Nội dung số này



tải về 3.08 Mb.
trang10/26
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích3.08 Mb.
#37643
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   26


Giới thiệu tác phẩm:

HUYỀN THOẠI DUY MA CẬT

của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ


Huỳnh Kim Quang



Vượt Trường sơn nghìn dặm Bắc Nam, nhìn nắng đọng sân chùa, khách có biết mấy lần dâu biển?

Ngắm sông bạc một màu chung thủy, lắng chuông ngân đầu cỏ, người không hay một thoáng vô vi.11
Nhìn bóng nắng đọng ở đâu đó trong sân chùa, vị khách Tăng đã có thể thấy được nỗi dâu biển của cuộc đời, của thế sự, trong đó có cả chốn thiền môn. Thời đại nhiễu nhương, cuộc sống thâm nghiêm nơi cửa thiền, tưởng là không bị ảnh hưởng những phong ba thế cuộc nào ngờ cũng không còn an ổn!

Nhưng, không phải thế sự phong ba là lòng người đều nhất thiết phải bị điên đảo theo. Đâu đó vẫn còn có những tâm tư trầm lắng, tịch lặng sâu thẳm để có thể nghe ra trong tiếng chuông ngân còn đọng lại nơi đầu ngọn cỏ cả một cảnh giới vô vi mầu nhiệm!

Tiếc thay, hai câu đối, một bài thơ tuyệt tác như vậy lại bị “ngần ngại, không sẵn sàng khắc lên cổng để khách thập phương thưởng thức12

Vì đâu? Một bài thơ với ý tứ sâu sắc, thâm trầm, vừa nói lên được thực trạng của thế gian mong manh, vừa biểu đạt được chân lý nhiệm mầu của cảnh giới thực chứng vô ngôn, sao lại bị từ chối?

Có lẽ vì tác giả của bài thơ ấy là Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ. Tại sao tên tuổi của Thầy đã làm cho người ta sợ? Trong bài Tựa của Huyền Thoại Duy Ma Cật, tác giả kể chuyện Vua A Xà Thế, một đêm nọ đến Vườn Xoài, nơi đức Phật và Chúng Tăng đang trú ngụ, để luận đạo.

Nhưng khi vừa nhác thấy vườn xoài, nhà vua trẻ một thời hung tợn này chợt thấy lòng run sợ, lông tóc dựng đứng. Ông sợ cái gì? Ông không sợ binh hùng tướng mạnh của địch, không hề chùn chân trước rừng gươm giáo; nhưng sợ hãi trước cô liêu, u tịch của khu vườn: “Tại sao giữa một số đông có đến 1250 người, mà lại không có một tiếng động, một tiếng tằng hắng, hay một tiếng ho?13

Đúng rồi, xưa nay bạo lực phải run sợ trước tịch mặc, ngụy thuyết phải khuất phục trước chân lý, thủ đoạn phải cúi đầu trước trực tâm! Nhưng, bản chất của bạo lực là lúc nào cũng tấn công vào bất động, ngụy thuyết lúc nào cũng xuyên tạc chân lý, thủ đoạn lúc nào cũng hãm hại trực tâm. Ôi, thế gian vì vậy mà đấu tranh, thù hận, máu lửa và khổ não chập chùng! Điều trớ trêu là, bạo lực càng mạnh, ngụy thuyết càng hung, thủ đoạn càng dữ thì tinh thần bất bạo động, chân lý và trực tâm càng được trân quý và kính trọng. Chính vì lẽ đó mà đạo hạnh thực chứng, phẩm đức trực tâm và những đóng góp lớn lao của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ trong lãnh vực biên khảo, nghiên cứu, dịch thuật Kinh, Luật, Luận và văn học Phật Giáo đã càng ngày càng được Tăng, Ni và Phật tử khắp nơi kính ngưỡng. Ngược lại, hành trạng chính trực ấy của Thượng Tọa đã làm cho một số người có tâm bất chính cũng như các thế lực manh động thường xuyên sợ hãi để rồi tìm cách hãm hại, ngay cả đến hai câu đối của Thượng Tọa cũng không được chép lên trên cổng chùa! Sự kiện ấy đủ để nói lên bao nhiêu trắc trở, bao nhiêu chướng duyên mà Thượng Toạ Thích Tuệ Sỹ đã phải chịu đựng từ mấy chục năm qua tại quê nhà.

Chắc hẳn, độc giả của Huyền Thoại Duy Ma Cật đều có cùng một thắc mắc: Tại sao lại là “Huyền Thoại?” Phải chăng huyền thoại là những câu chuyện truyền kỳ có tích cách thần thoại? Hay vì thân thế của Bồ tát Duy Ma Cật vốn là một huyền thoại?

Tác giả cho người đọc biết: “Thế thì, huyền thoại ở đây không thuần túy là những câu chuyện các thần, mà đó là ngôn ngữ ẩn dụ để nói những điều không thể nói.”14

Ẩn dụ là trong thí dụ mà người nói đưa ra vẫn không thể chỉ thẳng được điều muốn nói, mà chỉ có thể nói “mập mờ.”15 Nói “mập mờ” không phải là nói theo thể điệu úp mở, để làm cho người nghe có cảm thức mơ hồ, mà thật sự cả điều được nói cũng như ngôn ngữ dùng để nói đều không thể nói thẳng, chỉ thẳng. Ẩn dụ là một thứ ẩn số mà người nghe phải kinh qua một giải trình mới có thể nhìn thấy được đáp số hàm tàng bên trong nó. Mặt trăng vẫn có đó muôn đời, nhưng khi muốn làm cho người khác thấy, người ta vẫn phải dùng đến ngón tay. Trên đầu ngón tay không có mặt trăng. Mặt trăng ở trên bầu trời mênh mông xanh thẳm. Nhưng nương vào ngón tay mà có thể thấy được mặt trăng. Cũng vậy, trong ẩn dụ không có điều người nói muốn nói. Điều người nói muốn nói nằm ngoài ngôn ngữ, ngoài các thí dụ. Người nghe chỉ có thể nương vào ẩn dụ để nhận ra điều được nói. Ý nghĩa của nương tựa ở đây hoàn toàn không phải là nơi trú ngụ, là chỗ dừng lại, mà là một thứ phương tiện thiện xảo cần phải biết vượt qua. Không vượt qua được phương tiện thiện xảo này, người nghe sẽ vĩnh viễn không nhận ra được điều người nói muốn nói.

Nhưng, điều gì không thể nói?

Trong Trung Luận, Bồ Tát Long Thọ viết:

Chư Phật y nhị đế,

Vị chúng sinh thuyết pháp,

Nhất dĩ thế tục đế,

Nhị đệ nhất nghĩa đế.

Nhược nhơn bất năng tri,

Phân biệt ư nhị đế,

Tắc ư thâm Phật pháp,

Bất tri chân thật nghĩa.

(Trung Luận, Phẩm Quán Tứ Đế, thứ 24)16

Giáo pháp của chư Phật y trên hai chân lý, tương đối hay thế tục đế, và tuyệt đối hay thắng nghĩa đế. Những ai không phân biệt được hai chân lý này, không thể hiểu thấu giáo pháp thâm sâu17

Thế tục đế hay tục đế là chân lý quy ước, nương theo ngôn ngữ ước lệ của thế gian, đức Phật chỉ thẳng cho con người thấy được bản thân của các pháp hữu vi là vô thường, khổ; tham sân si… là nguyên nhân của khổ; khổ diệt thì đạt đến an lạc niết bàn; con đường đạt đến an lạc niết bàn là ba mươi bảy phẩm trợ đạo, trong đó tinh mật nhất là tám chi Thánh đạo. Sự thật quy ước này có thể được khai thị, được chỉ thẳng qua phương tiện thiện xảo của ngôn thuyết và chúng sinh đều có thể nhận thức được. Nhưng chân lý quy ước mà được biểu đạt qua ngôn ngữ thông tục như vậy không phải là chân thân tối hậu của thực tại toàn diện và tuyệt đối.

Chân lý được nhận thức qua truyền thông là chân lý quy ước. Đó chỉ là một phần của hiện thực, chứ không phải là toàn thể.18

Nhưng, tự thân của niết bàn, chân thân của vạn hữu, pháp thân của chư Phật không phải là thực tại quy ước mà là sự thực tuyệt đối, là đệ nhất nghĩa đế, không thể diễn đạt được, không thể chỉ thẳng bằng ngôn ngữ ước lệ bị nhiễm hoặc bởi vô minh, chỉ có thể thực chứng bằng trí tuệ giác ngộ. Điều kỳ diệu là sự thật tuyệt đối ấy không nhất thiết là cái gì cao xa diệu vợi, hay siêu việt nhiệm mầu theo ý niệm vọng tưởng của tâm điên đảo. Sự thật tuyệt đối ấy biết đâu chừng lại chính là những điều thật tầm thường, thật bình dị, thật đơn sơ trong đời thường mà nhiều khi tri kiến phân biệt theo vọng thức của chúng sinh không nhìn thấy rõ. Chỉ có ngôn ngữ huyền thoại của bậc đại trí mới chuyên chở nổi.

Vậy thì, huyền thoại Duy Ma Cật không phải là chuyện thần kỳ sáng thế, không phải là ký ức mập mờ mộng tưởng về quá khứ nhân loại, hay là sự thăng hoa từ những ức chế trong đời thường. Huyền thoại Duy Ma Cật là chuyện thường ngày của mọi sinh linh và tự biết đang đổi thay trong từng khoảnh khắc, nhìn thấy vô biên trong hạt cát.19

Thấy vô biên trong hạt cát”, khi nghe sự kiện ấy bằng thính giác thường tình và suy nghĩ bằng tâm phân biệt của phàm phu thì chẳng phải là huyền thoại đó sao? Một hạt cát là bao lớn mà sao có thể chứa đựng được vô biên? Phương trượng của Cư sĩ Duy Ma bao lớn mà sao có thể chứa đựng cả ba mươi hai ngàn tòa sư tử mượn về từ thế giới Tu Di Tướng?20 Ở đây, sự việc đơn giản chỉ nằm trong một chữ “thấy”! Đúng vậy, không phải đối tượng thấy bao lớn, mà cái thấy bao lớn. Chiều kích của cái thấy chính là chiều kích của tâm. Cái tâm xác định chiều kích của cái thấy. Tâm bằng hạt cát thì cái thấy bằng hạt cát. Tâm là vô biên thì cái thấy là vô biên. Đối với tâm phàm phu nhìn hạt cát chỉ thấy một đối tượng bé nhỏ bị giới hạn trong chiều kích không gian và thời gian hạn cục. Tâm một vị thánh nhìn hạt cát thấy cả vũ trụ vô biên vì cái thấy ấy chứa đựng “lý tính duyên khởi.”21 Cái thấy bằng lý tính duyên khởi của một vị thánh là cái thấy Tính Không.

Tính Không ấy do y trên giả danh, nên chính nó cũng là Trung đạo. Trung đạo, đó cũng là Nhất thể tuyệt đối, bởi vì nó chính là tính Không, được định nghĩa như là tự tính không sinh khởi của tất cả tồn tại, loại trừ hai thái cực, siêu nhị nguyên đối đãi của hữu thể và vô thể.22

Vì vậy cho nên, bằng sự thực chứng lý tính duyên khởi, vị thánh thấy hạt cát xuyên suốt qua khỏi giới hạn bé nhỏ của một đối tượng như là hữu thể trong chiều kích hạn cục của không gian và thời gian. Nó chính là vũ trụ vô biên. Nó hiển sinh trong vô sinh, như mặt trăng ảnh hiện ở đáy nước tịch lặng, nói có cũng không được, nói không có cũng không được, vì siêu việt nhị nguyên đối đãi. Nó là thực tại tuyệt đối vô ngôn, là bất nhị. Những gì nói về nó chỉ là huyền thoại. Một hạt cát đã vậy thì cả pháp giới cũng vậy. Cho nên Kinh Duy Ma Cật cũng còn có tên là Bất Tư Nghị Giải Thoát. Bất tư nghị giải thoát vì là sự giải thoát không thể nghĩ bàn, khó tin, khó hiểu. Bởi vì ngay chính trong đời thường, trong sinh hoạt bình thường, trong thế giới phiền não khổ đau mà giải thoát tự tại, phiền não tức bồ đề.

Nguyên lý bất nhị hướng dẫn nhận thức khởi đi từ những thực tại sai biệt mà khám phá ra thực tại tối hậu là Tuyệt đối thể ngay trong các tồn tại sai biệt ấy.”23

Bồ tát Duy Ma Cật tiếng Phạn là Vimalakìrti. Trung Hoa dịch âm là Duy Ma Cật, Tỳ Ma La Cật Lị Đế, và dịch nghiã là Tịnh Danh (theo ngài Cưu Ma La Thập), Vô Cấu Xưng (theo ngài Huyền Trang) hoặc Diệt Cấu Minh (theo ngài Chân Đế).24 Trong Tịnh Danh Huyền Luận, ngài Cát Tạng đã tóm lược ý nghiã về Tịnh Danh như sau:

Do tịnh đức được chứa đầy bên trong, và danh tiếng tốt đẹp truyền khắp thiên hạ, nên được gọi là Tịnh Danh.25

Theo Kinh Duy Ma Cật, Bồ tát Duy Ma Cật từ cõi Diệu Hỷ của đức Phật Vô Động (Bất Động, A Súc Phật) mà thị hiện vào cõi Ta bà này để trợ lực cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni chuyển vận bánh xe Chánh Pháp để cứu độ chúng sinh.26 Nhiều người trong chúng ta vẫn còn hoài nghi về thân thế và tính cách lịch sử của Bồ tát Duy Ma Cật, vì nghĩ rằng một con người toàn bích như vậy e không phải là con người lịch sử! Nhưng, đức Phật là một nhân vật lịch sử. Ngài há không phải cũng là một nhân vật toàn bích hay sao? Trong Chương Giới Thiệu của cuốn Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ xác định:

Có thể trả lời một cách dứt khoát rằng đó là một nhân vật lịch sử, xuất hiện trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử phát triển Phật Giáo nói chung, và trong thời kỳ vận động của Đại thừa…

Chính vì, trong một thời kỳ nhất định, tất yếu xuất hiện một nhân vật hiện thực như vậy để làm sáng tỏ khát vọng vĩnh cửu của con người, thúc đẩy lịch sử chuyển hướng sang một giai đoạn mới; và đã có nhiều nhân vật lịch sử như vậy, cho nên hình ảnh một Vimalakìrti hiện thực được hóa thân thành nhân vật huyền thoại. Nói cách khác, từ một con người hiện thực, Vimalakìrti trở thành biểu tượng cho tác nhân lịch sử.”27

Khi một người sống trong cảnh giới “bất tư nghị giải thoát” từng giây phút sát na và vận dụng nội lực tâm chứng bất tư nghị giải thoát ấy để hiển chị chân lý tuyệt đối, Đệ nhất nghĩa đế, Trung đạo làm lợi lạc cho muôn vạn chúng sinh, thì con người ấy đã bước qua bên kia bờ của lịch sử và huyền thoại. Cho nên, Bồ tát Duy Ma Cật được đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu là đến từ cõi Diệu Hỷ nơi có đức Phật Vô Động. Lúc nào cũng ở trong cảnh giới bất tư nghị giải thoát vì vậy, hành vô lượng Phật sự mà tâm vô động, du hí khắp mười phương mà tâm bất động, cho nên cõi quốc độ mà vị ấy sống chính là cảnh giới an nhiên tự tại nhiệm mầu gọi là Diệu Hỷ.

Tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ là tuyệt tác bằng Việt ngữ luận giải về chỗ uyên áo nhất của tư tưởng Kinh Duy Ma Cật nói riêng và Đại thừa nói chung từ trước đến nay trong kho tàng văn học Phật Giáo Việt Nam. Nhưng điều tuyệt diệu để nó trở thành là một tuyệt tác không phải là thể cách đẩy tư tưởng ấy phiêu bồng lên cõi siêu thực, mà chính là ngay nơi các hiện tượng bình thường nhất mở tung ra ý nghĩa siêu việt, ngay nơi ngôn ngữ ước lệ chuyên chở được nội hàm bất nhị và bất tư nghị giải thoát.

Tác phẩm bao gồm 11 chương. Mặc dù tác giả không luận giải tư tưởng theo trình tự từng phẩm một của Kinh Duy Ma Cật, nhưng qua phương cách linh hoạt và độc đáo, tác giả đã đề cập đến những trọng điểm ách yếu nhất của tất cả toàn bộ 14 phẩm của Kinh Duy Ma Cật. Điều này đem lại cho người đọc nhiều thú vị. Trước hết nó tránh được tính cách bình giảng theo lối từ chương có tính kinh viện làm cho người đọc rất dễ cảm nhận cái không khí nặng nề khó thở khi phải đi suốt từ đầu đến cuối sách. Đặc biệt hơn nữa, nó giúp cho người đọc có được một kiến giải tổng hợp nhất quán trên toàn bộ tư tưởng chủ đạo của Kinh Duy Ma Cật và cũng là Đại thừa giáo. Một yếu tố khác không thể bỏ qua, đó là bằng vào nghệ thuật thượng thừa trong phương cách sử dụng ngôn ngữ chứa đựng tính văn học ưu việt và tư tưởng trác tuyệt, tác giả đã tạo cho người đọc một tâm thái thích thú, thoải mái để có thể nắm bắt được cái tinh mật cao siêu nhất mà tác phẩm chuyên tải. Lẽ tất nhiên, tác phẩm vì vậy đã làm nổi bật lên những yếu tính để thẩm định phong vị xứng đáng trong lãnh vực nghiên cứu nghiêm túc vừa chuyên môn vừa bao quát và sâu rộng. Ở đây xin được nêu ra một số đặc điểm cụ thể của tác phẩm như là cách thức minh họa cho những gì vừa trình bày trên.

Thông thường nhận thức xưa nay của người Phật tử khi nghĩ đến Bồ tát Duy Ma Cật thường liên kết với ý tưởng rằng vị cư sĩ này vì có chỗ chứng đắc cao diệu và trí tuệ biện tài vô ngại cho nên có vẻ như không mấy nể trọng những vị đệ tử xuất gia của đức Phật, đặc biệt các vị đệ tử Thanh văn. Nhưng sự thật không phải thế. Trong Huyền Thoại Duy Ma Cật, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đã đưa ra nhiều bằng chứng rất hấp dẫn để chứng minh rằng cư sĩ Duy Ma Cật đối với chư vị đệ tử Thanh Văn của đức Phật rất kính trọng và không hề có ý khinh thị. Một trong những chứng cứ đó là trong bản dịch chữ Hán của ngài Huyền Trang ở Phẩm Thanh Văn thứ 3 diễn tả cung cách thi lễ của cư sĩ Duy Ma Cật trước các vị đệ tử Thanh Văn của đức Phật khi đàm đạo với quý ngài:

Sau khi cúi đầu lễ dưới chân con, rồi nói rằng…”28

Rồi Thượng Tọa đã viết: “Trong suốt các cuộc luận đạo của Duy Ma Cật, vị được xưng tụng là bậc Đại trí Thanh văn này xuất hiện thường xuyên với hình ảnh ngây ngô, với những câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng một chi tiết nhỏ trong bản dịch của Huyền Trang, bị xem là lược bỏ trong bản dịch của La Thập, cho thấy trong cách nhìn của Duy Ma Cật, ẩn tàng bên trong con người ẩn sĩ sống cuộc đời xa lánh vẫn là một nhân cách siêu việt. Do đó, khi đến với Xá Lợi Phất, trước khi mở cuộc đối biện về ý nghĩa xuất ly, Duy Ma Cật, con người lừng danh trong vô vàn đại thiên thế giới ấy, cúi lạy dưới chân Xá Lợi Phất, tỏ lòng cung kính như đối với chư Phật.29

Đó là một chi tiết thuộc bình diện hình thức. Dĩ nhiên chính “tướng tự tâm sinh” nên cung cách hành lễ của cư sĩ Duy Ma Cật đối với chư vị Thanh Văn cũng nói lên được phần nào tấm lòng kính trọng của ngài đối với những vị này. Nhưng điều quan trọng hơn thế chính là bình diện tư tưởng và hành trạng của chư vị Thanh Văn. Nhiều nhà bình giảng về Kinh Duy Ma Cật xưa nay thường nương theo hình thức văn bản của kinh để đưa ra những nhận định và phê phán có tính cách chê trách kiến giải và tâm lượng của chư vị Thanh Văn. Ngược lại, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đã cho thấy lối nhận định và phê phán ấy không hoàn toàn phù hợp với thực tế kiến văn và tâm lượng của chư vị Thánh đệ tử của đức Phật, chẳng hạn trường hợp của ngài Xá Lợi Phất.

Khi cư sĩ Duy Ma Cật nhìn thấy ngài Xá Lợi Phất “đang ngồi tĩnh niệm dưới tàn cây trong rừng, Duy Ma Cật đến đó, và bảo con rằng, ‘Kính thưa ngài Xá Lợi Phất, bất tất ngồi như vậy mới là ngồi tĩnh niệm. Không hiện thân và ý ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh niệm. Hiện các oai nghi mà vẫn không xuất khỏi diệt tận định,ấy mới là tĩnh tọa.Hiện thân làm các việc phàm phu mà không xả Đạo pháp, ấy mới là tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không trụ ngoài, ấy mới là tĩnh tọa. Không bị dao động trong các kiến chấp mà tu hành ba mươi bảy phẩm, ấy mới là tĩnh tọa. Không đoạn trừ phiền não mà nhập Niết bàn, ấy mới là tĩnh tọa.30

Luận giải về trường hợp này, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đã nói về ý nghĩa của đời “sống viễn ly và kinh nghiệm độc cư31 của một vị Thánh Thanh Văn đệ tử của đức Phật. Và rồi tác giả viết tiếp:

Một tỳ kheo khiếu nại với Phật:Xá Lợi Phất xúc phạm ông, rồi bỏ đi. Phật hỏi Xá Lợi Phất. Tôn giả trả lời: ‘Tâm tư con như mặt đất, nhận tất cả mọi thứ tịnh và bất tịnh, một cách bình đẳng. Làm sao con có thể xúc phạm người khác.’ Qua đó, những lời phát biểu của Duy Ma Cật là tán dương, hay chỉ trích Xá Lợi Phất?Chỉ những tâm hồn thấp kém, đứng trước cồn cỏ che khuất để không thấy Tu Di là cao, làm sao thấy được tâm tư như không gian vô biên của bậc Thánh, như tỳ kheo hiếu sự kia.”32

Tiếp theo, tác giả kể lại câu chuyện ngài Xá Lợi Phất đã có lần đến thăm bệnh trưởng giả Cấp Cô Độc và viết:

Trong khi nằm liệt trên giường bệnh, với những cơn đau nhức hành hạ toàn thân, thống khổ bức bách, Cấp Cô Độc sau khi nghe bài thuyết pháp của Xá Lợi Phất, cảm thấy một nguồn an lạc vô biên chưa từng có. Thân bệnh, nhưng tâm không còn bệnh. Đó là hình ảnh thực tế minh giải một cách sống động ý nghĩa ‘Hiện thân ý mà vẫn không ở trong ba cõi’”33

Để kết luận cho sự minh giải về trường hợp của ngài Xá Lợi Phất, tác giả viết:

Nhưng, như vậy, tại sao Xá Lợi Phất không đi thăm bệnh Duy Ma Cật?Đó là giới hạn của ngôn ngữ; và cũng là giới hạn của không gian xã hội của con người. Câu trả lời đến từ kinh nghiệm sống thực của mỗi người, không đến từ người khác.”34

Suốt qua hai phẩm Thanh Văn và Bồ Tát, cũng như bàng bạc trong toàn bộ tác phẩm, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đã đưa ra những giải thích mà luận chứng được rút ra từ trong kho tàng kinh văn của Nguyên Thủy và Đại thừa, để cho người đọc thấy rằng thực ra cư sĩ Duy Ma Cật không phải đối biện với chư vị Thánh đệ tử Phật trong mục đích công kích hay chê bai, mà ngược lại vừa để làm hiển lộ thêm phẩm hạnh và kiến giải của chư vị Thánh đệ tử Phật, vừa nêu bật ý nghĩa thâm sâu của tư tưởng “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh” như là con đường hiển lộ của cảnh giới tự chứng bất nhị và bất tư nghị giải thoát của Đại thừa là nội dung cốt tủy của Kinh Duy Ma Cật.

Điều khó hiểu và khó diễn bày nhất trong Kinh Duy Ma Cật chính là “Bất Nhị”, vì ở đây với tâm thức của phàm phu hễ khởi niệm mở miệng ra đều lạc lối. Đối với nhận thức hữu ngã và ngôn ngữ ước lệ thế gian, “bất nhị” không khác một phạm trù tư duy chuyên chở một thực tại nào đó, dù là thực tại phi ngôn thuyết. Vì vậy, khi nghe đến từ ngữ “bất nhị” con người không khỏi nghĩ tưởng đến một hiện thực hay một tồn tại nào đó ở trong hoặc ngoài thế gian. Quán tính tư duy và ngôn ngữ của phàm nhân không cho phép họ liên tưởng đến bất cứ sự kiện gì, pháp gì mà không là hữu ngã. Trong bản năng tư duy và ngôn ngữ của con người không có ngã đồng nghĩa với không có gì cả. “Bất nhị” vì vậy là điều khó diễn bày qua ngôn ngữ để người khác có thể thông đạt. Bởi thế cho nên, khi đến lược trình bày về sự thực chứng bất nhị, cư sĩ Duy Ma Cật đã im lặng.

Làm sao để luận giải chỗ im lặng bất nhị ấy cho người khác hiểu? Trong chương “Cửa Vào Bất Nhị” thứ chín của Huyền Thoại Duy Ma Cật, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đã vận dụng đến phương tiện thiện xảo của ngôn ngữ để giúp người đọc đến được đích điểm. Dĩ nhiên đến được hay không là chuyện của người đọc, nhưng với vai trò là người luận giải, Thượng Tọa quả đã đẩy tư duy và ngôn ngữ ước lệ thế gian đến tầm mức mà tâm thức vọng động của một phàm phu không còn thấy biên tế nó ở đâu nữa. Thượng Tọa đã hướng dẫn người đọc đi từ khái luận về thực tại vô ngôn, về sự im lặng vi diệu của đức Phật, về ba cấp thực tại đến bốn lớp nhị đếnăm cấp biện chứng của bất nhị.35 Để dẫn đến kết luận:

Thực tại bất nhị như vậy thì thật ra không hề có ba cấp hay năm cấp. Tất cả chỉ là phương tiện lập ra để nhận thức nghĩa lý sâu cạn từ hữu ngôn đến vô ngôn, từ tương đối đến tuyệt đối. Nếu từ trong chứng nhập nhất thể tuyệt đối mà nói, thì nên nói rằng: ‘Giáo pháp đầy cả đại thiên thế giới mà vốn không lời. Hình thể tận cùng tám cực mà không hề có tượng để biểu tượng. Cho nên, nói nhưng mà không nói gì. Không nói gì nhưng có nói… Vậy thì, Văn Thù tuy nói mà vẫn thường im lặng. Tịnh Danh im lặng mà vẫn luôn nói.’”36

Đến đây mà còn do dự thì lời khuyên của Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm có lẽ giúp ích được thêm chút ít:

“Bách trượng can đầu bất động nhân

Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân

Bách trượng can đầu tu tiến bộ

Thập phương thế giới thị toàn thân.”

Gậy đầu nghìn thước chẳng lung lay

Dù đã lên đây chưa thật đây

Chót gậy nghìn tầm còn bước nữa

Mười phương thế giới thiệt thân này.”37

Sau khi hướng dẫn người đọc vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để thâm nhập vào bất nhị, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ đã nêu ra một câu hỏi. Tác giả nói rằng đó là một câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn,38 nhưng kỳ thật đó không là một câu hỏi ngớ ngẩn mà là một thực tế của đời sống, thực tế của việc thi thiết hạnh nguyện tịnh Phật quốc độ và thành tựu chúng sinh.

Từ chỗ im lặng đó, một câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn được hỏi: sau sự im lặng ấy là gì? Nghĩa là, thế giới của sự im lặng ấy là gì, khi mà ở đó mọi biểu hiện của ngôn ngữ bị cắt đứt, mọi hình thái tư duy đều vắng bặt? Tất nhiên là không có câu trả lời minh nhiên. Nhưng chúng ta có thể hiểu được rằng đó là thế giới để sống. Như một người trầm mình trong dòng nước mát, để cho toàn thân được thấm nhuần cảm giác mát mẻ vi diệu, khi ấy không còn câu hỏi “nước là gì?” Cũng vậy, sau sự im lặng của Duy-ma-cật, thế giới đột nhiên trở lại với những sinh hoạt nhật thường của chúng sinh.”39

Ở đây có một điều rất đặc thù và ý nghĩa mà người đọc không thể nào quên được, đó là tác giả đã nối kết ý nghĩa thâm diệu của thức ăn từ cõi Chúng Hương đến ngôn ngữ của thế giới mà chúng ta đang sống thành một loại hình ngôn ngữ mà qua đó chư Phật và Bồ tát sử dụng để giáo hóa chúng sinh.

Diễn tả theo một hướng khác, thực phẩm như vậy là một loại hình ngôn ngữ chuyển tải tất cả ý nghĩa mầu nhiệm của đạo lý.”

Phật, Bồ-tát, các Thanh văn vận dụng ngôn ngữ như là phương tiện để đưa người đến giải thoát và giác ngộ. Nhưng trong các thế giới khác, phương tiện thuyết giáo, phương tiện để chuyển tải tư duy về Thánh đạo, không nhất thiết phải là ngôn ngữ.”40

Trở lại với những sinh hoạt nhật thường của chúng sinh” cho nên, trong chương cuối cùng (Truyền Thừa) của Huyền Thoại Duy Ma Cật, tác giả đã đề cập đến năm pháp mà đức Phật đã dạy cho người tại gia để được sống an lạc và việc thực hành bố thí, một trong sáu pháp môn chính của hạnh nguyện bồ tát trên con đường thành tựu Phật đạo. Bố thí, nghe có vẻ vừa bình dị, vừa đơn giản, nhưng kỳ thực đó là một pháp môn khó làm cho đến nơi đến chốn. Bởi vì, phải thực chứng vô ngã đến rốt ráo thì mới có thể thực hiện việc bố thí một cách trọn vẹn, nghĩa là cho hết tất cả những gì mình có, buông xả mọi thứ có liên hệ đến tự ngã. Bằng đời sống vô ngã với công hạnh bố thí rốt ráo, người con Phật quả thật đang kiến tạo cõi Phật thanh tịnh và thành tựu chúng sinh. Đó chính là những gì mà cư sĩ Duy Ma Cật vẫn thường làm mỗi ngày trong đời sống thường nhật của ông. Nhưng, những việc làm ấy cho đến mấy ngàn năm sau vẫn còn được xưng tụng là bất khả tư nghị giải thoát, vì sao?

Những điều Phật dạy, chân lý mà Phật công bố, thật sự rất gần gũi trong đời thường; nhưng khi được chứng nghiệm, chân lý ấy, tức Pháp của Phật, có năng lực di chuyển cả mấy đại thiên thế giới, như Duy-ma-cật bưng cả một cõi Phật trong lòng bàn tay du hành qua vô số cõi Phật.”41



Người viết bài này, từ nhỏ vốn đã hâm mộ Bồ tát Duy Ma Cật và tư tưởng Kinh Duy Ma, cho nên đã tìm đọc khá nhiều sách viết về Kinh Duy Ma Cật, nhưng cuốn Huyền Thoại Duy Ma Cật của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ là cuốn mà người viết bài này tâm đắc nhất. Đây là viên kim cương toàn bích trong kho bảo tạng văn học về Duy Ma Cật. Những điều được viết ra đây là những gì mà người đọc đã thâu nhận được qua kiến thức và tâm lượng nhỏ bé của mình từ trong Huyền Thoại Duy Ma Cật, giống như một người với đôi tay bé bỏng vốc nước của đại dương mênh mông. Xin bạn đọc bài này tha thứ cho cái tay bé bỏng, vì đó không phải là đại dương vô biên! Xin hãy tìm đọc Huyền Thoại Duy Ma Cật để thực chứng tận mắt biển cả là gì.



AI HAY

Ai hay trong một tách trà

Có hồ sen ngát mượt mà dâng hương.

Ai hay trong gió ngàn phương

Đã mang hơi thở trùng dương xanh ngời.

Tay em cầm mảnh giấy rời

Nhìn sâu thấy lá trên đồi nằm im.

Ai hay trong một cánh chim

Chở theo nỗi nhớ trái tim xa nhà.

Hữu thân giữa chốn ta-bà

Là vương bóng dáng hằng sa luân hồi

Bàn tay ngữa dưới mặt trời

Lặng nhìn, hội ngộ bao đời xa xôi…

  • Nên người nào có xa tôi

Tôi và thế giới chẳng rời xa nhau

Khi người mang vết thương sâu

Hồn tôi lân mẫn nguyện đau vì người

Khi người nở một nụ cười

Bàn chân tôi bước thảnh thơi nhịp cùng.

Ai hay một trái tim nồng

Mở ra ôm được muôn lòng thế gian.

THÍCH TÁNH TUỆ




1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương