Nội dung số này



tải về 3.08 Mb.
trang18/26
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích3.08 Mb.
#37643
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   26

CÓ TIẾC MỘT THỜI
Người ơi có tiếc một thời

Để yêu để nhớ nào vơi tình sầu

Người về có nhớ niềm đau

Hình xưa bóng ấy nhạt nhòa phải không

Ta đi gom lại thư hồng

Mang mang chuyện cũ xanh ngàn trang thư

Vết thương vỗ nát tình thơ

Hắt hiu nỗi nhớ tới giờ biết không
Mắt ngà lặng lẽ giọt tuôn

Theo qua phố lạ dư hương dỗi hờn

Và riêng ta vẫn buồn hơn

Những gì người nói khi còn bên nhau

Thì thầm thấm cả ngàn câu

Bây giờ vẫn thấy nhiệm mầu tình yêu.
HỒ HƯƠNG LỘC

ọ lại rời "Trà Thất" đi xuống những bậc thang nhỏ qua một khu vườn lát bằng sỏi, trong có trồng vài giống xương rồng đứng lẻ loi trông rất cô đơn. Họ nghỉ chân bên chiếc ghế đá, nơi đây không có gì để cô có thể bắng nhắng được nên anh cảm thấy yên lòng hơn. Cả hai phóng tầm mắt vào khu vườn đá sỏi. Trên mặt sỏi, chủ vườn vẽ những đường vòng tròn quanh những cây xương rồng và những bậc đá. Những vòng tròn quẩn quanh như cuộc đời đầy những điều bất như ý mà không có ngõ thóat, chỉ còn lại những nỗi cô đơn chóang ngợp như những cây xương rồng đứng lẻ loi giữa đất trời. Cô ngồi yên. Thỉnh thỏang liếc nhìn anh. Khuôn mặt anh nghiêng nghiêng, đôi mắt lộ với võng mô trong vắt như giọt nước làm cho cô có cảm tưởng anh đang sắp khóc. Tim cô như thắt lại, buồn lây với nỗi buồn anh đang cố giấu. Cô lắng nghe tiếng nhịp tim anh, nhưng chỉ nghe được tiếng bác Gió thì thào khe khẽ nói chuyện với chị Nắng đang làm điệu trước mặt. Hẳn nhiên, chị điệu là phải, vì chị đẹp lắm. Đẹp như nàng tiên trong mộng, nét đẹp làm cho cả anh và cô cùng ngây ngất...

Họ vẫn yên lặng. Cô nghĩ đến một mai khi anh bỏ nơi này đi rất xa, cô sẽ đến đây một mình tìm về kỷ niệm. Cô sẽ đi thăm lại đám cá koi vẫn tham ăn như thuở nào, đi thăm những cây xương rồng vẫn đứng cô độc trong vườn đá sỏi, đi thăm lại chị Nắng muôn đời vẫn trẻ đẹp và cứ thích điệu với bác Gió. Cuối cùng, cô sẽ tìm đến thân trúc và nhìn dấu yêu xưa mình đã để lại năm nào. Cô sẽ nhớ anh. Dĩ nhiên! cô sẽ rất buồn và chảy nước mắt...

Hốt nhiên, một ý niệm chợt chạy qua trong đầu. Có thể, một mai kia trở lại, tất cả mọi cảnh vật đều còn nguyên, duy chỉ có thân cây trúc, cái thân cây có nét chữ cô đã nắn nót viết tên, sẽ biến mất. Biết đâu lão làm vườn phải tỉa xén khóm trúc cho được đẹp mắt bên cạnh căn trà thất của ông...



Mảnh dấu yêu cuối cùng như chút duyên thừa từ nhiều kiếp trước, nay có cơ duyên gặp laị, mà chỉ có cơ may gặp nhau trong khoảng khắc, vẫn không đủ để có thể giữ được đời nhau… Ôi. Cô thực không muốn xa anh…

Làm thế nào để cô có thể giữ được thời gian ngừng lại?

Bây giờ.

Ở đây.


ƯỚC MƠ... và HIỆN THỰC


Biện Thị Thanh Liêm



Tôi không có chị để kể chị nghe về những ngọn nắng chờn vờn trên đọt cây soan màu lá đỏ trước cổng sân trường Trưng Vương dạo nọ. Hay những chiếc lá sậm màu đất khô ngơ ngác, thường hay trút đầu rơi xao xác trong những chiều lặng lẽ. Nghe cô đôc, buồn tênh.

Tôi cũng không có anh để chuyện trò về những bức thư tỏ tình của những người bạn trai quen nhau trong Đoàn Công Tác Sinh Viên thuở ấy. Những bức thư như cơn gió lạ vào đầu mùa mưa. Tội nghiệp, ngập ngừng không thể kéo mây cho mưa nặng hạt nên bầu trời chừng như vẫn quang đãng tinh mơ. Nhưng tôi có ba như một người bạn già, thân thiết.

Ba tôi. Một công chức với nhiều năm tận tụy nhưng tính tình ông không đằm thắm như nghề. Mẹ tôi. Người đàn bà lắng sâu và chịu đựng. Bà hay kể cho lũ con nghe về những câu chuyện của làng nước xa xưa trong họ mạc. Về những mối tình trái ngang, oan khiết hay lãng mạn thần kỳ, để cuối cùng mẹ tôi qui về lý “Nhân - Quả” làm nền: không điều gì lọt ra ngoài lằn ranh của nhân quả, chỉ có điều là mình nhận biết hay sống được với điều đó hay không mà thôi.

* Trong nhà tôi là đứa con gái đầu. Đa cảm và khá nhậy bén, nhưng lắm lúc cũng cứng cỏi và năng động như một đứa con trai. Dường như tôi cũng nhận ra những điều đối nghịch khá lý thú nơi mình, và vì thế mà tôi được ba và mẹ cưng chiều nhất chăng? Tôi không bao giờ làm trái ý mẹ vì trân quý mẹ là người đàn bà mẫu mực và đạo đức. Tôi lại được tiếng là gần gụi với ba vì có những điều tôi thông cảm với ba hơn mẹ. Chuyện gì tôi cũng thích kể mẹ nghe như thể bên đời có con, như một cô bạn nhỏ, một đứa con gái đầy cá tính, mạnh mẽ và tự tin.

Ba tôi là một họa sĩ… “không chuyên” thích sống đời lang bạt… kỳ hồ. Tính tình rất phóng khoáng và luôn nể trọng bạn bè. Ngoài “mối tình lớn” với mẹ, ba tôi có rất nhiều “mối tình con” với người khác, mà tôi biết. Ba tôi thường lãnh bảng hiệu hay biểu ngữ hoặc tranh truyện về nhà làm thêm sau giờ làm việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khi cả nhà đã lắng sâu trong giấc ngủ, và khi bài học tôi đã xong, đó là những thời khắc mà ba và tôi như hai người bạn song hành. Những câu chuyện trong Cổ học Tinh hoa, những mẩu luận bàn về Trang Khổng cho đến cách xử trí của người xưa… ba lấy đó để dạy tôi qua những câu chuyện đậm đà tình nghĩa. Tiền kiếm được ngoài số lương khiêm tốn, phần lớn ba tôi đều dành cho tủ sách gia đình với những loại sách Học Làm Người để tặng các con. Những bài học trong ngày đầu khôn lớn của tôi là hạnh phúc của con người không cốt ở sự thành công, cứ sống hết lòng đầy thương yêu và tin cẩn vào công việc mình đang làm… đó là niềm hạnh phúc của một đời người.

* Tôi cũng thường hay nói với ba về nỗi buồn của mẹ, của những người đàn bà thao thức trong đêm như thấy bóng dáng chồng mình phiêu lưu đâu đó. Tôi cũng thường hay nói với mẹ về những khốn khó của ba, không lường trước được những bước dốc gập ghềnh. Nhưng đó là hơi ấm có thật sau cơn giông. Là những hạt mưa rơi xuống cho mặt đất biết mình còn nồng nàn nghĩa nặng. Mưa. Đôi lúc không làm đất ủ ê, mà mưa đã vỗ về cho hạt đất nẩy mầm tươi tắn…

Những ngày đủ lớn, tôi cũng chợt nhận ra rằng: dường như người đàn bà khi bước vào ngưỡng cửa gia đình là lúc họ hạnh phúc để lãng quên mình, lãng quên đời sống bên ngoài để sống một đời sống khác. Một đời sống rất thực từ những điều mà họ ươm mơ. Nhưng với người đàn ông, khi đời sống lắng yên thì cũng chính là lúc họ thấy mình như bị khuất lấp, bỏ quên. Lòng ngưỡng vọng mình đột nhiên trỗi dậy và họ thấy mình còn đam luyến để “phiêu lưu” dù sau đó chỉ còn lại trong cõi lòng đau đáu nỗi quạnh hiu. Ba tôi cũng vậy. Sự hối hận tràn bờ đã khiến ông mệt nhoài trong công việc như muốn phần nào níu kéo lại những ngày tháng cũ khi lần lượt gia sản trong nhà từ giã ra đi mà ông biện minh là do làm ăn thua lỗ. Chỉ có tôi. Từng ấy tuổi đã phải biết cách chôn sâu nỗi buồn của cha lẫn niềm đau của mẹ…

* Tôi nói với ba về ước mơ của mẹ, của những người đàn bà muốn có những đứa con ngoan. Bình an không bất trắc. Khi tôi mơ hồ cảm nghe trong nỗi vui của mẹ khi nhìn đàn con khôn lớn, có nỗi ưu tư nhọc nhằn một đời mẹ ấp yêu gìn giữ. Mẹ cứ lo thốc tháo về một cơn giông nào đó, sẽ bất chợt kéo về miền đồng bằng yên tĩnh. Và con mẹ sẽ rũ lìa như loài cỏ non vụng dại vì những hệ lụy “nhân quả” từ ba…

Tôi cũng nói với mẹ về ba, về những “cuộc rong chơi” của những người đàn ông được cho là lịch lãm. Giống như chuyến tàu chỉ có một bến dừng nhưng thích đậu ở nhiều ga. Mà đàn bà. Những người rất dễ mềm lòng tha thứ nhưng lại… khó có thể để quên. Khi vết thương, thỉnh thoảng cứ tấy máu không lành… Và thảm kịch mới có cớ để xảy ra cho hạnh phúc lại hiếm hoi như giọt sương trong những ngày chói nắng…

* Tôi cũng nói với ba về ước mơ của tôi. Cô phóng viên xông xáo trong một trận mạc khó trực diện với kẻ thù. Vì ngoài một chiến trận ngày đêm không ngừng nghỉ dưới hỏa lực của đôi bên, người phóng viên còn có một “chiến trận” khác. Xã hội nào cũng đầy dẫy những bất công, nhũng lạm nhưng vẫn không thiếu những tấm lòng nhân ái bao dung. Đó như sự tương khắc trong qui luật tồn sinh, và người làm báo phải can đảm coi mình như một chiến sĩ băng mình trong muôn thứ hiểm nguy từ đời sống vốn đã không thỏa hiệp với bình an. Ngòi bút đôi khi cũng phải biến thành nòng súng để khơi lửa công bằng và gây tạo niềm tin.

Tôi cũng không thích mình sống như một nhà văn. Vì nhà văn, là những ngưòi hay nhìn ngắm cuộc đời trong những hư cấu của bất ngờ và đổ vỡ (với tôi lúc ấy). Mặc dù tôi rất trân quí nhà văn, vì dù sao họ cũng là những người sống với cuộc đời hết lòng ở những phút giây khổ đau hay hoan lạc. Những nhà báo chân chính, người làm phóng sự thật lòng. Họ như những mũi tên xung kích, lật tung cái xã hội giấu lấp những điều tối tăm rác rưởi bất công. Tuổi trẻ không thỏa hiệp bất công ngang trái dù biết rằng đời sống vốn dĩ cũng hình thành rất nhiều từ nhiều những điều cay đắng trái ngang.

Thật tình, tôi chỉ ước ao, qua ống kính hay chính bằng ngòi bút của chân thực của mình: nghe được bước chân của thời đại mình đang sống. Họ (lớp tuổi trẻ bị cuốn trong cơn lốc chiến tranh) cũng như tôi, đang dọ dẫm suốt chiều dài đấu tranh của một lịch sử hiên ngang mà chiến tranh đã phủ hết cả những tháng năm khôn lớn...

Từ những ngày xa xưa ấy tôi cũng đã đủ khôn ngoan để hiểu được lòng mình rất thiết tha với những gì gọi là lý tưởng. Và cũng cùng lúc ngậm ngùi khi chợt nhận ra rằng những điều mình mơ ước sẽ khó lòng thỏa hiệp với cuộc đời vốn thường đối đầu với bao điều nghịch lý. Ánh sáng và bóng tối đôi khi chỉ cách nhau trong gang tấc mà đôi khi con người phải cần sự rực sáng thật dũng mãnh của yêu thương để vượt thoát những hào quang thường tình của nhân thế. Ánh sáng đó không phải là chiếc vòng ngũ sắc mà cuộc đời tung hô ban tặng mà là thứ ánh sáng thuần khiết từ nội tâm khi luôn nhìn ngắm mình qua những truân chuyên trôi nổi để tự khám phá chính mình. Hiểu biết chân xác những việc mình đang làm cũng như sự an bình có được từ công việc mình đã làm. Vì đôi lúc sự thành công không hẳn đem lại cho mình những điều hạnh phúc khi giá trị sự sống không do những đối đãi thường tình.

Đó là những ngày tháng đầu đời tôi biết mình đang thao thức với những ước mơ. Khi hiện thực như ánh nắng chói chang làm ngẩn ngơ cô nữ sinh đang lần chân bước xuống tam cấp cuộc đời sau những tháng năm giã từ áo trắng tiểu thư của khung trời hoa mộng

Ôi! Đó là những ngày khi ta còn trẻ. Tuổi trẻ và những ước mơ. Tuổi trẻ nào cũng có ước mơ, những ước mơ làm đẹp cuộc đời. Tuổi trẻ không ước mơ như giòng sông cạn nước, như cây khô trụi lá khẳng khiu. Và ước mơ giúp tâm hổn chắp cánh để có thể lắng nghe được những âm sắc của cuộc đời vẫn thênh thang cùng khắp, và trên hết mọi điều: ước mơ giúp niểm tin vẫn sáng lên trong đêm hôm cùng thẳm. Đó là chất liệu của yêu thương nâng con người đứng lên, đi tới. Dù phía trước, khốn khó vẫn từng bước đợi chờ…



TÀN KIẾP VỀ ĐÂU


Hàn Tâm



Cảm giác lạnh buốt lan tỏa bắt đầu từ ngón chân, tê nhức như kẻ không giầy bước trên băng tuyết trắng xoá và màu da nhợt nhạt đang chuyển sang màu xanh tím nổi bật, tạo thêm chiều sâu cho bức tranh vô tình. Hai đầu gối bắt đầu run, các bắp thịt đùi cũng co giật vô ý thức, chậm dần, chậm dần rồi trơ trơ bất động. Những người áo trắng thản nhiên kéo tấm drap trắng phủ kín mặt, giây ống lòng thòng được tháo gỡ sau những cố gắng cuối cùng chống lại thiên mệnh. Qua cặp kính dày cộm, người ta cẩn thận ghi chép các chi tiết cần thiết cho bản khai tử vĩnh viễn xoá tên một kiếp người trong cõi sống. Có ai kịp dừng bút suy tư về sự chuyển tiếp từ thế giới này sang thế giới khác? Hình như là có, nhưng chẳng ai muốn nghe những điều mơ hồ không biện chứng, vì chính họ còn đang bám víu vào vùng không gian tạm bợ, luyến tiếc những thực thể hữu hình mà ai cũng bươn chải bao năm dài để cố chiếm đoạt. Chỉ khi tiếng còi tàu hụ vang trong đêm khuya thanh vắng, người đi mới thật sự hụt hẫng lúc gió lạnh ào qua khung cửa và kẻ ở lại mới chính thức cảm nhận nỗi cô đơn buồn tẻ của sân ga vắng lặng.
Chết, ngôn ngữ loài người diễn tả gọn lỏn tính chất bất động của một hình hài. Định nghĩa cũn cỡn về cái vỏ bọc một thời nhảy múa như hình nhân qua bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ tài ba núp sau sân khấu. Khi hình nhân đóng trọn tuồng tích, người nghệ sĩ vứt bỏ vào xó để chú tâm vào câu chuyện của một nhân vật khác, một kẻ vừa sinh ra. Tạo hoá là như vậy, bình thản vô tình làm công việc vắt chanh bỏ vỏ mặc kệ lời oán trách của thế gian.
Lúc này cái lạnh buốt đã bó kín toàn thân, chỉ còn chút hơi ấm nơi trái tim cố gắng chối bỏ diễn biến sinh tử. Nhưng dĩ nhiên trái tim nhỏ bé không thể chiến thắng được những quy luật thiên nhiên vĩ đại bất biến. Nước giãi chợt ứa ra từ lỗ mũi, khoé miệng, hốc mắt. Tất cả thể lỏng trong cơ thể chạy đua về tim, cuộc vượt thoát gãy đổ giữa chừng, chỉ làm cho làn da xạm thêm, co rúm xanh xám. Quả cầu lưỡng nghi với lằn đen trắng âm dương phân chia đồng đều đang đảo lộn theo nhịp của điệu múa sống chết.
Không, không có sống chết, đó chỉ là những hình dung từ của ngôn ngữ loài người. Đến và đi đồng nghĩa với đi và đến. Tử là sinh mà sinh cũng là tử. Giây phút ngột ngạt tưởng như dài vô tận, cuối cùng cũng đến giai đoạn thở hắt, đột ngột chấp nhận, đầu hàng số phận. Nhưng chưa, còn đám ký sinh trùng đang nhởn nhơ cọ quạy trong vũng bùn sinh dưỡng nhày nhụa, chúng đua nhau cắn hút, sinh sôi nảy nở. Sự huỷ diệt của xác thân mùn rữa này sẽ là mầm sống của muôn triệu thân xác linh hoạt khác. Cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Tứ đại, lửa nước khí đất tạo hình và phân hủy để hoàn thành một chu kỳ sống. Phải chăng kiếp người chấm dứt từ đây?
Bóng mờ nhân ảnh lưỡng lự phân vân nhìn chính mình. Chưa kịp nhận thức giai đoạn chuyển biến nhân kiếp, bài học mà chính họ đã lập đi lập lại hàng vạn hàng tỷ lần nhưng chẳng bao giờ thuộc lòng. Ý niệm thời gian chợt tan biến, không gian là danh từ không có trong tự điển bên thế giới này. Quan điểm nhị nguyên cũng không hiện hữu. Môn toán học mới bao giờ cũng âm u huyền bí thật khó hiểu. Bóng mờ bắt đầu hoang mang hoảng loạn nhìn lũ người chung quanh mấp máy đôi môi, thế giới không âm thanh làm sao truyền đạt tư tưởng. Hình nhân quay sang bám víu vào các hình nhân khác, cũng đang trong tâm trạng như hắn. Không ai an ủi ai, khuyến khích ai. Một sức mạnh vô hình điều khiển thế giới này cũng như tạo hoá điều khiển thế giới kia. Hắn đâm ra nuối tiếc những cái mà xưa kia hắn từng làm chủ. Hắn muốn hòa nhập vào cái thân xác cũ, nhưng thân xác đó bây giờ trơ trẽn hôi thối. Hắn muốn ôm thằng bé hắn tự nhận là cha, thằng bé chẳng đoái hoài chỉ cầm chân cái xác lay động vô ý thức. Hắn quàng tay âu yếm người đàn bà hắn quen gọi bằng em. Cô ta không vùng vằng hất tay hắn như ngày xưa, nhưng cũng chẳng tỏ vẻ gì thích thú, gương mặt buồn thảm với những giọt nước mắt long lanh. Tuyệt vọng, tuyệt vọng cùng cực. Chính lúc này, hắn thấm hiểu hai chữ vô thường. Hắn cố gắng chấp nhận một cách mơ hồ rằng, hắn đã bước sang một thế giới khác. Việc nấn ná của hắn chỉ kéo dài thêm đau khổ xót xa. Hắn nhìn lại lần chót, nhìn thẳng vào ánh mắt từng người, xuyên thấu vào tận khối óc lợn cợn để đọc bập bẹ những điều họ đang suy nghĩ. Hình như họ còn bận rộn toan tính cho cái hợp đồng mua bán dở dang, đang kế hoạch lừa dối để đi gặp anh tình nhân trẻ, đang sắp đặt sao cho việc sở hữu chiếc vòng cẩm thạch trở thành sự thật... Hắn chán nản, dơ hai tay lên cao tỏ dấu hiệu đầu hàng. Và hắn chợt bay bổng, cuốn hút theo cơn gió vào khoảng trống tăm tối mênh mông.
Cơn lốc xoáy càng lúc càng mãnh liệt làm hắn quay cuồng, cảm giác kinh hoàng vượt quá sức chịu đựng khiến hắn ngất đi. Chỉ biết lúc tỉnh dậy, hắn ngồi giữa một cánh đồng bao la cùng với muôn vạn kẻ khác giống như hắn, bó gối ôm đầu suy tư. Hắn cố gắng nhớ lại giây phút thân xác quay cuồng, hình như mọi diễn biến của kiếp quả lần lượt quay về không sót một chi tiết nhỏ. Chỉ khác một điều, là mọi sự theo một trình tự nhanh đến độ hắn không kịp phán đoán: đúng và sai không hiện hữu, chỉ có chấp nhận và chấp nhận hậu quả như một công thức cân bằng phức tạp mà hắn cảm thấy không thể chối cãi. Mỗi lần một hệ quả xảy đến, hắn lại bị trôi dạt về một hướng bằng tốc độ không cách gì phản kháng. Trong đầu hắn ngập tràn ý tưởng phê phán của nghiệp lực. Đôi khi hắn cảm thấy vài giây phút trấn tĩnh ngắn ngủi để lắng nghe lời thì thầm của một quyền lực thiêng liêng kêu gọi hắn buông bỏ. Nhưng hắn không hiểu buông bỏ cái gì và ngay khoảnh khắc phân vân đó, hắn lại bị cuốn hút theo cơn lốc lạnh buốt.

Bây giờ ngồi đây, châm chích bởi vô số chủng tử, nhân tố của quá khứ đang kích thích thần thức chuyển biến sang một dạng thể phức tạp, pha trộn muôn triệu hạt giống để tạo hình một kiếp nối tiếp. Những chùm sáng chói loà từ những nơi bất định ào đến khiến lũ cô hồn hoảng sợ né tránh. Họ nhìn nhau và không thể hiểu được tại sao họ lại sợ hãi đến như vậy? Từ sâu thẳm của định kiếp, vang vang tiếng sấm sét muôn điệu muôn vẻ khiến họ cuống cuồng đâm đầu vào các hốc hẻm tối tăm để né tránh. Thỉnh thoảng cũng có vài bóng ma bình thản bay chập chờn nhẹ nhàng hoà tan vào các luồng sáng chói dường như cơn lốc nghiệp lực không hề có một tác động nào đối với loại thiên thể này. Hắn bụm mặt hé mắt nhìn, lòng ao ước có được can đảm để phóng mình qua khoảng không gian bao la, nhưng một mãnh lực nào đó níu chân hắn lại. Một án lệnh nào đó xa xả phán đoán, khiến hắn cảm thấy xấu hổ không dám ngửng mặt nhìn thẳng. Kiếp chuyển biến kéo dài như vô tận, không ngừng nghỉ như tiếng thác nước tuôn tràn từ nẻo vĩnh cửu...


Thời gian không còn ý niệm trong cõi trung gian. Máu, lửa, nước và hơi nóng là bốn yếu tố duy nhất quay cuồng nung đốt từng phạm nhân cho đến khi hắn không còn cảm giác đau đớn. Mức sợ hãi đã vượt quá giới hạn khiến hắn thẫn thờ há hốc miệng đón nhận mọi trừng phạt. Chỉ khi đó hắn mới cảm thấy tất cả là do chính hắn ảo tưởng. Nỗi đau đớn thể xác chỉ là ray rứt của tâm thần khi hắn còn nghĩ đến những quan hệ vợ chồng, cha mẹ con cái. Thân thể hắn bị bằm chặt khi ý tưởng hận thù nung nấu và mắt hắn hoa lên với muôn ngàn cái tát không nương tay khi hắn vừa chớm động lòng thương yêu. Hắn rũ liệt không còn chút bám víu, bỏ mặc hình hài trôi nổi trong giòng sông định mệnh. Hắn chính thức trở thành một thể vô tri vô giác, một thanh gỗ, một cục đá, một ly tử cực nhỏ của vũ trụ.
Làn ánh sáng xanh nhạt hiền hoà trôi bập bồng như bầu trời gờn gợn áng mây. Tâm thức hắn chợt tỉnh dậy, vùng vẫy vượt thoát. Hắn thò tay nắm níu vào vùng sáng theo một bản năng kết tinh từ các chủng tử nghiệp. Hắn gào thét kêu gọi những thần thức khác như kẻ muốn tìm bạn đồng hành. Nhưng chung quanh gã im lìm không ai buồn đáp ứng với gã. Khi nỗi hoài nghi trong tâm hắn đủ lớn để xác định được hắn đang rơi vào quỹ đạo của vòng luân hồi, hắn rụt tay co quắp, đầu gập vào bụng không muốn nhìn cái lỗ hổng đen ngòm. Nhưng tất cả đã quá trễ, hắn bị hút gọn vào lỗ hổng khủng khiếp đó. Chung quanh hắn tối xầm, tanh tưởi nhầy nhụa khiến hắn ngất đi. Con đường đầu thai đang đem hắn trở về khởi điểm của nhân kiếp... một thai nhi...





MÙA GIÓ NAM VỀ


Nguyên Hiệp



Tiếng người nói chuyện ngoài sân đã đánh thức tôi dậy. Hình như có khách, tôi nghĩ vậy nhưng vẫn không rời khỏi giường. Bên ngoài cửa sổ, mặt trời chiếu những tia nắng đầu ngày lên những tàn cây xơ xác. Gió nam năm này về sớm, khô khốc tràn qua cái thị trấn nhỏ bé này, tung lên những lớp bụi mù mịt.

Tôi ngồi dậy, thấy đầu vưng và mắt đau nhức. Lê người đến cửa, tôi nhặt lấy mẩu giấy mà Hiền nhét qua khe cửa: “Anh Nguyên, hôm ni thầy đi vắng, còn em thi nên về trễ. Anh coi chùa và trưa nhớ nấu cơm giúp em. À, nghe thầy nói sáng ni chùa có khách, anh coi tiếp nghe. Em, Hiền”. Tôi mở cửa bước ra, nhìn quanh nhưng chẳng thấy những người lúc nãy đâu cả, chắc họ thấy chùa không có ai nên đã đi. Tôi mỏi mệt ngồi xuống chiếc ghế bên hông nhà khách. Đầu óc nặng trịch. Suốt cả đêm hôm qua tôi đã không ngủ được, gần sáng lại ngủ thiếp đi. Từ hôm Hưng bỏ chùa đi, đêm nào tôi cũng mất ngủ. Tôi thấy mình có lỗi với mẹ của Hưng, đã không thực hiện được điều mà trước đây mình đã hứa.

* * *

Hưng là con cậu tôi. Hưng kém tôi hai tuổi, học sau tôi hai lớp và cũng đi tu sau tôi hai năm. Vì là anh em cô cậu, nhà lại ở sát nhau nên từ nhỏ chúng tôi rất thân thiết. Chính do vậy nên năm tôi học xong lớp bảy và đi tu thì hầu như ngày nào Hưng cũng có mặt ở chùa, cứ giờ nào rảnh là nó chạy sang. Ba mẹ nó không bằng lòng về việc đó nhưng không thể ngăn cản được. Nó là con trai một, từ nhỏ luôn được chiều chuộng nên muốn gì là phải được. Rồi Hưng ở lại chùa luôn, không chịu về nhà nữa. Ba nó đến chùa làm dữ, mẹ nó thì khóc lóc, nhưng nó cũng không chịu về. Cậu mợ tôi đều là công chức nhà nước, cả hai không hề biết đến chùa chiền, vì vậy việc Hưng ở lại chùa luôn là một cú sốc lớn đối với họ. Cậu tôi từ doạ nạt chuyển sang dụ dỗ, đủ mọi cách vẫn không đưa được nó về nhà, sau chịu thua đành phải đem sách vở và quần áo đến cho nó. Rồi từ giận con, cậu chuyển sang giận cả tôi, bảo rằng do tôi dụ nên Hưng mới đòi đi tu như vậy. Tôi thấy mình bị oan, nhưng muốn cho yên chuyện nên đành làm thinh. Mợ tôi thì sau mấy lần đến chùa khóc lóc, chẳng làm gì được nên nhờ tôi chăm sóc bảo bọc cho Hưng. Và để mợ yên lòng, tôi hứa sẽ làm điều đó. Năm đó Hưng học lớp bảy, đúng độ tuổi mà tôi xuất gia.



Hưng ở được mấy hôm thì lên xin thầy tôi được xuống tóc. Thầy tôi không nói một lời nào ngoài cái gật đầu - y như thầy đã gật đầu trước đó mấy hôm lúc Hưng lên xin thầy được ở lại chùa vậy. Thế là cu cậu bèn đến nhờ anh Hảo xuống tóc giúp. Anh Hảo cầm cán cạo, dí ngón tay vào đầu nó rồi vừa cười vừa nói:

- Thằng nhóc ni, răng mà thích xuống tóc rứa. Cạo rồi đừng hối hận nghe chưa.

Hưng đáp:

- Sau ni em không muốn tu nữa thì em để tóc lại. Có chi mà hối hận.

- Nói bậy! Phát nguyện xuất gia là không được nói rứa.

Anh Hảo nghiêm giọng bảo. Hưng có vẻ sợ nên im thin thít, không dám nói thêm gì nữa.

Chùa tôi từ đó có bốn người. Thầy tôi, anh Hảo, tôi và Hưng. Thầy tôi là một người ít nói và nghiêm khắc, đôi khi tôi thấy ở ông có chút gì đó lạnh lùng. Chúng tôi ít khi gần gũi thầy và thầy cũng chẳng mấy khi hỏi han gì chúng tôi. Thầy tôi biết nghề thuốc bắc, và thầy rất thường vắng chùa vì công việc của mình. Vì thế mọi việc trong chùa đều do anh Hảo quản xuyến. Anh Hảo xuất gia trước tôi năm năm và đã thọ giới sa di.

Anh Hảo người dong dỏng cao, nước da ngăm đen và có đôi mắt rất sáng. Anh sống mẫu mực và rất tốt với người khác. Anh chỉ dạy cho tôi và Hưng đủ điều, và chúng tôi luôn coi anh như anh ruột của mình.

Động cơ để anh Hảo xuất gia nghe cũng lạ lắm. Ba mẹ anh hai người không cùng đạo: mẹ anh theo Phật giáo còn ba anh theo Thiên chúa giáo. Nghe nói khi ba mẹ anh quen nhau, gia đình hai bên ngăn cản dữ lắm. Bên nội ra điều kiện là mẹ anh phải cải đạo thì mới cho anh lấy. Bên ngoại thì nhất định không cho con gái mình bỏ đạo vì muốn giữ truyền thống gia đình. Nhưng rốt cuộc chẳng bên nào thành công cả vì hai người cương quyết lấy nhau và gạt chuyện tôn giáo sang một bên. Sau ngày cưới, mẹ anh không còn đi chùa nữa và ba anh hầu như không còn đi xin lễ. Họ mua nhà ở riêng và trong nhà chẳng thờ một hình tượng gì, và hai người không bao giờ đề cập đến vấn đề tôn giáo khi có mặt nhau.

Anh Hảo có một người em gái tên Dịu, xinh đẹp, nhưng rất tiếc lại bị câm. Anh Hảo rất thương em gái mình và xót xa khi thấy em bị khuyết tật như vậy. Có lần anh nghe mẹ bảo, sở dĩ chị Dịu bị câm là do đời trước tạo ác khẩu. Khi ấy anh nói với mẹ là sau này anh sẽ đi tu để sám hối nghiệp cho chị Dịu. Tưởng rằng anh nói chơi, ai dè năm học lớp mười hai xong, anh lại đi tu thiệt. Khi nghe anh trình bày ý muốn của mình, ba mẹ anh không ai phản đối cả. Ba anh chỉ nói: “Con có quyền tự chọn đường đi của mình, miễn đó là con đường tốt”. Mẹ anh thì lặng thinh, không biểu lộ vui buồn gì. Nhưng khi anh đi tu rồi thì bên nội anh phản ứng dữ dội. Tuy thế mọi việc rồi đâu cũng vào đó.

* * *

Hưng vào tu được một năm thì Hiền xuất gia. Hiền xuất thân từ một gia đình thuần tuý Phật giáo. Từ nhỏ, Hiền đã sinh hoạt trong Gia đình Phật tử. Nhân một lần thầy tôi về chữa bệnh ở làng của Hiền, ba mẹ Hiền đã đem Hiền gửi cho thầy. Hiền là một đứa bé ngoan và nhanh nhẹn, học hành lại giỏi. Từ khi có Hiền vào, chùa trở nên vui hơn. Ở chùa chúng tôi quen gọi Hiền là chú Út. Và một cách ngẫu nhiên, cái tên đó đã dự báo trước một điều là sau Hiền tôi không thấy có một người nào vào chùa tôi tu nữa.



Năm Hiền vào tu, tôi được mười sáu tuổi và chuẩn bị vào học lớp mười. Cái tuổi đó, tôi vẫn còn khờ khạo, vẫn thích gọi bọn nhóc quanh xóm vào chơi và chỉ cho chúng cách dán diều. Thầy tôi thì vẫn bận rộn suốt ngày. Công việc trong chùa và việc chỉ dạy cho chúng tôi vẫn do anh Hảo đảm trách. Nói chung thì chúng tôi là những thằng nhóc dễ bảo nên không làm phiền gì anh nhiều. Chỉ có Hưng là hơi cứng đầu một chút.

Mùa nắng đi qua và mùa mưa kéo đến, trong cái vòng quay luẩn quẩn ấy mọi việc cứ thế mà cuốn trôi. Tôi hình như ít khi để ý đến vấn đề thời gian, chỉ khi nào chùa có một cuộc lễ hay có một sự cố gì đó tôi mới nhận ra rằng bấy giờ là ngày nào tháng nào…

Một tối trời mưa, anh Hảo đang chỉ bài cho tôi thì có tiếng người gọi:

- Chú Hảo, chú Hảo ơi?

Anh Hảo bước ra khỏi phòng, hỏi:

- Dạ, có việc chi không anh?

- Ba mạ chú bị tai nạn nặng lắm. Chú về nhà đi.

Anh Hảo không hỏi gì thêm, bước vào phòng, dặn tôi một vài việc rồi ra ngồi lên xe cho anh thanh niên kia chở đi. Anh Hảo đi rồi, tôi thấy trong người bồn chồn và lo lắng quá chừng. Hưng và Hiền ở phòng bên chạy sang hỏi tôi:

- Anh Nguyên, có việc chi rứa?

- Ba mạ anh Hảo bị tai nạn. Người ta mới tới báo.

- Mình về nhà anh đi, coi thử ra răng. Hiền bảo.

- Anh Hảo nói không được đi mô hết. Để sáng mai rồi tính.

Sáng hôm sau, chúng tôi nghỉ học, đạp xe về nhà anh Hảo. Về đến nơi, chúng tôi không còn tin ở mắt mình khi nhìn thấy chiếc quan tài đang được khiêng ra khỏi nhà. Ba anh Hảo đã chết. Vì cơ thể ông bị dập nát nên người ta đã liệm ông ngay sau khi đưa xác về nhà và đưa đi chôn liền vào sáng hôm sau. Tôi thấy anh Hảo đi một bên quan tài, có vẻ bình tĩnh nhưng ràn rụa nước mắt. Chị Dịu thì đi sau vật vã khóc. Tiếng khóc của một người câm nghe thật kỳ lạ và không thể diễn tả được. Chị cào cấu. Điên dại. Tóc tai rối bù. Áo quần xọc xạch. Người ta phải dìu chị đi. Trước đây tôi cũng đã từng xem kịch câm, và mỗi lần như vậy, tôi phải cố gắng lắm mới hiểu được người ta muốn diễn đạt điều gì phía sau những hành động, cử chỉ của họ. Còn lúc này, không cần cố gắng tôi cũng có thể hiểu được những tiếng ư…ư kia muốn nói điều gì. Những tiếng ư…ư không câu không lời sao nghe đau đớn đến thế!

Chúng tôi để xe lại nhà anh và đi theo đoàn người ra nghĩa địa. Khi quan tài được hạ xuống huyệt thì cũng là lúc chị Dịu ngất đi. Lúc đó tôi nghĩ, không biết giữa người chết và những người đang sống kia ai là người đáng thương hơn!

Sau đám tang ba ngày, anh Hảo lên lại chùa. Vừa gặp anh, tôi linh cảm có điều gì đó bất ổn sắp xảy ra. Và đúng vậy, anh Hảo lên xin thầy tôi được hoàn tục để về nhà chăm sóc mẹ. Vì sau tai nạn đó, mẹ anh tuy thoát chết nhưng lại bị cụt mất một chân. Tôi đứng bên ngoài cửa phòng thầy tôi, nghe tiếng anh run run thưa với thầy mà lòng rối tung bấn loạn. Anh Hảo vừa bước ra khỏi phòng, Hiền đã ôm lấy anh mà khóc oà lên. Anh Hảo cố giữ bình tĩnh, vỗ vỗ vào vai Hiền và bảo:

- Em ở lại ráng siêng năng tu học. Anh thiệt buồn là không có duyên ở lại với mấy đứa em. Thông cảm cho anh.

Nói rồi anh trở về phòng mình, dọn dẹp mọi thứ, kêu tôi vào dặn đủ điều, rồi sau đó ra về với một bồ đồ duy nhất cầm tay. Tôi đứng như trời trồng, nhìn anh đi mà chẳng mở miệng nói được một lời nào. Hôm đó Hưng đi vắng, sau về nghe Hiền kể lại sự việc, nó chẳng nói năng gì, lẳng lặng đi lên chùa. Việc anh Hảo hoàn tục khiến chúng tôi vô cùng hụt hẫng, nhưng điều đó lại làm cho những người bên nội của anh thoả mãn. Cùng một vấn đề, nhưng ở cuộc đời này, có khi khiến người này buồn nhưng lại làm cho kẻ khác vui!

* * *


Mùa mưa bão bắt đầu ập xuống cái thị trấn nhỏ bé này. Mưa có khi kéo dài cả tháng, bầu trời xám xịt suốt ngày. Nhưng với chúng tôi, dù mưa hay nắng thì hàng ngày vẫn phải đến trường, và vẫn phải làm các công việc trong chùa một cách đều đặn. Thầy tôi vào những ngày mưa thì ít khi đi đâu, thầy dùng thời gian phần nhiều vào việc đọc sách và làm thuốc. Hết những ngày mưa là bắt đầu những ngày lạnh rét. Những đợt gió đông bắc tràn về mang theo mưa phùn và giá lạnh. Nhưng thời tiết như vậy lại thích hợp cho chúng tôi trồng rau đậu. Nghĩ cũng lạ, cây cối cũng như con người, có loại thích thứ này những có loại lại thích thứ kia. Không có anh Hảo, tôi thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, thấy vất vã hơn. Anh Hảo lâu lâu lên chùa giúp chúng tôi một vài việc, khi thì đi một mình, lúc thì đi cùng chị Dịu.

Sau khi về nhà, anh Hảo trở thành người rường cột chính trong gia đình, phải gánh vác công việc trước đây của ba anh. Mẹ anh sau khi bình phục, không thể làm được công việc cũ nên anh dựng cho mẹ một cái quán nhỏ trước nhà để bà bán bánh kẹo và thuốc lá. Về nhà, anh vẫn ăn chay trường. Mẹ anh và chị Dịu thấy vậy nên cũng ăn chay luôn.

Năm học lớp mười hai, tôi thấy việc học của mình sút hẳn, cả Hưng nữa, chỉ có Hiền là không có gì thay đổi. Năm học cuối cấp của tôi trôi qua một cách nặng nhọc, nhưng may sao kết quả tốt nghiệp chẳng đến nỗi nào.

Mùa gió Nam lại về. Những cơn nắng như thiêu như đốt bắt đầu hoành hành cái xứ sở này. Gió khô, nắng cháy và bụi bặm là những thứ cái thị trấn này phải gồng mình chịu đựng. Nhưng con người ở đây hình như họ cũng quen rồi với những thứ đó nên đối với họ thật không có gì đáng để quan tâm. Sau tốt nghiệp, tôi dẹp bỏ cái dự định sẽ tiếp tục đi học của mình. Hưng thì càng lớn càng trở nên khó bảo, bắt đầu có những dấu hiệu khác thường. Tôi thấy lo lắng, cố gắng ngăn cản, khuyên bảo, nhưng vẫn không thay đổi được Hưng. Có lần anh Hảo lên, tôi đem việc đó nói với anh thì anh bảo:

- Em đừng quá lo lắng. Tuổi mới lớn đôi khi có những kiểu nổi loạn khác thường.

- Nhưng em không thích kiểu nổi loạn đó. Tôi nói.

- Ừ, có những thứ mình không thích nhưng phải biết chấp nhận em ạ.

Có thể anh Hảo nói đúng, nhưng tôi làm sao chấp nhận được khi thấy Hưng ngày càng hư hỏng như vậy. Mà đâu chỉ là vấn đề chấp nhận hay không, còn là trách nhiệm của tôi nữa. Tôi thấy mình đã không thực hiện trọn lời hứa với mẹ của Hưng. Chỉ hơn Hưng hai tuổi, tôi biết mình chưa đủ kinh nghiệm để chỉ bảo cho Hưng. Ngay những khi Hưng thắc mắc về những vấn đề ở chùa, ở trường học, ở xã hội, tôi đã chưa trả lời thoả mãn. Khuyên bảo hoài mà Hưng không nghe, tôi buồn quá, không biết làm sao cả nên đâm ra im lặng. Nhưng sự im lặng đó chỉ tạo nên sự nặng nề căng thẳng và Hưng lại tìm cách xa lánh tôi. Kết quả cuối cùng là Hưng đã bỏ đi với mảnh giấy để lại cho tôi: “Anh Nguyên, em thấy mình không còn đủ duyên để ở lại đây. Xin anh tha lỗi cho em và nói với ba mạ em đừng lo lắng chi cho em cả. Em, Phước Hưng.” Tôi đọc xong những dòng này, người chợt run lên, nghe có gì tê buốt trong lòng. Tôi bèn đi tìm Hiền, nhưng hôm đó Hiền đi học vắng. Khi ở trường về, biết được sự việc, Hiền nói với tôi:

- Trước sau chi thì anh Hưng cũng đi. Anh không biết điều đó à?

- Em biết chi mà nói. Tôi vô cớ nạt Hiền.

Cậu mợ tôi khi hay tin Hưng bỏ đi thì vô cùng hoảng hốt, chạy đến tìm khắp các nhà bà con nhưng không thấy Hưng đâu cả. Rồi cậu trách móc tôi đủ điều. Mợ tôi thì chẳng nói năng gì mà chỉ biết khóc. Và mỗi lần thấy mợ khóc tôi thật vô cùng khổ tâm.

* * *


Mấy ngày hôm nay tôi chẳng buồn ăn uống gì cả, đêm lại không ngủ được. Đôi khi tôi muốn đến nhờ thầy giúp đỡ, nhưng ngần ngại nên lại thôi. Tội nghiệp cho Hiền, đang đúng kỳ thì tốt nghiệp lại phải làm mọi việc trong chùa một mình.

Tôi uể oải rời khỏi ghế. Nhớ lại lời Hiền, tôi đi quét dọn chùa chiền và sau đó lấy gạo nấu cơm. Buổi trưa, lúc cùng ăn cơm với Hiền, tôi hỏi:

- Khi mô em mới thi xong?

- Mai một ngày nữa là xong rồi. Hiền trả lời.

- Em thi xong, anh sẽ đi tìm Hưng về.

- Không cần thiết phải làm rứa anh ạ. Anh thiệt không hiểu anh Hưng chi cả.

- Rứa em bảo anh phải làm chi đây?

- Em xin lỗi anh.

Hiền thi xong, tôi lên xin thầy đi tìm Hưng. Thầy tôi hỏi:

- Con định đi mô tìm?

- Con cũng không biết nữa. Tôi đáp.

- Việc làm của con thiệt vô bổ.

Dù cả Hiền và Thầy không ai đồng tình nhưng tôi vẫn đi tìm. Biết mình khó có thể tìm được Hưng, nhưng tôi không thể không đi. Nửa tháng sau tôi quay trở về nhưng không gặp được Hưng. Hiền thấy tôi về thì mừng lắm, hỏi han đủ điều nhưng tuyệt nhiên không hỏi là tôi có tìm thấy Hưng hay không. Tôi hỏi Hiền:

- Em có nộp hồ sơ thi đại học không?

- Dạ có, nhưng chắc em sẽ không đi thi.

- Răng không đi thi?

- Chùa còn ai mà đi.

- Trước đây chùa này chỉ có mỗi mình thầy, sau đó mới có anh Hảo vào. Một người vẫn sống được. Hai người vẫn sống được. Không hề chi cả. Em cứ làm những gì mình thích. Hiền nghe lời tôi và đi thi. Hiền thi với số điểm khá cao. Điều đó không khiến tôi vui hay buồn. Hiền đi học, chùa bây giờ chỉ còn lại thầy và tôi.

* * *

Mùa mưa lại bắt đầu kéo đến xứ sở này. Những cơn mưa cứ dai dẳng hết ngày này sang ngày khác, lâu lâu lại có bão và lụt. Những ngày mưa, ngoài thời gian công phu ra, tôi lại dành hết thời gian vào việc học ngoại ngữ. Anh văn lúc học phổ thông tôi đã học qua, còn Hán văn trước đây anh Hảo có chỉ lại nên bây giờ tôi có thể tự học một mình. Ngồi học hoài cũng chán, có lúc tôi một mình ra ngồi trước tiền đường, nhìn trời nhìn đất, nhìn con chim dao dác bay kêu lên những tiếng thê thiết, nhìn những cơn mưa trắng xoá như rây bột giăng giăng trên những tàn cây, nhìn người ta đơn độc, liêu xiêu, vội vã qua lại nơi con đường trước chùa. Đôi khi tôi nghĩ, không biết người ta sinh ra ở cuộc đời này rốt cuộc để làm gì! Chẳng lẽ con người ta sinh ra đời chỉ có làm ăn sinh sống rồi chờ đến ngày chết? Ừ, mà đâu chỉ có làm ăn sinh sống, người ta chắc còn có khổ đau, hạnh phúc, còn có tranh giành dối gạt, còn có đủ thứ linh tinh khác nữa chứ. Ở cái thị trấn này đời người thấy khá đơn giản: tụi con nít thì vô tư trong nhếch nhác; đám thanh niên thanh nữ thì chưa hết thời làm trai làm gái đã thành bố thành mẹ với đám con nheo nhóc; những người già thì suốt ngày bỏm bẻm nhai trầu, vấn thuốc, ngồi chờ ngày trở về gặp mặt ông bà.



Có những lúc tôi cũng mon men xuống chỗ thầy tôi phụ giúp thầy rọc giấy gói thuốc. Thì ra gói thuốc bắc cũng có cách của nó. Thỉnh thoảng thầy chỉ cho tôi một vài tên thuốc, công dụng và xuất xứ của nó. Tôi thì nghe cho có vậy thôi chứ chẳng nhớ được gì. Mà thú thực tôi cũng không thích lắm cái nghề thuốc của thầy tôi, hẳn nhiên là có nguyên nhân. Nhưng mà cái mùi thuốc bắc thì tôi thấy thích thích. Mỗi khi thầy ngồi phân thuốc, tôi chẳng biết làm gì nên ngồi chăm chăm nhìn thầy. Tóc thầy gần như bạc trắng, lông mày thì như dài ra với những sợi trắng rũ xuống. Một chút cảm xúc thoáng qua đầu, thương yêu, buồn giận, trách móc… mơ hồ hỗn độn chồng lên nhau. Điên thật! Rồi thầy ngẩng đầu lên và bắt gặp cái nhìn của tôi. Thầy mỉm cười. Lát, hỏi tôi:

- Lâu nay con sống một mình có buồn không?

Tôi làm thinh không trả lời. Vì chẳng biết phải trả lời thế nào.

- Thầy sống một mình ở ngôi chùa này đã mấy chục năm. Thầy đã tự học cách để sống một mình… Con cũng nên như rứa. Không thể sống nương tựa vào một thứ tình cảm nào khác được…

Thầy nói chưa xong thì tôi đã đứng dậy, vì chợt nhận ra rằng đã quá giờ công phu chiều…

* * *


Sau mùa mưa là thời gian tôi vất vả nhất vì cỏ trong vườn chùa mọc um tùm lên. Tôi phải cuốc cỏ để gieo cải, trồng đậu ô ve và trồng hoa cho dịp tết sắp đến. Mấy năm trước khi còn anh Hảo, tết nào chúng tôi cũng đem hoa ra chợ bán. Sau này không có anh, chúng tôi trồng hoa chỉ để cắm vào dịp tết thôi. Tôi cứ lầm lũi làm như thế một mình, đôi khi có bọn nhóc trong xóm qua phụ giúp, và thoáng một cái tết lại đến.

Gần tết, anh Hảo và chị Dịu lên chùa. Anh Hảo giúp tôi bửa củi, quét dọn chùa chiền. Chị Dịu thì mang theo lá và nếp, rồi chị lầm lũi vuốt nếp gói bánh một mình. Nét mặt chị lúc nào cũng buồn rười rượi, không nói một tiếng nào, mà chị câm thì làm sao nói được. Nhưng tôi nghĩ, giả sử chị có nói được thì chắc chị cũng không nói đâu. Thấy chị gói bánh rất khéo, muốn khen một câu cho chị vui, nhưng không biết cách diễn đạt cho chị hiểu nên lại thôi.

Sắp tết Hiền cũng trở về chùa. Hiền về mang cho tôi cơ man là sách. Tôi không biết Hiền lấy đâu ra tiền mà mua cho tôi nhiều sách đến thế. Hỏi thì Hiền nói đó toàn là sách người ta cho, không tốn đồng tiền nào cả. Hiền còn mang về những thứ khác nữa, mà theo Hiền là ngôi chùa Hiền đang ở gửi cho. Hiền bảo rằng, thầy ở đó biết chùa mình khó khăn nên quan tâm lắm. Tôi hỏi Hiền:

- Em đem chuyện chùa mình đi kể à?

Hiền nói:

- Em có kể chi mô. Thầy ở đó hỏi nên em trình bày một vài chuyện thôi mà.

Rồi Hiền xin hình tôi. Tôi hỏi để làm gì thì Hiền đáp:

- Các thầy trong nớ muốn biết anh.

- Em hết việc hay răng mà đem anh đi giới thiệu với các thầy.

Hiền cười hì hì rồi lảng qua chuyện khác.

Tết ở cái thị trấn này thật là một sự xa xỉ đối với người lớn, mặc dù bọn con nít, cũng như bao đứa trẻ khác, hớn hở vui mừng với những bộ đồ mới rẻ tiền. Những ngày này, đài phát thanh cứ ra rả phát đi những bài thơ, bài nhạc ca ngợi mùa xuân. Họ ca ngợi dữ lắm, ca ngợi đủ cách, dùng đủ hình tượng, âm thanh để ca ngợi. Không biết những thi nhân nhạc sĩ kia ở chỗ của họ mùa xuân đẹp đến mức nào mà họ ca ngợi dữ thế không biết. Chứ ở cái thị trấn này, làm gì có được chút cảm xúc để mà ca ngợi, dù chỉ là thứ cảm xúc tự tạo. Ấy vậy nhưng đám thanh niên đi làm xa về, đám con nít trông vẫn khá yêu đời, yêu xuân lắm. Chúng luôn miệng “Xuân ơi xuân xuân đã về, có nỗi vui nào hơn ngày xuân đến…” Ừ, bọn chúng thì xuân là vui nhất rồi, còn ba mẹ chúng thì lo hết hơi…

Tết xong, Hiền ở lại chùa thêm vài ngày rồi lại ra đi. Còn tôi lại tiếp tục cuộc đời của mình với những công việc quen thuộc nơi một ngôi chùa quê hẻo lánh. Qua tết trời ấm dần lên và thỉnh thoảng có nắng. Bọn con nít trong xóm lại đến trường, lại thỉnh thoảng sang nhờ tôi chỉ bài và cũng nhờ luôn việc dán diều. Không biết từ khi nào tôi đã có được thêm cái tài dán diều. Và cái tài này không ngờ lại quy tụ được bọn nhỏ. Thú thực thì bọn nhỏ thích Hưng và Hiền hơn tôi nhiều, nhưng tôi nhờ có được những cái tài vặt nên lại dễ quy tụ bọn chúng. Những khi ngồi nhìn tụi nhóc chơi đùa, tôi trông chúng thật vô tư quá, dầu bề ngoài chúng rất đáng thương. Bọn nhóc ở xóm này, ba mẹ của chúng suốt ngày phải lo làm lụng nên bỏ bê chúng. Bọn chúng, trong đó có cả tôi trước đây, đã tự học cách để tồn tại và lớn lên.

* * *

Mùa gió nam lại một lần nữa quay trở về cái thị trấn này. Mùa gió nam bao giờ cũng là mùa ấn tượng nhất đối với tôi. Thật kỳ quái, không biết sao mình lại thích cái mùa đầy gió khô nắng cháy này. Một sự tình cờ, tôi, Hưng và Hiền đều xuất gia vào cùng mùa này. Về sau Hưng bỏ đi cũng đúng luôn độ ấy. Mỗi khi gió nam về tôi lại hay nhớ về những kỷ niệm vừa gần gũi vừa xa xăm: một cánh diều đứt dây ngoài đồng lúc còn thơ; những bước chân trần suốt ngày đi tìm tổ chim để rồi bị ba mẹ rầy la; những ngày cùng Hưng và Hiền đi học, xe đạp hư và cả ba cùng rủ nhau đi bộ; những ngày ngủ quên, bỏ cả đánh chuông tụng kinh; những lần về chơi nhà anh Hảo hái khế hái ổi… Ký ức về tuổi thơ thật lộn xộn nhưng đậm nét, đầy hồn nhiên nhưng lại gợi buồn.



Nhưng tôi không có nhiều thời gian để miên man nghĩ ngợi. Tôi phải lau chùa một ngày hai lần vì bụi, phải quần quật tưới nước cho đám cây cối luôn ở trong tình trạng thiếu nước bởi do gió nắng hành hạ. Bọn nhóc lại kéo sang chùa phụ giúp tôi tưới cây. Bọn chúng hì hục kéo nước đổ vào các xô cho tôi xách đi tưới. Tôi không nhờ vả gì bọn chúng, cũng không ấn định thời gian, ấy vậy mà cứ đúng giờ là bọn chúng lại kéo sang. Và sau mỗi lần làm việc xong, những gì có thể ăn được trong chùa tôi đều đem hết ra cho chúng. Thỉnh thoảng cũng kể cho chúng một vài câu chuyện. Tôi thì chẳng có khiếu gì trong việc kể chuyện, nhưng không biết sao bọn nhỏ lại vẫn thích nghe.

* * *


Tôi đang tưới cây thì mợ tôi sang, vừa thút thít khóc vừa nói:

- Chú Nguyên, mợ có tin của Hưng rồi.

Tôi ngừng tay tưới, đứng im lặng. Mợ tưởng tôi không nghe nên lại nói:

- Chú, Hưng vừa mới gửi thư về cho mợ.

- Rứa à…

- Chú ơi, Hưng không còn tu nữa.

- Không còn tu nữa?… Cũng đành chịu thôi mợ ạ. Biết làm răng chừ.

- Nó làm rứa thì răng mợ sống nổi.

- Hồi trước Hưng đi tu mợ cũng nói nó làm rứa thì răng mợ sống nổi, chừ nó không tu nữa mợ cũng nói câu nớ.

- Chú…


Mợ lại khóc và ra về. Mợ đi rồi, tôi đứng thừ người ra, không hiểu sao mình lại nói những lời ấy với mợ, thật vô lý quá. Trước đây khi Hưng bỏ đi, tôi nghĩ nếu biết Hưng ở đâu tôi sẽ lập tức đến đó đưa Hưng về, nhưng sao bây giờ biết được tin Hưng, tôi lại dửng dưng thế này. Bọn nhỏ thấy tôi đứng im vậy thì hỏi:

- Răng chú không tưới cây đi?

Tôi không để ý là nãy giờ bọn nhỏ đang đứng nhìn mình, bèn hỏi lảng.

- Khi mô mấy đứa mới nghỉ hè?

- Gần rồi chú ơi.

Ừ, đúng rồi, giờ đã sang hè rồi. Thật nhanh quá, mới đó mà Hiền đã học xong một năm. Giờ đây tôi không còn muốn nghĩ gì nữa, chỉ mong Hiền được nghỉ hè sớm để về chùa. Lâu rồi không thấy anh Hảo lên chùa, tôi lo quá, không biết anh thế nào. Lần này Hiền về, chúng tôi sẽ đi thăm anh.

* * *

Ngày Hiền nghỉ hè về chùa cũng là ngày tôi nhận được tin Hưng chết vì tai nạn xe. Hôm đó tôi chưa kịp hỏi thăm Hiền được gì thì đã chết đứng với cái tin báo đau đớn ấy. Cậu mợ tôi hoảng hốt rồi hoá điên hoá dại.



Hưng sau khi rời chùa ra đi, đã hoàn tục và xin vào làm tiếp thị cho một công ty. Trong một lần đi tiếp thị hàng, không biết sao lại đâm xe máy vào một chiếc xe tải và rồi tắt thở trên đường vào bệnh viện. Người ta liệm xác và đưa Hưng về quê. Cái chết của Hưng đã làm nhiều người thương cảm. Còn tôi, từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ thầy lòng mình đau thắt như lúc ấy, và cũng chưa bao giờ tôi lại tỏ ra bình tĩnh trước một sự cố tang thương thế ấy. Hiền khóc nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh. Tôi thấy Hiền đã chững chạc và trưởng thành hơn nhiều.

Nửa tháng sau ngày đám tang Hưng, tôi và Hiền sắp xếp đi thăm anh Hảo. Tiếp chúng tôi là mẹ anh. Bà tỏ ra rất vui mừng khi thấy tôi và Hiền, tuy thế trên khuôn mặt vẫn thoáng nét buồn. Bà hỏi thăm chúng tôi đủ chuyện, từ chuyện cuộc sống ở chùa cho đến việc học hành của Hiền, nhưng bà không biết chuyện Hưng đã qua đời. Và tôi cũng cố gắng lảng tránh vấn đề để bà đừng nhắc đến Hưng. Tôi nhìn quanh nhà và thấy có ít nhiều thay đổi. Tôi vừa định hỏi anh Hảo, thì như hiểu ra ý tôi, bà đã vội nói:

- Hảo hôm nay sang nhà ba mẹ vợ giúp việc, chắc đến tối mới về; còn Dịu thì đang làm sau vườn.

Nghe vậy, Hiền hỏi, giọng đầy ngạc nhiên:

- Bác nói gì? Anh Hảo đi sang nhà ba mẹ vợ? Anh Hảo cưới vợ rồi à?

- Ừ, Hảo cưới vợ cũng đã mấy tháng nay rồi. Vợ nó theo đạo Thiên Chúa, và Hảo bây giờ cũng đã đi lễ nhà thờ rồi. Lâu nay nó không lên chùa là vì ngại việc đó. Mọi quyết định của con cái bác ít khi can thiệp vào. Cũng duyên nghiệp với nhau thôi mấy chú ạ.

Tôi im lặng, cố gắng không tỏ ra một biểu hiện gì. Nhưng Hiền thì thở dài, không biết thở dài vì buồn hay vì thất vọng. Chúng tôi ngồi nói chuyện được một lát thì chị Dịu từ ngoài vườn đi vào. Chị vui mừng khi gặp mặt chúng tôi. Chị ra dấu nói điều gì đó nhưng tôi không hiểu. Rồi chị lại khóc, và tôi lại càng không hiểu vì sao chị lại khóc, nhưng mẹ chị thì hiểu, và cả hai cùng thút thít khóc. Trưa hôm đó chúng tôi ăn cơm tại nhà anh Hảo và chơi đến chiều mới về. Khi tiễn chúng tôi ra cổng, mẹ anh Hảo nói:

- Dịu nói ít bữa nữa nó sẽ lên chùa chơi, và nó muốn quy y nữa đó.

- Rứa hả bác? Hiền hỏi và nhìn sang chị Dịu.

Chị Dịu gật gật đầu.


* * *
Gió Nam bắt đầu dịu dần và những ngày cuối cùng của mùa hè lặng lẽ trôi qua. Một tối, thầy tôi gọi tôi và Hiền xuống phòng. Tôi thấy hơi lạ vì từ xưa đến giờ việc này chưa từng xảy ra. Tôi gõ cửa rồi bước vào phòng thầy. Thầy ngồi im lặng, khuôn mặt thoáng nét suy tư. Chúng tôi khẽ khàng ngồi xuống một bên. Một lát, thầy hỏi:

- Hiền khi mô sẽ đi học lại?

- Bạch thầy, vài hôm nữa con phải đi rồi.

- Nguyên coi sắp xếp và đợt này cùng đi với Hiền. Vào trong nớ coi tìm một trường nào đó mà học. Thầy biết nếu con cứ ở đây như thế này thì sẽ không tốt cho con. Thầy đã không giúp gì được cho các con.

- Nhưng…

- Không răng hết. Thầy vẫn có thể sống được một mình, còn các con thì không thể. Thôi, hai con có thể ra được rồi.



* * *
Chuyến xe đò lăn bánh đưa tôi xa dần cái thị trấn hẻo lánh, nghèo khó, nơi có ngôi chùa quê đã nuôi tôi khôn lớn và để lại trong lòng tôi nhưng ký ức sâu đậm. Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết được thầy tôi, một con người trầm lắng và có chút gì đó lạnh lùng. Nhưng hình ảnh của thầy hôm đưa tôi lên bến xe cứ làm cho tôi luôn luôn khắc khoải. Rồi một ngày nào đó tôi sẽ trở về với thầy, về với ngôi chùa quê quanh năm yên phận với những ngày mưa ngày nắng cứ đến và đi, và rồi tôi sẽ học cách để sống một mình giữa một cõi đời luôn đan xen nhiều chuyện buồn vui. Nhưng tôi cũng phải học cách làm cho tâm hồn mình không bị đóng băng, biết mở lòng ra với những người xung quanh.
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương