NHỮng vưỚng mắc trong việc nâng cao chất lưỢng dạy tiếng anh



tải về 0.57 Mb.
trang5/21
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích0.57 Mb.
#36700
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

2.5. Tự tin và động lực


Tự tin là yếu tố có ý nghĩa nhất trong học ngoại ngữ. Lòng tự tin sẽ giúp cho người học có thêm động lực và sức mạnh để có thái độ tích cực đối với quá trình học tập của bản thân. Trung tâm của toàn bộ quá trình học là niềm tin của người học vào khả năng của bản thân sẽ hoàn thành mục tiêu học tập (Atsuta, 2003). Lòng tự tin của người học sẽ được tăng thêm một khi người học đạt được kết quả trong học tập và thấy hài lòng và khi họ được học tập trong môi trường mà các quan hệ cá nhân thực sự thân thiện. Một khi người học thấy mình học tập có kết quả họ sẽ trở nên quyết tâm cao hơn để đạt kết quả cao hơn. Cảm nhận mình học tập có kết quả khi người học thấy mình có tiến bộ trong khả năng sử dụng tiếng Anh, hoặc khi họ nhận được những lời động viên từ thầy, cô giáo và bạn bè. Nói cách khác, cảm nhận về sự tiến bộ trong học tập sẽ mang lại cho người học sự hài lòng.

Khi người học hoàn thành được các hoạt động theo yêu cầu của giáo viên thì lòng tự tin của họ sẽ được củng cố, từ đó học có thêm nghị lực để theo đuổi những mục tiêu mới trong học tập. Mỗi khi họ hoàn thành được các yêu cầu của giáo viên và họ nhận thấy kết quả học tập của bản thân thì họ sẽ hiểu được mục đích và ý nghĩa của những nỗ lực họ đã bỏ ra và tìm thấy niềm vui trong học tập. Một số người học cảm nhận được sự thành công của bản thân khi học truyền đạt được suy nghĩ của mình cho người khác và hiểu được ý kiến trao đổi của người khác bằng ngoại ngữ. Một số khác lại cảm nhận sự thành công mỗi khi họ hoàn thành được một bài tập khó trong giờ học ngoại ngữ. Dần dần cảm giác thành công sẽ tăng lên khi người học nhận ra được sự tiến bộ trong kết quả học tập của chính mình. Tuy nhiên lại có những người học cảm thấy hưng phấn mỗi khi được nhận những lời khen của người khác. Subrahmanian (2001) cho rằng lời khen của người khác rất có tác dụng giúp người học có cảm giác mình sẽ học tập thành công.


2.6. Quan hệ giữa người dạy với người học và giữa người học với nhau


Một trong những yếu tố tác động đến động lực, thái độ và tình cảm của người học đối với môn học là quan hệ giữa người dạy với người học và giữa người học với nhau. Kabilan (2000) cho rằng giáo viên cần xây dựng mối quan hệ thân thiện và tôn trọng lẫn nhau với người học. Để có được mối quan hệ đó giáo viên cần hiểu được những sở trường, sở đoản, mục đích học tập, những khó khăn trong học tập của người học, đặc biệt là phải hiểu được tính cách của người học. Những hiểu biết đó về người học giúp giáo viên biết cách áp dụng những thủ thuật, những hoạt động và những yêu cầu phù hợp với người học, từ đó tạo ra sự tin cậy lẫn nhau giữa người dạy và người học. Một khi sự tin cậy đó đã được hình thành lớp học sẽ trở nên thoải mái và vui vẻ để người học lĩnh hội tri thức và kỹ năng mới. Ngoài ra, giáo viên cần phải hiểu được người học mong đợi ở họ những gì để có thể giúp học sinh học tập tốt hơn. Nghiên cứu của Ebata (2008) chỉ ra rằng người học thích những giáo viên có những phẩm chất sau:

  • biết cách làm việc với học sinh, nhất là những học sinh nhỏ tuổi

  • không áp đặt ý kiến cá nhân của mình cho người học

  • có thái độ khoan dung, có tinh thần trách nhiệm và có khiếu hài hước

  • vui vẻ nhưng biết nghiêm túc khi cần thiết

  • quan tâm chăm sóc người học

  • thân thiện, gần gũi với người học

  • tích cực, năng động

  • hiểu được kỳ vọng của người học

  • có thể tin cậy được

Có thể thấy rằng tính cách và hành vi của giáo viên có tác động to lớn tới động lực học tập của người học. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng giáo viên có thể làm thay đổi động lực của người học bằng cách giúp người học xác định rõ mục đích học tiếng Anh cho bản thân và tạo điều kiện thuận lợi để họ đạt được mục đích đó bằng cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người dạy với người học và giữa người học với nhau. Nói cách khác, điều kiện thuận lợi đó chính là giáo viên biết tạo ra được một môi trường học tập vui vẻ, thoải mái nhưng nghiêm túc trong lớp học, biết thiết kế và điều chỉnh các hoạt động trên lớp phù hợp với trình độ, hứng thú và sở thích của người học,biết cách hỗ trợ người học và động viên người học theo đuổi sự say mê của mình (Hardre et al, 2006). Một khi người học không có hứng thú học tập thì không có cách gì để nâng chất lượng học tập lên được. Trong học ngoại ngữ chúng ta thấy nếu người học thấy mình học không đạt kết quả, tức không thể sử dụng được ngoại ngữ thì hứng thú, động lực học tập của họ sẽ mất đi. Họ càng học lên càng chán học và càng chán học thì kết quả càng tồi tệ (Willis, 1996; Dornyei, 2001).

Chính vì vậy, giáo viên và nhà trường giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng, duy trì và phát triển động lực, lòng say mê cho người học. Một khi người học đã có động lực học tập tốt, họ sẽ tự giác học tập và kết quả sẽ tốt lên (Dornyei, 2001; Hardre et al, 2006). Hussin, Maarof và D’Cruz (2001) khuyên giáo viên hãy tìm ra những cách dạy sáng tạo để tăng cường động lực cho người học để người học học say mê hơn và có thái độ tích cực hơn đối với ngôn ngữ mà mình đang học. Lile (1999) cho rằng bài học phải đơn giản, vui nhộn và thoải mái với nhiều thay đổi trong các hoạt động ví dụ từ các bài tập viết chuyển sang nói, nghe, rồi lại quay về viết, v.v... Nunan (1999) lại cho rằng để học sinh có hứng thú học tập họ cần có khả năng sử dụng những kỹ năng học được dạy trong lớp học để làm những thứ mà họ chưa được dạy. Tóm lại, là giáo viên cần tạo dựng một không khí học tập thoải mái, nhẹ nhàng với nhiều hoạt động đa dạng để người học nào cũng có cơ hội đạt kết quả. Đồng thời người dạy phải hiểu được nguyện vọng, sở thích cũng như những khó khăn của người học và tìm cách giúp họ khắc phục những khó khăn đó cũng như giúp họ tìm ra những cách học phù hợp với sở trường, sở đoản của họ.


2.7. Tình hình chất lượng dạy và học tiếng Anh ở một số nước châu Á


Tiếng Anh ngày càng có vị thế quan trọng trong các nước châu Á do tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng về công nghệ thông tin. Hầu hết tất cả các quốc gia châu Á trong những năm gần đây đều coi trọng việc đầu tư để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên tất cả các quốc gia châu Á đều gặp phải một vấn đề mà chưa một quốc gia nào giải quyết thành công. Đó là chất lượng dạy và học tiếng Anh ở bậc trung học phổ thông cũng như đại học không được nâng cao bất chấp sự đầu tư ngày càng cao của chính phủ. Ví dụ nghiên cứu của Lamb (2000) trên sinh viên đại học của Indonesia cho thấy rằng sau 6 năm học tiếng Anh ở trường phổ thông, 75% học sinh Indonesia khi vào đại học chỉ có một vốn tiếng Anh tương đương với trình độ mới học. Dưới đây chúng tôi chỉ tập trung phân tích tóm tắt tình hình chất lượng dạy tiếng Anh ở ba quốc gia Đông Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lý do chọn ba nước này là do cả ba nước này và Việt Nam đều có những nét tương đồng về văn hóa do cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng giáo dục Nho giáo.

Trung Quốc đã bắt đầu dạy tiếng Anh từ lớp 3 bậc tiểu học như một môn học bắt buộc với thời lượng là 3 tiết một tuần, còn ở bậc trung học phổ thông số tiết dành cho tiếng Anh là 4 tiết một tuần. Tiếng Anh được tiếp tục dạy ở bậc đại học với thời lượng 4 tiết một tuần kéo dài trong hai năm đầu của chương trình đại học. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp trung học và thậm chí sau khi tốt nghiệp đại học, học sinh Trung Quốc vẫn được gọi là những người “vừa câm, vừa điếc” về tiếng Anh (Wen & Hu, 2007). Lý do chủ yếu do thiết kế mục tiêu chương trình không phù hợp, coi trọng quá mức vào các kỹ năng nghe và nói trong khi đó nhu cầu của học sinh chủ yếu là đọc, ngữ pháp và từ vựng (Wen & Hu, 2007). Chất lượng giáo viên thấp cũng là nguyên nhân chính của vấn đề chất lượng học tiếng Anh của học sinh (Hu, 2005).

Học sinh Hàn Quốc cũng được học tiếng Anh từ bậc tiểu học lên đến đại học. Từ năm 1997, tiếng Anh được bắt đầu dạy ở bậc tiểu học. Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư một khoản ngân sách lớn cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảm sĩ số học sinh trong lớp và đưa công nghệ thông tin vào sử dụng rộng rãi trong các trường phục vụ việc học tiếng Anh của học sinh. Sau nhiều năm thực hiện chương trình mới vẫn không đem lại kết quả mong đợi đặc biệt chương trình mới tạo ra sự khác biệt lớn về năng lực sử dụng tiếng Anh giữa học sinh ở các vùng đô thị lớn nơi các em được đi học thêm tiếng Anh với những học sinh ở các vùng nông thôn. Chương trình mới với những kỳ vọng không thực tế và những phương pháp giảng dạy được nhập khẩu từ nước ngoài cộng với năng lực của đội ngũ giáo viên không tương xứng với yêu cầu là những lý do cơ bản (Choi, 2007).

Ở Nhật Bản mặc dù tiếng Anh cũng được bắt đầu dạy từ bậc tiểu học nhưng tiếng Anh chỉ là môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông. Hiện tại Bộ Giáo dục Nhật Bản đang xem xét việc dạy tiếng Anh bắt buộc với thời lượng mỗi tuần một tiết đối với lớp 5 và lớp 6. Ở bậc trung học phổ thông tiếng Anh là môn bắt buộc được dạy với thời lượng là 105 giờ trong một năm học. Tuy nhiên các trường có thể tổ chức học thêm như một môn tự chọn với thời lượng bổ sung là 30 giờ trong năm đầu của trung học phổ thông, 50 đến 80 giờ trong năm thứ hai và từ 105 đến 165 giờ trong năm thứ ba (Koike, 2007). Bắt đầu từ năm 1989, Bộ Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Nhật Bản đã nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh Nhật Bản và năm 1994, Bộ ra một tài liệu hướng dẫn về phương pháp dạy giao tiếp cho giáo viên. Từ năm 1987, Nhật Bản thực hiện một chương trình tiếng Anh đầy tham vọng gọi là chương trình JET. Chương trình này nhằm giúp giáo viên tiếng Anh của Nhật Bản thay đổi phương pháp dạy theo hướng coi trọng năng lực giao tiếp của học sinh bằng cách tổ chức cho một người bản ngữ nói tiếng Anh dạy cùng với giáo viên người Nhật. Đồng thời Chương trình JET cũng nhằm phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên đại học của Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu này sinh viên tốt nghiệp đại học của các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ốt-xtrây-lia, New Zealand được mời đến làm việc trong các trường, các công sở Chính phủ của Nhật Bản để làm nhiệm vụ giảng dạy, phiên dịch tiếng Anh và huấn luyện viên thể thao. Bất chấp những nỗ lực đó, năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh Nhật Bản vẫn còn rất xa mới đạt mức mong đợi. Kết quả khảo sát trên giáo viên trung học của Browne và Wada (1998) sau 10 năm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh trung học phổ thông chỉ ra rằng “Bất chấp mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh đã được nêu ra vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc dạy tiếng Anh ở trung học phổ thông” (tr. 110). Tất cả các tác giả nghiên cứu về chất lượng dạy và học tiếng Anh ở Nhật Bản đều cho rằng chất lượng thấp là do ba nguyên nhân chính: phương pháp thi, sách giáo khoa và chất lượng giáo viên. (Koike, 2007; Reesor, 2002; Browne & Wada, 1998).




tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương