Nội dung số này



tải về 3.08 Mb.
trang2/26
Chuyển đổi dữ liệu01.05.2018
Kích3.08 Mb.
#37643
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   26

CẢM NIỆM NGÀY ĐẢN SINH


HT. Thích Đức Chơn



(Đọc tại Lễ đài Phật đản Quảng Hương Già-lam, PL. 2551)


LTS.: Có thể nói đây là bài diễn văn hay nhất trong số những bài diễn văn, thông điệp, pháp luận, tùy bút, văn hoặc thơ cúng dường Phật Đản trong đại lễ Phật Đản Phật-lịch 2551 vừa qua. Khi tạp chí này đến tay bạn đọc thì ngày Phật đản, mùa Phật đản, đã qua; dù vậy, những điều cốt lõi mà diễn văn này chuyên chở là những điều mà người con Phật khắp nơi nên thường chiêm nghiệm và ứng dụng trong đời sống, trong sinh hoạt (tu tập, hành đạo, chính trị, xã hội…), sao cho chánh pháp được lưu truyền, người người hưởng được pháp lạc; và cần nhất trong thời đại khủng hoảng biến động ngày nay: gieo rắc tinh thần từ bi khoan dung của Phật giáo đến với toàn nhân loại, ngõ hầu kiến tạo một thế giới hòa bình, hạnh phúc thật sự. Đây chính là pháp cúng dường tối thượng của người con Phật, bất kỳ thời gian nào, xứ sở nào.
~oOo~
Nam-mô Nam-mô Lâm-tỳ-ni viên, Vô ưu thọ hạ,

thị hiện đản sanh, Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Kính bạch Chư tôn Đại đức Tăng;

Kính thưa toàn thể tứ chúng,

Chư Phật tử thân cận, Chư thiện hữu tri thức.

Kính thưa liệt quý vị,

Trong giây phút thiêng liêng cao quý này, trước khi đại lễ Phật đản 2551 chính thức cử hành, thay mặt toàn thể chư tăng trong tu viện Quảng Hương Già-lam, tôi kính gởi đến chư Phật tử, các chúng đệ tử thân cận và các thiện tri thức xa gần, lời chúc mừng an lạc trong mùa Phật đản, trong ánh bình minh rực rỡ của Giải thoát và Giác ngộ.

Vũ trụ tuần hoàn đang quay lại khoảnh khắc thiêng liêng bất khả tư nghì; khoảnh khắc mà gót chân đại hùng ghi dấu ấn đầu tiên của đức Bồ-tát tối hậu thân lên mặt đất, được vun bồi bởi thiện nghiệp của chúng sinh, mà cũng thường trực bị dày vò bức bách bởi ái dục, tà kiến, thù hận; khoảnh khắc cả đại thiên vũ trụ trong dòng xoáy huyễn mộng chợt biến chợt hiện, gây bởi cuồng phong nghiệp cảm, bỗng ngưng đọng để lắng nghe nhịp đập của trái tim đại bi, vì tiếng kêu khóc của vô vàn chúng sinh trong ngục tối hãi hùng. Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, hết thảy chúng ta, những người con Phật đang hiện diện tại lễ đài Phật đản hôm nay, bấy giờ không biết đang lang thang vô định trong cõi u tối nào, đang lặn chìm trong khổ lụy, bị giam hãm trong ngục tù năm uẩn, bị trùm kín bởi vô minh, không hề hay biết một đóa hoa vô ưu đang nở rộ.

Nay, nơi đây, trong không gian khiêm tốn, hạn hẹp của Tăng viện, bốn chúng đệ tử cùng thành kính lắng đọng tâm tư, chiêm ngưỡng hình tượng cao vời của đấng Chí Tôn trong ba cõi, nghe đồng vọng trong quãng hư không vô biên, khúc nhạc trời hân hoan truyền tín hiệu lan khắp mười phương thế giới: Hạnh phúc thay, chư Phật xuất hiện. Hạnh phúc thay, Chánh pháp giảng truyền. Hạnh phúc thay, Tăng già hòa hiệp. Hạnh phúc thay, Tứ chúng đồng tu.

Vì sao vậy?

Hết thảy mọi loài chúng sinh đều mong cầu an lạc, mong tìm được nơi an ổn chí thiện; nhưng bị lôi cuốn bởi cuồng vọng, tham, sân, bị khống chế bởi quy luật cạnh tranh sinh tồn, nên sinh tâm tật đố, ganh tị, hư cuống, dẫn đến, tranh đoạt, tương tàn. Xã hội càng lúc càng bành trướng với nhiều hình thái dị biệt, mâu thuẫn càng lúc càng gay gắt; áp bức, bất công là hậu quả của tiến bộ xã hội y cứ trên tâm thức tham ái, vị ngã. Sự xuất hiện của chư Phật là ánh sáng đánh thức nhân tâm, tìm nẻo quay về y tựa trên pháp tánh bình đẳng, nhìn thấy và biết ta là ai, đang ở đâu. Chánh pháp giảng thuyết, phô diễn chân lý cứu cánh của vũ trụ nhân sinh, để chúng sinh có thức tánh có thể thấy và biết bản chất của thế giới, đâu là hư vọng, đâu là chân thật, để biết định hướng cho cứu cánh của mình trong dòng thác lũ sống chết xoay vần này. Chúng Tăng hòa hiệp, bốn chúng đệ tử cùng hòa hiệp, cùng giác ngộ, sách tấn lẫn nhau để cùng tu tập, phát triển tâm tư càng lúc càng cao thượng, sáng suốt; và đó là nguồn an lạc chân chính cho từng cá nhân trong toàn xã hội.

Phật dạy, cùng tôn thờ một đấng Đạo Sư, cùng tu hành theo một giáo pháp, cùng hòa hiệp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc. Vậy nên, các chúng đệ tử xuất gia của Phật sống y chỉ trên sáu pháp hòa kỉnh, khả hỷ khả niệm; các chúng tại gia sống y chỉ trên pháp bốn nhiếp sự, tương thân tương ái và tương trợ. Sống hành đạo, cảm nghiệm sâu xa pháp tánh hòa hiệp ấy để dần dần chứng nghiệm pháp tịch tĩnh Niết-bàn.

Bánh xe vương quyền biểu tượng uy lực thống nhất nhân tâm và thống trị trên cả bốn châu thiên hạ; bánh xe chánh pháp ghi dấu ấn chân thực của mọi hiện tượng, sinh thành và hủy diệt của thế gian trên tâm thức chúng sinh. Uy lực vương quyền, và uy lực chánh pháp, cùng lúc hiển hiện trong lòng bàn chân của Bồ tát Sơ sinh. Nhưng bánh xe chánh pháp là uy lực tối thượng hướng dẫn chư thiên và nhân loại đi đến nơi an ổn, an lạc chân thường. Bước chân ghi dấu biểu tượng uy lực chánh pháp vừa chạm đến mặt đất ô trược, thế giới ô trược liền chuyển mình, hiển hiện thành những đóa sen thơm ngát. Khoảnh khắc ấy chỉ là một thoáng sát-na, mà tâm thức chúng sinh bị trùm kín trong màn vô minh tà kiến không thể nhìn thấy; nhưng khoảnh khắc ấy, trong con mắt của bậc đại trí, ngưng đọng thành thời gian vĩnh cửu.

Kể từ khoảnh khắc ấy, trong một thoáng sát-na ấy, thế giới lại chuyển mình lăn theo quy trình thành hoại, đại thiên vũ trụ vẫn tiếp nối hình thành và tan rã trong các chu kỳ thành, trụ, hoại, không; xã hội loài người có khi tiến đến thời kỳ xung đột hung tàn, vì dị biệt dân tộc, dị biệt tín ngưỡng; cũng có khi đạt đến một nền văn minh dung hợp và nhân ái, khiến cho tâm lượng con người được mở rộng dần.

Cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, khúc quanh sau hai nghìn năm văn minh y trên bạo lực hoành hành, khống chế và áp bức trên cả bốn châu đại lục, và khi mà xung đột tôn giáo, dân tộc càng khốc liệt, bạo tàn; một phần nhân loại đã nhận ra thông điệp khoan dung, từ ái của đức Thích Tôn, để Liên Hiệp Quốc quyết định ngày Phật đản trở thành ngày lễ quốc tế, như là biểu tượng cho ước mơ muôn thủa con người về một thế giới thanh bình, không hận thù, không áp bức.

Trong quá khứ, từ quê hương đản sinh của đức Thích Tôn, cho đến tận cùng hải đảo xa xôi về phía đông, Phật pháp cũng trải qua nhiều đợt thăng trầm bởi áp lực biến thiên của xã hội, bởi tham vọng và thù nghịch của tâm người; nhiều phương vực mà một thời Phật pháp thịnh hành nay đã bị xóa sạch dấu vết. Thanh gươm truyền giáo đã chém giết không tiếc thương; kinh điển bị thiêu hủy, Phật tháp, Tăng viện bị phá sập. Dù vậy, những người tu Phật vẫn kham nhẫn chịu đựng, cho đến nhiều thế kỷ sau, vẫn không hề biết đến ý tưởng hận thù, không hề móng tâm đòi lại những gì đã bị cướp mất.

Rồi theo trình độ phát triển của tri thức con người, xóa dần những hình thái mê tín dị đoan, vốn dẫn đến cuồng tín và biến thành thảm sát; xây dựng những giá trị nhân bản và phổ quát trong các cộng đồng nhân loại; đấy là lúc thông điệp từ bi, bình đẳng, giác ngộ của đức Thích Tôn được toàn thể nhân loại lắng nghe và chiêm nghiệm.

Đạo Phật Việt Nam cũng không ngoài quy luật phát triển đó. Ngay từ thời dựng nước, Quốc sư Vạn Hạnh đã nói lên tinh thần tịch tĩnh trước mọi thế sự đảo điên, rằng “Sá chi suy thịnh sự đời, thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.” (*)

Đấy là lời cảnh tỉnh chứa đựng trong thẳm sâu triết lý sống của Phật tử Việt nam. Không vì bị áp bức mà bành trướng thù hận để phải quyết tâm tiêu diệt những kẻ áp bức. Nhẫn nhục và từ hòa để chiến thắng chính mình và giác ngộ những kẻ hung ác cuồng vọng, nhìn rõ chân lý của lẽ sống và lẽ chết để sống cho xứng đáng với phẩm giá con người, thức tỉnh trách nhiệm về những hành vi hung ác mà ta đã gieo rắc đau khổ cho người.

Hôm nay, trước lễ đài Phật đản trang nghiêm, trong tinh thần hòa hiệp, bốn chúng đệ tử cùng nhất tâm chí thành tưởng niệm ân đức đại từ của Bồ-tát, vì thương tưởng chúng sinh đắm chìm biển khổ, nên đã trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp hóa sinh trong khắp các nẻo luân hồi, hóa thân như cát bụi, khơi tỏ nguồn tâm trí tuệ như mặt trời xóa tan bóng tối tà kiến đảo điên. Do ân đức ấy, hàng Phật tử hôm nay may mắn còn chút thiện duyên để được thấm nhuần mưa pháp, tăng trưởng thiện căn, nuôi lớn hạt giống bồ-đề.

Nguyện cầu phước quả này lan đến vô lượng chúng sinh, để trong nhiều đời nhiều kiếp cùng kết thiện duyên, cùng làm thiện tri thức, cùng tu tập vô lượng ba-la-mật, để cho thế giới Ta-bà ô trược này chuyển thành cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm.

Nam mô Hoan Hỷ Địa Bồ-tát


(Nguồn: Tập san Pháp Luân số 38)

_____________

(*) Nguyên văn chữ Hán là: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô / Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô / Nhậm vận thịnh suy vô bố úy / Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.” Ngô Tất Tố dịch thành thơ lục bát: “Thân như bóng chớp chiều tà / Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời / Sá chi suy thịnh sự đời / Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.” (chú thích của PTCR)


TƯỞNG NIỆM



NHÀ THƠ THÂN THỊ NGỌC QUẾ



Nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế


Nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế (tức ni sư Thích Nữ Tâm Mãn) đã từ trần lúc 22 giờ 40 ngày 6.6.2007 tại nhà riêng, Sàigòn, thọ 90 tuổi.

Nhà thơ sinh ngày 2.4.1918 tại TP Huế. Đương thời, bà được coi là một hiện tượng hy hữu trên văn đàn Việt Nam: sau hơn 40 năm định cư ở Pháp, năm 1988 bà trở về quê hương và làm thơ khi đã qua ngưỡng tuổi "cổ lai hy". Thơ của bà đầy ắp tình người, tình yêu quê hương đất nước với một sức viết thật đáng khâm phục.

Các tập thơ đã in: Giọt nước cành sen (1988), Thơ gởi muôn trùng (1990), Mây trắng đường về (1990), Trắng cả hoàng hôn (1991), Đường lên đỉnh biếc (1991), Về cõi trăng khơi (1992), Ngọn cỏ mặt trời (1993), Tuyết mùa viễn xứ (1994), Tìm trong cát bụi (1994), Ngọn cỏ mặt trời (bản chữ Nôm, 1995), Hạt cát dòng sông (2005), Trong cõi tìm trâu (2006)... Nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc từ thơ của bà, như Dzoãn Mẫn, Phạm Duy, Hoàng Giác, Trịnh Công Sơn, Tô Vũ, Phạm Trọng Cầu... Linh cữu bà sẽ được chuyển về TP Huế vào ngày 9.6.2007 và sẽ nhập tháp tại khuôn viên chùa Vạn Phước (Huế). (Theo Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán Huế)

~oOo~
Thành kính gửi lời chia buồn đến pháp quyến và gia quyến của Ni sư Thích nữ Tâm Mãn (tức nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế) đồng thời thông tri đến văn thi hữu và độc giả khắp nơi. Nguyện giác linh cao đăng Phật quốc.



Sau đây là hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế do Phương Trời Cao Rộng tuyển chọn.


VỀ LẠI THÀNH NỘI

Vào thành nội nhớ vườn ai
Những hoa sứ trắng rơi đầy tuổi thơ
Như cành hoa của ngày xưa
Với mầu lụa trắng vẫy đùa nắng thu

Vào thành nội thấy mưa ngâu


Thoảng hương gởi lại nét sầu thời gian
Với bao ngày tháng phai tàn
Mầu hoa vẫn lấm tấm vàng tuổi xanh,

Hàng cây thắp nắng trên cành


Sáng mầu rêu biếc bên thành quách xưa
Mình tôi về gọi nắng thưa
Điểm trang cho cánh hoa mùa cuối năm.


XA CÕI ĐI VỀ

Tôi ngỡ ngàng đến nơi đây
Rồi vô tình cũng phương này ra đi
Tháng ngày là cuộc phân ly
Trăm năm nào có nghĩa gì thời gian

Tình thương theo gió thênh thang
Buồn vui rồi trả lại ngàn mây bay
Đã quen rồi những đổi thay
Sá gì bụi cát tỉnh say bước đời

Ngọn cỏ nào giọt sương phơi
Long lanh hát với mặt trời ban mai
Rồi theo nước chảy sông dài
Nước về thăm thẳm tháng ngày trùng khơi.
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương