NHỮng chữ viết tắT


NHỮNG CỬ HÀNH SÁM HỐI khác



tải về 497.83 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích497.83 Kb.
#13373
1   2   3   4   5

NHỮNG CỬ HÀNH SÁM HỐI khác

  1. Đặc tính và cơ cấu

Các cuộc cử hành sám hối là những cuộc tập hợp dân Chúa để nghe Lời Chúa kêu mời trở về, canh tân đời sống và loan báo việc chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ sự chết và sự sống lại của Đức Kitô. Cơ cấu các cuộc cử hành sám hối chính là cơ cấu thường phải giữ khi cử hành Lời Chúa15 và được dự liệu trong nghi thức giao hòa nhiều hối nhân.

Vì thế, sau nghi thức mở đầu (tức sau bài hát, lời chào và lời nguyện), nên đọc một hoặc nhiều bài Thánh kinh với những bài hát hoặc thánh vịnh hay thinh lặng xen kẽ, đoạn dẫn giải và áp dụng các bài đọc cho cộng đồng tín hữu. Không cấm đọc trước hoặc sau các bài Thánh kinh những bài đọc trích từ sách các Giáo phụ và các văn sĩ có thể thật sự giúp cộng đoàn và từng người nhận biết thế nào là tội lỗi, là thật lòng thống hối và trở lại.

Sau bài giảng và sau khi suy niệm Lời Chúa, nên để cộng đoàn các tín hữu đồng lòng đồng thanh cầu nguyện theo lối đối đáp hoặc theo cách thức nào khác để thúc đẩy sự tham dự của các tín hữu. Sau cùng luôn đọc kinh Lạy Cha để xin Thiên Chúa, Cha chúng ta ‘tha nợ chúng ta như chúng ta cũng tha kẻ có nợ chúng ta... và cứu chữa chúng ta khỏi mọi sự dữ’. Linh mục hoặc thừa tác viên chủ tọa cộng đoàn kết thúc nghi lễ bằng lời nguyện và giải tán dân chúng ( x. OP 36).


  1. Lợi ích và tầm quan trọng (OP 37).

Nên tránh đừng để các tín hữu quan niệm lẫn lộn các cuộc cử hành này với việc cử hành bí tích sám hối16. Các cuộc cử hành sám hối này rất hữu ích để khích lệ việc trở về và thanh tẩy tâm hồn (Ib).

Hãy tổ chức các buổi sám hối cách thích hợp để :

+ Gợi lên tinh thần sám hối trong cộng đồng Kitô hữu.

+ Giúp các tín hữu dọn mình xưng tội mà mỗi người có thể xưng sau này vào lúc thuận tiện.

+ Giáo dục các trẻ nhỏ hầu giúp chúng dần dà ý thức về tội lỗi trong đời sống con người, và về việc nhờ Đức Kitô mà được giải thoát khỏi tội lỗi.

+ Giúp các dự tòng trong việc trở về.

Hơn nữa, nơi nào không có sẵn linh mục để ban bí tích giải tội thì các cuộc cử hành sám hối trở nên rất hữu ích, bởi vì chúng giúp việc ăn năn tội cách trọn vì lòng mến Chúa, nhờ đó các tín hữu ao ước lãnh bí tích sám hối trong tương lai có thể đạt được ơn thánh Chúa17


  1. Những cử hành sám hối (Phụ lục 2)

Phụ lục II của cuốn Nghi thức bí tích sám hối có đề nghị một số mẫu cử hành sám hối do Thánh bộ Phụng tự nghiên cứu soạn thảo để giúp những người có nhiệm vụ tổ chức hay biên soạn các cuộc cử hành sám hối. Có 6 mẫu, và mỗi mẫu có thể có 1, 2 hay 3 đề tái khác nhau.

Mẫu I: Cử hành sám hối trong Mùa Chay

  1. Sám hối để tăng cường hay phục hồi ơn bí tích rửa tội:

  2. Sám hối để chuẩn bị giáo dân tham dự cách đầy đủ hơn vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô để cứu độ thế gian.


Mẫu II: Cử hành sám hối trong Mùa Vọng

Đề tài: Sám hối để được trong sạch và sẵn sàng hơn để chờ ngày Chúa đến.



Mẫu III: Các cử hành sám hối chung

Đề tài 1: Về tội lỗi và sự trở về

Đề tài 2: Đứa con hoang đàng trở về cùng Cha

Đề tài 3: Các mối phúc của Tin mừng



Mẫu IV: Buổi sám hối dành cho thiếu nhi

Mẫu V: Buổi sám hối dành cho thanh niên

Mẫu VI: Buổi sám hối dành cho bệnh nhân
ii. NHỮNG THÍCH ỨNG THEO MIỀN VÀ HOÀN CẢNH KHÁC NHAU

Nghi thức bí tích sám hối đã được soạn thảo để có thể thích ứng cho mỗi miền và cho những hoàn cảnh khác nhau. Đây là những nguyên tắc rất quan trọng. Nó dành quyền đặc biệt cho Hội đồng Giám mục, cho Đức Giám mục giáo phận và cho cả các thừa tác viên nữa. Nếu những vị có thẩm quyền thích ứng biết áp dụng các nguyên tắc này cách sáng suốt và cẩn thận, chắc chắn các ngài sẽ gặt hái được những kết quả mục vụ rất đáng khích lệ.



  1. Quyền của Hội đồng Giám mục (OP 38)

Trong khi biên soạn các nghi lễ riêng, các Hội đồng Giám mục được quyền thích ứng nghi thức bí tích sám hối này với những nhu cầu của mỗi miền, để sau khi Tòa Thánh phê chuẩn, được sử dụng tại các miền liên hê. Trong lãnh vực này, các Hội đồng Giám mục có quyền :

a. An định những qui luật liên quan đến kỷ luật bí tích sám hối, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến thừa tác vụ của các linh mục và đến các tội không được quyền tha.

b. Ấn định rõ ràng những qui luật liên quan đến nơi thông thường thích hợp để cử hành bí tích sám hối và đến những dấu chỉ sám hối mà các tín hữu phải biểu lộ khi lãnh phép giải tội chung (xem số 108,2).

c. Soạn bản dịch các bản văn thích hợp thực sự với đặc tính và ngôn ngữ của mỗi dân tộc, và sáng tác cả những bản văn mới để các tín hữu hoặc thừa tác viên cầu nguyên, nhưng phải giữ nguyên vẹn công thức bí tích giải tội.



  1. Quyền hành cho Giám mục giáo phận (OP 39)

Đức Giám mục giáo phận có thẩm quyền :

a. Điều hành kỷ luật sám hối trong giáo phận của mình bằng cả những sửa đổi nghi lễ thích ứng theo các qui luật được Hội đồng Giám mục dự liệu.

b. Sau khi bàn với các vị khác trong Hội đồng Giám mục, ngài được quyền xác định khi nào được phép ban bí tích giải tội tập thể với những điều kiện do Tòa Thánh ấn định18


  1. Quyền dành cho thừa tác viên (OP 40)

Các linh mục nhất là các cha sở:

a. Trong khi cử hành nghi thức giao hòa cho từng người hoặc cho cộng đoàn, được quyền thích ứng nghi lễ với những hoàn cảnh cụ thể của hối nhân, ngoài viêc phải giữ trọn bố cục chính yếu và công thức giải tội, thì nếu cần, vì lý do mục vụ, có thể bỏ bớt một vài phần hoặc làm cho thêm phong phú, chọn lựa những bản văn hoặc những bài đọc hay những lời nguyện, chọn nơi thích hợp với việc cử hành, theo các qui tắc đã được Hội đồng Giám mục ấn định, làm thế nào để toàn thể cuộc cử hành vừa phong phú vừa sinh ơn ích..

b. Một đôi lần trong năm, nhất là trong Mùa Chay, được quyền tổ chức các cuộc cử hành sám hối với sự giúp đỡ của những vị khác, kể cả giáo dân, làm thế nào cho các bản văn được lựa chọn và nghi thức cử hành trở nên thực sự thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh của cộng đoàn hoặc của nhóm.

c. Trong trường hợp thật khẩn thiết mà Giám mục giáo phận không dự liệu trước, nếu không thể chạy đến ngài được, thì có quyền quyết định ban bí tích giải tội chung một trật cho nhiều người, mà chỉ xưng tội chung thôi, nhưng buộc phải thông báo sớm hết sức cho vị thường quyền sở tại và sự khẩn thiết đã gặp và về việc giải tội chung ấy.


iii. CÔNG THỨC GIẢI VẠ VÀ CHUẨN BẤT HỌP LUẬT

  1. Giải vạ (Phụ lục I số 1-2)

1. Đối với những tội hiện nay còn dành riêng, hoặc vì lý do tội, hoặc vì lý do có vạ, thì không cần phải thay đổi công thức giải tội, nhưng chỉ cần cha giải tội có ý tha cho hối nhân có đủ điều kiện, dĩ nhiên phải giữ những qui định hiện hành về luật buộc chạy đến với nhà chức trách có thẩm quyền. Tuy nhiên, trước khi giải tội, ngài có thể dùng công thức dưới đây, dành cho ngoài tòa bí tích để giải vạ.

2.Chiếu theo qui tắc luật định, khi giải vạ cho hối nhân ngoài tòa bí tích, linh mục sử dụng công thức sau :

Ta dùng quyền ủy thác cho ta mà giải thoát con khỏi vạ tuyệt thông (hoặc huyền chỉ hoặc cầm chế). Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Hối nhân đáp : Amen.

  1. Chuẩn bất hợp luật (Phụ lục I, số 3)

3. Nếu hối nhân bị mắc bất hợp luật nào, thì linh mục, theo tiêu chuẩn luật định, chuẩn cho họ khỏi bất hợp luật ấy, hoặc trong tòa bí tích, sau khi ban phép giải tội, hoặc ngoài tòa bí tích, ngài đọc

Ta dùng quyền ủy thác cho ta mà chuẩn cho con khỏi bất hợp luật đã mắc. Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con + và Chúa Thánh Thần.

Hối nhân thưa : Amen


THIÊN vi. bí tích XỨC DẦU BỆNH NHÂN

thư MỤC VỤ TỔNG QUÁT

UBGMPV Nghi thức xức dầu bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ, Saigon, 1974

A. G. MARTIMORT Le nouveau rituel des malades, Conférence à la Sale de Presse du Vatican le 18 janvier 1973, Notitiae 80[1973]66-69; Bản dịch tiếng Việt đăng trong BPV 14[1973]66-69

Prière pour les malades et onction sa-cramentelle, EP, tr. 132-153.

P.M. GY Le nouveau rituel romain des malades, LMD 113[1973]27-37.

Bo REICKE L’Onction des malaedes d’après saint Jacques, LMD 113[1973]50-56

J. CH. DIDIER L’Onction des malades dans la théologie contem-porelle, LMD 113[1973]57-80



L’Onction des malades, Bibliographie sé-lextive, LMD 113[1973]81-85

A. CHAVASSE Pirère pour les malades et onction sa-cramentelle, EP, 3è éd., Desclée, 1965, tr. 596-612.

B. BOTTE L’Onction des malades, LMD 15[1948]91-107

C. ORTEMANN Le sacrement des malades, histoire et signification, Lyon, éd. du Chatelet, 1971

R. BÉRAUDY Le sacrement des malades, étude historique et théologique,, trong Nouvelle Revue théo-logique, 106[1974]600-634

La maladie et la mort du chrétien dans la liturgie, Con-férences Saint-Serge, XXIIè Samaine d’études liturgiques 1974, Roma, ed. Liturgiche, 1975 (Bibliotheca EL Subsidia)

MC MANUS Phép Xức dầu, bí tich bị quên lãng, trong Tuyển tập thần học tháng 7 năm 1971


vào đề

  1. Cuốn nghi thức mới về bí tích xức dầu bệnh nhân
    và việc săn sóc họ theo mục vụ


Ngày 07.12.1972, Thánh Bộ phụng tự đã ra sắc lệnh (Prot. n.1501/72) công bố cuốn Nghi thức mới về bí tích xức dầu bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ. Cuốn này đã được Hội đồng thực thi Hiến chế về Phụng vụ biên soạn. Thánh bộ Phụng tự hiệu đính, Đức Phaolô VI phê chuẩn qua Tông hiến ‘Sacram Unctionem infirmorum’ ban hành ngày 30.11.1972.

Trong chính Tông hiến này Đức Phaolô VI đã qui định những điều quan trọng liên quan đến những yếu tố chính của bí tích xức dầu, như công thức và chất liệu của bí tích, số lần xức dầu, cơ quan cần xức cũng như khả năng tái xức dầu trong cùng một con bênh.

Tựa đề chính thức của ấn bản mẫu do Nhà xuất bản đa ngữ Vaticano như sau : Rituale Romanum ex Decreto Sacro-sancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Pauli PP VI promulgatum Ordo Unctionis Infirmorum Eorumque Pastoralis Curae.

Cũng như các sách Nghi thức bí tích xuất bản sau Công đồng Vaticano II, cuốn Nghi thức bí tích xức dầu bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ cũng mở đầu bằng Sắc lệnh công bố của Thánh bộ về Phụng tự, tiếp đến Tông hiến của Đức Phaolô VI về bí tích xức dầu bệnh nhân, sau đó là Những điều cần biết trước. Phần này có những tiết mục sau :


I. Bệnh tật loài người và ý nghĩa bệnh tật trong mầu nhiệm cứu độ.

II. Các bí tích ban cho bệnh nhân

A. Bí tích xức dầu bệnh nhân

B. Của ăn đàng

C. Nghi thức liên tục
III. Phận sự và tác vụ đối với bệnh nhân

IV. Những thích nghi thuôc thẩm quyền các Hội đồng

V. Những thích nghi thuộc thẩm quyền các thừa tác viên.

C. II : Nghi thức xức dầu bệnh nhân :

+ Nghi thức thông thường

+ Xức dầu trong thánh lễ

+ Cử hành xức dầu khi có đông tín hữu tham dự.

C. III : Trao của ăn đàng :

+ Trong thánh lễ

+ Ngoài thánh lễ

C. IV : Nghi thức ban các bí tích cho bệnh nhân trong lúc gần chết. Nghi thức liên tục ban ba bí tích sámhối, xức dầu và của ăn đàng.

C. V : Ban bí tích thêm sức lúc nguy tử

C. VI : Nghi thức phó linh hồn những người hấp hối.

C. VII : Các bản văn đọc trong các nghi thức


dành cho bệnh nhân

chƯƠNG I : NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC

I. BỆNH TẬT và ý nghĩa CỦA BỆNH TẬT
trong MÀU NHIỆM CỨU ĐỘ


  1. Bệnh tật trước ánh sáng đức tin Kitô giáo

Đau khổ và bệnh tật loài người vẫn được coi là những khó khăn lớn lao nhất, thường làm bứt rứt lương tâm con người. Tuy thế những người có đức tin Kitô giáo, mặc dầu cũng cảm nghiệm thấy như thế, nhưng nhờ ánh sáng đức tin, họ được nâng đỡ, hầu nhận thức sâu xa hơn mầu nhiệm đau khổ và can đảm chịu đựng những đau khổ ấy hơn những người khác. Vì không những qua lời Chúa Kitô, họ biết bệnh tật có ý nghĩa gì và có khả năng giúp ích thế nào cho phần rỗi bản thân và thế giới; hơn nữa họ cũng biết khi đau yếu họ được Chúa Kitô yêu mến , vì trong đời sống trần gian, đã nhiều lần Ngài thăm viếng và chữa lành các bệnh nhân (XD 1).

  1. Quan hệ bệnh tật và tội lỗi

Mặc dầu bệnh tật có liên quan chặt chẽ với tình trạng tội lỗi của nhân loại, nhưng phần nhiều không thể coi như hình phạt giáng xuống cho mỗi người vì tội riêng của họ (Ga 9,3). Nhất là chính Chúa Kitô là Đấng không có tội lỗi gì, nhưng để thực hiện hết những gì đã chép trong sách tiên tri Isaia, Ngài đã mang lấy mọi vết thương trong cuộc thương khó của Ngài và cảm thông với tất cả mọi đau khổ của loài người (Is 53,4-5); hơn nữa khi chúng ta chịu đựng những nỗi khổ cực, thì Ngài vẫn còn chịu đóng đinh và bị hành hạ trong các chi thể Ngài, được coi như đồng hóa với Ngài, nhưng nếu so sánh với giá trị vinh quang vĩnh cửu ta sẽ được, thì những đau khỏ tật bệnh ấy được coi như chóng qua và còn nhẹ nhàng nữa (2Cr 4,17) [XD 2].

  1. Phải phấn đấu chống bệnh tật

Trong sự an bài phân phối của Thiên Chúa, Chúa đã sắp đặt để con người can đảm phấn đấu chống lại bất cứ bệnh tật nào và lo liệu tìm cách chữa cho khỏi, hầu có thể chu toàn nghĩa vụ trong xã hội loài người và trong Hội thánh, miễn là luôn luôn sẵn sàng kiện toàn những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô vì phần rỗi thế gian, đồng thời mong đợi toàn thể thụ tạo được giải phóng trong vinh quang của con cái Chúa ( Cl 1,24; Rm 8,19-21).

Hơn nữa nhiệm vụ của bệnh nhân trong Hội thánh là dùng bằng chứng của mình mà nhắc nhủ người khác đừng quên những sự chính yếu tức là những sự trên trời, đồng thời cũng tỏ ra cho thấy đời sống hiện nay của loài người cần được cứu chuộc nhờ mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô

Không phải chỉ có bệnh nhân mới chiến đấu chống bệnh tật, mà cả bác sĩ, y sĩ và tất cả những ai liên kết với bệnh nhân bằng bất cứ cách nào, họ phải xem xét tất cả những gì phải làm, phải thử hoặc phải thí nghiệm, tức là tất cả những gì xem chừng giúp nâng đỡ tâm hồn và thể xác bệnh nhân; vì chưng làm những điều đó, họ đã thực thi Lời Chúa Kitô khi chính Ngài truyền phải thăm viếng bệnh nhân, hầu như Ngài nói rằng con người toàn diện được trao phó cho những người thăm viếng để họ vừa giúp đỡ bằng những sự cứu trợ về thể lý vừa khích lệ bằng sự yên ủi về tinh thần (XD 3-4).

II. Bí tích XỨC DẦU BỆNH NHÂN

  1. Tên gọi của bí tích

Trong tiếng Việt, từ trước tới nay chúng ta thường gọi bí tích này là ‘bí tích xức dầu’. Tuy nhiên, tên chính thức đã được các sách thần học, các văn kiện của Tòa Thánh, các sách Nghi thức, các Công đồng gọi là Phép xức dầu cuối cùng. Tên này, tuy đã có nhiều thế kỷ, nhưng không thể gọi là tên truyền thống, vì nó chỉ xuất hiện sau thế kỷ 12. Các thế kỷ đầu vẫn gọi nó là ‘bí tích xức dầu bệnh nhân’.

Sở dĩ người ta gọi nó là Phép xức dầu cuối cùng, vì người ta quan niệm nó là bí tích dành cho những người hấp hối, những người sắp lìa cõi đời này.

Trong những thập niên gần đây, phong trào canh tân phụng vụ đã có phản ứng chống lại cách gọi này, và trở về tên gọi của các thế kỷ đầu, tức bí tích xức dầu bệnh nhân 19

Chính Công đồng Vaticano II cũng đã nhận định: Phép xức dầu cuối cùng, đúng hơn phải gọi là bí tích xức dầu bệnh nhân (PV 9). Trong bản dự thảo, Công đồng nói mạnh hơn: Bí tích xưa nay thường gọi là Phép xức dầu cuối cùng, từ nay phải được gọi là Bí tích xức dầu bệnh nhân.

Cần phải đổi tên, vì cần phải đánh tan sự hiểu lầm có từ lâu, coi bí tích này như dấu chỉ của cái chết gần kề, như phương thế sửa soạn cho người đang hấp hối đi về đời sau. Nhưng thực ra không phải thế. Vì theo bút tích của thánh Giacôbê, thì hiệu quả của bí tích này là sự nâng đỡ tâm hồn và thân xác được ban cho những ai đang mắc bệnh, như chúng ta sẽ nói sau.


  1. Ý nghĩa của dầu và việc xức dầu

Được Chúa Giêsu sai đi rao giảng, mười hai Tông đồ đã có thể dùng việc xức dầu để chữa lành nhiều bệnh nhân (Mc 6,13). Cũng theo chiều hướng đó, thánh Giacôbê khuyên các linh mục nên cầu nguyện và xức dầu cho bệnh nhân để nâng đỡ họ (Gc 5,14).

Bo Reicke đã nghiên cứu thế giới của Cựu ước, Do thái giáo sau lưu đày, Kitô giáo sơ khởi và Giáo Hội trong những thế kỷ đầu để kể ra những trường hợp được xức dầu như sau :

a. Khi phong vương một ông vua

b. Khi hiến thánh một linh mục

c. Khi kêu gọi một ngôn sứ

d. Khi hiến thánh một vật dành cho phụng tự

e. Cả khi điều trị một vết thương (Is 1,6; Lc 10,34)

f. Để chữa một bệnh nhân (Gc 5,14)

g.Để xức một xác chết (Mt 26,12; Mc 14,8; Ga 12,7; Mc 16,1)

Theo Bo Reicke thì trong những miền của Kinh thánh, lúa miến, rượu nho và dầu là những sản phảm quan trọng hơn hết của nông nghiệp, và vì thế chúng là biểu tượng ưu việt của nền văn minh và của sự sống (Đnl 7,13).

Cũng theo Bo Reicke thì việc xức dầu bệnh nhân mà thánh Giacôbê khuyên các linh mục thực hiện không có gì có vẻ ma thuật. Vì người ta không gán cho dầu có giá trị chữa bệnh, hay làm nên những điều kỳ lạ. Trái lại, thánh Giacôbê đã đặt năng vào việc cầu nguyện và vào danh Chúa. Các linh mục không phải làm gì khác hơn là:

Cầu nguyện trên bệnh nhân,

Trong khi xức dầu cho họ,

Nhưng nhân danh Chúa; và do đó

Lời cầu nguyện sẽ chữa lành bệnh nhân, và

Chúa sẽ nâng đỡ họ20



  1. Việc xức dầu trong đời sống Giáo Hội

Đức Phaolô VI trong Tông hiến về bí tích xức dầu bệnh nhân đã tóm lược nguồn gốc và việc cử hành của bí tích này như sau :

Việc xức dầu thánh cho bệnh nhân, một trong bảy bí tích của Tân Ước mà Hội Thánh thường tuyên xưng và giảng dạy, đã được Chúa Kitô thiết lập thực sự, đã được ám chỉ trong Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc 6,13), và nhờ thánh Giacôbê là tông đồ và là anh em của Chúa đã được giới thiệu với các tín hữu và được công bố. Ngài nói: “ Ai trong anh em đau yếu, hãy mời các linh mục Hội thánh đến cầu nguyện cho bệnh nhân, đồng thời xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa; và lời cầu nguyện do đức tin sẽ cứu chữa bệnh nhân và Chúa sẽ cho bệnh nhân bình phục, nếu có mắc tội thì sẽ được tha (Gc 5,14-15)21

Ngay từ thời cổ xưa, việc xức dầu bệnh nhân đã có nhiều bằng chứng trong giáo truyền, nhất là trong phụng vụ, bên Đông cũng như bên Tây. Đặc biệt cần nhắc tới bức thư Đức Innôxentê I, vị tiền nhiệm của chúng tôi, đã viết cho Đức Giám mục địa phận Eugubinô (Gubbio) là Đêxenxiô 22, và lời nguyện đáng kính dùng để làm phép dầu bệnh nhân: Lạy Chúa xin sai Thánh Thần Chúa, Đấng an ủi đến, lời nguyện này dính liền với Kinh Tạ ơn, mà đến nay vẫn được bảo tồn trong sách nghi thức của nhiều giáo đoàn khác nhau

Trong Giáo Hội Roma, việc làm phép dầu bệnh nhân được cử hành trong thánh lễ, cuối phần Lễ qui, và đã được ghi lại trong cuốn Truyền thống tông đồ của thánh Hipôlitô từ đầu thế kỷ III 23. Từ cuối thế kỷ 6, việc làm phép dầu này được ấn định vào thứ Năm Tuần Thánh, nhưng cho tới thế kỷ 8, nó được đồng cử hành do Đức Giáo Hoàng, các Giám mục và linh mục trong thánh lễ đồng tế 24 Cũng chính vì thế, dần dà nó đã được dành cho Đức Giám mục25.



Việc cử hành bí tích ấy (xức dầu bệnh nhân) hệ tại nhất ở điểm này là sau khi các linh mục của Hội thánh đã đặt tay thì đọc lời cầu nguyện và dùng dầu đã được phép lành của Thiên Chúa thánh hóa mà xức bệnh nhân. Nghi thức ấy biểu thị và thông ban ơn bí tích (XD 5).

  1. Hiệu quả của bí tích xức dầu bệnh nhân

Bí tích này ban cho bệnh nhân ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó toàn thể con người được giúp đạt tới ơn cứu độ, được lòng tin tưởng Chúa nâng đỡ, được sức mạnh chống lại các chước cám dỗ của ma quỉ và tính sự chết, đến nỗi không những có thể can đảm chịu đựng mà còn tấn công đau khổ và lấy lại được sức khỏe nếu có ích cho phần rỗi thiêng liêng, nếu cần bí tích này cũng ban ơn tha thứ tội lỗi và giúp chu toàn việc đền tội theo tinh thần Kitô giáo (XD 6).

Trước đây, người ta thường coi bí tích này như bí tích sám hối (đi liền hay thay thế bí tích sám hối). Rõ ràng, lá thư của thánh Giacôbê có nhắc tới việc tha tội, và Công đồng Trentô cũng như thần học Kinh viện đã nhấn mạnh tới hiệu quả này, trong khi sao lãng những hiệu quả khác.

Nhưng thần học thời nay đã đưa ra những ghi chú sau đây:

Nó không chối bỏ tương quan bệnh tật, cũng như mọi thứ đau khổ thể lý, với tình trạng tội lỗi của nhân loại, nhưng nó không công nhận là bệnh tật bắt buộc phải là hậu quả của tội riêng của bệnh nhân hay tội chung của tập thể, và do đó là hình phạt giáng trên bệnh nhân.

Cũng không ai chối cãi ơn tha tội là hiệu quả thông thường của bí tích này, nhưng nó chỉ là hiệu quả thứ hai, chứ không thể là tất cả hiệu quả của bí tích này.

Nếu muốn tìm tới nguồn phát sinh ra những hiệu quả này, thì cần lưu ý: việc xức dầu cần phải liên kết với lời cầu nguyện phát xuất từ đức tin (Gc 5,15). Đây là đức tin vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, nguồn mạch phát sinh sự linh nghiệm của các bí tích26 . Vì chính đức tin của bệnh nhân và của Hội thánh sẽ cứu chữa bệnh nhân (Gc 5,15). Trong việc xức dầu, đức tin của thừa tác viên cũng như của người lãnh nhận bí tích được bộc lộ. Bởi vậy, trước hết cần kích thích đức tin (XD 7).



  1. Những người được lãnh bí tích xức dầu bệnh nhân

Theo thư thánh Giacôbê thì phải ban bí tích xức dầu cho các bệnh nhân để nâng đỡ và cứu chữa họ. Vậy việc xức dầu phải được cử hành cho các tín hữu vì tật bệnh hay tuổi tác đang đau yếu nguy kịch.

Còn việc phán đoán thế nào là đau yếu trầm trọng thì chỉ cần một sự phán đoán khôn ngoan hay cái nhiên (probabilis) là đủ 27 , không cần lo lắng gì khác; còn nếu cần, có thể xin ý kiến bác sĩ (XD 8).

Đã từ lâu, vì có quan niệm bí tích xức dầu bệnh nhân chỉ ban cho những người gần chết, nên Bộ luật cũ (c. 940), đòi bệnh nhân phải ở trong tình trạng nguy tử. Công đồng Vaticano II, dầu không chia sẻ quan niệm cũ, nhưng vẫn còn giữ thành ngữ: “nguy tử” (PV 73). Các văn bản sau này, như XD 8, GL đ 1004§1 đã bỏ từ “chết” để sửa lại là khi bệnh nguy kịch hay bắt đầu nguy kịch.

Bệnh nguy kịch đây xem ra đồng nghĩa với bệnh nặng, trầm trọng28 và thường hiểu về bệnh thể lý, nhưng cũng có thể hiểu về những bệnh tâm thần hay thần kinh29

Đối với những người già, vì sức lực đã suy giảm nhiều, nên dầu không có bệnh nguy ngập, cũng có thể ban bí tích xức dầu cho họ (XD 11).

Cũng có thể ban bí tích xức dầu cho các thiếu nhi khi các em đã bắt đầu biếr xử dụng trí khôn, để nhờ bí tích này các em được nâng đỡ (XD 12). Theo Didier30 thì thấy không có lý do gì để từ chối không cho trẻ nhỏ chưa đủ trí khôn lãnh bí tích này.

Khi hồ nghi, không biết bệnh nhân đã biết sử dụng trí khôn chưa, có bệnh nguy kịch không, đã chết hay chưa, thì nên ban bí tích xức dầu (GL đ 1005)

Trước khi giải phẫu, có thể ban bí tích xức dầu cho bệnh nhân khi cơn bệnh nguy hiểm là nguyên nhân đòi phải được giải phẫu (XD 10).

Bí tích này có thể ban cho những bệnh nhân tuy dù đã bất tỉnh hoặc mất trí, miễn là khi họ còn tỉnh, với tư cách là những người có đức tin, có thể họ đã xin chịu phép xức dầu thánh (XD 14; GL đ 1006).

Bí tích này có thể ban lại, nếu sau khi lãnh nhận, bệnh nhân đã bình phục, hay vẫn còn bệnh, nhưng tình trạng bịnh trở nên trầm trọng hơn (XD 9; GL đ 1004§2).

Trong việc dạy giáo lý chung hay trong gia đình, các tín hữu phải được huấn luyện thế nào để chính họ biết tự động xin làm phép xức dầu và khi thời gian thuận tiện vừa tới để lãnh bí tích ấy, thì họ lãnh nhận với lòng tin tưởng và sốt sắng đầy đủ, đừng theo thói quen xấu mà lần lữa không lãnh bí tích ấy. Còn tất cả những ai săn sóc bệnh nhân phải được học hỏi kỹ lưỡng về bản tính tích bí tích này (XD 13).

Khi được mời đến với bệnh nhân đã chết, linh mục cầu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho người ấy và đoái thương nhận nhận người ấy vào Nước Chúa, nhưng không được xức dầu. Nếu hồ nghi, thì làm với điều kiện (XD 15): “Nếu (OBACE) còn sống, thì nhờ việc xức dầu này và nhờ lòng từ bi nhân hậu Chúa...” (XD 135).

Không được ban bí tích xức dầu bệnh nhân cho những người cố tình ở lì trong một tội trọng công khai (những người có tội công khai mà cố tình không hoán cải) (GL đ 1007)


  1. Thừa tác viên của bí tích xức dầu bệnh nhân

Mọi linh mục và chỉ có linh mục mới cử hành thành sự bí tích xức dầu bệnh nhân (GL đ 1003§1).

Tất cả các linh mục đã được ủy thác sứ vụ coi sóc các linh hồn đều có nhiệm vụ và quyền ban bí tích xức dầu cho các tín hữu thuộc quyền mình; còn khi có lý do chính đáng, thì bất cứ linh mục nào cũng có thể cử hành bí tích này, với sự ưng thuận của các linh mục kể trên, ít là cách phỏng đoán (GL đ 1003§2).

Vì vậy, các linh mục có nhiệm vụ coi sóc linh hồn, phải nhờ các tu sĩ và giáo dân giúp chuẩn bị bệnh nhân và những người tham dự để bí tích được cử hành cách xứng đáng. Bổn phận vị Thường quyền địa phương là phải điều hòa những cuộc cử hành tập thể cho nhiều bệnh nhân (XD 17).

Khi có hai hoặc nhiều linh mục hiện diện gần một bệnh nhân, thì có thể một linh mục đọc các lời nguyện và xức dầu cùng với công thức, còn các linh mục khác chia nhau đọc các phần khác trong nghi lễ, như nghi thức mở đầu, đọc Lời Chúa, đọc các ý nguyện và nói những lời khuyên nhủ. Hơn nữa mỗi linh mục đều có thể đặt tay (XD 19).

Bất cứ linh mục nào cũng được quyền mang dầu thánh theo, để khi cần thiết, có thể cử hành bí tích xức dầu bệnh nhân (GL đ 1003§3)


  1. Những điều cần thiết để cử hành bí tích xức dầu

Chất liệu xứng hợp của bí tích này là dầu ô liu, hoặc dầu thực vật (ép từ thảo mộc) (XD 20).

Dầu sử dụng trong bí tích xức dầu bệnh nhân phải được Đức Giám mục hay linh mục có quyền làm phép. Linh mục có quyền này do luật ban hoặc do Tòa Thánh ban.

Ngoài Đức Giám mục, các vị sau đây có thể tự quyền làm phép dầu dùng trong bí tích này :

a. Các vị ngang quyền với Giám mục giáo phận.

b. Trong trường hợp khẩn thiết, bất cứ linh mục nào.

Việc làm phép dầu bệnh nhân thường được Đức Giám mục cử hành vào ngày thứ Năm Tuần Thánh (XD 21).

Nếu phải làm phép dầu trong chính lúc cử hành bí tích xức dầu bệnh nhân, thì dầu sắp được làm phép sẽ được linh mục mang tới hoặc sẽ do người nhà bệnh nhân dọn sẵn trong bình xứng hợp. Sau nghi lễ, chỗ dầu còn dư phải lấy bông gòn thấm và đốt đi.

Còn khi sử dụng dầu đã được làm phép trước, thì nên đựng vào những bình chắc chắn, sạch sẽ, để sau lại đưa về nhà cất giữ cẩn thận. Để tránh khỏi đổ, nên để bông gòn rồi đổ dầu lên. Phải thay dầu mới mỗi năm, và phải coi chừng đừng để khô dầu hay sử dụng dầu đã hư thối (XD 22).

Việc xức dầu được cử hành bằng cách xức trên trán và trên hai tay bệnh nhân; nên chia công thức ra để đọc phần trên khi xức trán, còn phần dưới đọc khi xức hai tay.

Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần xức dầu một lần trên trán, hoặc vì hoàn cảnh đặc biệt của bệnh nhân, xức trên chi thể khác thích hợp hơn, đồng thời đọc trọn cả công thức (XD 23).

Công thức phải dùng khi cử hành bí tích xức dầu theo nghi lễ La tinh là : Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con (ÔBACE) để Người giải thoát con (ÔBACE) khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa con và thương làm cho thuyên giảm (XD 25).
III. CỦa ăn đàng


  1. Luật buộc rước lễ ăn đàng

Khi thoát ly cõi đời này, người tín hữu được tăng cường bằng của ăn đàng là Mình Máu Chúa Kitô, được bảo đảm sống lại theo Lời Chúa đã phán: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời, và tôi, tôisẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54).

Nếu có thể được nên lãnh của ăn đàng trong thánh lễ để bệnh nhân có thể rước lễ dưới hai hình, bởi vì việc rước lễ như của ăn đàng, phải coi như dấu chỉ đặc biệt việc tham dự vào mầu nhiệm được cử hành trong hy lễ Misa, nghĩa là mầu nhiệm về sự chết của Chúa và về việc Ngài về cùng Chúa Cha (EM 36, 39, 41)

Mọi tín hữu đã được rửa tội và đã có thể rước lễ đều buộc lãnh của ăn đàng. Vì chưng tất cả các tín hữu trong lúc nguy tử, do bất cứ nguyên nhân nào, đều có luật buộc phải rước lễ. Cả trong trường hợp đã rước lễ ngày hôm ấy rồi, khi gặp nguy tử, cũng rất khuyến khích nên rước lễ lần nữa (GL đ 921§1,2). Các chủ chăn phải canh chừng đừng để giãn việc ban hành bí tích này, nhưng phải ban khi tín hữu còn hoàn toàn tỉnh trí (GL đ 922; XD 27).

Trong khi cử hành nghi thức ban của ăn đàng, nên để cho tín hữu lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh bí tích rửa tội, vì nhờ đó mà họ được làm nghĩa tử Thiên Chúa và trở nên đồng thừa tự lời hứa cuộc sống muôn đời (XD 28).



IV. PHẬN SỰ và tác VỤ ĐỐI VỚI BỆNH nhân

  1. Phận sự của mọi tín hữu

Trong nhiệm thể Chúa Kitô là Hội thánh, hễ một chi thể đau, thì mọi chi thể cũng đau (1Cr 12,26). Bởi đó, lòng thương xót đối với bệnh nhân cũng như công việc được mệnh danh là bác ái và tương trợ để nâng đỡ tất cả mọi nhu cầu của nhân loại, thường được tôn trọng nhất (TĐ 8), và tất cả mọi cố gắng kỹ thuật nhằm kéo dài sự sống thể xác (MV 13), và mọi việc săn sóc tận tình đối với bệnh nhân phải được mọi người thực hiện, có thể được coi như việc chuẩn bị cho Tin Mừng và phần nào tham gia vào tác vụ thương người của Chúa Kitô (HT 28).

Bởi đó, tất cả mọi người đã được rửa tội nên tham gia tối đa vào tác vụ tương ái này trong nhiệm thể Chúa Kitô, trong việc chiến đấu với bệnh tật, trong việc yêu thương bệnh nhân, cũng như trong việc cử hành các bí tích cho bệnh nhân. Vì chưng, cũng như các bí tích khác, các bí tích này có tính cộng đồng, là tính phải được bộc lộ ra trong khi cử hành (XD 32-33).



  1. Phận sự của các thân nhân

Trong tác vụ thương người này, các thân nhân và những ai bất cứ vì lý do nào có nhiệm vụ săn sóc bệnh nhân đều phải tham dự cách đặc biệt. Trước hết họ phải dùng lời nói đức tin và lời cầu nguyện chung mà khích lệ bệnh nhân, dâng bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh, hơn nữa khuyên bảo bệnh nhân vui lòng kết hiệp với cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Kitô để mưu ích cho dân Thiên Chúa (HT 21). Khi cơn bệnh trở nên trầm trọng, họ phải báo cho cha sở và dùng lời lẽ nhân đạo khôn ngoan chuẩn bị bệnh nhân lãnh nhận các bí tích vào lúc thuận tiện. (XD 34).


  1. Phận sự của cha sở và các linh mục

Các linh mục, nhất là các cha sở và những vị có nhiệm vụ săn sóc các linh hồn, phải nhớ rằng các ngài có bổn phận năng đích thân thăm viếng bệnh nhân và lấy tình bác ái dồi dào mà giúp đỡ họ. Nhưng nhất là khi ban các bí tích, các ngài phải khích lệ lòng trông cậy của những người tham dự và nâng đỡ lòng tin của họ vào Đức Kitô đau khổ và vinh hiển hầu mang tình yêu thương của Hội Thánh Mẹ hiền và sự yên ủi của đức tin mà nâng đỡ những người có tín ngưỡng, đồng thời hướng những kẻ khác về thế giới siêu nhiên.

Để có thể dễ nhận thấy những điều đã nói về bí tích xức dầu và của ăn đàng, và để có thể nuôi dưỡng, nâng đỡ và bộc lộ đức tin cách dồi dào hơn, thì điều tối quan trọng là dùng giáo lý thích hợp mà hướng dẫn các tín hữu nói chung, cũng như các bệnh nhân nói riêng, để chuẩn bị việc cử hành hoặc việc họ tham dự tích cực vào nghi thức, nhất là khi cử hành chung. Vì chưng lời nguyện phát xuất từ đức tin đi đôi với việc cử hành bí tích được chính việc tuyên xưng đức tin ấy nâng đỡ.

Khi chuẩn bị và tổ chức việc cử hành các bí tích, vị linh mục phải tìm hiểu về bệnh nhân, hầu có thể có ý niệm rõ rệt về người ấy trong việc sắp đặt nghi thức, trong việc chọn bài Kinh thánh và các lời nguyện, trong việc có nên dâng lễ hay không và việc trao của ăn đàng ... Tất cả những điều đó, tùy hoàn cảnh, phải xếp đặt trước với chính bệnh nhân hay gia đình bệnh nhân, giải thích ý nghĩa bí tích cho họ (XD 35-37).

V. NhỮng thích nghi


  1. Những thích nghi thuộc thẩm quyền HĐ GM

Chiếu theo Hiến chế về phụng vụ số 63b, trong các sách Nghi thức riêng, các Hội đồng Giám mục có thẩm quyền soạn thảo một nghi thức phù hợp với nghi thức Roma này, thích ứng với những nhu cầu của từng địa phương để sử dụng trong các địa phương thuộc quyền, sau khi bản văn đã được Tòa Thánh chấp thuận.

Trong việc đó, các Hội đồng Giám mục phải :

a. Qui định những thích nghi như đã đề cập tới trong số 39 của Hiến chế về phụng vụ.

b. Cẩn thận và khôn ngoan xem xét có thể nên chấp nhận những gì phát xuất từ các truyền thống và tinh thần của mỗi dân tộc: sau đó đề nghị với Tòa Thánh những thích nghi khác được coi như hữu ích hay cần thiết, rồi đưa vào ;nghi thức khi Tòa Thánh đã phê chuẩn.

c. Nên giữ lại những yếu tố riêng ghi trong sách các Nghi thức địa phương đang sử dụng liên quan đến bệnh nhân, nếu có, miễn là có thể phù hợp với Hiến chế về phụng vụ và các nhu cầu hiện đại, hoặc nên thích nghi.

d. Chuẩn bị dịch các bản văn thế nào để thích ứng với đặc tính các ngôn ngữ khác nhau và với tinh thần văn hóa, đồng thời thêm điệu nhạc thích hợp cho bài hát mỗi khi thuận tiện.

e. Nếu cần, thích nghi và bổ túc những điều cần biết trước có sẵn trong Nghi thức Roma để làm cho việc các tín hữu tham dự được ý thức và linh động.

f. Trong việc xuất bản các sách phụng vụ do Hội đồng Giám mục soạn thảo, phải xếp đặt nội dung cách nào coi như thích hợp nhất với việc sử dụng trong mục vụ.

Khi sách Nghi thức Roma trình bày nhiều công thức để tùy nghi lựa chọn, các sách Nghi thức riêng có thể thêm các công thức cùng loại (XD 38-39).


  1. Những thích nghi thuộc thẩm quyền thừa tác viên

Thừa tác viên, khi lưu ý tới những hoàn cảnh và những nhu cầu khác, cũng như lưu ý tới các nguyện vọng của bệnh nhân và các tín hữu khác, hãy vui lòng sử dụng các quyền hạn dành cho mình trong nghi lễ.

a. Trước hết, phải lưu ý tới sự mệt nhọc của bệnh nhân và những thay đổi tình trạng sức khỏe của họ từng ngày hay có khi từng giờ. Bởi đó, nếu cần, có thể rút vắn việc cử hành lại.

b. Khi không có cộng đồng tín hữu tham dự, linh mục cũng vẫn phải nhớ Hội thánh hiện diện trong chính mình và trong bệnh nhân rồi. Vậy hoặc trước hoặc sau khi cử hành bí tích, tự mình, hay nếu bệnh nhân đồng ý, nhờ một Kitô hữu khác thuộc cộng đoàn địa phương đến bày tỏ tình yêu thương và sự giúp đỡ của cộng đoàn cho bệnh nhân ấy.

c. Nếu sau khi xức dầu mà bệnh nhân khỏe lại, nên khuyên người ấy tỏ lòng biết ơn cho phải phép vì hồng ân đã lãnh được, ví dụ bằng cách tham dự thánh lễ để tạ ơn Chúa hay cách nào khác thích hợp.

Vì thế, trong khi cử hành, hãy tuân giữ cơ cấu nghi lễ đã được thích nghi với hoàn cảnh, nơi và người. Tùy nghi cử hành việc sám hối ngay đầu nghi thức hoặc sau bài đọc Thánh Kinh. Thay vì đọc lời tạ ơn trên dầu, nếu cần thì nói mấy lời khuyên bảo. Đó là điều phải luôn luôn lưu ý, nhất là khi bệnh nhân nằm ở nhà thương và nhiều bệnh nhân khác có khi cùng nằm một nơi, họ không tham dự gì vào nghi thức cử hành.

ChƯƠNG II: NHỮNG MẦU CỬ hành
trong NHỮNG HOÀN CẢNH khác nhau


I. Thăm viẾng và cho bỆnh nhân rưỚc lỄ


  1. Thăm viếng bệnh nhân

Mọi tín hữu, nhất là cha sở và những ai có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, phải năng thăm viếng họ để an ủi giúp đỡ họ trong mọi sự. Nên lấy những lời đầy tin tưởng giải thích cho họ ý nghĩa của bệnh tật trong mầu nhiệm cứu độ, giúp họ biết dùng ánh sáng đức tin mà kết hợp với Chúa Kitô đau khổ, biết dùng việc cầu nguyện mà thánh hóa cơn bệnh và tìm ở đó sức mạnh tâm hồn để chịu đựng đau khổ. Cũng phải cố gắng từ từ đưa bệnh nhân đến chỗ năng xưng tội và rước lễ, nhất là giúp họ lãnh nhận bí tích xức dầu và của ăn đàng lúc thuận tiện.

Nên giúp bệnh nhân biết cầu nguyện một mình cũng như với người khác, nhất là biết dùng Kinh thánh để cầu nguyện, như lấy những tâm tình từ các thánh vịnh. Đôi khi linh mục cũng nên sẵn sàng cầu nguyện chung với họ. Cũng có thể dùng những yếu tố thích hợp mà tổ chức việc cầu nguyện chung theo thể thức cử hành Lời Chúa cách vắn tắt; sau cùng cũng có thể tùy tiện đặt tay trên bệnh nhân và ban phép lành cho họ (XD 42-45).



  1. Cơ cấu chung cho bệnh nhân rước lễ

Các vị coi sóc linh hồn phải lo sao cho các bệnh nhân, những người già yếu, dù không có đau nặng đến nổi liệt giường liệt chiếu được năng rước lễ, hay rước lễ hằng ngày, đặc biệt là trong mùa Phục Sinh. Việc rước lễ có thể thực hiện bất cứ giờ nào, và bệnh nhân nào không thể rước lễ dưới hình bánh thì có thể rước lễ dưới hình rượu. Cũng có thể cho những người coi bệnh được rước lễ chung với bệnh nhân.

Nên bảo người nhà dọn phòng trước cho sạch sẽ, kê một bàn có trải khăn để đặt Mình Thánh. Và nếu tiện, thì cũng nên có bình đựng nước thánh và que rảy (XD 46,48).

Các mẫu cử hành cho bệnh nhân thường có cơ cấu chung sau:

a. Chào chúc bệnh nhân và rảy nước thánh

b. Ban bí tích giải tội hoặc cử hành nghi thức sám hối (Trong nghi thức xức dầu hoặc ban của ăn đàng thường có ban ơn toàn xá sau nghi thức sám hối)

c. Đọc và giải thích Lời Chúa

d. Tuyên xưng đức tin (khi ban của ăn đàng)

e. Kinh cầu (khi xức dầu và ban của ăn đàng)

f. Ban bí tích (xức dầu hoặc cho rước lễ)

g. Lời nguyện kết thúc vàban phép lành.



Có hai nghi thức cho rước lễ, nghi thức thông thường và nghi thức vắn tắt.

  1. Nghi thức thông thường cho bệnh nhân rước lễ

Linh mục mặc phẩm phục xứng hợp với tác vụ thánh này, rồi lại gần bệnh nhân, chào bệnh nhân và những người hiện diện, bằng những lời sau đây hoặc tương tự :

Bình an cho nhà này và mọi người trong nhà. hoặc :

Bình an của Chúa ở cùng anh chị em

Tiếp đó, nếu tiện, rảy nước thánh với công thức sau đây hoặc công thức riêng khác :

Xin cho nước này nhắc lại bí tích rửa tội đã lãnh nhận, và kính nhớ Đức Kitô, Đấng đã chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta

* Nếu cần, thì hãy giải tội cho bệnh nhân

* Khi bệnh nhân không xưng tội, hoặc khi có những người khác rước lễ, thì cử hành nghi thức sám hối như trong thánh lễ.

* Đọc và giải thích Lời Chúa (Một trong những người hiện diện hoặc chính linh mục đọc một đoạn Kinh thánh, và nếu tiện, nói mấy lời giải thích.

* Linh mục mời gọi và mọi người đọc kinh Lạy Cha


tải về 497.83 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương