NHỮng chữ viết tắT



tải về 497.83 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích497.83 Kb.
#13373
1   2   3   4   5

Mặc dầu nghi thức mới rất phong phú, nhưng không vì thế mà dài hơn nghi thức cũ vì có những phần để tự do. Những yếu tố mới đưa vào làm cho phụng vụ sám hối cá nhân trở nên phong phú đáng kể. Điểm thay đổi quan trọng nhất là công thức giải tội. Trước đây có 4 kinh, giờ đây chỉ còn một công thức duy nhất được kết thúc bằng những lời do Công đồng Trento xác định: Cha tha tội. ! Chúng ta hãy đi vào từng điểm

  1. Tiếp nhận hối nhân

Cả linh mục lẫn hối nhân phải dọn mình bằng cầu nguyện. Có thể làm riêng, nhưng cũng có thể làm chung “Linh mục kêu cầu Chúa Thánh Thần để lãnh nhận từ nơi Người ánh sáng và tình thương; còn hối nhân thì đối chiếu cuộc sống mình với gương sáng và giới răn của Đức Kitô, và kêu xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho mình”(PO 15).

Linh mục đón tiếp hối nhân với tình bác ái huynh đệ, và nếu cần chào hỏi hối nhân với những lời lịch thiệp. Hối nhân làm dấu thánh giá trên mình. Nếu tiện, linh mục cùng làm dấu với hối nhân.

Linh mục dùng công thức vắn tắt kêu mời hối nhân tin tưởng vào Thiên Chúa. Có thể dùng lời sau đây hay những lời tương tự:

“Xin Thiên Chúa là Đấng đã soi sáng tâm hồn chúng ta, ban cho con (ÔBACE) biết theo chân lý mà nhìn nhận tội lỗi con (ÔBACE) và lòng từ bi của Người”.

Hối nhân thưa : Amen (OP 41)

Nếu cha giải tội không quen hối nhân, thì hối nhân tùy nghi cho ngài biết hoàn cảnh của mình (độc thân hay có đôi bạn, là cha, mẹ trong gia đình, hay sống đời tận hiến), thời gian xưng tội lần cuối cùng, những khó khăn trong việc giữ đạo và những việc khác xét ra hữu ích giúp cha giải tội thi hành tác vụ của mình.


  1. Đọc Lời Chúa

Công đồng truyền phải làm sáng tỏ mối liên kết chặt chẽ giữa nghi thức và lời đọc trong phụng vụ (PV 35). Thế mà, nghi thức cũ không dành một chỗ nào cho việc đọc Lời Chúa. Nghi thức mới khuyên đọc Lời Chúa, sau phần tiếp nhận và trước khi thú tội. Có thể linh mục đọc cho hối nhân nghe, hay hối nhân tự đọc lấy. Cũng có thể cử hành Lời Chúa chung cho một nhóm, trước khi tiếp nhận từng người. Có thể đọc những bài dài: một Cựu ước, một Tân ước; nhưng cũng có thể là linh mục trích thuộc lòng những câu vắn ghi ở các số 72-83 (OP 17)

Lời Chúa sẽ soi sáng để hối nhân nhận biết tội lỗi của mình, kêu mời họ trở về và tin tưởng vào lòng từ bi của Thiên Chúa.



  1. Xưng tội và nhận việc đền tội

Những điều cần biết trước số 18 và những lời chỉ dẫn trong nghi thức số 44 bổ túc lẫn cho nhau với mục đích giúp hối nhân xưng thú đầy đủ tội lỗi mình cũng như giúp linh mục thi hành tác vụ hướng dẫn hối nhân và ra việc đền tội cho họ.

Hối nhân có thể bắt đầu bằng đọc kinh ‘Cáo mình’, nhưng không buộc đọc. Nếu cần, linh mục có thể giúp hối nhân xét mình và xưng thú đầy đủ các tội lỗi. Sau đó, linh mục nên khuyên giục hối nhân thực tâm ăn năn hối cải trong niềm cậy trông vào Thiên Chúa. Nên nhắc nhở cho họ biết là qua bí tích sám hối, họ được tham dự trực tiếp vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, được canh tân trong mầu nhiệm phục sinh bằng cái chết và sống lại với Người. Trong cách nói, cũng như trong việc chỉ bảo, linh mục phải liệu thích ứng sao cho hợp với tình trạng của hối nhân.

Sau đó, linh mục giao việc đền tội. Việc đền tội này không những có mục đích sửa chữa những lỗi lầm quá khứ, nhưng nhất là để đổi mới cuộc sống. Vì thế, nó phải tương xứng tới mức độ có thể với tội nặng nhẹ và với bản tính của tội cũng như của hối nhân. Việc đền tội có thể tùy nghi thực hiện bằng cách đọc kinh, hãm mình, nhưng nhất là phục vụ anh em và thực thi các công việc từ thiện bác ái, nhờ đó tội lỗi được đưa ra ánh sáng đồng thời việc tha tội cũng mang tính chất xã hôi (x. OP 18).


  1. Hối nhân cầu nguyện và linh mục đọc lời tha tội

Cả những điều cần biết trước cả nghi thức giao hòa đều không xác định vè cử chỉ của linh mục cũng như hối nhân trong chính tác động giao hòa đúng nghĩa, vì các trường hợp cụ thể rất khác biệt nhau. Đã rõ, thông thường, thì hối nhân quì, hay nếu đứng, thì cúi mình xin Chúa tha tội. Linh mục có thể ngồi, nếu hối nhân quì, đặc biệt là khi sử dụng tòa có vách ngăn. Nếu bí tích sám hối được cử hành diện đối diện, thì linh mục nên đứng, vì khi đó việc đặt tay được thực hiện cách rõ ràng và nghiêm túc hơn. Đàng khác, cũng không nên quên rằng công thức giải tội là một kinh nguyện hơn là một bản án12

Linh mục kêu mời hối nhân cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội lỗi. Đây có thể là lời nguyện tự phát. Tuy nhiên sách nghi thức cũng đưa ra những mẫu kinh để giúp những người không biết cầu nguyện tự phát (OP 85-92). NĐCBT khuyên nên đọc những kinh nguyện trích trong Kinh thánh. Tuy nhiên, kinh được đề nghị ưu tiên trong NTGH lại là những lời kinh có lẽ phát xuất từ một cuốn giáo lý cổ xưa. Kinh ấy như sau :

Lạy Chúa, con hết lòng ăn năn đau đớn về mọi điều xấu con đã làm và về việc lành con đã bỏ qua, vì khi phạm tội, con đã xúc phạm đến Chúa là Đấng rất tốt lành và đáng yêu mến trên hết mọi sự. Nhờ ơn Chúa giúp, con dốc quyết ăn năn hối cải, từ nay không phạm tội nữa, và xa lánh các dịp tội. Lạy Chúa, xin thương xót con vì công nghiệp cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng con:” (OP 45).

Hoặc: “ Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,


xin thương xót con là kẻ có tội
” (OP 92).

Sau đó, linh mục sẽ giang hai tay, hoặc ít là tay phải trên hối nhân để đọc lời tha tội. Việc đặt tay là nghi thức đặc biệt trong việc giao hòa hối nhân của thời xa xưa. Có lẽ vì ảnh hưởng của thánh Toma 1 người quả quyết rằng nghi thức bí tích sám hối không cần đến một ngôn từ hay một cử chỉ bên ngoài nào mà nghi thức đặt tay này dần dần bị quên lãng. Sách các phép 1614 đã lấy lại, nhưng vì phải sử dụng tòa giải tội có vách ngăn, nên việc giơ tay đã mất hết ý nghĩa rõ ràng của nó. Việc đặt tay trong bí tích rửa tội, chỉ việc tiếp nhận người dự tòng nhân danh Chúa; trong bí tích thêm sức và truyền chức, nó chỉ việc ban Chúa Thánh Thần; còn trong bí tích sám hối, nó chỉ sự tha tội, cũng là tác động của Chúa Thánh Thần, như kinh đọc kèm theo nói lên điều đó13.

Kinh tha tội đã được đổi mới hoàn toàn trong phần đầu. Thay vì bốn kinh lặp đi lặp lại trong nghi thức cũ, giờ đây chỉ còn một kinh duy nhất. Phần giải vạ đã được tách rời thành một công thức riêng, và chỉ đọc khi cần thiết (phụ lục I). Thay lời kêu cầu vắn tắt hướng về Chúa Kitô, một kinh nguyện mới hướng về Ba Ngôi Thiên Chúa với một nội dung phong phú, đã được thay thế. Sau đây là nguyên văn công thức giải tội mới :

Thiên Chúa là Cha hay thương xót, Chúa đã nhờ sự chết và sự sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa, và ban Thánh Thần để tha tội, xin Chúa dùng tác vụ của Hội thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy, Cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Hối nhân thưa : Amen.

Trong công thức, những lời : ‘Vậy, Cha tha tội ...’ là những lời thiết yếu. Bởi đó, trong trường hợp khẩn cấp, chỉ đọc những lời ấy là đủ rồi (OP 19 và 21). Khi đọc các lời này, linh mục làm dấu thánh giá trên hối nhân.



Công thức giải tội nói lên việc giao hòa hối nhân phát xuát từ lòng thương xót của Thiên Chúa; cho thấy mối liên kết giữa việc giao hòa hối nhân với mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, làm nổi bật tác động của Chúa Thánh Thần trong việc tha thứ tội lỗi; sau cùng làm sáng tỏ khía cạnh Giáo Hội qua bí tích, vì việc giao hòa với Thiên Chúa được kêu xin và trao ban qua thừa tác vụ của Hội thánh (OP 19).

Cũng cần nhấn mạnh hai khía cạnh đặc biệt của công thức giải tội mới: tính Ba Ngôi và tính Kinh thánh. Không những Ba Ngôi đã được nhắc tới, mà hoạt động của các Ngôi được trình bày theo thứ tự trong nhiệm cục cứu độ. Mọi sự xuất phát từ Chúa Cha; việc giao hòa chúng ta là do sáng kiến của Chúa Cha và được thực hiện nhờ sự chết và sự sống lại của Con Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu Kitô; Ơn giao hòa được ban cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho chúng ta như hiệu quả của sự phục sinh của Chúa Kitô; sau hết, việc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng là tình yêu thương được thể hiện trong Hội thánh, và qua tác vụ của Hội thánh, mà Hội thánh ấy là vinh quang của Chúa Cha, Thân Thể của Chúa Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Những từ dùng để diễn tả giáo lý giao hòa không những được lấy trong Thánh Kinh, mà phần lớn lấy của thánh Phaolô, rút trong thư II gởi giáo dân Co-rin-tô. Trong chương I, thánh Phaolô tạ ơn Thiên Chúa là “Cha hay thương xót” (c. 3) vì “Người luôn luôn nâng đỡ chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách” (c.4). Trong chương V, sau khi nhắc lại là Chúa Kitô đã chết và sống lại vì phần rỗi mọi người... (c.14-15) Thánh nhân tuyên bố rằng: “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã trao cho chúng tôi đây chức vụ giao hòa. Thật vậy, trong Đức Kitô, Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời giao hòa” (18-19). Câu và ban Thánh Thần để tha tội gợi lại biến cố Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ chiều ngày Phục sinh, trong đó Ngài đã nói : “Hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì họ sẽ được tha” (Ga 20,23). Dĩ nhiên, chức vụ giao hòa mà thánh Phaolô nói tới, cũng như quyền tha tội mà Chúa Giêsu ban cho các tông đồ (Mt 16,19; 18,18) bao gồm một lãnh vực rộng lớn hơn là bí tích sám hối, tuy nhiên bí tích này là một trong những biểu thị đặc biệt nhất của chức vụ và quyền hành này.


  1. Ca tụng Thiên Chúa và cho hối nhân ra về

Theo nghi thức, thì đọc công thức tha tội xong, Linh mục nói với hối nhân: Chúng ta hãy ca tụng Chúa, vì Người nhân lành. Hối nhân đáp: Vì lòng từ bi của Người tồn tại muôn đời. Sau đó, linh mục cho hối nhân về và nói:Chúa đã tha tội cho con, con về bình an.

Thật là tự nhiên: sau khi loan báo cho hối nhân rằng họ đã được giao hòa với Thiên Chúa qua tác vụ của Hội thánh, thì linh mục mời gọi họ ca tụng Thiên Chúa và tạ ơn Người. Tuy nhiên, việc ca tụng Thiên Chúa trong nghi thức cử hành bí tích sám hối còn có một ý nghĩa đặc biệt. Thực vậy, từ confiteri trong Thánh kinh có khi có nghĩa là tuyên xưng đức tin (1Ga 2,23), có khi lại chỉ việc thú tội (Gc 5,16) có khi lại có nghĩa là chúc tụng, tạ ơn Chúa (Mt 111,25). Nghĩa thứ ba này thông dụng hơn. Chính vì thế, mọi người đều thấy là cuốn confessiones (Thú tội) của thánh Augustino không có chủ đích là kể lại những sự yếu đuối của ngài, nhưng là để ca tụng lòng từ bi thương xót Chúa qua các biến cố cuộc đời của ngài. Bởi vậy, sau khi xưng thú tội lỗi mình và đã được tha, hối nhân cũng cần xưng tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa mà tạ ơn Người.

Công thức cho hối nhân ra về nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói với người bất toại và người thiếu phụ tội lỗi, sau khi loan báo là đức tin của họ đã cứu chữa họ.

Chúa đã tha tội cho con (Mt 9,5)

Con về bình an (Lc 7,50).

Nghi thức còn chỉ một số câu khác (số 93) để tùy nghi sử dụng, vd. Con về bằng an và loan báo cho thế giới biết những việc lạ lùng của Thiên Chúa, là Đấng đã cứu chuộc con.

Sự bình an mà linh mục chúc cho hối nhân là hồng ân ưu việt, là công thức tha tội đã khẩn cầu. Nó là hoa quả của cây Thánh giá, là kết quả và là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong con người đã được đổi mới. Vì thế, nói lên lời chúc bình an để kết thúc nghi thức cử hành bí tích giao hòa, thật là đẹp.

iii. nghi THỨC giao hòa NHIỀU HỐI nhân
xưng tỘI và GIẢI TỘI TỪNG NGƯỜI


  1. Hoàn cảnh để cử hành

Nơi nào có nhiều hối nhân tập hợp lại cùng một trật để lãnh nhận ơn giao hòa trong bí tích, thì nên chuẩn bị họ bằng nghi thức cử hành Lời Chúa. Cả những tín hữu sẽ đi xưng tội vào lúc khác cũng có thể tham dự nghi thức cử hành này.

Việc cử hành như vậy nói lên cách rõ ràng hơn tính cách cộng đồng của việc sám hối. Bởi vì các tín hữu cùng nhau nghe Lời Chúa, công bố lòng từ bi của Chúa kêu mời họ trở về, và họ cùng nhau cân nhắc việc làm cho đời sống phù hợp với Lời Chúa vừa mới nghe, lại giúp đỡ nhau bằng lời cầu nguyện.

Có thểmời nhiều linh mục để nghe thú tội và giao hòa từng người


  1. Nghi lễ mở đầu (OP 23; 48-50)

Khi các tín hữu đã tụ họp, có thể tùy nghi hát một bài thích hợp. Sau đó linh mục chủ sự dùng những lời sau đây, hoặc những lời tương tự để chào những người hiện diện :

Nguyện xin ân sủng, lượng từ bi và phúc bình an bởi Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta ở cùng anh chị em.

Đáp : Và ở cùng Cha.

Kế đến, chủ sự hoặc một thừa tác viên khác nói vắn tắt ít lời giúp giáo dân hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa việc cử hành cũng như thứ tự phải giữ. Đoạn chủ sự kêu gọi mọi người cầu nguyện như sau hoặc tương tự :



Anh chị em, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Đấng kêu mời chúng ta trở về, ban cho chúng ta ơn sám hối thật sự và hữu hiệu.

Thinh lặng cầu nguyện giây lát, rồi chủ sự đọc lời nguyện:

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa nhậm lời chúng con cầu khẩn và tha thứ các tội lỗi chúng con thú nhận cùng Chúa, để chúng con được Chúa thương ban ơn tha thứ và bình an. Nhờ Đức Kitô ...

Đáp : Amen.

  1. Cử hành Lời Chúa (OP 24-26; 51-53)

Phải bắt đầu việc cử hành bí tích sám hối bằng nghe Lời Chúa, vì Thiên Chúa dùng lời Ngài mà kêu gọi người ta sám hối và hướng dẫn họ thật tâm quay trở về với Ngài.

1. Các bài Thánh Kinh

Có thể chọn một hoặc nhiều bài đọc. Nếu đọc nhiều bài thì cho xen kẽ một thánh vịnh hoặc một bài ca thích hợp, hoặc giữ thinh lặng giây lát để Lời Chúa được thấu hiểu cách sâu rộng hơn và để tâm hồn hòa nhịp với Lời Chúa. Nếu chỉ đọc một bài thì nên đọc bài Tin Mừng. Đặc biệt nên lựa chọn những bài có ý nghĩa sau :

a. Tiếng Chúa kêu gọi mọi người trở về và sống theo gương mẫu Chúa Kitô.

b. Trình bày cho mọi người thấy mầu nhiệm giao hòa được thực hiện nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô cũng như hồng ân của Chúa Thánh Thần.

c. Trình bày việc Thiên Chúa xét xử mọi việc trong đời sống con người để giúp soi sáng lương tâm và giúp xét mình.

NTGH số 51 có đưa ra hai mẫu với những bản văn sau :

Mẫu I : Tình yêu là sự viên mãn của lề luật

Bài đọc I : Nl 5,1-3; 6-7; 11-12a; 6,4-6


“Hãy yêu mến Chúa là TC ngươi hết lòng”

Đáp ca : Baruch 1,15-22


Câu đáp: Lạy Chúa, xin lắng nghe và thương xót, vì Chúa là Đấng hay thương xót

Bài đọc II : Eph 5,1-14


“Hãy sống trong tình yêu,
như Chúa Kitô đã yêu chúng ta”


Câu xướng trước TM: Ga 8,12:
Ta là sự sáng thế gian,
ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm”
Bài TM : Mt 22,34-40
“Tất cả lề luật và tiên tri
đều căn cứ trên hai giới luật đo”.

Hoặc : Ga 13,34-35; 15,10-13


“Thầy ban cho chúng con một giới răn mới”.

Mẫu II: Hãy canh tân trong lòng anh em

Bài đọc I : Is 1,10-18


Đừng làm điều xấu, hãy làm điều lành”

Đáp ca : Tv 50 (đặc biệt câu 18-19)


Hiến lễ dâng Thiên Chúa là tâm hồn tan nát”

Bài đọc II : Ep 4,23-32


“Anh em hãy canh tân trong tâm hồn anh em”

Câu xướng trước TM: Mt 11,28


“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gồng gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi”.

Tin Mừng : Mt 5,1-12


“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”

2. Bài giảng

Bài giảng phải dựa theo các bản văn Thánh Kinh, hướng dẫn các hối nhân xét mình, từ bỏ tội lỗi và trở về cùng Thiên Chúa. Nên gợi cho các tín hữu nhớ rằng tội lỗi phản nghịch cùng Thiên Chúa, chống lại cộng đồng và tha nhân, cũng như chống lại chính kẻ có tội. Bởi vậy có thể tùy nghi nhắc lại :

a. Lòng thương xót của Chúa thì vô cùng, nó lớn hơn mọi tội lỗi, vì thế Ngài luôn kêu mời chúng ta trở về với Ngài.

b. Cần thiết phải thống hối nội tâm, qua đó chúng ta sẵn sàng đền bù những thiệt hại tội lỗi đã gây nên.

c. Tính xã hội của ơn thánh và tội lỗi, qua đó hành vi của một người ảnh hưởng tới tất cả thân thể của Hội thánh.



d. Việc đền tội của chúng ta được có giá trị là nhờ vào việc đền tội của Chúa Kitô, và ngoài việc đền tội, nó còn đòi ta trước hết phải thực thi đức ái chân chính đối với Thiên Chúa và với tha nhân.

  1. Xét mình, ăn năn tội

Giảng xong, rất nên dành ít phút thinh lặng để xét mình và giục lòng thống hối thực sự. Chính chủ sự hoặc phó tế hay một thừa tác viên nào khác có thể giúp các hối nhân bằng những câu vắn tắt, hoặc một vài lời cầu xin đối đáp, tùy theo tình trạng, địa vị và tuổi tác của họ.

Nếu tiện, có thể thay thế bài giảng bằng việc xét mình và ăn năn tội chung như nói ở trên. Nhưng luôn phải dựa vào các bản Kinh thánh vừa mới đọc.

1. Nghi thức giao hòa (OP 27-30; 54-59)

  1. Thú tội chung

Sau khi xét mình và ăn năn tội, phó tế hoặc một thừa tác viên khác kêu mời mọi người quì gối hoặc cúi mình, đọc công thức xưng tội chung (vd. Kinh cáo mình), đoạn mọi người đứng lên, tùy nghi đọc lời cầu xin đối đáp hay hát bài thích hợp nói lên sự thú nhận tội lỗi, ăn năn thật lòng, xin ơn tha thứ và tin tưởng vào lòng từ bi của Thiên Chúa. Sau cùng luôn luôn phải đọc kinh Lạy Cha.

Mẫu thú tội chung

Lời kêu mời :

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ lại lòng nhân hậu của Thiên Chúa là Cha chúng ta, mà thú nhận tội lỗi để lãnh nhận lòng thương xót của Người.

Mọi người đọc:

Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa…

Thừa tác viên:

Chúng ta có Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc chúng ta, là vị trạng sư công chính trước tòa Chúa Cha, vậy chúng ta hãy khiêm tốn nài xin Chúa tha tội và tẩy rửa chúng ta sạch mọi điều gian ác.

+ Chúa đã được sai đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó và chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn.

Mọi người đáp:

Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ có tội. Hoặc : Lạy Chúa xin thương xót con!

+ Chúa đã tha thứ nhiều cho người phụ nữ vì người ấy đã yêu mến Chúa nhiều.

+ Chúa không đến kêu gọi những người công chính, nhưng kêu những người tội lỗi.

+ Chúa đã không khước từ tiếp xúc với những người thu thuế và tội lỗi.

+ Chúa đã vác chiên lạc trên vai và đem về đàn.

+ Chúa đã không kết án người phụ nữ ngoại tình, nhưng đã cho về bình an.

+ Chúa đã kêu gọi Gia-kêu, người thu thuế, ăn năn hối cải và sống đời sống mới.

+ Chúa đã hứa ban thiên đàng cho người trộm lành ăn năn sám hối.

+ Chúa ngựbên hữu Đức Chúa Cha và hằng sống để cầu bầu cho chúng con.

Thừa tác viên :

Bây giờ, như chính Chúa Kitô truyền dạy, chúng ta hãy cầu xin Chúa tha tội cho chúng ta như chúng ta tha lỗi cho nhau.

Mọi người :

Lạy Cha chúng con , Đấng ngự trên trên trời

Chủ sự kết:

Lạy Chúa, Chúa đã ban ơn nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, chúng con nài xin Chúa cho chúng con được vui mừng đón nhận hiệu quả việc sửa đổi sự yếu hèn chúng con và chứng minh hiệu quả ấy bằng một đời sống đạo đức. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Mọi người: Amen.

  1. Từng người xưng tội và lãnh phép giải tội

Các hối nhân đến với các linh mục ngồi ở những nơi thích hợp. Từng người một xưng tội với các ngài, nhận việc đền tội và lãnh phép giải tội. Khi đã nghe hối nhân xưng tội xong, và tùy nghi, sau khi ban lời khuyên bảo thích hợp, bỏ những chi tiết thường cử hành trong việc giao hòa từng hối nhân (bỏ lời kêu mời và lời cầu nguyện của hối nhân), linh mục giơ hai tay, hay ít là tay phải trên đầu hối nhân và đọc công thức giải tội.

  1. Ca tụng lòng từ bi Chúa

Giải tội từng người xong, linh mục chủ sự, có sự hiện diện của các cha giải tội khác, kêu mời mọi người tạ ơn Chúa và khuyến khích họ thi hành việc thiện, nhằm biểu lộ sự thống hối trong đời sống mỗi cá nhân và đời sống cộng đoàn. Vì thế nên hát thánh vịnh hay bài ca thích hợp hoặc lời cầu đối đáp để tuyên xưng quyền năng và lòng từ bi của Thiên Chúa (Vd. bài Magnificat, Tv 135, 1-9; 13-14; 16; 25-26).

  1. Lời nguyện kết thúc

Sau bài hát hay lời cầu đối đáp, chủ sự kết thúc lời nguyện chung như sau :

Lạy Thiên Chúa toàn năng và từ bi, Chúa đã tác thành con người cách lạ lùng và đã tái tạo cách lạ lùng hơn. Khi con người phạm tội, Chúa không từ bỏ, nhưng lấy tình phụ tử mà tìm kiếm họ. Chúa đã sai Con Chúa đến thế gian, để nhờ cuộc khổ nạn của Người mà hủy diệt tội lỗi và sự chết, cùng nhờ sự sống lại của Người mà đem lại cho chúng con sự sống và niềm hoan lạc. Chúa đã ban Thánh Thần xuống lòng chúng con, để chúng con được làm con cái và những người thừa hưởng gia nghiệp của Chúa. Chúa hằng canh tân chúng con bằng các nhiệm tích cứu độ, để chúng con thoát ách nô lệ tội lỗi và mỗi ngày được nên giống hình ảnh Con yêu dấu Chúa cách hoàn hảo hơn. Chúng con tạ ơn Chúa vì những việc kỳ diệu do lòng từ bi của Chúa, và cùng với toàn thể Hội thánh, chúng con ca tụng Chúa, hát dâng lên Chúa một bài ca mới, bằng lời nói, bằng tâm hồn và hành động của chúng con. Nhờ Đức Kitô, chúng con nguyện Chúa được vinh hiển trong Chúa Thánh Thần, bây giờ và muôn đời.

Mọi người thưa : Amen.

  1. Ban phép lành và giải tán cộng đồng

Sau kinh tạ ơn, chủ sự ban phép lành cho mọi người :

Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh chị em trong tình yêu Thiên Chúa và trong sự nhẫn nại chịu đựng của Chúa Kitô.

Mọi người thưa: Amen.

Chủ sự:

Để anh chị em tiến bước trên đời sống mới, và sống đẹp lòng Chúa trong hết mọi sự.

Mọi người thưa : Amen.

Chủ sự :

Và xin Thiên Chúa là Cha và Con + và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

Mọi người thưa : Amen.

Bấy giờ chính chủ sự hay một thừa tác viên khác giải tán cộng đồng :

Chúa đã tha tội cho anh chị em; chúc anh chị em ra về bình an.

Mọi người thưa : Tạ ơn Chúa
iv. nghi THỨC giao hòa NHIỀU HỐI nhân
xưng TỘI VÀ GIẢI TỘI chung


  1. Kỷ luật của việc giải tội tập thể (chung)

Giáo luật đ.960-963 đã lấy lại các số 31-34 của NĐCBT và đã qui định như sau :

Việc xưng tội cá nhân và toàn vẹn cùng với việc giải tội làm thành phương thế duy nhất và thông thường, nhờ đó người tín hữu ý thức mình có tội trọng được giao hòa với Thiên Chúa và Hội thánh. Chỉ khi có bất lực thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi việc xưng tội cá nhân. Trong trường hợp ấy, người ta có thể được giao hòa bằng những cách khác (GL đ. 960; x. OP 31).

Như vậy, việc xưng tội cá nhân và giải tội từng người là cách thức thông thường và duy nhất để lãnh nhận bí tích giải tội. Chỉ trong những trường hợp sau đây, mới được xưng tội và giải tội tập thể:

1. Trong lúc nguy tử, mà thấy dù một hay nhiều linh mục cũng không có đủ thời giờ để nghe tội từng người và giải tội riêng (GL đ 961§ 1,1o)

2. Khi có sự khẩn thiết trầm trọng (necessitas gravis), nghĩa là khi thấy con số hối nhân quá đông, nên dù có nhiều cha giải tội cũng không thể nghe xưng tội riêng cho xuể trong một khoảng thời gian thích hợp, và do đó nhiều hối nhân, không vì lỗi riêng, lại không được xưng tội hay không được rước lễ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu chỉ vì con số hối nhân quá đông, và không có đủ số cha giải tội, như trong một dịp đại lễ hay một cuộc hành hương, thì không được kể là có sự khẩn thiết thực sự (vì các hối nhân có thể xưng tội vào ngày khác, hay ở nơi khác, và như vậy không phải đợi một thời gian lâu dài mà không được xưng tội rước lễ) (GL đ 961§1,2o).

Việc thẩm định xem khi nào có sự khẩn thiết trầm trọng thuộc quyền Giám mục giáo phận, sau khi cân nhắc các tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các thành viên khác của Hội đồng Giám mục (GL đ 9612).

Để có thể lãnh bí tích giải tội tập thể cách thành sự, không những người tín hữu phải có những dự kiện thích hợp, mà còn phải dốc lòng, vào lúc thuận tiện, sẽ xưng thú các tội trọng mà lúc này họ không thể xưng được (GL đ. 962§1).

Với hết sức có thể, cả trong trường hợp lãnh bí tích giải tội tập thể, phải nói cho các tín hữu biết những điều kiện phải có như đã nói trên, và trước khi giải tội chung, cả trong trường hợp nguy tử, nếu có thì giờ, còn phải khuyên bảo họ giục lòng ăn năn tội cách trọn (GL đ 962§2).

NĐCBT số 33 đã nói về những dự kiện cần phải có khi lãnh nhận bí tích giải tội tập thể như sau: Đối với các tín hữu, để được hưởng nhờ bí tích giải tội tập thể, thì tuyệt đối đòi buộc họ phải được chuẩn bị thích hợp, nghĩa là mỗi người phải sám hối về tội lỗi mình đã phạm, dốc lòng chừa tội, quyết tâm sửa lại những gương mù và những thiệt hại mà mình có thể đã gây ra, đồng thời phải có ý xưng vào thời gain ấn định từng tội trọng mà hiện nay họ không thể xưng ra được.



Về thời gian phải đi xưng tội riêng sau khi xưng tội tập thể. NĐCBT số 34 qui định: Những ai đã được tha các tội trọng do việc giải tội chung, phải đi xưng tội riêng trước khi giải tội chung lần khác, trừ khi bị ngăn trở vì một lý do chính đáng ... Nhưng tuyệt đối họ phải đến xưng tội với một cha giải tội trong vòng một năm, trừ khi có bất lực luân lý. Bởi vì họ cũng phải giữ luật buộc mọi Kitô hữu phải đi xưng tội với một linh mục ít là một năm một lần tất cả các tội trọng mà họ chưa xưng riêng từng tội với một cha giải tội nào14.

  1. Nghi thức giải tội tập thể (OP 35; 60-66)

Để giao hòa nhiều hối nhân thú tội và lãnh phép giải tội chung trong những trường hợp do luật định, nghi thức giống nghi thức cử hành giao hòa nhiều hối nhân nhưng thú tội và giải tội từng người. Chỉ thay đổi những điểm sau đây :

1. Khuyên bảo

Sau bài giảng, hay trong chính bài giảng, phải khuyên các tín hữu muốn lãnh bí tích giải tội tập thể phải có những điều kiện như đã nói trên. Hơn nữa, phải chỉ việc đền tội để mọi người làm và mỗi người tùy ý có thể làm thêm một ít việc khác.

2. Thú tội chung

Kế đến, chính linh mục hay thừa tác viên nào khác kêu gọi các hối nhân làm dấu gì tỏ ý xin lãnh bí tích giải tội, vd.

Bây giờ những ai muốn lãnh bí tích giải tội, xin cúi mình (hay quì gối) và thú tội chung.

Các hối nhân cúi mình hoặc quì gối đọc công thức thú tội chung, vd.Tôi thú nhận .... Sau đó có thể đọc lời câu đối đáp hoặc hát bài thích hợp. Cuối cùng luôn phải đọc kinh Lạy Cha.

3. Giải tội chung

Linh mục giơ hai tay trên các hối nhân mà ban phép giải tội như sau:

Thiên Chúa Cha, không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống, Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con Chúa đến thế gian, để nhờ Người mà thế gian được cứu độ. Xin Chúa tỏ lòng từ bi và ban ơn bình an cho anh chị em.

Hối nhân đáp: Amen.

Chủ sự :

Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để thánh hóa chúng ta. Người đã ban Thánh Thần xuống trên các thánh tông đồ, để các ngài lãnh nhận quyền tha tội. Xin Người dùng tác vụ của chúng tôi mà cứu anh chị em khỏi sự dữ và ban cho anh chị em được đầy Chúa Thánh Thần.

Hối nhân đáp: Amen.

Chủ sự :

Chúa Thánh Thần, Đấng phù trợ, đã được trao ban cho chúng ta để thứ tha tội lỗi, và trong Người, chúng ta được đến cùng Chúa Cha. Xin Người thanh tẩy và dùng ánh sáng chiếu soi tâm hồn anh chị em, để anh chị em tuyên xưng quyền năng của Đấng đã kêu gọi anh chị em ra khỏi chốn tối tăm vào nơi sáng láng tuyệt vời.

Hối nhân đáp: Amen.

Chủ sự :

Vậy, tôi tha tội cho anh chị em nhân danh Cha và Con + và Thánh Thần.

Hối nhân đáp : Amen

Hoặc dùng công thức giao hòa từng hối nhân, nhưng để ở số nhiều.

4. Tạ ơn và giải tán

Sau đó, linh mục kêu mời mọi người tạ ơn Chúa và tuyên xưng lòng từ bi của Người. Kế đến, hát bài thích hợp. Bỏ lời nguyện kết thúc, linh mục ban phép lành và giải tán như đã nói ở số 106,5.

  1. Nghi thức vắn giải tội tập thể (OP 64-66)

Trong trường hợp rất khẩn cấp, có thể tùy nghi rút ngắn nghi thức giao hòa này. Tùy tiện đọc một bài Thánh kinh ngắn và sau lời khuyên bảo thường lệ, linh mục chỉ việc đền tội và kêu cầu các hối nhân thú tội chung, sau đó ban phép giải tội với công thức giải tội tập thể hay cho từng cá nhân ở số nhiều như đã nói trên.

Trong trưởng hợp nguy tử, linh mục chỉ cần đọc công thức giải tội được rút vắn như sau :

Tôi tha tội cho anh chị em nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần

Mọi người đáp: Amen.

Tín hữu nào nhờ bí tích giải tội chung mà được tha tội trọng, thì buộc phải xưng từng tội trọng ấy trong lần xưng tội riêng đầu tiên sau lần xưng tội chung này.


chƯƠNG iii: NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN HỆ TỚI BÍ TÍCH SÁM HỐI


  1. tải về 497.83 Kb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương