Nội dung số này



tải về 3.08 Mb.
trang12/26
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích3.08 Mb.
#37643
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26

Sương Khói
Một ngày sương khói âm u
Lòng như tơ úa, rối bù tóc tiên
Một ngày giả bộ huyên thuyên
Nói cười giấu hết lụy phiền sau lưng
Bàn tay gõ nhịp lưng chừng
Buồn vui đem gửi mấy từng phù vân
Tiếc chi giây phút lạc lầm
Hồn hoang bướm gọi, u trầm hư vô
Nhớ thương con dốc ơ hờ
Cơn chiêm bao cũ, cơ hồ thực hư
Đàn nào buông khúc trầm tư?
Biết đâu chiếc bóng thiên thu lại về


Một ngày đếm giọt pha lê
Mà nghe cơn bão, bộn bề rót qua...
Ơ hay, sao hỡi lòng ta?

SƯƠNG MAI




VÀI Ý NGHĨ NHỎ VỀ CHỮ DŨNG


Tâm Minh
(Mến tặng Anh Chị Em Áo Lam)



Châm ngôn của Gia Đình Phật Tử là Bi Trí Dũng. Hai chữ Bi và Trí rất thường được đề cập đến dưới dạng Từ Bi và Trí Tuệ, trong Kinh hay trong những bài viết về tu học, còn chữ Dũng ít được nhắc đến. Ngoài ra, cái Dũng của Thánh nhân, cái Dũng của phàm phu, cái Dũng của Bồ tát… thật là nhiều sắc thái mà sự hiểu biết của mình thì quá hạn hẹp nên ở đây chỉ xin đề cập đến cái Dũng của người Phật tử mà thôi!

Cái đức Dũng siêu phàm của chàng thanh niên Thái tử Tất Đạt Đa đã khước từ vương vị, quyền uy, hạnh phúc lứa đôi ở tuổi đời thơ mộng nhất ngọt ngào nhất với vợ đẹp con thơ - đặc biệt là lần đầu tiên được làm cha, mà ngài coi đó là “sự ràng buộc” (1) là cái Dũng vượt ngoài thế gian, chúng ta khó theo kịp, chúng ta chỉ quì phía dưới, bái lạy, chiêm ngưỡng.

Cái Dũng mà chúng ta đề cập đến đây là bài học rút ra từ cuộc đời đức Phật: làm thế nào để có được lòng hy sinh cao độ, ý chí sắt đá… nghĩa là từ chiêm nghiệm đến tu tập, chúng ta phải thực hành đức Dũng của người Phật tử như thế nào, áp dụng vào cuộc sống ra sao… vì đối với người Phật tử chúng ta, học Phật tức là thực hành những lời Phật dạy qua kinh điển hay qua chính bản thân đấng Giác Ngộ.

Trước hết, cái Dũng của người Phật Tử chỉ có thể được nuôi dưỡng bằng Chánh niệm; mất Chánh niệm, ta không thể thực hành một cách hữu hiệu bất cứ một đức tính nào. Vì vậy, chúng ta phải thuờng xuyên tưới tẩm Tâm mình bằng những hạt giống Chánh Niệm Tỉnh thức, nói nôm na, là bất cứ trong hoàn cảnh nào, chúng ta luôn ý thức được mình đang làm gì, nói gì, nghĩ gì… đừng bao giờ say sưa, không chỉ say rượu, say tình, say ăn chơi phóng túng mà ngay cả say nói, say giảng, say “mơ tưởng bao la vũ trụ” cũng không nên, vì tất cả mọi thứ say đều là nguyên nhân của thất niệm (2).

Tiếp theo, muốn nuôi dưỡng và phát triển chánh niệm, chúng ta cần phải Kiên nhẫn nghĩa là không nôn nóng, bồn chồn, hấp tấp, bất an, nóng nảy… Kiên nhẫn gíup chúng ta nhìn rõ Lý Duyên Khởi của đạo Phật: “Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt..” Nói nôm na, bất cứ cái gì xảy ra cũng đều có nguyên nhân của nó. Người Phật tử không nóng giận bực tức khi nghe ai đó nói xấu mình, thậm chí vu oan cho mình, nói xấu đơn vị mình, nói xấu tổ chức mình, xúc phạm Thầy Tổ mình… mà phải bình tâm nhìn sâu vào sự việc để tìm ra những nguyên nhân gần, xa . Chính nhờ sự bình tĩnh quán chiếu này chúng ta có thể tìm ra được nguyên nhân sâu xa và phương pháp đối trị cũng như còn có thể rút ra được những bài học rất hay nữa . Chúng ta có cơ hội thực tập hạnh nhẫn nhục để nhìn sâu vào chính mình, soi rọi lại bản thân mình, đoàn thể mình, v.v…

Gương sáng của hạnh nhẫn nhục trong thời đại chúng ta là đức Đạt lai Lạt ma 14 của Tây tạng: chúng ta đều biết rằng đất nước của ngài bị Trung Hoa xâm chiếm và cai trị tàn bạo, ác độc như thế nào nhung tại sao ngài không thù ghét người Trung Hoa? Ngài trả lời với báo chí rằng: “Người Trung Hoa đã cướp đi hết những gì chúng tôi có, không lẽ tôi lại để cho họ lấy luôn sự an lạc của mình hay sao?”

Rõ ràng, đức kiên nhẫn đem lại cho ta sự an lạc nội tâm và một lòng khoan dung vô hạn vậy. Về phần mình, chúng ta đã thực sự tu hạnh này chưa? - Thưa chưa! Vì chỉ cần nghe ai nói động đến mình một chút là nổi “tam bành lục tặc” lên ngay, còn khi nghe ai khen anh A, chị B… mà thiếu tên mình thì cảm thấy chạm lòng tự ái liền, nổi tâm đố kỵ lên rồi tìm cách đánh phá, nói xấu, bôi nhọ… giống như người chưa bao giờ biết đến Lục Hòa, Tứ nhiếp v.v... mặc dù hằng tháng vẫn siêng năng đi thọ bát quan trai, hằng tuần vẫn đến chùa lễ Phật nghe chư Tăng Ni giảng Pháp… Chúng ta hãy thực tập đức tính này qua thiền tập: dừng lại mọi hoạt động, ngồi xuống hít thở và quan sát hơi thở, quan sát cơn giận, sự bất an trong tâm ta khi chúng khởi lên, lắng nghe chúng một cách cẩn trọng. Việc này không tốn nhiều thời gian mà kết quả rất lợi lạc, giúp ta thư giãn, ra khỏi bối rối, phiền não, căng thẳng, một cách nhanh chóng.

Một yếu tố quan trọng không kém để rèn luyện đức Dũng là sự Buông Bỏ. Buông bỏ không chỉ những gì nắm giữ trong tay chúng ta mà còn phải buông bỏ những gì vướng mắc trong Tâm chúng ta vì sự nắm giữ trong Tâm là đầu mối của kỳ thị, cố chấp, thành kiến v.v... là những biểu hiện của Tâm phân biệt, ưa-ghét, lấy-bỏ , là tự giam giữ mình trong ngục tù của những tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, ích kỷ; chính cái tâm này là gốc rễ của mọi sự trì trệ, lạc hậu, ngăn cản mọi sự tiến hoá tâm linh. Buông bỏ là chấp nhận sự có mặt của mọi sự vật, hiện tượng như-chúng-là (as-they-are) không phê phán, không bám víu cũng không xua đuổi. Sự buông bỏ có công dụng to lớn là làm Tâm chúng ta trong sáng cũng như đem lại cho Tâm nguồn năng lượng chữa trị trạng thái bất an, sợ hãi và phiền não. Thực tập buông bỏ ta sẽ cảm nhận một cách rõ ràng rằng: khi buông bỏ được một cái gì mà mình từng yêu thích, từng bám víu, thì ta sẽ nhận được một niềm an lạc sâu xa hơn trước rất nhiều. Nói cách khác, cùng với một sự mất mát nhỏ, chúng ta được một sự lợi lạc lớn!!

Như trên đã nói, chúng ta chưa thực sự tu vì chưa buông bỏ được “sự sùng bái cái Tôi” của mình—danh từ nhà Phật gọi là ngã chấp. Ngã chấp đi liền với đố kỵ nghĩa là tâm ganh ghét khi thấy người ta hơn mình. Để thực tập buông bỏ hai tật xấu làm Tâm ô nhiễm này, chúng ta có thể thực hành hạnh Lắng nghe và hạnh Hoan hỷ: hoan hỷ lắng nghe tiếng vỗ tay dành cho người khác; lắng nghe những tiếng nói thầm kín từ nội tâm ta, lắng nghe những ý kiến, những tâm tư tình cảm của bạn bè... để chia sẻ, thông cảm, và học tập. Hoan hỷ lắng nghe tiếng vỗ tay dành cho người khác để đối trị tánh đố kỵ, để niềm vui được nhân lên và để phát triển tâm khiêm cung, tâm bao dung rất cần thiết cho đức Dũng của người Phật tử.

Yếu tố thứ ba của đức Dũng là không phê phán, xa rời thị phi. Thật vậy, khi thực hành được “Oan Ức không cần biện bạch” tức là chúng ta đã tiến bộ rất nhiều trên con đường xa rời thị phi rồi! Thực tế, chúng ta còn yếu lắm: Tâm chúng ta luôn luôn lăng xăng, huyên náo, không bao giờ dừng nghỉ với những tư tưởng đánh giá, so sánh, “cho điểm” về những đúng sai, hay dở, phải trái... của mình và của thiên hạ. Thậm chí những lúc ngồi một mình yên tĩnh, sự huyên náo ấy càng rõ ràng hơn, những tiếng nói khen chê chính mình hay những người quanh mình lại nổi lên rõ rệt, cụ thể như: mình đã tốt chưa? Mình có giỏi hơn anh A, chị B không? mình có tinh tấn bằng anh Z được thầy khen chưa? chị Y nói như vậy có nghĩa gì? có phải ám chỉ mình không? Cô C có phải nói mình keo kiệt không? còn anh D nữa, người gì đâu mà khó chịu quá, cứ chỉnh mình hoài, có phải ganh tị với mình không đây? v.v... và v.v... Những lăng xăng này là do những tâm ưa ghét, sợ hãi, đố kỵ, bất an… sinh ra, đó quả thật là những độc tố cần phải loại ra khỏi Tâm mình. Nếu ta nuôi dưỡng và dung túng chúng, chúng sẽ chế ngự và gây áp lực phiền não càng ngày càng nhiều. Trái lại, nếu chúng ta tập thói quen không phê phán, thì những tư tưởng này sẽ đến và ra đi nhẹ nhàng, như những đám mây trên bầu trời, trả lại cho chúng ta bầu trời Tâm yên tĩnh.

Thực tập hạnh này, ta chỉ quán sát sự sinh khởi của những tâm này một cách bình thản, không phê phán, nghĩa là không vui mừng với sự móng khởi của những tâm cao thưọng hay buồn rầu, lo lắng…với sự sinh khởi những tâm xấu xa đê tiện…Nói tóm lại, chúng ta chỉ nhân diện chúng với tâm bình thản, không vui buồn, tự trách hay tự hào gì cả. Thực tập thường xuyên như vậy, chúng ta sẽ luyện được một cái tâm bình đẳng, không phân biệt, một cái nhìn vô tư trong sáng và từ đó sự thật về sự vật, về con người và về chính bản thân mình hiện ra rất rõ ràng .

Đức Phật thường dạy : “ Nước nóng hay lạnh ai có uống thì tự biết.” Sự thực tập cũng vậy, ai có làm tự thấy tác dụng và diệu dụng của nó. Thật vậy, nhìn thẳng vào tâm mình, đọc được nó và lắng nghe nó là điều rất quan trọng và thích thú. Ta mới thấy lời dạy của Lục Tổ quả là chí lý : “Đừng thấy lỗi người chỉ thấy lỗi mình.” Tâm chúng ta hình như sáng hơn, Trí chúng ta bền hơn, và những bước chân trở về với bản Tâm thanh tịnh vững chãi hơn.

Trau giồi đức Dũng là một công việc trong âm thầm, không có tiếng vang, không được khen thưởng nhưng vô cùng cơ bản và quan trọng vì đó là chìa khóa để mở cánh cửa “Chiến Thắng Chính Mình” tiến về phía giải thoát khỏi phiền não khổ đau. Tất nhiên đây là một công việc hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta sự nỗ lực, tinh cần mới có thể thực hiện lời dạy của đức Thế Tôn: “Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.”

_________________




  1. Tên con trai của Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhatta) và Công chúa Da Du Đà La (Yashodhara) là La Hầu La (Rahula) có nghĩa là sự ràng buộc.

  2. Thất niệm là trái nghĩa với chánh niệm.


Thơ
VÀNH KHUYÊN



Ước Một Ngày Xưa
Em vẫn ước có lại một ngày xưa
Khi bước vào nhà
Đã thấy anh nằm trên chiếc ghế quen thuộc


coi tin tức
Những ngày xưa
Còn trong tâm trí em quá thực
Em nhớ anh, nhớ anh
Nhớ quá đến không ngờ


Muốn được anh chọc
Cho em quá ngu ngơ
Khi em hỏi anh cầu Ô Thước là cầu gì anh hả
Là cầu nối liền hai bờ bởi những con quạ đen
Em cứ tưởng tượng như anh tả
Giờ em biết hỏi ai
Những điều đơn giản vô cùng


Nghe em hỏi
Anh lúc nào cũng ung dung
Nghĩ em ghẹo anh
Không, em không biết thật đó
Rồi cả những gì em không rõ
Dù đang chiếu trên ti vi hẳn hòi
Em vẫn hỏi anh, vẫn hỏi anh mãi thôi
Vì sao anh ơi
Em muốn nghe anh nói.


Những chiều cùng nhau
Em thèm cắt trái cây mời anh đến thế
Đưa anh tận tay
Lóng ngóng chờ anh cắn miếng cuối cùng
Để chạy lại đưa anh thêm miếng nữa
Được chăm sóc cho anh
Cả cuộc đời là điều em vẫn hứa
Sao bây giờ
Chỉ quanh quẩn một mình em .


Em cất tất cả hình
Chẳng dám dở ra xem
Cả những thiệp sinh nhật anh viết trong đó 
Nói em là người anh thương nhất
Em vừa đọc vừa đau, một nỗi đau rất thật
Nước mắt em rơi khi nhận ra
Không còn có anh cuộc đời này .


Anh ơi kỷ niệm nào vẫn quanh đây
Anh bình an nơi cuối trời anh nhé .

Vô Đề
Hạnh phúc sợ tôi chẳng đến gần
Tôi mong hạnh phúc đến phân vân
Cuộc đời nay có, mai không có
Lúc nào đau khổ mới dừng chân


Hạnh phúc trong tay ném lên trời
Ngửa mặt nuối tiếc "hạnh phúc ơi!"
Con người làm lắm điều vô lý
Có khóc được gì, "nước mắt vơi!"


Say trong những thói đời hư ảo
Sống như không sống thật lao đao
Tối đến thẫn thờ ngồi cười nhạt
Vẫn mong hạnh phúc đến biết bao.


Chiều
Sáng đi hớn hở chờ về
Chiều xuống bỗng thấy tái tê cõi lòng
Ngày yên lành đó còn không
Thời an ấm ấy chẳng trông đợi mình
Kiếm làm mấy chuyện linh tinh
Nhớ anh như thể lúc tình còn đây
Chiều xuống cái nóng hây hây
Mắt khô bỗng ướt màu mây đổi rồi
Tôi về khép lại tình tôi
Chiều vui bỗng lạnh qua rồi ngày xưa .





TỪ GIẤC MƠ TRƯỜNG SƠN

ĐẾN PHƯƠNG TRỜI VIỄN MỘNG

MỘT TRÁI TIM, MỘT TẤM LÒNG


T.K. Thiện Hữu


Thiền sư Tuệ Sỹ được cuộc đời trao tặng không biết bao nhiêu danh ngôn và mỹ từ. Đối với các tổ chức đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, Tuệ Sỹ là một trong những nhà đấu tranh gan dạ, kiên cường bền bỉ, lâu dài nhất. Đối với các tổ chức đấu tranh tự do tôn giáo, Tuệ Sỹ là một trong những nhà sư Phật giáo chịu nhiều thiệt thòi nhất và thời gian trong vòng lao lý đã chiếm hơn một phần ba quãng đời của bậc chân tu. Đối với các tổ chức đấu tranh tự do ngôn luận, tự do báo chí, Tuệ Sỹ là một trong những nhà văn, nhà thơ có đủ hùng tâm, hùng lực, dám nói lên sự thật, dám đóng góp thẳng thắn với xã hội đương thời. Đối với sự nghiệp nghiên cứu giáo dục Phật học, Tuệ Sỹ là một trong những cây đại thụ thức giả của đạo Phật và là một tu sĩ thời đại, có nếp sống đạo đức đơn giản nhưng thánh thiện, nghiêm nghị nhưng từ bi thanh thoát. Đối với sự nghiệp ‘đức lưu tứ hải’ Tuệ Sỹ là bậc chân tu, gương mẫu, vun bồi cho rừng xanh đạo đức dân tộc nói chung, đạo đức Phật giáo nói riêng nhiều cỏ cây hiếm quí. Có thể nói, khi nhắc đến Tuệ Sỹ, thì cuộc đời đã phải dành riêng cho vị chân tu này một vị trí xứng đáng, tương thích với những đóng góp của Thầy.

Trong bài viết này, người viết không đi sâu vào những lĩnh vực vừa nêu, mà chỉ tìm hiểu đôi chút về nội dung, tư tưởng Giấc Mơ Trường Sơn của Tuệ Sỹ—một thi phẩm đã được nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần thứ I tại Paris và San Jose đầu Thu năm 2002.

Tuy tròn 5 năm tuổi, nhưng Giấc Mơ Trường Sơn lại được bao giới đọc giả đón nhận nồng hậu bằng nhiều thể thái, cách nhìn riêng biệt. Một số nhà Phật học, phê bình văn học đã nhận định, đánh giá rất nghiêm túc về nội dung, tư tưởng của thi phẩm. Một số nhạc sĩ đó đây, đã sử dụng tài năng vốn có, đã cho những dòng cảm quan tương thích của mình hoà quyện với dòng cảm xúc của thi sĩ, biến thành những nhạc phẩm tuyệt vời, mang âm vị thiền học, đạo học siêu xuất, để đóng góp cho cuộc đời. Có nhiều ca sĩ hay nghệ sĩ ngâm thơ, đã đưa những âm thanh vi diệu của mình vào Giấc Mơ Trường Sơn, biến thành những âm điệu ngọt ngào của tiếng ca hiện thực, hay câu hò đầy ắp tình người. Như vậy, chính những đóng góp hi hiếm này, đã góp phần không nhỏ vào vườn hoa văn học Việt nam, để trổ thêm những đoá hoa thơm ngát. Chính những đóng góp hữu ích này, đã vun đắp cho mảnh vườn Thiền ca Phật giáo vốn hiếm những đoá hoa kỳ bí, nay lại bất ngờ, xuất hiện những đoá hoa cao khiết.

Mặc khác, khi thưởng thức Giấc Mơ Trường Sơn, người đọc không những thấy được thể thơ lục bát truyền thống, lại còn nếm được những thể thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ hay nhiều chữ. Tuy thể loại và cách trình bày khác biệt, nhưng cùng một dòng chảy tâm thức ngọt ngào, cùng một trái tim trung trinh yêu thương, cùng một tấm lòng thiết tha với quê hương dân tộc, với tha nhân của người thơ.

Có những áng thơ còn phảng phất hương thơm của Thiền học siêu thế Trung quốc, hay tinh thần Thiền học xuất thế Lý-Trần. Có những bài mang âm hưởng cao ngất của Cao Bá Quát hay chút hương vị thơm dịu nhẹ nhàng của Tản Đà, Nguyễn Khuyến. Có những bài thiết tha, tự nhiên như hơi thở Nguyễn Du, Nguyễn Trãi… Nhưng tất cả đều mời gọi, hy hiến, dấn thân và riêng biệt rõ ràng. Chính nét riêng biệt, chính tố chất đậm đà này, đã làm cho thơ của Tuệ Sỹ nói chung và Giấc Mơ Trường Sơn nói riêng rất gần với âm thanh, âm điệu của âm nhạc.
Khi đọc toàn bộ thi tập, người đọc thấy rất rõ thi tài của Tuệ Sỹ. Tác giả đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ trần gian để nói lên những sự thật của cuộc đời, đã mang trái tim thiết tha của mình để mời gọi mọi người hãy thương yêu nhau, vì nhau chung tay xây đắp một Việt nam tươi sáng hạnh phúc.

Xuyên suốt Giấc Mơ Trường Sơn, người đọc không những thấy được giấc mơ tuyệt vời dựa trên tính nhân bản và tinh thần Bồ tát dấn thân phục vụ tha nhân không mệt mỏi của tác giả, mà còn thấy rõ ánh sáng trí tuệ bạt ngàn, thiết tha mời gọi mọi thành phần xã hội hãy lên đường, chung tay tô thắm cuộc đời.



.…………………

Quân hành đập nát tà dương

Khúc ca du tử bẽ bàng trên môi

Tình chung không trả thù người

Khuất thân cho trọn một đời luân lưu

(Một Bóng Trăng Gầy-trang 26)


Dưới bóng nhật nguyệt khi tròn khi khuyết, khi vơi khi đầy nơi miền Nha Trang cát trắng, người thơ vẫn tiếp tục cất bước lên đường, vẫn biết rằng, đường đời còn lắm đau thương, khúc quân hành gió bụi mù sương khi tỏ khi mờ luôn bẽ bàng trên thân người du tử. Nhưng, người thơ vẫn mạnh dạn cất bước quân hành, vượt lên mọi chông gai thử thách, thẳng tay đập nát ánh tà dương, để thênh thang đi trong đường dơ cát bụi cuộc đời. Tuệ Sỹ đang ung dung dạo khúc quân hành giống như đang độc lộ Thiền hành. Mạnh dạn dấn thân, cất bước du tăng, hoan hỷ hy sinh những thương đau mất mát của cá thể nhỏ bé, chấp nhận một cuộc đời luân lưu tầm thường, để trở thành chàng du tử, tâm hồn cao khiết, hướng tới phương trời viễn mộng, không một bợn dơ ích kỷ hận thù.

Người thơ không hận thù một cá nhân, học thuyết, chủ nghĩa nào, hay trả thù bất cứ một ai, dù trong cuộc đời tu sĩ, Tuệ Sỹ đã bị không ít người hãm hại. Trái lại, Tuệ Sỹ còn dám tuyên thệ ‘khuất thân cho trọn một đời luân lưu’, vì ‘tình chung không trả thù người’, một đời khuất thân cho trọn số kiếp bẽ bàng, hiện đời khuất thân trước những mất mát tang thương của dân tộc, trước những thất vọng của đời sống.

Thoáng nhìn bề ngoài, ta cứ tưởng Tuệ Sỹ rất đau khổ và khắc khổ. Nhưng, có lẽ, cũng chính những nét đậm nhạt khổ đau của cuộc đời đã trao ban cho Tuệ Sỹ, đã cho người thơ có một tâm hồn cao khiết, một tinh thần phóng khoáng dấn thân, vì hạnh phúc an lạc cho tha nhân, luôn hân hoan đón nhận những ê chề của cuộc đời, đón nhận mà không một lời than van hay oán trách. Điều này đã phần nào nói lên trái tim sôi nổi nhiệt thành. Lúc nào cũng hy sinh sự sống của mình cho nhân loại, sống ngẩng đầu không yếu hèn trước mọi thế lực, sống gan dạ anh hùng trước mọi bão tố phong ba. Trước phong ba bão tố cuộc đời, Tuệ Sỹ làm một cuộc ‘khuất thân’ như sự hoá thân của Bồ tát Quán Thế Âm. Sự khuất thân này, tưởng chừng như đã biến Tuệ Sỹ thành một hòn sỏi nhỏ, một chiếc lá nhỏ, một giọt sương buổi sáng hay một phiến đá bên đường vô dụng, vô bổ. Nhưng, sự khuất thân này lại là sự khuất thân sâu thẳm, mang đầy hơi thở của Từ bi, mang đầy ánh sáng trí tuệ, chiếu sáng lên tận cõi trời Tam thiên, hay địa ngục A tỳ, để rồi, vọng thành tiếng nói của người đạt đạo, cứu đời.

Tiếng nói ngọt ngào thiết tha của Tuệ Sỹ có lúc tưởng chừng như tắt nghẹn, nhưng, luôn sẵn lòng ban trao đến mọi người sự sống tình thương. Sự sống không phải chỉ vỏn vẹn nơi ngôi cổ tự mang nét rêu phong, hay trong bài Tâm kinh bát nhã chân không, mà sự sống, đối với Tuệ Sỹ, luôn hiện hữu trong hơi thở của con người, dưới cảnh chợ đời ồn náo, pha chút hương vị đắng cay, hay thậm chí, dưới chân đồi, bên luống cải:


.……………………….

Chân đồi xanh luống cải

Đời ta xanh viễn phương

Sống chết một câu hỏi

Sinh nhai lỡ độ đường

(Luống Cải Chân Đồi-trang 28)


Sống chết là một qui luật của cuộc đời, tất yếu con người phải đi qua. Nhưng, trên cuộc lữ hành viễn phương, Thiền sư Thi sĩ vẫn thấy cuộc đời tươi đẹp, diễm kiều, trong xanh.

Cuộc sống luôn tươi mát như sự xanh tươi của luống cải dưới chân đồi. Cuộc sống luôn rạng ngời bởi tấm lòng vị tha của Bồ tát hiến thân phục vụ. Tuệ Sỹ luôn nở trên môi nụ cười rạng rỡ, nụ cười tin yêu sâu xa vào tương lai Việt nam, tương lai nhân loại tươi sáng, huy hoàng hơn kiếp sống hiện tại. Nụ cười của tác giả không phải là nụ cười của bang giao quốc tế, không phải nụ cười của xã giao, càng không phải nụ cười có tính toán. Nụ cười của Tuệ Sỹ đã vượt lên trên khái niệm không và thời gian, không giữa ban ngày nóng cháy cũng không giữa đêm khuya bên ngọn nến tàn canh:


………………………………….

Ta sống lại trên môi cười rạng rỡ

Để nhìn sâu trong ngọn nến tàn canh

(Nhìn Ngọn Nến Khuya-trang 38)


Tuệ Sỹ ngồi nhìn ngọn nến thật sâu, nhìn rồi nở nụ cười hàm tiếu. Không phải chỉ một mình ngồi trong cô đơn, mà Tuệ Sỹ đã ngồi với vạn loại chúng sanh. Không phải ngồi với tư thế kiết già hay bán già, mà chỉ ngồi vai sát vai, tựa đầu nhau, nắm tay nhau xây dựng tình thương, ban trải tình người. Ngồi thiên thu chứ không phải chỉ trong một khoảng khắc vô thường. Ngồi để những tị hiềm thương ghét, mọi lo toan tính toán, mọi ích kỷ nhỏ nhoi trong kiếp sống thăng trầm, trong đau thương dâu bể này rơi rụng dưới ngọn nến tàn canh.

Nói khác hơn, Giấc Mơ Trường Sơn không phải là một giấc mơ tầm thường, mà là một sự hoá thân, sự hội nhập Ta bà tuyệt vời nhất, thành công nhất của người thơ. Tuệ Sỹ thật sự hoá thân để trở thành vô lượng thân, hay pháp thân. Hoá thân để thấy trong cuộc sống sinh tử luân hồi, trong cuộc đời đảo điên hơn thua, tìm ra một nẻo đi về với một lời nguyện ước tha thiết. Hoá thân để hai tay dâng trọn vẹn tình yêu cho tổ quốc, nhân quần, cho chúng sanh vạn loại, thì sự hoá thân này là một khám phá vĩ đại, vượt lên mọi hoá trang tầm thường của một số người.

Khi tiểu ngã đã không còn hiện hữu trong tâm hồn, thì cũng chính tiểu ngã nhỏ bé này sẽ hoá thành đại ngã mênh mông, hoà lẫn vào vũ trụ siêu cùng, để trong ánh sáng bình minh của lịch sử nhân loại, Tuệ Sỹ quyết định xuống núi, ngao du trong miền sơn thuỷ giữa bóng tối và ác mộng:
…………………

Bình minh sư xuống núi

Khoé mắt còn rưng rưng

Vì sư yêu bóng tối

Ác mộng giữa đường rừng

(Hạ Sơn-trang 54)


Người thơ quyết định hạ sơn không chỉ giữa cuộc đời vô thường, mà giữa những ác mộng, ác tâm từ cuộc đời. Đối với tác giả, khắp trần gian này, không chỉ có ánh sáng của bình minh chân lý, mà còn có bóng tối của tội lỗi âm mưu. Nhưng dù gì đi nữa, đối với Tuệ Sỹ, trong thế giới nhị nguyên đối đãi, hơn thua, phải quấy, Thiền sư lại tự mình thanh thoát trong từng ý niệm, trong từng tư tưởng, đặc biệt là trong giây phút hạ sơn. Người đã hoá nhập vào một thế giới đa cực nhiều sắc màu của giận hờn, ganh ghét, oán thù chất chồng, nhân-ngã phân ly, nhưng không bị những điều đó làm cáu bẩn tâm hồn. Chính lúc hạ sơn, giữa buổi bình minh chân lý, Tuệ Sỹ đã vẽ lên một phương trời viễn mộng, trong tiếng tí tách của giọt mưa đầu nguồn, đưa nước yêu thương trở về sự sống. Hành động quyết tâm xuống núi này là cả một đại hùng đại lực của bậc đại sĩ. Xuống núi để nhận lãnh trách nhiệm thiên thu, xuống núi để mạnh dạn bước những bước chân siêu thế, xuống núi để mang vạn niềm tin đến cho mọi người, thì sự xuống núi quả là ngày trở về, quả là cất bước trên một Phương Trời Viễn Mộng:

………………………………….



Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc

Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao

Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc

Một lần đi là vĩnh viễn con tàu

Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng

Mắt lưng chừng trong giọt máu phiêu lưu

(Cánh Chim Trời-trang 12)


Trong một hoá thân khác, Tuệ Sỹ tung mình như cánh đại bàng lướt gió Đông. Đại bàng lướt đi trong đêm khuya còn lạnh hơi sương tình người và đủ đầy những cơn gió lốc của cuộc đời. Hơn nữa, đối với cánh đại bàng Tuệ Sỹ, thì sự tung mình này chẳng phải vĩnh viễn, mà nhất định phải có một phút khải hoàn.
Với Phương Trời Viễn Mộng, người thơ cất lên tiếng nói quả quyết, dứt khoát mà không một chút phẫn nộ. Dứt khoát nhưng vẫn chứa chan tình thương yêu, quả quyết nhưng vẫn chân thành mời gọi mọi người đóng góp xây dựng cuộc đời. Xây dựng, đóng góp cho một Việt Nam thật sự ấm no hạnh phúc là việc làm rất cần thiết trong mọi thời đại. Giữa cái cũ và cái mới, giữa một phương trời bao la và một thế gian chật hẹp, Thiền sư bỗng giật mình tự thấy mình đã trở thành kẻ du thủ tự bao giờ:
. ………………………..

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Cười với nắng một ngày sao chóng thế

Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng…

(Khung Trời Cũ-trang 15)


Trong đêm khuya thanh vắng, người thơ thắp đèn kể chuyện trăng tàn, xung quanh đá núi toát ra khí lạnh tột cùng, giống như sự giá băng của lòng người và của cuộc đời. Đâu đây, người thơ cố gắng lắng nghe sự êm đềm của biển. Khi tâm thức lặng yên tuyệt đối mới có thể tận mặt nhìn thấy đỉnh đá và hạt muối giao hoà muôn đời, tạo ra nét lung linh diệu kỳ, lấp lánh hơn cả ngàn ánh trăng tròn, vượt thoát mọi kiếp âm u từ cuộc đời. Để rồi, Thiền sư vui cười với ánh nắng lung linh, với cỏ cây xanh tốt, với mùa đông, mùa hạ và tất cả bốn mùa của qui luật tuần hoàn. Chính nụ cười này đã như một điểm kết tập, phản chiếu, toả sáng vào vũ trụ một khung trời, tuy cũ đối với thiên thu mầu nhiệm, nhưng hoàn toàn mới trinh nguyên thơm ngát mênh mông.
Trong triệu phần nhỏ của một sát na, Tuệ Sỹ hoá thân làm người du thủ, cất cao tiếng hát của đời sống, mở bày muôn vạn tấm lòng chân thật vì người. Thiền sư đã dựng lại những gì đổ nát, đã ban trao cho cuộc đời một lối về của tình thương yêu vô biên và đã sống xứng danh trong cuộc sinh tồn, dầu đường đời có trăm ngàn cám dỗ. Trở về như những gì đã hứa hẹn với lương thức có mặt từ nghìn xưa.
Rồi sau đêm khuya tăm tối của cuộc đời, ánh nắng sớm tinh sương nơi bức tường rong rêu bạc màu và nhánh trúc gầy ngã bóng, cũng phải thoát kiếp trở về trong nhất niệm, trong tĩnh mặc thường hằng. Một sát na tĩnh mặc đã làm cho tơ nhện buông xuôi, không còn dính dấp đến cuộc hồng trần:
Nắng sớm in tường bạc

Trúc gầy ngã bóng xanh

Tâm tư lắng tĩnh mặc

Tơ nhện buông xuôi cành…

(Trúc Và Nhện-trang 58)


Tâm tư lắng đọng hoàn toàn trong cuộc đời ồn áo náo nhiệt này là nhất tâm trong thiền định, là trở về trong vô niệm để ‘tơ nhện buông xuôi cành’.

Những tơ nhện của vô minh, tham lam, sân hận, tự kiêu, bản ngã luôn giăng bắt, bám chặt con người, làm cho con người lắm lúc dễ phai nhạt với những phẩm giá đạo đức tuyệt vời đang tiềm ẩn bên trong.

Khi tơ nhện không còn nằm trong tâm tư con người, thì thời gian cũng sẽ phải cúi đầu chào thua, bước những bước đi khập khễnh. Khi những xấu xa của ích kỷ tỵ hiềm rơi rụng, thì những bụi phấn của cuộc đời cũng lã chã nhẹ rơi. Tất cả những tâm sự ngổn ngang của độc tôn xâm chiếm, hẹp hòi sẽ không còn lối thoát, không có chỗ dung thân:
Thời gian đi khập khễnh

Để rụng phấn rơi hồng

Tơ nắng dài tâm sự

Bồi hồi mộng vẫn không

(Bồi Hồi,trang 65)


Thời gian đối với Thiền sư thi sĩ trở thành những bước chân khập khễnh trong cuộc sinh tử vô thường. Chính những bước chân khập khễnh này đã làm cho những phấn hoa của cuộc đời rơi rụng. Nhưng, dù gì đi chăng, trong mọi thể thái biến đổi sắc không của cuộc đời, Giấc Mơ Trường Sơn cũng vẫn là giấc mộng đẹp. Dầu Phương Trời Viễn Mộng có trở thành không tưởng, trở thành quá khứ đi chăng, nhưng, tấm chân tình tha thiết và trái tim trinh thành của người thơ sẽ biến thành dấu chỉ, đưa con người xích lại gần nhau, dìu nhân gian bên ngọn lửa bập bùng chiếu sáng của chân lý tình người. Chính phấn hoa yêu thương, tha thứ, hiểu biết sẽ làm cho con người tươi vui hơn, nhân vị hơn và cuộc đời đầy đủ ý nghĩa hơn.

Tóm lại, Tuệ Sỹ đã phác hoạ một Giấc Mơ Trường Sơn, đã trao người đọc bức tranh Viễn Mộng vừa thơ mộng, vừa hiện thực. Giấc Mơ này không chỉ là giấc mơ cho tương lai, mà là sự nối kết mầu nhiệm, khéo léo của quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong đó, tình thương yêu nhân loại, trái tim thiết tha hiến dâng cho tổ quốc được tác giả nhân rộng không biên độ. Trong đó, lòng nhân ái giữa cá nhân với tha nhân, giữa cộng đồng khép kín đến một cộng đồng mênh mông bao la, được dàn trải như những cánh đồng xanh ngút ngàn. Trong đó, sự sống và sự chết đều khắng khít nhau để trở thành niềm hạnh phúc bất phân ly của chính tác giả và trái tim những kẻ yêu thơ.

Hơn thế nữa, Thiền sư thi sĩ còn cho đọc giả xa gần thấy được những xẻ chia trong đời sống của kẻ dấn thân du thủ. Luôn lấy trăng sao và khó khăn làm bạn, luôn lấy những đoạ đày, lao lý làm nhựa sống để vươn lên, để vun bồi đời sống tâm linh đạo đức những nét đẹp tuyệt vời của kiếp người. Vì vậy, hãy đọc trọn vẹn Giấc Mơ Trường Sơn, ta sẽ thấy, Thiền sư thi sĩ không những chỉ ban trao nhiều nét đẹp trong sáng tuyệt vời, mà đọc giả còn có cơ hội thưởng thức nhiều áng thơ bất hủ, lóng ánh như những giọt sương trước khoảnh khắc của bình minh.
Ngoài ra, Giấc Mơ Trường Sơn nơi cõi Ta bà của Tuệ Sỹ còn khéo léo đưa đọc giả trở về với cõi Cực lạc hiện tiền. Nơi đây, tiếng Ca Lăng Tần Già, Cọng Mạng hót líu lo vào những lúc an bình của tạo vật. Tiếng suối chảy róc rách từ mạch nguồn Linh Sơn Ấn Độ năm nào vẫn còn tiếp tục chảy nhẹ đến dòng Tào Khê Trung Hoa xa xưa. Tất cả những pháp âm vi diệu này, đã thay thế Đức Thích Ca Mâu Ni, ban lời pháp nhũ và đã khiến cho tâm hồn những đứa con lưu lạc trở về suối nguồn của tình thương và tỉnh thức. Tự nhận ra những thiết tha thương yêu, tha thứ, rộng mở con tim, luôn vĩnh hằng, luôn ngự trị nơi cõi lòng mọi người. Rồi chính trong cõi lòng mọi người, những nụ cười trinh nguyên thoát tục của ngàn vạn đoá hoa tâm, đang ươm mầm trả lại cuộc đời.
Cũng trong Giấc Mơ Trường Sơn, tiếng va chạm của núi đồi và hư không, tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng hay mạnh bạo của đại dương mênh mông, cũng trở về trong giấc mơ, hay trong thơ của hành giả Tuệ Sỹ, làm cho hư không và cuộc đời như réo gọi bên nhau.

Điểm quan trọng nữa, những áng thơ được Tuệ Sỹ sáng tác, không phải cùng một thời gian, cùng một không gian nhất định, mà hoàn toàn khác biệt nơi bối cảnh nhân duyên ra đời. Có nhiều bài cách nhau hơn một thập niên, có nhiều bài được sản sinh trên núi rừng Trường Sơn heo hút, hoặc trên những ngọn đồi khô cằn nắng hạn, bên bếp lửa giữa đêm khuya hay trong bốn bức tường lao lý. Tất cả đều hoàn toàn khác nhau ở thời điểm, địa điểm, nhưng lại có chung tiếng nói của nụ cười thăng hoa, của Từ bi trí tuệ bạt ngàn, của đời sống siêu phàm vượt thế, của chơn tâm linh thể cứu đời. Vì vậy, Giấc Mơ Trường Sơn không những chỉ hiện hữu trong vài tuổi, trong thời điểm hiện tại, mà còn vang vọng mãi đến ngàn sau, đến đời sống bên kia của nhiều dãy ngân hà. Giấc Mơ Trường Sơn và Tuệ Sỹ sẽ chấp cánh thơ bay, đi sâu vào tâm khảm của bạn đọc yêu thơ, xoáy sâu vào tâm hồn thế giới và vượt lên trên mọi giới hạn Đông-Tây kim cổ…


Mặt khác, Giấc Mơ Trường Sơn sẽ trở thành những bản Thiền ca thiết tha của con người, luôn ước vọng vươn lên, cung hiến tất cả những giá trị Chân-Thiện-Mỹ, những giá trị tâm linh vĩnh hằng, những ước mơ trong sáng, những thực tại mầu nhiệm nhất của đời sống cho con người và thế gian này.
Giấc Mơ Trường Sơn sẽ mang một dấu ấn đặc biệt nhất trong lịch sử thi ca hiện đại thế giới và Việt Nam, hiển thị một nét đẹp tuyệt vời nhất trong phương pháp sử dụng ngôn từ, trong ý tứ của mỗi bài thơ được lưu xuất.
Chỉ cần bỏ một lượng thời gian nhàn rỗi để tâm hồn trống không tĩnh lặng, ngồi lặng yên thưởng thức đôi bài trong thi tập, ta sẽ dễ dàng nhận ra cái khoắc khoải vì cuộc đời của người thơ. Bởi vì, Thiền sư thi sĩ đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ trần gian hạn chế để nói lên những giá trị vô bờ của tâm linh. Đồng thời, chính cuộc sống người thơ sẽ lưu lại cuộc đời một hình ảnh chân tu siêu thoát.
Cuối cùng, thế giới thơ của Thiền sư Tuệ Sỹ, nhìn chung, là ánh sáng nhiệm mầu lấp lánh trong đêm đen nhãn hiệu, là thế giới tâm linh xua tan bóng tối vô minh. Rồi từ đó, trong thế giới hữu hạn, huyên náo bề ngoài, thế giới khổ đau khốc liệt của thị-phi, nhân-ngã, người thơ sẽ truyền trao cho cuộc đời những thảm cỏ xanh màu hy vọng, những giọt nước sương từ bi vô ngã và trái tim trinh trắng đầy ắp tình người, để sưởi ấm lại trong đêm lạnh lẽo giá băng của cuộc đời!
Chùa Phật Đà, Úc Châu, 01/04/2007

T.K. Thiện Hữu


tải về 3.08 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương