Nguyễn Ngọc Lý Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Môi trường và Cộng đồng



tải về 113.2 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích113.2 Kb.
#155
SỰ THAY ĐỔI VỀ VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA PHỤ NỮ

THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA TIẾN DẦN TỚI NỀN

KINH TẾ TRI THỨC VÀ CHÍNH SÁCH GIỚI Ở MỘT SỐ NƯỚC - MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM

Nguyễn Ngọc Lý

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Môi trường và Cộng đồng

Liên hiệp Hội Khoa học Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ

Tóm tắt: Bản báo cáo này được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tài liệu, các nghiên cứu về quá trình phát triển phụ nữ tại Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan, tạo một bức tranh ngắn gọn về sự phát triển của phụ nữ cũng như sự thay đổi của vai trò phụ nữ tại các nước này. Các khuyến nghị về thể chế và các bài học rút ra có thể cho thấy những thế mạnh và thuận lợi của phụ nữ Việt Nam trên con đường hội nhập và cũng có thể giúp gợi mở các phương thức xây dựng và thực hiện các chính sách về phát triển cho phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ tri thức nói riêng.

I. BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI THẾ GIỚI THẾ KỶ 20 VÀ SỰ THAY ĐỔI VỀ VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG

Lịch sử phát triển phụ nữ tiến hóa rất chậm chạp và số phận phụ thuộc của người phụ nữ cho tới trước thời kỳ công nghiệp hóa trong gia đình và xã hội là điều mặc nhiên ở hầu như tất cả các nước, nếu có khác, thì chỉ khác về mức độ và hình thức. Ngay ở các nước đã phát triển, trước thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và hoạt động xã hội khác nhau rất hạn chế. Luật pháp, văn hóa, kết hợp với các truyền thống lâu đời về giáo dục và tín ngưỡng đều đóng góp cách này hay cách khác vào sự hạn chế đó. Bị phụ thuộc vào nam giới về mặt kinh tế,vị trí thấp hèn trong xã hội tước đi các quyền được tham gia ý kiến của phụ nữ vào các vấn đề khác nhau trong xã hội.

Khi các công việc trong thời kỳ công nghiệp hóa mang tính chuyên nghiệp hơn, do bị hạn chế học hành, phụ nữ hoàn toàn không có cơ hội tham gia vào các công việc lương cao hoặc các vị trí cao cấp trong xã hội. Cho tới đầu thế kỷ 20, phụ nữ không được thi vào các chuyên ngành về y học hoặc luật hoặc không được cấp các bằng cấp như nam giới. Ví dụ, ở trường Đại học Cambridge danh giá, tới tận năm 1947 mới cấp bằng toàn phần cho phụ nữ, và để đạt được điều đó, trường cũng phải qua sự thảo luận gay gắt với các nhóm đối lập. Vì vậy trong suốt thế kỷ 19 và tới giữa thế kỷ 20, phụ nữ vẫn chủ yếu làm ở các lĩnh vực trả lương thấp.

Tuy nhiên từ giữa thế kỷ 20 đến nay, tức là trong vòng 60 - 70 năm gần đây, quan niệm về công việc có nhiều thay đổi căn bản. Công nghiệp hóa đưa lại nhiều vị trí mới ở các công sở, không đòi hỏi cơ bắp và với việc có cơ hội có học vấn cao hơn phụ nữ đã có thể có các công việc trả lương cao với các nghề nghiệp dài hạn thay vì các công việc ngắn hạn với các kỹ năng thấp.

Nhưng ngay cả khi phụ nữ được tham gia vào hệ thống lao động, cho dù về mặt luật pháp đã bắt buộc phải bình đẳng về mặt cơ hội, sự phân biệt trong việc trả lương và hạn chế mức lương với phụ nữ, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong hầu hết các nước đã phát triển,. Còn ở các nước đang phát triển, nhiều nơi các hạn chế văn hóa và luật pháp vẫn cản trở cơ hội học tập và việc làm đối với phụ nữ. Sự bất bình đẳng rõ nét hơn trong việc tiếp cận nguồn lực và tham gia vào các vị trí quan trọng trong cả các nước đã phát triển và đang phát triển.

Một khía cạnh nữa cần nhắc đến là dù sự tham gia vào các công việc có lương như nhau, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại dai dẳng khi cân nhắc tới các công việc không tên đời thường của phụ nữ. Nếu tính cả các công việc này, phụ nữ làm tới hai phần ba công việc của thế giới, nhưng chỉ được trả công bằng mười phần trăm thu nhập thế giới.

Nhiều nghiên cứu về giới và bình đẳng giới được tiến hành trong các ngành khác nhau để xác định vấn đề tồn tại và lĩnh vực cần quan tâm để thúc đẩy sự bình đẳng giới tiến tới thực chất hơn. Điểm tích cực là hiện nay nhiều bộ luật dân sự có cân nhắc đến khía cạnh giới và bình đẳng giới, giảm thiểu và loại bỏ sự phân biệt giới, hoặc bạo hành về giới trong công sở.

II. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ VÀ VỊ THẾ CỦA PHỤ NỮ MỸ TRONG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG

Ở Mỹ, đầu thế kỷ 20, phụ nữ được coi là những người chăm lo về vấn đề đạo đức và thường là những người mềm mỏng hơn. Vai trò của phụ nữ thường không phải lả những người lao động chính hoặc những người chịu trách nhiệm kiếm ra tiền. Họ giữ vị thế bị động và chờ tới khi lập gia đình để đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm mẹ, và canh giữ truyền thống gia đình. Trong thực tế, cuộc nội chiến đã thay đổi nước Mỹ rất nhiều và đồng thời phụ nữ cũng có cơ hội học hành nhiều hơn. Tới năm 1900, 80% các trường đại học đã nhận sinh viên nữ vào học. Đại chiến Thế giới lần thứ nhất do nhu cầu hàng hóa phục vụ chiến tranh cho quân đội ở Châu Âu tăng cao, tạo nhiều công việc cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Điều này đã bắt đầu có tác động đến nền kinh tế - xã hội. Trong thời gian đầu phụ nữ thường làm các công việc trong nhà máy, sau đó là các công việc trong công sở như thư ký, văn phòng.

Đại chiến Thế giới lần thứ II tạo ra hàng triệu công việc cho phụ nữ. Nhiều phụ nữ gia nhập quân đội và trực tiếp phục vụ ở tuyến sau. Họ thay thế nam giới làm các công việc ở hậu phương và các vị trí không trực tiếp chiến đấu. Trong khoảng thời gian 1940 - 1945, khoảng 16 triệu nam giới tham gia quân ngũ, mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia thay thế họ trong công việc.

Cuộc cách mạng thầm lặng

Sự lớn mạnh của phụ nữ trong lực lượng lao động đã thực sự tạo thành thế mạnh cho phụ nữ từ cuối thế kỷ 19. Lúc đầu chỉ xuất phát từ tầng lớp lao động thực sự cần việc làm. Tuy nhiên sau thời kỳ này, vai trò phụ nữ có sự chuyển biến theo 4 giai đoạn. Ba giai đoạn đầu rất chậm mang tính tiến hóa, giai đoạn 4 được gọi là giai đoạn cách mạng vì nó bắt đầu nhanh và diễn ra trong thời gian ngắn. Giai đoạn này được mệnh danh là quá trình cách mạng thầm lặng của phụ nữ.

Giai đoạn đầu từ cuối thế kỷ 19 tới thế kỷ 20, được gọi là giai đoạn sinh ra thế hệ “Lao động phụ nữ độc lập”. Đó là lực lượng phụ nữ trẻ, chưa có gia đình. Họ vừa làm vừa học. Khi họ lấy chồng thì họ thôi làm việc. Vào cuối những năm 1920, giai đoạn 2 bắt đầu, tức là giai đoạn những người phụ nữ có gia đình bỏ việc giảm dần. Năng suất công việc của lực lượng này (phụ nữ có gia đình độ tuổi 35 - 40) tăng thêm 15.5% từ 10% lên 25%. Nhu cầu công việc thư ký và số lượng nữ tốt nghiệp trung học tăng cao, và họ thực sự chiếm lĩnh các công việc mang tính ổn định cao. Tới những năm 30 - 50, được gọi là thời kỳ quá độ, luật về Hôn nhân, tức là luật không cho phép phụ nữ có gia đình tiếp tục làm việc bị bãi bỏ, và cho phép phụ nữ độc thân và phụ nữ có gia đình tham gia vào lực lượng lao động. Tuy nhiên, tại thời điểm đó phụ nữ đi làm để hỗ trợ thêm thu nhập của chồng, chứ chưa phải lao động theo nhu cầu cần làm việc của mình.

Vào giai đoạn thứ ba, được gọi là giai đoạn mầm mống cách mạng, bắt đầu khoảng giữa những năm 1950 tới cuối thập kỷ 70, phong trào nữ quyền mang tính cách mạng hơn. Kỳ vọng về công việc tương lai của phụ nữ đã thay đổi. Họ chủ động lấy bằng đại học và làm việc khi đã lập gia đình và nhiều người đã lấy bằng cao học. Tuy vậy nhiều người thường có giai đoạn nghỉ ở giữa để chăm sóc gia đình. Động cơ đi học cũng khác nhau: nhiều phụ nữ đi học để có cơ hội tìm bạn đời của mình. Phụ nữ giai đoạn này còn chưa thưc sự nghĩ tới sự nghiệp. Cho dù vậy, lực lượng nữ tham gia vào lực lượng lao động giai đoạn này tăng đáng kể.

Giai đoạn bốn, được gọi là giai đoạn cách mạng thầm lặng bắt đầu cuối thập kỷ 70 và tiếp tục đến hiện nay. Nữ sinh tràn ngập các trường đại học và sau đại học. Họ thưc sự xây dựng sự nghiệp của họ trong các lĩnh vực y học, luật, doanh nghiệp, và nha khoa. Nhiều phụ nữ lấy bằng đại học và kỳ vọng có sự nghiệp vào khoảng 35 tuổi. Điều này khác hẳn với trước đây khi người phụ nữ sẽ nghỉ việc giữa chừng để chăm lo cho gia đình và con cái. Do kỳ vọng có được sự nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, phụ nữ có lựa chọn vào đại học khác nhau. Các trường sư phạm, vốn trước đây là lựa chọn cho số đông nữ sinh, không còn là điểm đến của nữ sinh nữa. Thay vào đó nữ sinh đã lấn vào các lĩnh vực trước đây dành cho nam giới. Họ tự mở rộng chân trời lựa chọn và khẳng định bản thân. Họ làm việc trước khi xây dựng gia đình. Thậm chí, sau thập kỷ 70 nhiều người vẫn giữ họ của mình sau khi lập gia đình. Điều này tuy rất nhỏ nhưng cũng có thể minh chứng sự độc lập của phụ nữ nói chung và trong các nghề nghiệp chuyên môn nói riêng.

Nhiều nghiên cứu về các lý do có sự nhảy vọt sau thập kỷ 70, và ở Mỹ có hai lý do chính: (1) Sự có mặt của các loại thuốc tránh thai giúp việc kế hoạch hóa gia đình tốt hơn. (2) Điện khí hóa giúp công việc nhà của phụ nữ thuận lợi hơn và giúp họ có nhiều thời gian đến trường hơn. Việc nhiều phụ nữ đến trường, học thêm, có hiệu ứng dây chuyền lặng lẽ, ảnh hưởng khuyến khích những phụ nữ khác. Đó là lý do ở Mỹ - họ gọi giai đoạn này là cuộc cách mạng thầm lặng. Nó không tạo ra sự thay đổi ầm ĩ, nhưng nó thúc đẩy sự thay đổi nhanh và sâu.

Những rào cản chính hiện nay cho sự phát triển phụ nữ ở Mỹ:


  • Luật bình đẳng chưa thực sự đi vào cuộc sống và việc áp dụng chưa thật sự hiệu quả?

  • Tiếp cận nguồn vốn cho nữ vẫn còn khó khăn

  • Tiếp cận các cơ hội học hành

  • Sự phân biệt về giới trong công việc như mức lương, thăng tiến trong công việc

  • Sự phân biệt về giới trong lĩnh vực quản lý và lãnh đạo

Phụ nữ trong các ngành nghề khoa học khác nhau tại Mỹ

Trong thực tế phụ nữ đều có đóng góp trong các ngành khoa học dưạ vào tri thức nhưng hoặc mức độ công nhận còn thấp hoặc sự nổi trội chưa cao. Mặc dù tỷ lệ nữ sinh vào các trường đại học lớn nhưng vẫn có sự phân cách trong việc chọn ngành giữa sinh viên nữ và nam. Ở Mỹ, nữ sinh vào các ngành tâm lý và khoa học xã hội nhiều hơn nhiều so với các ngành máy tính, công nghệ hoặc liên quan đến toán học.



Phụ nữ trong ngành máy tính

Trong kỷ nguyên thông tin và công nghệ thông tin, phụ nữ có nhiều cơ hội việc làm trong các ngành này nhưng tại Mỹ số lượng nữ trong ngành có xu hướng giảm. Năm 1990, số cán bộ nữ làm trong ngành tính toán là 35.2% nhưng tới năm 2000 giảm xuống còn 28%. Điều này đã trở thành đề tài được thảo luận trong các chính sách về nữ ở Mỹ với sự lo ngại có những rào cản khác nhau còn tồn tại sự phân biệt giới trong ngành này. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho rằng, việc dạy cơ bản về ngành công nghệ thông tin trong các trường trung học tạo sự hiểu lầm về bản chất của công nghệ thông tin, tạo tâm lý đó là ngành dành cho các em nam.

Ở Mỹ con số thống kê cho thấy, trong những ngành công nghệ nặng như ngành mỏ hoặc công nghệ, phụ nữ chiếm tỉ lệ khá thấp. Ví dụ trong ngành kỹ sư, năm 2001, có tới 20 % bằng kỹ sư được trao cho phụ nữ, và bằng tiến sĩ về công nghệ được nâng cao đáng kể, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong các ngành này chỉ đạt khoảng 11%.

Nhằm có được các biện pháp thích ứng trợ giúp sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực có nền tảng tri thức hoặc các công việc liên quan tới hàn lâm, khoa học, chính phủ Mỹ có những khoản tài trợ khá cao cho các nghiên cứu định tính và định lượng xác định các biện pháp về chính sách, tài chính, xã hội nhằm giảm thiểu các cản trở việc tham gia các công việc bình đẳng với nam giới. Chương trình Nghiên cứu quốc gia về “Thích ứng, Thực hiện và Phổ biến” do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ quản lý tài trợ các dự án nghiên cứu về Chuyển đổi thể chế và các biện pháp gián tiếp giúp chuyển đổi thể chế, xác định các vấn đề ưu tiên, đề xuất giải pháp về chính sách cho chính phủ, và thực hiện giúp công tác nữ tham gia vào khoa học được tốt hơn. Năm 2009, Quỹ này tài trợ cho hàng loạt các đề tài nghiên cứu về giới của các viện, các trường thuộc các ngành khác nhau. Những nỗ lực về chính sách tuy khá chậm chạp, nhưng đều dựa vào các phân tích kỹ lưỡng về nhu cầu để đáp ứng các vấn đề thực tế.



III. VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI TRI THỨC Ở THÁI LAN (MỘT NƯỚC CÓ THU NHẬP TRUNG BÌNH)

Theo thống kê phụ nữ ở Thái Lan có được sự tiến bộ vượt trội trong các lĩnh vực xã hội tri thức: Ví dụ việc sử dụng Internet, phụ nữ ở Thái vượt lên trên nam giới vào năm 2001 và tiếp tục tăng từ năm đó. Xem bảng 1:



Bảng 1: Sử dụng Internet Thái Lan




1999

2000

2001

2002

2003

Nữ

34.9

49.2

51.2

51.7

52.6

Nam

65.1

50.8

48.8

48.3

47.4

Trong một nghiên cứu khác (NECTEC 2006), sự tham gia của phụ nữ trong các công việc dựa trên tri thức độ tuổi 20 – 29, độ tuổi mà có các khả năng cải tiến sáng chế cao, đạt tới 53.2%. Trong lĩnh vực toán học và các lĩnh vực liên quan tới máy tính, nữ sinh tham gia đại học có tỷ lệ phát triển gần bằng so với nam giới. Trong lĩnh vực kỹ sư công nghệ, phụ nữ Thái Lan chiếm tỷ lệ thấp, tuy nhiên cao hơn so với các nước khác và về căn bản càng ngày càng tăng lên. Xem bảng 2.

Bảng 2: Tỷ lệ nữ/nam tham gia các trường đại học trong lĩnh vực liên quan tới toán và máy tính, công nghệ tại Thái Lan 1995 - 2002

Năm

Các ngành liên quan tới toán và máy tính

Các ngành liên quan tới công nghệ

1995

0.78

0.16

1996

0.74

0.17

1997

0.76

0.18

1998

0.76

0.17

1999

0.75

0.20

2000

0.73

0.16

2001

0.83

0.20

2002

0.89

0.19

Những số liệu này cho thấy bức tranh tổng thể về việc phụ nữ sử dụng máy tính trong kinh doanh hoặc công việc, trong các ngành đào tạo và trong khoa học công nghệ khá tích cực và đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị hoặc giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ còn khiêm tốn. Xem bảng 3:

Bảng 3: Tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí chính quyền

Phụ nữ trong các vị trí chính quyền

Tỷ lệ %

Nữ Bộ trưởng (2006)

5.7

Nữ giữ các vị trí quan trọng trong khu vực

6.7

Nữ giữ vị trí đứng đầu trong chính quyền tỉnh 2004

2.9

Nữ giữ vị trí trưởng thôn, làng 2004

4.6

Mặc dù chưa có được một chính sách bình đẳng giới tiến bộ như nhiều nước khác, kể cả việc phụ nữ chưa hoàn toàn có được các vị trí cao, ở Thái Lan phụ nữ đã đi trước trong việc sử dụng công nghệ thông tin. Ở Thái Lan, việc cần có những nghiên cứu định lượng và định tính nhằm nâng cao sự bình đẳng về giới trong xã hội tri thức đang được khuyến nghị nhằm giúp nhà nước đưa ra được các chính sách tốt hơn.

IV. VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI TRI THỨC Ở HÀN QUỐC

Tổng quan tình hình chính sách về Phụ nữ ở Hàn Quốc

Sự thành công của nền kinh tế Hàn Quốc đã thu được nhiều thành tựu từ khi phụ nữ tham gia vào nền công nghiệp sản xuất. Điều đó là không thể phủ nhận được, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong việc phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong công việc ở Hàn Quốc.

Các chính sách cho phụ nữ ở Hàn Quốc là chậm hơn so với quá trình phát triển chung của đất nước. Ở Hàn Quốc, các chính sách ra đời rất chậm và thường là dưới sức ép của các phong trào phụ nữ khá tích cực ở nước này. Các nghiên cứu, điều tra, và các hội thảo mang tính chuyên gia tạo ra nền tảng về số liệu và thông tin rộng rãi, trở thành công cụ giúp xây dựng các chính sách về giới và phụ nữ. Do sự phát triển vượt bậc về kinh tế, chính sách nhân sự được mở rộng tạo điều kiện cho các chính sách về giới và phụ nữ được thực hiện khá tốt. Chính phủ Hàn Quốc coi trọng công tác vận động phụ nữ tham gia vào các công tác xã hội.

Trong truyền thống gia đình ở Hàn Quốc, cũng như châu Á, nam giới được coi là trụ cột gia đình và những người mẹ, người chị trong gia đình hy sinh sự phát triển cá nhân mình cho sự tiến bộ của con trai, anh em trai khá phổ biến, đặc biệt trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng của Hàn Quốc thập niên 60 - 70. Trong thời kỳ này, các ngành xuất khẩu và dịch vụ của Hàn quốc thu hút rất nhiều công nhân nữ trẻ, đặc biệt các phụ nữ chưa lập gia đình. Họ làm việc trong những ngành không đòi hỏi kỹ năng cao và trình độ chuyên sâu. Thông thường những người phụ nữ này làm việc và kiếm tiền cho con trai hoặc em trai đi học.

Đối với các phụ nữ đã có gia đình, ràng buộc công việc gia đình, thành kiến xã hội, và các chính sách khắt khe tại các công ty vẫn là các cản trở chính để phụ nữ tham gia vào lực lượng sản xuất.

Từ những năm 70 trở đi, điều kiện học tập mở mang hơn, Hàn Quốc chứng kiến thành công về học tập của phụ nữ trong tất cả các bậc giáo dục. Riêng ở các chương trình thạc sỹ và tiến sỹ, vẫn còn nhiều khoảng cách giữa nam và nữ. Những nắm gần đây, sinh viên nữ tham gia các chương trình khoa học công nghệ có cao hơn. Tuy nhiên một vấn đề lớn ở Hàn Quốc là đối với phụ nữ có học vấn cao, tìm việc làm mong muốn còn gặp nhiều khó khăn.

Về mặt thể chế, các mốc quan trọng trong bốn thập kỷ qua bao gồm:

1948 Hiến pháp nước Cộng hòa Hàn Quốc đã tuyên bố sắc lệnh về cân bằng giới tính và sự bình đảng của phụ nữ đến bỏ phiếu.

1960 - 1970: Chính sách đối với phụ nữ bị kìm hãm bởi các chính sách chú trọng phát triển kinh tế, khí đốt, công nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cả ngành chiếm nhiều lao động trẻ, đặc biệt là các lao động nữ chưa lập gia đình.

1975: Tuyến bố của Hội liên hiệp phụ nữ quốc tế năm 1975 và của Liên hiệp quốc cho phụ nữ (1976 - 1985) bắt đầu có ảnh hưởng đến các quan điểm theo hướng cân bằng giới tính ở Hàn Quốc và làm cơ sở cho tiến bộ của phụ nữ.

1987: Chính sách Bình đẳng lao động (EEA) ra đời đặc biệt trú trọng bình đẳng đối xử trong tuyển dụng, việc làm và thăng tiến; Bình đẳng về chế độ lương cho chất lượng công việc.

1991: Luật gia đình được xem xét lại cho phép người phụ nữ được chia tài sản và được quyền nuôi con khi ly hôn.

1995: Luật Phát triển Phụ nữ ra đời, phản ánh sự biến đổi của mô hình trong chính sách phụ nữ từ lợi ích của việc tăng cường sức khỏe tới việc thúc đẩy cân bằng giới tính. Luật này cũng quy định trách nhiệm giải trình của các chính quyền địa phương và quốc gia đến việc thi hành chính sách phụ nữ. Nhà nước thiết lập các kế hoạch về chính sách phụ nữ cho từng giai đoạn 5 năm, và các tổ chức địa phương có trách nhiệm thi hành những chính sách đó.

1997: Hoạt động ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ người tàn tật có hiệu lực và luật thừa nhận bạo lực gia đình là một tội hình sự.

Chính phủ Hàn Quốc đã có rất nhiều tiến bộ trong chính sách để phát triển phụ nữ. Trong những năm gần đây nhiều chính sách mới tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển cho phụ nữ tham gia các công tác xã hội nói chung và đặc biệt đối với các nữ trí thức tham gia các ngành chuyên môn cao và trong các vi trí quản lý. Từ khi nhận chức, tổng thống Hàn Quốc hiện thời ông Kim Dae-jung đã thúc đẩy những chính sách ưu tiên cho phụ nữ, trong đó có các quyết định về phong nhiệm vụ cho các nữ chuyên gia, và điều chỉnh chế độ chính sách việc làm. Việc chính phủ hiện nay có tới ba vị trí bộ trưởng nữ trong bộ máy phản ánh sự thừa nhận về sự tiến bộ của phụ nữ trong các giai đoạn phát triển qua.

Hàn Quốc cũng đưa ra chỉ tiêu cụ thể là trong lĩnh vực hành chính và công tác công, ví dự tỷ lệ nữ giới phải đạt 20% trong năm 2002 so với 10% năm 1996. Kế hoạch tổng thể về các chính sách về phụ nữ từ năm 1998 tới năm 2000 được thực hiện để thúc đẩy kinh tế và năng lực làm việc của phụ nữ. Kết quả của các chính sách này là tới 2005 - 2006, tỷ lệ các cán bộ nữ thi vào các ngành nâng lên rất cao, ví dụ ở Bộ Ngoại giao, có tới trên 45% thí sinh dự thi là nữ.

Năm 1997, Quỹ phát triển phụ nữ được thành lập nhằm đỡ đầu các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ những tổ chức làm việc vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Năm 2005, Hàn Quốc bãi bỏ luật đăng ký gia đình với chủ hộ là nam giới. Đây được coi là một bước tiến của phong trào phụ nữ ở Hàn Quốc.

Về mặt luật pháp cũng đạt được các thành tựu lớn trong lĩnh vực thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ:

1999: Luật Hỗ trợ các Doanh nhân nữ ra đời

2000: Luật cấm hành vi phân biệt về giới

2001: Luật chăm sóc trẻ em (điều chỉnh năm 2005)

2001: Xem xét điều chỉnh Luật bình đẳng giới

2001: Luật Hỗ trợ Phụ nữ trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp

2002: Luật Hỗ trợ Phụ nữ trong ngành Khoa học ra đời

2004: Luật trừng phạt tội mại dâm

2005: Bãi bỏ Luật về hệ thống người đứng đầu trong gia đình

Các cơ chế về thể chế chịu trách nhiệm về giới



  • Bộ các vấn đề chính trị (1988 - 1998)

  • Tiểu ban đặc biệt về phụ nữ tại Quốc hội (1994)

  • Ủy ban của Tổng thống về các vấn đề Phụ nữ và bình đẳng giới ở Hàn Quốc (1998 - 2001): Ủy ban này có các nhiệm vụ sau:

(1) Lên kế hoạch tổng thể và điều phổi các chính sách về phụ nữ và giám sát việc thực hiện các chính sách này

(2) Ủy ban 15 thành viên bao gồm các thứ trưởng từ sáu bộ và 7 thành viên từ các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan hàn lâm

(3) Thành lập sáu phòng chính sách phụ nữ ở 6 bộ (Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Phúc lợi, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông Lâm nghiệp)

(4) Thành lập các văn phòng về phụ nữ tại các chính quyền địa phương

Bộ Bình đẳng Giới thành lập năm 2001:


  • Xây dựng và thực hiên các chính sách về giới

  • Xây dựng, điều phối, và hỗ trợ các chính sách về gia đình

  • Lên kế hoạch và thực hiện các chính sách về bảo về trẻ em

  • Phân tích và đánh giá các chính sách nhậy cảm về giới

Các chính sách trên đạt được đều có sự đóng góp mạnh mẽ của các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, và các phong trào về giới và phụ nữ. Các tổ chức này đóng vai trò như các đối tác chính của chính phủ để phát triển các chính sách về giới. Có thể nhận thấy các chính sách về giới và phụ nữ của Hàn Quốc có sự thay đổi từ việc các chính sách mang tính ứng phó, bị động sang các chính sách chủ động mang tính hỗ trợ, thúc đẩy và tham gia.

Hiện nay Hàn Quốc đối mặt với thách thức lớn là tỷ lệ sinh đẻ giảm thấp. Nếu những năm 70, tỷ lệ sinh đẻ từ 3.5 - 4.5% thì năm 2005, chỉ còn 1.08% (theo số liệu thống kê của Hàn quốc).

Về công tác nữ hiện nay có sự phân công cụ thể về vấn đề giới và phụ nữ trong các bộ như sau:


  • Bộ Lao động: Cải tiến công tác tuyển chọn, phân công, và thăng tiến về mặt giới - Ngăn chặn việc bạo hành trong các nơi làm việc

  • Văn phòng chính phủ: Thực hiện công tác tuyển chọn cán bộ nữ làm việc trong hệ thống hành chính công theo bắt buộc.

  • Bộ Giáo dục: Nâng cao năng lực chuyên môn cho phụ nữ

  • Bộ Lao động: Nâng cao năng lực cho lực lượng lao động nữ khi quay lại làm việc

  • Bộ Ngân sách và Kế hoạch: Nâng cao hệ thống chăm sóc trẻ em

  • Bộ Y tế và Phúc lợi: Hỗ trợ phụ nữ chưa có việc làm

  • Cục thống kê: Điều tra thống kê về phụ nữ chưa có việc làm, hoặc làm việc dưới khả năng

  • Các cơ quan nghiên cứu và cung cấp thông tin số liệu cần thiết cho việc giám sát và đánh giá việc thực thi các chính sách phát triển, trong đó có các chính sách về giới và phụ nữ.

Các Viện Nghiên cứu của nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau:

-- Viện Phát triển Phụ nữ Hàn quốc, 1983: Chịu trách nhiêm nghiên cứu các vấn đề về phụ nữ, xây dựng các chính sách về phụ nữ và đánh giá ảnh hưởng của các chính sách, nghiên cứu định lượng và định tính về chính sách, xây dựng niên giám về phụ nữ.

-- Viện Phát triển Hàn Quốc

-- Viện Nghiên cứu Giáo dục Hàn Quốc

-- Viện Các vấn đề Sức khỏe và Xã hội Hàn quốc

-- Viện Hưu trí Hàn quốc

-- Cục thống kê quốc gia

Theo định kỳ, các khảo sát điều tra được tiến hành là:



  • Khảo sát thống kê xã hội (hàng năm từ thập niên 70)

  • Khảo sát thống kê về sinh đẻ và sức khỏe gia đình

  • Khảo sát thống kê về tình trạng trẻ em

  • Niên giám về giáo dục hàng năm

  • Thống kê về chương trình đào tạo tại các cơ quan

  • Niên giám lao động

  • Các thống kê quan trọng

  • Điểu tra khảo sát hàng năm về sức khỏe và phúc lợi

  • Điều tra khảo sát về hưu trí và sức khỏe cộng đống

Các tổ chức phi chính phủ, các viên nghiên cứu, các trường đại học đều tham gia nghiên cứu, lấy ý kiến người dân và giúp đỡ hoạt động các nhóm phụ nữ ở các cấp khác nhau. Các tổ chức này cũng làm việc hợp tác với các tổ chức ở nước ngoài

Các chính sách phát triển của Hàn Quốc đều có các biện pháp đánh giá giám sát việc thực hiện các chính sách về giới và phụ nữ. Các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện phải sử dụng các số liệu và thông tin về giới và phụ nữ Hàn Quốc cũng áp dụng bắt buộc có sự tham gia của phụ nữ vào quá trình xây dựng các chính sách liên quan có ảnh hưởng đến phụ nữ.

Trong công tác xây dựng chính sách về giới và phụ nữ ở Hàn Quốc, công tác đánh giá và giám sát thực hiện chính sách rất được coi trọng. Việc tiến hành các công tác này được làm chuyên nghiệp, theo kế hoạch, tỷ mỉ để phản ánh các lợi ích do các chính sách đem lại cho phụ nữ. Các kết quả được sử dụng cho việc xây dựng ngân sách cho công tác giới và phụ nữ và các chương trình tiếp theo

Các bài học trong công tác giới và phụ nữ của Hàn Quốc do Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc đưa ra là:



  • Sự thiếu hiểu biết về hệ thống đánh giá giữa các cán bộ nhà nước làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có các chương trình đào tạo về hệ thống đánh giá.

  • Cần nâng cao hơn nữa sự đối thoại giữa các cơ quan nhà nước để cung cấp các thông tin và số liệu cần thiết giúp nâng cao sự hiểu biết về giới và phụ nữ.

  • Khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp và chính sách cho thấy cần có các số liệu về giới ở các mức thật cụ thể.

  • Đặc biệt cần thiết áp dụng hệ thống hồi âm từ các đánh giá giám sát nhằm nâng cao chất lượng của các chính sách và các chương trình.

  • Việc xây dựng ngân sách phải cân nhắc vấn đề giới và phụ nữ.

Các yếu tố chủ chốt giúp thực hiện hiệu quả các chính sách về giới và phụ nữ:

  • Cần ý chí chính trị để thực hiện các chính sách

  • Khung thể chế (các phòng ban ở cơ sở) được xây dựng và thực hiện

  • Nguồn tài chính để thực hiện, giám sát, đánh giá phải sẵn sàng

  • Cần có các chuyên gia sâu về lĩnh vực giới và phụ nữ tham gia

  • Các nguồn số liệu sẵn sàng phục vụ cho công việc đánh giá và giám sát

  • Cơ chế bắt buộc áp dụng các chính sách và các sáng kiến của hệ thống tư nhân cần được khuyến khích

  • Việc đánh giá và giám sát phải do bên thứ ba đảm nhiệm

V. SO SÁNH TƯƠNG ĐỐI VỀ SỰ PHÁT TRIỂN NỮ TRÍ THỨC GIỮA CÁC NƯỚC MỸ, HÀN QUỐC VÀ THÁI LAN, ĐẶC BIỆT CÁC CHÍNH SÁCH TRONG THỜI KỲ TOÀN CẦU HÓA VÀ TIN HỌC HÓA

Ba nước trên đều coi việc phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động chính thống như tiêu chí quan trọng xác định sự bình đẳng của phụ nữ với nam giới. Sự bình đẳng đó được xác định theo các cơ hội được học hành, có công ăn việc làm, mức lương trả cho các công việc. Ở Mỹ và Hàn quốc, không phân biệt ra nhóm nữ trí thức mà phân biệt theo việc phụ nữ tham gia các ngành nghề khác nhau. Ở Thái Lan, xã hội tri thức được mặc định là xã hội sử dụng công nghệ thông tin và internet, vì vậy việc đánh giá mức độ sử dụng và tham gia của phụ nữ vào các ngành nghề này như một tiêu chí đánh giá về sự tiến bộ của phụ nữ.

Ở hai nước Mỹ và Hàn Quốc, việc nghiên cứu một cách hệ thống, bao gồm cả định tính và định lượng về mọi khía cạnh liên quan đến giới và phụ nữ, được tiến hành bài bản và chuyên nghiệp. Đặc biệt hệ thống chính sách và các biện pháp đưa ra đều dựa trên kết quả nghiên cứu và khảo sát. Việc thực hiện các chính sách được giám sát và đánh giá kỹ lưỡng, tạo nền tảng cho việc xây dựng các chính sách tiếp theo có hiệu quả.

Hệ thống thể chế chính sách về giới và phụ nữ phát triển khá lâu, như Hàn Quốc cũng trải qua trên sáu mươi năm. Mỗi chính sách đi trước là viên gạch xây dựng các chính sách sau, tạo nên sự vững chắc của hệ thống.

Các cơ quan chính phủ, các tổ chức dân sự, các tổ chức khoa học hoạt động nghiên cứu về giới và phụ nữ rất phong phú và dày đặc, bổ xung cho nhau. Riêng về Thái lan, do các nghiên cứu bằng tiếng Anh khá hạn chế, nên trong khuôn khổ bài này khó phân tích được.

Phụ nữ Mỹ và phụ nữ Hàn đều có tỷ lệ học vấn cao so với thế giới, tuy nhiên việc tham gia vào công tác khoa học và công nghệ vẫn hạn chế. Cả hai nước vẫn đối mặt với sự bất bình đẳng giữa nam và nữ khá sâu trong xã hội.

Công nghệ thông tin và toàn cầu hóa mở ra các cơ hội vượt bậc cho phụ nữ để tiến tới sự bình đẳng thực sự trong công việc và xã hội. Các chính sách về nữ của các nước trên đếu cân nhắc các khía cạnh này.

VI. MỘT SỐ QUAN SÁT VỀ VAI TRÒ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM

Việt Nam có một lợi thế rất lớn: Vai trò của người phụ nữ và quyền bình đẳng nam nữ đã được xác lập từ khi Cách mạng tháng 8 thành công. Phụ nữ có các quyền ngang bằng với nam giới và giữ các vị trí quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó, so với các ví dụ của ba nước trên, Việt Nam có thể tiến hơn một bước.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền của người phụ nữ ở Việt Nam có sự khác biệt khá lớn giữa nông thôn và thành thị, và sự phân cách giữa các vùng còn khá lớn. Điều này là một thách thức lớn trong việc thực hiện các chính sách về giới và phụ nữ ở Việt Nam.

Việc thực hiện sự bình đẳng giới ở Việt Nam còn hạn chế, các luật chưa được thực thi đầy đủ trong thực tế. Nhiều công ty, nhiều ngành chỉ lấy cán bộ nam về làm, ngại lấy cán bộ nữ. Đây là rào cản lớn.

Phụ nữ Việt Nam hay nhường nhịn và né tránh các công tác xã hội. Đây cũng là một thiệt thòi lớn.

Nữ trí thức Việt Nam, làm ở các cơ quan có thẩm quyền, thường bị mờ nhạt bên cạnh các đồng nghiệp nam ngang hàng. Tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn còn khá sâu nặng ở gia đình cũng như nơi công sở.



Một vài kiến nghị nhỏ

  • Cho dù chúng ta đã có những chính sách chính ủng hộ và khuyến khích nữ giới, nhưng khi đi vào thực hiện đều vướng. Việc xây dựng chính sách của ta khá nhanh, nhưng do thiếu các nghiên cứu phân tích cơ bản, nên các biện pháp áp dụng không sắc nét, không mang tính hệ thống.

  • Công tác nghiên cứu về giới và phụ nữ còn nhiều khoảng lặng. Các nghiên cứu này thường nằm dưới các dự án do nước ngoài tài trợ. Và khi các dự án này kết thúc thì các hoạt động cũng dừng.

  • Việc xây dựng các chính sách còn bỏ qua nhiều bước căn bản. Hiện rất ít các nghiên cứu định lượng về phụ nữ. Các trung tâm nghiên cứu còn rời rạc và chưa thực sự đưa ra được các chương trình nghiên cứu dài hạn phục vụ mục đích làm chính sách hoặc ra quyết định.

  • Có lẽ ngoài các chương trình hiện đang có, việc ưu tiên cần làm là nhà nước nên có các chương trình nghiên cứu dài hạn mang tính định lượng về các chính sách nhằm phát huy các thế mạnh của phụ nữ trong việc tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Các chương trình nghiên cứu này phải được tài trợ bằng tiền ngân sách nhà nước và tập trung vào việc nâng cao vị thế thực sự của phụ nữ trí thức trong các ngành kinh tế dựa trên nền tảng tri thức.

  • Hiện nay ngoài một số trường đại học có các ngành xã hội, hầu như không có các trung tâm hoặc các viện nghiên cứu về phụ nữ trong các trường đại học. Nhà nước nên khuyến khích việc thành lập các trung tâm hoặc các viện nghiên cứu về phụ nữ trong các trường đại học.

  • Toàn cầu hoá và công nghệ thông tin là các công cụ giúp cho phụ nữ tiếp cận với các công nghệ mới nhất, kiến thức mới nhất, giúp cho khả năng cạnh tranh cao hơn, phát triển nhanh hơn. Các nghiên cứu về phụ nữ nên luôn cân nhắc các cơ hội mới mẻ này và cân nhắc những bước đi mang tính đón đầu.

  • Cần có các chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho phụ nữ nói chung và đặc biệt cho phụ nữ trí thức nói riêng. Internet và Google là các công cụ giúp phụ nữ thâm nhập vào nền tri thức thế giới và trong nước, giúp nâng cao năng lực của phụ nữ và mở mang tầm kiến thức.

  • Đô thị hoá và công nghiệp hoá sẽ thay đổi căn bản cách sống và nếp nghĩ của người Việt Nam. Có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều thuận lợi vì vậy nên có nhiều nghiên cứu giúp cho phụ nữ có thể thích ứng với các điều kiện mới, và làm chủ trong quá trình hội nhập nhằm mang lại lợi ích kinh tế và tinh thần.

  • Nữ trí thức chuyển thành doanh nhân khá nhiều, vì vậy cung cấp tư vấn và đào tạo giúp cho doanh nghiệp thành đạt là rất quan trọng.

Phụ nữ hiện nay đang đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước nhằm đưa đất nước Việt Nam tới phồn vinh và cạnh tranh trong thách thức của toàn cầu hoá. Hiện nay để tồn tại phụ nữ cần có các khả năng sau:

  • Khả năng cạnh tranh mang tính quốc tế

  • Khả năng hoàn thành công việc chuyên nghiêp

  • Khả năng chịu áp lực tốt hơn

  • Khả năng cập nhật thông tin

  • Tự tin vào bản thân

  • Biết quyết định

  • Khả năng quản lý tài chính của gia đình

  • Cần có nhiều nghiên cứu về khả năng của phụ nữ Việt Nam hiện nay, các thách thức và cơ hội, trên cơ sở đó tạo các chương trình học tập và giúp nâng cao được khả năng cạnh tranh của phụ nữ Việt Nam với phụ nữ các nước khác trên mọi lĩnh vực. Nhà nước nên có các quỹ nghiên cứu cụ thể về giới và phụ nữ mở rộng tài trợ cho các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, và các tổ chức phi chính phủ. Cần xây dựng nền tảng thông tin cần thiết đủ dày và sâu hỗ trợ cho các quyết định và biện pháp thực hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sunhwa Lee: Báo cáo về thể chế và chính sách về giới và phụ nữ Hàn Quốc, 2008, Hà Nội

  2. Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc: Báo cáo về sự phát triển của phụ nữ Hàn Quốc

  3. Ủy ban Quốc gia về sư tiến bộ của Phụ nữ Thái Lan: Hiện trạng về phụ nữ Thái Lan trong các tổ chức nhà nước và chính trị của Thái

  4. Nancy Hafkin: Nâng cao năng lực phụ nữ trong xã hội tri thức, nghiên cứu điển hình về Thái Lan

  5. Ủy ban Khoa học Quốc gia Mỹ: Chương trình nghiên cứu về sự chuyển đổi thể chế giúp cho sự tiến bộ của phụ nữ tham gia công tác khoa học

  6. Bách khoa toàn thư mạng google: Phụ nữ trong khoa học và công nghệ và lịch sử và vai trò phụ nữ Mỹ trong lực lượng lao động Mỹ






tải về 113.2 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương