NHẬp môn những nguyên lý CƠ BẢn của chủ nghĩa mác-lênin I. Khái lưỢc về chủ nghĩa mác-lênin


a. Tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền



tải về 1.61 Mb.
trang12/17
Chuyển đổi dữ liệu21.08.2016
Kích1.61 Mb.
#25175
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

a. Tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền

Tích tụ và tập trung sản xuất cao dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền, đặc trưng kinh tế cơ bản của chủ nghĩa đế quốc.

Tích tụ và tập trung sản xuất: sản xuất với quy mô lớn, tập trung trong tay một số ít xí nghiệp.

Ví dụ: Những năm đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp các xí nghiệp lớn chiếm 1% tổng số xí nghiệp nhưng chiếm hơn 3/4 tổng số sức hơi nước và điện lực, gần 1/2 số công nhân và 1/2 tổng sản phẩm.

- Khái niệm độc quyền: Độc quyền là một khái niệm để chỉ hành động của kẻ mạnh khi nắm trong tay lực lượng kinh tế kỹ thuật chủ yếu đủ sức chi phối những kẻ yếu hơn.

- Khái niệm tổ chức độc quyền: Tổ chức độc quyền: là liên minh giữa những nhà tư bản lớn để tập trung vào trong tay một phần lớn (thậm chí toàn bộ) sản phẩm của một ngành, cho phép liên minh này phát huy ảnh hưởng quyết định đến quá trình sản xuất và lưu thông của ngành đó.

- Những liên minh độc quyền, thoạt đầu hình thành theo sự liên kết ngang, tức là sự liên kết những doanh nghiệp trong cùng ngành, dưới những hình thức cácten, xanhđica, tờrớt.

Tiếp đó, xuất hiện sự liên kết dọc, nghĩa là sự liên kết không chỉ những xí nghiệp lớn mà cả những xanhđica, tờrớt… thuộc các ngành khác nhau nhưng liên quan với nhau về kinh tế và kỹ thuật, hình thành các công xoocxiom (consortium).

- Từ giữa thế kỷ XX phát triển một kiểu liên kết mới - liên kết đa ngành - hình thành những cônglômêrat (conglomerat) hay consơn (concern) khổng lồ thâu tóm nhiều công ty, xí nghiệp thuộc những ngành công nghiệp rất khác nhau, đồng thời bao gồm cả vận tải, thương nghiệp ngân hàng và các dịch vụ khác, v.v…

Nhờ nắm được địa vị thống trị trong lĩnh vực sản xuất và lưu thông, các tổ chức độc quyền có khả năng định ra giá cả độc quyền. Giá cả độc quyền là giá cả hàng hóa mà họ bán ra và giá cả độc quyền thấp dưới giá cả sản xuất đối với những hàng hóa mà họ mua, trước hết là nguyên liệu. Giá cả độc quyền là giá cả hàng hoá vượt rất xa giá cả sản xuẩt. Qua đó họ thu lợi nhuận độc quyền.

Tuy nhiên, giá cả độc quyền không thủ tiêu được tác động của quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư. Vì xét toàn bộ xã hội thì tổng giá cả vẫn bằng tổng số giá trị và tổng lợi nhuận vẫn bằng tổng giá trị thặng dư.

Mặc dù xuất hiện độc quyền, nhưng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không thủ tiêu được cạnh tranh, độc quyền và cạnh tranh cùng tồn tại song song, thống nhất với nhau. Chính vì thế, cạnh tranh càng quyết liệt và hậu quả cũng rất nguy hiểm cho xã hội cũng như cho chính chủ nghĩa tư bản.

- Bản chất của độc quyền: Độc quyền trước hết là tư bản tập thể, gốc vẫn là tư nhân (vẫn trên cơ sở chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất). Vì thế, đây là một sự cải biến về quan hệ sản xuất kéo theo sự biến đổi trong phân phối lợi nhuận và tổ chức quản lý, do đó mở rộng quan hệ sản xuất TBCN cho phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất.



b. Tư­ bản tài chính và bọn đầu sỏ tài chính

- Tích tụ, tập trung tư bản trong ngân hàng dẫn đến sự hình thành các tổ chức độc quyền trong ngân hàng. Từ chỗ làm trung gian trong việc thanh toán và tín dụng nay do nắm được phần lớn tư bản tiền tệ trong xã hội, ngân hàng đã trở thành người có quyền lực vạn năng chi phối các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Các tổ chức độc quyền ngân hàng cho các tổ chức độc quyền công nghiệp vay và nhận gửi những số tiền lớn của các tổ chức độc quyền công nghiệp trong một thời gian dài, nên lợi ích của chúng xoắn xuýt với nhau, hai bên đều quan tâm đến hoạt động của nhau, tìm cách thâm nhập vào nhau.

Quan hệ đan xen giữa hai loại tư bản đó đã hình thành một loại tư bản mới gọi là tư bản tài chính. Tư bản tài chính là sự thâm nhập và dung hợp vào nhau giữa tư bản độc quyền trong ngân hàng và tư bản độc quyền trong công nghiệp.

- Bọn đầu sỏ tài chính thực hiện sự thống trị của mình bằng “chế độ tham dự”. Thực chất của chế độ tham dự là nhà tư bản tài chính lớn hoặc một tập đoàn tài chính, nhờ nắm được số cổ phiếu khống chế mà chi phối được công ty gốc hay “công ty mẹ”, rồi công ty mẹ chi phối các công ty phụ thuộc hay các “công ty con”, các công ty này lại chi phối các “công ty cháu” v.v… Bởi vậy, với một số tư bản nhất định, một đầu sỏ tư bản tài chính có thể chi phối được những lĩnh vực sản xuất rất lớn.

c. Xuất khẩu tư­ bản

Xuất khẩu tư bản là mang tư bản đầu tư ở nước ngoài để sản xuất giá trị thặng dư nơi sở tại.



- Xuất khẩu tư bản trở thành phổ biến.

Trong những nước tư bản chủ nghĩa phát triển, các nhà tư bản đã tích luỹ được một khối lượng vốn lớn và nảy sinh tình trạng “thừa tư bản”. Tình trạng thừa này không phải là thừa tuyệt đối, mà là thừa tương đối, nghĩa là không tìm được nơi đầu tư có lợi nhuận cao ở trong nước. Tiến bộ kỹ thuật ở các nước này đã đẫn đến tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản và hạ thấp tỷ suất lợi nhuận; trong khi đó, ở những nước kém phát triển về kinh tế, nhất là ở các nước thuộc địa, dồi dào nguyên liệu và nhân công giá rẻ nhưng lại thiếu vốn và kỹ thuật.

Đối với chủ nghĩa tư bản độc quyền, việc xuất khẩu tư bản ra nước ngoài trở thành một nhu cầu tất yếu để nâng cao tỷ suất và khối lượng lợi nhuận.

- Xuất khẩu tư bản thường được thực hiện dưới hình thức đầu tư.

Xét về hình thức đầu tư, có thể phân chia xuất khẩu tư bản thành xuất khẩu tư bản trực tiếp và xuất khẩu tư bản gián tiếp.

+ Xuất khẩu tư bản trực tiếp là đưa tư bản ra nước ngoài để trực tiếp kinh doanh thu lợi nhuận cao.

+ Xuất khẩu tư bản gián tiếp là cho vay để thu lợi tức.

Xét về sở hữu tư bản, có thể phân chia thành xuất khẩu tư bản nhà nước và xuất khẩu tư bản tư nhân.

- Việc xuất khẩu tư bản, về khách quan cũng có những tác động tích cực đến nền kinh tế các nước nhập khẩu, như thúc đẩy quá trình chuyển kinh tế tự cung tự cấp thành nền kinh tế hàng hoá, thúc đẩy sự chuyển biến từ cơ cấu kinh tế thuần nông thành cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp.

- Tuy nhiên những mặt trái của xuất khẩu tư bản cũng rất lớn. Nếu các nước nhập khẩu tư bản không có chiến lược phù hợp, không có tính toán đầy đủ và cẩn thận thì rất dễ rơi vào sự phụ thuộc đối với các nước cung cấp tư bản.

d. Sự phân chia thế giới về kinh tế giữa các tổ chức độc quyền

- Xuất khẩu tư bản tăng lên tất yếu dẫn đến việc phân chia thế giới về mặt kinh tế, nghĩa là phân chia lĩnh vực đầu tư tư bản, phân chia thị trường thế giới.

- Cuộc đấu tranh giành thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu và lĩnh vực đầu tư có lợi nhuận cao ở nước ngoài ngày càng trở nên gay gắt. Những cuộc đụng đầu trên trường quốc tế giữa các tổ chức độc quyền quốc gia có sức mạnh kinh tế hùng hậu lại được sự ủng hộ của nhà nước “của mình” và các cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa chúng tất yếu dẫn đến xu hướng thoả hiệp, ký kết hiệp định để củng cố địa vị độc quyền quốc tế dưới dạng cácten, xanhđica, tờrớt quốc tế.

e. Sự phân chia thế giới về lãnh thổ giữa các cư­ờng quốc đế quốc

- Lợi ích của việc xuất khẩu tư bản thúc đẩy các cường quốc tư bản đi xâm chiếm thuộc địa.

- Đối với tư bản tài chính, cả những nguồn nguyên liệu có thể tìm được cũng rất quan trọng, do đó tư bản tài chính có khuynh hướng mở rộng lãnh thổ kinh tế và thậm chí cả lãnh thổ nói chung.

- Chủ nghĩa tư bản phát triển càng cao, nhu cầu nguyên liệu càng lớn, sự cạnh tranh gay gắt thì cuộc đấu tranh để chiếm thuộc địa càng quyết liệt.

- Do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản, các đế quốc ra đời muộn hơn đấu tranh đòi chia lại thế giới. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và lần thứ hai (1939-1945), và những xung đột nóng ở nhiều khu vực trên thế giới.

 Từ năm đặc điểm trên đây có thể rút ra kết luận rằng, chủ nghĩa đế quốc về mặt kinh tế là sự thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền; về mặt chính trị là sự xâm lược nước ngoài, là hệ thống thuộc địa nảy sinh từ yêu cầu kinh tế của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Theo quy luật phát triển, thì chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn mà các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngày càng trở nên gay gắt và căng thẳng hơn bao giờ hết.

3. Sự hoạt động của quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng d­ư trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền

a.Mối quan hệ giữa độc quyền và cạnh tranh

Độc quyền sinh ra từ cạnh tranh tự do, độc quyền đối lập với cạnh tranh tự do. Nhưng sự xuất hiện của độc quyền không thủ tiêu được cạnh tranh, trái lại nó còn làm cho cạnh tranh trở nên đa dạng, gay gắt và có sức phá hoại to lớn hơn.

Trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, không chỉ tồn tại sự cạnh tranh giữa những người sản xuất nhỏ, giữa những nhà tư bản vừa và nhỏ như trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, mà còn có thêm các loại cạnh tranh sau:

- Thứ nhất, cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với các xí nghiệp ngoài độc quyền. Các tổ chức độc quyền tìm mọi cách chèn ép, chi phối, thôn tính các xí nghiệp ngoài độc quyền bằng nhiều biện pháp như: độc chiếm nguồn nguyên liệu, nguồn nhân công, phương tiện vận tải, tín dụng, hạ giá có hệ thống... để đánh bại đối thủ.

- Thứ hai, cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với nhau. Loại cạnh tranh này có nhiều hình thức: cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền trong một ngành, kết thúc bằng một sự thoả hiệp hoặc bằng sự phá sản của một bên cạnh tranh; cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền khác ngành có liên quan với nhau về nguồn nguyên liệu, kỹ thuật...

- Thứ ba, cạnh tranh trong nội bộ các tổ chức độc quyền. Những nhà tư bản tham gia cácten, xanhđica cạnh tranh với nhau để giành thị trường tiêu thụ có lợi hoặc giành tỷ lệ sản xuất cao hơn. Các thành viên của tờrớt và côngxoócxiom cạnh tranh với nhau để chiếm cổ phiếu khống chế, từ đó chiếm địa vị lãnh đạo và phân chia lợi nhuận có lợi hơn.

Như vậy, các tổ chức độc quyền hình thành do chính sự vận động nội tại của chủ nghĩa tư bản sinh ra. Độc quyền là biểu hiện mới, mang những quan hệ mới nhưng nó không vượt ra khỏi các quy luật của chủ nghĩa tư bản, mà chỉ là sự tiếp tục mở rộng, phát triển những xu thế sâu sắc nhất của chủ nghĩa tư bản và của nền sản xuất hàng hoá nói chung, làm cho các quy luật kinh tế của nền sản xuất hàng hoá và của chủ nghĩa tư bản có những biểu hiện mới.

b. Sự hoạt động của quy luật giá trị

- Do chiếm được vị trí độc quyền nên các tổ chức độc quyền đã áp đặt giá cả độc quyền; giá cả độc quyền thấp khi mua, giá cả độc quyền cao khi bán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa quy luật giá trị không còn hoạt động.

- Về thực chất, giá cả độc quyền vẫn không thoát ly và không phủ định cơ sở của nó là giá trị. Các tổ chức độc quyền thi hành chính sách giá cả độc quyền chẳng qua là chiếm đoạt một phần giá trị và giá trị thặng dư của những người khác. Nếu xem xét trong toàn bộ hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa thì tổng số giá cả vẫn bằng tổng số giá trị.

Như vậy, nếu như trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh quy luật giá trị biểu hiện thành quy luật giá cả sản xuất, thì trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa quy luật giá trị biểu hiện thành quy luật giá cả độc quyền.



c Sự hoạt động của quy luật giá trị thặng d­ư

- Trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, quy luật giá trị thặng dư biểu hiện thành quy luật tỷ suất lợi nhuận bình quân.

- Bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, các tổ chức độc quyền thao túng nền kinh tế bằng giá cả độc quyền và thu được lợi nhuận độc quyền cao. Do đó, quy luật lợi nhuận độc quyền cao chỉ là hình thức biểu hiện của quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Nguồn gốc của lợi nhuận độc quyền cao là lao động không công của công nhân ở các xí nghiệp độc quyền; một phần lao động không công của công nhân ở các xí nghiệp không độc quyền; một phần giá trị thặng dư của các nhà tư bản vừa và nhỏ bị mất đi do thua thiệt trong cuộc cạnh tranh; lao động thặng dư và đôi khi cả một phần lao động tất yếu của những người sản xuất nhỏ, nhân dân lao động ở các nước tư bản và các nước thuộc địa, phụ thuộc.



Tóm lai, sự biểu hiện của quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thành quy luật lợi nhuận độc quyền cao chỉ là sự phản ánh quan hệ thống trị và bóc lột của tư bản độc quyền trong tất cả các ngành kinh tế của xã hội tư bản và trên toàn thế giới.

II. CHỦ NGHĨA T­Ư BẢN ĐỘC QUYỀN NHÀ N­ƯỚC

1. Nguyên nhân ra đời và bản chất của chủ nghĩa t­ư bản độc quyền nhà nư­ớc

a. Khái niệm về chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

- Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước sinh ra trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đầu tiên ở Đức sau phát triển ở Anh, Mỹ và Pháp và trở thành hình thức phổ biến ở hầu hết các nước tư bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Khi nghiên cứu chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước V.I.Lênin đã viết, “Nguyên tắc phối hợp hai lực lượng khổng lồ là chủ nghĩa tư bản và nhà nước thành một bộ máy duy nhất, trong đó hàng chục triệu con người đều là thành viên của một tổ chức, tổ chức chủ nghĩa tư bản nhà nước” (Tập 32, tr.106).

- Từ những chỉ dẫn của V.I.Lênin có thể đưa ra khái niệm về chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước như sau: Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự kết hợp sức mạnh của nhà nước tư sản thành một cơ chế thống nhất nhằm làm giàu cho các tổ chức độc quyền và duy trì sự thích ứng của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trước sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất do cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật thúc đẩy.

b. Nguyên nhân ra đời của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

Những nguyên nhân chủ yếu của sự ra đời chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước:

- Tích tụ và tập trung tư bản càng lớn thì tích tụ và tập trung sản xuất càng cao, do đó cơ cấu ngành kinh tế thay đổi đòi hỏi vai trò điều tiết và kế hoạch hoá của nhà nước. Nói cách khác lực lượng sản xuất xã hội hoá ngày càng cao càng mâu thuẫn gay gắt với hình thức chiếm hữu tư nhân TBCN, do đó tất yếu đòi hỏi một hình thức mới của quan hệ sản xuất TBCN để lực lượng sản xuất có thể tiếp tục phát triển đó là CNTB độc quyền nhà nước.

- Sự phát triển của phân công lao động xã hội đã làm xuất hiện một số ngành mà các tổ chức độc quyền tư bản tư nhân không thể hoặc không muốn kinh doanh nhưng rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Từ đó đòi hỏi vai trò của nhà nước đầu tư.

- Sự thống trị của độc quyền đã làm sâu sắc thêm sự đối kháng giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Do đó cần vai trò nhà nước để xoa dịu, tạm thời hoà hoãn những mâu thuẫn đó.

- Cùng với xu thế quốc tế hoá đời sống kinh tế, sự bành trướng của các liên minh độc quyền quốc tế vấp phải những hàng rào quốc gia dân tộc và xung đột lợi ích với các đối thủ trên thị trường thế giới. Tình hình đó đòi hỏi phải có sự điều tiết các quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế của nhà nước.

Ngoài ra, việc thi hành chủ nghĩa thực dân mới, cuộc đấu tranh với chủ nghĩa xã hội hiện thực và tác động của cách mạng khoa học và công nghệ cũng đòi hỏi sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào đời sống kinh tế.

c. Bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ra đời là một tất yếu khách quan trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Xét về bản chất, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự kết hợp sức mạnh của các tổ chức độc quyền tư nhân với sức mạnh của nhà nước tư bản thành một thiết chế và thể chế thống nhất nhằm phục vụ lợi ích của các tổ chức độc quyền và cứu nguy cho chủ nghĩa tư bản.

- CNTB độc quyền nhà nước là sự can thiệp trực tiếp của nhà nước tư sản vào các quá trình kinh tế.

- CNTB độc quyền nhà nước là nấc thang phát triển mới của CNTB độc quyền.

- Nội dung chủ yếu của CNTB độc quyền nhà nước là sự liên kết chặt chẽ giữa tư bản độc quyền với nhà nước tư sản trên tất cả các mặt của quan hệ sản xuất để tăng sức mạnh của độc quyền và mở rộng vai trò kinh tế của nhà nước.

- Thực chất là một sự thay đổi hình thức của CNTB cho thích nghi với điều kiện mới. Là sự tiếp tục mở rộng quan hệ sản xuất nhưng bản chất vẫn không đổi (vẫn là sự thống trị và bóc lột của giai cấp tư sản, sự thống trị của quan hệ sở hữu tư nhân TBCN)

Như vy, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là một quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, chứ không chỉ là một chính sách trong giai đoạn độc quyền của chủ nghĩa tư bản.

2. Những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nư­ớc

Sự vận động của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước được biểu hiện dưới những hình thức chủ yếu dưới đây.



a. Sự kết hợp về con ngư­ời giữa các tổ chức độc quyền và bộ máy nhà n­ước

- Sự kết hợp về nhân sự được thực hiện thông qua các đảng phái tư sản. Chính các đảng phái này đã tạo ra cho tư bản độc quyền một cơ sở xã hội để thực hiện sự thống trị và trực tiếp xây dựng đội ngũ công chức cho bộ máy nhà nước.

- Thông qua các hội chủ xí nghiệp, một mặt, các đại biểu của các tổ chức độc quyền tham gia vào bộ máy nhà nước với những cương vị khác nhau: mặt khác, các quan chức và nhân viên chính phủ được cài vào các ban quản trị của các tổ chức độc quyền, nắm giữ những chức vụ trọng yếu chính thức hoặc danh dự, hoặc trở thành những người đỡ đầu các tổ chức độc quyền.

Sự thâm nhập vào nhau này (còn gọi là sự kết hợp) đã tạo ra những biểu hiện mới trong mối quan hệ giữa các tổ chức độc quyền và cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương ở các nước tư bản.

Đúng như V.I.Lênin đã viết: “Hôm nay là bộ trưởng, ngày mai là chủ ngân hàng; hôm nay là chủ ngân hàng, ngày mai là bộ trưởng”.

b. Sự hình thành và phát triển của sở hữu nhà n­ước

- Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống, những nét nổi bật nhất là sức mạnh của độc quyền và của nhà nước kết hợp với nhau trong lĩnh vực kinh tế.

- Cơ sở của những biện pháp độc quyền nhà nước trong nền kinh tế là sự thay đổi các quan hệ sở hữu. Nó biểu hiện không những ở chỗ sở hữu nhà nước tăng lên mà cả ở sự tăng cường mối quan hệ giữa sở hữu nhà nước và sở hữu độc quyền tư nhân, hai loại sở hữu này đan kết với nhau trong quá trình chu chuyển của tổng tư bản xã hội.

Sở hữu nhà nước hình thành dưới những hình thức sau đây:

+ Xây dựng doanh nghiệp nhà nước bằng vốn của ngân sách;

+ Quốc hữu hoá các xí nghiệp tư nhân bằng cách mua lại;

+ Nhà nước mua cổ phiếu của các doanh nghiệp tư nhân;

+ Mở rộng doanh nghiệp nhà nước bằng vốn tích luỹ của các doanh nghiệp tư nhân.

Trong các hình thức trên,các doanh nghiệp nhà nước có chức năng rất quan trọng đối với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đó là:

+ Mở rộng sản xuất, đảm bảo sự phát triển cho kinh tế tư bản tư nhân

+ Giải phóng tư bản của các tổ chức độc quyền. Từ những ngành ít lãi, để đưa vào những ngành kinh doanh có hiệu quả hơn

+ Làm chỗ dựa cho sự điều tiết kinh tế tư bản chủ nghĩa theo những chương trình nhất định

Mặc dù có chức năng quan trọng như vậy, nhưng không phải lúc nào giai cấp tư sản cũng muốn mở rộng sở hữu tư bản nhà nước.Vấn đề là ở chỗ, khi nào nó mang lại lợi ích cho giai cấp tư sản thì sẽ được chú ý phát triển và ngược lại.

c. Sự can thiệp của nhà n­ước vào các quá trình kinh tế

- Hệ thống điều tiết kinh tế của nhà nước đã dung hợp cả ba cơ chế: thị trường, độc quyền tư nhân và điều tiết của nhà nước nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của từng cơ chế. Xét đến cùng và về bản chất, hệ thống điều tiết đó phục vụ cho chủ nghĩa tư bản độc quyền.

- Bản thân sự điều tiết của nhà nước cũng có những mặt tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn, những sai lầm của nhà nước trong sự điều tiết kinh tế nhiều khi đưa lại những hậu quả còn tai hại hơn là tác động tiêu cực của cạnh tranh tự do và độc quyền tư nhân.

- Nhà nước điều tiết kinh tế bằng những hình thức như: hướng dẫn, kiểm soát, uốn nắn những lệch lạc trong các hoạt đông kinh tế bằng các công cụ kinh tế, hành chính, pháp lý...

Từ những nội dung trên, có thể thấy rằng: CNTB độc quyền nhà nước ra đời là một tất yếu kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội hoá cao độ của lực lượng sản xuất.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ VAI TRÒ VÀ GIỚI HẠN LỊCH SỬ CỦA CHỦ NGHĨA TƯ­ BẢN

Theo C.Mác thì xã hội tư bản không phải là một khối kết tinh vững chắc mà là một “cơ thể có khả năng biến đổi và luôn trong quá trình biến đổi” (Toàn tập, tập 23, tr.22) .... “không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo ra địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn cũng không bao giờ xuất hiện, trước khi những điều kiện lực lượng sản xuất của những quan hệ trước đó chưa chín muồi trong lòng xã hội cũ” (Toàn tập, tập 13, tr.15 – 16).

Từ nhận định nêu trên của C.Mác, chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản là một cơ thể sống đang vận động và biến đổi. Sự biến đổi đó có nguồn gốc từ sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất dưới tác động bùng nổ của cách mạng khoa học – công nghệ.

1. Vai trò của chủ nghĩa tư­ bản đối với sự phát triển của nền sản xuất xã hội

Chủ nghĩa tư bản phát triển qua hai giai đoạn: chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và chủ nghĩa tư bản độc quyền mà nấc thang tột cùng của nó là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

Trong suốt quá trình phát triển, nếu chưa xét đến hậu quả nghiêm trọng đã gây ra đối với loài người thì chủ nghĩa tư bản cũng có những mặt tích cực đối với phát triển sản xuất. Đó là:

- Chuyển nền sản xuất nhỏ thành nền sản xuất lớn hiện đại.

Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã giải phóng loài người khỏi “đêm trường trung cổ” của xã hội phong kiến, đoạn tuyệt với nền kinh tế tự nhiên, tự túc, tự cấp chuyển sang phát triển kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, chuyển sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn hiện đại. Dưới tác động của quy luật giá trị thặng dư và các quy luật kinh tế của sản xuất hàng hóa, chủ nghĩa tư bản đã làm tăng năng suất lao động, tạo ra khối lượng của cải khổng lồ hơn nhiều xã hội trước cộng lại.



- Phát triển lực lượng sản xuất.

Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao: từ kỹ thuật thủ công lên kỹ thuật cơ khí, sang tự động hóa, tin học hóa và công nghệ hiện đại. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật vầ công nghệ là quá trình giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả khám phá và chinh phục thiên nhiên của con người.



- Thực hiện xã hội hóa sản xuất.

Chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển mạnh và đạt tới mức điển hình nhất trong lịch sử, cùng với nó là quá trình xã hội hóa sản xuất cả về chiều rộng và chiều sâu. Đó là sự phát triển của phân công lao động xã hội, sản xuất tập trung với quy mô hợp lý, chuyên môn hóa sản xuất và hợp tác lao động sâu sắc, mối liên hệ kinh tế giữa các đơn vị, các ngành, các lĩnh vực ngày càng chặt chẽ... làm cho các quá trình sản xuất phân tán được liên kết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau thành một hệ thống, thành một quá trình sản xuất xã hội.

Những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản đạt được như đã nêu trên, là những thành tựu đạt được trong sự vận động đầy mâu thuẫn. Điều đó thể hiện ở hai xu hướng trái ngược nhau là xu thế phát triển nhanh chóng và xu thế trì trệ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Như V.I.Lênin đã nhận xét: sự phát triển nhanh chóng và sự trì trệ thối nát là hai xu thế cùng song song tồn tại trong nền kinh tế của chủ nghĩa đế quốc. Đó chính là một biểu hiện quan trọng thuộc bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Ngày nay, bản chất này biểu hiện rất nổi bật.

- Xu thế phát triển nhanh của nền kinh tế biểu hiện ở chỗ: sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là vào những năm 50, 60 thế kỷ XX, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới đã xuất hiện thời kỳ tăng trưởng với tốc độ cao hiếm thấy. Trong thời gian từ 1948-1970, Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hoà liên bang Đức, Italia, Canađa, Nhật Bản... có tỷ suất tăng trưởng bình quân trong tổng giá trị thu nhập quốc dân đạt 5,1%. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả lao động sản xuất cũng rất rõ rệt.

Sở dĩ như vậy là do:

+ Yêu cầu nội tại và xu hướng tăng nhanh tốc độ phát triển lực lượng sản xuất do sự tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ.

+ Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có những nhân tố kích thích phát triển.

+ Việc mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

+ Đặc biệt là tác dụng kích thích của hai hệ thống kinh tế thế giới.

- Xu thế trì trệ của nền kinh tế hay xu thế kìm hãm mà Lênin đã chỉ ra có nguyên nhân cơ bản là do sự thống trị của độc quyền. Độc quyền đã tạo ra những nhân tố ngăn cản sự tiến bộ kỹ thuật và phát triển sản xuất như: quy định giá cả độc quyền, hạn chế sản lượng và mua phát minh kỹ thuật. Ngày nay, các nhân tố gây trì trệ vẫn còn tồn tại và tiếp tục tác động.

Sự tồn tại song song của hai xu thế trong chủ nghĩa tư bản một mặt nói lên rằng, chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn còn sức sống, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa còn có thể tự điều chỉnh và trong giới hạn nhất định nó còn có thể thích ứng với nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất và thúc đẩy xã hội tư bản phát triển. Song, mặt khác, điều đó cũng nói lên rằng, chủ nghĩa tư bản đang vấp phải những giới hạn nhất định, mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn chưa giải quyết được.



Tóm lại, CNTB đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn về phát triển lực lượng sản xuất, xã hội hoá sản xuất, chuyển sản xuất nhỏ thành nền sản xuất lớn hiện đại. Tuy nhiên trong lòng nó còn nhiều mâu thuẫn mà không thể giải quyết được. Vì thế CNTB không phải là tuyệt đối vĩnh viễn, cuối cùng. Nó sẽ được thay thế bằng phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn.

Каталог: dspace -> bitstream -> 123456789
123456789 -> XÁC ĐỊnh cơ CẤu cây trồng và thời vụ HỢp lý cho các vùng thưỜng xuyên bị ngập lụt tại huyện cát tiên tỉnh lâM ĐỒNG
123456789 -> THÔng 3 LÁ LÂM ĐỒNG
123456789 -> CHƯƠng I: giới thiệu môn học và HẠch toán thu nhập quốc dân kinh tế vĩ mô là gì?
123456789 -> Bài 1: XÁC ĐỊnh hàm lưỢng oxy hòa tan (DO)
123456789 -> HỌc phầN: VẬt lý ĐẠi cưƠng dành cho sinh viên bậc cao đẲng khối ngành kỹ thuậT
123456789 -> BỘ CÔng thưƠng trưỜng cao đẲng công nghiệp tuy hòA
123456789 -> Chương 1: ĐẠi cưƠng về hoá học hữu cơ Hợp chất hữu cơ và hoá học hữu cơ
123456789 -> CHƯƠng 1 những khái niệm chung vài nét về lịch sử Thời kỳ thứ nhất

tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương