NHỮng vưỚng mắc trong việc nâng cao chất lưỢng dạy tiếng anh



tải về 0.57 Mb.
trang2/21
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích0.57 Mb.
#36700
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

1.5. Giới hạn của đề tài


Như đã trình bày ở trên, nghiên cứu này chỉ giới hạn ở mục đích tìm ra những yếu tố tác động đến chất lượng dạy và học tiếng Anh hay những vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường trung học phổ thông. Những yếu tố hay những vướng mắc đó được nghiên cứu dưới góc độ xã hội-giáo dục (socio-educational) chứ không phải dưới góc độ của ngôn ngữ học tâm lý hay tâm lý học nhận thức. Cơ sở lý thuyết của nghiên cứu này là thuyết văn hoá-xã hội (socio-cultural) của Vygotsky (1978). Những kết quả của nghiên cứu này không mang tính khái quát chung cho tất cả các trường trung học phổ thông mà chỉ có giá trị tham khảo đối với những trường trung học phổ thông có những điều kiện về địa lý, kinh tế, xã hội và đội ngũ giáo viên tương tự như những trường được nghiên cứu trong nghiên cứu này.

1.6. Cấu trúc của đề tài


Báo cáo này gồm 5 chương. Chương 1 giới thiệu những cơ sở chung của nghiên cứu này như mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và phạm vi của nghiên cứu. Chương 2 giới thiệu tổng quan lịch sử nghiên cứu vấn đề, tóm tắt kết quả nghiên cứu vấn đề có liên quan của các nhà nghiên cứu trong nước và trên quốc tế. Chương 3 trình bày toàn bộ những phân tích số liệu để đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu đặt ra nhằm đạt được mục đích của nghiên cứu. Chương 4 là ý kiến đàm luận về kết quả nghiên cứu và những khuyến nghị dựa trên kết quả của nghiên cứu này. Chương 5 trình bày những ý kiến kết luận và những hạn chế cơ bản của nghiên cứu này cũng như những gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo. Cuối cùng là phần Tài liệu tham khảo được sử dụng trong báo cáo này.

Chương 2

TỔNG QUAN LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ

2.1. Đặt vấn đề


Để tạo cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu này, trong chương này chúng tôi sẽ tổng lược các vấn đề liên quan đến nội dung của nghiên cứu này. Trước hết chúng tôi sẽ trình bày các định nghĩa về khái niệm “chất lượng giáo dục để khẳng định rằng khái niệm này là một khái niệm phức hợp do vậy gây nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu chất lượng giáo dục. Mặc dù đây là những định nghĩa về chất lượng giáo dục nói chung nhưng chúng tôi cho rằng trong tình hình thực tế của Việt Nam, tiếng Anh là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục của trường trung học phổ thông nên việc sử dụng khái niệm chất lượng giáo dục chung làm khung tham chiếu cho nghiên cứu chất lượng dạy tiếng Anh là chấp nhận được. Tiếp đó chúng tôi sẽ bàn về các điều kiện để học ngoại ngữ thành công. Trong các yếu tố đó, một yếu tố được nghiên cứu nhiều nhất là thái độ và động lực của người học. Do vậy, chúng tôi dành một phần riêng để lược bàn về vấn đề này. Phần cuối cùng chúng tôi sẽ nêu một số ý kiến của giáo viên trung học phổ thông đã được công bố trên báo chí liên quan đến vấn đề chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trường trung học phổ thông Việt Nam.

2.2. Vấn đề chất lượng trong giáo dục


“Chất lượng giáo dục là một khái niệm khó định nghĩa. Phần lớn những ý kiến tranh luận về chất lượng giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong giới học thuật chỉ tập trung vào khả năng đáp ứng những đòi hỏi của thị trường lao động về khía cạnh trình độ kỹ năng làm việc của học sinh khi ra trường. Có những quan điểm đánh giá chất lượng giáo dục về điều kiện học tập như số lượng và chất lượng giáo viên, phương tiện giảng dạy và học tập trong nhà trường, v.v... Nhưng cũng có những đánh giá chất lượng giáo dục chủ yếu được dựa trên kết quả của các kỳ thi. Nhiều tác giả định nghĩa chất lượng giáo dục theo kết quả đạt được đối với mục tiêu đề ra cho chương trình giáo dục, hay đánh giá chất lượng giáo dục theo mức độ phù hợp với mục đích, hay sự hài lòng của người học (Vroeijenstijin, 1992).

Quan điểm hiện nay của các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới là chất lượng giáo dục là một khái niệm phức hợp và đa diện (Grisay & Mahlck, 1991; Hawes & Stephens, 1990). Grisay và Mahlck (1991) cho rằng không nên giới hạn khái niệm chất lượng giáo dục ở trình độ hay kết quả học tập của người học mà cần tính đến các yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục như giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường, chương trình học và các yếu tố khác. Như vậy, nói một cách khái quát thì chất lượng giáo dục bao gồm ba khía cạnh có quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là: (i) chất lượng nguồn lực con người và nguồn lực vật chất phục vụ giảng dạy và học tập, (nguồn ngôn ngữ hay tiếng Anh gọi là input), (ii) chất lượng giảng dạy (quá trình hay process) và (iii) chất lượng sản phẩm (đầu ra hay outcome).



Năm 1995, Tạp chí “Chất lượng Giáo dục Đại học” (Quality in Higher Education) ra số đầu tiên. Trong số này, các định nghĩa về chất lượng giáo dục được tổng kết lại gồm các nội dung chính sau đây:

Xuất sắc (Exceptional): chỉ sự vượt trội (excellence) và năng lực chuyên nghiệp.

Hoàn thiện hay nhất quán (Perfection or consitency): tức là không có sai sót, mọi việc thông suốt ngay từ đầu trong các quá trình hành chính như lưu giữ hồ sơ, lập thời khóa biểu giảng dạy.

Phù hợp với mục đích (Fitness for purpose): tức là đạt chuẩn theo các mục tiêu đã định cho chương trình đào tạo, kể cả việc xác định một cách cụ thể những kỹ năng và năng lực trong mục tiêu và việc đánh giá theo các tiêu chí về những kỹ năng và năng lực đó.

Giá trị kinh phí (Value for money): chỉ mức độ cải thiện chất lượng kết quả đào tạo trên cùng một đơn vị kinh phí (hay với mức kinh phí thấp hơn); coi người học và những người liên đới khác là những khách hàng bỏ tiền túi ra để hưởng dịch vụ giáo dục.

Biến đổi: coi chất lượng là một quá trình trong đó giáo dục gia tăng thêm giá trị cho người học thông qua việc cung cấp cho người học những kỹ năng và năng lực cao hơn đồng thời giúp họ có khả năng tiếp tục học tập và tham gia có hiệu quả vào cuộc sống đa dạng bên ngoài nhà trường.

Sự đa dạng trong cách định nghĩa về chất lượng giáo dục phản ánh bản chất của hoạt động dạy và học là những hoạt động vô hình dễ bị suy diễn theo những cách khác nhau và theo những sự ngộ nhận khác nhau. Nói về những ngộ nhận trong chất lượng giáo dục, Stones (1994, tr.6) lưu ý rằng “Sự ngộ nhận đầu tiên là quan niệm cho rằng có một cách hiểu thống nhất thế nào là “dạy tốt”. Stones chỉ ra rằng hầu hết những ý kiến về thế nào là dạy tốt đều bị chi phối bởi những hệ giá trị khác nhau cho nên đã có nhiều kết quả nghiên cứu khẳng định không có một định nghĩa nào được sự đồng thuận chung về khái niệm “dạy tốt”.

Như vậy, đánh giá chất lượng giáo dục là một việc làm hết sức phức tạp và cần được tiến hành một cách thận trọng. Có nhiều những đánh giá về chất lượng giáo dục thực chất chỉ đưa ra được những kết quả đánh giá về nguồn lực đầu vào cho giáo dục như đội ngũ giáo viên, trang thiết bị phục vụ dạy và học, tài liệu học tập hay sách giáo khoa, cơ sở vật chất của nhà trường, v.v... Những kết quả đánh giá như vậy không phản ánh đúng chất lượng giáo dục vì nó chỉ nói lên cái vỏ bề ngoài mang tính hình thức chứ không nói lên được chất lượng thực của giáo dục. Ví dụ, một trường có một đội ngũ giáo viên có học hàm, học vị cao hơn so với những trường khác nhưng đội ngũ giáo viên đó lại không nhiệt tình giảng dạy, không có tinh thần trách nhiệm đối với người học. Tương tự như vậy, một trường nào đó có thể có các trang thiết bị hỗ trợ dạy học ít hơn các trường khác nhưng họ lại biết cách sử dụng những trang thiết bị đó hiệu quả hơn. Tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình giảng dạy hay lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên cũng như hiệu quả sử dụng trang thiết bị dạy học là những vấn đề khó có thể lượng hóa, khó có thể đo được bằng những phương pháp đo thông thường. (Carron & Ta Ngoc, 1981)

Đánh giá chất lượng giáo dục dựa trên kết quả học tập của người học thể hiện qua kết quả các bài thi trắc nghiệm cuối khóa hoặc cuối kỳ cũng không chính xác vì các bài thi trắc nghiệm chỉ có thể đo được việc nắm kiến thức và kỹ năng của người học mà không đo được khả năng sự dụng kiến thức và kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống lao động của người học. Những bài thi đó càng không thể đo được kết quả đạt được đối với các mục tiêu giáo dục phức hợp như “khả năng cộng tác của cá nhân với người khác trong công việc” hay “khả năng giải quyết các vấn đề nổi lên trong công việc của cá nhân” (Ross & Mahlck, 1990). Thực tế thì kết quả học tập của người học không nói lên điều gì về sự vận hành của nhà trường. Một trường nào đó có tỷ lệ người học đạt điểm số cao hơn trong các kỳ thi so với các trường khác chưa hẳn đã là trường tốt hơn. Điểm số của người học có thể là do những yếu tố không liên quan gì đến nhà trường ví dụ như năng lực trí tuệ của người học, hay do người học đi học thêm ở bên ngoài, hay hoàn cảnh gia đình của người học.



Một quan điểm khác cho rằng chất lượng giáo dục được xác định bằng hiệu số giữa mức đầu tư bao gồm mục tiêu hay ý định ban đầu cùng với nguồn tài lực, vật lực được đầu tư để thực hiện những mục tiêu hay ý định đó với kết quả đạt được hay đầu ra. Hiệu số này được các chuyên gia đánh giá giáo dục lượng hóa. Hiệu số càng nhỏ chất lượng giáo dục càng được coi là cao, ngược lại nếu hiệu số càng lớn thì chất lượng giáo dục được đánh giá càng thấp. Thực ra cách nhìn này liên quan nhiều hơn đến hiệu suất giáo dục, hay hiệu suất đầu tư giáo dục chứ không phản ánh một cách trung thực chất lượng giáo dục.

Từ những phân tích trên đây, chúng ta dễ dàng nhận ra tính phức tạp và co giãn trong định nghĩa về khái niệm chất lượng giáo dục. Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng quan điểm của Thomas (2003) cho rằng chất lượng cần được đánh giá trong bối cảnh làm việc cụ thể của chúng ta. Thomas cho rằng, chất lượng không chỉ là sản phẩm giáo dục phải phù hợp với mục đích giáo dục mà còn phải xem xét “sự phù hợp của mục đích (fitness of purpose)” (tr. 240). Nói cách khác chất lượng giáo dục phải được đánh giá không chỉ qua kết quả học tập của người học hay sản phẩm của giáo dục mà còn phải đánh giá nó qua quá trình thực hiện giáo dục và tính phù hợp của mục đích giáo dục cũng như sự phù hợp của sản phẩm giáo dục theo nhu cầu công việc. Chúng tôi chấp nhận quan điểm này trong nghiên cứu này. Nói một cách cụ thể, chất lượng giáo dục trong nghiên cứu này không nhìn từ góc độ sản phẩm cuối cùng, tức là kết quả học tập của học sinh thể hiện qua các bài thi hoặc khả năng sử dụng ngoại ngữ của học sinh vì khó có thể đo chính xác được tham số này. Thay vào đó, chúng tôi quan tâm đến quá trình thực hiện giáo dục trong nhà trường, trong lớp học.


tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương