cả mọi người được sắp xếp vào một trong bốn phạm trù tuỳ theo sự tương ứng (hoặc không tương ứng) giữa địa chỉ trên hộ khẩu của một người và nơi họ thực sự đang cư ngụ. Như vậy, người nào cũng sẽ được dán nhãn, hoặc là KT1420 (những người có địa chỉ hộ khẩu trùng với nơi cư trú), hoặc KT2 (những người có địa chỉ trong hộ khẩu không phù hợp với nơi cư trú nhưng cả hai địa chỉ đều trong một tỉnh), hoặc KT3 (những người có hộ khẩu ở tỉnh khác nhưng được coi là thường trú ở địa phương mới), hoặc KT4 (những người nhập cư ngoại tỉnh, chỉ tạm trú). Những khái niệm này được dùng để duy trì quản lý và liên tục được cập nhật dữ liệu tại các ủy ban phường. Rõ ràng là một số người sẽ lọt qua các kẽ hở của hệ thống KT (KT0?), nhưng có thể chắc chắn một điều là các cán bộ trên địa bàn vẫn nắm được tất cả mọi chuyện xảy ra trong địa bàn hành chính mà họ quản lý.

Tôi đã cố gắng tóm tắt lại vấn đề đăng ký và quản lý nhân khẩu đầy phức tạp, đan xen và mâu thuẫn này không phải vì đây là nội dung trọng tâm của bài viết, mà vì câu chuyện này cho chúng ta biết về các dòng chảy thông tin, hoặc sự bao quát tỷ mỉ của nhà nước trong bối cảnh sự phân quyền diễn ra nhanh chóng, thậm chí không lường trước được, trong thời kỳ đổi mới. Khi chúng tôi gặp gỡ các cơ quan hành chính địa phương, và thảo luận với người dân về sự lớn mạnh và thay đổi của thành phố của họ, một chủ đề trở đi trở lại là còn quá thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát. Người ta dễ dàng có ấn tượng là thành phố này không có sự quản lý kiểm soát, không có ai thực sự chịu trách nhiệm, hoặc giả có quá nhiều cấp ngành, nhiều đường hướng nên người ta có thể trốn tránh trách nhiệm của họ. Nhưng những người theo quan điểm ấn tượng như thế nên hiểu rằng đây là một thành phố trong tình trạng phân cắt, chồng chéo và được quản lý kiểu giao tranh - những điều kiện cốt lõi làm nên những biến đổi liên tục ở vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước khi tìm hiểu những đặc điểm cụ thể của tình trạng ven đô hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tiên cần nói tới một vài nhân tố bối cảnh. Khi tìm hiểu về những thay đổi kinh tế - xã hội ở Việt Nam, không thể bỏ qua một nhân tố bao quát, đó là chính sách đổi mới, được thực hiện nhằm đối phó với những khó khăn kinh tế mà nền kinh tế kế hoạch của nước Việt Nam thống nhất phải đối mặt trong những năm 1980, với đặc trưng là tư duy mở cửa và chuyển hướng sang việc thiết lập những nguyên tắc thị trường như là cơ chế phân phối hàng hoá trong xã hội. Nhưng có một điều cần lưu ý ở đây, là nên hiểu khái niệm “cải cách” trong thời kỳ đổi mới là để chỉ bản thân chế độ chính sách của nhà nước, hay là nên hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao hàm cả những tập tục và sự thực thi trong xã hội. Đổi mới nên được hiểu như một sáng kiến của nhà nước, hay là phản ứng của nhà nước đối với một hiện tượng xã hội?421 Cả hai khía cạnh này đều dẫn đến hệ quả là sự phân quyền, khi Đảng-Nhà nước Việt Nam cố gắng tạo lập sự cân bằng giữa quyền tự quản được giao cho địa phương để tách ra khỏi “chủ nghĩa tập trung dân chủ” và và việc thi hành nền kinh tế có định hướng, với nhu cầu duy trì tính hợp pháp của quyền lực lãnh đạo trung ương. Khi bàn về kinh tế chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm 1990, Gainsborough nhấn mạnh những thách thức xuất hiện khi cố gắng đạt được sự cân bằng này, và đặc biệt chú ý tới sự nới lỏng và chuyển giao quyền quản lý trong thời kỳ đổi mới đã thúc đẩy sự xuất hiện của những hình mẫu cộng tác và cùng ra quyết định giữa Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân ở cấp độ địa phương (Gainsborough 2003).

Một vấn đề quan trọng khác trong tình trạng đan xen sự phân quyền và phi chính thống hoá này là các quyền lợi về bất động sản, cụ thể là chúng được bảo vệ như thế nào, chúng ủng hộ lợi ích của ai,422 và chúng dựa trên cơ sở hành chính nào. Về vấn đề này, Kim (2004) đã phân tích việc thị trường nhà đất nội địa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển mà hoàn toàn không cần sự bảo đảm của luật pháp về quyền bất động sản như thế nào. Tác giả nhấn mạnh rằng quyền hợp pháp chính thức không phải là điều cốt lõi quyết định hoạt động của thị trường, và chỉ ra tầm quan trọng của các ủy ban nhân dân địa phương và các cán bộ phường trong các cuộc thỏa thuận về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một tình huống khá giống với cái mà Gillepspie gọi là sự thi hành “truyền thống đô thị” trong công trình nghiên cứu của ông về Hà Nội trong khoảng giữa thập niên 1990.423 Vấn đề ở đây là các cấu trúc quyền lực thay thế (tức là thay cho những cấu trúc quyền lực được nhà nước chỉ định chính thức) ở Thành phố Hồ Chí Minh có vẻ rất kiên cố. Mặc dù vậy, khó có thể gọi đây là sự phân biệt chính thức/không chính thức theo kiểu lưỡng phân, vì trong thực tế những sự phân biệt như thế không được vạch ra rõ ràng và các cấu trúc chính thức trong quá trình hành chức lại cho thấy chúng thể hiện những chiến lược có vẻ là không chính thức. Điều này - và cụ thể là việc khớp nối các cấu trúc quản lý, từ chính quyền trung ương đến đô thị tự trị, đến các chính quyền phường xã địa phương, định hình sự phát triển của các khu vực ven đô Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào - sẽ được minh hoạ qua hai yếu tố của tình trạng ven đô hoá của Thành phố Hồ Chí Minh, đó là sự phát triển dân cư và sự phát triển công nghiệp. Các khía cạnh của hai yếu tố này về đại thể (mặc dù chỉ là đại thể) tương ứng với hai “đường ranh giới” được nhận diện ở phần trên đây. Tiếp sau đó, tôi kết thúc bài tham luận với phần thảo luận về ý nghĩa của những thay đổi trong quản lý hành chính vùng ven đô, hay vấn đề địa giới hành chính.



4. Sự phát triển khu dân cư ở vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh

Cùng với sự tăng trưởng dân số nhanh chóng ở Thành phố Hồ Chí Minh như đã nói đến ở trên, các khu dân cư trong thành phố cũng mở rộng với tốc độ chưa từng thấy. Trái ngược hẳn với suy nghĩ thông thường trong việc hoạch định kế hoạch kiểu phương tây nhấn mạnh tới “các thành phố gắn kết”, bức tranh Thành phố Hồ Chí Minh là sự phân tán của các quận nội thành cũ và sự lớn mạnh của các vùng ngoại ô. Theo nhận định mới đây của các nhà tư vấn, Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng trở thành một thành phố “bánh rán”:424 Mặc dù sự tái phát triển ở trung tâm lịch sử của thành phố khá triệt để và ồ ạt, thì xu hướng phổ biến vẫn là cư dân nội thành chuyển ra các vùng ngoại thành đang phát triển nhanh vì lý do thương mại.

Trong bối cảnh sự phân hoá xã hội ngày càng tăng như thế, việc xây dựng và phát triển khu dân cư diễn ra dưới rất nhiều hình thức. Dự án phát triển khu dân cư hiện nay đang thu hút được nhiều sự chú ý nhất là dự án Nam Sài Gòn, trong đó phải kể đến Phú Mỹ Hưng.425 Dự án này (trên thực tế là một tập hợp nhiều dự án), đã trở thành biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực hướng tới toàn cầu hoá, nhằm tự khẳng định vai diễn của mình trên sân khấu quốc tế. Được miêu tả theo văn phong học thuật như là một bộ phận quan trọng trong nỗ lực có ý thức của thành phố nhằm hình thành “đô thị thế giới”, một đô thị tư nhân hoá kiểu “xã hội không tưởng” được tạo ra thông qua một siêu dự án có tính quốc tế,426 Nam Sài Gòn bao trùm một khu vực rộng lớn dọc theo ranh giới phía nam của thành phố.427 Tuy nhiên, đối với chúng ta, điều quan trọng là phải hiểu được câu chuyện về Nam Sài Gòn với tư cách là một dự án đi trước thời đại, có gốc rễ địa chính trị rộng lớn hơn, và được định hình bởi những nỗ lực tiến đến chủ nghĩa phát triển với nhà nước là trung tâm trong thời kỳ đầu đổi mới.

Gốc rễ sâu xa của Nam Sài Gòn và Phú Mỹ Hưng có lẽ bắt nguồn từ những năm 1990, qua sự liên kết lợi ích giữa hai đảng phái chính trị cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Quốc gia (KMT) của Cộng hoà Trung Hoa (Đài Loan). Thoạt nhìn thì liên minh này có vẻ lạ lùng, nhưng thực ra hai bên đều có lợi ích: Chính phủ Đài Loan muốn đa dạng hoá nền kinh tế của mình thông qua chiến lược quốc tế hoá, còn chính phủ Việt Nam muốn mở cửa nền kinh tế theo cách thức có thể chấp nhận được về ý thức hệ trong những ngày đầu đổi mới, vì Đài Loan không phải là đối tác phương Tây hay cộng sản.428

Như vậy, công ty Phát triển và Thương mại Trung ương Đài Loan lúc đầu được KMT chọn để đầu tư vào Việt Nam, mặc dù đảng này đã tự loại bỏ vào năm 1993. Dự án đầu tiên của công ty ở Việt Nam là dự án lâm nghiệp ở tỉnh Kiên Giang, trước khi công ty này phát triển EPZ Tân Thuận, khu công nghiệp và chế xuất đầu tiên của Việt Nam, nằm ở phía cửa sông thuộc quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm đưa Tân Thuận trở thành một khu công nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế, CT&D cũng xúc tiến xây dựng nhà máy điện đầu tiên của thành phố, Hiệp Phước, để cung cấp điện cho EPZ429. Khi nhìn lại thời kỳ đầu của Nam Sài Gòn, có thể thấy siêu dự án ven đô này có lẽ chỉ là một chiến lược riêng hướng đến toàn cầu hoá, phù hợp với nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm phát triển đất nước thông qua sự chuyển giao công nghệ và vốn quốc tế. Mặc dù thường được xem là một ví dụ về tình hình phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Sài Gòn và Phú Mỹ Hưng có thể được xem là một trường hợp đặc biệt, lớn mạnh từ những dự án “tiên phong” trong quá khứ, khiến cho CT&D trở thành một đối tác lâu dài tận tâm của chính phủ Việt Nam trong chiến lược hiện đại hoá của họ.

Không có một “hình mẫu” đơn lẻ đối với sự phát triển chính thức các khu dân cư ở vùng ngoại vi Thành phố Hồ Chí Minh.430 Thậm chí trong thời kỳ huy hoàng của thị trường, vẫn không có sự phân biệt chặt chẽ giữa những khu vực có phân định ranh giới rõ ràng như trong những dự án kiểu Phú Mỹ Hưng với sự phát triển nhà đất kiểu nhỏ lẻ, từng miếng từng miếng một, ở những khu vực như Thảo Điền hay An Phú ở cực bắc thành phố. Và điều nổi bật là việc kinh doanh bất động sản đã phát triển quá nhanh trong suốt thời kỳ đổi mới.431 Ở mức độ nào đó, điều này nảy sinh do nhu cầu cấp bách và các cấp độ quyền lợi riêng tư, nếu không muốn nói là cá nhân, mặc dù đây cũng là một ngành công nghiệp được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là một hoạt động tạo thu nhập cho thành phố. Ví dụ điển hình cho khía cạnh này của ngành công nghiệp là sự phát triển của công ty Intresco (Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản). Công ty này, giờ đây đã bước vào thập niên thứ ba, ban đầu được thành lập với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước và vào năm 2001 được cổ phần hoá thành công ty không vốn nhà nước, mặc dù chính phủ vẫn nắm giữ 20% cổ phần. Được thành lập lúc ban đầu như một công cụ của chính phủ nhằm tham gia vào sự phát triển thị trường bất động sản với nhiều hình thức khác nhau, danh mục vốn đầu tư của nó tương đối nhỏ cho đến khi nó được cổ phần hoá, từ lúc này trở đi nó đã mở rộng hoạt động rất nhanh. Giờ đây công ty này đứng trong nhóm 500 công ty hàng đầu Việt Nam, có thương hiệu vững chắc và tổng thu nhập ước tính lên tới 1.200 tỷ đồng Việt Nam năm 2008, mặc dù thị trường hiện nay đang đi xuống. Công ty này có tới hơn 600 cổ đông, trong đó có những quỹ đầu tư nước ngoài lớn đang hoạt động ở Việt Nam như Mekong Capital, Vina Capital,...432 Không kể những dự án phi dân cư trong và ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án khu dân cư của công ty hiện nay chiếm tới hơn 200ha diện tích đất trong thành phố.

Rõ ràng là bất động sản dành cho khu dân cư là một mảng kinh doanh lớn; nó không chỉ là việc tạo chỗ ở, mà đối với các nhà đầu tư và nhà nước, đó là một cách kiếm tiền hữu hiệu. Đối với những người thiết kế và người mua ở các khu bất động sản chính thức, đây là một phi vụ kinh doanh sinh lợi khổng lồ. Đây là một thông điệp rõ ràng đối với những thị trường dành cho tầng lớp thượng lưu và quý tộc tuy còn non trẻ nhưng có tính cạnh tranh cao mà Intresco và Phú Mỹ Hưng hướng đến. Không những thế, điều này còn đúng với những người cung cấp nhà cho vô số dân nhập cư từ nông thôn ở vùng ven đô thành phố, mặc dù ở tận đáy thị trường dân cư khổng lồ và bị chia cắt sâu sắc này.

Các nhà quan sát nước ngoài thường chú ý tới một điểm nổi bật là, mặc dù là một thành phố có rất đông dân nhập từ nông thôn tới, Thành phố Hồ Chí Minh không có mấy khu định cư dành cho dân nhập cư như ở các thành phố lớn khác của Đông Nam Á. Lý do có thể là vì cấu trúc cụ thể của quyền sở hữu đất được áp dụng từ thời trước đổi mới, khi những người dân làng ở vùng ven thành phố được trao cho nhiều quyền hạn khi xác định tình trạng sử dụng đất ngụ cư của họ.433 Qua nhiều năm, khi nền kinh tế thị trường lớn mạnh, vùng ven đô được công nghiệp hoá, và những người nhập cư xuất hiện ngày càng nhiều, những người dân làng ngày xưa chuyển từ nghề nông thành những người chủ đất quy mô nhỏ, xây nhà trọ trên đất cư ngụ của họ. Nhà trọ thường là một loạt các phòng nhỏ kém chất lượng có diện tích 10 - 12m2, cho người nhập cư thuê theo tháng.434 Theo số liệu thống kê từ một làng mới đô thị hoá ở vùng ven phía tây Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có 553 hộ dân làng (tức là hộ khẩu KT1), chiếm khoảng 20% tổng số nhân khẩu, đăng ký là chủ nhà trọ. Ở làng này, số người nhập cư (KT4) có nhà ở theo cách này (12.500 người) xấp xỉ bằng tổng số dân làng KT1 (13.000 người), như vậy tính trung bình mỗi nhân khẩu chủ nhà cung cấp chỗ ở cho khoảng 22 người nhập cư.435

Từ một trong số rất nhiều ví dụ tương tự về tình trạng đô thị hoá nhanh chóng vùng ven đô, một câu hỏi đặt ra là tại sao hình thức phát triển nhà như vậy, thông thường là bất hợp pháp (theo quy định xây dựng tối thiểu, theo sự phân bố nhà cho thuê…) lại được chính quyền địa phương chấp nhận (nhà trọ và dân cư KT4 cuối cùng vẫn được đăng ký ở ủy ban phường), thậm chí còn được khuyến khích. Để hiểu điều này, chúng ta có thể sử dụng một quan điểm liên quan đến tính hợp pháp của chính quyền địa phương, cụ thể là trong bối cảnh chuyển giao quyền lực và trách nhiệm xuống cấp thấp hơn trong tôn ti nhà nước.436 Trong bối cảnh chính sách phân quyền hiện tại, ngày càng nhiều áp lực tài chính đè nặng lên chính quyền cấp quận (và xa hơn là cấp phường), và tinh thần chung của hầu hết các cán bộ địa phương là làm sao càng có nhiều lợi nhuận cho vào quỹ riêng của mình càng tốt, do đó họ tìm cách phân phối lại về địa phương ở mức tối đa. Hơn nữa, với chiến lược phát triển kinh tế tổng thể tập trung vào quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng và tận dụng nguồn lao động chi phí thấp là những người lao động nhập cư từ nông thôn để duy trì cạnh tranh, giải pháp không chính thức cho phép các nhà trọ sinh sôi nảy nở lại trở thành một sáng kiến hay. Bằng việc cung cấp nhà ở “chi phí thấp” (mặc dù kém chất lượng), chi phí tái sản xuất dành cho lao động được hạ thấp, do đó làm tăng tính cạnh tranh của các địa phương trong việc thu hút đầu tư công nghiệp tư nhân và tăng cường lợi nhuận cho chính quyền địa phương qua việc thu thuế và phí. Mặt khác, với việc cho phép những người dân làng làm nông nghiệp trước kia khuếch trương tình trạng này, phúc lợi dồn về cho dân địa phương, nhất là những nhân khẩu KT1 mà chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đầu tiên với họ. Như vậy một liên minh lợi nhuận được hình thành, trong đó người dân địa phương hưởng lợi từ nhà cho thuê, dân nhập cư hưởng lợi từ nhà ở chi phí thấp mà họ thuê được, những người lãnh đạo nhà máy xí nghiệp thì hưởng lợi từ lao động chi phí thấp mà họ tuyển dụng, chính quyền địa phương hưởng lợi từ lợi nhuận sản sinh tại địa phương, còn các chính quyền cấp cao hơn thì hưởng lợi từ sự thịnh vượng chung của thành phố.

Thông qua chiến lược có tính chất không chính thức và linh hoạt này, đô thị có khuynh hướng chuyển hoá từ việc tận dụng sự phát triển liên tục của vùng ven đô sang việc tập trung vào tính đa dạng của lợi ích. Và khi xem xét bức tranh tổng thể có vẻ lộn xộn của sự phát triển cư dân ven đô, chúng ta có thể coi điều này như là một bộ phận cấu thành mạng lưới lợi ích phức tạp, với sự liên quan của những nhân vật thuộc nhà nước và ngoài nhà nước cả trong nước lẫn nước ngoài, và ở mọi cấp độ từ trung ương đến phường xã và thậm chí cả đến những người chủ nhà trong phường. Thay vì coi vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh như là một khu vực có tính phân cắt cao, với tình hình phát triển nhà theo kiểu chính thức hoặc không chính thức, chúng ta nên nhận thức về khu vực này như là một hệ thống tích hợp, mặc dù có tính phân tách cao, nảy sinh từ sự liên kết lợi ích nhà nước và phi nhà nước, và với sự tham dự của đồng vốn nước ngoài ở nhiều cấp độ quy mô khác nhau, từ các tập đoàn được nhà nước trung ương đỡ đầu như Nam Sài Gòn, đến sự cổ phần hoá những doanh nghiệp như Intresco, đến lợi ích của những người mua là người nước ngoài và những người thuê nhà ở những khu vực như An Phú, đến những nhà đầu tư quy mô nhỏ hơn có nhà máy phân bố rải rác ở vùng ven đô và cả những nhà trọ dành cho hàng đoàn người nhập cư vào thành phố.



5. Sự phát triển công nghiệp ở vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh

Có thể nhìn thấy một bức tranh tương ứng của sự phát triển công nghiệp trong thời kỳ đổi mới ở vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh. Và có thể là hơi kỳ quặc, nhưng câu chuyện cũng bắt đầu với công ty Thương mại và Phát triển Trung ương Đài Loan và mối quan hệ công việc khăng khít của họ với chính quyền trung ương Việt Nam. Theo vẻ chính thức bên ngoài, quá trình công nghiệp hoá của Thành phố Hồ Chí Minh được thúc đẩy thông qua sự hình thành 12 khu công nghiệp và 3 khu chế xuất, phục vụ chủ yếu cho các nhà đầu tư nước ngoài và có thể xem là cơ sở quan trọng để Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang các hình thức sản xuất công nghiệp giá trị cao hơn. Những khu vực này ở dưới quyền quản lý của một cơ quan nhà nước tên là HEPZA (Cục Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh) và nhìn chung đã đạt thành công lớn, cho đến nay đã thu hút hơn 4 tỷ đô la Mỹ từ các dự án đầu tư, tạo ra hơn 250.000 công việc cho nhân dân thành phố.

HEPZA được thành lập năm 1992, sau khi khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, khu Tân Thuận của Đài Loan đi vào hoạt động năm 1991. Mặc dù chữ “H” trong HEPZA chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này không thuộc về chính quyền thành phố mà trực thuộc Thủ tướng Chính phủ; với tư cách là một “mô hình đặc biệt” nó còn phụ thuộc vào các bộ ngành dọc của chính phủ, những đơn vị này cũng có lợi ích trong sự phát triển của thành phố. Cũng như Nam Sài Gòn trong khu vực phát triển dân cư, khu chế xuất Tân Thuận là ví dụ điển hình của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, là mô hình được các dự án sau này của HEPZA hướng đến để cạnh tranh. Là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, HEPZA cung cấp cơ chế cho sự giám sát của chính phủ và phương thức duy trì quyền tự quản từ các cấp địa phương cho đến cấp cao hơn - chẳng hạn, HEPZA có quyền tự quản đối với những dự án đầu tư được phê duyệt độc lập có giá trị đến 40 triệu USD.

Chỉ cần đi một vòng qua các vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể thấy một thực tế là 15 khu công nghiệp và chế xuất của HEPZA không phải là nơi duy nhất trong thành phố thực hiện công nghiệp hoá. Lấy ví dụ về phường mới được thành lập nói trên, khu vực này có tổng dân số khoảng 40.000 người, nhưng có tới 200 nhà máy đăng ký tại địa phương, thêm vào đó là hơn 1500 doanh nghiệp nhỏ dựa trên cơ sở hộ gia đình. Đi trên các đường phố chính của phường, người ta sẽ thấy các nhà máy uốn thép, các nhà máy nhựa, và tất cả các hình thức sản xuất tại gia đình quy mô lớn và nhỏ, các tiệm sửa chữa xe máy và hàng loạt các kiểu kinh doanh đường phố. Người ta cũng có thể thấy sự hiện diện đáng kể của đầu tư nước ngoài, điển hình là các công ty liên doanh với các đối tác từ Đài Loan, Singapore, Malaysia và nhiều nước khác, một hình thức đầu tư mà ở Trung Quốc người ta gọi là đầu tư kiểu “du kích”, có đặc điểm là quy mô nhỏ và rải rác nhưng khi kết hợp lại thì rất đáng kể. 437

Có thể thấy sự tương quan giữa khu vực công nghiệp hỗn hợp này với tình trạng phát triển nhà đa dạng đủ kiểu như đã miêu tả trong phần trước, với việc thỏa thuận và đăng ký hoạt động cho các nhà máy vùng ven đô đều phải thông qua các cơ quan hành chính phường sở tại. Và với hình thức “nhà trọ” có vẻ không chính thức, nhưng vẫn được đăng ký ở cơ quan hành chính phường sở tại, dường như không thể tạo lập nên một bức tranh tổng thể về tình hình này trên toàn thành phố. Cũng giống như các số liệu về dân số và nhà ở, những con số thống kê chính thức của Thành phố Hồ Chí Minh như số lượng các nhà máy, sản lượng công nghiệp, đầu tư công nghiệp nước ngoài và nguồn lao động công nghiệp rõ ràng là rất không chính xác; theo ước tính (mà cũng có thể đều là dự đoán) của các nhà hoạch định chính sách địa phương và các nhà nghiên cứu, sản xuất công nghiệp bên ngoài các khu công nghiệp chính thức còn nhiều hơn bên trong các khu đó.

Trong bản tham luận này, tôi đã tách các vấn đề về tình hình phát triển công nghiệp vùng ven đô khỏi các vấn đề về sự mở rộng khu dân cư. Mặc dù vậy, có thể thấy rõ một điều là hai lĩnh vực này có liên hệ chặt chẽ với nhau, với quá trình công nghiệp hoá và phát triển nhà tạo thành một hệ thống hoà nhập, trong đó các nhà máy “du kích” cung cấp nhân công và các chủ nhà trọ cung cấp chỗ ở cho hàng đoàn người nhập cư từ nông thôn vào vùng (ven) đô thị. Trước mức độ khủng khiếp và ý nghĩa kinh tế của những thay đổi liên tục này, người ta có thể thấy một điều lạ lùng là quá nhiều thứ trong đó dường như không được kiểm soát bởi chính quyền các cấp cao hơn. Để hiểu được điều này, chúng ta cần tìm hiểu về tình hình ven đô hoá với tư cách là địa giới hành chính trong phần cuối của tham luận này.



6. Vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là địa giới hành chính

Về danh nghĩa, quá trình tái lãnh thổ hoá vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh có thể hiểu là sự tái đăng ký các huyện nông thôn thành các quận thành phố, hay nói cách khác, là việc vẽ lại ranh giới đô thị của thành phố. Theo quy định hành chính của Việt Nam, những đơn vị hành chính dưới tỉnh bao gồm hai loại, thứ nhất là huyện - tức là các vùng nông thôn, thứ hai là quận - tức là các vùng tương ứng thuộc đô thị. Ví dụ, thành phố cấp tỉnh là Thành phố Hồ Chí Minh mới đây bao gồm 19 quận và 5 huyện.438 Trong những năm gần đây có hai lần đăng ký và phân bố lại các quận huyện. Lần thứ nhất năm 1997, một huyện nằm ngang sông Sài Gòn ở phía tây trung tâm thành phố (huyện Thủ Đức) được chia thành ba quận mới (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), và hai quận khác tách ra khỏi huyện (quận 7 tách khỏi huyện Nhà Bè và quận 12 tách ra khỏi huyện Hóc Môn).439 Đến năm 2003, một quận mới là quận Bình Tân tách ra khỏi huyện Bình Chánh, quận này ở vùng ven phía tây thành phố.

Sự phân bổ lại các quận huyện, mặc dù trên danh nghĩa hướng tới các đơn vị hành chính nông thôn và đô thị, lại chỉ tương ứng trên đại thể với việc chuyển đổi các hình thức sử dụng đất. Khu vực Nam Sài Gòn hiện nay bao gồm các phần của huyện Bình Chánh, một phần của quận 7 mới thành lập, và các phần trên danh nghĩa vẫn là vùng nông thôn thuộc huyện Nhà Bè. Mặt khác, bên trong quận 9 mới được thành lập vẫn còn rất nhiều khu đất nông nghiệp lớn. Khi phỏng vấn các quan chức quy hoạch đô thị, chúng tôi nhận thấy là không có thủ tục chuẩn hoá để hướng dẫn việc phân bố lại các khu vực nông thôn thành đô thị, và sự thay đổi về hành chính này có thể hoặc đi trước những thay đổi có tính chức năng của quá trình đô thị hoá ở các vùng nông thôn (như trường hợp quận 9), hoặc theo sau chúng (như trường hợp quận Bình Tân). Xem xét kế hoạch tổng thể mới đây của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xây dựng những tiểu trung tâm đô thị vùng ven đô và xây dựng thành phố vệ tinh ở huyện Củ Chi phía tây bắc thành phố, người ta có thể nhận định rằng trong những năm tới việc chuyển đổi các đơn vị hành chính sẽ còn diễn ra.

Tuy nhiên, câu chuyện về tái lãnh thổ hoá không chỉ dừng lại ở những thay đổi về địa giới hành chính như trên, mà còn liên quan đến những thay đổi trong cấu trúc chính quyền, cả chính thức lẫn không chính thức, vì những chức năng đô thị và kinh tế đô thị giao cắt với các hoạt động nông thôn và việc sử dụng đất ở nông thôn. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến bản chất ranh giới của tình trạng vô trật tự, hoặc làm thế nào tình trạng hỗn độn về mặt thể chế của những sự quá độ này lại tạo không gian cho sự thỏa hiệp thông qua những điều chỉnh linh hoạt. Sự thỏa hiệp như thế tồn tại ở đỉnh kim tự tháp của quá trình phát triển đô thị, với sự thành lập của công ty “một cửa” như HEPZA để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào các khu công nghiệp của thành phố. Ở đáy kim tự tháp, sự thỏa hiệp phản ánh những mối quan hệ của chính quyền địa phương vì chúng tác động đến các điều kiện kinh tế xã hội của quá trình đô thị hoá, như việc chính quyền địa phương quản lý và kiểm soát các nhà trọ mà về danh nghĩa là bất hợp pháp.

Đối với những khu vực đang ở giữa quá trình chuyển đổi hành chính, các quyết định xung quanh những vấn đề như chuyển đổi quyền sử dụng đất, việc quản lý người thuê ở đó, hoặc loại hình cơ sở hạ tầng và dịch vụ gì được cung cấp và do ai cung cấp, có thể dẫn tới sự xuất hiện những cấu trúc chính quyền phức tạp và tiềm tàng mâu thuẫn. Vấn đề căn bản ở đây cũng giống như câu hỏi thường xuyên đặt ra trong các tài liệu về việc định cư không chính thức: Làm thế nào quyền sở hữu được đảm bảo trong hoàn cảnh việc xây dựng ở đô thị và việc chiếm đất diễn ra bên ngoài khuôn khổ các quy định bắt buộc của chính quyền? Nói ngắn gọn, câu trả lời cho vấn đề này là chính quyền nhà nước, được thiết lập ở địa phương, có lẽ không tương ứng thích đáng với các nguồn lực xã hội khác, dù là một nhóm chức sắc của làng, một tổ chức tôn giáo, một người chủ đất có thế lực, hay thậm chí là một băng nhóm tội phạm địa phương.440 Trong trường hợp sự phát triển của các nhà trọ ở vùng ven phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh, sự thỏa hiệp cần thiết để quá trình đô thị hoá diễn ra được thực hiện thông qua việc thương thảo và chia sẻ lợi ích giữa các cán bộ địa phương, những người đứng đầu thôn làng và các nhà đầu tư công nghiệp.

Khi miêu tả tình hình này, tôi thường dùng các thuật ngữ có khả năng gây bất đồng là “chính thức” và “không chính thức”, bản thân các thuật ngữ này thường chỉ những mạch khác nhau trong văn bản. Mặc dù những người viết thường có khuynh hướng dùng các từ này theo kiểu lưỡng phân, ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng những hình thức có vẻ phân tách của quá trình thay đổi đô thị mà người ta nhận thấy ở vùng ngoại vi Thành phố Hồ Chí Minh nên được hiểu là một hệ thống tổng thể, hoà nhập, mặc dù có thể gồm các mảnh rời. Quá trình tái lãnh thổ hoá mở rộng thành phố đáp ứng các lợi ích của nhiều nhóm người khác nhau ở những vị trí khác nhau và theo nhiều cách khác nhau, từ quyền lợi của đảng-nhà nước trung ương trong mối liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư bất động sản trung lưu ở một địa phương như Phú Mỹ Hưng, đến những người dân làng liên kết với các cán bộ của phường mới được thành lập để phát triển nhà trọ. Ý kiến cho rằng có sự phân biệt rõ ràng giữa “tính chính thức” (theo các quy phạm và quy trình của nhà nước) và “tính không chính thức” (bất chấp các quy phạm của nhà nước) không áp dụng được trong trường hợp này. Sự tái lãnh thổ hoá mở rộng ra vùng ngoại vi của Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng là diễn ra trong sự thỏa hiệp về quyền lợi giữa một số lớn các đối tác, bao gồm các cấp khác nhau trong hệ thống đảng-nhà nước phân quyền, các đại diện đa dạng thuộc nhiều tầng lớp xã hội mà đảng-nhà nước phải tự hợp pháp hoá cho họ, và vai trò quan trọng ngày càng tăng của “các quyền lực thị trường” bao trùm toàn xã hội.



Khi bàn về “các quyền lực thị trường”, sự khu biệt lưỡng phân giữa “ngoài nước” và “trong nước” cũng có vấn đề trong bối cảnh này. Là đường ranh giới của toàn cầu hoá, những mối liên hệ xuyên quốc gia đan xen với nhau trên khắp vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh, từ sự hiện diện của những nhà đầu tư chính ở các khu công nghiệp của thành phố và ở các thị trường bất động sản đắt giá đến những nhà đầu tư công nghiệp kiểu “du kích” xây dựng nhà máy dọc theo các con đường ven đô. Như vậy thách thức đối với chính quyền địa phương - tức là, phải khớp nối và cân bằng những quyền lợi có tính xung đột tiềm tàng của nhà nước, xã hội với vốn - cần phải ăn khớp với những vấn đề toàn cầu hoá và những vấn đề nảy sinh đối với địa phương do phụ thuộc vào những điều kiện vượt quá các ranh giới. Ở đây có một nguy cơ là những lợi ích tích cực của việc thành phố mở rộng ra ngoại ô diễn ra hầu như đồng thời với việc mở rộng kinh tế, khi của cải của quá trình đô thị hoá phải chia sẻ cho nhiều người, chia đều cơ hội cho người dân thành phố và người nhập cư từ nông thôn. Khi nền kinh tế toàn cầu hoá giờ đây đang đi vào thời kỳ suy thoái kéo dài, chúng ta nên lưu ý rằng vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng trở thành khu vực nhiều lo âu và bất ổn.


* Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Viện Sử học.

* Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An.

* Viện Nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương.

* Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

* Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.


* Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.

* Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

*Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

*Trường Đại học Dân lập Phú Xuân Huế.

* Khoa Lịch sử, Đại học Vinh.

* Kyoto University Graduate School of Global Environmental Studies.

* Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

* Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam.


* Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

* Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

* Tổng cục Thống kê.

* Trung Tâm Nghiên cứu & Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (CASRAD), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS).

*Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội.


* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Đi hc Hitotsubashi.


* Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Trường Đại học Hồng Đức.


* Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia khu vực III.

* Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

* Trường Đại học Sài Gòn.

* Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

* Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội; Ban Tuyên giáo Trung ương.

* Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Kiến trúc sư - quy hoạch gia (Việt Nam-Canada).

*Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

* Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

* Đại học Passau, Viện Đông Nam Á học.

* Viện Nghiên cứu châu Á UBC.

1CHÚ THÍCH

 Cuốn Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, chỉ viết sơ lược về sản xuất nông nghiệp trong khoảng 01 trang; Cuốn Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1963 của các tác giả Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn đã dành một mục về "Sản xuất nông nghiệp phát triển" trong 3 trang (tr.285 - 287); Cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998 của các tác giả Trương Hữu Quýnh (chủ biên) - Phan Đại Doãn - Nguyễn Cảnh Minh, trong mục “Tình hình kinh tế”, các tác giả chủ yếu viết về: "Các hình thái sở hữu ruộng đất"; "Công cuộc trị thủy đê Đỉnh Nhĩ và dòng kênh tiêu úng" từ trang 190 đến 206; Cuốn Lịch sử Việt Nam thế kỷ X - đầu thế kỷ XV của các tác giả Nguyễn Danh Phiệt (Chủ biên) - Trần Thị Vinh - Đỗ Đức Hùng, trong mục "Xây dựng kinh tế", các tác giả đã đề cập đến các vấn đề: "Chính sách khuyến nông, khai hoang, thủy lợi"; "Sự phát triển của các hình thái sở hữu ruộng đất" từ trang 256 - 276. Ngoài ra, đã có 8 hội thảo khoa học về nhà Trần và các danh nhân thời Trần. Nội dung của hội thảo, đa số được in thành kỷ yếu. Có thể dẫn: 1. Thái Bình với sự nghiệp thời Trần, Sở Văn hoá Thông tin Thái Bình xuất bản năm 1986, tái bản năm 2001; 2. Trần Thủ Độ- Con người và sự nghiệp, Viện Sử học Việt Nam - Sở Văn hoá - Thông tin Thái Bình xuất bản năm 1995; 3. Thời Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà, Sở Văn hoá - Thông tin Nam Hà xuất bản, năm 1996; 4. Anh hùng dân tộc thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2000; 5. Thân thế và sự nghiệp Trần Nhân Tông (1258 - 1308), do Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế tổ chức, 2003 (chưa in); 6. Nhà Trần và con người thời Trần, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam, Hà Nội, 2004; 7. Vương triều Trần với Kinh đô Thăng Long, HTKH do Hội KHLSVN - UBNDTP Hà Nội - Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam tổ chức ngày 23-4-2005 (chưa in); 8. Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Phương La (Thái Phương - Hưng Hà - Thái Bình), NXB Thế giới, 2007. Nhưng trong 8 hội thảo đó, vấn đề kinh tế nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân chưa được đề cập sâu.

2 Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.193.

3 Trần Nghĩa, “Một bức “ký hoạ” về xã hội nước ta thời Trần - Bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu”, Tạp chí Văn học, số 1-1972, tr.108.

4 Huỳnh Công Bá, “Tìm hiểu công cuộc khai khẩn Bắc Quảng Nam dưới thời Trần (Qua tư liệu địa phương)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2 (297)-1998, tr.35-38; xem thêm: Trương Hữu Quýnh, “Mấy vấn đề về ruộng đất thời Trần trước chiến thắng Bạch Đằng lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3-4 (240-241)-1988, tr.11 - 14, 20.

5 Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1963, tr.285.

6 Trần Nghĩa: “Một bức “ký hoạ” về xã hội nước ta thời Trần – Bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu”, Tạp chí Văn học, số 1-1972, tr.108.

7 Vôi hàu là vỏ con hàu dưới biển nấu thành vôi, quét vào lá trầu rồi nhập với miếng cau mà ăn thì trừ hết khí độc, khỏi sốt rét.

8 Lê Tắc, An Nam chí lược, sđd, tr.107.

9 Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT), tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.121.

10 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.27.

11 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.66.

12 Trần Nghĩa: “Một bức “ký hoạ” về xã hội nước ta thời Trần – Bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu”, Tạp chí Văn học, số 1-1972, tr.119.

13 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.68.

14 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.9.

15 Trần Nghĩa: “Một bức “ký hoạ” về xã hội nước ta thời Trần – Bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu”, Tạp chí Văn học, số 1-1972, tr.121.

16 Trần Nghĩa: “Một bức “ký hoạ” về xã hội nước ta thời Trần – Bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu”, Tạp chí Văn học, số 1-1972, tr.116.

17 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.11.

18 Trương Hữu Quýnh (chủ biên) - Phan Đại Doãn - Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998, tr.204.

19 Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên, dẫn theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm- Nguyễn Đổng Chi (dịch), “Một ít tài liệu lịch sử về An Nam chí nguyên”, Tập san Văn Sử Địa, số 20, tháng 8-1956, tr.75, 94 tr.

20 Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên, dẫn theo bản dịch của Phạm Trọng Điềm - Nguyễn Đổng Chi (dịch), “Một ít tài liệu lịch sử về An Nam chí nguyên”, Tập san Văn Sử Địa, số 20, tháng 8-1956, tr.75, 94 tr.

21 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.116.

22 Trần Quốc Vượng, “Văn minh Việt Nam thế kỷ X-XV”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 (198)-1981, tr.6.

23 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.21.

24 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.68.

25 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.74.

26 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.124.

27 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.156.

28 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.191.

29 ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.191.

30 Năm 1242, Nhà nước quy định: "Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, không có ruộng đất thì miễn cả; có 1,2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3,4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc" Theo ĐVSKTT, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971, tr.19

31 Trịnh Khắc Mạnh, “Thánh chỉ của Thượng hoàng”, trong: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, quyển Thượng, National Chung Cheng University Chia Yi- Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.347.

32 Hoàng Văn Giáp, “Bia ma nhai núi Cô Phong”, trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, quyển Thượng, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.27.

33 Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI- XVIII, tập I: Thế kỷ XI - XV, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982, tr.172.

34 Ưu bà di: Chữ của nhà Phật, chỉ những người phụ nữ thờ Phật ở nhà (tại gia). Lại còn có thể dịch ra nhiều tên hiệu nữa: Thanh Tịnh nữ, Thanh Tín nữ, Cận Thiện nữ, Cận Sự nữ. Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, q.9, thiên Thiền dật chép: Ưu bà di có tên gọi là Cận Sự nam, Cận Sự nữ.

35 Tây Quan thời Trần đến thời Nguyễn là xã Tế Quan, tổng Đồng Hải, huyện Thanh Lan, tỉnh Thái Bình.

36 Niên đại tạo bia ghi năm Mậu Ngọ Hưng Long là nhầm lẫn. Vì đời vua Thái Tông (1225-1258) chỉ có năm Mậu Ngọ Thiệu Long này. Có lẽ do vì ở địa phương đây có động Hưng Long, nên dẫn tới sự viết nhầm Thiệu Long thành Hưng Long.

37 Nguyễn Huy Thức, Bia ruộng tam bảo chùa Sêu, trong: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, quyển Thượng, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội - 2002, tr.39.

38 Hoàng Văn Lâu, Trụ đá chùa Đại Thành danh lam Thắng Nghiệp Luật tự, trong: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, số 25, Tập II, Thời Trần, tập Hạ, tr.402). Nhưng trụ đá có mấy chỗ nhắc đến vua Duệ Tông như: “Thời Duệ Tông, ngài họ Vũ, tự Mẫn Đạt, mua ruộng đất ao hồ làm Phật đường; thời Duệ Tông, anh vua là Cung túc Đại vương xây dựng chùa; thời Duệ Tông xin làm chay 7 ngày đêm gia phong tỳ khưu Mẫn Đạt làm Đại thánh bồ tát lại rất mâu thuẫn với các sự kiện trên. Duệ Tông (Trần Kính) là con thứ 11 của Minh Tông, là em Cung Túc vương Trần Dục. Nhưng Duệ Tông lên ngôi năm Thiệu Khánh 3 (1372), mất năm Long Khánh 5 (1377). Trong khi đó, Cung Túc Đại vương Dục đã mất trước năm Đại Trị 12 (1369) (ĐVSKTT, Ngày 15, tháng 6, năm Đại Trị 12 (1369) ghi: Hiển Từ Hoàng Thái hậu sai người đón con thứ của cố Cung Túc đại vương Dục là Nhật Lễ lên ngôi). Có thể lý giải mâu thuẫn về niên đại khắc trên cột như sau: Chùa Đại Thành Danh Lam Thắng Nghiệp Luật do Tỳ khưu Mẫn Đạt mua ruộng đất xây dựng ban đầu, vì có linh ứng, nên được Minh Tông ban tên, và sai Cung Túc Đại vương xây dựng lớn, hoàn thành vào năm Quý Tỵ (1353). Đến năm Đại Trị 3 (1360) thì khắc trụ đá ghi lại số ruộng đất, đầm ao do chư vương công chúa và các nhà thế gia cúng vào chùa. Nhưng vì sau này, văn tự trên trụ đá được khắc lại (văn khắc không thấy kiêng huý thời Trần), người khắc lại có lầm lẫn về các triều vua Trần, nên dẫn đến sai lầm về niên đại. Nếu thay các chữ “thời Duệ Tông” bằng “thời Thiệu Phong” thì hoàn toàn phù hợp.

39 Momoki Shiro, Sự biến đổi xã hội Đại Việt thế kỷ XIV qua văn khắc - Khảo sát trường hợp vùng Hà Tây. Việt Nam học, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ II: Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại, tập I, NXB Thế giới, 2007.

40 Phạm Văn Thắm, “Văn bia chùa Thiệu Long hương Binh Hợp nước Đại Việt”, số 1. Trong: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, quyển Thượng, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội - 2002, tr.5-6).

41 Hoàng Văn Giáp, Bia chùa Vĩnh Báo, trong: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập II, Thời Trần, tập Hạ, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội- 2002, tr.711.

42 Hoàng Văn Lâu, “Bệ Phật chùa Đại Bi”, trong: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, tập Hạ, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.561). Bệ Phật chùa Đại Bi hiện đã có bản dập, lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Qua văn khắc trên bệ đá này, cũng như qua một số bia khác (như Mộc bài đồng Đa Bối), có thể thấy, sự phân bố dân cư họ Lý khá rộng khắp ở thời ấy.

43 Hoàng Văn Lâu, “Chuông chùa Sùng Quang”, trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, quyển Thượng, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.133.

44 Nguyễn Thị Phượng, “Bia Đại bi chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi”, trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tập II, Thời Trần, tập Hạ, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.544. Xem thêm: Thanh Hoá tỉnh bi ký thi văn loại biên, Vhv1739; Thơ văn Lý Trần, tập 3, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.130-134.

45 Nguyễn Tá Nhí, “Bệ Phật chùa Chân Nguyên”, trong: Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, tập Hạ, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.695.

46 Nguyễn Ngọc Nhuận: “Chuông chùa Vân Bản”, trong, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, tập Hạ, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.730.

47 Momoki Shiro: Sự biến đổi xã hội Đại Việt thế kỷ XIV qua văn khắc - Khảo sát trường hợp vùng Hà Tây. Việt Nam học, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ II: Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại, tập I, NXB Thế Giới, 2007, tr.

48 Hoàng Văn Lâu, “Bia chùa Sùng Thiên”, trong, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, quyển Thượng, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.229-230.

49 Nguyễn Ngọc Nhuận, “Chuông chùa Vân Bản”, trong, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập II, Thời Trần, tập Hạ, National Chung Cheng University Chia Yi - Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, 2002, tr.730.

50CHÚ THÍCH
 Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1960, trang 90.

51 Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1970.

52 Bia này đã đưa về Bảo tàng Nghệ An ở Vinh bảo quản.

53 Xem Vài nét về công điền công thổ ở Nghệ An trước và trong thời gian 1930 - 1931, Về văn hoá xứ Nghệ, Tập I, NXB Nghệ An, 2005.

54 Lê Tắc, An Nam chí lược, NXB Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, 2002.

55CHÚ THÍCH

 Luong, Hy Van, Revolution in the Village: Tradition and Transformation in North Vietnam, 1925-1988. Honolulu: University of Hawaii Press, 1992.

56 Viện Sử học, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Tập 1. Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội, 1977.

57 Yu, Insun, “Village Structures and their Characteristics in the Le Dynasty (1428-1788),” State and Society in Modern East Asian edited by Institute of East Asian History (Seoul National University), Seoul: Jisik sanob Publisher. (in Korean), 1998.

58 Trần Từ, Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội, 1984.

59 Lương Hy Văn, 1992: 57-61.

60 Lương Hy Văn, 1989.

61 Yu Insun, 1996, 1990.

62 Mai Văn Hải et al., 1997, Trương Xuân Trường, 1997.

63 Kim In-cheol và cộng sự, 1998: 33.

64 Mun Ok-pyom Kim Kwang-ok, 2004; 54, 308.

65 Choi Kil-seong, 1986; Lee Chang-gi, 1991.

66 Han, Do Hyun, 2003.

67CHÚ THÍCH
 Về Thiền sư Minh Không, vẫn còn nhiều sách chép chưa thống nhất. Trong Thanh Từ. Thiền sư Việt Nam. Tu viện Chơn Không xuất bản, Sài Gòn, 1972, chép Thiền sư Minh Không thuộc thế hệ thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông (tr.114, 119); Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, II, III. NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr.114 chép Thiền sư Minh Không thuộc thế hệ thứ 13 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Trong bài viết này, chúng tôi theo sách Thiền sư Việt Nam, sđd.

68 Về năm sinh Đức thánh Từ Đạo Hạnh chưa được biết từ khi nào, nhưng năm mất thì có nhiều sách chép khác nhau, trong Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, II, III. NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr.114 chép năm mất là 1112; Thanh Từ. Thiền sư Việt Nam. Tu viện Chơn Không, Sài Gòn, 1972, tr.71, chép là năm 1115; Trong Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh. NXB Văn học, Hà Nội, 1972, tr.147, chép là năm 1112; Lê Mạnh Thát. Thiền uyển tập anh, ấn bản điện tử (soạn giả Kim Sơn, Lê Mạnh Thát dịch, Lê Bắc chuyển sang ấn bản điện tử năm 2001), tr.116, chép là năm 1117; Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.287 chép là năm 1116; Viện Văn học. Thơ văn Lý - Trần, tập 1. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.343 chép là 1117.

69 Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh. NXB Văn học, Hà Nội, 1972, tr.140, 141.

70 Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về hành trạng của Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua các sách: Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. Sđd, tr.286, 287; Vũ Quỳnh, Kiều Phú. Lĩnh Nam chích quái. NXB Văn hoá - Viện Văn học, Hà Nội, 1960, tr.77 - 86; Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh. Sđd, tr.140 - 149; Thiền uyển tập anh ngữ lục (tư liệu Viện Sử học, ký hiệu, ĐVv 440), tr.97 - 102; Thanh Từ. Thiền sư Việt Nam. Sđd, tr.71 - 75; Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr.132 - 134; và trong Đặng Văn Tu, Nguyễn Tá Nhí (chủ biên). Địa chí Hà Tây (tái bản có sửa chữa). Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 2007, tr.632 - 639, phần nói về Từ Đạo Hạnh, sách có dẫn tư liệu Văn chầu Đức thánh, hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu: AE a10/13, viết bằng chữ Nôm theo thể song thất lục bát, với 182 câu nhưng không nói tới việc Đức thánh sinh ra ở nơi đâu và như thế nào.

71 Việt điện u linh chép: “Đạo Hạnh lại dùng phép rút đất, tiến về phía trước, ẩn vào bụi rậm ở xã Ngãi Cầu, thuộc huyện Từ Liêm, hoá mình làm con hổ gầm thét xông ra coi rất ghê sợ” xem Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh. NXB Văn học, Hà Nội, 1972, tr.143. Đây là một chi tiết khi Việt điện u linh nói về chuyện Từ Đạo Hạnh cùng sư Giác Hải và sư Minh Không trên đường đi học phép thuật từ Tây Thiên trở về, có lẽ chính vì Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã ghi lại dấu ấn ở vùng Ngãi Cầu (nay thuộc Hoài Đức - Hà Tây) nên nhân dân đã lập chùa thờ ngài.

72 Các chùa: Chùa Tổng, chùa Cả, chùa Thiên Vũ, chùa Ngãi Cầu như vừa nêu trên, ngoài thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh còn thờ cả Thiền sư Giác Hải và Nguyễn Minh Không. Trong một công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Tiến. Chùa Thầy (Thiên Phúc tự). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.191, trong khi thống kê một số kiểu chùa tiền Phật hậu Thánh, không thấy tác giả nêu tên chùa Đồng Bụt, trong khi đó chùa này cũng là một nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh theo mô hình tiền Phật hậu Thánh và có mối quan hệ đặc biệt với chùa Thầy.

73 Nguyễn Quốc Tuấn. Mô hình phật - thánh qua chùa Bối Khê - Đại Bi (Hà Tây), trong Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. Về tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.376, 377.

74 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (các tổng trấn xã danh bị lãm) - Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981, tr.36 - 38.

75 Các sách chính sử đều chép chuyện Thiền sư Từ Đạo Hạnh cùng sư Giác Hải, sư Minh Không đi sang đất Tây Thiên học đạo, trên đường có đi qua nước Kim Xỉ (Kim Xỉ Man - nước mọi răng vàng) thuộc vùng Vân Nam - Trung Quốc ngày nay, khi trở về Từ Đạo Hạnh đã tu đắc đạo và hoá ở chùa Thiên Phúc núi Sài Sơn. Còn Giác Hải và Minh Không thì về tu ở chùa Giao Thuỷ, xem Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh, sđd, tr.142-144.

76 Ngày nay, khu Vườn Nở thuộc thôn Ngọc Phúc cùng xã với thôn Đồng Bụt.

77 Bên cạnh truyền thuyết dân gian truyền lại như vậy, chúng tôi còn sưu tầm được một cuốn tư liệu sao chép vào năm 1973 từ nguồn tư liệu chữ Hán, nội dung cuốn sách khá đầy đủ, có nhiều chi tiết trùng hợp với sách Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái mà chúng tôi đã dẫn trong bài. Tư liệu do ông Đỗ Danh Hoàng, đội 5 thôn Đồng Bụt cung cấp.

78 Nguyên văn chữ Hán như sau: 國威府,安山縣,伏臘社,同孛村,官員鄉老,四甲仝村, 上下等田, 旧事跡有徐聖父生徐大聖于本村,有田土留與户[見],均分四甲爲香火忌臘,奉事於陳朝大治十二年,刻入洪鍾,至丙午年間被 [...] 兵, 鍾噐悉 [消],至兹就京, 再鑄洪鍾, 事已完成所有田土, m遵依旧額, 刻入留傳后世,及會主興功功德,刓刻姓名, 並列于后 - phiên âm: Quốc Oai phủ, An (Yên) Sơn huyện, Phục Liệp xã, Đồng Bụt (Bột) thôn, quan viên hương lão, tứ giáp đẳng thôn, thượng hạ đẳng điền. Cựu sự tích hữu Từ thánh phụ sinh Từ Đại Thánh vu bản thôn, hữu điền thổ lưu dữ hộ [kiến]... quân phân tứ giáp vi hương hoả kỵ lạp, phụng sự ư Trần Triều Đại Trị (1358 - 1369) thập nhị niên khắc nhập hồng chung, chí Bính Ngọ niên gian bị [...] binh, chung khí tất [tiêu], chí tư tựu kinh tái chú hồng chung, sự dĩ hoàn thành, sở hữu điền thổ, tuân y cựu ngạch, khắc nhập lưu truyền hậu thế, cập hội chủ hưng công công đức ngoan khắc tính danh, tịnh liệt vu hậu.

79 Sách Việt điện u linh chép: “Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông không có con trai, cầu tự mãi cũng không được, em Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu bèn mời Đạo Hạnh đến nhà cầu tự cho mình, để sau con mình được lập làm thái tử. Đạo Hạnh xin đầu thai để tạ ơn. Bấy giờ Sùng Hiền Hầu phu nhân đang tắm trong phòng, bỗng thấy Đạo Hạnh hiện hình ở trong thùng nước. Phu nhân kinh hãi nói với Hầu, Hầu đã biết ý, mật bảo phu nhân rằng: Thấy hình ở trong thùng nước, tức là chân nhân đã nhập thai rồi, đừng sợ. Thế rồi phu nhân có mang. Đạo Hạnh khi từ biệt ra về có dặn rằng: Đến ngày phu nhân sinh đẻ, xin báo cho biết ngay. Đến ngày sinh, phu nhân khó đẻ. Sùng Hiền Hầu nói: Phải báo kíp cho cao tăng biết. Đạo Hạnh được tin, họp các đồ đệ bảo rằng: Ta chưa hết nhân duyên với đời, lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian, khi nào chết lại về làm chủ tam thập tam thiên”, xem Lý Tế Xuyên. Sđd, tr.146. Sách Lĩnh Nam chích quái cũng có đoạn chép gần giống với Việt điện u linh: “Mối túc nhân của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, kịp đến khi già chết làm nhị thập thiên tử”, xem Vũ Quỳnh - Kiều Phú. Lĩnh Nam chích quái (Đinh Gia Khánh - Nguyễn Ngọc San phiên dịch, chú thích và giới thiệu). NXB Văn hoá - Viện Văn học, Hà Nội, 1960, tr.81.

80 Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh, sđd, tr.147.

81 Tại chùa Láng, có hai quả chuông, nhưng quả chuông được treo ở trong điện phật có tên: 鍾基誕聖 - Chung cơ đản thánh - tạm dịch: chuông ghi về việc thánh đã sinh ra. Mặc dù là chuông có tên là đản thánh, nhưng nội dung trong chuôn không ghi rõ Đức thánh Từ Đạo Hạnh được sinh ra như thế nào. Cùng với nội dung minh chuông ghi tên những vị chịu hậu, có một chi tiết khiến chúng tôi chú ý đó là đoạn minh chuông: 李神宗皇帝生時故宅也.其地則夾昇龍之古城,鍾金牛之秀氣誕聖道留福址 - Lý Thần Tông hoàng đế sinh thời cố trạch dã. Kỳ địa tắc giáp Thăng Long chi cổ thành, chung Kim Ngưu chi tú khí, đản thánh đạo lưu phúc chỉ - tạm dịch: Hoàng đế Lý Thần Tông khi sinh ở nhà nơi đây. Đất này giáp thành cổ Thăng Long, chuông Kim Ngưu (chuông chùa Kim Ngưu?) tụ khí lành ghi tích thánh sinh ra và lưu phúc tại đất này. Từ nội dung trên, chúng tôi cho rằng minh chuông ghi về việc đản thánh song đó chỉ là kiếp sinh đầu thai làm vua Lý Thần Tông con vua Lý Nhân Tông như chính sử đã chép.

82 Mặc dù vậy, bức đại tự lại có niên đại 1870 được viết bằng vôi trắng, có lẽ vì lý do nào đó mà người sau đã viết niên đại này lên.

83 Trương Hữu Quýnh (Chủ biên). Đại cương Lịch sử Việt Nam tập I. NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.141.

84 Tư liệu hiện do ông Đỗ Danh Bằng ở đội 4, thôn Đồng Bụt lưu giữ. Sách vốn do ông cụ thân sinh ra ông Bằng chép, vì ông là người được học chữ Nho, ngoài những tư liệu chép về Quán Thánh, ông còn lưu trong sách của mình nội dung các đôi câu đối tại nhiều nơi thờ tự của làng Đồng Bụt cũng như các làng phụ cận.

85 Quá trình khảo sát tư liệu tại chùa Láng, chúng tôi có sưu tầm được một đôi câu đối, nội dung như sau: Tô giang cô (phái) dẫn thuỷ thiên trường; Sài Sơn hưởng truyền kim cổ độc - tạm dịch: Sông Tô dẫn nước dài mãi; Đỉnh núi Sài Sơn vang truyền khôn nguôi. Cả hai đôi câu đối ý muốn so sánh về hai nơi thờ tự Đức thánh Từ Đạo Hạnh còn được tôn kính muôn đời với những huyền tích linh thiêng đã có.

86 Không biết vì lý do nào, hội chùa Thiền Sư làng Đồng Bụt đã được nhân dân quanh vùng gọi là hội Sếp. Ngày nay, nhiều làng xã quanh làng Đồng Bụt cũng được gọi với tên Sếp.

87 Ông Đặng Bằng - cán bộ sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Tây trong quá trình nghiên cứu đã nêu ra ý kiến như vậy. Ý kiến này, chúng tôi cũng được lĩnh hội trong quá trình khảo sát tại địa phương, nhờ các cụ đã từng tham gia lễ mộc dục mô tả lại: tượng Đức thánh Từ Đạo Hạnh được đặt trong khám, hình hài còn nhỏ, thế ngồi khoanh chân. Trong khi đó, tại chùa Thầy, ngoài tượng thờ Đức thánh đã đắc đạo, còn phối thờ cả vua Lý Thần Tông.

88 Nguyên văn chữ Hán: 聖文僧官都察徐姓大禅師住持上奉.

89 Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh. Sđd, tr.140, xem thêm Vũ Quỳnh, Kiều Phú. Lĩnh Nam chích quái. Sđd, tr.77.

90 Cùng chia sẻ quan điểm này với chúng tôi, trong Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát cũng dẫn ra ý kiến rằng: “Một thuyết nói rằng Đạo Hạnh là người thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, cha là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan. Nay tương truyền ở Đồng Bụt có nền cũ nhà họ Từ, trước chùa có 70 mẫu ruộng là ruộng họ Từ, nay đem làm tự điền cho thôn ấy”, xem Lê Mạnh Thát, tư liệu đã dẫn, tr.117.

91CHÚ THÍCH
 Những số cụ thể như sau:

- Huyện Võ Giàng (tỉnh Bắc Ninh) có các làng Vân Mẫu, Vân Hợp, Chu Mẫu, Lãm Dương, Phương Cầu, Miêu Nha, Đạo Chân, Thị Cầu, Đáp Cầu, Ngọc Đôi, Kim Đôi, Phú Xuân, Công Cội, Ngư Đại, Xuân Lôi, Đại Liễn Thượng, Đại Liễn Hạ, Cung Kiệm, Thống Thượng, Thống Hạ, Đồng Chuế, Việt Vân, Yên Ngô, Vĩnh Thế, Quế Tân, Bằng Lâm, Xuân Thủy, Yên Lâm, Lạc Xá (nay thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh), Phúc Đức, Đỗ Xá, Cô Mễ, Đẩu Hàn, Hữu Chấp, Xuân Đồng, Dương Ổ, Khúc Toại, Trà Xuyên, Quả Cảm, Vạn Phúc, Tiên Trà, Xuân Thụ, Yên Thịnh, Viêm Xá, Châm Khê, Đào Thôn, Bùi Thôn (nay thuộc TP. Bắc Ninh).

- Huyện Quế Dương: Dũng Quyết, Đồng Tế, Yên Trạch, Yên Định, Hiền Lương, Phù Lương, Vệ Xá, Phong Cốc (nay thuộc huyện Quế Võ).

- Huyện Gia Bình có các làng: Xuân Lai, Phúc Lai, Cần Tu, Định Cương, Phú Mai, Tư Mại.

- Huyện Tiên Du có các làng: Lũng Sơn, Nội Duệ Đông, Vĩnh Ninh, Nội Duệ Bao, Dương Húc.

- Huyện Đông Ngàn có các làng: Lễ Xuyên, Tam Lư, Vĩnh Kiều, Phúc Tinh, Phù Khê, Dương Sơn, Yên Từ, Vân Điềm, Hà Hựu, Trùng Quán, Lã Côi, Quan Đình, Phù Lưu, Yên Lã.

- Huyện Yên Phong có các làng: Đào Xá, Nghiêm Xá, Phương La Đông, Thọ My, Phưong La Đoài, Diên Lộc, Nội Trà, Phù Lưu, Trần Xá, Chính Trung, Đông Xuyên, Dũng Liệt, Yên Tân, Xuân Phương, Yên Phụ, Yên Phụ Hậu, Vọng Đông, Như Nguyệt, Phù Cầm, Đại Lâm.

- Huyện Yên Lãng có các làng: Thịnh Kỷ, An Lão, Phú Mỹ, Bạch Định, Quan Đài, Đàm Nội.

- Huyện Kim Anh: Kim Tiến, Bảo Tháp, Ngọc Trì, Bạch Đa, Yên Phú, Hương Gia, Thuỵ Hương, Khả Do, Phù Mễ, Xuân Phương, Chi Thôn, Nam Viên, Xuân Kỳ, Xa Lý, Phù Lỗ Đông, Phù Lỗ Đoài, Bắc Đà, Phù Xá Đoài, Thanh Nhàn, Gia Thượng xã Trung Thôn, Gia Trung, Ninh Bắc, Thạch Lỗi, Chi Trung, Gia Lạc, Đông Thu, Gia Thượng.

- Huyện Đông Anh: Thuỵ Hà, Thư Lâm, Trầm Khê, Viện Khê, Lâm Tiên, Đào Thúc, Chu Lão, Xuân Nộn, Khê Nữ.

- Phủ Đa Phúc: Trung Dã, Hạ Dã, Bình Kỳ, Bình An, Đô Tân, Lai Sơn, Nam Lý, Cốc Lương, Phúc Lộc, Yên Sào, Mễ Tảo, Tăng Long, Tri Cảo, Vọng Cao, Vệ Sơn, Yên Lạc, Ninh Liệt, Phổ Lộng, Loan Thôn, Phổ Lộng Trung, Phổ Lộng Chùa, Yên Tàng, Cốc Lương, Hiệu Trân, Đông Tân, Lương Phú, Bắc Vọng, Đức Hậu, Ngô Đạo, Đồng Đạo, Xuân Lai, Xuân Dương, Thu Thủy, Kim Lũ Thượng, Kim Lũ Trung, Kim Lũ Hạ, Lai Cách, Ngọc Hà, Diên Lộc, Xuân Áng, Đại Áng, Đan Tảo, Tiên Tảo, Cẩm Hà, Yên Phú.

- Huyện Yên Dũng và Việt Yên: Phượng Nhỡn, Trí Yên, Dĩnh Uyên, Châu Xuyên, Dĩnh Trì, Lão Hộ, Thiếp Trì, Dã Thuợng, Văn Khê, Ninh Xuyên, Thuỵ Ninh, Mật Ninh, Mai Vũ, Khả Lý, Liên Hộ, Hành Quân, Cộng Khánh, Cao Lôi, Văn Ninh, Yên Ninh, Dụ Quang, Tăng Quang, Việt Yên, Ngọc Cục, Trà Thôn, Mỗ Thôn, Dĩnh Thôn, Ngọc Lý, Mỏ Thổ, Tự Lạn, Hương Lạn, Nội Hoàng, An Khê, Hương Mai, Ngũ Phúc, Lạc Khổng, Lý Viên, Nông Vụ, Bắc Lý, Hợp Hoà, Mại Xá, Thị Thượng, Tiên Lát Thượng, Tiên Lát Hạ, Tảo Lát, Tiên Lát, Yên Viên, Thần Chúc, Lương Tài, Phù Tài, Giá Sơn, Hữu Nghị, Mai Đường, Đạo Ngạn, Nam Ngạn, Chu Xá, Đông Tiến, Quang Biểu, Phúc Ninh, Ninh Động, Nội Ninh, Yên Hoạt, Yên Tập, Khắc Lư, Long Xá, Đa Thịnh, Thạch Thôn, Thắng Cương, Bích Động, Nhẫm Nghiêm, Thuần Lương.



- Huyện Hiệp Hoà: Mai Thượng, Tiếu Mai, Trâu Lỗ, Xuân Biểu, Cẩm Hoàng, Cẩm Xuyên, Trung Định, Cẩm Bao, Trung Thiết, Mai Phong, Gia Hội, Gia Cát, Đại Mão, Minh Định, Vân Phú, Vân Trai, Phú Cốc, Phú Cốc thôn, Hữu Định, Ninh Tào, Lai Cốc, Hương Ninh, Hương Gián, Tân Mãn, Tiên Sơn, Hà Châu, Chung Tân, Văn Phụ, Vân Xuyên, Tiểu Lễ, Thanh Trà, Đông Lâm, Xuân Ổ, Thượng Dã, Phù Đảo, Kim Tỉnh.

- Tỉnh Hà Nội: Phúc Lộc, Đông Hà, Trà Thị, Nam Đô, Phù Hương, Trinh Nữ, Cẩm La.

- Huyện Phúc Thọ có các làng: Phù Vong, Bảo Vệ.


92 Xin xem Nguyễn Quang Khải, Tập tục và kiêng kỵ, NXB Văn hoá Dân tộc, H.2001, tr.12 - 21

93 Tục kết chạ giữa làng này với làng kia là do nhiều lý do khác nhau. Việc kết chạ giữa một số làng trên cơ sở cùng thờ một thành hoàng chỉ là một trong những lý do đó.

94 Xin đơn cử một số đôi câu đối:

* Một số đôi câu đối ở đình làng Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

1 - Mộng nhiễu long sàng chiêm thánh thuỵ,

- Cơ thành quy nỗ hiển thần uy.

2 - Quy trảo dực thần cơ, Thục xã đại doanh thuỳ vũ trụ,

- Long tinh chung thánh hoá, Loa thành chính khí tráng sơn hà.

3 - Nhất thời bí quyết nhưng truyền Thục,

- Lịch đại gia phong bất độc Đường

4 - Nhất phiến đan tâm huyền nhật nguyệt,

- Thiên thu hạo sảng chấn sơn hà.

5 - Doanh chấn Loa thành chiêu thánh tích,

- Linh dương quy nỗ hách thần uy.

* Một số đôi câu đối ở đình làng Phú Văn, xã Phù Hoà, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh

1 - Lập Tốn sùng đài tiêu Bắc địa,

- Phù Đinh chính thống khải Nam thiên.

2 - Càn hướng linh từ chung tú khí,

- Đinh triều thần vũ hách uy thanh.

3 - Hương tích chung anh chiêm thánh thuỵ,

- Hoa Lư tá mệnh hiển thần công.

v.v…


95CHÚ THÍCH
 Hiện nay vấn đề của di chỉ núi Đọ có thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ không, đang có những ý kiến chưa đồng nhất.

96 Dẫn theo Nguyễn Quang Hồng, Có một miền quê tên là kẻ Rỵ, Kỷ yếu hội thảo khoa học Lê Văn Hưu, Cao đẳng Sư phạm Thanh Hoá, 1992.

97 Văn hoá làng Thanh Hoá, Sở VHTT Thanh Hoá, 1990, tr.73.

98 Hoàng Anh Nhân, Lê Huy Trâm: Khảo sát văn hoá làng xứ Thanh, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.151.

99 Hà Mạnh Khoa, Sông đào ở Thanh Hoá từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.91.

100 Đại Việt sử ký toàn thư, T2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nôi, 1993, tr.191.

101 Nguyễn Văn Thành, Làng Bồng Trung trong Cội nguồn, in tại Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Hà Nội, 1997, tr.217.

102 Dẫn theo: Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất Việt Nam thế kỷ XI - XVIII, T1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982, tr.206; Lịch sử Thanh Hoá, T2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994, tr.146,147;. Hợp phả họ Doãn - Tư liệu Ban NC và BSLS.TH;

103 Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất Việt Nam thế kỷ XI - XVIII, T1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982, tr.206.

104 Gia phả dòng họ Nguyễn Nhữ Soạn.

105 Lịch sử Thanh Hoá tập III, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.107,108.

106 Trương Hữu Quýnh: "Một số nét về tình hình ruộng đất Thanh Hoá thời Lê" trong “Thanh Hthời Lê" Ban NCVBSLSTH, Xb 1995, tr.125.

107 Lịch sử Thanh Hoá, tập 3, NXB Khoa học Xã hội, tr.107, 108.

108 Gia phả dòng họ Nguyễn.

109 Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất Việt Nam, thế kỷ X – XV, Sđd.

110 Xem thêm: Dân ca Thanh Hoá, NXB Văn học, Hà Nội, 1965.

111CHÚ THÍCH

 Trong phục trang truyền thống còn mảng phục trang sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo, trang phục biểu diễn trong lễ hội, nhưng không nằm trong phạm vi của bài viết này.

112 Khổ vải truyền thống khoảng 30-40cm. Một vuông vải được đo bằng cách gấp chéo mép khổ vải lên chiều dài vải. Ví dụ 2 vuông vải sẽ có chiều rộng là 30-40cm và chiều dài gấp đôi.

113 Trường Đại học nữ Showa: “Báo cáo điều tra làng Đường Lâm tỉnh Hà Tây”, số 11/2006, tr.155.

114 Sđd, tr.155.

115 Váy may bằng 4 vuông vải, dài quá đầu gối gọi là váy 4 bức. Váy may bằng 5 vuông vải, dài đến gót gọi là váy 5 bức. Hai loại váy này hiện nay không còn ở Đường Lâm nên chúng tôi không trình bày kỹ trong bài viết này.

116 Sđd, tr.156.

117 Sđd, tr.156.

118 Người Trung Quốc xưa có câu: “Nhân đạo giả dĩ hữu vi tôn”, không chỉ nói về việc người biết đạo phải coi trọng bên phải, mà còn ảnh hưởng đến cấu trúc trang phục lấy vạt phải phủ lên vạt trái.

119 Chúng tôi đã công bố nghiên cứu về tục nhuộm răng đen ở Việt Nam trong bài “Tục nhuộm răng đen – so sánh Việt Nam và Nhật Bản”, Tạp chí Dân tộc học, số 102 năm 1999, tr.56-62.

120CHÚ THÍCH
 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1961, tr.32.

121 Triều Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) có hai niên hiệu:

- Niên hiệu Quang Thuận (1460 – 1469)

- Niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497)


122 Phạm Văn Liệu (dịch), Lê triều quan chế, Viện Sử học & NXB VHTT, Hà Nội, 1997, 131 trang.

123 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1961, tr.32.

124 Nguyễn Ngọc Nhuận (cb), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập 1 (từ TK XV đến XVIII), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, trang 294.

125 Việc ghi chép số làng xã thời Lê sơ trong các nguồn tài liệu không thống nhất, như thống kê của người viết trong bảng sau:

Tác phẩmDư địa chíĐại Việt sử ký


toàn thưHồng Đức
bản đồThiên Nam
dư hạ tậpSố xã9728685190908367Số liệu người viết lấy ở trên chỉ có tính tương đối.

126 Nguyễn Ngọc Nhuận (cb), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập 1 (từ TK XV đến XVIII), NXBB KHXH, Hà Nội, 2006, tr.270.

127 [5; 448].

128 [5; 296].

129 [5; 448].

130 [5; 294].

131 [5; 296].

132 [5; 302].

133 [5; 291-292].

134 [5; 458].

135 [5; 494].

136 Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, “cường hào” (ở góc độ hẹp) là những người có quyền chức ở làng xã, nhân danh quyền lực làng xã để áp bức, bóc lột nông dân trong từng luỹ tre xanh. Thực chất của tầng lớp cường hào là những phần tử thoái hoá, biến chất trong bộ máy quản lý làng xã câu kết với một vài địa chủ đầu sỏ để thành một tầng lớp có uy thế chính trị và kinh tế, lũng đoạn toàn bộ đời sống làng xã. (Xem thêm: Bùi Xuân Đính, Nạn cường hào làng xã thời phong kiến, in trong Làng Việt Nam đa nguyên và chặt, NXB ĐHQGHN, Hà Nội, 2006, tr.279 – 299).

137 [5; 433]

138 [5; 446].

139 [2; 457].

140 [5; 295].

141 [5; 433- 465].

142 [2; 18- 19].

143 Nguyễn Quang Ngọc, “Chức danh xã trưởng dưới thời Lê Thánh Tông”, trong Lê Thánh Tông, con người và sự nghiệp, NXB ĐHQGHN, Hà Nội, 1997, tr.169.

144CHÚ THÍCH
 Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.110.

145 Xem thêm: Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tập I. NXB Giáo dục, Hà Nội, 1960.

146 Lâm Bá Nam, “Nghề dệt cổ truyền làng La Khê”, Tạp chí Dân tộc học, số 3-1986; Nghề dệt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999.

147 Theo Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, sđd, tr.295.

148CHÚ THÍCH
 Hoàng Phủ Ngọc Tường (1985), Ai đã đặt tên cho dòng sông, NXB Thuận Hoá, Huế, tr.158.

149 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, NXB Giáo dục, 2004, tr.43.

150 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, NXB Giáo dục, 2004, tr.126.

151 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 35, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.18.

152 Ủy ban phiên dịch sử liệu viện Đại học Huế, Mục lục châu bản triều Nguyễn, Bản thảo viết tay, Lưu tại thư viện trường Đại học Khoa học Huế, triều Minh Mạng, tập 54, tr.41 - 43.

153 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, NXB Giáo dục, 2004, tr.126.

154 Bùi Thị Tân, Về hai làng nghề thủ công Phú Bài và Hiền Lương, NXB Thuận Hoá, Huế, 1999, tr.73.

155 Hoàng Xuân Nhu, Bàn Môn một di tích lịch sử - văn hoá, NXB Thuận Hoá, Huế, 1990.

156 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, NXB Giáo dục, 2004, tr.785.

157 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí - Thừa Thiên phủ, tập thượng, Nha văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1961, tr.133.

158 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập V, NXB Giáo dục, 2004, tr.539.

159 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, NXB Giáo dục, 2004, tr.400.

160 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí - Thừa Thiên phủ, tập thượng, Nha văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1961, tr.133.

161 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, NXB Giáo dục, 2004, tr.597.

162 Nguyễn Quang Trung Tiến (2006), “Quá trình tụ cư lập nghiệp và các hoạt động yêu nước, chống Pháp ở làng Bàn Môn trước năm 1945”, Kỷ yếu hội thảo: Quê hương và cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng Đức Trạch (1891 - 1952) và Lê Bá Dị (1901 - 1978), Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế - Ban liên lạc đồng hương huyện Phú Lộc tại Tp Hồ Chí Minh, Huế tháng 11/2006, tr.23 và tr.51.

163 Nguyễn Quang Trung Tiến (2006), “Quá trình tụ cư lập nghiệp và các hoạt động yêu nước, chống Pháp ở làng Bàn Môn trước năm 1945”, bđd, tr.51.

164 Nguyễn Thế Anh (1971), Kinh tế xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn, tr.123.

165 Những hương ước, khoán lệ được trích dẫn trong báo cáo được trích từ: Tập tài liệu hương ước Thừa Thiên Huế, bản chữ Hán, bản dịch của Nguyễn Đình Thảng, Lê Nguyễn Lưu năm 2004, Lưu tại Phân viện nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật miền Trung, Huế.

166 Bùi Thị Tân, Về hai làng nghề truyền thống Phú Bài và Hiền Lương, NXB Thuận Hoá, Huế, 1999.

167 Bùi Thị Tân, Về hai làng nghề truyền thống Phú Bài và Hiền Lương, NXB Thuận Hoá, Huế, 1999, tr.238 - 241.

168 Viện sử học (1977), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử - Tập I, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.184.

169CHÚ THÍCH
 Trần Văn Giàu, Giai cấp công nhân Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội 1961, tr.77.

170 Nguyễn Văn Khánh, Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1999, tr.45.

171 Brévié J, Diễn văn của Toàn quyền Đông Dương nhân dịp khánh thành dẫn thuỷ nhập điền ở miền Bắc Nghệ An, năm 1937 Tư liệu địa chí Nghệ An, tr.280.

172 Robequain Ch., Le Thanh Hoa (bản dịch), Thư viện Thanh Hoá, tr.249.

173 Aumiphin J.P., Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1858-1939), Hội sử học Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr.109.

174 Peytavin, Dẫn thuỷ nhập điền ở Thanh Hoá, Tập san Kinh tế Đông Dương (số 117, năm 1916), Tư liệu địa chí Thanh Hoá, tr.2.

175 Tạ Thị Thuý, Đồn điền người Pháp ở Bắc Kỳ (1884-1914), NXB Thế giới, Hà Nội, 1996, tr.12.

176 Tạ Thị Thuý, Đồn điền người Pháp ở Bắc Kỳ (1884-1914), Sđd, tr.13.

177 Robequain Ch.(1932), Le Thanh Hoa (bản dịch), Thư viện Thanh Hoá, tr.300 - 3007.

178 Robequain Ch.(1932), Le Thanh Hoa (bản dịch), Tlđd, tr.300 - 3007.

179 Robequain Ch.(1932), Le Thanh Hoa (bản dịch), Tlđd, tr.300 - 3007.

180 AFC (Phông Nha Nông lâm thương mại), N0560, Concessions et exploitations agricoles des provinces de l'Annam, Tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội .

181 AFC (Phông Nha Nông lâm thương mại), N0560, Concessions et exploitations agricoles des provinces de l'Annam, Tlđd.

182 Niên giám kinh tế Đông Dương (Phần ghi về Nghệ Tĩnh) từ năm 1913 đến 1951, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tư liệu địa chí Nghệ An, tr.7.

183 Hội đồng tư vấn hỗn hợp thương mại và canh nông Trung Kỳ, Trung Kỳ năm 1906, Tư liệu địa chí Nghệ An, tr.16.

184 Huyện uỷ - UBND huyện Nông Cống, Địa chí Nông Cống, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.128.

185 Peytavin (1916), Dẫn thuỷ nhập điền ở Thanh Hoá, Tập san Kinh tế Đông Dương (số 117, năm 1916), Tư liệu địa chí Thanh Hoá, tr.3 – 7.

186 Peytavin (1916), Dẫn thuỷ nhập điền ở Thanh Hoá, Tập san Kinh tế Đông Dương (số 117, năm 1916), Tlđd, tr.3 – 7.

187 Y. Henry, Kinh tế nông nghiệp Đông Dương, Hà Nội 1932, Bản dịch của Hoàng Đình Bình,Tư liệu khoa Sử, ĐHKH XH&NV, ĐHQGHN, tr.57 – 125.

188 H.Cucherousset, Cuộc khủng hoảng và các đồn điền cà phê ở Thanh Hoá, Tạp chí Kinh tế Đông Dương, Tư liệu địa chí, Thư viện Thanh Hoá, tr.1 – 5.

189 H.Cucherousset, Cuộc khủng hoảng và các đồn điền cà phê ở Thanh Hoá, Tạp chí Kinh tế Đông Dương, Tlđd, tr.1-5.

190 Y. Henry, Kinh tế nông nghiệp Đông Dương, sđd, tr.223 – 224.

191 Y. Henry, Kinh tế nông nghiệp Đông Dương, sđd, tr.223 – 224.

192 Tổng hợp số liệu thống kê từ Tài liệu cải cách ruộng đất ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tài liệu lưu trữ ở UBND các tỉnh.

193 Tổng hợp số liệu thống kê từ Tài liệu cải cách ruộng đất ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tài liệu lưu trữ ở UBND các tỉnh.

194CHÚ THÍCH
 Trần Từ, Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984.

195 Trần Từ, Cơ cấu tổ chức..., sđd, tr.48.

196 Diệp Đình Hoa, "Giáp - tổ chức xã hội của giới nam của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4/1998, tr.51.

197 Bùi Thiết, "Góp một vài nhận xét về tổ chức giáp ở nông thôn người Việt", Tạp chí Dân tộc học, số 2/1986.

198 Bùi Xuân Đính, "Tư liệu về tổ chức giáp của làng Giá - Yên Sở trước Cách mạng tháng Tám", Thông báo Dân tộc học, năm 2005.

199 Nguyễn Duy Hinh, "Kinh tế xã hội trước Lý", tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5/1995.

200 Nguyễn Hải Kế, Một làng Việt cổ truyền ở Đồng bằng Bắc bộ: Tìm hiểu cấu trúc kinh tế - xã hội, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

201 Nguyễn Xuân Diện, "Những phát hiện mới về Lê Đức Mao và bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn”, Thông báo Hán Nôm, 1998.

202 Vũ Duy Mền (cb), Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam - Luật làng Kanto Nhật Bản (thế kỷ XVII-XIX), Viện Sử học, Hà Nội, 2001.

203 Dẫn theo Vũ Duy Mền (cb), Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam - Luật làng Kanto Nhật Bản (thế kỷ XVII-XIX), Viện Sử học, Hà Nội, 2001, tr.121.

204 Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, (TB5,15), tập 2, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr.41.

205 Diệp Đình Hoa, "Giáp - Tổ chức xã hội giới nam của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ", tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4/1998, tr.46.

206 Nguyễn Duy Hinh, Kinh tế xã hội trước Lý, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5/1995.

207 Diệp Đình Hoa, Giáp - Tổ chức xã hội..., sđd.

208 Đại nam thực lục, sđd, tr.778.

209 Đại Nam thực lục, sđd, tr.778.

210 Đại Nam thực lục, sđd, tr.843.

211 Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra (Các tổng trấn xã danh bị lãm), Dương Thị The – Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, NXB Khoa học Xã hội, HN, 1981.

212 Xem thêm Nguyễn Xuân Diện, “Những phát hiện mới về Lê Đức Mao và bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn”, Thông báo Hán Nôm, 1998.

213 Xã Đông Ngạc nay gồm 3 làng: Đông Ngạc, Liên Ngạc và Nhật Tảo

214 Chu Thị Hiền, Phụ lục, trong “Tình hình gia phả ở làng Đông Ngạc (Từ Liêm - Hà Nội), Khoá luận tốt nghiệp, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, niên khoá 1998 - 2002, tr.82-91.

215 Ký hiệu trong kho thư viện Hán Nôm: A.1855.

216 Xã Nhật Tảo thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông nay là làng Nhật Tảo thuộc xã Đông Ngạc. Ký hiệu trong kho thư viện Hán Nôm của bản thần tích là: AEa2/67.

217 Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 3, NXB Giáo dục, HN, 1998, tr.103.

218 Nguyễn Xuân Diện, “Những phát hiện mới về Lê Đức Mao” và bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn", Thông báo Hán Nôm, 1998.

219 Khoán ước làng Đông Ngạc, sđd, tr.371-372.

220 Khoán ước làng Đông Ngạc, sđd, tr.391.

221 Đông Ngạc xã chí ,sđd, tr.372.

222 Đông Ngạc xã chí ,sđd, tr.333.

223 Thôn trưởng vọng là những người được làm Thôn trưởng thông qua việc khao vọng làng. Bản khoán ước của làng có ghi: “người nào vọng vào hàng Thôn trưởng là trừ ra khi nào làng có việc công tiêu nhiều mà dân đã xin quan trên cho phép bán vị thứ mới được phải nộp quỹ 10$,00”. Đối với người phụ tịch cũng quy định như trên, số tiền phải nộp cao hơn. Thôn trưởng sỹ bổ là Thôn trưởng được hàng giáp bầu khi đã có đủ điều kiện theo như làng quy định.

224 Đông Ngạc xã điều lệ, sđd, tr.74.

225 Khoán ước làng Đông Ngạc, sđd, tr.382.

226 Đông Ngạc xã điều lệ, sđd, tr.84.

227 Đồ tế tự trong đình.

228 Đông Ngạc xã điều lệ, sđd, tr.81.

229 Đông Ngạc xã điều lệ, sđd, tr.81.

230 Khoán ước làng Đông Ngạc, sđd, tr.381.

231 Khoán ước làng Đông Ngạc, sđd, tr.391.

232CHÚ THÍCH
 Kinh thành Thăng Long với khu vực 36 phố phường; Kinh thành Huế với các phường hội thủ công như: nghề gốm (Phước Tích, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nghề đúc đồng (Phường Đúc), nghề dệt (Phủ Cam, Dương Nỗ), tranh (làng Sình)...

233 Nhu cầu của vùng, miền có thể là Tổng (liên làng), Trấn, Phủ hay Kinh đô...

234 Ngành ở đây là sự phân định tiêu chí của các Sở, Ban, Ngành của từng địa phương.

235 Phân chia thành 02 bộ phận: Nghề thủ công gắn liền với nông nghiệp và thủ công nghiệp cá thể tiểu sản xuất hàng hoá (sản xuất độc lập với quy trình sản xuất nông nghiệp): "Thủ công nghiệp là từ nông nghiệp mà ra và có thể nói, thủ công nghiệp là nền sản xuất trung gian giữa nông nghiệp và công nghiệp. Vì là trung gian nên nó còn mang nặng tính chất nông nghiệp mà đồng thời cũng đã có nhiều tính chất công nghiệp... Phạm vi thủ công nghiệp đi từ những nghề phụ nông thôn đến các nghề thủ công cá thể tiểu sản xuất hàng hoá rồi đến hình thức công trường thủ công tư bản chủ nghĩa là hình thức còn nhiều quan hệ với nông nghiệp đến hình thức quá độ sang công nghiệp... Chúng tôi thấy ở Việt Nam có hai bộ phận chính trong ngành thủ công nghiệp: Bộ phận thủ công nghiệp phụ thuộc vào nền kinh tế tự nhiên nông nghiệp, cụ thể là nghề phụ gia đình của số đông nông dân... Bộ phận thứ hai là bộ phận thủ công nghiệp cá thể tiểu sản xuất hàng hoá, cụ thể là nghề thủ công độc lập đối với quy trình sản xuất nông nghiệp..." (Phan Gia Bền (1957), Sơ khảo lịch sử phát triển thủ công nghiệp Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, tr 17-20).

236 "Ở nước ta thợ thủ công (thủ công nghiệp cá thể) là những người có tiêu chuẩn căn bản sau đây:

1- Lao động của họ là chính, có thể có những người vừa sản xuất hàng hoá để bán, vừa bán sức lao động đi làm thuê cho người khác, có thể dùng công nhân trong gia đình dùng để sản xuất, có thể thuê mướn thêm nhân công (thợ bạn hoặc thợ học nghề) nhưng chỉ để giúp họ sản xuất đại bộ phận thì giờ của thợ thủ công là để làm công việc sản xuất đó.



2- Sản phẩm của họ chủ yếu dùng để bán ra thị trường (không phải làm cho bản thân hay cho gia đình, cũng không phải để làm giúp cho người khác trong làng xóm trực tiếp tiêu dùng) và đó là nguồn sống chính của họ..." (Phan Gia Bền (1957), Sơ khảo lịch sử phát triển thủ công nghiệp Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, tr 24-25)

237 Pierre Gourou (1936), Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, (bản dịch Nguyễn Khắc Đạm, Đào Hùng, Nguyễn Hoàng Oanh, hiệu đính Đào Thế Tuấn), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - Nxb Trẻ, Hà Nội, 2003.

238 Quan điểm của GS Trần Quốc Vượng , GS.TS Nguyễn Quang Ngọc.

239 Trần Quốc Vượng (2000), Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb VHDT và TCVHNT, Hà Nội, tr.372.

240 Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: "Sông Đài Bi là phân lưu của dòng sông Nhị. Nước sống từ địa phận xã Bát Tràng chảy qua các xã Giang Cao và Thuận Tốn rồi hợp với sông Nghĩa Trụ" (Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập IV, tr 83).

241 Trong cuốn Gốm Bát Tràng thể kỷ XIV - XIX của các tác giả: Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc, ngoài ghi lại tâm thức dân gian của người dân Bát Tràng về nguồn gốc của nghề gốm vào thời Lý (1010 - 1225) các tác giả này phân tích về sự hình thành làng Bát Tràng: "Tại đình làng Bát Tràng có câu đối phản ánh lai lịch của cư dân và nghề gốm như sau: Bồ di thủ nghệ khai đình vũ, Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần (nghề từ làng Bồ ra, khởi dựng đình miếu, Lòng thành như hương lan, cúng tạ thánh thần). Cùng với đôi câu đối trên là những truyền thuyết về các lớp cư dân của Bồ Bát di cư ra lập nghiệp ở Bát Tràng. Theo ký ức là tục lệ dân gian thì trong số các dòng họ ở Bát Tràng, dòng họ Nguyễn Ninh Tràng là cư dân bản địa và lâu đời nhất, nên được giữ vị trí quan trọng trong ngôi thứ cũng như trong lễ hội của làng. Có người phỏng đoán rằng, Nguyễn Ninh Tràng là họ Nguyễn ở trường Vĩnh Ninh (trường cũng đọc là tràng), một lò gốm ở Thanh Hoá, nhưng chưa có cứ liệu để xác nhận. Điều chắc chắn là truyền thuyết khá phổ biến và gia phả của một số dòng họ ở Bát Tràng như họ Trần, Lê, Vương, Phạm, Nguyễn... ghi nhận rằng tổ tiên xưa từ Bồ Bát di cư ra đây..."

242 Làng Chài Vạn Vĩ, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây: là làng chài, sống thuỷ cư trên 1 đoạn sông Hồng.

243 Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên) (2005), Folklore một số thuật ngữ đương đại, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.393 - 410.

244 Trần Từ (1984), Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.11-12.

245 Chỉ xem xét trên phương diện phương thức sản xuất.

246 Nay thuộc Hà Nội.

247 Ngọc phả đền Thượng, lưu tại địa phương (đền Thượng nằm trong quần thể di tích đình - đền - chùa Sơn Đồng).

248 Trước đây là Tổng Đồng Xâm.

249 Theo các cụ già trong làng kể lại: Trước đây, vùng đất này chỉ là cồn đất nổi giữa bốn bề sông nước, trên cồn đất ấy mọc rất nhiều cây đồng vông, vì thế những người đến đây lập làng đầu tiên đặt tên cho mảnh đất này là Đồng Xâm. Đồng Xâm có nghĩa là gò cây vông mọc (?).

250 Phúc Lộc phường sắp đặt thành 7 làng có tên 149 người, trong đó bao gồm 1 trung phường, 7 chi phường đứng đầu, 7 hàng chia ra làm 18 thợ phát hàng, 22 thợ nhị hàng, 22 thợ tam hàng, 12 thợ ngũ hàng, 21 thợ lục hàng, 13 thợ thất hàng. Đối tượng được truyền nghề không nhất thiết phải là người bản xã...

251 Nằm trong khu vực trung tâm của châu thổ sông Hồng - giáp với Kẻ Chợ, gần Phố Hiến.

252 Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hoá học, Viện Văn hoá, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, tr.133.

253 Bánh dày được làm bằng bột nếp, nặn tròn với đường kính khoảng hai đốt ngón tay còn bánh cuốn được làm thành hình dài - hay còn được ví như linga. Vừa làm bánh thanh niên vừa nói với nhau những câu chuyện vui, tếu, có khi cả trêu ghẹo nhau để tạo không khí vui vẻ. Theo quan niệm xưa, nếu làm như vậy sẽ được thành hoàng phù hộ, có nhiều con cái.

254 Cây bông là 1 đoạn tre đực tươi, dài đủ 5 đốt, lấy theo ngũ phúc (Phú, quý, thọ, khang, ninh), đoạn tre được chọn đem cạo sạch tinh, từ giữa hai mấu tre người ta tước ập vào, bọc xung quanh mấu thành một đám bông tướp tre xù tròn. Người ta thường làm hai cây rồi rước lên bàn thờ ở hai bên hương án - linh vật của lễ hội. Đến chính ngọ của ngày mùng 6 tháng 2, các cụ thủ từ nâng cây bông lên và múa vài đường rồi tung bông lên trời cho trai làng, trai dự hội nhảy lên bắt. Tục xưa truyền lại rằng: ai cướp được cây bông sẽ sinh con trai. Vì thế đàn ông trong làng ngoài xã thường chờ giây phút này, các bà các mẹ lại hy vọng nhặt được túm bông rơi vãi mang về cho trẻ con đeo để lấy khước.

255 Tục lệ này được mô tả trong bài viết của GS Từ Chi "Từ một vài trò diễn trong lễ hội làng..." (Trần Từ, “Từ một vài trò diễn trong lễ hội làng...”, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 3/1991, tr17-18).

256 Khu vực này nằm trong tầm ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng (?) - đây là một trong những vấn đề nghiên cứu tiếp theo của tác giả.

257 UBND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (1989), Quê gốm Bát Tràng, Nxb Hà Nội, tr 26.

258 Làng Đồng Xâm: theo quy định, cha không được phép truyền nghề cho con gái, cùng trong phường Phúc Lộc phải giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn (để nhận ra nhau khi cần sự giúp đỡ là: hòn than và lông gà), nếu ai vi phạm những điều cấm kỵ thì vào ngày giỗ tổ sẽ có những hình phạt tại am thờ tổ nghề.

259 Ví dụ như làng Sơn Đồng: Khi dân làng Vác (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ) nay thuộc Hà Nội) đến học nghề thì người thợ Sơn Đồng thống nhất với nhau chỉ dạy các công đoạn thô của quá trình làm tượng như đục tượng gỗ, bó thân tượng đất còn phần sơn thiếp vẫn phải đưa về làm tại làng Sơn Đồng.

260 Văn Tân (chủ biên) (1997), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.95.

261CHÚ THÍCH
 Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Năm Minh Mệnh thứ 10 đổi Đạo Ninh Bình thành Trấn Ninh Bình, đặt Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp, năm ấy đặt thêm huyện Kim Sơn - Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí tập 3, NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội, tr.225.

262 Kim Sơn tân huyện sự tích - Ca dao dân gian, sưu tầm tại địa phương.

263 Dương Công Nhuận - Năm Minh Mệnh thứ 15 - Thủ Trung ký lục - Bản chữ Hán, viết tay do cụ Vũ Thiện Sủng - trưởng tộc họ Vũ thôn Thủ Trung giữ.

264 Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên. Tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.720.

265 Dương Công Nhuận - Thủ Trung ký lục. Tài liệu đã dẫn.

266 Dương Công Nhuận - Thủ Trung ký lục. Tài liệu đã dẫn.

267 Dương Công Nhuận - Thủ Trung ký lục. Tài liệu đã dẫn.

268 Bài ca về lịch sử thôn Thủ Trung - Ca dao dân gian, sưu tầm tại địa phương.

269 Bài ca về lịch sử thôn Thủ Trung - Ca dao dân gian, sưu tầm tại địa phương.

270 Dương Công Nhuận - Năm Minh Mệnh thứ 15 - Thủ Trung ký lục - Bản chữ Hán, viết tay do cụ Vũ Thiện Sủng - trưởng tộc họ Vũ thôn Thủ Trung giữ.

271 Vũ Quốc Khuê, Dương Công Nhuận: Năm Minh Mệnh thứ 15 - Hương Trung tương ước - Bản chữ Hán viết tay do cụ Sủng - trưởng tộc họ Vũ thôn Thủ Trung giữ.

272 Dương Công Nhuận, Vũ Quốc Khuê: Bản khai về số đinh mộ được ở ấp Thủ Trung, tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) - Bản chữ Hán chép tay do cụ Vũ Thiện Sủng thôn Thủ Trung giữ.

273 Dương Công Nhuận: Công tư điền thổ thuế ngạch năm Minh Mệnh thứ 15 - Bản chữ Hán chép tay do cụ Vũ Thiện Sủng thôn Thủ Trung giữ.

274 Dương Công Nhuận: Công tư điền thổ thuế ngạch năm Minh Mệnh thứ 15 - Bản chữ Hán chép tay do cụ Vũ Thiện Sủng thôn Thủ Trung giữ.

275 Dương Công Nhuận: Năm Minh Mệnh thứ 15 - Thuế lệ. Bản chữ Hán chép tay do cụ Vũ Thiện Sủng thôn Thủ Trung giữ.

276 Sơ đồ cấp ruộng tư của ấp Thủ Trung - Tự Đức năm thứ 6. Bản chữ Hán sưu tầm tại địa phương.

277 Biểu từ viết năm Tự Đức thứ 6 - Bản chữ Hán - chép tay, sưu tầm tại địa phương.

278 Vũ tộc gia phả - Viết năm Tự Đức thứ 21. Bản chữ Hán do cụ Vũ Thiện Sủng thôn Thủ Trung giữ.

279CHÚ THÍCH
 Hệ số đa dạng Simpson này là biến thể của hệ số đa dạng được dùng trong sinh thái học do Símpson đề nghị (Odum E.P., 1986). Hệ số này biến động từ 0 đến 1. Gần 1 thể hiện đa dạng hoá cao. Gần 0 thể hiện chuyên môn hoá.



Xij: giá trị sản lượng của sản phẩm j của vùng i.

Xj: giá trị trung bình của sản phẩm j trong toàn vùng lớn.



280 Để nghiên cứu sự tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô đến CĐCCKTNNNT, sử dụng phương pháp Phân tích thành phần chính (Principal component analysis) là một công cụ của thống kê nhiều chiều cho phép phân tích tầm quan trọng của các yếu tố trong cơ sở dữ liệu và mối quan hệ tương quan của các nhóm yếu tố liên quan đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn nông nghiệp và các yếu tố giải thích quá trình này. Phân tích được thực hiện với 29 biến mô tả chuyển đổi cơ cấu kinh tế và 61 cá thể là các tỉnh thành trên toàn quốc. Số liệu được tính toán thể hiện sự thay đổi trung bình của các yếu tố trong giai đoạn nghiên cứu 1996 - 2002.

281 Để phân kiểu các xu hướng CĐCCKTNNNT, sử dụng phương pháp phân loại chùm (Cluster analysis) với 3 trục chính đã xác định bởi Phân tích thành phần chính nêu trên.


282CHÚ THÍCH
 Nguyễn Sinh Cúc, Những bài học rút ra từ thực tiễn phát triển công nghiệp nông thôn ở các nước đang phát triển châu Á. Hội thảo về Công nghiệp nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và JICA, 25 - 26 tháng 6/2000, trang 119 - 126, Hà Nội.

283 Các doanh nghiệp Hương Trấn (Township an Village Entreprise - TVE) được chia thành doanh nghiệp tập thể (làng, xã, thị trấn) và doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp có ít nhất 8 công nhân gọi là doanh nghiệp tư nhân và dưới 8 công nhân gọi là doanh nghiệp cá thể).

284 Đào Thế Tuấn, Công nghiệp hoá nông thôn. Hội thảo về Công nghiệp nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và JICA, 25 - 26 tháng 6/2000, trang 91 - 107, Hà Nội.

285 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Đề án của chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006 - 2015. Hội thảo giới thiệu chương trình phát triển “mỗi làng một nghề”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 18/11/2005, Hà Nội.

286 Yumio Sakurai, Công nghiệp hoá nông thôn ở Việt Nam. Hội thảo về Công nghiệp nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và JICA, 25 - 26 tháng 6/2000, trang 56 - 74, Hà Nội.

287 Nguyễn Đức Nhuận, Le Vietnam et le tournant urbain: métropolisation et cosmopolitisation.Cahiers d’études vietnamiennes. N°17, Université Paris 7, UFR Asie Orientale. Editions Asie du Jubilé. Paris 2004, pp.31 – 44.

288 Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI thời WTO, Trang báo điện tử của Bộ kế hoạch và Đầu tư: http://www.mpi.gov.vn/showTinvan.aspx?Lang=4&ma_tinvan=13860 (tra cứu ngày 15/02/2008).

289 Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau.

290 Tiêu chí để xác định làng nghề là làng có các hoạt động liên quan đến nghề nào đó thu hút ít nhất 20% tổng số hộ làm nghề và tạo ra ít nhất 20% tổng giá trị sản xuất tạo ra trên địa bàn của làng đó.

291 JICA & MARD, Báo cáo tóm tắt về Tổng điều tra và quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2004, Hà Nội.

292 Nguyễn Xuân Hoản, L’émergence de clusters dans les zones rurales périurbaines: l’exemple de la province de Bac Ninh au Vietnam. Le mémoire DEA DESTIN-C3ED/UVSQ. Paris 2004, 112p.

293 Becattini G., Le district marshallien: une notion socio-économique in: “Les régions quy gagnent. Districts et réseaux: les nouveaux paradigmes de la géographie économique”. Benko G. et Lipietz A. (éd.). PUF. Paris 1992. pp 35-55.

294 Porter, M., Clusters and the new economics of competition. In: Harvard Business Review, Nov-Dec 1998. EUA. pp. 77-90.

295 Schmitz, H., Nadvi, K., "Clustering and industrialization: introduction", World Development, Vol. 27 No.9, 1999, pp.1503-14.

296 Doanh nghiệp ở đây hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp chính thức có đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp của Việt Nam.

297 Trần Minh Yến, Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2004, 264 trang.

298 Nguyễn Đình Phan và Đặng Thị Lan, Những hướng chủ yếu trong ứng dụng tiến bộ khoa học trong công nghiệp nông thôn những năm qua. Hội thảo về Công nghiệp nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và JICA, 25 - 26 tháng 6/2000, tr.108 -118, Hà Nội.

299 PUTNAM R D., The Prosperous Community: Social Capital and Public Life, in: The American Prospect, Volume 4, Issue 13, March 21, 1993, 35-42.

300 Nguyễn Xuân Hoản, Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Kỵ: Lịch sử và hiện trạng. Tạp chí Xưa và Nay, số 293, tháng 10/2007, trang 25 - 28. Hà Nội.


301CHÚ THÍCH
 Điều tra 16 tỉnh của Bộ NN&PTNT.

302 Diện tích đất canh tác tính bình quân của nước ta thấp nhất thế giới 0,12 ha/người, thấp hơn Thái Lan 0,3 ha/người và chỉ cao hơn Hàn Quốc, Băngladet, Ai Cập.

303 Điều tra 8 xã ĐB sông Hồng, Đông Nam Bộ, ĐBSCL năm 2006 cho thấy, hầu hết các địa phương không còn lao động dưới 40 tuổi; riêng tỉnh Thái Bình có 45% lao động đã rời khỏi nông nghiệp, 200.000 người đi là ăn xa, chỉ còn lại phụ nữ và người già. Theo số liệu Hội thảo “Người dân nông thôn trong quá trình CNH” mới đây, hàng năm chúng ta mất 70.000ha thuộc vùng trồng lúa được xây dựng hạ tầng thuỷ lợi tốt để làm công nghiệp, kéo theo 7000 tỷ đồng đầu tư thuỷ lợi bị lãng phí. Tỉnh Bắc Ninh sau khi thu hồi ruộng đất, chỉ có 5-6% người tìm được việc làm; còn lại 94% người thất nghiệp (Báo Giáo dục & Thời đại
số 86 ngày 17/07/2008: “Để người nông dân không chối bỏ thôn quê”).

304 Theo PGS.TS Huỳnh Đăng Hy, Hội Quy hoạch VN, Báo Hà Nội mới ngày 31/10/2007.

305 Nguyễn Lân Dũng: Tạp chí Hồn Việt, thứ ba, 6/5/2008.

306 Võ Tòng Xuân: “Hạn chế xuất khẩu gạo, nông dân thiệt”, Vietnamnet, ngày 4/4/2008.

307 PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nguyên là cán bộ giảng dạy Trường Đại học Nông nghiệp I hiện nghỉ hưu, đã gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu chuyển giao các dòng lúa lai năng suất cao, phẩm chất tốt được nông dân ưa chuộng: Trước đây, như giống lúa NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6, DH60, nếp thơm 44, 256; sau đó, lúa lai hai dòng mới như TH-3-4, TH3-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3. Gần đây bà đã cho ra đời giống lúa lai hai dòng 100% “made in VN” TH3-3 và chuyển nhượng cho Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) với mức giá kỷ lục 10 tỷ đồng. Nhưng trước khi đưa ra chuyển nhượng, để ở nhà thì mỗi năm bà cũng thu về hàng tỷ đồng nhờ bán giống. TH3-3 là giống lúa lai cho NS cao 6-8 tấn/ha với thời gian sinh trưởng ngắn 105 - 125 ngày, chịu được mọi loại đất trên mọi địa hình, chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo trắng thơm ngon dẻo.

308 Nguyễn Văn Bộ: “VN chưa CDCC lao động”, Vietnamnet, ngày 11/12/2007.

309 Vụ Thương mại Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư: “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thương mại – dịch vụ 11 tháng năm 2007”.

310 Hội nghị tổng kết kế hoạch năm 2007 triển khai công tác năm 2008 của ngành nông nghiệp tại Hà Nội, 7/1/2008.

311 Trả lời phỏng vấn trực tuyến của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: vietnamnet, ngày 16/1/2008.

312 Theo Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, Vietnamnet, ngày 22/12/2007.

313 Theo Báo cáo Phát triển của WB, năm 2007.

314

CHÚ THÍCH


 Bộ NN và PTNN (2007): Báo cáo tại Hội thảo “Nông dân bị thu hồi đất - Thực trạng và giải pháp”, Hà Nội ngày 4/7/2007.

315 Hoàng Bá Thịnh (2008c): “Một số vấn đề giới và gia đình ở Việt Nam trong quá trình phát triển”; trong sách Các vấn đề văn hoá xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc đương đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; tr.19-34

316 Báo cáo Phát triển Việt Nam 2007: Hướng đến tầm cao mới; Hà Nội, tr.125.

317 Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Bộ VH,TT&DL, UNICEF, (2008): Kết quả điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006; Hà Nội, tr.29.

318 Hoàng Bá Thịnh (2005): “Gia đình Việt Nam trong chuyển đổi”, trong sách Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên thềm thế kỷ XXI (Lê Thị Nhâm Tuyết, chủ biên); NXB Thế giới, Hà Nội.

319 Tạp chí Cộng sản điện tử: “Tình hình thu hồi đất của nông dân để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và các giải pháp phát triển”; số 12 (132)2007.

320 Bộ NN và PTNT (2007), tài liệu đã dẫn.

321 Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2007.

322 Thực tế cho thấy, ở những cộng đồng nông thôn, không hiếm gia đình kinh tế chưa dư dả nhưng vẫn xây nhà, mua xe máy hoặc tivi vì tâm lý con gà tức nhau tiếng gáy “Người khác có mình cũng phải có”. Hoặc do nhận tiền đền bù đất nông nghiệp, họ không biết đầu tư sinh lợi mà đem mua sắm, xây nhà, những trường hợp này tuy có nhà cao, cửa rộng, đồ dùng đắt tiền nhưng thực tế mức sống lại thuộc nhóm nghèo hay cận nghèo.

323 Báo cáo phát triển Việt Nam 2008: Hướng đến tầm cao mới, tr.20.

324 Tạp chí Cộng sản điện tử: Tình hình thu hồi đất của nông dân để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và các giải pháp phát triển; số 12 (132)2007

325 Bộ NN và PTNT (2007): tài liệu đã dẫn.

326 Bộ NN và PTNT (2007): tài liệu đã dẫn.

327 Nguyễn Sinh Cúc (2008): Phát triển khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng và vấn đề nông dân mất đất nông nghiệp; Tạp chí Cộng sản điện tử, số 14 (158).

328 Đặng Kim Sơn (2008): Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hôm nay và mai sau; NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.183.

329 Hoàng Bá Thịnh (2008c): “Một số vấn đề giới và gia đình ở Việt Nam trong quá trình phát triển; trong sách Các vấn đề văn hoá xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc đương đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.19 - 34.

330 Báo cáo phát triển Việt Nam 2008, tài liệu đã dẫn, tr.44.


331CHÚ THÍCH
 G.Endruweit và G.Trommsdorff: Từ điển xã hội học. NXB. Thế giới, Hà Nội, 2002, tr.151.

332 Bốn loại công trình đó là: loại nhỏ (như làm mương/cống, trải bê tông các đường hẻm, xây dựng lưới điện chiếu sáng…); loại vừa (các công trình nâng cấp đường sá không có khả năng khai thác quỹ đất); loại lớn và loại rất lớn (xây dựng kết hợp khai thác quỹ đất hoặc là công trình trọng điểm quốc gia).

333 Báo Nhân dân, ngày 01/9/2006.

334 Báo cáo tổng kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thanh Lộc Đán.

335 Xem: Đảng bộ thành phố Đà Nẵng: Văn kiện Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Đà Nẵng.2006, tr.53, 54, 55 .

336 Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn công tác của Chính phủ đã đến làm việc với TP. Đà Nẵng và kiểm tra các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ 18. Qua xem xét các kết quả đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng Đà̃ng đã tạo ra được một mô hình tốt cho các địa phương khác học tập. Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên trong đoàn công tác của Chính phủ đã biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng trong việc thực hiện tích cực các mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội trong những năm qua. Nổi bật là cơ cấu GDP của Đà Nẵng đang tiếp cận với xu hướng của nền kinh tế đang phát triển theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Thủ tướng cho rằng Đà Nẵng không được hưởng nhiều vốn của TƯ nhưng lại làm được nhiều việc mà nhiều địa phương khác không làm được. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đà Nẵng đã tạo ra các mô hình quản lý có thể nêu cho cả nước học tập. Kỳ trước tôi bảo là điểm sáng, kỳ này tôi nói là mô hình. TP làm công tác giải toả đền bù rất tốt, đang muốn nhân ra cả nước nhưng nhiều nơi không nhân được. Dùng vốn đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng thì nơi nào cũng muốn nhưng chưa làm được như Đà Nẵng. Tỷ lệ đói nghèo còn rất thấp so với các nơi khác. Nếu thu ngân sách của Đà Nẵng đứng vào nhóm đầu gồm 5 - 7 tỉnh, công nghiệp đứng thứ 9... thì giáo dục cũng vào tốp đầu. Có thể nói Đà Nẵng có nhiều mặt đứng vào TOP TEN của cả nước!”. (Vietnamnet, 19/8/2003)

337 Ở Đà Nẵng, trong giai đoạn đầu mỗi lao động tái định cư được hỗ trợ 2.000.000 đồng để chuyển đổi việc làm.

338CHÚ THÍCH
 Đỗ Thị Minh Đức – “Phân tích mạng lưới đô thị Việt Nam và vấn đề phát triển vùng”. Tạp chí Khoa học ĐHSP Hà Nội, số 2-2005, tr.67 - 73.

339 Đỗ Thị Minh Đức - "Di cư vào các đô thị lớn ở nước ta trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Phân tích trường hợp của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội", tạp chí Khoa học ĐHSP Hà Nội, số 2 - 2004, tr.126 - 132.

340 Đỗ Thị Minh Đức - "Di cư vào các đô thị lớn ở nước ta trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Phân tích trường hợp của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội", tạp chí Khoa học ĐHSP Hà Nội, số 2 - 2004, tr.126 - 132.


341CHÚ THÍCH
 “Thành phố Hồ Chí Minh”, http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91 _H%E1%BB%93_Ch%C3% AD_Minh.

342 Đình Quang (chủ biên), “Về quá trình đô thị hoá trên thế giới và ở nước ta hiện nay”, Đời sống văn hoá đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.17, 252 tr.

343 Nguyễn Thị Hồng Trang, “Tổng quan về đô thị hoá và quá trình đô thị hoá ở quận 2 trước năm 1997”, Quá trình đô thị hoá ở quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh (1997 - 2005), Luận văn Thạc sỹ Lịch sử, ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.18, 160 tr.

344 Nguyễn Đình Đầu (2007), “Diện tích Thành phố Hồ Chí Minh rộng bao nhiêu?”, Địa lý Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Văn hoá Sài Gòn, 2007, tr.16, 225 tr.

345 http://www.hochiminhcity.gov.vn/

346 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Tái bản 1998, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998, 785 tr.

347 Nguyễn Đình Đầu, “Sài Gòn phát triển trong thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, từ 1698 đến 1801”, Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh - Tập I, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1998,
tr.221, 676 tr.

348 Nguyễn Đức Hoà, Thương cảng Sài Gòn 1860 - 1975, Luận án Thạc sỹ Khoa học Lịch sử, Đại học Tổng hợp Tp.HCM, 1998, tr.12, 188 tr.

349 Mạc Đường, “Việt Nam và vấn đề đô thị hoá trong lịch sử”, Dân tộc học - Đô thị và vấn đề đô thị hoá (An Introduction to unbananthropology and urbanization), NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.54 - 55, 246 tr.

350 Phạm Đức Thành, “Đô thị hoá và môi trường nhân văn ở Đông Nam Á”, Môi trường nhân văn và đô thị hoá tại Việt Nam, Đông Nam Á và Nhật Bản, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.297, 477 tr.

351 Trịnh Duy Luân, “Quá trình đô thị hoá”, Xã hội học đô thị, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.75, 239 tr.

352 Lê Quang Hậu, “Vài nét về quá trình đô thị hoá cưỡng bức ở Sài Gòn thời kỳ 1954 - 1975”, Phát triển đô thị bền vững, NXB Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.584, 650 tr.

353 Trần Văn Giàu (chủ biên), “Sài Gòn dưới ách thực dân Pháp (1859 - 1945)”, Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh - Tập I, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.344, 676 tr.

354 Ủy ban các học giả Hoa Kỳ nghiên cứu về các vấn đề châu Á, Đông Dương máu lửa, Người dịch Trường Sơn, Độc lập, (445), 14/7/1971, tr.2.

355 Theo đại cương lịch sử Việt Nam tập 3, “Sài Gòn dưới thời Mỹ Nguỵ”, http://www.hochiminhcity.gov.vn/left/gioi_thieu/lich_su_van_hoa/lich_su/tp_chung_nhan_cua_dong_chay_ls/khang_chien_chong_my/sai_gon_duoi_thoi_my_nguy.

356 Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh (1972), Tập tài liệu về việc Đế quốc Mỹ sử dụng chất độc hoá học và tác dụng phá hoại cuả chất độc đối với môi trường Việt Nam, Phòng: Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh đế quốc Mỹ, Mục lục Hồ sơ số 102, Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, tr.7 - 28.

357 Ủy ban các học giả Hoa Kỳ nghiên cứu về các vấn đề châu Á, Đông Dương máu lửa, Người dịch Trường Sơn, Độc lập, (449), 18/7/1971, tr.2.

358 Trịnh Duy Luân, “Quá trình đô thị hoá”, Xã hội học đô thị, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, sđd… tr.75, 239 tr.

359 Gabrien Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, tr.208 - 209, 290 tr.

360 Mạc Đường (2002), “Việt Nam và vấn đề đô thị hoá trong lịch sử”, Dân tộc học - Đô thị và vấn đề đô thị hoá (An Introduction to unbananthropology and urbanization), sđd…tr.69.

361 Francois Sully, “South Vietnam’s Urban Revolution”, News Week, Jan, (20), 1969, p.32.

362 Mạc Đường, “Vấn đề đói nghèo và vượt nghèo trong quá trình đô thị hoá (trường hợp nghiên cứu 3 địa điểm dân cư của Thành phố Hồ Chí Minh)”, Vấn đề giảm nghèo trong quá trình đô thị hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.247, 645 tr.

363 Lê Văn Năm (2002), “Di dân nông thôn - đô thị và sự phát triển đô thị bền vững - nghiên cứu trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh”, Phát triển đô thị bền vững, NXB Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.198, 650 tr.

364 Nguyễn Đăng Sơn, “Môi trường nhân văn và phát triển đô thị”, Môi trường nhân văn và đô thị hoá tại Việt Nam, Đông Nam Á và Nhật Bản, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.298, 477 tr.

365 “Thành phố Hồ Chí Minh”, http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_ H%E1%BB%93_Ch %C3%AD_Minh

366 Lê Quang Hậu, “Vài nét về quá trình đô thị hoá cưỡng bức ở Sài Gòn thời kỳ 1954 - 1975”, Phát triển đô thị bền vững, sđd, 590 – 593.

367 “Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế của cả nước” http://www.hochiminhcity.gov.vn/left/gioi_thieu/gioi_thieu_chung/kinh_te_thuong_mai?left_menu=1

368 “Tình hình phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2000 - 2005 (24/07/2006)”.www.chicucptnthcm.com/chinhsach/Tinh%20hinh%20PTNT%20TPHCM%202001- 2005.doc

369 Đình Quang (chủ biên), “Về quá trình đô thị hoá trên thế giới và ở nước ta hiện nay”, Đời sống văn hoá đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2005, tr.31, 252 tr.

370 Tôn Nữ Quỳnh Trân (2002), “Vấn đề phát triển đô thị bền vững”, Phát triển đô thị bền vững, NXB Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.19, 650 tr.

371 http://www.hochiminhcity.gov.vn/

372 “Một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2006 - 2010” http://www.hochiminhcity.gov.vn/left/gioi_thieu/gioi_thieu_chung/ban_chua_biet/dien_mao_thanh_pho_ho_chi_minh_nam_2000?left_menu=1

373 http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=311040122&news_ID=2752943

374 http://www.kenhdoanhnghiep.vn/cms/detail.php?id=24473

375 Trần Ngọc Hiên, Trần Văn Chử (chủ biên), “Đô thị hoá trong giai đoạn hiện nay - Những vấn đề lý thuyết và kinh nghiệm”, Đô thị hoá và chính sách phát triển đô thị trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.146 - 147, 235 tr.

376 Tôn Nữ Quỳnh Trân, “Làng nghề thủ công truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh đối diện với đô thị hoá”, Phát triển đô thị bền vững, NXB Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.428 - 429, 650 tr.

377 Mạc Đường (2002), “Việt Nam và vấn đề đô thị hoá trong lịch sử”, Dân tộc học - Đô thị và vấn đề đô thị hoá (An Introduction to unbananthropology and urbanization), sđd, tr.60.

378 Nguyễn Hữu Thái, Võ Đình Diệp, “Tổng quan về kiến trúc ở thành phố Hồ Chí Minh”, Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh - Tập III, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr 420, 457 tr.

379 Mạc Đường, “Việt Nam và vấn đề đô thị hoá trong lịch sử”, Dân tộc học - Đô thị và vấn đề đô thị hoá (An Introduction to unbananthropology and urbanization), sđd, tr.58 - 60, 246 tr.

380 Trần Văn Giàu (chủ biên), “Sài Gòn trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ (tháng 7 - 1954 - tháng 4 - 1975)”, Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh - Tập I, sđd, tr.479 – 481.

381 Nam Chinh, “14 triệu dân Việt Nam trước hiểm hoạ của vũ khí hoá học và vi trùng”, Tin Sáng, (283), 19/8/1970, tr.2.

382 Tôn Nữ Quỳnh Trân, “Hôn lễ truyền thống trong môi trường đô thị hoá tại vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh”, Môi trường nhân văn và đô thị hoá tại Việt Nam, Đông Nam Á và Nhật Bản, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.455 - 458, 477 tr.

383 Đỗ Bang, “Mấy ý kiến về mối quan hệ giữa đô thị hoá bền vững và phát triển nông thôn ở Việt Nam từ kinh nghiệm lịch sử”, Phát triển đô thị bền vững, NXB Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, 650 tr.

384 Nguyễn Văn Tài, “Đô thị hoá và vấn đề hội chứng đô thị (trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh)”, Môi trường nhân văn và đô thị hoá tại Việt Nam, Đông Nam Á và Nhật Bản, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.338, 477 tr.

385 Phan Huy Xu (1997), “Vài ý kiến về môi trường nhân văn và đô thị Việt Nam”, Môi trường nhân văn và đô thị hoá tại Việt Nam, Đông Nam Á và Nhật Bản, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.72, 477 trang.


386CHÚ THÍCH
 Báo cáo của nhóm tư vấn MOC4, Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu nâng cấp đô thị toàn quốc. Hội thảo cuối kỳ, tháng 4 năm 2008. Dự án tổng thể nâng cấp đô thị - NUUP.

387 Trần Ngọc Chính, Chính sách phát triển đô thị tại Việt Nam. Tham luận Hội thảo Khoa học Nửa thế kỷ (1956-2006) với sự nghiệp Quy hoạch xây dựng, Hà Nội, tháng 12/2006.

388 Báo cáo của nhóm tư vấn MOC4, Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu nâng cấp đô thị toàn quốc. Hội thảo cuối kỳ, tháng 4 năm 2008. Dự án tổng thể nâng cấp đô thị - NUUP.

389 Báo cáo của nhóm tư vấn MOC4, Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu nâng cấp đô thị toàn quốc. Hội thảo cuối kỳ, tháng 4 năm 2008. Dự án tổng thể nâng cấp đô thị - NUUP.

390 Trần Minh Anh, Tình hình cung cấp nước sạch cho các khu dân cư nghèo ở Việt Nam, Tạp chí Xây dựng, số 4-2008, trang 35-38

391 Các thông tin khác trên Internet (www.worldbank.org; www.adb.org; www.chinhphu.vn; www.xaydung.gov.vn; www.hanoi.gov.vn).

392 Các thông tin khác trên Internet (www.worldbank.org; www.adb.org; www.chinhphu.vn; www.xaydung.gov.vn; www.hanoi.gov.vn).

393 Các thông tin khác trên Internet (www.worldbank.org; www.adb.org; www.chinhphu.vn; www.xaydung.gov.vn; www.hanoi.gov.vn).

394 Alan Coulthart, Chiến lược phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới, 2007.

395 Alan Coulthart, Chiến lược phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới, 2007.

396 Alan Coulthart, Chiến lược phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới, 2007.

397 Alan Coulthart, Chiến lược phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới, 2007.

398 Alan Coulthart, Chiến lược phát triển đô thị, Ngân hàng Thế giới, 2007.

399 Trần Ngọc Chính, Chính sách phát triển đô thị tại Việt Nam. Tham luậnHội thảo Khoa học Nửa thế kỷ (1956-2006) với sự nghiệp Quy hoạch xây dựng, Hà Nội, tháng 12/2006.

400

401CHÚ THÍCH
1 Công trình này sử dụng số liệu của đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội “Những biến đổi xã hội ở nông thôn dưới tác động của đô thị hoá và chính sách tích tụ ruộng đất”, mã số QGTĐ 05-08.

4022 Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương, năm 2004. (Trích lại của TS. Nguyễn Hữu Dũng trong tài liệu ghi chú ở mục foodnote 4).

403CHÚ THÍCH
 Ngoại lệ đó là từ điển Wiktionary, một loại “từ điển nội dung mở dựa trên wiki”, định nghĩa là “nơi tiếp liền với một khu vực đô thị, giữa ngoại ô và nông thôn”.

4042 Theo quan điểm này, tôi cho rằng chỉ có một cách dùng khác của từ “ven đô” trong bối cảnh học thuật Bắc Mỹ mà tôi tình cờ bắt gặp mới có ý nghĩa là “nông nghiệp ven đô”, hàm chỉ một loại chức năng “nông thôn” theo quy ước, hiện nay đang được sử dụng nhiều trong bối cảnh có vẻ mới và có tính “đô thị” hơn.

4053 Mc Gee (1991; 1995) cho rằng những khu vực “desakota” này mang đặc trưng đô thị hoá ở các khu vực lúa nước vùng Đông Nam Á.

4064 Đây là một khía cạnh quan trọng của cái mà Browder và cộng sự (1995) gọi là “quan niệm truyền thống” về các khu vực ven đô, mặc dù họ phản đối đặc điểm này.

4075 Có lẽ ví dụ tiêu biểu nhất cho tình trạng này là việc 6000ha “đô thị mới” Bumi Serpong Damai phát triển từ cuối những năm 1980 ở vùng ven đô phía Tây Thủ đô Jakarta (Douglass 1991), mặc dù dự án chất lượng cao Pantai Indah Kapuk do cùng nhà đầu tư phát triển ở vùng đất trũng ven biển ở Jakarta cũng là một ví dụ nổi bật. Tình trạng các công ty phát triển chính thực hiện các quy hoạch lớn thông qua các siêu dự án - “sự tư nhân hoá quy hoạch” - được xem là đặc điểm chung của quá trình quy hoạch đô thị và ven đô ở Đông Nam Á, đây là ý kiến của Shatkin (2008) khi nghiên cứu các trường hợp ở Manila.

4086 Hiện tượng hỗn tạp cả trên lý thuyết lẫn thực tế xã hội ở các vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh đã được Hams (2006) khảo sát.

4097 Quan điểm cho rằng tái lãnh thổ hoá là một chiến lược của nhà nước được nêu ra trong công trình nghiên cứu của Vandergeest and Peluso (1995).

4108 Tôi đã trình bày về những tương tác xã hội đó như là “ba dạng văn hoá của vùng ven đô” (Leaf 2002).

4119 Những chiều kích về nhân khẩu học, kinh tế và văn hoá-xã hội của sự biến đổi đô thị là cái mà Friedmann (2002) gọi là “ba ý nghĩa” của đô thị hoá.

41210 Webster’s (2002) khi phân tích về hiện tượng này đã coi những “người lái” sự biến đổi đô thị ở các bối cảnh châu Á là một ví dụ tốt về sự nổi trội của đầu tư trực tiếp nước ngoài.

41311 “Hà Nội mở rộng” chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, bao gồm thành phố thủ đô và 219.000ha thuộc tỉnh Hà Tây cũ, quận Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình. Sự mở rộng này đã tăng tổng diện tích lãnh thổ của thủ đô Hà Nội từ 92.000ha lên gần 334.500ha, đồng thời dân số chính thức tăng từ 3,5 triệu lên hơn 6,2 triệu người.

41412 Đây là một chủ đề được khai thác chi tiết bởi Malesky (2006) khi bàn về tái phân vùng cấp tỉnh.

41513 Về những phân tích chi tiết về những trụ cột quyền lực chính trị địa phương - “nền chính trị hàng ngày” - của sự biến đổi vùng ven đô trong bối cảnh Manila, xin xem Kelly (1999), và về những phân tích tương tự trong bối cảnh Thái Lan, được trình bày như một quan điểm lý thuyết chế độ, xin xem Shatkin (2004).

41614 Tuy nhiên quan điểm này cần phải xem lại sau ngày 1 tháng 8 năm 2008, khi Hà Nội mở rộng.

41715 Những số liệu này trích từ Bảng 02.02 trong Niên giám thống kê mới nhất của Thành phố Hồ Chí Minh (Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh 2008, tr.24)

41816 Xin xem ý kiến của Gainsborough (2003, p. 3, footnote 18). Về những khuynh hướng mới trong nhập cư và dân số ở Thành phố Hồ Chí Minh, xin xem Lương (2009).

41917 Cũng có nghĩa là cấp tỉnh, vì đô thị kiểu Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội hoặc Hải Phòng, đều có địa vị cấp tỉnh, đây là một yếu tố quan trọng khi xem xét khả năng tái định dạng các địa giới đô thị.

42018 Từ viết tắt của “kiểm tra”.

42119 Về những phân tích sâu hơn, xin xem Fforde and de Vylder (1996).

42220 Chẳng hạn, Gainsborough (2003) nhấn mạnh sự khác biệt giữa những quyền lợi trung tâm của nhà nước và những quyền lợi trung tâm của doanh nghiệp trong bối cảnh tư nhân hoá các doanh nghiệp của nhà nước.

42321 Xin xem Gillespie (1995), và quan điểm của tôi về vấn đề này trong bối cảnh Hà Nội, xin xem Leaf (1999).

42422 Đặc điểm của Thành phố Hồ Chí Minh như một cái bánh rán, với dân số nội đô co lại, dân số các vùng ven đô nở phình ra nhanh chóng, được đưa ra trong nghiên cứu mới đây của Viện Quy hoạch Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và theo Nikken Sekkei.

42523 Nam Sài Gòn kế theo hành lang đông tây là xa lộ Nguyễn Văn Linh và bao trùm một diện tích khoảng 3.300ha. Khu vực này được quy hoạch thành khu dân cư với dân số 500.000 người, cộng thêm dân số trong ngày khoảng 500.000 nữa, sẽ được hoàn thành năm 2020. Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, công ty phát triển nhà thuộc CT&D, chịu trách nhiệm sắp xếp quy hoạch cho toàn bộ dự án Nam Sài Gòn; mặc dù dự án Phú Mỹ Hưng chỉ chiếm 20% diện tích, nằm ở cực đông khu vực, bao gồm hai phường của quận 7, nó được coi là bộ phận tinh tuý nhất của Nam Sài Gòn.

42624 Để có thêm thông tin về Nam Sài Gòn, xin xem Waibel (2004; 2006) and Douglass and Huang (2007). Quan niệm Nam Sài Gòn là một trong những siêu dự án đô thị (UMP) nổi bật quanh vành đai Thái Bình Dương không chỉ xuất phát từ quy mô của nó, mà còn từ sự phụ thuộc của nó vào vốn nước ngoài, định hướng toàn cầu trong chiến lược tiếp thị của nó, và sự tham gia của các công ty thiết kế và xây dựng có tên tuổi trên thế giới, tất cả đều đạt chuẩn phát triển UMP (Olds 2001).

42725 Mặc dù ở rất gần thành phố, đây vẫn còn là một nơi “hoang hoá” trước khi có dự án Nam Sài Gòn, vì nó nằm ở điểm cuối của hệ thống kênh rạch nối liền Thành phố Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Mê kông, là vùng đầm lầy, điều kiện xây dựng rất kém. Những nhân tố này rõ ràng đã góp phần làm cho vùng đất này trở thành nơi trú ẩn của những người vô gia cư và phản chiến trong thời kỳ chiến tranh với Mỹ. Khu vực này đã được tiêu nước để chuẩn bị cho dự án, điều này chịu nhiều sự chỉ trích của dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh vì họ cho rằng đã làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng trong mùa mưa ở phía bắc thành phố.

42826 Một mặt, đây vẫn là thời kỳ Mỹ cấm vận, mặt khác, Việt Nam thận trọng khi liên minh chặt chẽ với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

42927 Nhà máy điện Hiệp Phước cũng cung cấp gần một nửa nhu cầu điện trong những năm cuối thập niên 1990.

43028 Chẳng hạn, Kim (2008) khi nghiên cứu về công nghiệp bất động sản, đã phân biệt bốn kiểu doanh nghiệp phát triển nhà cơ bản dựa trên bản chất tổ chức của họ; những kiểu này có thể khác nhau tuỳ theo quy mô và phạm vi dự án mà họ thực hiện.

43129 Mặc dù rất khó định lượng chính xác quy mô tổng thể của ngành công nghiệp, Kim (2008, trang 87) ước tính có khoảng “200 công ty bất động sản tư nhân hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh”, dựa trên những cuộc điều tra không chính thức năm 2001. Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005, đăng tải trên trang web (www.horea.org.vn) danh sách thành viên gồm 268 thành viên tập đoàn và 120 thành viên cá nhân.

43230 Bộ phận đầu tư nước ngoài này chiếm hơn 1/3 vốn hiện hành của Intresco.

43331 Ở đây có sự tương đương với tình hình phát triển làng ven đô ở các thành phố Trung Quốc. Xin xem Zhang (2001) với những phân tích chi tiết về trường hợp các vùng ven đô Bắc Kinh, và Leaf (2007) với nghiên cứu tổng thể về hiện tượng này.

43432 Xin xem Phan (2007) với nghiên cứu gần đây về những liên hệ xã hội giữa những người nhập cư ở nhà trọ tại vùng ven đô Thành phố Hồ Chí Minh.

43533 Thêm vào đó là 4.500 người nhập cư KT3 đã mua nhà và 9.900 dân thành phố KT2 chuyển từ nơi khác trong thành phố đến, như vậy tổng số dân cư ở làng cũ (và phường mới) là khoảng 40.000 người.

43634 Quan điểm cho rằng tính chất điều tiết linh hoạt hay phi chính thức tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp pháp hoá của nhà nước thông qua việc cho phép các đại diện đa dạng cùng tồn tại được triển khai chi tiết trong Leaf (2005).

43735 Thuật ngữ này xuất phát từ nghiên cứu của Hsing (1998) về đầu tư công nghiệp Đài Loan ở miền nam Trung Quốc.

43836 Mỗi quận của thành phố được chia thành 10 - 15 phường, còn mỗi huyện được chia thành 7 - 21 xã.

43937 Hiện nay các quận ở Thành phố Hồ Chí Minh có hai kiểu tên lẫn lộn: tên theo số và tên theo địa danh lịch sử, đó là do Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là sự kết hợp của hai thành phố trước đây là Sài Gòn (quận đặt tên theo số) và Gia Định (quận đặt tên theo địa danh lịch sử).

44038 Xin xem chi tiết hơn với trường hợp Jakarta (Leaf 1994).




tải về 9.17 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương